1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

THỦ ĐÔ HÀ NỘI TRÊN CON ĐƯỜNG ĐỔI MỚI

Chủ đề trong '1982 - Hội cún Hà Nội' bởi bittersweet82, 05/11/2002.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. DarkKT

    DarkKT Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    16/07/2002
    Bài viết:
    374
    Đã được thích:
    0
    Mình chỉ thấy đường phố bây giờ thì có đổi mới thật vì sắp seagames rồi mà. Hồi trước thì họ chỉ biết đào rồi bỏ đấy còn bây giờ họ cố hoàn thành chỉ tiêu. Thành ra đường phố suốt ngày tắc(em ra đường về chẳng khác đặp mặt nạ dưỡng da) lại còn làm đường này thì hỏng đường kia (vì xe đi quá tải làm đường chẳng khác ổ trâu cả. Mà em đi có chú ý đến cài mặt đường đâu, thành ra đi cứ như đường đồi núi vậy ?) Họ toàn kêu ca là ý thức người dân không tốt nhưng thực ra là có biết luật đường bộ đâu. Thực ra thì mình cũng chẳng biết luật có bao nhiêu cài biển nữa. Nhưng hôm đi thi lý thuyết thì thật sự bất ngờ với mình và cô bạn. Lý thuyết thì họ gạch hộ nhưng bất ngờ hơn là người thi cùng hỏi một câu làm em và cô bạn em có lẽ ngất trên dàn quất. Các bạn có biết người ấy hỏi em cái gì không ? Đó là lúc người kiểm tra lý thuyết bảo viết tên bằng chữ hoa. Người ngồi giữa em và cô bạn em hỏi em là: "Viết tên chữ hoa như thế nào ?" Mãi sau em mới biết người đó không biết chữ nên em đành phải viết họ tên cho người đó. Có lẽ các bạn bảo tôi bốc phét nhưng thực sự đã xảy ra như thế.
    Sương xa, tuyết lạnh, đêm trường
    Một mình, một ngựa dặm đường xa xôi
    Ước mong chỉ một trên đời
    Người tôi thương mến nụ cười trên môi​
  2. bittersweet82

    bittersweet82 Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    26/02/2002
    Bài viết:
    698
    Đã được thích:
    0
    tôi biết thực trạng hiện tại hà nội như thế nào nhưng dù gì với bài post này , tôi vẫn mong mọi người hãy cùng hưởng ứng với tôi , và tôi mong bài post này dùng để làm tài liệu về hà nội của chúng ta
    ...Từng giọt mưa đêm nay thật buồn....Đêm qua đi và ngày đang tới hát câu chuyện tình mùa xuân. Còn vang mãi trong lòng ta bao năm tháng ngọt ngào...
  3. bittersweet82

    bittersweet82 Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    26/02/2002
    Bài viết:
    698
    Đã được thích:
    0
    Hương đêm Hà Nội


    Hoàng hôn trên Hồ Tây

    Có những người thích đi ngủ sớm để dậy sớm thì cũng có những người có thói quen ngược lại: thích thức khuya nên thường dậy muộn. Sáng sớm, Hà Nội có những nét đẹp, vẻ nên thơ thì đêm khuya, Hà Nội cũng có những điều dễ làm say lòng người, những điều như trong mơ và đôi khi còn như mơ trong mơ nữa. Nhiều người có nhận xét Hà Nội là thành phố xinh đẹp, duyên dáng. Có những khu vực trầm lặng, cổ kính, đầy vẻ thanh bình tinh khiết. Điều nhận xét này là thực tế vì nó đã gây được ấn tượng tốt đẹp với những con người không mấy ưa ồn ào, ô nhiễm, xô bồ. Nét xinh đẹp duyên dáng ấy còn được bình phương lên trong đêm.
    Hà Nội về đêm mang màu áo khác, hơi thở khác, hình dáng khác. Nhất là khi có những làn hương đầy kỳ ảo khiến Hà Nội như mang một tâm hồn khác, đầy vẻ trữ tình thơ mộng. Những mái nhà trăm năm đã tựa vai nhau, rủ nhau vào giấc ngủ chập chờn trước khi gặp những giấc mơ hiện về từ thời con rồng vàng bay lên đón Lý Công Uẩn, từ thời con rùa vàng nổi lên chào Lê Lợi, từ thời tiếng chuông hồ Tây vang khiến con trâu vàng từ phương Bắc phải ***g sang đón con nghé ọ... Những con đường như cũng được thư giãn gân cốt sau một ngày phải gồng lên toàn bộ sức lực dưới guồng xe hối hả. Những tầng cây ban ngày xanh biếc đã chuyển sang màu thẫm như nhuộm ánh đêm. Hoa không cần khoe sắc để gọi **** ong, để gọi mắt người mà đã làm một việc khác mơ màng hơn: tỏa hương vào bầu trời thanh sạch. Mùa nào Hà Nội cũng có riêng một thứ hương đêm, giống như người phụ nữ biết điểm trang, mỗi thời điểm biết dùng một loại phấn son riêng để ánh nắng để gió mát... hài hòa cùng màu sắc, nâng nhan sắc lên gấp nhiều lần. Cũng không hiểu mùa tạo ra hương hay hương gọi mùa về, hỡi Hà Nội mến yêu ơi. Mùa thu là mùa Hà Nội mang trên mình những nét yêu kiều diễm ảo nhất chăng? Cô gái đã bước qua tuổi thiếu nữ chưa phát triển hết, bước vào tuổi thanh niên rực rỡ nhưng hơi đáng sợ, và cô gái cũng chưa bước vào tuổi thiếu phụ ở dốc đồi bên kia thấp thoáng ánh tà. Ôi, sắc đẹp của tuổi vừa đủ độ chín của mặn mà, đằm thắm, nây tròn như quả chín cây. Hà Nội mùa thu là thế chăng? Nhà Hà Nội học còn mải đi tìm một văn bia, một viên đá lát, một cuốn gia phả. Còn người thơ đi tìm gì đó hỡi thi nhân? Mùa thu không bị ẩm ướt của mưa phùn, không bị nắng xém cả lá cây. Cũng không bị gió mùa đông bắc làm tê tái. Lẫn trong lá bay vàng rộm mặt đường, lẫn trong sương lam mơ hồ trên mặt sóng... thời tiết cứ dìu dịu như tơ chăng, lọc gió cho mát vai người, cho dẻo bước chân. Lẫn vào những niềm mê man ấy là những làn hương từ đâu đó lan tỏa vào không gian như từng sợi âm thanh của cây vĩ cầm vô hình mà rất thực. Những làn hương cứ réo rắt qua vòm lá gần xa, qua tầng cây thức ngủ, qua những công trình kiến trúc, những con đường, những ngã tư đầy hào hoa thanh lịch. Hoa dạ hợp nồng nàn trắng muốt, vừa tỉnh khỏi một cơn mộng nồng nàn, khi những ngọn đèn đường sắp thức dậy. Chẳng dễ gì tìm thấy cây nửa thẳng nửa leo ấy, thấy những cành mềm cho bốn cánh hoa mập mạp, cong như móng con rồng thiêng bí mật. Chỉ cảm thấy đâu đây nở bông hoa như sự có mặt của người vô hình, người thích trò ú tim ẩn hiện, người hẹn hò với ta nhưng còn nấp vào chỗ nào để ta phải hồi hộp kiếm tìm. Khu vườn biệt thự nào trên đường Phan Đình Phùng đầy bí ẩn kia cứ xòe bàn tay có năm ngón tay xanh mềm mại để tung ra những con sóng hương hoàng lan thoảng nhẹ, và hương ngọc lan như ngón tay tháp bút, trắng muốt, sắc sảo hơn, khiêu khích hơn. Ngõ Tức Mạc, Cung Thiếu nhi và những nơi nào, cây hoàng lan mấy trăm năm còn bền lòng xức nước hoa cho Hà Nội. Xin những đôi người hãy thủy chung đến bạc đầu nếu một lần đã sóng bước dưới đường thơm hoa sữa phố Trần Hưng Đạo, Nguyễn Du. Hẳn có người khó ngủ nếu bên cửa sổ có xòa một cành sữa mùa thu. Có lẽ sương thu đã lấn át, đã bắt hương sữa chỉ được bay ngang, hoặc sà xuống thấp, sương thu chiếm phần chiều cao? Vì vậy mà hương sữa cứ ướt đẫm tóc những đôi người. Đã có những người tài hoa của Hà Nội ngợi ca hoa sữa bằng kịch thơ, bằng thơ và bằng nhạc. Đã có những em bé ra đời sau đêm hoa sữa của người yêu nhau say đắm và trong sạch. Ôi, biết bao tâm hồn đã thao thức khắc khoải khi nhớ về Hà Nội có hoa sữa đêm thu, có hoàng lan, ngọc lan man mác. Dù ở phương trời nào, hương ấy chẳng mất đi, chẳng tan ra, mà nó cứ đọng lại, đậm lại như khối ngọc Trương Chi. Có người nhớ về hoa sữa, hoa hoàng lan, ngọc lan để tưởng niệm tuổi hoa niên của mình, tưởng niệm thời học trò, tuổi yêu đương, những tháng năm mơ mộng...
    Thực sự có đôi người đã có cháu nội cháu ngoại năm nào họ cũng phải một lần dắt tay nhau đi trong đêm sương thu đầy hoa sữa. Lúc ấy họ nói gì với nhau, họ nghĩ gì bên nhau, họ nghĩ gì về Hà Nội, hỡi mùa thu đi qua mà chẳng bao giờ mất. Hà Nội đâu phải chỉ có hoàng lan, ngọc lan, hoa sữa, dạ hợp... Vườn Chí Linh có mấy khóm dạ lan hương, đêm hè hoa nở như níu chân người qua lại để tâm sự điều gì. Dọc bao phố cây xum xuê tròn bóng, những hàng sấu cổ thụ cứ tháng ba lại khiêm tốn tỏa một thứ hương ra xung quanh. Không thơm ngát, không tình tứ, chỉ thoảng nhẹ như không có, chợt hiện rồi chợt biến, khi những bông hoa như cái chuông nhỏ xíu trắng ngà rơi nhẹ không một âm vang. Cả hương và hoa cứ bay cứ rơi, còn mang mang như liễu bên hồ, không để ý có khi người vô tình không thấy. Đi trong đêm, nhất là khuya Hà Nội, màu đêm đã lọc đi những âm thanh ồn ã, như lọc đi những tạp chất, để còn lại trong hồn ta sự tinh khiết, thanh tao, cho ta cảm nhận được hoàn toàn chất thiên nhiên tinh khôi trong hương thơm hoa lá. Đôi khi hiếm hoi bắt gặp từ ban công chuồng chim nhà ai một chút hương nhài khêu gợi mà kín đáo, lả lơi mà thắc thỏm, không đủ sức bay xa hoặc qua một ngõ nhà có ngôi chùa cổ kính trăm năm, một gốc bưởi cằn nào đó bỗng tỏa làn hương mộc mạc đồng quê, gợi nhớ đến đĩa bánh trôi bánh chay tháng ba có hội làng rộn rã, và có những làn mưa lây phây làm duyên cho cánh đồng, cây cỏ... Hương đêm Hà Nội không phải là nước thơm nhân tạo, mà là món quà thanh sạch của thiên nhiên, trời đất gửi cho người. Cái ***g nan ngực thiếu dưỡng khí thường xuyên kia được no nê những làn hương này sẽ tươi lại dòng máu, mát dịu lại cảm giác, trẻ trung lại tâm hồn, say đắm lại tình người...
    Yêu biết bao nhiêu là những làn hương ấy và cũng là không uổng phí, nếu phải thức những đêm dài để đi dạo trên những con đường ngan ngát của Hà Nội thanh lịch.
    ...Từng giọt mưa đêm nay thật buồn....Đêm qua đi và ngày đang tới hát câu chuyện tình mùa xuân. Còn vang mãi trong lòng ta bao năm tháng ngọt ngào...
  4. bittersweet82

    bittersweet82 Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    26/02/2002
    Bài viết:
    698
    Đã được thích:
    0
    Bài thơ áo dài


    Đã có không ít người nước ngoài ngạc nhiên đến sững sờ trước vẻ đẹp kỳ diệu của tấm áo dài Việt Nam, mặc dù ở nước họ, người phụ nữ cũng có những bộ áo váy dân tộc thêu rua với nhiều vẻ đẹp. Một nét duyên dáng như mây thu mơ hồ hay cái đẹp lộng lẫy của ngày hè chói chang hoa phượng có gió lộng xào xạc ngọn đề. Khó mà nói được niềm bay nhè nhẹ của tà áo tím bên hồ hay vẻ lâng lâng của màu áo trắng như tung đùa trong sắc xanh cây lá. Ngay giữa cái ồn ào tấp nập đua chen, tà áo dài như hoa cũng mang lại sự thanh thản như sau một tiếng thở dài. Dám đoán chắc không một cô gái Việt Nam nào lại không sung sướng được mặc tấm áo dài trong ngày hội, ngày lễ, ngày tết và nhất là ngày bước xuống chuyến đò hạnh phúc, khẽ cúi xuống nhìn tà áo dài mà mỉm cười e lệ và sung sướng hồi hộp bên người yêu đã thành chú rể ngượng ngùng. Và cũng dám đoán chắc rằng không một người đàn ông nào dù cực tả hay cực hữu, dù đang yêu hay trái tim đã rạn vỡ bao lần, lại không ưa thích tà áo dài, không ngắm cái đẹp đang chập chờn phía trước như cánh **** trong giấc mộng Trang Chu, để về đến nhà bên người vợ thủy chung vẫn còn bảng lảng bóng hình của câu thơ bất chợt ấy làm xao xuyến.
    Tấm áo dài Việt Nam không hẳn hôm nay mới có. Chẳng qua nó bị bỏ quên, bị đánh rơi trong dĩ vãng. Song thực ra nó được sinh ra từ dĩ vãng đầy văn hiến của dân tộc ta đến ngàn đời, kể cả những thế kỷ có kẻ muốn đồng hóa dân ta bằng những tấm "áo khách". Cụ chúng ta, bà chúng ta, mẹ chúng ta từng chẳng mặc áo dài đó ư? Cái áo năm thân, tứ thân buông tà hay thắt vạt, cái áo mớ ba, mớ bảy đổi vai hoặc không đổi vai đi cùng với váy sồi hoặc quần lĩnh tía... đã vào ca dao, thành câu ví, nên hình ảnh của nét ăn dáng mặc thanh nhã, hào hoa, nền nã. Có thứ huân chương nào tặng cho tác giả cái áo đổi vai. Nối vai nhưng lại so le, một đường gấp khúc, tạo mảnh hình không đăng đối nhưng ưa nhìn, giống như cái răng khểnh trên khuôn mặt trái xoan, hoặc một bên lúm đồng tiền của cô gái dậy thì. Đâu có phải vì nghèo, vì áo rách vai sờn mà phải đổi vai, giữ lại phần lành thay đi phần rách, mà chính là một kiểu khoe khéo, cái khéo tay về đường kim mũi chỉ, về cách chọn màu, về sự cách điệu và đó chính là tài hoa, là sáng tạo vậy. Thời gian dù bao thế kỷ cũng không bào mòn được tinh hoa dân tộc. Nó cứ sừng sững thách thức cùng biến thiên. Tấm áo dài vải rồng, một thứ vải mỏng như sa, như the, sản phẩm của xứ Sơn Nam, rồi được nhuộm màu nâu ở cửa ô Đồng Lầm đất Thăng Long, nên nó thành vải Đồng Lầm, chiếc áo dài Đồng Lầm đã tồn tại bao thế hệ. Từng hình thành nếp sống đi ra đường, đi ra khỏi nhà là không thể không mặc áo dài, dù trắng hay đen, hồ thủy hay thiên thanh, nâu non hay cụ già, dù sang hay hèn, già hay trẻ... Đất Thăng Long - Hà Nội, ngay cả cô bán bún chả rong, chị cắp thúng bán rao quả bưởi, bác đội chăn bông đi đổi, bà hàng xôi cháo bán trưa, chị thuyền chài tạm rời con thuyền nan lên bộ bán mớ cá mới đánh được... Cũng phải có tấm áo dài trên thân, thong thả thì buông chùng, vội vàng thì thắt vạt trước, mà hối hả hơn thì thắt vạt sau lưng mà chạy gằn cho tiện. Nắng hay mưa cũng vậy. Đầu năm hay sắp tết cũng thế. Những năm ba mươi của thế kỷ này, tấm áo dài được cách điệu đi, không thắt vạt, không đổi vai mà thành áo tân thời. Chữ tân thời đã mang một nghĩa mới, cũng như chữ cải lương trong hát cải lương. Áo nhung, áo gấm, áo mình khô hoa ướt, áo lơ-muya, áo cổ thấp rồi cổ cao, tay thụng hay tay bó, tay dài hay tay lửng... đã nhiều thay đổi, nhiều "mốt" tùy thích. Riêng chỉ hai cái tà như hai cánh ****, như hai dải liễu bay, như hai lá thư tình, như hai nỗi ám ảnh tâm hồn nam giới, như linh hồn của chiếc áo và của người mặc... là vẫn được trân trọng giữ nguyên. Nó vẫn giữ chiều dài gần sát gót để có đà tung bay, có khi nhấp nhô như sóng lượn, để có đà vẫy gọi những con mắt dõi theo. áo dài nhung đỏ đi với kiềng vàng, áo dài nhung đen có chuỗi hạt trai sáng lấp lánh, áo dài trắng có mái tóc đen huyền thả buông lửng sau lưng áo, áo tím hàng Vân có chiếc nón bài thơ ngà trắng... đó là sự tuyệt đỉnh hài hòa hay lộng lẫy khôn cùng, cũng tựa như tấm áo Đồng Lầm có thắt lưng hồ thủy hay hoa đào cũng vậy. Những ai nay còn sót lại của thế hệ nữ sinh trường Đồng Khánh Trưng Vương, chiều hồ Gươm khoan thai nhịp bước, cắp cặp trước ngực, tóc đung đưa sau lưng, còn hai tà áo dài cứ như trêu cợt, như đùa nô, như vô tình mà nghi ngờ, mà nhắn nhủ mà xa xôi... với bao màu sắc từ đậm đến nhạt, như cung bậc cây đàn từ thấp đến cao, gần xa buông bắt. Tà áo dài gần chấm gót những ngày ấy đủ sức chuyện trò cùng gió. Mềm mại, uyển chuyển, run rẩy, lung linh... hình như đã lan truyền sang cả sóng hồ nên hồ cứ lăn tăn, lan truyền cả vào tầng lá nên cây lá cứ rì rầm, lay động.
    Có phải lúc này là lúc hồn Hà Nội đã mơ màng như bát rượu nếp sáng mùng năm tháng năm đối với cô thiếu nữ chưa quen men rượu, là lúc cung đàn đã tấu lên với trái tim nhạc sĩ, "toan" đã căng trên giá vẽ trước nhà tạo hình, nàng thơ đã ốp một cách bí hiểm vào nhà thơ, và mùa màng chín rộ làm rạo rực người gieo cấy... Ai gỗ đá để có thể dửng dưng được trước nét thanh tân đầy ma lực của tà áo dài cứ lả lướt như sóng cạn mà bắt mất hồn người ấy, bởi nó vừa ngập ngừng lại vừa thách thức. Mươi năm trở lại đây, tà áo dài Hà Nội bị ngắn đi, chỉ còn trên đầu gối. Nó không còn đủ sức bay, có lúc chết cứng trên nửa thân người, như con **** bị chặt cụt bộ cánh rực rỡ. Thật tiếc. Tà áo dài với chiều dài cần thiết, là sự truyền cảm của đường kim khâu tay, của nét eo thắt đáy, của sự mở rộng của hai tà xòe ra bốn phía. Rút ngắn phần bay lượn xòe rộng ấy khác nào cắt đi cái tưởng tượng và ảo tưởng của nhà thơ. Phụ nữ mặc áo dài chỉ đẹp thêm. Nam giới cũng được thơm lây. Cuộc đời rực rỡ là điều hẳn ai cũng mong muốn, có phải không hỡi bài thơ áo dài?
    ...Từng giọt mưa đêm nay thật buồn....Đêm qua đi và ngày đang tới hát câu chuyện tình mùa xuân. Còn vang mãi trong lòng ta bao năm tháng ngọt ngào...
  5. bittersweet82

    bittersweet82 Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    26/02/2002
    Bài viết:
    698
    Đã được thích:
    0
    Đêm Hà Nội


    Đêm dần buông. Bầu trời thăm thẳm đen đặc một màu huyền bí. Vài ánh sao lẻ loi yếu ớt sáng nơi góc trời. Từ trên cao nhìn xuống đêm Hà Nội như một dòng sao đang chuyển động với muôn vàn ánh đèn điện sáng nhấp nháy. Dãy đèn cao áp sáng thành những vệt dài màu vàng, màu trắng đan chéo vào nhau trên thành phố. Dòng người qua lại dưới lòng đường, mọi sự chuyển động hài hòa trong nhịp điệu đêm Hà Nội.
    Không cuồng nhiệt sôi động như đêm Sài Gòn hoa lệ, không một nét buồn kín đáo, e dè như đêm cố đô bên dòng Hương Giang, không nhỏ bé như đêm hoa đăng trong phố cổ Hội An, đêm Hà Nội có một nét riêng rất quyến rũ. Khi chiếc đông hồ lớn ở Bờ Hồ chỉ 0 giờ, nhịp thở cuộc sống vẫn thức. Hà Nội không có thời khắc nào chìm vào giấc ngủ. Hàng triệu người dân Thủ đô đã thắp lên muôn ngàn ánh sáng, sắc màu lung linh trong đêm. Những con người xây dựng thành phố đang kéo dài thời gian làm việc. Đêm là sự tiếp nối của ngày. Cuộc đời của con người hữu hạn mà một phần ba thời gian ấy đã dành cho giấc ngủ. Sống, làm việc ban ngày chưa đủ, người ta phải sống cả về đêm. Khám phá sắc màu của đêm Hà Nội mới thấy đích thực giá trị thời gian là vàng. Đêm không ngủ của những người bảo vệ Thủ đô. Đêm miệt mài làm việc của những kỹ sư để ngày mai cho thành phố một ý tưởng sáng tạo. Sắc màu đêm Hà Nội xen lẫn giữa hiện đại và cổ xưa. Đêm ồn ã nơi vũ trường. Đêm mờ ảo nơi quán xá, trong ly cà phê đen đặc. Đêm lãng mạn nơi chợ hoa, chợ rau. Đêm nhọc nhằn của những người quét rác. Đêm sáng đèn của những người mải mê bên trang sách. Đêm nuôi dưỡng trí tuệ của con người. Những giọt mồ hôi thầm lặng nhỏ trong đêm. Đêm im lặng nơi góc phố có những đôi tình nhân ngất ngây trong nụ hôn không biết đến sương đang lặng lẽ rơi.
    Không gian đêm được thanh lọc dịu dàng hơn, tinh khiết hơn. Hương của đêm là mùi hương của tự nhiên. Mùi hương của đất gửi vào cây, vào hoa. Mùi hương của trời tỏa xuống thành những ngọn gió nhẹ nhàng mơn man mái tóc. Đêm phố Nguyễn Du nồng nàn mùi hoa sữa, đường Thanh Niên thơm ngát hương ngọc lan. Và còn đó một mùi hương mơ hồ lãng đãng đâu đây khiến ta băn khoăn, hoài nghi và tự hỏi mình. Cũng đi trên những con phố ấy vào ban ngày, bao bề bộn của cuộc sống làm ta không nhận ra. Không gian đêm đánh thức dậy những mùi hương thiên nhiên ban tặng cho đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.
    Đêm Hà Nội nhạy cảm. Chút lạnh của đêm thu trùm xuống chợt làm cho ta nổi da gà. Giọt sương long lanh trên từng lá cây, ngọn cỏ. Sương ở xứ sở nhiệt đới hiền lành như nước mắt của bầu trời, những cơn gió thổi lá cuốn xào xạc dưới bước chân. Có những đêm, nằm trong nhà mà vẫn nghe tiếng lá khô rụng đầu hồi. Ta chợt cồn cào nhớ đến những món quà ẩm thực đêm. Khi Hà Nội còn nghèo thì văn hóa ẩm thực về đêm đã rất được thịnh hành. Hơn nửa thế kỷ trước, Thạch Lam trong cuốn "Hà Nội băm sáu phố phường" đã nói đến những món ẩm thực đêm của người Hà Nội. Đó là những hàng xôi hàng nước, "mìn páo", "giày vò", lục tàu xá, chè sen v.v... Văn hóa ẩm thực lại càng phát triển khi Hà Nội đã phồn vinh, giàu đẹp như ngày hôm nay. Trong khu phố cổ, phố ẩm thực với những hàng phở, cháo đêm, những món ăn đặc sản của Hà Nội. Bát phở đêm bốc khói tỏa mùi thơm của hương phở miền Bắc gia truyền. Rồi đánh thêm vào đó một lòng đỏ trứng gà trần qua nước sôi. Chao ôi, thú ẩm thực của người Bắc mình mới sành làm sao! Thảo nào có nhà thơ người miền Nam "nhắm mắt vẫn còn mơ phở Bắc". Nói "ăn Bắc, mặc Nam" quả là không sai chút nào. Và còn có những món quà đêm giản dị, rẻ tiền hơn của những người nghèo cần mẫn đạp xe bán rong khắp ngõ phố. Tiếng rao "sắn nóng đê... ê... ê" kéo dài trong đêm lan tỏa cả hơi ấm của củ sắn luộc được ủ trong lớp vải dày. Những chú bé bán bánh mì nóng giòn, những bà mẹ già bán bánh khúc, thứ bánh giã nhuyễn gạo nếp đồ với lá khúc xanh mọc ở ngoại thành. Đó là món quà dành riêng cho những cô cậu sinh viên, học sinh Hà Nội thức khuya học bài.
    Du lịch đêm Hà Nội đã là một thú vui, một nguồn cảm hứng mà khách nước ngoài rất thích, còn người Hà Nội thì vẫn e dè. Không còn đâu cái nỗi ám ảnh ngày xưa mỗi lần có việc ra phố vào đêm vì ngày ấy mới 9 giờ tối đường phố đã vắng ngắt, vắng ngơ. Bây giờ đêm đã rất khuya, vẫn còn người qua lại, vẫn còn những quán nhạc với ánh đèn dìu dịu, tiếng nhạc mở nho nhỏ mà nghe rất rõ. Ban ngày quá ư náo nhiệt, có những âm thanh về đêm mới thưởng thức được trọn vẹn. Nghe những bản ghita không lời lãng mạn, âm nhạc đã chia sẻ tâm sự với chính mình. Đêm Hà Nội lãng mạn làm sao! Đêm Hà Nội như một cô gái dịu dàng trong cảm giác "em trở về đúng nghĩa trái tim em".
    Đêm Hà Nội - đêm Thăng Long. Mặt Hồ Gươm đêm phẳng lặng thanh bình như từ nghìn năm trước. Nhìn về phía Tháp Rùa, những ngọn đèn lung linh soi bóng xuống mặt hồ. Trong ánh sáng đèn đêm mờ ảo đâu đây là bóng thuyền rồng của vua Lê đi thưởng ngoạn, đâu đây bóng rùa vàng ẩn hiện. Đêm trong truyền thuyết và hiện tại, những gì nhìn thấy trước mắt như thực, như mơ. Phiêu lưu vào cõi đêm Hà Nội như ngược vòng quay của thời gian. Vẫn còn nghe những âm thanh đồng nội: tiếng giun dế kêu, tiếng gió thổi, mơ hồ một tiếng trống điểm canh như trong văn Thạch Lam... Một Hà Nội hài hòa giữa cổ điển và hiện đại. Chiếc đồng hồ trên Bưu điện Bờ Hồ đánh dấu từng thời khắc của đêm, bước di của thời gian chầm chậm. Đêm dài... Đêm êm dịu trong khu phố cổ mơ màng. Đêm trầm mặc trong chùa Quán Thánh, tiếng gõ mõ vang lên đều đều như nhịp đập trường sinh của loài người. Đắm chìm trong đêm Hà Nội, trong mùi hương đêm huyền bí đến nao lòng. Nhớ về những kỷ niệm... Ta yêu em, Hà Nội ơi!
    ...Từng giọt mưa đêm nay thật buồn....Đêm qua đi và ngày đang tới hát câu chuyện tình mùa xuân. Còn vang mãi trong lòng ta bao năm tháng ngọt ngào...
  6. bittersweet82

    bittersweet82 Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    26/02/2002
    Bài viết:
    698
    Đã được thích:
    0
    Những cây cầu tạo nét duyên cho Hà Nội


    Nhắc đến những cây cầu ở Hà Nội, hẳn bạn sẽ nghĩ ngay đến những cây cầu lớn như Long Biên, Thăng Long hay Chương Dương. Tuy nhiên bài viết này sẽ đưa bạn đến với những cây cầu khác của Hà Nội, nhỏ bé hơn nhiều nhưng lại là những nét chấm phá không thể thiếu trong không gian kiến trúc xinh đẹp của Hà Nội.
    Vốn được xây dựng bên bờ sông Cái, thiên nhiên đã ban tặng cho Hà Nội một nét đặc sắc mà hiếm thành phố nào có được, đó là những dòng sông nhỏ chảy uốn lượn trong lòng thành phố, là vô số những hồ lớn nhỏ mà phần lớn đều có đảo và bán đảo được tạo bởi thiên nhiên hoặc do công sức lao động của người dân thành phố qua các thế hệ, chúng như những viên ngọc tô điểm cho bộ mặt đô thành. Có thể nói sông, hồ đã trở thành một bộ phận hữu cơ tạo nên Hà Nội của chúng ta. Với sự thông minh sáng tạo, người Hà Nội đã phát hiện, nắm bắt được nét đẹp đặc trưng đó của thành phố mình và như để điểm xuyết thêm cho nó, người Hà Nội đã tạo nên những cây cầu nối những bờ sông, nối liền bờ - đảo với những sắc thái khác nhau theo từng hoàn cảnh. Đặc sắc nhất có lẽ phải nói đến cầu Thê Húc, khi nhắc đến thắng cảnh Hồ Gươm không thể không nhắc tới cây cầu này. Được dựng từ năm 1865 theo ý tưởng của Phương đình Nguyễn Văn Siêu - nhà văn hóa lớn của nước Việt, đây chính là một phần không thể thiếu của cụm công trình văn hóa liên hoàn nổi tiếng "Đền Ngọc Sơn - Cầu Thê Húc - Tháp Bút - Đài Nghiên" đã làm tăng lên sự lung linh huyền diệu của khu "Linh Địa" Hồ Gươm. Hà Nội có ca dao rằng:
    Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ
    Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn
    Đài Nghiên, Tháp Bút chưa mòn
    Hỏi ai gây dựng nên non nước này.
    "Thê Húc" có nghĩa là "nơi hội tụ ánh sáng ban mai", được làm hoàn toàn bằng gỗ với 13 nhịp uốn cong mềm mại, giữa không gian xanh của nước hồ, của hoa lá cây cỏ, của trời biếc, cây cầu tựa như một chiếc cầu vồng đưa du khách từ Tháp Bút đi vào đền Ngọc Sơn. "Thần Siêu" đã chú giải trên văn bia dựng trong đền: "Cột (Tháp Bút) dựng làm tiêu biểu mở lối cho người ta đi, đưa người đời qua cầu đến chỗ giác ngộ, tức là hiểu được đạo làm người", vậy là "Thê Húc" không chỉ còn là một kiến trúc đẹp mà đã được nâng lên tầm văn hóa rồi phải không bạn.
    Năm 1890, những nghệ nhân tạo vườn người Pháp đã dựng lên Bách Thảo Hà Nội, một khu vườn cảnh mang đậm phong cách châu Âu giữa lòng một thành phố phương Đông; những bài trí kiến trúc khéo léo đã làm cho Non - Nước - Cây cỏ trong khu vườn như hòa quyện vào nhau, trong không gian kiến trúc đó, cây cầu sắt mảnh mai được bắc sát mặt hồ, nối liền chân núi Nùng ra đảo giữa hồ tạo nên một nét huyền cho khung cảnh nên thơ, lắng dịu, đầy ắp tiếng chim của Bách Thảo. Những ngày thu Hà Nội, trong làn sương nhẹ, xa xa ngắm nhìn những thanh nữ Hà Nội thướt tha trong tà áo dài đi trên mặt cầu, bỗng tưởng như gặp được tiên nữ ở chốn bồng lai.
    Còn nữa, trên những mặt hồ Bảy Mẫu trong công viên Lênin, hồ Thủ Lệ trong vườn thú Thủ Lệ, hồ Thuyền Quang bên phố Nguyễn Du, ta bắt gặp những cây cầu làm sau ngày Hà Nội được giải phóng, tuy bằng chất liệu xi măng cốt thép, nhưng những nhà kiến trúc của Hà Nội đã có những xử lý tinh tế về kiến trúc, mầu sắc nên chúng vẫn có được sự uốn lượn mềm mại của những chiếc cầu vòm mang đầy sắc thái của phương Đông, góp phần tô điểm thêm cho những "Lẵng hoa" của Hà Nội.
    Trên các dòng sông Tô Lịch, Kim Ngưu lững lờ giữa lòng thành phố, đây đó lại có những cây cầu nối những bờ sông; cái bằng đá, cái bằng sắt, cái bằng bê tông; có chiếc mới được làm nhưng cũng có những chiếc đã có hàng trăm năm tuổi; có cầu ngang, có cầu vòm thật là phong phú, đa dạng. Những cây cầu này vừa nối mạch giao thông, vừa như gợi nhắc ta nhớ Hà Nội có những dòng sông nhỏ đã một thời từng đi vào thơ ca.
    Cầu phao - loại cầu tạm bồng bềnh trên mặt nước, thường chỉ gặp trong thời chiến tranh, ấy vậy mà bây giờ bạn vẫn lại có thể được cảm nhận cái bồng bềnh, chông chênh đó ngay ở Hà Nội nếu bạn có dịp ra thưởng thức những món đặc sản bánh tôm, ốc hấp trên một số nhà hàng nổi ven Hồ Tây. Chúng gợi cho ai đó đã từng qua thời chinh chiến hay những người yêu lịch sử nhớ tới những thời khắc gian lao, vất vả nhưng vô cùng hào hùng của Hà Nội và đất nước trong những trận chiến anh dũng chống ngoại xâm.
    Thế đó, Hà Nội của chúng ta đẹp lắm, nhất là với góc nhìn của văn hóa và lịch sử, xin hãy gạt sang một bên những ngổn ngang của cuộc sống để cùng chiêm ngưỡng, thưởng thức những nét duyên của Hà Nội mà trong đó có sự tạo bởi của những cây cầu nho nhỏ...
    ...Từng giọt mưa đêm nay thật buồn....Đêm qua đi và ngày đang tới hát câu chuyện tình mùa xuân. Còn vang mãi trong lòng ta bao năm tháng ngọt ngào...
  7. bittersweet82

    bittersweet82 Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    26/02/2002
    Bài viết:
    698
    Đã được thích:
    0
    Hà Nội mùa sương


    Sương sớm hồ Gươm

    Nếu mùa xuân rực rỡ các loài hoa có mưa bay ẩm tóc... mùa hè chói chang nắng lóa, ngút lửa trên cành phượng, tím huy hoàng trên ngọn bằng lăng nước, mùa thu có gió heo may nhẹ như nỗi nhớ... thì mùa đông tuy khắc nghiệt vẫn có sắc thái riêng làm lòng người như muốn xích lại gần nhau cho thêm ấm áp. Vào những ngày rét ngọt hanh khô, đi qua phố Tràng Thi, tưởng như nghe thấy tiếng sột soạt của từng trang sách mở ra, trong khi trên đường rặng bàng tung những tờ lá đỏ, như tấm thư trời gửi cho người báo hiệu mùa đông sắp hết, mà đây là những ánh nắng cuối cùng. Hàng phượng vĩ đường Thanh Niên đã tắt hết đèn chỉ còn lại những quả khô như những sợi bấc đen chứa đựng trong đó cái hạt nâu vân vân, đựng lửa cho mùa sau.
    Hàng cơm nguội phố Lý Thường Kiệt hình như mẫn cảm với sương đông trước hết. Chúng chỉ còn trơ lại những cành trong bàng bạc màu trời. Nhưng đừng tưởng nhầm, chính chúng lại bật mầm đón mùa xuân trước nhất, mà có lẽ rõ nhất là mấy cây ở trước cửa trụ sở ủy ban Nhân dân thành phố, mà xưa kia gọi là Tòa Thị chính. Cái vườn hoa bé tí tẹo nhưng xinh xắn vô cùng ở Cửa Nam kia mới lạ lùng sao. Chỉ vài bước chân đã hết. Nhưng thử tưởng tượng nếu không có nó, thành phố sẽ trống trải biết bao. Vài năm trước khi những tơ sương bắt đầu giăng mắc trên thành phố, mới giữa mùa đông, mấy cây mận trắng đã thẹn thùng phô ra dăm đóa hoa gầy mỏng manh trắng muốt. Ôi những bông hoa mận cốt cách chẳng kém gì hoa mai ấy, bây giờ ở đâu, hồn hoa ở đâu, có nhập vào cuốn truyện Truyền Kỳ Mạn Lục của Nguyễn Dữ không? Có thể nào không nhắc đến Hồ Gươm, Cầu Thê Húc, Đền Ngọc Sơn. Tháp Rùa lúc nào cũng mờ ảo trong sương như nét nhòe trong bức tranh lụa kiệt tác của người họa sĩ tài hoa. Từng đợt gió chơi trò đuổi nhau, từ phía đảo Ngọc về Hàng Khay, làm cô gái nào phải kín đáo kéo nghiêm tà áo vì cái lạnh trêu ngươi. Thiếu nữ Hà Nội vẫn phát huy truyền thống văn hiến, biết trang điểm giữ gìn và phô trương vẻ đẹp một cách thanh lịch băng trinh. Nhất là những ngày sương lạnh đủ các màu áo được choàng lên vai tròn, từ hoàng yến, tím hoa cà, đỏ rực rỡ đến xanh lục thẫm, và hàng trăm cung bậc của màu như âm thanh của cây đàn diệu kỳ, mà nốt thăng nốt giáng cũng mờ đi không còn phân biệt. Tĩnh lặng là những đêm đông khi gió cứ một mình ***g lên tìm bạn trên nóc cây long não, xà cừ. Sao mà nhớ người bạn đã đi xa, không còn được hưởng những tiếng thì thầm ấy khi sương và gió làm mờ thực tại xô bồ. Phải chăng lời bạn vọng về trong gió ấy bạn ơi.
    Hà Nội vẫn mang dáng vẻ trầm tư duyên dáng, gần như hoang sơ trong những đường ngõ quanh co mờ tỏ của mình. Ngõ Tràng An có ngôi chùa như một làng xa. Ngõ Phất Lộc có hình chữ chi. Ngõ Tức Mạc có cây hoàng lan cổ thụ. Ngõ Hà Nội thoắt ẩn thoắt hiện với những ngôi nhà như không bao giờ có ai to tiếng. Rồi ngõ Tạm Thương, ngõ Liên Trì nhỏ bé, rồi đền Quán Thánh có những cây muỗm già trăm tuổi, thả lá khô xuống sân đền không một tiếng vang, làm sương đông cũng không thể giật mình. Phải chăng hồn Thăng Long vẫn còn ẩn hiện trong làn sương mỏng màu lam kia? Đã qua mùa hoa sữa. Cây sữa bây giờ treo mành bằng những chùm quả, thỉnh thoảng lại rắc cái hạt đầy lông nâu ra tứ phía, có lúc mình tưởng nhầm là con sâu, hóa chỉ là cái hạt cây, chắc muốn đậu vào vai người tìm hơi ấm. Có nhiều loài cây vẫn tươi xanh trong sương đông, thản nhiên mặc cho cái gió đùa chơi vật vã. Những tin gió mùa đông bắc liên tiếp như hồi trống báo động, cây vẫn thách thức bằng màu xanh hầu như suốt cả bốn mùa. Hàng đa đường Điện Biên, những cây sao đen phố Lò Đúc, những cây chò xanh từ đền Hùng được di về gần nơi Bác Hồ yên nghỉ, hàng long não lá tròn và thơm nhè nhẹ ở phố Lê Văn Hưu xinh xắn... Màu xanh ấy chính là cuộc đời, là sự sống, dám vượt mọi phiền toái của vũ trụ. Một buổi tối nào ta khoác tay người bạn thân đi dạo trên phố Hà Nội cổ. Bẻ cao cổ áo lên, cảm thấy cả hơi ấm bạn bè bên vai mình, rồi từ một ngã tư chập chờn nào, một cột đèn nào nhòa trong sương có ánh sáng mờ ảo trong sương... Một mùi thơm ấm nóng bay lên. Mùi thơm đã trở nên hữu tình. Ta gặp ánh than hồng lập lòe theo tay cô gái có hơi vẻ nghèo, với chiếc quạt nan cũ. Mặt người cũng lúc sáng lúc tối cũng như lời ai lúc nói lúc ngừng, như trong giấc mơ sáng mai không thể nhớ lại được. Xin một phút được ngồi lại bên chậu than hoa hồng rực, trong mùi thơm chờ đợi đến thắc thỏm, chỉ sợ chưa đến phần mình khi cô gái lật giở bắp ngô vừa chín tới sang một góc, bắp ngô vàng óng gần như trong suốt mà phần ngoài đã lấm tấm đen vì hơi lửa. Ngô đã chín đấy. Cầm cái bắp ngô ấy lại đứng lên đi tiếp đoạn đường sương, vừa đi vừa tỉa từng hạt mà ăn. Mùi thơm quấn quýt với ta, hơi ấm lan truyền từ gân tay vào khắp đường gân thớ thịt. Hình như món ngô nướng sinh ra không phải để cho mùa khác, cũng không phải để cho lúc khác. Trong hơi sương, trong gió rét, trong bước đi thư thả của một đêm đang về, ngô nướng là một phần của đêm sương ấy. Có lẽ Tử Kỳ cần một Bá Nha thì ngô nướng trên đường sương Hà Nội cũng cần có những tấm lòng, những bàn tay... biết thưởng thức nó vào đúng lúc này chăng? Cái bắp ngô mang hương đồng gió bãi ấy đã hóa thân thành niềm vui nỗi ấm cho người Hà Nội vào khuya, để mà yêu thêm cái thành phố không to nhưng lại đầy ngã ba ngã tư cho ta đi từ phố này sang phố khác với cảm giác và suy nghĩ được thay đổi luôn như hình trên màn ảnh. Mấy chục năm trước người Hà Nội còn rủ nhau đi ăn khuya món bánh cuốn bà Hai Tầu phố Huế. Nay không còn nữa. Nhưng vẫn còn những gánh lục tào xá, những gánh mía hấp rao ngân nga ở một ngõ vắng nào.
    Những món quà vừa ngọt vừa lành, như tấm lòng thơm thảo của đất quê cho ta, chẳng tốn bao nhiêu tiền mà chẳng thứ cao lương mỹ vị nào lấn át được. Những buổi sáng Hà Nội choàng tấm áo sương làm thành phố đổi khác hẳn như cô gái ngày thường lam lũ, hôm nay choàng tấm voan cưới lên đầu trở thành cô dâu diễm lệ, bất ngờ cho tất cả mọi người dù quen dù lạ. Bờ cỏ bờ Hồ Gươm đâu đó còn vương vấn những viên ngọc li ti. Đêm qua có ai làm tung tóe những hạt ngọc trai vậy nhỉ. Hay là sợi dây chuyền từ cổ cô gái thanh tân đứt ra, vì quá vội về trời không kịp nhặt, mà người trần gian chúng ta cũng không thể nâng lên, vì cô đã yểm phép tiên nó sẵn sàng tan ra cùng trời đất. Hà Nội đã bóc đi gần hết đường tàu điện cổ xưa. Xe cộ dập dìu hơn trước. Màu sắc lấp lánh hơn xưa. Cuộc sống mới có vẻ tấp nập vội vàng, nhất là những ngày gió lạnh hun hút này, mấy ai đi hứng cái lạnh lẽo vào mình. Rau xanh, thì lại khác, vẫn phải vượt qua sương gió để vào thành phố. Su hào xanh mướt, cải bắp cuộn tròn. Cải bẹ mơn mởn. Cà rốt tươi non. Cà chua đỏ mọng. Đậu vàng, đậu xanh mọng nước...
    Cả những bó rau cần hẹn một bữa ăn thật hấp dẫn làm sao. Ấy là chưa kể đến húng Láng, rau mùi, thìa là, cần tây... làm bữa ăn như được ướp hương thơm của ngoại thành xanh ngát. Rồi một hôm nào, như chợt tỉnh ra, ta thấy mấy cái quán dựng lên. Chợ hoa sắp họp. Mùa sương sắp hết. Xuân đang đợi thập thò ở ngoài thềm Hà Nội... Hàng bia tiến sĩ trong Văn Miếu sắp hết những ngày tắm sương giá buốt. Bao nhiêu cây đang làm nhựa dưới gốc kia để chờ xuân, tung màu xanh vào đời, tiễn một mùa sương giá ra đi. Và Hà Nội lại đẹp cách khác. Hà Nội vẫn cứ đẹp, như chưa từng bao giờ thua thời gian một keo nào.
    THÀ ĐỔ MỒ HÔI TRÊN THAO TRƯỜNG CÒN HƠN ĐỔ MÁU TRÊN CHIẾN TRƯỜNG
  8. Bodoi

    Bodoi Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    29/11/2001
    Bài viết:
    2.208
    Đã được thích:
    0
    Hà Nội ư?? Ồn ào, bụi bặm, bận rộn ... toàn những cái dễ gây strét cho con người!!
  9. bittersweet82

    bittersweet82 Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    26/02/2002
    Bài viết:
    698
    Đã được thích:
    0
    Bác nói vậy hơi quá chứ ở hà nội nhiều nơi đẹp và thơ mộng lắm hihihihihihihihihihihi
    NẮNG MƯA LÀ BỆNH CỦA TRỜI , CÚP CUA LÀ BỆNH CỦA ĐỜI HỌC SINH
  10. bittersweet82

    bittersweet82 Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    26/02/2002
    Bài viết:
    698
    Đã được thích:
    0
    không có bác nào cùng tham gia với tôi sao
    NẮNG MƯA LÀ BỆNH CỦA TRỜI , CÚP CUA LÀ BỆNH CỦA ĐỜI HỌC SINH

Chia sẻ trang này