1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Ti?ng hát c?a ngu?i dá(Truy?n c? dân t?c Rac Lay)

Chủ đề trong 'Văn học' bởi 1402, 02/04/2001.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. 1402

    1402 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/01/2001
    Bài viết:
    75
    Đã được thích:
    0
    Ti?ng hát c?a ngu?i dá(Truy?n c? dân t?c Rac Lay)

    Một buổi sáng, mỏm đá hình người trên đỉnh núi vùng Chư Bô-đa bỗng rùng mình rồi biến thành một em bé xinh đẹp. Nai Ngọc (tên em bé) mang tiếng hát hay đến lạ lùng của mình đi thuần phục muông thú, mê hoặc quân giặc, góp vui cho dân làng... Khi núi rừng bình yên, em lại về chốn cũ và trở lại kiếp đá trầm mặc tự muôn đời.

    Trên đỉnh một ngọn núi cao vùng Chư Bô-đa có một mỏm đá xanh giống hệt như hình một em bé kháu khỉnh, xinh xắn cưỡi trên một con voi. Mỏm đá đứng ở chỗ ấy tự bao giờ, không một ai biết cả. Chỉ biết từ trước, đời ông, đời cha, lâu lắm, mỏm đá ấy đã có rồi...

    ở trên cao, những tia nắng vàng rất dịu, những hạt mưa trong vắt, sáng như ngọc, thay nhau tắm gội cho mỏm đá. Và gió từ biển khơi phía đông, từ núi cao phía tây, rì rào nhè nhẹ thổi về, kể cho mỏm đá nghe thật nhiều chuyện lạ của những miền đất nước xa xôi. Chỉ những con chim bay cao nhất, xa nhất, mới đặt chân được tới đây. Trước cảnh mây núi đẹp tuyệt vời, chim chớp mắt, nghiêng đầu nhìn ngắm. Rồi chim vươn cổ, cất giọng hát cho mỏm đá nghe những điệu hát đẹp nhất, quý nhất của loài chim. Cứ thế tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, giọng nỉ non của gió, tiếng hót của chim, từ từ quyện vào từng thớ đá, thấm sâu vào mỏm đá hình em nhỏ đỉnh núi cao. Một buổi sáng, trời trong suốt, gió thoảng nhẹ, núi rừng trải rộng ra và im lặng. Mỏm đá hình người bỗng nhiên rùng mình nhẹ, khẽ cựa quậy, rồi từ từ biến thành một em bé bằng thịt bằng xương, xinh đẹp chưa từng thấy. Em bé đứng yên lặng, mở to mắt nhìn núi, nhìn mây, mỉm cười vui thích, rồi thong thả bước xuống núi.

    Sáng hôm ấy, dưới chân núi, dân làng, từng toán, từng đoàn, vai mang gùi, tay cắp rổ, đang tấp nập suốt lúa, bẻ ngô.

    Bỗng nhiên, từ phía rừng xa, nai, mang, công, trĩ, chim phí, lợn rừng, từng đàn kéo về đông nghịt.

    Động rừng rồi! Chưa năm nào động rừng giữ dội như năm ấy. Dân làng hoảng hốt cầm gậy chạy đuổi đằng đông, chạy dồn đằng tây, rướn cổ, gào thét đứt cả hơi, để đuổi thú, đánh chim mà vẫn chẳng ăn thua gì. Mọi người lại ào vô rừng, hối hả dứt hàng vác mây song, về giăng chằng chịt, buộc bù nhìn, rồi gõ chiêng, khua mõ, nhưng vẫn vô hiệu. Cuối dùng, họ phải bỏ cả nương rẫy mùa màng, chạy như bay về buôn làng, tìm lao, kiếm nỏ...

    Vắng bóng người, chim lông vàng, lông đỏ chắp cánh bay, xa trông như một đám mây ngũ sắc. Hươu sao, nai vàng, hàng đàn kéo thẳng tới, xông vào nương rẫy. Giữa lúc ấy, em bé từ trên núi cao cũng vừa xuống tới nơi. Em bé đứng nhìn đám muông thú mà cười, vẫy tay đùa bỡn với chúng. Thấy chuyện lạ, chim sà xuống bìa nương, ngẩng đầu, lấm lét nhìn, hươu sao, nai vàng cũng lùi lại bãi gianh rộng, vẻ ngờ vực, mắt giương tròn lơ láo. Bỗng nhiên, em bé từ từ mở miệng, cất giọng hát. Tiếng hát của em vang khắp nương rẫy, núi rừng. Tiếng hát mới hay làm sao, lôi cuốn như hoa thơm quyến rũ ong vàng **** trắng.

    Nghe tiếng hát lạ lùng ấy, từng đàn chim công, chim sẻ, từng đàn hươu, nai, lợn lòi..., tất cả đều quên mất chuyện phá lúa. Chúng gật đầu, xòe cánh, đập đập móng... và bắt đầu nhảy múa nhịp nhàng. Tiếng hát khoan thai, chúng nhảy chậm, tiếng hát dồn dập, chúng nhảy nhanh; tiếng hát dặt dìu, chúng lim dim mắt, gật gù như người chếch choáng hơi men.

    Khi dân làng cầm lao vác ná chạy ra đến nương rẫy, nghe tiếng hát, thấy cảnh ấy, mọi người đầu sửng sốt, kinh ngạc. Lũ muông thú vẫn cứ mê say nhảy múa, mãi cho đến khi nhận ra dân làng đang cầm lao, ná, ập tới, chúng giật mình, đập cánh bay vù, chen nhau chạy đi mất. Dân làng vây quanh em bé, mừng rỡ như gặp được tiên. Họ tranh nhau hỏi em bé từ đâu tới, học ở đâu mà có tiếng hát thần tiên như vậy. Nhưng em bé chỉ cười, dân làng lại hỏi em tên gì, em cũng chỉ cười. Tiếng cười giòn giã làm rộn lòng dân làng, và nụ cười tươi tắn làm rạng rỡ khuôn mặt xinh xắn của em. Dân làng liền mời em bé về làng. Họ sửa soạn đốt lửa, dựng chòi (1) cho em bé hát. Một cô gái xinh đẹp nhất làng thấy em bé đáng yêu quá, liền đặt cho em là Nai Ngọc. Nghe tên ấy, em gật đầu, rồi lại cười, dân làng cũng cười theo, vui thích.

    Tối hôm ấy, trăng sáng lắm, Nai Ngọc ngồi giữa dân làng cất tiếng ca. Em hát những bài anh hùng ca cho bà con nghe. Trăng lặn, sao mờ, nhưng không một ai chịu về ngủ. Họ ngồi ngủ như vậy cho tới lúc nắng vàng chiếu rọi trên nương.

    Từ đó, Nai Ngọc sống chung với dân làng. Tiếng hát của em khiến mọi người làm việc không biết mệt mỏi, tiêu tan mọi sự buồn nản, khiến cho nương đầy lúa, rẫy đầy bông, rừng núi nở đầy hoa.

    Nhưng một ngày kia, khi Nai Ngọc đang cùng dân làng làm việc trên nương, thì bỗng thấy bốn phương lửa cháy rừng rực rồi tiếng chiêng, tiếng trống rầm rập nổi lên, có những người đội khăn đỏ, ngồi trần trên lưng ngựa, phi như gió, vải đỏ thắt chéo trước ngực, tay họ cầm đuốc, tay cầm ớt chín, cầm vòng đồng(2), đi hết làng này sang làng khác. Lệnh truyền của Mơ-Tao Giơ-rai vang khắp nơi: - Giặc sắp lên cướp phá quê ta! Chúng kéo đi đông như lá rừng, nhanh như chớp giật. Ai là người thương mẹ, thương cha, ai là người thương đất nước ông bà, hãy mau ra đánh giặc! Nghe tin, dân làng liền bỏ cả công việc, chạy ào ào về làng. Từ thanh niên trai tráng đến các cụ già, thảy đều cầm chặt tên nỏ, giáo mác, sẵn sàng cùng Mơ-Tao đi đuổi đánh bọn giặc. Nai Ngọc cũng cầm khiên, đao, theo đoàn quân ra trận.

    Quân hai bên đã gặp nhau cùng xông vào đâm chém nhau, máu chảy tràn sông, đỏ suối. Nai Ngọc mở to mắt, trèo lên một mỏm núi. Tiếng hát trầm bổng cất lên. Tiếng hát vang trong tiếng sắt thép chạm nhau.

    Nghe giọng hát, quân địch ngừng tay đao kiếm, đứng sững sờ rồi binh khí tuột khỏi tay rơi xuống đất lúc nào không biết. Chúng từ từ ngã xuống, ngủ say như chết dưới chân những đàn voi, ngựa.

    Mơ-Tao hết lời khen ngợi Nai Ngọc. Mơ-Tao thưởng cho Nai Ngọc một trăm con voi ngà vàng, một trăm chiếc chóe ba(3) thật quý và một trăm người hầu hạ. Nhưng Nai Ngọc chỉ cười mà lắc đầu. Em lại cùng dân làng trở về nương rẫy, sớm chiều cất cao tiếng hát của mình cho bà con thân thích nghe.

    Được vài ngày thì dân làng bỗng không thấy Nai Ngọc đâu nữa. Em đã đi khỏi làng, một mình theo đường cũ trở lên núi. Dân làng vội vã đổ đi tìm, nhưng không thấy. Họ chờ đợi từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn, từ mùa xuân sang mùa hạ, từ năm này qua năm khác, nhưng vẫn không thấy Nai Ngọc trở về.

    Dân làng bảo với nhau rằng sau khi giúp dân trừ giặc, Nai Ngọc đã trở lên núi cao, biến thành đá như trước.

    Mọi người đều tin rằng một ngày kia, nhất định Nai Ngọc sẽ trở lại làm người, về với dân làng, và luôn cất tiếng hát cho núi rừng mãi mãi yên lành, tươi đẹp...

    ngọc anh
    (Sưu tầm, biên soạn)

    ---------------------------------

    (1) Ngày xưa có nơi ở Tây Nguyên, dân làng thường dựng chòi cho nghệ nhân đứng hát để tỏ lòng kính trọng, hâm mộ.

    (2) Thời xưa những người đi báo tin chiến tranh cầm đuốc và ớt tượng trưng cho sự khẩn cấp, cầm vòng tượng trưng cho lời kêu gọi đoàn kết.

    (3) Bình cổ bằng đất nung.


Chia sẻ trang này