1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Thơ Hoàng Phủ Ngọc Tuờng

Chủ đề trong 'Thi ca' bởi home_nguoikechuyen, 02/03/2003.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. sathudandien

    sathudandien Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    09/01/2003
    Bài viết:
    68
    Đã được thích:
    0
    "Bềnh bồng cho tới mai sau"- Bài thơ tình rất lạ của Hoàng Phủ Ngọc Tường
    Có con thuyền trong sương trắng
    Bềnh bồng như một cánh chim
    Có em chèo thuyền áo trắng
    Xôn xao như trốn như tìm
    Có vầng mặt trời rựng sáng
    Bồi hồi như một trái tim
    Em chèo thuyền về phía hừng đông
    Hứng chút phấn mặt trời trên má
    Bụi mặt trời vương đầy gót chân
    In những dấu hoa hài trên sóng
    Anh mãi nghe từ đáy
    màu sương mỏng
    Bài hát tình yêu dậy một phương hồng
    Từ thuở nào vũ trụ đã sinh ra
    Mà sao mặt trời mối ngày vẫn trẻ
    Mà sao anh đã từ vạn kỷ
    Bên sông này anh đứng hát
    mặt trời lên
    Vẫn đi hoài trong cõi vô biên
    Mặt trăng là mảnh gương
    riêng soi trái đất
    Trái đất trôi như một cánh bèo dâu
    Mặt trời nhiều khi phập phồng hơi thở
    Mê man nhớ những tình cầu
    Những hành tinh ngẫm rồi thấy lạ
    Bềnh bồng mà vẫn theo nhau
    Anh với em, ừ thì cũng lạ
    Bềnh bồng cho tới mai sau.
    Hoàng Phủ Ngọc Tường là một trong số ít nhà văn viết bút ký nổi tiếng ở nước ta vài chục năm nay. Bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường hấp dẫn người đọc ở tính nhân văn sâu sắc, những chiều kích khác nhau của trí tuệ uyên bác và chất Huế huyễn hoặc, quyến rũ. Ðó là những trang viết tài hoa, tài tử, tài tình. Thực ra, bút ký Hoàng Phủ Ngọc Tường chính là áng thơ văn xuôi cuốn hút người đọc. Có độc giả ở Hà Nội đã công phu cắt từng câu trong bút ký nổi tiếng "Ai đã đặt tên cho dòng sông" của anh xếp lại thành một bài thơ rất lý thú. Ngoài bút ký, anh có nhiều bài thơ hay được rất nhiều độc giả thuộc như "Ðịa chỉ buồn", "Dù năm dù tháng", "Dòng sông đời mẹ", "Ðêm qua", "Bềnh bồng cho tới mai sau"... "Bềnh bồng cho tới mai sau" là bài thơ tình hay và rất lạ trong mạch "thơ buồn như viết ra từ máu" (chữ dùng của Nguyễn Trọng Tạo) của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong vài chục năm nay!.
    Mùa hạ năm ấy, Hoàng Phủ Ngọc Tường về thăm Lệ Thuỷ quê vợ. Ðêm anh ngủ lại với mảnh đất đã cho mình tình yêu cuộc đời. Rạng sáng, tiếng hát từ những con đò trên dòng sông Kiên Giang làm anh choàng giấc. Anh chạy ra Mũi Viết nơi ngã ba sông, và bàng hoàng trước cảnh tượng thơ mộng đẹp như tranh thuỷ mặc của Tàu:
    Có con thuyền trong sương trắng...
    Có em chèo thuyền áo trắng....
    Có vầng mặt trời rựng sáng...
    Ðó là những hình ảnh thực, rất thực diễn ra trong mỗi buổi sáng mùa hạ ở trên sông Kiến Giang mà bất cứ ai cũng có thể kể lại được. Bắt gặp những cảnh tượng bình minh như trong cổ tích đó, Hoàng Phủ Ngọc Tường bị hớp hồn vía. Những hình ảnh đẹp đó đi vào tâm hồn thơ của anh trở nên vô cùng xao động và ấn tượng hơn nhờ những cặp liên tưởng bất ngờ và thú vị:
    Có con thuyền trong sương trắng
    Bềnh bồng như một cánh chim
    Có em chèo thuyền áo trắng
    Xôn xao như trốn tìm
    Có vầng mặt trời rựng sáng
    Bồi hồi như một trái tim.
    "Mặt trời" bồi hồi như "một trái tim" là một hình tượng lạ, một sự so sánh bất ngờ mang lại hiệu quả thẩm mỹ cao!.
    Nhờ thủ thuật so sánh, liên tưởng điêu luyện những cảnh thực và thơ đã thành ảo, thành mộng, cái tả đã biến thành cái cảm, cái say dẫn người đọc đến một trạng thái tình cảm mới: tình yêu!. Cô gái chèo thuyền trên sông phút chốc biến thành nàng tiên nữ giữa chốn bồng lai tiên cảnh với những nét đẹp vàng son lấp lánh và cực kỳ sang trọng "phấn mặt trời trên má", "bụi mặt trời vương gót chân", "dấu chân thành hoa hài trên sóng"...
    Em chèo thuyền về phía hừng đông
    Hứng chút phấn mặt trời trên má
    Bụi mặt trời vương đầy gót chân
    In những dấu hoa hài trên sóng
    Trước hình tượng Nàng Thơ lộng lẫy sinh ra từ trái tim mặt trời ấy, nhà thơ của chúng ta không thể không thổ lộ rằng mình đã yêu, rằng từ đáy LÒNG MÌNH "BÀI HÁT TÌNH YÊU DẬY MỘT PHƯƠNG HỒNG"! ẤY LÀ LOGIC TÌNH CẢM, LOGIC CỦA THƠ!
    Hết khổ thơ thứ 2, coi như "tiếng sét tình yêu" đã thể hiện quyền lực của mình: Tình yêu đã được bày tỏ một cách nồng nàn. Nhưng Hoàng Phủ Ngọc Tường không dừng lại ở đó. Những hình ảnh thơ được tả rất cận cảnh từ gần đến xa rồi từ xa nói gần. Từ những hình tượng bắt gặp ngẫu hứng, bằng cấp độ liên tưởng cao hơn, anh đã phát hiện ra tính âm dương của vũ trụ và đã đẩy bài đến một tứ lớn hơn, đột ngột hơn: Tình yêu của con người rất vĩnh cửu bởi tình yêu mang bản chất của vũ trụ
    Từ thuở nào vũ trụ đã sinh ra
    Mà sao mặt trời mỗi ngày vẫn trẻ
    Mà sao anh như từ vạn kỷ
    Bên dòng sông này đứng hát mặt trời lên..
    Quan hệ "có đôi" ấy được biểu cảm trong từng chi tiết:
    Vẫn đi hoài trong cõi vô biên
    Mặt trăng là mảnh gương riêng soi trái đất
    Trái đất trôi như một cánh bèo dâu
    Mặt trời nhiều khi phập phồng hơi thở
    Mê man nhớ những tinh cầu...
    Thì ra mặt trời, mặt trăng, trái đất và những tinh cầu trong cõi vô biên vũ trụ từ vạn kỷ nay vẫn hướng vào nhau, vì nhau, ôm ấp nhau, nhớ nhau... như con người, như anh và em, như âm và dương. Vâng, vũ trụ là một tình trường vĩnh cửu. Tình yêu của "anh và em" cũng bền vững như tình yêu giữa các hành tinh. Bài thơ kết lại bằng khổ thơ rất hay, với những câu thơ sống động rất đời mà nặng triết lý nhân sinh, những câu thơ có thể tách ra để biến thành ngạn ngữ tình yêu:
    Những hành tinh ngẫm rồi thấy lạ
    Bềnh bồng mà vẫn theo nhau
    Anh với em, ừ thì cũng lạ
    Bềnh bồng cho tới mai sau
    Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cho rằng thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường "... thấm đẫm triết học về cái chết... thơ anh buồn mỗi nỗi buồn đứt ruột... Ðấy là thơ của cõi âm"... Ðó là một nhận xét đúng và tinh tế. Nhưng trong nguồn thơ như từ đất vọng lên của Tường lại có một bài thơ khác lạ, bài thơ như từ trời vang xuống, đầy chứa chan, khoái cảm và trí tuệ. Ðó chính là bài thơ Bềnh bồng cho tới mai sau, bài thơ về trái tim tình yêu, trái tim mặt trời vĩnh cửu, một bài thơ tình hay và mới.
    (Ngô Minh- đăng trên báo Thừa Thiên Huế 5/7/2000)
  2. Bong_cuc_nho

    Bong_cuc_nho Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    28/06/2003
    Bài viết:
    144
    Đã được thích:
    0
    Ý định post bài này từ lâu lâu rồi, hình như là hồi đầu tháng 5, khi Tofoneo post bài bình kia cơ, nhưng rồi mãi tới hôm nay mới có đủ siêng năng để làm việc này. Tặng cho những ai cùng thích Hoàng Phủ Ngọc Tường nhé!!
    Thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường - Một cõi tâm linh
    Nguyễn Trọng Tạo
    * Tôi và HPNT đang lai rai ly rượu đế, đamg đạo chuyện trên rừng dưới biển thì bỗng cụ Nguyễn Tuân xuất hiện trước cửa, một tay cầm gậy trúc đen bóng, một tay cầm chai rượu Tây nhỏ xíu. Chúng tôi chưa kịp chào vì quá bất ngờ thì cụ Nguyễn đã ngồi vào chiếc salon cũ kỹ, nhờ chủ nhà lấy cho ba cái ly thuỷ tinh nhỏ và cẩn thận mở chai rượu trong tay, cặp mắt hóm hỉnh nhìn vào HPNT mà nói: "Cảm ơn ông đã cho tôi một tập thơ hay. Cái tập Người hái Phù Dung ấy. Hoá ra cái sở đoản của ông không thua gì cái sở trường của ông." Rồi cụ quay sang tôi: "Ông nên viết một cái gì đó về tập thơ của ông Hoàng này đi. Ngôn từ không có gì mới lạ lắm, nhưng đấy là thơ của cõi âm, của cõi tâm linh ông ạ!" Nói xong, cụ Nguyễn cười sảng khoái, nâng ly rượu lên. Tôi và HPNT cạn ly cùng cụ. Khi ly rượu vừa cạn, chúng tôi không còn thấy cụ Nguyễn đâu nữa, chỉ còn lại chiếc salon cổ kính trống không.
    Thì ra đấy chỉ là một giấc mơ!
    Tôi tỉnh dậy bàng hoàng, rất lấy làm tiếc là không được nghe cụ Nguyễn phán dài dài về tập thơ Người hái Phù Dung của HPNT, nhưng cái ý "thơ của cõi âm" do cụ khởi lên cùng với lời khuyên của cụ đã khiến tôi đọc đi đọc lại tập thơ, và cuối cùng là viết bài này, vâng mệnh bậc tiên chỉ quá cố đã chỉ bảo trong mơ.
    *********
    Có lẽ phải nói ngay rằng, HPNT là một người viết tuỳ bút nổi tiếng vài chục năm lại đây. Anh là người đảm nhận cái gánh nặng mà Nguyễn Tuân và Vũ Bằng đã trao lại. Tuy vậy, cũng như tuỳ bút của NT, tuỳ bút của anh vẫn không mê hoặc được tôi (riêng tôi) như khi nghe anh đàm đạo say sưa trong những cuộc rượu, khi mà con ma men đã len lỏi tới tận từng tế bào, kích thích toàn bộ các giác quan sung mãn của anh, và anh nói mê đắm như người lên đồng. Mỗi lúc như vậy, giá có cái máy ghi âm ghi lại, chép ra chắc sẽ có hàng nghìn trang sách sinh động với một giọng văn hấp dẫn đặc biệt. Điều ấy chứng torằng, tri thức cuộc đời và sự nghiền ngẫm nội tâm trong anh là vô cùng phong phú. Những bài tuỳ bút của anh viết ra mới chỉ là cái phần bề nổi của chính anh mà thôi. Con người anh ví như căn hộ hình hộp của anh có ba phòng. Phòng đầu tiên có cửa chính và cửa sổ thông ra với xã hội là nơi anh ngồi viết văn, phòng giữa là nơi anh thổ lộ với bạn bầu những gì đang nung nấu, và phòng cuối cùng tận trong sâu thẳm của âm u, thỉnh thoảng rơi vào dăm giọt nắng của ban ngày, vài giọt sao rơi của ban đêm là nơi anh làm những bài thơ tinh lọc đời mình. Trong căn phòng âm u đó, nhà thơ như nghe được tiếng nói của chính mình từ thế giới bên kia vọng lại, và thế là hai thế giới âm dương cùng hoà quyện vào nhau. Thơ đã sinh ra giữa cái sống và cái chết Tôi chợt nhớ một lần cùng anh Văn Cao tới hang động yến sào ngoài biển Quy Nhơn và phát hiện ra những con chim yến không làm tổ bằng nước bọt mà bằng chính máu mình, người ta gọi đó là yến huyết. Văn Cao thì gọi nó là "Yến Thi Sĩ, nó làm thơ để mà chết vì chính bài thơ của nó làm ra.". Phải chăng HPNT cũng làm thơ bằng máu của mình, làm thơ như "viết di chúc để mà chết" nên thơ của anh thườngmang tâm trạng lâm chung mà nuối về cuộc sống vời vợi đã qua?
    Mai kia rồi cũng xa người
    Tôi về ngủ dưới khung trời cỏ hoa
    Có nàng tóc xoã tiên nga
    Quỳ hôn cát bụi khóc oà như mưa

    (Về chơi với cỏ)
    Ngay giữa ngày sinh nhật, anh cũng không quên nghĩ về cái chết:
    Mai kia tôi về ngủ trên đồi
    Nắng rải hoa vàng quanh chỗ tôi
    Con chim sơn ca ngày thơ bé
    Nó bay về khóc mãi không thôi

    (Sinh nhật)
    (count...)
    Bông cúc nhỏ trắng lặng thầm
    Mỏng manh đợi suốt mùa đông một người...
  3. Bong_cuc_nho

    Bong_cuc_nho Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    28/06/2003
    Bài viết:
    144
    Đã được thích:
    0
    (count...)
    Tôi đang viết bài thơ này thì bác sỹ Nguyễn Tích Ý ghé thăm. Bác sỹ đã ngấp nghé cái tuổi "thất thập cổ lai hy", đang sống những ngày hưu trí ở ngoại ô thành phố Huế, là bạn vong niên của tôi và HPNT. Mỗi lần gặp ông, tôi đều có cảm giác ông sống tốt với chúng tôi như là chỉ còn một lần duy nhất cuối cùng. Ông nâng ly rượu lên và đọc câu thơ của HPNT:
    - Thời gian sao mà xuẩn ngốc
    Mới thôi, đã một đời người!

    Rồi ông cất tiếng cười khoái chí lắm, nhưng tôi lại đọc được phía sau tiếng cười ấy cả một nỗi buồn dâng ngập tuổi tác. Và tôi nhớ tới lá thư hôm kia của nhà văn Ngọc Giao, từng là thư ký toà soạn của tờ Tiểu thuyết thứ 7, nay đã gần 80 tuổi, gửi vào sau khi đọc Người hái Phù Dung: "Tôi nhấm nháp từng dòng, cố bắt bộ não già yếu này nhớ, nhớ, đừng bỏ rơi vàng rớt ngọc. Nhưng bệnh rối não mấy tháng nay không cho lại một chút minh mẫn nhớ lâu như thời trẻ, vì vậy cứ phải đặt tập thơ gối đầu giường mà đọc lại nhiều lần... Tôi đã phải reo lên: Đã mấy chục năm qua, giờ tôi mới thấy xuất hiện một thi nhân khác kiểu, một thi phẩm lạ đời... Buông sách khỏi tay, sao mà thấm thía một nỗi sầu vạn kiếp..." Có lẽ cũng không nhất thiết phải ở cái tuổi "cổ lai hy" như bác sỹ Ý hay nhà văn Ngọc Giao mới thấm thía nỗi sầu vạn kiếp ở tập thơ này, nhưng chắc chắn muốn chia sẻ cùng "hắn", người đọc ít nhất cũng phải một lần trải qua tâm trạng mong manh giữa cái sống và cái chết, giữa hy vọng và tuyệt vọng. Hoặc nói theo Đum - bat - de là "Mỗi người trong đời cần một lần ốm nặng". Đúng như vậy, bao trùm tập thơ Người hái Phù Dung là tâm trạng của một con người "ốm nặng", luôn luôn đối mặt với cái chết. Nếu triết học cổ kim từng dụng tâm nghiên cứu về cái chết, và nhiều cuộc tranh cãi bất phân thắng bại đã nổ ra giữa Duy tâm và Duy vật thì HPNT là tờ giấy thấm, thấm đẫm triết học về cái chết từ cả hai phía. Có lúc thơ anh rất thiền:
    - Nợ người một khối u sầu
    Tìm người tôi trả ngày sau luân hồi

    Có lúc lại rất biện chứng:
    - Màu xanh ấy là đổi bằng máu thắm
    Đâu phải màu trời của buổi Nguyên Sơ...

    Không phải tình cờ mà thơ anh nhiều lần chạm tới cái chết. Hồi còn là sinh viên Văn khoa, Cái chết (La Mort) đã là đề tài cho luận văn của anh. Và mỗi lần chạm tới cái chết, thơ anh buồn một nỗi buồn đứt ruột. Nỗi buồn dai dẳng kéo dài suốt tập thơ như một sự cố hữu đã định trước. Phải chăng,
    - Nỗi buồn là căn nhà ở đời của thơ
    đích thực là quan niệm nghệ thuật của anh?
    (count...)
    Bông cúc nhỏ trắng lặng thầm
    Mỏng manh đợi suốt mùa đông một người...

    Được bong_cuc_nho sửa chữa / chuyển vào 22:07 ngày 10/07/2003
  4. Zdreamer

    Zdreamer Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2003
    Bài viết:
    2.582
    Đã được thích:
    1
    Tớ một lần nghe qua bài: "Nhà tôi ở phố Đạm Tiên" của HPNT rồi mà quên mất. Ai có post lên giúp tớ, tớ cảm ơn nhiều.
  5. Bong_cuc_nho

    Bong_cuc_nho Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    28/06/2003
    Bài viết:
    144
    Đã được thích:
    0
    Đây là bài thơ Địa chỉ buồn chứ không phải là tên như Zdreamer viết đâu. Tiếc là tớ cũng chẳng thuộc, chỉ có một đoạn thế này thôi:
    - Nhà tôi ở phố Đạm Tiên
    "Dưới dòng nước chảy bên trên có cầu"
    Có mùi hương cỏ đêm sâu
    Có loài hoa biết nuôi sầu tháng năm.
    ** Tiện đây cho em hỏi: Bác nào có tập Người hái Phù Dung của HPNT có thể để lại cho em được không? Không thì cho em photo lại cũng được, cảm ơn nhiều nhiều!!!!!
    Mến!
    Bông cúc nhỏ trắng lặng thầm
    Mỏng manh đợi suốt mùa đông một người...
  6. Bong_cuc_nho

    Bong_cuc_nho Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    28/06/2003
    Bài viết:
    144
    Đã được thích:
    0
    (count...)
    Thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường - Một cõi tâm linh (Phần 3)
    Nguyễn Trọng Tạo
    Đọc tập thơ này, tôi bỗng giật mình nhớ lại một thời người ta chối bỏ nỗi buồn và hoan hô cái chết. Người ta quên mất rằng, ngay lúc hoan hô cho cái chết của đồng loại, thì chính là lúc mầm mống của cái ác bắt đầu nảy nở. Người thi sỹ với tư tưởng nhân văn đã vượt qua đám đông hò reo, lặng lẽ tìm về hang động thẳm sâu của nỗi buồn mà xót thương đồng loại. Và như thế, cái thiện được sinh thành ngay từ trong vỏ trứng của nỗi buồn. Hoàng Phủ Ngọc Tường là thi sỹ luôn trân trọng nỗi buồn, và anh mang tới cho nó những ý nghĩa nhân sinh sâu sắc, những giá trị thẩm mỹ mới mẻ dưới một thi pháp già dặn và độc đáo.. Với anh, nỗi buồn được "nuôi" như "Nuôi một ngôi sao trắng":
    - Có nàng tiên nhân từ
    Nuôi một ngôi sao trắng
    Là giọt nước mắt em
    Trôi về ngoài xa thẳm

    (Bài ca sao)
    Với anh, nỗi buồn cũng có nhà, có phố, cũng có địa chỉ:
    - Nhà tôi ở phố Đạm Tiên
    "Dưới giòng nước chảy bên trên có cầu"
    Có mùi hương cỏ đêm thâu
    Có loài hoa biết nuôi sầu tháng năm...

    (Địa chỉ buồn)
    Với anh, nỗi buồn lại có lúc trú ngụ trong cây đàn Trương Chi:
    - Bây giờ đã hết trò chơi
    Đã tàn cuộc rượu để người ra đi
    Đêm qua không biết làm gì
    Muốn về tìm gã Trương Chi nghe đàn

    (Đêm qua)
    Và có lúc:
    - Không nghe tiếng ai nói cười
    (Không còn ai)
    nỗi buồn đến với anh tưởng như chết đi được trong cái câu thơ thật bâng quơ này:
    - Tôi còn ngồi chi đây một mình
    (Không còn ai)
    Nhưng khi đã tự đặt ra cho mình một câu hỏi buồn như vậy, hẳn con người đã biết mình cần phải làm gì. Đấy là nhờ có nỗi buồn mà con người khát sống tốt đẹp hơn. Vậy thì tại sao văn chương lại né tránh nỗi buồn, né tránh bi kịch? Nhà thơ Vũ Cao đã từng khuyên các nhà văn trẻ: "Đừng viết quá buồn!"? Tôi không hiểu rõ dụng ý của lời khuyên này, nhưng tôi biết bài thơ hay nhất của Vũ Cao là một bài thơ buồn! "Núi vẫn đôi mà anh mất em", không buồn đến vậy, bài thơ Núi Đôi làm sao mà găm lại được trong lòng người đọc suốt mấy chục năm nay?
    (count...)
    Bông cúc nhỏ trắng lặng thầm
    Mỏng manh đợi suốt mùa đông một người...

    Được bong_cuc_nho sửa chữa / chuyển vào 19:33 ngày 11/07/2003
  7. Bong_cuc_nho

    Bong_cuc_nho Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    28/06/2003
    Bài viết:
    144
    Đã được thích:
    0
    (Count...)
    Phần 4:
    Nhưng HPNT đâu chỉ làm chàng Phao-xtơ đi tìm nỗi buồn mang nghĩa lý cuộc đời ở chốn Địa đàng, mà nhiều lúc còn thấy trong anh một chàng Từ Thức thoát trần lên Thiên Thai, và giữa chốn bồng lai tiên cảnh anh đã gặp Tiên. Khá nhiều nàng tiên hiện lên trong thơ anh, đấy là những "nàng tiên nhân từ", những "nàng tiên lưu lạc", những "tiên nữ buồn", và có cả những "nàng xoã tóc tiên nga" oà khóc như mưa nữa... Có lẽ nhờ sống trong cái không gian và thời gian mộng mị, thực hư lẫn lộn ấy mà anh có những câu thơ, đoạn thơ thật huyền ảo, xa xăm và tinh khôi, lộng lẫy:
    - Nghe thời gian xoã sợi buồn xuống vai
    - Anh trở về, sương khói đầy tay
    - Lang thang rũ một trận cười trong mây...
    - Có con thuyền trong sương trắng
    Bồng bềnh như một cánh chim
    Có em chèo thuyền áo trắng
    Xôn xao như trốn như tìm
    - Vẽ tôi một đoá hoa hồng
    Tàn phai từ bữ em cầm trên tay

    "... Nó như một hồ nước trong suốt mà ở đấy, ta nhìn rõ từng viên sỏi tận dưới đáy sâu" - Nhận xét của Ep-tu-sen-kô về thơ Đường bất ngờ trở lại trong trí nhớ của tôi khi tôi gặp những bài thơ tinh lọc của HPNT. Điều ấy chứng tỏ truyền thống Đông Phương thấm đẫm tâm hồn, cân não anh, và từ cái đường băng truyền thống đầy bí mật ấy, thơ anh đã "đập cánh tài hoa" bay những đường bay "ga-lăng" điệu nghệ. Nhưng cũng có thể do quá say mê, đắm chìm trong cổ điển mà nhiều khi anh sao nhãng việc khám phá thứ ngôn ngữ đa tầng đa nghĩa của thi ca hiện đại. Vẫn gặp trong thơ anh những chữ cũ kỹ, sáo mòn: "tình sầu", "muộn sầu", "bờ hư không", "cõi vô biên"... những hình ảnh ước lệ trùng lặp, nhàm chán: hoa, cỏ, trời, mây, sương, khói... thậm chí có cả những câu thơ lép rỗng, dễ dãi:
    - Thành phố ấy và màu hoa ấy...
    Thơ là người, nhưng không hẳn là tất cả! Ở ngoài đời, HPNT là một con người rất ham vui. Nói theo kiểu Huế là "đại hoang". Ngay cả cái tên mình, anh cũng từng đem ra làm thành một chuyện đùa cho bè bạn mua vui. Theo anh kể thì một lần, anh đăng ký làm việc với một đơn vị bộ đội, vì cái tên hơi dài nên người ta ghi thành hai dòng trong cột ghi danh. Khi anh đến, người trực ban hỏi: "Đồng chí là Hoàng Phủ?", anh liền đáp: "Vâng!". Người trực ban lại hỏi: "Thế đồng chí Ngọc Tường đâu?"... Một người ham vui như vậy mà lại viết toàn thơ Buồn thì quả là chưa phản ánh đủ con người tác giả. Có lẽ vì thế mà anh đã kết thúc tập thơ buồn của mình bằng Bài ngâm "đùa chơi":
    - Những tấn kịch thánh thần sa nước mắt
    Thế gian này cũng chuyện đùa thôi...

    (Bài ngâm "đùa chơi")
    Vâng, đúng là "đùa chơi" đấy, tất cả đều là đùa, là chơi, là hết... nhưng đùa chơi kiểu Tú Xương (Vừa bán vừa cho cũng đắt hàng) hay Nguyễn Du (Mua vui cũng được một vài trống canh) thì rốt cuộc lại khiến nhiều kẻ đeo sầu rụng tóc!! Đùa như thế là vì quá buồn mà đùa thôi. Mà nỗi buồn bao giờ cũng thuộc về âm tính, thuộc về tâm linh. Có lẽ cụ Nguyễn nói chí lý: Đấy là thơ của cõi âm, cõi tâm linh, luôn luôn tồn tại trong mỗi con người!
    Huế mưa, tháng 10 - 1994.
    The and!!
    Nửa chừng ngoảnh lại thiên thu
    Người phù du
    Ta phù du
    Với người...
    Được bong_cuc_nho sửa chữa / chuyển vào 20:06 ngày 11/07/2003
  8. home_nguoikechuyen

    home_nguoikechuyen Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    15/05/2002
    Bài viết:
    3.846
    Đã được thích:
    7
    Địa chỉ buồn
    Nhà tôi ở phố Đạm Tiên
    "Dưới dòng nước chảy bên trên có cầu"
    Có mùi hương cỏ đêm sâu
    Có loài hoa biết nuôi sầu tháng năm
    Tôi về ngủ dưới vầng trăng
    Có em từ chốn vĩnh hằng nhìn tôi
    Tình xa, xa mãi trong đời
    Tóc xanh tiên nữ rối bời trên tay
    Tôi còn ngọn nến hao gầy
    Chảy như nước mắt từ ngày sơ sinh
    Tôi xin em chút lòng thành
    Cài lên một phiến u tình làm hoa
    Những nhiều Bến Ngự giăng mưa
    Chừng như ai đó mơ hồ gọi tôi
    Tôi ra mở cửa đón người
    Chỉ nghe tiếng gió thổi ngoài hành lang
    Nhà tôi ở phố Đạm Tiên
    "Dưới dòng nước chảy, bên trên có cầu"
    Cây sầu đông, cây sầu đau
    Thương tôi, cây cũng nở màu hoa râm
  9. home_nguoikechuyen

    home_nguoikechuyen Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    15/05/2002
    Bài viết:
    3.846
    Đã được thích:
    7
    bài này là bài Ta lại hát như thời trai trẻ bạn à.
    to VNML:Phú Quang làm gì có bài Nỗi buồn nhỉ? chỉ có bài nỗi nhớ thôi chứ.
    Nỗi nhớ dâng đầy trong em.
    Gương mặt anh nụ cười anh, vòng ngực ấm
    Tưởng như máu trong tim đông đặc
    Nồi nhớ dâng đầy, dâng đầy

    dạ khúc cũng là một bài Phổ thơ HPNT rất thành công của Phú Quang
    Được home_nguoikechuyen sửa chữa / chuyển vào 17:02 ngày 29/02/2004
  10. home_nguoikechuyen

    home_nguoikechuyen Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    15/05/2002
    Bài viết:
    3.846
    Đã được thích:
    7
    Đọc Trịnh Công sơn, ta thấy nói đến một cái tên thật lạ , một cái tên rất Kiếm Hiệp: Tuyệt tình cốc(Trịnh Công sơn-Những người đến từ Tuyệt Tình cốc của Uyên Phương, đăng trên 1 tờ báo của Canada, sau đó được dịch sang Tiếng Việt và đăng trên báo Thanh Niên, sau 1 tuần kỉ niệm ngày mất của trịnh). Tuyệt tình cốc, nới dừng chân của những thiên tài, đại bản doanh của trịnh, Của HPNT......Vậy Tuyệt tình Cốc là nơi nào, tại sao lại có cái tên đó. Bạn hãy đọc bài viết này;
    Tuyệt tình cốc
    HPNT
    Sau này khi gia đình tôi dọn nhà ra gần cửa Đông Ba, thì ngôi nhà cố cựu ở trong hẻm đường Âm Hồn được gọi theo tên truyện Kim Dung, là Tuyệt tình cốc. Đó là một ngôi nhà tranh nhỏ, thanh bạch như cuộc đời ba mẹ tôi, hoa cỏ tiêu sơ nhưng gió trăng đầy trời, gọi "cốc" là phải. Phan (em tôi) cùng với mấy người bạn y khoa đều là những "diều hâu" của phong trào sinh viên Huế, do mải mê xuống đường nên thi rớt, bèn rút lui vào cốc này ôn luyện bài vở để thi kỳ hai. Học thi như luyện võ công, các vị cố thủ trong ngôi nhà quạnh vắng, tuyệt giao với người đẹp, từ ấy có cái tên Tuyệt tình cốc. Thức khuya, đói bụng, các vị lẻn vào khu vườn u sầu bên kia đường hái trộm đào tiên về đỡ bụng. Bà cụ chủ vườn, lịch sự như Tây Vương Mẫu, bóng gió cảnh cáo bọn Tôn Ngộ Không bên kia mãi không được, bèn ra ngoài mách với ba tôi. Từ đó chấm dứt cuộc tiệc bàn đào ở Tuyệt tình cốc. Có lần tôi vào nhà thấy các vị vừa ăn đào vừa cặm cụi suốt đêm viết một bài diễn văn trường giang đại hải. Hỏi mới biết, ngày mai trong cuộc mít-tinh lớn ở Thương Bạc, Tôn Thất Kỷ (tổng thư ký lực lượng tranh đấu) dự định đọc một bài diễn văn chống Mỹ nẩy lửa, mà theo sáng kiến của nhóm, "cần làm luôn một mạch bốn tiếng đồng hồ, giống như Fidel Castro".
    Người đọc Kim Dung còn nhớ, nơi Tuyệt tình cốc có một cây hoa độc, gọi là Tình hoa. Ai bị gai Tình hoa đâm phải thì mắc bệnh nan y, mỗi lúc tưởng nhớ đến người tình tất phải rối loạn tâm thần, quằn quại thân xác. Góc sân Tuyệt tình cốc có một cây dạ lý hương, cũng có gai nhọn, nên được gọi là Tình hoa, hoa rất nhiều và thơm nồng nàn vào ban đêm, bay xa tận đầu ngõ. Đêm trăng tôi nằm ngoài hiên, có lúc mùi hương mộng mị của Tình hoa làm mất ngủ, tôi phải gọi tiểu đồng hái từng chậu thau mang đổ xuống hồ. Ấy thế mà hàng chục năm sau hồi nhớ lại, tôi vẫn nghe mùi hương Tình hoa quanh quất trong tâm tưởng, như nỗi xao xuyến còn mãi của một thời tuổi trẻ không yên nơi Tuyệt tình cốc.
    Vô ra ngôi lều cỏ này, hầu hết là những bạn giang hồ của tôi đến từ phương xa; hoặc là nhóm những sinh viên "cánh tả" ở Huế và Đà Nẵng, vài người trong đó sống bằng tình trạng công dân hợp pháp chỉ được chính quyền tính cho hàng ngày. Thường xuyên sống ở Tuyệt tình cốc chỉ có Đinh Cường và tôi. Lâu nay Cường vẫn thuê phòng sống ở Huế, lúc này dời về Tuyệt tình cốc của tôi, dù ở đây chật hẹp không có chỗ để Cường bày tranh. Lý do là, ở Cường vẫn tồn tại một con người lang bạt thuộc về những Modigliani, hoặc Levitan, thường vẽ ở gầm cầu thang và hầm rượu; lý do khác quyến rũ hơn, Cường luôn mang máng thấy mình đã bị Tình hoa đâm phải, cần về "dưỡng bệnh" ở Tuyệt tình cốc. Nhóm sinh viên của Phan dời sang gian bên kia; gian đầu hè này được bày biện lại theo "mốt Đinh Cường": phản gỗ hạ xuống sát mặt đất, bàn bày thấp, hoa duệ tây, chân dung sơn dầu của một vài cô gái, chao đèn bằng tre, và khi có bạn rượu đến chơi thì thắp nến.
    Người đến và đi thường để lại những dòng chữ nguệch ngoạc trên vách Tuyệt tình cốc: thơ hiện sinh, thơ tranh đấu... tuỳ thích, hoặc chỉ một chữ ký gọi là "tôi đã ghé qua đây". Ngô Kha để lại một bài thơ rất hay, bài thơ sau đó tuyệt tích cùng với cái chết đột ngột của thi sĩ. Tôi ghi lại một đoạn theo trí nhớ:
    Lần hồi sinh trên con tàu lần cuối cùng
    Chung quanh anh phù sa cát đỏ
    Anh hỏi thầm về đời mình
    - Gỗ đã có buồn không?
    - Chim chóc có buồn không?

    Thơ kháng chiến lúc này là thời thượng của sinh viên tranh đấu, trên vách có từng mảng Lời mẹ dặn của Phùng Quán, và Tây Tiến của Quang Dũng... Trần Quang Long khi ở tù về, viết lên vách một bài thơ của Hoàng Cầm, học được từ những người tù sống chung ở lao Thừa Phủ. Bài thơ này rất lạ, đến nỗi nhiều vị tinh thông văn học thời chống Pháp ở miền Bắc, cỡ như Phùng Quán, đều quả quyết với tôi rằng Hoàng Cầm chưa bao giờ làm bài thơ đó. Mãi sau này, khi gặp chính nhà thơ ở Hà Nội, tôi hỏi về bài thơ "Thánh Gióng", anh thản nhiên đáp: "Tôi không biết". Tôi bèn đọc lại nguyên bài thơ, Hoàng Cầm gật đầu nhẹ nhàng: "Thế thì đúng, bài thơ tôi viết cho báo tường hồi ở Quân khu 3". Tôi chép lại, đúng nguyên bản của nó đã được lưu truyền ở Tuyệt tình cốc cách đây ba mươi năm:
    Chuyện cũ kể rằng tan giặc Ân
    Thánh Gióng vứt lại cả giáp trận
    Chỉ cưỡi ngựa quý mà đằng vân
    Thánh Gióng không cưỡi lên công trận
    Không làm vua chúa cưỡi đầu dân
    Nhưng khi đất nước gặp can qua
    Trăm nghìn Thánh Gióng lại xông ra
    Yêu nước sá chi điều vụn vặt.

Chia sẻ trang này