1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

The Fall of Berlin 1945-Antony Beevor

Chủ đề trong 'Kỹ thuật quân sự nước ngoài' bởi vacbay03, 20/06/2015.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. vacbay03

    vacbay03 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    07/08/2007
    Bài viết:
    329
    Đã được thích:
    859
    Trong hai tuần đầu tiên của tháng tư, giao chiến lẻ tẻ vẫn tiếp tục tại các đầu cầu. Các cuộc tấn công của Liên Xô nhằm mục đích mở rộng thêm đầu cầu. Phía sau Oder, hoạt động thậm chí diễn ra còn dữ dội hơn. Nhìn chung, hai mươi tám Tập đoàn quân Liên Xô đã tập kết và bố trí lại trong mười lăm ngày. Tư lệnh tập đoàn quân 10, Thượng tướng Popov, đã ra lệnh cho các chỉ huy quân đoàn ngay cả trước khi ông nhận chỉ thị từ cấp trên.
    Một số Tập đoàn quân có khoảng cách lớn để hành quân và có rất ít thời gian. Theo quy định chiến trường của Liên Xô, một đội hình cơ giới được cho là phải di chuyển 150 cây số một ngày, nhưng Sư đoàn bộ binh 200th của Tập đoàn quân 49 đã cố gắng vượt qua 358 km chỉ trong hai mươi lăm giờ.

    Trong tập đoàn quân xung kích 3, vốn đã được chuyển cho chiến dịch Pomerania, binh sĩ sợ rằng họ sẽ không bao giờ trở lại đúng giờ và `chỉ sẽ đến Berlin khi tất cả mọi người khác đã cầm mũ lên [ về nhà ]. Không một lính chiến trường (frontovik) thực sự nào muốn bỏ lỡ đỉnh điểm của cuộc chiến. Anh ta biết sự ganh tị mà các đơn vị của Phương diện quân Byelorussia 1 gây ra cho phần còn lại của Hồng quân.

    Mặc dù lính chiến trường (frontovik) thực sự xác định muốn nhìn thấy chiến thắng ở Berlin, nạn đào ngũ gia tăng khi cuộc tấn công đến gần. Hầu hết những người biến mất bị bắt lính từ các phân đội tăng cường gần đây, đặc biệt là người Ba Lan, Ukraine và Romania. Nạn đào ngũ gia tăng cũng có nghĩa là mức độ ngày càng tăng của thổ phỉ, cướp bóc và bạo lực đối với dân thường: `Một số kẻ đào ngũ cướp xe ngựa chở hàng của dân địa phương, chất lên đó các loại hàng hoá khác nhau và giả vờ là xe chở hàng thuộc quân đội, di chuyển từ khu vực mặt trận phía trước đến các khu vực hậu phương phía sau."

    Trung đoàn NKVD phía sau Phương diện quân Ukraina 1 bắt giữ 355 trường hợp đào ngũ trong phần đầu tiên của tháng tư. Phương diện quân Byelorussia 1 thậm chí còn quan ngại nhiều hơn về tình trạng kỷ luật, như một báo cáo ngày 8 tháng 4 cho thấy. Nhiều `binh lính vẫn lảng vảng xung quanh khu vực phía sau mặt trận và nói rằng họ bị tách rời khỏi đơn vị. Họ thực tế là những kẻ đào ngũ. Họ cướp bóc và bạo hành. Đến 600 người đã bị bắt giữ gần đây trong khu vực của tập đoàn quân 61. Tất cả các con đường chật ních xe cộ và các xe ngựa chở hàng được sử dụng bởi các nhân viên quân sự cho cả hai nhiệm vụ hợp pháp và nhiệm vụ cướp bóc. Họ rời khỏi xe trên đường phố và trong sân và đi lang thang xung quanh các nhà kho và căn hộ tìm kiếm đồ vật. Nhiều sĩ quan, chiến sĩ, hạ sĩ quan không còn trông giống như đang phục vụ trong Hồng quân. Một số ăn mặc hoàn toàn sai tiêu chuẩn về quân phục. Điều này trở nên khó khăn để có thể phân biệt giữa một người lính và một sĩ quan và giữa binh sĩ và dân thường. Những trường hợp bất tuân lệnh sĩ quan cao cấp một cách nguy hiểm đã diễn ra."

    Các trung đoàn NKVD và SMERSH cũng đang tiếp tục công việc lùng bắt những kẻ tình nghi. Cả hai lực lượng này, theo quan điểm của Beria, đều không thẩm tra kỹ lưỡng và quá hăng say. Họ đã đưa 148.540 tù nhân đến các trại tù NKVD ở Liên Xô nhưng `chỉ một nửa đủ điều kiện lao động chân tay’. Họ chỉ đơn giản là tống khứ `những kẻ bị bắt giữ do việc dọn dẹp khu vực hậu phương của Hồng quân’. Có một số ưu tiên, tuy nhiên, không thay đổi. Những người yêu nước Ba Lan vẫn bị coi là nguy hiểm như Đức quốc xã. Và các trung đoàn NKVD vẫn tiếp tục gặp phải các nhóm lính Đức nhỏ lang thang, cố gắng chuồn qua chiến tuyến Hồng quân sau khi chiến đấu tại Pomerania và Silesia. Các nhóm lính Đức nhỏ này thường phục kích những chiếc xe đi lẻ trên đường để lấy thực phẩm, và phản ứng của các chỉ huy quân sự Liên Xô là, cũng như những gì người Đức đã làm ở Liên Xô, phá huỷ ngôi làng gần nhất và xử bắn dân làng.

    Tâm trạng của các sĩ quan, binh sĩ Hồng quân là căng thẳng nhưng tự tin. Pyotr Mitrofanovich Sebelev, phó tư lệnh một lữ đoàn công binh, vừa được thăng trung tá ở tuổi hai mươi hai. ‘Chào ba, mẹ, Shura và Taya", ông đã viết thư về nhà ngày 10 tháng tư. `Tại thời điểm này , tình hình là bất thường và do đó con sợ sự yên tĩnh ở đây. Con đã dự một buổi hòa nhạc hôm qua. Vâng , không ngạc nhiên là, tại buổi hòa nhạc do các nghệ sĩ từ Moscow biểu diễn. Điều đó cổ vũ bọn con. Chúng con không thể ngừng suy nghĩ rằng chiến tranh nên kết thúc càng sớm càng tốt, nhưng con nghĩ rằng điều này phụ thuộc chủ yếu vào chúng con. Có hai chuyện xảy ra ngày hôm qua mà con phải kể cho gia đình nghe. Con đi ra chiến tuyến với một người nữa từ khu vực hậu phương phía sau. Chúng con bước ra khỏi rừng và đi lên một gò cát, nằm xuống. Sông Oder ở trước mặt chúng con với một mũi cát dài nhô ra. Mũi cát đang bị chiếm đóng bởi bọn Đức. Phía sau Oder, là thị trấn Kustrin, một thị trấn bình thường. Đột nhiên cát ướt bay rào rào xung quanh con và ngay lập tức con nghe một tiếng súng: Bọn Đức đã phát hiện ra chúng con và đã bắt đầu bắn từ mũi cát này.

    `Hai giờ trước, những tay trinh sát của bọn con đem đến cho con một hạ sĩ Đức bị bắt. Hắn dập gót giày chào con và ngay lập tức hỏi con qua thông dịch, "Tôi đang ở đâu, thưa ông Sĩ quan? Trong quân đội của Zhukov, hay trong băng đảng của Rokossovsky?." Con phá lên cười và nói với tên Đức, "anh đang ở tại Phương diện quân Byelorussia 1, do Nguyên soái Zhukov chỉ huy. Nhưng tại sao anh gọi quân của Nguyên soái Rokossovsky là băng đảng?." Tên hạ sĩ trả lời, "Bọn họ không tuân theo các quy tắc khi chiến đấu. Đây là lý do tại sao những người lính Đức gọi họ là băng đảng".

    `Một tin tức khác. Trợ lý của con, Kolya Kovalenko, bị thương vào cánh tay nhưng anh ta đã trốn khỏi bệnh viện. Con khiển trách cậu ta về điều này và cậu ta chửi rủa và nói: "Đồng chí đang lấy đi của tôi vinh dự được là một trong những người đầu tiên tiến vào Berlin với các chàng trai của chúng ta."... Tạm biệt, gửi những nụ hôn đến tất cả mọi người. Pyotr của cha mẹ.'

    Đối với phần lớn những người thực sự quan tâm, mối quan tâm lớn nhất là tốc độ tiến công nhanh chóng của các nước đồng minh phương Tây. Trong tập đoàn quân 69, bộ phận chính trị báo cáo những người lính nói rằng `cuộc tấn công của chúng ta quá chậm và quân Đức sẽ giao nộp thủ đô cho người Anh và người Mỹ ."

    Thành viên Komsomol trong Tập đoàn quân xe tăng Cận vệ 4 chuẩn bị cho cuộc tấn công bằng cách mời những người lính có kinh nghiệm đến nói chuyện với những lính mới về thực tế trong chiến đấu. Thành viên Komsomol cũng giúp những người hầu như không biết chữ viết thư về nhà. Họ đặc biệt tự hào về việc mua một chiếc xe tăng T-34 bằng tiền của mình. Chiếc tăng ` Komsomolets’ của họ đã `phá hủy một số xe tăng địch và các loại xe bọc thép khác và nghiền nát nhiều tên Fritz (lính Đức-ND) dưới xích sắt của mình’. Tại những cuộc họp chi bộ Đảng, các thành viên đã được nhắc nhở rằng 'tất cả những người Cộng Sản có trách nhiệm lên tiếng phản đối việc cướp bóc và nạn say sưa’ .
    hk111333, caonam_vOz, NoIdea2 người khác thích bài này.
  2. vacbay03

    vacbay03 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    07/08/2007
    Bài viết:
    329
    Đã được thích:
    859
    Các trung đoàn pháo binh, trong khi đó, `đặc biệt chú ý đến việc bổ sung quân số cho các thương vong. Họ đã nhìn thấy trước rằng thiệt hại sẽ tăng nhanh một khi họ tiến vào Berlin, bởi vì các pháo thủ sẽ phải bắn các mục tiêu trong tầm nhìn. Do đó các ê kíp pháo thủ đã phải tập luyện chăm chỉ để có thể làm được công việc của nhau. Và mỗi trung đoàn đã chuẩn bị một lớp pháo thủ dự bị được huấn luyện, sẵn sàng thay thế các thương vong.
    Để bảo vệ bí mật, 'người dân địa phương đã được sơ tán trong phạm vi hai mươi cây số từ mặt trận’. Radio ngừng phát sóng và các bảng cảnh báo được đặt tại mỗi bàn điện thoại dã chiến: 'Đừng nói về những điều anh không nên nói."

    Sự chuẩn bị của Đức, mặt khác, nhấn mạnh về sự trả thù đối với tất cả những người không thi hành nhiệm vụ, và đối với gia đình của họ, bất kể cấp bậc. Một thông báo được đưa ra rằng Tướng Lasch, chỉ huy Konigsberg, đã bị kết án tử hình treo cổ vắng mặt và cả gia đình của ông bị bắt giữ theo luật Sippenhaft, đạo luật đàn áp những người thân nhất của những kẻ phản bội Đức Quốc xã.

    Sự khốn khổ chung cuộc của Đông Phổ đã gây ảnh hưởng lớn đến tinh thần ở Berlin giống như các mối đe dọa từ Oder. Ngày 02 tháng 4, pháo binh Liên Xô bắt đầu dội hoả lực làm mềm tuyến phòng thủ vào trung tâm Konigsberg. Thượng uý Inozemstev, sĩ quan pháo binh Liên Xô ghi lại trong nhật ký của ông ngày 04 Tháng Tư rằng sáu mươi viên đạn pháo từ khẩu đội của ông đã biến một tòa nhà kiên cố thành `một đống gạch đá.’ NKVD cho rằng không một ai thoát được khỏi đó. `Binh sĩ bị bao vây trong Konigsberg đang mặc quần áo dân sự để trốn thoát. Giấy tờ phải được kiểm tra cẩn thận hơn ở Đông Phổ.'

    `Không quân hoạt động rất hiệu quả ,' Inozemstev đã viết ngày 07 Tháng 4. `Chúng tôi sử dụng súng phun lửa trên quy mô lớn. Nếu chỉ có một lính Đức trong một tòa nhà, hắn sẽ bị lửa lùa ra ngoài. Không có các trận chiến trên tầng gác hoặc cầu thang. Điều rõ ràng cho tất cả mọi người bây giờ là việc tấn công Konigsberg ồ ạt bằng các trận mưa bom đạn là một ví dụ điển hình của việc dội hoả lực vào một thành phố lớn." Ngày hôm sau, khi người đồng đội Safonov của ông bị giết chết, trung đoàn khai hoả vào pháo đài như loạt súng chào vĩnh biệt.

    Sự tàn phá rất khủng khiếp. Hàng ngàn binh sĩ và thường dân bị chôn vùi trong các cuộc oanh kích. `Mùi của tử thần lảng vảng trong không khí’, Inozemstev đã viết, ‘theo nghĩa đen - vì hàng ngàn xác chết đã bị phân hủy dưới đống đổ nát'. Khi những người bị thương được chất đầy nghẹt trong mỗi căn hầm có thể sử dụng, Tướng Lasch biết rằng đã không còn hy vọng. Tập đoàn quân cận vệ 11 và Tập đoàn quân 43 đã chiến đấu trong thành phố. Thậm chí Phó chỉ huy của Gauleiter Koch đã kêu gọi từ bỏ thành phố, nhưng tất cả các con đường tới bán đảo Samland đã bị cắt đứt. Một cuộc phản công đã được tung ra để tìm đường phá vây, nhưng đã bị sụp đổ trong hỗn loạn vào đêm ngày 08 tháng 4 .

    Các vụ bắn phá của Xô Viết đã khoá chặt nhiều tuyến đường dẫn đến điểm khởi hành. Lãnh đạo Đảng Quốc Xã địa phương, không thông báo cho Lasch, đã nhắn thường dân tập hợp để sẵn sàng chạy trốn, nhưng việc tập trung họ lại đã thu hút sự chú ý của những sĩ quan tiền sát pháo binh Liên Xô và họ đã bị tàn sát.

    Thành phố ngập chìm trong khói vào ngày hôm sau dày đặc đến nỗi chỉ có những vệt lửa của hoả tiễn Katyusha là có thể nhìn thấy. Những người dân còn sống sót treo những mảnh khăn trải giường trên cửa sổ như một tín hiệu đầu hàng và thậm chí cố gắng tước súng của lính Đức. Lasch biết rằng thời khắc cuối cùng đã đến. Ông không mong đợi sự giúp đỡ của Đức quốc xã và không muốn những người tị nạn và dân trong thành phố chịu thêm bất kỳ những đau khổ vô ích nào nữa. Chỉ có lực lượng SS còn muốn chiến đấu, nhưng những nỗ lực của họ là vô vọng. Vào buổi sáng 10 tháng Tư, Lasch và các sĩ quan Đức khác đến sở chỉ huy của Nguyên Soái Vasilevsky. Các đơn vị đồn trú chỉ còn hơn 30.000 quân sống sót bị bắt cầm tù. Đồng hồ của họ và bất kỳ các đồ vật hữu ích nào đã bị các binh sĩ Hồng quân nhanh chóng tịch thu, nhiều người đang cố tìm các kho chứa rượu. Tình trạng hãm hiếp phụ nữ và thiếu nữ đã lan tràn không thể kiểm soát được trong thành phố đổ nát.

    Inozemstev đi thăm thủ đô mịt mù khói lửa của Đông Phổ . `Một tượng đồng của Bismarck đang nhìn chằm chằm với một con mắt - một phần đầu của ông đã bị vỡ do một viên đạn pháo - vào một nữ quân nhân Liên Xô đang điều phối giao thông, vào dòng xe cộ của quân đội Hồng quân đi ngang qua, và nhìn chằm chằm vào các đội tuần tra. Cái nhìn đó trông như thể ông đang đặt câu hỏi, "Tại sao có người Nga ở đây? Ai đã cho phép điều đó?"

    Sự kết thúc của Đông Phổ và Pomerania đã được nhấn mạnh trong một sự kiện khủng khiếp. Vào đêm ngày 16 tháng 4, tàu bệnh viện Goya, lèn chặt hơn 7,000 người tị nạn, bị đánh chìm bởi một tàu ngầm Liên Xô. Đó là thảm họa lớn nhất trong lịch sử hàng hải. Chỉ có 65 người được cứu.

    Cuộc tấn công vào Berlin được chờ đợi xảy ra vào bất cứ lúc nào. Ngày 06 tháng 4, sở chỉ huy Cụm tập đoàn quân Vistula ghi nhận trong nhật ký chiến trường: 'Tại chiến tuyến Tập đoàn quân 9, hoạt động của kẻ thù khá lộ liễu- âm thanh của động cơ và xích xe tăng trên cả hai khu vực Reitwein phía tây nam của Ktlstrin và phía đông bắc gần Kienitz.' Họ ước tính rằng cuộc tấn công sẽ đến trong hai ngày nữa. Tuy nhiên năm ngày sau họ vẫn đang chờ đợi. Tướng Krebs tại Zossen gửi điện tín cho Heinrici ngày 12 tháng Tư, `Fuhrer cho rằng cuộc tấn công của Nga nhằm vào Cụm tập đoàn quân Vistula là vào ngày 12 hoặc 13 tháng Tư ". Ngày hôm sau, Hitler nói Krebs điện thoại cho Heinrici nhấn mạnh `Fuhrer theo bản năng tin rằng cuộc tấn công sẽ thực sự xảy ra trong một đến hai ngày nữa, tức là 13 hoặc 14 tháng tư’. Hitler đã cố gắng dự đoán chính xác ngày cuộc xâm lược Normandy năm ngoái, nhưng đã không thành công . Bây giờ ông lại muốn làm những người ngưỡng mộ mình ngạc nhiên với một show diễn của một tầm nhìn kỳ lạ. Dường như nó là một trong số ít những phương cách mà theo đó ông cố chứng minh rằng ông ta đang kiểm soát một số các sự kiện.

    Vào tối 13 tháng Tư, cuộc hoà nhạc Phil ở Berlin trình diễn lần cuối cùng. Albert Speer, người tổ chức, đã mời Đô đốc Dönitz cũng như người trợ lý của Hitler, Đại tá Von Below. Hội trường được bật đèn sáng đúng cách trong dịp này, bất chấp việc điện bị cắt giảm. `Các buổi hòa nhạc đã đưa chúng tôi trở lại một thế giới khác," Von Below đã viết. Chương trình bao gồm Violin Concerto của Beethoven, Bản giao hưởng số 8 của Bruckner - (Speer sau đó nói rằng đây là tín hiệu cảnh báo của mình để dàn nhạc trốn thoát khỏi Berlin ngay lập tức sau khi trình diễn để tránh bị gọi vào lực lượng Volkssturm) - và cuối cùng là Gotterdlimmerung của Wagner.
    hk111333danngoc thích bài này.
  3. vacbay03

    vacbay03 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    07/08/2007
    Bài viết:
    329
    Đã được thích:
    859
    Ngay cả khi Wagner đã không mang khán giả trở lại với thực tại, khoảnh khắc lúc thoát ly khỏi thực tại đó không kéo dài lâu. Người ta nói rằng, sau buổi trình diễn, Đảng Quốc xã đã cho thành viên Đoàn Thanh niên Hitler đứng mặc quân phục với những giỏ chứa các viên thuốc Cyanua và đưa cho khán giả khi họ ra về.

    Vào ngày 14 tháng 4, khi cuộc tấn công vẫn chưa diễn ra, Hitler ban hành ‘mệnh Lệnh trong ngày' đến cụm tập đoàn quân Vistula. Theo dự đoán, nó nhấn mạnh rằng `Những ai không hoàn thành nhiệm vụ của mình sẽ bị đối xử như một kẻ phản bội lại nhân dân.‘ Văn bản tiếp nối với một sự bóp méo lịch sử dài dòng, và một tài liệu về việc đẩy lùi người Thổ Nhĩ Kỳ trước thành Vienna: `Bọn Bolshevik lần này sẽ nếm trải số phận cổ xưa của bọn người Châu Á.' Vienna trong thực tế bị sụp đổ bởi các bộ lạc du mục phương đông và không có hy vọng nào chiếm lại nó.

    Ngày hôm sau, một cư dân Berlin mười sáu tuổi tên là Dieter Borkovsky mô tả những gì cậu ta chứng kiến trong một chuyến tàu S -Bahn đông đúc từ Anhalter Bahnhof. `Sự kinh hoàng thể hiện trên khuôn mặt của mọi người. Họ đầy tức giận và tuyệt vọng. Tôi chưa bao giờ nghe những lời nguyền rủa như vậy trước đây. Đột nhiên một người nào đó hét lên át tiếng ồn ào, "Im lặng!", Chúng tôi thấy một người lính bé nhỏ và bẩn thỉu với hai huân chương Chữ Thập sắt và một huy hiệu Chữ Thập Ngoặc bằng vàng. Trên tay áo của mình, anh ta có một phù hiệu với hình bốn chiếc xe tăng bằng kim loại, điều này có nghĩa là anh ta đã phá hủy được bốn xe tăng trong cận chiến. "Tôi có lời nói với các bạn", anh hét lên, và cả toa tàu rơi vào im lặng. "Thậm chí nếu các bạn không muốn nghe tôi, đừng rên rỉ nữa. Chúng ta phải giành chiến thắng trong cuộc chiến này. Chúng ta không được mất can đảm. Nếu những kẻ khác giành chiến thắng trong cuộc chiến, và nếu những gì chúng gây ra cho chúng ta, dù chỉ là một phần nhỏ của những gì chúng ta đã làm trong các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, nước Đức sẽ không còn tồn tại trong một vài tuần nữa." Mọi thứ trở nên yên tĩnh đến nỗi trong toa tàu đó người ta có thể nghe được một cái kẹp rơi xuống'.

    Lính Mỹ trên bờ sông Elbe

    Khi quân đội đồng minh tiến đến gần trung tâm nước Đức từ cả hai phía, cư dân Berlin cho rằng người lạc quan thì `học tiếng Anh và bi quan học tiếng Nga.’ Ngoại trưởng Đức quốc xã, Joachim von Ribbentrop, người không có khiếu hài hước, tuyên bố tại bữa tiệc chiêu đãi ngoại giao rằng `nước Đức đã thua trận nhưng vẫn có quyền quyết định thua vào tay ai’. Chính ý tưởng này đã làm Stalin lo ngại sâu sắc vào đầu tháng tư.

    Sau khi Cụm tập đoàn quân B của Model với hơn 300.000 người bị bao vây tại Ruhr ngày 02 tháng tư, các sư đoàn tập đoàn quân 9 Hoa Kỳ của Simpson bắt đầu chạy đua đến bờ sông Elbe đối diện Berlin. Họ và chỉ huy tập đoàn quân của họ tin rằng mục tiêu là thủ đô Đức quốc xã. Sau khi tranh cãi với người Anh, Eisenhower đã bỏ ngỏ khả năng chiếm Berlin một cách riêng biệt. Trong phần thứ hai của mệnh lệnh gửi Simpson, tư lệnh tập đoàn quân 9 Hoa Kỳ được lệnh `khai thác bất kỳ cơ hội nào để chiếm lấy một đầu cầu trên sông Elbe và chuẩn bị tiếp tục tiến về Berlin hoặc phía đông bắc.’
    Sư đoàn Thiết giáp số 2 của ông ta - gọi là `Hell on Wheels" (sự khủng khiếp trên bánh xích)- là sư đoàn mạnh nhất trong quân đội Mỹ. Nó gồm một số lượng lớn những binh sĩ người miền nam dữ dằn, những người đã gia nhập quân đội trong cuộc Đại suy thoái. Chỉ huy sư đoàn, Thiếu tướng Isaac D. White, đã lên kế hoạch chiếm Berlin trong hành tiến. Ý định của ông là vượt qua sông Elbe gần Magdeburg. Tập đoàn quân 9 Hoa Kỳ sẽ sử dụng xa lộ nối với thủ đô là tuyến đường trung tâm.

    Đối thủ sát nách họ trong cuộc chạy đua là Sư đoàn Bộ binh 83, được gọi là 'Ragtag Circus" (gánh xiếc rong Ragtag) vì sự phân loại bất thường các loại xe cộ tịch thu được và thiết bị phun màu xanh ô liu với một ngôi sao màu trắng. Cả hai sư đoàn đã tiến đến sông Weser ngày 05 Tháng Tư. Về phía bắc của họ, Sư đoàn thiết giáp số 5 tiến đến Tangermünde, và trên hướng xa nhất phía trái của chiến tuyến của Simpson, các sư đoàn bộ binh 84 và 102 tấn công về phía sông Elbe ở cả hai bên bờ hợp lưu của nó với sông Havel. Tốc độ tiến công chậm lại trong một thời điểm do những ‘cái túi’ kháng cự, thường là các phân đội SS, nhưng các đơn vị quân Đức thường nhanh chóng đầu hàng. Các kíp lái Mỹ chỉ dừng lại để bổ sung nhiên liệu hoặc sửa chữa xe của họ. Họ vẫn dơ bẩn và không cạo râu. Họ phấn khích vì cuộc tiến công đến nỗi họ không cần ngủ. Sư đoàn 84 bị chặn lại khi nhận được lệnh chiếm Hanover, nhưng bốn mươi tám giờ sau đó, nó đã sẵn sàng để tiến lên. Eisenhower đã đến thăm chỉ huy sư đoàn, Thiếu tướng Alexander Bolling, tại Hanover vào ngày Chủ nhật ngày 08 tháng 4.

    `Alex, anh sẽ làm gì tiếp theo?" Eisenhower nói với ông ta.
    `Tướng quân, chúng tôi sẽ đẩy mạnh tiến công. Chúng tôi có mục tiêu rõ ràng ở Berlin và không có gì có thể ngăn cản chúng tôi.'
    `Làm tới đi," chỉ huy tối cao nói với ông, đặt tay trên vai ông. `Tôi cầu chúc mọi may mắn trên thế giới này sẽ đến với anh và đừng để bất cứ ai ngăn anh lại.' Bolling xem lời nói này là sự xác nhận rõ ràng rằng mục tiêu của họ là Berlin.

    Bên trái Tập đoàn quân IX của Mỹ, Tập đoàn quân 2 của Tướng Anh Dempsey đã tiến đến Celle và đã tiếp cận giải phóng trại tập trung Belsen. Trong khi đó, bên phải Simpson, Tập đoàn quân 1 của Tướng Hodges tiến về Dessau và Leipzig. Tập đoàn quân 3 của Tướng George Patton buộc phải tiến về hướng xa nhất, đến núi Harz, bỏ qua Leipzig ở phía nam. Hôm thứ Năm ngày 5 tháng 4, Martin Bormann ghi nhanh trong nhật ký của mình, `Bolshevik đến gần Vienna. Mỹ đang ở tại Thuringerwald.' Không cần thiết để bình luận thêm về sự tan rã của Đế chế Đại Đức.

    Tốc độ tiến công của Patton đã có một tác dụng phụ ngoài ý muốn. Các lực lượng SS, trong nhiều trường hợp được hỗ trợ bởi các lực lượng Volkssturm địa phương, đã thực hiện một số vụ thảm sát tù nhân trong trại tập trung và lao động cưỡng bức. Tại nhà máy Thekla sản xuất cánh máy bay cách ba cây số về phía đông bắc của Leipzig, 300 tù nhân bị giam vào một tòa nhà bị bao vây bởi SS và lực lượng Volkssturm hỗ trợ. Tất cả các cửa sổ bị đóng chặt, sau đó SS ném bom cháy vào. Những người cố gắng thoát ra khỏi tòa nhà bị bắn bằng súng máy. Chỉ có ba người Pháp sống sót. Hơn 100 tù nhân đồng minh - chủ yếu là tù nhân chính trị Pháp - đã bị hành quyết trong sân nhà tù Leipzig . Và một đoàn dài 6.500 phụ nữ nhiều quốc tịch từ các nhà máy HASAG cách hai cây số về phía đông bắc của Leipzig đi bộ về phía Dresden. Không quân Đồng minh bay trinh sát nhìn thấy họ trên đường. Tù nhân quá yếu để đi bộ đã bị bắn bởi các lính gác SS và bị lăn xác vào trong cái rãnh bên lề đường. Những bộ quần áo tù nhân trại tập trung với sọc xanh và trắng ‘làm nổi bật con đường và nỗi khổ hình của những người phụ nữ bất hạnh."

    Ở miền Nam nước Đức, trong khi đó, Cụm Tập đoàn quân 6 của Tướng Devers- Bao gồm Tập đoàn quân 7 của Tướng Patch và Tập đoàn quân 1 Pháp của tướng De Lattre de Tassigny – tiến công qua Rừng Đen (Black Forest). Cánh trái của nó tiến vào Swabia. Sau khi chiếm Karlsruhe, họ hành quân về phía Stuttgart. Eisenhower, vẫn còn lo ngại về pháo đài Alpine, muốn hai tập đoàn quân tiến về phía đông nam khu vực Salzburg và gặp các lực lượng Liên Xô ở thung lũng sông Danube.

    Thường dân Đức thường nhìn một cách ngạc ngạc nhiên khi thấy quân đội Mỹ. Binh lính nằm dài trong xe jeep, hút thuốc hoặc nhai kẹo cao su, không giống với hình ảnh lính Đức. Những chiếc xe sơn màu ô liu của họ, thậm chí xe tăng, được dán nhãn với tên những cô gái. Nhưng một số thói quen của binh sĩ đã chứng minh một quy luật chung. Quân đội Wehrmacht khi rút lui đã cướp bóc trắng trợn, và bây giờ là quân giải phóng đến.
    hk111333 thích bài này.
  4. vacbay03

    vacbay03 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    07/08/2007
    Bài viết:
    329
    Đã được thích:
    859
    Sự cướp bóc của các lực lượng Đồng Minh dường như đã bắt đầu ngay cả trước khi vượt qua biên giới Đức. `Ghi nhận về mặt cơ bản," một báo cáo của Mỹ trên dãy Ardennes nói , `là rõ ràng việc cướp bóc tài sản thường dân Bỉ bởi quân đội Mỹ trong thực tế đã xảy ra với một quy mô đáng kể." Có vẻ như đã có một vụ làm nổ tung két sắt bằng chất nổ. Khi quân đội Mỹ tiến vào trung tâm và miền nam nước Đức, quân cảnh Mỹ dựng lên những tấm bảng tại các lối vào làng, `Không chạy quá tốc độ, không cướp bóc, không chửi rủa', nhưng rất ít hiệu quả.

    Xa hơn về phía bắc, một sĩ quan Vệ binh Scotland, về sau là một thẩm phán, viết rằng mật danh của chiến dịch vượt sông Rhine nên đặt là chiến dịch Cướp Bóc là thích hợp nhất. Ông mô tả cách các cửa sổ của các cửa hàng bị vỡ vụn đã đem lại `một thiên đường cho những kẻ ăn cướp` như thế nào. ‘Người ta không thể làm được gì nhiều để ngăn chặn việc cướp bóc kể cả những đồ vật nhỏ. Những chiếc xe tăng làm việc tốt nhất khi chúng có thể chở tất cả mọi thứ từ máy đánh chữ đến thiết bị không dây ... Tôi đã chửi rủa trung đội của tôi vì đã cướp bóc thay vì tảo thanh ngôi nhà khi tôi phát hiện ra rằng tôi đang đeo hai cặp ống nhòm do tôi tịch thu được!"

    Đối với những đơn vị hoạt động độc lập, chẳng hạn như các toán SAS, những hành động đó còn điên cuồng hơn nhiều. Một viên chức bình luận rằng "Monty đã rất đau đầu về nạn cướp bóc’. Thống chế Alexander thì rõ ràng là `thoải mái hơn nhiều’. Trong một hoặc hai trường hợp, việc một số đồ trang sức rất quý giá trong các ngôi nhà ở thôn quê Đức bị cướp bằng cách chĩa súng uy hiếp thậm chí đã gây sốc về những tay rác rưởi huyền thoại. Một đơn vị SAS về sau phát hiện ra một kho tích trữ các bức tranh do vợ Goring thu thập được. Chỉ huy đội khẳng định mình là người đầu tiên lấy tranh, sau đó để cho các sĩ quan của anh ta lựa chọn. Các bức tranh sơn dầu được tháo khung, cuộn lại và cho vào nòng súng cối.

    Thái độ đối với cuộc chiến là khác nhau giữa các quân đội. Những người Mỹ và Canada lý tưởng cảm thấy rằng họ có nhiệm vụ giải cứu thế giới, sau đó về nhà càng sớm càng tốt. Những đồng chí của họ với thái độ hoài nghi hơn quan tâm đến việc kinh doanh trong thị trường chợ đen. Sĩ quan quân đội chính quy Pháp đặc biệt tập trung vào việc trả thù cho sự sỉ nhục của năm 1940 và khôi phục niềm tự hào dân tộc . Trong quân đội Anh, tuy nhiên, một sĩ quan mới đến có thể tin rằng ông đã tham gia vào `cuộc đấu tranh sống còn cho dân chủ và tự do trên thế giới’, nhưng thay vì vậy, ông ta lại thấy rằng chiến tranh đã bị `coi như là một sự kiện trong lịch sử trung đoàn chống lại một đối thủ thể thao phù hợp’. Không có gì, không cần phải nói, có thể tiếp tục được từ quan điểm của người Nga.

    Việc tiến công bất ngờ của người Mỹ vào khu vực trung tâm (nước Đức) đã làm dấy lên một sự nghi ngờ và phẫn nộ trong điện Kremlin. Giới lãnh đạo Liên Xô, vốn đã thường xuyên phàn nàn về sự chậm trễ của quân Đồng minh phương Tây trong việc mở mặt trận thứ hai, bây giờ lại kinh hoàng bởi ý nghĩ rằng họ có thể chiếm Berlin trước tiên. Thực tế về sức mạnh không quân Đồng Minh, với việc quân đội Đức sợ hãi Typhoons và Mustang nhiều hơn so với Shturmoviks, đã hoàn toàn bị bỏ qua tại Moscow, có lẽ cố tình. Stalin, không bao giờ tìm kiếm lời giải thích tự nhiên, nhận ra một thực tế khó nuốt rằng quân đội Đức thích đầu hàng quân Đồng minh phương Tây hơn là với Liên Xô, khi phải đối mặt với sự trả thù được báo trước trên quy mô lớn.
    `Lính tăng Mỹ đang được hưởng chuyến du ngoạn tại vùng núi Harz đẹp như tranh vẽ", Ilya Ehrenburg viết cho Krasnaya Zvezda. Quân Đức đang đầu hàng, ông nói đùa một cách cay đắng, `với sự kiên trì cuồng tín’. Cách họ đối xử với người Mỹ, ông tuyên bố, như thể họ đang thuộc về `một quốc gia trung lập nào đó". Cụm từ làm Averell Harriman giận dữ nhất là bình luận của ông rằng người Mỹ đã ‘chinh phục với những chiếc máy ảnh’.

    Stalin, có lẽ đánh giá người khác bằng chính mình, nghi ngờ rằng các đồng minh phương Tây, hy vọng sẽ chiếm Berlin trước tiên, bị cám dỗ vào một thỏa thuận với Đức Quốc xã. Ông bắt được thông tin liên lạc giữa Allen Dulles tại Berne và SS- Obergruppenfuhrer Wolff về một sự đầu hàng ở Ý làm bằng chứng cho việc ăn ở hai mặt của họ. Dulles trong thực tế cũng đã liên lạc với một đại diện của Kaltenbrunner, người đã nói rằng SS muốn khởi động một cuộc đảo chính chống lại Đảng Quốc Xã và những kẻ cuồng tín SS muốn tiếp tục chiến tranh. Khi điều này được thực hiện, SS có thể `sắp xếp một cuộc chuyển giao có trật tự các cơ quan hành chính cho các cường quốc phương Tây.’

    Người của Kaltenbrunner cũng nói về việc bỏ ngỏ mặt trận phía Tây cho Mỹ và Anh, trong khi quân đội Đức được chuyển sang phía đông - kịch bản chính xác mà Stalin đã lo sợ. Stalin may mắn thay đã không biết về điều này cho đến sau này, nhưng ông đã nghe nói rằng lực lượng dù Mỹ và Anh đã sẵn sàng nhảy vào Berlin nếu chính quyền Đức Quốc xã bất ngờ sụp đổ. Thật vậy, Sư Đoàn Dù 101 được chỉ định sân bay Tempelhof là khu vực nhảy dù của họ, trong khi Sư đoàn dù 82 sẽ nhảy xuống sân bay Gatow và người Anh nhảy xuống Oranienburg, nhưng từ khi có quyết định dừng lại ở sông Elbe, toàn bộ chiến dịch bị hoãn lại. Trong bất kỳ trường hợp nào, những phương án dự phòng như vậy không liên quan đến với bất kỳ sự thăm dò hòa bình nào của người Đức. Kể từ khi họ tuyên bố tại hội nghị Casablanca, nhấn mạnh về việc đầu hàng vô điều kiện của Đức, Roosevelt thậm chí cũng như Churchill đã không nghiêm túc xem xét bất kỳ thỏa thuận bí mật nào với giới lãnh đạo Đức Quốc xã.

    Tất cả sự lạc quan của Roosevelt và Eisenhower trong tháng Hai và tháng Ba rằng họ có thể chiếm được lòng tin của Stalin, đã được chứng minh là được đặt không đúng chỗ trong tuần đầu tiên của tháng tư. Như đã đề cập, Eisenhower, trong thông tin gây tranh cãi gửi Stalin ngày 28 tháng ba, đã đưa ra một bản phác thảo chính xác và chi tiết về kế hoạch của mình nhưng đã không nhận được gì đổi lại. Trong thực tế, ngày 01 tháng tư, Stalin đã cố tình lừa ông khi ông ta nói rằng Berlin đã mất tầm quan trọng chiến lược trước đây của nó. Tại thời điểm đó, Stalin cho rằng cuộc tấn công của Liên Xô có lẽ sẽ tiến hành vào nửa thứ hai của tháng 5 (thay vì giữa tháng tư), rằng Hồng quân sẽ tập trung tấn công về phía nam để gặp quân đội của ông, và rằng chỉ có lực lượng hạng hai được đưa tới Berlin.

    Eisenhower, không biết rằng ông đã bị lừa, cộc lốc thông báo với Montgomery rằng Berlin đã ‘không còn là một thứ gì cả, chỉ là một vị trí địa lý’. Ông cũng tiếp tục, với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Thống chế, từ chối lập luận của Churchill rằng người Mỹ và Anh `nên bắt tay với người Nga càng xa về phía đông càng tốt.’ Ông chỉ đơn giản là không thể chấp nhận quan điểm của Churchill rằng Berlin, trong khi nó vẫn còn dưới lá cờ Đức, được khoanh vùng như là `vị trí quyết định nhất của nước Đức’. Eisenhower ngoan cố cho rằng trục Leipzig – Dresden cắt rời nước Đức ra làm hai quan trọng hơn và ông tin rằng Stalin cũng nghĩ như vậy.

    Eisenhower cũng từ chối thừa nhận không bị ảnh hưởng bởi các thủ đoạn gian trá của Stalin về vấn đề Ba Lan. Nỗi lo ngại lớn nhất của Churchill đã được chứng minh là đúng khi mười sáu nhà lãnh đạo của các đảng dân chủ Ba Lan đã được mời hội ý với Zhukov dưới một sự sắp xếp an toàn đã bị NKVD bắt giữ vào cuối tháng 3 và bị đưa đi Moscow . Tuy nhiên, mặc dù Eisenhower đã bị những lời nói dối của mình cho vào tròng, Stalin còn lâu mới cảm thấy thoải mái. Có lẽ ông tin rằng, với sự hoang tưởng đúng kiểu Stalinian rằng Eisenhower có thể chơi một trò bịp đôi. Trong mọi trường hợp, ông đã xác định rõ ràng việc làm cho người Mỹ cảm thấy có lỗi. Trong một điện tín gửi Roosevelt trên 07 Tháng Tư, Stalin làm ầm lên về lời đề nghị của Đức thông qua Dulles ở Thụy Sĩ. Ông cũng nhấn mạnh rằng Hồng quân đã phải đối mặt với nhiều sư đoàn Đức hơn các nước đồng minh phương Tây nhiều. `[Quân Đức] tiếp tục chiến đấu điên cuồng chống lại người Nga để giữ một số nhà ga đầu mối vô danh ở Tiệp Khắc nơi mà họ cần chúng như một người chết cần thuốc đắp," Stalin viết thư cho Tổng Thống `nhưng [chúng] lại đầu hàng mà không có bất kỳ sự kháng cự nào như vậy tại các thị trấn quan trọng ở miền trung nước Đức như Osnabruck , Mannheim và Kassel. Ông không đồng ý rằng hành vi như vậy còn nhiều hơn là sự kỳ lạ không thể hiểu nổi không?".
    hk111333, caonam_vOz, danngoc1 người khác thích bài này.
  5. vacbay03

    vacbay03 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    07/08/2007
    Bài viết:
    329
    Đã được thích:
    859
    Trớ trêu thay, quyết định ngu xuẩn của Hitler đưa tập đoàn quân SS Panzer 6 xuống gần Vienna khi Berlin bị đe dọa dường như hỗ trợ cho giả thuyết của Pháo đài Alpine. Ủy ban Tình báo hỗn hợp của SHAEF thừa nhận vào ngày 10 tháng Tư rằng `không có bằng chứng cho thấy chiến lược của các chỉ huy cao cấp của Đức đang được tiến hành nhằm cuối cùng chiếm cái gọi là Vị trí cố thủ của quốc gia. Nhưng sau đó họ tiếp tục nói rằng mục tiêu của Vị trí cố thủ của quốc gia là nhằm kéo dài cuộc chiến tranh đến mùa đông tới, với hy vọng rằng các nước Đồng minh phương Tây và Liên Xô sẽ không còn liên minh với nhau. Tuy nhiên, cùng ngày, một báo cáo khác lại nói ngược lại về ý tưởng cực kỳ sâu xa này. `Các cuộc thẩm vấn nhiều tướng Đức và các sĩ quan cao cấp khác nhau bị bắt gần đây cho thấy rằng không ai trong số họ nghe nói về Vị trí cố thủ của quốc gia. Tất cả bọn họ coi một kế hoạch như vậy là "vô lý và không áp dụng được".

    Cả Stalin cũng như Churchill không nhận ra rằng Tổng thống Mỹ không có điều kiện để đọc điện tín của họ,. Vào ngày Thứ 6 tuần thánh 30 tháng 3, Roosevelt đã được đưa xuống bằng tàu hỏa đến Warm Springs, bang Georgia. Đó là cuộc hành trình cuối cùng của ông khi còn sống. Ông được đưa đến chiếc xe limousine đang đợi trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê. Những người chứng kiến đã bị sốc nặng bởi tình trạng của ông. Trong vòng chưa đầy hai tuần Roosevelt sẽ chết và Harry Truman, Phó Tổng Thống, sẽ trở thành Tổng thống tiếp theo của Hoa Kỳ.

    Ngày 11 tháng Tư, quân Mỹ đã tiến đến Magdeburg. Ngày hôm sau họ vượt qua sông Elbe phía nam của Dessau. Kế hoạch đã được trình bày bằng máy chiếu (projector) rằng họ có thể tiếp cận Berlin trong vòng bốn mươi tám giờ. Điều này không phải là một ước tính không thể xảy ra. Chỉ còn lại vài đơn vị SS ở phía tây của thủ đô.

    Cùng ngày, người dân Đức đã bị chấn động bởi thông điệp tàn bạo của một đài phát thanh chính phủ Pháp phát sóng từ Cologne. 'Deutschland, Dein Lebensraum ist jetzt Dein Sterbensraum '-' Hỡi nước Đức, nơi các người sống bây giờ sẽ là nơi các người chết.' Đây là loại thông điệp mà họ vốn dĩ chờ đợi từ Ilya Ehrenburg.

    Ehrenburg, vào ngày hôm đó, đã phát hành bài viết cuối cùng về cuộc chiến của ông cũng là bài gây tranh cãi nhiều nhất trên Krasnaya Zvezda. Nó có tiêu đề `Khvatit' hoặc là `Đủ rồi'. `Nước Đức đang hấp hối thê thảm, mất hết cảm giác và nhân phẩm", ông đã viết. `Nó làm chúng ta nhớ lại các cuộc diễu hành rầm rộ, Cung điện Thể thao tại Berlin, nơi mà Hitler đã từng gào thét rằng hắn sẽ chinh phục thế giới. Bây giờ hắn ở đâu? Đang chui rúc trong những xó xỉnh nào? Hắn đã dẫn dắt dân tộc Đức tới vách núi cheo leo, và bây giờ hắn không dám chường mặt ra." Theo quan điểm của Ehrenburg thì, `nước Đức không còn tồn tại, chỉ còn một nhóm băng đảng lớn'.

    Trong một bài viết tương tự, Ehrenburg cay đắng so sánh việc Đức kháng cự ở phía đông và đầu hàng ở phía tây. Ông gợi lại `những vết thương khủng khiếp của nước Nga’ mà các nước đồng minh phương Tây không muốn biết. Sau đó ông đề cập đến số ít các hành động tàn bạo của Đức ở Pháp , chẳng hạn như vụ thảm sát Oradour. `Có bốn ngôi làng như vậy ở Pháp . Và có bao nhiêu ngôi làng ở Belorussia ? Hãy để tôi nhắc nhở các anh về những ngôi làng ở Leningrad . . . '

    Khả năng hùng biện nhằm kích động của Ehrenburg thường không phù hợp với quan điểm của ông ta. Trong bài viết của mình, ông đã kiên quyết bỏ qua cho nạn cướp bóc (của Hồng quân ở Đức-ND) - ` Vâng, phụ nữ Đức bị tước đoạt áo lông thú và những cái thìa đã bị đánh cắp" - khi trong Hồng quân, cách nói thông thường về nạn cướp bóc thường ngầm ngụ ý bao gồm cả việc cưỡng hiếp. Tuy nhiên, gần đây ông đã có một buổi nói chuyện với các sĩ quan tại học viện quân sự Frunze, chỉ trích việc cướp bóc và tàn phá của Hồng quân ở Đông Phổ và đổ lỗi cho ‘văn hóa rất thấp’ của quân đội. Ông chỉ đề cập đến nạn cưỡng hiếp, tuy nhiên là để nói rằng binh sĩ Liên Xô `đã không từ chối quà tặng của phụ nữ Đức". Abakumov, người đứng đầu SMERSH đã báo cáo `những quan điểm không đúng đắn’ của Ehrenburg cho Stalin, người đã coi chúng là `có hại về mặt chính trị’. Điều này, kết hợp với các báo cáo tương tự về Đông Phổ do Bá tước Von Einsiedel của Ủy ban Quốc gia vì một nước Đức tự do, do NKVD kiểm soát, đã khởi động một làn sóng các sự kiện và thảo luận và chúng đã gây ra một sự xem xét lại lớn lao về các chính sách của Liên Xô.

    Âm điệu và nội dung của bài viết của Ehrenburg ngày 12 Tháng Tư không khát máu hơn những lời lẽ công kích trước đây, nhưng nhà văn bị sốc khi bị công kích từ cấp cao, điều báo hiệu một sự thay đổi trong đường lối của Đảng. Một Ehrenburg cay đắng sau đó đã nhận ra rằng với vai trò là kẻ trừng phạt người Đức khiến ông trở thành vật hy sinh mang tính biểu tượng rõ ràng trong các trường hợp. Giới lãnh đạo Liên Xô, khá muộn, cuối cùng đã nhận ra rằng sự khủng bố gây ra do cuộc tấn công của Hồng quân nhắm vào thường dân sẽ làm tăng sự kháng cự của đối phương và sẽ làm phức tạp vấn đề chiếm đóng nước Đức sau chiến tranh của Liên Xô. Nói theo kiểu của Ehrenburg, họ muốn làm suy yếu ý chí chiến đấu của đối phương `bằng việc hứa tha cho các binh sĩ bình thường, những người đã làm theo các mệnh lệnh của Hitler.’

    Ngày 14 tháng Tư, Georgy Aleksandrov, nhà tư tưởng chính của ủy ban trung ương và trưởng ban tuyên truyền của Liên Xô, trả lời trên Pravda với một bài viết tựa đề 'Sự đơn giản hoá vấn đề của đồng chí Ehrenburg.’ Trong một đoạn quan trọng, mà không nghi ngờ gì đã được kiểm tra bởi Stalin nếu không phải gần như là những lời lẽ của ông, Aleksandrov bác bỏ lời giải thích của Ehrenburg về sự đầu hàng nhanh chóng ở phía tây và về mô tả ‘nước Đức chỉ còn tồn tại một nhóm băng đảng lớn’ của ông. Trong khi một số sĩ quan Đức chiến đấu `cho một chế độ tàn bạo, những người khác đặt bom ám sát Hitler và phe nhóm của ông ta [những kẻ âm mưu tháng bảy] hoặc thuyết phục quân Đức buông vũ khí [ Tướng Von Seydlitz và Liên đoàn các sĩ quan Đức]. Gestapo truy tìm những người chống đối chế độ, và những lời kêu gọi người dân Đức tố cáo họ đã chứng minh rằng không phải tất cả người Đức đều như nhau. Đó là là sự tuyệt vọng của chính phủ Đức Quốc xã trong việc kêu gọi đoàn kết dân tộc. Mức độ rất cao trong những lời kêu gọi đoàn kết dân tộc trong thực tế đã chứng minh nó ít đoàn kết như thế nào.' Aleksandrov cũng trích dẫn lời bình luận của Stalin, Hitler `đến và đi, nhưng nước Đức và người dân Đức vẫn còn lại" - một khẩu hiệu đầu tiên được đặt ra ngay từ ngày 23 tháng 2 năm 1942 nhưng chỉ thực sự được sử dụng trong năm 1945.

    Đài phát thanh Moscow phát sóng bài viết của Aleksandrov và Krasnaya Zvezda in lại nó. Một Ehrenburg suy sụp thấy mình ở trong một tình trạng lấp lửng về chính trị. Thư ông ta gửi Stalin van nài về sự bất công đã không bao giờ được trả lời. Nhưng Ehrenburg có lẽ đã không nhận ra rằng ông đã bị đấu tố vì những lời chỉ trích khác của Hồng quân và sự bất lực của sĩ quan trong việc kiểm soát binh lính. Ông đã báo cáo về việc một vị tướng Liên Xô quở trách một người lính vì đã cắt một miếng da từ ghế sofa, nói rằng nó có thể được một số gia đình ở Liên Xô sử dụng, người lính đã vặn lại , `vợ ông có thể có nó , nhưng chắc chắn không phải là vợ tôi ", và tiếp tục công việc. Lời buộc tội nghiêm trọng nhất của Abakumov, tuy nhiên, là việc Ehrenburg cũng đã nói với các sĩ quan tại học viện Frunze , `Những ‘lao động nô lệ’ Nga trở về trông khá ổn. Phụ nữ được ăn mặc đầy đủ. Những bài viết của chúng ta về tình trạng nô dịch của những người được đưa tới Đức là không thuyết phục.’ Nếu Ehrenburg không được ủng hộ cuồng nhiệt trong hàng ngũ Hồng quân, ông có thể dễ dàng biến mất trong một trại Gulag.

    Ở mặt trận, trong khi đó, các bộ phận chính trị rõ ràng là không thoải mái về tình hình. Họ báo cáo về việc một số sĩ quan ủng hộ Ehrenburg và vẫn tin là `chúng ta nên tàn nhẫn với bọn Đức và các đồng minh phương Tây những kẻ bắt đầu đi đêm với chúng’. Quan điểm của Đảng tuy nhiên rất rõ ràng. `Chúng ta không còn săn đuổi quân Đức trên đất nước của chúng ta, một tình huống trong đó khẩu hiệu "Giết một tên Đức bất cứ khi nào bạn nhìn thấy ", dường như là hoàn toàn công bằng. Thay vào đó, đã đến lúc trừng phạt kẻ thù một cách đúng đắn vì tất cả những tội ác của chúng.' Tuy nhiên, mặc dù các sĩ quan chính trị trích dẫn câu châm ngôn của Stalin rằng `Hitler đến và đi. . ', điều này dường như không có nhiều trọng lượng với những người lính. `Nhiều binh sĩ hỏi tôi," một sĩ quan chính trị báo cáo, `là liệu Ehrenburg có còn tiếp tục viết bài và họ nói với tôi rằng họ đang tìm đọc tất cả các bài viết của ông ta trên mọi tờ báo mà họ thấy."
    Sự thay đổi trong chính sách ngay trước khi cuộc tổng tấn công đã quá trễ đối với các binh sĩ vốn đã bị thấm nhuần hận thù cá nhân và do tuyên truyền trong ba năm qua. Một trong những lời nhận xét bị tiết lộ vô tình nhất là của một trong những chỉ huy sư đoàn của Zhukov, tướng Maslov. Ông mô tả cảnh các trẻ em Đức gào khóc khi chúng tìm kiếm cha mẹ trong vô vọng trong một thị trấn rực lửa. `Điều đáng ngạc nhiên là," Maslov đã viết, `chúng đã khóc giống hệt như tiếng khóc của con cái chúng ta." Một số binh sĩ Liên Xô hoặc sĩ quan cho rằng người Đức là con người. Sau khi
    bộ máy tuyên truyền của Đức Quốc xã phân loại người Xla-vơ là chủng tộc hạ đẳng (Untermenschen) dã man, tuyên truyền của Liên Xô, để trả thù đã thuyết phục công dân của mình rằng tất cả người Đức đều là bầy ác thú.
    hk111333, caonam_vOzdanngoc thích bài này.
  6. vacbay03

    vacbay03 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    07/08/2007
    Bài viết:
    329
    Đã được thích:
    859
    Chính quyền Xô Viết có một lý do khác để lo ngại về cuộc tấn công của các nước Đồng minh phương Tây. Họ sợ rằng phần lớn các tập đoàn quân Ba Lan sẽ muốn gia nhập các lực lượng Ba Lan trung thành với chính phủ lưu vong ở London. Ngày 14 tháng Tư, Beria đã chuyển đến Stalin báo cáo từ Tướng Serov, chỉ huy NKVD của Phương diện quân Byelorussia 1 của Zhukov . `Liên quan tới sự tiến công nhanh chóng của các nước đồng minh trên mặt trận phía Tây,' Serov đã viết ,'tâm trạng không lành mạnh đã nảy nở giữa các binh sĩ và sĩ quan của tập đoàn quân Ba Lan 1. SMERSH đã tiến hành các biện pháp bắt giữ hàng loạt.’

    `Cơ quan tình báo của tập đoàn quân Ba Lan 1", ông báo cáo, đã `phát hiện và kiểm soát [sic] gần 1,000 cựu chiến binh của quân đội Anders và các thành viên của Armia Krajowa, các binh sĩ có người thân trong quân đội của Anders.' Các `thái độ thù địch’ của những người Ba Lan này đối với Liên Xô được nhấn mạnh bởi việc họ đã che giấu chính quyền Xô Viết địa chỉ thực sự của họ để tránh việc gia đình họ bị trả thù. Serov cũng không đề cập đến một thực tế là kể từ khi 43.000 thành viên của các lực lượng cộng sản Ba Lan được chuyển đến trực tiếp từ các trại Gulag, tình cảm của họ đối với Liên Xô khó có thể hoàn toàn gọi là huynh đệ. Và ở Ba Lan, các thành viên của Armia Krajowa bị bắt giữ bởi quân đội NKVD đã được đưa ra lựa chọn hoặc là một trại lao động ở Siberia hoặc quân đội Cộng sản - `W Sibir ili m Armiju?'

    Những tay chỉ điểm của SMERSH, đã cảnh báo cấp trên của họ rằng lính Ba Lan thường xuyên nghe `đài phát thanh London’. Những tay chỉ điểm cũng báo cáo rằng quân đội Ba Lan đã tin rằng ’quân đội của Anders đang tiến đến Berlin từ phía bên kia với quân đội Anh'. `Khi các đơn vị quân đội Ba Lan gặp nhau," một sĩ quan vô tình nói với một người chỉ điểm , `phần lớn sĩ quan chiến sĩ của chúng tôi sẽ chạy sang hàng ngũ quân đội Anders. chúng tôi đã chịu đựng đủ ở Liên Xô tại Siberia rồi.' `Sau chiến tranh, khi nước Đức bị tiêu diệt," một tham mưu trưởng tiểu đoàn dường như nói với một tay chỉ điểm , `chúng tôi sẽ vẫn chiến đấu chống người Nga. Chúng tôi có 3 triệu binh sĩ của Anders với người Anh." `Họ đang quăng "dân chủ" của họ vào mặt chúng tôi", một chỉ huy của Lữ đoàn pháo binh nói. `Ngay khi quân đội của chúng tôi gặp quân của Anders, bạn có thể nói lời tạm biệt với chính phủ lâm thời [Liên Xô kiểm soát]. Chính phủ London sẽ nắm quyền lực một lần nữa và Ba Lan sẽ một lần nữa trở lại như trước đây trước năm 1939. Người Anh và Mỹ sẽ giúp Ba Lan thoát khỏi Nga." Serov đổ lỗi cho các chỉ huy của tập đoàn quân Ba Lan 1 `không tăng cường việc giảng giải chính trị của họ’.

    Trong khi các tập đoàn quân 3 và 9 của Mỹ tấn công hướng tới sông Elbe, Thống chế Model của Cụm tập đoàn quân B trong ‘cái túi’ (vòng vây-ND) Ruhr bị ghim chặt xuống mặt đất, chủ yếu là bởi các cuộc không kích. Model là một trong số rất ít tướng lĩnh quân đội được Hitler tin cậy hoàn toàn. Các tướng lãnh khác tuy nhiên, coi ông ta là `vô cùng thô lỗ và vô đạo đức". Model được quân đội biết đến như là "der Katastrophengeneral' vì thói quen đến một khu vực khi mọi thứ đã trở nên rất tồi tệ ở đó. Ruhr, trong mọi trường hợp, là thảm họa cuối cùng của ông. Ông từ chối bay ra khỏi vòng vây. Ngày 21 tháng 4, khi quân đội của ông bắt đầu đầu hàng hàng loạt, ông đã tự sát, đó là chính xác những gì Hitler mong đợi về các chỉ huy của mình.

    Ngay trước khi Ruhr bị kết liễu, Đại tá Giinther Reichhelm, trưởng ban hành quân Cụm tập đoàn quân B, đã bay ra khỏi vòng vây Ruhr cùng với nhiều sĩ quan chủ chốt khác. Trong số mười bảy máy bay, chỉ có ba chiếc đến được Jüterbog, sân bay phía nam của Berlin. Reichhelm được đưa đến Sở chi huy của OKH tại Zossen, nơi ông quỵ xuống vì kiệt sức. Ông chỉ thức dậy khi cựu Tổng Tham mưu phó của Guderian, tướng Wenck, ngồi bên giường ông. Wenck, được đưa trở lại với công việc trước khi ông hoàn toàn bình phục từ tai nạn xe hơi trong chiến dịch Sonnenivende, đã được bổ nhiệm làm tư lệnh tập đoàn quân 12. Wenck nghi ngờ rằng tập đoàn quân mới này chỉ tồn tại trên giấy tờ hơn là thực tế, mặc dù nhiệm vụ của nó là phòng thủ chiến tuyến sông Elbe chống lại quân đội Mỹ.

    `Anh sẽ là tham mưu trưởng của tôi," Wenck nói với ông ta. Nhưng trước hết Reichhelm phải báo cáo tình hình về Cụm tập đoàn quân B trong cái ‘túi’ Ruhr. Jodl ra lệnh cho ông đến Văn phòng Đế chế. Ở đó, ông thấy Hitler với Goring và Đô đốc Dönitz. Ông nói với Hitler rằng cụm tập đoàn quân B đã không còn đạn dược, và những chiếc xe tăng còn lại của nó không thể di chuyển vì không có nhiên liệu. Hitler im lặng một lúc lâu. `Thống chế Model là Thống chế giỏi nhất của tôi", cuối cùng ông nói. Reichhelm nghĩ rằng Hitler cuối cùng đã hiểu mọi việc đã chấm dứt nhưng không phải vậy. Hitler nói, 'Anh là tham mưu trưởng của tập đoàn quân 12. Anh phải thoát ra khỏi những chỉ dẫn ngu ngốc của các tướng tham mưu. Anh phải học hỏi từ người Nga, những người với sức mạnh ý chí tuyệt đối đã chiến thắng quân Đức đang ở trước Moscow.'

    Hitler sau đó tiếp tục nói rằng quân đội Đức phải đốn cây ở vùng núi Harz để chặn đứng cuộc tấn công của Patton và tiến hành chiến tranh du kích ở đó. Ông yêu cầu lấy ra tấm bản đồ tỷ lệ 1:25,000, loại mà các chỉ huy đại đội đang sử dụng, để chứng minh quan điểm của mình. Jodl đã cố gắng thuyết phục ông thay đổi ý kiến, nhưng Hitler nhấn mạnh rằng ông biết rất rõ về vùng Harz. Jodl , người bình thường luôn rất điềm tĩnh, đã trả lời gay gắt. `Tôi không biết gì về khu vực đó,' ông nói, 'nhưng tôi biết tình hình." Göring, Reichhelm nhận thấy, trong khi đó đang ngủ trên một chiếc ghế với một tấm bản đồ úp trên khuôn mặt ông ta. Ông tự hỏi liệu ông ta có uống quá nhiều thuốc. Hitler cuối cùng nói Reichhelm đến tập đoàn quân 12, nhưng trước tiên ông phải đi qua doanh trại tại Doberitz, nơi ông có thể lấy 200 xe jeep Kubelwagen chạy địa hình của hãng Volkswagen cho tập đoàn quân 12.
    hk111333, caonam_vOz, hunterxmn2 người khác thích bài này.
  7. vacbay03

    vacbay03 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    07/08/2007
    Bài viết:
    329
    Đã được thích:
    859
    Reichhelm rời khỏi đó với một cảm giác nhẹ nhõm khi thoát khỏi một nhà thương điên. Tại Doberitz ông thấy chỉ có khoảng 12 xe. Tìm Wenck và sở chỉ huy tập đoàn quân 12 thậm chí còn khó khăn hơn nữa. Cuối cùng, ông tìm thấy Wenck tại một trường công binh tại Roßlau trên bờ bên kia của sông Elbe từ Dessau. Ông vui mừng khi gặp sĩ quan chỉ huy hành quân là một người bạn cũ, Đại tá Baron Hubertus von Humboldt – Dachroeden. Một phần tập đoàn quân 12, ông nghe nói, đã được thành lập với `Những người lính trẻ tình nguyện một cách ngạc nhiên, được huấn luyện nửa năm trong trường sĩ quan,’ cũng như nhiều hạ sĩ quan với kinh nghiệm chiến trường, những người đã trở về từ bệnh viện. Cả hai sĩ quan rất ngưỡng mộ vị tư lệnh tập đoàn quân của họ. Wenck còn trẻ, mềm dẻo trong xử lý công việc và là một tư lệnh chiến trường tốt, người `có thể nhìn những người lính bằng một con mắt.’

    Mặc dù thiết lập ngay được sở chỉ huy và đã có vài đài radio, họ thấy rằng họ có thể sử dụng mạng lưới điện thoại địa phương, vẫn hoạt động tốt. Tập đoàn quân được trang bị tốt hơn so với hầu hết các đơn vị khác nhờ vào kho đạn dược tại Altengrabow và một số sà lan và tàu bị mắc cạn ở Havelsee. Wenck từ chối tuân theo mệnh lệnh "Nero" của Hitler (phá huỷ tất cả-ND). Và họ ngăn chặn sự tàn phá các nhà máy điện tại Golpa, phía đông nam của Dessau, một trong những điểm cung cấp điện chính cho Berlin. Theo mệnh lệnh của Wenck, Sư đoàn Bộ binh Hutten bảo vệ nó để ngăn chặn bất kỳ kẻ cuồng tín nào cố gắng thổi bay nó bằng chất nổ.

    Nhiệm vụ chủ yếu của tập đoàn quân 12 là chống lại cuộc tấn công của tập đoàn quân 9 Mỹ `dọc theo hai bên xa lộ Hanover – Magdeburg’. Quân Mỹ dự kiến sẽ phát triển một đầu cầu trên bờ phía đông của sông Elbe và sau đó tiến đến Berlin. Cuộtấn công đầu tiên đã diễn ra sớm hơn dự kiến. `Ngày 12 tháng Tư, đã có báo cáo đầu tiên về các nỗ lực của đối phương nhằm vượt qua chỗ gần Schonebeck và Barby.' Sư Đoàn bộ binh Scharnhorst đã cố gắng phản công với một tiểu đoàn và một vài pháo tự hành vào ngày hôm sau. Họ tấn công mãnh liệt vào ngày đầu tiên, nhưng sau đó họ gặp phải hoả lực đối phương, đặc biệt là lực lượng không quân Mỹ quá mạnh. Reichhelm nhận ra rằng nếu người Mỹ vượt qua được sông Elbe, `không còn cách nào khác ngoài việc đầu hàng.’ Tập đoàn quân 12 chỉ có thể tiếp tục chiến đấu trong `một hoặc hai ngày nữa’.

    Humboldt có cùng một quan điểm. Quân Mỹ vượt qua sông Elbe ở một số nơi. Thứ Bảy ngày 14 tháng 4, SHAEF ghi lại, `tập đoàn quân Chín (Mỹ-ND) đã chiếm Wittenberge, 100 cây số về phía bắc Magdeburg. Ba tiểu đoàn của Sư đoàn bộ binh 83 đã vượt qua Elbe ở Kameritz về phía đông của Magdeburg.' Sư đoàn thiết giáp số 5, trong khi đó, đã tiến đến Elbe trên chiều dài mặt trận hai mươi lăm cây số xung quanh Tangermünde. Vào ngày 15 tháng Tư, tập đoàn quân 12 của Wenck tung ra một cuộc phản công mạnh mẽ chống lại sư đoàn bộ binh 83 gần Zerbst, nhưng đã bị đẩy lùi.

    Các đầu cầu qua sông Elbe đem lại cho Eisenhower nhiều vấn đề hơn là cơ hội. Ông đã nói chuyện với Tướng Bradley, tư lệnh cụm tập đoàn quân, về quan điểm của ông ta trong việc tiến công vào Berlin. Ông muốn biết quan điểm của ông ta về những thương vong mà họ sẽ phải đối mặt với việc chiếm thành phố. Bradley ước tính rằng nó có thể lên đến 100,000 thương vong (một con số mà sau đó ông thừa nhận là quá cao). Sau đó ông nói thêm rằng nó sẽ là một giá đắt về uy tín khi họ phải rút khỏi thành phố một khi nước Đức đầu hàng. Điều này rõ ràng trùng hợp với suy nghĩ của Eisenhower, mặc dù ông tuyên bố sau đó `Vấn đề phân chia nước Đức trong tương lai đã không ảnh hưởng đến các kế hoạch quân sự của chúng tôi cho việc chinh phục cuối cùng.’

    Eisenhower cũng quan ngại về việc mở rộng mạng lưới thông tin liên lạc. Tập đoàn quân 2 của Anh đang ở rìa Bremen, Tập đoàn quân 1 Mỹ đã tiếp cận Leipzig và các đơn vị dẫn đầu của Patton đã gần đến biên giới Tiệp Khắc. Khoảng cách quá lớn đến nỗi các đơn vị phía trước phải được tiếp vận bằng máy bay vận tải Dakota. Số đông thường dân, bao gồm cả nhà tù và tù nhân trại tập trung, cũng phải được cho ăn. Các nguồn nhân lực vật lực được yêu cầu huy động rất lớn. Giống như nhiều người khác, Eisenhower hoàn toàn không thể hình dung nổi cảnh tượng kinh hoàng của các trại tập trung. Việc nhìn thấy những sự thống khổ không thể tin được như vậy đã gây ra sự ám ảnh trong nhiều năm sau đó trong lời kể lại của một người lính về cảm giác tội lỗi vì đã sống sót.

    Những chỉ huy quân đội trên mặt trận phía Tây biết rất ít về tình hình mặt trận phía Đông. Họ không đánh giá cao nỗ lực của quân Đức cho phép người Mỹ vào Berlin trước khi Hồng quân chiếm nó. `Những người lính và sĩ quan,’ Đại tá de Maiziere của OKH quan sát, `tin rằng tốt hơn là bị đánh bại ở mặt trận phía tây. Các đội quân Wehrmacht kiệt sức chiến đấu đến cùng hoàn toàn để buộc người Nga chiếm đóng càng ít lãnh thổ càng tốt.’ Bản năng của Simpson và các chỉ huy quân đội của ông trong tập đoàn quân 9 đã tỏ ra chính xác hơn nhiều so với những chỉ huy tối cao. Họ tính rằng sẽ có những vị trí kháng cự nhưng những vị trí này có thể được bỏ qua trong một cuộc tấn công vào thủ đô của đế chế Đức, khoảng 100 cây số.

    Sư đoàn bộ binh 83 đã thiết lập một đầu cầu đủ tải trọng cho xe tăng thiết giáp của Sư đoàn 2 vượt qua và trong đêm Thứ Bảy 14 tháng Tư, các đội hình xe tăng thiết giáp vượt qua ổn định. Các lực lượng tại các đầu cầu, mà bây giờ kéo dài đến tận Zerbst, bắt đầu được xây dựng nhanh chóng. Sự phấn khích trong quân đội Mỹ đã lan truyền. Họ mong đợi nhận lệnh tiến lên. Nhưng vào sáng chủ nhật 15 tháng tư, tư lệnh tập đoàn quân, Tướng Simpson, đã được Tướng Bradley triệu tập đến sở chỉ huy cụm tập đoàn quân tại Wiesbaden. Bradley đón Simpson tại sân bay. Họ bắt tay nhau khi ông xuống máy bay. Bradley, không cần mào đầu, nói với ông rằng tập đoàn quân 9 phải dừng lại ở sông Elbe. Không được tiến xa hơn nữa về hướng Berlin.

    `Ông nhận được mệnh lệnh này từ cái chỗ quái quỷ nào thế?" Simpson hỏi. ` Từ Ike,' Bradley trả lời. Simpson, choáng váng và thất vọng, bay trở lại sở chỉ huy của mình, tự hỏi ông sẽ nói với chỉ huy và binh lính của mình như thế nào đây.

    Các mệnh lệnh dừng lại ở sông Elbe, đến với sự kiện Tổng thống Roosevelt qua đời đột ngột, tạo thành một cú đánh cực mạnh vào tinh thần quân Mỹ. Roosevelt đã qua đời vào ngày 12 tháng 4, nhưng tin tức không được tiết lộ cho đến ngày hôm sau. Goebbels ngây ngất khi được biết về sự kiện trên khi trở về từ một chuyến thị sát chiến trường gần Kustrin. Ông gọi điện thoại cho Hitler tại hầm văn phòng đế chế Đức ngay lập tức. `Fuhrer của tôi, tôi xin chúc mừng ông!’. Ông cho biết. `Roosevelt đã chết. Những ngôi sao đã cho thấy thời điểm nửa cuối Tháng tư sẽ là thời điểm bước ngoặt đối với chúng ta. Thứ sáu này, ngày 13 tháng 4 là thời điểm bước ngoặt!'

    Chỉ một vài ngày trước đó, Goebbels đã đọc to Lịch sử Carlyle của Friedrich H Phổ cho Hitler để làm ông thoát khỏi trầm cảm. Đoạn được đọc nói về việc Frederick Đại đế, khi phải đối mặt với thảm họa trong chiến tranh Bảy năm, đã nghĩ đến chuyện uống thuốc độc. Nhưng đột nhiên tin tức về cái chết của Tsarina (nữ Sa hoàng?) Elizabeth đến. `Phép màu của Nhà Brandenburg đã xảy ra." Đôi mắt của Hitler đẫm lệ ở những từ này. Goebbels không tin vào thuật chiêm tinh, nhưng ông đã chuẩn bị để sử dụng bất cứ điều gì để thúc đẩy tinh thần đang suy giảm của Fuhrer và ông đã thúc đẩy tinh thần của Hitler dần dần đến sự lạc quan điên cuồng. Người sống ẩn dật trong hầm trú ẩn bây giờ nhìn đắm đuối ngưỡng mộ vào bức chân dung của Frederick Đại đế được mang xuống cho ông ta. Ngày hôm sau, 14 Tháng Tư, trong mệnh lệnh trong ngày cho quân đội, Hitler đã hoàn toàn khác hẳn. `Tại thời điểm khi định mệnh đã loại bỏ tên tội phạm chiến tranh vĩ đại nhất của mọi thời đại khỏi trái đất này, bước ngoặt của cuộc chiến này đã được quyết định."

    Một sự kiện khác mang tính biểu tượng liên quan đến Frederick Đại đế đã diễn ra, nhưng Hitler không bao giờ đề cập đến nó. Trong một cuộc không kích lớn đêm đó, máy bay ném bom Đồng minh tấn công Potsdam. Một thành viên Đoàn thanh niên Hitler đêm đó trú ẩn trong một tầng hầm nhìn thấy các bức tường xung quanh anh ta `rung chuyển như một con tàu’. Những trái bom phá hủy phần lớn thị trấn cổ, trong đó có Garnisonkirche, ngôi nhà mang tính biểu tượng về tinh thần của giai cấp quân đội và tầng lớp quý tộc Phổ. Ursula Von KardorfF bật khóc trên đường phố sau khi nghe tin. `Toàn bộ thế giới đã bị phá hủy cùng với nó ", cô viết trong nhật ký của mình. Tuy nhiên, nhiều sĩ quan vẫn từ chối thừa nhận trách nhiệm của giới lãnh đạo quân đội Đức khi ủng hộ Hitler. Nói về danh dự của một sĩ quan Đức khi giải phóng các trại tập trung đã cho thấy bản chất của chế độ mà họ đã chiến đấu vì nó, khó có khả năng khơi dậy sự đồng cảm, ngay cả trong số đối thủ trung thực nhất của họ.
    hk111333, caonam_vOz, hunterxmn3 người khác thích bài này.
  8. vacbay03

    vacbay03 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    07/08/2007
    Bài viết:
    329
    Đã được thích:
    859
    Đêm trước trận chiến

    Hồng quân, mặc dù rất nỗ lực và tài năng trong việc ngụy trang, đã không thể hy vọng che giấu được cuộc tấn công rất lớn sắp được tung ra trên chiến tuyến Oder và mặt trận Neisse. Phương diện quân Byelorrusia 1 của Zhukov và Phương diện quân Ukraina 1 của Konev tấn công vào ngày 16 tháng Tư. Ở phía bắc, Phương diện quân Byelorrusia 2 của Rokossovsky sẽ tấn công ngay sau đó băng qua hạ lưu sông Oder. Lực lượng Liên Xô lên tới 2,5 triệu người. Họ được hỗ trợ bởi 41,600 trọng pháo và súng cối hạng nặng cũng như 6.250 xe tăng và pháo tự hành và bốn tập đoàn quân không quân. Đó là sự tập trung lớn nhất về hỏa lực mà họ đạt được.

    Ngày 14 tháng Tư, một cuộc trinh sát chiến đấu từ đầu cầu Kustrin giành được thắng lợi lớn. Tập đoàn quân 8 của Chuikov đã cố gắng đẩy Sư đoàn Panzer grenadier lùi lại từ hai đến năm cây số trong một số nơi. Hitler được nói rằng đã rất tức giận đến nỗi ông đã ra lệnh tước các huân chương của tất cả các sĩ quan và binh sĩ của sư đoàn cho đến khi họ đã giành được thắng lợi trở lại.

    Đầu cầu được mở rộng cũng giúp xây dựng tăng cường lực lượng. Đêm hôm đó, tập đoàn quân xe tăng cận vệ 1 đã bắt đầu di chuyển các lữ đoàn của mình vượt sông Oder dưới sự che chở của bóng đêm. `Suốt đêm, một dòng xe tăng, pháo, xe tải Studebakers chở đạn dược, và binh sĩ liên tục vượt sông." Nữ quân nhân trẻ điều khiển giao thông vất vả đôn đốc những chiếc xe tăng đi vào con đường được đánh dấu bằng những dải vải trắng. Nhạc và những lời hô hào tuyên truyền vang dội từ loa phóng thanh của bộ phận 7 để khoả lấp tiếng ồn của động cơ xe tăng, nhưng quân Đức biết chuyện gì đang xảy ra.

    Suốt ngày 15 tháng 4, binh sĩ Hồng quân quan sát các vị trí của quân Đức `đến nhức mắt’, đề phòng trường hợp các lực lượng tiếp viện đến vào phút cuối hoặc có sự thay đổi. Tại Oderbruch, những bông hoa đã nở vào tháng tư trên những ngọn đồi nhỏ, nhưng những tảng băng lớn vẫn trôi lềnh bềnh trên sông, cũng như các nhánh cây và cỏ dại vươn lên một cây cầu đường sắt bị phá hỏng.

    Trong những khu rừng thông bên bờ đông, `yên tĩnh một cách bí ẩn" vào ban ngày, các nhánh cây bị chặt xuống để ngụy trang cho hàng ngàn xe thiết giáp và pháo. Trên mặt trận Neisse, về phía nam, Phương diện quân Ukraina 1 tổ chức các hoạt động chính trị không ngừng cho đến phút cuối. `Các thành viên Komsomol tích cực đang dạy những người lính trẻ tuổi phải yêu mến những chiếc xe tăng của họ và cố gắng sử dụng tối đa sức mạnh của loại vũ khí mạnh mẽ này.' Thông điệp của Aleksandrov rõ ràng là đã không thể nuốt nổi, thậm chí trong các phòng ban chính trị. Các thông điệp trả thù được thể hiện rõ ràng trong khẩu hiệu mới nhất: 'Sẽ không có sự thương xót. Chúng đã gieo gió và bây giờ chúng đang gặt bão’.

    Phương diện quân Ukraina 1 bận tâm hơn vì những biện pháp truyền thông tin vô kỷ luật. Ngay cả những trung đoàn NKVD gần đây đã `truyền tin với mật mã cũ, rõ ràng, và không trả lời tín hiệu’. Các đơn vị phụ thuộc không được phép sử dụng máy truyền tin: Máy của họ chỉ được nhận tin và không bao giờ được gửi thông tin. Mối quan tâm về những sai sót an ninh thậm chí còn lớn hơn trong đêm 15 tháng Tư, do các mật mã và bước sóng mới, được sử dụng đến cuối tháng Năm 1945, đã được ban hành đến sở chỉ huy.

    Mặc dù các sĩ quan được yêu cầu chỉ được ra các mệnh lệnh trong vòng ba tiếng đồng hồ trước cuộc tấn công, SMERSH đã xác định là không nên có những sự đào ngũ vào phút cuối bởi các binh sĩ Hồng quân, những người có thể cảnh báo kẻ thù. Đại diện SMERSH tại Phương diện quân Byelorrusia 1 đã ra lệnh cho tất cả sĩ quan chính trị kiểm tra mọi binh lính ở tiền tuyến và xác định những người có vẻ nghi ngờ hoặc `về mặt tinh thần và không ổn định về chính trị.’

    Trong một cuộc vây bắt trước đó, SMERSH đã bắt giữ những người bị tố cáo là đã đưa ra những ý kiến tiêu cực về các nông trang tập thể. Một hàng rào đặc biệt được thiết lập ‘nhằm ngăn chặn binh lính không chạy qua hàng ngũ Đức' và để ngăn chặn quân Đức bắt đi những `cái lưỡi’. Nhưng tất cả nỗ lực của họ đều vô ích. Vào ngày 15 tháng Tư, một người lính Hồng quân ở phía nam Kustrin nói những kẻ bắt anh ta rằng cuộc tổng tấn công sẽ bắt đầu vào buổi sáng hôm sau.

    Nhìn thấy sự thất bại đến gần, người Đức đã có những lý do mạnh mẽ hơn để lo ngại binh sĩ của họ sẽ đào ngũ, hoặc đầu hàng ngay khi có cơ hội. Mệnh lệnh của Cụm Tập đoàn quân Vistula có chữ ký của Heinrici buộc các binh lính cùng quê phải được tách ra, bởi vì họ ít khi làm bất cứ điều gì để ngăn chặn một người đồng đội đào ngũ về nhà. Một sĩ quan của trung đoàn cận vệ Grossdeutschland chỉ huy một tiểu đoàn hỗn hợp quan sát thấy rằng những người lính trẻ của mình rất ít mong muốn chiến đấu cho Chủ nghĩa Quốc xã. `Rất nhiều người muốn bị thương để được đưa trở lại quân y viện. 'Họ ở lại vị trí giống như là những xác chết biết tuân lệnh" do bị ám ảnh bởi sự sợ hãi của việc hành quyết không qua xét xử. Sau khi loa truyền thanh của Liên Xô phát sóng dọc theo chiến tuyến, các sĩ quan thật sự kinh hoàng khi các binh sĩ bắt đầu hò hét yêu cầu cho biết chi tiết nội dung. Họ sẽ được đưa đến Siberia? Thường dân tại các khu vực bị chiếm đóng của Đức được đối xử như thế nào?.

    Một số chỉ huy Đức trong Tập đoàn quân Panzer 4 đối diện với Phương diện quân Ukraina 1 của Konev đã tịch thu những chiếc khăn tay màu trắng để ngăn chặn binh lính của họ sử dụng để ra hiệu đầu hàng. Binh sĩ bị bắt gặp đang tìm cách đào ngũ, trong một số trường hợp, đã phải đào những chiến hào trên địa hình trống trải trong khu vực quân sự giữa hai chiến tuyến Liên Xô và Đức. Nhiều người mong muốn trốn vào những khu rừng rậm để đầu hàng mà không ai phát hiện nhằm cứu gia đình khỏi sự trừng phạt theo mệnh lệnh của Hitler.

    Chỉ huy các đại đội Đức cố gắng sử dụng bất kỳ biện pháp nào để thuyết phục binh sĩ của họ giữ vững tinh thần . Một số thông tin về cái chết của Roosevelt vào tối ngày 14 tháng Tư đã được thông báo. Điều này có nghĩa là, các sĩ quan nói với họ, rằng xe tăng Mỹ sẽ không còn tấn công nữa. Trong thực tế, họ tuyên bố, mối quan hệ giữa Đồng minh phương Tây và Liên Xô đã trở nên xấu đến nỗi quân Mỹ và Anh bây giờ sẽ cùng với quân Đức tham chiến đẩy lùi người Nga. Binh lính dự bị trong sư đoàn an ninh 391 gần Guben được lực lượng SS từ sư đoàn 30 . _Januar đến thuyết giảng cho họ về mối liên hệ giữa cái chết của Roosevelt và các phép lạ đã cứu thoát Frederick Đại đế như thể chúng là những lời trong thánh kinh. Họ chẳng tin gì hết, nhưng nhiều lính Đức vẫn giữ vững vị trí vì họ mong đợi một cuộc phản công quy mô lớn vào ngày sinh nhật của Fuhrer 20 tháng tư, với `vũ khí kỳ diệu' bí mật mới.

    Một số sĩ quan, tức giận và cay đắng cố gắng nhắc nhở các cựu chiến binh về sự kinh hoàng của Mặt trận phía Đông và những gì xảy ra nếu người Nga đột phá đến Berlin. `Em không thể tưởng tượng được ", một Thượng uý viết cho vợ mình, `những gì về một sự hận thù khủng khiếp được khơi dậy ở đây. Anh có thể hứa với em rằng chúng ta sẽ tiêu diệt chúng một ngày nào đó. Những kẻ cưỡng hiếp phụ nữ và trẻ em sẽ phải nếm trải một kinh nghiệm thương đau khác. Thật khó tin những gì những con thú này đã gây ra. Bọn anh đã thề rằng mỗi người lính phải giết mười tên Bolshevik. Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta làm được điều này ."
    hk111333, caonam_vOzhuytop thích bài này.
  9. vacbay03

    vacbay03 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    07/08/2007
    Bài viết:
    329
    Đã được thích:
    859
    Phần lớn những người trẻ tuổi bị gọi nhập ngũ ít được huấn luyện gần đây được đưa ra mặt trận còn lâu mới bị thuyết phục. Họ chỉ muốn sống sót. Trong sư đoàn bộ binh 303 Do'beritz, một trung đoàn trưởng đã cho một trong những chỉ huy tiểu đoàn của ông một số lời khuyên. `Chúng ta phải giữ vững mặt trận với bất cứ giá nào. Đây là trách nhiệm của anh. Nếu một vài người lính bắt đầu bỏ chạy, anh phải bắn chúng. Nếu anh nhìn thấy nhiều binh sĩ bỏ chạy, mà anh không thể ngăn chặn họ và tình hình là vô vọng, tốt hơn anh nên tự bắn chính mình."

    Trên cao điểm Seelow, ngoài một số cuộc bắn phá, tình hình là gần như 'yên tĩnh ngay trước cơn bão’. Lính Đức về từ chiến tuyến được kiểm tra và lau chùi vũ khí, ăn và tắm rửa. Một số ngồi viết thư về nhà, để gửi nếu bưu điện bắt đầu làm việc trở lại. Đối với nhiều người, quê nhà của họ đã bị chiếm đóng bởi kẻ thù, và những người khác thì không biết gia đình của họ đang ở đâu.

    Thượng uý Wust đưa các kỹ thuật viên thực tập không quân Đức của mình trở lại bếp ăn dã chiến (Gulaschkanone) theo nhóm - trong một ngôi làng ngay đằng sau tuyến chiến hào thứ hai. Ông đứng trong ụ chiến đấu cá nhân với người thượng sĩ đại đội, nhìn qua những hàng cây xuống Oderbruch và các vị trí của Liên Xô mà từ đó các cuộc tấn công sẽ được tung ra. Wust đột nhiên rùng mình. `Hãy nói cho tôi biết," ông nói, quay sang Kompanietruppfiihrer (thượng sĩ?-ND) của mình. `Anh cũng có lạnh không?". 'Chúng tôi không lạnh , Herr Oberleutnant ," người thượng sĩ trả lời. `Chúng tôi sợ."

    Ở Berlin, an toàn phía sau mặt trận, Martin Bormann đã gửi một mệnh lệnh trước trận đánh cho các Gauleiters (chỉ huy Quốc Xã). Ông ra lệnh cho họ đào thải những kẻ 'gan thỏ‘. Ở trung tâm của thành phố, xe điện được đặt chắn ngang đường phố , sau đó lấp đầy bằng gạch đá làm hàng rào chắn dã chiến. Các lực lượng Volkssturm được đưa tới. Một số người đã phải đội mũ sắt Pháp màu xanh xám và thậm chí cả quân phục (Pháp-ND). Đó là chiến lợi phẩm cuối cùng từ những chiến thắng vĩ đại của Đức vào năm 1940 và 1941.

    Hitler đã không đơn độc trong việc xem lại cuộc chiến tranh Bảy năm. Pravda đã phát hành một bài báo tung hô về việc quân đội Nga đã tiến vào Berlin ngày 9 tháng 10 năm 1760 với năm trung đoàn Cossack trong đội tiên phong. `Những chiếc chìa khoá của thành phố đã được đưa tới St Petersburg để cất giữ vĩnh viễn trong nhà thờ Kazansky. Chúng ta nên nhớ tới sự kiện lịch sử này và thực hiện theo mệnh lệnh của Đất mẹ và đồng chí Stalin.' Tập đoàn quân cận vệ 8 của Tướng Chuikov đã được cung cấp những chiếc chìa khoá làm bằng bìa các tông để nhắc nhở các binh sĩ về thời điểm này khi họ chuẩn bị bước vào cuộc tấn công.

    Các biểu tượng hiện đại hơn cũng đã được phân phối dưới hình thức các lá cờ đỏ. Chúng được phát hành trong các đơn vị tấn công. Họ sẽ cắm cờ trên các tòa nhà quan trọng ở Berlin, được hiển thị trên một mô hình sa bàn lớn của thành phố do các kỹ sư mặt trận xây dựng. `Cạnh tranh theo kiểu chủ nghĩa xã hội" đã được dự kiến sẽ thúc đẩy những người lính chấp nhận hy sinh lớn hơn, và vinh quang lớn nhất sẽ thuộc về những người chiếm được Reichstag (toà nhà Quốc hội-ND), mục tiêu mà Stalin đã lựa chọn làm biểu tượng cho cuộc chinh phục 'hang ổ con thú phát xít’. Buổi tối hôm đó, chẳng khác gì một phép rửa tội thế tục tập thể, hơn 2,000 binh sĩ Hồng quân thuộc Phương diện quân Byelorussia 1 đã được kết nạp Đảng.

    Mặc dù các chỉ huy Xô Viết không nghi ngờ gì về kết quả cuộc tấn công, họ vô cùng lo ngại rằng quân Mỹ và Anh có thể chiếm Berlin trước tiên. Một tình huống như vậy được xem là còn tệ hơn một sự sỉ nhục. Berlin phải thuộc về Liên Xô do những tổn thất, đau khổ mà Liên Bang Xô Viết đã phải chịu đựng cũng như quyền được chiếm lấy. Mỗi chỉ huy tập đoàn quân đều không nghi ngờ gì về cảm nhận của Verkhovny, Tổng tư lệnh của họ, đang phải chờ đợi sốt ruột trong điện Kremlin. Tuy nhiên họ không biết Stalin đang lo ngại như thế nào. Thông tin không chính xác trên báo chí phương Tây cho rằng một số đơn vị nhỏ quân Mỹ đã tiến đến Berlin vào tối ngày 13 tháng 4, nhưng các phân đội này sau đó đã phải rút ra sau khi Moscow phản đối.

    Chỉ Zhukov và Konev và một vài đồng sự gần gũi nhất của họ biết rằng chiến lược của toàn bộ chiến dịch Berlin là trước hết bao vây thành phố để cảnh báo quân Mỹ và Anh. Nhưng ngay cả Tư lệnh của hai Phương diện quân cũng không nhận thức được việc mà Stalin và Beria rõ ràng coi là quan trọng trong việc chiếm lấy các viện nghiên cứu hạt nhân, đặc biệt là Viện Vật lý Kaiser Wilhelm ở Dahlem.

    Vào đêm trước trận chiến, Stalin ở Moscow vẫn tiếp tục nói dối. Tướng Deane báo cáo về một phiên họp trong điện Kremlin như một tín hiệu về 'sự tinh đời của Eisenhower’. Vào cuối cuộc họp dài về `vấn đề khác’ (việc triển khai trong tương lai các lực lượng Liên Xô ở vùng Viễn Đông để chống Nhật), 'Harriman đề cập đến việc người Đức đã thông báo rằng người Nga đang lên kế hoạch thay đổi ngay lập tức cuộc tấn công của họ nhằm vào Berlin. Nguyên soái [Stalin] nói rằng họ trên thực tế sẽ bắt đầu một cuộc tấn công, ông không biết về mức độ thành công của nó, nhưng đòn đánh chính sẽ nhằm vào hướng Dresden, như ông đã nói với Eisenhower.'

    Stalin và đoàn tùy tùng của ông chắc hẳn là đã che giấu sự bối rối của họ rất tốt. Cả Deane cũng như Harriman đều không cảm thấy rằng họ đã bị lừa gạt. Buổi tối trước đó, tại một cuộc họp với Stavka, Tướng Antonov đã đọc được một dòng trong bức điện mới nhất của Eisenhower về việc tránh nhầm lẫn giữa các lực lượng phương Tây và Hồng quân. Ông ngay lập tức muốn biết `liệu điều này có ngụ ý về bất kỳ sự thay đổi nào trong khu vực chiếm đóng đã được thoả thuận từ trước’. Khi ông được đảm bảo rằng thông tin nói về các khu vực chiến thuật và không có hàm ý về sự thay đổi nào trong các khu vực chiếm đóng, 'Antonov yêu cầu xác nhận của Eisenhower về điểm này." Tổng tham mưu trưởng Liên Xô sau đó muốn làm rõ rằng `sau khi hoàn thành các hoạt động chiến thuật, lực lượng Anh-Mỹ sẽ rút khỏi khu vực Liên Xô chiếm đóng đã được thoả thuận từ trước'. Ông đã được Eisenhower
    tái xác nhận trong một bức điện vào ngày 16 tháng Tư.
  10. vacbay03

    vacbay03 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    07/08/2007
    Bài viết:
    329
    Đã được thích:
    859
    Đối với binh sĩ Hồng quân, ưu tiên hàng đầu của họ là cạo râu để làm cho mình có dáng vẻ kẻ chinh phục chỉnh tề. Trong khi vẫn còn đủ ánh sáng ban ngày, những người không làm nhiệm vụ cạo râu kỹ lưỡng bằng dao cạo trong khi nheo mắt vào một mảnh gương vỡ. Một số ít người thì ngủ. `Một số người che ngọn đèn bằng áo khoác của họ khi họ viết thư về nhà," một sĩ quan trong tập đoàn quân xung kích 3 đã viết. Thư của họ có xu hướng ngắn gọn và không đủ thông tin. `Lời chào từ tiền tuyến,' một lá thư theo kiểu điển hình. `Tôi còn sống và khỏe mạnh. Chúng tôi không còn xa Berlin. Những trận đánh dữ dội đang diễn ra, nhưng ngay sau đó mệnh lệnh sẽ được ban ra, và chúng tôi sẽ tấn công Berlin. Chúng tôi sẽ phải tấn công nó ồ ạt và tôi sẽ xem liệu tôi còn sống sau đó.'

    Nhiều người đã không viết cho cha mẹ hoặc hôn thê nhưng viết cho những người bạn qua thư từ. Hàng ngàn phụ nữ trẻ cô đơn được đưa vào làm việc trong những nhà máy sản xuất vũ khí ở Urals hoặc Siberia đã viết cho những người lính ở tiền tuyến. Những bức ảnh được trao đổi ở một giai đoạn nhất định trong mối quan hệ, nhưng ******** không phải là động lực. Đối với những người lính, một người phụ nữ đâu đó ở nhà là điều duy nhất còn lại để nhắc nhở họ rằng một cuộc sống bình thường vẫn có thể tồn tại.

    Trung sĩ Vlasienko ở Phương diện quân Ukraina 1 đã viết cho một người bạn qua thư từ một bài hát dưới hình thức thơ. Nó được viết bởi những giai điệu ám ảnh của `Zemlyanka,’ bài hát về thời kỳ chiến tranh vĩ đại được viết trong một hầm trú ẩn giá lạnh `chỉ cách bốn bước từ cái chết".

    Chiếc đèn bão xua đi bóng đêm
    soi đường cho cây bút của anh.
    Em và anh rất gần nhau qua lá thư này.
    Chúng ta giống như một người anh và một cô em gái.
    Anh mong mỏi chờ đợi thư em từ mặt trận
    Và anh sẽ tìm em sau khi những ngày tháng chiến đấu kết thúc
    tận sâu từ trong đất mẹ
    Nếu như anh còn sống.
    Và nếu điều tồi tệ nhất xảy ra
    Nếu những ngày trong cuộc sống của anh đã hết
    Thỉnh thoảng hãy nhớ đến anh

    Hãy nhớ đến anh một cách tốt đẹp.
    Vâng, bây giờ thì tạm biệt.
    Đến lúc anh phải đi tấn công quân Đức
    Và anh muốn mang theo tên em tiến về phía trước
    Nếu trong trận chiến chỉ có tiếng thét `Ura!"

    `Đợi anh về ', một trong những bài hát nổi tiếng nhất về chiến tranh, dựa trên bài thơ của Konstantin Simonov đã làm ông nổi tiếng trong năm 1942. Nó gợi lên một sự mê tín gần như tôn giáo của Hồng quân là nếu bạn gái vẫn trung thành, người lính sẽ sống sót. Nó được giới thẩm quyền cho phép chỉ bởi vì nó củng cố lòng yêu nước của quân đội. Nhiều binh sĩ giữ bài hát `Đợi anh về'được viết trên một mảnh giấy trong túi áo ngực trái của họ, và đọc nó âm thầm như một lời cầu nguyện trong những khoảnh khắc trước khi họ đi vào một cuộc tấn công.

    Bài hát `khăn choàng xanh’, nói về một cô gái chung thuỷ chia tay người yêu là lính, cũng tạo ra niềm tin mãnh liệt đến nỗi nhiều người lính đã thêm nó vào trong những tiếng hô xung trận chính thức, làm nó trở thành `Za Rodinu, za Stalina, za Siny Platochek !' - `Vì Tổ quốc, vì Stalin, vì khăn choàng xanh'! Một số lớn đoàn viên Komsomol vẫn mang theo một bức ảnh của Zoya Kosmodemyanskaya được cắt ra từ báo, một du kích Komsomol trẻ `bị quân Đức tra tấn đến chết’. Nhiều người đã viết `vì Zoya" trên xe tăng và máy bay của họ.

    Một bài thơ khác của Simonov, mặt khác, đã bị lên án là `không đứng đắn', 'thô tục' và 'ảnh hưởng xấu tới tinh thần’. Nó được đặt tựa đề một cách trớ trêu là `Liricheskoe ', hoặc `Trữ tình’.

    Họ nhớ những cái tên trong một giờ.
    Những ký ức ở đây không kéo dài lâu.
    Người lính nói: "Chiến tranh. . .,’ và ăn nằm với một người phụ nữ một cách dễ dãi.
    Anh ta biết ơn những người đã quá dễ dàng,
    Mà không muốn được gọi là 'người yêu',
    Thay cho anh ta là một người khác ở xa.
    Ở đây cô ta cũng động lòng trắc ẩn như cô ta đã làm đối với người yêu của những phụ nữ khác,
    Và làm họ ấm áp trong những khoảnh khắc tồi tệ với sự hào phóng thân xác của mình.
    Và đối với những người đang chờ đợi để đi vào trận đánh,
    Những người có thể không bao giờ còn sống để tận hưởng tình yêu,
    Họ cảm nhận nó dễ dàng hơn khi họ nhớ lại ngày hôm qua
    Ít nhất đã có một vòng tay của một ai đó ôm lấy họ.

    Tuy giới thẩm quyền phần lớn không chấp thuận những bài hát hoặc bài thơ về những cô bạn gái không chung thủy, những kẻ đả phá vẫn nghĩ ra những phiên bản thô tục của những bài hát được cho phép chính thức. Bài hát buồn `Đêm tối’, nói về một người vợ lính đứng bên cạnh giường con mình `lặng lẽ lau nước mắt‘, bị chế thành 'lặng lẽ uống thuốc streptocide’, loại thuốc trong thời chiến của Liên Xô dùng để chữa bệnh hoa liễu.

    Những bài hát yêu nước chính thức không bao giờ được cất lên. Ngoại lệ duy nhất là 'Ca khúc của những người lính pháo binh', trong bộ phim Lúc 6 Giờ Tối Sau Khi Chiến Tranh Kết Thúc. Bộ phim đã được chiếu cho những người lính ở mặt trận ngay trước trận đánh Berlin. Nó nói về một sĩ quan pháo binh, người đã còn sống để bắt gặp tình yêu đích thực của mình tại Moscow trong Lễ mừng chiến thắng, nhưng mặc dù điều này có thể là tốt để giúp nâng cao tinh thần theo một cách nào đó, chắc chắn nó đã không giúp những chiến binh với nỗi sợ hãi rất tự nhiên, phải mạo hiểm mạng sống khi cuộc chiến đã gần như kết thúc.

    Một số bài hát khác cũng nói về thời kỳ sau khi kết thúc chiến tranh. Binh sĩ của
    Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 4 đã tự sáng tác một bài hát cho riêng họ:

    Chúng tôi sẽ sớm trở về nhà.
    Các cô gái sẽ gặp chúng tôi,
    Và các ngôi sao dãy Urals sẽ tỏa sáng cho chúng ta.
    Một ngày nào đó chúng ta sẽ nhớ lại những ngày này.
    Kamenets-Podolsk và dãy núi Carpath xanh rì.
    Tiếng súng nổ ầm ầm như sấm của những chiếc xe tăng.
    Lvov và thảo nguyên phía sau Vistula.
    Bạn sẽ không quên năm nay.
    Bạn sẽ nói với con của bạn về nó.
    Một ngày nào đó chúng ta sẽ nhớ lại những ngày này.


    Binh sĩ Hồng quân rất mong mỏi kết thúc chiến tranh, nhưng khi họ càng gần với chiến thắng, họ càng hy vọng sẽ sống sót. Tuy nhiên những binh sĩ cực kỳ khao khát muốn có một huân chương để mang về nhà. Nó sẽ tạo ra sự khác biệt lớn về chỗ đứng của họ trong cộng đồng và đặc biệt là trong phạm vi gia đình của họ. Nhưng có một điều mà họ lo sợ thậm chí còn nhiều hơn việc bị giết trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến, sau khi đã sống sót cho đến nay, một điều khó xảy ra. Đó là để bị mất chân hoặc tay. Một cựu chiến binh bị mất chân tay, được gọi là một cái ấm samovar, bị đối xử như một kẻ bị ruồng bỏ.
    hk111333, caonam_vOz, gdviet1 người khác thích bài này.

Chia sẻ trang này