1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

The fall of Japan - Đế quốc Nhật dẫy chết

Chủ đề trong 'Kỹ thuật quân sự nước ngoài' bởi huytop, 25/06/2015.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. huytop

    huytop Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    16/11/2014
    Bài viết:
    1.406
    Đã được thích:
    5.927
    VII. TRUYỆN DƯỚI HẦM




    Mười một người nhóm phiên họp bất thường quanh chiếc bàn dài trên phủ khăn. Phòng họp chỉ dài chừng mười thước, rộng chừng năm thước, trần lát những tấm thép và bốn bề tường lát gỗ mầu thẫm.Điểm đặc biệt trong phiên họp buổi tối hôm đó là căn phòng không có quạt. Trong cái oi nồng của tháng Tám, những nhân vật tham dự phiên họp bận đầy đủ áo quần theo nghi lễ chính thức nên người nào cũng vã mồ hôi.

    Trong số mười một người có bốn viên phụ tá và thư ký. Một người là khách. Những người kia là sáu tay tổ thuộc «siêu nội các» Nhật, chính thức gọi là Hội Đồng Tối Cao Chỉ Đạo Chiến Tranh. Sáu tay tổ đó gồm có bốn nhân viên nội các và hai tham mưu trưởng. Họ có quyền hoạch định chính sách quốc gia có ảnh hưởng đến số phận của trên tám chục triệu công đân của Đế Quốc Nhật Bản.

    «Siêu nội các» Nhật trong những tháng hè 1945 phải hoạt động một cách hết sức thận trọng vì lẽ thực quyền ở Nhật đã từ lâu thuộc quyền bộ tham mưu lục quân và hải quân. Quốc hội Nhật chỉ còn là một cơ quan trang trí. Hội Đồng Cố Vấn Hoàng Cung chỉ sau khi lật đổ được Tojo vào năm 1944 mới dám thực hiện áp lực nhằm chuyển đổi tình thế. Nội các Nhật tuy rập theo khuôn mẫu nội các Hoa Kỳ và Anh, nhưng chỉ là một cơ quan thừa hành, mọi quyết định quan trọng đều ở trong tay phe quân phiệt.

    Bên trên cơ cấu chính quyền Nhật ngự trị, Nhật Hoàng là người có quyền bày tỏ ý kiến, bộc lộ tình cảm nhưng theo truyền thống dân tộc, ông không được quyền ra lệnh cho thần dân. Ông cũng không có quyền phủ quyết. Thí dụ như trong phiên họp đặc biệt đêm nay ông chỉ có quyền đề nghị đường lối hành động cho những người nhóm họp trong căn hầm tránh bom.


    Trên danh nghĩa lãnh tụ của sáu tay tổ đó là Thủ tướng Suzuki, ngưòi anh hùng trong trận Nga Nhật chiến tranh hồi đầu thế kỷ và được toàn dân ngưỡng mộ. Trong trận chiến tranh đó ông đã chỉ huy một hải lực quyết tử, đánh bại hạm đội của Nga Hoàng ở ngoài khơi Tsushima. Với chiến công lẫy lừng đó, Suzuki trọn đời được hưởng một vị trí ưu thế trong đời sống xã hội chính trị ở Nhật. Bây giờ viên đô đốc tám mươi mốt tuổi nắm giữ chức vụ cao nhấtmà dân tộcNhật có thể dành cho một công dân. Tuy được trọng vọng nhưng Suzuki thường hay làm cho một số phải ngạc nhiên trước những lời tuyên bố mâu thuẫn về đường lối lãnh đạo chiến tranh. Một hôm ông tuyên bố sẽ theo đuổi chiếntranh đến kỳ cùng. Nhưng ở một hôm khác, ông vẫn có thể tuyên bố ông ủng hộ phe chủ hòa và sẽ vận động nhằm chấm dứt chiến cuộc.

    Dân Nhật thường rất khoái những chiến thuật quanh co. Nhưng những hành động của Suzukiđã làm cho những người tin cẩn nhất của ông phải lấy làm khó hiểu. Một vài người thì thầm: những hành động bất nhất đó có nguồn gốc ở cái tuổi già. Bị điếc một bên tai, Suzuki thường lim dim mắt trong những buổi họp. Ông thường bỏ sót những điềm bàn cãi và có khuynh hưómg để cho kẻ khác nổi bật trong ánh sáng.Ông bằng lòng với cái bóng mập mờ buổi hoàng hôn một cuộc đời kéo dài hơn người thường. Tuy rất ưa thích xì-gà nhưng từ ít lâu nay mỗi ngày ông hạn chế chỉ hút có hai điếu. Ông muốn ngồi và ngồi một mình, đọc những sách Lão Trang, bên cạnh ly rượu saké. Rượu cũng là cái thú của ông, nhưng mỗi ngày ông chỉcho phép mình được uống năm ly. Bộ mặl nhăn nheo, có hàng ria mép và đôi tai lớn quá cỡ luôn luôn tươi cười trong mọi cuộc tiếp xúc. Ngay cả những người kịch liệt phản đối chính sách của ông cũng vẫn mến trọng ông. Có thể nói: Thủ tướng Suzuki là nhân vật độc nhất trongchính phủ không có kẻ thù cá nhân.


    Đã thế mà Suzuki vẫn lo có thể bị ám sát. Kinh nghiệm bản thân cho ông biết thế nào là sự cuồng tín của giới quân phiệt. Mới chín năm về trước vào ngày 26 tháng Hai 1936. Một nhóm binh sĩ nổi cơn hung giết chóc. Bị bắn ba lần, Suzuki thiếu chút nữa đã mất mạng. Tâm hồn ông, cũng như cơ thể ông bây giờ còn mang những vết thẹo của vụ bạo động. Mùa hè 1945, chứng kiến sự suy xụp của đế quốc thân yêu và theo chỉ thị của Nhật Hoàng tìm cách chấm dứt chiến cuộc, Thủ tướng Suzuki hành động một cách vô hiệu quả. Trong những cuộc bàn cãi nước sôi lửa bỏng diễn ra trên thượng tầng chính trị ông luôn luôn do dự, tự mâu thuẫn, dò dẫm bước trong mặt trận của phe quân phiệt. Ông muốn đầu hàng, nhưng ông biết nếu sớm để lộ ý định đó chắc chắn ông sẽ bị giết. Ông không cần đến vụ Nagasaki mới hiểu rằng: tiếp tục chiến tranh là điều vô ích, sang ngày Hồng Quân Nga vượt qua biên giới tấn công vào Mãn Châu, Suzuki phải thốt nên lời: «Trò chơi thế là xong». Đã đến lúc ông phải xuất hiện bộ mặt thật và đem đất nước ông ra khỏi «trò chơi»máu lửa.

    Ngồi cạnh Suzuki trong căn hầm tránh bom của Nhật Hoàng là ngoại trường Togo, 63 tuổi, ủng hộ lập trường đầu hàng. Tuy sau này bị Đồng Minh liệt vào thành phần phạm nhân chiến tranh vì ông là ngoại trưởng khi xẩy ra vụ Trân Châu Cảng, nhưng Togo bây giờ lại đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực đem nước Nhật ra khỏi chiến tranh. Togo nổi tiếng là một nhà trí thức tài hoa và thường không dùng đến tình cảm trong những cuộc tiếp xúc hàng ngày. Ông có tính dộc đoán, khinh ra mặt những ai có ý kiến khácvới mình, và hay có luận điệu đanh ác những lúc ông nổi nóng. Cái bộ mặt hòa nhã của ông che dấu một bản ngã đơn độc, chua chát thường làm cho bè bạn phải khó chịu, và kẻ thù phải uất hận

    Năm 1942 vì xung đột với phe quân phiệt, ông Togo phải về vườn và tiếp tục sống ẩn dật cho đến khi Suzuki được trao trọng trách lập chính phủ. Theo lời yêu cầu của Hội Đồng Cố Vấn Hoàng Cung, ông lại trở lại tham chính và lại giữ chức ngoại trưởng. Ông chỉ trở lại sau khi được Hội Đồng cam kết là Suzuki chủ trương chấm dứt chiến tranh sớm chừng nào hay chừng dó. Cũng như Suzuki, ông bị bắt buộc phải hành dộng một cách thận trọng để đề phòng sự chống đối của phe quân phiệt cuồng tín. ông cũng lo sợ cho mạng sống của mình trong cái mùa hè 1945 này.
    convitbuoc, hk111333, vacbay031 người khác thích bài này.
  2. huytop

    huytop Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    16/11/2014
    Bài viết:
    1.406
    Đã được thích:
    5.927
    Nhân vật thứ ba của phe chủ hòa là một quân nhân, tức đô đốc Yonai bộ trưỏng bộ hải quân. Từ gần hai mươi năm nay khuôn mặt đầy nắng gió phong sương của ông là một khuôn mặt quen thuộc trong giới lãnh đạo Nhật. Ở vào tuổi sáu mươi lăm, bộ trưởng hải quân Yonai một lần nữa lại cùng với bạn và thù ngồi vào bàn họp để tranh đấu cho hòa bình. Những đường nét trên mặt ông tố cáo ông là người thích rượu. Đã có thời được tiếng đẹp trai, đẹp lão nhưng bây giờ những thớ thịt trên mặt ông đã chảy dài, hai cục thịt nổi lên ở dưới mắt, nếp nhăn sâu chạy dài trên má, gân nổi lên ở mũi. Tuy nhiên Yonai vẫn giữ được nụ cười đầm ấm, nụ cười dường như tẩy xóa được hết mọi nét tàn tạ và làm cho người ta dễ xích lại gần ông.

    Đô đốc Yonai có rất nhiều kẻ thù trong giới quân phiệt bất mãn về thái độ chủ hòa của ông. Ở chức vụ Thủ tướng vào năm 1940, ông đã xung đột dữ dội với phe quân phiệt vì ông phản đối kịch liệt mọi liên minh với Đức Quốc Xã và Ý Phát Xít. Vì lẽ đó phe quân phiệt đã lật đổ ông và bắt buộc ông phải từ chức.

    Ông hết lời đả kích cuộc chiến tranh với Hoa Kỳ, và làm khó dễ rất nhiều khi quân lực Nhật khởi cuộc Nam tiến vào năm 1941. Bị gán cho danh hiệu thân Mỹ, ông bị đuổi về hưu. Trong gần ba năm ông bị bỏ quên, và trong bóng tối ông thấy hải quân Nhật sau những thắng lợi ban đầu, bị đánh bại ở khắp các mặt trận. Khi Togo bị lật đổ vào tháng Bảy 1944 ông được đưa trở lại danh sách hiện dịch và nắm giữ chức bộ trưởng hải quân trong chính phủ Koiso. Thực sự ông còn hơn thế nữa. Hội Đồng Cố Vấn Hoàng Cung đã phần nào át được phe quân phiệt, nên Yonai được coi là phụ tá của Thủ tướng, đứng sau lưng Koiso để tìm cách thay đổi chiều hướng tình thế. Khi Suzuki lên cầm quyền ông vẫn còn giữ chức vụ bộ trưởng hải quân trong chính phủ mới.

    Như đã kể trong vụ «Fujimura», đô đốc Yonai tiến những bước rất thận trọng tránh né cánh quá khích thuộc phe quân phiệt. Cũng như Suzuki và Togo ông rất lo sợ cho mạng sống. Cái chết phục sẵn trong trại binh, trong những câu lạc bộ sĩ quan, trong tim của những thanh niên không tài nào hiểu nổi tại sao Nhật lại có thể bại trận. Yonai cần phải chờ đợi đúng lúc, đúng thời có nghĩa là lúc cán cân đã nghiêng mạnh về phía ông, để hành động. Đêm hôm nay ông ngồi cạnh Suzuki, người chiến hữu ông tin cẩn từ xưa, và sẵn sàng hành động. Những biến cố trong mấy ngày qua, Hiroshima rồi Nagasaki rồi Nga khai chiến với Nhật, đã nghiêng đầu cán cân về phía ông.

    Liên kết nhau để chống lại bộ ba Togo, Yonai và Suzuki là ba ngưòi kia trong nhóm sáu tay tổ cùng họp thành «siêu nội các». Lãnh tụ của họ là tướng Anami, bộ trưởng bộ chiến tranh, phát ngôn viên của lục quân và là người nắm nhiều quyền uy nhất ở Nhật.

    Cách đây bốn tháng tướng Anami mới leo đến mức thượng đỉnh của đời quân nhân. Viên tướng năm mươi bảy tuổi đó được trao cho chức bộ trưởng bộ chiến tranh khi đô đốc Suzuki thành lập chính phủ.

    Tuy nhiên chức vụ mới đó không làm cho ông hài lòng vì bên dưới ông chỉ còn là những sự đổ nát của cả một đế quốc. Quân lực của ông tuy có hàng triệu người nhưng lâm tình trạng thế thủ. Mọi nguồn tiếp tế cho chiến tranh đã bắt đầu khô cạn. Trên chiến thuật, quân lực hoàng gia Nhật vẫn còn có thể đánh những đòn chiến cho địch phải kinh hồn táng đởm, nhưng trên chiến lược, Nhật Bản đã bại trận.

    Tuy nhiên tướng Anami vẫn còn có một hy vọng. Lực lượng của ông có thể làm đổ cả biển máu Hoa Kỳ ở vùng đổ bộ Kyushu hay Honshu và như vậy ông có thể đòi hỏi những điều kiện hòa binh có thể chấp nhận được.

    Tướng Anami nổi tiếng là một người gan lì, và cuộc đời quân nhân của ông phản ánh ý chí thành công cho bằng được. Khi còn là một thiếu niên, ông thi nhập học trường võ bị, bị đánh trượt bốn lần liền. Ông thi lần thứ năm và lần này ông được đậu. Sau khi mãn khóa ông phục vụ qua cuộc thế chiến thứ Nhất. Năm 1926, ông làm sĩ quan hầu cận cho Hirohito, một chức vụ được nhiều sĩ quan mơ tưởng. Là người thường lui tới hoàng cung, tướng Anami kết giao được với hầu tước Kido, sau này trở nên cố vấn tin cẩn nhất của Hirohito.

    Anami không thuộc nhóm quân phiệt cuồng tín đã tiếm quyền và lộng hành ở Mãn Châu. Thận trọng hơn, ông chọn con đường lưng chừng giữa những phe phái trong quân lực, và đã tránh được nhiều va chạm có hại cho sự tiến thân. Sau vụ Trân Châu Cảng, Anami làm tổng tư lệnh quân lực Nhật ở Nam Dương. Từ ở đây, con đường của ông dẫn ông trở về với những mưu đồ ở Đông Kinh. Khi chính phủ Koiso đổ, cả hai phe chủ hòa và chủ chiến đều thỏa thuận để ông tham dự chính phủ Suzuki với chức vụ bộ trưởng bộ chiến tranh.

    Anami có một cá tính tương đối nhạt nhẽo. So sánh với những quân nhân từng ngồi ở ghế này, thí dụ như Tojo, thì ông chỉ là một cái bóng mờ trong hàng ngũ quân đội. Có cái bề ngoài nghiêm chỉnh, Anami chỉ làm đỏm ở nét độc nhất là hàng ria mép cẳt tỉa rất cẩn thận. Mặt ông to, tròn nhưng thiếu vẻ uy dũng. Ông giữ gìn sức khoẻ vật chất và tinh thần bằng cách tập bắn cung, đánh kiếm, cũng là hai môn giải trí của ông.

    Đối với những sĩ quan trẻ phục vụ dưới quyền, tướng Anami có tác phong một người cha luôn luôn bình tĩnh. Đối với những phần tử chủ hòa trong nội các, ông là một người ngoan cố, có lập trường cứng rắn. Thường thường ông đồng ý ở điểm chính được đem ra thảo luận, sau đó ông nói đến những điểm phụ, lan man bất tận. Đó là con người bây giờ nẳm giữ quyền lãnh đạo lực lượng số một ở Nhật Bản, đó là quân lực. Ông lâm vào tình thế phải lựa chọn: hoặc vĩnh viễn giải giới và giải tán quân lực, hoặc phải chứng kiến quân lực bị đánh tan nát những đầu cầu đổ bộ. Cho đến lúc này vẫn chưa ai có thể thuyết phục được ông chấm dứt cuộc chiến. Ông đòi phải đánh một trận sống chết cuối cùng.
    convitbuoc, hk111333, vacbay032 người khác thích bài này.
  3. huytop

    huytop Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    16/11/2014
    Bài viết:
    1.406
    Đã được thích:
    5.927
    Viên tham mưu trưởng của ông ngồi kế bên, đó là tướng Umezu, coi có vẻ như một Mussolini đông phương, và là hiện thân quan niệm của quần chúng Hoa Kỳ về quân phiệt Nhật. Đầu cạo trọc, đôi mắt xếch ngược, dữ tợn, đôi môi dầy luôn luôn mím chặt khiến cho vẻ mặt ông lúc nào cũng dường như đang giận dữ.

    Tướng Umezu là một sản phẩm của quân đoàn Quan Đông nổi tiếng quá khích cuồng tín. Cũng như Tojo, tướng Umezu là một trong số những nhân vật chủ chốt gây sóng gió ở Mãn Châu và Hoa Lục từ năm 1931 đến năm 1940. Ông phần nào phải chịu trách nhiệm về thảm họa hiện nay của Nhật vì chính ông cùng với một số đồng chí đã đưa Nhật vào cuộc phiêu lưu liều lĩnh ở hải ngoại. Bây giờ đây, ông hiểu Nhật không tài nào tránh được bại trận, nhưng ông muốn những điều kiện hòa bình tốt đẹp hơn những điều kiện được đẻ ra trong bản tuyên ngôn Potsdam. Từ vành chiếc mũ lưỡi trai đến vòng sắt ở gót giầy bóng lộng, tướng Tham mưu trưởng Umezu là hiện thân tình trạng tiến thoái lưỡng nan của Nhật. Quân lực phải đạt được hòa bình trong danh dự, nếu không sẽ phải chiến đẩu đến cùng.

    Nhân vật thứ sáu trong Hội Đồng Chỉ Đạo Chiến Tranh hiện có mặt là đô đốc Toyoda, tham mưu trưởng hải quân. Dáng người gân guốc, mặt đây những lồi lõm, Toyoda mới được bộ trưởng hải quân Yonai chỉ định giữ chức vụ này. Đô đốc Toyoda là người cùng quê và cùng phe cánh với tướng Umezu. Yonai đã lầm khi ông tưởng rằng Toyoda thuộc thành phần chủ hòa. Ông lầm hơn nữa khi ông chỉ định Toyoda làm tham mưu trưởng với hy vọng Toyoda sẽ ảnh hưởng đến thái độ của tướng Umezu trong cuộc bàn cãi của những tuần lễ cuối cùng.

    Trong những cuộc bàn cãi đó, đô đốc Toyoda cương quyết bênh vực lập trường của lục quân. Với hải lực nằm ở Thái Bình Dương, Toyoda dành trọn sự ủng hộ tinh thần cho các chiến hữu của ông. Là ngưòi mưu trí nhất trong số ba quân nhân chủ chiến, Toyoda mổ xẻ lý luận một cách sắc bén và có biệt tài lôi ra những sơ hở trong mọi lập trường của đối phương. Những bài phát biểu của ông bao giờ cũng hùng hồn với những lý luận chặt chẽ. Viên đô đốc già sáu mươi tuổi đó nổi tiếng là một phần tử quổc gia quá khích với mối cămthù người ngoại quốc sâu xa. Đối với phe quân phiệt trong thời gian gần đây, ông được tuyên dương như là một nhà ái quốc đáng khâm phục.

    Còn vị khách trong phiên họp đêm nay là bá tước Hiranuma, khách vì ông không có quyền có mặt ở đây lúc này. Với tư cách là chủ tịch Hội Đồng Cơ Mật, cơ quan cố vấn của Nhật Hoàng, ông chỉ có việc chấp thuận những quyết định của nội các. Hiranuma được mời dự để quan sát rồi báo cáo lại cho hội đồng về phiên họp,như vậy để hoàn tất một thủ tục. Tuy nhiên viên chính khách già có khuôn mặt dài, mắt đeo kiếng trắng lại có ý định làm hơn thế. Ông nhất quyết đóng vai biện hộ cho phe chủ hòa, đòi hỏi những sự kiện cụ thể, phanh phui những sơ hở trong lý luận của đối phương. Ông thường hay dồn những người tham dự phiên họp đến chân tường, để giúp cho phiên họp có thể đi tới một kết luận, một quyết định.

    Là một chính khách lão thành trong những cuộc thương thuyết cao cấp ở Nhật, bá tước Hiranuma rất thích hợp cho giai đoạn này. Ở vào tuổi tám mươi, ông đã vượt qua không biết bao nhiêu vụ tranh chấp đẫm máu như là người có phép lạ. Nổi tiếng nhiều thủ đoạn, mánh lới, bây giờ ông vẫn còn giữ được trọn vẹn tính chất nhiệt thành thuở thiếu thời. Hồi đầu thế kỷ, bá tước Hiranuma ủng hộ những tổ chức ái quốc quá khích. Vào năm 1927 ông đã góp sức lật đổ chính phủ Wakatsuki có khuynh hướng tiến bộ, và đưa tướng Tanaka lên cầm quyền. Từ đó chính trị Nhật Bản thuộc tầm thao túng của nhóm quân phiệt đầy tham vọng, và ông đã có nhiều dịp phải hối hận về việc làm của mình.

    Vào năm 1939 Hiranuma được chỉ định làm Thủ tướng. Ngồi vào ghế này ông liền tìm cách cầm chân giới quân phiệt Nhật trong cuộc phiêu lưu của họ ở hải ngoại. Tuy suốt đời ủng hộ nền đế chế, nhưng ông không thể chịu đựng được một chế độ độc tài do quân đoàn Quan Đông ở Mãn Châu nhào nặn và đặt để ở Đông Kinh. So sánh với phe quân phiệt thì quả bá tước Hiranuma là hiện thân của phong trào tiến bộ. Bị thất vọng rất nhiều, nhưng ông vẫn tiếp tục cuộc chiến đấu chống lại phe quân nhân ngay cả sau khi họ truất phế ông. Những phần tử quá khích tìm cách hạ sát ông vào năm 1941 là năm ông phản đối cuộc chiến tranh với Hoa Kỳ. Khi Tojo lên làm Thủ tướng, bá tước Hiranuma rút lui vào bóng tối.

    Trong khi cuộc chiến Thái Bình Dương tiến đến hồi kết cuộc, một lần nữa Hiranuma lại xuất đầu lộ diện, và lần này ông tranh đấu để bảo vệ nền quân chủ ở Nhật khỏi bị sụp đổ. Ông tự nhận đóng vai trò thuyết phục mọi phe cánh trong chính phủ, phải cùng đồng ý ở một đường lối đáp ứng những điều kiện đầu hàng của Đồng Minh.

    Sáu ông trùm đó cùng với phụ tá của họ và Hiranuma cũng có mặt trong căn hầm tránh bom. Sau hai mươi lăm phút chờ đợi, cánh cửa ăn thông với khu trú ẩn của Nhật Hoàng chợt mở, và Hirohito cùng với người hầu cận bước vào phòng họp. Hirohito đi rất nhanh và ngồi vào chiếc ghế lưng thẳng đặt ở đầu bàn. Toàn thể hội nghị đứng dậy nghiêm chỉnh cúi đầu, rồi ngồi xuống chỗ cũ.

    Họ kinh ngạc nhìn Hirohito với mái tóc lòa xòa trên trán, với vẻ mặt đầy lo lắng, không có chút gì là một đấng người «nhà trời».

    Hirohito hắng giọng, và chờ hội nghị khai mạc.




    *****************
    hk111333, vacbay03danngoc thích bài này.
  4. huytop

    huytop Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    16/11/2014
    Bài viết:
    1.406
    Đã được thích:
    5.927
    Nhật Hoàng Hirohito không phải là một con người uy nghi.Khổ người bé nhỏ,mắt đeo kính cận, ông nhút nhát quá mức. Má bên phải của ông mắc tật thường hay mấp máy luôn. Cằm ông thót lại giữa đôi vai khom về phía trước. Giọng nói của ông hơi the thé, thiếu hẳn sự trầm ấm. Tuy thế đối với hàng chục triệu thần dân, ông là người nhà trời, không thể đem ra so sánh vớibất kỳ người nào khác, và vượt lên trên mọi sự bình phẩm của thế gian. Cái con người có cuộc sống hướng nội đó, có cái bề ngoài tầm thường đó lại là người thuộc giòng giõi trực tiếp của Thái Dương Thần Nữ Amaterasu.

    Sinh năm 1901, Hirohito được nuôi dưỡng và giáo dục theo truyền thống xưa cũ. Những viên cố vấn cai quản thế giới của Hirohito chỉ lo sao nhồi nhét được vào đầu ông và bắt buộc ông phải tin ở giòng giõi thần linh của mình. Riêng ông, ông thấy cái huyền thoại đó rất khó tiêu. Khi còn là một thiếu niên ông đã xung đột với giáo sư sử học Shiratori về vấn đề này. Căn cứ vào khoa sinh vật học, Thái Tử nhất định chủ trương người không thể là con của thần linh được. Shiratori kinh hoàng phải báo cáo vụ này lên các cố vấn triều đình, rồi Hoàng thân Saionji liền được ủy nhiệm tới thuyết phục ông. Triều đình đã chọn lầm người, vì chính hoàng thân Saionji cũng nghi ngờ cái thuyết Thái Dương Thần Nữ liền sáng tác ra một giải pháp dung hòa. Hirohito nên giữ riêng cho mình sự nghi ngờ đó, và không nên đảo lộn quan niệm của dân chúng và hoàng tộc. Như vậy, đời sống xã hội Nhật vận được duy trì như cũ và dân chúng vẫn có thể tôn thờ Thiên Hoàng và nhìn thấy ở Thiên Hoàng một cứu cánh chung cho cả dân tộc. Hirohito chấp nhận giải pháp đó để tránh làm đắm con tàu quốc gia. Nhưng từ đó , ông dành nhiều thì giờ cho ngành hải dương sinh vật học hơn là dành cho các giáo sư của ông, và về sau ông nổi tiếng quốc tế trong ngành khoa học nầy.

    Trong thời gian còn là Đông Cung Thái Tử, ông đã làm cho phe bảo thủ trong hoàng triều phải bất mãn vì ông đòi đi du lịch Âu châu. Từ xưa tới nay, người ta chưa hề thấy một Đông Cung Thái Tử Nhật xuất ngoại bao giờ. Bất chấp những lời phản đối, ông đi thăm Luân Đôn, Ba lê, La Mã. Ông kinh ngạc về cuộc sống của dân Tây phương và thích thú được kết giao với Đông Cung Thái Tử Anh Cát Lợi.

    Hai năm sau, ông trở về với cái thế giới đóng kín của ông tại Hoàng cung và thành hôn với quận chúa Nagako sau năm năm đính hôn. Trong năm năm đó, ông chỉ gặp Nagako có chín lần, và cuộc đính hôn đó đã gây nên một cuộc chiến tranh lạnh trong triều đình giữa những người nuôi tham vọng được làm bố vợ ông. Mặc dầu bị nhiều người bôi nhọ, nhưng Nagako vẫn có được lòng chung thủy của ông, nên họ cử hành lễ cưới vào ngày 26 tháng Giêng 1924.

    Không đầy hai năm sau, vào lễ Giáng Sinh năm 1926, Hirohito trở nên ông vua thứ 124 của Nhật Bản. Cha ông là vua Taisho mắc bệnh điên trong suốt thời gian trị vì, đã qua đời không để lại cho ai một chút nhớ thương nào.

    Hirohito lên kế vị và chọn hai tiếng Showa tức là hòa bình để đặt tên cho triều đại.

    Từ đó Hirohito ép mình sống theo những nghi lễ truyền thống, xưa nay vẫn là nhiệm vụ chính yếu của ông vua Nhật. Ông và Nagako xây dựng cuộc sống gia đình, và riêng mình, ông tiếp tục mối tình khác, đó là sự mê say ngành hải dương học. Ông thụ động chứng kiến nước Nhật lọt vào quyền thao túng của phe quân phiệt đã nhân danh ông để làm nhĩrng truyện động trời. Tuy Hirohito vẫn có thể lên tiếng, nhưng Thiên Hoàng của nhân dân Nhật Bản lại không được thừa nhận cái quyền chen vào những vấn đề của đất nước. Trong khi ông an tọa sau những thành trì mầu xám của Hoàng Cung thì quân phiệt Nhật châm ngòi trận chiến tranh Thái Bình Dương.

    Ba năm tám tháng sau khi xẩy ra vụ tấn công Trân Châu Cảng, Hirohito thấy rõ hai chữ Showa đặt tên cho triều đại quả là một sự khôi hài lố bịch. Lo lắng, đau khổ trước những con số thương vong ngày một tăng, ông bắt đầu can thiệp vào những cuộc bàn cãi nhằm chấm dứt chiến cuộc. Mới đây ông đã yêu cầu hoàng thân Konoye vận động với Nga Sô nhằm theo chiều hướng dó, Bây giờ đây trong buổi hoàng hôn của đế quốc, ông lại sẵn sàng đem uy quyền của mình chống đỡ cho những chính khách đang đứng trên đôi chân run rẩy. Uy quyền đó là do huyền thoại và lịch sử đem lại cho ông, và lúc này ông nhất quyết đem ra sử dụng.


    *****************

    Ngồi ở bên trái Hirohito, Thủ tướng Suzuki đứng dậy nói với hội đồng:

    -Tôi yêu cầu ông bí thư nội các đọc lại một lần nữa bản tuyên ngôn Potsdam.

    Bí thư Sakomizu, đặc biệt có đôi lông mày đậm, đọc lại những điều kiện của Đồng Minh, những điều kiện mà những người có mặt trong phòng họp đều biết rất rõ. Sau đó Suzuki kể lại những bất đồng ý kiến. Trong hai cuộc họp trước đây của «Siêu Nội Các», sáu tay trùm chia rẽ nhau với tỷ số 3 — 3. Trong cuộc họp nội các lúc chiều với sự tham dự của 14 vị bộ trưởng, sự thống nhất lập trường vẫn không thực hiện được. Sáu bộ trưởng tán thành hòa bình với điều kiện duy trì quy chế hiện tại của Nhật Hoàng. Tướng Anami, tướng Umezu và đô đốc Toyoda, ngoài điều đó còn đòi hỏi thêm ba điều nữa; Nhật Bản phải được quyền xét xử những phạm nhân chiến tranh của mình, Nhật Bản phải được quyền giải pháp quân lực của mình ở chiến trường, Hoa Kỳ không được quyền chiếm đóng lãnh thổ chính quốc Nhật Bản. Họ đòi hỏi hai điều cuối cùng để tránh những va chạm giữa bên thắng và bên bại. Năm vị bộ trưởng kia chủ trương hòa bình với ít nhiều thay đổi ba điều khoản do Anami, Umezu và Toyoda đề ra.

    Trong khi Thủ tướng Suzuki tiếp tục diễn tả lại những cuộc bàn cãi bế tắc trong ngày thì tướng Anami ngồi giương mắt trừng trừng. Từ lúc bước chân vào phòng họp trông thấy bá tước Hiranuma là ông đã nổi nóng. Nghiêng mình về phía Umezu, ông thì thầm: «Hiranuma vô phận sự ở chỗ này. Họ đang muốn chơi gian, bọn mình phải cương quyết». Umezu cũng trừng mắt nhìn kẻ vô phận sự già lão ngồi phía bên kia bàn, và ngỏ ý tán thành.

    Sau những lời mở đầu đó, Suzuki yêu cầu ngoại trưởng Togo cho biết ý kiến. Togo đứng lên, cúi đầu về phía Nhật Hoàng rồi lên tiếng. Ông nói: «Thật là một sự nhục nhã phải chấp nhận tuyên ngôn Potsdam, nhưng chúng ta lâm vào tình trạng không thể không chấp nhận».

    Thỉnh thoảng lại nhìn vào giấy tờ ông vạch rõ : chỉ có điên mới ngồi yên trong khi Nhật Bản cháy đến chân tường. Đôi mắt kính của ông sáng ngời lên lúc ông hùng hồn kết luận: «Chúng ta phải chấp nhận tuyên ngôn Potsdam với điều kiện độc nhất là duy trì qui chế của Nhật Hoàng». Rồi ông ngồi xuống.

    Suzuki mau lẹ chiếm lấy sự im lặng để yêu cầu đô đốc Yonai cho biết ý kiến. Viên đô đốc có đôi mắt như mê ngủ đó không buồn đứng dậy. Mắt vẫn nhìn thẳng ông điềm tĩnh nói: «Tôi hoàn toàn đồng ý với ngoại trưởng».
    hk111333, vacbay03ngthi96 thích bài này.
  5. huytop

    huytop Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    16/11/2014
    Bài viết:
    1.406
    Đã được thích:
    5.927
    Tướng Anami hùng dũng tấn công. Giang tay chỉ vào mặt Yonai ông hét:«Tuyệt đối không thể có chuyện đó! Quân lực ta quyết tâm vẫn có thừa để đánh một trận quyết định ở chính quốc. Trừ phi bốn điều kiện do tôi đề ra được địch thỏa mãn, chúng ta không có lựa chọn nào khác là phải tiếp tục chiến đấu.»

    Tướng Umezu chụp ngay lấy cơ hội để ủng hộ lập trường của Anami, và nói thêm: «Tôi không phản đối việc chấp thuận Tuyên ngôn Potsdam nhưng phải là với bốn điều kiện đó».

    Thủ tướng Suzuki thay đổi chiến thuật.

    Bỏ qua đô đốc Toyoda hé miệng chờ nói, ông yêu cầu bá tước Hiranuma cho biết ý kiến.

    Hiranuma đứng dậy, để đóng vai trò mà ông ưa thích. Trước hết ông thả mồi cho ngoại trưởng Togo và hỏi: «Tại sao Nga lại tuyên chiến với Nhật?».

    Togo nổi sùng : «Nga không muốn làm trung gian vận động cho Nhật. Nga muốn nhẩy vào cuộc chiến ở Á Đông».

    Hiranuma đòi những chi tiết và hỏi thêm: «Nga nói là chính phủ Nhật ngày 28 tháng Bẩy đã bác bỏ đề nghị Potsdam. Điều đó có đúng không?».

    Togo phải nhẫn nhịn trả lời: «Không! Chúng ta không hề bác bỏ».

    «Vậy thời tại sao họ lại nói vậy?»

    Togo nhún vai trả lời: «Đó là chuyện họ bịa đặt ra! »

    Trong thâm tâm ngoại trưởng biết mình nói đúng sự thật. Ông không hề bác bỏ tuyên ngôn Potsdam. Chính cái động từ «Mokusatsu» của Suzuki đã gây nên tai hại.

    Sau nhiều câu hỏi Togo về những điều kiện do Anami, Umezu và Toyoda đề ra, bá tước Hiranuma trực tiếp hỏi phe chủ chiến:

    — Các ông nói các ông có phương tiện tiếp tục cuộc chiến tranh nhưng tôi vẫn thấy suốt đêm ngày phi cơ địch kéo tới đánh phá. Các ông có phương tiện để phòng vệ chống lại bom nguyên tử không? Chắc là không chứ gì?

    Tướng Anamikhông trả lời. Ông vẫn bực tức vì sự có mặt của bá tước Hiranuma trong phòng họp, và lúc này còn lo âu về một chuyện xảy ra buổi sáng. Cơ quan tình báo Osaka báo cáo cho ông biết cuộc thẩm vấn trung úy không quân Hoa kỳ bị bắn rớt là Mc Dilda. Những lời khai gian dối của Mc Dilda về bom nguyên tử không lừa được ông, nhưng ông lại rất sợ Đông Kinh có thể là mục tiêu của bom nguyên tử. Trong phiên họp sáng nay, sáu tay trùm sò đã đem lời khai của Mc Dilda ra thảo luận và không một ai có thể chứng tỏ được lời khai đó đúng hay là sai. Và Đông Kinh vẫn có thể là mục tiêu dội bom nguyên tử.

    Đỡ cho Anami, tướng tham mưu trưởng lục quân Amezu trả lời câu hỏi của Hiranuma:

    -Chúng tôi có một kế hoạch mới có triển vọng đạt được kết quả tốt đẹp. Về bom nguyên tử chúng ta có thể trị được, nếu chúng ta tăng cường lực lượng phòng không chống lại máy bay địch.

    Hiranuma hỏi đô đốc Toyoda:

    - Hải quân có kế hoạch nào mới không?

    Toyoda trả lời: Có, và ông nói thêm:

    -Hải quân muốn sử dụng máy bay để đánh phá hạm đội địch. Nhưng bây giờ chúng tôi dành máy bay để phòng thủ chính quốc. Trong tương lai hải quân sẽ khởi thế công!.

    Hiranuma yêu cầu tướng Umezu cho biết về kế hoạch của lục quân nhằm ngăn chặn xâm lăng. Umezu vội vã trả lời:

    -Vấn đề quan trọng hàng đầu là vấn đề sản xuất vũ khí. Chính vấn đề đó đã làm trì hoãn công cuộc tổ chức phòng thủ tại những bờ biển mà địch quân có thể đổ bộ.

    -Tình trạng phòng thủ Đông Kinh thì sao? Bờ biển Kujukuri đã sẵn sàng nghênh chiến chưa ?

    -Chưa.

    -Về quân đoàn có nhiệm vụ phòng thủ Kujukuri thì sao?

    -Phải đến ngày 15 tháng Chín chúng ta mới có tạm đủ vũ khí đạn dược cho quân đoàn này.

    Cảm giác sợ hãi chạy quanh bàn hội đồng. Anami và Umezu chuyển mình một cách khó chịu.

    Hiranuma tiếp tục truy kích ba quân nhân cao cấp ở nhiều điểm khác nữa, rồi đột nhiên ông hỏi bằng giọng mỉa mai:

    -Trong những điều kiện đó tôi không hiểu làm sao các ông lại dám tin là chúng ta có thể tiếp tục cuộc chiến tranh này ?

    Anami, Umezu và Toyoda ngồi im.

    Hiranuma hoàn tất sứ mạng lôi những sự thật ra ánh sáng bằng lời cảnh cáo rằng: Quần chúng Nhật trong tình trạng hiện tại có thể nổi lên làm một cuộc cách mạng khuynh tả. Ông nói:«Tôi sợ chúng ta không nắm giữ được quần chúng...»

    Suzuki ngắt lời: «Tôi cũng lo sợ điều đó.Nhân dân đã có nhiều triệu chứng bất mãn».

    Hiranuma tiếp theo: « Vì lẽ đó, tôi nghĩ chúng ta phải trả lời đề nghị Potsdam. May ra chúng ta có thể thương thuyết với địch về bốn điều kiện mà hải quân và lục quân đã đề ra... ».
    hk111333vacbay03 thích bài này.
  6. huytop

    huytop Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    16/11/2014
    Bài viết:
    1.406
    Đã được thích:
    5.927
    Một lần nữa Suzuki lại ngắt lời, để cho đô đốc Toyoda có dịp lên tiếng. Toyoda định thần sau cuộc tấn công tới tấp của Hiranuma và giải thích rằng: Quân lực vẫn còn đủ mạnh để đòi hỏi địch phải dành những điều kiện bảo toàn được phần nào danh dự của Nhật. Mối lo lớn nhất của ông là quân đội sẽ nổi loạn trong giai đoạn khẩn trương này. Ông chủ trưong chính phủ phải làm hết cách để giúp cho tướng Anami nắm vững được toàn thể quân lực. Muốn thế chính phủ Nhật không thể không đòi hỏi Đồng Minh phải thỏa mãn bốn điều kiện hòa bình của Nhật.

    Tất cả mọi ý kiến đã được phát biểu, bây giờ đến lúc Thủ tướng Suzuki tung ra đòn tối hậu mà ông đã chuẩn bị đầy đủ. Sáng sớm ngày 9 tháng Tám, ngay sau khi nhận được tin Nga khai chiến với Nhật, ông và Nhật Hoàng chia xẻ một điều bí mật với ngoại trưởng Togo và hầu tước Kido. Lúc 7 giờ 30,Suzuki tới Hoàng Cung thỏa thuận với Hirohito là nội ngày hôm dó Nhật Bản phải tuyên bố chấp nhận tuyên ngôn Potsdam. Suzuki ngỏ ý yêu cầu sự hiện diện của Nhật Hoàng trong phiên họp đêm nay, một sự hiện diện cần thiết để hạ lá bài cuối cùng. Ông phác họa đường lối hành động: «Trong những phiên họp sáng nay và chiều nay tôi sẽ tìm cách khiến cho nội các không quyết định gì hết».

    Ông muốn Nhật Hoàng đích thân xuất hiện để khai thông bế tắc của nội các. Hírohito rất muốn đóng vai trò tích cực và bây giờ sân khấu đã được chuẩn bị sẵn sàng cho quyết định cuối cùng.

    Vào lúc 2 giờ sáng, tức là sau gần ba tiếng đồng hồ bàn cãi trong căn hầm sâu dưới đường phố Đông Kinh, Thủ tướng Suzuki làm một việc chưa từng có. Ông đứng giữa căn phòng oi nồng ẩm thấp và nói:

    - Tôi nghĩ tất cả chúng ta đây đều đã nói hết những ý kiến của mình. Nhưng tôi rất tiếc là chúng ta chưa đi tới thỏa thuận nào cả. Chúng ta lâm vào tình thế không thể không quyết định, cho nên chúng ta chỉ còn mỗi cách là xin thỉnh hoàng thượng cho biết ý kiến». Rồi hướng về phía Hirohito ông nói:

    -«Nội các thỉnh cầu quyết định của hoàng thượng về vấn đề Nhật nên chấp thuận đề nghị của ngoại trưởng Togo hay đề nghị gồm bốn điều kiện».

    Suzuki đã nghiến nát phe đối lập không hề tiên liệu đến trường hợp Nhật Hoàng có thể đích thân lên tiếng. Suzuki yêu cầu -ông vua thứ 124 của dân tộc Nhật đoạt lấy đại sự quốc gia từ tay thần dân, và quyết định đường lối nào xét ra tốt đẹp nhất cho dân tộc Nhật.

    Phản ứng độc nhất trong phòng họp là toàn thể hội đồng lập tức ngồi ngay ngắn lại và dồn hết chú ý vào con ngưòi ngồi đầu bàn.

    Vua Hirohito đứng lên. Ông nói một cách chậm rãi như thể vừa tìm lời thích đáng:

    -«Trẫm đồng ý với đề nghị của Ngoại trưởng. Trẫm đã suy nghĩ cẩn thận về hiện tình quốc nội cũng như quốc ngoại, và đi đến kết luận:Tiếp tục chiến tranh có nghĩa tàn phá dân tộc và kéo dài đổ máu. Những vị chủ trương tiếp tục chiến tranh đã có lần cam kết với trẫm: vào tháng Sáu chúng ta có thêm nhiều sư đoàn mới và nhiều tiếp liệu. Bây giờ trẫm biết những lời cam kết đó cho đến tháng Chín cũng không thể thực hiện được. Còn đối với những vị chủ trương đánh một trận cuối cùng ngay trên chính quốc ta. Trẫm muốn lưu ý các vị đó đến sự mâu thuẫn giữa những chương trình trước đây và tình trạng cụ thể hiện nay. Nhìn nhân dân Nhật phải thống khổ thêm nữa là điều trẫm không thể chịu đựng nổi. Chấm dứt chiến tranh là đường lối duy nhất để phục hồi hòa bình thế giới và cắt cho dân tộc thảm cảnh ghê gớm mà họ phải gánh chịu».

    Hirohito khai tử phe chủ chiến, nhưng phe này vẫn bảo toàn được danh dự, vì sự khai tử đó là quyết định của chính Nhật Hoàng.

    Với khuôn mặt đầy những nếp nhăn lo lắng Hirohito tiếp tục: «Trẫm khôngthể không đau lòng khi trẫm nghĩ đến thần dân đã phục vụ trẫm hết sức trung thành, nghĩ đến những binh sĩ bỏ mạng và bị thương ở những chiến trường xa xôi, những gia đình đã mất hết cơ nghiệp, mất cả đến mạng sống vì những trận không tập. Trẫm khỏi cần phải nói rằng, đối với trẫm không có gì nhục nhã bằng chứng kiến những chiến sĩ Nhật Bản anh dũng và trung thành, phải nộp vũ khí cho ngoại nhân. Không có gì nhục nhã bằng phải thấy những thần dân suốt đời tận tụy phục vụ trẫm, nay bị trừng trị như là những tội phạm chiến tranh. Tuy nhiên tình thế nay đã đến lúcbắt buộc chúng ta phải chịu đựng những việc không thể chịu đựng được».

    Im lặng tuyệt đối trong căn phòng, ở mười hai con người ngồi quanh bàn, không ai hé miệng nói lời nào, không một tiếng cử động chân tay.

    Hirohito ngừng lại rồi kết luận: «Khi trẫm nghĩ đến nội tổ là đức Minh Trị Thiên Hoàng, nghĩ đến những cảm nghĩ của ngài khi xẩy ra vụ Can Thiệp Tay Ba, trẫm nuốt nước mắt chấp nhận đề nghị của ngoại trưởng, là Nhật Bản phải chấp nhận Tuyên Ngôn Potsdam trên căn bản do ngoại trưởng đã vạch ra».

    Hirohito không chờ đợi phản ứng của cử tọa. Dứt lời ông đứng dậy khỏi ghế và đi về phía cửa có một hầu cận mở cánh, và bước ra khỏi phòng họp.

    Mười một người còn lại, lặng người trong ý nghĩa những lời Hirohito vừa nói, lặng người trong những ý nghĩ riêng tư. Nhật Hoàng đã chính thức lên tiếng ủng hộ phe chủ hòa, khuyên nên đầu hàng với điều kiện duy nhất là duy trì qui chế hiện hữu của Nhật Hoàng. Không có ai lên tiếng phản đối hay tán thành. Và cũng không có tiếng động nào.

    Cuối cùng Suzuki đứng dậy, màn kịch do ông xếp đặt đến đây đã kết liễu. Ông nói giọng bình tĩnh: «Quyết định của hoàng thượng phải được coi là quyết định của hội đồng đêm nay».
    hk111333, danngocngthi96 thích bài này.
  7. huytop

    huytop Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    16/11/2014
    Bài viết:
    1.406
    Đã được thích:
    5.927
    Không một ai bác bỏ ý kiến đó. Rồi Thủ tướng Suzuki quyết định triệu tập phiên họp nội các mở rộng vào 3 giờ sáng tại tư dinh Thủ tướng. Cuộc họp dưới căn hầm tránh bom.Bế mạc,những người tham dự leo những bậc của một cầu thang rất dài, rồi bước vào không khí ban đêm của thành phố Đông Kinh.

    Khi lên tới mặt đất, một trận đánh lớn liền bùng nổ. Giữ im lặng từ đầu đến cuối phiên họp tướng Yoshizumi phụ tá của tướng Umezu bây giờ không cầm giữ được cơn giận và nhầy xổ về phía Suzuki. Ông hét lên: «Mi đã thỏa mãn chưa? Mi đã sướng chưa?», đồng thời vung tay đấm vào mặt ông già ngoài tám mươi. Trong khi Suzuki kinh ngạc, tìm cách tránh đòn thì tướng Anami xông vào can thiệp, dang tay che chở cho Suzuki. Tướng Yoshizumi bị những người khác lôi đi, còn Anami đưa Suzuki về tư dinh ở trung tâm thành phố Đông Kinh. Trên đầu, vừng trăng sáng rọi bóng cây nhẩy múa trong vườn giữa mộtđêm hè tuyệt đẹp.

    Từ khu vườn thuộc Hoàng Cung, mười một người lúc nẫy tới dự phiên họp nội các mở rộng được triệu tập tại tư dinh Suzuki để thảo luận về vấn đề trả lời Tuyên ngôn Potsdam. Ngồi vào bàn là họ tranh cãi ngay và bây giờ là họ tranh cãi về lời lẽ đòi hỏi Đồng Minh phải tôn trọng qui chế truyền thống của nhà vua Nhật.

    Hiranuma suốt đời bênh vực nền quân chủ, cương quyết đòi nội các phải chọn câu văn của ông để gửi cho Đồng Minh. Câu văn đó như sau : « ... với sự hiểu rằng bản tuyên ngôn không bao gồm một đòi hỏi nào làm phương hại đến quyền lợi của Hoàng Đế là nhà trị vi tối cao ở Nhật». Câu văn đó bị bộ ngoại giao nghi ngờ giá trị, nhưng vẫn được ghi vào trong trả lời Đồng Minh, và được toàn thể nội các chấp thuận cho phát thanh.

    Điện văn trả lời có câu cuối cùng như sau: «chính phủ Nhật Bản thành thực hy vọng sự hiểu đó được bảo đảm, và tha thiết mong muổn được sáng tỏ vấn đề này một cách mau lẹ….»

    Vào lúc 4 giờ sáng, nhân viên nội các ra xe chạy qua những đường phố hoang vắng vì dân chúng Đông Kinh lúc đó vẫn hãy còn ngủ.

    Bí thư nội các là Sakomizu ngủ ngồi trên cỗ ghế bành dưới chân cầu thang tư dinh Suzuki. Bằng lòng mọi việc tiến hành theo ý muốn, Suzuki leo lên cầu thang,ông gần như kiệt lực sau quá nhiều nỗ lực. Tướng Anami, bộ trưởng bộ chiến tranh ra về với cõi lòng uất hận, sầu khổ. Ông biết nhà vua đã hành động phải nhưng ông cảm thấy nỗi nhục nhã vô biên của quân lực, và lo sợ cho ngai vàng bị lâm nguy.

    Vào lúc 7 giờ 33 phút sáng hôm đó, nhóm chuyên viên vô tuyến tại bộ Ngoại giao bắt đầu gửi tới Thụy Sĩ và Thụy Điển điện văn bằng mật mã của chính phủ Nhật, để từ đây chuyển giao tới các thủ đô Đồng Minh.


    .......................................................
    hk111333danngoc thích bài này.
  8. anhday71

    anhday71 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    11/10/2005
    Bài viết:
    596
    Đã được thích:
    118
    Những học giả, chính khách nổi tiếng đả kích Hoa Kỳ ném bom nguyên tử xuống nhật, ko phải họ ko biết nến MỸ ko ném bom nguyên tử thì kết qủa sẽ tệ hơn rất nhiều.
    hk111333danngoc thích bài này.
  9. huytop

    huytop Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    16/11/2014
    Bài viết:
    1.406
    Đã được thích:
    5.927
    Câu hay nhất của Nhật Hoàng trong thời điểm này là:Chúng ta phải chịu đựng những việc không thể chịu đựng được. Theo tính toán của phe quân sự Mỹ:Nếu không có bom nguyên tử thì quân Mỹ sẽ phải mất 800.000 đến 1.000.000 quân mới giải phóng được Nhật Bản bởi vì chiến thuật tử thủ của Nhật.....
    hk111333 thích bài này.
  10. huytop

    huytop Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    16/11/2014
    Bài viết:
    1.406
    Đã được thích:
    5.927
    VIII. PHẢN ỨNG TẠI HOA THỊNH ĐỐN



    Vào buổi chiều, Đông Kinh phát thanh tin Nhật Bản sắp chấp nhận hòa bình trực tiếp tới Hoa Kỳ. Vì giờ chênh lệch nên tin này nhận được ở Hoa Thịnh Đốn vào sáng sớm ngày 10 tháng Tám, đang lúc các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ còn ngủ. Bộ trưởng hải quân Forrestal được phụ tá đánh thức dậy và báo cho biết về biến cố bất ngờ đó. Forrestal vội vàng mặc quần áo và tới văn phòng ở đại lộ Constitution. Tại đây bí thư của ông báo ông hay: Tổng thống Truman muốn nhóm họp với ông vào lúc 9 giờ sáng tại Bạch Cung.

    Truman chào đón Forrestal rất niềm nở và chỉ chiếc ghế dành cho ông. Một nhóm nhân vật cao cấp Hoa Kỳ cùng với Forrestal ngồi vào bàn trong khi Truman sửa soạn khai mạc cuộc họp. Ngoài Forrestal còn có ba nhân vật nữa cùng với Tổng thống Truman lập thành một thứ Hội Đồng Chiến tranh trực tiếp phụ trách mọi chiến dịch ngoại giao cũng như quân sự. Tất cả, trừ một người, đều là người cũ của cố Tổng thống Roosevelt.

    Forrestal tới Hoa Thịnh Đốn vào năm 1940 để nhận chức thứ trưởng hải quân. Ông đã bỏ ghế chủ tịch một cơ sở chuyên làm môi giới ở Nữu Ước, để tham gia bộ tham mưu quân sự của Roosevelt. Khi bộ trưởng Knox qua đời, ông lên kế vị và cầm đâu bộ hải quân.

    Nhãn hiệu của Forrestal là một khuôn mặt không đều nét. Mũi ông, bè ra vì ăn quá nhiều đòn trong những trận đấu quyền Anh. Là người hoạt động, ông hành hạ những cộngsự viên và hành hạ bản thân ông một cách tàn nhẫn. Ông rất ăn ý với Truman, tuy cách thức quyết định sự việc của Truman đôi khi làm ông phàn nàn. Bất mãn vì không được chỉ định đi dự hội nghị Potsdam, Forrestal khơi khơi tới đây để trả lại sự bất mãn cho Truman.

    Những áp lực của chức vụ luôn luôn đè nặng lên ông đến nỗi sau này, ở chức bộ trưởng bộ quốc phòng, Forrestal đã từ cửa sổ bệnh viện nhẩy xuống đất tự tử vào năm 1949. Nhưng ở cái ngày 10 tháng Tám 1945 này, Forrestal sẵn sàng say sưa với chiến thắng, và gánh vác công cuộc hoạch định hòa bình.

    Đô đốc William Leahy, sau năm mươi hai năm phục vụ trong ngành hải quân, bây giờ ở vào tuổi 75 làm tham mưu trưởng của Tổngthống Truman. Leahy được tặng hữu danh «Giấy Giáp» vì ông ăn nói sắc cạnh, táo bạo. Ông là một trong số vài người gọi dự án làm bom nguyên tử là «trận bão của những bộ óc điên khùng», và rất phàn nàn về quyết định sử dụng bom nguyên tử.

    Binh nghiệp của Leahy phản ảnh nửa thế kỷ Hoa Kỳ vươn lên địa vị đại cường thế giới. Năm 1945, Leahy góp phần lãnh đạo hải quân Hoa Kỳ đang thống ngự khắp các mặt biển. Góa vợ, nhưng Leahy còn được hai mối tình là thuốc lá và sự làm việc. Mỗi ngày ông đốt trọn ba bịch để lấy sức giúp cho Truman thi hành nhiệm vụ Tổng thống đầy khó khăn.

    Bộ trưởng chiến tranh Stimson, cũng như Leahy và Forrestal, là người cũ của Roosevelt. Năm 1931 Stitmson đã giữ chức ngoại trưởng trong chính phủ của Tổng thống Hoover, và đã có dịp theo dõi những hành động của quân phiệt Nhật ở Mãn Châu và Hoa Bắc. Lời cảnh cáo của ông về nguy cơ đe dọa hòa bình tại Hội Quốc Liên đã bị bỏ qua, vì lúc đó Âu Châu đang phải đánh vật với những vấn đề nội bộ.

    Stimson thuộc giòng dõi tư bản, lại làm giầu thêm bằng nghề luật sư ở Wall Street. Ông sống trong sự thừa thãi, thích săn bắn, quần vợt. Là người tôn trọng những nguyên tắc luân lý, ông coi phục vụ quốc gia như một bổn phận. Chính cái con người hòa nhã và lịch sự đó, đã cầm đầu một guồng máy chiến tranh khủng khiếp nghiền nát nhiều quốc gia. Chính ông đã quyết định: «chiến tranh là chết chóc», nên vũ khí nguyên tử có đủ lý do chính đángđể được đem ra sử dụng.

    Nhân vật độc nhất trong phòng họp do chính Truman bổ nhiệm, là ngoại trưởng Byrnes. Lẽ ra Byrnes mới là người ngồi vào cái ghế mà Truman đang ngồi. Mọi người đều không thể ngờ năm 1944 đảng Dân Chủ đã gạt bỏ ông, và bầu Truman đứng chung liên danh ứng cử của Roosevelt. Sau khi Roosevelt tạ thế, Tổng thống Truman đã vời đến Byrnes ra giữ bộ Ngoại giao. Byrnes lúc nào cũng ăn mặc tề chỉnh và rất tương đắc với Truman. Ông vừa mới cùng Truman đi dự hội nghị Potsdam, và tại đây lần đầu tiên họ có kinh nghiệm với thái độ cứng rắn của Nga Sô.

    Bây giờ trong phòng hội nghị của tòa Bạch Cung, bốn con người đó cùng với Tổng thống Truman phải đối phó với một khó khăn mới. Sự khó khăn nằm trong điện văn của Nhật Bản, đặc biệt trong cái câu của Hiranuma:

    «Chính phủ Nhật Bản sẵn sàng chấp nhận những điều khoản được kể ra trong bản tuyên ngôn chung đã được công bố tại Potsdam ngày 26 tháng Bảy 1945, của những nhà cầm đầu chính phủ Hoa Kỳ, Anh và Trung Hoa, và sau này được chính phủ Nga Sô thừa nhận, với sự hiểu rằng: bản tuyên ngôn đó không gồm có bất kỳ một đòi hỏi nào làm phương hại đến quyền lợi của Hoàng đế là nhà trị vì tối cao».

    Như vậy là nhà cầm quyền Nhật đã đưa ra ánh sáng vấn đề tương lai của Nhật Hoàng, Truman hỏi ý kiến Stimson về sự chấp thuận có điều kiện trong điện văn của Nhật. Stimson nhắc lại lập trường phải duy trì ngai vàng ở Nhật. Ông nói: «Cho dù vấn đề này không được Nhật đề ra, Hoa Kỳ vẫn phải bảo tồn qui chế Nhật Hoàng để có thể có được sự đầu hàng của hàng chục quân đoàn Nhật ở khắp mọi nơi... chúng ta phải dùng đến Nhật Hoàng để tránh những cảnh Iwo Jama, Okinawa lại tái diễn ở Trung Hoa, ở Nam Dương». Đô Đốc Leahy ủng hộ quan điểm này. Forrestal cũng đồng ý. Vào lúc đó Forrestal rất lo lắng đến mưu đồ của Nga ở Viễn Đông.Nếu duy trì vua Nhật có thề sớm kết liễu chiến tranh, thì ông tán thành.

    Hội Đồng bế mạc phiên họp và chờ đợi công hàm chính thức của Nhật.

    Stimson rời Bạch Cung trước 10 giờ sáng để trở về bộ chiến tranh. Bên ngoài quần chúng đang tụ tập mỗi lúc một thêm đông vì nghe thấy tin đồn hòa bình. Cả Hoa Thịnh Đốn và cả Hoa Kỳ đang chực nổ khi có tuyên bố chính thức: chiến tranh kết liễu.

Chia sẻ trang này