1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Thế giới không quen Rapunzel

Chủ đề trong 'Văn học' bởi Favercode, 21/04/2009.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Favercode

    Favercode Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    21/01/2002
    Bài viết:
    646
    Đã được thích:
    0
    Thế giới không quen Rapunzel

    Em viết xong trong 8 tháng (không liên tục), và thấy chán nản với nó một cách khủng khiếp. Không buồn mang đến một công ty sách nào nữa, sợ họ cười vào mặt mình. Bạn bè bảo: cứ bỏ tiền ra in, thất bại thì thu được bài học mà tự rèn. Đồng nghiệp bảo: nói chung là phù phiếm, hão huyền. Người yêu bảo: dù thế nào thì em vẫn yêu anh.

    Và em đang gần như tuyệt vọng, vì em đã cố cái cuộc sống này, với những cái guồng quay công sở không hồi kết của nó, trong suốt hai năm với niềm tin: "Mình có khả năng, mình sẽ viết được một cuốn sách". Viết xong rồi thì tự thấy nó ngu ngốc, cả cái bản thảo và cái mơ ước. Rồi nghĩ: đồng nghiệp có khi đúng.
    Nói ra nghe có vẻ sáo rỗng và dễ bị cười là thằng đàn ông không có bản lĩnh. Nhưng đúng là em nản quá.

    Và em đi tìm sự động viên ở đây.
  2. Favercode

    Favercode Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    21/01/2002
    Bài viết:
    646
    Đã được thích:
    0
    Thế giới không quen Rapunzel
    ?oTâm tư thế giới, này các Tỷ-kheo, không thể nghĩ đến được, nếu nghĩ đến, thời người suy nghĩ có thể đi đến cuồng loạn và thống khổ.?
    1.
    Tôi đến từ một thế giới khác. Chỉ là một thế giới khác, tôi không biết dùng từ gì để gọi tên, vì không ai trong thế giới của các bạn biết đến nó, hoặc tôi chưa gặp người ấy. Danh từ riêng trong ngôn ngữ của chúng tôi gọi thế giới của mình, lại không thể dịch ra tiếng nói hay chữ viết của các bạn.
    Thế giới của tôi. Tôi chỉ biết gọi tên nó như thế mỗi lần cố ôn lại ký ức. Đấy là những đêm mùa thu, gió se lạnh, tôi ngồi thu lại một góc phòng và nhặt nhạnh từng chi tiết trong óc mình, nối lại, như một cậu học trò nhỏ ôn tập bài vở trước kỳ thi. Thế mà những chi tiết ấy sau đó cứ tự rời ra, mỗi lúc lại vụn vỡ thêm, đúng như đầu óc của cậu học trò kia. Rời ra và thi thoảng rơi mất một mảnh. Tôi đang từ từ quên mất thế giới của mình.
    Tôi thích những đêm mùa thu. Trăng mùa thu tròn và sáng. Tôi cảm thấy nó giống mình: lạc lõng trên bầu trời khi người tình duy nhất là mặt trời đã ở bên kia bờ thế giới. Ở thế giới của tôi có hai mặt trăng. Còn ở đây, tôi và mặt trăng đều chỉ có một mình.
    Có một chi tiết tôi không bao giờ quên về thế giới của mình. Đó là đêm tôi rời nó mà đi. Đang ngủ, những tiếng nổ rền vang đánh thức tôi dậy. Một ai đó trong số những quản gia của gia đình chạy vào phòng kéo tôi đi. Khi chúng tôi ra phố, tất cả đã hoang tàn. Lửa nhảy múa trên bầu trời như đêm hoa đăng và xác người chất chồng trên phố. Họ chết vì đạn pháo hay chết vì dẫm đạp lên nhau trong sợ hãi.
    Lúc ấy là nửa đêm. Khi tôi chạy ngang qua nhà thờ, một người đang bò trên bậc thềm. Trời tối quá, tôi không biết người ấy bị thương ở đâu. Tiếng bom đạn rền rĩ quá, tôi cũng không biết người ấy có rên rỉ không. Chỉ khi một quả bom rơi xuống nóc nhà thờ, ánh chớp vàng loé lên và tôi nhìn rõ khuôn mặt ấy. Khuôn mặt tôi sẽ không bao giờ quên. Nó méo mó không giống mặt người nữa. Một người đàn ông hay là người đàn bà, nhăn nhúm như một tấm giẻ khô vò lại, trắng bệch đi vì sợ hãi hoặc đã mất máu quá nhiều rồi.
    Tôi vẫn cắm cúi chạy theo người quản gia. Phía sau, cái nhà thờ nơi tôi nghe thánh ca trong lễ rửa tội để bước vào đời, bây giờ phát ra một âm thanh đắng nghét của tiếng bom nổ và tiếng tường sụp giòn như bánh bích quy, đánh dấu một lần bước vào cuộc đời mới của tôi.
    Hãy cứ giả thiết chuỗi thời gian tôi đang sống bây giờ đáng gọi là một cuộc đời.
    Người quản gia dắt tôi vào một đường hầm. Lúc ấy đầu óc tôi đã bớt hoang mang để hỏi về cha mẹ mình. Ông không trả lời, cứ cắm cúi dắt tôi đi trong ánh đèn pin. Tôi hiểu rằng mình không nên hỏi nữa, bấu chặt thêm vào tay ông mà đi theo. Khi ấy tôi đã sắp 13 tuổi. Tôi nhận ra rằng một biến cố lớn đã xảy ra, và bây giờ là lúc mình phải tỏ ra là một người lớn. Tôi không hỏi gì thêm nữa, đấy là điểm khác biệt lớn nhất giữa thằng ?otôi? của thời điểm trước và sau khi bước vào đường hầm. Khi còn là một cậu bé, tôi luôn làm người lớn phát mệt với những câu hỏi của mình.
    Chúng tôi đã đi rất lâu, cho tới khi kịch đường. Có một cầu thang sắt ở đó. Lúc này người quản gia già mới quay sang nhìn tôi. Ông đang khóc, một giọt nước mắt ấm rơi lên tay tôi. Nắm lấy tay tôi, gượng nở một nụ cười và nói run run:
    ?oRồi con sẽ gặp lại cha mẹ. Bây giờ con phải đến một thế giới khác. Con phải lánh đi cho tới khi cuộc chiến này kết thúc. Con phải sống?.
    Ông quay lưng lại rồi đi. Được một quãng, ông quay người lại, nhìn tôi hồi lâu rồi nói: ?oĐừng bao giờ để mình giết ai, con nhé?
    Tôi chui ra khỏi một cái nắp cống ở giữa đường và tới thế giới của các bạn. Lúc ấy trời đã tờ mờ sáng. Tôi đậy nắp cống lại và đi.
    Tôi đã lang thang trên thế giới này hơn mười năm và không lại gần cái nắp cống ấy thêm một lần nào nữa. Ngay cả thành phố ấy tôi cũng không bén mảng tới. Bác quản gia đã dặn rằng tôi phải tránh xa đầu kia ở đường hầm trong 10 năm. Những kẻ thù có thể tìm ra con đường ấy. Tôi sợ hãi luôn cả những cái nắp cống không liên quan. Một buổi sáng nào đó, tôi chạy thể dục trên đường, một bàn tay dài thò ra từ nắp cống túm lấy chân tôi, kéo xuống và phủ lên đầu tôi bóng tối của cái chết ?" tôi luôn tưởng tượng ra cảnh như thế.
    Cái nắp cống mở. Hình ảnh cuối cùng khi tôi nhìn lại nó, lúc bước lên, là ký ức rõ ràng nhất trong tôi. Nó đại diện cho sự sợ hãi, hay đại diện cho sự nhớ nhung, tôi không biết nữa. Nhưng nó như một cái lỗ đen, hút vào đó cả quá khứ, những mảnh quá khứ mà tôi đang dần đánh rơi, hút vào cả sự dũng cảm, hút niềm tin, hút sự hi vọng, hút vào tất cả những gì có thể ngoài chính thân xác tôi. Tôi không bỏ lại tất cả những thứ đáng tự hào mà mình có được trước tuổi 13 ấy ngay khi rời cái lỗ cống, mà nó cứ từ từ hút hết trong quãng thời gian sau này.
    Có một lần tôi gặp người bạn nước ngoài. Anh hỏi tôi đến từ đâu. Tôi bảo là từ một cái lỗ. Anh cười sặc sụa. Ai mà không chui ra từ một cái lỗ. Sau đó anh trầm lại, hỏi tôi rằng không biết cuộc sống trước khi chui ra khỏi cái lỗ của mỗi người sẽ như thế nào nhỉ, sao chẳng ai nhớ gì cả.
    Rồi anh bảo: ?oCái lỗ? cũng là một quốc tịch hay. Chắc bởi ai trên thế giới này cũng có cùng quốc tịch ấy, nên họ sống giống nhau lắm. Hao mòn qua từng ngày.
    Có một lần tôi đã kể câu chuyện về mình cho một người con gái. Đấy là lần đầu tiên tôi tin rằng mình yêu. Và tôi không đừng được việc nói cho em về cái quá-khứ-lỗ-cống của mình. Em đã nghe chăm chú, rồi nói: chắc hẳn anh đã có một tuổi thơ khó khăn lắm. Em tưởng rằng tôi chỉ là một cậu bé mồ côi đang cố diễn đạt một cách văn hoa về tuổi thơ của mình, về bước chuyển mình giữa thế giới êm đẹp của tuổi thơ đến với thế giới đau thương của những người lớn ở tuổi 13. Mọi con người trên thế giới này hình như đều trải qua một bước chuyển như thế. Và hình như họ cũng có một cái lỗ cống vô hình như tôi, hút dần những sắc màu đẹp đẽ của tuổi thơ cho tới tận cuối đời. Ai cũng cố níu lại những mảnh ký ức ấy như cậu học trò ôn bài, nhưng rồi nó cứ vỡ ra và trôi tuột đi. Đấy không biết có phải một phần ý nghĩa của ?oquốc tịch cái lỗ? mà anh bạn nước ngoài đã nói đến không?
    Tôi chia tay em khi gia đình em chuyển đến một nơi mới. Nhưng lời nói của em làm tôi suy nghĩ. Tôi đã đọc về những người tâm thần phân liệt có hai tính cách và luôn tưởng tượng một cách rõ ràng về một thế giới khác mà mình đã sống. Tôi nghi ngờ rằng có phải mình đã thực sự sống một cuộc đời như thế, trong một căn nhà lớn với cha mẹ và đầy đồ chơi, có một người anh lớn, mà khi tôi biết ý thức đã trở nên rất khó hiểu, cùng với cha mẹ làm những việc kỳ bí gì ở bên ngoài. Hay là tôi đã có một cuộc sống như thế thực, chỉ có cái đường hầm và nắp cống là do tôi tưởng tượng ra, để thay thế cho một biến cố lớn nào đã cướp đi cha mẹ và anh trai tôi, mà do đau thương quá nên ký ức của tôi không chứa nổi. Có phải tôi thực sự đã được sinh ra và lớn lên trên thế giới này?
    Tôi được nuôi dưỡng trong một trại trẻ mồ côi. Trước khi chia tay người quản gia đã đưa cho tôi một phong bì, trong đó có mảnh giấy ghi địa chỉ nơi này, và một số thứ mà ở thế giới các bạn gọi là ?ogiấy tờ?. Người ta xem giấy tôi đưa, rồi nhận tôi vào nuôi. Sau này tôi mới biết những giấy tờ ấy nói tôi từ một trại trẻ khác, vì lý do gì đó được gửi đến đây nhờ nuôi dưỡng. Họ đối xử với tôi tử tế, không thân không sơ.
    Tôi sống thu mình và không cười. Một cái màng vô hình rất mỏng thôi, đã phủ lên tôi, khiến tôi không thể cảm nhận thấy bất kỳ điều gì về những sự vật của thế giới này. Tôi sờ nắn và nhìn ngắm, nhưng cho dù đã tự ép mình, cũng không thể nặn ra xúc cảm. Khi còn bé, bố mẹ đã rất nuông chiều, tạo ra cho tôi một tích cách trái ngược với anh trai mình. Anh tôi mạnh bạo và rắn rỏi, còn tôi nhút nhát và xanh xao. Tôi chỉ thích đọc sách và dành những câu hỏi bất tận cho người lớn. Trong một thế giới xa lạ như thế này, tôi càng trở nên nhút nhát hơn. Dường như chưa ai dạy tôi cách kiểm soát thế giới xung quanh mình, nên tôi chỉ tìm cách tránh né nó.
    Khi nhận món quà sinh nhật đầu tiên ở thế giới này từ những mẹ ở trại trẻ mồ côi, một quyển truyện tranh màu thật đẹp có thắt nơ xanh biếc, tôi đã không thể cười. Từ ấy, các mẹ cũng thờ ơ với tôi hơn. Lũ trẻ cũng không muốn chơi với tôi, một cậu bé không cười.
    Vậy mà rồi tôi cũng có bạn. Một cô bé tên Mai. Tóc thắt đuôi sam, buộc một chiếc nơ đỏ, cô bé dễ thương chạy lại chỗ tôi đang ngồi bên gốc cây trong vườn và rủ tôi chơi cùng. Đấy là một buổi chiều thu nắng đẹp, các bạn khác đang chơi đùa rất vui vẻ ngoài sân. Khi Mai tiến lại gần với bộ mặt hớn hở, tôi đã vừa mừng vừa lo. Tôi mừng vì cảm thấy lớp màng quanh mình bỗng mỏng bớt đi, và hi vọng rằng cô bé đang tiến lại gần kia sẽ xé tan nó hoàn toàn. Nhưng nếu em kéo tôi ra ngoài khoảng sân nắng kia, tôi sẽ không biết phải làm sao để hoà nhập với những tiếng cười ở đấy. Những tiếng cười tròn trịa của lũ trẻ mà tôi không hiểu.
    Nhưng Mai không kéo tôi ra sân. Em cũng đang chơi trò chơi của riêng mình trong phòng lớn, nơi các mẹ dạy chúng tôi hát. Trò chơi cắt giấy. Chúng tôi cắt bìa thành hình những lâu đài, những bác nông dân với túp lều của mình, những chàng hoàng tử bạch mã và cô công chúa tóc dài trong toà tháp của con rồng. Khi vẽ màu và dựng đứng chúng lên trên một tấm bìa lớn khác, sẽ tạo thành một khung cảnh tuyệt đẹp của những câu chuyện cổ tích.
    Khi nhìn những đống hình mới cắt chất chồng lên nhau trên bàn, suy nghĩ rằng chỉ một chút keo dán rồi chúng sẽ ghép lại thành một khung cảnh đẹp khiến tôi cảm thấy hưng phấn. Tôi có cảm giác mình đang xây nên một thứ gì đó. Bác quản gia nói rằng ?otôi phải sống? ?" nhưng bác quên nói cho tôi rằng tôi phải sống để làm gì. Những toà lâu đài bằng giấy xoa dịu bớt trăn trở ấy trong tôi. Tôi bắt đầu tưởng tượng trở lại, bắt đầu ý thức được rằng còn có thứ gọi là ?otương lai?, và biết rằng tôi phải mơ ước một điều gì cho khái niệm xa xôi ấy.
    Những ?otác phẩm? đẹp của chúng tôi được các mẹ đem trưng bày ở phòng khách. Mọi người dần cảm thấy tôi là một đứa trẻ dễ thương, và bắt đầu cười trở lại với tôi. Tôi lại không hiểu những nụ cười ấy. Tôi tự hỏi rằng: nếu họ yêu quý tôi ngay từ đầu, tại sao phải đến khi tôi làm được chút việc hay ho mới nhận được sự trìu mến. Nhưng tôi cũng cười đáp lại. Mọi con người trong thế giới này đều đáp lại những nụ cười bằng nụ cười.
    Cuộc sống từ đấy về sau của tôi, trở nên bình thường hơn. ?oCuộc sống bình thường? là cụm từ mà những con người trên thế giới này hay gọi khi họ đã thoả hiệp xong với mọi điều xung quanh.
    Và cũng từ khi những khung cảnh bằng bìa của tôi và Mai được trưng bày nhiều gian phòng trong trại trẻ, tôi nhận ra rằng mình thú vị khi biết bọn trẻ xung quanh đang ghen tị. Sự thú vị ấy khác với sự hưng phấn tôi có được khi chơi cùng Mai. Cảm giác lúc cắt những khung cảnh thần tiên thân thương hơn, gần với quãng thời gian trước khi đứa-trẻ-tôi bước ra khỏi cái lỗ cống để đến thế giới này. Còn cảm giác thích thú với sự ghen tị của người khác, tôi mơ hồ cảm thấy nó gần với những điều đang chờ đợi mình trong tương lai, gần với thế giới sau tuổi 13 này của tôi hơn.
    Trò chơi cắt giấy còn làm tôi nhớ đến thế giới của mình. Ở đấy cũng có những toà lâu đài cao, cũng có những vùng ngoại ô xanh đồng cỏ với những túp lều của các lão nông. Những chiều mùa hè, bốn người trong gia đình tôi ra ngoại ô, ngồi trên thảm cỏ và ăn một món gì tôi không nhớ rõ nữa. Nắng chiếu xuyên qua kẽ lá làm thành vô số những vết tròn trên thân cây. Tôi và anh trai đã từng chơi một trò điên rồ: cá với nhau xem số những vết nắng tròn trong bóng râm của cây là chẵn hay lẻ, rồi cả hai bò lê trên bãi cỏ tỷ mẩn ngồi đếm trong lúc bố mẹ dắt tay nhau đi dạo ngoài cánh đồng phía xa. Đấy là lúc tôi còn bé xíu, và anh trai cũng chưa đủ lớn để thoắt ẩn thoắt hiện với những công việc cùng cha mẹ. Chúng tôi đếm vết nắng dưới bóng cây, rồi sẽ chạy ra xa, thật xa. Rồi mẹ sẽ cuống quýt đi tìm. Lần nào mẹ cũng tìm được chúng tôi, nhưng lần nào mẹ cũng giữ ánh mắt lo âu có chút hờn giận như thế. Rồi mỗi đứa sẽ bị cha phát nhẹ vào mông trước khi được ngồi ăn món ăn mẹ đã chuẩn bị từ nhà.
    Có một lần, tôi đã cố ngồi cắt hình cái cây ấy trong ánh mắt ngạc nhiên của Mai, nhưng bất thành. Tôi không thể nhớ rõ tên của nó, cái tên mà sau này hình như có đôi lần bố vẫn lôi ra trêu cậu nhóc của mình: ?ocon lại đang thơ thẩn gì thế, chơi trò cái cây à?? - tất cả cứ dần trở thành những mảnh rời rạc mà mờ nhạt. Hình như nắng của những buổi chiều hè ấy, bây giờ trở nên loá hơn những lần nhớ lại hồi tôi mới tới đây. Nắng loá và che mờ đi tất cả.
    Bây giờ, nắng thậm chí đang bắt đầu phủ lên khuôn mặt của Mai.
    Tôi đã chơi trò chơi cắt mô hình với Mai suốt cả mùa thu và mùa đông năm ấy. Mai là một cô bé rất dễ gần, tôi hay ngắm những sợi tóc mai của em nhòa đi trong nắng nhẹ của mùa thu, cảm nhận sự dễ thương của em như ngậm một viên kẹo ngọt ngào và tự hỏi rằng tại sao Mai lại chọn trò chơi cắt giấy này mà không chơi cũng những bạn khác trong sân. Mọi người ai cũng có vẻ yêu quý em.
    Những khi chúng tôi không cùng chơi chung, tôi và Mai hay ngồi ra ngoài hè. Bầu trời ở thế giới này nhiều mây hơn nơi của tôi, và vì thế trong phức tạp và dường như gợi cảm hơn. Chúng tôi ngắm mây trôi, đếm những chiếc lá rụng ngoài sân và nói những câu chuyện không đầu không cuối của trẻ con. Đôi lúc cả những câu chuyện tôi không biết thuộc về trẻ con hay người lớn. Tôi bảo Mai rằng những chiếc lá đang ngủ quên, một giấc ngủ sâu đến mức cả tâm hồn và thể xác chúng kéo nhau chìm xuống, sẽ tan vào đất. Tôi lấy ý tưởng quái lạ ấy từ chính mình. Những giấc ngủ của tôi, dù gặp ác mộng hay không, luôn nặng nề và mệt mỏi. Đôi lúc, khi đặt lưng xuống giường, tôi cảm giác như trong người mình, một chất thạch đã tan ra thành nước, rồi sẽ chảy ra và ngấm qua giường xuống mặt đất. Mai thích ý tưởng về một giấc ngủ như thế. ?oGiá như em cũng được tan chảy một cách nhẹ nhàng như những cái lá kia ngấm vào đất? ?" tôi ngạc nhiên trước câu nói ấy của Mai, rồi cố xua đi bằng ý nghĩa rằng em chỉ đang cố tỏ ra hiểu mình.
    Mai hay nhìn thẳng vào mắt tôi khi nói chuyện. Khi nhìn vào mắt Mai, lần đầu tiên tôi biết rằng ánh mắt của người ta có thể nói lên nhiều điều như thế. Chính cách nói chuyện của Mai đã tạo cho tôi một thói quen về sau này: tôi luôn nhìn vào ánh mắt của con người để đoán biết họ đang nghĩ gì.
  3. Favercode

    Favercode Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    21/01/2002
    Bài viết:
    646
    Đã được thích:
    0
    Sinh nhật Mai là một ngày đầu mùa xuân. Một ngày trời có nắng nhưng se lạnh. Cái cây trong sân tôi vẫn hay ngồi dưới gốc, mà bây giờ tôi biết họ gọi là cây bàng, đã bắt đầu trổ ra những lá non màu đỏ tươi. Sáng hôm ấy, tôi đứng bên hành lang mà nhìn ra, khẽ mỉm cười khi nghĩ rằng rồi những cái lá ấy sẽ to xoè ra, lại phủ một bóng tròn lớn trên mặt đất để tôi có thể tha thẩn chơi trò chơi đếm vết nắng của mình. Đã một tuần nay tôi không ngồi cắt giấy cùng Mai, và hình như đây là lần đầu tiên từ khi ấy tôi tự cười với chính mình. Suốt một tuần tôi chỉ cười vì người khác đã cười với tôi.
    Lần đầu tiên, tôi nhận ra cảm giác khi mình muốn tự mỉm cười với bản thân quan trọng thế nào.
    Tôi đã chuẩn bị quà sinh nhật cho Mai. Tôi tìm được một cái đồng hồ đã vỡ trong một buổi dọn nhà. Động cơ của nó vẫn chạy, và tôi tự làm một chiếc mặt đồng hồ mới bằng bìa màu. Một hình mặt trăng khuyết đang cười, mà hai chiếc kim thò ra sẽ là hai hàng ria mép của ?oông mặt trăng?. Buổi tối tôi sẽ tặng Mai.
    Ngày hôm ấy cũng là ngày kỷ niệm thành lập trại trẻ. Trại sẽ tổ chức một liên hoan văn nghệ cho bọn trẻ để chúc mừng các mẹ. Có cả kênh truyền hình về quay phóng sự, nên mọi chuyện đã được chuẩn bị kỹ lưỡng và tất bật từ mấy hôm trước. Tôi cùng mọi người dựng rạp và trang trí sân khấu, còn Mai sẽ biểu diễn một ca khúc. Mai có giọng hát rất đặc biệt mà tất cả mọi người ở trại trẻ đều yêu mến. Đã mấy hôm Mai mải mê tập với ca khúc của mình đến mức tôi sợ em sẽ mất giọng đúng vào đêm diễn. Cũng vì thế mà chúng tôi không chơi trò cắt bìa nữa.
    Đêm hôm ấy là khoảnh khắc tôi vui nhất kể từ khi bước chân vào thế giới này. Khi Mai ngượng nghịu bước lên trên sân khấu hát ca khúc của mình, một cậu bạn ngồi sau vốn chẳng mấy khi nói chuyện với tôi, đã đẩy lưng tôi mà cười lớn: ?oNgười yêu cậu kìa!?. Tôi cũng cười. Lần này không phải vì có ai đó đã cười với tôi, mà bởi đột nhiên tôi có cảm giác về một sự gần gũi lạ kỳ giữa tôi và Mai. Rằng giữa tôi và Mai đã có một sự gắn bó nào đó, mà ngay cả những người xung quanh cũng công nhận. Tôi không còn nhớ rõ lúc đó, trong suy nghĩ trẻ thơ của mình đã dùng đến chữ ?otình yêu? để diễn tả sự gắn bó ấy chưa, nhưng có một điều rõ ràng: tôi cảm thấy Mai là của tôi, là sự gắn kết giữa tôi và thế giới này, hay chính là một phần của tôi trong thế giới này. Có Mai, tôi mới cảm giác được rằng mình thực sự tồn tại.
    Tôi không biết rằng rồi cảm giác ấy sẽ chẳng kéo dài được bao lâu.
    Hai tuần sau ngày sinh nhật Mai, một người đàn ông đến trại trẻ. Ông đến trong một chiếc xe hơi dài bóng nhẫy có tài xế riêng. Khi nhìn thấy ông trong phòng khách trại trẻ, trong tôi tràn ngập cảm giác bất an. Một thứ linh cảm gì đó. Đó không phải một trong những mạnh thường quân đến để ủng hộ tiền cho trại trẻ như những vị khách sang trọng khác, dù trên bàn của hiệu trưởng có một phong bì dày.
    Tôi chạy về phòng Mai, nhưng em không ở đó. Một mẹ vừa dắt em đi đâu đó, cô bạn cùng phòng bảo tôi.
    Tôi đã chẳng linh cảm gì cả. Ông đã xem chương trình về buổi liên hoan ngày Phụ nữ ở đây và nhận ra Mai. Tôi thấy bất an chỉ vì khuôn mặt của người đàn ông: ông ta có cái mũi thon nhỏ và tuyệt đẹp như em. Lúc bắt gặp ông, sự bất an mơ hồ hoá ra xuất phát từ việc ý thức của tôi nhìn thấy rằng một mối quan hệ khác, quan trọng hơn đã xuất hiện để cạnh tranh với trò chơi cắt giấy của mình.
    Những thủ tục diễn ra trong một hay hai ngày. Nhưng bây giờ trong ký ức nhoè nhoẹt đi vì nắng của tôi, nó nhanh đến mức tôi không tưởng tượng ra mình đã làm gì trong khoảng thời gian ấy nữa. Hoặc là tôi không muốn nhớ và đã kỳ công xoá nó đi rồi. Chỉ chắc một điều: mấy ngày ấy tôi đã không gặp Mai. Tôi không dám gặp em để rồi nghe Mai mừng tủi kể rằng bố em đã đến, rằng em sẽ được gặp những người thân, sẽ được đến một ngôi nhà sung túc đầy ắp thú chơi mới. Em sẽ kể một cách háo hức như thể trên đời này chỉ có mình câu chuyện đoàn tụ tuyệt vời ấy tồn tại, và trò chơi cắt giấy sẽ trở nên nhỏ bé vô cùng. Tôi tưởng tượng ra cảnh ấy và không muốn tự làm mình đau lòng thêm nữa.
    Cho đến tận ngày Mai đi, tôi mới biết rằng trò chơi cắt giấy với em vẫn còn quan trọng. Em không chào tôi, tôi cũng chỉ dám đứng từ xa nhìn em bước lên chiếc xe màu đen bóng nhẫy ấy lao ra cổng đi về một nơi nào. Chỉ tới buổi tối, một mẹ mới đưa cho tôi một lá thư ngắn, và chiếc nơ màu đỏ của em.
    ?oChắc em sẽ không bao giờ được gặp lại anh nữa. Nhưng anh đừng quên em, đừng bao giờ quên trò chơi cắt giấy của hai đứa mình. Nếu sau này lớn, em gặp lại anh, anh sẽ đưa ra chiếc nơ màu đỏ còn em sẽ đưa ra chiếc đồng hồ màu vàng, để mình có thể nhận ra nhau....?
    Những dòng chữ giả vờ giọng chững chạc trong cuộc chia ly của cô bé 11 tuổi ấy, tôi chỉ nhớ có thế. Tôi vẫn giữ lá thư nhưng không dám đọc lại nó lần thứ hai nữa. Tuổi thơ của tôi, thứ còn vương lại chút nào sau khi tôi bước từ cái lỗ cống kia lên, đã theo Mai mà đi mất.
    Tôi vẫn chưa hỏi em tại sao không muốn chơi cùng lũ trẻ trong sân.
  4. Favercode

    Favercode Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    21/01/2002
    Bài viết:
    646
    Đã được thích:
    0

    2.
    Tôi đang đứng trước cái lỗ cống nơi mình đã chui ra.
    Tôi đã chọn giờ tan tầm để đến đứng trước cái lỗ cống ấy. Nó nằm giữa vỉa hè một con phố tấp nập. Tấp nập tới mức cả không gian và thời gian đều tắc lại. Người nối tiếp người thành một khối dài. Tôi nhận rõ một sự dồn nén kỳ lạ qua nét mặt của những người đang đứng trong đám tắc đường. Họ đi xe máy, xe đạp hay ngồi trên ô tô. Họ đang căng thẳng, nhưng không giống lắm tâm lý của một con người bị cưỡng ép làm một việc gì mình không muốn. Là khuôn mặt của những anh thợ đang cố làm nốt phần việc trong ngày. Không vui, không buồn, cố vận thật nhiều năng lượng để hoàn thành cho xong một việc dù không hấp dẫn, nhưng cũng chẳng nên nghĩ nó tệ hại cho thêm mệt đầu. Thỉnh thoảng, lại có một người đang ngồi sau xe máy, đứng hẳn lên hai giá đỡ chân một cách thành thục, nhìn qua đám đầu người ra phía trước, rồi ngồi xuống phản ánh với người đang cầm lái thảm trạng của cả hai. Họ phản xạ quen thuộc như đang rửa bát, gõ bàn phím máy tính bằng mười ngón hay đếm tiền. Đấy là một phần cuộc sống của họ.
    Tôi chọn thời điểm ấy bởi nếu dưới cái nắp cống kia, khi tôi mở nó ra, có một bàn tay hay một lưỡi kiếm thò lên thực, người ta sẽ dễ nhận ra và chạy lại cứu tôi. Tôi chưa chuẩn bị gì để đối phó với thế giới của mình, một thế giới mà ký ức cuối cùng trong tôi là sự chết chóc, là khuôn mặt trắng bệch và đau đớn như tấm giẻ của con người kia. Nắp cống vẫn đậy lại im lìm, nhưng tôi bắt đầu có cảm giác nỗi sợ hãi của mình, thứ mà tôi cố dồn tụ nó lại phía dưới, đang bắt đầu tan ra và len qua từng khe nhỏ trên nắp cống, bay hơi lên cao và ám vào tôi. Tôi thấy run rẩy. Càng lúc khuôn mặt của con người bò trên bậc thềm nhà thờ lại càng hiện rõ. Ngay cả trong thế giới bất trắc tôi đang nương nhờ này, tôi cũng chưa từng một hình ảnh khiếp hãi đến thế.
    Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi mở nó ra và bước xuống? Có thể là cái chết. Có thể sẽ không là gì cả. Tôi sẽ lần theo đường hầm để quay về thế giới của mình. Quê hương tôi đã như thế nào sau đêm ấy rồi? Một chế độ độc tài tàn nhẫn, bầu trời màu xám và những con người rách rưới lê lết quanh những khu phố bẩn thỉu, hay chỉ là một sự thay đổi chế độ bình thường như bao nhiêu trường hợp trong thế giới này, người ta sẽ dần tự thoả thuận để có ?ocuộc sống bình thường?. Hay là chính phủ đã dập tắt chiến tranh ngay trong đêm ấy, và mọi chuyện tiếp diễn như chưa có điều gì xảy ra, bố mẹ và anh trai vẫn đang chờ tôi về. Không. Nếu bố mẹ và anh tôi còn sống, họ đã biết phải tìm tôi ở đâu rồi. Và nếu như quê hương tôi đang bị một chế độ độc ác cai trị thực, thì tôi sẽ phải làm gì? Bác quản gia đã chẳng dặn gì trước lúc chia tay tôi?
    Những giả thiết mà tôi đã tự tạo ra tầng tầng lớp lớp trong suốt mười năm, cùng với những mảnh vỡ của ký ức không rõ màu cứ thế ồ ạt kéo về. Tôi vã mồ hôi lạnh, thấy óc mình quá tải. Những lọn khói sợ hãi càng lúc càng túa ra từ dưới cống nhiều hơn, bay lên cao và ám vào tôi nhiều hơn. Tôi thấy mình không khác cậu bé nhút nhát đã chui lên từ cái miệng cống ấy bao nhiêu.
    ?oAnh có sao không?? ?" tôi giật mình khi nghe thấy tiếng phụ nữ. Dòng suy nghĩ đang căng cứng cực độ bỗng đứt phựt. Tôi ngất lịm đi.
    Khi tôi tỉnh lại đã thấy mình nằm trong bệnh viện. Mất vài phút để lấy lại suy nghĩ của mình, mất vài phút nữa để quan sát, tôi tìm thấy câu đầu tiên mình muốn hỏi người y tá đứng gần đấy, đang chăm sóc cho một bệnh nhân ở giường bên. Tôi hỏi ai đã đưa tôi vào bệnh viện.
    Cô y tá trẻ, với vẻ mặt lý thú, kể với tôi rằng đó là một cô gái. Đưa tôi vào bệnh viện bằng xe taxi, rồi ngay khi bác sĩ thông báo rằng tôi không sao, chỉ là hạ huyết áp, đã vội đi ngay. ?oChị ấy xem đồng hồ, chắc đang bận việc gì. Em bảo sao chị không để lại số điện thoại cho người ta biết mà cảm ơn. Chị ấy bảo không cần, nếu có duyên thì sẽ còn ngày gặp lại anh. Còn khen anh đẹp trai? ?" cô y tá vồn vã như đang tường thuật đoạn mở đầu một cuốn phim lãng mạn. Tôi hiểu cái vẻ mặt ấy. Con người trên thế giới này khao khát sự lãng mạn. Những thứ thơ mộng là ốc đảo hiếm hoi mà ai may mắn mới bắt gặp trong hành trình cuộc đời ?" vốn đã chẳng khác nào một sa mạc cằn khô bắt người ta phải lang thang qua những chỗ giống nhau y hệt này.
    ?oCó duyên thì sẽ còn ngày gặp lại? ?" tôi băn khoăn với câu trả lời bí ẩn ấy khi cô y tá bỏ đi.
    Chỉ được một phút, rồi tôi lại quay trở lại với những trăn trở về cái lỗ cống của đời mình. Tôi đã không đủ dũng cảm, hay là quá hèn nhát để mở nó lên và bước xuống. Tời giờ thì tôi đành công nhận điều ấy. Không phải vì mười lăm phút đứng toát mồ hôi lạnh cạnh nó. Mà đó là kết quả của một cuộc tranh đấu trong tư tưởng suốt một thập kỷ. Tôi đã có suy nghĩ quay lại nơi đây chỉ một ngày sau khi tôi vào trại trẻ. Nhưng qua mỗi ngày, mỗi tháng, tôi không những chẳng gom đủ tự tin để quay về, mà cái lỗ màu đen sâu hoắm, và khuôn mặt đau đớn của con người kia, cứ ngày một trở nên hung dữ và khiến tôi sợ hãi hơn.
    Tôi ngờ rằng chính những thức ăn tinh thần mà tôi có trên thế giới này, đã làm tôi trở nên ngày càng hèn nhát như thế. Tôi đã không chủ động tiếp xúc với điều gì trong suốt mười năm qua. Nhưng tôi vẫn sống, vẫn chuyển động trong thế giới này, và có những điều đã tự ngấm vào trong tôi trong suốt cái quá trình gần như là va đập ấy. Giống như một thanh sắt đã nung mềm dưới bàn tay của một thợ rèn, trước sau gì cũng thành một con dao.
    Tôi quyết định không nghĩ nữa. Tôi đứng dậy và đi ra hành lang bệnh viện. Ngoài kia, tôi đã thấy bóng một cây bàng to.
    Ở ngoài này không khí dễ thở và làm tôi thấy thoải mái hơn. Trong sân có nhiều người với muôn hình dạng. Có những người đang tất tả lo âu chạy đi đâu, cả một dãy những người nhà quê đang trải báo bên hành lang nằm ngủ. Tôi biết có nhiều người sợ bệnh viện. Một không khí nặng nề, đôi khi là cả tang tóc bao trùm lên bất cứ ai bước vào nơi đây. Muôn vàn cảnh đời đáng oán thán tụ tập ở đây mỗi ngày, và sự u uất trong lòng họ như nguyền rủa cả không khí. Tôi thì không sợ. Với một kẻ đã thu mình trong một góc tối, chẳng làm gì ngoài quan sát thế giới này, thì sự buồn khổ, những tiếng khóc, những khuôn mặt u ám, cả máu cũng không khiến tôi thấy xúc động nữa. Những con người nơi đây cứ tưởng rằng buồn đau là một phần nhỏ của cuộc đời họ, để rồi xúc động hay kinh ngạc trước những buồn đau. Họ không biết rằng chính sự an lành đích thực mới là thứ có khi họ chẳng được gặp một lần trong đời.
    Với tôi, sự an lành đã ở bên kia đường hầm, nơi có bóng của chiếc cây mãi tôi cũng không nhớ nổi tên.
    Tôi quay trở lại giường. Phòng chỉ có hai người. Tôi và một người đàn ông chừng gần 50 tuổi. Khuôn mặt không có nhiều nếp nhăn, đơn giản vì chưa đến độ tuổi có nhiều nếp nhăn, nhưng lại vô cùng xanh xao. Mái tóc chỉ còn lấp ló vài đám đen và bàn tay gày nhăn và nổi đầy gân xanh. Ông còn có một cái bớt xanh to trên mắt trái. Một vẻ ngoài như thế, lại gặp trong khoa tim mạch, sẽ dễ cho người ta cảm giác về một người chưa bao giờ khỏe mạnh từ bé. Ông đang nằm đọc báo, dường như rất tập trung. Khuôn mặt ông có gì thu hút tôi. Tôi không chắc mình đã gặp ông ở đâu chưa, hay là tại mọi người đàn ông trung niên trên thế giới này đều tạo cho tôi cảm giác về một thực thể đã bắt đầu cảm thấy mệt mỏi vì những sự đời. Trầm tĩnh và hay cau mày. Có một khoảnh khắc tôi đã cảm thấy ông rất quen, gần như đã gọi được thời gian và địa điểm tôi gặp ông đâu đó trên phố. Nhưng không gọi được. Tôi tự nhủ mình chắc đó là một kiểu déjà vu ?" cảm giác tin chắc mình đã gặp sự kiện này ở đâu đó một lần trong đời rồi, nhưng không phải.
    Tôi nằm xuống giường, ngắm cái trần nhà. Cái trần nhà bệnh viện, màu trắng, đã có những vết ố và hơi lở vôi ở các góc, hình như là nước mưa thấm. Mọi căn nhà xây hơn hai mươi năm ở xứ sở nhiệt đới này đều bị nước mưa thấm, tất yếu như là con người sống đến năm hai mươi tuổi thì tâm hồn sẽ thẩm thấu đủ thứ ngoài phố và bị ố vàng, dù có tự quét cho mình mấy lớp vôi ve. Cái mảng màu trắng hình chữ nhật phía trên cao làm tôi nhớ lại rằng có lần mình đã tự hỏi xem nếu được trải tâm hồn mình ra như tờ giấy đặt trên mặt đất, thì trông nó sẽ thế nào. Bây giờ thì tôi nghĩ rằng nó sẽ có một vài vết thủng, như bị ai châm thuốc lá vào, không biết là bao nhiêu, vì tôi vẫn đang cố đếm. Những vết thủng mà cái quá khứ lỗ cống đã để lại trong tôi. Phía bên ngoài rìa tờ giấy, sẽ có cả những chỗ bị thấm nước chè tàu đã khô, vàng xạm và cong lên không cách nào ép phẳng lại được. Những vết ố mà cái hiện tại ở thế giới này đã và sẽ để lại trong tôi. Một tờ giấy không thể thảm hại hơn.
    Một đám người bước vào. Đó là một giáo sư và đám sinh viên trường y đi thực tập. Ông vừa đi khám vừa giảng bài cho học trò của mình. Tôi trở thành giáo cụ trực quan mới nhất. Trông vị bác sĩ già có vẻ khó tính, hay là tôi đoán thế qua vẻ sợ sệt của năm người sinh viên trẻ xung quanh.
    Ông xem mảnh giấy kẹp ở chân giường tôi rồi tặc lưỡi. ?oAnh bị rối loạn nhịp tim đấy. Khi vào đây tim anh đập tới 180 nhịp một phút. Bây giờ giảm xuống rồi vẫn trên 120 nhịp một phút. May mà chân anh không có màng, không thì tôi đã phải đem nộp cho NASA họ nghiên cứu rồi?. Đám sinh viên xung quanh cười ồ lên. Tôi thoáng giật mình với ý nghĩ cơ thể mình có một khác biệt nào đó với những con người nơi đây, mà tôi đã không tìm ra trong suốt 10 năm qua. Rồi tôi chợt nhận ra trong đám sinh viên đang tươi tỉnh sau câu đùa của ông giáo sư khó tính, có một cô gái không cười. Cô giữ một ánh mắt lạ kỳ, vẫn tròn đen láy và có sự háo hức ngây thơ hiển nhiên của tuổi trẻ, nhưng lại pha vào cả những ánh nhìn u uất. Hình như cô đang thông cảm với sự mệt mỏi của tôi, không hề coi tôi là giáo cụ trực quan như bốn người còn lại. Tôi đã gặp nhiều sinh viên trường Y trong mấy ngày nằm đây, và khẽ ngạc nhiên vì điều ấy.
    Thày trò ông giáo sư, thảo luận một hồi về chức năng của tim và bệnh cao huyết áp rồi đi ra. Ông bạn cùng phòng cũng bỏ tờ báo sang bên cạnh. Rồi đột nhiên ông quay sang tôi hỏi: ?oNày, cậu có nghĩ là vụ tham ô này có cả bàn tay của những người ở cấp trên nữa không??. Tôi không hiểu ông đang nói đến điều gì. Chắc là một vụ án đình đám ở thành phố lỗ cống này, mà ông tưởng rằng ai cũng biết. Tôi ậm ừ cho xong. Rồi ngủ thiếp đi.
    Tôi bị giữ ở trong bệnh viện một tuần. Trong vài ngày đầu tôi phát hiện ra rằng nhịp tim mình nhanh hơn những người xung quanh. Và bởi mỗi đêm, cái lỗ cống lại quay trở lại ám ảnh suy nghĩ của tôi cùng muôn vàn dòng suy tư, lúc thì rõ ràng như một đám dây song song, mạch lạc, lúc thì đám dây ấy xoắn lại với nhau tạo ra một sợi thừng căng cứng, lúc lại bùng nhùng như chỉ rối, khiến tim tôi lại đập nhanh hơn. Cơ thể tôi không thôi mệt mỏi, khiến cô y tá trẻ phụ trách phòng bệnh, sau mỗi buổi tiêm thuốc, đã bắt đầu lo lắng ra mặt cho ?oanh chàng đẹp trai? của mình.
    Được Favercode sửa chữa / chuyển vào 04:29 ngày 21/04/2009
  5. Favercode

    Favercode Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    21/01/2002
    Bài viết:
    646
    Đã được thích:
    0
    Trong mấy ngày ấy tôi chỉ nói chuyện với ông già cùng phòng và cô y tá. Cô ta tỏ ra thích tôi, hay là những cô gái trẻ mơ mộng luôn thích những chàng trai đẹp và ?ocó chút gì u sầu?, như lời cô nói. Nhưng vì công việc tất bật, nên cô thường chỉ nói được vài câu ngắn rồi lại đi. Nhiều khi tôi cũng mong ngóng được nhìn thấy khuôn mặt khá đáng yêu của cô y tá ấy, để rồi phát hiện ra rằng cô không bao giờ trực đêm, khi tất cả các y tá khác trong khoa đều thay phiên nhau làm việc này. Khi tôi hỏi, cô bảo rằng mình sợ phải ở gần tôi buổi đêm, có khi lại chẳng kìm được mình cũng nên. Khi nói câu ấy, trong mắt cô gái ánh lên một tia giễu cợt lạ kỳ. Có lần tôi nhìn thấy trên mu bàn tay cô một vết xước dài như bị ai cào, nhưng cô cứ cố giấu nó đi khi tiêm cho tôi. Chỉ cười nhẹ khi tôi hỏi mà không nói.
    Ông bạn cùng phòng cũng có vẻ thích một chàng trai trẻ có vẻ sâu sắc, và trong phòng cũng chỉ có hai người, nên nói với tôi về đủ mọi chuyện trên đời. Ông vẫn tỏ ra đặc biệt băn khoăn về ?ovụ tham ô? của mình. ?oTớ cá với cậu rằng nếu không trực tiếp nhúng tay vào, thì cũng có những ông lớn ở trên biết chuyện nhưng lờ đi? ?" ông say sưa ?" ?oNgày xưa, chỗ tớ cũng có một thằng cha phó giám đốc??. Tôi thì chỉ lắng nghe và thêm vài câu nhận xét. Thêm cả vào những nụ cười tôi đã học hoàn chỉnh cách tạo ra trong suốt 10 năm qua.
    Ông hỏi tôi nhiều về bản thân. Tôi chỉ ậm ừ, nói rằng mình đến từ một tỉnh khác, tốt nghiệp đại học Văn khoa và tới thành phố này tìm việc, chẳng may phát bệnh. Cũng có đôi lúc tôi hỏi thăm hoàn cảnh của ông. Nhưng ông thường lảng đi. Tôi cũng ngạc nhiên vì trong mấy ngày nằm bệnh, ông chẳng có ai đến thăm. Những người ở độ tuổi ông đã bắt đầu thích than thở rồi, và như lẽ thường họ đã cám cảnh, than thở đủ điều với tôi. Còn ông, tôi chỉ thấy đôi lúc nhìn lên trần nhà mà thở dài.
    Nhưng những thắc mắc nhỏ nhặt ấy không làm tôi bận tâm nổi, khi mà sự dằn vặt về cái lỗ cống vẫn đang choán hết tâm tư tôi trong những ngày nằm viện. Tôi không biết mình đã trằn trọc bao nhiêu đêm, đã tự khóc bao nhiêu lần, cho đến một ngày đầu óc tôi bắt đầu chán chơi trò chơi ma quái của những sợi dây suy nghĩ. Tôi không đấu tranh nữa, không tự nhủ: ?otại sao mày lại hèn nhát? nữa, và chấp nhận sự thực rằng mình sẽ không thể quay trở lại. Hay ít nhất là trong lúc này, cho tới khi tôi cảm thấy đủ vững vàng để chống chọi với nỗi sợ hãi từ bên trong. Tôi bắt đầu tính tới việc sẽ làm gì tiếp ở đây. Những câu chuyện của ông bạn cùng phòng đã giúp tôi nhận ra rằng thế giới này, những thằng cha phó giám đốc hay là thủ thư trong câu chuyện của ông thật ra có thể dạy cho tôi nhiều bài học. Suốt 10 năm tôi đã thu mình, chỉ quan sát và phán xét nó, chứ chưa một lần đối mặt. Có thể nếu tôi sống như những người kia, một ngày tôi sẽ đủ bản lĩnh để quay lại.
    Lúc ấy là mùa đông, cây bàng cổ thụ ngoài sân mỗi lúc một rụng lá nhiều hơn. Những cái lá đỏ rơi xuống nền sân xi măng, được người lao công quét lại một đống rồi đem ra sân sau đốt, chứ không được tan mình một cách thanh thản vào đất nữa. Tôi thường đứng ngoài hành lang, quan sát việc ấy và ngạc nhiên khi thấy tim mình đập chậm đi và đều hơn.
    Rồi các bác sĩ cho tôi ra viện. Ông bạn già quyến luyến lắm. Lúc đi, tôi xin địa chỉ và hứa sẽ đến thăm ông. Một cử chỉ không biết tôi học được ở đâu đó, đến lúc làm xong mới nghĩ là mình muốn đến thăm ông thật. Tôi xin ông tờ báo, trên ấy có địa chỉ một công ty trong thành phố này đang tuyển người. Tôi muốn sống ở thành phố lỗ cống này, như một kiểu tập luyện tinh thần.
    Gió thổi lạnh khi tôi bước ra khỏi cổng bệnh viện. Tôi giở tờ báo ra để nhìn địa chỉ. Trong trang giữa có bài mới về ?ovụ tham ô? yêu thích của ông bạn già. Tôi giữ tờ báo trong gió và đọc: hoá ra suy đoán của ông đúng, rằng những lãnh đạo cấp cao hơn biết cả về những hành động của ông giám đốc công ty nhà nước kia, nhưng lờ đi.
    Những suy nghĩ từ bài báo ấy khiến tôi đứng lặng người trên phố một hồi lâu.
    Nếu bố mẹ tôi, những người chắc chắn không phải lãnh đạo cao cấp nhất của nhà nước, biết về cái đường hầm bí mật để chạy trốn, thì sẽ có những người khác biết. Những lãnh đạo cấp cao hơn.
    Tôi nghĩ rằng có những người khác từ thế giới của mình cũng đã đến đây.
  6. Favercode

    Favercode Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    21/01/2002
    Bài viết:
    646
    Đã được thích:
    0
    3.
    Học đại học đối với tôi là một chuỗi ngày thu mình trong căn phòng ký túc xá trên tầng năm, đọc sách và ngắm nhìn khoảng sân náo nhiệt phía dưới qua cửa sổ. Tôi không đi đâu chơi, cũng không có bạn bè. Những người bạn cùng phòng tỏ ra quý tôi, vì tôi lắng nghe họ nói những câu chuyện trời ơi tuổi trẻ của họ mà không một lời phản biện. Chỉ ậm ừ, chỉ cười. Thật ra việc trốn mình cả ngày trong phòng đọc sách không phải chỉ vì tôi không thể hoà nhập. Trại trẻ không đủ sức trang trải cho ai học đại học cả. Muốn có học bổng thì phải học và lấy điểm cao trong những kỳ thi.
    Tôi sống tằn tiện bằng học bổng, tiền dịch và viết bất cứ thứ gì những bạn cùng phòng mang về. Họ tỏ ra bao bọc tôi, nhưng tôi sẽ chẳng bao giờ là một người bạn. Còn cả một biển trời những thú vui ở ngoài kia. Những đôi chân cuống cuồng chạy thật nhanh sau bữa tối, tay cầm một bó hoa buộc vội hay một chai rượu đã mang từ tận quê lên giấu trực ban ký túc xá thật kỹ, một cái áo sơ mi cài cúc lệch hay quên bẻ cổ, họ cười thật vô tư lúc chào tôi. Cánh cửa phòng khép lại. Đấy là hình ảnh tôi nhớ nhất về thời học đại học của mình. Những nụ cười sảng khoái và cánh cửa phòng khép lại.
    Cũng có một lần tôi hẹn hò. Một anh bạn cùng phòng tổ chức sinh nhật, bạn bè đến rất đông. Và cô gái ấy xuất hiện. Cả buổi hôm ấy tôi nhìn cô. Xinh đẹp và đầy sức sống, nhưng cũng ngồi khe khàng trong một góc, nhìn đám bạn cười đùa. ?oThật vô duyên khi nhìn chằm chằm vào một người con gái như thế? ?" tôi đã nghĩ khi bắt gặp ánh mắt của cô nhìn lại mình, pha chút ngạc nhiên lẫn thú vị - một đôi mắt biết cười. Nhưng tôi không đừng được: có gì đó rất đỗi thân thuộc từ cô. Có thể là bởi cô gái đó làm tôi nhớ đến Mai, hay làm tôi nhớ đến chính mình. Những con người có một tấm màng mỏng phủ quanh.
    Khi cậu bạn chủ tiệc nhận ra hai chúng tôi đang nói một câu chuyện vô nghĩa bằng ánh mắt, cậu ta cố tìm cách gán ghép chúng tôi. Rồi đám đông hùa theo như thường lệ. Mấy ngày sau đó, tôi có cuộc hẹn hò đầu tiên của mình. Buổi tối, bạn cùng phòng nhét vào túi áo tôi một nắm tiền lẻ rồi đẩy ra cửa. Lúc đó tôi vẫn không tin rằng rồi sự gán ghép này sau đó sẽ dẫn đến một đâu. Thế mà cuối cùng tôi lại yêu.
    Tình yêu của tôi cũng đơn sơ và trầm buồn như chính cuộc sống của tôi trên thế giới này. Tôi mua cho em một ly giấy đựng nước và chúng tôi cứ thế đi dạo qua nhiều con phố cho đến tận đêm. Tôi cũng không biết em có yêu tôi không. Những người bạn cùng phòng khẳng định là có. Nhưng chính trong một buổi lang thang như thế, tôi đã kể cho em nghe về cái lỗ cống. Em không hiểu.
    Một ngày, tôi đi từ trường về phòng, mấy cậu bạn kể rằng em đã đến và chờ tôi cả buổi chiều. Em về rồi, và chỉ để lại cho tôi một mảnh giấy. Nói rằng bố em nhận công tác ở một nước khác, và sẽ mang cả gia đình theo. Em hứa sẽ viết thư cho tôi.
    Tôi đã chờ đợi những lá thư đến khi tuyệt vọng, đến khi tôi tự nhủ rằng mình chưa bao giờ yêu, đến khi quyết định rằng mình sẽ không một lần nào chạm tay vào thế giới này nữa. Nó chỉ mang đến cho tôi những vết xước. Và tôi lại tiếp tục chuỗi ngày trốn mình trong phòng ký túc xá, ngắm cái sân đông đúc qua cửa sổ và nhìn những cánh cửa khép lại của mình.
    Tôi đã lớn lên trên thế giới của các bạn. Trong một thời đại mà những người nông dân-thời đại đã bắt đầu biết rằng chữ ?oD? trong từ ?oDylan? đọc là ?oĐ? và gần như không ai đọc sai cả. Một thời đại mà thanh niên-thời đại đã chỉnh lại tư duy hình ảnh về bảng chữ cái, từ ABCDEF của bảng đen lớp học thành QWERTY của bàn phím máy Blackberry. Một thời đại cho phép những nhà văn-thời đại được phép khinh bỉ cái xe Bentley trên phố và hoài niệm về những chuyến tàu hỏa ẩm thấp và tăm tối của một quá khứ xa xăm. Một thời đại mà những thời đại không cùng tính cách cùng đi qua và cắn xé lẫn nhau.
    Một thời đại mà cái thực thể thế giới của các bạn, giống một con tê tê đen ngỏm béo tròn nằm trên lớp lá mục đang cựa mình, vừa giống như đứng dậy, vừa giống đang rữa ra thành những miếng thịt đỏ tươm máu.
    Tôi đã lớn lên trong một thời đại như thế.
    Những ai đã từng học đại học sẽ đều biết rằng những năm tháng ủ ê trốn mình đọc sách trong thư viện như tôi đã có ắt sẽ mang về cho người ta một tấm bằng tốt nghiệp loại ưu. Và vì thế, bây giờ tôi có cớ để nộp đơn xin việc vào những chỗ tốt. Một công ty quảng cáo thuộc một tập đoàn lớn, sở hữu 2 tờ tạp chí uy tín và một tờ báo ngày, với một mức lương hứa hẹn đủ cho tôi trụ lại ở thành phố tấp nập này.
    Ông giám đốc công ty là người đứng ra trực tiếp phỏng vấn. Đó là một người trẻ trung và phong độ hơn nhiều so với tuổi của ông. Hơn 50, tôi đoán vậy. Da trắng, trán ít nếp nhăn, ánh mắt không nồng hậu, nhưng cũng không lạnh lùng và có vẻ nghi hoặc hay khinh thị của những người ngôi cao và tuổi cao nhìn những kẻ bề dưới. Có một nét gì rất trung dung. Nếu không có những sợi tóc bạc hai bên mai, không ai đoán rằng ông đã quá năm mươi, nhất là khi ông lại ở một cương vị cần nhiều sức sáng tạo như thế, vốn được mặc định là sẽ dành cho những người trẻ ngoài 30 thích giới thiệu rằng mình học ?obusiness? ở một nước xa xôi và hoàng nhoáng nào đó. Trong chiếc sơ mi vàng nhạt, ông có nét mặt của một nhà hiền triết, biến ấn tượng về căn phòng được décor cầu kỳ xung quanh mình thành con số không.
    Ông giám đốc xem bảng điểm thời đại học của tôi, hỏi tôi vài câu bâng quơ về kinh nghiệm làm việc. Tôi trả lời chậm rãi. Rồi nhận ra rằng hai người ngồi bên cạnh, một cô thư ký và một anh trưởng phòng gì đó, ngồi cho đẹp buổi phỏng vấn, tỏ thái độ khó chịu trước cách tôi nói. Chắc là bởi thái độ của tôi quá bình thản, không có đủ sự vồn vã đầy tự tin hay sự ngượng ngập đầy choáng ngợp của những người trẻ đến đây xin việc. Một thái độ ngang hàng khó chấp nhận với họ. Nhưng tôi không biết một thái độ nào khác.
    Hình như có 10 giây im lặng, rồi ông nói chậm rãi: ?oĐây là một công việc viết lách. Nhưng tôi chỉ muốn thuê một sinh viên kinh doanh học giỏi văn, chứ không thích những sinh viên văn. Các anh thường là những người thiếu thực tế.?
    Tôi không biết tại sao lúc đó mình không cảm thấy hoang mang. Chỉ hơi ngạc nhiên rằng mình đã nhận ra ý ông quá dễ dàng. Đấy không phải là một lời từ chối, mà là một phép thử, để kiểm tra sự thông minh của tôi, kiểm tra chính cái sự thực tế trong anh sinh viên văn tôi.
    ?oCó thể lớn lên trên thế giới này mà không thực tế được sao chú?? - tôi nghĩ rồi hỏi lại. Đó không phải một câu hỏi mỉa mai, cũng chẳng phải là cố thể hiện sự thông minh một cách dí dỏm. Tôi hỏi điều ấy bằng giọng điệu của một câu hỏi thực sự, khẽ nghiêng đầu và dường như đã toát lên cả sự ngạc nhiên của mình qua đôi mắt. Ông giám đốc lặng nhìn tôi một hồi lâu, hình như để tìm một sự đổi khác nào trong ánh mắt tôi, một chút tự mãn, một chút bi thương hay một chút căm giận nào đó. Nhưng không có.
    Tôi được nhận.
  7. Favercode

    Favercode Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    21/01/2002
    Bài viết:
    646
    Đã được thích:
    0
    Tôi dồn gần hết chỗ tiền để dành được từ thời sinh viên đặt cọc thuê một căn hộ chung cư. Người chủ nhà, mới hơn 30 tuổi, thổ lộ rằng anh mua căn nhà này chỉ là để dành. Mua rẻ từ một người vội đi nước ngoài, mà vợ chồng anh cũng có một cái nhà rộng rãi ở xa đây rồi, nên đem cho thuê cũng rẻ. Một căn hộ tầng 15 với tận hai phòng ngủ, có đầy đủ bếp nước, một chiếc tủ và một chiếc TV. Quan trọng nhất là khu chung cư ấy vắng. Không có nhiều tiếng người. Chỉ có tiếng mèo. Dường như mọi gia đình khu này đều nuôi một hay hai con mèo.
    Công việc không có gì vất vả. Họ giao cho tôi một chiếc máy tính. Trong một tuần tôi viết vào đó vài trang hùng biện cho tính năng và độ hoàn hảo của một cái máy giặt, một cái điện thoại hay một cô ca sĩ. Đơn giản lắm, bởi thuyết phục người khác tin vào những điều chính mình không tin, trên thế giới này, là một kỹ năng mà chẳng ai mất quá 10 năm để học thành thạo. Tôi làm tốt công việc của mình. Sau khi nhận tháng lương đầu tiên, tôi mua một cái bàn làm việc cũ, hai cái ghế nhựa, bếp ga du lịch loại nhỏ, thêm vài cái bát, một cái nồi con và một cái chảo. Tôi cảm thấy thế là đã đủ cho một người không biết mình đang phải sống vì điều gì.
    Nồi con và chảo thì có logic, dù tôi ăn cơm quán và không có ý định nấu nướng một mình, việc làm tôi biết chắc sẽ nhân cảm giác cô đơn trong mình lên. Tôi học được từ thời còn ở trong ký túc xá rằng sẽ có lúc dùng đến chúng. Những lúc chỉ còn đủ tiền mua mì gói, hay thậm chí là có gạo nấu cơm, nhưng chỉ đủ tiền mua rau. Đấy là những cảnh thường trong ký túc xá. Công việc kiếm khá, nhưng nếu chẳng may có chuyện, như đột nhiên bị móc túi mất sạch tiền chẳng hạn, thì tôi vẫn có thể tự lo cho mình. Tôi chẳng có ai để nhờ vả. Tôi chỉ thắc mắc chuyện mình mua tận hai chiếc ghế nhựa. Có một suy nghĩ nào đó thoáng qua đầu tôi mà tôi không thể nhớ lại, đã xui khiến tôi mua hai chiếc lúc ở cửa hàng. Sau này tôi không thể gọi tên suy nghĩ ấy ra nữa.
    Tôi chỉ dành ít thời gian để hoàn thành công việc, rồi đi lang thang.
    Tôi đi tìm những người đến từ cùng một thế giới với mình.
    Tôi đã không biết phải bắt đầu như thế nào. Cứ đứng trên ban công căn hộ của mình, nhìn xuống khoảng sân lát gạch trắng phía dưới, chơi một trò chơi khác cùng những sợi dây suy nghĩ. Tôi sẽ phải tìm một người như thế nào? Tôi biết rằng nhịp tim mình nhanh hơn những người bình thường khác. Nhưng không thể đo nhịp tim của tất cả những con người ngoài phố được. Dù cho người ta đã từng phát minh ra một cái máy như thế thật, thì nó cũng chỉ được chính phủ cất giữ, và dùng trong những cuộc phỏng vấn bọn tội phạm đặc biệt nguy hiểm mà thôi. Hãy tưởng tượng: một cái máy bé bằng chiếc điện thoại cầm tay, giúp đo nhịp tim của người anh đang nói chuyện. Sẽ không ai nói dối được nữa! Đúng là một thảm hoạ. Mọi con người trên thế giới này, từ dân thường, chính trị gia, giáo viên, con buôn, cha mẹ, con cái, vợ chồng,? sẽ tìm và đập bằng hết nó đi. Tôi nghĩ thế và tự mỉm cười. Rồi chợt nhận ra nụ cười lần này không giống khi tôi ngắm những chiếc lá bàng non trong ngày sinh nhật Mai khi xưa nữa. Một nụ cười chua chát. Sự chua chát có bởi 10 năm sống trên thế giới này. Một trong những vết ố nước chè tàu trong tờ giấy. Có lẽ nó sẽ còn tăng lên theo thời gian.
    Tôi đã mua một cuốn Atlas cơ thể người và đứng trước gương nhiều giờ đồng hồ, cố tìm một đặc điểm nào khác biệt giữa mình và cái cơ thể người được mô tả trong cuốn sách, ngoài việc nhịp tim luôn đập trên 150 nhịp một phút. Không tìm thấy. Tôi gần như tuyệt vọng.
    Cuối cùng, tôi đã quyết định mình sẽ lang thang. Có thể tôi sẽ tìm thấy ở ai đó một đặc điểm của chính mình, mà tôi cũng chưa nhận ra. Tôi đã nghĩ đến cái màng mỏng, đến một nét mặt ẩn chứa sự u buồn và muôn vàn câu hỏi trong ánh mắt, nhưng chưa thể định hình được mình sẽ nhận ra như thế nào. Vì thế tôi quyết định ra đường. Ngoài kia đã kịp là mùa đông.
    Tôi không thích mùa đông. Gió mùa đông có một mùi đặc biệt. Mùi của thèm mùi. Những mùa khác trong năm luôn đậm đặc mùi vị hơn. Mùi của hoa sữa mùa thu, mùi khét nồng của mặt đường mùa hè, mùi thơm thoang thoảng vô hình của mùa xuân. Còn mùa đông, không khí loãng hơn và nó quét liên tục qua người ta cảm giác của sự trống rỗng. Càng hít thở càng trống rỗng. Ban đầu, khi phát hiện ra rằng mình ghét mùi của những cơn gió mùa đông, tôi cảm thấy ngạc nhiên. Một người bạn cùng phòng ký túc xá giải nghĩa đơn giản rằng cái lạnh làm cho người ta thấy thèm hơi ấm, thèm có người ôm ấp. Thứ mà gió mùa đông mang cho tôi cũng là sự cô đơn, nhưng không phải là bởi tôi thiếu người ôm ấp, mà chỉ bởi tôi cảm thấy thiếu thốn những mùi vị khác, cảm giác chính thế giới xung quanh mình trở nên loãng hơn. Giống như những người mắc bệnh sợ không gian rộng vậy. Họ cảm thấy cô độc. Tôi đã ghét bỏ thế giới này ngay từ ngày đầu đặt chân đến, một phần bởi sự chen chúc quá đỗi của nó, nhưng lại cảm thấy cần được sự đậm đặc lởn vởn trong không khí ấy che chở. Có chút gì đó mâu thuẫn ở đây.
    Tôi đi bộ trên phố mùa đông. Trời âm u không có nắng. Con phố dài có hai hàng cây một bên lề đường. Tôi đi giữa hai hàng cây ấy, nhìn những con người phóng ào qua trên đường hòng tìm thứ tôi chưa gọi được tên. Không thấy ai giống tôi. Họ hối hả quá. Cũng có cả những người đi bên lề đường, một ông già dắt chó đi dạo, hay một đôi tình nhân tay trong tay. Nhưng họ có ánh mắt của những người chủ. Họ nhìn mọi thứ, hai hàng cây, những bức tường rêu cũ, nhìn mây màu xám trôi chầm chậm một cách thờ ơ không hứng thú. Như thể một anh nhà giàu, đã bỏ tiền thuê kiến trúc sư giỏi thiết kế lên một cái biệt thự đầy nội thất đắt tiền long lanh, rồi đến một ngày, anh ta chỉ còn đi lại loanh quanh trong nhà khi nghe điện thoại, hoặc khi trăn trở về một điều gì đấy ở bên ngoài và không còn ý thức về những bước chân, chứ chẳng thèm ngắm nhìn ngôi nhà của chính mình nữa. Anh ta quen thuộc đến nhàm chán nó rồi. Tôi đồ rằng những người này đi dạo ở đây chỉ vì họ không đủ tiền đi dạo ở Paris hay Milan.
    Tôi đã đi qua 5 người già tập thể dục, có chó hay không có chó, 3 tình nhân, có tình nhân hay không có tình nhân, 6 đứa trẻ con cầm súng hay rô bốt đồ chơi, có bố mẹ hay không có bố mẹ. Rồi tôi nhìn thấy một cô gái ngồi xổm bên gốc cây xà cừ, đang chăm chú tìm kiếm điều gì đó giữa những cái rễ to. Tôi dừng lại quan sát. Cô gái đó, tôi đã gặp ở đâu rồi.
    Cô gái không tìm gì cả. Đang cầm một cái que nghịch đàn kiến đen dưới gốc cây. Cô cũng không cầm trên tay máy chụp ảnh. Những người trẻ trong thành phố này bây giờ thích chụp ảnh. Đa phần sẽ chọn giải pháp chụp marco con kiến khi thấy ưng mắt với nó, chứ không cầm que gảy gảy thế kia. Chụp ảnh và đem khoe với bạn bè trên blog của mình một cách kiêu hãnh, nếu không phải để khoe khuôn mặt xinh xắn của mình, thì cũng để nói rằng: TÔI đã chụp khung cảnh đẹp này đây, chứ không phải để nói rằng: khung cảnh đẹp thế kia đấy! Tôi và tôi. Một thứ trào lưu như một triệu thứ trào lưu khác, mà những con người trên thế giới này đã nghĩ ra, hòng cố tạo ra sự khác biệt với phần còn lại mà không biết rằng rồi chính họ rồi cũng tạo ra một đám người giống nhau. Tôi không thích thú lắm với suy nghĩ những con kiến đang bị bàn tay xinh xắn kia trêu đùa, nhưng vẫn cảm thấy cảnh tượng lạ lùng ấy có điều gì thu hút.
    Cô cứ mải mê dùng cái que bẻ cong đường đi của những con kiến cho đến lúc nhận ra tôi đang đứng nhìn. Cô ngẩng lên, ngượng trước ánh mắt ngạc nhiên của tôi. Mất chừng 2 giây để cô ngẫm nghĩ điều gì đó, rồi nhoẻn cười: ?oEm đã gặp anh ở đâu chưa??.
    Mất thêm 2 giây nữa để tôi nhận ra cô.
    ?oEm là thực tập sinh trong bệnh viện, anh là bệnh nhân? - tôi gần như mỉm cười.
    ?oĐúng rồi. Anh bị mắc bệnh tim to. Nhìn mặt anh lúc ấy mệt mỏi lắm. Bây giờ anh đỡ chưa??
    Mười lăm phút sau tôi đã ngồi với cô sinh viên trường y ấy trên ban công tầng 2 một quán cà phê. Cô rủ tôi đi vì cả hai cùng đang rảnh rỗi. Nếu thế giới này có một ông Chúa, thì hẳn ông đã mệt mỏi vì phải điều hành nó quá, mà tạo ra một serie những kịch bản khác nhau, dùng được nhiều lần. Một chàng trai và một cô gái từng gặp nhau trong một tình huống trớ trêu, ngẫu nhiên gặp lại trong một chiều mùa đông se lạnh rồi đi uống cà phê cùng nhau ?" chắc hẳn phải có một kịch bản có sẵn như thế và đã được dùng nhiều rồi. Có thể việc quán vắng, chỉ có hai người, cũng nằm sẵn trong ấy.
    Cô gái mặc một chiếc áo gió mỏng màu xanh nhạt, dường như đã cũ, co người trong những cơn gió mỗi lúc một lạnh hơn của hoàng hôn mùa đông, cho hai tay vào túi áo. Một khuôn mặt trắng trẻo ưa nhìn, không hiểu sao làm tôi nhớ đến vầng trăng mùa thu. Chúng tôi đã không nói gì trong hơn 10 phút đầu tiên ngồi cùng nhau. Cô gái nhìn xuống dòng người phía dưới. Tôi nhìn cô. Tôi không hiểu sự im lặng này, nhưng cũng không biết phải nói gì. Tôi không cố mở đầu câu chuyện. Cô cũng không, dù chính cô là người đã kéo tôi tới đây. Một sự đổi khác nào đó đã xảy ra từ khi cô bắt đầu ngồi nhìn xuống phố đông. Tôi đã từng có cảm giác này một lần. Đó là những đoạn đường dài tôi cùng đi trong im lặng với người con gái đầu tiên tôi yêu. Không ai nói gì. Chỉ có một lần ấy thôi. Vì những con người trên thế giới này luôn quan niệm rằng họ phải nói một điều gì đó. Họ luôn cố bắt đầu những câu chuyện. Im lặng là ngượng ngập và họ cố phá vỡ nó từ cả hai phía. Không ai tin rằng người ta có thể giao tiếp bằng sự im lặng. Không ai nhận ra rằng sự im lặng thật ra là giá đỡ cho cảm xúc. Của cảm xúc chứ không phải của lý trí. Khi người ta nói, họ suy nghĩ nhanh hơn. Còn khi người ta im lặng, tim họ lại có xu hướng đập nhanh hơn.
    Khi những lọn khói trắng từ ly ca cao bắt đầu mỏng dần, cô cầm nó lên và cười với tôi.
    ?oSao anh không nói gì??
    ?oEm là chủ tiệc mà. Em cũng đâu muốn nói gì?
    ?oAh, thế là quan tâm đến suy nghĩ của em cơ đấy? ?" ánh mắt của cô cười trở lại.
    Tôi bắt đầu tưởng tượng ra cảnh Chúa vò đầu bứt tai loay hoay bới tìm một kịch bản cho cuộc nói chuyện này. Ông là một nhà nhân chủng học giỏi, đã tạo ra những kịch bản tuân theo bản tính cuả con người. Nhưng khi mọi chi tiết bỗng trở nên tự nhiên quá đỗi, không nằm trong cách người ta thường thoả thuận với thế giới thế này nữa, chắc ông bất ngờ. Một cô gái hơn hai mươi tuổi ngồi nghịch kiến, một cuộc nói chuyện bỗng không muốn nói, một chàng trai không cố lả lơi và một người mời không sợ khách của mình phải đối mặt với sự im lặng, hai con người ngồi với nhau khi chưa biết tên và bắt đầu câu chuyện bằng việc nói về cảm giác của đối phương. Những chuyện ấy bình thường, nhưng là bình thường quá. Những con người của ông đã trở nên phức tạp hơn thế từ rất lâu.
    ?oAnh có ánh mắt buồn lắm?
    ?oCòn em có đến hai ánh mắt: ánh mắt háo hức ngắm đàn kiến và ánh mắt ủ ê ngắm đường?.
    Cô cười, sặc ca cao. Cái vẻ duyên dáng vẫn rõ ràng ngay cả lúc cô đưa tay lên bụm miệng vì sặc.
    Tôi đồ rằng Chúa đã bỏ cuộc.
    Quán bật nhạc. Anh chủ quán có lẽ đến lúc này mới hết buồn ngủ sau cả một ngày quán vắng, và giật mình nhận ra rằng mình cần phải làm theo lẽ thường, dù chỉ có hai khách. Chúng tôi bắt đầu nói về nhau, tự nhiên như một cuộc nói chuyện của hai người bạn cũ lâu ngày gặp lại. Cô tên là Minh.
    Sau đợt thực tập ở bệnh viện lần ấy, Minh đã tốt nghiệp rồi, và có vẻ nhưng trăn trở với bài toán tìm việc làm lắm. Cô không muốn vào làm tại một bệnh viện, vì tự nhận rằng mình giao tiếp kém. Tôi tự nghĩ rằng cô không giao tiếp kém, chỉ là giao tiếp không giống những người khác lắm thôi. Cô kể về cuộc sống của mình, về những sở thích, cả những suy nghĩ vẩn vơ. ?oEm thích bài hát này? ?" cô nói khi loa phát một ca khúc về một tình yêu mùa đông. Một chàng trai và một cô gái đi với nhau trên phố mưa bay, và không ai dám nói lên tình yêu của mình. ?oKhông ai nói yêu ai, khi mùa đông rơi ướt vai. Nếu mà mọi tình yêu đều giữ nguyên như thế thì sao anh nhỉ. Nó vẫn ở đấy chứ nó có mất đi đâu đâu, cả hai đều cảm nhận được nó kia mà? Sao người ta cứ phải cố thể hiện nó ra và tìm cách kết thúc bằng một cuộc hôn nhân?? ?" Minh hỏi tôi hay tự độc thoại, tôi không biết phải nói gì.
    Rồi tôi bắt đầu nói về bản thân mình, theo yêu cầu của Minh. Một câu chuyện ngắn, vì chẳng có nhiều điều để kể. Tôi chỉ bắt đầu từ việc mình lớn lên trong trại trẻ mồ côi, và lờ đi những ngày tháng trước đó. Minh chăm chú nghe câu chuyện của tôi. Ánh mắt mới tinh nghịch trở lại của cô trầm xuống. Cô hiểu một phần vì sao tôi có ánh mắt buồn. Cô không hỏi thêm gì nữa, quay xuống nhìn phố đông với ánh nhìn lặng lẽ như khi chúng tôi mới bắt đầu câu chuyện.
    ?oAnh kể chuyện về cuộc đời mình cho mọi người gặp lần đầu à??
    ?oKhông. Em là người đầu tiên?
    ?oTại sao??
    ?oAnh cũng đang tự hỏi mình tại sao?
    Chúng lại im lặng một hồi lâu. Minh cúi mặt xuống, bặm môi lại, như đang cố khắc cái gì đấy bằng móng tay lên cạnh bàn gỗ. Hai cốc nước trên bàn, chưa vơi một nửa, đã lạnh ngắt. Rồi Minh lại bắt đầu trước. Lần này vẩn vơ hơn. Dường như cô vừa phát hiện ra một điều gì đó và tự cho phép mình bộc lộ bản thân nhiều hơn, dù trước đó cô cũng chẳng cố giấu nó.
    ?oAnh thấy mấy cái cây không. Biết tại sao nó trụi lá vào mùa đông không? Vì nó dỗi mùa hè. Mùa hè bỏ nó đi, thế là nó trút hết quần áo ra đứng giữa gió lạnh, cho mình chết cóng đi. Một kiểu dằn dỗi trong yêu đương rất kinh điển. Mùa hè sợ quá phải quay lại, thế là cây lại xí xớn mặc quần áo vào đi chơi cùng mùa hè? ?" nghe như một câu nói đùa, nhưng Minh không cười. Cô nói suy nghĩ ấy một cách đầy suy tư. Tôi nhìn ra phố. Một cây bàng trụi lá chìa những cành khẳng khiu của nó ngang qua ban công quán cà phê. Trên cành có một chú sẻ nhỏ, mở to đôi mắt tròn của loài chim và cái đầu cứ nghển lên, không biết đang ngóng đợi điều gì trong buổi hoàng hôn màu xám nhạt.
    Tôi không biết mình đã ngồi với Minh bao lâu. Một cuộc nói chuyện kỳ lạ. Những câu nói vu vơ hoà vào sự yên ắng. Chúng tôi giao tiếp bằng lời, bằng ánh mắt, bằng cả những quãng im lặng tưởng là bất tận. Một cảm giác mơ hồ gì về Minh bỗng xuất hiện trong tôi, mờ ảo, lạ lẫm khiến tôi muốn túm lấy nó mà săm soi nhưng không làm được. Một cảm giác tôi chưa từng có. Tôi khua tay vòng trong mình như khua tay vào khói vậy.
    Cho đến lúc những đám khói dần đặc lại, tôi gần nắm bắt được rồi, thì Minh bỗng nhìn đồng hồ và nói đã đến lúc cô phải về. Tôi thấy hơi hẫng.
    Chúng tôi bước ra khỏi quán thì phố đã lên đèn màu rực rỡ. Minh dừng lại, nhìn thẳng vào mắt tôi một lúc. Rồi như thể cô đã nhìn thấy tôi đang chơi trò chơi cút bắt với cảm xúc của mình, nói một câu để ngăn chặn những đám khói không đặc lại thêm nữa. Cô giơ bàn tay phải vẫn giấu trong túi áo kể từ lúc vào quán, làm ra một điệu bộ mà tôi tưởng rằng cô co ro vì lạnh, lên trước mặt. Ngón áp út có một chiếc nhẫn bạch kim lấp lánh dưới ánh đèn.
    ?oEm có chồng rồi.?
    Rồi cô quay đi. Mỗi người chúng tôi đi về một hướng.
  8. Favercode

    Favercode Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    21/01/2002
    Bài viết:
    646
    Đã được thích:
    0
    4.
    Có một con bồ câu đen đến đậu trên lan can căn nhà tôi đang thuê. Nó bắt đầu đậu ở đấy sau ngày tôi gặp Minh. Thi thoảng bay đi đâu, nhưng cứ đến chập tối nó quay lại. Loài bồ câu không thường sống một mình. Tôi đã nghe kể chuyện về những con bồ câu không ăn uống rồi chết đi chỉ vì mất bạn đời. Bồ câu cũng luôn có một nơi để về. Dù cho người ta có thả nó cách nhà bao xa, nó cũng sẽ tìm được đường về. Nhưng con bồ câu này chỉ có một mình, lại bỗng nhiên xuất hiện ở một nơi xa lạ.
    Tôi tặc lưỡi nghĩ rằng nó là của người thuê nhà trước, dù không thực tin điều ấy lắm, rồi chạy ra phố mua một túi thức ăn cho chim. Con chim bồ câu gầy, mổ những hạt thóc và nước trong cái nắp chai tôi đặt ngoài ban công một cách hăng say. Nhưng nó chỉ ăn lúc tôi không có ở đấy. Cứ mỗi khi tôi bước ra, nó lại bay lên đậu trên lan can, cách xa tôi một đoạn, giương đôi mắt tròn to nhìn tôi. Nó thăm dò về tôi hay chỉ đơn giản là không muốn ở gần một người lạ, tôi không biết. Ánh mắt của loài chim luôn ngây thơ một cách tội nghiệp.
    Sau ngày gặp Minh, tôi nhận thêm một ít việc. Vì tôi làm tốt nên ông giám đốc không ngại giao thêm. Tôi vẫn lang thang, nhưng không còn tin rằng mình có thể tìm thấy điều muốn tìm nữa. Những dòng người vẫn đông đúc và xa lạ. Những cành bàng vẫn không có lá.
    Tôi vẫn cố cô đọng những đám khói cảm xúc trong lòng mình trong ngày gặp Minh để tìm hiểu nó là gì. Tôi cũng không biết tại sao lại phải làm thế. Chiếc nhẫn, ánh mắt của Minh khi nói với tôi rằng em đã có chồng làm tôi tin rằng điều đó là thật. Và tôi biết rằng em nói ra thế vì sợ tôi đang cảm thấy một điều gì. Nhưng tôi vẫn không đừng được việc nghĩ đến Minh.
    Tôi đã nghĩ đến khả năng em cũng đến từ thế giới của tôi. Nhưng trong câu chuyện của mình, Minh cũng nhắc đến bố mẹ. Tôi lại đặt giả thiết hay là cả gia đình em đã trốn đến đây, nhưng rồi lại thấy nó xa vời quá. Cứ như tôi đang cố áp đặt mọi sự lạ trên thế giới này thành ra cùng bản chất với mình. Tôi tự nhủ mình không nên quá nuôi hi vọng về những đồng loại.
    Nhưng ngay cả khi tôi vờ dẹp bỏ cái hi vọng rằng Minh đến từ cùng một thế giới với mình, thì hình ảnh của em vẫn quanh quẩn trong đầu óc tôi. Cách em bụm miệng lại khi sặc ca cao, cách em hỏi rằng ?oanh có đôi mắt buồn lắm?, cách em buông ánh mắt buồn xuống phố đông,? mọi cử chỉ của em đều là nguyên nhân của đám khói không tên đang bay lơ lửng trong lòng tôi. Nó khác, hay đúng hơn là tương phản hoàn toàn với những gì tôi đã gặp trong 10 năm trên thế giới này. Tôi cũng đã hơn một lần thở hắt ra, tự quyết rằng đã đến lúc thôi nghĩ đến một cô gái có chồng, nếu không lòng mình sẽ tự dắt díu lòng mình đến một chỗ khó xử, nhưng những quyết định ấy luôn chỉ có hiệu lực trong mười lăm phút đồng hồ.
    Rồi một hôm, đám vật chất cảm xúc trong lòng tôi đặc lại đủ để tôi khua tay sờ thấy.
    Tôi nhớ Minh.
    Tôi phát hiện ra điều đó vào một buổi sáng thức dậy. Hai tuần sau buổi chiều hôm ấy. Đứng ngoài ban công, bên cạnh cái thùng gỗ mà tôi đã tự đóng cho con bồ câu tránh rét, những cơn gió mùa đông đã bắt đầu cô đặc thành hình thù những mũi tên cắt vào da thịt, nhưng mặt tôi nóng bừng. Suy nghĩ duy nhất trong tôi lúc đó là phải đi tìm Minh, dù tất cả những thông tin tôi có được chỉ là một cái tên, không họ đệm. Tôi nhìn xuống cái sân gạch trắng phía dưới, và ngạc nhiên khi thấy trên đó vẽ đầy những tính toán, đầy những thôi thúc. Chưa bao giờ tôi có cảm giác ấy, ngay cả khi ngẫm nghĩ về cái lỗ cống của đời mình.
    Tôi đi thuê một chiếc Toyota Crown, có cả người lái. Loại hơi khó thuê, nhưng tôi đã tìm được trên mạng từ cách đấy vài ngày. Cái xe đời cũ, nhưng là loại sang trọng bậc nhất của đời cũ, đủ để tạo ấn tượng về một vị thanh tra trẻ của bộ Y tế như tôi tự giới thiệu với bảo vệ bệnh viện. Tôi nói muốn gặp trưởng khoa tim mạch, cậu thường trực trẻ không buồn cả gọi điện thoại, hộc tốc chạy đi.
    Ông lái xe đã nhận đủ tiền để giữ một vẻ mặt lạnh tanh, và làm rất tốt nhiệm vụ ấy. Hơn bốn mươi tuổi là đủ để nhiều con người trên thế giới này chán chê những chuyện thị phi, chỉ còn thiết chậm rãi sống nốt phần đời còn lại một cách ít mệt mỏi nhất. Ông lái xe là một người như thế. Chỉ khẽ cười lúc tôi nói yêu cầu của mình và đưa tiền. Một nụ cười vừa tỏ vẻ thông cảm vừa có chút gì mỉa mai, như để nói rằng ông đã biết hết, hiểu hết mọi chuyện rồi, mọi trò lừa lọc trên đời với ông đã thành thân quen lắm. Và cái vẻ mặt vô thần ấy của ông lái xe dường như cũng đã giúp tôi rất nhiều. Khi ông lạnh lùng và chậm rãi bước xuống mở cửa xe cho tôi, nét mặt của ông trưởng khoa tim mạch đã tăng phần thất sắc. Tôi nhanh chóng bảo ông đừng báo gì cho giám đốc bệnh viện, để tạo vẻ uy thế, ngăn cho ông không kịp suy nghĩ về việc hỏi tôi giấy giới thiệu hay cái gì tương tự. Rồi tôi yêu cầu cho tôi xem sổ trực của khoa. Ông trưởng khoa ríu rít làm theo. Một thái độ mà đáng ra chẳng cần phải thế, nếu ông làm hết trách nhiệm của mình.
    Cuốn sổ đã ghi hết hơn một nửa, nhưng giấy vẫn còn như mới. Chữ viết tay, không đẹp vì bệnh bẩm sinh của những người học ngành Y, nhưng rất cẩn thận, trình bày rõ ràng và căn lề kỹ. Điều ấy khiến tôi ngạc nhiên. Những cuốn sổ theo dõi thế này trong trường đại học của tôi thường nhàu nát và ghi chép ẩu tả, khiến tôi ấn tượng rằng sổ sách ở mọi cơ quan nhà nước đều như thế. Dù rất muốn giở ngay đến cuối, nhưng tôi vẫn phải chậm rãi nâng niu từng trang một mà xem, sợ ông trưởng khoa nhận ra điều gì đó.
    Chỉ có một Minh thực tập sinh trong mấy ngày tôi nằm viện. Có ghi rõ cả họ tên và số hiệu sinh viên. Tim tôi đập rộn. Nhưng vẫn cố cau mày xem cuốn sổ trực thật lâu đến tận trang cuối. Càng lúc ông trưởng khoa càng tỏ ra mất bình tĩnh.
    Sau khoảng nửa tiếng thì tôi gấp cuốn sổ lại, cố không nhìn vào mắt ông bác sĩ để tránh lộ ra rằng chính mình cũng đang mất bình tĩnh. Tôi bảo ông rằng bố trí một bác sĩ chính trực đêm thế này thì có ít quá không. Có bệnh nhân là người nhà của một vị trên bộ đã phàn nàn về việc phải chờ bác sĩ lâu quá. Sau vụ hồi năm ngoái, bộ vẫn còn để ý bệnh viện mình lắm. Đừng để cái chuyện chất lượng điều trị bé bằng con kiến này nó thành ra to.
    ?oVụ năm ngoái? là một cái phốt tôi tìm thấy trên mạng. Mọi cái bệnh viện trên đất nước này, vì sự thờ ơ, sự thiếu thốn cơ sở hay là cả sự nhẫn tâm, đều có một hay nhiều cái phốt to nhỏ với bệnh nhân. Ông trưởng khoa, chắc tưởng rằng tôi đại diện cho một phe cánh nào của giám đốc viện ở trên bộ xuống đây thông báo tình hình, đã tỏ ra cầu thị và cảm động lắm. Nắm lấy tay tôi mà nói rằng anh bảo các bác cứ yên tâm, rồi tôi sẽ chấn chỉnh. Cứ như là ông đang hô khẩu hiệu của một đảng nội bộ trong ngành Y tế, một kiểu đảng mà các thành viên, ?ocác bác? và ông, được liên kết với nhau bằng những thứ lợi ích chắc chẳng cao thượng gì. Tôi chào vội ông và đi nhanh ra xe.
    Lúc xe ra khỏi viện, tôi vẫn chưa dám tin là mọi chuyện dễ dàng đến thế. Đấy là kế hoạch mà tôi buộc phải vẽ ra khi cô y tá lễ tân của viện đẩy lại tờ tiền và nói với tôi rằng sổ trực nằm trong phòng của trưởng khoa, không lấy xem được. Có lẽ tôi đã được giúp sức bởi chính ông trưởng khoa, người có nhiều hơn một lý do để phải sợ hãi như cái phốt mà báo chí đã khui ra, những sai lầm có khi còn to hơn, mà chỉ có nội bộ cái tổ chức của ông mới biết.
    Chỉ mất thêm một cuộc điện thoại nữa tới phòng quản lý sinh viên của trường Y, bịa rằng tôi nhặt được giấy tờ của Minh và muốn trả lại. May mà ở trường Y chỉ có một sinh viên mới ra trường tên họ đúng như thế. Người ta cho tôi địa chỉ của em mà không hỏi thêm chi tiết nào.
    Nhà Minh chỉ cách căn hộ tôi đang thuê ba dãy phố. Một khu phố vắng dành cho giới thượng lưu. Khi bà già đầu phố chỉ, tôi đã cố nhìn sang căn nhà ba tầng xinh xắn có dàn hoa giấy cách hướng ngón tay của bà vài mét. Nhưng bà lắc đầu, chỉ tay rõ hơn. Phía ấy là một toà lâu đài đích thực. Một căn biệt thự phải rộng đến năm trăm mét vuông, một chút Barroque Pháp lai một chút hiện đại Nhật Bản, lại có cả một mảng tường nhô ra làm người ta nhớ đến Frank Lloyd Wright, một thứ lẩu kiến trúc được tạo nên bởi sự thiếu gu trầm trọng của những nhà giàu và những kiến trúc sư buộc phải dối người, dối cả chính mình vì miếng ăn. Uy nghi và quái dị.
    Tôi ngập ngừng đi về phía lâu đài ấy. Tôi đã lên kế hoạch để tìm được em, nhưng chưa thể nghĩ ra mình sẽ làm gì tiếp theo. Một người con gái có chồng, bây giờ tôi lại phát hiện ra rằng đang sống một cuộc đời trưởng giả trong một pháo đài mà hẳn người chủ của nó vô cùng quyền lực. Càng tiến gần hơn tới cánh cổng sắt màu xám cao vợi, tôi càng thấy bước chân của mình vô nghĩa.
    Nhưng khi tôi đến cạnh cánh cổng ấy, thì nó thình lình mở ra và Minh xuất hiện. Em đứng ngay trước mặt tôi, vẫn với ánh mắt ủ ê nhiều suy nghĩ như khi em lắng nghe câu chuyện về chàng trai lớn lên trong trại trẻ mồ côi. ?oEm thấy anh đi vào từ đầu phố. Anh chờ em? ?" Minh nói thật khẽ. Nói khẽ như thể em chưa chọn được một giọng điệu nào thích hợp để đón chào tôi, hoặc có thể cũng chưa chắc mình muốn nói ra câu ấy.
    Rồi Minh đi vào trong, lái ra một chiếc Mazda hình như đã cũ. Tôi lặng lẽ leo lên.
    Được Favercode sửa chữa / chuyển vào 04:37 ngày 21/04/2009
  9. Favercode

    Favercode Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    21/01/2002
    Bài viết:
    646
    Đã được thích:
    0
    Chúng tôi đã không nói với nhau câu nào trong suốt thời gian ngồi trên xe ô tô. Em chỉ chăm chú lái xe, còn tôi quan sát em. Đôi lúc em bặm môi, như đang đấu tranh một điều gì. Tôi cũng đã hơn một lần muốn bảo em dừng xe lại cho tôi xuống. Tôi, hay thứ cảm xúc bất thần trở nên khó điều khiển của tôi, đang vẽ nên một câu chuyện, mà nếu nó rơi vào một trong những kịch bản nhơn nhớt đầy rẫy trong tủ sách trường đại học văn khoa của tôi, thì có một gia đình sẽ khó khăn và hơn một con người sẽ khổ sở. Tôi cũng đã nghĩ có thể em chỉ muốn tìm một chỗ nào đó để vả vào mặt tôi rằng sao lại làm trò ngớ ngẩn thế, đến đây làm gì, rằng hãy bỏ sự ảo tưởng của mình đi. Nhưng trong chuyến đi, có một lần em quay sang nhìn tôi. Lúc ấy, tôi biết Minh muốn nói với tôi những điều nhiều hơn thế.
    Minh lái xe đến một bờ sông vắng ở ngoại ô thành phố. Hai chúng tôi xuống xe, đi bộ cạnh nhau trên bờ đê, nhìn xuống dòng sông u ám của mùa đông, vẫn không nói điều gì. Lần này không phải là giao tiếp bằng sự im lặng nữa. Người con gái mà tôi đã từng cảm thấy vô cùng thân quen ấy, đi ra từ trong pháo đài lớn với một chiếc ô tô, khiến tôi cảm thấy khó hiểu và lạ lẫm hơn.
    Tôi bốc một nắm cát, ném ra cho gió thổi tung. Những hạt cát bay thành một đám mây hay môt con sóng trắng không hình dạng, nhẹ nhàng uốn lượn trong không trung rồi tan biến vào những bụi lau đang mùa trổ bông. Không gian yên ắng đến mức có thể nghe thấy tiếng máy của con thuyền nhỏ như cây bút chì ở phía xa kia. Tôi lại tung tiếp một nắm cát nữa, rồi khi đám mây trắng nhẹ nhàng biết mất trong không khí, tôi giật mình nghĩ rằng chẳng có gì xung quanh đây đang thực sự tồn tại. Kể cả tôi và Minh. Chỉ là một trạng thái im lặng đợi chờ như chế độ Hibernation của máy tính vậy thôi.
    ?oEm đã dùng que giết mấy con kiến đấy?. Đột nhiên em hít thật sâu và nói.
    Tôi im lặng. Ánh mắt của em lạ. Không phải ánh mắt u sầu như khi đã nhìn tôi trong bệnh viện, cũng không phải ánh mắt non đáng yêu bên gốc cây trên phố. Một kiểu cương nghị, hay là cố cương nghị, như là đang kìm nén cái gì từ bên trong, không cho nó trào ra.
    Không biết là bao lâu. Minh vẫn giữ ánh mắt ấy. Rồi có một đám trẻ chạy qua. Bốn hay năm đứa, đều nheo nhóc và bẩn thỉu. Có một đứa vẫn còn đang phải được ẵm trên tay cô chị cả. Theo phía sau là một cái xe đạp thồ rau. Người phụ nữ đáng ra đã phải mệt mỏi sau cả một ngày dong cái xe ấy khắp các ngõ phố, lại cũng đang tung tăng những bước chân như trẻ thơ. Một gia đình. Những đứa bé đón mẹ đi làm về thổi cơm. Có lẽ họ ở một trong những cái nhà thuyền của những người mất đất vì sông lở phía thượng nguồn, trôi dạt về đây thành một xóm nổi bên bờ sông tìm miếng ăn trong thành phố.
    Minh ngoái theo cái gia đình ấy cho tới tận khi họ khuất vào trong những rặng chuối phía xa. Rồi em khóc. Gục vào vai tôi khóc. Nức nở.
    ?oEm cũng đã có cảm giác về anh, như anh có với em?.
    Tôi không nghi ngờ điều ấy. Cảm giác mà tôi có về Minh quá rõ ràng. Rõ đến mức tôi tin rằng nếu không phải tất cả, thì Minh cũng đã có một phần cảm giác của bản thân. Cả hai cùng tin như thế. Như thể trong buổi gặp chỉ mấy tiếng đồng hồ ấy, chúng tôi đã kịp giao ước xong về tình cảm của mình.
    Dễ dàng quá. Tôi đã tự nhủ với mình rằng không thể nói yêu một cô gái, nhất là một cô gái đã có chồng, chỉ sau một buổi gặp gỡ như thế. Nhưng tình cảm không phải là thứ con người sai khiến được. Có chồng rồi thì sao? Nó bất tuân mọi quy luật, nhất là với những con người vốn tự xếp mình ngoài những thứ gọi là ?oquy luật? như tôi, như Minh. Bây giờ thì tôi đã bị khuất phục hoàn toàn.
    Em đã khóc hồi lâu. Những tiếng khóc đủ ấm ức và đủ nghẹn ngào đủ để tôi sốt ruột về những điều đằng sau nó. Sự tức tưởi của em như là đã kéo tôi lại gần thêm, bảo tôi rằng phải có trách nhiệm, rằng tôi là chỗ dựa, là hi vọng duy nhất cho những nỗi ấm ức ấy. Rồi em cũng nín lại và kể chuyện về mình.
    Chồng em đã hơn bốn mươi. Ông đủ giàu có, cả về tiền bạc và những từng trải trong đời để chinh phục một cô gái mới tròn hai mươi. Em đã yêu thật. Choáng ngợp, bởi cả sự hào hoa bên ngoài và những chai sần bên trong. Gia đình em cũng đã nghi ngại, nhưng rồi ông giải quyết ổn thoả hết. Em không còn bố mẹ, chỉ còn một người bác đã nuôi em từ năm 13.
    Thế rồi sự chênh lệch về tuổi tác không đơn giản như em đã nghĩ. Còn nhiều thứ họ lệch nhau. Về quan điểm sống, về cách nhìn cuộc đời, hay thậm chí là điều tối quan trọng là quan niệm về hạnh phúc gia đình, họ cũng không tìm được điểm chung. Em trẻ thơ và mơ mộng nhiều điều, còn ông tin rằng hạnh phúc vững bền nhờ vật chất. Ông vẫn cung cấp cho em thật đủ đầy, thật chắc chắn, và tin rằng thế là đã hết nghĩa vụ của mình. Khi ba tháng không được ăn tối cùng chồng đổi được một lọ nước hoa Pháp, sáu tháng đổi được một chiếc túi xách Italia, và một năm kể từ ngày cưới nhau, vẫn không thêm một bữa cơm, một đoá hồng hay lời thăm hỏi nào, em có xe riêng, thì em bắt đầu cảm thấy hối hận. Và bây giờ em khóc. Sự xuất hiện của tôi, người đã chỉ làm một việc là im lặng khi em muốn và nói khi em nghe, làm cho em thực tin rằng mình đã quyết định vội vàng.
    Chúng tôi ngồi bên nhau cho tận khi bên kia sông đã rõ những ánh đèn màu hiu hắt. Em bảo tôi nói, về điều gì cũng được. Tôi kể cho em nghe suy nghĩ của tôi về những cơn gió mùa đông, về cảm giác cô đơn, về quãng thời gian đại học của mình, cả về mối tình đầu tiên. Tôi chỉ tay về phía ngọn cù lao bé phía xa, nói rằng mình cũng giống như nó. Cứ đứng chơ vơ giữa một nơi không nên đứng, để những dòng chảy của cuộc sống miết mạnh qua mà không làm cách nào vào được bờ. Nó cứ sống giữa cái dòng chảy xa lạ ấy cho đến một ngày mòn đi, đủ bé nhỏ để chìm vào nước. Không phải là cá bơi, không phải là bèo trôi, cũng không phải là một chiếc lá xoay tít, mà là một ngọn cù lao bất động đang bị xói mòn.
    Minh giương đôi mắt ướt nhìn ngắm tôi khi tôi nói tất cả những điều ấy. Tôi không đoán được em đang nghĩ gì, chỉ thấy trong mình có một sự bình yên đến khoan khoái trỗi dậy. Chưa bao giờ tôi nói ra những suy nghĩ của mình thoải mái như thế, ngay cả khi xưa, trên những con đường đêm vắng cùng người con gái đầu tiên tôi yêu.
    Chúng tôi đã ngồi với nhau cho tới tận khi bên sông đã lên những ánh đèn hiu hắt. Như một sự xếp đặt: chúng tôi luôn chia tay khi đèn bắt đầu lên. Tôi không lên xe cùng Minh, mà quyết định đi bộ về.
    ?oDù sao, đây cũng không phải trò chơi con trẻ. Không xí xoá được đâu em ạ. Có thể em và chồng em cần thời gian và những cuộc nói chuyện để hiểu nhau hơn. Đừng vội ám thị mình bằng những suy nghĩ bế tắc?.
    Tôi hít thật sâu và nói trước khi Minh bước lên xe. Câu nói ấy, không biết là bởi tôi đang cố tỏ ra quân tử, hay là tôi đang hèn nhát, đẩy em ra khi em ngã vào lòng mình, để tránh một cuộc phiêu lưu nhiều bất trắc, cho dù có phải đánh mất thứ bình yên lạ kỳ trong lòng mình khi nãy, cho dù phải lừa dối chính bản thân, rằng tôi muốn có em trong vòng tay. Có lẽ thế. Dẫu sao, cõi lòng u ám của tôi cũng chưa chuẩn bị đủ để đối mặt với những chuyện như thế này. Những sợi dây suy nghĩ sẽ nhiều và rối rắm hơn. Tôi chỉ đủ dũng khí để đi tìm em, nhưng không đủ can đảm để đối mặt với những điều mà tình cảm với em sẽ mang tới.
    Em dừng lại nhìn tôi một lúc. Trời quá tối để tôi nhận ra ánh mắt của em đang thể hiện sự thất vọng hay đang thầm biết ơn.
    Khi ánh đèn hậu xe Minh mờ trong bóng tối, tôi không tin rằng mình sẽ gặp lại em lần nữa.
  10. Favercode

    Favercode Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    21/01/2002
    Bài viết:
    646
    Đã được thích:
    0
    5.
    Tôi phải làm điều gì đó để quên Minh. Để thôi không tạo ra một màn chiến tranh mới trong cái đầu óc vốn đã hoang tàn và vật vã vì sự đấu tranh và tự vấn của mình. Đó là sự ích kỷ và tàn nhẫn khi em đang cần tôi? Tôi không biết, vì tôi không đủ sức nghĩ nữa. Còn biết bao nhiêu câu hỏi tôi chưa giải đáp được vẫn đang ám ảnh hằng ngày.
    Tôi lại nghĩ đến việc đi tìm những người đến từ cùng một thế giới với mình. Nhưng mỗi khi ra đường, tôi cứ có cảm giác rằng không khí buồn thảm của những con phố mùa đông, nỗi buồn thảm của cái dòng chảy cuộc đời vẫn phải vận động một cách vô hồn này sẽ làm ngọn cù lao tôi mòn đi nhanh hơn. Mòn về hi vọng. Vì tôi chẳng tin rằng mình sẽ tìm được điều gì ngoài phố. Những phố đông và phố đông.
    Tôi đã nằm nghĩ mất một ngày để tìm ra lối thoát cho mình. Chỉ lối thoát về mặt tinh thần thôi, chỉ cần là một giải pháp gì đấy tôi có thể đem tự lừa dối mình được, chứ không cần phải thực sự hiệu quả. Rồi tôi nhổm dậy bật máy tính.
    Tôi viết blog. Tôi kể lại câu chuyện của chính mình, bằng một thứ ngôn ngữ thật tự nhiên. Với dòng giới thiệu rằng mình ?otốt nghiệp văn khoa?, những người bình thường sẽ tin rằng đó là một cuốn tiểu thuyết đang được viết dở. Những người cần nhận ra sẽ nhận ra và tự tìm đến tôi. Trong một phút, tôi đã sợ hãi rằng những kẻ thù của mình có thể cũng đang rình rập trong thế giới này, và chúng sẽ tìm được đến tôi. Nhưng thà thế, thà một lần được đối mặt với điều mình sợ hãi một cách bị động, một lần được đấu tranh, còn hơn là chờ đợi trong hèn nhát suốt cả một cuộc đời-mùa đông lạnh giá và vô nghĩa lý này.
    Những trang đầu tiên tôi đăng tải trên blog ngay lập tức thu hút sự chú ý. ?oNó sẽ là một cuốn sách hay khi được xuất bản đấy? ?" một bạn đã bình luận như thế. Tôi đã cố gom nhặt lại những mảnh vỡ ký ức, tưởng tượng ra thêm nhiều chi tiết để mô tả về thế giới của mình. Để ngụy trang cho nó dáng vẻ của một tác phẩm giả tưởng.
    Và tất cả đều tin rằng đó là bản thảo của một cuốn sách hay đang được viết dở. Bây giờ văn học giả tưởng đang là mốt. Họ đã chán ngán thế giới của mình và chính tâm hồn mình. Họ đọc mỗi đêm và mơ mộng về những thế giới cao xa, nơi người ta cư xử với nhau thật đẹp, để rồi buổi sáng hôm sau lại bị cuốn vào những sự toan tính nhỏ nhen không thể cưỡng lại. Có người đọc còn cố đoán phần kết của cuốn sách: có phải nhân vật chính là một chàng hoàng tử, anh ta sẽ phát hiện ra năng lực đặc biệt của mình trong thời gian sinh sống trên thế giới này, rồi sẽ quay trở về và đánh đuổi bọn xâm lăng ra khỏi quê hương? Tôi giật mình trước những dòng ấy.
    Qua vài ngày, vẫn không có ai tỏ thái độ như tôi đang chờ đợi. Chỉ một dòng nhắn lại rằng ?otôi hiểu anh?, hay ?otôi cũng biết thế giới ấy?, tôi sẽ liên lạc với họ ngay. Để rồi họ giết tôi, và trước khi chết cho tôi biết lý do tồn tại của mình, cũng được. Nhưng không có ai.
    Tôi viết về mình trên blog sang đến ngày thứ mười. Càng viết, càng nhớ, cảm xúc trong tôi lại càng mạnh. Điều ấy làm những dòng viết của tôi thật và nhiều tình cảm hơn. Càng ngày càng có nhiều lượt đọc. Buổi trưa ngày thứ mười, đã có hơn bảy mươi nghìn lượt truy cập vào blog của tôi. Bây giờ tôi gần như không nuôi hi vọng về việc tìm được một đồng hương bằng phương pháp ấy nữa. Tôi viết như để giải thoát mình, để nhìn lại vào chính tôi, như là đem phơi những đám chỉ rối trong ký ức của mình suốt 10 năm qua ra, để tự vuốt lại cho thẳng và hi vọng điều ấy làm mình dễ chịu hơn. Có thể sau đó tôi sẽ đủ can đảm để mở cái nắp cống kia lên và bước xuống.
    Tôi đã leo lên một cái cần trục để nhìn thành phố ban đêm. Chỉ là bỗng nhiên có ý tưởng ấy, và đột nhiên cái khao khát muốn làm được một điều mình chưa từng làm xuất hiện và thôi thúc mãnh liệt quá. Cái cần trục nằm ở một công trường ngay đầu con phố trên đường tôi đi làm. Tôi nhìn thấy nó qua cửa sổ xe bus, và tự hỏi: ?oSẽ thế nào nếu mình nhìn thế giới này từ độ cao ấy. Liệu có một câu trả lời nào cho mình ở đó??. Tôi nhìn xuống và phát hiện ra rằng bức tường ngăn giữa công trường ấy và khách sạn kề bên vẫn đang phá dở. Người ta đã chủ quan khi không để ý đến bức tường cũ ấy, không có rào cao như phần còn lại của công trường.
    Tôi thuê một phòng trong khách sạn, rồi nhảy qua bức tường thấp lúc nửa đêm. Những người thợ xây, như mọi lao động chân tay trong thế giới này, luôn có giấc ngủ sâu. Tôi nghĩ thế, rồi chui vào trong thang máy, ấn nút cho mình đi lên. Tiếng máy ồn ào phát ra, nhưng dường như không có ai phát hiện ra, vì mọi thứ xung quanh vẫn im ắng cho tới tận khi tôi lên đến nửa chừng. Lên đến đỉnh, tôi trèo ra khỏi khoang lái, bám men theo những thanh sắt của cái cần trục, đi ra tới lưng chừng để nhìn toàn bộ thành phố.
    Gió thổi mạnh, tôi cố bám thật chặt tay và nhìn xuống dưới. Thành phố rực sáng như một quầng mây ngũ sắc trải ra vô tận và nhuộm hồng cả đường chân trời ở phía xa. Từ trên cao nhìn xuống, tôi vẫn thấy nó giống một thực thể khổng lồ sống động, vẫn cảm giác được sự ồn ào và nóng hổi của nó. Tôi đã cố tìm một cảm xúc gì trước khung cảnh lạ lẫm ấy. Có lẽ tôi nên tự trầm trồ nó với chính mình? Hay nên tìm một điểm gì đó để phê phán nó như cách tôi đã làm suốt hơn mười năm qua? Nhưng không có gì cả, tôi không nhận ra một điều gì.
    Tôi đã đứng đấy mười hay mười lăm phút. Vẫn là cảm giác trống rỗng. Rồi bỗng tôi thấy sợ. Một nỗi sợ hãi khủng khiếp đột ngột xâm chiếm tôi. Tôi nhận ra rằng mình chưa bao giờ thuộc về nơi nay, chưa bao giờ là một phần của nó, chưa bao giờ nhận thức được nó, hiểu hết cả những sự hiền hòa và hiểm nguy, những niềm vui và nỗi buồn chứa đựng trong quầng mây ngũ sắc đang vận động kia. Thế giới ấy, gần như phủ nhận sự tồn tại của tôi. Tôi thấy chóng mặt vì tim lại đập nhanh, gắng leo về thang máy và đi xuống. Tôi trả phòng khách sạn ngay trong đêm ấy.
    Buổi tối ngày hôm sau, một tin nhắn đến. ?oTôi hiểu cảm giác bạn đang có. Tôi muốn gặp bạn?. Đấy không phải là comment phía dưới, mà là một tin nhắn riêng. Tim tôi đập loạn. Tôi chỉ hi vọng, chứ đã không chờ đợi điều này xảy ra thực. Tôi bối rối thực sự, rời máy tính đi lấy nước.
    Sau khi tu cạn chai nước, tôi lấy lại bình tĩnh để suy ngẫm về tin nhắn ấy. Không phải lời của một độc giả hâm mộ bình thường, mà là một tin nhắn có chủ ý. Nhưng như thế cũng không đủ để kết luận rằng đó là một người đến từ cùng thế giới với tôi. Bây giờ tôi mới thấy mình hèn nhát thế nào. Tôi đã luôn tìm cách để thoát khỏi cuộc sống chán chường trên thế giới này, nhưng giờ lại run rẩy khi nghĩ đến việc mình sắp phải đối mặt với thực tế. Nhưng tôi không có lựa chọn. Vết máu trên lưng của bác quản gia, khuôn mặt méo mó vì đau đớn của con người trên bậc thềm nhà thờ, những thứ ấy bắt tôi phải cảm thấy có trách nhiệm.
    Tôi đến trước máy tính, nhắn lại: ?oBạn muốn gặp tôi thế nào??
    Chỉ chưa đầy một phút sau, đã có tin nhắn mới. Bây giờ thì tôi tin rằng mình đã tìm thấy cái mình muốn tìm thực.
    Người lạ hẹn tôi ở một quán cà phê. Một quán đông giữa phố đông. Điều ấy làm tôi bớt lo sợ hơn. Người ấy sẽ mặc một chiếc áo khoác trắng. Dấu hiệu nhận biết chỉ có vậy. Không biết là đàn ông hay đàn bà. Tôi không hiểu, chỉ tin rằng người đó có lý do để làm như thế. Như thể tôi đang bị điều khiển. Nhưng trong nỗi sợ hãi mơ hồ, tôi chấp nhận điều ấy.
    Khi bước vào trong quán, tôi hiểu tại sao chỉ là áo trắng. Trắng kinh ngạc, như thể khung cảnh là một bức tranh còn chiếc áo ấy là một vết thủng. Ngoài trời đang mưa phùn, khiến cho dáng vẻ những người trong quán có phần nhếch nhác và không khí có phần tối màu đi. Nhưng chiếc áo ấy vẫn trắng tinh tươm. Không thể không nhận ra. Một người đàn ông đang ngồi trong chiếc áo trắng ấy, quay lưng ra phía cửa, đọc báo và chậm rãi uống cà phê. Một tư thế tự tin và chắc chắn. Người đàn ông không ngóng đợi, hoặc ít ra đã giữ không cho vẻ sốt ruột lộ ra ngoài. Anh ta không nghi ngờ việc tôi sẽ nhận ra mình.

Chia sẻ trang này