1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

THIẾT KẾ ĐÔ THỊ - LÝ THUYẾT VÀ THỰC HÀNH

Chủ đề trong 'Kiến Trúc' bởi hot_heart, 12/11/2005.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. datvn

    datvn Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    10/04/2002
    Bài viết:
    2.981
    Đã được thích:
    1
    Tôi có xem qua quyển sách này và thấy nó giải thích chưa rõ ràng lắm.
    - Phần Quy hoạch đô thị được viết như đối với quy hoạch chung đô thị
    - Phần Thiết kế đô thị tôi thấy chẳng khác gì quy hoạch chi tiết mà chúng ta vẫn làm.

    Được datvn sửa chữa / chuyển vào 21:51 ngày 16/11/2005
    Được datvn sửa chữa / chuyển vào 21:53 ngày 16/11/2005
  2. datvn

    datvn Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    10/04/2002
    Bài viết:
    2.981
    Đã được thích:
    1
    Để rộng đường dư luận, tôi thử đưa một bài không chuyên ngành nói về quy hoạch đô thị rất quen thuộc với chúng ta. Qua bài này, chúng ta cũng biết sơ bộ quy hoạch đô thị làm gì!
    Và tôi cũng đặt luôn câu hỏi. Nếu được giao nhiệm vụ Thiết kế đô thị cho khu vực này thì bạn sẽ làm gì? Khác gì với đồ án quy hoạch dưới đây.
    To HSS: Qua đồ án này, bạn sẽ thấy các khái niệm mà bạn đưa tài liệu trong bảng rất giống với Quy hoạch chi tiết đô thị mà chúng ta vẫn làm. Thực sự nếu theo bảng đó, tôi chưa thấy được sự khác nhau giữa Thiết kế đô thị và Quy hoạch đô thị.
    Quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Thủ Thiêm
    15:41'' 26/08/2004 (GMT+7)
    (VietNamNet) - Trung tâm đô thị mới này được thiết kế hiện đại, có tầm cỡ khu vực và chia làm 4 giai đoạn xây dựng.
    Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Sơ đồ quy hoạch của Công ty Sasaki Associates.
    Tại Hội thảo do UBND TP.HCM tổ chức trong 2 ngày 24-25/8/2004 ở TP.HCM, Công ty Sasaki Associates, Inc (Mỹ) và Viện Quy hoạch Xây dựng Đô thị - đơn vị thiết kế - đã báo cáo tóm tắt sản phẩm nghiên cứu cuối cùng về nội dung quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1:2000 cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
    Theo quy hoạch, Trung tâm đô thị mới này được chia làm 4 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ xây dựng nơi đây thành quận tài chính, Trung tâm thành phố, Trung tâm Thương mại, Công viên ven sông, Trung tâm Triển lãm và Hội nghị, khách sạn đại lộ Đông Tây... Trong đồ án quy hoạch cũng đề xuất xây cầu Thủ Thiêm, nối khu Trung tâm với quận Bình Thạnh, xây cầu đi bộ qua quận 1.
    Giai đoạn 2, hình thành khu dân cư với các công trình công cộng hướng ra phía bắc, phía đông đồng thời xây khu giải trí và du lịch, đường vành đai khu vực theo trục hướng về phía nam.
    Trong hai giai đoạn còn lại sẽ san lấp mặt bằng, phát triển khu dân cư và các công trình công cộng. Ổn định những vùng sông nước và kênh rạch, xây dựng cầu phía nam tới quận 7. Cùng lúc, sẽ phát triển khu dân cư mới về phía đông, khôi phục đất đầm lầy, xây cầu phía nam để nối khu đô thị Thủ Thiêm với quận 4.
    Cuối năm 2003, sau khi tổ chức cuộc thi lấy ý tưởng ?oQuy hoạch tổng mặt bằng khu Trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm" nhằm thiết kế Thủ Thiêm trở thành đô thị có tầm cỡ khu vực, UBND TP.HCM đã quyết định thuê Công ty Sasaki Associates, Inc (Mỹ) - đơn vị đoạt giải - thiết kế khu đô thị mới này.
    *
    C.L
  3. hot_heart

    hot_heart Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    10/08/2003
    Bài viết:
    1.182
    Đã được thích:
    0
    Ý kiến của anh datvn rất chính xác, đây cũng là điều tôi đang tìm hiểu.
    1.3 - PHÂN BIỆT THIẾT KẾ ĐÔ THỊ VỚI CÁC CHUYÊN MÔN KHÁC:
    1.3.1 - Thiết Kế Đô Thị và Quy Hoạch Đô Thị:
    Ban đầu tôi thấy sự phân biệt giữa Thiết Kế Đô Thị và Quy Hoạch Đô Thị là rất mập mờ. Tôi có đọc một số tài liệu của Paula Craighead và Jon Lang. Trong các tư liệu đó, họ nói là Quy Hoạch Đô Thị chắc chắn liên hệ với Thiết Kế Đô Thị một cách trực tiếp hay gián tiếp. Tuy nhiên, không có nghĩa là Quy Hoạch Đô Thị đặt trọng tâm vào Thiết Kế Đô Thị. Quy Hoạch Đô Thị không trực tiếp nghiên cứu đến chất lượng thiết kế của kiến trúc và cảnh quan đô thị.
    Jon Lang cũng nói là mối quan hệ giữa Thiết Kế Đô Thị và Quy Hoạch Đô Thị rất khác nhau ở từng khu vực. Ví dụ như ở Mỹ và Anh, quy hoạch đô thị chỉ đặt trọng tâm lên các chính sách xã hội và kinh tế, trong khi ở phần lớn các nước Châu Âu, quy hoạch đô thị còn quan tâm nhiều đến các chất lượng vật chất của đô thị, bao gồm cả kiến trúc và cảnh quan. Lúc này Quy Hoạch Đô Thị chính là Thiết Kế Đô Thị. (Không biết điều này có chính xác không? Hỏi holocaust xem sao !)
    Để tổng hợp lại, trong cuốn sách Urban Design - A Typology of Procedures and Products, 2005, Jon Lang phân chia Quy Hoạch Đô Thị thành 2 loại.
    Ở loại 1, Quy Hoạch Đô Thị thể hiện ở các chính sách định hướng chung cho sự cải tạo và phát triển đô thị. Từ các chính sách đó, các nhà quy hoạch sẽ thực hiện các bản vẽ quy hoạch sử dụng đất (land-used pattern) thể hiện trên bản vẽ 2 chiều có ký hiệu phân loại sử dụng đất (zoning code) nhằm phân chia các khu dân cư, thương mại, hành chính, công nghiệp, v.v... Như vậy, Quy Hoạch Đô Thị ở cấp độ này quan tâm đến các chính sách kinh tế, chính trị, xã hội. Bản vẽ này nghiên cứu hướng phát triển, phân bố sử dụng đất, tuyến giao thông, yêu cầu tối thiểu của các không gian công cộng và không gian mở, vấn đề an ninh chung, v.v... Chất lượng thiết kế không được xem như mục tiêu chính vì nó chỉ được gắn kết vào các chính sách chung, không phát triển từ nhu cầu tự thân của không gian đô thị. Như vậy, có thể thấy là Quy Hoạch Đô Thị loại này tương đương với Mặt Bằng Quy Hoạch Chung ở Việt Nam.
    Loại Quy Hoạch Đô Thị thứ 2 quan tâm cụ thể đến chất lượng thiết kế của không gian đô thị. Sản phẩm của loại này bao gồm các bản vẽ thiết kế mặt bằng thật sự của đô thị và các tiểu khu, các bản vẽ 3D, phối cảnh (3D perspective), bản vẽ không gian (axonometric). Nói chung là nghiện cứu thiết kế chất lượng không gian đô thị dưới góc độ 3 chiều. Và đó gần như là Thiết Kế Đô Thị. Nghĩ ngược lại các đồ án quy hoạch đô thị ở Việt Nam, tôi nghĩ là dạng cấp độ Quy Hoạch Chi Tiết ở ta gần giống với Thiết Kế Đô Thị, mặc dù có lẽ còn thiếu một số yếu tố trong hồ sơ ví dụ như các quy định Thiết Kế Đô Thị (guidelines) như về khoảng lùi, mặt tiền các dãy phố, vật liệu chung, các yêu cầu về bảng hiệu quảng cáo, bố trí cây xanh, vỉa hè, v.v... Không biết anh datvnhoasosac nghĩ thế nào?
    Như vậy, theo suy nghĩ của tôi, Quy Hoạch Đô Thị ở một số khu vực trên thế Giới chỉ bao gồm Quy Hoạch Chung (hiểu theo kiểu VN), phần còn lại dành cho Thiết Kế Đô Thị. Ở một số khu vực khác như Việt Nam, Quy Hoạch Đô Thị bao gồm cả Quy Hoạch Chung và Quy Hoạch Chi Tiết, trong đó Thiết Kế Đô Thị bao trùm lên phần Quy Hoạch Chi Tiết, ví dụ như dự án Thủ Thiêm. Nói thêm là đồ án đoạt giải Nhì cuộc thi của Sasaki chỉ là phương án Thiết Kế Đô Thị sơ bộ (schematic design), để hình thành một đồ án Thiết Kế Đô Thị hoàn chỉnh thì cần nhiều bản vẽ và khai triển chi tiết hơn.
    Mặt khác, một quan điểm cổ điển khi nhìn về mối quan hệ giữa Quy Hoạch Đô Thị và Thiết Kế Đô Thị đó là Quy Hoạch Đô Thị là bước định hướng, quy định chung cho Thiết Kế Đô Thị, sau đó chuyển tải sang Kiến Trúc Công Trình và Kiến Trúc Cảnh Quan.
    Quy Hoạch Vùng => Quy Hoạch Đô Thị =>Thiết Kế Đô Thị => Kiến Trúc Công Trình + Kiến Trúc Cảnh Quan.
    Nhưng ta thử suy nghĩ ngược lại một chút xem sao.
    Quy Hoạch Vùng <= Quy Hoạch Đô Thị <=Thiết Kế Đô Thị => Kiến Trúc Công Trình + Kiến Trúc Cảnh Quan.
    Quy trình Quy Hoạch Đô Thị có thể đi từ thiết kế tiểu khu (Precinct Urban Design) => Quy Hoạch Thành phố (City Planning) => Quy Hoạch Vùng (Region Planning) chăng ?
    Được hot_heart sửa chữa / chuyển vào 09:50 ngày 17/11/2005
  4. hot_heart

    hot_heart Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    10/08/2003
    Bài viết:
    1.182
    Đã được thích:
    0
    hoasosac là chuyên gia về giấy tờ và chính sách. Ta cần bàn thêm là đồ án Thiết Kế Đô Thị khác với đồ án Quy Hoạch Chi Tiết như thế nào.
    Cho tôi hỏi hoasosacdatvn là đồ án Quy Hoạch Chi Tiết ở Việt Nam hiện nay bao gồm các bản vẽ nào ngoài Mặt Bằng Quy Hoạch Chi Tiết tỷ lệ 1/1000, 1/2000?
  5. hoasosac

    hoasosac Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    15/09/2003
    Bài viết:
    3.002
    Đã được thích:
    0
    Trả lời luôn
    Bạn tham khảo phụ lục số 1 : HƯỚNG DẪN NỘI DUNG NGHIÊN CƯÚ ,THỂ HIỆN CÁC BẢN ĐỒ TRONG NHIỆM VỤ VÀ ĐỒ ÁN QUY HOẠCH XÂY DỰNG ( Kèm theo thông tư số 15/2005/TT -BXD,ngày 19/8/2005 của BXD Hướng dẫn lập ,thẩm định, phê duyệt quy hoạch ).
    hoặc Nghị định 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 về quy hoạch xây dựng; ( phần Quy hoạch chi tiết ).
    À,trong này có hết : www.xaydung.gov.vn

  6. hot_heart

    hot_heart Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    10/08/2003
    Bài viết:
    1.182
    Đã được thích:
    0
    Cảm ơn người đẹp ! Nhưng mà máy ở trường không có font tiếng Việt nên tối về nhà tôi sẽ xem. Xem xong có lẽ sẽ biết được sự khác nhau giữa hồ sơ Thiết Kế Đô Thị và Quy Hoạch Chi Tiết ở Việt Nam.
  7. datvn

    datvn Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    10/04/2002
    Bài viết:
    2.981
    Đã được thích:
    1
    Một sai lầm của Vụ kiến trúc quy hoạch là đưa khái niệm TKĐT vào luật ngay khi khái niệm này còn đang được tranh cãi,chưa đi đến thống nhất.
    Như HSS phản ảnh, ngay tại cuộc hội thảo ở Đà nẵng, một người chuyên nghiên cứu phê bình lý luận như ô. Đặng Thái Hoàng, một nhà thực hành như ô. Ngô Trung Hải và một người trang bị đầy kiến thức từ nước ngoài về như ô. Trúc Anh cũng chưa đi đến thống nhất. Mỗi vị đều có góc nhìn riêng, nhưng tôi không nghĩ các vị này có nhiều kiến thức hơn chúng ta đến độ họ nhận thức được mà chúng ta không nhận thức được. Khái niệm này trong họ cũng chưa thực sự rõ ràng, nên họ cũng không thể bảo vệ được ý kiến của họ.
    Tôi được biết cùng thời gian đó có một cuộc hội thảo với chủ đề tương tự ở TPHCM, nhưng cũng dừng lại ở chỗ mỗi người đưa ra một định nghĩa và không đi đến thống nhất.
    Trên đây tôi cũng đã nêu lên câu hỏi về sự khác nhau giữa QHCT và TKĐT và được các bạn với nhiều nguồn tư liệu phong phú, lý luận sắc bén giải thích giúp. Nhưng thực sự tôi vẫn chưa thấy thỏa mãn.
    Vậy để hiểu rõ hơn vấn đề, tôi lật ngược lại một chút. Tôi đưa ra nhận định "thiết kế đô thị thực chất chính là quy hoạch chi tiết đô thị, hoặc chí ít nó là một phần của quy hoạch chi tiết đô thị" hay "thiết kế đô thị chính là thiết kế cảnh quan ngoài nhà của một khu vực đô thị". Các bạn hãy chứng minh nhận định hai trên của tôi là sai.
    Ở đây còn một vấn đề nưa hai khái niệm Quy hoạch chi tiết và Thiết kế cảnh quan có thể dùng cho nhiều loại hình không gian khác nhau, tại sao thiết kế đô thị lại chỉ đặc thù cho đô thị. Có bao giờ có khái niệm "thiết kế đô thị" cho một điểm dân cư nông thôn không?
    Mời các cao thủ thảo luận sôi nổi!
    Được datvn sửa chữa / chuyển vào 13:44 ngày 17/11/2005
    Được datvn sửa chữa / chuyển vào 13:45 ngày 17/11/2005
  8. tranvietanhtuan

    tranvietanhtuan Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    12/09/2005
    Bài viết:
    1.404
    Đã được thích:
    0
    chắc việt nam 100 năm nữa cũng ko có được quy hoạch nào cho ra hồn vì những vấn đề như sau:
    - Các ban bệ duyệt quy hoạch ko có trình độ đủ để duyệt .
    - Người có trình độ nói nhiều hơn người có trình độ làm.
    Các pác cứ đem ba cái quy định vớ vẩn ra để mà bàn luận thế cái quy định đó có phải là do kts lập ra ko? hay chỉ là mấy cha nông dân văn hóa lớp ba nghĩ ra??
    Làm gì mình cho là đúng và tưởng tượng thêm chút là ok.
    Mọi sự đều do con người ra hết mà. thời đại bây giờ -ko nghĩ ra được cái mới gì thì thôi- cứ đem ba cái lý thuyết năm thứ 3 đại học ra mà nhai hoài chán các anh quá.
  9. hot_heart

    hot_heart Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    10/08/2003
    Bài viết:
    1.182
    Đã được thích:
    0
    Hoan hô ! Các cao thủ Quy Hoạch đã ra tay ! Hãy cho bọn Kiến Trúc Công Trình chúng tôi biết thế nào là lễ độ !
    Tôi xin nói trên quan điểm của mình nhé !
    Thứ nhất, về định nghĩa khái niệm Thiết Kế Đô Thị, tôi đã trình bày ý kiến của mình ở các bài trước. Một điều cần biết là ngay cả trên thế giới, định nghĩa Thiết Kế Đô Thị cũng còn đang được bàn cãi. Nhưng theo tôi, định nghĩa là cái do chính chúng ta sáng tạo ra và theo đó mà thực hành. Tổ chức nhiều cuộc hội thảo chỉ để tranh cãi về định nghĩa Thiết Kế Đô Thị thay vì nghiên cứu các hình mẫu, ý tưởng và các phương pháp Thiết Kế Đô Thị là việc làm mất thời giờ.
    Còn việc ban hành Luật Thiết Kế Đô Thị, theo tôi là một điều cần thiết cho tình hình Việt Nam hiện nay. Với sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài, chúng ta sẽ dần dần xây dựng được nền móng Thiết Kế Đô Thị cho chính chúng ta 10 - 20 năm sau.
    Thứ hai, tôi xin nói về mối quan hệ giữa Thiết Kế Đô Thị và Quy Hoạch Chi Tiết theo quan điểm cá nhân. Tôi đã xem qua Nghị Định 08/2005 của BXD và có nhận xét là quy định về Thiết Kế Đô Thị còn khá sơ sài. Theo nghị định này thì Thiết Kế Đô Thị là một bộ phận đi kèm theo Quy Hoạch Chi Tiết 1/2000 và 1/500. Tôi xin trích dẫn ra các thành phần hồ sơ quy định trong nghị định này.
    1) Quy Hoạch Chi Tiết 1/2000:
    + Bản đồ vị trí giới hạn khu đất (1/10.000 - 1/25.000)
    + Bản đồ hiện trạng kiến trúc, cảnh quan, hệ thống kỹ thuật và đánh giá quỹ đất xây dựng (1/2000)
    + Mặt bằng Quy Hoạch Chi Tiết (1/2000)
    + Mặt bằng quy hoạch sử dụng đất (1/2000)
    + Mặt bằng quy hoạch hệ thống kỹ thuật (1/2000)
    + Mặt bằng chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng và hành lang bảo vệ các tuyến hạ tầng kỹ thuật (1/2000)
    + Mặt bằng tổng hợp đường dây, đường ống kỹ thuật (1/2000)
    + Mô hình (1/2000)
    2) Quy Hoạch Chi Tiết 1/500:
    Hồ sơ bao gồm tất cả các thành phần như trên nhưng ở tỷ lệ 1/500 cộng với phần Thiết Kế Đô Thị.
    3) Thiết Kế Đô Thị trong Quy Hoạch Chi Tiết 1/2000 hoặc 1/500:
    + Bản vẽ mặt bằng khai triển các quảng trường, khu trung tâm, hành chính (1/2000 hoặc 1/500)
    + Bản vẽ mặt đứng khai triển các quảng trường, khu trung tâm, hành chính (1/2000 hoặc 1/500)
    + Bản vẽ mặt đứng các tuyến phố chính (1/2000 hoặc 1/500)
    + Bản vẽ mặt cắt các tuyến phố chính (1/2000 hoặc 1/500)
    + Thuyết minh đồ án
    + Quy định về quản lý kiến trúc cảnh quan
    + Mô hình (1/2000 hoặc 1/500)
    Tuy nhiên, theo ý kiến của tôi thì Quy Hoạch Chi Tiết theo kiểu Việt Nam thường làm thực chất chỉ là một phần của Thiết Kế Đô Thị. Những bản vẽ của hồ sơ Quy Hoạch Chi Tiết mà tôi nêu bên trên chỉ là một bộ phận của hồ sơ Thiết Kế Đô Thị.
    Thiết kế đô thị quan tâm trước tiên đến chất lượng thiết kế 3 chiều của không gian đô thị. Những thành phần như mặt bằng quy hoạch chi tiết 2 chiều, đường ống hạ tầng kỹ thuật, chỉ giới đường đỏ, khoảng lùi, v.v... đều phải xuất phát từ ý tưởng và chiến lược Thiết Kế Đô Thị. Chính vì vậy tôi mới nói ngay từ đầu là Thiết Kế Đô Thị phải được xem như là một ngành chuyên môn trọng tâm trong sự phát triển đô thị (và nông thôn), không hẳn là một dạng bổ sung khai triển cho Quy Hoạch Chung hay Quy Hoạch Chi Tiết.
    Thứ ba, theo kinh nghiệm ít ỏi của tôi thì một đồ án Thiết Kế Đô Thị phác thảo (Schematic Urban Design) có các thành phần cơ bản như sau:
    1) Bản vẽ cấu trúc đô thị (Structure Plan):
    Bản vẽ này thể hiện sự phân khu chức năng chi tiết, các trục phát triển, các tuyến giao thông cơ giới và bộ hành, hệ thống cấp bậc đường, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, sơ đồ phân chia các giai đoạn, các dải cây xanh, sự phân tích các tầm nhìn, các điểm nhấn, các ý tưởng dẫn đến hình thành cấu trúc đô thị. Tất cả các yếu tố trên ban đầu được thực hiện trên các sơ đồ như các layer. Sau đó, các lớp layer này sẽ tổng hợp với nhau hình thành nên bản vẽ cấu trúc 2 chiều của khu đô thị.
    2) Bản vẽ mặt bằng đô thị (Master Plan):
    Bản vẽ này là sự phát triển từ bản vẽ cấu trúc với tỷ lệ lớn hơn. Bản vẽ này gần giống với bản vẽ Mặt Bằng Quy Hoạch Chi Tiết ở ta. Bản vẽ thể hiện kích thước chính xác theo tỷ lệ của công trình, đường xá, cho thấy mặt bằng khối và bóng đổ của các công trình và cây xanh, phần nào thể hiện tương quan chiều cao của các thành phần trong đô thị.
    3) Bản vẽ 3 chiều của không gian đô thị (axonometric):
    Đây là bản vẽ kiểu hình học không gian (axonometric), không phải là phối cảnh (perspective). Bản vẽ này thể hiện mối tương quan chính xác về độ cao, tầm nhìn, hình dáng và khối tích của các công trình kiến trúc cũng như các thành phần đô thị như công viên, quảng trường, bãi đậu xe, v.v... Đây có thể được xem như thành phần quan trọng nhất của một hồ sơ Thiết Kế Đô Thị.
    4) Bản vẽ mặt bằng tầng trệt của toàn khu đô thị (Ground Level Plan):
    Bản vẽ này cho thấy mối liên hệ tương đối ở tầng trệt của tất cả các công trình và thành phần trong khu đô thị, bao gồm nhà ở, cao ốc, nhà hành chính, khu thương mại, công viên, cây xanh, đường xe cộ, đường đi bộ, v.v... Như vậy, đây chính là sự trả lời cho câu hỏi của anh về sự phân biệt giữa Thiết Kế Đô Thị và Thiết Kế Cảnh Quan Ngoài Nhà.
    5) Các bản vẽ khai triển mặt bằng, mặt đứng các tuyến đường và khu vực chính trong đô thị như quảng trường, trung tâm hành chính, thương mại:
    Các bản vẽ này nhằm minh họa và phát triển các ý tưởng và quy định của Thiết Kế Đô Thị, sự tương quan giữa các dãy phố, vật liệu và màu sắc, v.v...
    6) Các bản vẽ mặt cắt ngang đường (Street Section):
    Đây là thành phần rất quan trọng, thể hiện các kích thước và nhân tố liên quan đến đường cơ giới và đường bộ hành trong khu đô thị như bề rộng, độ dốc đường và vỉa hè, bố trí đèn chiếu sáng, cây xanh, khoảng lùi của các công trình hai bên đường, v.v... Trong một số đồ án, đội thiết kế còn lập ra một bộ mặt cắt đường tiêu chuẩn (Set of Street Types), hồ sơ này cho thấy tất cả các kích thước và hệ thống cấp bậc (hierachy) dựa trên tất cả các loại đường có trong khu đô thị như đường cao tốc, đại lộ, đường lớn, đường trung bình, đường nhỏ, đường nội bộ trong khu ở, v.v...
    7) Các bản vẽ phối cảnh:
    Các bản vẽ này tỏ ra rất lợi hại trong lúc thuyết trình với dân chúng và chính quyền địa phương. Các bản vẽ này có thể là phối cảnh chim bay của toàn khu đô thị, phối cảnh thấp tầm nhìn trên đường, phối cảnh góc của một số khu vực quan trọng như quảng trường, khu phố đi bộ, khu thương mại, v.v...
    8) Các bản vẽ khai triển chi tiết:
    Một số khai triển chi tiết, thêm mắm thêm muối như chi tiết vật kiệu và kiểu lát vỉa hè điển hình, chi tiết ghế nghỉ, đèn chiếu sáng, bó vỉa,, v.v...
    9) Các mô hình:
    Bao gồm mô hình tổng thể cho toàn khu đô thị và có thể thêm vào các mô hình tỉ lệ lớn hơn cho từng tiểu khu (precinct).
    Về vấn đề thứ hai anh nêu ra, theo tôi, Thiết Kế Đô Thị không chỉ áp dụng cho đô thị mật độ cao, mà còn áp dụng cho các vùng ngoại ô và nông thôn. Trên thực tế, những đồ án Thiết Kế Đô Thị hiện nay được thực hiện ở tất cả các loại hình đô thị và nông thôn. Ví dụ như các đô thị cực lớn và hiện đại như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thẩm Quyến (anh nào có chuyên môn Thiết Kế Đô Thị lại biết tiếng Tàu sang TQ dễ kiếm cơm lắm! ) hoặc các vùng ngoại ô Perth; Adelaide, Australia hay vùng dân cư mật độ thấp ở Florida, Mỹ, điển hình như thị trấn Seaside.
    Tuy nhiên, việc thực hành Thiết Kế Đô Thị ở mỗi quốc gia là khác nhau do sự khác nhau về điều kiện Chính Trị - Quản Lý, Kinh Tế - Nguồn Lực, Văn Hóa - Xã Hội và Địa Lý - Khí Hậu như trong sơ đồ tôi vẽ. Mặc khác, để nhìn thấy kết quả của một đồ án Thiết Kế Đô Thị, chúng ta cần mất khoảng 15 - 20 năm. Rõ ràng chúng ta sẽ mất nhiều thời gian vừa thực hành, vừa xây dựng nền tảng lý thuyết và kinh nghiệm Thiết Kế Đô Thị Việt Nam.
    Được hot_heart sửa chữa / chuyển vào 15:22 ngày 18/11/2005
  10. datvn

    datvn Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    10/04/2002
    Bài viết:
    2.981
    Đã được thích:
    1
    Nếu theo Hot heart thành phần các bản vẽ của thiết kế đô thị như thế này thì khái niệm thiết kế đô thị của Hot_heart hoàn toàn khác với của HSS. Nó bao trùm cả Quy hoạch chi tiết, một phần Quy hoạch chung và cả quy hoạch một số hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
    - Bản vẽ Cấu trúc đô thị structure plan (cái này trong nước gọi là sơ đồ cơ cấu). Bản này là bản vẽ rất quan trọng trong các đồ án quy hoạch chung nó nói lên tư tưởng chính của đồ án quy hoạch chung. Nhưng ở đồ án quy hoạch chi tiết nó lại gần như không còn ý nghĩa. Chính vì thế trong những quy định gần đây nhất người ta đã loại nó ra khỏi hệ thống bản vẽ quy hoạch chi tiết. Nhưng trong phần mưou tả của bạn, bản vẽ này lại quá phức tạp chứa quá nhiều nội dụng chi tiết, đi ngược lại với tiêu chí của bản vẽ này là mươu tả một cách cơ bản nhất cấu trúc của đối tượng.
    - Master Plan: Cái này giống hoàn toàn với quy hoạch chi tiết.
    - Bản vẽ mặt bằng tầng trệt toàn khu đô thị: cái này thực ra cũng có trong quy hoạch chi tiết. Đặc biệt trong hệ thống quy hoạch chi tiết của Liên xô cũ. Bạn nào học quy hoạch thời những năm 80s và chắc chắn phải mất rất nhiều công để vẽ những bản vẽ này. Nhưng ngày nay, bản vẽ này không còn hiệu dụng lắm, nó làm nhà quy hoạch dẫm chân lên phần đất của các KTS công trình. Chính vì thế mà ngay cả văn bản 322 nổi tiếng trước đây cũng đã không còn bản vẽ này.
    - Các bản vẽ triển khai mặt đứng các khu vực quan trọng: thì trong QH chi tiết vẫn thường có.
    - Street section: Nếu chỉ có các mặt cắt thì Trong bản tổ chức không gian của QH chi tiết phải có để minh họa cho ý đồ không gian của tác giả. Vì không đựoc quy định cụ thể trong các văn bản nên phần này hay bị các cq tư vấn lược bỏ. Thậm chí các đồ án của viện QH cũng không thực hiện phần này. Nhưng trong phần mươu tả của bạn ở dưới thì bạn lại nói về cái gì đó giống với bản quy hoạch hệ thống giao thông - thuộc phần quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
    - Các bản chi tiết: cái này thì đúng là trong Quy hoạch chi tiết không có. Nhưng nếu trong phần thiết kế kỹ thuật dự án, người ta vẫn phải làm cái này. hoặc đựoc thiết kế trong phần ngoại thất.
    - Mô hình: Cái này thì rõ rồi, quy hoạch chi tiết cũng có đấy thôi.
    Tôi hiểu như vậy không biết có đúng ý của Hot_heart không! Nhưng trong khái niệm mà HSS trích của ông Kim Quảng Quân đưa ra thì TKĐT là một khái niệm hẹp, nằm ở giữa Quy hoạch chi tiết và Thiết kế công trình. Ông Đặng Thái Hoàng dịch quyển này nên ông ấy cũng theo trường phái này
    P/S: Khái niệm TKĐT là một khái niệm phức tạp, không thể hiểu một cách nôm na. Một số bạn thực sự chưa hiểu các khái niệm cơ bản như Quy hoạch chung, Quy hoạch chi tiết ... thì rất rất khó có thể bàn luận. Trường hợp Tranvietanhtuan là điển hình. Hệ thống quy hoạch là rất phức tạp, ảnh hưởng tới một cộng đồng dân cư lớn không thể "Làm gì mình cho là đúng và tưởng tượng thêm chút là ok." được!

Chia sẻ trang này