1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Thông báo về cuộc họp mặt cựu học sinh trường Albert Sarraut.

Chủ đề trong 'Pháp (Club de Francais)' bởi ngogialinh, 22/12/2010.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. ngogialinh

    ngogialinh Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    26/05/2007
    Bài viết:
    1.113
    Đã được thích:
    8
    Thân gửi các bạn hữu cựu học sinh Lycée Albert Sarraut
    Ban Liên lạc CLB Cựu học sinh Lycée Albert Saraut đã làm việc với trường Trung học phổ thông Trần Phú Hoàn Kiếm (8 Hai Bà Trưng Hà Nội) và đã được Hiệu trưởng của trường đồng ý tạo điều kiện về địa điểm cho buổi gặp mặt toàn thể Cựu học sinh LAS và ra mắt CLB vào ngày Chủ Nhật, 9/1/2011.
    Chúng tôi xin gửi các bạn :
    1. Quyết định thành lập CLB Cựu học sinh Lycée Albert Sarraut
    2. Quy chế của CLB
    3. Mẫu phiếu đăng ký.
    4. Giấy mời dự buổi gặp mặt ngày 9/1/2011.
    Nội dung này mới chỉ được gửi cho các địa chỉ mà chúng tôi biết. Rất mong các bạn chuyển thêm và thông báo cho các bạn khác. Bạn cũng có thể cho chúng tôi địa chỉ e-mail của các bạn cùng học khác.
    Buổi gặp mặt bắt đầu từ 8h30 và kết thúc vào khoảng 11h. Sau đó các khối lớp có thể gặp mặt riêng.
    Để tạo điều kiện về tài chính cho buổi gặp măt cũng như các hoạt động khác của CLB, chúng tôi mong các bạn đóng góp mỗi người 50.000 đồng. Chúng tôi cũng rất hoan nghênh các bạn tài trợ cho CLB. Vừa qua, chúng tôi được biết có nhiều bạn đã ủng hộ thêm như : bạn Nguyễn Thị Bảo Châu (1.000.000 đ), Vũ Đại Dương (1.000.000 đ), Nguyễn Nguyệt Minh (1.000.000đ). Đỗ Hữu Điển 1.000.000đ) ...

    Hẹn gặp các bạn vào ngày 9/1/2011.
    CLB cũng xin chúc mừng mọi sự tốt lành đến với bạn và gia đình nhân ngày Năm mới và ngày Giáng sinh.
    Joyeux Noel - Bonne Année.

    Đỗ Hữu Điển

    Tél. fixe : 04 3995 6640
    Portable : 090 436 6462

    Đề nghị các bạn gửi cho anh Điển địa chỉ e-mail của mình để anh Điển chuyển cho các bạn 4 nội dung nói trên.
  2. ngogialinh

    ngogialinh Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    26/05/2007
    Bài viết:
    1.113
    Đã được thích:
    8
    Sơ lược vài nét về trường Lycee Albert Sarraut dưới chính thể Việt Nam dân chủ cộng hòa

    TRƯỜNG ALBERT SARRAUT
    DƯỚI CHÍNH THỂ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ​

    (1955-1965)


    Trước năm 1945, Lycée Albert Sarraut là trường trung học đầu tiên được mở ở Đông Dương vào năm 1912. Lúc đầu có tên là Collège Paul Bert và đến năm 1918 được nâng từ collège (như Trung học cơ sở) lên lycée (Trung học phổ thông) thành Trường Trung học Hà Nội (Lycée de Hanoi). Sau khi xây dựng trụ sở mới tại Rue Honoré de Tissot (nay là phố Hoàng Văn Thụ), theo nghị định ngày 24/7/1923 của Toàn quyền Đông Dương Baudoin, trường mang tên Albert Sarraut, viên Toàn quyền Đông Dương những năm 11/1911 – 01/1914 và 01/1917 – 05/1919 và lúc này là Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp. Trường được coi như tương đương với các trường trung học lớn ở Pháp. Tuy vây, số lượng học sinh tốt nghiệp (tú tài) hàng năm không nhiều : năm học 1919-1920 có 14, 1920-1921: 25, 1921-1922: 30, 1922-1923: 37, 1923-1924: 42... Học sinh của trường chủ yếu là con em người Pháp và người châu Âu ở Đông Dương. Trường cũng có học sinh là người Đông Dương, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản. Nhiều nhà lãnh đạo, nhà khoa học, nhà văn Việt Nam đã học tại đây. Trước năm 1945, nhiều học sinh Việt Nam là học sinh của Trường đã đạt được giải thưởng cao trong các kỳ thi học sinh giỏi của các trường Trung học ở Pháp và thuộc địa Pháp như Đặng Phúc Thông (về toán năm 1924), Phạm Huy Thông (về triết học năm 1934), Trần Đức Thảo (về triết học năm 1935). Vào năm 1954, trường có khoảng 2400 học sinh cả tiểu học và trung học.

    *​


    Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết ngày 20/7/1954, chính quyền và quân đội Pháp rút về phía nam vĩ tuyến 17, Chính phủ Việt Nam DCCH về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Thực hiện thư trao đổi ngày 21/7/1954 giữa Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng, Trưởng đoàn Việt Nam DCCH tại Hội nghị Genevơ với Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Pierre Mendès-France, Trưởng đoàn Cộng hoà Pháp tại Hội nghị Genevơ về các mối quan hệ kinh tế và văn hoá giữa hai chính phủ, trong giai đoạn này một số văn bản đã được ký kết giữa Việt Nam DCCH và CH Pháp về ngoại giao, kinh tế, khoa học, y tế và văn hoá, trong đó có Thoả thuận về văn hoá ký ngày 7/4/1955. Thoả thuận này nhằm “tạo điều kiện hiểu biết lẫn nhau và trao đổi văn hóa giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Pháp” và đã được thông qua bằng nghị định thư ngày 23/7/1955. Theo thoả thuận này, Trường Trung học Albert Sarraut được tiếp tục mở tại Hà Nội trong thời hạn 10 năm, từ 1955 đến 1965.
    Theo thoả thuận, trường Albert Sarraut không do Chính phủ Pháp kiểm soát nữa mà là một trường tư thục do tổ chức Lương hội Pháp (Mission Laïque Française), một tổ chức nhằm truyền bá tiếng Pháp và văn hoá Pháp bằng việc mở các trường học ở nước ngoài, chịu trách nhiệm. Học sinh học tại trường không phải đóng học phí. Vào giai đoạn này, hệ giáo dục phổ thông của miền Bắc Việt Nam được thực hiện trong 10 năm học (lớp vỡ lòng, tương đương với lớp 1 hiện nay, nằm ngoài hệ thống trường phổ thông). Trường có đủ 3 cấp : cấp 1 từ lớp 1- lớp 4 (tiểu học), cấp 2 từ lớp 5-7 (trung học cơ sở) và cấp 3 từ lớp 8-10 (trung học phổ thông). Nội dung các môn học theo chương trình của Nha Giáo dục phổ thông và sách giáo khoa do Bộ Giáo dục xuất bản. Chỉ có một số điểm khác của Trường Albert Sarraut so với trường khác là : tiếng Pháp là môn học ngoại ngữ chính tại trường do giáo viên người Pháp dạy và được học ngay từ cấp 1. Mỗi tuần học khoảng 5-6 giờ ở cả cấp 1, 2 và 3 (trong đó tại các trường khác tại Hà Nội, học sinh học tiếng Nga hoặc tiếng Trung 3-4 giờ 1 tuần và chỉ học ở cấp 2 và 3). Một số con em cán bộ đại sứ quán các nước xã hội chủ nghĩa tại Hà Nội lúc đó cũng theo học giờ tiếng Pháp tại trường. Ngoài ra tiếng Pháp còn được dùng trong một số môn học khác ở cấp 2 và 3, ví dụ như môn toán học 6 giờ một tuần (tuy nhiên, từ năm học 1960-1961, môn toán được học hoàn toàn bằng tiếng Việt). Trường có các phòng thí nghiệm lý, hoá được trang bị các dụng cụ tương đối đầy đủ cho học sinh. Cũng như các trường khác, ngoài các môn học trên lớp, trường tổ chức cho học sinh lao động, thâm nhập thực tế. Hàng năm, học sinh các lớp cấp 2, 3 xuống Hợp tác xã nông nghiệp Sài Đồng, huyện Gia Lâm (nay là phường thuộc quận Long Biên) nơi kết nghĩa với trường để gặt lúa giúp nông dân trong khoảng 5-7 ngày. Đầu những năm 1960, bên Pháp đã trang bị cho trường một xưởng mộc với các thiết bị tương đối hiện đại thời đó để học sinh thực tập.

    [​IMG]

    Trụ sở 8 Hai Bà Trưng

    Ngay từ năm học đầu 1955-1956, trường được chuyển về trụ sở của trường Collège Paul Bert (số 8, Hai Bà Trưng). Thời gian đầu, trụ sở này dành riêng cho học sinh cấp 2 và 3. Còn trường cấp 1 ở tại trụ sở cũ của Trường Saint-Marie (37 Hai Bà Trưng). Từ năm 1960, trụ sở này được giao lại cho Sở Giáo dục Hà Nội và tất cả học sinh của trường từ lớp 1 đến lớp 10 đều học tại 8 Hai Bà Trưng (buổi sáng cấp 2, 3 và buổi chiều dành cho cấp 1).
    Hiệu trưởng của trường (proviseur) là người Pháp do Tổ chức Lương hội Pháp bổ nhiệm là những ông : Rhem (1955—1957), Pol Simon (1957-1958), Ehrentrant (1958-1960), Malleville (1960-1963) và cuối cùng là ông Verdier (1963-1965). Thời gian đầu chức giám thị (censeur) cũng là người Pháp, nhưng từ năm 1958, chức này là người Việt do Sở Giáo dục Hà Nội bổ nhiệm là ông Hoàng Kim Hải, thường gọi là Hiệu phó và thực chất là người quản lý mọi hoạt động của trường. Cấp 1 có một ban giám hiệu riêng. Giáo viên người Pháp do Tổ chức Lương hội Pháp tuyển chọn từ Pháp. Giáo viên Việt Nam do Ban giám hiệu, thay mặt cho Tổ chức Lương hội Pháp tuyển chọn. Nhiều giáo viên của trường là những người có tiếng như Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Giang, Lê Văn Hoè, Ngô Quang Châu, Nguyễn Văn Phúc, hoạ sĩ Nam Sơn, nhạc sĩ Tu My …Từ năm học 1959-1960, có thêm một số giáo viên do Sở Giáo dục Hà Nội cử vào và các lớp cuối cấp còn có một số giáo viên của các trường cấp 3 khác của Hà Nội như Phổ thông 3a, Phổ thông 3b, Trưng Vương, Nguyễn Trãi … dạy các môn văn, toán, hoá, sinh vật …

    [​IMG]

    Học sinh khóa 1964-1965, khóa cuối cùng của trường, chụp trong sân trường

    Thời gian đầu, học sinh các lớp trên là từ trường cũ chuyển sang, còn học sinh mới xin học tại trường phần lớn là con em các tầng lớp thị thành Hà Nội. Từ năm 1959, việc tuyển sinh vào học theo các khối phố (như đơn vị hành chính phường hiện nay nhưng nhỏ hơn) quanh trụ sở của trường. Học sinh theo học ở trường : khoá 1955-1956 có 590 học sinh, 1956-1957 có 860, 1957-1958 có 1270, 1958-1959 có 1435, 1959-1960 có 1420, 1960-1961 có 1082, 1961-1962 có 1029, 1962-1963 có 970, 1963-1964 có 1004 và khoá cuối cùng 1964-1965 có 966 học sinh. Mỗi khối lớp ở cấp 1 có từ 4 đến 6 lớp, cấp 2 có từ 3-4 lớp và ở cấp 3 chỉ có 1 lớp. Tổ chức cho học sinh thi hết cấp theo chương trình, môn thi và lịch thi của Sở Giáo dục Hà Nội. Trường có Hội đồng thi riêng cho thi hết cấp 1 và cấp 2, còn học sinh thi tốt nghiệp trường phổ thông (cấp 3) thi theo các hội đồng kết hợp với các trường cấp 3 khác. Ví dụ học sinh thi tốt nghiệp khoá cuối cùng của trường (1964-1965) có 24 người thi tại Hội đồng thi Hà Nội B – Sarô.
    Cũng như các trường khác, trường cũng có các tổ chức Đảng, Thanh niên và Thiếu niên. Ngay từ thời tạm chiếm, trường đã có tổ chức thanh niên hoạt động bí mật Năm 1958, chi đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam được chính thức thành lập tại trường, lấy tên là chi đoàn 25 thuộc Khu đoàn Hoàn Kiếm và Liên đội Thiếu niên tiền phong cũng được thành lập và lấy tên là Liên đội Bắc Sơn. Các Chi đội thiếu niên cũng được thành lập ở các lớp học lấy tên các anh hùng, liệt sĩ Việt Nam như Kim Đồng, Võ Thị Sáu… Thành Đoàn Hà Nội cử một cán bộ xuống làm bí thư và làm công tác Đoàn thường trực tại Trường. Chi đoàn và Liên đội thiếu niên cũng tham gia đầy đủ các hoạt động do Thành Đoàn Hà Nội và Khu đoàn Hoàn Kiếm tổ chức như thi đấu thể thao, hội diễn văn nghệ … Cuối năm học 1961-1962, Nguyễn Đỗ Hùng, học sinh lớp 7C, đã anh dũng hy sinh thân mình cứu bạn, được Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam truy tặng Bằng khen và nhà nước truy tặng danh hiệu liệt sĩ.
    Năm 1965, năm kết thúc Thoả thuận về văn hoá giữa Việt Nam và Pháp, cũng là năm quân đội Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ở miền Bắc Việt Nam. Các trường học của Hà Nội từ năm học 1965-1966 phải đi sơ tán xa Hà Nội. Lycée Albert Sarraut chính thức giải tán. Giáo viên và học sinh của trường chuyển sang các trường đại học và phổ thông khác. Số học sinh tốt nghiệp theo học các trường Đại học, đi làm ở các công sở, nhà máy hoặc tham gia quân đội. Trụ sở của Trường tại 8 Hai Bà Trưng sau này là trụ sở của Trường Phổ thông Công nghiệp, Sở Giáo dục Hà Nội và nay là Trường Phổ thông trung học Trần Phú-Hoàn Kiếm.

    Ngô Thế Long

Chia sẻ trang này