Thơ Hữu Loan Các bác ở đây có ai thích thơ Hữu Loan không. Lần đầu đọc bài Màu tím hoa sim, mình đã mê rồi. Các bác ở đây ai có sưu tầm thơ Hữu Loan, post lên để mọi người cùng thưởng thức nhé. Hữu Loan Ông sinh năm 1916. Tên thật là Nguyễn Hữu Loan. Quê gốc, cũng là nơi ông sống liên tục hơn 40 năm nay, là Nga Sơn, Thanh Hóa. Ông tham gia ********* từ trước cách mạng tháng 8-1945. Trong kháng chiến chống Pháp, làm báo Chiến sỹ ở quân khu IV. Sau giải phóng Hà Nội 1954, làm báo Văn Nghệ. Thơ Hữu Loan không nhiều. Tập thơ Màu tím hoa sim (NXB Hội nhà văn, 1990) tập hợp 10 bài. Nhưng ông có những bài được nhiều người thuộc, được coi như dấu tích tâm hồn của một thời dân nước: Đèo Cả, Màu tím hoa sim, Những làng đi qua... Đèo Cả viết năm thứ nhất Việt Nam dân chủ cộng hòa (1946). Khi ấy, đề tài cách mạng mới bắt đầu được các nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn lãng mạn làm quen, người đọc mới thấy nhiệt tình của họ nhưng chưa thấy thơ, thì Đèo Cả đã chín một cảm xúc thơ mới mẻ. Vừa mới đấy cả một khí quyển thơ buồn hoặc bi phẫn, bất đắc chí thì giờ đây Đèo Cả hào sảng, khí phách. Thơ nói gian lao, cực khổ nhưng lòng người cao cả, nghĩa khí. Hình ảnh đất nước, núi, mây, trời, biển oai hùng, mến thương, kỳ vĩ. Cảnh, trong cái nhìn ngang dọc thoắt tây thoắt đông, cho thấy thế đứng của người thơ giữa bao la sông núi: núi cao ngất mây trời Ai Lao sầu Đại dương Dặm về heo hút Đá Bia mù sương Đấy cũng là thế đứng của người dân ôm hồn sông núi trong một thời kỳ lịch sử sáng đẹp. Câu ngắn, rắn khỏe, chất chứa, giàu phong vị sử thi. Bút pháp mới nhưng là cái mới đã thâu tóm những tinh hoa cổ xưa của thơ cổ điển từ Đường, Tống Trung Hoa đến Lý, Trần, Lê của dân tộc. Phần đầu của Đèo Cả có mạch bút kỳ lạ, hiếm thấy trong thơ Việt. Ngay ở Hữu Loan cũng không thấy lặp lại. Những nét như tạc thô mà rất tinh vi. Thoáng một nét đã tạo được không khí. Câu thơ leo thang ở đây có sức gợi đắc địa: Tóc/ râu/ trùm/ vai rộng/ Không nhận ra/ người làng. Nhược điểm của Hữu Loan, nếu muốn nói, ở bài này cũng như các bài khác là tính ước lệ. Ông nương tựa hơi nhiều vào sức gợi cảm đã cũ của cốt truyện, của hình ảnh, của ngôn ngữ. Hiện thực bị lạc vào cõi xưa, chất trữ tình và cả tính tư tưởng mất đi nhiều vẻ sắc nhọn thời cuộc, thời đại. Ở Đèo Cả tính ước lệ phần nào còn hợp vì rừng núi thiên nhiên hoang dại vốn ít đổi thay, chứ ở nhiều bài khác, bút pháp ước lệ đã làm nghèo sáng tạo, làm nhạt đi ấn tượng hiện đại của bài thơ. Hữu Loan sở trường một bút pháp trữ tình kể chuyện như Màu tím hoa sim, Những làng đi qua, Hoa lúa... Bài thơ có nhân vật, có tính cách, có diễn biến cốt truyện. Nhưng cốt truyện chỉ là cái khung để diễn đạt cảm xúc trữ tình. Đông đảo bà con ta vốn ưa những truyện thơ, trước như Nhị độ mai, Phan Trần, Kiều... sau này là những bài thơ có chất truyện như Núi Đôi (Vũ Cao), Quê hương (Giang Nam)... rất thích các bài thơ này của Hữu Loan. Chuyện là chuyện thời đánh giặc cứu nước, Hữu Loan khai thác tình cảm tiêu biểu là chuyện xa cách lứa đôi. Màu tím hoa sim giới thiệu một nghịch cảnh: không chết người trai ra trận mà chết người gái hiền thục ở hậu phương, bình hoa cưới mới đó thành bình hương cúng. Kỷ vật của người thác là màu áo tím, cái màu vốn là tượng trưng cho nhớ thương. Loài hoa gợi màu áo ấy là những đồi sim biền biệt dọc những vùng quê nghèo cằn cỗi. Cảnh và tình trong thơ Hữu Loan thường chung nỗi xao xuyến, và rất gợi buồn thương. Trong bài Những làng đi qua cũng nỗi nhớ thương trai lính, gái làng. Ý thơ bâng khuâng, ngân nga như một hoài niệm không rõ nét trong lòng người đọc. Hoa lúa cũng là chuyện tình yêu ngang trái. Giọng kể ở bài thơ này cùng những hình ảnh ước lệ gợi một thời xa, xa như trong ca dao, trong truyện Nôm khuyết danh, đã tạo một không khí oan trái muôn đời, dễ gợi những xót thương cố hữu của người Việt Nam mình. Thêm nữa, hình ảnh quê hương hiện lên từ nhiều nét quen thuộc, đậm tính dân tộc. Bài thơ do vậy dễ nhập lòng người. Nút gỡ giải oan cho những người trái duyên lỡ phận là cải cách ruộng đất. Tác giả quy nạp cuộc đời hơi giản đơn: Những tình em/ từ xưa tan vỡ/ Từ đáy mồ sâu/ Vạch từng/ tên/ đao/ phủ. Câu thơ triệt để leo thang, đến từ ghép đao phủ cũng bị chặt đôi, để tạo cảm giác lạ, nhưng vẫn cứ mất đi vẻ phóng túng ngang tàng thuở Đèo Cả. Hồn vía cảm xúc ở đây không có tư thế ngang tàng thì thân xác câu thơ sao tạo ngang tàng được. Hồn thơ Hữu Loan, trong thẳm sâu, thấm đẫm hương đồng nội. Ông thuộc lắm những cảnh quê, hồn quê. Trong khí quyển quê hương làng mạc, bút ông đụng vào đâu cũng dạt dào cảm xúc. Nhưng ông không mượt và thầm như Nguyễn Bính. Ông gân guốc và khí phách. Tình cảm, tư tưởng một chiến sỹ khởi nghĩa, đi cướp chính quyền ở địa phương đã cho ông tư thế cảm xúc ấy. Cảm xúc cách mạng tắm trong không khí bi hùng xưa, tạo nên vẻ đẹp tráng sỹ cho các nhân vật thơ Hữu Loan. Cũng như Nguyễn Bính, Hữu Loan có tài tạo bi thương, các chi tiết cứ như cứa vào lòng người, ai oán: biết tin em gái mất/ trước tin em lấy chồng. Thơ ông cũng nhiều nước mắt như thơ Nguyễn Bính. Ở Nguyễn Bính nước mắt lăn thầm trên gương mặt những người đàn bà trái duyên lỡ phận. Còn ở Hữu Loan, nước mắt long lanh trên gương mặt sạm đen gió nắng chiến binh. HÀ NỘI 10-9-2001 VŨ QUẦN PHƯƠNG
Màu Tím Hoa Sim Nàng có ba người anh đi bộ đội Những em nàng Có em chưa biết nói Khi tóc nàng còn xanh Tôi người Vệ quốc quân Xa gia đình Yêu nàng như tình yêu em gái Ngày hợp hôn Nàng không đòi may áo cưới Tôi mặc đồ quân nhân Đôi giầy đinh Bết bùn đất hành quân Nàng cười xinh xinh Bên anh chồng độc đáo Tôi ở đơn vị về Cưới nhau xong là đi Từ chiến khu xa Nhớ về ái ngại Lấy chồng thời chiến binh Mấy người đi trở lại Lỡ khi mình không về Thì thương Người vợ chờ Bé bỏng chiều quê ... Nhưng không chết Người trai khói lửa Mà chết Người gái nhỏ hậu phương Tôi về Không gặp nàng Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối Chiếc bình hoa ngày cưới Thành bình hương Tàn lạnh vây quanh Tóc nàng xanh xanh Ngắn chưa đầy búi Em ơi giây phút cuối Không được nghe nhau nói Không được nhìn một lần Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím Áo nàng màu tím hoa sim Ngày xưa Một mình Đèn khuya Bóng nhỏ Nàng vá cho chồng tấm áo Ngày xưa ... Một chiều rừng mưa Ba người anh trên chiến trường Đông Bắc Biết tin em gái mất Trước tin em lấy chồng Gió sớm thu về rợn rợn nước sông Đứa em nhỏ lớn lên Ngợ ngàng trông ảnh chị Khi gió sớm thu về cỏ vàng chân mộ chí Chiều hành quân Qua những đồi sim Những đồi sim dài trong chiều không hết Màu tím hoa sim Tím chiều hoang biền biệt Nhìn áo rách vai Tôi hát trong màu hoa "Áo anh sứt chỉ đường tà Vợ anh, mất sớm, mẹ già chưa khâu ..."
Hữu LoanThánh Mẫu Hài Đồng Thánh mẫu hài đồng (Tục bút thơ Màu Tím Hoa Sim) Nàng ngả cánh tay còn rất nhiều ngấn sữa cho ta gối đầu ngay đêm đầu tân hôn chuyện ngược đời: - Sao không phải tay ta đỡ trước vai nàng ngả cánh tay to rắn của mình cho đầu nàng gối ta to gấp bốn gấp năm, và gấp đôi nàng tuổi Ta lo lắng sợ tay nàng không chịu nổi tay nàng như một nhánh huệ trong bình Anh nương nhẹ đầu anh cho khỏi đau nhánh huệ Nhưng kỳ lạ thay nàng chẳng hề gì chi, có ta thấy mình bỗng nhiên trở nên vô cùng nhỏ bé Nằm gọn trong vòm ngực măng tơ và rúc tìm tham lam cuống quít ngẩn ngơ ta chỉ là một hài nhi khát mẹ ! Nàng càng riết chặt thêm ta càng thêm bé trong vòng tay thành đai tôi nghe nàng thổn thức bên tai : - Anh của riêng em Anh rất lớn của em (Anh lớn thật, nhưng hiện đang rất bé) Và hai tay ghì cổ nàng Tôi kêu: Mẹ ơi! Mẹ, mẹ! bằng một giọng hài nhi mới học kêu bập bẹ trong hơi thở bừng bừng như bốc men - Lời vô thức? hay là tôi đối thoại? Sau đêm ấy là nàng đi đi mãi! * ** Em đi tím đất chiều hoang ta như mất mẹ khóc tang hai lần * ** Xin được kính cẩn hôn chân những cô gái ngay từ tấm bé đã mang chất Mẹ Loài Người Em trong Mẹ Mẹ trong Em - Em ngôi thánh mẫu Hài Đồng!
=== Tôi có được đọc một bản in cũ của bài thơ này, dưới tên bài thơ có dòng chữ: Khóc vợ Lê Đỗ Thị Ninh. Câu chuyên trong bài thơ chính là của Hữu Loan. Ông lập gia đình khi người vợ còn rất trẻ (cô gái con của chủ nhà mà Hữu Loan trọ và được ông kèm học khi ấy mới 16 tuổi). Khi đang là chiến sĩ Vệ quốc đoàn, ông được tin người vợ trẻ mất ở hậu phương, bởi thế mới có câu "..Nhưng không chết Người trai khói lửa Mà chết Người gái nhỏ hậu phương.." Bài thơ này Hữu Loan viết để nhớ về người vợ trẻ nên không công bố, người đã phát hiện và phổ biến bài thơ trên chính là đồng đội của ông./