1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

THƯ TẾT PHƯƠNG XA !

Chủ đề trong 'Tản mạn Sài Gòn' bởi qua_khu, 24/01/2006.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. qua_khu

    qua_khu Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    15/01/2005
    Bài viết:
    202
    Đã được thích:
    0
    THƯ TẾT PHƯƠNG XA !

    Tôi sinh ra và lớn lên tại Thành phố Hồ Chí Minh , chưa một lần đi xa . Vì thế khi đọc những dòng thư từ phương xa gởi về chứa đựng những nỗi niềm thương nhớ quê hương và người thân, không hiểu sao lại thấy chạnh lòng

    Tôi post những lá thư đó lên đây để cùng mọi người chia sẻ, để các bạn phương xa có thể gởi về gia đình , bạn bè những lời thương yêu.
  2. qua_khu

    qua_khu Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    15/01/2005
    Bài viết:
    202
    Đã được thích:
    0
    NHỚ LẮM TẾT ƠI​
    Ba đưa tôi ra phi trường về lại bên Úc khi mà chỉ còn bảy ngày nữa là đến Tết. Hơn 4 năm xa quê, đón Tết với bộn bề công việc và ngập trong bài vở ở trường, tôi thèm lắm cái Tết nơi quê nhà, dù có nghèo, có thiếu thốn vẫn là một cái Tết đầm ấm, sum vầy.
    Ở bên này, không khó lắm để tìm một cành mai vàng, vài cái bánh chưng, những quả dưa hấu đỏ... nhưng thật khó làm sao để tìm thấy cái không khí náo nhiệt, ấm cúng của ngày Tết quê nhà.
    Tôi nhớ da diết, nhớ đến cháy lòng khi còn bé, lúc nào cũng háo hức mong Tết đến thật nhanh để được mặc những bộ quần áo đẹp, được nhận thật nhiều bánh kẹo và thích nhất là được ba chở đi chơi. Bây giờ tôi trưởng thành, đủ khả năng để sắm cho mình những bộ quần áo đẹp, mua thật nhiều bánh kẹo và đi bất cứ nơi nào tôi muốn... nhưng biết tìm ở đâu cái Tết trọn vẹn, thân thương ngày xưa.
    Tết Việt chỉ còn là nỗi nhớ, niềm khát khao, sự chờ đợi và hy vọng của những người con xa xứ. Vẫn chỉ mong một lần quay về, đón một cái Tết thật sự mà đã từ lâu rồi không tìm thấy nơi xứ lạ quê người.
    HUỲNH HIẾU HẠNH (Australia)
  3. qua_khu

    qua_khu Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    15/01/2005
    Bài viết:
    202
    Đã được thích:
    0
    MÙA TẾT TRONG TIM TÔI ​
    Đã có nhiều năm, tôi không nhớ Tết, không biết ngày tháng cũng như bốn mùa.
    Cuộc sống hàng ngày quay cuồng theo chiếc đồng hồ, từ sáu giờ sáng cho đến chín giờ đêm mỗi ngày: đưa con đi học, đi làm, đi chợ, đón con, nấu bữa cơm tối, dọn dẹp, lắng nghe chuyện nhà trường của các con, con đau chồng ốm, giải quyết các công việc nhà thường nhật... trăm công ngàn việc không chút nào ngơi tay rảnh trí.
    Từ tháng một đến tháng ba nơi đây là mùa đông ngự trị, với những ngày ngắn đêm dài, tuyết rơi, sương dầy đặc, mưa phủ xám trời và gió lạnh cắt da. Dù sức khỏe có như voi, thì mùa đau ốm là những ngày này, nếu không phải đi làm việc thì cuộn kín trong chăn, sổ mũi, ho khan, nóng lạnh, nhức đầu và rên hư hử. Nghỉ ba hôm lại phải hấp tấp vào sở, thời buổi kinh tế khó khăn, ai cũng sợ bị mất việc.
    Tôi nhớ mãi một lần, hối hả xách cặp chạy nhanh lên cầu thang, vì sáng hôm đó chạy lòng vòng kiếm khá lâu mới ra được một chỗ đậu xe, Bernd, một viên chức đồng nghiệp, đứng ngay ở đầu cầu thang phía trên, nhìn xuống phía tôi với một cặp mắt nghiêm khắc, khó chịu: "Chào bà, ngủ có ngon không?!?o và chỉ vào chiếc đồng hồ treo tường. Quả thực, tôi đã bị trễ một phút, khi mở cửa phòng làm việc.
    Tết năm nay, tâm tình tôi có khác hơn quãng đời vừa qua. Một người bạn học cũ, từ phía bên kia bờ đại dương gởi tặng tôi một tấm ảnh hoa mai vàng mùa Tết. Nhìn những bông hoa mai báo hiệu xuân về ở quê nhà, tôi nhớ lại một chuyện cũ.
    Sáng hôm đó, tôi định hái mầm hoa trên đám hoa cúc trắng đã khô, nếu không gió sẽ thổi những hạt mầm khô này đi khắp nơi, và năm sau hoa cúc trắng của vườn tôi sẽ nở khắp mọi nơi. Nhưng mới làm vườn được nửa tiếng thì ông mặt trời đỏ lửa đã đẩy tôi vào nhà.
    Trong hành lang tôi cứ vướng phải một cái thùng cũ dơ bẩn mà Bernard đã tìm thấy trong đám thùng và đồ cũ chồng chất dưới nóc nhà để tôi thu dọn. Cho đến giờ tôi chẳng có hứng thú gì khui ra một cái thùng cũ như thế. Ai biết được trong đó chứa đựng những gì !
    Đứng trước cái thùng, tôi cứ phân vân, mở hay không mở, cuối cùng quyết định dọn thùng và vài phút sau đó tôi ngồi giữa một đống hình ảnh cũ, những lá thư cũ đã quên, quà tặng, hóa đơn và các thứ lặt vặt khác.
    Những tấm hình của má đã bị thời gian làm phai nhạt và hư hỏng đôi chút. Má thật là đẹp. Hình bóng một người đẹp và thanh lịch trong một phong cách đẹp, chân chất thích hợp theo thời đại khi ấy, và đẹp hơn cả hình cô Ba trong quảng cáo xà bông. Tôi định ngồi chụp lại những tấm hình này vào máy tính và in mới, nhưng lại thấy thêm một xấp thư cũ với màu tem in đỏ trên phong bì thư máy bay nhẹ mầu xanh đang mời gọi.
    Với việc sử dụng mạng tin học và thư điện tử, tôi không còn thich viết tay những lá thơ dài nữa. Đánh nhanh vài dòng chữ trên hàng phím, xong bấm hai cái, đã gởi di, thế là xong. Thật đúng là cái lợi của một lối thông tin nhanh chóng, nhưng không có tính chất thân mật kín đáo nữa.
    Những lá thư cuối cùng của má làm tôi khóc cả giờ. Má đã qua đời từ tám năm nay. Nếu tôi hiểu má nhiều hơn, thì tôi đã chấp nhận những nỗi lo âu sợ hãi của má là quan trọng, và tôi sẽ an ủi má, một lời nói đẹp không mất một xu, rồi tôi sẽ bỏ lại những gì tôi phải làm để về thăm má, nếu... nếu! Tôi là một đứa con bất hiếu!
    Những mảnh đời của má và của tôi chạy ngược dòng thật nhanh như một cuốn phim ngắn, xấu, trong đầu tôi. Không phải hai con đường đời song đôi. Hai thế hệ, hai thế giới, hai định mệnh, và hai cuộc chiến lâu dài chống Pháp và chống Mỹ trên đất nước và những đổi thay sau đó. Nhưng má hiện ra trong tôi như một người anh hùng, má luôn luôn can đảm, kiên quyết, chăm chỉ, rộng lượng. Má là thuyền trưởng lèo lái con thuyền gia đình vượt qua mọi sóng gió biển động.
    Không có ai chỉ có tính tốt. Má thường hay viết "Con có học và biết suy nghĩ, má chắc là con không vấp phải những lỗi lầm như má, má biết là má có vài điều lầm lỗi, chỉ vì má muốn thu xếp mọi chuyện cho tốt và nhanh chóng... đó không phải là một tính tốt...".
    Má ơi, sao má tin rằng, con sáng suốt và không có lầm lỗi?!
    Trong một lá thư cuối cùng, má bất ngờ làm sáng tỏ một điều thắc mắc bí ẩn: "Con có biết là tại sao ba thương con lắm không? Ba rất đau khổ vì con gặp nhiều khó khăn trong đời...?o.
    Nhưng tôi khổ nhiều nhất vì những hàng chữ: "Má nhớ con lắm, khi nào má được gặp lại con, khi nào con về thăm má?".
    Mười một năm trời tôi không được về thăm nhà. Cuộc đời của tôi trên mảnh đất xa quê này là công ăn việc làm, chồng, con, tiền, thì giờ, công chuyện gia đình... và luôn luôn phải đi nghỉ hè với chồng con, khi thì nhanh nhanh đi chơi Paris, khi thì nhất định phải xuống nghỉ hè ở vùng biển xanh miền Nam nước Pháp... mà tôi đã phải chi tiêu nhiều tiền và mất thì giờ. Xin được chủ cho nghỉ liên tục ba tuần lễ không phải là dễ. Còn ông chồng thì thích xài tiền cho những việc riêng của ổng. Lúc nào cũng tiền tôi, tiền cô, con cô và con của chúng ta.
    Luôn luôn tôi đã viết cho má: Má ơi, con thiếu thì giờ và thiếu cả tiền.
    Tôi không thể cáng đáng tất cả mọi thứ một lúc. Tất cả đều quá khó khăn! Đáng lẽ tôi đã phải đập tay lên bàn mà nói thẳng vào mặt người chồng ích kỷ rằng "Tôi bay về Việt Nam!". Nhưng tiếc là tôi đã không làm được điều đó. Thật là hèn nhát!
    Đó là một buổi sáng đầu tháng một mùa đông bên này. Lại thêm một đêm không ngủ.
    Bốn giờ sáng, tôi thức dậy bật đèn trên bàn viết, đứng dựa người vào khung cửa và nhìn lên bầu trời xanh đen với sương mù.
    Trong nhà im ắng. Mọi người đều ngủ kỹ.
    Vài ngày trước Giáng sinh, chồng tôi đã nói với tôi rằng anh ta không còn hứng thú gì để sống chung với tôi nữa. Vào ngày Chúa ra đời - gọi là ĐÊM Lễ của Tình Yêu - anh ta đẩy tôi ra khỏi cửa, đuổi tôi ra đường. "Cút đi, tôi không muốn trông thấy mặt cô tối nay" và khóa cửa từ bên trong lại.
    Sự tan rã cuối cùng chỉ treo trên một sợi dây tơ, chỉ còn là vấn đề thời gian. Người còn là chồng của tôi chỉ đợi dấu hiệu của người tình nhân mới, là cô ta sẽ chấp thuận. Hai đứa con gái của tôi cũng theo cha nó bỏ tôi đi, chúng nó kết tội tôi là một người mẹ xấu và một người vợ xấu, không lo lắng chăm sóc đủ cho chồng và con.
    Đột nhiên, một điều đen tối hiện lên trong óc, rồi tôi chợt nói một mình "Thôi rồi, má đi rồi!" và giật mình muốn chết. Không, không thể như thế được. Má đã biết là trong hai tuần nữa tôi sẽ về thăm má. Tôi đã mua vé máy bay và xin thông hành nhập cảnh. Chương trình bay đã có. Một người bạn gái tử tế đã cho tôi mượn số tiền mua vé. Má chắc phải vui lòng chờ gặp tôi sau mười một năm xa cách. Má không thể chết dễ dàng như thế được.
    Tôi pha thêm một tách cà phê, rồi đi vào phòng tắm.
    Hôm nay là chủ nhật, nhưng tôi phải vào sở làm việc. Hai bạn đồng nghiệp của tôi, Bernd và Karin, không kịp làm biên nhận những chi tiêu thu nhập trong tuần vào hệ thống kiểm soát tài chánh và muốn làm việc hôm nay, họ phải cần đến tôi vì tôi quản lý hệ thống này. Công việc là trên hết! Công chức Đức, khi cần thiết, họ thật là chăm chỉ. Chúng tôi hẹn sau vào chín giờ sáng ngày Chủ nhật, nhưng tôi đến sở sớm hơn để lên máy và sửa soạn trước.
    Lúc tôi lái xe đi làm thì mọi người vẫn còn ngủ say.
    Bernd và Karin rất vui mừng khi tôi giúp họ. Mỗi người chúng tôi tiến hành công việc nhanh chóng.
    Tiếng điện thoại văn phòng tôi reo lên bất chợt.
    Tôi giật mình tự hỏi: Ai biết mình làm việc trong sở hôm nay? Tinh thần căng thẳng, tôi nhấc điện thoại.
    Tiếng ông em rể trong máy, ổng nói:
    - Đã gọi về nhà nhưng ổng nói là cô đi làm trong sở. Má cô chết sáng nay lúc sáu giờ ở nhà... Thu nó khóc quá, không nói được...
    - Hả ?! Ai nói mà biết?...
    Trong hơi thở cuối cùng má đã báo cho tôi biết sáng sớm nay là má vĩnh biệt tôi đi, không trở lại.
    Bernd và Karin đứng cả hai trước ngưỡng cửa văn phòng và hỏi tôi chuyện gì xảy ra. Tôi nói trong nước mắt:
    - Má tôi vừa mới chết sáng nay, mà tôi không về được.
    - Tại sao?!
    Cả hai cùng hỏi.
    - Tôi không có tiền!
    - Chỉ có vậy thôi sao?!
    Họ khoác áo măng tô đi ra khỏi cửa không nói năng gì. Một lát sau, cả hai trở lại. Tôi vẫn còn ngồi khóc, không biết làm sao!
    Bernd và Karin để trước mặt tôi một xấp tiền:
    - Đây, mua vé mà về ngay lập tức. Còn chuyện tiền bạc tụi mình tính sau!
    Đó là bốn ngàn Đức mã! Hôm nay chủ nhật, nhà băng đóng cửa, mỗi người chỉ rút được tối đa hai ngàn Đức mã bằng thẻ qua máy tự động.
    Bernd viết một số điện thoại trên một mảnh giấy và bảo tôi:
    - Gọi Winfried, và lấy ba tuần nghỉ phép!
    Bernd và Winfried, sếp của chúng tôi, là bạn tốt của nhau.
    Xong tôi gọi cô bạn thân thiết nhất của tôi, Heide. Cô ta nói:
    - Mày cứ ở đó. Tao đến ngay.
    Nửa tiếng sau, Heide đã đứng trước mặt tôi. Cô ta đã phải lái xe chạy rất nhanh, vì cô ở cách đây ba mươi lăm cây số. Heide ôm lấy tôi và nói:
    - Mày phải ra phi trường ngay.
    Bấy giờ là mười một giờ sáng. Heide lái xe theo tôi về nhà. Tôi đóng vội va li, thật ra chẳng có gì nhiều để đem theo, nhẹ và chỉ đầy một nửa.
    Chúng tôi lái xe nhanh đến phi trường Köln/Bonn.
    Cô nhân viên quấy bán vé lắc đầu:
    - Rất tiếc. Máy bay bay từ phi trường Frankfurt trong hai tiếng đồng hồ, nhưng không có máy bay từ đây để đến đó.
    Chúng tôi chụp nhanh hai cái vali nhỏ, chạy trở về nhà đậu xe và trực chỉ hướng phi trường Frankfurt.
    Chiếc xe hơi nhỏ của Heide bay trên mặt xa lộ với tốc lực một trăm chín chục cây số giờ. Xe vừa đậu, tôi chạy nhanh vào quầy bán vé trong phi trường vĩ đại, cô bạn gái chạy theo sau. Còn một chỗ trống trong máy bay, nhưng mà với giá đắt. Tôi bắt buộc phải mua vé.
    Heide nói ngắn:
    - Chờ tao ở đây, tao sẽ trở lại nhanh.
    Cầm cái vé máy bay trong tay tôi sốt ruột chờ Heide trở lại. Và phi hành trưởng đang chờ tôi lên máy bay.
    Heide chạy cà nhắc trở lại.
    - Nhanh lên, phải đi qua cửa kiểm soát thông hành!
    Chúng tôi nắm tay nhau chạy thật nhanh.
    Đến cửa kiểm soát thông hành, tôi phải bỏ lại Heide và chúng tôi tạm biệt nhau. Heide dúi vào túi áo tôi một cái gì:
    - Cẩn thận! Hai ngàn Đức mã đó! Đừng làm mất!
    Tôi chạy mãi dọc theo hành lang dài đến cửa máy bay. Các cô chiêu hành viên đóng nhanh cánh cửa máy bay sau lưng tôi lại. Sân bay trắng đầy tuyết. Tôi thương các bạn tôi vô cùng!
    Khi chiếc xe taxi vừa rẽ qua phải ở ngã tư, tôi đã trông thấy phướn và cờ tang treo trước cửa nhà. Chiếc hòm đã được đậy nắp, đóng kín. Khói hương, đèn và hoa thơm nghi ngút. Cả nhà đều có đó. Ban nhạc tang lễ cất lên điệu nhạc tang cổ điển buồn lê thê khi tôi, từ xe taxi chui ra, đứng trước hòm má, hai chiếc vali trong tay.
    Mấy đứa em gái vội vã chạy đến, đưa cho tôi áo tang và mũ tang để khoác vào. Tôi biết chắc rằng, tôi không bao giờ còn nhìn thấy lại được má nữa. Ba thì vui lòng. Ba chìa bàn tay cho tôi xem, ba vẫn đeo chiếc nhẫn cưới của ba ở ngón đeo nhẫn, và trên ngón tay út bên cạnh là chiếc nhẫn vàng trơn của má.
    Tôi ao ước muốn biết, má nghĩ gì trong giờ phút lâm chung. Má có nhớ đến tôi?
    Chôn cất má tôi xong, chỉ còn hai tuần nữa là Tết, chợ búa phố phường rất nhộn nhịp, đầy ắp thực phẩm và trái cây dành cho ngày Tết, ngó đâu cũng thấy hoa là hoa, hoa mai, hoa đào, hoa cúc vàng, hoa vạn thọ, hoa lay ơn, hoa hồng, hoa quít, hoa chanh, hoa huệ, hoa cẩm chướng...
    Nhưng tôi phải trở lại nước Đức lạnh lẽo xa xôi ba ngày trước Giao thừa, trong đầu còn vang vẳng lời của Đại Sư trên chùa "Số cô phải khổ ít nhất là hai năm tới!". Có nên tin không?! Người tính không bằng trời tính. Đấy là duy tâm theo thuyết định mệnh!
    Bernard thò đầu lên từ dưới hầm nhà, phủ đầy bụi bặm, khuôn mặt thì trắng đầy vôi. Ông ta ngạc nhiên nhìn tôi:
    - Chuyện gì xẩy ra? Em đọc cái gì vậy?
    - Thơ của má tôi.
    Ông ta ngồi chồm hổm bên cạnh tôi. Mũi, mắt, môi miệng phủ đầy bụi vôi trắng như một thằng hề:
    - Rồi sao?
    Tôi khóc to hơn:
    - Tôi ngu quá. Mọi chuyện đều khó khăn quá. Tôi không cáng đáng nổi tất cả một mình...
    Bernard hiểu niềm hối hận trễ nải của tôi và an ủi:
    - Tôi cũng vậy. Lúc tôi hiểu được cuộc đời khốn khổ của cha tôi thì cha tôi đã nằm sâu trong lòng đất. Không còn cách nào đền bù được nữa. Tôi tin là má em hiểu em. Bây giờ thì em chỉ còn cầu nguyện cho má...
    Tôi chỉ ra ngoài:
    - Anh coi đám hoa lay ơn đó. Nó không nở hoa. Má chưa tha thứ cho tôi.
    Bernard lắc đầu:
    - Đừng có mà tin dị đoan. Hoa sẽ nở, bây giờ còn quá sớm. Hoa lay ơn nở trong tháng chín, còn những hai tháng nữa.
    Hai mươi lăm ngọn hoa lay ơn đỏ, đã lên cao, nhưng chỉ toàn là những chiếc lá xanh dài, giữa ngọn, chưa thấy có một nụ hoa nào cả. Tôi trồng để cúng má, đó là hoa má yêu thích nhất. Thật là toàn vẹn, khi hoa lay ơn đỏ nở được trong lễ Vu Lan. Thất vọng!
    Song tôi tìm thấy thơ của ba. Vẫn còn khóc. Ba thương má, ba theo dõi má, ba suy nghĩ lo lắng về má, ba muốn chia xẻ vài nỗi lo âu của má, nhưng ba lại để má quyết định tất cả, cho nên má cảm thấy bị bỏ rơi với tất cả mọi trách nhiệm và khó khăn nặng nề, chỉ vì ba không biết muốn gì và phải làm như thế nào. Sau khi má qua đời đã lâu, ba vẫn còn nằm mơ thấy má về đứng ở chân giường và la rầy những chuyện không được giải quyết ổn thỏa trong gia đình! Tôi hiểu được ba phần nào và phải bật cười một chút.
    Má làm tôi khóc, ba làm tôi cười. Cảm giác thương má thương ba chợt làm cho tôi ngộp thở như bị một con rắn cuốn chặt, cho đến khi trái tim thoát nhẹ nhõm.
    Tôi chụp lấy điện thoại. Giọng nói cậu em ở đầu dây nghe không rõ. Từng chữ vang dội nhiều lần trong máy "A lô, a lô, a lô... Ba khỏe, ba đang ngồi hóng mát trước cửa nhà sau bữa cơm chiều...?o, đúng 10.143 cây số xa cách nơi tôi. Trong tâm tưởng tôi đang gần ba, và thầm thì "Ba ơi, ba biết không, con thương ba lắm...?o.
    Ba đang đợi tôi về, và tôi sẽ đem ba đi tắm biển như đã hứa, trong nắng, cát và nước biển ở Vũng Tàu, và tôi biết, tôi vẫn là đứa con gái nhỏ của ba, mà khi xưa ba vẫn thường đem tôi đi tắm biển.
    Mới đây có một vị lớn tuổi hơn tôi một chút, tình cờ gặp tôi ở nhà, vừa cười vừa sửa lưng tôi "Này cô ơi, nhiều khi nhân định thắng thiên định!". Phải đấy, lật thế cờ nhân thiên là do ý chí của mình quyết định.
    Mỗi năm vào mùa Tết, tôi lại nhớ, và mơ đến lúc tôi kéo lê cái va li trên mặt tuyết trắng xóa, để lên máy bay về lại quê nhà, mà không được gặp má...
    TUYẾT TRẦN (Việt kiều Đức)
  4. qua_khu

    qua_khu Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    15/01/2005
    Bài viết:
    202
    Đã được thích:
    0
    CON ĐANG NGHE TẾT VỀ ​
    Nay là Tết ông Táo rồi ba me nhỉ. Tết đến làm nỗi nhớ nhà của con da diết thêm. Mà có lẽ không chỉ riêng con, ai sống xa quê, ăn Tết xa quê mà không nhớ nhà. Cái lạnh trời Phù Tang làm con thêm nhớ nắng ầm trời Nam, thèm được ngắm cành mai vàng cười trong gió ấm.
    Chắc sáng mai cúng ông Táo xong, me lại chép miệng: "Lại thêm một năm bé ba ăn Tết một mình ở xứ lạnh". Con có lớn đi bao nhiêu nữa, me vẫn thích gọi con bằng bé. Rồi me lén lén lau vội nhũng giọt nước sắp rơi từ khóe mắt (con tưởng tượng vậy).
    Cây mai nhà nội, từ ngày con đi, ba một mình tước lá. Có lẽ ba nghĩ chỉ còn một mình ba cầu mong cho năm nay mai cũng sẽ khoe sắc vàng tươi. Không phải một mình ba đâu. con ở xa cũng mong như vậy.
    Con ở đây nghe Tết về bằng kí ức. Mùi dưa me muối, mùi bánh me sấy, mùi trầm ba đốt đón giao thừa. Và cả mùi của ấm trà nóng ba pha để cả nhà quây quần đêm giao thừa, chờ cho chuông đồng hồ gõ 12 tiếng, rồi cả nhà đón năm mới sang bằng những câu chúc ấm lòng nhau. Có khi kí ức rủ nhau ùa về làm một ngày bận rộn của con dịu lại, mùi của không khí đầm ấm gia đình làm mắt con cay cay vì nhớ.
    Lại một mùa xuân nữa xa quê.....Ngồi lặng nghe câu hát chúc xuân về....
    PHAM HANH TRAN (Tokyo)
    Được qua_khu sửa chữa / chuyển vào 11:09 ngày 24/01/2006
  5. qua_khu

    qua_khu Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    15/01/2005
    Bài viết:
    202
    Đã được thích:
    0
    NHỚ NẮNG VÀNG PHƯƠNG NAM ​

    Chỉ còn vài ngày nữa thôi là tết đã đến rồi. Thành phố Suwon (Hàn Quốc) nơi chúng tôi ở cách Seoul 30km về phía nam, trời lạnh lắm, tuyết đang rơi dày trắng xóa khắp nơi. Nhớ đến da diết cái nắng vàng ấm phương Nam của những ngày giáp tết?
    Nhóm du học sinh VN chúng tôi sống ở Suwon này khoảng 120 người. Từ khoảng một tháng nay đã chộn rộn không khí tết lắm rồi: những người về thì nao nức xin phép nghỉ học, mua vé máy bay, í ới rủ nhau đi sắm quà về nhà. Còn những người ở lại thì buồn lắm, ganh tị lắm với niềm vui của người về.
    Năm nào cũng thế, cứ đến giao thừa là thể nào cũng có một bạn gái nào đó khóc òa lên vì nhớ nhà. Buồn là thế nhưng nhóm ở lại vẫn lên kế hoạch đón tết cho mình. Đến giờ này, kế hoạch cũng đã hòm hòm rồi đấy. Sẽ làm nem, mua bánh mứt? cho đủ các món VN.
    Nhưng còn mỗi khoản bánh chưng, bánh tét là hơi căng thẳng quá. Năm ngoái chúng tôi cũng định gói bánh, nhưng rốt cuộc vì không có lá nên đành phải mua bánh chưng ở cửa hàng của người Việt. Bánh nấu ở VN và chở sang đây bằng máy bay.
    Sau khoản mua sắm là đến khoản trang trí phòng ốc. Năm ngoái, các cô gái khéo tay đã biến những mẩu giấy màu thành hoa mai, hoa đào rực rỡ. Chỉ bằng giấy thôi, nhưng đào ấy, mai ấy cũng đã mang lại xiết bao sự nồng ấm quê nhà cho chúng tôi.
    HUỲNH ĐẠI PHÚ (nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành vật liệu polymer)
  6. qua_khu

    qua_khu Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    15/01/2005
    Bài viết:
    202
    Đã được thích:
    0
    XA NHÀ THƯƠNG TẾT MÌNH HƠN ...​
    Đúng là chỉ những người đã đi xa mới hiểu được thế nào là cuộc sống xa nhà. Đúng là có đi mới thấy quý những điều thật bình thường, đơn giản ở quê nhà, mà hằng ngày mình chẳng bao giờ để ý...
    Nét đặc biệt của Tết Hà Nội không thể so sánh với bất cứ nơi đâu. Ngày xưa tôi vẫn hít hà không khí thoáng đãng của ngày mùng 1 khi thức dậy và ra đường về quê, trái ngược hoàn toàn với đêm 30 Bờ Hồ chen chúc. Chỉ sau một đêm Hà Nội trở nên mới hoàn toàn. Giờ xa rồi, tôi mới nhận ra một Hà Nội thâm trầm, lịch sử đã dày đến độ cuộc sống mới dù có hiện đại đến đâu cũng khó làm nhòa nhạt.
    Sinh viên Việt Nam ở Malaysia mỗi trường mỗi khác. Trường nào có Hội sinh viên Việt Nam thì tổ chức rất vui, hoa quả bánh kẹo được SV mua rất nhiều. Nhưng cái rộn rã cũng không đủ làm nên không khí tết khi mà không thể kiếm đâu ra một cái bánh chưng, một cành đào nho nhỏ.
    Ở đây người ta chuẩn bị tết cũng giống như Noel, từ gần một tháng trước. Tết ta ở đây cũng là ngày nghỉ nhưng chỉ được nghỉ hai ngày: 30 và mùng 1 Tết. Mấy ngày giáp tết mọi người mới đi mua sắm nhiều vì trong hai ngày nghỉ hầu hết các siêu thị sẽ đóng cửa. Đào không có, cũng không ai mua, nếu có thì có mấy cành đào nhựa cắm hoa giấy.
    Thì ra những cái Tết xa nhà có lẽ cũng có tác dụng tốt, giúp mình hiểu hơn, trưởng thành hơn và gắn bó hơn với quê hương của mình. Những ngày Tết ở nhà, mẹ và chị luôn tất bật với việc cỗ bàn, lo sao cho đầy đủ mâm cỗ đêm giao thừa, mâm cỗ sáng mùng 1. Bố thì chỉ mỉm cười mãn nguyện khi khiêng được cây quất và đào to đến choán hết phòng khách. Tôi thì luôn nhăn nhó khi bị sai bảo, cứ vô tư rong chơi cùng bạn, vô tư nghĩ đó là việc đương nhiên bố, mẹ và chị phải lo.
    Giờ một mình mới biết thương bố mẹ hơn, thương chị hơn, để tự dặn lòng rằng sang năm được đón Tết với cả nhà, được sai bảo là một niềm hạnh phúc. Mong cho ngày Tết sum họp cùng gia đình trên quê hương Việt sẽ sớm đến với mình, với tất cả những bạn xa nhà. Nốt cái Tết này thôi, rồi mình sẽ về, cuộc sống sẽ tươi đẹp hơn.
    Một lần nữa chúc tất cả chúng ta một năm mới An khang và Thịnh vượng!
    NGUYỄN THẾ PHÚ (Kuala Lampur-Malaysia)
  7. qua_khu

    qua_khu Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    15/01/2005
    Bài viết:
    202
    Đã được thích:
    0
    HẸN TẾT SANG NĂM ​
    (Thân gửi đội Mùa hè xanh IADIN- ĐH.Luật TP.HCM năm 2003)
    Loanh quanh mà đã lại gần Tết rồi? Mấy ngày nay ở trường bên Hàn Quốc vẫn đang tập trung cho đợt ôn thi cuối kỳ và làm luận văn tốt nghiệp của SV năm cuối. Những ngày bận rộn làm cho thời gian dường như trôi nhanh hơn và làm cho việc chuẩn bị tết trở thành việc khá? "xa xỉ? đối với nhóm SV các nước tại đây.
    Như bạn bè mình, tôi cũng lãng đãng quên mất việc?đếm ngày! Và cám ơn bạn, nhóm MHX IADIN, với những lá thư thăm hỏi đầy chân thành ?ođội trưởng chuẩn bị ăn tết thế nào rồi, ?obáo cáo? cho cả đội nghe với, ở nhà đã có mai rồi đấy...?- đã kéo cả không khí tết ùa lại với tôi.
    Chợt thừ người? Vậy là đã cái tết thứ hai và cũng là cuối cùng của mình tại Hàn Quốc rồi đây; nhanh lắm, rồi chỉ năm sau thôi, những cảm giác của ngày hôm nay sẽ không còn bao giờ trở về lại nữa. Mọi người vẫn thường nói đón tết mà xa nhà thì? mất cả tết, nhưng sao mình đôi khi lại thấy thinh thích điều đó. Đón tết xa nhà cũng hay chứ?
    Có phải ai cũng có lúc nghe lòng mình mềm ra như lá, như cỏ khi nhìn chiếc kim đồng hồ vừa chuyển sang con số 12 để sang một ngày mới, một năm mới như đám SV xa nhà đâu. Cả nhóm cứ đứng đấy, lặng lẽ, quanh một cái bàn thờ nhỏ giữa ?oxứ người?, để rồi không biết sao nước mắt cứ chảy dài rồi nhìn nhau cười ngượng nghịu "Chắc tại? khói nhang! Mà nhang này thơm quá hen, giống?ở nhà mình ghê!".
    Trong một khỏang không gian nhỏ, mêng mang của sự lặng im và những cái vỗ vai nhau nhè nhẹ: "Thôi mà, có gì đâu mà khóc chứ?? sao mà ấm áp lạ. Những lời cầu chúc năm mới, những bữa cơm với nồi thịt đông ?ođúng ?omùi? Việt Nam đấy nhé? để anh em - dù chỉ mới gặp nhau đây thôi ở cái xứ Hàn lạ hoắc lạ hươ này - ngồi lại bên nhau, mà nghe như thân thiết từ lâu lắm?
    Có đón tết xa nhà, mình mới chợt nhận ra, những thứ bình thường ngày xưa sao mà bỗng nhiên lạ thế, mọi thứ đều có hồn, để lại nỗi nhớ riêng của nó. Cả đội MHX có biết sáng mùng một tết ở Hàn mình thức dậy sớm, mở cánh cửa bước nhìn ra ngòai, trời vẫn tối sẫm và gió đông thật lạnh nhưng mình lại thấy cả một khu vườn nho nhỏ của nhà mình đang trước mặt.
    Nắng chênh vênh treo trên giàn hoa chanh kiểng của mẹ, rọi xuống mấy giò hoa lan mà đám học trò của lớp học tình thương ở IADIN, Gia Lai ngày xưa phải bỏ công cả buổi chiều, trèo lên cây rừng hái về tặng ?othày Dũng? mà mình vẫn treo ở lưng lửng cái hàng rào sắt? Thấy được cả cành mai, chậu hoa hồng, hoa cúc ngái ngủ với sương sớm đâu đây ngoài sân; thấy cả cánh cửa sắt mới sơn lại, còn thơm nồng mà thế nào con chó Gô nhà mình cũng sẽ ra nằm ?olăn quay? ra đấy, ?ogiãy đành đạch? vì?mừng rỡ (theo kiểu rất ?olạ? của nó) mỗi khi có tiếng xe máy của người nhà về.
    Mình thấy cả nào bánh, nào mứt, dưa hấu, bánh chưng loanh quanh chiếc bàn con, nào nồi thịt kho măng lăn tăn sủi bọt trên bếp, nào nồi cơm gạo mới bốc khói thơm thơm cả góc nhà chiều 30 tết? Cả đội biết không, mình còn thấy được cả như xung quanh đây là hương hoa mai (mà ở nhà có bao giờ thấy hoa mai có hương đâu nhỉ), là hương của nắng mới lên, là mùi của lá, của hoa? làm mũi mình cứ hăng hăng?
    Sáng mùng một tết ở đây, cả nhóm SV xa nhà sẽ gặp nhau sớm, chúc mừng nhau bằng đủ giọng Bắc - Nam. Rồi cả nhóm sẽ cùng đi bộ một quãng đường dài, leo lên một ngọn đồi mới đến được ngôi chùa gần nhất để cúng lễ đầu năm (thay vì như ở nhà là đã xách xe máy chạy một mạch đến chùa rồi).
    Những lời cầu chúc cho một năm mới bình yên, mạnh giỏi cho cả nhà cứ nghèn nghẹn trong nước mắt mới chính là những cầu mong chân thành nhất mà dường như chỉ có những người xa nhà thế này mới cảm nhận hết được. Và chắc hẳn đó sẽ là những điều hiện thực trong năm mới.
    Một năm mới lại đến, ngày về đã gần hơn. Và chắc hẳn những ngày tháng học hành xa nhà đầy ắp kỷ niệm này, sự trưởng thành từ những khó khăn của cuộc sống sẽ theo mình mãi để cho những ngày về thật sự là những ngày vui?
    Ngày vui đó, mình sẽ gặp nhau, cả đội MHX IADIN nhé !
    ĐẶNG TẤT DŨNG
    (Transnational Law and Business University - Hàn Quốc)

  8. qua_khu

    qua_khu Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    15/01/2005
    Bài viết:
    202
    Đã được thích:
    0
    QUÊ HƯƠNG - NỖI NHỚ ​
    Tôi học ở nước ngoài nhưng không bao giờ quên quê hương. Với bạn bè quốc tế, tôi luôn hãnh diện mình là người Việt Nam. Tôi tự hào mỗi khi giới thiệu cho họ về ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Đó là một cách để vơi đi nỗi buồn nhớ Việt Nam...
    Những ngày cuối năm đang đi qua, một năm mới cũng sắp đến. Xuân về mang đến cho mọi người niềm háo hức. Mọi nơi, mọi nhà, ai nấy cũng bận bịu cho những ngày cuối năm, cái không khí đón Tết thật là rộn rã...
    Đây sẽ là năm thứ 4,chúng tôi, những đứa du học sinh phương xa phải ăn tết xa quê hương. Có xa quê hương, mới thấu nỗi lòng xót xa, quặn nhớ. Có xa cha mẹ, mới hiểu được công ơn vô bờ bến, sinh thành dưỡng dục. Không biết giờ này nơi quê xa, những người thân của tôi, họ đang làm gì nhỉ? Riêng tôi giờ đây khi tất cả mọi người đều đã yên giấc, ngồi một mình trong căn phòng nhỏ, tôi nhớ VN da diết, nhớ gia đình, bè bạn và... Tôi thầm ước giờ này mình có thể vế nhà để cùng mọi người quây quần bên nhau. Giá như...
    Việt Nam giờ này chắc là rất nhộn nhịp. Tôi cảm nhận được không khí Tết sâu trong ký ức. Điều duy nhất tôi có thể làm được ở đây là học để lấy kiến thức sau này giúp ích cho đất nước. Càng gần đến phút giao thừa tôi càng mong muốn có thể trở về với gia đình - dù chỉ là một giây phút thôi. Giá như người đứng trước mặt tôi là ba mẹ, anh tôi và cả những người Việt Nam chưa quen biết, để tôi có thể tận hưởng một chút không khí Tết cổ truyền, để có thể thưởng thức champagne chúc mừng năm mới, để được tụ họp về chúc thọ bà ngoại rồi nhận mừng tuổi và lời chúc từ bà, để được quây quần bên cả nhà cùng ôn lại những kỷ niệm, những niềm vui và những thành công đã đạt được trong năm cũ, rồi cùng chúc cho nhau những lời tốt đẹp nhất trong năm mới.
    Nhưng giờ đây, tôi đón Tết ở một nơi cách mái nhà cha mẹ rất xa, sẽ chỉ có những sinh viên cùng cảnh xa nhà cùng nhau vui Tết. Tôi và các bạn sẽ hướng về quê đón chờ từng khoảnh khắc của năm mới. Sẽ có bánh chưng, sẽ có hoa và những lời chúc mừng. Sẽ là những giây phút ấm áp và thiêng liêng không thể quên trong lòng những người con xa xứ! Chúc một năm mới bình yên, hạnh phúc và tràn đầy niềm vui cho tất cả mọi người Việt Nam, cho người thân, bạn bè, cho thành phố mang tên Bác.
    Cuối thư tôi xin viết lại hai câu thơ của một nhà thơ nổi tiếng mà chúng ta đã quen tên: "Khi ta ở chỉ là nơi đất ở Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn". Ấn Độ cho tôi rất nhiều nhưng quê hương thì chỉ có một, như là chỉ một mẹ thôi.
    TRẦN PHẠM PHƯƠNG THUỶ (Bangalore - Ấn Độ)
  9. qua_khu

    qua_khu Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    15/01/2005
    Bài viết:
    202
    Đã được thích:
    0
    CÂY MAI NHÀ TÔI
    Tết lại sắp về. Vậy là lần thứ tư, sau hơn bảy năm xa nhà, tôi sẽ phải ăn Tết ở nước ngoài. Bây giờ ở bán cầu Nam, trời mùa hè nắng lắm, đẹp lắm, nhưng lòng tôi sao chẳng thấy vui. Tôi nhớ Huế, nhớ nhà, nhớ Tết vô cùng. Và nhớ nữa, cây mai nhà tôi...
    Tết ở nhà tôi thường bắt đầu từ một ngày tháng chạp khi ba coi lịch, nghe dự báo thời tiết, nhẩm lui nhẩm tới một hồi rồi quyết định "trảy lá mai''''. Không biết ba trồng hồi nào, chỉ biết rằng từ khi sinh ra tôi đã thấy chậu mai nằm giữa sân nhà, được uốn thành ba vòng tròn rất đẹp.
    Nhà tôi hồi trước có một cây vú sữa sai trái lắm. Lại còn trứng gà, đu đủ, chuối cau, khế chua, bông cẩn, chè tàu, cà chua, lá lốt, bầu, bí, mướp... sân trước, sân sau rợp bóng. Nhưng rồi cây thì bị trận bão kinh hoàng năm 85 đánh gãy, cây thì phải chặt để sửa đường, cây thì phải nhường sân cho ba đứa con nít ngày xưa thích ngồi dưới gốc cây chơi đồ hàng nhưng nay đã lớn, chỉ thích đi xe máy rầm rầm, thích có cái sân rộng để lái xe lao vèo từ hành lang ra thấu ngoài đường.
    Vườn cây ngày ấy ba tôi chỉ giữ lại chậu mai. Không phải là hoàng mai, bạch mai gì cả, mai nhà tôi là loại mai tứ thời, mùa nào cũng nở. Lá mai tứ thời dày, sẫm màu, hoa mai vàng rực, nhỏ như cái bánh bèo. Cây mai thanh mảnh, gọn gàng, nhưng trảy lá cũng lắm công phu. Phải nâng niu từng cành, phải nhẹ nhàng ngắt từng lá, kẻo lỡ mai đau, mai giận, Tết không nở hoa thì dù có mứt bánh đầy đủ vẫn thấy như Tết đã không tròn.
    Trảy lá xong, cả nhà lại ngong ngóng chờ hoa. Mọi người háo hức mong chờ khi lá non đâm chồi, khi nụ mai đầu tiên nhú lên. Rồi một buổi sáng thức dậy, bước ra sân thấy sắc vàng mơ he hé mỉm cười, là như thấy trong cơn gió lạnh ngoài kia mùa xuân đã đến thật rồi.
    Ngày xưa, chị em tôi thường đo với cây mai để biết mình cao hơn năm trước chừng nào. Lúc nhỏ, cả ba đứa thi nhau nhón chân mấy cũng không với tới một nhành mai. Rồi chị rồi em lần lượt vượt quá tầng một, ngày Tết không cần bắc ghế cũng có thể giúp ba trảy lá dễ dàng. Tôi lớn dần lên, xuân về hiên ngang đua sức trẻ với mai. Nhưng tôi chưa chạm tới được tầng hai thì đã không cao thêm được nữa. Em trai cao vượt chị, nhưng cũng không thể sánh bằng cây mai vốn cao quá mái nhà.
    Tôi đi xa, mỗi năm chỉ về được một lần. Ba mẹ tóc mỗi ngày một bạc, hai em mỗi ngày một lớn. Chỉ có cây mai bao giờ cũng vẫn kiêu hãnh đứng đó, bao mưa nắng đi qua mà sắc xuân chẳng phôi pha. Yêu kiều, duyên dáng làm sao, cây mai tứ thời nhà tôi. Tôi không cúi đầu chiêm bái mai như Cao Bá Quát; tôi thương mai như thương biết mấy không khí Tết vui tươi, đầm ấm, yêu thương ở nhà, để chừ ở xa nghĩ về sao cứ nghe trong lòng một niềm hoài nhớ không nguôi...
    Bây giờ Tết lại sắp về, ở nơi xa này con thầm hỏi, không biết ngày này ba trảy lá chưa ba?
    LÊ THỊ VÂN TRÌNH
    Christchurch, New Zealand ​
  10. goldenslumber

    goldenslumber Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    03/12/2002
    Bài viết:
    11
    Đã được thích:
    0
    Trời se lạnh, không khí mọi người mua quất đào làm cái lạnh tan dần đi. Mọi người trong nhà quây quần bên nhau. Cái không khí đó quen thuộc làm đối với tôi nhưng năm nay tôi lại phải ở lại đón Tết trong Sài Gòn. Tôi cảm thấy buồn, buồn thực sự vì tôi luôn cô độc. Đi giữa dòng người trogn đêm giao thừa, xem pháo hoa ở đường Nguyễn Huệ, tôi cũng thấy vui lên một chút. Sao đến gần Tết, cái cảm giác ấm cúng gia đình lại chạy đến như điều bất khả kháng. Tôi nhớ về gia đinh ở Hà Nội đang rất nhớ tôi, tôi một mình giữa đất Sài Gòn như kẻ lang thang nhìn ngẵm niềm vui của những gia đình khác. Tôi thích mảnh đất này, đã chọn nó là nơi lập nghiệp. Tôi chỉ ao ước 1 điều duy nhất là gia đình và tình cảm gia đình. Đó là thứ tôi không cảm thấy hiện hữu truớc mắt nhưng nó luôn tồn tại trong tâm trí tôi. Nhiều lúc thèm ăn 1 món ăn HN do chính tay mẹ tôi nấu, nhiều lúc thèm được gặp mặt những đứa bạn học chơi thân, tôi bất giác chợt buồn vì nghĩ đến mình đang sống 1 mình trong SGòn, không quen biết 1 ai cả. Tôi không biết mình định nói gì nhưng tôi biết là mình sống ở Sài Gòn và rất nhớ Hà Nội.

Chia sẻ trang này