1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

The Fall of Berlin 1945-Antony Beevor

Chủ đề trong 'Kỹ thuật quân sự nước ngoài' bởi vacbay03, 20/06/2015.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. vacbay03

    vacbay03 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    07/08/2007
    Bài viết:
    329
    Đã được thích:
    859
    Làm sạch các khu vực hậu tuyến

    Vào ngày 14 tháng Hai, ở Đông Phổ, một đoàn xe quân sự với dấu hiệu nhận dạng của Hồng quân rời khỏi tuyến đường chính từ Rastenburg đến Angeburg. Con đường phụ này dẫn vào một khu rừng thông rậm rạp. Toàn bộ khu vực thấm đẫm không khí buồn thảm. Một hàng rào kẽm gai cao với các vòng tròn dây kẽm gai phía trên có thể nhìn thấy từ trên đường. Đoàn xe nhanh chóng tiến đến một hàng rào chắn có tấm bảng bằng tiếng Đức: `Dừng lại. Căn cứ quân sự. Thường dân cấm vào." Đây là lối vào trụ sở cũ của Hitler, Wolfschanze (Hang sói). Xe tải chở quân biên phòng thuộc sư đoàn bộ binh 57 NKVD. Các sĩ quan chỉ huy của đoàn xe mặc quân phục Hồng quân, nhưng họ không tuân theo mệnh lệnh của Hồng quân. Là các nhân viên phản gián SMERSH, về nguyên tắc họ chỉ chịu trách nhiệm với Stalin. Vào thời điểm đó mối quan hệ của họ đối với Hồng quân không mang tính đồng đội. Các phương tiện cơ giới cũ nát mà họ được cung cấp đến từ các đơn vị quân đội, những đơn vị đã tận dụng cơ hội để tống khứ đi các phương tiện, thiết bị tồi tệ nhất của họ. Mặc dù đây là thực tế phổ biến, SMERSH và NKVD không hề thích điều đó.

    Chỉ huy của họ mặc quân phục cấp tướng Hồng quân. Đây là Ủy viên an ninh nhà nước cấp 2, Viktor Semyonovich Abakumov. Beria đã bổ nhiệm ông ta làm chỉ huy đầu tiên của lực lượng SMERSH vào Tháng 4 năm 1943, ngay sau chiến thắng Stalingrad (thực tế Stalin mới là người bổ nhiệm Abakumov, và Abakumov báo cáo trực tiếp cho Stalin-ND). Abakumov thỉnh thoảng bắt chước thói quen của cấp trên ông ta, bắt giữ phụ nữ trẻ để hãm hiếp, nhưng việc ưa thích nhất của ông là tham gia vào việc tra tấn tù nhân với một chiếc dùi cui cao su. Để không làm hỏng các tấm thảm Ba Tư trong văn phòng của ông, `một tấm vải dơ bẩn vấy máu tung toé được trải ra' trước khi kẻ bất hạnh bị đưa vào phòng

    Abakumov, mặc dù vẫn là chỉ huy SMERSH, đã được Beria cử tới (chi tiết này có vẻ không đúng, Abakumov nhận lệnh trực tiếp từ Stalin-ND) `để thực hiện các biện pháp cần thiết kiểu Chekist' phía sau tuyến tiến công của Phương diện quân Byelorussia 3 vào Đông Phổ. Abakumov đã đảm bảo rằng lực lượng NKVD hùng hậu đặt trực tiếp dưới sự chỉ huy của ông là lực lượng lớn nhất trong các đơn vị đi theo các Tập đoàn quân tiến vào nước Đức. Bọn họ thậm chí còn lớn hơn cả những đơn vị (NKVD-ND) đi theo quân đội của nguyên soái Zhukov.

    Các khu vực xung quanh ướt sũng tuyết. Để kiểm tra tính xác thực trước khi Abakumov báo cáo lên Beria, lính NKVD tản ra và chặn đường, trong khi ông ta và các Sĩ quan SMERSH bắt đầu lục soát. Họ vô cùng thận trọng do các báo cáo cho thấy có bẫy mìn được cài lại trong khu vực Rastenburg. Bên tay phải lối vào có các rào cản, là những lô cốt bằng đá trong đó chứa mìn và vật liệu ngụy trang. Ở phía bên tay trái là khối doanh trại nơi các cận vệ ở. Các sĩ quan SMERSH tìm thấy cầu vai và đồng phục của các tiểu đoàn Fiihrerbegleit. Năm trước, phát xuất từ nỗi sợ của Hitler bị bắt bất ngờ bởi các nhóm nhảy dù Liên Xô, dẫn đến việc `tiểu đoàn bảo vệ của Fuhrer được tăng lên thành một lữ đoàn hỗn hợp'.

    Dọc theo con đường sâu hơn vào rừng, Abakumov thấy các bảng hiệu đặt hai bên đường. Thông dịch viên dịch cho ông ta nghe: `Không được bước ra khỏi đường' và 'coi chừng mìn!.' Abakumov ghi lại toàn bộ rõ ràng trong báo cáo của mình lên Beria, mà ông biết sẽ được trình lên Stalin. “Xếp” quan tâm một cách ám ảnh đến tất cả các chi tiết trong đời sống Hitler.

    Các khía cạnh nổi bật nhất trong báo cáo của Abakumov, tuy nhiên, lại cho thấy mức độ thiếu hiểu biết của Liên Xô về nơi này. Điều này đặc biệt ngạc nhiên khi xét đến việc có bao nhiêu tướng Đức đã bị bắt giữ và thẩm vấn từ khi đầu hàng ở Stalingrad cho đến đầu năm 1945. Họ đã mất gần hai tuần để tìm hiểu trụ sở phức tạp có diện tích bốn cây số vuông này. Việc nguỵ trang khỏi các cuộc trinh sát và không kích là thực sự ấn tượng. Mọi con đường và hẻm được bao phủ bởi lưới màu xanh lá cây. Các con đường thẳng được trồng cây nhân tạo và bụi rậm. Tất cả các ngọn đèn bên ngoài có màu xanh đậm. Thậm chí các trạm quan trắc, cao đến ba mươi lăm mét trong rừng, đã được nguỵ trang trông giống như cây thông.

    Khi họ bước vào chu vi hàng rào đầu tiên bên trong, Abakumov quan sát `hệ thống bảo vệ bằng bê tông cốt thép, dây thép gai, bãi mìn và một số lượng lớn vị trí hoả lực, doanh trại cho lính gác.’ Tại Cổng số 1 tất cả các boongke đã bị cho nổ tung sau khi Hitler rời khỏi vào tháng mười một năm 1944, chưa đầy ba tháng trước, nhưng Abakumov rõ ràng là không biết gì về chuyện trụ sở này bị bỏ lại khi nào. Họ đến một chu vi hàng rào dây thép gai thứ hai, sau đó thứ ba. Trong trung tâm phức hợp, họ tìm thấy các boongke ngầm với cửa bọc thép được nối với một nhà để xe ngầm có khả năng chứa được 18 chiếc xe.

    `Chúng tôi bước vào với sự cẩn thận tuyệt đối," Abakumov viết. Họ tìm thấy một két sắt nhưng nó trống rỗng. Các phòng, ông lưu ý, là ` bày biện rất đơn giản’. (nơi đã từng được mô tả là sự giao nhau giữa một tu viện và một trại tập trung.) Các sĩ quan SMERSH chỉ chắc chắn rằng họ đã tìm đúng nơi khi họ phát hiện ra một bảng hiệu trên một cánh cửa, `Phụ tá quân đội của Fuhrer.’ Phòng của Hitler được xác định bởi một bức ảnh của ông ta chụp với Mussolini.

    Abakumov không tiết lộ bất kỳ cảm xúc nào mặc dù trên thực tế, cuối cùng họ đã đứng tại nơi mà từ đó Hitler đã chỉ huy các chiến dịch tấn công tàn bạo của mình chống lại Liên Xô. Ông có vẻ quan tâm hơn nhiều về các công trình bê tông cốt thép và quy mô của chúng. Cực kỳ ấn tượng, ông tự hỏi liệu Beria và Stalin có thể xây dựng một cái gì đó tương tự như vậy: 'Tôi nghĩ rằng sẽ thú vị cho các chuyên gia của chúng tôi khi kiểm tra trụ sở của Hitler và xem xét tất cả những boongke được tổ chức tốt," ông viết. Mặc dù chiến thắng đã gần kề, các Lãnh tụ Liên Xô đã không cảm thấy an toàn hơn so với kẻ thù của họ.

    Các phân đội SMERSH và các sư đoàn NKVD đi theo các Phương diện quân, nói theo kiểu Stalin là, `không thể thiếu được" để đối phó với tất cả các `nhân tố không đáng tin cậy trong vùng lãnh thổ bị chiếm đóng.` ‘Các sư đoàn này không có pháo binh,’ Stalin đã nói với Tướng Bull của quân đội Mỹ trong cuộc họp với Tướng Không Quân Tedder, `nhưng họ rất mạnh với vũ khí tự động, xe tăng hạng nhẹ và xe bọc thép. Họ cũng phải có các phương tiện điều tra và thẩm vấn.’
    Trong lãnh thổ Đức, chẳng hạn như Đông Phổ và Silesia, ưu tiên hàng đầu của các trung đoàn súng trường NKVD là bao vây, hoặc săn lùng những đơn vị Đức lang thang bị các cuộc tấn công của Hồng quân vượt qua. Giới thẩm quyền Xô Viết xác định mỗi người lính Volkssturm đều là thành viên của quân đội Wehrmacht, nhưng do hầu hết đàn ông trong lứa tuổi 15 đến 55 đều bị gọi nhập ngũ, việc xác định này nghĩa là bao gồm thành phần chủ yếu những người đàn ông địa phương. Các thành viên Volkssturm ở lại nhà chứ không trốn chạy, chính vì thế trong nhiều trường hợp
    được coi là các nhóm phá hoại ở lại phía sau, tuy nhiên phần lớn là người già. Hơn 200 kẻ ‘phá hoại và khủng bố Đức ` được báo cáo là ` bị bắn tại chỗ' bởi lực lượng NKVD, nhưng con số thực tế có thể cao hơn nhiều.

    Ở Ba Lan, sự mô tả về `các nhân tố không đáng tin cậy’ của Stalin " đã không đề cập đến một số lượng rất nhỏ người Ba Lan đã hợp tác với Đức'. Nó áp dụng cho tất cả những người ủng hộ chính phủ Ba Lan lưu vong và thành viên tổ chức Armia Krajowa, tổ chức đã phát động cuộc nổi dậy Warsaw vào năm trước. Stalin coi cuộc nổi dậy Warsaw chống lại quân Đức như là một 'hành vi tội phạm của một chính sách chống Liên Xô’. Trong mắt ông ta, nó rõ ràng là một nỗ lực chiếm lấy thủ đô Ba Lan cho `chính phủ lưu vong tại London ' ngay trước khi Hồng quân tiến đến, những người đã làm tất cả để chiến đấu và hy sinh. Sự phản bội Ba Lan đáng xấu hổ của ông khi cộng tác với Đức quốc xã năm 1939 và vụ thảm sát sĩ quan Ba Lan tại Katyn của Beria rõ ràng không có giá trị để xem xét. Ông cũng bỏ qua một thực tế là tỷ lệ người Ba Lan chết so với số dân là nhiều hơn so với Liên Xô, mất hơn 16% dân số. Stalin đã bị thuyết phục rằng Ba Lan và chính phủ của nó phải thuộc quyền kiểm soát của ông ta, và quan điểm sở hữu này được ủng hộ rộng rãi trong hàng ngũ Hồng quân. Khi các lực lượng Liên Xô vượt qua biên giới Đức từ Ba Lan, nhiều người `cảm thấy rằng chúng ta cuối cùng đã quét sạch bọn chúng ra khỏi lãnh thổ’, với sự giả định một cách bản năng rằng Ba Lan là một phần không thể tách rời của Liên Bang Xô Viết.

    Tuyên bố của Stalin tại Hội nghị Yalta rằng chính phủ Cộng sản lâm thời có ảnh hưởng rất mạnh ở Ba Lan, dĩ nhiên, là một tuyên bố hoàn toàn mang tính chủ quan. Hồi ký của Zhukov tiết lộ về điều đó nhiều hơn khi ông đề cập đến người Ba Lan nói chung, sau đó thêm vào, `một số họ trung thành với chúng ta ". Những người chống đối chế độ Sô Viết đã được coi là `gián điệp của kẻ thù, bất chấp những thành tích chống Đức Quốc Xã của họ'. Thực tế là các thành viên phong trào Armia Krajowa là một lực lượng bị Đồng Minh bỏ mặc. Trong một câu nói thú vị , Zhukov gọi sự cần thiết phải kiểm soát quân đội của mình là: 'Chúng ta phải làm công tác giáo dục nhiều hơn trong tất cả các đơn vị quân đội của Phương diện quân để không có bất kỳ hành vi thiếu suy nghĩ nào từ việc bắt đầu ở lại của chúng ta." Sự `ở lại'của họ đã kéo dài hơn bốn mươi lăm năm.
    hk111333, Fearless, caonam_vOz2 người khác thích bài này.
  2. vacbay03

    vacbay03 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    07/08/2007
    Bài viết:
    329
    Đã được thích:
    859
    Mức độ kiểm soát của Beria trong chính phủ lâm thời Ba Lan được cho thấy bởi việc bổ nhiệm Tướng Serov là `cố vấn' tại Bộ an ninh Ba Lan vào ngày 20 tháng 3 với bí danh `Ivanov’. Cấp bậc cố vấn không cao hơn nhiều so với Ủy viên an ninh Nhà nước cấp 2. Serov hội đủ điều kiện cho chức vụ này. Ông ta đã giám sát việc trục xuất dân chúng hàng loạt từ vùng Caucasus và trước đó đã phụ trách đàn áp ở Lvov vào năm 1939, khi Liên Xô xâm chiếm miền đông Ba Lan, bắt và giết những sĩ quan, chủ đất, các linh mục và giáo viên, những người có thể chống đối chính quyền.

    Khoảng 2 triệu người Ba Lan bị đưa đến Gulag và một chiến dịch cưỡng bức tập thể hoá bắt đầu.
    Chính sách thận trọng của Stalin là sự đánh đồng giữa phong trào Armia Krajowa với Lực lượng dân tộc quốc gia Ukraina, UPA, hoặc ít nhất họ cũng có mối liên hệ chặt chẽ. Goebbels, trong khi đó, thu lượm tất cả các bằng chứng về phong trào kháng chiến chống lại sự chiếm đóng Xô Viết. Ông tuyên bố rằng đã có 40.000 kháng chiến quân ở Estonia, 10, 000 ở Lithuania và 50.000 ở Ukraine. Ông thậm chí còn trích dẫn từ báo Pravda ngày 07 Tháng Mười 1944, cho rằng có 'chủ nghĩa dân tộc Ukraina-Đức’. Tất cả điều này đã đem lại nhiều lý do hơn cho các trung đoàn NKVD trong việc `làm sạch các khu vực hậu tuyến’. Đây là một ví dụ điển hình về lợi thế khi tuyên truyền của cả hai bên

    Một kẻ thù tiềm tàng khác của Ba Lan cũng bị điều tra vào đầu tháng Ba. Gần như ngay sau khi SMERSH được thành lập ở Ba Lan, nó đã tiến hành một cuộc `điều tra thân nhân của Rokossovsky ', có lẽ là để xem liệu bất kỳ người nào trong số họ có thể được coi là `kẻ thù’. Nguyên soái Rokossovsky có một nửa dòng máu Ba Lan, và cuộc điều tra này gần như chắc chắn được thực hiện theo chỉ thị của Beria. Ông đã không quên rằng Rokossovsky đã thoát khỏi bàn tay ông ta. Nikolai Bulganin, Uỷ viên chính trị của Hội đồng quân sự Phương diện quân Byelorussia 2 của Rokossovsky, là con chó trung thành của Stalin.

    Quyết tâm của Stalin đập tan phong trào Armia Krajowa sau đó từ một vấn đề nhỏ đã trở thành một sự cố trớ trêu lớn giữa Liên Bang Xô Viết và Hoa Kỳ. Vào ngày 05 tháng hai, khi hội nghị Yalta đang được tiến hành, Trung Uý Myron King của Không quân Hoa Kỳ đã phải hạ cánh khẩn cấp trong chiếc B-17 của mình tại Kuflevo. Một người Ba Lan trẻ tuổi xuất hiện và yêu cầu được đi cùng họ. Họ đưa anh ta lên máy bay, bay đến căn cứ không quân Liên Xô tại Shchuchin, nơi họ có thể sửa chữa máy bay. Phi hành đoàn cho anh ta mượn đồng phục phi công, và khi họ hạ cánh, `người thường dân đó giả vờ là Jack Smith, một thành viên của phi hành đoàn". Tướng Antonov đã viết trong bản khiếu nại chính thức của ông ta, `Chỉ sau khi có sự can thiệp của chỉ huy Liên Xô," Antonov tiếp tục, `Trung Uý King mới tuyên bố rằng đây không phải là một thành viên của phi hành đoàn, nhưng là một người lạ mà họ không biết và đã đưa anh ta lên máy bay để đưa anh ta tới nước Anh." `Theo thông tin của chúng tôi," Antonov kết luận, `hắn ta là một kẻ khủng bố phá hoại được đưa vào Ba Lan từ London.' Chính phủ Hoa Kỳ đã phải xin lỗi rất nhiều. Thậm chí còn tổ chức tòa án quân sự xét xử Trung Uý King tại Liên Xô tại căn cứ không quân mượn của họ gần Poltava và yêu cầu Antonov cung cấp nhân chứng truy tố. Stalin lợi dụng sự kiện này hết mức có thể, ông nói với Averell Harriman rằng điều này chứng minh Hoa Kỳ đã sử dụng bọn bạch vệ Ba Lan tấn công Hồng quân.

    Một trường hợp khác xảy ra vào tháng Ba tại căn cứ không quân của Liên Xô ở Mielec, nơi một máy bay ném bom Liberator Mỹ hạ cánh do hết nhiên liệu. Chỉ huy Liên Xô, nhận thức được mối nguy hiểm sau sự việc của Trung Uý King, đã đặt một lính gác trên máy bay và buộc phi hành đoàn qua đêm trong một căn nhà gần đó. Nhưng phi hành đoàn mười người dưới sự chỉ huy của Trung Uý Donald Bridge, sau khi ở lại hai ngày, yêu cầu được phép lấy đồ đạc cá nhân trên máy bay. Ngay sau khi họ lên máy bay, họ bắt đầu mở máy và cất cánh, lờ đi tất cả các tín hiệu ngăn chặn. 'Đại uý Kỹ sư Melamedev, người đã cho phép phi hành đoàn Donald Bridge lên máy bay’, Antonov đã viết cho Tướng Reade ở Moscow, `rất phẫn nộ và lúng túng bởi trường hợp này [sic] đến nỗi anh ta đã tự sát vào cùng ngày hôm đó." Cái chết của anh ta, tuy nhiên, lại có liên quan nhiều hơn đến sự phẫn nộ của các sĩ quan SMERSH vì sự `lơ là của sĩ quan và lính gác, những người đã nhận lệnh kỹ lưỡng canh chừng chiếc máy bay’. Sự cố này cũng đã được đưa ra làm `bằng chứng' rằng `yếu tố đối phương đang sử dụng các bãi đáp để vận chuyển đến lãnh thổ Ba Lan những kẻ khủng bố, phá hoại và gián điệp của chính phủ lưu vong Ba Lan ở London’.

    Thật khó biết liệu chính quyền Xô Viết thực sự hoang tưởng hoặc họ thúc giục bản thân vươn lên thành một thứ đạo đức phẫn nộ một cách tự tôn. Khi một trung tá người Mỹ, người đã đến thăm các tù binh Mỹ được phóng thích ở Lublin, trở về Moscow sau khi hết hạn cho phép, Tướng Antonov, không nghi ngờ gì là đã làm theo chỉ thị của Stalin, không cho tất cả các máy bay Mỹ cất cánh `trong không phận Liên Xô và khu vực Hồng quân kiểm soát’.

    Ở Đông Phổ, báo cáo đề cập tới `các toán lính Đức với lực lượng mạnh lên đến 1,000 người' đã tấn công khu vực hậu phương của Phương diện quân Byelorussia 2 của Rokossovsky. Các đơn vị NKVD được triển khai `càn quét trong rừng để tiêu diệt chúng’. Tuy nhiên trong hầu hết các trường hợp, những nhóm lính Đức này là một nhóm lính Volkssturm địa phương trốn trong rừng. Đôi khi chúng phục kích xe tải, xe mô tô, và xe ngựa chở hàng để lấy thực phẩm. Tại Kreisburg, lính NKVD phát hiện hai `tiệm bánh bí mật" làm bánh mì cho binh lính trong rừng. Những người phụ nữ trẻ mang thức ăn ra cho họ bị bắt bởi các đội tuần tra NKVD.

    Trong một cuộc càn quét vào ngày 21 tháng Hai, đồn biên phòng 14 của Trung đoàn biên phòng 127, dẫn đầu là Thiếu uý Khismatulin, đã lục soát một mảnh rừng khi Trung sĩ Zavgorodny tìm thấy những chiếc vớ len được treo trên cây. `Điều này khiến anh nghi ngờ sự hiện diện của những người tình nghi. Họ tìm kiếm khu vực này và tìm thấy ba chiến hào được nguỵ trang tốt dẫn đến một boongke nơi họ tìm thấy ba binh lính đối phương với súng trường."

    Mìn và bẫy mìn vẫn là một mối quan tâm lớn. Để cải thiện việc gỡ mìn, hai mươi hai con chó đã được phân bổ cho từng Trung đoàn biên phòng NKVD. Những con chó dùng để phát hiện ma tuý – ‘chó đặc biệt để đánh hơi tìm ra bọn buôn lậu”, như báo cáo gọi chúng - cũng được đưa vào để vây bắt lính Đức ẩn trong các khu rừng Đông Phổ.

    Nhiều báo cáo dường như đã bị làm cường điệu và quá phóng đại do những chỉ huy địa phương muốn làm cho công việc của họ có vẻ quan trọng hơn. Tsanava, chỉ huy các lực lượng NKVD của Phương diện quân Byelorussia 2, báo cáo về việc bắt giữ Ulrich Behr, một người Đức sinh năm 1906. `Hắn đã thú nhận khi bị thẩm vấn rằng trong tháng Hai 1945, hắn đã được tuyển mộ làm điệp viên bởi một điệp viên của tình báo Đức, Hauptmann Schrap. Nhiệm vụ của hắn là ở lại phía sau chiến tuyến Hồng quân để tuyển mộ gián điệp và thực hiện các hành động phá hoại, thu thập thông tin tình báo và các hoạt động khủng bố. Để hoàn thành nhiệm vụ này, Behr đã tuyển mộ mười hai điệp viên’. Trong một số trường hợp, những binh lính đi lang thang hoặc lính Volkssturm địa phương được mô tả là 'được tình báo Đức gài lại đằng sau chiến tuyến với nhiệm vụ phá hoại’. Sự kiện vô lý nhất là `phá hoại một đường dây điện gần Hindenburg, ở Silesia’. Sau một cuộc truy lùng thủ phạm đáng sợ, điều này hóa ra là do pháo binh Hồng quân tập bắn. Mảnh đạn pháo đã cắt đứt các dây cáp.

    Mặt khác, khi chỉ huy lực lượng SMERSH của Phương diện quân Byelorussia 2 tuyên bố rằng binh lính của ông ta đã phát hiện ra `một tên Đức phá hoại trường học trong làng Kovalyowo', ông dường như là đúng. Những kẻ được huấn luyện này đều là người Nga hay Ukraina. Quân Đức, trong cơn tuyệt vọng, đã phải sử dụng tù binh Liên Xô nhiều hơn nữa. Nhiều người Nga và Ukraine có lẽ đã tình nguyện với hy vọng được tìm được đường về nhà dễ dàng, nhưng thậm chí sự đầu hàng nhanh chóng của họ đối với các giới chức quân sự của Liên Xô, đã không cứu được họ khỏi sự phán xét bởi các trường hợp khác.

    Các phân đội NKVD dường như dành nhiều thời gian lục soát các ngôi nhà và nhà kho hơn là lùng sục trong những khu rừng rộng lớn. Một phân đội tìm thấy một nhóm tám phụ nữ Đức ngồi trên một đụn rơm. `Một trung sĩ cẩn thận" đã phát hiện ra rằng họ không phải là phụ nữ, mà là `binh sĩ Đức mặc trang phục của phụ nữ '. Có nhiều báo cáo theo kiểu này.

    Có vẻ như những gia đình nông dân Đông Phổ cũng thường ngây thơ như các đối tác Nga của họ. Các đội tuần tra lùng sục những ngôi nhà phát hiện ra rằng người dân không thể ngừng liếc nhìn vào một vật thể cụ thể nào đó. Trong một ngôi nhà, một người phụ nữ đi đến ngồi trên một thân cây. Lính NKVD đẩy cô sang một bên và tìm thấy một người đàn ông ẩn nấp trong thân cây. Một lính tuần tra nhận thấy những ánh nhìn lo lắng của chủ sở hữu ngôi nhà về cái giường. Những người lính NKVD kéo nệm ra và nhìn thấy tấm ván giường được kê rất cao. Họ lấy tấm ván ra và tìm thấy một người đàn ông mặc quần áo phụ nữ. Trong một căn nhà khác họ tìm thấy một người đàn ông núp dưới cái áo khoác treo trên giá. Bàn chân của người đàn ông lơ lửng trên mặt đất bởi vì ông ta đã tự treo mình lên với sợi dây cột qua nách.
    Thông thường, những nơi ẩn náu hiển nhiên nhất được sử dụng, chẳng hạn như chuồng gia súc, nhà kho, đụn rơm. Những con chó sớm tìm thấy chúng. Chỉ có một vài người xây dựng nơi trú ẩn dưới lòng đất. Đôi khi, những đội tuần tra NKVD không phí thời gian để lục soát một ngôi nhà. Họ đốt nhà, và những người không bị chết cháy thì bị bắn chết khi họ nhảy qua cửa sổ.
    hk111333, Fearless, caonam_vOz2 người khác thích bài này.
  3. vacbay03

    vacbay03 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    07/08/2007
    Bài viết:
    329
    Đã được thích:
    859
    Trong khi nhiều binh lính Volkssturm muốn ở gần nhà của họ, những binh lính quân đội Đức lang thang thì cố lẻn qua chiến tuyến để trở lại Đức. Trong nhiều trường hợp chúng mặc quân phục Hồng quân lấy từ những người lính bị chúng giết. Nếu bị bắt, chúng chủ yếu bị bắn tại chỗ. Những tù binh bị bắt, Đức, Nga hay Ba Lan, được đưa tới một ‘trại tù tạm thời’. Những trại tù này thường chỉ là một ngôi nhà bị trưng dụng với dây thép gai được đóng đinh trên các cửa sổ và tấm bảng: ‘trại tù NKVD của Liên Xô ' được viết bằng phấn. Tù binh sau đó bị thẩm vấn bởi SMERSH, và, tùy thuộc vào lời khai, được gửi tới một trại giam hoặc những tiểu đoàn lao động cưỡng bức.
    Các tư lệnh NKVD cũng đặc biệt lưu ý đến các công việc ‘kinh doanh’ của họ. Thiếu tướng Rogatin, chỉ huy các đơn vị NKVD tại phương diện quân Byelorussia, trước đây là chỉ huy NKVD tại Stalingrad, phát hiện ra rằng trong một số ` đơn vị [NKVD] đa số sĩ quan, binh sĩ không tập trung vào nhiệm vụ của họ, nhưng rất năng nổ trong việc thu thập tài sản bị cướp được ... Nó được quy định là tài sản cướp được, được chia ra trong các trung đoàn mà các sĩ quan sư đoàn không hay biết. Trong trung đoàn có những trường hợp bán và đổi chác đồ cướp được, đường, thuốc lá, rượu, xăng lấy các tay lái xe trong các đơn vị tiến công của Hồng quân và xe máy. Tình hình như vậy trong các trung đoàn [NKVD] và vô kỷ luật đã dẫn đến sự gia tăng mạnh các sự kiện bất thường. Có những người lính làm nhiệm vụ của họ, và sau đó có những kẻ khác không làm gì cả, nhưng cướp bóc chiến lợi phẩm. Các kẻ cướp bóc bây giờ nên được đưa vào làm việc cùng với những người đang làm nhiệm vụ." Có vẻ như không có vấn đề trừng phạt họ, và cụm từ `các sĩ quan sư đoàn không hay biết‘ là rõ ràng nhất. Trụ sở chính sư đoàn phẫn nộ có lẽ vì nó phát hiện ra rằng nó không được chia phần.

    Có thể có chút nghi ngờ rằng Hồng quân phẫn nộ vì những `con chuột hậu phương' trong NKVD, nhưng cảm nhận là từ cả hai phía. NKVD không thích thú gì khi phải xử lý đạn dược và vũ khí bị bỏ lại bởi quân Đức và các đơn vị tiến công của Hồng quân. `Tất cả điều này dẫn đến tình trạng trộm cắp vũ khí lan tràn của kẻ cướp và người dân địa phương. Đã có ghi nhận việc các thanh thiếu niên chiếm giữ vũ khí và tổ chức các nhóm vũ trang để khủng bố dân chúng. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia tăng cướp bóc.' Mệnh lệnh cấm sử dụng lựu đạn để đánh bắt cá, một môn thể thao phổ biến trong binh sĩ Hồng Quân, trên các hồ của Đông Phổ và Ba Lan, cũng được ban hành.

    Các trung đoàn NKVD đã phải đối phó không chỉ với các binh sĩ Đức lang thang và Volkssturm sống ngoài vòng pháp luật trong các khu rừng, mà còn với các nhóm Hồng quân đào ngũ. Ngày 07 tháng 3, một nhóm `mười lăm kẻ đào ngũ có vũ trang' phục kích toán tuần tra của NKVD thuộc phương diện quân Byelorussia gần làng Dertz. Một nhóm tám kẻ đào ngũ khác cũng đang sống trong rừng gần đó. Tất cả đã đào ngũ vào cuối tháng 12 năm 1944. Hai ngày sau, NKVD báo cáo `tìm thấy thêm nhiều kẻ đào ngũ, tẩu thoát khỏi chiến tuyến trong các khu vực hậu phương’. Một `nhóm cướp ' của các kẻ đào ngũ từ Tập đoàn quân 3, chỉ huy bởi một đại uý người Ukraine và là Đảng viên với huân chương Cờ đỏ, người đã đào ngũ từ bệnh viện vào ngày 06 tháng 3, sống trong khu đất xung quanh Ortelsburg. Nhóm của chúng, trang bị súng tiểu liên và súng lục, là cực kỳ hỗn tạp. Nó bao gồm những binh lính từ Tula, Sverdlovsk, Voronezh và Ukraine, còn có một người Ba Lan, ba phụ nữ Đức và một người đàn ông Đức từ quận Ortelsburg.

    Phần lớn những kẻ đào ngũ, tuy nhiên, lại đặc biệt là người Belorussia và Ukraine, nhiều người trong số đó là người Ba Lan trốn khỏi nhà tù, đã cố gắng để lẻn về nhà thăm người thân. Một số ăn mặc như phụ nữ. Những người khác băng bó, sau đó đến ga xe lửa và lấy cắp giấy tờ của các binh sĩ bị thương. Một trạm kiểm soát đặc biệt cho những binh sĩ bị thương đã được thiết lập để ngăn chặn điều này.

    Đôi khi binh lính chỉ đơn giản là biến mất, và không ai biết liệu họ đã bỏ lại phía sau hoặc bị giết trong trận chiến. Ngày 27 tháng 1, hai xe tăng T-34 của Quân đoàn xe tăng Cận vệ 6 ở Đông Phổ đã bị bỏ lại phía sau trong một chiến dịch quân sự. Và sau đó không hề có thông tin gì về xe tăng cũng như mười sáu lính tăng và lính bộ binh đi theo xe dù là sống hay chết.

    Mặc dù có nhiều đơn vị lớn binh lính NKVD tại các khu vực hậu tuyến, đáng kinh ngạc là binh sĩ Hồng quân lại ít bị kiểm soát. `Các chỉ huy quân sự Liên Xô," theo một báo cáo tình báo của Đức ngày 09 tháng 2, `coi sự gia tăng của tình trạng vô kỷ luật là kết quả của việc họ tiến vào những khu vực mà đối với người Nga là khu vực trù phú." Tài sản bị cướp bóc và phá hủy và thường dân cần thiết cho việc lao động cưỡng bức đã bị giết mà ít khi cần lý do. Tình trạng hỗn loạn cũng còn là do những `công dân Liên Xô, những người đến Đông Phổ để cướp bóc’. Cái chết vô nghĩa của một Anh hùng Liên Xô, Đại tá Gorelov, chỉ huy một lữ đoàn xe tăng cận vệ, đã làm kinh hoàng nhiều sĩ quan trong Phương diện quân Byelorussia 1. Vào đầu tháng hai ông đứng ra giải quyết một vụ ách tắc giao thông trên con đường cách biên giới Đức vài cây số và bị bắn bởi những tên lính say rượu. `Những trường hợp bạo lực chết chóc do say rượu như vậy không hiếm," Grossman ghi nhận. Chỉ riêng ở một trung đoàn NKVD đã có năm người chết và ba mươi bốn người bị thương do các tài xế say rượu trong mười tuần đầu tiên của năm.

    Các nữ quân nhân trẻ điều khiển giao thông đã không thổi còi để cố gắng khôi phục lại trật tự khi bị ùn tắc giao thông, họ dùng súng tiểu liên bắn chỉ thiên. Có một trường hợp sau chiến tuyến Phương diện quân Byelorussia 2, một nữ quân nhân trẻ điều khiển giao thông tên là Lydia chạy tới buồng lái của một chiếc xe đang làm tắc đường. Cô gào lên những lời tục tĩu với tài xế nhưng chẳng ăn thua gì. Tay lái xe cũng chửi lại cô với những lời tục tĩu như vậy. Nhưng sau đó cô đã nhận được “viện binh” một cách đầy bất ngờ khi dáng vóc cao lớn ấn tượng của Nguyên soái Rokossovsky nhảy ra từ trong xe của ông ta, tức giận vung khẩu súng ngắn lên. Khi người lái xe nhìn thấy Nguyên soái, anh ta tê liệt vì sợ hãi theo đúng nghĩa đen. Viên sĩ quan chỉ huy của anh ta bị mất bình tĩnh hoàn toàn. Ông ta nhảy ra khỏi buồng lái và chạy vào bụi cây để trốn.

    Việc các lực lượng Liên Xô tiến vào lãnh thổ Đức có nghĩa là kế hoạch của Stalin buộc người dân Đức lao động cưỡng bức tại Liên Xô đã được tiến hành. Vào ngày 6 tháng 2 một mệnh lệnh được ban hành để ‘huy động tất cả thường dân Đức đủ khả năng lao động trong độ tuổi 17-50 để thành lập các tiểu đoàn lao động từ 1,000 đến 1,200 người và đưa tới Belorussia và Ukraine để khôi phục thiệt hại do chiến tranh’. Thường dân Đức được huy động được yêu cầu có mặt tại các điểm tập trung, mặc đồ ấm và đi giày ủng tốt. Họ cũng phải mang theo chăn nệm, đồ lót dự trữ và hai tuần thực phẩm. Do các binh lính Volkssturm đã được đưa đến các trại tù binh, NKVD chỉ có thể huy động được 68.680 lao động cưỡng bức người Đức vào ngày 09 tháng 3, phần lớn ở phía sau khu vực hậu tuyến của Phương diện quân Zhukov và Konev. Một tỷ lệ lớn là phụ nữ. Lúc đầu, nhiều cái gọi là ‘tiểu đoàn lao động’ đã được sử dụng tại địa phương để dọn dẹp các đống đổ nát và hỗ trợ Hồng quân. Binh lính Liên Xô đối xử với thường dân Đức bị cưỡng bức lao động với một sự hả hê khoái trá mãnh liệt. Agranenko thấy một hạ sĩ Hồng quân tập hợp một đội ngũ đàn ông và phụ nữ Đức theo 4 hàng. Anh ta gầm lên bằng tiếng Đức bồi, `Đến Siberia, mẹ kiếp chúng mày!’

    Đến ngày 10 tháng Tư, số lượng lao động cưỡng bức đưa đến Liên Xô gia tăng nhanh chóng, với 59,536 người được đưa đến các vùng phía tây, chủ yếu là tây Ukraina.
    --- Gộp bài viết: 25/06/2015, Bài cũ từ: 25/06/2015 ---
    Ôi thần linh ơi! Topic sao hoang vắng qúa! Cứ như là 'mặt trời trắng trên sa mạc'. Chắc do nội dung nói nhiều về chính trị nên khô khan quá chăng!!!
  4. vacbay03

    vacbay03 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    07/08/2007
    Bài viết:
    329
    Đã được thích:
    859
    Mặc dù số lượng vẫn còn ít so kế hoạch của Stalin, những gì họ phải chịu đựng ít nhất cũng giống như thường dân Liên Xô bị quân đội Wehrmacht đối xử trước đây. Đối với phụ nữ thì đặc biệt kinh khủng. Nhiều người đã bị buộc phải để con ở lại với người thân hoặc bạn bè. Trong một số trường hợp thậm chí họ còn bị buộc phải từ bỏ chúng hoàn toàn. Cuộc sống của họ không chỉ đơn giản là công việc lao động nặng nhọc, mà họ còn bị lính gác cưỡng hiếp tuỳ tiện, với hậu quả là bị nhiễm trùng sinh dục. 20,000 người khác được bố trí công việc tháo dỡ các nhà máy của Silesia.

    Stalin có thể mô tả các trung đoàn NKVD với Tướng Bull là họ làm công việc của ‘cảnh sát’, nhưng vấn đề nổi bật là họ can thiệp rất ít để ngăn chặn nạn cướp bóc, hãm hiếp và giết dân thường tuỳ tiện. Chỉ có một ví dụ về sự can thiệp trong các báo cáo của họ. Vào tháng Tư, một nhóm binh sĩ thuộc Trung đoàn Biên phòng 217 NKVD đã bắt giữ năm binh sĩ Hồng quân vì đã đột nhập vào một `ký túc xá của phụ nữ Ba Lan hồi hương’.

    Việc các lực lượng NKVD đã làm rất ít để bảo vệ thường dân thoát khỏi bạo lực dưới mọi hình thức được gián tiếp tiết lộ trong báo cáo của chỉ huy của họ lên Beria. Ngày 08 Tháng Ba, Serov, đại diện NKVD tại Phương diện quân Byelorussia, báo cáo về làn sóng tự sát vẫn đang tiếp diễn. Vào tháng 3, hai tháng sau khi cuộc tấn công của Chernyakhovsky bắt đầu, chỉ huy NKVD ở miền bắc Đông Phổ báo cáo cho Beria `các vụ tự sát của thường dân Đức, đặc biệt là phụ nữ, đang ngày càng trở nên phổ biến hơn.’ Đối với những người không có một khẩu súng lục hoặc chất độc, hầu hết các vụ tự tử là treo cổ trên gác mái với dây cột lên xà nhà. Một số phụ nữ, không thể tự mình treo cổ những đứa con, đã cắt cổ tay của chúng trước, sau đó đến lượt họ.

    Các trung đoàn NKVD không trừng phạt những người lính của mình vì tội hãm hiếp, họ chỉ bị trừng phạt nếu họ bị nhiễm bệnh hoa liễu từ các nạn nhân, người đã bị lây bệnh hoa liễu từ một kẻ cưỡng hiếp trước đó. Bản thân việc cưỡng hiếp, theo lối nói của những Stalinist điển hình, được gọi là một ‘sự kiện vô đạo đức`. Điều thú vị là các nhà sử học Nga hiện nay vẫn còn sử dụng lối nói lảng tránh này. `Hiện tượng tiêu cực trong một đội quân giải phóng,’ khi nói về chủ đề cưỡng hiếp hàng loạt, một người đã viết, `gây thiệt hại đáng kể cho uy tín của Liên Xô và các lực lượng vũ trang và có thể có ảnh hưởng tiêu cực trong mối quan hệ tương lai với các nước mà quân đội của chúng ta đã đi qua."

    Câu nói này cũng gián tiếp thừa nhận rằng có rất nhiều trường hợp cưỡng hiếp tại Ba Lan. Nhưng gây sốc hơn nữa là từ quan điểm của một người Nga cho rằng thực tế các sĩ quan Hồng quân và binh sĩ cũng đã cưỡng hiếp phụ nữ và thiếu nữ người Ukraina, Nga và Bêlarút bị bắt đi cưỡng bức lao động tại Đức và được giải thoát khi Hồng quân tiến vào. Nhiều thiếu nữ ở độ tuổi mười sáu khi bị đưa đến Đức, một số chỉ mới mười bốn. Việc cưỡng hiếp phụ nữ Liên Xô bị bắt sang Đức đã phá bỏ hoàn toàn bất kỳ biện minh nào về các hành vi của Hồng quân, là để trả thù cho sự tàn bạo của người Đức đã gây ra ở Liên Xô. Bằng chứng cho điều này là chắc chắn không bị hạn chế theo những cuốn sổ ghi chép chưa được công bố của Vasily Grossman. Một báo cáo chi tiết còn đi xa hơn nữa.

    Vào tháng Ba, Trung ương Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Komsomol đã thông báo đến Malenkov người phụ tá của Stalin về một báo cáo từ Phương diện quân Ukraina 1. `Văn bản này nói về những người trẻ tuổi bị bắt sang Đức và được Hồng quân giải phóng. Tsygankov [Phó phòng chính trị Phương diện quân Ukraina 1] thuật lại nhiều sự kiện bất thường có ảnh hưởng đến niềm hạnh phúc lớn lao của Công dân Liên Xô khi giải phóng khỏi chế độ nô lệ của Đức. Những người trẻ tuổi thể hiện lòng biết ơn của họ đối với đồng chí Stalin và Hồng quân đã giải thoát họ.'

    `Vào đêm 24 tháng 2,' Tsygankov báo cáo một vụ đầu tiên trong nhiều vụ đã xảy ra, `một nhóm ba mươi lăm Trung uý và chỉ huy tiểu đoàn của họ đi vào khu nhà ở tập thể của phụ nữ trong làng Grutenberg, mười cây số về phía đông của Els, và hãm hiếp họ.’ Ba ngày sau, `một Thượng uý xe tăng không rõ danh tính cưỡi ngựa đến chỗ các phụ nữ đang thu thập hạt giống. Hắn ta xuống ngựa và nói chuyện với một cô gái đến từ vùng Dnepropetrovsk tên là Anna Gritsenko,. "Cô từ đâu đến?" hắn hỏi. Cô ấy trả lời viên Thượng uý này. Hắn ra lệnh cho cô đến gần hơn. Cô từ chối. Vì vậy, hắn rút súng và bắn cô ta nhưng không chết. Nhiều vụ việc tương tự đã diễn ra."

    `Tại thị trấn Bunslau, có hơn 100 phụ nữ và thiếu nữ ở trụ sở chính. Họ sống trong một tòa nhà riêng biệt không xa kommandantur, nhưng không có an ninh ở đó và vì điều này, đã có nhiều hành vi xúc phạm thậm chí cưỡng hiếp những phụ nữ sống trong khu nhà ở tập thể này bởi các binh sĩ khác nhau, những kẻ đột nhập khu nhà ở tập thể vào ban đêm và khủng bố phụ nữ. Đêm khuya ngày 5 tháng Ba, 60 sĩ quan và binh sĩ tiến vào, chủ yếu từ Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 3. Hầu hết trong số họ đã say khướt, họ tấn công và xúc phạm phụ nữ và thiếu nữ. Mặc dù họ được lệnh của chỉ huy rời khỏi khu nhà ở tập thể, một nhóm lính lái tăng dùng súng đe dọa anh ta và gây ra một vụ ẩu đả ... Đây không phải là sự cố duy nhất. Nó xảy ra mỗi đêm và vì vậy, những người ở Bunslau sợ hãi và mất tinh thần và nhiều người bất mãn. Một trong số họ, Maria Shapoval, cho biết, ‘Tôi đã chờ đợi Hồng quân ngày và đêm. Tôi đợi họ đến giải phóng, và bây giờ những người lính của chúng ta đối xử với chúng tôi còn tồi tệ hơn quân Đức. Tôi không hạnh phúc khi được sống sót.’ `Rất khó để ở lại với người Đức,' Klavdia Malaschenko nói, 'nhưng bây giờ tôi rất đau khổ. Đây không phải là giải phóng. Họ đối xử với chúng tôi một cách kinh khủng. Họ đã làm những điều khủng khiếp với chúng tôi.’

    `Có rất nhiều trường hợp xúc phạm họ,‘ Tsygankov tiếp tục, `vào đêm 14-15 Tháng hai, tại một trong những ngôi làng đang chăn giữ gia súc, một đại đội do một Thượng uý chỉ huy đã bao vây ngôi làng và bắn chết những người lính Hồng quân đang canh gác. Bọn chúng đi đến khu nhà ở tập thể của phụ nữ và bắt đầu cưỡng hiếp tập thể có tổ chức những người phụ nữ vừa mới được giải phóng bởi Hồng quân.' `Ngoài ra còn có nhiều vi phạm của sĩ quan đối với phụ nữ, ba sĩ quan vào ngày 26 Tháng hai bước vào kho đựng bánh mì của khu nhà ở tập thể, và khi Thiếu tá Soloviev (chỉ huy) cản họ lại, một trong số họ, một thiếu tá, cho biết, "Tôi vừa mới đến từ mặt trận và tôi cần một người phụ nữ." Sau đó hắn ta đã làm những trò đồi bại trong khu nhà ở tập thể."

    `Lantsova, Vera, sinh năm 1926, bị hãm hiếp hai lần - lần đầu tiên khi các đội quân tiên phong tiến vào lãnh thổ Đức , và lần thứ hai ngày 14 tháng 2 bởi một người lính. Từ 15-22 tháng hai, Trung uý Isaev A.A. buộc cô ngủ với anh ta bằng cách đánh đập cô và đe doạ cô rằng hắn sẽ bắn cô ấy. Một số sĩ quan, trung sĩ, binh sĩ nói với các phụ nữ được gỉai phóng rằng, "Có một mệnh lệnh không cho phép các cô trở về Liên Xô, và nếu họ cho phép một số người trở lại, các cô sẽ sống ở phía bắc" [tức là trong các trại Gulag]. Vì những cách hành xử như vậy với phụ nữ và thiếu nữ, nhiều phụ nữ nghĩ rằng đối với Hồng quân và tại đất nước họ, họ không được đối xử như công dân Liên Xô và họ có thể phải chịu đựng bất cứ điều gì - giết chóc, hãm hiếp, đánh đập và rằng họ sẽ không được phép trở về nhà.'

    Quan điểm cho rằng phụ nữ và thiếu nữ Liên Xô bị bắt làm lao động cưỡng bức ở Đức `đã bán mình cho bọn Đức" rất phổ biến trong Hồng quân, nó là một phần của việc giải thích lý do tại sao họ bị đối xử rất hà khắc. Phụ nữ trẻ, những người đã bằng cách nào đó sống sót được dưới ách chiếm đóng của Wehrmacht được gọi là `búp bê Đức.’

    Thậm chí có cả một bài hát của một phi công về họ:

    Những cô gái trẻ đang mỉm cười với người Đức
    Đã quên đi những chàng trai của họ...
    Khi mọi thứ trở nên khó khăn, bạn quên những con chim ưng của bạn (falcons?)
    Và bán mình cho bọn Đức để đổi lấy một mẩu bánh mì.

    Khó xác định nguồn gốc của giả định này về những người phụ nữ hợp tác với kẻ thù. Nó không được đưa ra từ quan điểm của các sĩ quan chính trị thời điểm cuối năm 1944 hoặc đầu năm 1945, nhưng có vẻ như một quan điểm chung đã được chính quyền khuyến khích trước đó rằng, bất kỳ công dân Xô Viết nào bị đưa đến Đức, như là một tù binh chiến tranh hay như một người lao động cưỡng bức, đã có sự mặc nhiên đồng ý của họ vì họ đã không tự sát hoặc không `tham gia vào du kích'. Quan niệm `danh dự, nhân phẩm của phụ nữ Liên Xô" chỉ dành cho các phụ nữ trẻ phục vụ trong Hồng quân hoặc các ngành công nghiệp chiến tranh. Nhưng nó có lẽ là quan trọng, theo một nữ sĩ quan, nữ quân nhân trong Hồng quân bắt đầu bị đối xử tồi tệ bởi nam quân nhân từ thời điểm quân đội Liên Xô tiến vào lãnh thổ nước ngoài.

    Khiếu nại chính thức với một sĩ quan cấp cao về việc bị cưỡng hiếp là còn tồi tệ hơn cả sự vô ích. `Ví dụ, Eva Shtul, sinh năm 1926, nói: "Cha tôi và hai anh tôi gia nhập Hồng quân thời kỳ đầu chiến tranh. Ngay khi bọn Đức đến, tôi bị bắt đưa sang Đức. Tôi đã làm việc trong một nhà máy ở đây. Tôi đã khóc và chờ ngày giải phóng. Ngay sau khi Hồng quân đến, những binh sĩ Hồng quân đã làm nhục tôi. Tôi đã khóc và kể với viên sĩ quan cao cấp về anh em của tôi trong Hồng quân, ông ta đã đánh và cưỡng hiếp tôi. Sẽ tốt hơn nếu ông ta giết tôi."

    `Tất cả những chuyện này," Tsygankov kết luận, `đã tạo ra một mảnh đất màu mỡ cho tâm trạng không lành mạnh, tiêu cực sinh sôi nảy nở của các công dân Liên Xô được giải thoát, nó gây ra sự bất mãn và mất niềm tin trước khi họ trở về đất mẹ." Kiến nghị của ông, tuy nhiên, không tập trung vào việc thắt chặt kỷ luật của Hồng quân. Thay vào đó ông đề nghị, bộ phận chính trị của Hồng quân và Komsomol nên tập trung vào việc`cải thiện công tác chính trị và văn hóa với công dân Liên Xô hồi hương' để họ không trở về nhà với những ý tưởng tiêu cực về Hồng quân.

    Đến ngày15 tháng Hai, riêng Phương diện quân Ukraina 1 đã giải phóng 49,500 Công dân Liên Xô và 8,868 người nước ngoài bị cưỡng bức lao động ở Đức, chủ yếu là ở Silesia. Nhưng nó chỉ chiếm một tỷ lệ phần trăm nhỏ trong tổng số. Chỉ hơn một tuần sau đó, chính quyền Xô Viết ở Moscow ước tính rằng họ cần chuẩn bị để tiếp nhận và xử lý tổng cộng 4 triệu cựu binh sĩ Hồng quân và thường dân bị trục xuất.

    Ưu tiên hàng đầu không phải là chăm sóc y tế cho những người phải chịu đựng sự khủng khiếp trong các trại tập trung Đức, mà là quá trình sàng lọc để loại bỏ kẻ phản bội. Ưu tiên thứ hai là cải tạo lại về mặt tư tưởng chính trị cho những người đã bị “nhiễm độc” các yếu tố nước ngoài. Cả Phương diện quân Byelorussia 1 và Ukraina 1 đã ra lệnh thành lập ba trại tập trung và quá cảnh tốt ở khu vực hậu phương của họ tại Ba Lan. Các đội phụ trách công tác cải tạo tư tưởng đều có một đơn vị chiếu phim lưu động, một radio với loa phóng thanh, hai đàn accordion, một thư viện 20.000 cuốn sách tài liệu nhỏ về Đảng Cộng Sản, bốn mươi mét vải đỏ để trang trí và một bộ các bức chân dung của đồng chí Stalin.
    hk111333, danngoc, Fearless3 người khác thích bài này.
  5. huytop

    huytop Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    16/11/2014
    Bài viết:
    1.406
    Đã được thích:
    5.927
    Hay quá Bác ạ...
  6. vacbay03

    vacbay03 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    07/08/2007
    Bài viết:
    329
    Đã được thích:
    859
    Solzhenitsyn đã viết về những tù binh được giải phóng, với những cái đầu cúi gằm khi bước đi. Họ sợ bị trừng phạt chỉ đơn giản là vì đã đầu hàng. Nhưng nhu cầu cần quân tiếp viện lớn đến nỗi phần lớn đã được gửi đến các trung đoàn dự bị để cải tạo và huấn luyện lại, để họ sẵn sàng cho cuộc tấn công cuối cùng vào Berlin. Điều này, tuy nhiên, chỉ là một sự trì hoãn tạm thời. Môt sự sàng lọc khác sẽ đến khi cuộc chiến đã qua, và ngay cả những người đã chiến đấu anh dũng trong trận đánh Berlin cũng không tránh khỏi bị gửi đến các trại tập trung sau đó.

    Nhu cầu cấp thiết của Hồng quân về việc cần nhiều `những miếng mồi sống cho đạn pháo' hơn có nghĩa là những người lao động cưỡng bức trước đây không hề trải qua bất kỳ sự huấn luyện quân sự nào cũng bị gọi nhập ngũ ngay tại chỗ. Và hầu hết những người ở vùng `tây Belorussia’ và `tây Ukraine', các vùng bị Stalin chiếm vào năm 1939 vẫn coi mình là người Ba Lan. Nhưng họ có rất ít sự lựa chọn trong vấn đề này. Một khi họ đến trại sàng lọc, các tù binh Liên Xô được giải phóng có nhiều câu hỏi. `Họ sẽ ra sao? Liệu họ có đầy đủ quyền công dân khi trở về Nga? Họ sẽ bị trừng phạt theo một kiểu nào đó? Họ sẽ bị đưa đến trại tập trung?'. Một lần nữa, chính quyền Xô Viết không thừa nhận rằng đây là những câu hỏi thích hợp. Họ ngay lập tức cho là `tuyên truyền phát xít, bởi vì người Đức sợ người của chúng ta ở Đức và tuyên truyền dối trá này đã được gia tăng vào cuối cuộc chiến'.

    Những người làm công tác chính trị ở các trại đã có những buổi nói chuyện, chủ yếu là về những chiến thắng của Hồng quân và những thành tích của vùng hậu phương Liên Xô, và về các Lãnh tụ Đảng, đặc biệt là đồng chí Stalin. ‘Họ cũng được cho xem các bộ phim Xô Viết," trưởng phòng chính trị của Phương diện quân Ukraina 1 báo cáo. `Họ rất thích các bộ phim, họ khóc và hô "Hurra!" rất thường xuyên, đặc biệt là khi Stalin xuất hiện, và Hồng quân muôn năm". Và sau chương trình chiếu phim họ đi khỏi chỗ đó và khóc trong hạnh phúc.‘ Trong số những người đã được giải phóng chỉ có một vài người đã phản bội quê hương. 'Trong trại sàng lọc ở Krakow, chỉ có bốn người đã bị bắt giữ như những kẻ phản bội trong tổng số bốn mươi người tình nghi.' Tuy nhiên, những con số này sẽ tăng lên rất nhiều sau đó

    Có những câu chuyện, mà rất khó để biết mức độ thật của chúng, rằng những công dân Liên Xô bị buộc lao động cưỡng bức tại Đức đã bị xử bắn ngay sau khi giải thoát mà không có bất kỳ cuộc điều tra nào. Ví dụ, quân đội Thụy Điển nghe nói rằng sau khi chiếm đóng Oppeln ở Silesia, khoảng 250 người bị gọi đến dự một cuộc họp chính trị. Ngay sau đó, họ bị Hồng quân hoặc quân NKVD dồn lại, có ai đó hét lên với họ rằng tại sao họ lại không trở thành du kích, sau đó những người lính nổ súng.

    Thuật ngữ `Kẻ phản bội của Đất mẹ" (traitor of the Mother land) không chỉ bao gồm những người lính được quân Đức tuyển mộ từ các trại tù binh. Nó còn bao gồm những binh sĩ Hồng quân bị bắt vào năm 1941, một số người bị thương nặng đã không thể chiến đấu đến cùng. Solzhenitsyn lập luận rằng trong trường hợp của họ, cụm từ 'Kẻ phản bội của Đất mẹ", chứ không phải là `Kẻ phản bội lại Đất mẹ" (traitor to the Mother land) là một lỗi sơ sót đáng kể của những người theo chủ nghĩa của Freud. ‘Họ không phải là kẻ phản bội Tổ quốc, mà đối với Tổ quốc, họ là những kẻ phản bội. Đó không phải là họ, những người bất hạnh, những người được cho là đã phản bội Tổ quốc, nhưng trong suy nghĩ của họ, Tổ quốc đã phản bội họ’. Nhà nước Xô Viết đã phản bội họ thông qua việc thiếu năng lực và thiếu chuẩn bị trong năm 1941, sau đó từ chối thừa nhận số phận khủng khiếp của họ trong các trại tù của Đức.

    Và sự phản bội cuối cùng đã đến khi họ được khuyến khích để tin rằng họ đã chuộc tội bằng cách chiến đấu dũng cảm trong những tuần cuối cùng của cuộc chiến, và lại bị bắt sau khi cuộc chiến đã kết thúc. Solzhenitsyn cảm thấy hành động `phản bội những người lính của mình và tuyên bố họ là những kẻ phản bội," là hành động ngu xuẩn nhất trong lịch sử Nga

    Một số binh sĩ Hồng quân, cho dù là tù binh hoặc những người may mắn không bao giờ bị bắt, không bao giờ tha thứ cho những kẻ đã mặc quân phục của Đức trong bất cứ trường hợp nào. Các thành viên ROA của Vlasov, được gọi là Vlasovtsy (quân của Vlasov), lính tình nguyện SS, lính gác trại người Ukraina và người Caucase, quân đoàn kỵ binh Cossack của tướng Von Pannwitz, cảnh sát, các phân đội an ninh chống du kích, và thậm chí cả những người bất hạnh `Hiwis '(từ đầy đủ là Hilfsfreiwilhge hoặc lao động tình nguyện), tất cả đều bị trừng phạt nghiêm khắc như nhau. Ước tính có khoảng 1-1,5 triệu người thuộc các loại này. Hồng Quân khẳng định rằng có hơn một triệu Hiwis phục vụ trong quân đội Đức. Những kẻ bị bắt hoặc tự nguyện đầu hàng, thường bị bắn tại chỗ hoặc ngay sau đó. `Lính của Vlasov và các đồng bọn khác trong quân đội Đức Quốc xã thường bị bắn tại chỗ," theo các tài liệu lịch sử chính thức mới nhất của Nga. Điều này không có gì ngạc nhiên, điều lệ chiến đấu của bộ binh Hồng quân yêu cầu mỗi người lính phải "tàn nhẫn với tất cả kẻ đào ngũ và những kẻ phản bội Tổ quốc".' Nó cũng còn là một vấn đề danh dự về dân tộc hay nơi sinh sống. Binh sĩ cùng dân tộc hoặc nơi sinh sống của kẻ phản bội được giao nhiệm vụ trừng phạt: 'Một binh sĩ ở Orel giết chết một kẻ phản bội ở Orel và người Uzbekistan giết chết một kẻ phản bội Uzbek.'

    Điều dễ hiểu là các lực lượng NKVD rất tàn nhẫn khi truy lùng những người Ukraine, người Caucase làm lính gác trại, nơi bọn chúng thường xuyên chứng tỏ sự tàn bạo còn hơn lính Đức. Tuy nhiên, thực tế là tù binh Hồng quân cũng bị đối xử cùng một kiểu với những kẻ mặc quân phục của kẻ thù. Điều này là một phần trong cách hành xử có hệ thống của NKVD. Các trung đoàn NKVD thuộc Phương diện quân Byelorussia 2 đã được chỉ thị `phải có một sự đối xử duy nhất đối với tất cả các loại tù nhân". Đào ngũ , cướp bóc và tù binh bị đối xử cùng một cách như ‘những kẻ đã phản bội đất nước của chúng ta".

    Trong khi rất khó để có bất cứ sự thông cảm nào cho bọn lính gác trại, đại đa số các Hiwis bị cưỡng ép gia nhập một cách thô bạo hoặc bị bỏ đói. Giữa hai loại người này, là những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc phục vụ trong lực lượng SS hoặc các đơn vị quân đội Đức, cho dù là người Ukraina, Baltic, Cossacks hoặc Caucase, tất cả đều căm ghét chế độ Sô Viết, cai trị từ Moscow. Một số binh lính Vlasov đã không hối hận về việc gia nhập hàng ngũ kẻ thù vì họ không tha thứ cho việc các sĩ quan quân đội Hồng quân và các đội chặn hậu đã hành quyết bạn bè của họ một cách độc đoán trong năm 1941 và năm 1942. Những người khác vốn là nông dân, những người căm ghét công cuộc tập thể hoá. Tuy nhiên, nhiều người trong số những người lính Vlasov và Hiwis thường cực kỳ ngây thơ và thiếu thông tin. Một thông dịch viên người Nga trong một trại tù binh Đức kể lại, tại một cuộc họp tuyên truyền để tuyển mộ lính tình nguyện cho quân đội của Vlasov, một tù binh Nga đưa tay lên và nói: `đồng chí Chủ toạ , chúng tôi muốn biết có bao nhiêu thuốc lá được phát mỗi ngày trong quân đội Vlasov?.' Rõ ràng với nhiều người, một đội quân chỉ là một đội quân. Có gì khác biệt khi bạn mặc quân phục nào, đặc biệt là nếu bạn được cho ăn , thay vì bị bỏ đói và bị ngược đãi trong trại ? Tất cả những người đi theo con đường đó đã phải chịu đựng hậu quả nhiều hơn so với những gì họ có thể tưởng tượng. Ngay cả những người đã sống sót sau mười lăm hay hai mươi năm trong các trại tù Gulag sau chiến tranh vẫn còn bị đánh dấu trong sổ đen. Những người được cho là đã hợp tác với kẻ thù không được phục hồi quyền công dân cho đến năm 1995, năm kỷ niệm chiến thắng lần thứ năm mươi.
    hk111333, danngoc, caonam_vOz2 người khác thích bài này.
  7. hunterxmn

    hunterxmn Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    29/12/2006
    Bài viết:
    476
    Đã được thích:
    1.100
    Mấy topic này mọi người thường đọc chứ ít bình luận bác à. Vì tránh làm loãng topic cũng như nhảy trang liên tục gây khó khăn cho việc theo dõi.
    Bác làm đi rồi mọi người vào bàn xôm ngay mà, có mấy chỗ em nghĩ cần chỉnh nhưng đợi bác post xong cái đã.
    huytop thích bài này.
  8. ktn_208

    ktn_208 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    13/10/2006
    Bài viết:
    14
    Đã được thích:
    1
    Rất ủng hộ các bác dịch hồi ký về chiến tranh, lâu lắm rùi sau Bác danngoc và mod Maseo dịch các Hồi ký Hồng quân nay mới có cái để ngâm cứu về lịch sử chiến tranh thế giới thứ 2 . Cảm ơn Bác chủ thớt nhiều nhiều.
    huytop thích bài này.
  9. maseo

    maseo GDQP - KTQSNN Moderator

    Tham gia ngày:
    22/12/2004
    Bài viết:
    3.125
    Đã được thích:
    320
    Các topic kiểu này sẽ tồn tại cực kỳ lâu, sau 1 vài năm nữa người đọc sẽ thấy những lời bàn luận hầu như vô giá trị, thậm chí còn làm đứt mạch chuyện đang hay. Thế nên nhà em cũng ko dám nói nhiều, chỉ cám ơn bác đã dịch cho anh em đọc.

    Chào thân ái và quyết thắng!
    thanhVNW, huytopFearless thích bài này.
  10. huytop

    huytop Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    16/11/2014
    Bài viết:
    1.406
    Đã được thích:
    5.927
    Rất cám ơn anh Vacbay03 nhé

Chia sẻ trang này