1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Tiểu phẩm hài (Dave Barry)

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi slump, 21/12/2003.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. slump

    slump Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/04/2002
    Bài viết:
    1.195
    Đã được thích:
    0
    NHỮNG BƯỚC NGOẶT KHÓ QUÊN TRÊN TÌNH TRƯỜNG​
    Tình ái lắm khi làm cho người ta có những hành động đến là kì quặc, ví dụ như lần tôi tè vào bộ áo choàng của mình. Ðấy là hồi học lớp 6, khi tôi thật sự yêu lần đầu. Kể ra thì trước đó tôi cũng đã từng phải lòng cô bạn Michelle học cùng lớp 2 - Michelle là bạn gái duy nhất ở lớp nhớ được cần phải cất những chiếc bút phớt Crayola vào hộp theo thứ tự nào: đỏ, cam, vàng, xanh lá cây, xanh nước biển, tím, nâu và đen. Nhưng rồi Michelle không tỏ ra có năng khiếu gì hơn nữa, và hoàn cảnh cũng chia lìa hai đứa chúng tôi.
    Một thời gian dài sau đó không có ai làm tôi để ý lắm, mãi cho đến năm lớp 6, khi Susan chuyển đến học cùng trường. Cô bé hội tụ đủ những gì tôi thích ở bọn con gái: thấp. Chỉ có mỗi một khiếm khuyết là cô bé thích ngựa quá. Cô ấy thậm chí còn mơ tưởng đến một chú ngựa nào đó tên là ''Frosty''. Tôi vẽ chữ ''Sue'' và vở của mình, ***g trong hình trái tim. Còn trong vở của Susan tôi thấy hình chữ ''Frosty''. Bây giờ nghĩ lại tôi thấy là chúng tôi kết đôi thế nào được kia chứ.
    Nhưng biết đâu đấy, tôi vẫn thử. Tôi đã mời Susan tham dự Dạ hội Hallowen. Ðấy là một việc làm phải nói là ''phi thường'': một học sinh lớp 6 nói chung sẽ không mời bạn gái đi hội Hallowen. Những gì cu cậu làm vào đêm hội là lấy trộm xà phòng cạo râu của bố, sau đó gia nhập cùng đám con trai khác đi xịt xà phòng vào ô tô hay hộp thư ngoài đường, rồi chạy nhống lên như vừa cướp nhà băng. Khi ló mặt đến Hội Hallowen năm ấy do mẹ tôi chủ xướng, tôi đã trở thành một điều gì đó thật bất thường vì trong đám bạn cùng lứa tôi là đứa con trai duy nhất xuất hiện cùng con gái, hay nói một cách chính xác hơn là đứng trong vòng 3 mét với một đứa con gái. Thế là chốc chốc lại có mấy cu cậu nào đó chạy ra, xịt xà phòng về phía tôi rồi biến dạng sau quầy. Quãng thời gian giữa những lần bị tấn công ấy, tôi và Susan tâm sự với nhau về chuyện ngựa và nhảy theo điệu bài "Mack the knife".
    Rốt cuộc thì tôi cũng có nhu cầu cần phải vào nhà vệ sinh. Nhưng tôi đâu dám vào đấy vì nhà vệ sinh lúc bấy giờ là "căn cứ trung tâm toàn cầu của đội xà phòng cạo râu". Thế là tôi đành phải ra ngoài chỗ tối. Tôi xin viết rõ một chút rằng lúc ấy tôi bận một chiếc áo choàng nhung đen. Mục đích làm sao cho giống anh chàng Zorro phong tình bảnh bao trên màn bạc, nhưng kì tình tôi trông không khác gì một con dơi đeo kính. Tôi đâu có quen xả hơi ngoài chỗ tối mà lại mặc áo choàng như vậy. Kết quả là chiếc áo chùng xuống và ướt hết cả. Tất nhiên đó là thời điểm thảm hại nhất trong đời, mà mãi cho đến hôm nay tôi vẫn không hiểu được là tại sao tôi đã không nhận ra điều ấy và rút súng tự sát quách cho xong. Thay vào đó tôi đã quay lại đám hội, mang theo cả cái mùi không khác gì căn phòng Gentlemen ở nhà ga xe lửa. Chuyện với Susan thế là đi tong.
    Gần đây tôi có dịp gặp lại Susan tại cuộc gặp mặt tựu trường sau 15 năm. Cô ấy không đả động gì đến vụ Hallowen năm nọ. Chắc là cô ấy muốn tỏ ra tử tế thế thôi, chứ thực tình cô ấy hẳn vẫn luôn nghĩ về chuyện đó và thỉnh thoảng phá ra cười khi đứng xếp hàng trả tiền ngoài siêu thị.
    Bước chuyển biến tiếp theo là vấn đề bộ ngực. Bọn con gái nghỉ hè hết lớp 6 còn chưa có, và bước vào lớp 7 với đầy đủ cả. Cứ như thể tất cả vừa qua một khoá tập huấn thể hình vậy. Bọn con trai chúng tôi từ trước đến giờ, đành rằng vẫn phải công nhận một điều là chúng tôi luôn để ý đến con gái, nhưng vẫn chưa biết rõ là mình muốn gì, thì nay đột nhiên lại hiểu ra chính xác là mình muốn gì ở bọn con gái: muốn nhìn thấy con gái ở trần. Bọn con trai chúng tôi dành hầu hết thời gian đi dạo để tưởng tượng và luận đàm xem bộ ngực con gái thật sự trông nó ra sao. Tất nhiên hồi bấy giờ đâu đã có các thông tin đáng tin cậy về đề tài này.
    Trong suốt thời gian lớp 7 và 8, tôi theo đuổi Barbara. Nàng đeo đầy cổ vòng kim loại các loại, có lẽ đủ để nạp đạn cho mấy khẩu súng máy. Nhưng bù lại nàng không ưa gì lũ ngựa và có những đồn đại rằng một lúc nào đó sẽ được nàng cho phép hôn. Nhà nàng cách nhà tôi 7 dặm. Có một ngày thứ Bảy nọ, bất chấp trời đông tháng giá tôi vẫn tha thẩn lang thang quanh nhà nàng đến những hai giờ đồng hồ, với một tia hi vọng trong đầu rằng liệu có một lúc nào đó nàng chợt mở cửa, chạy ra khỏi nhà, ôm choàng và hôn tôi. Tất nhiên điều ấy không xảy ra, rất có thể đó chẳng qua là vì đôi môi của tôi lúc bấy giờ đã lạnh cóng và biết đâu sẽ đóng thành băng mất khi chạm đến những chiếc vòng cổ của nàng.
    Cuối cùng thì tôi cũng hẹn gặp nàng. Tôi thu xếp cuộc hẹn qua một tay trung gian - đấy là cách người ta vẫn thường tiến hành hầu hết các hoạt động xã hội thời bấy giờ. Người trung gian là Pat, bạn thân của nàng. Với sự giới thiệu của Jeff, tôi và Jeff đã gặp Pat, đề nghị rằng tôi muốn rủ Barbara đi xem phim. Pat đã chuyển đề nghị này đến Barbara, để rồi sau một vài thảo luận, chúng tôi đi đến quyết định là cả bốn đứa sẽ cùng đi xem phim.
    Ðến ngày hẹn, tôi và Jeff dành mất cả tiếng đồng hồ để chuẩn bị cho thật chu đáo, trong đó phải kể đến khoản súc miệng nhiều lần bằng "hương liệu mạnh" Listerine, rồi sau đó hai đứa kiểm tra hơi thở của nhau. Bộ phim mang tiêu đề "Bắc tiến Alaska" - đấy là tất cả những gì tôi còn nhớ được về bộ phim vì trong suốt hai tiếng đồng hồ tôi phải luôn luôn chăm chút điều chỉnh vị trí cánh tay trái sao cho nó quàng qua chỗ ngồi của nàng, dịch dần đến bờ vai của nàng với một khoảng cách là một phần tỉ milimét, nhưng không một lần chạm vào thân hình nàng. Thỉnh thoảng tay tôi lại nhói lên đau điếng và tôi không khỏi hồi hợp thở mạnh ra toàn mùi Listerine. Nhưng tôi chỉ dừng lại ở đó bởi vì, lạy Chúa, tôi đang thực sự được quàng tay qua vai người tôi hằng yêu dấu, và tất cả những thứ đó có lẽ cũng đã đủ làm tôi phát điên lên mất, nhất là khi mơ tưởng đến lúc chào tạm biệt nàng bằng một nụ hôn.
    Vâng, chúng tôi đã chia tay đúng như vậy. Thật là một buổi tối hoàn hảo, chỉ trừ có đoạn cuối là Jeff không biết đã chui từ chỗ nấp ra lúc nào, miệng phát thành tiếng và tay khua lên mấy động tác bắt chước làm cho Barbara phải bật cười khúc khích. Nhưng đấy chỉ là chuyện vặt. Quan trọng là nàng đã hôn tôi, và tâm hồn tôi đắm say ngây ngất trong tình yêu mãi cho đến ngày hôm sau, khi Jeff thông báo là nàng đã thực sự quan tâm đến một anh chàng Wayne nào đó. Vậy là hết. Barbara và Wayne trở thành một cặp nghiêm túc, và tôi tin rằng họ đã cưới nhau.
    Tất nhiên, bây giờ tôi đã trưởng thành hơn nhiều so với hồi cắp sách đến trường, và tôi cũng đã học được nhiều điều về cuộc sống ái tình. Nhưng đến hôm nay tôi vẫn thường nhớ đến Barbara như một kỉ niệm ngọt ngào, và vẫn thường tự hỏi không biết bây giờ nàng sống ra sao? Nàng còn nhớ đến tôi? Nàng có hạnh phúc không? Nàng đã từ bỏ những chiếc vòng năm xưa chưa? Nàng có nhận ra rằng Wayne chỉ là một gã tẻ nhạt không? Tất nhiên điều đó chẳng liên quan nhiều đến tôi.

    Attack is the best form of defenseRoberto Carlos
  2. slump

    slump Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/04/2002
    Bài viết:
    1.195
    Đã được thích:
    0
    LÀM CHỦ STRESS​
    Khi đang ngồi ở văn phòng với hàng đống việc phải làm, kể cả việc phải viết một bài đăng báo cho kịp hạn, tôi nhận được một cú phone thông báo Công ti Ðiện lực vừa cắt điện nhà tôi.
    Nếu tình huống khó chịu kiểu như vậy xảy ra mấy năm trước đây, tôi hẳn sẽ không thể nào kiềm chế được mình với hàng chuỗi những cáu giận bực tức không đâu vào đâu. Nhưng bây giờ tôi đã ý thức một điều rằng Làm Chủ STRESS là một nghệ thuật sống mang tính quyết định cho việc bảo vệ và giữ gìn sức khoẻ. Vì thế tôi gác điện thoại, hít một hơi thật sâu, tiếp đó từ từ thở ra, rồi đấm một cái xuống bàn với một sức mạnh đến nỗi ba ngày sau tôi không nắm tay lại được.
    Sau đó tôi dùng tay kia để gọi điện đến Công ti Ðiện lực, cái công ti sử dụng hệ thống điện thoại do những kẻ quá khích thiết kế với sự trợ giúp của Hãng Dịch vụ Kiểm tra Trình độ Học vấn, vì thế muốn gọi vào Công ti Ðiện lực, khách hàng phải dùng hàng loạt những phím ấn này nọ để trả lời hàng đống câu hỏi lựa chọn ("...nếu quí khách biết tên của mình nhưng không biết họ của mình, xin vui lòng ấn số...") - tất cả chỉ để Công ti Ðiện lực tin chắc rằng người gọi là một khách hàng xứng đáng được tiếp chuyện qua phone.
    Trong khi chờ đợi, tôi chế ngự stress bằng cách bình tĩnh vạch ra những luận điểm để nói:
    1. Ðồ ngu.
    2. Hãy đóng điện trả cho nhà tôi ngay lập tức.
    3. Cái đầu của các người dùng để làm gì?
    4. Pez?
    Tôi đang mài giũa cho bén nhọn những luận điểm trên thì người đại diện dịch vụ khách hàng trả lời điện thoại và lập tức làm tôi bực mình bằng cách - tôi đoán chắc rằng đấy là chiến thuật có chủ tâm của cô ta - tỏ ra lịch sự. Cô ấy giải thích cho tôi rằng nhà tôi bị cắt điện bởi vì - kèm theo hàng đống lời xin lỗi - tôi chưa trả tiền điện.
    Thật quá thể. Tôi chắc chắn sẽ thuê một đội đầu gấu đến san phẳng và lấy sạch đến từng volt cuối cùng của Công ti Ðiện lực nếu như không vì một lí do duy nhất đã làm tôi suy nghĩ lại, đó là một thực tế rằng tôi vẫn nợ hoá đơn tiền điện. Người ta lắm khi xếp lại thành đống những giấy tờ thực sự phải xử lí ngay nhưng lại cứ lần lữa không mó đến với một hi vọng thầm kín - sự lạc quan điên rồ - rằng một sao chổi khổng lồ nào đó sẽ đến quét sạch tất cả và như thế sẽ thoát nợ. Ðấy chính là tình huống giống hệt chồng hoá đơn của tôi.
    Cô đại diện dịch vụ khách hàng lịch sự đến mức khó chịu kia nhắn rằng nhà tôi sẽ có điện trở lại trong ngày nếu tôi thanh toán hoá đơn trước 2 giờ chiều. Cô ta yêu cầu tôi thanh toán ở một hiệu thuốc gần nhà. (Tôi không li giải được tại làm sao người ta không đề nghị tôi thanh toán tại chính Công ti Ðiện lực; phải chăng họ muốn giấu kín bí quyết sản xuất điện, mà có lẽ đó là cọ vào thảm bằng những chiếc giày khổng lồ).
    Vậy là tôi phải quay gấp về nhà để lấy hoá đơn, và như lệ thường, chiếc ô tô của tôi lại hết xăng. Tôi dừng xe tại một trạm xăng đa dụng, nơi người ta kết hợp bán đủ mọi thứ như bia, thuốc lá, tạp chí, mũ, bít tết dai, và bánh sandwich cứng ngắc. Như lệ thường tôi xếp hàng ngay sau một gã nhà quê đang mải nướng nốt những đồng tiền cuối cùng của gia đình hắn vào quầy xổ số để tham dự Xổ số Quốc gia kèm theo những toan tính rắc rối đến mức cả ba tay bán hàng phải phục vụ hắn chăm chút trong những 15 phút liên tục. Trong lúc đó tôi hoàn toàn làm chủ stress của mình bằng cách chằm chằm ánh mắt laser dường như có thể khoan thủng hộp sọ của hắn, đồng thời không ngừng rên xiết âm thầm trong đầu: Sao lão không biết tiếc thời gian ư? Sao lão không quẳng quách chỗ tiền kia vào lửa có nhanh hơn không?
    Như vậy quí vị có thể hình dung được là tôi đã trong trạng thái hoàn toàn không stress trong khi thời hạn 2 giờ chiều đang mau xích lại gần. Cuối cùng tôi cũng quay được ra đường cao tốc và nhanh chóng chui vào đoạn tắc đường, xếp ngay sau xe của một gã có cái tai to như cái đĩa bánh. Hắn chắc hẳn vừa từ năm 1937 đến thế giới văn minh này và chưa từng bao giờ được nhìn thấy đèn hiệu rẽ trái. Quí vị có thể thấy hắn đang chăm chú nhìn, nghiên cứu ý nghĩa của nó - đèn hiệu màu vàng, hình mũi tên chỉ sang trái, ngay ở làn đường bên trái, vậy cái đó có ý nghĩa như thế nào ấy nhỉ...? - trong khi bao nhiêu công dân chúng tôi phải vất vả làm chủ stress của mình bằng cách đấm mạnh vào nút còi để rồi phải rít lên đau đớn vì vừa vô tình sử dụng đúng cái tay trước đó đã dùng để đấm mạnh xuống bàn.
    Vào phút chót tôi cũng mò đến được hiệu thuốc, một cửa hàng chật hẹp, tối tăm, xấu xí bên đường, và xếp hàng cuối cùng sau một dãy dài những người đến thanh toán các khoản chi phí bằng tiền mặt: họ rút lần lượt từng tờ 1 đô ra khỏi ví với tốc độ vô vàn chậm rãi cứ như để chứng tỏ rằng họ không nghe được những tiếng rên xiết trong đầu tôi - Nhanh lên, đồ ngốc - nhưng kì tình họ biết thừa họ đang làm gì, bởi vì tất cả đều cùng một bọn: cả Công ti Ðiện lực, cả tay lái xe tai to, cả gã nhà quê chơi xổ số, cả trực thăng Liên bang luôn theo dõi những công dân như tôi, vâng, tất cả bọn chúng. Chúng phối hợp hòng để làm tăng stress chúng tôi, tôi biết tỏng những âm mưu của chúng và âm mưu của chúng tất yếu sẽ thất bại, Ha ha ha.... mà này, các người hãy tránh xa tôi ra....
    (Ghi chú của Ban biên tập: Hôm nay không có bài của Dave Barry. Anh ấy xin nghỉ phép một tuần.)

    Attack is the best form of defenseRoberto Carlos
  3. slump

    slump Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/04/2002
    Bài viết:
    1.195
    Đã được thích:
    0
    MÁY TÍNH ĐÃ THAY ĐỔI ĐỜI TÔI​
    Máy tính không còn là một thiết bị cồng kềnh, phức tạp, đắt tiền mà nhiều hãng lớn phải kêu trời mỗi khi đặt hàng. Nhờ có những thành tựu của điện-điện tử, máy tính hôm nay là một thiết bị gọn gàng, đơn giản, rẻ tiền mà quí vị có thể dùng tại nhà.
    Nếu quí vị đọc những tạp chí về các xu hướng phát triển hiện nay trên thế giới như Time hay Newsweek, quí vị sẽ thấy trong những năm gần đây hầu như mỗi công dân, đàn ông, đàn bà, trẻ em, đều đã có một chiếc máy tính cá nhân tại nhà. Quí vị cũng gặp rất nhiều bài nói về những người bình thường như quí vị đã tìm thấy ở máy tính sự trợ giúp đắc lực cho công việc tại nhà ra sao.
    ''Bob và Dorris Pullet ở Full House, Texas, đã sử dụng máy tính cá nhân vào nhiều việc gia đình khác nhau. Chẳng hạn quản lí các món trong phòng ăn. "Máy tính thực sự rất tiện dụng," Dorris nói, "Trước đây chúng tôi phải chạy ra mở cửa phòng ăn và đếm xem còn các đồ ăn nào, ví dụ còn bao nhiêu súp mướp gà. Bây giờ rất đơn giản, tôi chỉ cần bật máy lên, gõ mật khẩu, đưa vào một vài câu lệnh và nhận được câu trả lời, ví dụ GAMUOP 2;87;74, nghĩa là tôi còn 2 nồi súp mướp gà, trị giá 84 xu một nồi. 74 xu là giá ước định theo lạm phát. Bob đang thiết kế một chương trình quản lí các loại đĩa ăn còn tốt trong nhà."''
    Sau khi đọc khoảng ba chục bài như vậy, tôi quyết mua một chiếc máy tính cá nhân. Ban đầu tôi muốn dùng để quản lí các số liệu. Tôi đã gặp rất nhiều khó khăn trong quản lí số liệu của mình. Ðại thể thế này: Tôi nhận được một bức thư từ bưu điện giải thích rằng, "để nhân viên luôn trong môi trường làm việc năng động họ sẽ tính cước hai tuần một lần." Tôi cho thư đó vào cặp tài liệu, nhãn ''Bưu điện'' sau đó cho vào tủ giấy tờ. Nay tôi có tất cả 300 cặp tài liệu, trong đó khoảng 200 chiếc mang nhãn ''Bưu điện''. Kết quả là tôi không còn có thể tìm được cái gì nữa. Vì thế tôi đã nghĩ đến máy tính.
    Tay bán hàng nói rằng máy tính không chỉ giúp tôi theo dõi tài liệu mà còn làm được rất nhiều hơn thế, ví dụ quản lí các khoản thu nhập và tính thuế. Tôi rất ngỡ ngàng vì chính tôi đã rất đau đầu trong lần tính thuế năm ngoái. Không ngần ngừ thêm một giây tôi mua ngay một chiếc với khoản tiền dư cho một chuyến sang Hawaii dài ngày.
    Về nhà, tôi nhận ra mình đã mua phải một chiếc máy rất đần độn. Tôi cứ hay bị hố như thế. Mấy năm trước tôi có mua con Shawna, loại chó chăn cừu nòi Ðức, giống chó thông minh chuyên phát hiện trộm và phản ứng bằng những cú cắn nhanh gọn. Nhưng là một đột-biến-trong-xác-suất-một-phần-triệu, con Shawna nhà tôi chỉ biết tấn công mỗi cái túi sữa. Giá như có tên trộm nào lẻn vào nhà tôi mà đeo bên mình một cái túi sữa, Shawna sẽ hoàn thành mĩ mãn nhiệm vụ trông nhà của mình.
    Nhưng đứng cạnh máy tính mới, Shawna vẫn còn thông minh như Albert Einstein. Sau khi bật, máy tính chẳng chịu quản lí các thư từ bưu điện mà lại hỏi một loạt các câu hỏi ngớ ngẩn, ví dụ hôm nay là ngày bao nhiêu. Tôi gõ phím trả lời:
    "Khỏi bận tâm hôm nay ngày mấy. Hãy quản lí các thư từ thật gọn ghẽ. Hãy đưa ra bảng kê rành rọt các khoản thu chi và tính thuế. Tôi muốn đóng thuế ít nhất mà không bị đưa ra trước vành móng ngựa."
    Và máy tính trả lời:
    "Sai cú pháp"
    Quí vị có tin nổi không? Cái máy của nợ không biết đến cả hôm nay là ngày nào lại dám bảo tôi, một nhà văn chuyên nghiệp, đã viết sai cú pháp. Tôi lập tức lộn lại cửa hàng. Tay bán hàng bảo là, nếu tôi muốn máy tính quản lí số liệu thì phải mua thêm phần mềm nào đó giá đến mấy trăm đô la. Vì trót tiêu sạch tiền mua máy rồi nên tôi đành bằng lòng mua phần mềm "Ðội phòng thủ", giá chỉ có 15 đô la. "Ðội phòng thủ" không giúp tôi quản lí số liệu nhưng lại cho phép tôi dùng một khẩu laser nguyên tử chống lại những người bé nhỏ hành tinh khác bay đến lấy trộm những ô năng lượng, hòng để phi thuyền mẹ đến tiêu diệt tôi bằng chất thải hoá học.
    Chiếc máy cá nhân có vẻ rất ưa "Ðội phòng thủ". Nó chẳng thèm hỏi ngày giờ gì cả, vào một cái là bắt đầu chơi ngay. Ngay đêm hôm ấy, tay hàng xóm sang chơi vì biết tôi định mua máy tính để quản lí số liệu, và chúng tôi đã chơi một mạch 6 tiếng liền chống lại người ngoài trái đất, uống sạch một két bia.
    Công bằng mà nói, máy tính đã giúp tôi tăng hiệu quả hoạt động rất nhiều. Ban đầu tôi chỉ được khoảng 4000 điểm. Bọn ngoài trái đất chỉ cần hạ cánh giòn giã và dễ dàng lấy đi những ô năng lượng. Nhưng nay tôi chơi hiệu quả gấp năm lần với khoảng 20000 điểm. Bọn ngoài trái đất cũng tỏ ra nể nang khẩu laser của tôi hơn. Không có máy tính, tôi không thể tiến bộ nhanh đến như vậy. Biết đâu tôi có thể dùng một khẩu laser nguyên tử để diệt tuốt các kho thư từ báo cáo, thậm chí luôn cả bưu điện.

    Attack is the best form of defenseRoberto Carlos
  4. slump

    slump Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/04/2002
    Bài viết:
    1.195
    Đã được thích:
    0
    LÀM CHỦ WINDOWS NHƯ THẾ NÀO​
    Quí vị độc giả đôi lúc nói với tôi rằng "Dave, là một nhà báo chuyên nghiệp, công việc của anh đòi hỏi phải xử lí một lượng thông tin khá lớn và đều đặn hàng tuần. Vậy tại sao anh không cắt lấy một kiểu tóc cho ra hồn."
    Ðiều mà độc giả thật sự muốn hỏi, tất nhiên, là: Làm thế nào để tôi có được bài viết với độ chính xác cao như vậy, ngày này qua ngày khác, 54 tuần mỗi năm?
    Câu trả lời là: Tôi dùng máy vi tính. Máy tính cho phép tôi làm việc năng suất hơn. Chẳng hạn tôi cần phải viết BOOGER BOOGER BOOGER BOOGER BOOGER. Ðể hoàn thành công việc này vào cái thời chưa có máy tính, tôi phải gõ chữ ''BOOGER'' năm lần bằng tay. Nhưng ngày nay với sự trợ giúp của máy vi tính, tất cả những gì tôi phải làm là gõ chữ đó một lần thôi; sau đó chỉ cần nhấn và giữ phím chuột bên trái trong khi di chuột sao cho con trỏ chuyển động phủ qua chữ mà tôi cần chọn, sau đó nhả phím chuột ra, đưa vị trí con trỏ vào vị trí mang nhãn ''E***'' ở ''Menu Bar'', nhấn phím chuột bên trái để hiện ra ''E*** Menu''; sau đó đưa con trỏ và vị trí lệnh ''Copy'' rồi nhấn phím chuột bên trái; sau đó chuyển con trỏ đến vị trí chèn đoạn chữ mà tôi đã chọn và nhấn phím chuột bên trái; sau đó lại đưa con trỏ quay lại vị trí mang nhãn ''E***'' ở ''Menu Bar'' và nhấn phím chuột bên trái để hiện ra ''E*** Menu''; sau đó chuyển con trỏ đến lệnh ''Paste'' và nhấn phím chuột bên trái bốn lần; rồi cuối cùng như một người Pháp, tôi thốt lên ''Voilà!'' (dịch nghĩa từng từ là ''Ðau tay quá!'').
    Nếu quí vị muốn đạt được hiệu năng như vậy trong công việc, hãy mua một chiếc máy vi tính cùng kiểu với chiếc máy mà tôi đang dùng, đó là máy tính ''DOS'' (''DOS'' là thuật ngữ tin học, nghĩa là ''ROM''). Loại máy vi tính phổ biến khác là máy ''Apple''. Quí vị không nên mua loại máy ấy, bởi vì đấy là loại máy tính Tuyệt đỉnh Dành cho Thế hệ Mới mà quí vị chỉ cần cắm điện vào là dùng được ngay. Ðiều đó có nghĩa là quí vị không kịp có thời gian tận hưởng cái gọi là những sảng khoái khi được sở hữu một máy vi tính, trong đó bao gồm thời gian làm đủ mọi cách để máy chạy. Về điểm này thì loại máy ''DOS'' rất tuyệt. Nói chung nó vượt quá khả năng nhận thức của một người bình thường.
    Hệ ''DOS'' được Bill Gates sáng chế. Bây giờ Bill là một trong những người giàu có nhất thế giới - giàu hơn cả nữ hoàng Elizabeth, giàu hơn cả những thợ chuyên nghiệp sửa chữa hệ truyền động của ô tô. Và quí vị có biết tại sao không? Ðó là vì Bill là người duy nhất trên quả đất này hiểu biết về ''DOS''. Hàng ngày anh ta nhận được hàng loạt những cú điện thoại bạc triệu như sau:
    Tổng Giám đốc: Tất cả hệ thống Tài chính Kế toán toàn cầu của hãng chúng tôi bị tắc tịt rồi. Bất kể chúng tôi gõ lệnh nào vào, máy tính chỉ trả lời: "AI MÀ BIẾT ĐƯỢC (thở dài) ''DOS''."
    Bill Gates: Ha ha! Tôi thấy vấn đề đã khá nghiêm trọng rồi đấy.
    Tổng Giám đốc: Chúng tôi sẽ trả ông 17 triệu Mĩ kim, chỉ xin ông cho biết biện pháp khắc phục.
    Bill Gates: Tốt! Hãy nhấn phím ''Num Lock''.
    Tổng Giám đốc: Như vậy là ổn rồi. Xin chân thành cám ơn. Chúng tôi đang gửi ngân phiếu đến cho ông.
    Chiếc vi tính của tôi hiện nay, ngoài ''DOS'' ra, tôi còn cài ''Windows'' - một phát minh khác cũng của Bill Gates. ''Windows'' được thiết kế với tư tưởng bảo mật cao, sao cho có thể cản phá mọi kế hoạch của một số người dùng có khả năng ''vượt qua'' rào chắn ''DOS''. Phải là một chuyên gia sừng sỏ trong lò máy tính mới có thể điều khiển được ''Windows''. Tôi đã từng phải mất không biết bao nhiêu giờ đồng hồ để làm cho ''Windows'' đồng ý thực hiện những thao tác xử lí số liệu cơ bản nhất, ví dụ chạy chương trình ''Máy bay Chiến đấu F-117A''. Quí vị biết không, tôi phải tự mình, bằng chính đôi tay của mình, sửa đổi từng dòng đặc tính trong ''WIN.INI'' và ''CONFIG.SYS''. Có thể quí vị không cho rằng điều đó là ghê gớm, nhưng tôi dám quả quyết rằng đó là một bài toán xử lí số liệu phức tạp bậc nhất. Albert Einstein đã chết trước khi giải xong được bài toán đó. ("Khoan đã," đó là những lời cuối cùng của ông, "phương trình của tôi bị xoá mất rồi! Nó vẫn là ''E'' bằng gì gì đó...")
    Tôi không phải là người duy nhất sử dụng máy tính của ông vào mục đích chủ yếu là ''lừa gạt'' chính máy tính của ông ấy. Có hàng triệu người khác cũng thế. Tôi biết được như vậy là nhờ vào Internet, một mạng máy tính khổng lồ có phạm vi toàn cầu, gồm những người làm máy tính thông minh, đầy nhiệt huyết - ý tôi muốn nói ở đây là "những kẻ không cần đời". Chúng tôi không cần. Chúng tôi đã có nhau, biết nhau qua Internet để hình thành một không gian gọi là Cyberspace. Trong khi những người bình thường như quí vị đang mải tốn hàng giờ đồng hồ xem những chương trình nhạt nhẽo vô vị trên ti vi ("Dave''s World", tối thứ Hai hàng tuần, kênh CBS địa phương) thì chúng tôi đang ở trên Cyberspace và trao đổi với nhau một cách cởi mở và thoải mái những điều cấm kị nhất, tế nhị nhất và - vâng - giật gân nhất về những chi tiết ''CONFIG.SYS'' của quí vị.
    Quí vị có thể chưa hình dung được điều đó xảy ra như thế nào. Tôi thường đều đặn kết nối với một nhóm trên Cyberspace mà giữa họ luôn có những trận chiến nóng bỏng (chuyện này tôi không bịa tí nào). Sau khi trao đổi nhiều thông điệp châm chích, khó chịu và đôi khi giận dữ, một số người đã cố gắng tìm cách thay đổi những dòng trong ''CONFIG.SYS'' của người khác sao cho sau đó họ có thể qua Internet cho đối thủ một cú đấm vào mặt. Cuộc chiến đã kéo dài mấy tháng nay theo cái lối opera xà phòng ấy và tôi cũng bị ảnh hưởng. Hàng ngày tôi vẫn thường vào mạng để xem những vị cầm đầu đang có ý kiến gì. Có thể quí vị cho rằng đó là một việc làm kì quặc nhưng tôi không ngại gì hết. Tôi thích sống ở không gian Cyberspace, mà ở đó không ai nhìn thấy được kiểu tóc của tôi.

    Attack is the best form of defenseRoberto Carlos
  5. slump

    slump Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/04/2002
    Bài viết:
    1.195
    Đã được thích:
    0
    HIỂM HOẠ NGƯỜI NGOÀI TRÁI ĐẤT​
    Tôi không hề có ý hù doạ quí vị, nhưng thực sự có khả năng trái đất của chúng ta sẽ bị tiêu huỷ hoàn toàn trong vài ngày. Quốc Hội đang muốn cắt giảm ngân sách chương trình Liên Bang về đề tài phát sóng cho người ngoài trái đất. Ðấy sẽ là một sai lầm vô cùng to lớn. Người ngoài trái đất có rất nhiều đại bác laser nguyên tử. Chúng ta không thể cắt giảm chương trình đó được, ngay cả khi gặp phải những khó khăn lớn nhất về tài chính.
    Một vài quí vị có thể không tin rằng người ngoài trái đất đang tồn tại. Nhưng thử hỏi, ở đâu ra các hiện tượng lạ không giải thích được mà ta luôn bắt gặp, như những vệt sáng trên trời, như những đĩa bay. Ồ, tất nhiên một số nhà chức trách tuyên bố, đó là do các "quả bóng thám không". Bóng thám không? Ðó là cái cóc khô gì vậy?
    Hãy nhìn thẳng vào sự thật: đã có ai trong quí vị, hay họ hàng, hay bạn bè của quí vị từng một lần trong đời nhìn thấy quả bóng thám không đó chưa? - CHƯA. Chưa có ai. Nếu những "nhà chức trách" kia nói thật, phải chăng họ muốn nói bầu trời đất Mĩ này đầy bóng thám không, và rồi các chuyến bay phải thường xuyên đình lại? Không thể như thế được, đấy chỉ là những chuyện bịa cũ mèm, ngu ngốc bậc nhất họ dựng lên mỗi khi có báo cáo nhìn thấy một đĩa bay.
    Hãy tỉnh lại đi; những người Mĩ! Không phải là các bóng thám không đâu! Chính đó là người ngoài trái đất! Họ ở khắp quanh ta! Quí vị hẳn đã từng xem cuốn phim E.T., kể về một người ngoài trái đất suýt bị chết khi rơi vào nanh vuốt của Liên Hội Y Khoa Hoa Kì, nhưng đã được cứu sống nhờ một cậu bé. Mọi người đều tưởng rằng người ngoài trái đất kia là đồ giả, là sản phẩm của công nghệ điện ảnh. Không đâu, người ngoài trái đất là thật, chỉ cậu bé kia mới là giả. Một cậu bé thật sự chắc chắn sẽ lấy cục gạch đập sinh vật lạ kia cho đến chết.
    Vâng, thực sự có người ngoài trái đất. Những kẻ chủ chốt trong chính phủ cũng biết điều này. Nhưng họ phải kín miệng. Ðây là câu chuyện bí mật ấy:
    Nhiều năm trước, khi chương trình phát sóng của Liên Bang bắt đầu, các nhà khoa học đã gửi một thông điệp hữu hảo, thiện chí cho những người ngoài trái đất: "Xin chúc sức khoẻ". Họ gửi đi gửi lại, ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, cho đến một hôm họ nhận được thông điệp phản hồi:
    "Chào người trái đất,
    OK. Chúng tôi vẫn khoẻ. Chúng tôi còn có một số vũ khí tối tân, và nếu các bạn không thay ngay cái thông điệp ngớ ngẩn kia bằng một cái gì đó thú vị hơn, chúng tôi sẽ thu nhỏ trái đất của các bạn thành một hòn bi.
    Kính thư,
    Người ngoài trái đất".
    Các nhà khoa học đành phải chiều lòng người ngoài trái đất, thế là từng tập phim "Tôi yêu Lucy" được phát sóng, và người ngoài trái đất rất thích. Họ lại đòi hỏi thêm, dần dần đến nay họ đã được có ba kênh truyền hình. Thế là trái đất thoát nạn. Trục trặc duy nhất là: sở thích của họ rất thối! Họ thích xem các buổi tường thuật mà kết quả có lẽ phải ba tháng sau mới biết, họ muốn xem opera xà phòng, họ muốn xem các phim dai như kẹo cao su Wrigley! Mỗi khi có ai đó muốn đổi đi thì họ lập tức doạ tiêu huỷ trái đất.
    Vì vậy quí vị chớ ngạc nhiên vì sao các kênh truyền hình lại tẻ nhạt đến như vậy. Chúng không phải dành để phục vụ quí vị đâu, chúng dành để phục vụ sinh vật ở thiên hà khác. Quí vị hẳn còn nhớ chương trình quảng cáo cho Wisk, với cái thằng mang vòng quanh cổ, diễn xuất nhạt nhẽo, vô vị và ngu xuẩn đến mức ngay trong ác mộng chắc quí vị cũng không định mua sản phẩm ấy. Người ngoài trái đất lại thích chính cái chương trình ấy. Chúng ta phải thật sự biết ơn Wisk. Trong 14 năm ròng, không ai mua một chai Wisk, nhưng Wisk đã cứu trái đất.
    Rất ít người biết được bí mật này. Tất nhiên là Quốc Hội cũng không biết. Các quan chức Quốc Hội cũng không biết. Hầu hết các quan chức Quốc Hội phải có người giúp mới ăn được bữa sáng, thử hỏi làm sao họ biết được những chuyện đang xảy ra ngoài khoảng không kia chứ. Nếu họ vẫn định cắt giảm ngân sách, để rồi người ngoài trái đất không được xem tiếp bộ phim "Bệnh viện đa khoa", thì hỏi điều gì xảy ra? Quí vị thử hình dung xem.

    Attack is the best form of defenseRoberto Carlos
  6. slump

    slump Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/04/2002
    Bài viết:
    1.195
    Đã được thích:
    0
    ĐIỆN LÀ GÌ​
    Bài toán của khoa học hiện đại là: Ðiện là gì? Nó đi đâu sau khi ra khỏi chiếc lò nướng bánh?
    Có một thí nghiệm đơn giản, quí vị có thể tự mình thực hiện để tìm hiểu về điện: vào một ngày đẹp trời, khô ráo, mát mẻ, quí vị hãy cọ chân vào thảm trải, sau đó đưa ngón tay vào miệng của một người khác, chọc vào chỗ răng sâu. Quí vị có thấy người kia oằn mình và kêu ối ối không? Ðiện có sức mạnh như vậy đấy. Tất nhiên, thí nghiệm này nhằm giúp quí vị hiểu được tầm quan trọng của điện, chứ không phải dạy quí vị cách làm người khác đau đớn.
    Thí nghiệm trên cũng minh họa định luật đóng kín mạch điện. Khi quí vị cọ chân vào thảm trải, một lô các "điện tử" ở thảm sẽ vào chân quí vị. Ðó là các hạt rất nhỏ mà hãng làm thảm đã cho vào để thảm bắt bụi dễ hơn. Các điện tử sau đó sẽ chui vào máu, đi lên, tụ lại ở ngón tay và tạo thành một tia lửa điện phóng vào chỗ răng sâu; sau đó điện tử đi xuống và quay trở lại thảm. Mạch điện đã đóng kín.
    Chỉ có chúng ta hôm nay mới có rất nhiều thiết bị điện khác nhau như đèn, đài, ti vi, v.v. Cha ông của chúng ta mấy trăm năm trước không có những thứ ấy. Ðơn giản là nếu có thì họ biết cắm chúng vào đâu. Rồi xuất hiện những người tiên phong như Benjamin Franklin. Ông đã chế tạo được một chiếc diều có thể thâu điện từ sét. Sét là một nguồn điện mạnh cũng như thảm trải vậy. Kết quả là Franklin bị điện giật mạnh quá, hỏng cả não bộ. Ông chỉ ú ớ được mấy câu châm ngôn vớ vẩn, như "Tiết kiệm đồng nào hay đồng ấy". Sau đó người ta phải chuyển ông sang làm ở ngành Bưu điện.
    Sau Franklin có rất nhiều vị tiên phong khác mà tên tuổi của họ gắn liền với những thuật ngữ khoa học hiện đại, như Myron Volt, Andre-Marie Ampere, James Watt, Bob Transformer, v.v. Họ đã tiến hành rất nhiều thí nghiệm điện quan trọng. Ví dụ vào năm 1780, Luigi Galvani đã phát hiện ra rằng, khi chạm hai thanh kim loại khác nhau vào đùi một con ếch (chiếc đùi này đã tách rời khỏi cái thân ếch đã chết), một dòng điện sẽ tạo ra và làm cho chiếc đùi đạp một cái. Phát minh của Galvani đã góp phần to lớn vào ngành động vật lưỡng cư hiện đại. Một thầy thuốc thú y lành nghề hoàn toàn có thể làm cho một con ếch đã chết nhảy lóc cóc ra bờ ao như bình thường. Còn khi xuống nước nó sẽ chìm nghỉm như cục đất, tất nhiên.
    Nhưng lừng danh nhất, phải kể đến Thomas Edison. Ông là một nhà phát minh vĩ đại dù chỉ được học qua phổ thông và sống ở New Jersey. Phát minh đầu tiên là chiếc máy quay đĩa vào năm 1877. Người ta đã đưa máy quay đĩa vào từng gia đình, cho đến năm 1923 mới có công nghệ băng từ thay thế. Nhưng đóng góp lớn nhất của Edison là Công ti Ðiện lực vào năm 1879, một ứng dụng của nguyên lí đóng mạch điện: điện được truyền từ Công ti Ðiện lực qua dây dẫn đến khách hàng, sau đó lập tức lại được thu về Công ti Ðiện lực qua một dây dẫn khác và - đây chính là phần sáng tạo nhất - lại được truyền lại cho khách hàng.
    Nghĩa là Công ti Ðiện lực thực chất chỉ bán đi bán lại mỗi một lô điện hàng ngàn lần mỗi ngày mà không bị ai phát hiện. Toàn bộ điện chúng ta dùng năm ngoái chính là điện được sinh ra từ năm 1937. Họ cứ bán đi bán lại như thế, cho nên Công ti Ðiện lực rất rỗi việc. Thực ra công việc duy nhất của Công ti là tìm cách tăng cước điện phí.
    Nhờ đóng góp của những người, như Edison và Franklin, và của những con vật, như con ếch của Galvani, chúng ra có thể dùng Ðiện vào nhiều ứng dụng kì diệu. Ví dụ vào thập kỉ 70, người ta đã tạo ra laser, một loại tia có thể tiêu huỷ một chiếc máy ủi cách xa 2000 dặm, và cũng có thể giúp bác sĩ mổ võng mạc của mắt. Tất nhiên bác sĩ phải nhớ chuyển công tắc từ vị trí "Huỷ máy ủi" sang vị trí "Mổ võng mạc".

    Attack is the best form of defenseRoberto Carlos
  7. slump

    slump Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/04/2002
    Bài viết:
    1.195
    Đã được thích:
    0
    LUẬT SƯ Ở ĐÂU RA​
    Hầu hết chúng ta tìm hiểu hoạt động của Luật Pháp Hoa Kì qua các chương trình phim truyện. Chúng ta biết rằng nếu mình vô tội, thì khi chương trình kết thúc, sẽ được gặp và nói chuyện hỉ hả với các cô gái xinh đẹp (hoặc các chàng điển trai nếu đương sự là nữ). Trái lại, nếu có tội thì sẽ bị rơi từ một tầng cao vòi vọi xuống luồng quay của cánh quạt trực thăng.
    Một số phim đề cập đến ngành Luật chi tiết hơn. Họ trình chiếu những phiên toà hết sức gay cấn. Ðiển hình là phim "Perry Mason" với luật sư bào chữa Raymond Burr đẹp trai, nhưng mập quá, phải đi lại bằng xe lăn.
    Chuyện xảy ra ở một thành phố lớn toàn những kẻ ngốc. Chẳng hạn công tố viên Hamilton Burger dốt nát đến mức lần nào cũng bắt nhầm người vô tội. Xin nhấn mạnh, lần nào cũng nhầm. Tôi có cảm nghĩ rằng một kẻ bị tình nghi, nếu bị Hamilton đưa trát đến bắt; có lẽ nên thở phào nhẹ nhõm lúc chia tay người thân, vì chắc chắn sẽ được tha bổng khi vụ án kết thúc. Có thể quí vị nghĩ rằng một công tố viên quan liêu, kém cỏi đến như vậy, sau một thời gian làm việc sẽ tự nhận ra khuyết điểm và xin từ chức để chuyển sang một công việc thích hợp hơn, ví dụ sắp xếp quần áo trong quầy giặt chẳng hạn. Nhưng không, hắn vẫn ngồi đấy, tuần này qua tuần khác, năm này qua năm khác, để bắt nhầm hết người này đến người khác.
    Song không hề gì, mọi việc luôn kết thúc tốt đẹp, vì tội phạm còn ngốc hơn cả Hamilton. Chúng lần nào cũng mò đến phiên toà, và sau 20 phút trật tự ngồi nghe, chúng tự bỏ chạy và lộ tẩy. Chính vì vậy mà Raymond trở thành một luật sư bào chữa tài ba danh tiếng. Chứ thực ra bất kì ai với trí thông minh bằng một que kem cũng là một nhà thông thái trong Perry Mason.
    Trục trặc lớn nhất của "Perry Mason" là phi thực tế. Raymond và Hamilton luôn nói bằng một thứ tiếng Anh trong sáng, và ai cũng hiểu được những gì đang diễn ra trong phiên toà. Thực tế đâu có vậy, luật sư thường xuyên dùng tiếng Latin, và tất nhiên trong toà chẳng ai hiểu được một tí gì cả. Nếu quí vị muốn biết tại sao, hãy cùng tôi xem lại lịch sử Ngành Luật Hoa Kì.
    Khởi thuỷ, hệ thống luật pháp rất thô sơ. Nếu ai đó vi phạm, lập tức sẽ bị một đội ngũ súng ống đầy mình truy sát, sau đó bị dần cho một trận và treo ngược lên xà nhà. Vì vậy, ai cũng tuân thủ pháp luật nghiêm túc. Ðiều đó cũng dễ thôi, vì luật pháp rất đơn giản và ai cũng hiểu. Chỉ có hai luật:
    1. Cấm hành hung.
    2. Cấm trộm cắp.
    Phiên toà cũng rất đơn giản:
    Cảnh sát trưởng: Kính thưa quí quan toà, bị cáo đã nhận tội bắn chết vợ.
    Quan toà: Thế hả? Vậy hắn nhận tội ngay, hay cậu phải cưỡi ngựa giẫm lên bụng hắn như vụ trước?
    Cảnh sát trưởng: Thưa ngài, hắn nhận tội ngay.
    Quan toà: Tốt. Treo cổ hắn lên.
    Phiền một nỗi, luật sư chẳng có vai vế gì trong những phiên toà như vậy cả. Nếu có luật sư nào đó ló đầu và thở ra một thuật ngữ nào đấy như "quyền tạm giam" thì lập tức bị bắn bỏ ngay.
    Thế là những luật sư đã họp lại và thành lập cơ quan lập pháp. Tổ chức này lâu lâu lại chế ra một luật mới. Sau một thời gian dài cho đến nay, chúng ta đã có hàng đống các luật khác nhau: luật tưới tiêu thuỷ nông, luật thiến chó, luật chống gian lận, vân vân và vân vân. Kết quả là chẳng ai biết được làm gì là phạm pháp hay không nữa.
    Vì vậy, ngày nay luật sư rất sáng giá. Họ cũng chẳng biết rõ pháp luật hơn quí vị đâu, nhưng họ biết cách diễn thuyết một cách khó hiểu và trịnh trọng trong phiên toà, rỗi lãnh những khoản tiền thù lao kếch xù từ khách hàng. Vụ giết người trên, nếu được xử hôm nay sẽ như thế này:
    Cảnh sát trưởng: Kính thưa quí quan toà, ...
    Luật sư bào chữa: Tôi phản đối. Trong toà, khi sử dụng thuật ngữ "quí quan", nhân chứng đã cố tình đặt điều về writ of deus ex machina.
    Công tố viên: Trái lại. Trong vụ xử giữa Merkle và Barnbuster, toà án đã quy định rõ rằng một ex post facto debenture không phủ định cách dùng thuật ngữ "quí quan" như là một ad hoc quod erat demonstrandrum.
    Luật sư bào chữa: Thật vậy sao? Nhưng carthaginia delendo est.
    Phiên toà cứ dai dẳng hàng giờ như vậy. Rồi chẳng còn ai nhớ nổi người ta tranh cãi về điều gì nữa. Biết đâu bị cáo đã lẻn mất lúc nào không hay.

    Attack is the best form of defenseRoberto Carlos
  8. slump

    slump Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/04/2002
    Bài viết:
    1.195
    Đã được thích:
    0
    MẤY SUY NGHĨ VỀ ĐẠI HỌC​
    Tôi viết bài này với mong muốn giúp đỡ các em học sinh phổ thông có được lựa chọn đúng đắn và thích hợp khi thi vào Đại học.
    Tất cả các em học sinh hiện nay đều cân nhắc rất nghiêm túc khi chọn và thi vào các trường Đại học. (Tất nhiên, đó là chuyện bịa. Chỉ có hai việc mà thanh niên thực sự nghĩ đến: karaoke và trai gái. Nhưng xét cho cùng, chúng cũng có liên quan đến trường Đại học).
    Trường Đại học là một tập hợp các gian phòng mà các em sẽ ngồi ở đó trong khoảng 2000 tiết để ghi nhớ kiến thức. 2000 tiết này được chia trải qua 4 năm; thời gian còn lại dành để ngủ và hò hẹn.
    Có hai loại kiến thức cơ bản sau đây:
    - Kiến thức cần thiết cho cuộc sống sau này (2 tiết); bao gồm cách gọi điện thoại theo dịch vụ mà người nhận trả tiền cước phí, và cách tẩy vết ố cà phê hay nhựa cây trên quần áo pijama.
    - Kiến thức không cần thiết cho cuộc sống sau này (1998 tiết); bao gồm các môn học có tên tận cùng bằng ology, osophy, istry, ics, v.v. Phải học như thế này: các em ghi nhớ những gì thầy giảng, chép chúng lại vào bài thi, và sau đó quên chúng đi. Nếu chẳng may không quên được thì các em sẽ trở thành giáo sư và suốt đời không ra trường được.
    Quên được mọi việc là điều rất khó. Chẳng hạn hồi còn học ở đại học, tôi cần ghi nhớ (đừng hỏi tại sao) tên của ba nhà thơ theo chủ nghĩa siêu hình kiểu như John Donne. Thực ra tôi đã cố quên được một tên, nhưng hai cái tên còn lại, Vaughan và Crashaw, vẫn chưa quên được. Nhiều lúc tôi cần phải ghi nhớ những điều quan trọng hơn, như vợ tôi dặn là phải mua các ngừ ngâm dầu chứ không phải ngâm nước, nhưng hai cái tên Vaughan và Crashaw cứ hiện lên trong đầu, vào chính cái lúc tôi đang ở trong siêu thị. Thật là vô cùng lãng phí những neuron thần kinh một cách không cần thiết.
    Sau một đến hai năm học các môn khoa học cơ bản, là lúc các em lựa chọn chuyên ngành, tức là môn học mà các em cần phải nhớ nhiều nhất và quên các môn khác đi. Ðây là một lời khuyên quan trọng: đừng chọn các môn liên quan đến Hiện Tượng Ðã Biết và Câu Trả Lời Ðúng.
    Ðiều đó có nghĩa là các em không nên chọn toán học, vật lí học, sinh vật học hay hoá học; bởi vì chúng liên quan đến những Hiện Tượng Ðã Biết hoặc Câu Trả Lời Ðúng. Ví dụ, nếu các em chọn Toán học và vào một ngày đẹp trời thầy giáo hỏi, "Lấy cosin của góc phần tư, sau đó căn bậc ba và lấy 5 chữ số chính xác sau dấu phẩy". Nếu các em không nói đúng các con số mà ông giáo có trong đầu, các em sẽ trượt. Hoá học cũng thế. Nếu các em viết trong bài thi rằng carbon và hydro kết hợp lại sẽ thành cây sồi, các em trượt ngay. Ông giáo muốn các em phải nói đúng cái điều mà ông ấy biết và các nhà hoá học khác cũng cho là đúng. Các nhà khoa khoa học luôn chặt chẽ và khắt khe như thế.
    Tóm lại các em nên chọn các môn như: Văn học, Triết học, Tâm lí học hay Xã hội học. Ðó là các môn mà không ai hiểu được trọn vẹn, người ta cũng không đồng nhất quan điểm, và hầu như không có các sự kiện thực tế rõ ràng. Tôi đã kinh qua bốn môn trên, nay xin tóm lược lại như sau.
    VĂN HỌC: Các em sẽ phải viết những bài luận về những cuốn sách dày cộp mà các em chỉ kịp đọc lướt tên những đề mục trước khi vào phòng thi. Ðây là cách đạt điểm cao môn văn: các em đừng bao giờ viết điều mà một người bình thường khác cũng viết. Ví dụ, các em được giao nghiên cứu cuốn "Moby Dick". Một người bình thường khác sẽ viết rằng Moby Dick là một chú cá voi trắng vì chữ "cá voi trắng" được đề cập đến 11000 lần ở trong sách. Các em hãy viết Moby Dick là Cộng hoà Ireland. Ông giáo mệt mỏi vì đọc hàng đống bài giống nhau, hơn nữa ông cũng đâu có ưa gì Moby Dick, và các em sẽ đạt điểm sáng tạo rất cao. Nếu các em có khả năng dựng đứng mọi việc từ một tiểu thuyết đơn giản, các em chắc chắn sẽ thành công trong môn văn.
    TRIẾT HỌC: Ðiều cốt tuỷ trong triết học là ngồi suy tư một mình nhiều giờ trong một căn phòng, quả quyết rằng trên đời này chẳng có điều gì là có thực cả, sau đó đi ăn.
    TÂM LÍ HỌC: Ðối tượng nghiên cứu của các nhà tâm lí học là chuột và giấc mơ. Suốt một học kì liền tôi dành để huấn luyện một con chuột sao cho nó bấm vào một nút với một tần suất nhất định, sau đó tôi huấn luyện anh bạn cùng phòng làm được như vậy. Con chuột học nhanh hơn nhiều. Còn anh bạn tôi bây giờ là bác sĩ. Nghiên cứu giấc mơ cũng rất thú vị. Tôi có một ông giáo luôn tuyên bố rằng bất kể điều gì ta mơ thấy - máy kéo, Arizona, bóng chày, hay ếch nhái - đều liên quan đến bộ phận sinh dục. Ông ta luôn luôn quả quyết như vậy. Không một ai muốn ngồi cạnh ông cả. Nếu các em thích chuột hoặc mộng mị, hoặc nếu tốt hơn là thường xuyên mơ thấy chuột, các em chắc chắn sẽ thành công môn Tâm lí học.
    XÃ HỘI HỌC: Ðây chính là môn thông tuệ số một. Tôi đã tham dự nhiều giờ về xã hội học và đọc hàng tấn sách liên quan, nhưng chưa lần nào gặp được một câu, một mệnh đề sáng sủa, rõ ràng cả. Những nhà xã hội học luôn tỏ ra mình là một nhà khoa học, vì thế hầu hết thời gian và công sức được dành để chuyển đổi một điều đơn giản, rõ ràng thành những câu văn trịnh trọng khó hiểu và nghe có vẻ khoa học. Nếu các em định theo môn này, các em cũng cần học cách làm như vậy. Chẳng hạn các em muốn nói rằng khi có một em bé ngã nó sẽ khóc, các em hãy viết thế này: "Những quan trắc thống kê về hành vi sơ khởi của những người vị thành niên đã cho thấy rằng có một quan hệ hữu cơ giữa hành động rơi xuống nền đất cứng với hoạt động phối hợp giữa tuyến lệ và thanh quản, gọi là ''hành vi khóc''...." Nếu các em viết liên tục được 50-60 trang như vậy, chắc chắn sẽ được chính phủ đặc cách trao giải thưởng lớn.

    Attack is the best form of defenseRoberto Carlos
  9. slump

    slump Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/04/2002
    Bài viết:
    1.195
    Đã được thích:
    0
    ÂM NHẠC​
    Căn bản mà nói, có thể chia âm nhạc làm hai loại:
    1. Âm nhạc "Cổ Ðiển", là thứ âm nhạc do các nhạc sĩ người Ðức đã chết sáng tác, và nay được những nhạc công mặc đồng phục smoking trình tấu.
    2. Âm nhạc "Thông thường", là thứ âm nhạc mà nhạc sĩ có thể là bất kì ai và nhạc công cũng có thể là bất kì ai. Trên sóng phát thanh hiện nay, chúng ta chủ yếu nghe thể loại này.
    Nếu quí vị muốn kiếm nhiều tiền, xin đi vào thể loại "thông thường". Ngày nay nhạc cổ điển phổ biến trong khoảng 300 người - đó là những nhạc công chơi nhạc cổ điển trên ti vi. Một bản nhạc cổ điển dường như có thể kéo dài hàng ngày trời, do đó cần phải có ban nhạc đông như vậy mới có thể thực hiện trình tấu được.
    Những học giả âm nhạc phân chia nhạc cụ thành năm loại:
    1. Nhạc Cụ Cần Thổi Vào Và Thỉnh Thoảng Phải Vẩy Nước Bọt Ði (còi, kèn tuba, trompet, cormorant, tribune)
    2. Nhạc Cụ Cần Phải Ðánh (trống, rhomboid, homophone, kẻng...)
    3. Nhạc Cụ Dễ Giấu Kín (sáo)
    4. Nhạc Cụ Nội Thất (piano)
    5. Nhạc Cụ Có Lúc Có Giá Trị Lớn (violon)
    Những chiếc violon cực đắt do Antonius Stradivarius chế tạo. Chúng rất đắt vì được làm vô cùng tinh tế và khéo léo. Khi dùng cằm ấn vào đúng cách, một ngăn bí mật trong đàn chứa đầy heroin tinh khiết sẽ lộ ra.
    Nhạc Rock''n''Roll ra đời từ nhạc Blue - một thể loại do những người nô lệ ở Mĩ sáng tác. Chúng mang tên Blue vì chúng rất buồn. Cũng dễ hiểu thôi, làm nô lệ tất nhiên là đau khổ rồi. Lời ca một bản Blue điển hình như thế này:
    Vợ tôi quay gót mãi lìa xa
    Lũ trẻ đơn côi cũng bỏ nhà
    Thuốc thiếu bệnh xưa thêm trầm trọng
    Khất thuế nên nay lại hầu toà
    Nhạc Blue phổ biến trong tầng lớp người da đen trong một thời gian dài. Những nhạc công da đen, còn gọi là "negro", chơi nhạc Blue trong các quán lụp xụp và họ được rất ít tiền. Mãi đến đầu những năm 50, một số thanh niên da trắng lại thích nhạc Blue. Họ sửa đổi đôi chút và Rock''n''Roll ra đời, một thể loại âm nhạc cực kì thịnh hành hiện nay và biến những nhạc sĩ, nhạc công thành triệu phú rất mau chóng.
    Ðiểm khác biệt cơ bản giữa nhạc cổ điển và Rock''n''Roll: một bản nhạc cổ điển bao gồm khoảng chục giai điệu và không lời, còn một bản Rock''n''Roll có một giai điệu (có khi còn ít hơn thế) và có khoảng mươi lời. Những soạn giả Rock''n''Roll rất bận, họ luôn phải hoàn thành gấp bản nhạc để kịp đến một buổi hẹn hò quan trọng. Thỉnh thoảng họ chỉ kịp nghĩ ra vài lời. Lấy ví dụ bản "Ngồi ở La La", sáng tác vào những năm 60:
    Ngồi ở la la đợi chờ ya ya
    Uh huh, uh huh
    Ngồi ở la la đợi chờ ya ya
    Uh huh, uh huh
    Chắc tác giả định bụng sau cuộc hẹn sẽ quay lại và điền nốt vào các chỗ "la la" và "ya ya". Nhưng trước lúc ấy ai đó đã đem phát hành bài hát thành hàng triệu bản, và không thể sửa lại được nữa. Một ví dụ khác là bản "Miền Ðất Ngàn Ðiệu Nhảy". Tác giả chắc đã nhận được một cú phone và phải đi gấp, trước khi hoàn thành lời bài hát:
    Tôi đã nói na na na na na
    na na na na na na na na na na
    na na na na
    Một thể loại nhạc "thông thường" khác là nhạc đồng quê. Thể loại này phổ biến giữa những kẻ nghiện ngập và bội bạc, nhưng muốn diễn tấu thì phải ăn mặc thật hài hước và phải hát giọng miền Nam. Một thể loại khác là nhạc "dễ hát dễ nghe". Thể loại này phổ biến trong thang máy, trong siêu thị, trong nhà tắm và phải được hát bằng giọng máy cày.

    Attack is the best form of defenseRoberto Carlos
  10. slump

    slump Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/04/2002
    Bài viết:
    1.195
    Đã được thích:
    0
    NĂNG LƯỢNG​
    Một thời, người Mĩ chúng ta có nguồn năng lượng cực kì dồi dào. Nhiều đến nỗi phải vắt óc nghĩ cách để xài chúng. Ðỉnh điểm là 1958 Plymouth. Ðó là thiết bị to bằng một chiếc hàng không mẫu hạm lớn đến mức có thể nhìn rõ từ mặt trăng. Thiết bị rất xấu, xấu xí nhất trong những thiết bị loài người đã từng chế tạo. Nhưng người Mĩ vẫn thích, vì 1958 Plymouth có ưu điểm giúp ta phung phí năng lượng. Nếu không dầu lửa chắc hẳn đã chảy tràn trên công viên, đường phố và làm hại những đứa trẻ vô tội (từ phản nghĩa của "những đứa trẻ tội lỗi").
    Sau đó, không một lời cảnh báo, những nguồn năng lượng ấy cạn kiệt. Người Arab đã lấy chúng. Một phút trước, họ còn chơi không đuổi ruồi và tán gẫu bằng tiếng Arab; một phút sau, họ đã có dầu lửa ngập tận cổ. Nó đem đến những nhà nghỉ riêng, những máy bay trực thăng cá nhân. Thật là không công bằng! Tôi muốn nói, tại sao phải chính là người Arab mới có dầu lửa? Hàng ngàn năm lịch sử trôi qua, họ có làm được gì đâu? Nền công nghệ của họ kém cỏi đến mức không xây nổi một toà nhà tử tế, chứ đừng nói đến 1958 Plymouth.
    Giá như Teddy Roosevelt còn làm tổng thống, chắc chắn ông sẽ đem quân đến và lấy sạch nguồn năng lượng kia về. Bây giờ người ta không bầu tổng thống kiểu Teddy nữa, vì vậy mà chúng ta không có chiến tranh hạt nhân. Teddy là một tổng thống mạnh mẽ, cứng rắn, quyết đoán, thần kinh không cân bằng. Ông chẳng ngại gì khi điều quân đi bảo vệ nước Mĩ, ngay cả khi không ai định tấn công chúng ta cả.
    Quá khứ nay đã qua. Thay cho tiến đánh Arab, Chính phủ bây giờ lập ra Bộ Năng lượng. Bộ này có nhiệm vụ chi tiêu hàng tỉ đôla, thuê hàng nghìn nhân viên, và với sự giúp đỡ của Chính phủ, giải quyết bài toán năng lượng bằng mọi cách. Bộ Năng lượng tăng trưởng nhanh hàng đầu trong nền công nghiệp Mĩ, và nhân viên của họ làm đủ những việc điên rồ bậc nhất.
    Lấy Chương trình Không gian làm ví dụ. Họ được giao nhiệm vụ đưa một phi công lên mặt trăng, và giống như bất kì một kẻ điên rồ nào khác: họ tuân lệnh. Thử xem cung cách họ làm ăn ra sao:
    Quốc hội: Thế nào, chương trình tiến triển đến đâu rồi?
    Chương trình Không gian: Chương trình nào nhỉ?
    Quốc hội: ''Chương trình Không gian''. Chương trình mà các anh theo đuổi hai chục năm nay ấy.
    Chương trình không gian: À, việc đấy hả? Rất chậm, rất chậm. Chúng tôi gặp vô vàn khó khăn khi chế tạo kèn trombone có thể hoạt động trong môi trường chân không.
    Quốc hội: Sao? Kèn TROMBONE? Cái kèn ấy có ý nghĩa đếch gì trong việc đưa phi công lên mặt trăng kia chứ!!!
    Chương trình không gian: PHI CÔNG à? Tôi tưởng ông muốn nói nhạc công! Trời, bao nhiêu thành quả vậy là công toi rồi! Hãy cho thêm vào đây mấy tỉ đôla nữa. Thứ Hai tuần sau sẽ có kế hoạch mới.
    ***​
    Bộ Năng lượng cứ luôn theo đuổi những kế hoạch điên rồ như thế. Sắp tới họ sẽ thông qua chương trình rót dầu lửa vào những mỏ muối ở Louisiana. Sự thật như vậy đấy. Quí vị thấy rõ: không thể trông chờ vào những chương trình như vậy được. Những công dân Mĩ bình thường như quí vị và tôi cần phải tự mình giải quyết bài toán khủng hoảng năng lượng riêng cho mình. Ðây là một số kinh nghiệm bổ ích:
    - Không đi làm. Quí vị có nhận xét gì vào những ngày quí vị phải nghỉ ốm? - CHẢ SAO CẢ. Tôi muốn nói, nền kinh tế vẫn tiếp tục, cho dù có quí vị hay không cũng vậy. Mà không chỉ quí vị. Thực tế hiển nhiên là chẳng có ai trong chúng ta thật sự cần thiết cho một nền kinh tế dùng toàn hàng Nhật Bản như hiện nay. Vậy: hãy ở nhà. Sếp quí vị cũng chẳng để ý, trừ khi đó là ông sếp loại hành chính quan liêu. Trong trường hợp đó, nên giới thiệu sếp quí vị chuyển sang làm việc ở Bộ Năng lượng.
    - Dành nhiều thời gian thăm hỏi người khác. Những ngôi nhà bạn bè, hàng xóm quí vị luôn có sẵn năng lượng không mất tiền. Quí vị chỉ cần kêu cả nhà lên xe, sau đó lái đến nhà một người bạn trông đầy đủ tiện nghi, và nói, "Xin chào! Chúng tớ đến gặp cậu hàn huyên chốc lát, ăn uống gì đó và tắm giặt một chút." Nếu quí vị nói như vậy một cách chân thành, mọi người sẽ mời quí vị cùng gia đình vào nhà ngay, nhất là khi quí vị kè kè bên cạnh một khẩu súng máy.
    CHÚ Ý: Ðừng để cho bạn bè, hàng xóm đến chơi nhà quí vị. Như thế quí vị sẽ tốn năng lượng. Có một cách thế này, quí vị thử treo một tấm biển tiết kiệm năng lượng trước cửa:
    CẨN THẬN
    NHÀ CÓ NGƯỜI NHIỄM BỆNH ĐẬU MÙA
    COI CHỪNG CHÓ DỮ
    (CHƯA TIÊM PHÒNG DẠI)​
    Quí vị có thể đưa hoá đơn chi phí làm tấm biển tiết kiệm năng lượng này cho Bộ Tài chính để yêu cầu giảm thuế thu nhập.

    Attack is the best form of defenseRoberto Carlos

Chia sẻ trang này