1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Thanh Hoá, những điều cần biết ( Thông tin về địa lý, hành chính, kinh tế, du lịch ...của tỉnh Thanh

Chủ đề trong 'Thanh Hoá' bởi caycothu, 07/09/2004.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. caycothu

    caycothu Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/01/2004
    Bài viết:
    592
    Đã được thích:
    0
    HUYỆN NHƯ THANHTrên bước đường đổi mới
    - Diện tích tự nhiên: 587,12 km2- Dân số: 80.629 người, với 3 dân tộc chủ yếu: Kinh, Thái, Mường- Ðơn vị hành chính: 1 thị trấn, 6 xã- Sản lượng lương thực (quy thóc): 26.418 tấn- Cơ cấu kinh tế: nông - lâm nghiệp: 74,2%, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp: 11,4%, thương mại - dịch vụ: 14,4%- Thu nhập bình quân đầu người: 2,2 triệu đồng/năm- Bình quân lương thực đầu người: 335 kg/năm



    Ông Trần Văn Tuấn - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Như Thanh


    Thực hiện Nghị định 72/CP của Chính phủ ngày 18-11-1996, Như Thanh được thành lập trên cơ sở tách ra từ huyện Như Xuân. Kể từ đó, Như Thanh bước vào giai đoạn phát triển mới, thời kỳ thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn bằng việc ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư có trọng điểm để hình thành một nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá; đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá huyện nhà nhằm hướng tới mục tiêu "Dân giàu, huyện mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".
    Theo quốc lộ 45A về phía nam, qua huyện Nông Cống là địa phận huyện Như Thanh. Với vị thế của một huyện miền núi, nằm ở phía tây tỉnh Thanh Hoá, Như Thanh tiếp giáp với huyện Triệu Sơn, Thường Xuân ở phía bắc; huyện Tĩnh Gia và tỉnh Nghệ An ở phía nam; huyện Nông Cống ở phía đông và huyện Như Xuân ở phía tây.
    Sức trẻ Như Thanh
    Ngay từ khi được thành lập, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng với một đội ngũ cán bộ trẻ, năng động được bố trí, sắp xếp hợp lý đã tạo cho Như Thanh nền tảng vững cho sự phát triển vượt bậc trong những năm qua. Theo đó, với mục tiêu đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế huyện, Ðại hội Ðảng bộ huyện Như Thanh lần thứ I (nhiệm kỳ 1997 - 2000) đã chỉ rõ: "Phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, sáng tạo, tranh thủ thời cơ, vượt qua mọi khó khăn thách thức, tổ chức khai thác tiềm năng thế mạnh và các nguồn lực của địa phương; qua đó tạo bước phát triển mới và tăng trưởng nhanh, phát huy hiệu quả cao của nền kinh tế sản xuất hàng hoá nhiều thành phần theo cơ cấu: nông - lâm, công nghiệp - thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, là những ngành trọng tâm, hướng tới giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, tiến tới tăng nhanh cơ cấu về du lịch. Mục tiêu của huyện đề ra với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 14,5%/năm".
    Ðể đạt được những mục tiêu cơ bản đó, huyện đã nỗ lực phấn đấu với quyết tâm đưa Như Thanh lên một tầm cao mới. Nhờ đó, những mục tiêu này bước đầu đã được thực hiện thành công. Trong đó:
    Về sản xuất nông nghiệp, thực hiện chủ trương, chính sách của tỉnh trong phát triển kinh tế các huyện miền núi, Như Thanh đã tập trung triển khai công tác khuyến nông trên phạm vi toàn huyện. Việc tích cực chuyển hướng cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư thâm canh, tăng năng suất cây trồng, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, thực hiện kiên cố hoá kênh mương (67km); tập trung canh tác các loại cây trọng điểm đã thu được nhiều kết quả khả quan.
    Trong năm 2002, tổng diện tích gieo trồng đạt 12.415 ha, trong đó cây lúa chiếm 5.865 ha (lúa cạn: 150 ha), cây ngô 780 ha, cây khoai lang 1.080 ha, cây sắn 150 ha, cây lạc 600 ha, các cây rau, đậu, vừng 876 ha. Ðặc biệt, huyện đã tích cực xây dựng vùng cây công nghiệp tập trung, tạo nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Trong đó, diện tích trồng cây mía đạt 3.000 ha (năng suất bình quân đạt 60 tấn/ha), cây dứa đạt trên 700 ha, dâu tằm 150 ha và 1.000 ha cao su, cà phê... Những thành quả đạt được trên mặt trận nông nghiệp đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, chuyển nền nông nghiệp Như Thanh từ tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hoá.


    Trọng tâm trong sản xuất nông - lâm nghiệp huyện Như Thanh thời gian qua là canh tác cây lúa nước. Việc đưa 50% lúa lai có năng suất cao, đủ sức chịu hạn trong thời tiết khắc nghiệt đã mang lại những kết quả khả quan, đưa tổng sản lượng (quy thóc) năm 2002 đạt 26.418 tấn, tăng 418 tấn so với năm 2001, trong đó sản lượng cây có hạt đạt 24.815 tấn. Bình quân lương thực tính theo đầu người năm 2002 đạt 335kg/năm.


    Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba
    Về chăn nuôi, tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển. Ðại hội Ðảng bộ huyện lần thứ II đã xác định: "Ðưa chăn nuôi phát triển ngang tầm với ngành công nghiệp". Hiện nay, đàn gia súc của toàn huyện Như Thanh ngày một tăng, trong đó đàn trâu có 14.204 con, đàn bò 5.078 con, đàn lợn có 26.120 con. Ngoài ra, huyện đang triển khai dự án sind hoá đàn bò, từng bước cải tạo đàn bò hiện có và phát triển đàn bò sữa. Ðặc biệt trong những năm gần đây, ngoài chăn nuôi đại gia súc, nhân dân huyện Như Thanh cũng đưa thêm một số giống con khác vào chăn thả để đa dạng hoá vật nuôi như: chăn nuôi gia cầm, dê, ong. Ngoài ra, toàn huyện còn có 214 ha ao hồ nuôi cá với sản lượng cá ước tính đạt 406 tấn/năm. Huyện đã chú trọng thực hiện dự án phát triển chăn nuôi lợn hướng nạc xuất khẩu ở Yên Thọ và thị trấn Bến Sung (với 132 con lợn giống). Cho đến nay, huyện Như Thanh đang dẫn đầu các huyện miền núi trong tỉnh về triển khai nuôi lợn hướng nạc xuất khẩu. Ðể đạt được kết quả đó, huyện đã tổ chức cho bà con xã viên đi tham quan học tập mô hình chăn nuôi giỏi tại các huyện, tỉnh lân cận. Mô hình các gia đình, trang trại nuôi lợn hướng nạc xuất khẩu thành công (với quy mô 100 - 300 con), được xem như tiền đề thúc đẩy các hộ dân khác trong huyện chuyển từ sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hoá.
    Song, nét nổi bật trong sản xuất nông-lâm nghiệp huyện Như Thanh thời gian qua là phát triển nhanh mô hình kinh tế trang trại. Ðến nay, toàn huyện hiện có trên 1.200 trại rừng, trong đó có 144 trại rừng đạt tiêu chuẩn quy mô cấp tỉnh. Ðây chính là những động thái quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện, mở ra vùng nguyên liệu mía với khoảng 3.200 ha, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu sản xuất của Nhà máy Ðường Nông Cống; vùng nguyên liệu dứa quy hoạch được hình thành với gần 2.000 ha phục vụ cho nhà máy chế biến dứa xuất khẩu sẽ được xây dựng tại Như Thanh. Bên cạnh đó, dự án trồng 5 triệu ha rừng của Chính phủ cũng đang tiếp tục được huyện triển khai hiệu quả.
    Những thành công trong phát triển kinh tế trang trại, vườn rừng đã và đang tạo ra cơ cấu kinh tế nông - lâm nghiệp hợp lý, thu hút hàng ngàn lao động, đồng thời khẳng định vai trò và tác dụng của các nhân tố mới trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tạo mối quan hệ hợp tác đồng bộ giữa các thành phần kinh tế, nâng cao vai trò chủ đạo của các lâm trường và tự chủ của kinh tế hộ, hình thành các tổ hợp tác trong sản xuất-kinh doanh. Hiện nay, huyện Như Thanh đã cơ bản hoàn thành việc giao đất lâm nghiệp cho các doanh nghiệp, tập thể, hộ gia đình với diện tích gần 44.000 ha rừng và đất rừng. Việc chuyển hướng nghề rừng sang nền lâm nghiệp xã hội với trọng tâm là khoanh nuôi tái sinh, chăm sóc, bảo vệ, kết hợp với trồng mới, nhất là đối với rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn đã mang lại những kết quả khả quan. Nếu năm 1997 có 37% độ che phủ của rừng thì đến năm 2002 đã đạt 51,3%.
    Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp có những bước chuyển biến mạnh trong những năm gần đây, chủ yếu tập trung vào ngành công nghiệp chế biến. Sản phẩm ngày một phong phú và đa dạng, nhiều mặt hàng đã đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, như gia công kim loại, chế biến lương thực, thực phẩm, ươm tơ, đá xẻ,... Ðồng thời, với nguồn tài nguyên đá, quặng dồi dào đã tạo điều kiện cho ngành công nghiệp khai thác phát triển. Nhiều cơ sở mới được thành lập như khai thác phụ gia (Yên Lạc, Thanh Tân), quặng crôm (Mậu Lâm), quặng sắt (Thanh Kỳ), đá xẻ và đá xây dựng (Hải Vân, Hải Long, Xuân Khang). Năm 2002, sản lượng khai thác quặng crôm đạt 10.700 tấn, đá xây dựng các loại 32.500m3, khai thác phụ gia xi măng 5.200 tấn, quặng sắt 3.500 tấn, cát sỏi 24.000 m3,... Tốc độ phát triển ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt xấp xỉ 16%/năm.
    Hoạt động dịch vụ - thương mại đã mở rộng đến các thôn, bản, vùng sâu, vùng xa, đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hoá, cung cấp những nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ cho đời sống của các dân tộc trong huyện. Giá trị dịch vụ - thương mại tăng bình quân 16%/năm, chiếm tỷ trọng 14,4% GDP (năm 2002). Giá trị hàng xuất khẩu năm 2002 tăng hơn 200% so với năm 1997 (năm 1997 đạt 220.000 USD).
    Hoạt động ngân hàng, kho bạc đã thực sự góp phần thúc đẩy phát trển kinh tế - xã hội. Hệ thống ngân hàng, kho bạc huyện đã làm tốt công tác huy động vốn nhàn rỗi trong nhân dân, kết hợp nguồn vốn nhà nước, tăng vốn cho vay đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh, xoá đói giảm nghèo. Trong những năm qua, số vốn mà hệ thống ngân hàng, kho bạc huyện huy động đã tăng từ 14 tỷ đồng (năm 1997) lên 72 tỷ đồng (năm 2002). Tổng dư nợ cho vay xoá đói giảm nghèo đến nay là 12,5 tỷ đồng.
  2. THANHHOATTVNOL

    THANHHOATTVNOL Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    05/09/2004
    Bài viết:
    18
    Đã được thích:
    0
    Những động lực góp phần phát triển kinh tế - xã hội
    Ðể có được những thành tích trong phát triển kinh tế, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Việc phát huy nội lực, kết hợp vốn của nhân dân với nguồn vốn đầu tư nhà nước đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận. Trong 6 năm qua, huyện đã đầu tư hơn 91,6 tỷ đồng, xây dựng 70 công trình phục vụ cho kết cấu hạ tầng, nâng cấp 25 km quốc lộ 45, tu sửa cải tạo 81 km đường liên xã, tạo thuận lợi cho giao lưu giữa các vùng miền, mở mang phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội. Kiên cố hoá 63,7 km kênh mương nội đồng, tu bổ làm mới nhiều công trình thuỷ lợi.
    Sáu năm, một chặng đường không dài, nhưng hệ thống thông tin liên lạc huyện Như Thanh đã có bước phát triển nhảy vọt. Nếu năm 1997, mới có một trạm bưu điện huyện thì đến nay đã xây dựng thêm được 10 điểm bưu điện văn hóa xã; 12/17 xã, thị trấn có điện thoại. Ðến nay, toàn huyện đã có 630 máy hoà mạng, tạo điều kiện cho thông tin liên lạc thông suốt, kịp thời, phục vụ đắc lực cho công tác lãnh đạo, điều hành của các cấp, các ngành và các hoạt động dịch vụ thương mại, phát triển kinh tế - xã hội, giao lưu tình cảm của nhân dân. Bên cạnh đó, toàn huyện hiện có 79 làng xây dựng làng văn hoá, 4 cơ quan văn hoá, 8 trường văn hoá, trong đó có 25 làng được công nhận làng văn hoá cấp huyện và 3 làng công nhận làng văn hoá cấp tỉnh.
    Ðể Như Thanh vững bước trên con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nhất là trong khu vực kinh tế nông nghiệp, nông thôn, trước tiên cần phải đẩy mạnh sự nghiệp phát triển giáo dục. Nhận thức được vấn đề này, huyện Như Thanh đã triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khoá VIII). Nếu năm 1997, toàn huyện chỉ có 45 trường, 915 lớp và 24.000 học sinh, trong đó phòng học tranh tre, nứa lá chiếm gần 60% thì đến nay đã có 54 trường, 992 lớp và 29.470 học sinh. Hiện nay, toàn huyện chỉ còn 27% phòng học tranh tre, nứa lá. Chất lượng giảng dạy được tăng lên, chất lượng đại trà, chất lượng học sinh giỏi tăng đều qua các năm. Tính đến hết quý I-2003, toàn huyện có 100% xã được công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, 9 xã đã hoàn thành phổ cập giáo dục phổ thông cơ sở đúng độ tuổi; 3 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia. Hàng năm, số học sinh tốt nghiệp các cấp đạt 97 - 98%; số học sinh phổ thông trung học thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp đạt trên 15%. Những kết quả đó thể hiện sự cố gắng, nỗ lực của Ðảng bộ, các ngành, đặc biệt là ngành giáo dục Như Thanh trong sự nghiệp "Vì lợi ích trăm năm trồng người".
    Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ của nhân dân được quan tâm đúng mức. Mạng lưới y tế được mở rộng từ cấp huyện đến cấp cơ sở; thiết bị khám, chữa bệnh được đầu tư mới. Nhờ vậy, số lượt người được khám, chữa bệnh đạt trên 20 người/vạn dân. Chất lượng khám, chữa bệnh được đảm bảo, công tác y tế dự phòng, vệ sinh an toàn thực phẩm và chương trình tiêm chủng mở rộng được thực hiện tốt. Ðến nay, toàn huyện đã có 85% số hộ gia đình được dùng nước sạch, trẻ em suy dinh dưỡng giảm còn 27%. Bên cạnh đó, công tác kế hoạch hoá gia đình được triển khai rộng khắp trên địa bàn huyện, nếu năm 1997 tỷ lệ tăng dân số là 2,3% thì đến năm 2002 đã giảm xuống còn 0,97%.
    Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa đã trở thành phong trào rộng khắp trong toàn huyện. Bằng nguồn vốn đền ơn đáp nghĩa, phong trào đã xây dựng được 17 nhà tình nghĩa và sửa chữa hàng trăm nhà cho các đối tượng chính sách; xây dựng 01 đài tưởng niệm ở huyện và 05 nhà bia tưởng niệm liệt sỹ tại các xã. Chăm lo tốt cho các đối tượng cứu trợ xã hội do hậu quả chiến tranh, những người già cô đơn, tàn tật. Bằng nguồn vốn vay của các chương trình định canh định cư, kinh tế mới và các chương trình, dự án khác đã tạo thêm việc làm, khai thác tiềm năng đất đai, lao động, góp phần tích cực vào công tác xoá đói giảm nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 37% (năm 1997) xuống còn 13% (năm 2002). Ðời sống vật chất và tinh thần của phần lớn đồng bào các dân tộc trong huyện đã được cải thiện, tạo nên diện mạo nông thôn mới.
    Công tác an ninh, chính trị - quốc phòng, nhất là trong công tác an ninh nông thôn, an ninh vùng miền núi, an ninh tôn giáo được giữ vững. Phong trào quần chúng bảo vệ Tổ quốc phát triển cả bề rộng và chiều sâu. Công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm, chống các tệ nạn xã hội được triển khai thường xuyên, đồng bộ, đã góp phần đảm bảo an toàn xã hội, giảm số vụ phạm tội phạm và các vụ trọng án, giữ vững sự bình yên cho nhân dân.
    Phương hướng, mục tiêu đến năm 2005
    Phát huy truyền thống đại đoàn kết giữa các dân tộc, tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua mọi thử thách, phát huy nội lực, khai thác nguồn ngoại lực nhằm đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng "nông - lâm nghiệp; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; thương mại - dịch vụ"; tăng cường đầu tư cho kết cấu hạ tầng, chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá và ứng dụng tốt nhất các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo ra bước phát triển nhanh về chất lượng trong sản xuất nông - lâm nghiệp, công - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ để đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế với tốc độ nhanh, vững chắc; gắn tăng trưởng kinh tế với củng cố quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái; giải quyết tốt những vấn đề xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; xây dựng đảng và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, Huyện uỷ, Uỷ ban nhân dân huyện đã đề ra những mục tiêu cơ bản sau:
    1. Tốc độ tăng trưởng kinh tế 10%/năm trở lên. Phấn đấu tổng giá trị sản xuất các ngành chủ yếu đến năm 2005 đạt 289,8 tỷ đồng, trong đó giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp đạt 174 triệu đồng; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 69,8 tỷ đồng; thương mại - dịch vụ đạt 46 tỷ đồng. GDP bình quân đầu người đạt 3.450 nghìn đồng trở lên.
    2. Sản lượng lương thực đạt 30.000 tấn trở lên, bình quân lương thực tính theo đầu người đạt mức 375 kg/người (năm 2005).
    3. Phấn đấu đến năm 2005 độ che phủ đạt 60% diện tích trở lên.
    4. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ - thương mại, giảm dần tỷ trọng ngành nông - lâm nghiệp. Trong đó, nông - lâm nghiệp giảm từ 74,2% (năm 2002) xuống còn 60% (năm 2005); công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng từ 11,4% (năm 2002) lên 24% (năm 2005); dịch vụ-thương mại tăng từ 14,4% (năm 2002) lên 16% (năm 2005).
    5. Giá trị hàng hoá xuất khẩu đạt 700 nghìn USD (năm 2005), bình quân đạt 500 nghìn USD/năm (2001 - 2005) (không tính kim ngạch xuất khẩu dứa).
    6. Giảm tỷ lệ hộ đói nghèo ở mức bình quân 2%/năm trở lên, để đến năm 2005, hạ tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%, không còn hộ đói; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm từ 36,26% (năm 2000) xuống còn 23% (năm 2005); 90% số hộ được sử dụng nước sạch.
    7. Phấn đấu đến năm 2005, 100% đảng bộ, chi bộ cơ sở được công nhận là đơn vị trong sạch, vững mạnh.
    Sau 6 năm xây dựng và trưởng thành, sức trẻ Như Thanh đã được khẳng định là nhờ vào sự chỉ đạo, lãnh đạo, sáng suốt, năng động của Ðảng bộ, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, xã hội và sự đoàn kết một lòng giữa các dân tộc trong huyện đã chung sức, chung lòng, quyết tâm dựng xây Như Thanh giàu về kinh tế, mạnh về chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Mặt khác, nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, cùng các ban, ngành chức năng, Như Thanh đã biết phát huy nội lực, khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có, dần trở thành huyện miền núi dẫn đầu trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

    Như Thanh với những dấu tích lịch sử (Lê Lợi trước khi vào Nghệ An đã trú quân tại các xã Thanh Kỳ, Phượng Nghi, Xuân Khang, Xuân Thái,...), Ðồng Mười xã Hải Vân là căn cứ của phong trào Cần Vương chống Pháp do Tôn Thất Hàm lãnh đạo. Thời kháng chiến chống Pháp, lò cao Hải Vân được xây dựng để phục vụ kháng chiến. Vườn Quốc gia Bến En có diện tích 16.643 ha (dự kiến mở rộng thành 32.000 ha): bảo tồn rừng nguyên sinh với các nguồn gen động - thực vật quý hiếm như: voi, hổ, báo,... lim xanh, táu, sến, trắc, gụ,... kết hợp với hồ sông Mực có hơn 100 đảo nhỏ nổi trên mặt hồ tạo thành một quần thể du lịch sinh thái hấp dẫn; với Phủ Sung (thờ Bà chúa Thượng ngàn) ở xã Hải Vân, phủ Na (thờ Bà Triệu Thị Trinh) ở xã Xuân Du, hồ ông Quận ở thị trấn Bến Sung (chuyện về vị tướng nghĩa quân Lam Sơn). Những di tích, cảnh vật đó đã mở ra triển vọng to lớn cho sự phát triển của ngành du lịch Thanh Hoá.


    Bảng vàng thành tích của huyện Như Thanh
    - Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2001).
    - 04 năm liên tục (1998 - 2001) được tặng cờ thi đua của Chính phủ.
    - Bằng khen của Bộ Giao thông - Vận tải về phát triển mạng lưới giao thông (năm 1998).
    - Bằng khen của Bộ Công an về thực hiện Nghị quyết 09 và Quyết định 138 về phòng chống tội phạm (năm 2002).
    - Bằng khen của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (năm 2000).
    - Cờ thi đua tiên tiến của Bộ Văn hoá - Thông tin (năm 2002).
    - 02 xã Hải Vân, Cát Khê được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang.
    Ngoài ra còn nhiều bằng khen, giấy khen của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh và các sở, ban, ngành.
  3. caycothu

    caycothu Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/01/2004
    Bài viết:
    592
    Đã được thích:
    0
    HUYỆN ÐÔNG SƠNPhát huy truyền thống và thế mạnh sẵn có
    - Diện tích tự nhiên: 106,4km2- Dân số: 109.800 người- Ðơn vị hành chính: 19 xã và một thị trấn- Tốc độ tăng trưởng kinh tế: 11%/năm- Thu nhập bình quân: 352 USD/người/năm- Bình quân lương thực: 620 kg/người/năm

    Là huyện đồng bằng, trước đây, kinh tế Ðông Sơn chủ yếu là thuần nông độc canh cây lúa nên đời sống vật chất cũng như văn hóa tinh thần của người dân tương đối thấp. Những năm gần đây, thực hiện chủ trương của Ðảng, Nhà nước, Tỉnh uỷ, nhất là thực hiện Nghị quyết của Huyện uỷ về phát triển kinh tế công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ - thương mại; đặc biệt là ngành khai thác vật liệu xây dựng và chế tác đá mỹ nghệ phát triển mạnh, cơ cấu kinh tế huyện Ðông Sơn dịch chuyển dần theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Sự chuyển dịch này đã góp phần tạo bước chuyển mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội huyện Ðông Sơn.
    Từ trung tâm thành phố Thanh Hoá đi khoảng 5 km về hướng tây, sẽ tới trung tâm huyện Ðông Sơn. Là huyện đồng bằng, Ðông Sơn nằm ở vị thế giáp thành phố Thanh Hoá ở phía đông, một phần huyện Thiệu Hoá và huyện Triệu Sơn ở phía tây, huyện Nông Cống ở phía nam, huyện Thiệu Hoá ở phía bắc. Qua nhiều giai đoạn phát triển, tính đến năm 1996, diện tích huyện Ðông Sơn là 106,4km2, trong đó đất nông nghiệp chiếm 7.065,93 ha, chiếm 66,4%; còn lại là đất chuyên dùng, đất đô thị, đất lâm nghiệp. Theo tổng điều tra dân số cuối năm 1999 là 109.800 người, trong đó số người trong độ tuổi lao động là 54.000 người, lao động nông nghiệp chiếm 60%.
    Phát huy tiềm năng để phát triển kinh tế
    Theo số liệu thống kê của Uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá, diện tích đất tự nhiên của huyện Ðông Sơn tuy không rộng, nhưng đất đai lại rất màu mỡ, xen kẽ là những núi đá vôi nhỏ đã tạo nên thế mạnh trong phát triển nông nghiệp, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và ngành tiểu thủ công nghiệp khắc chạm đá mỹ nghệ. Hơn nữa, với bề dày truyền thống của vùng đất mà ở đó nền văn hóa Ðông Sơn phát triển rất rực rỡ, huyện Ðông Sơn được coi là một trong những cái nôi của nền văn hoá Việt Nam. Từ xa xưa, những người dân sinh sống trên mảnh đất này luôn được biết đến với đức tính cần cù, chịu khó và khéo léo trong lao động sản xuất. Với đôi bàn tay tài hoa ấy, nhiều sản phẩm truyền thống như: chế tác đá mỹ nghệ, nghề gốm sứ mỹ nghệ đã trở nên nổi tiếng và được nhiều người biết đến. Ðây chính là nguồn sức mạnh tiềm ẩn giúp cho người dân Ðông Sơn đạt được nhiều thành tích trong phát triển kinh tế - xã hội.
    Từ lợi thế của một huyện ven thành phố Thanh Hoá, giao thông thuận lợi do có các quốc lộ 45, quốc lộ 47 và tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy qua, huyện Ðông Sơn có nhiều ưu thế trong giao lưu hàng hoá, phát triển kinh tế. Thêm nữa, huyện Ðông Sơn với hai đô thị vệ tinh của thành phố Thanh Hoá là thị trấn Rừng Thông, đô thị Nhồi đã mở ra triển vọng lớn trong việc hình thành các tụ điểm kinh tế của huyện.


    Ðại hội đại biểu Ðảng bộ huyện Ðông Sơn lần XXI (2000 - 2005)


    Trong những năm qua, nhất là 3 năm gần đây (2000 - 2003), dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp uỷ Ðảng, chính quyền huyện và sự nỗ lực phấn đấu của nhân dân, kinh tế - xã hội huyện Ðông Sơn đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Các chỉ tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế đều đạt và vượt kế hoạch năm, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu mà Ðại hội Ðảng bộ huyện Ðông Sơn lần thứ XXI đề ra. Kết quả đó trước hết được thể hiện qua tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 11%/năm, tăng 2% so với giai đoạn 1996 - 2000. Cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp.
    Ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt mức tăng bình quân 18 - 20%/năm. Nếu năm 1997 tổng giá trị công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 13,764 tỷ đồng thì đến năm 2002 tăng 5,2 lần, đạt 72,390 tỷ đồng (tính theo giá cố định năm 1994). Trong đó, lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng như đá ốp lát, đá xây dựng các loại phục vụ cho xây dựng và giao thông phát triển nhanh. Trong đó, năm 2002 tổng sản lượng khai thác đá các loại (đá hộc, đá xẻ thô, đá xẻ tinh, đá phiến) đạt 959.167 m3, tăng 6,28 lần so với năm 1997. Sản phẩm này không chỉ có mặt trên phạm vi toàn tỉnh, tham gia vào nhiều các công trình trọng điểm như xây dựng Lăng Bác (đá ốp), tượng đá ở núi Ngũ Hành Sơn (Quảng Nam, Ðà Nẵng),... mà còn vươn ra thị trường thế giới với kim ngạch xuất khẩu năm 2002 đạt 2,7 triệu USD. Ngoài ra, sản lượng một số loại vật liệu xây dựng khác cũng đạt mức tăng trưởng khá, trong đó sản lượng vôi cục năm 2002 đạt 49.600 tấn, tăng 4,9 lần so với năm 1997; gạch xây dựng đạt 7,65 triệu viên, tăng 6,3 lần so với năm 1997. Các lĩnh vực công nghiệp sửa chữa, cơ khí, chế biến tiếp tục được mở rộng và phát triển. Tiểu thủ công nghiệp tăng trưởng khá cao. Các làng nghề có truyền thống như chế tác đá mỹ nghệ (Ðông Hưng, Ðông Tân), gốm sứ (xã Ðông Vinh) đang dần được khôi phục và tiếp tục phát triển; một số ngành nghề khác cũng được đưa vào sản xuất như: nghề sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu, chế biến rau quả xuất khẩu, sản xuất đồ mộc cao cấp... góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển ngành tiểu thủ công nghiệp.
    Phát huy thế mạnh của vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử với một nền văn hóa Ðông Sơn đậm nét, cùng nhiều danh thắng nổi tiếng, lại ở vào vị trí giao thông thuận tiện đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngành thương mại - du lịch - dịch vụ phát triển. Ðến cuối năm 2002 tổng số cơ sở hoạt động thương nghiệp là 1.616 cơ sở. Dịch vụ giao thông vận tải năm 2002 thu hút 1.282 lao động tham gia. Ngành bưu chính - viễn thông cũng không ngừng phát triển qua các năm. Hiện nay, số máy điện thoại đưa vào khai thác đạt bình quân 2 máy/100 dân, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và giao lưu tình cảm của nhân dân. Hàng năm, mức tăng trưởng của ngành thương mại - dịch vụ vào khoảng 13 - 15%, đưa tổng giá trị các ngành này đạt 51,8 tỷ đồng vào năm 2002, góp phần tăng tỷ lệ thu ngân sách trên địa bàn huyện.
    Trong sản xuất nông nghiệp, với những chính sách phát triển hợp lý trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống lúa lai cho năng suất cao vào gieo trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác nên giá trị sản xuất nông nghiệp tăng khá nhanh, ở mức 6,5 - 7%/năm. Nếu năm 1996, tổng giá trị ngành nông nghiệp đạt 109.682 triệu đồng thì đến năm 2002 đạt 203.372 triệu đồng, tăng 85%. Trong đó, giá trị chăn nuôi tăng trên 6% năm.
    Về trồng trọt: năng suất lúa gieo trồng năm 2002 đạt 115,2 tạ/ha, tăng gấp hai lần so với năm 1996. Sản lượng lương thực đạt 69.149 tấn, tăng gần 2 lần so với năm 1996. Giá trị sản xuất ngành trồng trọt đạt 136.351 triệu đồng, tăng 83,6% so với năm 1996; bình quân lương thực đạt 620 kg/người/năm.
    Về chăn nuôi: trong những năm qua với chủ trương đẩy mạnh giá trị ngành chăn nuôi bằng các hình thức như đưa giống lợn nạc hướng ngoại, cải tạo đàn bò theo hướng sind hoá, chăn nuôi gia cầm theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp, đến năm 2002, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt 59.579 triệu đồng, tăng 73% so với năm 1996.
    Có được kết quả trên là do Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ðông Sơn đã biết phát huy sức mạnh tổng hợp từ việc phát huy những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, vận dụng sáng tạo chủ trương, chính sách của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh để từ đó ban hành và thực thi nhiều chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy kinh tế huyện phát triển. Theo đó, đối với nông nghiệp, huyện luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ chuyển đổi ruộng đất với mục đích phát triển kinh tế trang trại, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi nhằm tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác. Ðể phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, Ðông Sơn đã "trải thảm đỏ" mời gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực này như: kéo dài thời gian miễn hoặc giảm thuế sử dụng đất cho các nhà đầu tư, hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp, làng nghề; xây dựng đường giao thông vào các cụm khai thác đá. Nhờ vậy, kinh tế Ðông Sơn có mức tăng trưởng cao, đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt. Nếu năm 2001, thu nhập bình quân đầu người là 320 USD thì đến năm 2002 là 352USD, tăng 10%. Số hộ khá, giàu tăng khá, hộ nghèo giảm xuống còn 11,3% và hiện không còn hộ đói, củng cố an ninh quốc phòng. Bởi đây là những nền tảng, là tiền đề quan trọng cho kinh tế huyện phát triển bền vững trong tương lai.
    Kết cấu hạ tầng phát triển, động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội
    Cùng với phát triển kinh tế, Ðông Sơn luôn chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng. Trong đó:
    Về kết cấu hạ tầng, với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", đến nay, các tuyến đường liên xã cơ bản được nhựa hoá, giao thông nông thôn được bê tông hoá, cấp phối hoàn toàn. Các tuyến đường dẫn đến các khu kinh tế, đô thị và các làng nghề được rải nhựa, thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông và phát triển kinh tế. Hệ thống kênh mương nội đồng cơ bản hoàn thành, tạo thuận lợi cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
    Ðời sống văn hóa - tinh thần cũng từng bước được nâng cao. Với bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, những di tích, di chỉ của nền văn hoá Ðông Sơn đã trở thành kho tàng quý báu không chỉ của người dân Thanh Hoá, mà của cả dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh việc gìn giữ và phát huy nền văn hoá cổ, việc xây dựng một nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu. Vì thế, phong trào xây dựng làng văn hoá, cơ quan văn hoá đã phát triển rộng khắp. Ðến nay, toàn huyện đã khai trương được 66 làng và cơ quan văn hoá. Ðồng thời, với mục tiêu từng bước nâng cao trình độ dân trí cho người dân, đến nay, 100% số xã trong huyện đã có đài truyền thanh và điểm bưu điện văn hoá xã, tủ sách pháp luật.
    Về giáo dục - đào tạo: nhận thức được tầm quan trọng của ngành giáo dục - đào tạo trong việc giáo dưỡng và phát triển nguồn nhân lực, nhiều năm qua sự nghiệp giáo dục - đào tạo của huyện Ðông Sơn phát triển nhanh cả về chất, lẫn lượng. Hiện nay, toàn huyện có 14 trường tiểu học và một trường mầm non đạt chuẩn quốc gia; 95,7% số xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; 84,7% số xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở. Ðến tháng 10-2000, toàn huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Cơ sở vật chất của các trường học cũng được quan tâm đầu tư xây dựng. Hầu hết các trường và cơ sở dạy học đều khang trang, sạch đẹp, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu dạy và học. Với những kết quả này, trong nhiều năm liền, huyện Ðông Sơn được đánh giá là một trong các huyện dẫn đầu tỉnh Thanh Hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo.
    Về y tế, công tác chăm lo sức khoẻ cộng đồng được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chương trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Vì thế, các chương trình y tế được tổ chức và thực hiện tốt. Các cơ sở khám, chữa bệnh không ngừng được cải tạo, nâng cấp đã góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. Ðến nay, 80% trạm xá trong huyện đã có bác sỹ, 100% các thôn, xóm đều có cán bộ y tế. Các hiệu thuốc được phân bố hợp lý đã đáp ứng ngày càng cao nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Các chương trình y tế quốc gia, đặc biệt là y tế dự phòng được triển khai kịp thời, hiệu quả. Nhờ đó, trong nhiều năm qua, huyện Ðông Sơn không để xảy ra dịch bệnh.
    Các đối tượng chính sách xã hội được quan tâm đúng mức, chu đáo, nhất là đối với các gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công với đất nước, người có hoàn cảnh khó khăn, người cô đơn. Công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình được duy trì và triển khai rộng khắp bằng nhiều hình thức tuyên truyền hướng dẫn tới tận các xã, các hộ gia đình... Vì thế, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm xuống còn 0,7% vào năm 2002. Ngoài ra, huyện còn chú trọng tới việc giải quyết việc làm cho nhân dân bằng các hình thức như tổ chức đi lao động ở nước ngoài, giải quyết lao động tại chỗ... Năm 2002 huyện đã giải quyết việc làm cho 1.000 lao động, trong đó có 215 người đi lao động ở nước ngoài.
    Không chỉ có vậy, tình hình an ninh - chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện trong những năm qua luôn được giữ vững và ổn định. Phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc được duy trì, các nghị quyết liên tịch giữa Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Bộ Công an, Nghị quyết liên tịch giữa quân đội nhân dân - công an, Nghị quyết liên tịch giữa Ðoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ với Công an được triển khai, thực hiện tốt. Ðoàn Thanh niên cùng các tổ chức quần chúng cố gắng vươn lên để xứng đáng là lực lượng hùng hậu trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc và trật tự an toàn xã hội. Tinh thần sẵn sàng chiến đấu được phát huy, đủ khả năng ứng phó với mọi tình huống. Hàng năm, công tác giáo dục quốc phòng toàn dân được duy trì thường xuyên, đảm bảo hoàn thành tốt các đợt huấn luyện quân sự cho lực lượng dân quân tự vệ và chỉ tiêu tuyển gọi thanh niên nhập ngũ.
  4. THANHHOATTVNOL

    THANHHOATTVNOL Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    05/09/2004
    Bài viết:
    18
    Đã được thích:
    0
    Phương hướng và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010
    Nhằm phát huy hơn nữa kết quả đã đạt được, trong những năm tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường; khai thác tối đa mọi nguồn lực, lợi thế của địa phương. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng về giá trị công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ - thương mại, phát triển mạnh những ngành nghề có tiềm năng như: sản xuất vật liệu xây dựng, chế tác đá mỹ nghệ, đá xây dựng, xây dựng, giao thông, dịch vụ vận tải...
    Ðể đạt được mục tiêu đó, trong những năm tới, huyện sẽ đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, áp dụng những tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học nhằm tăng nhanh giá trị thu nhập trên một ha canh tác. Quy hoạch và xây dựng hoàn chỉnh cụm công nghiệp Vức (sản xuất vật liệu xây dựng); cụm công nghiệp Nhồi (sản xuất chế tác đá xuất khẩu, đá mỹ nghệ); cụm công nghiệp thị trấn Rừng Thông - cụm công nghiệp sạch, phục vụ cho du lịch và vùng công nghệ cao, cụm công nghiệp Ðông Nam - Ðông Phú (sản xuất vật liệu xây dựng, du lịch...), cụm công nghiệp Ðông Vinh - Ðông Quang.
    Ðồng thời, huyện sẽ tăng cường hợp tác với các nhà đầu tư trong và ngoài nước; mở rộng kinh tế đối ngoại, ban hành những chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện tăng trưởng với tốc độ cao và bền vững.
    Thường xuyên chăm lo, bảo đảm các vấn đề xã hội, thực hiện tốt chương trình xóa đói giảm nghèo. Quan tâm phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu. Củng cố mạng lưới y tế từ huyện đến cơ sở để mọi người dân được khám, chữa bệnh kịp thời.
    Với những thành tích đã đạt được, huyện Ðông Sơn đã được tặng thưởng danh hiệu đơn vị lực lượng vũ trang anh hùng năm 1995. Các xã Ðông Văn, xã Ðông Hưng, xã Ðông Nam, công an huyện cũng được tặng thưởng danh hiệu cao quý đó.
    Có thể nói, trên chặng đường đã qua, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ðông Sơn đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Kinh tế tăng trưởng khá, chính trị ổn định, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Những thành công ấy là động lực quan trọng để Ðông Sơn tiếp tục phát triển trong tương lai và thực hiện thắng lợi mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".
    Sơ đồ định hướng phát triển không gian của thị trấn Nhồi

    Một số địa danh gắn liền với mảnh đất và con người Ðông Sơn
    1. Núi Nhồi (tên xưa là núi Khế hay Nhuệ Sơn): thuộc làng Nhồi, tên chữ là núi An Hoạch thuộc xã Ðông Hưng. Ðá có màu xanh, thường dùng làm khánh Bia, bia đá, cột đá, chân cầu, tượng đá... Xưa kia, các thái thú lấy đá làm khánh chở về Trung Quốc. Khánh đá Nhồi kêu ngân vang như tiếng chuông. Trên đỉnh núi còn có hòn Vọng Phu.
    2. Núi Kim Ðồng Ngọc Nữ (gọi là núi Kim Ðồng): thuộc xã Ðông Hưng. Sách Ðại Nam nhất thống chí chép về núi Ngọc Nữ: "... Mọc lên ngọn núi nhỏ, đứng xa trông như người con gái đẹp, nên gọi thế. Về phía bắc, núi có một khối đá hình người chắp tay đứng. Vua Lê Thánh Tông tuần du phương Nam đã viết bài thơ quốc âm khắc vào đá, dựng lại chùa Ðại Bi ở cạnh núi, trong chùa đặt tượng phật, bên cạnh tượng phật tạc chân dung nhà Vua".
    3. Núi Sơn Việt (còn gọi là núi Phượng Lĩnh): dãy núi đất lẫn đá, trên núi trồng thông nên còn gọi là Rừng Thông. Núi có độ cao trung bình 100m, đỉnh Rừng Thông cao 162m so với mực nước biển.
    4. Núi Chiểu (còn có tên gọi Nhuận Thạch, hình con ngựa) ở làng Thọ Sơn xã Ðông Tiến. Sách Ðại Nam nhất thống chí chép: "ở xã Thọ Sơn cách huyện Ðông Sơn 12 dặm về phía tây bắc. Núi có hai ngọn, chất đá cứng rắn, sắc đá trắng tinh nên gọi là Bạch Thông; dưới núi có mộ Thiều Thốn".
    5. Hệ thống thuỷ nông sông Chu: từ đập Bái Thượng chảy xuống qua Thọ Xuân - Thiệu Hoá sang Ðông Sơn và về xuôi. Sông Nông Giang đem nước tưới cho đồng ruộng Ðông Sơn, đóng vai trò thuỷ lợi rất quan trọng trong đời sống, sản xuất nông nghiệp của người dân Ðông Sơn.


    Mục tiêu đến năm 2005
    1. Nhịp độ tăng trưởng kinh tế: 10 - 11%/năm.
    2. GDP bình quân: 440 USD/người/năm.
    3. Cơ cấu kinh tế: nông nghiệp: 49%, công nghiệp - Xây dựng cơ bản: 35%, dịch vụ - thương mại: 16%.
    4. Năng suất lúa: 12 tấn/ha/năm, tỷ lệ lúa lai 50%; sản lượng lương thực: 72.000 tấn.
    5. Giá trị thu nhập trên ha canh tác 25,4 triệu đồng.
    6. Thu ngân sách: tăng 5%/năm.
    7. Giá trị xuất khẩu: tăng 10%/năm.
    8. Quy hoạch trên 20% diện tích làm lúa chất lượng cao.
    Mục tiêu đến năm 2010
    1. Nhịp độ tăng trưởng kinh tế: trên 10%/năm.
    2. GDP bình quân: 650 USD/người/năm.
    3. Cơ cấu kinh tế: nông nghiệp: 40%, công nghiệp - - Xây dựng cơ bản: 40%, dịch vụ - thương mại: 20%.
    4. Năng suất lúa: 13 tấn/ha năm; sản lượng lương thực: 75.000 tấn trở lên.
    5. Giá trị thu nhập trên ha canh tác trên 30 triệu đồng.
    6. Thu ngân sách: tăng 15%/năm.
    7. Giá trị xuất khẩu: tăng 20%/năm.
    8. Quy hoạch trên 20% diện tích làm lúa chất lượng cao.
  5. caycothu

    caycothu Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/01/2004
    Bài viết:
    592
    Đã được thích:
    0




    Các dự án mời gọi đầu tư
    1) Xây dựng kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp Vức, công nghiệp Ðông Tân - Ðông Hưng, công nghiệp Ðông Lĩnh.
    2) Ðầu tư xây dựng khu danh thắng Nhồi, nhà vườn - du lịch thị trấn Rừng Thông.
    3) Các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng, các khu chức năng của thị trấn Rừng Thông và đô thị Nhồi.
    4) Dự án cung cấp nước sạch cho thị trấn Rừng Thông và các xã phụ cận, xây dựng tuyến đường nối thị trấn Bắc Cầu Hạc - thành phố Thanh Hoá.
    5) Các dự án du nhập ngành nghề mới, phát triển kinh tế nông thôn.
    6) Dự án khôi phục và cải tạo hồ Mao Rủn (xã Ðông Khê) gắn với di tích lịch sử văn hoá đền thờ Lê Hy.
    7) Các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, khu di tích.


    Cơ cấu kinh tế qua các năm Ðơn vị: %


    Các ngành

    2000

    2001

    2002


    Nông - lâm - thuỷ sản

    57,2

    56,7

    54,7


    Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

    31,4

    31,7

    31,8


    Dịch vụ - Thương mại

    11,4

    11,6

    13,5
     
  6. THANHHOATTVNOL

    THANHHOATTVNOL Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    05/09/2004
    Bài viết:
    18
    Đã được thích:
    0
    Tích sử huyện Ðông Sơn
    Trải qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt, huyện Ðông Sơn (Thanh Hoá) có bề dày lịch sử khá hào hùng, vẻ vang, là mảnh đất "địa linh, nhân kiệt".
    1. Quá trình hình thành và tên gọi của huyện Ðông Sơn qua các thời kỳ
    - Thời thuộc Hán - Tam Quốc - Lưỡng Tấn là miền đất thuộc huyện Tư Phố và một phần (phía nam) thuộc huyện Cư Phong.
    - Thời Tuỳ - Ðường thuộc huyện Cửu Chân. Theo sách "Di Biên" của Cao Biền, thời bấy giờ vùng đất này được gọi là huyện Ðông Dương, sau đổi thành Ðông Cương.
    - Thời Ðinh - Lê - Lý giữ nguyên như thời Tuỳ - Ðường.
    - Thời Trần đặt tên là huyện Ðông Sơn thuộc trấn Thanh Ðô, tên huyện Ðông Sơn có từ đây.
    - Thời thuộc Minh thuộc phủ Thanh Hoá.
    - Thời Lê Quang Thuận: thuộc phủ Thiệu Thiên, sau Gia Long đổi Thiệu Thiên thành Thiệu Hoá. Huyện Ðông Sơn thuộc phủ Thiệu Hoá.
    - Ðầu thế kỷ thứ XIX, huyện Ðông Sơn gồm 6 tổng, 145 xã, thôn, trang, vạn, gia, giáp, sở, phường.
    - Năm 1928, huyện Ðông Sơn đổi thành phủ, bao gồm có 7 tổng, 115 làng và 5.794 dân đinh.
    - Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến cuối năm 1946, chính quyền cách mạng đã chia 7 tổng cũ của Ðông Sơn thành 22 xã.
    - Năm 1948, đơn vị hành chính của huyện được tổ chức lại với 13 xã.
    - Cuối năm 1954, chia Ðông Sơn thành 25 xã.
    - Năm 1972, Ðông Sơn còn lại 20 xã (xã Ðông Giang cắt về thị xã Thanh Hoá. Trước đó, năm 1963, 4 xã Ðông Thọ, Ðông Cương, Ðông Vệ, Ðông Hải cắt về thị xã Thanh Hoá - thành phố Thanh Hoá ngày nay).
    - Ngày 5-7-1977 theo Nghị định số 177/HÐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), huyện Ðông Sơn sáp nhập 16 xã của huyện Thiệu Hoá và đổi tên huyện Ðông Sơn thành huyện Ðông Thiệu. Lúc này, huyện Ðông Thiệu có 36 xã.
    - Ngày 30-8-1982, theo Nghị định số 149/HÐBT của Hội đồng Bộ trưởng đổi tên thành huyện Ðông Sơn.
    - Ngày 28-4-1992, thành lập thị trấn Rừng Thông (trung tâm huyện lỵ được thành lập). Lúc này huyện Ðông Sơn có 36 xã và một thị trấn (thị trấn được thành lập trên cơ sở cắt một phần đất của các xã: Ðông Xuân, Ðông Tân và Ðông Lĩnh).
    - Thực hiện Nghị định số 72/CP ngày 18-1-1996 của Chính phủ, tách 16 xã của huyện Thiệu Hoá được sáp nhập vào Ðông Sơn trước kia ra khỏi Ðông Sơn. Trong 16 xã đó, 15 xã để tái lập huyện Thiệu Hoá, 1 xã Ðông Cương còn lại sáp nhập vào thành phố Thanh Hoá. Huyện Ðông Sơn còn lại 19 xã và 1 thị trấn huyện lỵ.
    2. Di tích lịch sử - văn hoá
    + Ðông Phố: quận lỵ Cửu Chân thời Tiền Tống từ Tứ Phố chuyển về đây (420 - 1009). Ðông Phố là làng Ðồng Pho thuộc các xã Ðông Hoà và Ðông Minh ngày nay.
    + Kinh đô Trường Xuân: nay là thôn Trường Xuân xã Ðông Ninh. Năm 618, đời vua Tuỳ Ðại nghiệp, Lê Ngọc là thái thú quận Cửu Chân đã phát động nhân dân chống lại nhà Ðường. Lê Ngọc tự xưng là Hoàng đế, xây dựng kinh đô ở đây. Ngoài ra, tại đây, các nhà khảo cổ đã phát hiện tấm bia cổ nhất Việt Nam "gọi là bia Trường Xuân" có tên "Ðại Tuỳ Bải an đạo trường chi vi văn" (năm 618).
    + Ðền thờ Nguyễn Nghi ở làng Phúc Truyền hiện được bảo tồn tốt. Nguyễn Khải là con Nguyễn Nghi, được tôn xưng là Thánh Hẹ. Khu đền thờ hiện đặt ở làng Ngọc Tích.
    + Chùa An Hoạch trên núi Nhồi, xã Ðông Hưng. Chùa còn có tên gọi là Báo Ân.
    + Bia Ðá: theo thống kê của Phòng Ðịa chí thư viện Thanh Hoá, huyện Ðông Sơn hiện có trên 300 bia đá lớn nhỏ ở các thời kỳ khác nhau.
    + Di tích cách mạng:
    - Làng Hàm Hạ, xã Ðông Tiến là nơi thành lập chi bộ Ðảng Cộng sản đầu tiên của Thanh Hoá.
    - Rừng Thông là nơi Bác Hồ về thăm Thanh Hoá, gặp cán bộ và đại biểu nhân dân Thanh Hoá trên núi Rừng Thông ngày 20-2-1947.
    + Ðất học Ðông Sơn: nổi tiếng đất học giỏi là "tứ xã Bôn". Tứ xã Bôn là 4 làng: Ngọc Tích, Phúc Triền, Kim Bôi, Quỳnh Bôi có nhiều vị đại khoa.
    3. Nhân vật lịch sử
    Kể từ năm 1844 trở về trước, Ðông Sơn có 32 Tiến sĩ (1 Trạng nguyên, một Bảng nhãn, 2 Thám hoa).
    l Thiều Thốn: ở làng Thọ Sơn, xã Ðông Tiến. Thiều thống là Phò Kỳ lang (Phò mã), chức vụ Phòng Ngự sứ Lạng Sơn đời Trần rất được tướng sĩ dưới trướng yêu mến.
    + Lê Trắc: ở huyện Ðông Sơn. Viết sách "An Nam chí lược" đời Trần
    + Nguyễn Chính: ở làng Vạn lộc, xã Ðông Ninh, dũng tướng Lam Sơn, khai quốc công thần thời Lê.
    + Nguyễn Như Soạn: Tướng thờ Lê Lợi, cùng cha khác mẹ với Nguyễn Trãi.
    + Nguyễn Mộng Tuân: ở làng Viên Khê, xã Ðông Anh, đậu Thái học sinh đời Trần. Ông tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, làm quan tới chức Tả Nạp Ngôn, Vinh lộc đại phu. Ông có tập thơ "Cúc pha tập".
    + Triệu Quy Linh ở xã Doãn Xá, xã Ðông Ninh. Tử tiết chống Mạc.
    + Lê Hy: quê làng Thạch Khê, đỗ Tiến sĩ, giữ chức Tham Tụng, Sách quận công. Lê Hy còn là nhà sử học thế kỷ XVII chức Quốc sử quán tổng đài, biên soạn và hoàn thành bộ Ðại Việt sử ký toàn thư đến đời Lê Gia Tông (năm 1692) và viết "bản kỷ tục biên".
    + Nguyễn Nghi: ở làng Ngọc Bôi, xã Ðông Thanh, làm quan tới chức Tả thị lang Bộ Lại kiêm Ðông các đại học sĩ, tước Thái Bảo, thầy dạy hai vua Lê Anh Tông và Lê Thế Tông.
    + Nguyễn Khải: (con thứ Nguyễn Nghi) võ tướng thời Lê Trung Hưng, tước Ðặng quận công.
    + Nhà thơ Nguyễn Chính: ở làng Vạn Lộc, xã Ðông Ninh.
    + Các bậc đại nho: Nguyễn Mộng Tuân, Lưu Ngạn Quang, Thiều Quý Linh, Ngô Văn Thông, Nguyễn Nghi, Nguyễn Văn Lễ, Lê Khả Trù, Nguyễn Thế Khanh, Cao Cử, Lê Vĩnh, Lại Ðăng Tiến, Lê Liêu, Lê Hy, Thiều Sĩ Lâm, Lê Khả Trinh, Lê Dị Tài, Trần Bá Tần, Lê Thế Thứ...
    4. Loại hình nghệ thuật tiêu biểu
    + Dân ca Ðông Anh: đây là làn điệu dân ca có từ lâu đời và rất nổi tiếng trong nền văn hoá dân gian Việt Nam.
    + Trò diễn dân gian:
    - Trò Rủn phổ biến tại các làng trong tổng Thạch Khê (Lẻ Rủn). Trò Rủn có ngũ trò (5 trò) là múa đèn, trống mõ, tiên cuội, ngô quốc và mí mẫn. Ngoài ra còn có các trò như tô vũ (tô tượng, đúc chuông), tú huần (một mẹ, mười con).
    - Trò Bôn phổ biến trong các làng ở Kẻ Bôn (xã Ðông Thanh). Trò Bôn có 5 trò diễn là ngô phường - lam phường - tiền phường - thuỷ phường và lăng ba khúc.
  7. THANHHOATTVNOL

    THANHHOATTVNOL Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    05/09/2004
    Bài viết:
    18
    Đã được thích:
    0
    HUYỆN THẠCH THÀNHKhơi dậy những tiềm năng và thế mạnh cho phát triển kinh tế - xã hội
    - Diện tích tự nhiên: 558,11km2- Tốc độ tăng trưởng kinh tế: 8%/năm- Tổ chức hành chính: 25 xã, 3 thị trấn



    Ông Lê Văn Ðốc - Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri của Ðoàn Ðại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá


    Ðược sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, huyện Thạch Thành đã có những bước đi hợp lý, đúng hướng trong phát triển kinh tế - xã hội. Cơ cấu cây trồng chuyển dịch theo hướng đẩy mạnh phát triển cây công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng mạnh tỷ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông - lâm - ngư nghiệp, đồng thời dần hình thành các khu công nghiệp và dịch vụ mới.
    Huyện Thạch Thành nằm ở phía tây bắc tỉnh Thanh Hoá, phía bắc giáp huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình), phía tây giáp huyện Cẩm Thuỷ và huyện Bá Thước, phía nam giáp huyện Vĩnh Lộc, phía đông giáp huyện Hà Trung. Theo điều tra thổ nhượng của Sở Ðịa chính, phần lớn chất đất ở đây rất thích hợp cho phát triển cây công nghiệp, đây là tiềm năng thế mạnh vô cùng quý giá của Thạch Thành trong quá trình phát triển kinh tế. Ngoài ra, Thạch Thành còn có mạng lưới giao thông thuận lợi với tuyến đường quốc lộ 45, tỉnh lộ 7 nối các huyện trong tỉnh, đi thị xã Bỉm Sơn, huyện Hà Trung, huyện Vĩnh Lộc, huyện Cẩm Thuỷ, tạo điều kiện cho Thạch Thành giao thương với các huyện trong tỉnh và cả nước. Ðặc biệt, với tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua vùng đệm của rừng quốc gia Cúc Phương và được Bộ Giao thông Vận tải xác định là "điểm nghỉ chân" đã tạo cho Thạch Thành lợi thế phát triển thương mại - dịch vụ và du lịch sinh thái.
    Phát huy tiềm năng và thế mạnh của huyện miền núi
    Thành quả nổi bật trong thời gian qua của huyện Thạch Thành là kinh tế tăng trưởng khá nhanh ở mức 7 - 8%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng: tăng tỷ trọng ngành công nghiệp xây dựng cơ bản, thương mại - dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông - lâm - ngư nghiệp. Thế mạnh về đất đai, lao động, lợi thế về địa lý, giao thông từng bước được khai thác hiệu quả. Vùng kinh tế hàng hoá được hình thành, cây công nghiệp mũi nhọn (cây mía) được xác định rõ, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, diện mạo nông thôn không ngừng đổi mới. Trong đó:
    Ngành nông - lâm - ngư nghiệp, thực hiện chủ trương, chính sách của tỉnh về phát triển kinh tế các huyện miền núi, Thạch Thành đã tập trung triển khai thực hiện công tác khuyến nông - khuyến lâm. Ðặc biệt, lãnh đạo Uỷ ban nhân dân huyện và các ngành đã tích cực chuyển hướng cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư thâm canh tăng năng suất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đi sâu nghiên cứu và trồng thử các cây trọng điểm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Chiến lược phát triển này đã mang lại kết quả khả quan, góp phần tích cực vào việc kích thích sự tăng trưởng nâng cao sản lượng nông nghiệp trên địa bàn, chuyển nông nghiệp từ mô hình tự cung, tự cấp sang mô hình sản xuất hàng hoá. Năm 2002, ngành nông - lâm - ngư nghiệp tăng 15,3% so với năm 1997.
    Với ngành lâm nghiệp, nhiều chỉ tiêu về trồng rừng, trồng cây phân tán, khoanh nuôi tái sinh chăm sóc bảo vệ rừng và khai thác lâm sản tăng mạnh qua các năm. Ðến nay, các khu rừng của Thạch Thành được chăm sóc tốt, độ che phủ của rừng hầu như đạt kế hoạch đã đề ra. Công tác phòng cháy, chữa cháy được thực hiện tốt, nên không có vụ cháy rừng nào xảy ra. Ngoài ra, để khai thác triệt để quỹ đất của huyện miền núi, trong những năm gần đây, huyện đã có chủ trương hình thành các trang trại trồng cây ăn quả (vải thiều, nhãn, bưởi, cam) ở tầm trung các triền đồi, núi. Vì thế, tính đến năm 2002, toàn huyện có 395,1ha cây ăn quả. Trong những năm tới, Huyện uỷ, Uỷ ban nhân dân huyện chủ trương tăng diện tích trồng cây ăn quả, đồng thời xây dựng các nhà máy chế biến trái cây, mở ra triển vọng lớn cho ngành công nghiệp chế biến của huyện.
    Với tiểu ngành chăn nuôi, nếu những năm trước đây chỉ là nghề phụ thì nay đã có những chuyển biến quan trọng về cơ cấu giống, vật nuôi và mô hình tổ chức sản xuất, theo hướng sản xuất hàng hoá. Với những vùng đồi, vùng đất rất phù hợp với chăn nuôi bò, đặc biệt là bò sữa, bò lai sind. Bò sữa được đưa vào chăn nuôi ngày càng nhiều, đưa tổng số đàn bò lên 7.109 con (năm 2002), tăng 15% so với năm 1997. Do đẩy mạnh phát triển đàn bò và cơ giới hoá nên tổng số đàn trâu giảm, theo thống kê của Uỷ ban nhân dân huyện, toàn huyện hiện chỉ còn 18.293 con. Bên cạnh đó, giống lợn hướng nạc cũng được đưa vào chăn nuôi khá phổ biến và đạt kết quả cao. Tổng đàn lợn tính đến năm 2002 là 58.588 con, tăng 39,9% so với năm 1997. Các loại gia súc, gia cầm, vật nuôi khác như: dê, hươu, gà, vịt, ong cũng phát triển mạnh.
    Với tiểu ngành trồng trọt, nếu như năm 1997 tổng diện tích gieo trồng lúa đạt 8.397,5 ha, năng suất bình quân đạt 33,3 tạ/ha, tổng sản lượng lương thực (quy thóc) đạt 27.998,2 tấn thì đến năm 2002 tổng diện tích gieo trồng tuy không tăng nhiều (8.970,8 ha) nhưng năng suất bình quân đạt 36,3 tạ/ha, tổng sản lượng (quy thóc) đạt 32.556 tấn. Kết quả đó đã góp phần đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn. Ngoài ra, Thạch Thành còn đẩy mạnh trồng các loại cây cho bột khác như khoai, sắn, ngô.
    Bên cạnh đó, với địa chất được đánh giá tương đối thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp, đặc biệt là cây mía và cây cao su, lãnh đạo huyện đã xác định: đây là hai loại cây chủ lực, mũi nhọn trong phát triển kinh tế của huyện. Nhờ đó, diện tích cây cao su đã không ngừng tăng lên, từ hơn 400 ha cao su (đa phần được trồng thời Pháp thuộc, già cỗi, lượng mủ không nhiều) năm 1997 lên 4.000 ha (cây trồng mới cho lượng mủ nhiều, chất lượng tốt) năm 2002.
    Là huyện đầu tiên trong tỉnh kết hợp mô hình kinh tế nông trường và kinh tế hộ đạt kết quả cao, đến nay, Thạch Thành hiện có 3 nông trường tham gia trồng mía (Thạch Thành, 26/3 và Vân Du) hoạt động theo mô hình này. Ðồng thời, bằng nhiều chính sách như trợ giá, trợ giống, vốn, kỹ thuật canh tác, trong vài năm trở lại đây, diện tích trồng mía của Thạch Thành lên tới trên 4.507,7 ha, năng suất bình quân đạt 504,1 tạ/ha, sản lượng vụ ép năm 2002 đạt 227.146,8 tấn. Giá trị kinh tế cây mía đem lại không chỉ góp phần tăng trưởng kinh tế huyện nhà, mà còn giải quyết công ăn việc làm cho nhiều hộ gia đình, nâng cao đời sống của người dân Thạch Thành.
    Thế mạnh của các loại cây công nghiệp được khẳng định bằng tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trong những năm gần đây (bình quân đạt 10%/năm). Trong đó, giá trị của cây mía chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị ngành công nghiệp. Năm 2002, tổng giá trị ngành công nghiệp đạt 219.148 triệu đồng, trong đó công nghiệp chế biến mía đường (Công ty liên doanh Ðường mía Việt Nam - Ðài Loan ) là 207.705 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 94,8%. Ngoài ra, ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của Thạch Thành còn phát triển trong các lĩnh vực chế biến nông - lâm sản, thực phẩm; khai thác vật liệu xây dựng, khai thác đá...
    Là một huyện miền núi, ngành thương mại - dịch vụ của Thạch Thành tuy phát triển mạnh nhưng không toàn diện, chủ yếu là cung cấp nhu yếu phẩm thiết yếu và dịch vụ trong nông nghiệp. Giá trị ngành thương mại - dịch vụ năm 2002 đạt 84.903 triệu đồng, chiếm 19,2% GDP. Tuy vậy, trong những năm tới, khi tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua huyện hoàn thành, các loại hình dịch vụ, thương mại sẽ có điều kiện phát triển nhanh hơn. Hiện nay, huyện đang tập trung trùng tu, tôn tạo lại chiến khu Ngọc Trạo - một địa danh lịch sử trong kháng chiến, cải tạo lại các hồ đập, suối nước nóng, các cụm rừng để khai thác du lịch lịch sử và du lịch sinh thái.
  8. THANHHOATTVNOL

    THANHHOATTVNOL Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    05/09/2004
    Bài viết:
    18
    Đã được thích:
    0
    Ðẩy mạnh đầu tư cho kết cấu hạ tầng, quốc phòng an ninh
    Kinh tế tăng trưởng đã thúc đẩy kết cấu hạ tầng của Thạch Thành phát triển mạnh, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng cơ bản. Hàng năm, Thạch Thành đầu tư một nguồn vốn khá lớn cho xây dựng cơ bản. Với nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, của huyện và vốn đóng góp của nhân dân, Thạch Thành đã đầu tư nhiều công trình giao thông, kết cấu hạ tầng quan trọng. Ðến nay, ngoài hệ thống đường quốc lộ nối liền với các huyện trong tỉnh được trung ương đầu tư xây dựng như tuyến đường về Ngọc Trạo, đường số 7 từ Bỉm Sơn lên phố Cát và các xã vùng cao Thành Minh, Thạch Trực đi qua vùng cao Thạch Quảng, quốc lộ 45 chạy qua huyện đến tận Rịa... Ngoài ra, huyện còn tập trung đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn. Các tuyến đường liên xã, liên thôn được nhựa hoá và cấp phối hoàn toàn, tạo điều kiện thông thương, giao lưu của người dân. Bên cạnh đó, hệ thống kênh mương nội đồng cũng được kiên cố hoá, đảm bảo nhu cầu tưới tiêu cho cây lúa và các loại cây hoa màu chủ yếu. Nhiều công trình phúc lợi, trường học, bệnh viện, công sở cũng được đầu tư nâng cấp và xây dựng mới. Cùng với phát triển kết cấu hạ tầng, mạng lưới điện trong những năm qua được đầu tư mở rộng. Tính đến nay, toàn huyện đã có 24/25 xã được sử dụng điện lưới quốc gia, xã còn lại sẽ được triển khai trong năm 2003.
    Nhận thức được tầm quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực, Ðảng bộ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân huyện đã chỉ đạo phát triển công tác giáo dục, đẩy nhanh cả về quy mô và chất lượng. Hàng năm, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đạt 95 - 99% (năm 2002 tỷ lệ tốt nghiệp tiểu học đạt 99,14%, trung học cơ sở đạt 97,73%, trung học phổ thông đạt 93,95%). Với mục tiêu tạo không khí học tốt, cơ sở vật chất của các trường từ tiểu học đến phổ thông trung học đã được xây dựng kiên cố và ngày càng khang trang sạch đẹp. Tính đến nay, Thạch Thành đã ngói hoá, lầu hoá hầu hết các trường học trên toàn huyện. Về chất lượng đào tạo, toàn huyện đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và đang thực hiện phổ cập trung học cơ sở (trong đó có 14 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về phổ cập trung học cơ sở). Trong những năm tới, Thạch Thành đang xúc tiến xây dựng trường chuẩn quốc gia.
    Văn hoá, thông tin, thể dục thể thao, phát thanh - truyền hình được quan tâm đúng mức. Công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương được thực hiện tốt. Các cơ sở phát thanh, phát lại truyền hình huyện và hệ thống truyền thanh cơ sở được đầu tư nâng cấp, đảm bảo chất lượng và phát huy được hiệu quả thông tin tuyên truyền. Thực hiện chủ trương xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, từng bước nâng cao chất lượng các hoạt động văn hoá - xã hội, tính đến năm 2002, toàn huyện có 156 đơn vị khai trương làng, cơ quan, trường học văn hoá. Trong đó, xã Ngọc Trạo có 100% làng khai trương xây dựng làng văn hoá. Hoạt động thể dục - thể thao có nhiều chuyển biến, công tác xã hội hoá hoạt động thể dục thể thao được củng cố và đẩy mạnh, các phong trào hoạt động thể dục thể thao cơ sở thu hút ngày càng đông đảo quần chúng tham gia...

    Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt cùng các bộ - ngành - địa phương đi khảo sát đường HCM xuyên qua xã Thạch Lâm - Thạch Thành - rừng quốc gia Cúc Phương


    Công tác y tế, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng được cấp uỷ Ðảng và Chính quyền quan tâm, củng cố cả về chất lượng và số lượng. Do đó, số bệnh nhân vào khám và điều trị tại trung tâm y tế huyện, các trạm xá, thị trấn ngày càng nhiều, số bệnh nhân vượt tuyến ngày càng giảm. Hoạt động y tế dự phòng được củng cố và tăng cường, công tác an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường được kiểm tra thường xuyên. Nhờ làm tốt công tác phòng chống, trong nhiều năm liền, Thạch Thành không để xảy ra dịch bệnh lớn.
    Tình hình quốc phòng - an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững và ổn định, tạo được khối đại đoàn kết toàn dân. Quốc phòng luôn được củng cố, xây dựng cơ sở vững mạnh, duy trì chế độ sẵn sàng chiến đấu và làm tốt công tác tuyển quân.
    Những kết quả nêu trên là hệ quả tất yếu từ chỉ đạo sát sao của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, sự đoàn kết nhất trí cao trong việc vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Ðảng theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thạch Thành. Ðó chính là tiền đề, là cơ sở để Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh đề ra những chủ trương, giải pháp sát thực, phù hợp nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh và nội lực của một huyện miền núi; huy động sức mạnh đoàn kết toàn dân, hăng hái thi đua học tập, lao động sản xuất xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

    Lịch sử hình thành huyện Thạch Thành
    Thời thuộc Hán là miền đất thuộc huyện Dư Phát. Thời Tam Quốc - Lưỡng Tấn - Nam Bắc Triều là miền đất thuộc huyện Phù Lạc. Thời Tuỳ - Ðường, Ðinh - Lê - Lý là miền đất thuộc huyện Nhật Nam. Thời Trần - Hồ, miền đất này nằm trong hai huyện Tế Giang và Yên Lạc. Vì thế, huyện Thạch Thành ngày nay được hình thành từ hai huyện Tế Giang và Yên Lạc thời Trần - Hồ mà thành. Quá trình hình thành và sáp nhập diễn ra như sau:
    1) Huyện Yên Lạc thời Lê Quang Thuận (năm 1460) đặt là huyện Thạch Thành, cho lệ vào phủ Thiệu Thiên (nay là phần đất thuộc đông nam huyện Thạch Thành bây giờ).
    2) Huyện Tế Giang thuộc lưu vực sông Bưởi (còn gọi là sông Bảo, sông Tế Giang). Ðời Lê Quang Thuận đổi tên Tế Giang thành Bình Giang, đời Trung Hưng gọi là huyện Quảng Bình. Thời Tây Sơn đổi là huyện Quảng Bằng. Ðầu thời Nguyễn đổi lại thành huyện Quảng Bình. Năm Minh Mệnh thứ 2 (năm 1821), đổi tên thành Quảng Ðịa, sau lại đổi tên là huyện Quảng Tế.
    3) Năm Thành Thái thứ 1 (năm 1889) nhập huyện Quảng Tế vào huyện Thạch Thành và hình thành huyện Thạch Thành ngày nay.
    4) Năm 1977, ghép hai huyện Thạch Thành và Vĩnh Lộc thành huyện Vĩnh Thạch. Ðến năm 1982, lại tách hai huyện như cũ và lại lấy tên là huyện Thạch Thành. Ngày nay, huyện Thạch Thành có 25 xã và 3 thị trấn.


    Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội giai đoạn 2000 - 2005
    - Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân: trên 10%/năm.
    - Thu nhập bình quân đầu người tăng 10 - 15%/năm.
    - Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng 5%/năm.
    - Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân trên 10% năm.
    - Giá trị các ngành dịch vụ tăng bình quân 20 - 25%/năm.
    - Cơ cấu kinh tế: 4 +3 + 3. Trong đó: công nghiệp - xây dựng cơ bản: 40%, nông - lâm nghiệp: 30%, dịch vụ - thương mại: 30%.
    - Tổng sản lượng lương thực: 42.000 tấn.
    - Thu ngân sách huyện tăng bình quân: trên 8%/năm.
    - Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên: 1,3%/năm.
    - Hạ tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 7%, xoá hộ đói.
    - Hạ tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm còn 25%.
    - Lao động qua đào tạo đạt 25%.
    - Tỷ lệ tổ chức cơ sở Ðảng trong sạch, vững mạnh trên 70%.
    - Hoàn thành phổ cập trung học cơ sở
  9. THANHHOATTVNOL

    THANHHOATTVNOL Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    05/09/2004
    Bài viết:
    18
    Đã được thích:
    0
    HUYỆN LANG CHÁNHPhát huy nội lực - khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có
    - Diện tích tự nhiên: 586,58 km2- Dân số: 42.259 người- Tốc độ tăng trưởng kinh tế: 5,4%/năm- Thu nhập bình quân đầu người: 2,4 triệu đồng/năm



    Ông Lê Quang Tích - Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh


    Thực hiện công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá do Ðảng khởi xướng, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lang Chánh đã phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có, khai thác hiệu quả nhiều chương trình dự án mà Ðảng và Nhà nước dành cho huyện Lang Chánh. Nhờ đó, diện mạo nông thôn, vùng cao, biên giới đã khởi sắc. Sản xuất nông - lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ - thương mại có bước phát triển đáng kể. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức 5,4%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 2,4 triệu đồng.
    Quyết tâm thoát đói nghèo
    Là một huyện miền núi, những năm trước đây, đời sống của người dân các dân tộc ở Lang Chánh gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng từ khi Huyện uỷ, Uỷ ban nhân dân huyện thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế cây trồng, mùa vụ, với tinh thần đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động cùng với sự hỗ trợ của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, kinh tế - xã hội huyện Lang Chánh đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận.
    Về nông nghiệp, ngay từ những năm đầu thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, các cấp, các ngành đã tập trung khắc phục khó khăn, kịp thời chống hạn, tăng diện tích gieo trồng, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó, năng suất lúa nước tăng từ 25 tạ/ha (năm 1996) lên 39 tạ/ha (năm 2002). Ðồng thời, huyện cũng tập trung đầu tư phát triển các loại cây công nghiệp. Ðặc biệt, việc đầu tư phát triển vùng trồng mía đã đưa sản lượng các sản phẩm từ cây công nghiệp tăng từ gần 5.000 tấn (năm 1999) lên trên 6.000 tấn (năm 2002), đem lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần thực hiện chương trình xoá đói giảm nghèo. Ngoài ra, các loại cây lấy củ có bột và rau đậu các loại cũng được phát triển mạnh cả diện tích gieo trồng và sản lượng.
    Trong lĩnh vực chăn nuôi, được sự quan tâm của Ðảng bộ và chính quyền huyện, ngành chăn nuôi ở Lang Chánh đã dần khởi sắc. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật được ứng dụng trong việc cải tạo đàn bò, tạo giống lợn mới cho năng suất cao, góp phần tăng giá trị sản lượng ngành chăn nuôi huyện Lang Chánh từ 5.612 triệu đồng (năm 1995) lên 6.135 triệu đồng (năm 2000). Theo số liệu thống kê của Uỷ ban nhân dân huyện Lang Chánh, đến nay, toàn huyện có 9.665 con trâu, 2.250 con bò, 12.724 con lợn, đàn gia cầm cũng có chiều hướng tăng mạnh. Ngoài ra, huyện còn tập trung cải tạo đàn bò ở 3 xã: Yên Khương, Yên Thắng, Trí Nang; đầu tư đưa giống bò lai sind về các đơn vị chăn nuôi để cải tạo và nâng cao chất lượng đàn bò địa phương. Bên cạnh đó, các cơ sở chăn nuôi đã chủ động phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi nên đã hạn chế được dịch bệnh.
    Lâm nghiệp là thế mạnh của huyện Lang Chánh, vì thế, trong chiến lược phát triển kinh tế, Huyện uỷ, Uỷ ban nhân dân huyện đã xác định: rừng là một tài nguyên vô giá. Do vậy, công tác bảo vệ và phát triển rừng đã được các cơ sở rất quan tâm, chấm dứt hiện tượng phá nương làm rẫy. Từ cuối năm 1997, huyện đã hoàn thành kế hoạch giao đất lâm nghiệp theo Nghị định 02/CP với tổng diện tích 51.678,30 ha. Trong đó, 4.688 hộ nông dân nhận 25.022,44ha, doanh nghiệp nhà nước nhận 17.590,18ha, các đơn vị, thành phần kinh tế khác nhận 9.065,7ha. Từ kết quả trên, cùng với những biện pháp tăng cường quản lý - khai thác hợp lý tài nguyên rừng, hiện nay, rừng và đất rừng Lang Chánh được phục hồi và phát triển mạnh. Nhiều hộ gia đình đã xây dựng, hình thành các vườn trại rừng mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Bình quân hàng năm khai thác được 4.500m3 gỗ, 1 triệu cây luồng, hàng trăm ngàn cây nứa. Ðặc biệt, thực hiện dự án 661 trong chương trình trồng 5 triệu ha rừng của Chính phủ, năm 2002, toàn huyện đã trồng được 165ha rừng tập trung, 270.000 cây phân tán và bảo vệ khoanh nuôi 16.423ha. Ngoài giá trị kinh tế, rừng Lang Chánh còn đem lại nguồn lợi quý giá, đó là độ che phủ, giữ độ ẩm cho đất, nguồn nước tạo điều kiện để ngành nông nghiệp phát triển ổn định.
    Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tuy quy mô sản xuất nhỏ, phân tán nhưng vẫn giữ được mức tăng trưởng ổn định, tập trung chủ yếu ở các hộ tư nhân. Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đạt 3.520 triệu đồng, với các sản phẩm chủ yếu là: vật liệu xây dựng, cát sỏi, công cụ cầm tay, chế biến lương thực - thực phẩm, may mặc,... phục vụ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất.
    Có được kết quả trên, ngoài sự cố gắng nỗ lực của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Lang Chánh trong việc phát huy những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, huyện còn được sự quan tâm của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành, trong việc ban hành và thực thi nhiều chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy kinh tế huyện phát triển. Ðối với nông nghiệp, huyện luôn luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hộ chuyển đổi ruộng đất với mục đích phát triển kinh tế trang trại, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi nhằm tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Ðối với ngành công nghiêp - tiểu thủ công nghiệp, Lang Chánh sẵn sàng mời gọi các nhà đầu tư với các chính sách ưu đãi như: miễn giảm thuế sử dụng đất, phát triển mạng lưới giao thông, hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp, trung tâm làng nghề,...
    Ðầu tư hạ tầng, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển
    Cùng với phát triển kinh tế, Lang Chánh luôn chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và củng cố an ninh quốc phòng. Trong đó, về xây dựng cơ bản, trong 5 năm qua, huyện đã sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ các dự án hỗ trợ của Nhà nước, động viên nhân dân tham gia đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, phục vụ sản xuất và đẩy mạnh các hoạt động văn hoá, xã hội phát triển. Ðến nay, toàn huyện đã hoàn thành 11 công trình thuỷ lợi chủ động tưới tiêu cho 233ha lúa, với tổng vốn đầu tư 4.031 triệu đồng. Các công trình này đã được đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả cao. Bên cạnh đó, huyện cũng đã triển khai dự án điện lưới quốc gia, xây dựng được 26,7km đường dây 35KV, 12 trạm biến thế, động viên nhân dân tham gia đóng góp, đưa điện lưới về các xã, bản xung quanh huyện lỵ phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
    Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, phong trào làm đường giao thông nông thôn được duy trì và phát triển. Năm 2002, các đơn vị cơ sở đã ra quân làm đường giao thông, các tuyến đường liên thôn, liên xã cơ bản đã được tu sửa, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại thuận lợi, phục vụ kịp thời cho sinh hoạt và phát triển kinh tế - xã hội. Ðặc biệt, năm 2002, huyện đã đầu tư 376 triệu đồng để sửa chữa tuyến đường Trí Nang đi Giao Thiện (hiện đã hoàn thành 70% khối lượng công việc). Tuyến đường từ thị trấn đi Yên Khương được Nhà nước đầu tư, hiện nay đang tiến hành thi công, dự kiến công trình sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2003. Ðây là đầu mối giao thông quan trọng tạo điều kiện giao lưu thương mại giữa các vùng miền trong huyện với nước bạn Lào. Ðồng thời là cơ sơ tiền đề quan trọng để Lang Chánh mở ra hướng phát triển du lịch sinh thái - một tiềm năng chưa được khai thác - trong tương lai gần.
    Nhận thức được vai trò quan trọng của giáo dục - đào tạo trong việc giáo dưỡng dân sinh và phát triển nguồn nhân lực, nhiều năm qua, sự nghiệp giáo dục - đào tạo của huyện Lang Chánh có nhiều tiến bộ, phát triển nhanh cả về lượng và chất. Ðến nay, toàn huyện có 52 phòng học nhà cao tầng và 2 khu nhà ở cho giáo viên, từng bước khắc phục những phòng học tạm bợ, khắc phục cơ bản tình trạng thiếu trường lớp, phòng học cho học sinh (không còn tình trạng học 3 ca). Mỗi xã trong huyện đã xây dựng 1 trường phổ thông cấp I và 1 trường phổ thông cấp II. Cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện đã tích cực học bổ túc văn hoá. Nhiều người đang phấn đấu hoàn thành phổ cập chương trình cấp II và được cử đi học các trường chuyên nghiệp. Năm 1996, huyện đã đạt tiêu chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, xoá mù chữ và đang triển khai chương trình phổ cập trung học cơ sở. Riêng Trường tiểu học thị trấn được công nhận đạt chuẩn quốc gia.
    Công tác y tế, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng thu được nhiều kết quả khả quan. Trong đó, huyện đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường, thực hiện phong trào xanh, sạch, đẹp. Ngành y tế đã tổ chức được mạnh lưới khám chữa bệnh đến từng thôn, bản, điều trị kịp thời cho nhân dân các dân tộc trong huyện, không để dịch bệnh xảy ra trên địa bàn. Ðồng thời, do làm tốt công tác truyền thông và kế hoạch hoá gia đình nên tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm từ 2,38% (năm 1995) xuống còn 1,43% (năm 2002).
    Các phong trào xây dựng đời sống văn hoá cơ sơ được duy trì thường xuyên, bám sát định hướng phát triển của Ðảng: "Xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc". Trong thời gian qua, huyện đã đi sâu vận động, tổ chức thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá, làng văn hoá. Số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá tăng đều qua các năm. Ðồng thời, huyện đã khai trương xây dựng 39 làng văn hoá và 2 cơ quan văn hoá (trong đó đã có 7 làng được công nhận đạt làng văn hoá cấp tỉnh và 100% làng, bản đăng ký hương ước). Hoạt động thông tin tuyên truyền đã có sự phối hợp đồng bộ, tổ chức nhiều hình thức, nội dung thiết thực, nâng cao chất lượng, thời lượng tiếp sóng truyền thanh - truyền hình, phát hành báo chí. Kịp thời đưa tin hoạt động của cấp uỷ và chính quyền địa phương, biểu dương người tốt việc tốt, các chủ trương, chính sách, pháp luật của Ðảng - Nhà nước... Xây dựng và đưa vào sử dụng trạm phát sóng truyền hình Yên Khương, Lâm Phú, đến nay đã có 2.900/8.318 hộ có tivi, 320 máy điện thoại, xây dựng 2 điểm bưu điện văn hoá xã và đang khảo sát xây dựng hệ thống cáp quang để nâng cao chất lượng hoạt động ngành bưu chính - viễn thông.
  10. THANHHOATTVNOL

    THANHHOATTVNOL Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    05/09/2004
    Bài viết:
    18
    Đã được thích:
    0
    Ðịnh hướng phát triển kinh tế - xã hội
    Ðể thực hiện được các mục tiêu kinh tế - xã hội đến năm 2005, Huyện uỷ và Uỷ ban nhân dân huyện Lang Chánh đã đề ra một số giải pháp cơ bản có tính khả thi:
    1) Tiếp tục phát huy nội lực, khai thác hợp lý thế mạnh đất đai, tài nguyên lao động để đẩy mạnh phát triển sản xuất lâm - nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ một cách toàn diện, ổn định vững chắc theo hướng thâm canh, chuyên canh tăng năng suất cây trồng, vật nuôi; từ đó tạo ra nhiều sản phẩm hàng hoá lâm - nông sản phục vụ đời sống nhân dân và cung cấp cho thị trường. Ðầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa tỷ lệ giống lúa lai, ngô lai và giống có năng suất cao vào sản xuất đạt trên 60%. Tiếp tục chỉ đạo sản xuất vụ đông xuân để đưa vụ đông xuân thành tập quán canh tác của nhân dân. Hướng dẫn phát triển kinh tế trang trại theo mô hình nông - lâm kết hợp, làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng theo hướng xã hội hoá lâm nghiệp, phát triển vốn rừng gắn với khai thác hợp lý tài nguyên rừng hiện có, nâng độ che phủ của rừng từ 57% lên 65%.
    2) Ðẩy mạnh phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống, hướng vào sản xuất, chế biến nông, lâm sản, hàng thủ công mỹ nghệ, may mặc, đan lát, đồ mộc dân dụng, dệt thổ cẩm truyền thống... tạo sản phẩm hàng hoá, tăng thu nhập cho nhân dân.
    3) Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Thực hiện có hiệu quả mục tiêu chương trình các dự án phát triển kinh tế - xã hội như: dự án 135, dự án định canh định cư, dự án CIDA (Canada), WB... đã được phê duyệt.
    4) Làm tốt công tác thu thuế, thu các loại quỹ đóng góp theo quy định, thực hiện tốt việc quản lý điều hành chi ngân sách đáp ứng các yêu cầu và đảm bảo cho các ngành, các lĩnh vực chủ động triển khai nhiệm vụ công tác. Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn phát triển nguồn thu ngân sách xã để tạo điều kiện cho các xã vươn lên khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.
    5) Tăng cường chỉ đạo công tác phổ cập giáo dục đúng độ tuổi. Hàng năm, huy động 97 - 100% trẻ từ 6 tuổi vào lớp 1, 95% học sinh tốt nghiệp tiểu học vào lớp 6, 60% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào lớp 10 phổ thông trung học và bổ túc văn hoá, đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục - đào tạo của huyện phát triển một cách đồng bộ, toàn diện. Mở rộng các hình thức dạy nghề- học nghề để nâng cao chất lượng lao động, giải quyết việc làm. Quan tâm xây dựng cơ sở vật chất trang thiết bị trường học, đảm bảo cho việc dạy và học trong các nhà trường. Không để học sinh phải học ca 3, đưa tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 50% trở lên. Nhanh chóng ổn định bộ máy và cơ sở vật chất cho trường phổ thông trung học và trường cấp 2 dân tộc nội trú. Phấn đấu đến năm 2005, toàn huyện có 1 đến 2 trường đạt chuẩn quốc gia.
    6) Thường xuyên giữ vững an ninh - chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo thế trận an ninh nhân dân vững mạnh, phát động toàn dân tham gia truy quét các loại tội phạm, phòng chống tệ nạn xã hội, làm tốt công tác cảm hoá giáo dục, quản lý những người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư và gia đình theo tinh thần Nghị quyết 09, giữ vững kỷ cương pháp luật Nhà nước.
    Phát huy thành tích đạt được trong những năm qua, Ðảng bộ và nhân dân huyện Lang Chánh đã và đang chung sức, đồng lòng khai thác và phát huy tối đa nội lực, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Với những kết quả đạt được trong những năm qua, nhân dân huyện Lang Chánh vững tin vào tương lai tươi sáng của sự nghiệp đổi mới do Ðảng bộ, Uỷ ban nhân dân huyện lãnh đạo.
    Cây luồng - một trong những cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế huyện

    Lịch sử hình thành và tên gọi huyện Lang Chánh
    Lang Chánh xưa kia là một vùng rộng lớn có tên gọi là Mường Một (bao gồm cả địa phận huyện Lang Chánh ngày nay và một phần huyện Thường Xuân). Cuối thế kỷ XV, nhà Lê đổi Mường Một thành châu Lang Chánh (Lang Chánh có nghĩa là "tốt", vì nhân dân Lang Chánh có công trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh nên khi đất nước thái bình được nhà Lê ban tặng cho tên gọi đó). Từ nhà Lê cho đến đầu nhà Nguyễn (thời vua Gia Long), Lang Chánh chưa đặt tên châu lỵ riêng mà thuộc phủ Thanh Ðô (huyện Thọ Xuân). Thời Tây Sơn đổi thành Lương Chính.
    Năm 1829, nhà Nguyễn quyết định thành lập châu Quan Hoá bao gồm: châu Quan Gia, châu Tàm (thuộc vùng đất Quan Hoá ngày nay), cắt một phần đất Lang Chánh và một phần đất Nông Cống lập châu Thường Xuân. Tách châu Lang Chánh ra khỏi phủ Thanh Ðô, lập châu lỵ tại Ninh Lương (nay thuộc xã Quan Hiến). Như vậy, đến năm 1829, Lang Chánh chỉ còn lại một số động.
    Năm 1834, vua Minh Mạng, đã đổi động, thôn thành xã, đặt thêm tổng, đồng thời xuống dụ đặt các thổ ty, lang đạo dưới quyền kiểm soát của các chánh tổng, hợp pháp hoá vai trò của thổ ty, lang đạo để phục vụ chính quyền phong kiến ngày càng đắc lực hơn. Sau Cách mạng Tháng Tám (năm 1945), đổi thành huyện Lang Chánh.


    Huyện Lang Chánh có tổng diện tích đất tự nhiên 58.658 ha. Phía bắc giáp huyện Bá Thước, phía nam giáp huyện Thường Xuân, phía tây giáp huyện Quan Sơn và Sầm Tớ (thuộc tỉnh Hủa Phăn - Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào), phía đông giáp huyện Ngọc Lặc.
    Ðịa hình cao dần từ đông sang tây, nhưng do đồi núi liên tiếp, điệp trùng và kết cấu địa chất không thuần nhất, nên cấu tạo địa chất huyện Lang Chánh khá phức tạp, có nhiều nét khác biệt so với các huyện Ngọc Lặc, Bá Thước, Quan Hoá,...
    Huyện Lang Chánh gồm có các dân tộc: Mường, Dao, Thái, Kinh, Hoa. Mật độ dân số phân bố không đều, đồng bào các dân tộc thiểu số sống ở vùng cao, người Kinh và người Hoa phần lớn sống ở thị trấn.


    Nét nổi bật của rừng Lang Chánh là cây luồng. Luồng được trồng thành rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, trải rộng và vươn dài gần khắp huyện. Với số lượng lớn, chất lượng tốt, cây luồng Lang Chánh đã được phong là "Vua Luồng". Vì thế, rừng và cây luồng là nguồn lợi cơ bản và lâu dài của đồng bào các dân tộc huyện Lang Chánh.


    Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội giai đoạn 2001 - 2005
    - Tốc độ tăng trưởng kinh tế: 6,5% - 7%/năm.
    - Tổng sản phẩm kinh tế năm 2005: trên 150 tỷ đồng.
    - Giá trị sản phẩm và cơ cấu kinh tế đến năm 2005:
    + Nông - lâm nghiệp đạt 58,6 tỷ đồng, chiếm 42,3%.
    + Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 33 tỷ đồng, chiếm 24,2%.
    + Dịch vụ - thương mại đạt 46 tỷ đồng, chiếm 33,5%.
    - Thu nhập bình quân: trên 3,5 triệu đồng/người/năm.
    - Sản lượng lương thực: trên 10.000 tấn
    - Sản lượng cây lấy củ có bột: 4.500 tấn.
    - Bình quân đầu người/năm: 230kg lương thực và 100 kg củ có bột quy khô.
    - Bảo vệ và phát triển vốn rừng, bảo đảm độ tán che của rừng đạt trên 65%.
    - Tỷ lệ tăng dân số dưới 1,5%.
    - Xoá cơ bản hộ đói, giảm hộ nghèo xuống dưới 30%
     

Chia sẻ trang này