1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

The Grapes of Wrath : Câu chuyện của những người nông dân nghèo (*)

Chủ đề trong 'Điện ảnh (MFC)' bởi sskkb, 05/06/2004.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. sskkb

    sskkb Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    07/05/2002
    Bài viết:
    1.959
    Đã được thích:
    0
    The Grapes of Wrath : Câu chuyện của những người nông dân nghèo (*)


    Đạo diễn : John Ford
    Diễn viên chính : Henry Fonda, Jane Darwell, John Carradine ...


    Tom Joad trở về quê tại Aklahoma sau 4 năm ngồi sau song sắt. Những tưởng anh sẽ gặp lại gia đình trong sự chào đón vui vẻ, nhưng những gì đón tiếp anh là một ngôi nhà hoang vắng, không một bóng người. Do vùng đất ngày càng khắc nghiệt, cằn cỗi, cộng thêm sự xuất hiện của máy kéo nên gia đình anh, và nhiều gia đình khác đã bị chủ đất đuổi đi. Anh và người bạn đường Casy, một mục sư giải nghệ, đi tới nhà ông chú John để gặp gia đình. Mặc dù cả nhà anh đã tới đây sống, nhưng rồi họ cũng sớm được thông báo sẽ phải dời đi nơi khác. Nhận được quảng cáo ở California đang cần người làm nghề hái lượm hoa quả với đồng lương hấp dẫn, họ quyết định lên đường. Cả gia đình Joad, 11 người và anh bạn Casy bắt đầu cuộc hành trình đầy sóng gió trên một chiếc xe tải đã nát bươm.

    Ông nội của Tom, không chịu rời bỏ mảnh đất mình đã sinh sống nên đã bị gia đình chuốc rượu say mèm rồi đưa lên xe. Và hậu quả của việc đó là tại điểm dừng chân đầu tiên, gia đình nhà Joad đã phải đứng cúi đầu nghe anh cựu mục sư đọc một bài diễn văn đưa tiễn cụ già sang thế giới bên kia. Những điều không may chưa dừng lại ở đó. Khi họ nghỉ lại tại một khu trại nghỉ bên đường, một nhóm người từ phía California tới đã nói cho họ biết quảng cáo chỉ là lừa đảo. Những người đó đã phải làm mà không nhận được một xu tiền công. Mặc dù vậy, gia đình nhà Tom Joad vẫn tiếp tục lên đường mang theo mối hoài nghi và sự lo lắng. Cuối cùng thì họ cũng tới được California và chịu thêm một mất mát nữa. Bà của Tom Joad đã qua đời vì tuổi cao, sức yếu, không thể chịu nổi hoàn cảnh khó khăn trên đường đi.



    Thật không may cho họ, ở California bây giờ chỉ còn toàn người thất nghiệp. Những quảng cáo quá hấp dẫn, cộng với việc các trang trại ở các bang khác bị thu hồi, nên số người tới California nhiều gấp chục lần số công việc. Gia đình Tom Joad phải tạm ra khu trại dành cho người công nhân để sống. Đó là một khu trại, không khác gì những khu ổ chuột tồi tàn nhất của Việt Nam. Rồi một tay môi giới việc làm tới khu trại để kiếm công nhân. Xung đột xảy ra vì tay môi giới có biểu hiện lừa đảo và Tom Joad đã tấn công một cảnh sát để bảo vệ một người công nhân. Casy nhận tội thay anh, rồi cả nhà Tom Joad lại lên đường vì có tin đến tối có người sẽ đốt trại.

    Tới một trang trại khác, gia đình Joad được nhận vào làm việc. Nhưng chẳng được vài ngày, Tom nhận thấy có gì đó ồn ào ngoài cổng trại. Ban đêm anh lén ra đó tìm hiểu và gặp Casy. Casy đang lãnh đạo một nhóm công nhân đình công tại chính trại mà Tom đang làm vì chủ trại bóc lột công sức của công nhân quá đáng. Cảnh sát tới vây bắt nhóm đình công, Casy bị một viên cảnh sát đánh chết, còn Tom thì giết chết viên cảnh sát đó. Tất nhiên là cảnh sát lập tức lùng sục khắp khu vực và cả nhà Joad lại phải lên đường đi nơi khác để bảo vệ Tom. Lần bỏ đi cuối cùng này, họ đã may mắn khi tới một khu trại của chính phủ. Khu trại được tổ chức rất tốt và do công nhân tự quản lý chứ không phải địa chủ hay cảnh sát. Ở đây, gia đình Tom được sống đúng nghĩa với từ "sống". Mọi người giúp đỡ nhau, cùng nhau làm việc, vui chơi.

    Tom biết rằng, gia đình anh đã tìm được nơi dừng chân để an tâm làm việc. Anh đã quyết định rời bỏ gia đình, giống như Casy, đi lang thang tới những nơi nào có công nhân bị bóc lột, nơi nào có trẻ em phải lao động quá sức, nơi nào không có sự công bằng, nơi nào bọn địa chủ giày xéo lên công sức của người lao động. Anh đã hiểu, chỉ có con đường đấu tranh mới xoá bỏ được bất công, mới có thể mang lại cho những người công nhân một cuộc sống ổn định. Chỉ có đấu tranh, những người làm thuê mới không bị lũ chủ và cảnh sát đàn áp, trẻ con mới được ăn no, mặc đủ. Anh đã lên đường theo ánh sáng của Casy, bỏ lại phía sau một cuộc sống bình lặng, để đi tìm chân lý, để mang lại niềm tin, lẽ phải cho những người dân lao động nghèo như anh.
  2. sskkb

    sskkb Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    07/05/2002
    Bài viết:
    1.959
    Đã được thích:
    0

    11 thành viên nhà Joad và chàng cựu mục sư Casy (ngoài cùng bên phải)
    The Grapes of Wrath cho chúng ta thấy một phần của lịch sử nước Mỹ, một giai đoạn khó khăn với những người nông dân. Dựa theo tiểu thuyết của John Steinbeck, đạo diễn John Ford đã tạo nên một tác phẩm tuyệt vời về mối quan hệ giữa con người với con người, giữa những người trong gia đình và giữa những người xa lạ.
    Khán giả xem phim, chắc sẽ không thể tưởng tượng đã có thời người nông dân Mỹ lâm vào hoàn cảnh khốn cùng như vậy. Một khu trại bẩn thỉu, bụi bặm, những túp lều lợp tạm bằng phên, liếp, ghẻ rách, vải bạt. Bọn trẻ con đói rách, chơi bên cạnh những đống rác khổng lồ. Trong những hoàn cảnh khó khăn, người ta vẫn tìm thấy sự cảm thông, chia sẻ, sự giúp đỡ không chút toan tính. Bà mẹ Tom chia xẻ bữa ăn ít ỏi của gia đình với bọn trẻ con trong trại. Một vài đứa tự nguyện không ăn vì chúng nói chúng đã được ăn no rồi (mặc dù trong bụng chẳng có lấy một mẩu bánh mì con). Một ông chủ hàng ăn uống bán cho nhà Tom Joad cái bánh mì 15 xu chỉ với giá 10 xu. Đoạn phim gây xúc động nhất là khi một cô hầu bàn, chỉ vừa mới vài phút trước còn khăng khăng không chịu bán bánh mì, khi thấy 2 đứa trẻ nhà Joad nhìn mấy cây kẹo loại 5 xu một cách thèm thuồng, đã nói rằng "... đó là loại 1xu 2 cái ...". Tất cả đều hiểu rằng, khi giúp đỡ ai đấy, với họ có thể chỉ là một chút khó khăn, nhưng với người được giúp đỡ thì đó là cả một niềm hạnh phúc.
    Ngoài nội dung gây xúc động cho người xem, một đoạn kết có tương lai tươi sáng cũng đóng góp không nhỏ vào thành công của bộ phim. Thêm vào đó là một số cảnh quay tạo hiệu ứng cảm giác đặc biệt mà không cần phải dùng tới lời nói. Cảnh chiếc máy ủi chèn qua bóng của những người nông dân như muốn nói rằng, cuộc sống của họ sẽ lâm vào cảnh khốn cùng, việc họ bị bóc lột là một điều đương nhiên. Rồi khi chiếc xe tải nhà Joad đi vào khu trại ở tạm, máy quay đặt trước mũi xe để người xem thấy được rõ hơn về cuộc sống trong trại như thể đang xem một bài phóng sự về một khu ổ chuột nào đó.
    Nhạc phim không có gì đặc sắc, vì là một bộ phim bi kịch nên âm nhạc xuyên suốt bộ phim là thể loại nhạc buồn, căng thẳng. Ngoài ra, còn có bài hát "Red River Valley" được đưa vào nhiều lần rất đúng lúc và đầy ý nghĩa
    cô em họ Rosasharn, bà mẹ Tom và Tom Joad
    Được sskkb sửa chữa / chuyển vào 16:43 ngày 09/06/2004
  3. sskkb

    sskkb Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    07/05/2002
    Bài viết:
    1.959
    Đã được thích:
    0

    Vai anh nông dân Tom Joad là một trong những vai diễn đầu tiên đã đưa tên tuổi của Henry Fonda trở nên nổi tiếng. Mặc dù vậy, ông không dành được giải Oscar cho vai diễn này
    Bên cạnh Henry Fonda là nữ diễn viên Jane Darwell với vai bà mẹ Tom. Jane đã thể hiện xuất sắc vai một bà mẹ Mỹ, giống như tất cả những bà mẹ khác trên thế giới, với đầy lòng vị tha, tình yêu thương với con cái, sự khoan dung, độ lượng. Đây là vai diễn thành công nhất trong sự nghiệp của bà, và bà đã dành được giải Oscar cho nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất.
    Chiếc xe tải chở gia đình Tom Joad cũng là một "diễn viên" thú vị. Mười hai người cùng một đống tài sản chất lên chiếc xe ọp ẹp, rệu rã đó. Chiếc xe cũ kỹ giá 75 $ này đã cùng gia đình Joad bước vào một cuộc phiêu lưu đầy sóng gió. Và nó là một trong những "nhân vật" gây cười hiếm hoi của bộ phim.
  4. kemdauxanh

    kemdauxanh Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    08/07/2003
    Bài viết:
    526
    Đã được thích:
    0
    Hình như là chưa có mấy ai xem phim này thì phải,chả thấy vào hỏi thăm tình hình gì cả.Thế để em tiếp nối bác Sskkb cho nhé!
    Con đường đến những miền đất hứa của gia đình Tom đã từ từ đưa khán giả chứng kiến cuộc sống khổ cực của người dân nghèo ở Mỹ.Em ấn tượng nhất chi tiết lũ trẻ con đứng xúm xít trước (hình như là nồi cháo) của gia đình Tom khi họ tới khu trại ở California.Bà mẹ Tom ban đầu không muốn chia sẻ chút lương thực ít ỏi còn lại của gia đình nhưng sau bà cũng để cho bọn trẻ vét nốt nồi cháo.Thế là bọn trẻ chạy ngay ra bãi để đồ phế liệu,kiếm bất kỳ thứ gì có thể xúc được.Vì sao ư?Vì chúng đói.Lại nhớ đến ở nhà các cụ cũng hay nói "hồi xưa làm gì có cái mà ăn như chúng mày bây giờ".
    Hình ảnh bà của Tom trong lúc bị bệnh trên đường đi luôn miệng nhắc tới Grandpa làm em xúc động ghê ( chả hiểu sao nữa) và nghĩ người ta iu nhau là phải thế chứ.Hi` hi`!
    Cuộc sống khổ cực khiến cho gia đình Tom ko tin vào những gì họ sẽ có khi sống tại khu trại của Chính phủ,nào thì có nước sạch nè,không có cảnh sát nè,có thể làm vệ sinh để trả tiền thuê nhà nè,đến thứ 7 lại có tổ chức nhảy múa...Đây có lẽ là những điều mà bất kỳ gia đình nào trên đất Mỹ bấy giờ đều ao ước.Tom cũng vậy,anh cũng muốn ở lại với gia đình để sống đúng theo nghĩa của nó.Nhưng anh quyết định ra đi,vì anh biết còn rất nhiều gia đình như gia đình anh đã từng nghĩ về cuộc sống sẽ lại được ăn thịt -món ăn mà bao lâu nay họ chưa từng ăn,sẽ kiếm được chút ít tiền ở những khu trại lao động của bọn tư sản mà không biết rằng chẳng mấy chốc đây,bọn chúng sẽ ép giá tiền công của họ đến mức không đủ nuôi sống chính bản thân họ chứ chưa nói gì đến gia đình.
    Trong phim cũng có một số chi tiết gây cười,bằng chứng là người ngồi cạnh em khi xem phim thỉnh thoảng vẫn cười híc híc.Em thích cái đoạn bọn cảnh sát muốn vào khu trại của Chính phủ nhưng ko có cách nào khác ngoài việc phát hiện có lộn xộn bên trong.Bọn chúng cử người của mình vào khu trại vào tối thứ 7 để gây sự đánh nhau và hẹn 7h29'' sẽ thực hiện kế hoạch. Đến hẹn 7h29'' bọn chúng xông vào nhưng ai dè đã âm mưu này đã bị phát hiện rồi nha.Bọn này đành nhìn lại đồng hồ và ngậm ngùi ra về.Ha ha!Bị hớ chưa kìa
    Ko hiểu gout xem phim của em thế nào mà cứ có những phim mà người ta lâm vào bước đường cùng và vực lên được là em cứ thấy sờ sợ,1 unhappy ending mà.Tuy nhiên kết cục của bộ phim này mở ra 1 tương lai tươi sáng về cuộc sống.Một đồng chí trong MFC nói với em là đây là phim "kinh điển nhưng không nổi tiếng" ở VN.Mọi người xem đi rồi cho biết cảm nhận,để em còn biết có ai thích những chi tiết như em ko




  5. Larra

    Larra Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    28/10/2002
    Bài viết:
    2.015
    Đã được thích:
    0
    Tên tiểu thuyết này ở VN là Chùm nho phẫn nộ, khá phổ biến. Tác giả đã đoạt giải Nobel văn học vào năm 1962. Tớ chưa xem phim này, nhưng chắc là hay (đọc truyện thấy rất thích). Nội dung nói về đợt di cư do thất nghiệp trong quá trình công nghiệp hoá ở Mỹ.
    Có một số đoạn, ví dụ như lúc gia đình Tom bỏ quê hương ra đi hoặc đoạn Tom chia tay mẹ, cực kỳ cảm động. Không hiểu lên phim thì thế nào.
  6. sskkb

    sskkb Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    07/05/2002
    Bài viết:
    1.959
    Đã được thích:
    0
    Đúng là tên tiểu thuyết là "Chùm nho phẫn nộ", nhưng trong phim thì chả có nho hay táo gì hết nên mình cũng ko dám dịch sang tiếng Việt :-)
    Phải chăng tác giả muốn so sánh cuộc đời của những người nông dân giống như một chùm nho. Kể từ khi bị bứt khỏi cành là rơi vào cảnh đày đoạ, giày xéo, cái chết luôn kề cận. Nhưng dù trải qua những khó khăn vất vả thể nào đi chăng nữa, họ vẫn là những người nông dân chân chính, nho vẫn là nho. Rồi kết thúc tươi sáng của họ giống như những chùm nho sau khi trải qua rất nhiều khâu chế biến thì cho ra một loại rượu ngon
  7. Larra

    Larra Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    28/10/2002
    Bài viết:
    2.015
    Đã được thích:
    0
    Hì hì, trong truyện cũng không có nho. Toàn là cam California. Có đoạn tả rất ấn tượng : trong cái trại di cư người chết đói mà các cánh đồng cam cứ vàng ruộm, ngon lành. Đứa trẻ con nào vượt rào vào hái trộm cam sẽ bị bắt ngay. Thêm nữa cam không có người hái, rụng đầy dưới gốc cây, giòi bọ bắt đầu sinh sôi, nhưng chính quyền không cho bán phá giá, và ra lệnh đốt từng tấn một ! Trong truyện này có rất nhiều đoạn cay đắng như thế, chắc là phim chỉ tả những đoạn chính
    Chùm nho biểu tượng sự phẫn nộ của những người nông dân, ngày một lớn dần, rồi chín vào cuối truyện.
    Trong truyện bà mẹ của Tom là người vững vàng nhất. Tớ còn nhớ một câu của bà này : lúc cả đại gia đình tuyệt vọng đến độ ông bố cũng tỏ ra nhu nhược, hỏi bà mẹ : nhưng làm sao chúng ta sống được ? Bà này trả lời : "Bằng cách nào đó, người ta vẫn sống !" . Chết đâu có dễ , vì bản năng sống của con người mạnh lắm
  8. Prayer

    Prayer Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    18/11/2002
    Bài viết:
    333
    Đã được thích:
    0
    Sao mà tôi ghét John Ford đến vậy. Phải chăng là chịu ảnh hưởng của cái phim "kinh điển chết tiệt" The Shearcher. Được coi là một đạo diễn hàng đầu của Mỹ, nhưng tôi lại ghét ông này ghê gớm. Qua đến My Darling Clementine thì còn đỡ. Nhưng Wester của Mỹ thật khó nuốt.
    Hiện đã có thêm How green was my valley nữa. Nếu có bác nào hứng thú với ông John này thì phải xem qua.
    Gerry khuyên nên xem hết những phim của lão này, vậy mà tuần phim kỷ niệm John mình đi xem đúng có Clamentine.

Chia sẻ trang này