1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Thành phố xưa và nay: Ngôi nhà cổ nhất thành phố

Chủ đề trong 'Đất Sài Gòn' bởi roma, 13/01/2003.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. roma

    roma Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    01/01/1970
    Bài viết:
    761
    Đã được thích:
    3
    Thành phố xưa và nay: Ngôi nhà cổ nhất thành phố

    Nằm khuất dưới tán cây xanh trong khuôn viên Tòa giám mục TPHCM (trên đường Nguyễn Đình Chiểu) có một ngôi nhà nhỏ làm bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương. Nó chính là ngôi nhà cổ nhất ở thành phố, đã trải qua bao thăng trầm, biến cố suốt ba thế kỷ: 18, 19 và 20.

    Nhân dịp kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - TPHCM, Nhà xuất bản TPHCM cho xuất bản cuốn "Sài Gòn năm xưa" của cụ Vương Hồng Sển. Trong sách có đoạn viết về nguồn gốc ngôi nhà như sau: "Ngay chỗ Viện Bảo tàng trong vườn Bách Thảo, đời chúa Nguyễn ánh có cất một ngôi nhà riêng cho ông Bá Đa Lộc ở để dạy hoàng tử Cảnh, gọi là Dinh Tân Xá. Dường như sườn nhà này được dời về cất lại dựa tòa nhà của ông linh mục ở đường Phan Đình Phùng, nay là đường Nguyễn Đình Chiểu như còn thấy".

    Theo tài liệu của Tòa giám mục TPHCM thì ngôi nhà được cất từ năm 1789. Căn cứ ấy dựa theo chữ khắc trên một tấm bia đá cao khoảng 1,5 mét dựng cạnh căn nhà (nay tấm bia này không còn) ghi bằng tiếng Pháp đại ý: "Chỗ này là nhà đầu tiên của giám mục Tây Đằng Trong. Ngài ở đây cho đến khi chết (1789-1799)". Khi chuẩn bị xây vườn Bách thảo (Sở thú ngày nay), ngôi nhà này được dời đến địa điểm khác (nay là vị trí của Sở Ngoại vụ). Đến năm 1910, ông giám mục Moissard mua khu đất và xây tòa giám mục - đó chính là vị trí của Tòa giám mục TPHCM ngày nay. ông cho dời ngôi nhà về cạnh tòa giám mục và nó trở thành nhà nguyện.

    Ngoài giá trị vật chất của một cổ vật đã đi qua ba thế kỷ và đang chạm ngõ thế kỷ thứ tư - thế kỷ 21, thì ngôi nhà còn có giá trị văn hóa như một điểm tham quan du lịch.

    Bài, ảnh: Tống Minh Nghĩa


    [​IMG]
    Roma@
  2. roma

    roma Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    01/01/1970
    Bài viết:
    761
    Đã được thích:
    3
    Hơn 130 năm thảo cầm viên Sài Gòn
    Ngày 10-6-1863, chính quyền cai trị Pháp quyết định xây một vườn bách thảo trong nội ô Sài Gòn. ông Louis Adoiph Germain, một bác sĩ thú y trong quân đội viễn chinh Pháp, được giao nhiệm vụ khẩn hoang và san nền, bắt đầu vào tháng 3-1864, cũng chính ông là người thiết kế con đường bách bộ và những chuồng thú đầu tiên. Một năm sau, vườn bách thảo chính thức hoàn thành, có khuôn viên rộng 12 ha nằm phía đông bắc Sài Gòn, bên dòng kênh L?T Vanche (nay là kênh Thị Nghè). ông J.B.L Pierre (1833-1905), một nhà thực vật học người Pháp, được điều từ Vườn bách thảo Calcutta (ấn Độ) sang làm giám đốc. ông nhanh chóng phát triển vườn bách thảo thành một khu vườn hấp dẫn lạ kỳ với nhiều loài cây và thú quý hiếm nhập từ ấn Độ, Thái Lan, Lào, Campuchia như ca cao, cà phê, vani, một vài giống mía... Năm 1877, ông rời chức vụ và về Pháp.
    Lịch sử vườn bách thảo trên thế giới bắt đầu vào cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19 với các vườn thú ở châu âu. Đầu tiên là vườn thú Viên (áo) năm 1792, vườn thú Pari năm 1793, vườn thú Luân Đôn năm 1826. Sau đó, các vườn thú ở những nước khác thuộc châu âu và Bắc Mỹ nhanh chóng được xây dựng. Ban đầu các vườn thú được lập ra chủ yếu để cho các thành viên của hội động vật quan tâm và nghiên cứu, nhưng các loài động vật lạ cũng có sức thu hút rất lớn đối với công chúng nên dần dà các vườn thú đều mở cửa để phục vụ đông đảo công chúng. Vườn bách thảo Sài Gòn ngay khi hoàn thành cũng đã rất thu hút người dân.
    Năm 1924, vườn bách thảo Sài Gòn được nới rộng qua bên kia kênh L?T Vanche thêm 12 ha. Một chiếc cầu đúc được xây bắc ngang qua hai khu vực của vườn bách thảo vào năm 1927. Cũng trong thời gian này, Pháp cho xây dựng trong khuôn viên này viện bảo tàng Musée Blanchard de la Bross, có thiết kế kiểu cung điện mùa hè Bắc Kinh pha lẫn một số nét của các viện bảo tàng ở châu âu. Kiến trúc sư Delaval là người thiết kế. Khởi thủy, bảo tàng là nơi triển lãm lúa gạo; sau đổi thành bảo tàng trưng bày và nghiên cứu về nhân chủng loại, khảo cổ học và dân tộc học chuyên về Việt Nam và các nước trong khu vực. Năm 1954, Musée Blanchard de la Bross đổi tên là Bảo tàng lịch sử Việt Nam.
    Một công trình kiến trúc cổ khác có giá trị lịch sử cao ở vườn bách thảo là Đền Quốc Tổ Hùng Vương được xây dựng cùng thời với viện bảo tàng để tưởng niệm những người Việt đã chết cho người Pháp trong đại chiến I. Trong đền có bài vị thờ tổ tiên bách tính, lương thần danh tướng.
    Năm 1956, chính quyền Sài Gòn cho tu sửa, thiết kế lại vườn bách thảo và đổi tên thành Thảo cầm viên Sài Gòn cho đến ngày nay. Năm 1989 các chuồng trại được cải tạo. Thảo cầm viên được công nhận là thành viên chính thức của Hiệp hội các nước Đông Nam á. Hơn 130 năm kể từ ngày đầu xây dựng, Thảo cầm viên hiện nay là một vườn thú lớn nhất trong cả nước với 511 con thú thuộc 107 loài, 1.800 cây gỗ thuộc 260 loài, 23 loài lan, 33 loài xương rồng, 34 loại bonsai và thảm cỏ xanh phủ trên diện tích 20 ha.
    Cần nói lại rằng, chính vườn bách thảo này là nơi cung cấp cho các con đường trong thành phố những tán cây xanh đầu tiên.
    Hoàng Nguyên
    [​IMG]
    Roma@
  3. roma

    roma Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    01/01/1970
    Bài viết:
    761
    Đã được thích:
    3
    Ngôi chùa 258 tuổi
    Đó là chùa Giác Lâm, tọa lạc tại số 118 đường Lạc Long Quân, quận Tân Bình. Chùa do một người Minh Hương tên là Lý Thụy Long quyên tiền xây dựng vào năm 1744, đời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Trước đây chùa còn có tên Cẩm Sơn (Sơn Can) và Thủy Điện. Năm 1772, chùa bắt đầu được đổi tên là Giác Lâm.
    Đây là ngôi chùa cổ nhất còn tồn tại khá nguyên vẹn ở thành phố Hồ Chí Minh và là một trong những công trình kiến trúc cổ xưa nhất còn tồn tại ở thành phố. Chùa có kiến trúc chữ tam, với hệ thống gồm 98 cột gỗ tròn, lớn và cao chống đỡ mái bên trên; tất cả rường, kèo, xà gồ, rui, mè... đều được làm bằng gỗ; mái chùa lợp ngói âm dương. Chùa đã trải qua hai lần trùng tu lớn vào năm 1799 - 1804 và 1906 -1909, nhưng chủ yếu là thay ngói; hệ thống gỗ bên trong, đặc biệt là bốn hàng cột, rường, kèo còn nguyên vẹn. Bên trong, các vật dụng được chạm trổ, bài trí theo phong cách phong kiến cổ xưa của người Việt. Tại chùa hiện vẫn còn 113 pho tượng cổ, trong đó có 7 pho bằng đồng, còn lại là bằng gỗ mít; có 86 câu đối, 9 bộ bao lam được chạm khắc rất tinh xảo từ xưa vẫn còn tại chùa; ngoài ra còn có hệ thống bàn thờ, đồ thờ, bàn ghế, phản (đi-văng) rất cổ, được bài trí theo phong cách rất Nam bộ. Chùa tọa lạc trên khuôn viên rộng hơn hai hécta, có nhiều cây cổ thụ, với dáng vẻ thanh tao, tĩnh lặng. Năm 1994, chùa đã hoàn thành thêm tháp thờ Xá lợi Phật cao bảy tầng, 32m, rất đẹp.
    Từ ngày thành lập đến nay, chùa đã trải qua chín vị trụ trì, là nơi thăm viếng quen thuộc của người dân thành phố, du khách trong và ngoài nước. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chùa còn là nơi che giấu những cán bộ cách mạng hoạt động bí mật. Với các hiện vật vô giá được lưu giữ và những đóng góp trên, năm 1988 chùa Giác Lâm đã được Bộ Văn hóa công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
    Phan Minh Lý
    [​IMG]
    Roma@
  4. roma

    roma Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    01/01/1970
    Bài viết:
    761
    Đã được thích:
    3
    Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh: Tòa nhà chứng kiến hững biến cố lịch sử
    Nhà Bảo tàng TPHCM tọa lạc trên khuôn đất rộng 2 hecta, ở số 65 Lý Tự Trọng, quận 1. Đây là nơi mang đậm dấu ấn lịch sử của thành phố kể từ khi nó được xây dựng. Năm 1885, tòa nhà được xây dựng để làm bảo tàng thương mại. Người thiết kế ngôi nhà là kiến trúc sư người Pháp nổi tiếng lúc bấy giờ, ông Foulhou. Năm 1890, khi tòa nhà được xây xong thì không phải làm bảo tàng như dự kiến mà là nơi ở của các viên Thống đốc Nam kỳ. Ngày 25-8-1945, sau khi nhân dân thành phố đứng lên khởi nghĩa, giành chính quyền thành công, tòa nhà được sử dụng làm trụ sở ủy ban Hành chính Nam bộ. Chưa đầy một tháng sau, ngày 23-9-1945, Pháp trở lại Sài Gòn, tòa nhà trở thành trụ sở của Cao ủy Cộng hòa Pháp, rồi Dinh thủ hiến Nam phần. Đầu năm 1962, Ngô Đình Diệm sử dụng tòa nhà làm tư dinh, đặt tên là Dinh Gia Long. Tháng 3-1962, Ngô Đình Diệm đã cho xây dựng một đường hầm bí mật phía sau dinh, có chiều dài 33m, rộng 7m, cao 2,3m, có sáu phòng âm. Đường hầm này hoàn thành vào ngày 28-10-1963, thì bốn ngày sau, ngày 2-11-1963, chính quyền Ngô Đình Diệm bị đảo chính, hai anh em Diệm và Nhu bị giết chết. Từ đó, tòa nhà trở thành trụ sở Tối cao Pháp viện của chính quyền Việt Nam Cộng hòa cho đến ngày 30-4-1975. Ngày 12-8-1978, UBND thành phố Hồ Chí Minh quyết định sử dụng tòa nhà làm Bảo tàng Cách mạng thành phố.
    Tòa nhà được xây dựng theo kiểu kiến trúc Hy - La, với hệ thống cột tròn, lớn, vững chắc ở phía trước và hệ thống cột vuông hai bên hông và phía sau, bao quanh phía ngoài tòa nhà, tạo nên sự vững chắc, uy nghi. Trên mỗi đầu cột ở mặt trước đều được chạm khắc phù điêu rất công phu, tinh xảo. Hầu hết các hạng mục của tòa nhà cũng được chạm khắc các phù điêu, hoa văn, đường viền rất tỉ mỉ. Mái hiên, các ống dẫn nước mưa từ trên trần xuống cũng được làm rất đẹp. Xung quanh tòa nhà có hệ thống hành lang thông suốt, hệ thống cửa dày đặc, làm cho bên trong các gian phòng lúc nào cũng mát mẻ, có lượng ánh sáng tự nhiên lọt vào vừa phải. Với hệ thống cột chịu lực chạy xung quanh, bên trong, các gian phòng có không gian rất rộng, không bị hạn chế bởi hệ thống cột, tiện lợi cho việc sử dụng. Từ khi xây dựng đến nay, dù trải qua bao biến cố lịch sử, tòa nhà gần như còn nguyên vẹn. Hệ thống đèn trang trí, đèn chiếu sáng, những cánh cửa dày, cầu thang lên lầu được làm bằng gỗ,... đến nay vẫn còn chắc chắn.
    Hiện nay, tại bảo tàng đang trưng bày các hiện vật quý hiếm về sự hình thành, điều kiện tự nhiên, khảo cổ, dân tộc học của thành phố Hồ Chí Minh xưa, cũng như những dấu ấn về hoạt động của nhân dân thành phố trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội qua các thời kỳ lịch sử. Hiện nay, mỗi ngày có rất đông du khách trong và ngoài nước đến đây, vừa để biết thêm về sự hình thành và phát triển của Sài Gòn - TP.Hồ Chí Minh, vừa để chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc của tòa nhà.
    Phan Minh Lý
    [​IMG]
    Roma@
  5. roma

    roma Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    01/01/1970
    Bài viết:
    761
    Đã được thích:
    3
    Nhà thờ Đức Bà một công trình kiến trúc độc đáo
    Ngay sau khi chiếm Sài Gòn, thực dân Pháp đã cho lập nhà thờ để làm nơi hành lễ cho tín đồ Thiên chúa giáo trong đoàn quân viễn chinh. Theo tài liệu "300 năm Sài Gòn -Thành phố Hồ Chí Minh", ngôi nhà thờ đầu tiên được xây dựng ở đường số 5 (nay là Ngô Đức Kế). Đấy là một ngôi chùa của người Việt. Vì chiến cuộc, vì quân xâm lược đến trú đóng, người Việt bỏ chạy và Cố đạo Le Febvre đã biến ngôi chùa này thành nhà thờ.
    Cũng theo tài liệu trên, nhà thờ đầu tiên đó quá nhỏ nên Pháp đã lập ngôi nhà thờ thứ hai bên bờ kênh Lớn (hay kênh Charner, ở vị trí sau này là Tòa án nhân dân quận 1). Cố đạo Le Febvre đã đặt viên đá đầu tiên xây dựng ngôi nhà thờ này vào ngày 28-3-1863. Nhà thờ xây cất bằng gỗ, hoàn thành năm 1865. Nhưng khoảng 12 năm sau ngôi nhà thờ gỗ này bị hư hại nhiều vì mối mọt, các buổi lễ được tổ chức trong phòng khánh tiết của dinh Thống đốc cũ nằm ở vị trí trường Trần Đại Nghĩa ngày nay, cho đến khi nhà thờ lớn xây xong.
    Theo nhiều nguồn tài liệu, ngày 7-10-1877 Cố đạo Colombert đã đặt viên đá đầu tiên xây nhà thờ. Thiết kế do kiến trúc sư Pháp Bonarl thực hiện theo kiểu Roman cải biên, mô phỏng nhà thờ Notre Dame của Paris, nhỏ hơn và thuộc loại đẹp nhất trong số các nhà thờ của các quốc gia thuộc địa của Pháp. Việc xây cất được giao cho Bourard trông coi. Ngày 11-4-1880, lễ ban phước và chính thức khánh thành được Cố đạo Colombert tổ chức trọng thể trước sự có mặt của Thống đốc Nam kỳ Le Myre de Vilers. Hai ngày nói trên đã được khắc ghi trên bảng cẩm thạch gắn trong hành lang (transept) của nhà thờ.
    Ngày nay, nhà thờ Đức Bà (có độ tuổi 122 năm) là một địa điểm tham quan không thể thiếu đối với khách nước ngoài và cả người trong nước khi đặt chân đến thành phố Hồ Chí Minh.
    Phong Sơn
    [​IMG]
    Roma@
  6. roma

    roma Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    01/01/1970
    Bài viết:
    761
    Đã được thích:
    3
    Tòa nhà xây dựng vào đầu thế kỷ 20
    Việc xây dựng tòa nhà này đã gây tranh cãi trong giới cầm quyền thực dân Pháp trong suốt 31 năm (từ 1867-1898), sau cùng vào tháng 3-1898 mới
    được khởi công xây dựng theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Gardès và 10 năm sau mới hoàn tất (1908). Tòa nhà tọa lạc tại đường Lê Thánh Tôn, nơi đầu đường Nguyễn Huệ ngày nay, nhìn thẳng ra sông Sài Gòn.
    Theo thiết kế, tòa nhà gồm tòa chính và 2 cạnh hình chữ nhật, trên nóc giữa 2 tầng mái có 1 gác chuông đặt trên một bệ có dạng kim tự tháp. Những phù điêu đắp nổi trên gờ tường được phối trí theo thể thức tam giác: hình người phụ nữ, những đứa trẻ, những con vật được ***g trong hình tam giác hết sức sinh động.
    Được đưa vào sử dụng với tên gọi ban đầu là Dinh Xã Tây hay Tòa Đốc Lý, từ năm 1945 đến năm 1954 được gọi là Tòa Thị Sảnh, sau năm 1954 đến năm 1975 là Tòa đô chính Sài Gòn, từ năm 1975 đến nay là trụ sở Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân thành phố Hồ Chí Minh. Trải qua một thế kỷ tồn tại, nơi đây đã từng chứng kiến nhiều sự kiện, biến cố lịch sử: Ngày 14-6-1937, đồng bào bị thất nghiệp ở Sài Gòn biểu tình trước Dinh Xã Tây đòi giải quyết công ăn việc làm. Năm 1942, phong trào sinh viên Sài Gòn đã tổ chức triển lãm về lịch sử dân tộc Việt Nam tại tòa Xã Tây để cổ vũ lòng yêu nước của nhân dân. Ngày 24-8-1945, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đã chỉ đạo dựng 1 kỳ đài đỏ cao 10m trước bùng binh Xã Tây với danh sách các vị trong ủy ban hành chánh lâm thời Nam bộ.
    Phong Sơn
    [​IMG]
    Roma@
  7. roma

    roma Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    01/01/1970
    Bài viết:
    761
    Đã được thích:
    3
    Chợ Lớn
    Với người Sài Gòn, Chợ Lớn (chợ Bình Tây) không mấy xa lạ, bởi nó nổi danh là một chợ đầu mối lớn nhất tại thành phố, cung cấp hàng hóa cho thành phố và cho cả các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ. Chợ Lớn còn là một điểm du lịch của nhiều khách trong và ngoài nước khi đến Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh.
    Vì sao chợ lại có tên là Chợ Lớn, chợ Bình Tây và Chợ Lớn Mới? Theo sách "300 năm Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh" thì, khoảng thời gian từ 1679 đến 1731, những người Hoa di cư sang Việt Nam đã lập ra một cái chợ (tại địa điểm Bưu điện Chợ Lớn ngày nay) khá lớn nên dân chúng gọi là Chợ Lớn. Có thể thấy Chợ Lớn đã sớm sầm uất, hưng thịnh qua mô tả của Trịnh Hoài Đức (trích từ Gia Định thành thông chí): "Phố xá liên tiếp sát mái nhau, người Hoa và người Việt ở chung lộn dài chừng ba dặm. Hàng hóa bày bán có gấm đoạn, đồ sứ, giấy má, châu báu, sách vở, thuốc thang, trà, bột. Những sản vật Nam, Bắc theo đường sông, đường biển chở tới không thiếu món nào...".
    Chợ Lớn thu hút dân từ nhiều nơi khác đến làm ăn, sinh sống nên sau một thời gian, chợ sớm trở nên chật hẹp, tù túng. Nắm được nhu cầu bức xúc của tiểu thương, khoảng năm 1926, Quách Đàm - một thương gia người Hoa - đã trình một sáng kiến táo bạo là xây một nhà chợ to lớn, hiện đại (vị trí được dời về thôn Bình Tây) tặng chính phủ thuộc địa, với điều kiện: ông được đặc quyền xây cất hai dãy phố cạnh nhà chợ nói trên để bán hoặc cho mướn... Chính quyền thuộc địa chấp thuận, chợ được xây cất vào năm 1927, đến năm 1929 thì hoàn thành. Chợ có 12 cửa, ở trung tâm có bốn con rồng bằng đồng, phía trên có gác cao, hai bên có hai dãy phố (hai dãy phố Trần Bình, Lê Tấn Kế ngày nay) tạo nên một quần thể hài hòa. Chợ được cất theo kiểu kiến trúc Trung Hoa pha lẫn mô-típ kiến trúc cổ của Pháp. Chợ Lớn (mới), chợ Bình Tây có tên gọi song hành từ đó và đây là ngôi chợ hiện đại, đẹp nhất do tư nhân xây dựng. Chợ hình thành và phát triển đã góp phần biến đổi một vùng đất sình lầy, kênh rạch chằng chịt, dân cư thưa thớt, thành một phố thị nhộn nhịp với các khu dân cư, xóm thợ đông đúc...
    Năm 1992, chợ được tu sửa lại nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc cũ. Đến nay, đã qua bảy thập niên, Chợ Lớn vẫn là ngôi chợ sầm uất nhất và là một công trình mang tính thẩm mỹ cao.
    Bài, ảnh: Huệ Trinh
    [​IMG]
    Roma@
  8. roma

    roma Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    01/01/1970
    Bài viết:
    761
    Đã được thích:
    3
    Vùng đất có hơn 300 năm chiến đấu và xây dựng
    * Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Mạnh Kiểm
    Lịch sử đã ghi lại, Sài Gòn cổ xưa được hình thành từ năm 1623 với việc thành lập hai đồn thu thuế và đầu năm 1679 mở đồn Dinh ở Tấn Mỹ, cư dân tập trung ban đầu khoảng 10.000 người. Tuy nhiên, mãi đến năm 1698, Chúa Nguyễn mới cử Thống soái Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược "lấy đất Nông Nại đặt làm phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai đặt làm huyện Phước Long, dinh Trấn Biên; lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn..." mới là ngày Sài Gòn chính thức được thành lập. Nhờ có giao thông đường thủy thuận lợi nên ngay từ đó Sài Gòn đã trở thành trung tâm giao dịch, thương mại lớn với các chợ Điền Khiển, Tân Kiểng, Nguyễn Thực, Sài Gòn (Chợ Lớn ngày nay), đặc biệt có một dấu ấn quan trọng gắn với lịch sử hình thành và phát triển Sài Gòn là việc xây dựng thành Gia Định (năm 1790), được giới hạn bởi đường Lê Thánh Tôn, đường Đinh Tiên Hoàng và bởi đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Dân số Sài Gòn lúc bấy giờ đã lên tới 190.000 người, trong đó có 180.000 người Việt và 10.000 người Hoa. Đến năm 1835, Vua Minh Mạng đã cho phá hủy thành này và năm 1836 thì cho xây lại mới với quy mô nhỏ hơn, được giới hạn bởi các đường Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Mạc Đỉnh Chi và Nguyễn Du ngày nay. Năm 1788, Chợ Lớn được xây dựng đặt nền móng phát triển cho một trung tâm thương mại mới. Thành phố Sài Gòn (Gia Định cũ) từng bước đã nối kết với Chợ Lớn qua tuyến chính là đường Trần Hưng Đạo, chính là tiền thân của thành phố Hồ Chí Minh ngày nay.
    Bắt đầu từ việc xây dựng một căn cứ hải quân (năm 1859), một cảng trên sông Sài Gòn, người Pháp đã thấy hết vị trí chiến lược của cảng Sài Gòn trong kế hoạch biến miền Nam thành thuộc địa nên đã cho quy hoạch mở rộng thành phố Sài Gòn theo mô hình đô thị kiểu Pháp với các khu chức năng chủ yếu gồm Trung tâm quyền lực (dinh Thống Đốc, tòa án và khám đường); khu trung tâm hành chánh (Tòa thị chính thành phố), các cơ sở dịch vụ công cộng, các khu dân cư (phố Tây và phố dân bản xứ) và nghĩa trang thành phố. Từ 1859 - 1954, thành phố Sài Gòn tiếp tục được mở rộng, nối dần với Chợ Lớn - vốn là trung tâm giao dịch mua bán với các tỉnh miền Tây và từ đó đã phát triển với tốc độ nhanh chóng để trở thành một thành phố to, đẹp mà từ sau thế chiến thứ nhất, người Pháp tự hào gọi là "Hòn ngọc Viễn Đông".
    Từ năm 1955, thành phố Sài Gòn đã biến đổi mạnh mẽ, thu hút một số lớn người di cư từ miền Bắc và nông dân từ các tỉnh đổ về nhập cư vừa để tránh chiến tranh vừa để kiếm sống. Nhờ vào nguồn viện trợ của Mỹ đổ ồ ạt vào miền Nam lúc bấy giờ, bộ mặt Sài Gòn đã được biến đổi nhanh chóng với nhiều cao ốc khách sạn, văn phòng sang trọng nhằm đáp ứng cho yêu cầu ở, nghỉ ngơi, giải trí của quân xâm lược nhưng đồng thời cũng là nơi tập trung nhiều nhà ổ chuột của người nghèo. Thành phố Sài Gòn đã trở thành một thành phố lớn của cả nước với quy mô dân số hơn 3 triệu người.
    Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khóa VI phiên họp ngày 2-7-1976) đã quyết định đổi tên Sài Gòn thành "thành phố Hồ Chí Minh". Từ đó đến nay, đặc biệt là sau những năm đổi mới, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể xây dựng và cải tạo thành phố theo hướng phát triển tích cực và thu hút đầu tư nước ngoài...
    Với sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng như vậy, thành phố Hồ Chí Minh từng bước đã được cải tạo và xây dựng hoàn chỉnh để khắc phục những bất hợp lý trong cấu trúc không gian do lịch sử để lại, nhằm đáp ứng yêu cầu vật chất và tinh thần ngày càng cao của nhân dân lao động, đồng thời tiếp tục giữ vững vai trò "là một trung tâm kinh tế, một trung tâm giao dịch quốc tế và du lịch của nước ta".
    Giản Thanh Sơn thực hiện
    [​IMG]
    Roma@
  9. roma

    roma Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    01/01/1970
    Bài viết:
    761
    Đã được thích:
    3
    Dinh Thống Nhất dấu ấn lịch sử lớn nhất: Ngày 30-4-1975
    Theo nhiều nguồn tư liệu, chỉ một năm sau ngày Pháp chiếm toàn Nam bộ (1867), đô đốc Largdière đã cho xây phủ toàn quyền Đông Dương (còn gọi là Palais Norodom: trụ sở của các vị Thủ Hiến người Pháp). Dinh được đặt viên đá xây dựng đầu tiên vào ngày 23-2-1863 do kiến trúc sư Hermite thiết kế. Tòa nhà nằm trong một khu đất rộng 15 hecta, được giới hạn bởi 4 trục lộ chính có tên ngày nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Du, Nguyễn Thị Minh Khai và Huyền Trân Công Chúa. Mặt tiền tòa nhà rộng 80m, phòng khánh tiết có thể chứa 800 người. Công trình có lối kiến trúc theo phong cách thời đế chế Napoléon III với mái gãy Mausart, trang trí mắt bò, tràng hoa, hình tượng. Tòa nhà hoàn thành vào năm 1869 nhưng phải đến năm 1875 mới xong phần trang trí nội thất và đưa vào sử dụng.
    Tài liệu Sài Gòn 300 năm cho biết, sau Hiệp định Genève (1954), thực dân Pháp giao soái phủ này cho chính quyền Sài Gòn đổi tên là dinh Độc Lập. Lúc này, dinh Độc Lập là phủ tổng thống của chính quyền Ngô Đình Diệm cho ađến tháng 2-1962, phi công Phạm Phú Quốc vì bất mãn chính quyền Ngô Đình Diệm đã ném bom làm hư hại nặng tòa nhà này.
    Sau đó dinh được khởi công xây dựng lại vào 1-7-1962 theo đồ án của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ-người đoạt giải khôi nguyên La Mã về kiến trúc - và hoàn thành vào ngày 31-10-1966. Đây là một công trình được đánh giá cao với 4 tầng lầu phân bổ trên 100 phòng, mỗi phòng mang những nét bài trí riêng. Mặt tiền của dinh được trang trí những lam dạng bóng trúc gợi nét trang trí truyền thống Việt Nam, lối vào đại sảnh nâng cao với hồ nước phun. Theo giới am hiểu, đây là công trình tiêu biểu cho phong cách kiến trúc hiện đại và dân tộc hiếm hoi ở Sài Gòn lúc bấy giờ.
    Với chiến dịch thần tốc mang tên Hồ Chí Minh, ngày 8-4-1975, anh hùng phi công Nguyễn Thành Trung đã thực hiện thành công phi vụ ném bom dinh Độc Lập. Một lần nữa dinh bị sập một phần bên cánh trái. Tiếp theo đó, vào lúc 11 giờ ngày 30-4, Lữ đoàn 203 xe tăng quân giải phóng thuộc Quân đoàn 2 dưới sự hướng dẫn của nữ giao liên Củ Chi Nguyễn Trung Kiên (tức cô Nhíp) tiến vào chiếm lĩnh dinh Độc Lập, buộc Dương Văn Minh - vị tổng thống cuối cùng của chính quyền Sài Gòn và nội các của ông ra đầu hàng vô điều kiện. Tháng 12-1975, hội nghị Hiệp thương thống nhất đất nước đã diễn ra tại đây và dinh Độc Lập được đổi thành dinh Thống Nhất, sau đó được Bộ Văn hóa-Thông tin công nhận là di tích lịch sử vào ngày 25-6-1976.
    27 năm qua, dinh Thống Nhất vinh dự được đón tiếp các nguyên thủ quốc gia, các chính khách quốc tế đến thăm và làm việc tại đây. Dinh Thống Nhất cũng là nơi luôn diễn ra những cuộc tiếp xúc, hội nghị, hội thảo quan trọng cấp quốc gia và quốc tế. Hàng ngày, đông đảo đồng bào trong cả nước và bè bạn khắp thế giới đến tham quan dinh Thống Nhất - một khu di tích lịch sử và là một công trình kiến trúc đẹp của thành phố.
    Giản Thanh Sơn
    [​IMG]
    Roma@
  10. roma

    roma Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    01/01/1970
    Bài viết:
    761
    Đã được thích:
    3
    Tòa nhà bưu điện thành phố - một bức tranh lung linh
    Tòa nhà Bưu điện Thành phố được khởi công xây dựng ngày 11-4-1886, hoàn thành năm 1891. Tác giả đồ án thiết kế là kiến trúc sư người Pháp Vilơdiơ. Tòa nhà tọa lạc bên hông Vương cung Thánh đường (Nhà thờ Đức Bà) ở quảng trường Công xã Paris. Nhà Bưu điện được xây dựng xong, trở thành một loại hình dịch vụ lạ và gây ấn tượng rất mạnh với dân chúng. Lúc đó, người ta thường gọi Bưu điện với những cái tên rất bình dân: Nhà dây thép, Sở dây thép...
    Đặc điểm nổi bật của tòa nhà là sự bố cục cân đối của các hạng mục công trình mang tính thẩm mỹ cao. Tất cả các chi tiết đều có sự cân đối chia đều ra hai bên, đối xứng nhau qua một "trục" trung tâm. Toàn bộ mặt tiền có kết cấu hình khối, với vòm cung phía trên các cửa. Từ hệ thống cột, trụ chính, phụ, mái hiên đều có kết cấu hình khối vuông. Trên mỗi đầu trụ, cột được chạm khắc hoa văn, phù điêu công phu, tỉ mỉ. ở mặt tiền tòa nhà có hệ thống đường viền, đường chỉ là những chuỗi hoa văn chạy ngang, tạo nên vẻ đẹp, sự cân đối và làm cho tòa nhà có vẻ như không cao lắm.
    Bên trong tòa nhà là hệ thống vòm cung sát cửa chính và vòm cung dài bên trong. Vòm cung lớn được chống đỡ bởi bốn trụ sắt nằm bốn góc, mỗi cột chống đỡ bốn kèo sắt tỏa ra bốn phía. Vòm cung dài được chịu lực bởi hai hàng trụ sắt hai bên. Các điểm tiếp nối giữa trụ và kèo sắt được thiết kế công phu, chạm khắc thành những chi tiết có hoa văn đẹp. Với hệ thống vòm cung này, tòa nhà trở nên cao, rộng rãi và thoáng mát, thích hợp với một nơi thường có nhiều người ra vào. Sự thiết kế rất độc đáo từ bên trong lẫn bên ngoài như vậy, tòa Bưu điện có thể xem là một công trình xây dựng có phong cách độc đáo về kiến trúc, màu sắc của Sài Gòn lúc bấy giờ.
    Trải qua hơn 100 năm tuổi, toàn bộ kiến trúc tòa nhà vẫn nguyên vẹn. Vừa qua, kỷ niệm "300 năm Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh", Bưu điện Thành phố được xây dựng thêm tượng đài "chiến sĩọ giao bưu thông tin trong kháng chiến" và tượng đài "bưu điện thời kỳ phát triển hiện đại" ở bên phải và bên trái của Bưu điện. Bưu điện Thành phố trở nên lung linh, rực rỡ như một bức tranh tuyệt đẹp giữa trung tâm thành phố.
    Phan Minh Lý
    [​IMG]
    Roma@

Chia sẻ trang này