1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Thơ Xuân Quỳnh

Chủ đề trong 'Thi ca' bởi hoangvan09, 04/12/2003.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Chỉ có sóng và em
    Đã xa rồi căn phòng nhỏ của em
    Nơi che chở những người thương mến nhất
    Con đường nắng, dòng sông trước mặt
    Chuyến phà đông. Nỗi nhớ cứ quay về
    Đêm tháng năm hoa phượng nở bên hè
    Trang giấy trắng bộn bè bao ký ức
    Ngọn đèn khuya một mình anh thức
    Nghe tin đài báo nóng, lại thương con
    Anh yêu ơi, hãy tha lỗi cho em
    Nếu đôi lúc giận hờn anh vô cớ
    Những bực dọc trong ngày vất vả
    Làm anh buồn mà em có vui đâu
    Chỉ riêng điều được sống cùng nhau
    Niềm sung sướng với em là lớn nhất
    Trái tim nhỏ nằm trong ***g ngực
    Giấy phút nào tim đập chẳng vì anh.
    Một trời xanh, một biển tận cùng xanh
    Và gió thổi và mây bay về núi
    Lời thương nhớ ngàn lần em muốn nói
    Nhưng bây giờ chỉ có sóng và em...
  2. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Lời Ru Của Mẹ
    Lời ru ẩn nơi nào
    Giữa mênh mang trời đất
    Khi con vừa ra đời
    Lời ru về mẹ hát
    Lúc con nằm ấm áp
    Lời ru là tấm chăn
    Trong giấc ngủ êm đềm
    Lời ru thành giấc mộng
    Khi con vừa tỉnh giấc
    Thì lời ru đi chơi
    Lời ru xuống ruộng khoai
    Ra bờ ao rau muống
    Và khi con đến lớp
    Lời ru ở cổng trường
    Lời ru thành ngọn cỏ
    Ddón bước bàn chân con
    Mai rồi con lớn khôn
    Trên đường xa nắng gắt
    Lời ru là bóng mát
    Lúc con lên núi thẳm
    Lời ru cũng gập ghềnh
    Khi con ra biển rộng
    Lời ru thành mênh mông
  3. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Thơ của chị em - XQ
    Những người đàn ông các anh có bao nhiêu điều to lớn
    Vượt qua ô cửa cỏn con, vZn phòng hẹp hàng ngày
    Các anh nghĩ ra tàu ngầm, tên lửa, máy bay
    Tới thZm dò những hành tinh mới lạ
    Tài sản của các anh là những tinh cầu, là vũ trụ
    Các anh biết mỏ dầu, mỏ bạc ở nơi đâu
    Chính phục đại dương bằng các con tàu
    Đi tới tương lai trên con đường ngắn nhất
    Mỗi các anh là một nhà chính khách
    Các anh quan tâm đến chuyện mất còn của các quốc gia.
    Biết bao điều quan trọng được đề ra
    Những hiệp ước xoay vần thế giới
    Chúng tôi chỉ là những người đàn bà bình thường không tên tuổi
    Quen việc nhỏ nhoi bếp núc hàng ngày
    Cuộc sống ngặt nghèo phải tính sao đây
    Gạo, bánh, củi dầu chia thế nào cho đủ
    Đầu óc linh tinh toàn nghĩ về chợ búa
    Những quả cà, mớ tép, rau dưa
    Đối với Nít và KZng, những siêu nhân nay và xưa
    Xin thú thực: chúng tôi thờ ơ hạng nhất
    Chúng tôi còn phải xếp hàng mua thịt
    Sắm cho con đôi dép tới trường
    Chúng tôi quan tâm đến xà phòng, đến thuốc đánh rZng
    Lo đan áo cho chồng con khỏi rét...
    Chúng tôi là những người đàn bà bình thường trên trái đất.
    Quen với việc nhỏ nhoi bếp núc hàng ngày
    Chúng tôi chẳng có tàu ngầm, tên lửa, máy bay
    Càng không có hạt nhân nguyên tử
    Chúng tôi chỉ có chậu có nồi có lửa
    Có tình yêu và có lời ru
    Những con cò con vạc từ xưa
    Vẫn lặn lội bờ sông bắt tép
    Cuộc sống vẫn ngàn đời nối tiếp
    Như trZng lên, như hoa nở mỗi ngày...
    Nếu không có ví dụ chúng tôi đây
    Liệu cuộc sống có còn là cuộc sống
    Ai sẽ mang lại cho các anh vui buồn hạnh phúc
    Mở lòng đón các anh sau thất bại nhọc nhằn
    Thử nghĩ xem thế giới chỉ đàn ông
    Các anh sẽ không còn biết yêu biết ghét
    Các anh không đánh nhau nhưng cũng chẳng làm nên gì hết
    Thế giới sẽ già nua và sẽ lụi tàn
    Ai sẽ là người sinh ra những đứa con
    Để tiếp tục giống nòi và dạy chúng biết yêu, biết hát.
    Buổi sớm mai ướm bước chân mình lên vết chân trên cát
    Bà mẹ đã cho ra đời những Phù Đổng Thiên Vương
    Dẫu là nguyên thủ quốc gia hay là những anh hùng
    Là bác học... hay là ai đi nữa
    Vẫn là con của một người phụ nữ
    Một người đàn bà bình thường, không ai biết tuổi tên
    Anh thân yêu, người vĩ đại của em
    Anh là mặt trời, em chỉ là hạt muối
    Một chút mặn giữa đại dương vời vợi,
    Lời rong rêu chưa ai biết bao giờ
    Em chỉ là ngọn cỏ dưới chân qua
    Là hạt bụi vô tình trên áo
    Nhưng nếu sáng nay em chẳng đong được gạo
    Chắc chắn buổi chiều anh không có cơm Zn.
    Vài đoạn thơ vui nhân dịp ngày xuân
    Đùa một chút xin các anh đừng giận
    Thú thực là chúng tôi cũng không sống được
    Nếu không có các anh, thế giới chỉ đàn bà.
  4. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Con yêu mẹ
    - Con yêu mẹ bằng ông trời
    Rộng lắm không bao giờ hết
    - Thế thì làm sao con biết
    Là trời ở những nơi đâu
    Trời rất rộng lại rất cao
    Mẹ mong bao giờ con tới!
    - Con yêu mẹ bằng Hà nội
    Để nhớ mẹ con tìm đi
    Từ phố này đến phố kia
    Là con gặp ngay được mẹ
    - Hà nội còn là rộng quá
    Các đường như nhện giăng tơ
    Nào những phố này phố kia
    Gặp mẹ làm sao gặp hết!
    - Con yêu mẹ bằng trường học
    Suốt ngày con ở đấy thôi
    Lúc con học, lúc con chơi
    Là con cũng đều có mẹ
    - Nhưng tối con về nhà ngủ
    Thế là con lại xa trường
    Còn mẹ ở lại một mình
    Thì mẹ nhớ con lắm đấy
    Tình mẹ cứ là hay nhớ
    Lúc nào cũng muốn bên con
    Giá có cái gì gần hơn
    Con yêu mẹ bằng cái đó
    - À mẹ ơi có con dế
    Luôn trong bao diêm con đây
    Mở ra là con thấy ngay
    Con yêu mẹ bằng con dế
  5. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Hoa cúc xanh
    Hoa cúc xanh có hay là không có
    Trong lầm lầy tuổi nhỏ của anh xưa
    Một dòng sông lặng chảy từ xa
    Thung lũng vắng sương bay đầy cửa sổ
    Hoa cúc xanh có hay là không có
    Một ngôi trường bé nhỏ cuối ngàn xa
    Mơ ước của người hay mơ ước của hoa
    Mà tươi mát mà dịu dàng đến thế
    Cỏ mới mọc con chim rừng thơ bé
    Nước trong ngần thầm thì với ngàn lau
    Trái tim ta như nắng thuở ban đầu
    Chưa chút gợn một lần cay đắng
    Trên thềm cũ mùa thu vàng gió nắng
    Đời yên bình chưa có những chia xa
    Khắp mặt đầm xanh biếc một màu hoa
    Hương thơm ngát cả một vùng xứ sở
    Những cô gái da mịn màng như lụa
    Những chàng trai đang đọ tuổi hai mươi
    Người yêu người, yêu hoa cỏ đất đai
    Những câu chuyện xoay quanh mùa hái quả...
    Hoa cúc xanh có hay là không có
    Tháng năm nào ấp ủ thuở ngây thơ
    Có hay không thung lũng của ngày xưa
    Anh đã ở và em thường tới đó
    Châu chấu xanh, chuồn chuồn kim thắm đỏ
    Những ngả đường phơ phất gió heo may
    Cả một vùng vương quốc tuổi thơ ngây
    Bao mơ ước mượt mà như lá cỏ...
    Anh đã nghĩ chắc là hoa đã có
    Mọc xanh đầy thung lũng của ta xưa.
    1964 - 1987
  6. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Hoa dại núi Hoàng Liên
    Một ngày đường từ miền đất trung du
    Tôi chỉ gặp bụi bay và nắng gắt
    Sang thu rồi gió vẫn nồng da mặt
    Tiếng ve nào còn sót trong lùm cây
    Nghe nhói lòng nỗi nhớ cuối tình yêu
    Chợt thấy lạc giữa bốn bề vắng ngắt
    Lên cao... lên cao nắng như dần nhạt
    Bỗng vui mừng bắt gặp một nhành hoa
    Khắp Hoàng Liên trên một ngàn thước núi
    Hoa nép mong manh trước tầm gió thổi
    Hoa diếp vàng cô độc giữa thâm u
    Và bên đường hoa nghệ dại ngẩn ngơ
    Hoa sim tím một nỗi buồn hoang dã
    Hoa lay ơn góc vườn xưa còn nhớ
    Mà thấy người cành lá khẽ lung lay
    Hoa mọc dưới chân người, hoa mọc đến chân mây
    (Có nhiều thứ hoa còn chưa biết rõ...)
    Anh đừng hỏi tên hoa làm chi nữa
    Những hoa này chỉ hoa dại mà thôi!
    Không phải hoa được ở cùng người
    Được chăm sóc những mảnh vườn sạch cỏ
    Được khoe đến muôn màu sắc lạ
    Và được đời chiêm ngưỡng mùi hương
    Không phải hoa được cắm trên bàn
    Trong ngày hội của những niềm vui mới
    Những hoa này lại nở cho triền núi
    Lại nở cho vẻ đẹp của rừng chung
    Nên ít ai để ý sắc từng bông
    Chỉ thấy núi muôn màu rực rỡ
    Đôi khi giẫm lên hoa mà chẳng nhớ...
    Những hoa này chỉ hoa dại mà thôi.
  7. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Hoa tường vi
    Trắng với hồng và tim tím nhạt
    Tựa màu mây phiêu lãng cuối trời xa
    Hoa tường vi như thực lại như mơ
    Cùng tôi sống suốt một thời trẻ dạị
    Vóc nhỏ nhắn trước tầm gió thổi
    Tôi hiểu điều trong lá nói lao xao
    Ở nơi nào bởi điệu ca dao
    Từng ca ngợi một loài hoa chưa có.
    Hoa phảng phất mối tình trong truyện cổ
    Mang lỡ lầm oan ức đã xa xôị
    Hoa tường vi thời trẻ dại của tôi
    Bên mái rạ một mảng vườn hẻo lánh
    Ngày mưa bụi khắp nẻo đường và lạnh
    Những cụm hồng cụm tím lẫn màu xanh
    Tôi có hoa bè bạn bên mình
    Hoa hiểu cả những điều tôi chẳng nói
    Tôi đã qua bao thác ghềnh đá núi
    Qua thời gian tóc thoáng sợi màu mưa
    Hoa tường vi của những ngày xưa
    Tôi vẫn nhớ một màu mây phiêu lãng.
  8. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Không đề
    Sắc lá phong rực vàng lên lần cuối
    Trái mùa thu chín vội trước khi xa
    Như ngọn đèn lửa bùng lên rực rỡ
    ánh hoàng hôn rực cháy trước hiên nhà
    Cũng có thể mùa thu chưa hết
    Vẫn còn đang lưu luyến khách đi qua
    Cũng có thể là tôi đến chậm
    Thấy màu mây rừng lá tưởng còn thu
    Mạc Tư Khoa 9-1987
    Không đề (1)
    Sông cũng như tình yêu - sông thiên vị
    Lấy mãi phù sa bên lở đắp bên bồi
    Sóng vỗ về bờ cỏ non tươi
    Lá xanh mướt cơn mưa vừa gội
    Vạt đất mới bàn tay mới
    Gió đầu hè mải cuốn bụi chân đê...
    Ôi cuộc đời gần gụi nhường kia
    Phải tuổi ta với tuổi đời cùng sinh đẻ
    Ngày mai thôi nhìn quãng đời này xa lạ
    Trong lòng mình - khi tình ái đã đi qua
    Vệt chai thôi ẩn dưới làn da
    Hết khát vọng dẫu cuộc đời vẫn trẻ
    Thoáng sợi bạc trên mái đầu bỡ ngỡ
    Chỉ còn thơ ta viết lúc yêu nhau
    Mà ta quên. Mấy chục năm sau
    Đọc thơ ta có người còn xúc động.
    Cỏ thì xanh dòng sông còn vỗ sóng
    Gió đầu hè mải cuốn bụi chân đê...
    Không đề (2)
    Chiều tháng năm nắng ngả thân cây
    Em trở lại một mình trên lối - nhớ
    Gió trở lại một mình trên mái phố
    Khắp một trời phượng đỏ mênh mông
    Hoa sen hồng mặt nước thì trong
    Cây tường vi mọc gần cây sấu
    Trước cây cỏ vô tư em chẳng giấu
    Nỗi nhớ anh, nỗi nhớ khôn cùng
    Anh đi rồi trời nổi cơn dông
    Trận gió mạnh từ phía anh thổi tới
    Nghĩ đến anh em nhớ về hướng núi
    Ngọn núi Cánh-diều ngọn núi Mây-bay
    Trời Ninh-bình chiều nay hẳn nhiều mây
    Mưa to thế chắc sông tràn bờ cỏ
    Thương chiếc xe anh nhọc nhằn trong gió
    Mái nhà nao đêm nay anh dừng chân
    Ước chi làm chiếc nón che anh
    Đêm gió lạnh em xin làm ngọn lửa.
    Áo ướt ai phơi, ba lô ai xếp hộ !
    Mong sao trời ngừng mưa !
    Không đề (3)
    (Viết cho Vũ )
    Mắt anh nâu một vùng đất phù sa
    Vùng đất của nơi nào trong trí nhớ
    Em chiếm đoạt rồi em hoảng sợ
    Giữa vô cùng hoang vắng giữa cô đơn
    Mấy năm rồi, thơ em buồn hơn
    Áo em rộng, lòng em tan nát
    Những bài hát ngày xưa em vẫn hát
    "Cây trúc sinh, quán dốc...gốc đa làng..."
    Câu thơ anh em vẫn đọc thầm
    Cả lúc nghĩ: "...biết bao giờ trở lại"
    Mái tôn dột. Sao mà mưa mãi
    Anh ra đi
    phố vắng
    đầu trần
    Biết bao giờ cho đến mùa xuân
    Em sẽ kể anh nghe về chuyện cỏ
    Em sẽ kể anh nghe về ngọn gió
    Trên đỉnh cao thành bão những đêm hè
    Em kể về những miền đất em đi
    Những cửa biển thơ anh thường nói tới
    Những rừng hoa thơ anh thường đến hái
    Trái bàng vàng rụng vội con đường quen
    Chẳng có gì để nói về em
    Em chỉ thấy em là người có lỗi
  9. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Xuân Quỳnh - cánh chuồn trong giông bão- Chu Văn Sơn
    (Mấy suy nghĩ về thế giới nghệ thuật thơ Xuân Quỳnh)
    1. Khắc nghiệt và yên lành
    Đúng là Xuân Quỳnh viết rất nhiều về cỏ, về hoa dại, về cát... Nói về những thứ nhỏ nhoi, trơ trọi và quên lãng ấy, với Xuân Quỳnh, âu cũng là tự hát về cái thân phận mình, cái kiếp mình. Vậy mà tôi cứ thấy hình ảnh chuồn chuồn báo bão ám vào thơ Xuân Quỳnh mới da diết làm sao! Cánh chuồn bé bỏng mỏng manh ấy bay ra từ ẩn ức của một đứa trẻ côi cút, chơ vơ giữa cõi trần ai đầy bất trắc, trôi nổi vô định này. Nó quá nhạy cảm với bão tố, mang tin bão về, để rồi chẳng tìm đâu ra một chốn nương náu chở che:
    Chặn bốn phía những cỏ cây tội nghiệp
    Trái đất này sẽ nhận chìm trong mưa
    Không tìm đâu một chốn nương nhờ
    Mỏng manh thế làm sao chịu nổi
    Chuồn chuồn ơi báo làm chi bão tới
    Trời bão lên rồi mày ở đâu?
    Có lẽ thế, thơ Xuân Quỳnh là thơ của một cánh chuồn bay tìm chỗ nương thân trong nắng nôi dông bão của cuộc đời.

    Mọi nhãn quan thơ ca thường có xu hướng phân lập cái thế giới sống động này thành các đối cực. Tùy thuộc từng tạng người, tạng thơ mà cặp đối cực nào sẽ nổi trội lên, giành lấy quyền quán xuyến. Và thế giới nghệ thuật được sáng tạo trong thơ, xét đến cùng, là sự tương sinh, tương khắc của các đối cực ấy. Thế giới thơ ca Xuân Quỳnh là sự tương tranh không ngừng giữa khắc nghiệt và yên lành với những biểu hiện sống động và biến hoá khôn cùng của chúng. Ở đó, trái tim thơ Xuân Quỳnh là cánh chuồn báo bão cứ chao đi chao về, mệt nhoài giữa biến động và yên định, bão tố và bình yên, chiến tranh và hòa bình, thác lũ và êm trôi, tình yêu và cách trở, ra đi và trở lại, chảy trôi phiêu dạt và trụ vững kiên gan, tổ ấm và dòng đời, sóng và bờ, thuyền và biển, nhà ga và con tàu, trời xanh và bom đạn, gió lào và cát trắng, cỏ dại và nắng lửa, thuỷ chung và trắc trở, xuân sắc và tàn phai, ngọn lửa cô đơn và đại ngàn tối sẫm...

    Cõi đời vốn đã đầy cay cực, xáo động, Xuân Quỳnh lại sinh đúng vào những năm tháng không yên, bản thân, ngay từ trứng nước đã đa mang một cõi lòng không yên định, đầy những lo sợ không đâu như một thứ nghiệp dĩ. Thế mà, người đàn bà ấy lại coi hạnh phúc là yên lành và suốt đời cứ cố kiếm tìm, vun trồng, gìn giữ cái yên trong một thế giới đầy nắng nôi dông bão, trong một thời buổi cơ hồ chẳng có chút nào yên. Có phải đó vừa là nguyên uỷ làm nảy sinh quan niệm và ước nguyện của hồn thơ này, lại vừa là thực tại mãi mãi lưu đày đời thơ này?
    2. Anh chờ em cho em vịn bàn tay
    Sinh ra đã chịu đựng nỗi chơ vơ, côi cút, rồi trên mỗi bước đường đời, mặc cảm côi cút cứ truy đuổi sát gót như một thứ bóng đè lên cuộc đời người phụ nữ này. Vì thế, có thể thấy rằng: cuộc đời và thơ Xuân Quỳnh là một nỗ lực vượt thoát nỗi chơ vơ định mệnh đó. Cũng vì thế, luôn thường trực ở hồn thơ này, một khao khát đến khắc khoải: khao khát được gắn bó và chở che. Dĩ nhiên, ở một người bản tính đôn hậu, chuyện ấy là song phương: vừa được gắn bó với đời, vừa được đời gắn bó; vừa che chở người, vừa được người che chở. Đó là nội dung hệ trọng của hạnh phúc theo quan niệm của Xuân Quỳnh. Và đời chị là hành trình kiếm tìm một hạnh phúc như thế. Chị phải trở thành thi sĩ của tình yêu, phải đặt kỳ vọng vào tình yêu, điều ấy dường như là tất yếu. Bởi vì tình yêu là cứu tinh và cũng là cứu cánh của thi sĩ. Lại cũng tất yếu: tình yêu với Xuân Quỳnh, trước nhất, cao nhất và sâu xa nhất, không thể là gì khác hơn một "sự gắn bó giữa hai người xa lạ"- "Rằng tình yêu không thể tách rời - khi đó em là máu thịt anh rồi - nếu cắt đi anh sẽ ngàn lần đau đớn". Chị nghiệm ra bản chất gắn bó máu thịt ấy ở mọi chốn, mọi thứ trong thế giới này, ở cả sóng và bờ, đồi đá ong và cây bạch đàn, con đường và bàn chân, đường ray và con tàu, tình yêu và thơ ca... mà đậm nhất là ở thuyền và biển: "Nếu từ giã thuyền rồi - Biển chỉ còn sóng gió - Nếu phải cách xa anh - Em chỉ còn bão tố"... Thế nghĩa là, còn thiêng liêng hơn cả những thủy chung, những duy nhất, tình yêu với Xuân Quỳnh là niềm khát khao được gắn bó với con người và cõi sống này. Dĩ nhiên, trước tất cả là gắn bó với người thương, người thân.

    "Chất keo" của mối gắn bó đó không có gì khác hơn trái tim và bàn tay. Đây là những hình ảnh trở đi trở lại đầy ám ảnh trong thơ chị. Nó là hiện thân sống động của quan niệm về tình yêu Xuân Quỳnh. Chị đặt niềm tin vào một trái tim thiết thực, biết khước từ mọi biến hoá cao sang hoa mỹ, dẫu có thành vàng, thành mặt trời... Điều ước duy nhất của trái tim kia là: được làm chính nó! Để "làm sống lại những hồng cầu đã chết - biết rút gần khoảng cách của yêu tin", và thiêng liêng hơn là, để gắn bó trở thành vĩnh viễn - "biết yêu anh cả khi chết đi rồi". Còn bàn tay sinh ra là để tuân theo ý nguyện của trái tim đó (Bàn tay em). Trong tình yêu, những nụ hôn ngây ngất, những vòng ôm ghì riết, những ánh nhìn đắm đuối... những cuồng nhiệt hưởng thụ ái tình và tuổi trẻ cứ việc mê hoặc những cây bút thơ tình nào khác. Còn chị, Xuân Quỳnh chỉ chọn cho mình một cử chỉ tay trong tay. Vì sao ư? Đó không hẳn là tình tự, đó là biểu tượng của gắn bó, nương tựa lẫn nhau của cái tôi Xuân Quỳnh với một cái tôi khác để mà vượt qua, để mà trụ vững trong cõi đời đầy bất trắc, đầy những chảy trôi, phiêu dạt sắc sắc không không này:
    - Đường tít tắp không gian như bể
    Anh chờ em cho em vịn bàn tay

    - Bàn tay em trong tay anh xiết chặt
    - Thấy anh về cuống quýt nắm tay nhau
    Cỏ dưới chân gió thổi trên đầu
    Trái tim đập sau lần áo mỏng
    - Tay ấm trong tay - chồi non lại biếc
    - Tay ta nắm lấy tay người
    Dẫu qua trăm suối ngàn đồi cũng qua

  10. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0

    (TIẾP THEO)
    3. Chất thơ từ tổ ấm
    Tôi nhớ, trước câu thơ "Căn phòng con riêng của chúng mình - Nước trong phích hoa trong bình gốm cũ", ai đó đã "cười nụ" xem nó như một thứ thơ "chưa sạch nước cản". Cũng có phần nào ngộ thật! Nước lại chả trong phích, hoa lại chả trong bình! Ấy thế mà chỗ khác người, hơn người của Xuân Quỳnh, xem ra, lại chính là ở đấy! Những câu thơ rất không đâu kia, một người khác khó lòng viết nổi. Nó thuộc về một cảm nhận riêng đối với một chất thơ mà Xuân Quỳnh tỏ ra mẫn cảm và giàu có hơn ai hết: chất thơ từ tổ ấm! Gọn hơn, nó là cảm giác thơ về đời sống thường nhật của Xuân Quỳnh. Nếu định tìm ở các câu thơ như vậy những trau chuốt, hoa mỹ, sẽ vô tình đánh mất đi nhịp rưng rưng không chút mơ hồ của một trái tim đang bao bọc, quấn quýt với mọi đồ vật, thân thuộc đơn sơ thôi, nhưng mà thuộc về cái tổ ấm, thuộc về cái cõi bình yên có thật của mình, của riêng mình! Nhịp đập ấy là âm hưởng, là hơi thở đảm bảo sự sống cho cả những câu thơ rất đỗi... không đâu của thi sĩ này! Nó thuộc về cái tính linh của Xuân Quỳnh. Bởi vì, ai chẳng có tổ ấm, nhưng đã mấy ai phát hiện ra nguồn thơ từ tổ ấm như thế!
    Ai đã đọc thơ Xuân Quỳnh không thể không thấy cứ thấp thoáng ẩn hiện suốt đời thơ của người đàn bà này hình ảnh một mái che với những biến thể khác nhau của nó. Khi là vòm cây, là mái phố, mái nhà, căn phòng, khi là căn hầm, nhà ga, bầu trời xanh... Thậm chí, hình ảnh người yêu qua thi cảm của chị, nếu có gì khác người, thì chính là nó đã được đồng nhất với bầu trời - "Bầu trời xanh hơn cả lúc nằm mơ - Và hạnh phúc trong bàn tay có thật - Chiếc áo mắc trên tường - Màu hoa sau cửa kính - Nồi cơm reo trên ngọn lửa bếp đèn - Anh trở về - Trời xanh của riêng em" (Bầu trời đã trở về)... Đó là những hiện thân khác nhau của cùng một hình hài chung nhất, thiêng liêng nhất: tổ ấm.
    Hiện diện thường trực và phong phú trong cảm thức thơ ca Xuân Quỳnh, tổ ấm là biểu tượng sống động của gắn bó - chở che. Với người khác, yêu có khi chỉ cần được giao cảm với đời, chỉ cần ghì riết lấy sự sống trong vòng tay vồ vập ham hố cuống quýt của mình, dù chỉ trong khoảnh khắc. Còn với Xuân Quỳnh, hạnh phúc yêu đương nhất thiết phải thành hạnh phúc gia đình, phải kết thành tổ ấm. Tổ ấm mới là mối hàn bền chắc gắn kết từng cá nhân nhỏ nhoi riêng lẻ vào nhau và vào với cuộc đời mênh mông vô tận. Tổ ấm là con thuyền thả trên sự trôi chảy để mà chống chọi, vượt qua cái bấp bênh vô định của dòng đời, là chốn yên lành có thật giữa cõi đời đầy khắc nghiệt này.
    Có phải tổ ấm nào cũng là con thuyền chắc chắn trên dòng chảy kia không? Cho dù không, Xuân Quỳnh vẫn khát khao, vẫn đặt vào đó kì vọng của mình. Đó không chỉ là sự lựa chọn của một ý thức. Đó còn là tiếng gọi da diết thường trực từ huyết quản của một thân phận từng chịu bất hạnh vì nỗi mẹ mất sớm, cha đi bước nữa, gia đình bị phá vỡ và cái tổ ấm đầu đời do mình gây dựng cũng bị chia lìa. Đó là ẩn ức, là cơn khát vô hình khôn nguôi của một con chim không tổ. Vì thế, nhìn cuộc đời qua tiêu điểm tổ ấm, đã là cái nhìn rất Xuân Quỳnh. Cứ xem hình ảnh nhà trên mỗi chặng đường thơ Xuân Quỳnh, đủ thấy chị đang viết về chiến tranh hay hoà bình, hiện tại hay tương lại, nhọc nhằn hay sung sướng, khắc nghiệt hay yên lành... Cũng chỉ có Xuân Quỳnh mới lập nên sơ đồ và lịch sử một cõi sống mà nhà mình là trung tâm của thế giới, là kết quả cuối cùng của cuộc tiến hoá trên mặt đất trường cửu này: "Hàng trăm năm đã nên bãi sa bồi - Hàng ngàn năm đã nên làng nên xóm - Hàng vạn năm đã nên thành phố lớn - Qua bao đời thành phố có nhà tôi". Và cũng chỉ có hồn thơ thiết tha với sự sống yên lành bình dị nơi tổ ấm, mới có cảm nhận về hoà bình kì thú thế này :"Cái nôi thôi mắc cửa hầm - trắng tinh cái tã xanh trong bầu trời". Đúng thế, lẽ nào đó không phải là lá cờ đuôi nheo, lá cờ hiệu chân chính và tin cậy nhất của sự sống chúng ta?
    *
    Nếu ngôi nhà là trụ sở của sự sống, thì con cái là trái tim của tổ ấm. Trở thành thi sĩ của tình yêu là một tất yếu, Xuân Quỳnh cũng tất yếu thành nhà thơ viết cho con trẻ. Chị sẽ viết bằng sự bao bọc chở che: "Con thức ban ngày mẹ chở che con - Đêm con mơ mẹ làm sao che chở - Trong giấc mơ chỉ mình con bé nhỏ - Chỉ mình con chống chọi với quân thù". Chị sẽ viết Cổ tích về loài người và giải thích lại về nguồn gốc thế giới mà trong đó, ra đời đầu tiên trên thế gian là lũ trẻ, kế đó mới là cha mẹ, ông bà... tất tật đều sinh sau, và vì lũ trẻ mà sinh ra, chị sẽ viết bằng cái lôgic riêng của tình mẫu tử "Con yêu mẹ bằng con dế" sâu sắc mà ngộ nghĩnh...

    *
    Ấy thế mà cứ y như tự mâu thuẫn, chính con người ấy còn đa mang một khát vọng khác cũng không kém phần ám ảnh: "Nỗi khát vọng những phương trời chưa tới". Tuy không phải máu xê dịch giang hồ, nhưng Xuân Quỳnh cũng đã sáng tạo ra một loạt hình tượng để kí thác vào đó cái khát vọng đi xa của mình. Có thể thấy biết bao thiết tha của thi sĩ đã gửi vào những con đường, biển, sóng, gió, mây... mà đặc biệt là con tàu: "Em khác chi con tàu - chạy về xa tít tắp"... Đến miền đất nào cũng chân thành gắn bó cũng cứ "vơ vào": "Bốn phương đâu cũng quê nhà - Như con tàu với những ga dọc đường". Đến đâu cũng miệt mài gia đình hóa con người, quê hương hoá cảnh vật để mong biến tất cả thành Dải đất thuộc về tôi... Tuy nhiên, mỗi khi cất bước ra đi, cũng lập tức bị lo âu dày vò. Bởi rời tổ ấm cũng là rời "nơi che chở những người thương mến nhất", là dấn thân vào cái bấp bênh, diệu vợi, khắc nghiệt, là phải kiếm tìm gắn bó, chở che. Vì thế, con tàu nhằm phía trước lao đi, còn nỗi nhớ cứ ngược chiều quay lại... Cứ thế, nếu đời người có thể qui vào cái dòng kế tiếp tuần hoàn giữa ra đi và trở lại, thì một phần lớn thơ Xuân Quỳnh đã được viết bằng cái tâm thế bất định "Khát khao đi hồi hộp mỗi khi về" của cánh chuồn mỏng manh và mệt nhoài này. Và tất nhiên, người đàn bà ấy chỉ tìm thấy yên ổn thật sự khi bước chân vào tổ ấm của mình. Nói thơ Xuân Quỳnh nhất quán một nữ tính là vì lẽ đó. Nữ tính ấy luôn dẫn dắt chị đến với chất thơ của tổ ấm như là sự mách bảo bên trong, như sự sắp đặt tự nhiên thành một số phận thơ, một cá tính thơ vậy.
    4. Phấp phỏng và lo âu
    Càng ngày tôi càng tin rằng: nỗi day dứt vào bậc nhất trong suy cảm trữ tình của con người bao đời nay là day dứt về chuyện còn - mất của những gì với mình là quí giá thiêng liêng. Người càng giàu tiên cảm, giàu dự cảm lo âu về mất mát rủi ro, thì day dứt càng ám ảnh hơn, dày vò hơn. Càng hy vọng nắn nót gìn giữ bao nhiêu, càng nơm nớp lo âu bấy nhiêu. Vì thế, trong nhiều hình dung về một thi sĩ, tôi vẫn muốn đinh ninh rằng: một nhà thơ trữ tình từ trong máu là người gắng gỏi đến hao mòn, kiệt sức để cố níu giữ cái mình hằng tôn thờ mà đang có nguy cơ bị tuột mất, bị huỷ diệt. Đó là nhà thơ của cái đẹp lâm nguy.
    Và, lắm khi nhìn một mẹ gà xòe cánh ấp ủ bầy con bé bỏng trong ổ rơm, cái đầu chẳng chịu yên, cứ nghiêng ngó mọi phía, đôi tai và đôi mắt mải lắng những tiếng dữ vọng từ xa đến như bóng diều quạ đang rình rập đâu đây, tôi cứ nghĩ đến Xuân Quỳnh. Bởi cứ thấy đây là hình ảnh của lo âu. Phải, lo âu phải là bản năng, phải là phẩm chất hàng đầu của một người mẹ, lo âu là mẫu tính. Mà Xuân Quỳnh cả lo quá, nó như một thứ "giời đày". Suốt một đời rặt những lo toan: lo bom đạn, lo bão giông, mưa nắng, lo tổ ấm chẳng được yên lành, lo cách trở diệu vợi, lo không được gắn bó, không được chở che, lo mất tình yêu, lo mất tuổi trẻ và nhan sắc... Chả nhẽ, phải khi chẳng còn gì để mất, người đàn bà này mới chấm dứt lo âu?
    Nhưng còn gì kinh khủng hơn, khi một người đàn bà tuyên bố: chẳng còn gì để mất! Không chỉ vì thế tức là đã mất tất, mà còn vì tất cả đã trở nên vô nghĩa, trở nên đê tiện, đểu giả... Thật may, thơ Xuân Quỳnh chưa bao giờ là tiếng lòng của người đàn bà không còn gì để mất. Mọi phá phách, cay nghiệt, mọi bất mãn, bất cần... đều xa lạ với thơ chị. Xuân Quỳnh thực sự là một người đàn bà suốt đời kiếm tìm vun trồng và gìn giữ. Gìn giữ cẩn trọng đến mức nơm nớp, khắc khoải. Từ thời Chồi biếc(1963), khi tiếng thơ vừa mới dậy thì, đầy sôi nổi cũng đầy nông nổi, ngỡ chỉ đắm say và tin tưởng, nào ngờ đã gợn lên rồi cái bóng lo âu. Cứ tưởng lời cả quyết "Nếu phải cách xa anh - Em chỉ còn bão tố" là quá tự tin, ai dè đó chỉ là giọng cả tin của một người cả lo, của một cõi lòng chỉ chợt nghĩ đến bão tố thôi là đã run lên, hoang mang, nơm nớp rồi! Càng về sau lại càng quá! Đến nỗi mọi biến động nhỡn tiền, dù vô tình thôi, hư thoảng thôi cũng khiến chị động lòng: "Vừa thoáng tiếng còi tàu - Lòng đã Nam đã Bắc", "Em lo âu trước xa tắp đường mình - Trái tim đập những điều không thể nói". Ngay như trước một cảnh rất thường: "Cuối trời mây trắng bay - Lá vàng thưa thớt quá", mà câu thơ cứ như một tiếng kêu bất giác rên lên, như một niềm thảng thốt. Là chiếc bóng không thể nắm giữ, cũng không thể lìa bỏ, lo âu cứ phơ phất một điệu hồn ở ngay trong những câu thơ không đâu nhất, hay ấn tượng nhất của thi sĩ này:
    Cát vắng sông đầy cây ngẩn ngơ
    Không gian xao xuyến chuyển sang mùa
    Tên mình ai gọi sau vòm lá
    Lối cũ em về nay đã thu
    Có thể nói, nếu mỗi thi sĩ đích thực bao giờ cũng có một điệu hồn riêng, thì lo âu, đó mới thực là điệu hồn Xuân Quỳnh. Điệu hồn ấy, Xuân Quỳnh đã phổ trọn vẹn vào những tiếng thơ da diết nhất của mình. Nó là phần tinh chất nhất của giọng điệu thơ Xuân Quỳnh. Nó đã ngân lên đây đó ngay từ những tiếng thơ đầu đời, càng về sau càng rõ nét, nổi trội.

    *
    Hóa ra, hạnh phúc của một người đàn bà phụ thuộc rất nhiều vào hai yếu tố: nhan sắc và tình yêu. Kẻ thù truyền đời của họ, vì thế, là sự lạnh nhạt của "đối phương" và của thời gian. Trong mọi điều khắc nghiệt, đây là điều khiến người đàn bà Xuân Quỳnh bận lòng nhất. Tình yêu là sức mạnh chở che, gắn bó, nhưng cũng mỏng manh như cách chuồn báo bão, mỏng mảnh như màu khói, dễ vỡ như một thứ bình pha lê. Và nhan sắc cũng mong manh, cũng bạc vô cùng. Làm sao một người đa mang cái cõi lòng không yên đó chẳng phấp phỏng lo âu cho đặng! Sợ nhất là vì một lý do nào đấy, đôi tay trong tay kia bỗng buông lỏng, bỗng rời nhau ra, mọi dấu hiệu "trở chứng" đều khiến chị hoang mang nghi ngại: "Mùa thu nay sao bão mưa nhiều - Những cửa sổ con tàu chẳng đóng - Dải đồng hoang và đại ngàn tối sẫm - Em lạc loài trước sâu thẳm rừng anh". Đã day dứt về còn - mất, dứt khoát không tránh khỏi sự dày vò của thời gian. Nhưng khi người đàn bà nghe "Những năm tháng đi về trên mái tóc", và kêu lên "Như không hề biết đến tàn phai" thì đó không còn là cảm giác thời gian nữa. Se xót hơn, đó chính là ám ảnh tàn phai. Lo âu về sự lạt phai của ái tình và tàn phai của nhan sắc, có lẽ là nỗi niềm trăn trở nhất, day dứt nhất, khiến thi sĩ phấp phỏng lo âu nhất trong hai tập thơ cuối đời - Tự hát (1984) và Hoa cỏ may (1989). Với nỗi niềm ấy, Xuân Quỳnh là người đàn bà của muôn thuở!

    *
    Điều đáng quý ở con người ấy là càng cả lo, cả nghĩ bao nhiêu, càng gắn bó với con người và cuộc đời bấy nhiêu. Chừng như chị đã thấy trước được rằng đời sống thật khắc nghiệt, bất ổn, số phận con người thật ngắn ngủi, tất cả chỉ là thoáng chốc, tấc gang. Cho nên chị đã lẳng lặng hi sinh để mong đem lại cho người thân, người thương của mình một chút bình yên, một chút ngọt ngào mà mình chắt chiu dành dụm được trong cuộc sống nhọc nhằn này. Với bản tính ấy, làm sao Xuân Qùnh có thể quẳng gánh lo đi mà vui sống được. Những ngày nằm chữa bệnh tim sau tai nạn đổ xe, cả thầy thuốc và người thân đều khuyên chị đừng xúc động lo âu làm gì. Không phải Xuân Quỳnh không biết như thế là có lợi. Và có lẽ chị đã thử đôi lần. Nhưng khốn nỗi, lo âu trở thành cái tôi Xuân Quỳnh mất rồi, làm sao có thể lìa bỏ được cái tính linh trời định đó của mình. Và, phải khi tai hoạ phũ phàng ập xuống quá bất ngờ, người đời mới thấy rằng những dự cảm lo âu suốt một đời người, một đời thơ ấy sao mà linh nghiệm, trớ trêu. Xuân Quỳnh nào có lo xa, lo hão gì đâu!

Chia sẻ trang này