1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Thời xa vắng - em sẽ cố cảm nhận thật khách quan (*)

Chủ đề trong 'Điện ảnh (MFC)' bởi Thieu_iot, 02/12/2004.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Thieu_iot

    Thieu_iot Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    01/03/2002
    Bài viết:
    2.998
    Đã được thích:
    0
    Thời xa vắng - em sẽ cố cảm nhận thật khách quan (*)

    Bài này em viết cho một forum khác nên đôi chỗ hơi khó hiểu, mong các bác bỏ qua.


    Do một sự tình cờ may mắn, em có được tấm giấy mời xem buổi chiếu mở màn phim Thời xa vắng. Phòng chiếu 1 Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, 20h, em bắt đầu những giờ phút đầy cảm xúc hỗn độn...

    Đầu tiên là háo hức chờ đợi. Bản thân sự thành công của nguyên tác đã như một miếng bánh ngọt hứa hẹn cho phần lớn khán giả trung niên ngồi đây, những người mà gần hai mươi năm trước là lớp bạn đọc đầu tiên của Thời xa vắng - tiểu thuyết. Với những người mà lòng yêu thích không đặt vào trang sách, họ cũng có cái háo hức đợi chờ của riêng mình, cô hoa hậu trong một vai nữ quan trọng (theo lời báo chí).

    Sau đó, khi màn ảnh đã hiện ra những dòng chữ song ngữ Việt - Pháp và âm nhạc, thứ âm nhạc nửa dân gian nửa thính phòng na ná như trong Mê thảo, nổi lên, một cảm giác không vừa lòng rất nhẹ dâng lên. Và trong cả bộ phim, cái cảm giác ấy đôi khi trào ra tận miệng....

    Có thể nói ngay rằng, Thời xa vắng - phim truyện được làm khá công phu. Đoàn làm phim đã đầu tư nhiều công sức vào bối cảnh, hoá trang, phục trang. Phim quay đẹp, không đặc sắc nhưng nhiều khuôn hình lặp đi lặp lại khá nên thơ. Tuy vậy, cái sự đẹp-công phu ấy nó lại nhằm vào một đối tượng người xem hoàn toàn khác với những người đọc sách đến thuộc từng chi tiết hay những người có chút hiểu biết về cái thời xa vắng ngày ấy. Đạo diễn Hồ Quang Minh muốn bộ phim của mình gây ấn tượng với những người nước ngoài coi Việt Nam như xứ mông muội và, như những du khách hiếu kỳ, muốn khám phá những giá trị văn hoá truyền thống của cái xứ sở còn hoang sơ này. Nhưng thật tiếc, theo em, có lẽ HQM đã chọn nhầm tiểu thuyết để chuyển thành phim.
  2. Thieu_iot

    Thieu_iot Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    01/03/2002
    Bài viết:
    2.998
    Đã được thích:
    0
    Thời xa vắng - phim truyện mở ra bằng một cảnh sông nước bình yên, trẻ con chơi trận giả trên triền đê lộng gió. Tiếp đó, một cảnh đội lễ đi xin dâu của một gia đình, chú rể chỉ là đứa trẻ loắt choắt vài phút trước còn dầm nước. Tiếp đó, vẫn triền đê chỉ có cỏ, trời xanh và nắng, đám đón-dâu-chẳng-tưng-bừng quay về, những tà áo mớ ba mớ bảy của những người phụ nữ bay phấp phới. Trong suốt bộ phim, cái triền đê kia cứ trở đi trở lại, gắn bó với cuộc sống của những người dân làng Hạ Vị cũng như của nhân vật chú rể - trẻ con - anh - ông Giang Minh Sài. Người làng Hạ Vị mặc áo tơi vác vồ đi làm thuê trong giá rét tinh mơ xôn xao ở đó. Những lá cờ đỏ trong "đám rước" Đảng Lao động Việt Nam của lũ trẻ con tung bay và quấn quýt vào nhau cũng ở đó. Sài ra đi rồi trở về cũng qua cái rẻo đất cao úa màu đó.
    Những ai kỳ vọng sẽ được thấy lại Hà Nội thời tem phiếu cùng những nhân vật đặc sắc như Châu, Toàn, Giang Minh Thuỳ... tốt nhất không nên đi xem phim, vì Thời xa vắng trong phim chỉ là phần một của Thời xa vắng - tiểu thuyết, thậm chí, cái phần một này cũng không hoàn toàn được tái hiện vì có những cảnh đặc sắc trong truyện như Sài và anh bạn Thêm ở rừng Trường Sơn hay đám ma ông đồ Khang không hề xuất hiện trong phim.
    Như em đã nói phía trên, cái được nhất trong phim là sự kỹ càng trong bối cảnh, đạo cụ (đạo cụ nghĩa bình thường, không phải đạo cụ kiểu các cá sấu). Những người đàn bà nhà quê răng đen tóc vấn. Những chiếc áo tơi ướt và hơi rách nát. Những đứa trẻ nhà quê cưỡi trâu đuổi theo xe đạp chở chiếc đài léo nhéo. Ngôi nhà của gia đình Sài với phên tre và những cánh cửa gỗ chạm mai lan cúc trúc sau cơn lũ rút còn nguyên vệt bùn đất phù sa... Dường như cái khung cảnh của đồng quê Bắc Bộ với luỹ tre, những thửa ruộng xanh mướt uốn lượn êm đềm không mấy phù hợp với câu chuyện anh Sài thập kỷ 60 vốn trớ trêu và thảm hại: bị gia đình ép cưới vợ từ bé, lớn lên yêu một người khác nhưng bị làng xã thúc bách đến nỗi phải bỏ đi bộ đội, bị đồng đội tố giác có tư tưởng ********* chỉ vì sáng tác nhật ký tình yêu, bị cái gọi là tổ chức bắt "yêu" vợ để được xét cảm tình, "yêu" vợ xong có con rồi lại không được vào Đảng nữa vì gia đình nhà vợ có nợ máu... So với những gì mà nhân vật phải trải qua, với thời đại mà nhân vật đang sống, khung cảnh quê kiểng cổ kính cùng với tiếng đàn sáo véo von nhạc điệu của những ngày hội làng kia bỗng nhiên trở nên nhạt nhẽo và có phần vô duyên.
    Nhưng cái sự vô duyên ấy còn khả dĩ có thể chấp nhận được, nhất là khi ta biết đối tượng khán giả mà những nhà làm phim ở đây nhắm đến (chứ không lẽ lại mang cái xây dựng xã hội chủ nghĩa chán ngắt và ngây ngô diễn ra ở miền Bắc trong thời điểm ấy đi cho Tây xem?!) Đến phần diễn viên thì mới gọi là nhiều thứ để bàn.
  3. Thieu_iot

    Thieu_iot Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    01/03/2002
    Bài viết:
    2.998
    Đã được thích:
    0
    Khoan nói đến người đóng vai nam chính và cô hoa hậu, ta điểm qua một số vai phụ. Hình như bao công lao tìm diễn viên đã đổ vào cho vai chính nên những diễn viên thứ còn lại không mấy người đặc sắc. Những gương mặt quen thuộc đến mức chán ngấy trên truyền hình và cả trong những bộ phim điện ảnh khác xuất hiện với diễn xuất không có gì sáng tạo vốn đã được định hình đóng khung. Ông đồ Khang, bà đồ, anh Tính, chị Tính, chú Hà, chính uỷ Mạnh... những nhân vật khó quên trong tiểu thuyết đều được tái hiện bởi những người thợ diễn thạo việc. Tròn vai, không thể chê trách nhưng cũng không để lại ấn tượng gì để mà nhớ hay tán thưởng. Nghĩ mà thấy buồn cho những người không đọc truyện!
    Trong Thời xa vắng - phim truyện có một nhân vật được sáng tác thêm cho những đêm Sài trốn ngủ với vợ bớt phần trống trải, đó là ông lão ở bến sông. Một diễn viên có bộ râu dài bạc trắng như ông Ănghen trong bóng tối thủ thỉ với Sài bé những câu chuyện về anh cá nheo chị cá mè múa xoè dưới cánh bèo theo kiểu Tô Hoài. Không biết những người chuyên môn sẽ nghĩ sao chứ em thấy nhân vật này vừa nhàm vừa vô duyên. Hình tượng ông lão lang thang cơ nhỡ trên sông nước ở Mùa hè chiều thẳng đứng hay Chim phóng sinh hay một bộ phim nhàn nhạt trên truyền hình nào đó có thể là hay, nhưng phim nào cũng để ông ta du thủ du thực như thế thì kể ra các nhà làm phim VN cũng bất nhân thật! Và ở phim này, ông ta lại còn tạo nên một sự phi lý khó chịu (ông là ai, theo địch hay theo ta, tại sao tất cả vào hợp tác xã trăm phần trăm rồi mà ông vẫn neo đậu bến sông, nếu có ông để Sài tìm đến những lúc buồn bã cô đơn thì tại sao Sài không nhận được lời khuyên nào từ ông để thoát khỏi sự bế tắc ngu xuẩn của mình?)
    Rồi, bây giờ ta hãy nói đến nhân vật làm cho Thời xa vắng - phim truyện được chú ý nhất gần đây: Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền. Cũng như những nhân vật khác trong phim, Hương hiện lên nhàn nhạt, chẳng rõ tính cách cũng như nội tâm bằng trong sách nhưng phải nói là hoa hậu đã diễn tốt so ngang ngửa với những thợ diễn chuyên nghiệp. Cảnh mà em tưởng là anh Sài mí lị chị Hương đến nơi rồi, cái sự chủ động dãn dĩ e ấp của cô gái trong cách nói chuyện được Nguyễn Thị Huyền thể hiện đạt. Riêng cái đoạn mí lị thật sự như trong truyện thì không có, chỉ thấy tua nhanh cái rẹt một phát, Sài và Hương ôm nhau đổ xuống sàn rồi vùng dậy luôn vì phát hiện có người vừa bơi thuyền tới nhìn. Nghĩa là, *********, bọn làm phim đã rút gọn một đêm ôm hôn "tượng phật" ngon lành của Sài và một đoạn thưởng thức đầy hương vị kích thích của chúng ta thành một cảnh ước lệ dớ dẩn như trên sân khấu kịch nói Nhà hát Tuổi T rẻ! (Em đồ là cảnh quay đã được thực hiện chi li cặn kẽ nhưng sau khi Nguyễn Thị Huyền trở thành hoa hậu thì... tèn tén tèn ten :D)
    Chuyển qua nhân vật Sài thì mới gọi là cực kỳ lâm li không bút nào tả xiết. Trái với vẻ hơi láu lỉnh quá của Sài bé, Sài lớn đẹp trai kiểu ngô ngố, khá hợp với nhân vật trong truyện. Nếu như ai đó vì bài viết này của em mà không muốn đi xem phim nữa thì em khuyên là vẫn nên mua vé đi... nghe Sài nói. Vì bài viết của em không thể diễn tả được cái chất giọng zai dậy thì từ đầu đến cuối của Sài, nó hổn hển khàn khàn éo éo cứng cứng và đờ đẫn (may mà không ngọng nghịu, anh chàng phải tập nói tiếng Việt cho thật "sõi" rồi mới dám nhận vai diễn, chắc thế). Để dễ liên tưởng, ta hãy nghĩ rằng Sài nói giọng của một cô Trần Nữ Yên Khê bị viêm thanh quản mãn tính! Với chất giọng như vậy cộng với cách diễn còn lúng túng của một diễn viên tay ngang, vai Sài hiện lên khá thảm hại và cực kỳ hài hước. Chẳng biết Lê Lựu sẽ nghĩ gì...
  4. Thieu_iot

    Thieu_iot Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    01/03/2002
    Bài viết:
    2.998
    Đã được thích:
    0
    Thời xa vắng - phim truyện có một cái kết khá hay, hơi hẫng nhưng hợp lý cho một bộ phim chỉ làm theo tiểu thuyết nửa chừng. Kết cục rất nhân văn dành cho nhân vật Tuyết, người vợ bị ghẻ lạnh của Sài, nhân vật mà Lê Lựu đã rất hắt hủi và khắc nghiệt khi miêu tả. Trong phim, nhân vật Tuyết có lẽ là diễn viên dành được nhiều cảm tình nhất của em. Một phần vì diễn viên đẹp, một nét đẹp cam chịu và khoẻ mạnh, hơi giống với nhân vật cô Cam trong Mê thảo, phần vì kịch bản phim cho nhân vật Tuyết nhiều đất diễn. Cảnh quay Tuyết bừng tỉnh khi trời mờ sáng trở mình ngó xuống đất định gọi "anh Sài đi học", bắt gặp một tấm thân trần trai tráng của người chồng trên danh nghĩa, bàn tay cô ve vuốt nửa mê mẩn nửa sợ sệt trong căn buồng tranh tối tranh sáng... một cảnh rất đẹp. Ở đoạn Tuyết đến đơn vị thăm chồng, diễn viên nữ trong vai Tuyết (em quên để ý tên) cũng diễn thành công cái điệu bộ te tái luộm thuộm của nguyên mẫu. Kết phim, trong đám cưới con gái chung của hai người (trong truyện là con trai), Sài bấm con gọi mẹ đứng chung để chụp ảnh, vẻ mặt tội nghiệp vừa khóc vừa cười của Tuyết làm em mủi lòng ra phết (dạo này em vừa sến vừa nhân hậu, nhở!)
    Ngoài Tuyết, có một số diễn viên vai nữ phụ cũng rất sáng khuôn hình. Đóng vai một người bạn gái làm nền cho Hương là một em gái mặt hơi vuông, mắt sáng và môi mọng, trông rất cá tính. Vai con gái của Sài tuy ngắn nhưng trông rất tươi mát, sinh động (em này thì em nhớ tên, Nguyễn Thanh Thuỷ).
    Nói tóm lại, nếu các bé muốn xem một bộ phim cảnh trí đẹp, nội dung nhàn nhạt, có nhiều tình huống hài hước (dù không cố ý), diễn viên nữ ngon, diễn viên nam sáng sủa, âm nhạc nỉ non nhẹ nhàng và âm thanh ù ù cạc cạc, hãy mua vé xem Thời xa vắng. Và nếu bé nào lỡ đọc tiểu thuyết cùng tên trước đó rồi thì hãy cố mà quên, quên càng nhiều càng đỡ thất vọng.
  5. le_nam69

    le_nam69 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/08/2004
    Bài viết:
    26
    Đã được thích:
    0
    May quá, em cũng vô tình được coi phim này, coi những hai lần. Hôm đi xem, có một cô diễn viên nổi tiếng (ít ra cô í cũng đoạt giải diễn viên xuất sắc) đi xem cùng. khi đi về, ngang qua chỗ cô í nói chuyện với anh bạn trai cô í, tớ nghe cô í bảo "phim dở ẹc". Nên em cũng nghĩ, cô í đoạt giải DV nên chắc cô í đúng.
    Khi xem phim, em đoán ngay rằng phim này mà chiếu lắm bác nhảy vào chửi. Nếu nhưng bọn phim gái nhiều bác chửi để tỏ vẻ đạo đức hơn người thì bọn phim việt kiều sẽ bị nhiều bác chửi để tỏ vẻ trí tuệ hơn người.
    Đầu tiên là phim dựa theo truyện. May quá, trước giờ em vốn là thằng mê xem hơn mê đọc. trí tuệ non kém nên khi xem phim, em chả màng đến chuyện phim với truyện có cái gì giống nhau. Phim là phim, mà truyện là truyện. nếu mà muốn phim giống truyện, bắt phải đọc truyện rồi xem phim mới hiểu thì nên bán sách trước cửa rạp.
    Em chửa đọc Thời xa vắng của Lê Lựu. Em đi xem phim với tinh thần học hỏi, chả biết mình sắp được xem gì. Xem xong, em thở phào vì sướng tê người. Vì phim có nhạc hay, quay đẹp, diễn viên đóng tốt, đạo diễn kỹ càng có tâm huyết và trên hết, em thấy phim có không khí, có cảm xúc.
    Chẳng hạn những lúc cần cười, em cười khanh khách. Cười màn vỗ tay, cười màn các bác tuyên truyền chống nạn đói bằng cách kêu gọi bà con ngừng sản xuất, cười cái lòng tốt của các anh em trên đơn vị của Sài, cười sự nghi ngờ "bệnh tâm thần nó lây". Em xúc động, xúc động thấy cô Tuyết (báo cáo với bác Thieu_iot, cô ấy tên phương Dung, bác rảnh rỗi tìm xem ba phim trước của bác Hồ Quang Minh là Con thú tật nguyền, Bụi hồng, trang giấy trắng để xem cô Dung đóng, cô ấy là vợ bác Minh - xin cho em buôn chuyện tí, chẳng là bác Minh cứ quyết cho cô Dung đóng, lắm người dèm pha, nhưng rõ là xem xong, nghĩ hoài chẳng biết ai đóng vai Tuyết hay như cô ấy cả).
    Nhưng xem xong, em cứ ngờ ngợ. Một là các bác miền Bắc lúc nào cũng bảo, đám đạo diễn miền nam chẳng hiểu quái gì về miền Bắc mà cứ xông vào! Ví như Mê thảo cô Việt Linh cũng bao phen kinh hoàng xem bác Phạm Xuân Nguyên - tằng Phát phê bình xa xả trên talawas (ôi trời, sau này em có đọc bài viết về Mùa len trâu của bác Nguyên trên báo TN, em buồn quá vì sao bác ấy viết chán thế, phim hay mười mà bác ấy chỉ đứng ngoài khen cái lớp mạ vàng, còn cái lõi đồng đen bác ấy không nhắc tới). Nên em đồ rằng, Thời Xa vắng cũng chịu cảnh tang thương như thế. Mà có phải chưa đâu, ngay trên báo TT đã có bài viết phán rằng, HQm không hiểu gì về miền bắc!
    Em xem các phim các bác miền bắc tham dự LHP VN 14, bao gồm Ký ức điện biên, vua bãi rác, của rơi, trò đùa thiên lôi, hàng xóm, cái tát sau cánh gà và một số phim khác em không nhớ nữa. em thấy hiện lên trong mắt em, miền bắc là xứ của những người trí thức ngờ nghệch ngô nghê và đám công chức điêu ngoa xảo trá nhưng cũng ngu không kém. kẻ có trí thì ngờ nghệch, kẻ ngu thì láu cá, tranh giành quyền lực bằng hnững thủ đoạn vớ vẩn, tiểu nhân và hèn mọn, nhưng lại toàn ba trò con nít mà hồi em học lớp 6 em đã nghĩ tới (em nghĩ chứ em chưa làm ạ). Phải chăng phải thế thì mới là miền Bắc thật sự?
    Một trong những điều khiếh em không thể quên sau khi xem là gịng của anh Sài. Ôi trời, các bác làm phim Vn mà xem thì phải nói là chửi váng cả lên. lần trước xem gái dài, em thấy bao người chửi thậm tệ cái ***g tiếng của bọn diễn viênt rong phim vì dám theo chủ nghĩa tự nhiên, ngoài đời thế nào lên phim thế đó, không tròn vành rõ chữ. kinh thật, xem phim miền nam thì tất mấy giọng của một số anh em quen, miền bắc là một số giọng chị em quen, xem phim nào cũng giọng ấy cả. em vốn mê nghe giọng thật của người khác, có dở cũng là cá tính của họ. Nên nghe anh Sài cất giọng lên, em sững cả người.
    Bác thieu_iot so sánh giọng em trần nữ yên khê với anh này thì tội quá. giọng em Khê là giọng viêt kềiu lơ lớ, giọng anh Quân (tức anh đóng vai Sài) là giọng người bị vỡ giọng mà ra. Giọng Sài nghe đặc trưng. Nó ấn tượng và không ai có thể thế được. Có những đoạn anh ta nói không hở môi, miệng chưa mở thì hơi đã tràn, kin kít. nghe giọng anh ta mà thấy cả cuộc đời anh ta chứa trong đó.
    cái cảnh anh Sài với em Huyền, bác thieu_iot nghĩ là bị censor vì em huyền thành hoa hậu thì tội quá. phim làm xong, in tráng xong, chiếu thử từ hồi tháng 7 -8, thì làm sao mà cắt cúp gì nữa? Nghe đâu anh Quân dát gái, đóng cảnh ấy không dám nắm cả tay em huyền... trên phim thế nào, ngoài đời thế đấy.
    Phim này, em chấm khá hơn Mê Thảo. trong số 4 phim việt Kiều làm năm nay em nghĩ là sẽ chiếu, gồm Mê thảo (chiếu rồi), Thời Xa vắng (sắp chiếu), Mùa len trâu (không biết khi nào), Hạt mưa rơi bao lâu (thua luôn, sao mà biết khi nào chiếu), em chấm Mê Thảo hạng cuối. ba phim kia, may lắm em xem hết, thì phải nói là quay phim cả ba đều đẹp, nhưng Mùa len trâu đậm chất điện ảnh, ấn tượng mạnh mẽ nhất (đến giớ em vẫn rợn cả người khi nhớ những cảnh nước người chết rữa tan vào biển nước), thời xa vắng đẹp kiểu nhiếp ảnh, hạt mưa rơi bao lâu như hội hoạ. về diễn xuất, đều là diễn viên không chuyên cả nhưng xem tình hình chung là tốt cả, (riêng em Trương Ngọc ánh trong HMRBL thì chưa xem em thấy nghi ngờ em này vô cùng vì xem bao phim em này đều thấy em đóng tệ. may quá, em này đóng cũng được). cách kể chuyện thì Hạt Mưa lạ nhất, Thời xa vắng và mùa len trâu thì kiểu phim châu Âu, cuộc đời con người quăng ra và ta đi theo cho đến khi nào đạo diễn thích cho dừng thì dừng!
    quay lại chuyện thời xa vắng. Em thấy rằng phim chuyển thể từ truyện, để yên cho cuốn truyện, cứ đi xem phim đi vậy. Khi nào đạo diễn bảo rằng "làm phim minh hoạ truyện" mà làm sai, khi ấy hẳn mắng là làm sai với truệyn. còn thời xa vắng, phim ngắn tí, bắt kể cả chuyện sau này thì e là HQm phải làm thành lord of the rings, làm liên tù tì ba tập cắt ra mong mới chuyển hết! mà có bác nào chịu đi xem để làm cho dài không nhỉ?
  6. Thieu_iot

    Thieu_iot Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    01/03/2002
    Bài viết:
    2.998
    Đã được thích:
    0
    Bác ơi, anh Sài anh ý vỡ giọng từ lúc thanh niên đi bộ đội đến tận khi tóc bạc về quê làm đám cưới cho con gái ạ? Vỡ thế chắc tan tành hết nhờ bác nhờ Bác nói bác chưa đọc tiểu thuyết nên em cũng chả tranh luận với bác. Em chỉ kéo áo bác nhắc nhỏ nhỏ là bác viết gì cũng đừng nên nhằm vào cái kiểu phân biệt Nam - Bắc. Cùng nước Việt, người Việt cả, không phải vì hơn nhau vài mươi năm ôm Mẽo ôm Tây mà đã tiến hoá hơn đâu!
    Được Thieu_iot sửa chữa / chuyển vào 15:40 ngày 03/12/2004
  7. le_nam69

    le_nam69 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/08/2004
    Bài viết:
    26
    Đã được thích:
    0
    Vỡ giọng có phải là vỡ giọng dậy thì đâu mà hết tuổi dậy thì thì hết vỡ bác nhễ? trên đời có người có giọng thế thi biết là có giọng thế thôi, nghe giọng ấy không lẫn vào đâu được.
    em cũng chả thèm phân biệt Bắc Nam làm gì bác ạ, nhưng sau cái LHp Vn thì em nhận ra phim người Sài gòn làm có hay đến thế nào thì cũng chỉ ngóc mỏ lên đứng nhìn các anh chị hà Nội lên nhận giải. Em kinh nhất anh Long trong gái mộng chạy lẹt đẹt mà lại được giải, em hãi cái Của rơi, thế mà nó cũng đoạt giải. Thôi thì em cũng mừng là Thời xa vắng và Mê Thảo không có gì (á, MT được giải nữ phụ), nhưng ít ra không đứng cùng với mấy sen vàng sen bạc là mừng lắm rồi hê hê. Mà ai ôm mẽo ôm tây mà tiến hoá nhễ? bác cứ nói, lắm người lén qua tận mẽo tận tây ôm đấy chứ. con em các bác nào đấy sang tận ấy ôm, chứ có phải ngồi nhà chờ chúng đến ôm bác nhễ. thời thế nay đã khác!
  8. pinksubmarine

    pinksubmarine Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    18/06/2004
    Bài viết:
    212
    Đã được thích:
    0
    Nghe nói là sen vàng, Gái Mộng, và sen bạc, Gái Dài, sẽ được đem chiếu tiêu biểu cho điện ảnh xuất sắc nhất của Việt Nam ở LHP Berlin không biết có đúng không?
  9. phuongcobain81

    phuongcobain81 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    17/09/2003
    Bài viết:
    606
    Đã được thích:
    0
    Cảm nhận của một người chưa đọc tiểu thuyết của Lê Lựu mà đi xem phim.
    Nếu tôi xem phim này trong năm 2004 thì tôi sẽ chọn nó là một trong 10 bộ phim đáng xem nhất của năm qua. Tôi đứng trên phương diện của một người chưa hề được xem qua một dòng nào của cuốn tiểu thuyết nổi đình đám một thời này. Nói là tuyệt cũng không quá lời.
    Như nhiều người biết, phim được in tráng Pháp nên hình ảnh khác hẳn. Cũng một bối cảnh đồng lúa được quay khá đẹp trong cảnh cuối của phim Hà Nội 12 ngày đêm, nhưng so sánh sẽ thấy khác nhau một trời một vực. In tráng ở nước ta sao mà tồi thế. Các cảnh quay trong Thời Xa Vắng được chăm chút tỉ mỉ, bối cảnh cũng vậy. Những lúc nước lên cũng như nước xuống, khung cảnh của các làng ngoài đề chân thật đến không ngờ.
    Có lẽ những khán giả trước khi xem phim này đã quá mong chờ, và đã ăn nhập vào tiểu thuyết quá nhiều nên những gì trên màn ảnh cũng không thể đáp ứng hết được. Trước khi bắt tay vào làm Thời Xa Văng, thì tiểu thuyết cũng không bị cắt bỏ nhiều trường đoạn như vậy, nó được chia là hai tập. Sau đó 2 kịch bản đã được ghép lại với nhau tạo thành một Thời Xa Vắng bây giờ. Tôi thấy cái kết rất được, tròn trịa như lời đạo diễn nói. Cái kết không được đẩy lên một cách bi kịch hoan toàn. Đối với một người chưa được xem qua tiển thuyết, thì tôi thích cái kết này.
    Dàn diễn viên trong khúc cuối diễn cực đạt. Từ cách hoá trang, từng động tác của nhân vật, cho đến cái cao trào được đẩy lên khi nhân vật Tuyết vừa cười vừa mếu ngẩng đầu lên chụp ảnh ... tất cả tái hiện một cách sinh động những người dân miền Băc những năm bao cấp.
    Nhân vật Sài không biết trong tiểu thuyết có được miêu tả cóp giọng nói như thế nào, nhưng trên phim giọng nói của anh là một nét hay, nó làm cho nhân vật Sài có thêm một nét đặc trưng khó quên. Không hiểu mọi người nghĩ thế nào, nhưng nếu một phim quá bi như Thơi Xa Vắng nên có thêm những tiếng cuời nhẹ nhàng như vậy nữa. Tui ngồi xem trong rạp, mọi người đều cười khi Sài nói. Tiếng cười ở đây không phải là chê trách đạo diễn, không phải là phê bình tác phẩm, mà tiếng cuời ở đây mang một sắc thái cảm thông, đồng tình và cảm mến nhân vật. Có lẽ quá khắt khe khi bác thiếu i ốt chê bộ phim, vì ngồi ngay đằng sau tôi là cả chục vị đã đứng tuổi (50 60 tuổi). những người đã trải qua nhưng năm tháng trên phim, những người đã từng đọc tiểu thuyết của Lê Lựu thuộc lòng. Trước khi chiếu, họ ngôi bàn tán rôm rả về tiểu thuyết, sau buổi chiếu hai bác khó tình ngồi sau thốt lên 2 chữ, chỉ 2 chữ thôi: Được đấy. Đấy là đánh giá rất khách quan của những người đi trước, những khán giả đã đọc tiểu thuyết trước khi xem phim.
    Tuy nhiên có một số đoạn, phim bị xước nhằng nhịt. Và nhiều đoạn chuyển cảnh quá bất ngờ gây khó hiểu cho ngươi xem.
    Tiếc rằng phim có mỗi một bản nên chỉ được chiếu ở TTCPQG.
    Được phuongcobain81 sửa chữa / chuyển vào 17:15 ngày 03/01/2005

Chia sẻ trang này