1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Thanh Hoá, những điều cần biết ( Thông tin về địa lý, hành chính, kinh tế, du lịch ...của tỉnh Thanh

Chủ đề trong 'Thanh Hoá' bởi caycothu, 07/09/2004.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. caycothu

    caycothu Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/01/2004
    Bài viết:
    592
    Đã được thích:
    0
    Thanh Hoá, những điều cần biết ( Thông tin về địa lý, hành chính, kinh tế, du lịch ...của tỉnh Thanh và các địa phương). M





    Các bạn độc giả thân mến!


    PHẠM MINH ÐOAN Phó Bí thư Tỉnh uỷChủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa


    Ðiểm cực bắc của tỉnh Thanh Hoá cách thủ đô Hà Nội 110 km về phía Nam, là một tỉnh lớn và mạnh, có diện tích tự nhiên 11.106 km2, dân số trên 3,6 triệu người, sinh sống và làm việc tại 27 huyện, thị xã và thành phố. Nằm ở Bắc Trung Bộ, Thanh Hoá là mảnh đất địa linh nhân kiệt, có truyền thống văn hoá lâu đời, phong phú và đa dạng. Không những thế, xứ Thanh còn là vùng đất có truyền thống đấu tranh anh dũng kiên cường, nơi phát tích của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam. Người xứ Thanh xưa và nay đã viết nên nhiều trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Ðặc biệt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, người dân xứ Thanh đã không quản ngại hy sinh gian khổ, cùng với cả nước làm nên trận Ðiện Biên Phủ chấn động địa cầu và đại thắng mùa xuân năm 1975.
    Không những thế, với tiềm năng của ba vùng kinh tế: miền núi - trung du, đồng bằng và ven biển, nguồn tài nguyên thiên nhiên của xứ Thanh vô cùng phong phú, bao gồm tài nguyên đất, tài nguyên rừng, tài nguyên biển và tài nguyên khoáng sản. Những lợi thế này đã giúp Thanh Hoá có thể phát triển một nền kinh tế toàn diện trên tất cả các mặt từ sản xuất nông nghiệp đến công nghiệp (chế biến nông - lâm - thủy sản, sản xuất vật liệu xây dựng, lọc - hoá dầu, các ngành công nghiệp công nghệ cao) và dịch vụ - du lịch. Bên cạnh đó, với nguồn nhân lực dồi dào (1,9 triệu người), thông minh, cần cù, sáng tạo người dân xứ Thanh đã góp phần làm nên nhiều "kỳ tích" trong lịch sử nghìn năm dựng nước của dân tộc Việt Nam.
    Với những tiềm năng sẵn có, cùng sự chỉ đạo tập trung của Trung ương, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hoá luôn đoàn kết thống nhất, ra sức thi đua, nỗ lực phấn đấu cho tỉnh ngày càng giàu mạnh. Trong hơn 16 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đặc biệt là những năm gần đây, kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hoá đã có bước phát triển quan trọng. Tổng sản phẩm (GDP) của tỉnh năm 2000 tăng gấp 2 lần so với năm 1990; tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 1996 - 2000 đạt 7,3%, riêng năm 2003 đạt 9,7%. Cơ cấu kinh tế đã và đang chuyển dịch theo hướng tích cực: năm 2003, công nghiệp - xây dựng chiếm 31,5% GDP (so với gần 10% năm 1990); tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân giai đoạn 1996 - 2002 đạt gần 3.000 tỷ đồng/năm, riêng năm 2003 đạt 4.200 tỷ đồng, tăng 16,7% so với năm 2002.
    Từ năm 2002 đến nay, trên cơ sở đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội đúng đắn của Ðảng và Nhà nước, Thanh Hoá đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng hơn, nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư trực tiếp, bao gồm: chính sách giảm thuế, miễn, giảm tiền thuê đất, cải cách hành chính tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, tin cậy cho các nhà đầu tư. Ngoài ra, Thanh Hoá còn hỗ trợ, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình sản xuất - kinh doanh của một số dự án, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh. Cùng với những chính sách ưu đãi đầu tư, Thanh Hoá đã ban hành chính sách phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chính sách khuyến khích xuất khẩu, v.v.. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế (cả trong và ngoài nước) đã lựa chọn Thanh Hoá làm điểm đầu tư và đầu tư - kinh doanh hiệu quả.
    Thành tựu mà Thanh Hoá đạt được trong những năm qua là bước khởi đầu tốt đẹp, có ý nghĩa quan trọng, góp phần xây dựng Thanh Hoá ngày càng giàu mạnh và văn minh. Song, chúng tôi cũng ý thức được rằng, điểm xuất phát kinh tế của Thanh Hoá chưa cao, kết cấu hạ tầng còn yếu, cần phải nỗ lực hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế, bên cạnh việc phát huy nội lực, Thanh Hoá mong muốn mở rộng hợp tác kinh tế; thu hút nguồn vốn dồi dào từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước để biến những tiềm năng sẵn có thành hiện thực.
    Với mong muốn góp phần tăng thêm hiểu biết của độc giả, giới thiệu với các nhà đầu tư trong và ngoài nước về những thành tựu phát triển cũng như tiềm năng, thế mạnh của địa phương, Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Công ty Cổ phần Thông tin Kinh tế Ðối ngoại xuất bản cuốn sách "Thanh Hoá - Thế và lực mới trong thế kỷ XXI".
    Hy vọng, cuốn sách này được xuất bản sẽ trở thành nguồn tư liệu cần thiết, giúp độc giả hiểu thêm về lịch sử, văn hoá, mảnh đất và con người xứ Thanh trong quá khứ cũng như hiện tại để các nhà khoa học, các nhà chính trị, kinh tế, văn hoá... hoạch định những công trình nghiên cứu, công trình xây dựng và chính sách của ngành mình trên mảnh đất xứ Thanh. Qua đó, phát huy sức mạnh tổng hợp, tận dụng tối đa mọi cơ hội đầu tư để đến năm 2010, GDP Thanh Hoá tăng gấp 2,6 - 2,8 lần so với năm 2000, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2001 - 2005 đạt 10,5% trở lên; từ đó đưa Thanh Hoá trở thành tỉnh giàu - mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.



    PHÓ BÍ THƯ TỈNH UỶCHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

    PHẠM MINH ĐOAN
     
  2. caycothu

    caycothu Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/01/2004
    Bài viết:
    592
    Đã được thích:
    0
     

    PHẠM MINH ĐOAN Phó Bí thư Tỉnh uỷChủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh

    Sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu, Ðảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang tỉnh đã đoàn kết, vượt qua khó khăn, thử thách, đạt nhiều thành tích khá toàn diện trong tình hình chính trị ổn định, kinh tế - xã hội phát triển, quốc phòng - an ninh được củng cố và tăng cường. Ðó là cơ sở vững chắc, tiền đề quan trọng thôi thúc 3,6 triệu người dân Thanh Hoá vươn lên hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá, vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".
    Tiềm năng thế mạnh và những định hướng phát triển

    Trang trại cây cao su, chè - mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao


    Thanh Hoá có diện tích tự nhiên 11.106 km2, dân số trên 3,6 triệu người, đứng thứ 2 của cả nước (sau thành phố Hồ Chí Minh) với 7 dân tộc sinh sống hoà thuận, đoàn kết. Diện tích nông nghiệp, đất rừng lớn, bờ biển dài trên 102 km với vùng lãnh hải rộng 17.000 km2. Hệ thống đường sắt, đường quốc lộ 1A chạy qua vùng đồng bằng và ven biển, đường Hồ Chí Minh, đường 15A, đường 127 xuyên suốt vùng trung du, miền núi và các tuyến đường trục Ðông - Tây... nối liền các vùng, miền trong tỉnh và với nước bạn Lào. Hệ thống sông ngòi phân bố khá đều, hệ thống cảng pha sông biển, cảng biển nước sâu, thuận lợi cho phát triển giao thông đường sông, đường biển. Nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, nhiều loại có trữ lượng lớn; phân bố rộng khắp, điều kiện khai thác thuận tiện. Nhiều danh lam thắng cảnh và di tích có giá trị lịch sử và văn hoá. Tiềm năng, thế mạnh đó cho phép Thanh Hoá phát triển nền kinh tế toàn diện, bao gồm cả nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, công nghiệp và ngành dịch vụ, du lịch.
    Sau hơn 16 năm thực hiện đường lối đổi mới do Ðảng khởi xướng, lãnh đạo, Ðảng bộ, chính quyền, các lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu, phát huy tiềm năng thế mạnh sẵn có, tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thử thách giành được nhiều thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Tăng trưởng kinh tế thời kỳ 1996 - 2000 bình quân đạt 7,3%/năm, riêng năm 2003 đạt 9,7%; GDP bình quân đầu người năm 2003 đạt 366 USD. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, nhiều lĩnh vực đã đạt được thành tựu quan trọng. Ðời sống kinh tế, văn hoá - xã hội của nhân dân từng bước được cải thiện, tình hình chính trị, quốc phòng - an ninh ổn định và giữ vững.
    Bên cạnh những kết quả đạt được, Thanh Hoá còn không ít khó khăn, thử thách. Nền kinh tế tăng trưởng khá, nhưng so với mục tiêu 2001 - 2005 còn thấp, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, chất lượng tăng trưởng chưa cao. Ðời sống của nhiều vùng dân cư còn khó khăn, nhất là vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Tiềm năng thế mạnh của tỉnh chưa được đầu tư khai thác đúng mức, có hiệu quả. Ðể tạo bước chuyển trong phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã đề ra định hướng nhằm khai thác tốt các tiềm năng sẵn có:
    Thứ nhất: trong những năm tới, Thanh Hoá sẽ tập trung khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để phát triển nền nông nghiệp toàn diện. Với 236,9 nghìn ha đất nông nghiệp, trên 600 nghìn ha rừng tự nhiên, gần 100 nghìn ha rừng trồng, trên 8 nghìn ha mặt nước lợ (có khả năng nuôi tôm, cua, rong câu,...), 1.300 ha mặt nước mặn, vùng lãnh hải rộng 17.000 km2 đã tạo nên lợi thế rất lớn trong phát triển ngành trồng trọt và đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản. Bên cạnh đó, tiềm năng đất đai và nguồn lương thực cho phép Thanh Hoá có thể phát triển đàn trâu, bò với số lượng trên 430 nghìn con/năm; trên 1 triệu con lợn/năm, 8 triệu con gia cầm/năm. Nói chung, dư địa trong phát triển nông nghiệp Thanh Hoá còn lớn với nhiều giống cây, con có thể phát triển thành sản phẩm hàng hoá lớn như mía, lạc, cây ăn quả, nguyên liệu giấy, gia cầm, sữa thành phẩm, thuỷ, hải sản v.v..
    Thứ hai: Thanh Hoá có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng, lọc hoá dầu, công nghiệp điện, công nghiệp giầy da, may mặc. Khoáng sản Thanh Hoá rất đa dạng với khoảng 42 loại, trong đó có nhiều loại có trữ lượng lớn như: đá vôi và đất sét (nguyên liệu để sản xuất xi măng), đá ốp lát 2 - 3 tỷ m3, mỏ quặng cromit (mỏ duy nhất cả nước), mỏ secpentin và nhiều loại kim loại khác có chất lượng tốt. Với vị trí tiếp giáp với vùng kinh tế động lực tăng trưởng phía Bắc, hệ thống giao thông tương đối thuận lợi và đang được mở rộng. Ngoài cảng Lễ Môn, cảng nước sâu Nghi Sơn đã được đầu tư giai đoạn I, phát huy hiệu quả tốt. Hiện nay, cảng biển này đang được xúc tiến xây dựng giai đoạn II, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các trung tâm công nghiệp lớn của tỉnh, các khu vực Nam Thanh - Bắc Nghệ và cả nước.
    Ðể phát triển công nghiệp, từ nay đến năm 2010, tỉnh Thanh Hoá đầu tư xây dựng 4 khu công nghiệp, trong đó có 2 khu công nghiệp Lễ Môn và Nghi Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định trong danh mục các khu công nghiệp ưu tiên xây dựng đến năm 2010. Các khu công nghiệp Bỉm Sơn - Thạch Thành diện tích 350 ha; khu công nghiệp Mục Sơn - Lam Sơn diện tích 150 ha, đang được hình thành với hạt nhân là Nhà máy Ðường Việt - Ðài, Lam Sơn và Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn.
    Thứ ba: tiềm năng du lịch của Thanh Hoá rất phong phú, vừa có những địa danh được xếp hạng trong cả nước, vừa có những thắng cảnh đẹp với các điểm du lịch hấp dẫn như: Sầm Sơn, Bến En, Hàm Rồng, Lam Kinh, Thành nhà Hồ, động Tự Thức, suối cá Cẩm Lương, vườn cò Tiến Nông... Do đó, Thanh Hoá hội đủ các điều kiện cần thiết để phát triển da dạng các loại hình dịch vụ và du lịch. Trong thời gian tới, Thanh Hoá sẽ tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển các loại hình dịch vụ và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế có vị thế quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
    Thứ tư: là một trong những tỉnh đông dân nhất của cả nước, Thanh Hoá có tiềm năng lớn về nguồn nhân lực, trình độ dân trí tương đối cao. Toàn tỉnh hiện có 1.383 trường phổ thông với trên 900 nghìn học sinh hàng năm, nhiều học sinh của tỉnh đã đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. Hiện nay, Trường Ðại học Hồng Ðức, Trường Phổ thông trung học Lam Sơn và hệ thống các trường lớp, các cấp học, ngành học là cái nôi đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phục vụ phát triển tri thức, kinh tế - xã hội cho tỉnh Thanh Hoá. Ðể phát huy tiềm năng này, Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã đề ra định hướng phát triển sản xuất ở những lĩnh vực đòi hỏi nhiều lao động và lao động có trình độ cao.
  3. caycothu

    caycothu Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/01/2004
    Bài viết:
    592
    Đã được thích:
    0
    Những trọng tâm được tập trung phát triển đến năm 2010
    Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010 của tỉnh Thanh Hoá đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu: phấn đấu thoát khỏi tụt hậu, đuổi kịp và vượt mức trung bình của cả nước. Ðến năm 2010, GDP tăng gấp 2,6 - 2,8 lần so với năm 2000; tốc độ tăng trưởng GDP bình quân trong tỉnh giai đoạn 2001 - 2010 đạt 10,5% trở lên; cơ cấu kinh tế năm 2010, nông nghiệp 24 - 25%, công nghiệp 39 - 41%; dịch vụ 34 - 37%; GDP bình quân đầu người 750 USD/người, kim ngạch xuất khẩu năm 2010 đạt 300 triệu USD... Tạo sự chuyển biến về văn hoá, giáo dục - đào tạo, y tế và các vấn đề xã hội nhằm cải thiện một bước đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nâng lên đáng kể chỉ số phát triển con người (HDI). Cụ thể đến năm 2010: tốc độ tăng dân số tự nhiên dưới 1%/năm, giảm hộ nghèo xuống 7 - 8%; hàng năm, giải quyết việc làm cho 3,4 - 4 vạn lao động, hoàn thành phổ cập trung học cơ sở, chất lượng đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần được nâng lên rõ rệt trong môi trường xã hội an toàn, lành mạnh, môi trường tự nhiên được bảo vệ; nâng cao khả năng ứng dụng các công nghệ tiên tiến, từng bước tiếp cận trình độ khu vực và quốc tế. Ðể thực hiện có hiệu quả các mục tiêu nhiệm vụ trên, Thanh Hoá sẽ tập trung vào các vấn đề chủ chốt và thực hiện các giải pháp cơ bản sau đây:
    1) Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khai thác tốt tiềm năng thế mạnh của từng địa phương, từng ngành, từng đơn vị, từng doanh nghiệp nhằm nâng cao tốc độ phát triển kinh tế, đẩy nhanh tốc độ xoá đói giảm nghèo.
    Về nông nghiệp, tiếp tục chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá lớn; đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất nhằm thực hiện các mục tiêu: tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, đảm bảo sản lượng lương thực 1,5 triệu tấn, đưa tỷ trọng ngành chăn nuôi trong nông nghiệp lên trên 28%, phát triển nhanh nuôi trồng thuỷ sản.
    Tập trung chỉ đạo đổi mới cơ cấu cây, con, mùa vụ, mở rộng diện tích gieo cấy bằng giống lúa lai, ngô lai, lạc giống mới. Ðẩy mạnh tiến độ triển khai các chương trình, dự án mới theo quy hoạch, kế hoạch như vùng nguyên liệu dứa, giấy, lợn hướng nạc, gà công nghiệp, bò sữa, các dự án nuôi trồng thuỷ sản, v.v.. Ðối với các vùng nguyên liệu đã hình thành như mía, lạc, cói, phải tập trung chỉ đạo đầu tư, thâm canh phát triển theo chiều sâu, sớm hình thành các vùng nguyên liệu có khả năng cạnh tranh cao, cung cấp cho công nghiệp chế biến, thị trường trong nước và xuất khẩu.
    Về công nghiệp, tập trung đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng công nghiệp, tạo sự vượt trội trong cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, làm nền tảng cho sự tăng trưởng nhanh, có hiệu quả và bền vững của toàn bộ nền kinh tế.
    2) Tập trung thực hiện các giải pháp huy động vốn, khơi thông đầu tư phát triển.
    Tiếp tục nghiên cứu cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích đầu tư; tạo thuận lợi về kết cấu hạ tầng, mặt bằng sản xuất, nguồn nguyên liệu, đào tạo và tuyển dụng lao động, đặc biệt quan tâm giải quyết thủ tục giao đất, giao mỏ cho chủ doanh nghiệp, thủ tục xây dựng cơ bản, đền bù giải phóng mặt bằng,v.v. nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi, hấp dẫn, thu hút đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh.
    Cụ thể hoá các cơ chế huy động vốn đầu tư theo luật khuyến khích đầu tư trong nước, nước ngoài như: BOT, BTO, BO, BT,... đặc biệt quan tâm đến cơ chế "đổi đất lấy công trình". Thông qua đó, huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào các công trình hạ tầng và phát triển sản xuất - kinh doanh; sử dụng có hiệu quả nguồn thu từ quỹ đất để xây dựng kết cấu hạ tầng; tạo điều kiện thuận lợi cho các công trình của Trung ương trên địa bàn tỉnh sớm đưa vào sử dụng để phát huy hiệu quả.
    3) Ban hành những chính sách khuyến khích đầu tư vào khu công nghiệp Lễ Môn, khu công nghiệp Nghi Sơn và chính sách phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
    Tỉnh đã chỉ đạo xây dựng dự án phát triển các cụm công nghiệp vừa và nhỏ, các ngành nghề, làng nghề, các loại hình dịch vụ trong nông thôn và cơ chế chính sách cho phát triển dự án; giải quyết nhanh thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư tiến hành đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất.
    Ðồng thời, tỉnh cũng đang phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương xúc tiến triển khai thực hiện các dự án mới, đặc biệt là các dự án có ý nghĩa chiến lược như dự án khu liên hợp lọc - hoá dầu Nghi Sơn, dự án thuỷ lợi - thuỷ điện hồ Cửa Ðạt, dự án nhiệt điện Nghi Sơn, dự án dệt may, dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn số 2...
    4) Tập trung chỉ đạo phát triển mạnh các hoạt động dịch vụ, đặc biệt là du lịch và thương mại góp phần tạo lập thị trường, thúc đẩy sản xuất phát triển.

    Tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch Sầm Sơn, gắn du lịch tắm biển với nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí. Xúc tiến đầu tư phát triển khu du lịch Hàm Rồng, kể cả đầu tư kết cấu hạ tầng và đầu tư phát triển các cơ sở kinh doanh để từng bước đưa Hàm Rồng trở thành trung tâm du lịch lớn của tỉnh và cả nước. Coi du lịch Sầm Sơn và Hàm Rồng là điểm nhấn của du lịch Thanh Hoá từ nay đến năm 2010.
    Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các trung tâm thương mại quy mô lớn, góp phần đổi mới hoạt động thương mại theo hướng phát triển các cửa hàng, cửa hiệu, các siêu thị có chất lượng phục vụ cao.


    Chế biến thuỷ sản - ngành kinh tế đầy tiềm năng cần được đầu tư phát triển
    5) Ðẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, tạo động lực mới cho sản xuất - kinh doanh. Tiếp tục thực hiện các chính sách của tỉnh về lai tạo, du nhập các loại giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng sản phẩm cao.
    Ưu tiên đầu tư đối với các chương trình nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ mới, phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Ưu tiên chỉ đạo triển khai các chương trình công nghệ thông tin, khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý, điều hành sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp và thực hiện các dịch vụ công.
    Ban hành chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ nông dân, các hội khoa học, các trung tâm, Trường Ðại học Hồng Ðức, các cơ sở nghiên cứu trong nước thực hiện việc liên kết trong nghiên cứu với triển khai sản xuất đại trà. Khuyến khích nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới trong từng cơ sở sản xuất - kinh doanh.
    6) Tập trung nghiên cứu đổi mới cơ chế quản lý. Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh nhanh tiến độ cổ phần hoá, mạnh dạn giao, bán, khoán, cho thuê các doanh nghiệp nhà nước loại nhỏ, làm ăn thua lỗ kéo dài. Nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế hợp tác xã; tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế liên doanh, liên kết, phát triển các hiệp hội ngành hàng để nâng cao khả năng cạnh tranh.
    Là địa phương sớm đổi mới cơ chế quản lý doanh nghiệp, bỏ cơ quan chủ quản của doanh nghiệp nhà nước, trong năm 2003, Thanh Hoá sẽ tiếp tục thực hiện đổi mới phân cấp quản lý, mạnh dạn phân cấp một số công việc cho cấp huyện; đổi mới cơ chế trách nhiệm, quy định trách nhiệm cá nhân của Giám đốc doanh nghiệp nhà nước khi doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, trách nhiệm cá nhân của Giám đốc, Thủ trưởng đơn vị ngành, cấp khi không hoàn thành nhiệm vụ...
    Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý tài chính, thực hiện nghiêm quy định về công khai tài chính công trong các cơ quan, đơn vị; tiến hành thí điểm khoán một số dịch vụ công như vệ sinh đô thị, cấp thoát nước; triển khai chủ trương khoán biên chế và kinh phí hoạt động cho các cơ quan hành chính; tiếp tục nghiên cứu cụ thể hoá các quy định về xã hội hoá trong các hoạt động văn hoá - xã hội nhằm thu hút các nguồn lực cho các hoạt động này, v.v..
    7) Tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng các hoạt động văn hoá - xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh và giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc.
    Tập trung chỉ đạo nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động giáo dục và đào tạo; tăng cường kỷ cương trong dạy và học, trong quản lý thi tuyển, quản lý kinh phí và quản lý đội ngũ giáo viên; giải quyết có hiệu quả vấn đề dạy thêm và học thêm tràn lan; sớm củng cố, sắp xếp các chương trình dạy nghề để mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng dạy nghề cho người lao động.
    Tạo bước chuyển mạnh hơn về chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân, ngăn chặn những tiêu cực trong khám, chữa bệnh; tăng cường kiểm tra, giám sát, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể và xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm.
    Tích cực chỉ đạo nâng cao chất lượng các hoạt động văn hoá, báo chí, phát thanh, truyền hình, thể dục thể thao góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.
    Tập trung điều tra xác định số hộ đói nghèo của từng xã, từng huyện, làm rõ nguyên nhân gây nên đói nghèo, trên cơ sở đó đề ra kế hoạch cụ thể nhằm đẩy nhanh tốc độ xoá đói giảm nghèo, góp phần cải thiện đời sống của nhân dân.
    Chỉ đạo thực hiện tốt công tác an ninh, quốc phòng; phát động toàn dân tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm, các tệ nạn xã hội; tập trung triệt phá các ổ nhóm buôn bán, vận chuyển, sử dụng ma tuý. Trong đó, phải đặc biệt phát huy vai trò của thôn, bản, khu phố trong đấu tranh chống buôn bán ma tuý và sử dụng ma tuý; nhân rộng mô hình cai nghiện tại cộng đồng và gia đình; củng cố tăng cường hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ và an ninh thôn gắn với xây dựng thôn, bản, khu phố tự quản, phát động các phong trào quần chúng tham gia phòng chống tệ nạn xã hội. Ðẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng thôn, bản, khu phố, xã, phường không có tệ nạn xã hội, giữ cuộc sống yên bình cho nhân dân.
    8) Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để mọi người dân tham gia giao thông phải có trách nhiệm chấp hành Luật giao thông. Các cơ quan chức năng như công an, giao thông phải tăng cường lực lượng kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật giao thông. Tỉnh sẽ tổ chức tăng cường lực lượng có chuyên môn vững, tạo điều kiện để cán bộ làm nhiệm vụ tập trung cao độ cho kiểm soát hoạt động giao thông.
    9) Ðẩy mạnh công tác hành chính, tạo chuyển biến căn bản về thực hiện các thủ tục hành chính; mục tiêu là giải quyết nhanh nhất và chất lượng tốt nhất về các thủ tục hành chính, đặc biệt là giải quyết nhanh yêu cầu của các doanh nghiệp. Công khai về trình tự, thủ tục giải quyết công việc, thời gian giải quyết công việc, các khoản phí và lệ phí; tăng cường theo dõi đánh giá số lượng, chất lượng giải quyết công việc của từng cán bộ công chức, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Uỷ ban nhân dân tỉnh sẽ giao nhiệm vụ và quyền hạn cho Chủ tịch huyện, thị xã, thành phố, Giám đốc các Sở, ban, ngành tăng cường công tác thanh tra việc chấp hành các quy định, quy chế và các ý kiến chỉ đạo của cấp trên để xử lý kịp thời các vi phạm.
    Bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên khoa học - công nghệ, kỷ nguyên của kinh tế tri thức, kinh tế Thanh Hoá đang đứng trước vận hội mới. Với thành tựu đã đạt được trong các năm qua và những thuận lợi mới do công cuộc đổi mới của đất nước đem lại, có thể tin tưởng vào sự thành công đối với việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thập niên đầu của thế kỷ XXI, xứng đáng là mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi sinh dưỡng nhiều danh nhân và anh hùng dân tộc của nước Việt nghìn năm văn hiến.
     
  4. caycothu

    caycothu Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/01/2004
    Bài viết:
    592
    Đã được thích:
    0
    Phần chi tiết đây.
    PHẦN I: LÀM QUEN VỚI MẢNH ÐẤT VÀ CON NGƯỜI THANH HOÁCHƯƠNG I: LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN TỈNH THANH HOÁLỊCH SỬ HÌNH THÀNH TỈNH THANH HOÁ
    Thanh Hoá là vùng đất có từ lâu đời, một trong những cái nôi của dân tộc Việt Nam. Ngay từ thời tiền sử vùng đất này đã có người sinh sống. Qua những công cụ thô sơ trong những xưởng chế tác đá công cụ Núi Ðọ (Thanh Hoá) cho thấy, người tiền sử đã sinh sống trên mảnh đất này từ thời đại đồ đá cũ. Ngoài ra, các nhà khảo cổ học còn tìm thấy nhiều công cụ đồ đá đẽo gọt tinh xảo ở Thiệu Dương (Thiệu Hoá), Ða Bút (Vĩnh Lộc),v.v.. Phát triển hơn nữa, nền văn hoá đồ đồng Ðông Sơn với trống đồng và các loại đồ đồng tinh xảo khác không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam, ở Ðông Nam á mà còn được cả thế giới biết đến. Mặt khác, Thanh Hoá còn có một vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng cả trong lĩnh vực quân sự lẫn kinh tế. Vì vậy, mảnh đất này là nơi phát tích của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam gắn với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Với những kỳ tích đó, Thanh Hoá được ví như hình ảnh thu nhỏ của Việt Nam, theo lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đây là mảnh đất "địa linh, nhân kiệt, đất đai màu mỡ, phì nhiêu...". Cũng như nhiều vùng đất khác trên đất nước Việt Nam, trải qua quá trình lịch sử hàng nghìn năm, Thanh Hoá cũng có những thay đổi về địa giới hành chính và tên gọi.
    1. Thời Hùng Vương
    Nước Văn Lang chia làm 15 bộ, trong đó có bộ Cửu Chân. Bộ Cửu Chân trong nước Văn Lang thời các vua Hùng là miền đất rất khó xác định địa giới rành mạch, có thể bao gồm Thanh Hoá, một phần đất Nghệ An và một phần đất phía Nam Ninh Bình ngày nay.
    2. Thời thuộc Hán - Tam Quốc - Lưỡng Tấn - Nam Bắc Triều (111 - 581)
    Sang thời thuộc Hán (111 trước công nguyên - 210), đất Thanh Hoá ngày nay là một phần quận Cửu Chân, thuộc bộ Giao Chỉ. "Tiền Hán thư" chép: quận Cửu Chân gồm 7 huyện là Tư Phố, Cư Phong, Ðô Lung, Dư Phát, Vô Thiết, Vô Biên, Hàm Hoan.
    Sang thời Tam Quốc - Lưỡng Tấn - Nam Bắc Triều (210 - 581), theo Ðào Duy Anh dẫn Tấn thư: cuối đời Ngô (Tam Quốc - Ðông Ngô, năm Nguyên Hưng thứ nhất), Ðào Hoàng xin "tách đất Cửu Chân mà đặt huyện Cửu Ðức". Quận Cửu Ðức tách ra là huyện Hàm Hoan đời Hán, phần đất tương đương với Nghệ An ngày nay. Như vậy, quận Cửu Chân cuối thời Tam Quốc là phần đất tương đương với Thanh Hoá ngày nay. Quận Cửu Chân thời Tam Quốc - Lưỡng Tấn - Nam Bắc Triều bao gồm 7 huyện: huyện Tư Phố, huyện Di Phong, huyện Trạm Ngô, huyện Sùng Bình (theo Ðào Duy Anh, 2 huyện Kiến Sơ, Phù Lạc sáp nhập thành huyện Sùng Bình ở cuối đời Ðường), huyện Thường Lạc, huyện Tùng Nguyên, huyện Quân Minh.
    3. Thời Tùy - Ðường
    Nhà Tùy (581 - 617) đặt tên cũ là quận Cửu Chân (đổi châu thành quận). Quận Cửu Chân đời nhà Tùy gồm 7 huyện: huyện Cửu Chân, huyện Di Phong, huyện Tư Phố, huyện Long An, huyện Quận An, huyện An Thuận, huyện Nhật Nam. Sau khi tiêu diệt nhà Tùy, nhà Ðường sắp xếp lại toàn bộ bộ máy hành chính và phân chia châu, quận. Năm Vũ Ðức thứ 5 (năm 622), nhà Ðường đặt Giao Châu đại tổng quản phủ để quản lĩnh 10 châu, trong đó có ái Châu Cửu Chân quận (tức Thanh Hoá). ái Châu đời Ðường gồm 6 huyện: huyện Cửu Chân, huyện An Thuận, huyện Sùng Bình, huyện Nhật Nam, huyện Trường Lâm và huyện Quân Minh.
    4. Thời Ðinh - Lê
    Thời Ðinh - Lê Thanh Hoá vẫn là ái Châu. Ðào Duy Anh có ghi: "Sử chép rằng: Ðinh Tiên Hoàng chia nước làm 10 đạo, hiện không rõ danh hiệu và vị trí các đạo là thế nào. Chỉ thấy sử cũ vẫn chép các châu đời Ðường như ái Châu, Hoan Châu, Phong Châu... thì biết rằng danh hiệu các châu đời Ðường bấy giờ vẫn được dùng". Có lẽ, các huyện thuộc ái Châu vẫn giữ như cũ.
    5. Thời Lý
    Ðến thời Lý, năm Thuận Thiên thứ nhất, Canh Tuất (năm 1010), nhà Lý "đổi 10 đạo làm 24 lộ, Châu Hoan, Châu ái làm Trại" (Toàn thư). Sách "Toàn Thư" và "Cương Mục" chỉ chép tên 12 lộ trong đó có Thanh Hoá lộ. Tên Thanh Hoá có từ đây (Tân Mão - 1111). Diễn Châu lộ, Thanh Hoá lộ (tức Hoan Châu và ái Châu trước kia) thuộc Trại để phân biệt với Kinh (là các lộ thuộc vùng Thăng Long).
    6. Thời Trần - Hồ
    Trần Thái Tông (năm 1242) đổi 24 lộ đời Lý thành 12 lộ, trong đó có Thanh Hoá phủ lộ. Năm Quang Thái thứ 10 (Trần Thuận Tông - năm 1397) đổi làm trấn Thanh Ðô. Trấn Thanh Ðô lúc này gồm 7 huyện và 3 châu (mỗi châu có 4 huyện). Trong đó, 7 huyện là:
    1) Huyện Cổ Ðằng: một phần đất huyện Hoằng Hoá ngày nay.
    2) Huyện Cổ Hoằng: một phần đất huyện Hoằng Hoá ngày nay.
    3) Huyện Ðông Sơn: là huyện Ðông Sơn ngày nay
    4) Huyện Cổ Lôi: huyện Thọ Xuân và một phần đất huyện Thường Xuân ngày nay.
    5) Huyện Vĩnh Ninh: là huyện Vĩnh Lộc ngày nay.
    6) Huyện Yên Ðịnh: là huyện Yên Ðịnh ngày nay.
    7) Huyện Lương Giang: là huyện Thiệu Hoá ngày. nay (dọc hai bờ sông Chu) cùng một phần đất của huyện Thọ Xuân thuộc tả ngạn sông Chu.
    Ba châu bao gồm:
    1) Châu Thanh Hoá gồm: huyện Nga Lạc (là huyện Ngọc Lặc và một phần đất huyện Thọ Xuân ngày nay); huyện Tế Giang (là vùng đất phía Tây huyện Thạch Thành ngày nay); huyện Yên Lạc (là phía Ðông huyện Thạch Thành ngày nay); huyện Lỗi Giang (là huyện Cẩm Thuỷ và Bá Thước ngày nay).
    2) CHÂU ÁI gồm: huyện Hà Trung (phần lớn huyện Hà Trung và phía Tây thị xã Bỉm Sơn ngày nay); huyện Thống Bình (tương đương với huyện Hậu Lộc ngày nay); huyện Tống Giang (tương đương phía Bắc huyện Nga Sơn, Ðông Bắc huyện Hà Trung và phía Ðông thị xã Bỉm Sơn ngày nay); huyện Chi Nga (tương đương phía Nam huyện Nga Sơn ngày nay).
    3) Châu Cửu Chân gồm: huyện Cổ Chiến (tương đương huyện Tĩnh Gia ngày nay); huyện Kết Thuế (tương đương phía Bắc huyện Tĩnh Gia và phía Nam huyện Quảng Xương ngày nay); huyện Duyên Giác (tương đương phía Bắc huyện Quảng Xương, bao gồm cả Bố Vệ, ngày nay); huyện Nông Cống (bao gồm các huyện Nông Cống, Như Thanh, Như Xuân và một phần huyện Triệu Sơn ngày nay).
    Năm 1430, Hồ Hán Thương đổi phủ Thanh Hoá thành phủ Thiên Xương. Sách "Ðại Nam nhất thống chí" chép: "Phủ này (tức phủ Thiên Xương) cùng Cửu Chân và ái Châu làm "tam phủ" gọi là Tây Ðô". Thời thuộc Minh, trấn Thanh Ðô đổi thành phủ Thanh Hoá (năm 1407 - theo Ðào Duy Anh). Sách "Ðại Nam nhất thống chí" cũng ghi: "Thời thuộc Minh lại làm phủ Thanh Hoá, lãnh 4 châu là Cửu Chân, ái Châu, Thanh Hoá, Quỳ Châu và 11 huyện". Trong đó, 11 huyện là Yên Ðịnh, Nông Cống, Vĩnh Ninh, Tống Giang, Cổ Ðằng, Nga Lạc, Lương Giang, Lỗi Giang, Ðông Sơn, Yên Lạc, Cổ Lôi.
    7. Thời Lê - Nguyễn
    Năm Thuận Thiên thứ nhất (năm 1428), chia nước làm 5 đạo, Thanh Hoá thuộc Hải Tây đạo. Năm Quang Thuận thứ 7 (năm 1466) đặt tên là Thừa Tuyên Thanh Hoá; đến năm Quang Thuận thứ 10 (năm 1469) đổi là Thừa Tuyên Thanh Hoa, tên Thanh Hoa có từ đây. Thanh Hoa Thừa Tuyên theo "Thiên Nam dư hạ tập" lãnh 4 phủ, 16 huyện và 4 châu. Trong đó:
    1) Phủ Thiệu Thiên gồm 8 huyện: Lương Giang, Ðông Sơn, Lôi Dương, Yên Ðịnh, Vĩnh Ninh, Cẩm Thuỷ, Thạch Thành và Bình Giang.
    2) Phủ Hà Trung gồm 4 huyện: Tống Giang, Hoằng Hoá, Thuần Hựu và Nga Giang.
    3) Phủ Tĩnh Ninh gồm 3 huyện: Ngọc Sơn, Quảng Xương, Nông Cống.
    4) Phủ Thanh Ðô chỉ có 1 huyện là Thọ Xuân.
    Thời Hồng Thuận (Lê Tương Dực 1509 - 1516), Thừa Tuyên Thanh Hoa lại đổi là trấn Thanh Hoa. Thời Lê Trung Hưng (1553 - 1788) gọi là nội trấn Thanh Hoa, sáp nhập thêm hai phủ Trường Yên và Thiên Quan của trấn Sơn Nam lệ vào trấn Thanh Hoa, gọi là ngoại trấn Thanh Hoa.
    Thời Tây Sơn lấy ngoại trấn Thanh Hoa lệ vào Bắc thành, tách khỏi nội trấn Thanh Hoa. Tên "trấn Thanh Hoa" được giữ cho đến năm 1831. Năm Minh Mệnh thứ 12 lấy nội trấn làm tỉnh Thanh Hoa và ngoại trấn làm tỉnh Ninh Bình, tên tỉnh Thanh Hoa có từ đây.
    Năm Thiệu Trị thứ 3 (năm 1843) đổi tên Thanh Hoa thành Thanh Hoá - đánh dấu sự ra đời của tên tỉnh Thanh Hoá. Tỉnh Thanh Hoá thời Nguyễn Sơ (Gia Long - Minh Mạng) gồm 4 phủ; 20 huyện, châu, thủy cơ; 89 tổng; 1.645 xã, thôn, động, sở. Trong đó:
    1) Phủ Hà Trung gồm 4 huyện: huyện Tống Sơn (huyện Hà Trung ngày nay); huyện Hoằng Hoá; huyện Phong Lộc (Hậu Lộc ngày nay) và huyện Nga Sơn.
    2) Phủ Thiệu Thiên (đời Lê Quang Thuận gọi là phủ Thiệu Thiên, sau Gia Long đổi thành Thiệu Hoá) gồm 8 huyện: huyện Quảng Bằng (là phần đất của huyện Thạch Thành ngày nay); huyện Thạch Thành (là phần đất Ðông Nam huyện Thạch Thành ngày nay); huyện Thuỵ Nguyên (tương đương với phần đất Thiệu Hoá, một phần Thọ Xuân và Ngọc Lặc hiện nay); huyện Yên Ðịnh; huyện Lôi Dương (tương đương phần đất Thọ Xuân, Thường Xuân ngày nay); huyện Vĩnh Lộc; huyện Ðông Sơn; huyện Cẩm Thuỷ (tương đương phần đất huyện Cẩm Thuỷ, Bá Thước và một phần huyện Quan Hoá ngày nay).
    3) Phủ Tĩnh Gia: đời Lê Quang Thuận là phủ Tĩnh Ninh, đến thời Trung Hưng vì kiêng huý của Lê Trang Tông nên đổi làm Tĩnh Giang, sau đổi làm Tĩnh Gia. Phủ Tĩnh Gia gồm 3 huyện: huyện Ngọc Sơn (tương đương với huyện Tĩnh Gia ngày nay); huyện Nông Cống (tương đương với các huyện Nông Cống, Như Thanh và Như Xuân ngày nay); huyện Quảng Xương (tương đương với phần đất huyện Quảng Xương ngày nay).
    4) Phủ Thanh Ðô: sách "Ðại Nam nhất thống chí" chép: "... Ðời Lý, đời Trần mới khai thác, cuối đời Trần là đất trấn Thanh Ðô... Ðời Lê Quang Thuận đặt làm phủ Thanh Ðô, lệ vào Thanh Hoá Thừa Tuyên, lãnh một huyện (Thọ Xuân miền núi) và 5 huyện, châu, thủy cơ".
    Từ năm Minh Mệnh thứ 2 đến năm Khải Ðịnh thứ 10 (năm 1925), bản đồ địa giới hành chính tỉnh Thanh Hoá có thay đổi như sau:
    1) Minh Mệnh thứ 2 (năm 1821) đổi phủ Thanh Ðô thành phủ Thọ Xuân.
    2) Minh Mệnh thứ 7 (năm 1826) nhập huyện Lôi Dương vào phủ Thọ Xuân.
    3) Minh Mệnh thứ 16 (năm 1835), đặt thêm phủ Quảng Hoá gồm 4 huyện là Vĩnh Lộc - Thạch Thành - Cẩm Thuỷ - Quảng Tế (bốn huyện này từ phủ Thiệu Hoá mà ra). Hợp nhất huyện Thọ Xuân (miền núi) vào châu Lang Chánh (huyện Thọ Xuân miền núi mất từ đây).
    4) Minh Mệnh thứ 18 (năm 1837), đặt thêm châu Thường Xuân (lấy đất của các huyện Lôi Dương, châu Lang Chánh, huyện Nông Cống - châu Thường Xuân có từ đây).
    5) Minh Mệnh thứ 19 (năm 1838) đặt thêm huyện Mỹ Hoá (lấy đất ở huyện Hoằng Hoá và huyện Hậu Lộc), đặt phân phủ Hà Trung.
    6) Thiệu Trị thứ 3 (năm 1843) đổi tên Thanh Hoa thành Thanh Hoá, bỏ phân phủ Hà Trung. Huyện Hoằng Hoá kiêm luôn huyện Mỹ Hoá, (huyện Mỹ Hoá mất từ đây). Phủ Quảng Hoá kiêm thêm huyện Thạch Thành, huyện Quảng Tế và châu Quan Hoá. Phủ Thọ Xuân kiêm thêm châu Thường Xuân và châu Lang Chánh.
    7) Thành Thái thứ 1 (năm 1889), huyện Thạch Thành kiêm luôn huyện Quảng Tế (tên huyện Quảng Tế mất từ đây).
    8) Thành Thái thứ 5 (năm 1893) tách đất huyện Nông Cống (hai tổng Xuân Du và Lãng Lăng) đặt thành châu Như Xuân.
    9) Thành Thái thứ 12 (năm 1900) đặt tri huyện Nga Sơn, tách huyện Thuỵ Nguyên đặt ra châu Ngọc Lặc. Huyện Thuỵ Nguyên nhập vào phủ Thiệu Hoá (tên huyện Thuỵ Nguyên mất từ đây).
    10) Khải Ðịnh thứ 10 (năm 1925) đặt châu Tần Hoá (lấy đất 4 tổng của châu Quan Hoá là Thiết ống, Cổ Lũng, Sa Lung và Ðiền Lư).
    Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đổi tên châu Tần Hoá thành huyện Bá Thước. Cho đến sau năm 1954, bản đồ hành chính tỉnh Thanh Hoá gồm 21 huyện, thị xã (các tên phủ, châu đều đổi thành huyện).
    Từ năm 1965 đến ngày 5-8-1999, sau nhiều lần sáp nhập và chia tách, bản đồ hành chính tỉnh Thanh Hoá có 27 huyện, thị, thành phố với 633 xã, phường, thị trấn.
     
  5. caycothu

    caycothu Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/01/2004
    Bài viết:
    592
    Đã được thích:
    0

    MỘT SỐ ÐỊA DANH NỔI TIẾNG
    Thanh Hoá không chỉ được biết đến với vị thế là mảnh đất "địa linh, nhân kiệt", nơi phát tích của các vương triều tiền Lê, hậu Lê, chúa Trịnh, chúa Nguyễn, triều Nguyễn, mà người dân xứ Thanh còn tự hào vì đã có nhiều đóng góp to lớn trong quá trình xây dựng các công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn lịch sử, gắn liến với sự thịnh vượng và suy vong của các vương triều phong kiến Việt Nam.
    1. Ly cung (còn gọi là cung Bảo Thanh), nằm ở phía Tây Nam núi Ðại Lại, nay là thôn Kim Phát, xã Hà Ðông, huyện Hà Trung.
    Toàn thư chép: "Mùa đông tháng 11 (Ðinh Sửu - năm 1397), Quý Ly bức vua (Trần Thuận Tông) dời đô đến phủ Thanh Hoá. Trước là vua đi Yên Sinh bái yết các lăng, Quý Ly bắt ép vua cùng đến hành tại ở hương Ðại Lại, gọi là cung Bảo Thanh".
    Sách "Ðại Nam nhất thống chí" ghi: "ở địa phận thôn Trung xã Kim Âu huyện Vĩnh Lộc, Hồ Quý Ly dựng Ly cung ở đây, phía tả có lầu Ðấu Kê đối diện; lại dựng chùa Phong Công ở bên cạnh. Nay cung này chỉ còn lại hai, ba phiến đá tảng, ba cái giếng xây đá và dấu vết thành cũ mà thôi. Về phía Tây thành lại có Dục thành, tường đều xây đá hoa, khắc hình rùa rồng hoa lá, dưới lát đá phiến bằng phẳng như mài, trên đặt máng tre để hứng lấy nước ở sườn núi chảy vào. Nay đá hoa mười phần chỉ còn lại một. Sử chép: Quý Ly dựng cung Bảo Thanh ở phía Tây Nam núi Ðại Lại rồi bắt ép vua Trần Thuận Tông ra đấy ở, tức là chỗ này".
    2. Thành nhà Hồ
    Năm 1397, Hồ Quý Ly cho khởi công xây thành Tây Giai (còn gọi là thành An Tôn, thành nhà Hồ, Tây Ðô), nay thuộc xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc.

    Toàn thư chép: "Ðinh Sửu, năm thứ 10 (năm 1397), mùa xuân, tháng Giêng, Thượng thư Lại bộ kiêm thái sử lệnh là Ðỗ Tĩnh (có sách chép là Mẫn) đi xem xét đo đạc động An Tôn phủ Thanh Hoá, đắp thành đào hào, lập nhà Miếu đền Xã, mở đường phố, có ý muốn dời Kinh đô đến đây, 3 tháng làm xong".


    Cửa tiền thành đá Tây Ðô (Thành nhà Hồ)
    Sách "Ðại Nam nhất thống chí" ghi: "Sử chép là đô thành cũ của Hồ Quý Ly, cũng gọi là thành Tây Ðô ở các xã Tây Giai, Xuân Giai, Phương Giai huyện Vĩnh Lộc, bốn mặt đều xây đá xanh, mỗi mặt dài 120 trượng, cao 1 trượng 2 thước. Lại xây con đường lát đá hoa từ cửa Nam dài suốt đến đàn Nam Giao ở Ðốn Sơn phía ngoài thành. Mặt Nam thành xây cửa ba tầng bằng đá, như cửa Châu Tước ở thành Thăng Long; mặt Ðông - Bắc - Tây đều mở một cửa xây bằng đá; quanh các cửa đều xây nền bằng đá xanh; thành xây bằng đá vuông, dày và rắn; dưới chân thành có hào ở ngoài. Trong thành ước hơn 300 mẫu, nay đều là ruộng, chỗ nào trũng thấp là hồ ao. Tả hữu thành đều gần núi đá, phía trước thành là sông Mã. Phía ngoài thành lại đắp đất làm La thành; phía tả từ cổng Cổ Biện, phía Ðông qua các xã Bút Sơn và Cổ Ðiệp theo ven sông Bảo chạy về phía Nam đến núi Ðốn Sơn; phía hữu từ cổng Quan Hoàng huyện Cẩm Thuỷ theo ven sông Mã chạy về phía Ðông thẳng đến núi Yên Tôn, mấy vạn trượng; nay đều đổ nát, dân sở tại vỡ làm ruộng".
    3. Ðiện Lam Kinh
    Ðiện Lam Kinh nay thuộc xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, xây dựng trên quê hương của vị anh hùng dân tộc Lê Lợi; là nơi phát tích của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Phía Bắc điện Lam Kinh, dựa vào núi Dầu; phía Nam là sông Chu, núi Mục; hai bên núi đồi trùng điệp tạo nên bức tranh sơn thuỷ hoành tráng. Toàn thư chép: "Quý Sửu, tháng 12 (năm 1433), các quan theo hầu về Tây Kinh, dựng điện Lam Kinh". Ðiện Lam Kinh là nơi xây cất các phần mộ vua Lê (từ Lê Thái Tổ) và các Hoàng hậu... Hàng năm, các vua Lê về thăm viếng phần mộ tổ tiên hoặc cử các đại thần về tế lễ.
    "Ðại Nam nhất thống chí" chép: "Ðiện Lam Kinh nằm ở phía Ðông núi Lam Sơn, tại xã Quảng Thi huyện Thuỵ Nguyên. Phía Nam trông ra sông Chu, phía Bắc gối vào núi, là đất dựng nghiệp của Lê Thái Tổ. Ðầu đời Thuận Thiên lấy đất này đặt làm Tây Kinh, cũng gọi là Lam Kinh, xây dựng cung điện trông ra sông, đằng sau cung điện có hồ lớn, giống hồ Kim Ngưu, các khe núi đổ vào hồ này. Lại có khe nhỏ bắt nguồn từ hồ chảy qua trước cung điện, ôm vòng lại như hình vòng cung, bắc cầu lợp ngôi ở trên khe, đi qua cầu mới đến cung điện".
    Mặc dù trải qua thời gian và những biến cố lịch sử, nhưng những di tích còn lại ở Lam Kinh đều hàm chứa nội dung văn hoá phong phú và đa dạng, minh chứng cho một thời kỳ lịch sử vàng son của dân tộc. Năm 1994, Khu di tích lịch sử Lam Kinh đã được Nhà nước phê duyệt dự án tu bổ lại.
    4. Cung điện Yên Trường
    Cung điện Yên Trường, nay thuộc xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân. "Ðại Nam nhất thống chí" chép: "Phủ Yên Trường nhà Lê ở địa phận xã Yên Trường, huyện Thuỵ Nguyên, là hành điện của nhà Lê hồi đầu trung hưng; đất rộng chừng bảy, tám mẫu, trước kia có cung phủ thành trì, nay đều thành ruộng chỉ còn lại dấu vết cũ và một cái hồ ở trong thành mà thôi. Sử chép năm Nguyên Hoà thứ 14 (năm 1546) Lê Trang Tông lập hành điện ở sách Vạn Lại. Ðến năm Thuận Bình thứ 6 (năm 1554), Lê Trang Tông nhận thấy đất Lam Kinh chật hẹp mà địa thế Yên Trường thì phía tả có núi non, phía hữu có sông Cái, hình thế rộng rãi, hiểm trở, mới dời hành điện đến đây (tồn tại được 20 năm). Sau bị quân Mạc lấn cướp, vua Lê lại lui về đóng ở Vạn Lại, nhưng kho tàng vẫn ở Yên Trường. Sau khi trở về Thăng Long, thành Tây Ðô và hành điện Vạn Lại ngày một hoang phế, nhưng cung phủ ở Yên Trường vẫn còn. Hơn 20 năm sau, họ Trịnh nhân chỗ cũ xây dựng phủ khố cung thất ở đấy, gọi là Nghi Kinh, đến thời Tây Sơn bị đốt phá hết".
    Ngày nay, tại làng Sánh (xưa gọi là phố Sánh, nay gọi là xã Thọ Lập) và làng Lược (xưa gọi là phố Lược, nay là xã Thọ Minh) còn sót lại một số di vật đá (như nghê, sấu, cột đá, đá tảng, đá lan giai...) cùng một số cồn đất, gò đất, lùm cây... tương truyền là dấu vết của kinh đô Yên Trường xưa.
    Lăng mộ vua Lê Thái Tổ
  6. caycothu

    caycothu Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/01/2004
    Bài viết:
    592
    Đã được thích:
    0
    CHƯƠNG II: NHỮNG NỀN TẢNG CƠ BẢN PHÁT HUY THẾ MẠNHĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, VỊ TRÍ ĐỊA LÝTiền đề dẫn đến sự thành công.
    Ðiều kiện tự nhiên và đặc điểm vị trí địa lý là những nhân tố quan trọng tác động đến quá trình phát triển của kinh tế - xã hội. Việc nhận thức và đánh giá đúng những lợi thế tiềm năng và hạn chế của những nhân tố này sẽ là tiền đề, điều kiện hết sức cơ bản, giúp hoạch định những sách lược cho việc phát triển kinh tế - xã hội của Thanh Hoá.
    Thanh Hoá là hình ảnh thu nhỏ của Việt Nam, nằm ở phía Nam vùng trọng điểm kinh tế Bắc Bộ, có tiềm năng phát triển với chính sách đầu tư hấp dẫn, vị trí mang tính chiến lược lâu dài, rất thuận tiện để phát triển một nền kinh tế công - nông nghiệp - dịch vụ hiện đại và hoàn chỉnh.
    1. Vị trí địa lý


    Các tuyến đường liên huyện đã góp phần thúc đẩy KT-XH Thanh Hoá phát triển


    Thanh Hoá là tỉnh thuộc Bắc Trung Bộ. Phía Bắc giáp các tỉnh Ninh Bình, Hoà Bình, Sơn La với đường ranh giới dài 175 km. Phía Nam và Tây Nam nằm liền kề Nghệ An với đường ranh giới hơn 160 km. Phía tây, nối liền sông núi với tỉnh Hủa Phăn của nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, với đường biên giới dài 192 km. Phía đông, mở ra phần giữa của vịnh Bắc Bộ thuộc Biển Ðông, với đường bờ biển dài trên 102 km và một thềm lục địa khá rộng. Phần đất liền của Thanh Hoá chạy dài theo hướng từ Tây Bắc xuống Ðông Nam.
    Ðiểm cực Bắc ở xã Trung Sơn, phía Ðông Bắc huyện Quan Hoá (giáp tỉnh Hoà Bình), nằm ở vĩ độ 200 40'' Bắc; điểm cực Nam ở xã Hải Hà gần bờ biển của huyện Tĩnh Gia (giáp Nghệ An), nằm ở vĩ độ 190 18'' Bắc; Ðiểm cực Tây là núi Pha Long xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát (giáp Lào), nằm trên kinh tuyến 1040 22'' Ðông; điểm cực Ðông là xã Nga Ðiền (giáp Ninh Bình), nằm trên kinh tuyến 1060 05'' Ðông.
    Thanh Hoá có tổng diện tích vùng đất nổi rộng 11.168 km2 (theo dư địa chí Thanh Hoá) và một thềm lục địa rộng 18.000 km2. Chiều rộng hướng Bắc - Nam gần 100 km (đo theo đường thẳng gần bờ biển). Ðường chéo lớn nhất của lãnh thổ, từ phía Tây Bắc đến điểm cực Nam kéo dài 200 km. Về diện tích, Thanh Hoá đứng thứ tư trong tổng số 61 đơn vị tỉnh thành trực thuộc Trung ương.
    Thanh Hoá có hệ thống giao thông thuận lợi. Trong đó, đường bộ có 6 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài 800 km, gồm quốc lộ 1A, quốc lộ 10, đường Hồ Chí Minh,... sang trung Lào theo quốc lộ 217, đến thượng Lào theo đường xuyên ASEAN. Tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy qua tỉnh Thanh Hoá dài 92 km, có nhánh rẽ vào Khu công nghiệp Bỉm Sơn, khu công nghiệp Nghi Sơn, cảng Nghi Sơn.
    Hệ thống giao thông đường thuỷ bao gồm cảng biển tổng hợp Nghi Sơn (giai đoạn I năm 2002 - 2003) có thể tiếp nhận tàu trọng tải 10.000 DWT (dự kiến sau năm 2003 có thể tiếp nhận tàu trọng tải 30.000 - 50.000 DWT, công suất xếp dỡ 15 - 20 triệu tấn/năm); cảng chuyên dùng xi măng cho phép tàu có trọng tải 35.000 tấn cập cảng. Hệ thống giao thông đường sông có thể khai thác hơn 1.000 km cho phép thuyền, sà lan đi lại dễ dàng. Cảng pha sông biển Lễ Môn có công suất xếp dỡ 300.000 tấn/năm, khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải 600 tấn. Với lợi thế có đường bờ biển dài, tàu biển từ các cảng của Thanh Hoá như Lễ Môn, Nghi Sơn, Lạch Bạng có thể đi trực tiếp đến các cảng trong nước, đồng thời đi đến các nước trong khu vực Ðông Nam á và thế giới.
    2. Khí hậu
    Khí hậu Thanh Hoá vừa mang đặc điểm của vùng khí hậu Bắc Bộ với một mùa đông (tuy ngắn) lạnh và khô; vừa mang những tính chất riêng của khí hậu Trung Bộ. Mùa mưa muộn hơn các nơi khác và bão muộn hơn Bắc Bộ. Ðồng thời, Thanh Hoá còn có những ngày khô nóng do chịu ảnh hưởng phơn Tây - Nam thổi từ Lào sang. Nhìn chung, khí hậu Thanh Hoá có tính chất chuyển tiếp giữa Bắc Bộ và Trung Bộ với kiểu khí hậu nhiệt đới gió mùa. Nhiệt độ trung bình hàng năm 230C - 240C ở vùng đồng bằng - trung du; 200C ở vùng núi. Lượng mưa trung bình 1.600 - 2.000 mm/năm, số ngày mưa 130 - 150 ngày và mùa mưa thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10.
    3. Ðịa hình, địa chất, đất đai
    Thanh Hoá có đủ các dạng địa hình: từ núi tương đối cao đến đồi trung du, đồng bằng, đồng chiêm trũng (nhiều vùng mặt đất còn thấp hơn mực nước biển), đến bãi bồi, cồn cát, ruộng vùng ven biển, các đảo ven bờ và ngoài khơi.
    Ðịa hình Thanh Hoá có đồi núi chiếm 3/4 diện tích cả tỉnh, nhiều đồi núi cao từ 1.000 m đến 1.500 m gắn liền với vùng rừng núi thuộc khu Tây Bắc và những dãy núi thuộc tỉnh Hủa Phăn (Lào). Từ đây, địa hình thoải dần, kéo dài và mở rộng về phía Ðông Nam. Ðến ngang vùng trung tâm của tỉnh, chỉ còn các núi đồi cao trên dưới 500 m, từ độ cao 20 m trở xuống là đồng bằng, tiếp theo là vùng thềm lục địa rộng và nông dưới đáy vịnh Bắc Bộ.
    Khoáng sản của Thanh Hoá có trữ lượng, chất lượng tốt là đá vôi ( dùng cho sản xuất xi măng), vôi, sô đa, bột nhẹ, đá xây dựng, đá ốp lát, đá mable màu đen, trắng, vân mây, v.v. đá mácma: gabro, spilit-diabaz, granit, v.v. và các loại đá khác có cát kết màu trắng. Nguyên liệu gốm sứ chịu lửa có các loại cao lanh, quaczit, cát thuỷ tinh, v.v.. Nhiều loại đất sét sản xuất xi măng, gạch, ngói, phụ gia sản xuất xi măng (bazan, quặng sắt,...). Nguyên liệu hoá chất có barit, secpentin, đôlomit, v.v..
    Ðồng thời, Thanh Hoá cũng có một số quặng kim loại như: Cromit (mỏ duy nhất tại Việt Nam, trữ lượng trên 20 tấn), ilmenit, zircon, chì, kẽm, vàng, v.v. cùng nhiều nguồn nước khoáng thiên nhiên tinh khiết.
    Lâm sản như tre, nứa, luồng: 183.622 ha, trữ lượng trên 1 triệu cây (4 triệu tấn); rừng trồng: bạch đàn, keo (18.000 ha), thông nhựa (7.200 ha), quế, v.v.. Khả năng khai thác các loại lâm sản như tre, nứa, luồng là 1 triệu tấn/năm. Trong thời gian tới, tiếp tục phát triển nguyên liệu tre, nứa, luồng, gỗ rừng trồng, v.v.. Trồng mới khoảng 125.000 ha rừng gồm: rừng nguyên liệu giấy, gỗ 110.000 ha, rừng quế 12.000 ha, cánh kiến 3.000 ha.
    Sông ngòi, tổng diện tích chiều dài của 16 sông chính và nhánh là 1.072 km. Mật độ sông ngòi không lớn, biến đổi từ 0,1 - 1,06 km/km2. Các sông đều ngắn (trừ sông Mã dài 528 km). Sông có độ dốc lớn biến thiên từ 5,4% đến 23,7%. ở vùng sát biển, sông có độ dốc nhỏ và chịu ảnh hưởng của thuỷ triều. Thanh Hoá có bốn hệ thống sông chính là sông Hoạt, sông Mã, sông Yên và sông Lạch Bạng.
    1) Sông Mã: dài 528 km, trong đó phần chảy trên lãnh thổ Việt Nam là 410 km. Riêng địa phận Thanh Hoá là 242 km. Các phụ lưu của sông Mã gồm 89 nhánh, trong đó có các sông, suối chủ yếu là: suối Sim, suối Quanh, suối Xia, sông Luồng, sông Lồ, Hón Nủa, sông Bưởi, sông Cầu Chày, sông Chu, sông Khao, sông Âm, sông Ðạt. Ðây là hệ thống sông lớn nhất Thanh Hoá, trong phạm vi của tỉnh, lưu vực sông bao trùm tới 4/5 diện tích của toàn tỉnh.
    2) Sông Yên: dài 94,2 km, trong đó có 50 km chảy qua vùng rừng, núi và hơn 40 km chảy qua vùng đồng bằng. Diện tích lưu vực là 1.996 km2 (đồng bằng và bán sơn địa chiếm 49,5%, diện tích ngoài đê là 107 km2, chiếm 5,3%; diện tích rừng núi là 900 km2, chiếm 45,2% ). Sông Yên có 4 nhánh chính: sông Nhơm, sông Hoàng, sông Lý, sông Thị Long.
    3) Sông Hoạt: kể từ nguồn đến cửa sông khoảng 55 km, chảy qua hai huyện Hà Trung và Nga Sơn. Từ cầu Cừ trở lên thường gọi là sông Man Bảo, dưới cầu Cừ thường gọi là sông Hoạt.
    4) Sông Lạch Bạng: dài 34,5 km, trong đó có 18 km chảy trên vùng đồi núi, 16,5 km chảy qua vùng đồng bằng. Diện tích lưu vực 236 km2, trong đó miền núi chiếm trên một nửa. Sông chủ yếu có hướng Tây Bắc - Ðông Nam, nhưng trong vùng đồng bằng lại chạy theo hướng Tây Nam - Ðông Bắc, tạo với hướng cũ thành hình chữ V với góc độ khoảng 1200.
    Biển ở đây là những đặc trưng thiên nhiên đặc sắc của tỉnh Thanh Hoá, nhân tố tác động thường xuyên đến nhiều hiện tượng xảy ra trong thiên nhiên và ảnh hưởng đến nhiều hoạt động xã hội.
    Nước ở vùng biển Thanh Hoá nóng ấm quanh năm, vào mùa đông nhiệt độ nước biển ít khi xuống dưới 200C, vào mùa hè nhiệt độ nước biển dao động ở mức 25 - 270C.
    Thềm lục địa, đáy biển Thanh Hoá kéo dài ra xa với địa hình tương đối bằng phẳng, ít có rãnh sâu hoặc đảo núi như vịnh Hạ Long. Biển ở Thanh Hóa nông hơn so với biển của các tỉnh lân cận như Ninh Bình, Nam Ðịnh, Hà Nam và Nghệ An.
    Tài nguyên biển và thuỷ sản: Thanh Hoá có trên 102 km bờ biển, vùng lãnh hải rộng cùng với 7 cửa lạch lớn, nhỏ, rất thuận lợi cho việc nuôi trồng thuỷ hải sản, cho tàu đánh cá ra vào, là những trung tâm nghề đánh bắt cá biển và dịch vụ hậu cần. Hiện nay, Thanh Hoá có 135 tàu đánh bắt xa bờ. Hàng năm, khả năng khai thác trên 100.000 tấn hải sản các loại. Nhiều loại đặc sản như: cá (cá chim, thu, nụ đé, cá hồng, cá nục, cá ngừ, cá lầm, cá trích,...); tôm (tôm he, tôm hộp, tôm sắt, tôm hùm); mực (mực ống, mực nang), cua, ghẹ, sứa, ngao, sò, ốc hương, v.v.. Vùng triều và vùng nước mặn gần bờ nuôi trồng thuỷ sản nước mặn, lợ như: tôm sú, tôm he, cua, cá song, trai ngọc, tôm hùm, rong câu, trồng cói, cây chắn sóng và làm muối. Dự kiến việc phát triển nguyên liệu thuỷ, hải sản đến năm 2010 của tỉnh: tổng sản lượng khai thác trên 80.000 tấn, trong đó có các loại đặc sản như: tôm, mực, v.v.. Sản lượng thuỷ sản nuôi nước mặn và nước lợ là 15.000 tấn, trong đó chủ yếu là các loại tôm và đặc sản.
    Bên cạnh đó, Thanh Hoá còn có nguồn nông sản khá dồi dào, với 30.000 ha đất canh tác, cùng nhiều loại nông sản chính có sản lượng lớn, chất lượng cao như gạo, ngô, lạc, mía, dứa, cói, khoai lang, sắn, cây ăn quả, cao su, cà phê và những đàn gia súc, gia cầm lớn cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến.
    Với những lợi thế nêu trên có thể khẳng định, Thanh Hoá là địa phương hội đủ các nhân tố về nhân lực và vật lực để có thể phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Tuy vậy, để Thanh Hoá trở thành nền kinh tế động lực của miền Trung, nhân dân Thanh Hoá cần phải hết sức nỗ lực và đoàn kết để có thể tận dụng tốt những lợi thế sẵn có, vượt qua khó khăn, khẳng định vị thế là một tỉnh lớn của cả nước.
    Mô hình trồng quế Trạnh Vạn - xã Vạn Xuân
  7. caycothu

    caycothu Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/01/2004
    Bài viết:
    592
    Đã được thích:
    0
    Vùng đất địa linh nhân kiêt
    Thanh Hoá là một vùng quần cư lâu đời, một vùng kinh tế, văn hoá phát triển. Nơi đây còn là địa bàn chiến lược quan trọng, là căn cứ địa vững chắc của nhiều cuộc kháng chiến chống lại giặc ngoại xâm của dân tộc từ hàng nghìn năm nay. Trong thời đại phong kiến, người dân Thanh Hoá đã ghi lại những mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước, mở nước và giữ nước của cả dân tộc Việt Nam. Trong cách mạng hiện đại, người dân xứ Thanh cũng đóng góp xứng đáng đối với cả nước để xây dựng quê hương mình nhanh chóng trở nên giàu đẹp, phồn vinh.
    Mảnh đất địa linh...
    Khi nhìn vào đặc điểm của địa hình Thanh Hoá, nhiều người đã cho rằng: Thanh Hoá là một "Việt Nam thu nhỏ", bởi cấu tạo địa mạo của vùng đất này có cả núi tương đối cao đến đồi trung du, đồng bằng cao thấp bậc thang, đồng chiêm trũng (có nơi đất còn thấp hơn mực nước biển), đến bãi bồi, cồn cát, ruộng bùn ven biển, lại thêm các đảo ven bờ và ngoài khơi.

    Ðền thờ Lê Lợi tại Lam Sơn - Thọ Xuân


    Những con sông chảy xiết đã nhiều lần đổi dòng, tạo ra những hồ nước rộng, hẹp khác nhau, những khúc sông chảy quanh co, khúc khuỷu. Bên cạnh đó, qua quá trình vận động của nội lực trong lịch sử địa chất, địa hình Thanh Hoá, nhiều vùng có lúc lên cao, có nơi thụt xuống, lúc thì biển tràn lấn vào, lúc lại rút ra. Các đợt sóng biển cùng với thuỷ triều đã góp phần làm nên những dải cồn cát cao thấp nhiều đợt, điều này nổi rõ nhất ở vùng duyên hải phía Nam.
    1) Ðồng bằng Thanh Hoá
    Với diện tích rộng 2.900 km2, đồng bằng Thanh Hoá là vùng đồng bằng rộng lớn nhất của các tỉnh miền Trung và lớn thứ ba của cả nước. Không những thế, đồng bằng Thanh Hoá hội đủ tính chất của một đồng bằng châu thổ, do phù sa các sông bồi đắp trên một vịnh biển nông. Ðồng bằng này có hình giống như một tứ giác mà cạnh đáy, cạnh lớn nhất, là đường bờ biển với một đỉnh ở trên sông Chu tại Ðồng Mới (thuộc thị trấn Thường Xuân) và đỉnh còn lại nằm trên sông Mã (tại xã Vĩnh Quang - Vĩnh Lộc). Cả hai đỉnh này đều cách bờ biển hơn 50 km theo đường chim bay. Vì thế, giới hạn giữa miền núi và đồng bằng Thanh Hoá rất quanh co, khúc khuỷu. ở hầu hết các nơi, đồi núi và đồng bằng đan xen nhau theo thế cài răng lược.
    2) Biển Thanh Hoá
    Vùng biển Thanh Hoá nằm trong vịnh Bắc Bộ. Bên cạnh những tài nguyên thuỷ sản phong phú, trong lòng biển còn chứa nhiều tài nguyên khác như các loại khoáng sản và dầu khí. Ðộ mặn trung bình vào khoảng 3,2%, mùa mưa giảm xuống đến 3%, nhưng mùa khô có thể tăng lên 3,5%. Tại các cửa sông, nhất là vào dịp nước lũ độ muối của nước chỉ còn 1,5 - 2%.
    Ðáy biển Thanh Hoá kéo dài ra xa với địa hình tương đối bằng phẳng và nông. Nhiều nơi khi ra xa bờ đến 1km, độ sâu của đáy biển chỉ là 1m. Do đó, dù "biển lặng" thì nơi này sóng vẫn tạo nên những lớp bọt trắng xoá ào ạt xô vào bờ, lúc thuỷ triều xuống lộ ra cả vùng đất lầy ven bờ.
    Từ đất liền có những dẫy núi kéo dài vươn ra tận biển như ở Nga Sơn, Lạch Trường, Sầm Sơn,v.v. ngoài biển cũng có những đảo như Hòn Nẹ cao 94 m, cách đất liền huyện Hậu Lộc 4 km; Hòn Mê cao 243 m, cách bờ biển ở huyện Tĩnh Gia 12 km; ở đảo Nghi Sơn, khi thuỷ triều xuống có thể lộ ra lạch nông để ra đảo. Nhờ đó, tàu biển ra vào cảng Nghi Sơn có thể đi theo lạch sâu hơn 10 m, thậm chí ngay trong cảng nước cũng sâu đến 13 m. Bên cạnh đó, dầu khí ở Thanh Hoá cũng đang hứa hẹn một tiềm năng lớn, góp phần đáng kể trong phát triển kinh tế của địa phương.
  8. caycothu

    caycothu Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/01/2004
    Bài viết:
    592
    Đã được thích:
    0
    .... Sinh dưỡng những nhân tài xuất chúng
    Thanh Hoá là nơi sản sinh và hội tụ nhiều nhân tài kiệt xuất của dân tộc Việt Nam trong lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước. Cụ thể là:
    Lê Thị Hoa (thế kỷ I): quê ở Nga Thiện (Nga Sơn), là một nữ tướng tài ba của Hai Bà Trưng. Bà đã cùng người con tham gia khởi nghĩa và đã lập được nhiều công tích.
    Bà Triệu (226 - 248): quê ở vùng núi Quân Yên, xã Ðịnh Công (Yên Ðịnh). Năm 20 tuổi cùng anh trai là Triệu Quốc Ðạt dựng cờ khởi nghĩa chống giặc Ngô. Khi Triệu Quốc Ðạt mất, nghĩa quân tôn Bà làm thủ lĩnh và tiếp tục lãnh đạo nhân dân kháng chiến. Cuộc khởi nghĩa đã lan ra Giao Chỉ, vào tận Cửu Ðức, Nhật Nam.
    Ðại Thăng Ðăng (Pháp danh - thế kỷ VIII): người Thanh Hoá, tên Phạn là Mahayana Pridipa, uyên thâm Phật học, đến Trung Quốc, ấn Ðộ nghiên cứu và truyền đạo, chú giải kinh phật. ông mất tại chùa Niết Bàn (ấn Ðộ), thọ 60 tuổi.
    Khương Công Phụ (? - 805): quê ở làng Ðịnh Thành (Yên Ðịnh). Ông đỗ tiến sĩ năm 780, dưới thời Ðường Ðức Tông. Ông là vị tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam, nổi tiếng thanh liêm, chính trực. Ông đã để lại tác phẩm "Bạch vân chiếu xuân hải", một tác phẩm văn học vào loại sớm nhất của Việt Nam còn lại cho đến ngày nay.
    Dương Ðình Nghệ (? - 937): quê ở làng Giàng, xã Thiệu Dương (Thiệu Hoá). Ông là một vị hào trưởng yêu nước, biến trang trại của mình ở làng Giàng thành căn cứ khởi nghĩa chống quân Nam Hán. Năm 931, ông chỉ huy nghĩa quân tấn công thành Ðại La (Hà Nội), giành được thắng lợi, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, chấm dứt nghìn năm Bắc thuộc
    Ngô Chân Lưu (933 - 1011): quê ở huyện Tĩnh Gia. Năm 971, Ðinh Tiên Hoàng ban hiệu Khuông Việt Ðại sư. Ông được Lê Hoàn tin cẩn cho tham mưu những việc quan trọng của triều đình, đặc biệt trên lĩnh vực ngoại giao. Ông là tác giả của bài "Tống vương lang quý" nổi tiếng, v.v..
    Lê Hoàn (941 - 1005): quê ở xã Xuân Lập (Thọ Xuân). Từ một người lính bình thường, ông đã lập nhiều chiến công, được Ðinh Bộ Lĩnh giao cho làm Thập đạo tướng quân tổng chỉ huy quân đội. Năm 980, trước sự xâm lược của quân Tống, ông đã được quân sĩ và triều đình Hoa Lư tôn làm Hoàng đế. Ông đã lãnh đạo quân dân Ðại Việt hoàn thành công cuộc kháng chiến chống giặc Tống. Ông là một nhà ngoại giao tài giỏi, có công lớn trong việc mở mang kinh tế, phát triển nông nghiệp, giữ yên bờ cõi đất nước.
    Lê Phụng Hiểu (?): là người hương Băng Sơn, Châu ái (nay là xã Hoằng Sơn - Hoằng Hoá). Ông có sức khoẻ hơn người, võ nghệ cao cường, nên được Lý Thái Tổ dùng làm vũ vệ tướng quân. Khi Lý Thái Tổ mất, các vương gây biến, ông là người có công dẹp loạn, tôn Lý Thái Tông lên ngôi, giữ yên triều Lý. Ðược phong Ðô thống thượng tướng quân, tước hầu. Ông còn có công lớn trong việc dẹp giặc Chiêm Thành giữ yên bờ cõi phía Nam. Khi chết được phong làm Phúc thần.
    Ðinh Củng Viên (? - 1294): quê ở huyện Ðông Sơn, là một nhà ngoại giao tài giỏi dưới thời Trần Thánh Tông (1258 - 1278), khi ông mất được phong chức Thái phó.
    Lê Văn Hưu (1230 - 1322): quê ở xã Thiệu Trung, Thiệu Hoá. Năm 1247, thi đỗ Bảng nhãn. Năm 1272, ông làm Hàn lâm viện học sĩ, kiêm Quốc sử viện quán tu. Trong sự nghiệp của mình, ông đã hoàn thành bộ "Ðại Việt sử ký", gồm 30 quyển. Ông không chỉ là nhà viết sử lỗi lạc đầu tiên của Việt Nam, mà còn là nhà quân sự có tài. Ông đã từng giữ chức Thượng thư Bộ Binh kiêm Chưởng sử, tước Nhân uyên hầu.
    Hồ Quý Ly (1336 - 1407): quê làng Kim Âu, xã Hà Ðông (Hà Trung), là một vị quan lớn dưới triều Trần, ông đã cách tân đất nước. Năm 1400, ông truất ngôi vua Trần, lập ra nhà Hồ, chuẩn bị cuộc kháng chiến chống giặc Minh, nhưng bị thất bại. Hồ Quý Ly không những là nhà cải cách táo bạo, mà còn làm thơ, soạn sách, với tác phẩm tiêu biểu Minh đạo, cùng một số bài thơ như: Ðáp bắc nhân vấn, An Nam phong tục, Từ trung uý Ðỗ Tử Trừng, v.v..
  9. caycothu

    caycothu Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/01/2004
    Bài viết:
    592
    Đã được thích:
    0
    Lê Lai (1355 - 1418): quê ở xã Kiên Thọ (Ngọc Lặc), tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, giữ chức Ðô tổng quản, tước Quan nội hầu. Năm 1418, nghĩa quân bị nhà Minh vây đánh ở Mường Một, quân ít, lương cạn, để bảo vệ Lê Lợi, ông đã giả làm Lê Lợi giải vây cho nghĩa quân và hy sinh anh dũng. Ðời vua Thánh Tông, ông được truy phong làm Trung Túc Vương.
    Lê Tắc (thế kỷ XIV): quê ở Ðông Sơn, theo Trần ích Tắc hàng giặc Nguyễn, làm quan Phụng nghị đại phu ở Hán Dương (Trung Quốc). ở Trung Quốc, ông đã hoàn thành bộ An Nam chí lượng gồm 20 cuốn nói về lịch sử Việt Nam từ thượng cổ đến đời Trần.
    Lê Văn Linh (1367 - 1447): người làng Hải Lịch, huyện Lôi Dương (Thọ Xuân), là một trong 18 người tại hội thề Lũng Nhai. Ông luôn ở bên cạnh Lê Lợi bàn mưu, tính kế, soạn thảo văn thư. Năm Triệu Bình thứ 4 (năm 1437), đời vua Lê Thái Tông, ông ra sức can gián việc vua giết Lê Sát nên bị giáng làm bộc xạ, sau đó ít lâu được phục chức. Ông được phong Thái phó.
    Nguyễn Chích (1382 - 1448): quê ở Ðông Ninh (Ðông Sơn). Ông xây dựng căn cứ Hoàng Nghiêu chống lại giặc Minh. Khi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa, ông đem nghĩa quân Hoàng Nghiêu theo Lê Lợi. Là một tướng tài ba, ông đã đề xướng ra kế hoạch đánh vào Nghệ An và giành được thắng lợi lớn, làm thay đổi tình hình nghĩa quân, mở đầu cho các thắng lợi liên tiếp của nghĩa quân Lam Sơn.
    Lê Thái Tổ (Lê Lợi, 1385-1433): quê ở Xuân Lam, Thọ Xuân trong một gia đình ba đời làm Hào trưởng. Năm 1407, cuộc kháng chiến chống Minh của nhà Hồ thất bại, biết Lê Lợi là người tài giỏi, giặc Minh mời ông ra làm quan nhưng ông đã từ chối. Năm 1418, ông lãnh đạo nhân dân tiến hành khởi nghĩa. Sau 10 năm kháng chiến, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi. Lê Lợi lên làm vua, lập triều đại hậu Lê. ông không chỉ là nhà tổ chức, nhà quân sự lỗi lạc, mà còn là nhà quản lý đất nước xuất sắc trong lịch sử dân tộc.
    Lê Ngân (?): người Ðàm Di, Lam Sơn, tham gia ngay từ ngày đầu cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, ông có rất nhiều công tích trong trận chiến quan trọng: thắng giặc ở ải Khả Lưu, Thuận Hoá và hạ thành Nghệ An, bắt hàng Thái Phúc, được khắc biển công thần thứ 4 trong 93 người. Với chức trọng, quyền cao, năm 1435, làm Phụ tướng, ông bị kẻ gian ghen ghét dèm pha, vua bắt ông tội chết với lý do có kẻ tố cao ông thờ Phật bà Quan Âm. Huệ Phi, con gái ông cũng bị giáng xuống làm tư dung. Ðến năm Hồng Ðức thứ 15 (năm 1484), ông được giải oan, truy tặng Thái phó Trương Quốc Công.
    Phạm Vấn(? - 1435): quê ở Nguyên Xá (Ðông Sơn). Tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn từ năm 1416, có công lớn trong các trận Bồ Mộng, Bồ Ðằng, giải phóng thành Nghệ An. Ông là một trong những trụ cột của triều đình nhà Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, với ngôi Tể tướng. Khi mất được truy tặng Thái phó, năm 1484 truy phong Trấn quận công.
    Lê Sát (? - 1437): người thôn Bỉ Ngũ, Lam Sơn, Thọ Xuân, tham gia khởi nghĩa Lam Sơn ngay từ đầu, có nhiều công lao lớn: đánh thắng Trần Trí, Sơn Thọ ở ải Khả Lưu, phá thành Xương Giang, đập tan 20 vạn quân Liễu Thăng ở Chi Lăng. Thái bình thịnh trị, ông làm quan đến chức Tể tướng. Nhưng vì ngay thẳng và quá khuôn phép nên ông bị bọn gian thần xúc xiểng, ghép tội chết. Ðến năm Hồng Ðức thứ 15 (năm 1484), đời vua Lê Thánh Tông, ông mới được minh oan, truy tặng Thái bảo Cảnh quận công.
    Lê Khôi (? - 1446): người Lam Sơn, Thuỷ Nguyên (Thọ Xuân ngày nay), là cháu gọi Lê Lợi bằng chú ruột và là một trong những người đầu tiên đứng dưới cờ nghĩa Lam Sơn. Ông đã lập được nhiều công lớn, đánh thắng trận Khả Lưu, hạ thành Xương Giang, mở mang bờ cõi, dẹp nội loạn Bế Khắc Triệu, Nông Ðắc Thái, nhiều lần đánh thắng Ai Lao, giữ vững biên ải quốc gia. Ông có nhiều kế sách bình trị, lấy đức và chính làm đầu, dân được bình yên. Ông là người có công to, đức lớn, tài cao, nên các triều vua Lê (Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông), đều tin dùng, cho tham dự việc triều chính. Khi ông mất được triều đình truy tặng Thái uý Tam Quốc Công.
    Nguyễn Mộng Tuân (thế kỷ XV): quê ở Ðông Anh (Ðông Sơn). Năm 1400, đậu Thái học sinh và tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, lập được nhiều công lớn. Dưới thời vua Lê Nhân Tông, ông được cử đi đánh quân Chiêm Thành. Nguyễn Mộng Tuân còn là nhà thơ với các tác phẩm "Cúc Pha thi tập", "Chí Linh sơn phú", v.v..
    Trịnh Khả (1399 - 1451): người làng Kim Bôi (Vĩnh Lộc). Ông là một trong 18 người có mặt trong hội thề Lũng Nhai năm Bính Thân (năm 1416). Khi Lê Lợi vây thành Nghệ An, ông cùng Lê Văn Linh được cử làm tướng văn, tướng võ. Cùng với Lê Triện, Ðinh Lễ đánh tan 5 vạn quân Vương Thông ở Ninh Kiều, chặn đứng 2 vạn quân của Mộc Thanh ở ải Lê Hoa. Ông được phong tới chức Nhập nội Thái uý, Bình chương quân quốc trọng sự, Thượng trụ quốc, được ban kim ngư trang kim phù, tước Quốc thượng hầu. Tháng 9-1451, đời vua Lê Nhân Tông, ông cùng con là Trịnh Bá Quát bị hại, do có kẻ gièm pha với Thái hậu là cha con ông làm phản. Năm thứ 11 (năm 1553), Lê Nhân Tông đã khôi phục lại quan tước cho ông. Ðời vua Lê Thánh Tông truy phong Hiển khánh vương.
    Lê Liệt (? - 1462): người Thuỷ Luân, Lam Sơn (nay là xã Xuân Lam - Thọ Xuân), gọi Lê Lợi là cậu. ông cùng người anh là Lê Lễ có mặt trong hội thề Lũng Nhai. Lúc thái bình đầu triều Lê, ông được khắc biển phong công thần thứ 2, được thăng nhập nội tư mã tham dự việc triều chính. Khi Lạng Sơn vương (Lê Nghi Dân) giết vua, ông cùng Nguyễn Xí, Lê Lăng dẹp loạn đón Lê Thánh Tông lên ngôi. Năm Hồng Ðức thứ 2 (năm 1462), ông mất, triều đình truy tặng là Mục vương.
    Lê Niệm (? - 1485): quê ở thôn Dật Tú, là cháu Lê Lai di cư tới xã Văn Lộc, Hậu Lộc. ông là một vị quan thanh liêm, có công lớn trong cuộc kháng chống Chiêm Thành, được Lê Thánh Tông tin cẩn giao cho việc trông coi triều chính, khi vua về bái yết Sơn Lăng. Ông còn tham gia viết sách Anh Hoa hiếu tự. Làm quan tới chức Thái phó Tĩnh quốc công thần, khi mất được truy tặng Thái uý.
    Lê Thánh Tông (1442 - 1497): Lê Thánh Tông sinh ngày 20-7 năm Nhâm Tuất (năm 1442), huý là Tư Thành, con thứ tư của vua Lê Thái Tông và Hoàng hậu Ngô Thị Ngọc Dao, là cháu nội của vua Lê Thái Tổ, mất ngày 30-12 năm Ðinh Tỵ (năm 1497). Năm 1460, ông lên ngôi vua và trị vì được 38 năm với 2 niên hiệu Quang Thuận (1460 - 1469) và Hồng Ðức (1470 - 1497). Ông là nhà cải cách lớn trong lịch sử Việt Nam. Bộ luật Hồng Ðức là bộ luật thành văn đầu tiên của Việt Nam, được soạn thảo dưới thời của ông. Ông là người sáng lập ra hội Tao Ðàn, để lại nhiều tập thơ, 1 tập truyện ký và rất nhiều bài viết đặc sắc trong các tập "Hồng Ðức thi tập", "Thánh Tông di cảo",v.v..
    Hồ Nguyên Trừng (?): con trai Hồ Quý Ly, là nhà sáng chế kỹ thuật quân sự tài giỏi. Cuộc kháng chiến chống Minh thất bại, cha con ông bị bắt đưa về Trung Quốc. Tại đây, ông đã chế tạo được nhiều loại đại bác. Làm quan đến công bộ Thượng thư. Ông còn viết sách, làm thơ với tác phẩm tiêu biểu như "Nam ông mộng lục", tỏ rõ lòng nhớ quê hương đất nước.
    Lương Ðình Bằng (1472 - ?): người làng Hội Trào (Hoằng Hoá). Lúc bé nổi tiếng là một thần đồng, đến năm 27 - 28 tuổi ông đỗ hội nguyên, thi đình đỗ nhất giáp sĩ, tên thứ 2 (tức Bảng nhãn). Ông làm quan đến chức Thượng thư Bộ Lại, tước hiệu Ðôn Trung Bá. Ông còn là một nhà giáo mẫu mực, là thầy dạy của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nhiều nhân tài, học thức của xứ Thanh và cả nước đã từng là học trò của ông.
    Nguyễn Văn Nghị (?): người làng Ngọc Bôi, huyện Ðông Sơn, đỗ nhất giáp chế khoa (năm 1554). Ông là người học giỏi văn học, giàu kiến thức, làm hầu giảng ở toà Kính Duyên, giảng dạy cho vua Anh Tông, Thế Tông. Ông làm quan đến chức Tả Thị lang Bộ Lại, khi chết được truy phong Thượng thư Bộ Công, gia Thái Bảo, Phúc thần. Ông là bậc danh nho đức nghiệp.
    Lê Trạc Tú(?): người làng Thượng Cốc, huyện Lôi Dương (Thọ Xuân ngày nay). Ông nội là Tán Thiện, chú là Tán Tương cùng đỗ tiến sĩ khoa Kỷ Mùi (năm 1499), ông đỗ Ðệ nhất giáp chế khoa, khoa Ðinh Sửu (năm 1577). Khi làm Thượng thư Bộ Lại và Tể tướng, ông đã cất nhắc người hiền tài. Ông sống cuộc sống ngay thẳng, thanh bạch.
    Lương Hữu Kháng (thế kỷ XVI): quê ở làng Hội Triều, nay là xã Hoằng Phong (Hoằng Hoá). Ông đậu cử nhân năm 12 tuổi, đậu thứ 2 thi hội, không thi đình dưới triều Mạc Ðăng Doanh. Ông có công trong việc khôi phục nhà Lê, được thăng tới chức Thượng thư Bộ Binh, tước Ðạt quân hầu. Ông đã để lại các tác phẩm nổi tiếng như: "Quan sử", "Tân quan văn kế phú".
    Trịnh Duy Thuân (? - 1542): người xã Thuỷ Chú, huyện Lôi Dương (Thọ Xuân ngày nay), là cháu công thần An quốc công Trịnh Khắc Phục, được phong Lý quốc công, trấn giữ Thanh Hoá (năm 1522). Khi Mạc Ðăng Dung cướp ngôi nhà Lê (năm 1527), ông là người bảo vệ che chở cho hoàng tử Lê Duy Ninh và cùng Chiêu Huân công Nguyễn Kim sắm sửa binh lương, chiêu tập hào kiệt, mở đầu cuộc trung hưng nhà Lê. Ông mất năm 1542.
    Nguyễn Kim (? - 1545): là người Gia Miêu, huyện Tống Sơn (Hà Trung ngày nay). Ông là người khởi xướng và lãng đạo công cuộc trung hưng nhà Lê. Sự nghiệp chưa thành, ông bị hàng tướng nhà Mạc là Dương Chấp Nhất đầu độc, mất năm 1545. Trước khi mất, ông đã sáng suốt nhìn nhận và giao quyền lực cho con rể là Trịnh Kiểm. Ông là người mở nghiệp cho dòng chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn.
  10. caycothu

    caycothu Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/01/2004
    Bài viết:
    592
    Đã được thích:
    0
    Trịnh Kiểm (1503 - 1570): quê làng Sóc Sơn, Vĩnh Hùng, Vĩnh Lộc. Ông là người có công lớn trong việc trùng hưng nhà Lê. Ông là người mưu lược, cùng các tướng sĩ đánh lui 5 đợt tấn công của nhà Mạc, bảo vệ vững chắc Thanh Hoá. Ông cũng hết sức chăm lo triều đình, lập chế độ thuế khoá, khuyến khích nghề nông, mở rộng thi cử chọn nhân tài,v.v.. Ông là ông tổ của dòng chúa Trịnh sau này.
    Phạm Ðốc (1514 - 1559): người làng Thổ Sơn (Vĩnh Lộc). Ông là người có công lớn trong cuộc trung hưng nhà Lê, ông còn là người giỏi văn chương, thu phục nhân tâm, nhất là các sĩ phu. Ðược thăng tới chức Thái phó Ðức quận công. Khi ông mất được truy tặng Thái úy Ðức quốc công.
    Nguyễn Mậu Tuyên (1518 - 1599): người làng Thịnh Mỹ, huyện Lôi Dương (Thọ Xuân ngày nay), dòng dõi công thần (cháu Thúc quốc công Nguyễn Nhữ Lãm). Ông học sâu, hiểu rộng, mẫu mực, khuôn phép, làm quan đến chức Tể tướng. Khi mất, ông được truy tặng Thiếu sư.
    Hoàng Ðình ái (1527 - 1607): quê ở Viện Thượng (Vĩnh Lộc). ông là người có công lớn trong cuộc trùng hưng nhà Lê, bắt sống đại tướng Nguyễn Quyện, lấy lại Ðông Kinh (năm 1591), đánh đuổi Mạc Ngọc Liễn, Mạc Kính Cung ở châu An Bác, bắt sống Mạc Kính Cung ở Lục Ngạn (năm 1598), bình định Lạng Sơn, Hải Dương (năm 1602). Ông làm quan đến chức Tể tướng, mất năm 1607, thọ 81 tuổi.
    Bùi Khắc Nhất (1533 - 1609): quê làng Bột Thái, huyện Hoằng Hoá (nay là xã Hoằng Lộc, Hoằng Hoá). Ðời vua Lê Anh Tông, ông đậu Ðệ nhất giáp Chế khoa đệ nhị danh, tương đương học vị Bảng nhãn của khoa thi tiến sĩ. Ông đã từng giữ chức Tả, Hữu Thị lang Bộ Công, Tả Thị lang Bộ Hình, Thượng thư Bộ Hộ, Thượng thư Bộ Binh. Ông là người trực tiếp quản lý việc tu sửa thành Thăng Long năm 1593 và có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế, tu bổ đê điều, thuỷ lợi, giữ cho pháp luật nghiêm minh, thái bình thịnh trị. Sau khi mất, ông được phong Phúc thần, với tôn hiệu cao nhất là Thượng đẳng thần.
    Trịnh Tùng (1546 - 1623): người kế tục sự nghiệp của cha (Trịnh Kiểm) và hoàn thành sự nghiệp trùng hưng nhà Lê. Ông là chúa thứ 2 của dòng chúa Trịnh, ở ngôi chúa 54 năm và thiết lập nên thể chế nhà nước mới, tức là: vua - chúa ở Việt Nam.
    Lê Bật Tứ (1562 - 1627): quê ở xã Tân Ninh (Triệu Sơn). Năm 1598, ông đỗ tiến sĩ. Năm 1619, ông được phong chức Thượng thư Bộ Binh, rồi Tham tụng. Ngoài ra, ông còn là nhà ngoại giao tài giỏi, một vị quan chính trực, nhiều lần khuyên chúa Trịnh trừng trị bọn gian thần.
    Lương Ðình Chất (1566 - 1627): người làng Quỳ Chử (Hoằng Hoá), là con của công thần Lâm Quận công Lưu Ðình Thưởng. Năm 42 tuổi, ông thi đỗ Nhị giáp tiến sĩ. Mùa hè Quý Mùi (năm 1623), Trịnh Xuân gây biến, ông đã giúp Thanh Vương (Trịnh Tráng) dẹp loạn. Vì là người có công và tài giỏi, nên ông đã vào phủ làm chức Tham tụng, tiến đến là chức Thượng thư Bộ hộ, Thiếu bảo, Phục quận công. Ông mất năm Ðinh Mão (năm 1627), thọ 62 tuổi, được truy tặng Thiếu sư.
    Ðào Duy Từ (1572 - 1634): quê làng Hoa Trai, xã Nguyên Bình (Tĩnh Gia). Ông là một trong những vị khai quốc công thần, một nhà quân sự, nhà ngoại giao, nhà văn hoá giỏi. Ông đã có công giúp nhà Nguyễn phát triển kinh tế, giữ yên lãnh thổ, được phong tước Lộc Khê hầu và thờ trong Thái Miếu. Ông là tác giả của tác phẩm "Hổ trướng khu cơ", "Ngoạ long cương văn", "Tư duy vãn", v.v..
    Nguyễn Hữu Dật (1604 - 1681): quê ở Gia Miêu, xã Hoàng Long (Hà Trung), là một trong những trụ cột của chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên). Ông được giao làm Bố chánh Quảng Bình. Ông có tài về chiến lược quân sự và văn thơ. Khi ông mất được truy tặng Chiêm quận công.
    Lê Ðình Kiên (1620 - 1704): quê làng Thiết Ðịnh, xã Ðịnh Trường (Yên Ðịnh). Ông là người có công trong việc xây dựng phố Hiến (Hưng Yên) thành một trung tâm buôn bán lớn của đất nước. Ông là nhà ngoại giao, ngoại thương tài năng, góp phần quan trọng trong việc mở mang đất nước.
    Nguyễn Quán Nho (1630 - 1709): người làng Vãn Hà, huyện Thuỷ Nguyên (xã Thiệu Hưng, Thiệu Hoá ngày nay) đỗ đồng tiến sĩ. Ông làm quan đến chức Tể tướng, luôn giữ đại thể làm trọng, lượng thứ việc nhỏ, xử sự nhân hậu, nên được lưu truyền tên gọi "Tể tướng Vạn hà thiên hạ âu ca", tước Quận công.
    Trịnh Thị Ngọc Trúc (?): con gái Trịnh Tráng, là chính cung Hoàng hậu của vua Lê Thần Tông (1619 - 1643). Ðến nay, nhiều người cho rằng: Bà là tác giả bộ từ điển Hán - Nôm cổ nhất Việt Nam "Chỉ nam Ngọc âm giải nghĩa".
    Lê Hy (1646 - 1702): quê ở xã Ðông Khê (Ðông Sơn). Năm 1664, đỗ tiến sĩ, tài năng của ông được các chúa Trịnh tin dùng, cử đi sứ Trung Quốc và được phong chức Thượng thư Bộ binh, rồi Tham tụng (Tể tướng), tước Lai sơn bá. Ông là nhà viết sử nổi tiếng, trong đó tác phẩm "Bản kỷ lục biên" do ông chủ biên.
    Nguyễn Hữu Hào (1647 - 1713): quê ở làng Gia Miêu, xã Hà Long (Hà Trung). Ông có công lớn với chúa Nguyễn trong các cuộc giao tranh với chúa Trịnh, được phong chức Cai cơ, Chưởng cơ rồi chức trấn thủ Quảng Bình, v.v.. Ngoài ra, ông còn là người sáng tác truyện thơ Nôm "Song tinh bất dạ" lưu truyền rộng rãi trong nhân dân. Khi mất, ông được truy tặng Ðôn hậu công thần trấn thủ.
    Nguyễn Hiệu (1664 - 1753): là người làng Lan Khê, Nông Trưởng (Triệu Sơn). Năm 27 tuổi đỗ hội nguyên, thi đình đỗ đồng tiến sĩ. Ông là một người tài giỏi, trung hậu và ngay thẳng, nên được trọng dụng làm quan đến chức Tể tướng. Khi mất, năm 1735, được triều đình truy tặng Thái bảo, Ðại tư đồ, gia phong làm Phúc thần.
    Hà Tông Huân (1697 - 1790): người làng Kim Thành, huyện Yên Ðịnh. Năm 28 tuổi, ông đỗ Bảng nhãn. Ông là người thông minh, tài trí được trọng dụng, ra vào phủ Chúa bàn việc quân cơ yếu, làm đồng Tham tụng rồi nhập chính Tham tụng, kiêm việc ở Quốc Tử Giám. Khi về hưu vẫn được mời ra làm bậc ngũ lão, được gia thăng Thiếu bảo, tước Huy quận công, khi mất được thăng hàm Thái phó.
    Trịnh Tuê (còn gọi là Trịnh Huê, 1704 - ?): quê ở Biện Thượng, nay thuộc xã Vĩnh Hùng(Vĩnh Lộc), (trú quán tại xã Bất Quần, nay là xã Quảng Thịnh, Quảng Xương). Ông đỗ Trạng nguyên, khoa Bính Thìn (năm 1736), đời Lê ý Tông. Ðây là người được phong Trạng nguyên cuối cùng của nước ta. Ông giữ chức Thượng thư Bộ hình, Tế tửu (hiệu trưởng) Quốc Tử Giám, Tham tụng. Khi mất được thăng chức Hữu Thị lang.
    Nguyễn Hoàn (1713 - 1791): là con trai thứ hai của Hưng quốc công - Nguyễn Kim, vào trấn thủ Thuận Quảng, mở đầu cho sự nghiệp của các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn.
    Ngô Cao Long (thế kỷ XIX): tự là Lệnh Phù, hiệu là Viên Trai, quê ở xã Hoằng Long (Hoằng Hoá). Năm 1807, ông làm quan Tri phủ, sau đó vào Huế làm Quốc sử quán. Ðồng thời, ông còn là một nhà nghiên cứu uyên bác, viết nhiều sách về lịch sử như Lịch triều tạp kỷ, Ngô Man phong thổ ký, Bắc Kỳ tạp biên. v.v..

Chia sẻ trang này