1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Tiếng còi - Nhật Tuấn

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi Saodoingoilt, 30/05/2003.

Trạng thái chủ đề:
Đã khóa
  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Saodoingoilt

    Saodoingoilt Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    26/05/2003
    Bài viết:
    19
    Đã được thích:
    0
    Tiếng còi - Nhật Tuấn

    Tôi ra đời dưới một ... "ngôi sao tốt". Mở mắt nhìn xung quanh, tôi chỉ thấy rặt những con người sung sướng. Này nhé, ba tôi là một người giàu có, mẹ tôi biết lo toan làm ăn. Tôi lớn lên trong chiều chuộng của cả nhà và của những người thường lui tới nhờ cậy ba tôi.

    Người ta thường nói hạnh phúc là cái giá phải trả bằng nỗ lực. Điều đó đối với tôi hoàn toàn sai. Hết phổ thông, tôi vào đại học, tốt nghiệp đại học, tôi đi làm. ở cơ quan tôi được thủ trưởng nâng đỡ, người xung quanh cưng chiều. Ôi, đời đẹp làm sao, cứ thế mà tà tà đi tới, cứ như là thần số mệnh luôn đi kèm và mỉm cười với tôi. Trong cuốn từ điển của riêng tôi, chưa hề thấy xuất hiện hai từ "bất hạnh".

    Cho tới một hôm, thong thả gõ gót trên hè phố, tôi bỗng thấy vật gì đó rơi cạnh mình.

    - Cô ơi ... lượm giúp tôi.

    Tôi ngước lên và thấy một anh chàng đang vắt vẻo trên cái thang dựa vào tường. Tôi nhặt lên cho anh cái quẹt ga và tôi đâu có ngờ tôi đang nhặt lên nỗi bất hạnh đầu tiên. Anh cúi xuống cầm lấy, sững sờ nhìn thẳng vào mắt tôi rồi nhảy đại xuống đất.

    - Cám ơn cô. Cô thực là một người ... một người có đôi mắt thật lạ lùng, vừa trong sáng lại vừa đằm thắm.

    Tôi không quen cái lối tiếp cận sấn sổ như thế. Tôi định bỏ đi, nếu sự nhạy cảm con gái không thầm mách: anh ta đã tặng tôi một lời khen thành thực. Và thế là tôi quen Công, sinh viên Mỹ thuật năm cuối, lúc đó đang làm thợ sơn vôi kiếm thêm.

    Tôi có khá nhiều bạn trai - thủy thủ tàu viễn dương, cán bộ ngoại thương, hướng dẫn du lịch ... - toàn những người giàu có, sung sướng. Bởi vậy khi đến thăm Công tôi như lọt vào thế giới khác không thuộc về tôi. Anh ở tít trên lầu năm cư xá sinh viên trong căn phòng hẹp lủng củng những đồ đạc chỉ đáng vứt đi. Anh lót một tờ giấy trắng lên mặt ghế gỗ, vui vẻ mời tôi ngồi. Tôi ngồi ở đó suốt một buổi sáng, trước ánh mắt cháy rực của anh, để anh vẽ tôi lên tấm vái căng trên giá. Và rồi anh vứt bút, châm thuốc, quay bức tranh lại tôi. Chà ... một người con gái thật đẹp, giống hệt tôi tuy có phần hư ảo hơn, dịu hiền hơn. Tôi thốt lên:

    - Anh Công vẽ giỏi quá. Nhưng làm gì Thủy đẹp được đến thế ?

    - Được chứ, Thủy đẹp như thế đấy.

    Tôi cười sung sướng và bắt gặp cặp mắt anh đang đăm đắm nhìn tôi, một cái nhìn rất lạ, một cái nhìn yêu. Nhưng mà tôi không thể yêu Công, bởi một lẽ giản đơn: tôi đã có người yêu rồi, một người trong số những người giàu có và sung sướng như tôi đã nói ở trên. Cũng như học phổ thông, vào đại học, ra đi làm - tình yêu đến với tôi cũng xuôn xẻ, may mắn, chẳng có gì phải buồn lo, bất hạnh. Thắng của tôi cũng là kỹ sư, trưởng phòng kinh doanh một nhà máy nọ, trẻ khỏe, đẹp trai - mẫu lý tưởng cho các cô gái chọn lựa. Thắng nói năng rất chính xác, thích đi thẳng vào thực chất, không cần quanh co, giao tế. Chẳng hạn, anh tỏ tình với tôi như thế này: "Anh và em đều hội đủ điều kiện về gia đình, về thu nhập và con người để xác lập một tương quan. Tương quan đó người đời gọi là tình yêu." Tôi phá ra cười. Tôi không ưa cái lối nói trần trụi như thế. Tuy vậy, cái thực chất của Thắng mạnh quá, lấn át hết mọi thứ khiến tôi bỏ qua cho anh và chấp nhận xác lập với anh một tương quan như thế - tức là chúng tôi yêu nhau.

    Trong cái "tương quan" đó, Thắng đã lo hết cho tôi mọi việc - từ nhà ở, tiện nghi, quần áo cho tới cung cách sống với nhau sau này. Anh dặn tôi: "Bi kịch lớn nhất của hôn nhân là kết làm một hai con người khác giới tính, trong đó người này muốn biến người kia thành chính mình, tức là biến một người đàn ông thành đàn bà và ngược lại. Anh và em đều phải thấy trước điều đó để mà chấp nhận một sự tự điều chỉnh nhất định".

    Tôi hoàn toàn yên tâm với mọi sự sắp đặt của anh. Dự tính cặn kẽ đến thế, gia đình hạnh phúc là cái chắc. Vậy là ngay cả việc lấy chồng, nỗi băn khoăn lớn nhất của người con gái, thần số mệnh một lần nữa lại mỉm cười với tôi.

    Tôi không cho Công biết chút gì về "tương quan" giữa tôi và Thắng. Không biết các bạn gái khác có giống tôi không, tôi thích thả nổi cho một lô anh chàng cứ vây quanh tôi tha hồ nuôi hy vọng. Tôi không hề muốn lợi dụng, hoặc coi họ là thứ bồ "dự trữ", cũng chẳng phải vì thương họ mà không dám từ chối thẳng thừng. Tôi thích vậy thôi, thích duy trì cái mối "tương quan thứ hai" này và tôi gọi nó là bạn bè.

    Mọi người trong đám bạn bè này đều cố bày tỏ cho tôi thấy đã yêu tôi say đắm như thế nào. Có anh, ngày nào cũng vậy, nắng cũng như mưa, đến đứng trước cổng cơ quan tôi đúng vào giờ kẻng sáng và chiều chỉ để được ... nhìn thấy tôi và gật đầu chào. Có anh viết cho tôi hàng quyển thư, kèm theo những bài thơ tình dài dằng dặc. Riêng Công, rất lặng lẽ. Càng yêu tôi, anh càng vẽ miệt mài. Cứ sau một tuần, tới anh, tôi lại thấy một bức mới vẽ treo trên tường. Những bức tranh của anh đưa tôi vào không gian khác hẳn với cái hàng ngày tôi đang sống - hư ảo hơn, nhân ái hơn, rực rỡ hơn. Xưa nay tôi rất thích âm nhạc. Những lúc mệt mỏi vì làm việc, hoặc chán ngán về những lời dạy dỗ của ba mẹ, những lời lặp lại về hạnh phúc tương lai của Thắng, tôi thường trốn vào buồng đóng chặt cửa lại và mở nhạc. Tôi đắm chìm vào thế giới âm thanh của các thiên tài quá khứ và cảm thấy được rửa sạch mọi phiền muộn, chán nản, được an ủi và được cảm thông. Bây giờ đắm chìm trong không gian tạo bởi hình và màu của Công, tôi cũng thu nhận được những cảm xúc như thế, như khi nghe nhạc. Cái đó có lẽ không phải chỉ do tài năng của anh, cái đó còn là vì ... là vì tôi đã yêu Công.

    Nếu như mình nghĩ quá nhiều đến một người, lúc nào người đó cũng như trước mắt mình, thì tức là mình đã yêu người đó. Với Công tôi như thế đấy và tôi còn đi xa hơn, tôi tưởng tượng một cuộc hôn nhân với Công, trong đó tôi sẽ săn sóc, chiều chuộng, thúc giục anh mỗi sáng tạo. Tôi thả cho tưởng tượng đi khá xa, xa cho tới khi vấp vào một bức tường, thưa vâng, một bức tường làm tiêu tan mọi tưởng tượng. Bức tường đó - chính là đời sống, ở đó tôi nhìn thấy ba mẹ tôi đang bàn công chuyện, tôi nhìn thấy Thắng, chồng tương lai của tôi, đi lại, suy tính giữa những đồ vật đắt tiền. Và tôi nhìn thấy căn buồng chật hẹp và nghèo nàn của Công. Không, tôi không có con tim bằng vàng để có thể sống được với anh trong một "túp lều tranh". Tôi chỉ có một bàn tay nhỏ bé, vô hình, bóp con tim tôi lại mỗi khi nó muốn thổn thức, rung động khác cái nhịp đập thường ngày mà đời sống đã quy định cho tôi. Tôi cả quyết xóa đi mọi tưởng tượng ngọt ngào, xóa đi nỗi nhớ, xóa đi Công.

    Thế nhưng đời sống không chỉ có rặt những cái tôi dã thấy, nó còn một cái gì khác các cái đó, không tính đếm được, không cầm nắm được. Chính "cái gì khác" đó đã làm tôi ăn không ngon, ngủ không yên, sau một tuần cố quên Công để giữ mình trong khuôn khổ, chợt đùng đùng muốn xóa phăng hết đi để nhào tới với anh. Lúc ấy tôi sửa soạn rất nhanh, chạy ào ra phố vẫy xích lô, phăng phăng leo lên lầu và cuồng lên gõ cửa phòng Công. Anh vẫn lặng lẽ ngồi đó với cây bút vẽ. Tôi không nói năng gì hết, đi tới những bức tranh chìm đắm vào cái không gian trong sáng và rực rỡ đó.

    Công đứng dậy, nắm lấy tay tôi, tha thiết:

    - Nếu em muốn, toàn bộ những bức tranh này và cả những cái anh sẽ vẽ, tất cả đều thuộc về em.

    Trời ơi, tôi muốn lắm chứ, tôi muốn sở hữu luôn cả đôi mắt anh đang nồng nàn nhìn tôi kia, cả con người anh - một người rất tốt, có tài, có cá tính. Tim tôi run lên, toàn thân tôi sắp sửa ngã xuống theo cái nhịp đập dữ dội của nó. Chính vào cái lúc đó, bàn tay nhỏ bé và vô hình trong tôi đã giơ ra và giữ tất cả lại. Tôi lại nhìn thấy ba mẹ tôi, chồng tương lai của tôi, nhìn thấy những cái tôi vẫn thấy trong đời sống. Tôi bừng tỉnh, gỡ tay Công ra, ngồi lại bàn, gắng gượng trò chuyện như bạn bè.

    Từ nhà Công trở về trên chiếc xích lô chạy vòng vèo qua các phố, lần đầu tiên trong đời, tôi chợt oán trách cái ông thần số mệnh, vốn vẫn mỉm cười với tôi kia, sao không mang tới cho tôi một người chồng bằng cả Thắng và Công cộng lại. Tôi oán luôn cả Công lẫn Thắng - tại sao người này không có thêm được cái mà người kia có được. Tôi nghĩ tới mẹ tôi, xưa kia nổi danh tài sắc một thời, rốt cuộc rồi cũng lấy ba tôi, một người rất tốt, nhưng "khô như ngói". Phải chăng cả mẹ tôi và tôi đều có một giới hạn nào đó chia đôi cái mình mong muốn trong mộng tưởng với cái mình có được trong đời sống ? Ngày xưa mẹ tôi đã chấp nhận đời sống. Bây giờ đến lượt tôi, liệu tôi có giám bước qua giới hạn đó, tìm tới hạnh phúc như tôi mơ ước ?

    Sinh nhật tôi năm nay cũng vui vẻ như mọi năm. Đó là dịp ba mẹ tôi phô trương đời sống "thượng lưu", những người được ba tôi bao bọc đến bày tỏ lòng biết ơn và tôi gặp gỡ bạn bè để được nghe chúc tụng và được nhìn với ánh mắt cảm phục.

    Buổi tối, trong phòng khách lớn nhà tôi treo đèn kết hoa rực rỡ. Quà tặng để đầy chiếc bàn sát tường, trên đó có dựng bức tranh Công vẽ tôi khi tôi tới thăm anh lần đầu. Thắng ngồi cạnh tôi, hớn hở trong bộ âu phục đắt tiền, thỉnh thoảng lại bày tỏ cho đám bạn trai tôi được biết quyền sở hữu của anh đối với tôi bằng những cử chỉ săn sóc khá cường điệu. Công ngồi lẫn trong đám đông đó, ăn mặc xuềnh xoàng và đôi khi nhìn tôi dò hỏi và buồn bã. Nhưng tôi không quan tâm tới anh. Tôi đang ngồi trong căn buồng sang trọng nhà tôi, giữa những người giàu có và sung sướng như anh thủy thủ tàu viễn dương này, anh cán bộ ngoại thương kia và cả anh hướng dẫn viên du lịch kia nữa. Tất cả tạo thành môi trường của tôi, đời sống của tôi và Công ngồi đó như một người lạc bước vào nơi xa lạ.

    Thắng kéo tay, giục tôi thổi tắt 24 ngọn nến. Một anh bạn giơ tay xin khoan tắt nến và đề nghị tắt hết đèn để mọi người được hưởng ánh sáng của lửa nến trong chốc lát. Thắng vui vẻ đồng tình, đứng dậy đóng công tắc đèn và lập tức cả căn phòng chìm trong ánh sáng lung linh của 24 ngọn nến đang ra sức cháy. Khi trở về chỗ, đi ngang qua bức tranh, chợt Thắng dừng lại. Anh ngắm nghía giây lát rồi kêu lên:

    - Các bạn ơi, ra đây xem, cái bức tranh này rất lạ.

    Tất cả chúng tôi kéo lại đó. Dưới ánh sáng mờ, những chi tiết phụ trong tranh chìm đi, và nổi bật lên gương mặt một cô gái đẹp vơi đôi mắt dịu dàng và huyền ảo. Các bạn tôi trầm trồ:

    - Giỏi quá, vẽ hệt như người thực.

    Thắng hỏi to:

    - Các bạn không thấy gì cả ư ? Thử nhìn kỹ vai phải người trong tranh xem có thấy cái gì không ?

    Mắt chúng tôi lại đổ dồn vào cái điểm Thắng vừa nói. Chợt một người kêu lên:

    - Ô ... có cái đầu con rắn.

    Thắng reo lên đắc thắng:

    - Đúng rồi, đúng là có hình đầu một con rắn nhô lên bên vai phải.

    Tất cả mọi người ồn ào cả lên và đều nhận thấy đúng như Thắng nói. Và cả tôi nữa, tôi cũng nhìn thấy hệt như vậy. Tôi choáng váng cả người, mắt hoa lên và chợt thấy căm ghét Công. Tôi gắt to:

    - Bật đèn lên. Mời tất cả trở lại bàn.

    Đèn bật sáng. Tôi nhìn thấy bức tranh trở lại như cũ, đầu con rắn đã biến mất, và gương mặt tôi trong tranh vẫn nhìn tôi dịu dàng, hư ảo. Nhưng với tôi, giờ đây nó đã mất thiêng, tôi không còn muốn nhìn nó nữa, tôi lẳng lặng đi tới quay mặt bức tranh vào phía trong tường. Và rồi tôi nhìn thấy Công đi tới, anh tính nói điều gì đó, nhưng vấp phải cái nhìn giận dữ của tôi, anh khựng lại, lặng lẽ gật đầu chào và quay người bước ra khỏi phòng.

    Đúng lúc đó Thắng đến bên tôi, cầm tay dắt đến chỗ cắm nến. Tôi lần lượt thổi tắt 24 cây nến đúng theo phong tục tây phương giữa tiếng vỗ tay hoan hỉ của mọi người. Và rồi một quyết định đột ngột, hoàn toàn bất ngờ, ập đến với tôi. Tôi kéo tay Thắng, nói nhỏ vào tai anh. Mắt anh sáng lên, anh vui vẻ gật đầu. Và khi mọ người trở nên im lặng, Thắng khoác tay tôi đứng dậy sung sướng tuyên bố sự đính hôn chính thức giữa tôi và anh, và bảo rằng trong một ngày không xa chúng tôi sẽ làm đám cưới. Tôi không còn nhớ lúc đó mọi người đã chúc tụng tôi ra sao, vui vẻ thế nào, tôi chỉ còn nghe thấy tiếng ghế bị kéo, tiếng ly tách chạn nhau trong ánh sáng đôi lúc lại lóe lên của bộ đèn flash, và nỗi buồn chua xót dâng lên từ thẳm sâu trong tôi. Công ơi, hãy tha thứ cho em.
  2. Saodoingoilt

    Saodoingoilt Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    26/05/2003
    Bài viết:
    19
    Đã được thích:
    0
    "Hạnh phúc gia đình là cái ta phải chuyên tâm vào nó, hãy tước bỏ đi những phụ tùng cồng kềnh không cần thiết, chỉ có tác dụng gây rối". Thắng nói với tôi như thế, sau hôm sinh nhật. Tôi thấy ý kiến anh hoàn toàn hợp lý. Tôi ngoan ngoãn nghe theo, xóa đi các mối quan hệ thứ hai, giải tán đám bạn trai thường vây quanh tôi bày tỏ những "kỷ lục" về yêu. Thế còn bức tranh của Công ? Treo nó lên - tôi không thích, đốt nó đi - tôi không nỡ, chỉ còn một cách là trả lại Công. Thắng hoàn toàn đồng ý với tôi. Và vào một ngày đẹp trời, anh lái chiếc xe con của cơ qua chở tôi và bức tranh đi tới nhà Công. Để Thắng ngồi lại coi xe, tôi ôm tranh leo lên lầu. Chiếc cầu thang xoay tròn gợi lại những ngày nào tôi đến với Công. Những kỷ niệm êm đẹp đó tôi đã cố tình xóa nó đi bằng cách vin một cái cớ vu vơ để giận dữ một cách giảtạo. Không, Công chẳng có lỗi gì hết ngoài cái lỗi là một người không giàu. Chiếc cầu thang càng đưa tôi lên cao, tôi càng thấy thương anh và tự trách mình. Anh đã tốt với tôi biết chừng nào, đã yêu tôi say đắm và tận tụy biết bao. Anh không đòi hỏi ở tôi cái gì hết, anh chỉ cho tôi thôi - cho tình yêu chân thực, cho những sáng tạo bằng lao động thầm lặng. Vậy mà tôi đã đối xử với anh thật tồi tệ. Tôi đẩy cánh cửa khép hờ buồng anh, lách người vào. Công đang nằm mắt nhắm nghiền trên chiếc ghế bố, một cánh tay thõng xuống đất lăn lóc chiếc bút vẽ còn ướt sơn. Tôi bước nhẹ tới giá vẽ. Trời ơi, lại một chân dung tôi nữa. Anh vẽ tôi mặc chiếc áo tối hôm sinh nhật, tươi cười, rạng rỡ dưới ánh sáng của 24 ngọn nến. Anh đã ghi lại được vẻ mặt của tôi đúng vào lúc tắt đèn, lúc anh trở thành mục tiêu cho cả đám bạn trai tôi xì xào, đả kích. Anh đã lướt qua tất cả các cái đó, lướt qua cả cơn giận dữ vô lối của tôi để giữ nguyên cho đôi mắt anh cái nhìn trong trẻo và nhân ái của nghệ thuật. Tôi thấy cổ mình tắc nghẹn, nước mắt muốn ứa ra. Trong giấc ngủ, trông anh gầy ốm và khắc khổ. Chắc là khi vẽ xong, anh đã quá mệt và lăn ra ngủ. Tôi cứ đứng chết lặng giữa phòng, ôm khư khư bức tranh, chăm chú nhìn anh, chẳng biết nên làm gì. Và rồi anh mở mắt, thấy tôi anh ngồi dậy, giọng thảng thốt:
    - Thủy.
    Tôi bước lại gần. Nhìn bức tranh trong tay tôi, Công chợt hiểu, mặt tái nhợt đi. Anh lắp bắp:
    - Không đúng, không đúng như mọi người nói đâu, Thủy đừng ...
    Anh đứng bật dậy, lại bàn lấy chiếc khăn ướt lau sạch bụi trên bức tranh. Rồi anh loay hoay thắp chiếc đèn dầu, đi tới đóng lại hai cánh cửa sổ. Căn buồng tối hẳn, ánh sáng lờ mờ của chiếc đèn soi vào gương mặt tôi trong tranh. Không, bên vai phải của chân dung tôi chẳng có gì hết, cái vật gớm ghiếc mà mọi người đã suy thấy chẳng qua chỉ là một vệt bẩn gây ra trong lúc di chuyển mà Công vừa lau nó đi. Nỗi ân hận về sự hấp tấp của mình làm tôi xấu hổ. Công xoay bức tranh anh vừa mới vẽ về phía tôi. Cô gái với cặp mắt trong sáng, nụ cười tươi tắn đang nhìn tôi kia chính là tôi trong nghệ thuật. Tôi ở ngoài đời, tầm thường hơn cô ấy biết chừng nào.
    Công đã làm cho tôi đẹp lên rất nhiều trong tranh vẽ và tôi tin rằng ngay cả trong đời thực, anh cũng có thể làm cho tôi trở nên đẹp đẽ hơn nếu như tôi gắn bó với anh, tạo dựng hạnh phúc bằng chính hai bàn tay mình. Tôi bước lại gần anh, cố nói qua hơi thở:
    - Công .... em xin lỗi ...
    ánh mắt Công làm tim tôi đập rộn lên. Không chẳng có bàn tay nhỏ bé và vô hình nào giơ ra bóp tim tôi nữa. Tôi cứ tiến đến với anh. Và rồi ngay khi ngã vào vòng tay Công, tôi nghe thấy ở dưới phố vang lên tiếng còi ô tô. Thắng gọi tôi đó, gọi tôi trở về với cái đời sống chỉ có rặt những người no đủ, sung sướng, rặt những may mắn và những nụ cười của thần số mệnh. Cái vạch giới hạn kia đã ở ngay dưới chân tôi rồi. Có ai giúp được tôi bước qua nó ? Chẳng có ai cả, ngay cả Công nữa, anh cũng chẳng giúp gì cho tôi được. Dưới đường, tiếng còi ô tô lại vang lên giục giã và giận dữ. Tôi gục đầu vào ngực Công, khóc nức nở... .
    Cánh cửa thứ 9
    ~Trần Thuỳ Mai~
    Nghề nghiệp của anh buộc anh phải đi rất nhiều nơi còn cuộc sống của tôi lại luôn ở đây những ngày rất dài trong khu vườn lặng lẽ.
    Một ngày, một giờ, một khoảnh khắc nào đó, đột nhiên hai cuộc đời riêng rẽ bỗng đi chéo qua nhau. Đó là một ngày cuối năm, ngày khởi đầu của tiết lập xuân. Anh gọi điện nhầm đến nhà tôi. Mặc dù biết đã nhầm, anh không gác máy. Và chúng tôi nhận ra nhau.
    Sau đó ít lâu, chồng tôi bảo: "Bệnh tình của Quyên dạo này khỏi rồi sao?" Tôi chỉ cười lặng lẽ. Chứng thống kinh hành hạ tôi hơn hai năm nay. Những cơn đau khiến cơ thể tôi lạnh giá. Sau nhiều tễ thuốc đắng không chút kết quả, ông lang già cuối cùng đã khuyên tôi tìm tới sự tập luyện của tâm linh.
    Buthayoga, đó là thứ nghệ thuật làm nóng cơ thể từ sự khởi động của cái tầm thường bị vùi sâu che khuất. Trong bốn bức tường rêu này tôi có đủ thời gian và sự tĩnh lặng để làm việc đó. Nhưng linh hồn tôi không tĩnh. Tôi không phải là đạo sĩ. Tôi chỉ là một người đàn bà.
    Giờ đây, tôi dần dần ra khỏi cơn đau. Nhờ một sự tình cờ. Một giọng nói. Đó là anh.
    Có lần nào đó, tình cờ anh nhắc đến ngày lập xuân ấy: "Quyên có biết vì sao anh không gác máy không? Vì bỗng nhiên anh nghe trong giọng nói tưởng như bình thường của em một điều gì đấy, giống như tiếng kêu cứu của một người tù".
    Còn tôi, ngược lại. Từ giọng nói anh, tôi thấy màu xanh và những đám mây. Sau này tôi mới nhớ ra, đó là cảm giác khi thấy đường chân trời. Tôi đã có cảm giác ấy một lần, thuở bé, khi về thăm quê ngoại.
    "Alô, Quyên đấy à? Này, có phải em thường nghe người ta tả mặt trời mọc trên biển không? Vậy mà bây giờ anh đang nhìn thấy mặt trời lặn trên biển".
    "Sao thế? Vậy là mặt trời lặn ở phía đông?"
    "Không... - Anh cười, như thể đang nhìn thấy vẻ mặt ngơ ngác của tôi - Chỉ vì hôm nay anh đang ở Hà Tiên. Nơi đây biển ở phía tây đất liền, thế thôi". Trong tiếng anh cười, như có tiếng sóng biển, có ánh hoàng hôn cháy rực trên sông và phản quang của một vùng đất xa rất xa - nơi tôi chưa từng thấy bao giờ. Tôi có thể thấy gì, ngoài khi vườn nhỏ bị che kín. Nhưng ở đây, mặt trời, biển và sóng đang hiện ra trong bốn bức tường của tôi. Tôi đi bên anh, trên bờ cát. Nắng buổi chiều rất tươi đổ bóng chúng tôi trên những làn sóng mịn. Rồi cả hai cùng ngồi trên chiếc thuyền con, rẽ sóng về phía hòn Phụ Tử. Tóc tôi bay rối tung, trong khi anh chỉ cho tôi những hòn núi đã nhấp nhô trong vịnh Thái Lan. Tất cả đều nhuốm màu mặt trời chiều, mặt trời đỏ au đang từ từ lặn sâu và sóng biển.
    Ngoài cổng, Hoà đã về. Tôi ra mở cửa cho chồng. Chiếc Chaly trắng nổ máy xành xạch. Như mọi lần đi làm về. Hoà hỏi, giọng bình thản:
    - ở nhà có việc gì không?
    Cũng như mọi lần tôi trả lời:
    - Không, chẳng có việc gì.
    Tôi lấy nước cho Hoà rồi vào bếp sửa soạn bữa cơm. Hoà thả người xuống xích đu đọc báo. Làm sao Hoà biết, tôi vừa từ vịnh Thái Lan trở về, và giờ này trong tâm trí tôi vẫn chói rực một mặt trời trên biển tây.
    Anh là người đầu tiên giúp tôi biết người ta có thể sử dụng điện thoại để san sẻ cuộc sống với nhau, chứ không phải chỉ để trao đổi những thông tin ngắn gọn. "Hôm nay Quyên có gì vui không?". Tôi cố lục tìm trong ngày dài của mình một điểm sáng nào đó. Những cuộn len. Những tấm áo đan dở. Sự mưu sinh tủn mủn... "A, nhớ ra rồi, trước nhà em có một cái ao, sáng nay có một bông súng hồng vừa nở" "Hôm nay, người hàng xóm đến cho một con mèo màu lam đẹp lắm. Anh có tin có một con mèo màu lam không?". Có hôm anh gọi cho tôi đúng vào lúc tôi nấu xong bữa ăn chiều. "Quyên vừa nấu những gì, nói cho anh biết, cho anh thèm". Tôi kể cho anh nghe: canh mít non nấu tôm, cá bống kho tiêu, rau muống luộc... Anh hít hà trong điện thoại. Tôi rủ: "Đến đây ăn cơm" "ừ, nhớ để phần anh nghe..."
    Dần dần tôi bắt đầu tập cách thổ lộ những gì đã nén quá sâu trong tâm trí, điều trước đây tôi chưa hề quen. Tôi nói với anh về thời thơ ấu, khi mẹ đã bỏ đi và cha tôi đùm bọc đàn con trong một tình thương mà tôi linh cảm có lẫn lộn cả thù oán. Mỗi lần có lỗi, tôi bị đánh mà không được khóc. Giờ đây, trước những nỗi đau, tôi đã quen với lối khóc không trào lệ. Tôi đã câm nín như thế cả vào ngày đứa con trai lên mười được người em chồng đưa về San Diego làm con nuôi. Tôi ôm con vào ngực trước khi trao cho Hoành, bây giờ ngực tôi còn mãi hơi ấm nóng của đứa trẻ, khiến những phần còn lại của cơ thể tôi mãi mãi lạnh giá.
    Chồng tôi thoả mãn. Một căn nhà hương hoả, một công việc ổn định, một người vợ hiền, một đứa con trai may mắn được đỡ đầu và chắc chắn sẽ thành đạt. Hoà bảo tôi: "Vợ chồng mình sẽ sinh thêm đứa nữa". Nhưng tôi không sinh nở. Chứng thống kinh hành hạ
    tôi. Mỗi tháng một lần, cơn đau bắt tôi cắn răng, không rên rỉ. Mỗi lần ngồi tập môn Buthayoga, tôi thành khẩn nguyện cho mình khỏi bệnh. Những ngón tay, theo đà thúc đẩy của một ký ức siêu nhiên nào đó cứ xoa mãi trên bụng, trên thắt lưng tôi. Nhưng cánh cửa tâm linh không hề mở. Những ngón tay chịu không chạm nổi vào những vùng khuất lấp trong tôi.
    Nhưng bây giờ, trong bốn bức tường rêu đã có cả biển trời. Những cơn đau đã dịu xuống. Đã dứt.
    "Alô, Quyên đó hả? Hôm nay có gì vui?" "Hôm nay ngày rằm, người ta gánh hoa sen đến bán. Quyên mua hai bó hoa vừa trắng vừa hồng. Mua hạt sen để trưa nay nấu cháo chay" "Ngày rằm. Quyên ăn chay, còn anh đang ở trong rừng Xuyên Mộc. Người ta làm thịt rừng chiêu đãi, giết hai con nhím, một con cheo" "Ghê quá!" "ừ, lúc nãy sắp bị giết con cheo cứ ứa nước mắt. Nhìn thấy thương quá, không ăn được miếng nào. Thôi Quyên hãy tới đây đi. ở đây có một dòng suốt nước nóng, ngâm chân xuống thì uống bao nhiêu rượu cũng không say. Anh sẽ chỉ cho Quyên cây dầu lớn, có hoa rụng trắng xoá cả bãi cỏ". Tôi cùng anh lang thang trên bãi hoa dầu trắng phau rồi đi ra suối Bang mắc võng trên dòng nước. Tiếng suối chảy lúc trong vắt lúc trầm đục đủ cung bậc. Trên đầu tôi, trời cao vào xanh bao la.
    "Quyên ơi, em đã đến đây thì cũng có thể bay lên trời với anh được". Chợt tôi thấy mình vút lên giữa trời xanh. Tôi thấy anh ở bên tôi. Chúng tôi đang bay lên, và đang lơ lửng trước vực thẳm.
  3. Saodoingoilt

    Saodoingoilt Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    26/05/2003
    Bài viết:
    19
    Đã được thích:
    0
    Đó là ngày anh không chịu dừng lại ở tưởng tượng để chỉ đòi ăn canh mít non và cá bống kho tiêu qua đường dây điện thoại. Anh nói với tôi huyền thoại về chín cánh cửa. "Ngày xưa có người lạc vào sơn động và kết duyên với chúa Tiên. Một hôm chúa Tiên đi chầu Trời, giao cho chàng ta một xâu chín chiếc chìa khoá và dặn chàng mở cửa nào tuỳ thích, chỉ trừ cánh cửa thứ chín. Trong tám ngày chàng đã lần lượt mở tám cửa, mỗi khung cửa dẫn vào một cảnh giới tuyệt vời như trên thiên đường... chỉ còn cánh cửa thứ chín, chàng trai tự nhủ mình không được mở ra. Nhưng..."
    Cánh cửa thứ chín. Cánh cửa biết mở ra là tai họa mà mọi người cuối cùng đều đã mở. "Quyên ơi, Quyên hiểu anh muốn nói gì không?" "Em hiểu. Em thấy sợ"
    "Tại sao?" Tôi không biết làm sao giải thích nỗi sợ hãi của mình. Dường như đã đến lúc tôi có thể nhận diện thứ tình cảm trong lòng mình: Đây chính là tình yêu đang mỗi lúc mỗi lớn lên, và tôi linh cảm cuộc đời tôi sẽ sụp đổ dưới sức nặng của tình yêu ấy.
    Một ngày cuối hè, anh lại đi qua phố cổ. Anh muốn gặp tôi. Tôi ấp úng, cố gắng diễn tả cho anh biết rằng người ta thường khuyên đừng đùa với lửa. Đùa với lửa, sẽ bỏng tay, và tôi tự biết mình khong chịu nổi xót xa.
    Nhưng anh hứa không làm tôi bỏng. Không phải những hồi chuông điện thoại làm rối tâm tư tôi. Làm rối linh hồn tôi, chính là nỗi khát khao được nhìn thấy, dù trong một phút, cuộc đời bao la mà trước nay tôi mới chỉ nhìn trong tưởng tượng.
    Chín giờ tối đúng vào đêm hạ chí cuối cùng, tôi ra khỏi nhà qua cánh cổng gỗ cũ xưa rồi đi men theo bờ hồ trước mặt. Hoa sen cuối mùa lan toả mùi thơm trong ánh trăng. Anh đang chờ tôi bên kia hồ, dưới gốc cây xà cừ. Bóng đêm lẫn bóng trăng bao trùm lên thân thể tôi. Hai chân run run, tôi lúng túng, hoảng hốt, cảm thấy thất thố vì đã đến một nơi quá bất lợi cho mình. Nhưng ngay lúc ấy tôi cũng không kìm chế được mong muốn lao sâu vào khám phá một thế giới. Anh, anh cũng là một thế giới.
    Anh bước lại bên tôi, hay tôi đang chạy đến với anh, tôi không biết nữa. Rồi tôi cảm thấy tay anh, mắt anh, môi anh, tất cả rất giản dị, rõ nét và rất giống hình ảnh anh trong trí tưởng tượng của tôi. Anh rất ấm và dịu dàng. Đúng như lời hứa, anh đã không làm tôi bỏng. Tôi không bỏng. Tôi cháy.
    Lúc tôi trở về nhà, cánh cổng nặng khép hờ rên rỉ dưới tay tôi. Hoà đã ngủ say, tờ báo rơi trên ngực. Suốt đêm tôi như đang nằm duỗi trong một đám sương mù, lâng lâng, êm ái. Cũng trong đêm ấy, ước mơ được rực cháy suốt quãng đời còn lại chợt như một ám ảnh điên rồ thiêu đốt tâm trí tôi.
    Trời mờ áng, tôi ra sân, đi lảo đảo như người mộng du. Vượt qua cánh cổng, vượt qua cây xà cừ, vượt qua con đường sương trắng, tôi như người điên đến đập cửa căn phòng lạ.
    Người đàn ông của tôi hiện ra trước mặt.
    Trong lúc đi trên đường, bên tai tôi cứ lùng bùng những điều định nói cùng anh. Tôi sẽ nói rằng tôi không thể tiếp tục sống trong bốn bức tường lạnh lẽo. Tôi sẽ nói muốn cùng anh đi vớt mặt trời trên biển tây. Tôi sẽ chịu bỏng, chịu cháy để được đau đớn, được yêu thương. Tôi muốn chịu đựng mọi thứ trên đời, ngoại trừ sự tẻ lạnh.
    Nhưng lúc này, dưới ánh sáng quá rõ của ban ngày, anh hiện ra rất xa lạ với hành ảnh anh trong bóng trăng. Một người đang ông đến từ cõi khác. Tôi thấy mình đứng trên hành lang, trước người đàn ông này một cách vô lý, ngớ ngẩn và trơ tráo. Kêu lên một tiếng, tôi đâm đầu chạy ra đường. Có tiếng xe đâu đó thắng gấp...
    Không hiểu sao lúc đó tôi không biết sợ. Mãi đến lúc ngồi trên xích lô qua đường phố dài, cả người tôi mới bắt đầu run lên, cơn run rẩy không cưỡng được của người suýt chết.
    Hoà đang cho chim ăn trước hiên nhà. "Em đi đâu sớm thế?" - Giọng Hoà bình thản như mọi câu nói vào mọi giờ, mọi ngày khác. Tôi gắng gượng thốt lên một lời nói dối qua loa rồi bước vào nhà.
    "Sáng nay anh đi làm sớm, em cho anh ăn bánh mì với hai quả trứng". Hoà bảo không ngoái lại "Vâng, bánh mì với hai quả trứng". Tôi vào bếp với đôi chân chưa hết run. Hoà không biết nấu ăn, cũng không hề có thói quen ăn tiệm. Anh không thể nào xoay xở được nếu không có tôi. "Ngày mai là ngày hiệp kỵ, nhớ chuẩn bị đồ lễ đưa sang từ đường" "Vâng, em nhớ". Tôi trả lời, nhưng câu trả lời như tiếng vang không âm sắc.
    Khi chiếc xe Chaly trắng xành xạch đi rồi, tôi để rơi mình xuống ghế. Cơn đau chợt quặn thắt, mồ hôi rịn ra ướt cả hai tay tôi.
    Một hồi chuông reo.
    "Quyên ơi, em nghe đây, một người tù hèn nhát thì sẽ mãi mãi là một người tù".
    Tôi không dám nghe. Tay tôi run rẩy tháo dời dây điện thoại. Anh đã nói đúng, nhưng rất có thể chính anh cũng có bốn bức tường, hai cánh cổng ở đâu đó, và dù đi khắp nơi trên thế gian anh cũng không ra khỏi những thành trì, như tôi...
    Cả tuần sau, máy điện thoại tắt ngấm. Tôi hiểu thế nào là sự trống rỗng của lặng im. Căn phòng lạnh, yên lặng đè lên trái tim tôi như một khối nặng trịch vô hình. Sự yên lặng khắc khoải, đau nhói âm thầm trong lúc đi, đứng, nói cười, cố sống cuộc đời thường.
    Vẫn biết chân trời là nơi không đến được, nhưng dù sao tôi cũng phải có một chân trời.
    Đến ngày thứ tám, tôi nối lại đường dây. Nhưng chiếc máy không hoạt động nữa. Chồng tôi đã trả số thuê bao. "Anh thấy nó chẳng có lợi lộc gì mà nhiều khi lại mất ngủ. Chưa bao giờ anh thấy khoẻ như tuần qua, khi máy hư". Tôi lặng lẽ nhìn chồng với đôi mắt của người chết đuối. Cơn đau hành hạ tôi. Tôi âm thầm chịu, không rên rỉ.
    Đêm ấy tôi nằm mơ thấy một con nai trúng tên, nằm khắc khoải chờ chết trong một xó rừng.
    Sáng sớm hôm sau, trong lúc tập Buthayoga, hai tay tôi chợt rời thắt lưng, tự hướng về phái đầu, xoa mãi vào huyệt bách hội. Chợt như có dòng nước lũ xoáy mạnh làm vỡ cả con đập chắn ngang. Hoàn toàn không ngờ trước, tôi bỗng oà ra khóc, khóc tức tưởi, không sao cưỡng được. Những giọt lệ trào ra từ khoé mắt, những cơn rền rĩ thoát ra từ ***g ngực. Tôi khóc to, khóc thảm thiết, một thứ khóc vô thức kỳ lạ, giữa lúc tâm trí phiêu bồng như đang chìm giữa sương mù.
    Cơn khóc dừng khi tôi chìm vào giấc ngủ mê. Khi tỉnh dậy, tôi biết môn Buthayoga lần đầu tiên đã chạm đến điều gì đó trong linh hồn tôi.
    Chứng thống kinh của tôi đã dứt.
    Những hồi chuông điện thoại đã tắt.
    Không còn mây trời, biển và rừng trong bốn bức tường xây kín. Không còn gì nữa, và tôi cũng không còn đợi.
    Tôi can đảm dừng mình lại trong hai cánh cổng: Cánh cửa thứ chín của mỗi đời người.
    Tối hôm sau, trong bữa ăn, chồng tôi bảo:
    - Sáng hôm qua mình tập cái món dưỡng sinh quỷ quái gì mà cứ rền rĩ y như có ai chết không bằng.
    Tôi lặng yên. Làm sao nói cho Hoà hiểu được, một thế giới vừa bị lấp vùi. Tôi đã tự chôn mình cùng với thế giới ấy, và giờ đây, tôi đang khóc tôi.
    HẾT.
Trạng thái chủ đề:
Đã khóa

Chia sẻ trang này