1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Thơ Hoàng Phủ Ngọc Tuờng

Chủ đề trong 'Thi ca' bởi home_nguoikechuyen, 02/03/2003.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. home_nguoikechuyen

    home_nguoikechuyen Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    15/05/2002
    Bài viết:
    3.846
    Đã được thích:
    7
    Tuyệt tình cốc
    (Tiếp theo )
    Những cuộc tao ngộ đầy không khí "thời đại" thường diễn ra ở Tuyệt tình cốc.
    Một buổi tối mùa thu năm 1965, Huế đang rục rịch chuẩn bị cuộc đấu tranh chống lại chính quyền quân phiệt của hai tướng Thiệu- Kỳ vừa lên nắm quyền. T.U- là bạn học của tôi thời sư phạm và văn khoa Sài Gòn, người dong dỏng cao, gương mặt sớm phong trần, và có số đào hoa như tất cả những nhà văn trẻ thời đó. Tôi thường đến căn gác lộn xộn của Dũng để đàm luận văn chương, và bút hiệu T.U có lẽ xuất hiện lần đầu dưới truyện ngắn "Gió ngoài hành lang", chất lãng mạn pha chút ******** rất mới. Có lần Dũng bảo tôi thử định nghĩa "Tình yêu là gì?" Tôi nói, đúng khẩu khí:
    - Tình yêu là sự nối kết giữa hai người cùng chiến đấu chống lại cái chết.
    T.U cười mũi:
    - Con gái nó không mê mấy thằng cha triết là phải. Hãy nói như Sagan: "Tình yêu là tất cả những gì xảy ra giữa hai người yêu nhau".
    Qua hai năm sôi động giữa phong trào đô thị sau cái chết của ông Diệm, quan điểm về cuộc chiến tranh Việt Nam giữa chúng tôi đã đối lập nhau, nhưng bạn vẫn cứ là bạn, và tôi rủ T.U ra Huế chơi. Chúng tôi vừa cãi nhau tưng bừng ở Tổng hội Sinh viên, xong cuộc tôi mời T.U tới chơi văn nghệ ở Tuyệt tình cốc, như "vẫn là bạn". Tối hôm ấy đủ mặt anh hào xứ Huế: Đinh Cường, Trịnh Công Sơn, chị Tuý Hồng, Trần Vàng Sao, Trần Quang Long, Nguyễn Đắc Xuân, Trần Xuân Kiêm (Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Huế), Lê Thanh Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Phan, và một vài người mới đến lần đầu, tôi không nhớ tên. Nói là "văn nghệ nhẹ nhàng" thôi, nhưng máu Huế vẫn chứng nào tật ấy; chỉ mười phút sau là hội thảo ngay tức khắc. Có ba trường phái cùng tranh luận trong khói thuốc đặc quánh:
    - Phái đồng minh: Phải liên kết với Mỹ để tạo một "lá mộc" mạnh, từ đó những người quốc gia đủ thời giờ tiến hành một cuộc "cách mạng xã hội chủ nghĩa không Cộng sản" (từ này xuất hiện ở miền Nam trong tạp chí Hành Trình, ra đời ở Đà Lạt cách đó mấy tháng).
    - Phái trung lập: Chống chiến tranh bất cứ từ đâu tới, hoà bình ngay bây giờ, để chấm dứt "trầm thống dân tộc". Quan điểm này được nhìn dưới mắt các vị "Đồng minh" là tiếp tay cho Cộng sản..
    - Phái chống Mỹ: Bất cứ quân đội ngoại bang nào kéo tới giày xéo đất nước thì sử sách đều gọi là "quân xâm lược", dân tộc Việt Nam dù dưới triều đại nào cũng đứng lên đấu tranh để bảo vệ Tổ quốc. Đó là triết học của người Việt. Còn chuyện nội bộ dân tộc sẽ hạ hồi phân giải giữa các chính khách, sinh viên không làm chính trị.
    Đại thể về xu hướng là thế, còn nói năng thì tuỳ phong cách của từng người, từ cực hữu đến cực tả. Đặc biệt là phái chống Mỹ, thường gây mất trật tự vì đông và hay nổi nóng. Tuy vậy, không khí buổi tối vẫn diễn ra như một cuộc "tâm sự chính trị" giữa những người trẻ có chính kiến khách biệt nhau nghĩ về vận nước theo cách của mình: không bè phái; kể cả T.U, tôi biết.
    Chen vào giữa là thơ và nhạc, có Mười bài Tâm ca của Phạm Duy do chính tác giả hát từ chiếc máy ghi âm nhỏ xíu của Nguyễn Đắc Xuân. Tâm ca lúc này đang chiếm lĩnh môi trường đại học, được giới trẻ thuộc "phái trầm thống" sùng bái như đạo ca, đồng thời cũng gặp phản ứng phê phán từ các nhóm cánh tả, rằng Tâm ca là một thủ pháp tâm lý nhằm xả xú páp đỡ đòn cho quân đội Mỹ. Thành thực nói là tôi không mê Tâm ca lắm ngay từ đầu, trừ bài "Giọt mưa trên lá"; dù chỉ hát bởi một người, bài hát này vẫn gợi trong tôi âm hưởng rộng lớn và trang nghiêm của một dàn đồng ca nhà thờ đêm Noel.
    Trịnh Công Sơn hát một bài mới, bài Vết lăn trầm: "Đá lăn vết lăn trầm. Từ cơn đau ấy lưu thân mỏi mòn. Ôi mắt thầm van xin lời thánh đêm. Bài ca dao trên cồn cát, trên ngai vàng quê nhà một thời ngủ yên tuổi xanh... Rồi một hôm..."
    T.U bị thu hút hoàn toàn bởi giai điệu buồn sang trọng và ý tưởng sâu thẳm của bài hát, hỏi tôi: "Trịnh Công Sơn là ai?". Tôi đáp: "Là người sẽ nổi tiếng nhất trong tất cả mọi người". T.U gật đầu: "Có lẽ Sơn gần với thế hệ tụi mình hơn là ông Phạm Duy". Tôi: "Phạm Duy là nghệ sĩ lãng mạn của muôn đời, nhưng sẽ là nhà cổ điển với Trịnh Công Sơn". Tôi dùng từ "cổ điển" với ý nghĩa "kính nhi" của lớp trẻ.
    Tôi nghĩ rằng sau khi rời Huế trở về Sài Gòn, cái gì là "vấn đề" còn đọng lại trong T.U thì đấy chính là tiếng hát Trịnh Công Sơn. Khác với mấy bài trước (chưa nhiều lắm: hay nhất là Biển nhớ) đều là những bài tình buồn. Vết lăn trầm bắt đầu tiếp cận nỗi bất hạnh của một tuổi trẻ bị cuốn hút vào cơn lốc của chinh chiến, và đấy là bài hát mở đầu nội dung phản chiến của nhạc Trịnh Công Sơn. Buổi tối kết thúc và chúng tôi kéo nhau đi cà phê Dung.


  2. home_nguoikechuyen

    home_nguoikechuyen Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    15/05/2002
    Bài viết:
    3.846
    Đã được thích:
    7
    Tuyệt tình cốc
    (Tiếp theo)
    Mười năm sau chiến tranh, tôi nhận được một số báo Đoàn kết của Hội người Việt Nam ở Pháp, trong đó có in bài thơ Đọc thơ T nhớ bạn xưa, hoài tưởng về đêm Tuyệt tình cốc năm xưa ấy, của một người mà hồi nãy tôi chưa nhắc đến. Bài thơ sau đây:
    Năm xưa, lều cỏ, dăm thằng bạn
    Góp lửa soi chung một quãng đường
    Mà nay, lửa tắt, tình lây lất
    Lỡ cố hương và lỡ cố nhân.

    Bài thơ ký tên Nam Chi, tức là nhà văn Đặng Tiến.
    Sau những tháng huyên náo, Tuyệt tình cốc trở về trong yên tịch rất thảo lư của nó. Nguyên tắc "cấm lai vãng" đã mất hiệu lực một cách hồn nhiên, bây giờ lều cỏ thấp thoáng vào ra những bóng hồng. Đây là thời gian thơ mộng nhất của Cường và của tôi, của tình ái đam mê, của ngao du giang hồ, và những ngày lang thang trở về ngủ thiếp trong mùi hương liêu trai Tình hoa.
    Một chiều gió may mùa thu, trên sân rêu hiu quạnh tôi đang một mình "đăm đăm trông nhạn về", thì nhận được thư của Anne. Thư vẫn thế, chữ đẹp, viết bằng giấy xanh mực tím. Nhưng bức thư mang đến cho tôi một tin kinh hoàng, qua đó tôi biết rằng Anne viết lúc sắp từ giã cõi đời, phong thư nhờ người phu xích lô thả ở bưu điện lúc quay về với câu "Xin mặt trời ngủ yên". Tôi bàng hoàng điện nhờ người bạn thân thông báo tình hình mới nhất, may biết Anne đã được cứu thoát. Tôi bay vào Sài Gòn an ủi cô, rồi quay về Huế ngay để lo cho một tờ báo sắp ra đời. Tôi không kịp trở lại với Anne như đã hẹn, vì sau đó cuộc đấu tranh đã nổ ra, và đến phút chót, tôi ra đi. Thật không ngờ ngày tái ngộ ở Sài Gòn tôi mới biết rằng Anne đã trở thành một Vixi tóc dài, tù biệt giam Côn Đảo bảy năm, vừa trở về thành phố ngày giải phóng. Anne không hoạt động trong phong trào tại Huế, nhưng nỗi vui nỗi lo của cô dõi theo từng nỗi thăng trầm của Tuyệt tình cốc: tôi xem Anne như là sư muội của "môn phái", với khả năng quyết liệt của những người mơ mộng.
    Mùa Xuân năm 1966, sinh thái của Tuyệt tình cốc chuyển sang nhịp động của phong trào ly khai của miền Trung bùng nổ tại Huế, tạp chí Việt Nam Việt Nam ra đời, với nhóm chủ biên gồm nhiều người trí thức và sinh viên cấp tiến, một mình một thế giữa phong trào, thẳng thừng lên án cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Lần đầu tiên trên báo chí công khai của miền Nam, Việt Nam Việt Nam đường hoàng nói trước quyền lực từ mọi phía, rằng người Mỹ không phải là đồng minh, mà chính là kẻ xâm lược Tổ quốc. Riêng tôi, qua tờ báo này, tôi muốn minh bạch với T.U về chuyện "đồng minh" trong cuộc tranh luận nửa vời vào mùa Thu năm trước, cùng với bài viết của ông bạn tôi trên báo Sài Gòn sau đó về nhóm Tuyệt tình cốc. Nhân đây, tôi muốn quay lại nói một điều với người bạn cũ. Luận điểm "đồng minh" cả tôi và T.U đều đã được học tập từ thời ông Diệm mới lên làm Tổng thống, cũng "dựa vào Mỹ", cũng thăng tiến cần lao, đồng tiến xã hội... Cuộc "cách mạng xã hội" đó, thời hoàng kim ông Diệm không làm nổi! T.U chiến trận mòn trán lỏng gối cho tới cuối cuộc chiến, chỉ có mười ngày phép của người lính để đi làm cách mạng xã hội thôi, thì giờ còn lại để đi đánh nhau. Vậy thì T.U "dựa vào Mỹ" để thực thi cuộc cách mạng hay là Mỹ dựa vào T.U để đánh nhau? Đó là ảo tưởng, hay là nguỵ biện? Dũng ạ, nhân đọc cuốn sách Dũng mới in ở Mỹ, có nhắc đến Tuyệt tình cốc, ta cũng nói lại cho vui, Dũng bảo ta có tật "thích tranh luận" mà! Nhưng cả Dũng và ta bây giờ tóc cũng đã bạc, ngồi "tranh luận", chẳng qua là mấy bác ngư tiều ngồi uống rượu bên sông bàn câu chuyện cũ thời Tam quốc, "Cổn cổn trường giang đông thê thuỷ lãng ba đào tận anh hùng" đó thôi!
  3. home_nguoikechuyen

    home_nguoikechuyen Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    15/05/2002
    Bài viết:
    3.846
    Đã được thích:
    7
    Tuyệt tình cốc


    Ngôi thảo lư bây giờ đã chấm dứt mùa đàn đúm, trở thành toà soạn và "nhà in" của tạp chí. Ngày mải bận đốc hồ đô huyện với phong trào, chúng tôi làm việc suốt đêm, giữ bí mật để tờ báo khỏi bị tịch thu trước khi nó được tung ra trước công chúng. Khi Việt Nam Việt Nam đưa đến tận Sài Gòn và các tỉnh miền Trung, toàn ban biên tập bị đặt trong thế "không bảo đảm về an ninh tính mạng" trước chính quyền, cụ thể là tổ chức an ninh quân đội của tướng Nguyễn Chánh Thi.
    Một đêm khuya giữa những ngày sắp diễn ra cuộc hành quân đàn áp của chính quyền trung ương Sài Gòn, Tú đến Tuyệt tình cốc tìm gặp tôi. Tú gốc Nghệ An, vượt tuyến sau 54, là học trò cũ của tôi thời tôi dạy ở trường Võ Trường Toản Sài Gòn, sau này thêm hai năm cuối trung học ở Quốc học Huế, và giữa chúng tôi vẫn giữ những kỷ niệm thầy trò thực đằm thắm. Tôi tóm tắt câu chuyện giữa Tú và tôi đêm ấy:
    - Thầy có gia nhập một tổ chức yêu nước phải không?
    - Dĩ nhiên là có
    - Tổ chức nào? Thầy cho con biết được không?
    - Tổng hội sinh viên Huế.
    - Thế mà lâu nay con cứ nghĩ là thầy đang ở trong một tổ chức yêu nước có quyền lực nào đó. Con biết chính xác là tờ Việt Nam Việt Nam đang đặt thầy trước những nguy hiểm nghiêm trọng từ phía những lực lượng chống Cộng. Tổng hội sinh viên làm sao bảo vệ cho thầy khi ông Thiệu, ông Kỳ đưa quân ra Huế? Bây giờ con thấy con phải lo cho thầy.
    Tú thông báo kế hoạch: Tú sẽ trao cho tôi một chiếc áo dòng để nguỵ trang lúc cuộc càn quét bắt đầu ở Huế. Tú sẽ đưa tôi đến ẩn náu ở một nhà thờ xa thành phố, sau đó tôi sẽ thoát thân vào Sài gòn, hoặc có phải ra toà cũng không sao, chỉ cần tránh thời điểm tranh tối tranh sáng rất nguy hiểm. "Thưa thầy, con là một thằng Nghệ An, làm chi thì làm, nhưng nó không bao giờ phản lại thầy của nó, một khi nó thực sự xem là thầy. Thầy hãy tin ở con, đây là việc tối thiểu con phải làm để trả nghĩa thầy". Tôi nhận lời để Tú vui lòng. Dù nhiều bạn bè cười tôi là người ngây thơ chính trị, cho đến bây giờ tôi vẫn tin rằng người học trò cũ ấy quả thành thực lo cho số phận của tôi. Tôi có trực giác bén nhạy để tin vào một điểm đơn giản hằng có nơi mỗi con người, là tấm lòng. Dĩ nhiên ở đây chỉ riêng trong quan hệ giữa Tú và tôi.
    Còn sau này, qua tin tức hải ngoại, tôi được biết Tú hoặc là Kim, Nguyễn văn Kim, đang tham gia nhiều tổ chức chống Cộng cực đoan, kích động thù hận dân tộc tới cùng. Tôi không ngờ đã có một người học trò dữ dằn đến như vậy. Sao lại thế? Quyền của Tú thôi, dĩ nhiên, nhưng đừng quên rằng dù sao, Tú cũng đã có một thời cắp sách đến trường.
    ***
    Mười năm sau hết chiến tranh, tôi quay lại Tuyệt tình cốc. Ngôi lều cỏ không ai trông (ba mẹ tôi đã bị chính quyền bắt buộc rời Huế và dời vào Long Thành, Bà Rịa- lúc ấy vẫn chưa giải phóng), cũng không ai dám tới ở trong bao nhiêu năm; bây giờ nhà xiêu vách đổ, cỏ ống mọc lút cả chân thềm. Nhiều mùa lụt đã tràn qua đây, nước dâng ngập ngôi nhà vô chủ, và xoá đi hết những bài thơ bạn bè tôi ghi trên vách Tuyệt tình cốc. Chỉ còn lại nham nhở trên cao, nét chữ của Trần Quang Long với mấy câu thơ Hoàng Cầm: "Thánh Gióng không cưỡi lên công trận- Không làm vua chúa cưỡi đầu dân".
    Trong góc sân, cây dạ hương vẫn còn, cao lớn hẳn lên giữa cỏ um, nở hoa một mình. Tôi đến gần cây hoa để đón nhận hương thơm lặng lẽ của nó. Như một cố nhân. Tình hoa vẫn ấp ủ giùm tôi trong hương phấn riêng, ôi, những năm tháng sống say mê và âm ỉ mộng đầy trời... (Hết)
    Huế, tháng 11.1994.
    Hoàng Phủ Ngọc Tường

  4. home_nguoikechuyen

    home_nguoikechuyen Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    15/05/2002
    Bài viết:
    3.846
    Đã được thích:
    7
    .......Chùm bài thơ hoa
    HOA HỒNG Ở LÀNG CÁCLÔPHERƠ
    Khi mỗi gương mặt là một hoa hồng
    Ta muốn nhìn say mê dù quen hay lạ
    Để mắt ra in bóng hình tất cả
    Mỗi nụ cười thành một dấu môi hôn
    Khi lòng ta là một hoa hồng
    Hơi thở người yêu hóa thành ngọn gió
    Niềm hạnh phúc là một làn hương nhỏ
    Theo hương bay bát ngát giữa đời
    Khi trái tim ta là một hoa hồng
    Ta kiêu hãnh nở hoa giữa ngực
    Màu đỏ hoa là lời thề đất nước
    Đem đời ta làm một chiến công
    Khi đất nước ta là một hoa hồng
    Ta dám thách với muôn lần bão táp
    Đất vẫn nở Đóa Hồng bất diệt
    Bởi thân ta làm lá chắn Thành Đồng
    Khi tự do là một hoa hồng
    Ta nắm lấy, dù gai đâm xé thịt
    Dù bàn tay ta máu hồng nhỏ giọt
    Thấy lạ lùng, màu máu giống màu hoa
    Hoa thuỷ tiên
    Có một loài hoa không biết tên
    Vàng tươi như là nỗi buồn riêng
    Tôi e những hạt linh hồn ấy
    Rơi xuống thành hoa giữa tự nhiên
    Nghe nói người Tiên vẫn hiện hình
    Bước ra từ những coi u linh
    Em như cô Tấm trong hoa thị
    Về đứng nhìn tôi trên nước xanh
    Yên tĩnh rừng thông rộng bốn bề
    Mặt hồ mờ mịt khói giăng che
    Có con chim nhỏ trong lau sậy
    Thoảng giọng người tình chợt lắng nghe.
    Chim nhạn bay về thu vắng không
    Mình tôi trở lại với đồi thông
    Sao trên làn nước trong xanh ấy
    Vẫn hiện xôn xao một bóng hồng
    Hoa dại người đời chẳng biết tên
    Sinh ra như loài cỏ ưu phiền
    Nhớ em ngà ngọc bên hồ nước
    Tôi gọi em là Hoa Thủy Tiên
    Kỷ niệm dành riêng cho hoa viôlet
    Có một lần như thế trong đời
    Một bông hoa Viôlet nhỏ
    Đã nở cho riêng tôi.
    Hoa không nói với tôi điều gì
    Dịu dàng như ngôi sao chiều tím
    Mọc lặng lẽ giữa lòng tôi thầm kín
    Hỡi bông hoa xinh đẹp vô ngần
    Sắc đẹp ấy lạ lùng như chẳng có
    Hoa bên tôi- lòng tôi không bớt nhớ
    Tôi hỏi thầm, hoa có thực hay không?
    Tôi trở về trên ngọn đồi mộng mơ
    Chợt gặp lại sắc hoa ngày ấy
    Mười năm đi dọc đường lửa cháy
    Tôi ngại chừng hoa chết đã xa xưa
    Mười năm xa đất có lòng chờ
    Nuôi cho tôi một sắc đời mê mải
    Thành phố ấy và màu hoa ấy
    Tâm hồn tôi nắng gió chợt bâng khuâng
    Đời sinh hoa kín ẩn, ngại ngùng
    Chút thời gian tím hoài dưới lá
    Rồi nhiễm đau một chiều sương rất lạ
    Nên yêu thương hoa khẽ bảo tôi rằng...
  5. Hoabaoxuan

    Hoabaoxuan Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    24/10/2002
    Bài viết:
    1.232
    Đã được thích:
    0
    Em Home tìm bài Nỗi buồn nghe đi, hay lắm đấy!!
    *********
    Có chiếc lá bay ngược chiều gió thổi
    Mềm như em và xao xác như em!...

Chia sẻ trang này