1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Thời Sars, Nguyễn Thu Phương

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi julie06, 07/10/2003.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. julie06

    julie06 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    13/05/2003
    Bài viết:
    937
    Đã được thích:
    0
    Thời Sars, Nguyễn Thu Phương

    Trên nhiều bìa báo ra cùng ngày có đăng tấm ảnh chụp hai người yêu nhau miệng bịt khẩu trang, dòng chú thích giống nhau : ''''Tình yêu thời SARS''''. Hai người rất trẻ nếu dựa vào vóc dáng, vào quần áo họ mặc, vào tóc tai, vào vòng ôm siết của buổi chia tay người này tiễn người kia đi đâu đó. Có tờ báo còn cẩn thận chú thích : ''''ảnh chụp tại Hồng Kông'''', là trung tâm của bệnh dịch đường hô hấp mà cô vừa từ đó trở về. Vài ngày sau, đọc bài viết truy nguyên ngọn nguồn căn bệnh này ở một tờ báo khác, cô được biết ông bác sĩ của Tổ chức Y tế thế giới từng ở tại Metropole trước khi trở về quê hương đã bị chết vì SARS, đúng cái khách sạn trên bán đảo Cửu Long thuộc Hồng Kông mà cô đã ở. Việt cười cười : ''''May cho em đó, mười ngày đã qua mà em vẫn chưa bị SARS. ổn rồi''''.

    Rồi cô bị ho, ho khúc khắc. Chỉ là cảm mạo thông thường. Vì vừa về cô lại đi nữa. Gió núi, gió đồng, gió sông rồi gió biển làm cô viêm họng. Vụ ho làm trở ngại chút đỉnh việc quay quảng cáo. Trong một xen phim quay cảnh cô uống nước ngọt X. trên bãi biển đầy nắng, đầy sóng và cát, đang ngon trớn thì cô vuột ho không đúng lúc. Đạo diễn văng tục nhưng vội xin lỗi, ngọt ngào bảo cô diễn lạị. Chẳng qua ông ta sợ cô ''''rớt tâm lý'''' ? Nhưng sau đó cô ho nữa, ho nữa, ho mãi. Mọi người đành phải nghỉ, đợi cô hết ho quay tiếp. Chắc chắn không phải SARS, nhưng mấy cô phụ diễn vẫn to nhỏ nghi ngờ: ''''Biết đâu được, người ta mới từ Hồng Kông về mà...''''. Show quảng cáo ở Hồng Kông quay ba ngày, cô đi năm ngày về. Năm ngày trong vùng không an toàn, có kết hợp tham quan Vịnh nước cạn, làng chài, công viên Đại dương, đỉnh Victoria... ai tin được cô hoàn toàn khỏe mạnh khi trở về. Trừ Việt. Nhưng mỗi Việt tin thì làm được gì.

    Lòng tin là một thứ khó kiếm hơn tất cả. Nó đòi hỏi cả một quá trình dài lâu. Mất lòng tin trái lại quá dễ , quá nhanh. Khi cô trở về trường để tiếp tục việc học dở dang, thầy chủ nhiệm nhìn cô đăm chiêu, hỏi bao giờ lại bỏ đi nữa. Những lớp diễn viên trong ngôi trường nghệ thuật thời buổi này làm các thầy các cô ngán ngẩm, cứ đứa nào có được tí sắc, tí tài, tí ''''quan hệ tốt'''' thì lịch chạy show đặc kín từ đầu tuần tới cuối tuần. Mà chẳng cứ lớp diễn viên, cả trường đều một kiểu. Đứa nào có chút khả năng đều dễ dàng ''''hô biến''''. Nạn chạy show chẳng khác nào một bệnh dịch lây lan trên diện rộng. Đóng phim, diễn kịch, quay truyền hình, thu quảng cáo vẫn còn sang, thậm chí làm ''''loong toong '''', diễn đúp vai... quần chúng, phụ tấu hài... tụi sinh viên trong trường đều nhận tuốt. Nghề nuôi nghề, nghề dạy nghề rồi cũng nghề phụ nghề, nghề bỏ nghề ... Trong mặt bằng chung, cô hiểu ra mình sáng giá khi cái tên và gương mặt cô được nhắc nhở nhiều và khá thường xuyên trên các báo đài với những thông tin gây dấu ấn. Từ những ''''cú hích'''' đó, giá show của cô cứ lên cao dần.

    SARS cuối cùng cũng ảnh hưởng tới cô trong vòng ba mươi mốt ngày. Không bệnh, nhưng tự cô muốn cách ly với tất cả. Coi như xả hơi. Vì bỏ show, nguyên tháng ba cô hóa ra một sinh viên chăm chỉ. Và lặng lẽ . Sổ điểm danh của cô giám thị bớt đi những vòng khuyên tròn trĩnh ''''Vắng- không phép ''''bên cạnh cái tên ''''triển vọng'''' mà báo, đài thường nhắc. Hơn nữa, cô còn có thời gian để đi chơi với Việt. Anh là điển hình về đức kiên nhẫn. Riêng về phẩm chất này, anh giống thầy chủ nhiệm cô '''' cặm cụi bỏ công quá nhiều cho cái điều tưởng như dã tràng xe cát. Cô nghiệm ra, lòng tin tuy khó kiếm nhưng đôi khi người ta vì thương yêu mà cho đi không điều kiện.

    Qua tháng tư cô dẹp SARS qua một bên. Show quảng cáo dầu gội mất ba ngày, vai diễn thứ trong một phim truyền hình hai tập tốn ba tuần, vai chính trong vở kịch của Đài truyền hình tỉnh L. vừa tập vừa duyệt vừa ghi hình hết tám ngày rưỡi. Việt nhắn tin cho cô : ''''Anh đang làm hồ sơ dự tuyển vào một công ty đa quốc gia với mức lương cao và nhiều quyền lợi''''. Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt đang làm khá ưu ái anh, đã nhận anh vào làm ngay từ khi còn là sinh viên năm tư đại học Quản trị kinh doanh. Nhưng Việt nói nếu có cơ hội để ''''nhảy cóc'''' anh chẳng ngại say goodbye, vì anh biết tính giá chất xám mà mình đang sở hữu. Từ Bà Rịa, giữa hai cảnh quay cô nhắn trả lời: ''''Chúc anh thành công ''''. Thật lòng cô muốn anh thành công, vì cô yêu anh và thường nghĩ về anh như một người đàn ông để lấy làm chồng- trong tương lai gần. Việt nhắn tiếp: ''''Nếu trúng tuyển anh sẽ qua Hồng Kông, làm ở văn phòng đại diện''''. ''''Qua Hồng Kông ngay thời SARS?'''', cô thảng thốt. ''''Không, chắc là khi hết SARS mới qua''''. ''''ơn Trời. Vậy thì tốt''''.

    Thầy chủ nhiệm từng nhận xét với cô, người trẻ thời nay thực dụng quá, cô không cãi. Những buổi đi chơi, Việt thường ước khi lấy nhau mua được một miếng đất, xây một cái nhà nhỏ trong một khu vườn rộng. Cô thích nhà ấy tuy nhỏ nhưng có đủ tiện nghi, vườn rộng thì phải có nhiều thứ cây, hoa, cỏ đẹp xinh, thơm nồng, tươi tốt. Việt nói ở gần sông thì càng hay, chiều chiều ngồi hóng gió nhìn sông, hoặc lái ca-nô chạy vòng vòng, hoặc buông câu đợi cá mắc mồi... Sau đó thì ước mơ được tính ra cụ thể: Miếng đất rộng cỡ đó giá sẽ khoảng bao nhiêu, căn nhà bao nhiêu, tiện nghi đầy đủ bao nhiêu, ở gần sông bao nhiêu, ca-nô bao nhiêu, chòi hóng mát bao nhiêu... Bao nhiêu, bao nhiêu và bao nhiêu. Mơ mộng không thì làm được gì. Phải chịu cày thôi, nếu không thì suốt đời ở nhà thuê, đến căn hộ chung cư cũng chẳng dám rớ.

    Cô trót yêu nghệ thuật, trót đeo mang cái nghiệp diễn viên. Những đàn anh đàn chị ngày xưa khi đã yêu chỉ biết dâng hiến hết mình cho nghệ thuật, họ trách bọn trẻ bây giờ nông nổi quá. Cô thì nghĩ, dù yêu nghề nhưng cũng còn phải sống, phải biết trông lên và ngó xuống. Nghèo - khổ lắm. Năm đầu học ở trường cô xin ba má từ một ngàn gởi xe, bây giờ điện thoại cầm tay cũng phải chạy theo mốt. Biết là phù phiếm, nhưng cô chỉ như hạt phù sa cuốn theo dòng chảy chung, không thể khác. Bàn về cái được và cái mất của nghề, người ta khuyên lơn, nói nhiều những từ đao to búa lớn lẫn ân tình thật dạ. Bọn trẻ nghe, hiểu hết. Nhưng vẫn sống như mình thích. Muôn đời giữa hai thế hệ, người ta khó lòng chia sẻ với nhau.

    Một đời ba má cô sống trong ngõ hẻm, hẻm của hẻm của hẻm- ba lần ''''xuyệc''''. Việt yêu cô hơn nửa năm mới thôi đi lạc mỗi khi tới nhà. Ba cô thích trồng kiểng , trồng hoa nhưng không có một tấc đất, ông mua nhiều chậu về trồng lan, treo lỉnh kỉnh khắp nhà. Về hưu ông còn thích chơi chim, cá kiểng. Nhà ít người nhưng chật, đi ra đụng cá đi vào đụng chim. Má cô suốt ngày quạu quọ. Việt nói, sau này mình có nhà có đất lấy nhau rồi sẽ đón ba má về ở chung. Anh nói trong cơn yêu, trong cơn vui, trong cơn cảm thông sâu sắc với hai người chớm già, cả đời chết chìm trong mơ ước hão, chẳng biết mai sau anh có còn nâng niu lời nói. Gia đình Việt ở ngoài Trung. Ba má anh đông con. Cô chưa một lần về chơi...

    Trong tháng năm cô sẽ có hai show lớn, và vài show nhỏ dạng ''''kiếm ăn''''. Nhưng tháng sáu đã là mùa thi. Cũng lo. Không biết rồi cô có qua ải được không. Nhà trường đã cảnh cáo sẽ cấm thi những sinh viên nghỉ quá nhiều, và đánh lưu ban những sinh viên có điểm thi quá bết. Tháng sáu cô sẽ nhận được một cơ hội, nếu bỏ qua sẽ cả đời hối tiếc- vai chính thứ trong một phim truyền hình năm mươi tám tập. Có thể sẽ quay suốt mùa hè, qua tới đầu năm học mới. Cũng có khi cô sẽ phải xin lưu điểm. Việt nói thà cứ học lại thêm một năm còn hơn kiến thức bị hổng quá nhiều. Nhưng liệu học lại một năm thì có chắc sẽ không hổng không? Hay lại vẫn show, show và show...

    oOo

    Cuối cùng Việt cũng trúng tuyển vào công ty. Đầu tháng tám anh sẽ sang Hồng Kông làm việc trong vòng một năm. Cũng chẳng biết lúc đó SARS đã tìm ra thuốc chữa chưa. Việt hỏi có nên làm một tiệc nhỏ để chia tay với công ty cũ không, cô nói tùy anh. Tùy theo tình cảm, tâm trạng, tùy khi chia tay anh buồn nhiều hay ít. Đúng hôm Việt tổ chức tiệc, buổi sáng vào trường cô nhận được quyết định cảnh cáo của Ban Giám hiệu và phòng Đào tạo, cùng với hàng loạt những sinh viên hay bỏ lớp để chạy show. Cảnh cáo thời SARS. Những dòng chữ trong tờ quyết định đọc lên nghe mệt mỏi, giống một lời răn của mẹ cha với đám con cái biết không ăn muối sẽ ươn nhưng vẫn cứ ngoan cố. Trở về, cô nhét tờ cảnh cáo giữa xấp dày những phong bì đựng tiền cát-xê đã rỗng ruột, cốt cho ba má đừng thấy. Người lớn thường hay lo, nỗi lo mùa SARS.

    Không buồn, không vui, cô soi gương thấy mình già đi nhiều, dù mới chỉ hai năm theo lớp. Hai năm từng trải phong trần. Hai năm bươn trải ngược xuôi lăn lộn. Rất nhiều thứ cảm xúc đã bị chai đi ngay từ lúc chưa kịp gọi tên... Ngẩng đầu nhìn giò phong lan của ba đung đưa nơi cửa sổ đang bắt đầu trổ hoa tím nhẹ, cô hình dung về căn nhà vẫn thường ước mơ chung với Việt. Lạ, cô chỉ thấy hiện ra khuôn mặt mẹ cô, mệt mỏi, thường cau có.

    Chuông điện thoại cầm tay ngân lên thánh thót, số của Y. - một bầu show. ''''Cưng nhận một vai quảng cáo khẩu trang chống SARS, há?'''', giọng Y. trơn tru uốn éo. Bao nhiêu tiền, quay mấy ngày, đi xa hay chỉ trong thành phố... Suýt chút nữa cô đã bật ra một tràng câu hỏi quen thuộc theo quán tính, thay vì phải từ chối. ''''Tít'''', có một tin nhắn chèn ngang cuộc điện đàm, của Việt: ''''Em đến ngay đi nhé''''.

    Bữa tiệc hôm đó có tám khách - tám đồng nghiệp trẻ được xếp loại thân của Việt ở công ty cũ. Tất cả- trừ cô và Việt- đều tới với những chiếc khẩu trang mang hình vẽ hài hước. Hình đôi môi gắn dây kéo, hình hai bàn tay bịt miệng, hình mõm gấu, hình mỏ chuột, hình răng nanh, hình cái lưỡi thè dài, hình mũi tên xuyên chéo, hình răng sún... Hoàn hảo. Vui. Tiệc chia tay thời SARS.

    Tháng 4.2003

    Away.......

Chia sẻ trang này