1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Tiểu thuyết Lê Thị Thấm Vân.

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi Nethiu, 02/02/2006.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. Nethiu

    Nethiu Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    21/12/2005
    Bài viết:
    36
    Đã được thích:
    0
    "Âm Vọng" là một áng văn chương đề cao nữ tính Việt Nam qua việc mô tả những mẩu đời của những con người thường trong một hoàn cảnh khắc nghiệt. Họ đã bươn chải, đã khắc phục được một quá khứ dữ dội để vươn lên, để sống còn, với ít hay nhiều thành công. Mà vẫn giữ tình người, mà vẫn sáng suốt nhìn đời. Và xin để ý là mọi nhân vật đều nói ra ở ngôi thứ nhất (Tiên Dung và Man Nương về mặt hình thức thì được mô tả ở ngôi thứ ba, nhưng người đọc nhận ra ngay đó là ngôi thứ nhất, nhất hơn cả những người kia). Theo tôi đây là đặc thù của tác phẩm. Mô tả những người đàn bà Việt Nam chịu khó, giỏûi giang, nhẫn nhục vân vân, đều đã có người làm. Nhưng để cho những người đàn bà khác tuổi tác, khác trình độ, khác tính tình mà đều tự mô tả và tự ý thức những điều ấy, tự đánh giá mình và đánh giá đám đàn ông chung quanh... thì đó là mới, và là một mốc quan trọng trong việc đấu tranh cho nữ quyền. Có hai yếu tố theo tôi nghĩ đã đưa đến bước đột phá ấy, một là phong trào nữ quyền chung trong cả thế giới, và hai là sự hy sinh không bờ bến của những người phụ nữ Việt Nam, trong chiến tranh ở cả hai phía, và sau chiến tranh ở những người di tản. Những hy sinh đó đã và đang không được xã hội nhìn nhận đúng mức, thậm chí vô ơn, gây phẫn nộ, rong rêu cũng phải kêu gào.
    Để phục vụ cho cấu trúc của tác phẩm, có những đòi hỏi cần thiết về văn phong mà tác giả đã đạt đến rất thoả đáng: thay đổi theo từng loại người, các giọng Bắc, Trung, Nam, đều nhất quán, sít sao, từ ngữ giàu rộng; riêng về mặt này đã thật đáng phục cho một người sinh sống ở Mỹ từ giữa trung học. Đồng thời tác giả đã tích tụ rất nhiều kinh nghiệm sống của người Việt tại Mỹ qua một loạt những nhận xét về cuộc sống tại San José: tinh tế, ngắn gọn, đôi lúc dí dỏm, và đôi lúc thật trần truồng, trong cái nghĩa ông vua ở truồng.
    Nhưng đây không phải là một truyện dài nếu hiểu theo kiểu cổ điển là có những nhân vật biến chuyển theo thời gian, với những biến cố ngoại nhập hay nội sinh, với diễn biến của những mâu thuẫn... " Âm Vọng" tĩnh như những bức tượng. Nhưng qua những nét hằn trên khuôn mặt và thân hình nhân vật người ta thấy vọng lại cái quá khứ hình thành nên cộng đồng người Việt di tản sau 75. "Âm Vọng", tiếng vọng lại của sóng biển, của hãi hùng, hải tặc, thuyền nhân...tiếng vọng lại của một lối sống, một sự thua trận, tủi nhục, mất mát... để thấy và để trân trọng cái còn lại, sâu thẳm, là tiếng vọng của ngôn ngữ.
    Ngôn ngữ có tầm quan trọng đặc biệt trong văn hoá người di tản, lại càng đặc biệt đối với Tiên Dung / Mây / Lê Thị Thấm Vân. Vì vậy không thể không trởû lại thử nghiệm của của chị trong việc viết không có chấm phảy mấy trang liền. Dĩ nhiên điều này không mới trong văn học Âu Tây hiện đại, song tôi đã nghĩ có những lý do về ngôn ngữ học khiến cho người ta khó mà đem cái bút pháp này vào tiếng việt. Vì độ dư thừa (redundancy) của các ngôn ngữ Ấn-Âu (động từ phải thay đổi để gắn với chủ từ chẳng hạn) cho phép người ta tìm lại được dễ dàng hơn cấu trúc hoàn chỉnh của câu. Trong khi ấy tiếng Việt là một ngôn ngữ bất biến vì thế có vẻ như ít độ dư thừa hơn, và nếu không có chấm câu thì khó tìm lại một cấu trúc câu độc nhất, nghĩa là dễ sinh đa nghĩa. Nhưng "Âm Vọng" cho thấy trong một chừng mực nào đó ý ấy sai. Tại sao? xin hỏi các nhà ngôn ngữ học, hình như có một cái gì đó như nhịp điệu của câu, như tác dụng của những chữ đưa đẩy, như ảnh hưởng của ngữ nghĩa lên trên cấu trúc... có lẽ đến một độ dài nào đó thì độ dư thừa của mọi ngôn ngữ đều gần nhau chăng... Một khi giả dụ rằng người đọc có thể hiểu văn phong ấy thì nhà văn hoàn toàn có quyền dùng hình thức không chấm phảy để mô tả dòng suy nghĩ miên man nhất là dòng suy nghĩ của người mắc bệnh tâm thần như trong trường hợp "Âm Vọng" nói cho cùng ngày xưa các cụ có biết chấm phảy gì đâu nhưng dù sao tôi nghĩ cũng không cần thiết đi quá đà phải cho người đọc thở với chớ ít ra là nếu bắt tôi tự chia câu hay bắt tôi đọc liền tù tì đi nữa thì cũng không thể làm như vậy năm sáu trang liền được có cái gì hơi giả tạo vì dù sao mạch ý nghĩ và mạch văn cũng có những chỗ ngắt quãng rõ ràng khi ấy nếu không muốn chấm phảy thì có lẽ nên xuống dòng.
    Ở đây tôi thiệt tình ngứa cổ muốn kêu một tiếng để vọng lại tác giả trong cái thử nghiệm chữ nghĩa này. Ý nghĩ của người ta khi viết ra thì nó tuyến tính và đơn tuyến. Mô tả tư tưởng người tâm thần như trong "Âm Vọng" viết ra là đơn tuyến, mặc dù nó chạy vòng quanh, đó cũng là một giả thuyết, vào loại khó kiểm chứng (bạn đọc có để ý nó chạy vòng không? xin đọc từ trang 336 trở về trang 324). Có chắc gì tư tưởng người ta khi không nói ra thành lời (nói to hoặc nói thầm trong đầu) là đơn tuyến đâu? có thể các mạch của bộ óc hoạt động song song (một giả thuyết vào loại khó kiểm chứng khác). Vì vậy xin phép tham dự cuộc chơi bằng cách thử viết lại làm thí dụ một đoạn trong trang 324, thêm một chỗ xuống hàng thôi, mà có lẽ vừa dễ đọc hơn lại vừa phức tạp hơn (hãy tưởng tượng đến chỗ xuống hàng thì cái đầu vừa quay về vừa đi tới).
    " tư đi đường đời đừng sợ sự sáng hay sự sống sáng hay sống cũng y chang như nhau tui nói với lá thông chết mà nó hổng ke giờ gục mặt vuốt nước mưa ráng mà chịu con *** đụ má nó hổng nghe ông thì ráng chịu à nha cãi lời ông là sư bà không cho ăn là đói rã họng ai nói tui ngu tui khùng tui dị đang tui điên tui dại tui tàng tàng tui mát dây tui thuộc người cõi trên cõi ngoài cõi lạ cõi hành tinh khác tui cám hấp tui nửa khối óc tui chậm trí tui biết tui không té giếng là được rồi lấy tâm lý học cộng phân tâm học lý giải cắt nghĩa đặng kết luận tui là thằng khùng bẩm sinh lâu lâu âu yếm gọi tui là thằng dở hơi hay tế nhị một chút nói đầu óc có vấn đề tui hổng ưng tui đục tui ngửi mùi long não đâu đây trời mưa dữ dội tui hít hà hổng lẽ má tư dzià núp sau bụi trầu đặng chơi khó dễ tui hay sao má tư đang còn ở miệt Vĩnh Long khi nào tui dzià má tư hái dừa xiêm cho tui uống mệt nghỉ... "
    *
    "Âm Vọng", tiếng vọng của nữ tính. Hè này tôi có nhậu lai rai (và cà khịa) trong một khung cảnh hữu tình, với một người bạn mê triết và (cơ bản là) theo trường phái Hegel. Thú thực cái tư tưởng "Lịch sử là Ý Thức tự thể hiện mình qua những thời quán (moment) của biện chứng " không thuyết phục tôi cho lắm. Nhưng về cái quan hệ đàn ông đàn bà, Âm Dương, thì hình như trường phái này có lý. Những người duy vật chẳng ai bảo đó là động lực của lịch sử cả. Người ta hay quên những gì người ta không giải thích được thỏa đáng. Âm dương là một phần (dù nhỏ) của động lực lịch sử chứ: Đàn ông đàn bà có trước hay giai cấp có trước?
    "Âm Vọng", nữ tính tự ý thức và tự thể hiện, một thời quán của lịch sử loài người nói chung, hy vọng thế. Tình yêu, tình mẫu tử , tình người thay cho chiến tranh, áp bức, đè nén, điên loạn.
    "Âm Vọng", âm thịnh. Nhưng mong rằng không vì thế mà dương suy. Nếu không thì buồn chết, phải không?
    Nguồn: Hợp Lưu số 70

Chia sẻ trang này