1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

THÔNG TIN KINH TẾ : Topic về News trong ngành Kinh Tế

Chủ đề trong 'Đại học Kinh tế Tp.HCM' bởi On4U, 21/05/2002.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. On4U

    On4U Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    05/03/2002
    Bài viết:
    3.578
    Đã được thích:
    0
    Việt Nam - Khởi điểm của mậu dịch Trung Quốc - ASEAN?
    Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đánh giá, Việt Nam đã trở thành bạn hàng hết sức quan trọng của nước này. Tỉnh Vân Nam đã công khai khuyến khích các xí nghiệp đến Việt Nam đầu tư. Các văn phòng đại diện của các công ty Trung Quốc tại Việt Nam đang không ngừng tăng lên, trong đó có hơn một nửa được thiết lập sau năm 2000.
    Hiện TP. Hà Nội đã phê duyệt 101 văn phòng đại diện của các công ty Trung Quốc (không kể Hongkong), đứng thứ 4 về số lượng văn phòng đại diện của các nước ở Hà Nội. Phía Trung Quốc cho biết, các văn phòng đại diện kiểu đó ở các tỉnh biên giới rất nhiều. Riêng năm 2001, tổng kim ngạch biên mậu 2 bên tại tỉnh Hà Giang đạt 285 triệu nhân dân tệ, tăng 95% so cùng kỳ năm trước; kim ngạch chợ vùng biên đạt 617 triệu nhân dân tệ, tăng 26,2%; lưu lượng hàng hoá giao dịch đạt 25.500 tấn, tăng 25%; số lượng xe qua lại là 13.101 lượt, tăng 29%.

    Hiện các công ty Trung Quốc cho rằng đây là cơ hội tốt để tăng cường mậu dịch. Nhiều xí nghiệp Trung Quốc dự định tăng gấp đôi lượng hàng xuất sang Việt Nam.
    Nhật Bản đang thảo luận việc ký Hiệp định Bảo hộ đầu tư với Việt Nam
    Mục đích chính của Hiệp định này là để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản.

    Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cho hay, theo bình luận của hãng Kyodo, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài đổ xô vào Trung Quốc thì Việt Nam cũng nổi lên như một điểm đầu tư hấp dẫn, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư Nhật Bản. Năm ngoái, mặc dù Nhật Bản còn đứng thứ 5 (159 triệu USD) trong các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam nhưng vốn FDI đăng ký thì tăng đến mức kỷ lục 97,3%.
    Nguyên nhân chính là do các nhà đầu tư Nhật Bản muốn đa dạng hoá các nguy cơ rủi ro vốn rất tiềm tàng ở Trung Quốc (sự chia rẽ về chính trị, khả năng trưng dụng tài sản, tranh chấp thương mại, giá cả thế giới biến động...). Cố gắng của Chính phủ Việt Nam để cải thiện môi trường đầu tư tuy chậm nhưng lại chắc. Môi trường đầu tư của Việt Nam, đặc biệt là phía Bắc đang được cải thiện hàng ngày, khác xa với các nước Đông Nam á khác cũng đang khát khao FDI.
    Sự quan tâm trở lại của các nhà đầu tư nước ngoài với Việt Nam còn kéo dài chừng nào Việt Nam vẫn duy trì được các lợi thế so sánh về ổn định chính trị, xã hội, giá thành lao động thấp và là cơ sở để xuất khẩu sang các nước thành viên ASEAN khác.
    Hãng tin trên cũng kết luận, hiện nay không có nước nào ở Đông Nam á có sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài như ở Việt Nam. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề mà Việt Nam phải giải quyết để hấp dẫn đầu tư nước ngoài hơn nữa (thủ tục hành chính, cước phí dịch cụ công cộng cao, giá linh kiện cao...).
    (Hồng Phúc-VASC Orient)
    All for you
  2. On4U

    On4U Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    05/03/2002
    Bài viết:
    3.578
    Đã được thích:
    0
    ''Phát huy'' ngoại lực đắt, bỏ rơi nội lực rẻ

    Kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ ra thị trường vốn quốc tế đã được Chính phủ chính thức phê duyệt. Nếu được tiến hành thì đây là lần đầu tiên Việt Nam phát hành trái phiếu ra thị trường chứng khoán quốc tế để huy động vốn. Tuy nhiên, kế hoạch phát hành này đã không nhận được nhiều ý kiến đồng tình của chuyên gia về tài chính ngân hàng.
    Theo dự kiến, Việt Nam sẽ phát hành khoảng 500 đến 700 triệu USD trái phiếu với mức lãi suất mà theo ước tính của các chuyên gia ngân hàng thì ít nhất phải là 8,5%/năm cho trái phiếu có thời hạn 5 năm và 9,2% cho thời hạn 10 năm.
    Một quan chức của Ngân hàng Việt Nam cho biết: ''Với mức xếp hạng B1 của Moody's Investor Service Inc, mức lãi suất huy động USD của Vietcombank kỳ hạn 1 năm chỉ là 2,4%/năm, 5 năm là 3,6/năm.
    Quan chức trên cho biết: ''Việc huy động vốn thông qua vay thương mại nếu không để đầu tư cho xuất khẩu thu ngoại tệ thì sẽ gây ảnh hưởng bất lợi đến tỷ giá hối đoái sau này và gánh nặng nợ nước ngoài sẽ ngày càng tăng. Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân của cuộc khủng hoảng nợ tại châu Á vừa qua là do việc sử dụng vốn vay không có hiệu quả, để nợ nước ngoài tác động xấu đến sự phát triển kinh tế. Do vậy, việc phát hành trái phiếu quốc tế cần có phương án sử dụng vốn khả thi đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn vốn huy động trước khi thực hiện phát hành. Thế nhưng hiện nay tìm ra được dự án khả thi đầu tư cho xuất khẩu thu ngoại tệ, dám chấp nhận mức lãi suất cho vay USD trên 9%/năm là điều không tưởng. Với mức lãi suất thấp hơn thì các ngân hàng thương mại cũng đã cho vay hết rồi''.
    Hiện tại, các dự án cho vay đồng tài trợ với thời hạn trên 10 năm của các ngân hàng quốc doanh trong nước thì mức lãi suất thu được chỉ vào khoảng 3,7%/năm (Sibor 6 tháng +1,5%/năm, hiện mức Sibor 6 tháng là 2,12%/năm).
    Sao không phát huy nội lực rẻ?
    Theo tiết lộ của quan chức này, hiện nay, trong các ngân hàng quốc doanh trong nước phải gửi hơn 1 tỷ USD tại các ngân hàng ở nước ngoài với mức lãi suất thấp hơn 3%/năm. Nếu như sử dụng nguồn ngoại tệ này để đầu tư cho các dự án trong nước thì giá vốn sẽ rẻ hơn rất nhiều so với việc đi phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế.
    Theo nhận định của nhiều chuyên gia ngân hàng, nguồn vốn ngoại tệ tiềm năng trong dân cư còn rất lớn, nếu như Chính phủ phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước để huy động vốn thì mức lãi suất sẽ thấp hơn việc phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế rất nhiều.
    Quan chức này nhận xét: ''Chúng ta luôn kêu gọi phát huy nội lực có, giá rẻ và chưa sử dụng hết thì lại tìm cách đi vay vốn nước ngoài với mức giá cao hơn nhiều''.
    Trên thực tế, kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ ra thị trường vốn quốc tế ngoài mục đích để huy động vốn còn có một tác dụng khác. Hiện tại, cộng đồng quốc tế đang có những đánh giá tích cực về tiến trình cải cách của Việt Nam, mức lãi suất USD thấp nhất trong vòng 40 năm qua là những điều kiện thuận lợi cho Việt Nam tạo cột mốc xác định mức lãi suất trái phiếu quốc gia trên thị trường quốc tế.
    Một chuyên gia về tài chính nhận xét: ''Việc huy động vốn trên thị trường quốc tế với giá quá cao so với nguồn nội lực về vốn còn chưa được sử dụng hết thực chất là việc bắt người dân phải nộp thuế cho một sự lãng phí không đáng có. Trong một đợt phát hành trái phiếu để huy động vốn, vấn đề hiệu quả kinh tế phải được đặt lên hàng đầu chứ không phải vấn đề ''tạo cột mốc'' gì đó''.
    Nhưng chưa hết, ngoài việc nếu phát hành thì mức lãi suất phải trả quá cao, việc vay nợ nước ngoài còn ảnh hưởng đến các cam kết tài trợ cho Việt Nam. Theo khuyến cáo của các nhà tài trợ, nếu Việt Nam thực hiện việc phát hành trái phiếu ngoại tệ trên thị trường vốn quốc tế thì họ sẽ xem xét lại các cam kết tài trợ và nguồn huy động vốn từ kênh này sẽ giảm. Thêm vào đó, họ sẽ có thêm nhiều điều kiện cho các khoản giải ngân tiếp theo của các khoản vốn đã cam kết từ trước. Hai tổ chức tài chính quốc tế có quyền lực nhất là Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đều đưa ra một khuyến cáo chung: Khi Việt Nam còn chưa sử dụng hết nguồn vốn tài trợ ưu đãi với giá rẻ (hiện nay tốc độ giải ngân của các dự án hỗ trợ phát triển có tốc độ rất chậm) thì không nên đi vay thương mại nước ngoài với lãi suất cao. Câu hỏi được đặt ra là phải chăng khi xem xét kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ ra thị trường quốc tế, những người lập kế hoạch đã không lắng nghe ý kiến của các cơ quan có liên quan và chưa tính toán kỹ càng những cái giá phải trả?
    (Theo Lao Động)
    All for you
  3. On4U

    On4U Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    05/03/2002
    Bài viết:
    3.578
    Đã được thích:
    0
    Giải pháp xuất khẩu nông lâm sản: ''Phải làm ra cái thị trường cần''

    Chưa đến kỳ sơ kết 6 tháng đầu năm 2002, khoảng 995 triệu USD xuất khẩu nông sản đã được đặt lên bàn cân. Và Bộ NN-PTNT cũng cho biết từ đầu năm đến nay xuất khẩu nông sản của Việt Nam giảm 11% so với cùng kỳ năm 2001. Trước tình hình quá cấp bách, hôm qua (30/5), Bộ NN-PTNT đã tổ chức Hội nghị bàn về đẩy mạnh xuất khẩu nông lâm sản. Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm đã tới dự hội nghị.
    Gạo là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong những năm qua. Lượng gạo tồn kho năm 2001 chuyển sang năm 2002 hầu như không có. Sản lượng lúa vụ mùa năm 2001 của các tỉnh phía Bắc bị giảm, lượng gạo chuyển từ ĐBSCL ra Bắc tăng đột biến (500.000 tấn) đã làm giảm nguồn hàng xuất khẩu.
    Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã đánh giá: ''Xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm chỉ đạt 1,2 triệu tấn với kim ngạch 251 triệu USD, giảm 33% về lượng, 11% về giá trị so với cùng kỳ năm trước''.
    Với cà phê lại càng nghiêm trọng hơn. Đến ngày 30/5, xuất khẩu cà phê giảm 28% về lượng, 45% về giá trị, giá xuất khẩu bình quân là 357 USD/tấn.
    Riêng điều, 5 tháng qua xuất khẩu đạt 16.700 tấn, trị giá 55 triệu USD, tăng 34% về lượng nhưng chỉ tăng gần 15% về giá trị so cùng kỳ năm trước do giá giảm 14%.
    Số phận của tiêu cũng như gạo.Theo đánh giá của Hiệp hội Hồ tiêu, do hạn hán và rớt giá, nông dân không chăm sóc nên sản lượng hồ tiêu giảm mạnh, nhất là ở các tỉnh Kiên Giang, Bình Phước, Đồng Nai..
    Chè và cao su xuất khẩu nhìn chung đều tăng. Xuất khẩu gỗ và các lâm sản khác của nước ta ngày càng phát triển, với các sản phẩm gỗ chế biến; 5 tháng qua, nhóm hàng này đạt 151 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2001.
    Xuất khẩu nông lâm sản 5 tháng đầu năm giảm do nguồn hàng xuất khẩu như gạo, cà phê, hồ tiêu, thịt lợn giảm sút. Nhiều mặt hàng tiếp tục giảm hoặc đứng ở mức thấp. Ngoài ra, chất lượng nhiều loại nông sản chưa được cải thiện, giá thành còn cao, sức cạnh tranh trên thị trường kém, phần lớn còn ở dạng thô.
    Vẫn chờ đợi... Nhà nước?
    Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Huy Ngọ yêu cầu các doanh nghiệp phải mạnh dạn đưa ra những giải pháp khắc phục tình trạng xuất khẩu nông, lâm sản xuống dốc như hiện nay. Nhưng hầu hết các doanh nghiệp, hiệp hội đều không biết xoay xở thế nào.
    Đại điện Công ty Lương thực Miền Nam đề xuất: ''Cho các doanh nghiệp vay quỹ hỗ trợ xuất khẩu đối với tất cả hợp đồng xuất khẩu với thủ tục đơn giản; Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để ổn định, duy trì và phát triển các thị trường truyền thống của Việt Nam như Indonesia, Philippines, Malaysia, Cuba, Iraq... đồng thời mở rộng các thị trường tiềm năng như Nga, Trung Quốc, các nước Đông âu, châu Phi.
    Về giải pháp cho xuất khẩu cà phê, ông Đoàn Triệu Nhạn, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam có ý kiến: ''Giải pháp quan trọng hàng đầu để xuất khẩu cà phê là giải quyết tốt khâu chất lượng hàng hoá, loại trừ ngay những mặt yếu kém về độ ẩm và tạp chất''.
    Vấn đề nữa được các đại biểu tại hội nghị đề cập đến là cần loại bỏ những thủ tục hành chính rườm rà trong xuất khẩu, các khoản phí và lệ phí không cần thiết làm đội giá nông lâm sản... Tuy nhiên, điều cơ bản là các nhà nông lâm nghiệp chưa thể tự tìm lấy lối ra cho mình, mà vẫn trông đợi sự hỗ trợ của Nhà nước. Từ phía Nhà nước, Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm nêu rõ ý kiến: ''Chúng ta phải tạo được vùng chuyên canh hàng hoá, đẩy mạnh chế biến, chú trọng vấn đề sản phẩm sạch, giảm chi phí và giá thành. Điều cốt yếu là chúng ta phải sản xuất ra cái mà thị trường cần''.
    (Theo Lao Động, TTXVN)
    All for you
  4. On4U

    On4U Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    05/03/2002
    Bài viết:
    3.578
    Đã được thích:
    0
    Hướng dẫn DN ký hợp đồng và làm thủ tục hải quan cho hàng vào Mỹ

    Hôm qua (30/5), tại Hà Nội, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức hội nghị giới thiệu những vấn đề pháp lý liên quan đến hợp đồng thương mại và hướng dẫn các doanh nghiệp làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá nhập khẩu vào thị trường Mỹ.
    Ông Bùi Kiến Thành, cố vấn cao cấp của Công ty Tư vấn KHM, Inc (Mỹ) trình bày một số kinh nghiệm thực tế khi giao dịch ký kết hợp đồng, giải quyết thủ tục hải quan với thị trường Mỹ; Tiến sỹ Phạm Liêm Chính, Đoàn Luật sư Hà Nội trình bày các bước tiến hành xuất khẩu, và những vấn đề cần lưu ý về mặt pháp lý đối với hợp đồng xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam khi làm ăn với đối tác Mỹ.
    Về việc làm thủ tục hải quan để hàng vào thị trường Mỹ, ông Stuart P.Seidel, nguyên là chuyên viên Cục Hải quan Mỹ, Luật sư Văn phòng Luật Baker&Kenzie, đã trình bày quy trình nhập khẩu; các quy định về hoá đơn và bao bì; kiểm tra hàng hoá; các vấn đề về khả năng được nhập, các quy định về mã ký hiệu khác; các biện pháp bảo vệ và thuế chống phá giá, thuế bù trừ...
    Lời khuyên của các chuyên gia trong hội nghị cho các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang Mỹ là các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ luật pháp Mỹ, đặc biệt thận trọng hơn khi đặt bút ký hợp đồng và cần có luật sư để tham khảo ý kiến.
    (Theo Econet)
    All for you

Chia sẻ trang này