1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

THặ? THỏằoI NAY

Chủ đề trong 'Thi ca' bởi 3dong, 13/07/2007.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. 3dong

    3dong Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    28/02/2006
    Bài viết:
    267
    Đã được thích:
    1
    THặ THỏằoI NAY

    ND - Có lẽ chưa thời kỳ nào phong trào "làm thơ" lại rầm rộ như khoảng mươi năm trở lại đây. Các câu lạc bộ thơ được thành lập khắp nơi: từ phường, xã lên tới các tỉnh, thành phố. Nhưng không thể coi đó là dấu hiệu phát triển của nền thơ nước nhà.

    Năm 2006, đã thành lập CLB thơ cấp toàn quốc, lấy tên là Câu lạc bộ thơ Việt Nam. Ðại hội thành lập tổ chức tại Hà Nội, người làm thơ các địa phương trên cả nước về dự.

    Tôi đã thấy tạp chí đăng sáng tác thơ của CLB này, tạp chí Hương Việt Nam, một số in tới 2.000 bài thơ của 1.300 tác giả, có in ảnh và ghi chú tiểu sử. Chưa thấy tạp chí ở đâu có dung lượng lớn như vậy, kể cả ở nước ngoài. Một tập tuyển dày nghìn trang, bìa cứng, khổ to, in thơ của các "thi huynh thi hữu" cũng đã được xuất bản. Chỉ riêng các tác giả có bài in mua mỗi người một cuốn thì lượng in cũng đã hàng nghìn bản.

    Có CLB đã tổ chức hội thảo thơ của hội viên mình tại địa danh tiêu biểu Văn Miếu, tự đặt tên Hội thảo khoa học, cũng có tham luận về thân thế sự nghiệp, như hội thảo văn chương của các danh nhân cổ điển Nguyễn Du, Nguyễn Trãi...

    Tất cả kinh phí hoạt động của các câu lạc bộ, từ đại hội đến họp hành, đi thăm các di tích, thắng cảnh đến in sách báo tạp chí, thuê hội trường hay "hợp đồng" truyền hình, đều do các hội viên nhiệt tình đóng góp. Phong trào hoàn toàn tự nguyện, tự phát, tự túc mà quy mô đến như vậy chứng tỏ lòng ngưỡng mộ thơ và khát vọng làm thơ của bà con ta lớn lắm.

    Tầng lớp dân cư nào là lực lượng chủ chốt trong các CLB thơ đó? Thoáng nhìn thì thấy ở tầng lớp nào cũng có đại diện: người thành phố, nông thôn, già, trẻ, nam, nữ, cán bộ, bộ đội, thầy thuốc, thầy giáo... Nhưng nhìn kỹ thì thấy rất đông các cán bộ, bộ đội đã về hưu. Ðó là lớp người đã từng hiến dâng cả tuổi trẻ của mình cho sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, cho công cuộc xây dựng xã hội XHCN công bằng, với mục tiêu ai cũng có cơm ăn áo mặc và được học hành như mong ước tột cùng của Bác Hồ. Tuổi hưu của lớp người đáng kính ấy tìm đến thơ là một minh chứng cho vẻ đẹp, sức hấp dẫn của thơ. Nhưng trước hết, tôi lại thấy ở đây sức an ủi lớn lao của thơ. Thơ là chỗ dựa cao cả cho tâm hồn con người vào lúc họ cần được chia sẻ.

    Tâm trạng của lớp cán bộ về hưu bây giờ cần những công trình thống kê, nghiên cứu. Ở đây tôi chỉ muốn nói vài cảm nhận phiến diện của riêng mình do việc tiếp xúc với các cụ trong nhiều câu lạc bộ thơ, kể cả câu lạc bộ của các cán bộ hưu cao cấp như Thăng Long ở Hà Nội, Bạch Ðằng ở Hải Phòng... Nhìn lại quá khứ, lớp người này thanh thản về những gì đời mình đã góp cho dân cho nước, nhưng không khỏi ưu phiền trước những mặt trái của cuộc sống hôm nay. Nhất là ở những con người nắng chia nửa bãi chiều rồi, không còn thời gian để làm lại. Họ đã tìm đến thơ. Họ đủ lịch lãm chuyện đời và cũng đủ kiến thức làm câu chữ. Họ là cán bộ, là bộ đội, là lớp người từng có cống hiến cho xã hội.

    Với thơ, dù ở tầm mức nào của trình độ nghệ thuật, họ cũng xin được giãi bày, gửi bóng dáng của đời mình, gọi là tâm lý khẳng định sự có mặt của đời mình thì cũng đúng. Không phải khẳng định với toàn xã hội, mà trước hết với chính mình, với bè bạn cùng trang lứa, với con cháu trong nhà. Tôi kính trọng nguyện vọng thầm kín ấy của các cây bút nghiệp dư hôm nay. Và tôi hiểu được lý do nảy sinh và phát triển phong trào làm thơ đại chúng vốn hiếm thấy xưa nay lại diễn ra vào lúc này.

    Ðó là một cuộc chơi chữ nghĩa tao nhã có tính xã hội. Nó giúp người ta sống sâu sắc hơn, kỹ lưỡng hơn. Hy vọng từ đó chúng ta có thêm độc giả cho thơ, tôi nói độc giả chứ chưa nói tác giả, và cũng là đặt trong hy vọng. Chúng ta hoan nghênh và nên có nghĩa cử ủng hộ sự hoạt động của các câu lạc bộ thơ ấy.

    Nhưng không nên coi đó là dấu hiệu phát triển của nền thơ nước nhà. Từ cuộc chơi đại chúng ấy mang lại được một tỷ lệ thành tựu nào đáng được ghi nhận thì chắc chắn văn học sử sẽ không bỏ qua. Nhưng không nên đặt ra tiêu chí hàn lâm như một đòi hỏi với một phong trào làm thơ có tính đại chúng.

    Ở đây không có vấn đề coi trọng hay coi nhẹ phía nào, mà chỉ đòi hỏi nên có quan niệm đúng với mục đích của từng công việc và có cách ứng xử thỏa đáng. Quả thật tôi hơi ngần ngại khi có vị tiến sĩ ngành sử, trong lúc cao hứng coi những bài thơ làm theo Ðường luật của các cây bút trong các câu lạc bộ như một bước phát triển của thơ Ðường Trung Hoa, mà ở nước Trung Hoa hiện nay không có được (!).

    Trên báo Văn nghệ (số 26 năm 2007) có bạn kết tội mạo nhận khi ai đó gọi thơ làm theo luật Ðường của các câu lạc bộ thơ bây giờ là Thơ Ðường Việt Nam thế kỷ thứ 21. Tôi e kết tội thế là quá nặng. Không ai có ý định mạo nhận và mạo nhận cũng chả để làm gì. Nhưng, quả là có nhầm lẫn trong cách dùng từ (Nhầm thơ Ðường với thơ luật Ðường. Thơ luật Ðường thì ở Việt Nam có, còn thơ Ðường hay thơ Tống thì chỉ của riêng Trung Quốc). Hơn nữa, nhầm lẫn trong quan niệm: thơ luật Ðường của Nguyễn Khuyến, Tú Xương hay Tản Ðà, Quách Tấn thế kỷ 20 là thơ của các nhà thơ, nằm trong văn mạch có tính hàn lâm. Thơ của nhiều người bây giờ thì đại chúng, hồn nhiên, được coi như một thú chơi chữ nghĩa của những người không chuyên với thơ, trong nhiều trường hợp mới chỉ là sự phổ lời vào giai điệu sẵn có của niêm luật thơ xưa. Thú chơi ấy đáng được trân trọng nhưng đặt chung vào mặt bằng thơ các thế kỷ để luận về tiến trình thơ e khiên cưỡng, dễ gây lầm lẫn.

    Sự lầm lẫn ấy lại xuất phát từ một thực trạng đáng vui là việc xuất bản thơ bây giờ khá dễ dàng. Ai cũng có thể in thơ mình, chỉ cần có tiền, mà tiền in thơ thì không đến nỗi vượt quá tầm tay của không ít người viết. Và khi đã xuất bản được dăm ba, thậm chí chín mười tập thơ, có người in hai ba tập một năm, người ta rất dễ tự tin.

    Việc quảng bá giới thiệu thơ khó tránh khỏi quy luật quảng cáo tiếp thị. Quảng cáo thơ lại không nguy hiểm tức thời như quảng cáo thuốc, người ta rộng rãi lời khen cho vui cửa vui nhà. Chỉ đọc những lời biểu dương ấy thì tưởng như nước ta đang là một "đại cường quốc thi ca", mỗi tuần xuất hiện một nhà thơ tài năng. Tưởng thế mà đọc vào lại không phải thế, là sinh bi quan, chán thơ, xa thơ.

    Hiện nay mỗi năm nước ta ước chừng có khoảng hơn nghìn tập thơ được xuất bản. Nếu quá hào hứng với con số ấy, coi nó như dấu hiệu phát triển của nền thơ đất nước thì chắc chắn cũng dẫn tới thất vọng và có cảm giác nền thơ nước nhà đang tụt dốc khi số tập đọc được chỉ chiếm một phần trăm số tập xuất bản và tỷ lệ tập khá, tập hay còn nhỏ hơn nữa.

    Thật ra không phải thế. Chúng ta vẫn gặp những tập thơ hay, ít nhất là đọc được, và thường khi lại thuộc về những tên tuổi mới. Ðó là dấu hiệu của phát triển.

    Ngay như lúc này, khi đọc những tập thơ xuất bản trong năm 2006, tôi không giấu được niềm thích thú và muốn khoe ngay để các bạn cùng chia sẻ hai tập thơ mà tên tuổi tác giả chưa phải đã quen lắm với công chúng yêu thơ: Trần Kim Hoa và Nguyễn Thị Ðạo Tĩnh. Cũng chỉ là một thí dụ ngẫu nhiên vừa lượm được. Còn đọc, chắc còn thấy nữa. Dù chỉ là thơ của một năm.

    Ngay ở khuynh hướng đi tìm cái mới, có khi lập dị, nơi có nhiều tuyên ngôn vượt quá tài năng, hoặc có những người cố tình xả rác vào cõi thiêng liêng của sáng tạo tinh thần, làm bạn đọc thất vọng, cũng có những tác giả trẻ hoặc không còn trẻ lắm, giàu tiềm lực (thấy rõ tiềm lực trong bút pháp, trong cách tìm cảm hứng, cách tư duy thơ...). Họ chưa hội đủ những yếu tố thuyết phục công chúng, nhưng bạn đọc có căn cứ để kiên lòng chờ.

    Ðánh giá thực trạng thơ, trong lúc mọi chuẩn mực, mọi tiêu chí của xã hội có nhiều biến động, thậm chí trái ngược với trước đây, rất cần những quan sát tỉ mỉ, bóc tách thật hư, lý giải công tâm... Ðấy là việc của nhiều người, có vai trò chủ chốt của Hội Nhà văn Việt Nam. Bài viết này chỉ là ghi vội một cảm nhận cá nhân, đề đạt một cách nhìn về thơ hôm nay của chúng ta.

    VŨ QUẦN PHƯƠNG
  2. 3dong

    3dong Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    28/02/2006
    Bài viết:
    267
    Đã được thích:
    1
    SỰ KHÁC NHAU GIỮA THƠ ĐƯỜNG VÀ THƠ ĐƯỜNG LUẬT
    (BIÊN KHẢO)
    1. Thơ Đường tức là Đường Thi: là những bài thơ của các thi gia Trung hoa làm vào thời đại nhà Đường (618 ?" 907), số lượng các bài Đường thi được ghi chép và lưu truyền đến nay rất nhiều, lên đến hàng ngàn bài.
    Đã có một tác phẩm nổi tiếng là Đường Thi Nhất Thiên Thủ chọn lọc 1000 bài Đường Thi được coi là hay nhất của các thi nhân đời Đường. Trong số đó có một số được làm theo thể Thơ Đường Luật, số còn lại làm theo những thể thơ khác mà đa số là thơ Cổ phong (cổ phong hay cổ thể là loại thơ có trước đời nhà Đường, không theo niêm luật nhất định). Cho nên gọi là Đường Thi hay Thơ Đường thì phải là những bài thơ được sáng tác vào thời đại nhà Đường bên Trung hoa nhưng không nhất thiết làm theo luật thơ của Thơ Đường Luật.
    2. Thơ Đường Luật: còn gọi thơ cận thể (để phân biệt với cổ phong là thơ cổ thể) là thể thơ được đặt ra từ đời nhà Đường và phải tuân theo các qui tắc bắt buộc, rất khắt khe, gò bó.
    Về hình thức chữ, câu thì Thơ Đường Luật có:
    a. Theo số chữ trong câu:
    - Ngũ ngôn, mỗi câu 5 chữ.
    - Thất ngôn, mỗi câu 7 chữ.
    b. Theo số câu trong bài:
    -Tứ Tuyệt hay Tuyệt Cú: mỗi bài bốn câu.
    - Bát Cú: mỗi bài tám câu.
    Như vậy Thơ Đường Luật có 4 thể là: Ngũ Ngôn Tứ Tuyệt, Ngũ Ngôn Bát Cú, Thất Ngôn Tứ Tuyệt và Thất Ngôn Bát Cú.
    Thơ Đường Luật có những luật lệ bắt buộc rất khắt khe về:
    - Vận (cách gieo vần).
    - Đối (đặt hai câu đi sóng đôi với nhau sao cho ý và chữ trong hai câu ấy cân xứng với nhau, gồm cả đối ý lẫn đối chữ).
    - Luật (cách sắp đặt tiếng bằng, trắc trong từng câu của một bài thơ).
    - Niêm (nghĩa là dính) tức là sự liên lạc về âm luật của hai câu thơ trong bài Thơ Đường Luật. Hai câu thơ gọi là niêm với nhau khi nào chữ thứ 2 và chữ thứ 6 của hai câu cùng theo một luật, hoặc cùng là bằng, hoặc cùng là trắc).
    - Bố cục (cấu trúc bài thơ phải làm theo một trật tự bắt buộc):
    * Đề: câu 1-2 (nhập bài, mở đầu).
    * Trạng hay Thực: câu 3-4 (giải thích).
    * Luận: câu 5-6 (bình luận, bàn bạc).
    * Kết: câu 7-8 (tóm tắt toàn bài).
    Đường Luật Chính Thể chỉ có Thất Ngôn Bát Cú 5 vần bằng mà thôi.
    3. Một sự lạm dụng và ngộ nhận:
    Thuật ngữ Thơ Đường hay Đường Thi đã bị lạm dụng, hiểu lầm, thiết nghĩ cần nói lại cho rõ.
    Thơ Đường là loại thơ do các thi nhân đời nhà Đường bên Trung Hoa sáng tác, hoàn toàn không có các tác giả đời khác, ngoài các thi sĩ đời Đường.
    Các thi sĩ Việt Nam trước đây (thường gọi là các nhà thơ cổ điển) chủ yếu làm theo thể Thơ Đường Luật. Họ sáng tác bằng Hán văn, gọi là thơ Hán văn (thí dụ thơ Hán văn của Nguyễn Du...). Còn nếu họ sáng tác bằng chữ Nôm, gọi là thơ Nôm. Như thơ của Bà Hồ Xuân Hương chẳng hạn, được người đời sau tôn xưng Bà là bà chúa thơ Nôm.
    Không ai gọi thơ Hán văn của Nguyễn Du là Thơ Đường cả. Cũng không ai gọi Bà Hồ Xuân Hương là bà chúa Thơ Đường cả.
    Tóm lại, các thi gia từ Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Bùi Kỷ, Trần Tế Xương, Tản Đả, Nguyễn Khuyến ... trở về trước, người ta thường không nói là họ làm Thơ Đường, mà chỉ phân biệt Thơ Hán (Hán văn) và Thơ Nôm (chữ Nôm) thôi, với hiểu ngầm là Thơ Đường Luật chữ Hán hoặc Thơ Đường Luật chữ Nôm. Gọi tắt là Thơ Hán Đường Luật và Thơ Nôm Đường Luật.
    Đến khi phong trào thơ mới xuất hiện, có một trào lưu bài xích Thơ Đường Luật, đứng đầu là Phan Khôi, vì họ cho đó là loại thơ khắt khe, cứng ngắc, bó buộc, chật hẹp, không đủ cho để diễn tả cảm xúc bao la, dào dạt, bay bổng của các nhà thơ mới.
    Một cuộc bút chiến giữa hai trường phái thơ cổ điển và thơ mới diễn ra gay gắt suốt cả thập niên 1930 của thế kỷ trước. Kết thúc là sự thắng thế (một cách tương đối) của các nhà thơ mới.
    Nói là thắng thế một cách tương đối, vì trong các nhà thơ mới, nhiều người vẫn sáng tác Thơ Đường Luật, điển hình là Hàn Mặc Tử.
    Nhưng đó là Thơ Đường Luật của Hàn Mặc Tử. Không ai gọi đó là Thơ Đường cả.
    Quách Tấn, bạn thân của Hàn Mặc Tử, điển hình của thi sĩ chủ trương thơ cổ điển, ghét thơ mới, suốt đời chỉ làm Thơ Đường Luật, nhưng đó là thơ Quách Tấn, không phải Thơ Đường.
    Hiện nay nhiều người làm Thơ Đường Luật lại gọi đó là Thơ Đường.
    Thật là là một sự ngộ nhận đáng tiếc, cần được đính chính lại.
    Các bài thơ làm theo thể Thất Ngôn Bát Cú, Thất Ngôn Tứ Tuyệt ... gọi chung là thể Thơ Đường Luật không phải Thơ Đường.
    Hãy vì sự tự trọng và tự hào của một thi nhân chân chính, không nên xưng là tôi sáng tác Thơ Đường. Mà nên nói, tôi làm thơ theo luật thơ của thể Thơ Đường Luật.
    Có người thanh minh rằng Thơ Đường Việt Nam phải hiểu là Thơ Đường do người Việt Nam sáng tác. Cách nói đó là không đúng mà lại rất hàm hồ. Người Việt không thể làm ra Thơ Đường, mà chỉ làm thơ theo thể thơ Đường Luật mà thôi.
    Mấy năm nay, có rất nhiều "nhà thơ" làm thơ danh xưng là Thơ Đường hay Đường Thi (nhưng thực chất là Thơ Đường Luật). Cái tên này là mạo nhận, không chính xác, vì chỉ có các ông như Lý Bạch, Đỗ Phủ... mới đủ tư cách xưng là Thơ Đường.
    Cần hiểu là nếu bỏ đi một chữ (chữ LUẬT trong nhóm chữ Đường Luật) là ý nghĩa của từ ngữ bị thay đổi hẳn.
    Lại có người phát động phong trào gọi là "Thắp sáng Đường Thi" !!!
    Thắp sáng Đường Thi là công việc của người Trung Hoa, không mắc mớ gì đến chúng ta. Hơn nữa, Thơ Đường đã sáng cả ngàn năm nay rồi, không ai cần chúng ta thắp sáng. Làm thế chẳng khác nào quá tự phụ, ngộ nhận sao ?
    Thứ Lang
  3. annonymous

    annonymous Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    19/03/2002
    Bài viết:
    2.070
    Đã được thích:
    0
    Mình chỉ xin bạn sửa lại chỗ này. Nói số bài thơ Đường lưu truyền đến nay đến ..hàng ngàn bài thì tội cho các bác Lý Bạch với Đỗ Phủ quá. Hàng ngàn bài thì sao mà có tên "thời đại Đường thi" được. Trong Toàn đường thi có chép 53.000 bài thơ của 2.300 tác giả. Nhưng đó chỉ là kết quả của việc sao lục diễn ra 1.000 năm sau khi "thời đại Đường thi" khép lại.
    Bạn viết về "thơ Đường" và "thơ Đường luật" quá chính xác rồi. Hiện nay các từ như "thơ Đường", "Đường thi", "tứ tuyệt",... đang bị lạm dụng. Đó là do người ta đang lạm dụng sự thiếu hiểu biết của mình.
    "Đường thi" là một thứ đã vĩnh viễn khép lại. Chúng ta chỉ có thể chiêm ngưỡng nó, nghiên cứu về nó, bắt chước nó thông qua "thơ Đường luật". "Đường thi" là mặt trời, ta chỉ có thể uống những tia nắng thời gian của nó, không ai sáng tạo được mặt trời cả.

Chia sẻ trang này