1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Tiểu thuyết thời đại Nhật Bản.

Chủ đề trong 'Kiếm hiệp cốc' bởi NhatLang, 01/02/2007.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. NhatLang

    NhatLang Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    08/01/2005
    Bài viết:
    323
    Đã được thích:
    0
    Tiểu thuyết thời đại Nhật Bản.

    Ở Nhật Bản có một thể loại tiểu thuyết gọi là Jidai Shousetsu (tiểu thuyết thời đại) thuộc loại văn học đại chúng , kể về công tích và những câu chuyện của các võ sĩ, các vị tướng quân , và các Ninja ẩn mật. Và những bộ phim được dựng từ Jidai shousetsu được gọi là Jidai Geki . Tuy loài người đã bước sang thế kỷ 21, thời đại của khoa học kỹ thuật, của văn minh tiến bộ nhưng thể loại Jidai Shousetsu và Jidai Geki vẫn còn một vị trí đứng rất cao trong xã hội Nhậ Bản nói riêng và trong cách nhìn nhận của Thế Giới nói chung.

    Nói một cách nôm na, đó là tiểu thuyết kiếm hào, kiếm hiệp và có lẽ nó là khởi nguồn của mọi tiểu thuyết kiếm hiệp khác.
    Tiểu thuyết thời đại còn được gọi là tiểu thuyết Chambara. Chambara là từ tắt của từ tượng thanh Chanchan barabara mô phỏng âm thanh của kiếm va chạm nhau khi giao đấu.

    Tuy thời đại của võ sĩ đã kết thúc, đao kiếm bị phế bỏ nhưng thực sự những giá trị mà Đạo Võ Sĩ ( Bushido ) vẫn còn có giá trị và đến ngày nay người ta vẫn còn nghiên cứu và tìm hiểu, nếu không muốn nói rằng có người xem đó là một lẽ sống, một lý tưởng của cuộc đờii để theo đuổi. Tất nhiên, những cái không phù hợp với thời đại đã bị loại bỏ. Những cái còn lại là những gì tinh anh nhất.
    Nền điện ảnh Thế Giới đã từng sửng sốt khi đạo diễn thiên tài Kurosawa Akira đưa ra hàng loạt những Jidai Geki rất có giá trị và được xem là phim kinh điển của điện ảnh Nhật Bản ( nhiều phim đoạt các giải thưởng cao quý nhất tại các liên hoan phim Quốc Tế ) như : Shichin no Samurai ( được biết dưới cái tên Seven Samurais ở Tây Phương ), Rashomon, Aka Hige (Red Beard ) , Sugata Sanshirou, Kage Musha, Ganryu Jima, Akou Roushi, Zatoichi,....
    Sở dĩ loại phim này được Thế Giới đề cao là vì nó đưa ra rất nhiều giá trị nhân bản khiến người ta phải suy nghĩ, bên cạnh việc miêu tả lại thực tế cuộc sống của tầng lớp Võ Sĩ ngày trước.
    Và Thế Giới đã không còn xa lạ với thể loại Jidai geki của Nhật Bản nữa, nhưng thật là đáng tiếc khi ở VN dường như người ta vẫn chưa quan tâm lắm đến Jidaigeki/ Jidai Shosetsu so với phim/truyện chưởng của Tàu. Có lẽ cũng là vì lý do cách biệt ngôn ngữ. Dịch giả Việt Nam hầu như không có ai dấn thân vào lĩnh vực này.

    Trong khi đó ảnh hưởng của Jidai Shosetsu/ Jidaigeki Nhật Bản lên văn chương và điện ảnh Thế Giới có thể thấy rất rõ ràng. Không biết vô tình hay hữu ý, sau khi đọc xong một số tác phẩm tiêu biểu của Kim Dung thì có thể thấy được nhiều điểm tương đồng về tư tưởng với Shiba Ryo Taro,Yoshikawa Eiji,... những cây đại thụ trong làng Jidai Shosetsu.

    Để có cái nhìn khái quát hơn về loại tiểu thuyết này xin đọc bài :

    "Tiểu Thuyết Dã Sử, Kiếm Hiệp và Tình Cảm Xã Hội " của tác giả Nguyễn Nam Trân.

    http://www.erct.com/2-ThoVan/NNT/VanHoc_Daichung-1.htm

    Do Jidai Shosetsu/ Jidaigeki phản ảnh đời sống của các võ sĩ ngày xưa nên ngôn từ sử dụng cũng tương đối...khó chịu/khó đọc/khó hiểu đối với lớp trẻ. Từ ngữ được đi vào những khuôn vàng thước ngọc của phép lịch sự, khiêm nhường đến cực độ. Ngoài những hình thức kính ngữ,khiêm nhường như ngữ pháp hiện đại thì còn có thêm nhiều quy tắc lễ nghĩa khác bắt buộc người võ sĩ phải thuộc nằm lòng.
  2. NhatLang

    NhatLang Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    08/01/2005
    Bài viết:
    323
    Đã được thích:
    0

    Truyện ngắn " Bí truyền " (Hiden) được đăng trong tập tiểu thuyết thời đại (Jidai shosetsu) " Kenkyaku Gunzo" của văn hào Ikenami Shotaro do Bunshun Bunko xuất bản tháng 9 năm 1979. Truyện được xây dựng trên một bối cảnh lịch sử và những nhân vật có thật ,thể hiện cái nhìn về "khí lượng" của con người qua nhãn quan nhà Phật của tác giả.
    Nguyên tác : Ikenami Shotaro
    Người dịch : Hiba Nhất Như
    Dịch từ nguyên tác tiếng Nhật.
    Sài Gòn 15-1-2007
    Một
    Một người đàn ông đen đủi từ đầu đến chân.
    Bên dưới mái tóc rối bời phủ đầy bụi bặm là cặp mắt dã thú sáng quắc. Bộ y phục hắn vận đã nhuốm đủ bụi bặm, bùn đất bẩn thỉu nên chẳng ai nhìn ra nó màu gì nữa và cũng chẳng rõ trên đó thêu những hoa văn gì. Hắn đi chân trần mà không mang dép rơm như thường thấy ở các võ sĩ.
    Nhìn bề ngoài thì chẳng ai đoán được hắn bao nhiêu tuổi nhưng có điều đây chẳng phải là kẻ tầm thường. Người hắn thấp lùn nhưng đôi mắt và những bắp thịt cuồn cuộn săn chắc của hắn đã nói lên điều đó.
    Không biết hắn đã ngồi đó tự bao giờ. Hắn ngồi xếp bằng khoanh chân trên đất, hai tay ôm một thanh trường kiếm.
    - Ủa ai vậy nhỉ ?
    Người đi đường không khỏi ngạc nhiên và bị thu hút bởi tấm biển dựng bên cạnh hắn. Đại khái trên biển viết rằng
    " Hỡi các võ sĩ, những kẻ tự tin vào sức mạnh của mình, những kẻ cầu học binh pháp võ nghệ, hãy tỉ thí với ta để phân định sư đồ "
    Tháng chín năm Bunroku thứ hai

    Kiếm sĩ vô song đất Nhật Bản Iwama Kokuma
    Thì ra là vậy. Những kẻ tự tìn vào tài nghệ của mình hãy tranh thắng phụ với kiếm sĩ đệ nhất Nhật Bản. Người thua sẽ làm đệ tử của kẻ thắng. Không biết là chuyện gì đây.
    - A quả nhiên, hắn chính là Kokuma.
    - Ừ đúng là Kokuma.
    - Ahaha, cái gì mà kiếm sĩ vô song đất Nhật Bản chứ.
    Bọn võ sĩ qua lại đi vòng quanh chỗ hắn ngồi, đọc tấm biển rồi buông lời đàm tiếu. Thằng này là Iwama Kokuma à. Có kẻ giễu cợt trêu chọc nhưng hắn chẳng lấy gì làm bận tâm. Những chuyện võ sĩ đi lang thang khắp nơi trong nước tìm người giỏi võ nghệ để thách đấu, thi thố hay học hỏi chẳng thiếu gì trong xã hội phong kiến Nhật Bản. Chẳng ai lấy làm lạ lắm. Nhưng Iwama lại xưng danh là kiếm sĩ thiên hạ vô song.
    Đã ba ngày rồi, hắn ngồi ở một góc quãng trường trước cổng thành Edo và hầu như hắn cứ ngồi yên mãi ở đó. Bốn năm trước tướng Tokugawa Ieyasu đã dời về vùng Kanto chọn Edo làm nơi xây thành. Ông ta quả là người có con mắt nhìn xa trông rộng của kẻ đoạt thiên hạ. Từ trước đến giờ Edo chỉ là chốn khỉ ho cò gáy chẳng ai dám đến định cư trừ những thành phần cùng đinh. Nhưng quyết định chọn Edo làm nơi xây thành đã góp phần làm biến đổi bộ mặt lịch sử của nước Nhật. Chẳng ai ngờ chốn hoang địa đó sau mấy trăm năm lại trở thành thủ đô của đất nước này. Sau này người ta gọi nó là Tokyo.
    Dưới bầu trời thu xanh ngắt, khắp nơi trong thành Edo đều vang lên tiếng búa nhiệt huyết xây dựng thành phố. Tiếng búa chẳng bao giờ dứt chứng tỏ quyết tâm xây dựng nơi đây thành một chốn phồn hoa đô hội của nhà Tokugawa.
    - Từ bây giờ nơi đây sẽ trở thành một đô thị sầm uất của ngài Tokugawa.
    Mọi người đều tin như thế. Ngày ngày người ta đều chứng kiến không ít cảnh bọn thị dân từ các vùng khác lũ lượt kéo về, chẳng bao giờ dứt.
    Từ nơi đây có thể cảm nhận được mùi vị của biển từ vịnh Tokyo theo gió đưa vào.
    Đến ngày thứ tư. Một người to lớn tiến đến bên Kokuma.
    - Thằng khốn, cút đi !!
    Nói chưa dứt lời gã đã vun gậy nện vào lưng Kokuma. Nhưng cây gậy chỉ vụt vào khoảng không trên đầu, Kokuma đã nhanh chóng thụp xuống. Khi hắn bật dậy là thân thể người kia bị ném vút đi, xương cổ bị đánh trặc nên hắn la hét ầm cả lên. Người qua đường thấy thế cả sợ, một góc phố nháo loạng cả lên.
    Đến ngày thứ năm. Lại thêm hai tay võ sĩ giang hồ từ đâu đến thách đấu với Kokuma bằng mộc kiếm. Nhưng hắn chỉ dùng tay không. Trong nháy mắt hai người đã bị hắn vặn gãy xương cánh tay. Những kẻ chứng kiến lại thêm phần sợ hãi.
    Đến buổi chiều ngày thứ sáu đã xảy ra một chuyện.
    Mỗi ngày hắn chỉ ăn một buổi. Chiều hôm ấy hắn mò xuống làng chài ngoài thành để lấy thức ăn thì đã thấy bốn kiếm khách chờ sẵn, thách đấu với hắn bằng kiếm thật.
    - Ở đây chẳng phải trước cổng thành nên ta cũng rút gươm. Liệu hồn.
    Báo rồi Kokuma lao tới trước như con chim én, rút gươm.
    Nhanh quá, trong sát na mà hai kiếm khách đã ngã xuống, máu phun có vòi. Một kẻ khác chớp thời cơ đâm từ sau lưng Kokuma. Hắn nhanh nhẹn tránh được rồi thuận tay huơ ngược lưỡi kiếm. Tên còn lại trông thấy hoảng hồn bỏ chạy mất dạng.
    Vì thế mà tiếng đồn về hắn lang rộng khắp nơi ở Edo, lọt vào tai Tokugawa Ieyasu.
    Lúc bấy giờ không hiếm những võ sĩ xuất thế lập thân nhờ vào tài võ nghệ của mình. Nhưng thời kỳ chiến loạn trăm năm đã gần đến thời kỳ kết thúc. Khi Toyotomo Hideyoshi diệt họ Hojo ở Odawara thì họ Toyotomi đã gần như bình định được thiên hạ, vì thế mà nhu cầu về võ sĩ cũng giảm hẳn đi. Nếu không phải là kẻ cực kỳ xuất chúng bạt quần thì khó lòng mà tìm được công danh.
    Lúc đầu người ta gọi Kokuma là "kỳ nhân" rồi sau khi chứng kiến tài nghệ của hắn, các võ tướng và chư hầu có dinh thự ở Edo tự nhiên âm thầm chú mục đến hắn.
    Đến ngày thứ mười, lại thêm hai kẻ thách đấu nữa bị hạ.
    Nếu cứ như thế này thì quả nhiên cái danh hiệu " Nhật Bản vô song" cũng không phải là nói khoác.
    Rồi có cả vị chư hầu và Hatamoto ( trọng thần được phép diện kiến Tướng Quân ) nào đó đến mời hắn về phục vụ. Nhưng hắn từ chối thẳng thừng và cứ tiếp tục ngồi trước cổng thành.
    - Vậy mục đích của hắn là gì ?
    Nhiều người tự hỏi. Có kẻ cười ngạo. Có lẽ hắn đợi lời mời từ một nhà nào đó cao giá hơn.
    Đến ngày thứ mười ba lại có thêm năm kẻ đại bại dưới tay Kokuma.
    Cứ như thế này thì chẳng còn ai dám khiêu chiến với hắn mất.
    - Quả là một tay kiếm cừ khôi.
    - Hãy đến phục vụ cho ta đi...
    - Cho sứ giả đến gặp hắn ngay....
    Cứ như thế mà thành Edo náo nhiệt hẳn lên. Bọn thị dân và dân chài ngày ngày đều ghé đến trước cổng thành để xem hắn.
    Buổi sáng ngày thứ mười bảy trời đổ cơn mưa bụi như sương mù. Trong cơn mưa có ba võ sĩ đến tìm Kokuma.
    - Các hạ là Iwama Kokuma ?
    - Chính ta.
    - Chúng ta là môn đệ của Negishi Tokaku.
    Một trong ba người có kẻ cốt cách vững vàng, ðiznh ðaòc, hình dong khôi ngô tuấn tú.
    - Tại hạ là Sakayama Denzo.
    Denzo nhìn kỹ Kokuma bằng cặp mắt như phóng ra từng tia điện rồi cất giọng nói trầm trầm nhừa nhựa.
    - Sư phụ Negishi Tokaku muốn tỉ thí với các hạ.
    Kokuma ngước nhìn Sakayama rồi hất hàm

    - Ta đã chờ ngày này từ lâu.
    Nói rồi vùng dậy rồi nhổ tấm biển cắm bên cạnh, bẻ gãy cọc làm hai rồi vứt vào bụi cây sau lưng.
  3. NhatLang

    NhatLang Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    08/01/2005
    Bài viết:
    323
    Đã được thích:
    0
    Hai
    Negishi Tokaku là kiếm khách được chú ý gần đây ở Edo. Hắn có một dinh thự rộng lớn ở khu Kanda và mở võ đường dạy kiếm pháp phái Ippa Ryu. Trong số hơn một trăm môn đệ của hắn có nhiều người là võ sĩ phục vụ trong phủ Tokugawa. Vì vậy mà có lẽ Tokaku không thể nào làm ngơ Iwama Kokuma, kẻ xưng danh là kiếm sĩ Nhật Bản vô song ngồi trước cổng thành. Tokaku được gọi là kiếm sĩ mạnh nhất ở Edo. Hắn cảm thấy đây là một lời thách đấu âm thầm đối với hắn. Quả đúng là như vậy. Đây là một lời thách đấu đối với Tokaku.
    Nhưng chẳng phải là một lời thách đấu bình thường.
    Cả Tokaku và Kokuma đều học kiếm cùng một thầy vào năm mười sáu, mười bảy tuổi. Sư phụ hai người là Morooka Ichiusai, cao đồ của kiếm thánh Tsukahara Bokuden một thời nổi danh chốn võ lâm. Ichiusai được Bokuden truyền dạy cho tinh túy của bí kiếm Kashima rồi tự mình công phu thêm, sáng lập nên phái kiếm Ippa Ryu.
    Khi đã qua cái tuổi bốn mươi, Morooka Ichiusai mới chuyển về Edozaki ở xứ Hitachi (ngày nay là tỉnh Ibaraki) mở võ đường truyền dạy môn phái của mình.
    Lúc Iwama Kokuma và Negishi Tokaku đến nhập môn thì thân thể Ichiusai đã bắt đầu bị căn bệnh hủi làm ruỗng mục.
    - Mạng ta chẳng còn bao lâu nữa. Vì vậy các ngươi hãy chăm chỉ luyện tập.
    Kokuma và Tokaku nhập môn được ba năm thì trên khuôn mặt hốc hác của Ichiusai đã nổi rõ các khối u đặc trưng của căn bệnh hủi quái ác. Lông mày, râu tóc cũng bắt đầu rụng.
    Vậy là chỉ còn lại khoảng hai năm.
    - Trong lúc ta còn sống thì hãy cật lực rèn luyện, chớ sao lãng !!
    Ichiusai dốc toàn lực ra dạy dỗ cho đám môn đồ hơn ba mươi người. Ngày ngày ông đều ra võ đường vụt kiếm chỉ đạo cho môn nhân.
    Trong bọn môn nhân có ba người nổi bật.
    Ngoài Tokaku và Kokuma ra còn có một người nữa là Hijiko Doronosuke.
    Doronosuke vốn là đứa trẻ bị bỏ rơi trước cổng chùa Bất Động ở Edozaki được sư sãi nhặt về nuôi. Đến năm mùa hè năm mười lăm tuổi thì nhà chùa gửi hắn cho võ đường Morooka để giúp đỡ công việc, chăm sóc cho Morooka Ichiusai vốn một đời không vợ không con. Ichiusai cũng đã thử dạy kiếm cho hắn và cảm thấy được tiềm năng của hắn.
    - Hãy theo ta học kiếm.
    Rồi dốc toàn lực ra dạy dỗ Doronosuke.
    Hai năm sau thì Kokuma rồi đến Tokaku nhập môn.
    Kokuma là con thứ ba của một nhà bách tính trong làng Iwama ở Hitachi, sau được tay kiếm sĩ giang hồ Moriguchi Jirobei nuôi nấng. Moriguchi mất có để lại di ngôn cho hắn đến nương nhờ Morooka Ichiusai. Hai người này vốn là chỗ thâm giao từ ngày xưa.
    Còn Negishi Tokaku thì xuất thân từ gia đình hào sĩ ở làng Negishi ở Awa, xứ Kazusa và là kẻ có cảnh ngộ may mắn nhất trong ba người. Hắn đến Hitachi học kiếm mà không lúc nào ngớt tiền bạc, phẩm vật từ gia đình gửi đến. Ngoại hình Tokaku cũng được ưu đãi nhiều điều, thân thể cao ráo, chẳng những thế võ nghệ cũng siêu quần. Khi sư phụ Ichiusai vào nằm ở giường bệnh thì chính Tokaku là người đến võ đường dạy dỗ môn nhân như quyền sư phụ. Và cũng chính sự tận tụy cũng như tài năng của hắn mà tiếng tốt vang xa, người kéo đến học võ ngày một đông.
    Iwama Kokuma là kẻ quái lực, sức khỏe vô biên nhưng nếu đấu nhau bằng kiếm gỗ thì cứ ba phát lại thua Tokaku hai phát. Còn Doronosuke thì dĩ nhiên là không thể nào là đối thủ của Tokaku.
    Hijiko Doronosuke, tên hắn có nghĩa là đứa trẻ lấm bùn. Nếu như sinh ra ở Việt Nam thì có lẽ người ta sẽ gọi hắn là Nguyễn Văn Bùn hay Trần Văn Sình chẳng hạn. Vào một buổi sáng trời mưa, hòa thượng chùa Bất Động thấy hắn bị vứt dưới đất, thân thể dính đầy bùn đất vì vậy mà sư sãi trong chùa gọi hắn là Doronosuke. Đến khi sư phụ Morooka Ichiusai không còn rời khỏi giường bệnh được nữa thì hầu như hắn không còn đến võ đường luyện tập nữa mà chuyên tâm chăm sóc thầy.
    - Này Doro !
    Negishi Tokaku cứ gọi hắn một cách trống không như vậy rồi còn bắt hắn làm việc lặt vặt như lo cơm nước. Kokuma thấy vậy cũng bất bình lắm, cũng chính vì quyền chỉ đạo võ đường lọt vào tay Tokaku nên không khỏi bất mãn. Một hôm Kokuma đến trước giường Ichiusai mà than phiền về thái độ cao ngạo của Tokaku. Nhưng ông Ichiusai chỉ lặng lẽ cười rồi thì thầm như hát, chẳng để ý.
    - Tokaku là Tokaku . Kokuma là Kokuma và Doronosuke chính là Doronosuke mà....
    Và rồi Morooka Ichiusai tắt thở. Không thấy sách vở nào ghi năm ông mất nhưng người ta nói rằng Ichiusai qua đời ở tuổi quá sáu mươi.
    Đêm đó Negishi Tokaku bỏ trốn khỏi võ đường.
    - Á...!!
    Iwama Kokuma dòm vào ngăn kệ nơi đầu giường ông Ichiusai ngạc nhiên kêu lên. Ngăn kệ đã bị phá và quyển bí kiếp " Kiếm pháp bí truyền thư " trong đó chẳng thấy đâu.
    - Thằng Tokaku đã trộm truyền thư bỏ trốn rồi !
    Doronosuke nghe động chạy đến, vô cùng kinh ngạc.
    - Khốn kiếp, khốn kiếp ! Tokaku !
    Kokuma với lấy thanh kiếm đuổi theo Tokaku. Hai ngày sau hắn trở lại võ đường. Lúc này tang lễ ông Ichiusai đã xong xuôi đâu đấy. Doronosuke ra nghênh đón Kokuma với đôi mắt buồn rười rượu vì cái chết của sư phụ.
    - Nó trốn rồi. Không tìm thấy.
    Kokuma nói như nhổ, rồi hắn trách Doronosuke tại sao không đợi hắn về hẳn làm ma chay cho sư phụ. Doronosuke chỉ lặng lẽ cuối đầu không nói.
    Thế này thì hai cao đồ của Morooka Ichiusai phải đuổi theo Tokaku dành lại truyền thư và phải quyết đấu với hắn. Đấy là luật lệ bất thành văn của giới kiếm sĩ. Kiếm đạo là con đường thế này ư.
    - Để ta đi. Doronosuke hãy trở về Edozaki bảo vệ võ đường.
    Kokuma nói như cưỡng chế. Cứ để một mình hắn tìm Tokaku mà giải quyết, lấy lại diện mục cho phái kiếm Ippa ryu.
    ( Doronosuke không thể nào địch lại Tokaku )
    Dĩ nhiên là hắn nghĩ như vậy.
    - Thế không phải là hai người chúng ta sẽ đuổi theo hắn sao ?
    Doronosuke đáp, nhưng Kokuma ưỡn ngực
    - Đối phương chỉ có một mình. Hai đối một sẽ bị thiên hạ cười chê.
    - Nhưng....
    - không được, không được. Đệ hãy trở về chăm sóc võ đường.
    Thế nào đi nữa thì Kokuma cũng chỉ đi một mình. Công danh sẽ thuộc về mình hắn và thiên hạ sẽ nhìn hắn như là kẻ đủ tư cách kế thừa môn phái. Rồi hai người chia tay nhau định ngày xuất phát. Nhưng thực ra là Kokuma cưỡng ép Doronosuke để ra đi một mình thì đúng hơn.
    - Đúng rồi.....
    Doronosuke vỗ tay như hiểu ra
    - Kokuma huynh sẽ trị được Tokaku giỏi hơn đệ.
    - Đến bây giờ mới hiểu sao.
    - Ừm, đệ vốn chỉ mong báo đáp ơn nghĩa đối với sư phụ mà muốn tự tay đánh bại Tokaku nhưng xem ra không cần thiết... Đúng rồi, đã là người của phái Ippa thì ai làm chuyện này cũng được.
    - Ừ, đệ còn có nhiệm vụ quan trọng nữa là bảo vệ võ đường, dạy dỗ môn nhân.
    - Đệ sẽ làm hết sức.
    - Ta trông cậy ở đệ.
    - Đệ sẽ cầu nguyện cho huynh.
    Kokuma cảm thấy một cảm giác rung động nơi lòng ngực. Rồi hai người nắm tay nhau xiết chặt.
    Năm đó Kokuma và Tokaku được hai mươi lăm tuổi. Còn Doronosuke vừa tròn hăm ba.
    Trong hai năm nay Kokuma đi khắp các nơi tìm kiếm tung tích Tokaku nhưng mãi chẳng thấy. Một hôm tình cờ gặp được một tay kiếm khách quen biết là Soma Josuke ở dưới thành Shimotsuke. Soma nói
    - Ta vừa từ Edo đến đây... hình như Negishi Tokaku có ở đó.
    - Hả...
    - Hắn đổi tên thành Shirakawa Minbu và mở võ đường hồi nửa năm trước, được nhiều người chú ý. Bọn gia lại của Tokugawa cũng liên tục nhập môn và hắn được đánh giá là tay kiếm số một Edo...
    Không đợi Soma nói hết lời, Kokuma đã hất bụi chạy như bay.
    Rồi hắn đến Edo khiêu chiến Tokaku.
    Lúc này Tokaku đã bỏ tên Shirakawa Minbu, trở lại tên thật.
    - Hãy đến phủ báo cáo việc tỉ thí với Kokuma.
    Hắn ra lệnh cho môn nhân Sakayama Denzo.
    Sakayama đến dinh của quan coi sóc vùng Kanto, gia thần của Ieyasu là Itakura Katsushige bẩm báo về trận tỉ thí giữa Tokaku và Kokuma. Nhà nước lúc bấy giờ cho phép những trận quyết đấu như vậy.
    - Ừm, không thể làm ngơ chuyện này.
    Itakura Katsushige cũng đã hai lần quan sát Iwama Kokuma ngồi trước cổng thành từ trên lưng ngựa. Ông ta cũng có nhiều điều hứng thú với tay kiếm khách này.
    - Hắn sẽ giúp ích được nhiều cho nhà Tokugawa.
    Rồi khi được phép của Ieyasu, ông ta liền gọi Tokaku và Kokuma đến sở.
    - Trận đấu sẽ tiến hành vào ngày hai mươi bảy vào khắc thứ tư ( khoảng mười giờ sáng ). Địa điểm là trên cầu Ohashi.
    Ngày hai mươi bảy tức là còn ba ngày nữa. Cầu Ohashi chính là cầu Tokiwa sau này.
    - Xin đa tạ.
    Hãy trông Tokaku, hắn cuối chào một cách lễ phép. Y phục hắn vận cũng đàng hoàng tinh tươm may từ loại lụa đắt tiền, bao kiếm của hắn là loại chạm trỗ hoa văn cầu kỳ công phu. Từ vẻ bề ngoài đã toát ra cái lịch lãm tuấn tú của Tokaku.
    Còn Iwama Kokuma thì từ đầu đến chân đều là bùn đất trộn lẫn với mồ hôi nhễ nhại. Vì thế mà tự nhiên Itakura Katsushige có cảm tình với Tokaku hơn. Vả lại, trong số môn đệ của Tokaku có nhiều người phục vụ trong phủ Ieyasu. Cho nên Itakura nhìn Tokaku bằng cặp mắt đầy tin tưởng.
    - Tokaku, hãy trả món đồ ăn trộm lại đây !
    Kokuma nói lớn khiến Itakura phải can thiệp.
    - Khoan khoan, chuyện của hai người hãy để hôm quyết đấu giải quyết.
    Tokaku đứng đậy, cuối chào Itakura rồi nói với Tokaku một cách thương hại
    - Đồ khùng. Ngươi vẫn chưa khỏi à.
    Dĩ nhiên là ngay cả Itakura Katsushige và đám tả hữu của ông ta không ai xem Iwama Kokuma là người bình thường cả.
  4. NhatLang

    NhatLang Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    08/01/2005
    Bài viết:
    323
    Đã được thích:
    0
    Ba
    Rồi ngày quyết đấu cũng đến.
    Tokugawa Ieyasu cho dựng đài quan sát xung quanh khu vực quyết đấu. Hôm đó mọi thứ được chuẩn bị kỹ lưỡng và bọn dân đen hiếu kỳ đổ về xem từ lúc trời đất hãy còn tờ mờ.
    Hai bên tả hữu khu vực quanh cầu Ohashi đều được giăng kín màn, Kokuma chực ở phía Đông còn Tokaku phục ở phía Tây chân cầu. Xung quanh là lực lượng võ sĩ nhà Tokugawa vây kín đề phòng bất trắc. Trên đài quan sát phía Tây là quan coi sóc vùng Kanto, Itakura Katsushige còn phía Đông là Yamada Buzennokami ngồi giám sát trận đấu.
    Giờ khắc quyết định đã đến.
    Một trận gió lạnh rít lên báo hiệu khắc giao mùa giữa thu và đông, một đám mây như trôi gấp gáp trên nền trời.
    Một hồi trống báo hiệu vang lên.
    Iwama Kokuma và Negishi Tokaku lần lượt xuất hiện hai bên chân cầu. Kokuma vận chiếc áo chẽn mới do Tokugawa cấp cho, ống quần xắn lên cao. Hắn vẫn đi chân đất mà không mang dép. Kokuma đeo một chiếc vòng nơi trán nhưng cũng không che được mái tóc rối bời như tổ quạ.
    Còn Tokaku thì khỏi nói ai cũng hình dung ra được hắn ăn vận hào hoa nho nhã thế nào.
    Hồi trống thứ ba vừa vang lên, cả hai vác mộc kiếm vào thế thủ, lầm lũi tiến lên cầu. Đám đông dường như nín thở theo dõi.
    Kokuma sử thanh mộc kiếm dài hai thước tám thốn vào thế thủ hạ đoạn. Tokaku hai tay mang thanh mộc kiếm to, dài đến bốn thước thủ một bên hông. Toàn thân hắn kiếm khí toát ra bắn cả vào Tokaku.
    Hai người vừa tiếp cận trên thân cầu.
    - Eitt !!
    Thanh mộc kiếm của Tokaku như xé gió đập vào mặt Kokuma. Chát, hai thanh mộc kiếm chạm nhau phát ra âm thanh nghe đến rợn cả hồn. Hai người vừa chạm nhau đã bay thối lui. Rồi trong nháy mắt
    - Yatt !!
    - Uwatt !!
    Cả hai cùng thét lên rồi lại lao vào đột kích.
    Hai thanh mộc kiếm vừa chạm nhau là thanh kiếm của Kokuma bị giật bắn lên trời. Ai cũng thấy rõ mồn một cái cảnh mộc kiếm của Tokaku bổ vào Kokuma khiến hắn té phục xuống nền cầu. Nhưng mọi chuyện xảy ra lại không nằm trong dự đoán của nhiều người.
    Vừa bị đánh văng vũ khí ra khỏi tay nhưng Iwama Kokuma chẳng hề tỏ ra nao núng chút nào, hắn điềm nhiên như không rồi không hề do dự mà lao vào Tokaku lần nữa.
    Khi Tokaku vừa đánh bật mộc kiếm của Kokuma là lúc hắn giật mình
    - Chết !
    Chính vì thanh mộc kiếm dài quá khổ nên hắn phải lui lại một bước để ra đòn tiếp theo. Nhưng khoảng cách giữa hai người đã bị thu ngắn. Một bước chân thối lui của Tokaku đã bị Kokuma lợi dụng. Đám đông quan sát bỗng ồ cả lên. Thân thể của Tokaku bị hai cánh tay lực lưỡng của Kokuma kẹp chặt rồi nhẫc bỗng lên thành cầu. Rồi hắn thấy mình bị ném ùm xuống sông. Bọt nước văng tung tóe.
    - Quái lực ! Đáng sợ thật.
    Lúc bấy giờ Tokugawa Ieyasu cũng phải thốt lên.
    Vậy là Tokaku đã thua trước sự chứng kiến của hàng trăm con mắt. Hắn lòm ngòm bò lên khỏi mặt nước, nói như còn luyến tiếc
    - Kokuma, ta thua rồi.
    - Tokaku, mau trả truyền thư ngươi lấy trộm lại đây !
    - Ngươi muốn lắm sao ?
    - Không phải là ta muốn. Nhưng ta phải lấy lại cho vong hồn của sư phụ.
    Tokaku cười một cách gượng gạo.
    - Chuyện gì, quái lắm sao ?
    - Được rồi, ta sẽ trả. Nhưng xem xong đừng có ngạc nhiên nhé.
    - Cái gì...
    Rồi Tokaku dẫn Kokuma về dinh thự của mình ở khu Kanda, trao lại quyển bí truyền thư của Morooka Ichiusai.
    - Vĩnh biệt ngươi. Từ nay ta không bao giờ đặt chân lên đất Edo này nữa.
    Nói rồi Negishi Tokaku lập tức ra đi, hắn đội nón lá lụp sụp che kín mặt rồi lủi thủi biến đâu mất trong hàng hàng trăm tia nhìn của bọn môn nhân và bọn võ sĩ Tokugawa.
    Kokuma mở quyển truyền thư của sư phụ ra xem. Bên ngoài thấy đề " Bí truyền thư phái kiếm Ippa". Quả đúng là bút tích của sư phụ hắn, không lẫn vào đâu được.
    Hắn mở ra xem.
    Kokuma trố mắt khi vừa mở ra, tay hắn rung rung.
    - Ư, ư,....
    Hắn thốt lên trong sự ngạc nhiên. Quyển truyền thư chỉ toàn là giấy trắng không có lấy một chữ. Vừa lúc ấy Sakayama Denzo xuất hiện ngoài hành lang, phủ phục xuống đất. Kokuma hoảng hốt vội cuộn quyển truyền thư lại.
    - Chuyện gì ?
    - Xin thất lễ đã làm phiền ngài.
    - Chuyện quái gì thế ?
    - Tiểu sinh thật sự kinh sợ và cảm phục khi xem trận đấu hôm nay.
    - Hừm.
    Thái độ của Sakayama Denzo như nói lên thái độ thành thực của hắn. Thái độ cao ngạo của hắn khi làm sứ giả cho Tokaku đến gặp Kokuma lúc bấy giờ còn ngồi trước cổng thành Edo giờ đây chẳng thấy đâu nữa. Denzo chắp tay
    - Thưa ngài. Kể từ hôm nay xin ngài hãy cho bọn chúng tôi gia nhập vào hàng ngũ môn đệ. Rất mong ngài nhận lời cho.
    Thưa rồi hắn lại dập đầu.
    Không biết tự lúc nào bọn môn nhân cũng kéo đến phủ phục ngoài hành lang.
    - Xin ngài hãy nhận chúng tôi làm môn đệ.
    Cả bọn đồng thanh hô to.
    Lúc bấy giờ trong ngực Kokuma dậy lên một cảm giác xúc động mãnh liệt.
    Trong số môn đệ của Tokaku có lắm kẻ là gia thần của Tokugawa Ieyasu, nhân vật mà đến Thái Cáp Toyotomi Hideyoshi còn phải nể sợ. Rồi từ đây vị trí kiếm sĩ độc tôn thành Edo của Tokaku sẽ thuộc về hắn. Vì vậy mà hắn xúc động.
    - Nhưng ta còn phải trở về Edozaki.
    Lúc đầu Kokuma từ chối, nhưng Sakayama lại khéo léo giữ chân hắn bằng nhiều thủ đoạn. Tòa dinh thự vừa mới hoàn thành của Negishi Tokaku nay thuộc về Kokuma. Toàn bộ y phục của Tokaku cũng nghiễm nhiên trở thành của hắn, rồi ngày ngày còn được thưởng thức lắm món ngon vật lạ, bao nhiêu thứ rượu quý hiếm mà cả đời hắn chưa từng nghĩ đến. Tối đến hắn lại rúc vào đống chăn êm nệm ấm. Bọn môn nhân cũng chăm sóc hắn kỹ lưỡng nên Kokuma lưu lại Edo, trải qua những ngày tháng chẳng hề lo nghĩ gì. Đương nhiên, hắn cũng có nghĩa vụ đến võ đường dạy dỗ đám môn nhân. Nghĩa vụ của một người thầy cũng nảy sinh từ đây. Rồi không biết tự lúc nào mà số môn đệ đã tăng nhanh chóng.
    Dường như tiếng tăm của Kokuma đều tăng theo mỗi ngày.
    Rồi thời khắc hết năm cũng cận kề. Lúc này Hijiko Doronosuke ở Edozaki cho sứ giả là Bogaido Hachiro mang đến một phong thư. Đại khái viết như sau
    " Việc huynh đánh bại Tokaku cũng đã lan truyền đến Edozaki, thiên hạ không ai là không biết. Đệ rất lấy làm vui mừng và hãnh diện, ngày đêm mong huynh trở về rồi huynh đệ ta còn đàm đạo bao nhiêu chuyện. Quyển truyền thư của sư phụ chắc huynh đã lấy lại được. Mong huynh nhanh chóng hồi âm"
    Đọc qua một lần rồi Kokuma bảo
    - Này Hachiro, như ngươi thấy đấy, bây giờ ta không thể trở về Edozaki ngay được. Còn bọn môn nhân, còn võ đường. Ta có trách nhiệm với chúng. Ngươi hiểu không.
    Nói rồi lấy quyển bí truyền thư của sư phụ gói lại cẩn thận
    - Phiền ngươi mang cái này về cho Doro. Cứ đưa là hắn khắc hiểu.
    Bogaido Hachiro không giấu nỗi vẻ bất mãn ra mặt, nhận truyền thư rồi trở về Edozaki.
    Năm mới đến, là năm Bunroku thứ ba.
    Iwama Kokuma nghiễm nhiên trở thành chủ võ đường phái kiếm Shinto Ippa Ryu.
  5. NhatLang

    NhatLang Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    08/01/2005
    Bài viết:
    323
    Đã được thích:
    0
    Bốn
    Người phụ nữ ấy ngã gục ngay con đường trước võ đường của Kokuma. Cô ta giãy giụa như kẻ ngạt thở. Đó là vào một buổi sáng đầu tháng hai.
    Lúc bấy giờ Kanda là vùng đất cao ráo thuộc khu ngoại ô thành Edo với địa hình nhiều thung lũng, rừng rậm đan xen. Thỉnh thoảng nổi lên vài mẫu ruộng của nông gia và tự viện. Trận mưa dữ dội đêm trước khiến đường xá chưa kịp khô ráo. Một người phụ nữ ăn vận như khách du hành ngã gục trước võ đường, thân thể lấm đầy bùn đất. Người phát hiện ra là Izu Shige Uemon, một trong năm môn nhân cùng với Sakayama Denzo ngày đêm túc trực tại võ đường.
    - Mau mau cứu người !
    Denzo ra lệnh mang nữ nhân vào trong, sau một hồi sơ cứu thì nữ nhân hồi tỉnh, đến trước Kokuma thi lễ
    - .... Dám xin ngài cho phép tiện nữ lưu lại đây ít lâu đến khi khỏi hẳn thì chẳng dám làm phiền quý quán nữa.
    - Được rồi, cứ ở lại.
    - Hai mẹ con tiện nữ khởi hành từ vùng Echigo, dọc đường không may thân mẫu tiện nữ qua đời...
    - Ờ, tội nghiệp nhỉ.
    Nữ nhân kể lại rằng thân phụ mình chẳng hiểu vì sao lại bỏ mặc hai mẹ con mà ra đi, bấy lâu nay vẫn không thấy tung tích gì. Rồi hai người lên đường tìm cha thì dọc đường xảy ra chuyện không may.
    Mấy hôm sau, Sakayama Denzo vào thưa với Kokuma
    - Người ta đã hoàn toàn bình phục cả rồi nhưng xem ra chẳng còn chốn nào để nương thân. Vậy chủ nhân có thể giữ lại làm người hầu sai việc vặt được không ?
    - Ờ thì tùy ngươi đấy.
    Rồi kể từ ngày hôm đó, nữ nhân lưu lại võ đường hầu hạ Kokuma, choi sóc những chuyện lặt vặt. Nàng tên Oei, tuổi chừng hai mươi hai đang độ xuân thì, ngày ngày hầu hạ Kokuma hết mực trung thành.
    Từ trước đến giờ võ đường này không hề có bóng đàn bà. Và đây cũng là kinh nghiệm đầu tiên trong đời Kokuma khi tiếp xúc với đàn bà. Oei dịu dàng, thân thể luôn tỏa mùi hương dễ chịu hầu hạ bên cạnh khiến hắn ngây ngất. Đến ngay cả việc thay y phục, đeo thắt lưng nàng cũng làm hộ hắn. Những lúc này hắn cảm thấy rõ hơi thở dồn dập của Oei. Khi ngón tay hắn hắn vừa chạm vào ngón tay Oei thì dường như có một luồng điện chạy qua người khiến hắn giật bắn.
    Rồi, ngày hai mươi lăm tháng hai, hôn lễ của hai người được cử hành. Trong hôn lễ có Tao Mondo là gia thần của Tokugawa Ieyasu và đại diện cho Itakura Katsushige đến chúc mừng nên Kokuma vui mừng không xiết, hắn ngây ngất như người đi trên mây.
    Nhưng không hiểu vì chuyện gì mà Tao Mondo lại có vẻ khó chịu, khi xong việc là bỏ về ngay.
    Hắn cũng không hề báo tin hôn lễ đến Hijiko Doronosuke ở Edozaki. Không phải là cố tình không báo tin nhưng quả thực Edozaki là cái xó xỉnh quê mùa bẩn thỉu nào, hắn đã quên tuốt.
    Rồi mãi về sau cũng không hề nghe tăm hơi gì về Doronosuke cả.
    Mùa xuân đến rồi lại ra đi như một giấc mộng.
    Iwama Kokuma buổi sáng thức dậy đến võ đường vụt kiếm, dạy dỗ đám môn nhân. Đến tối trở về ôm ấp Oei vui thú cuộc đời.
    Võ đường cũng ngày càng ồn ào náo nhiệt hẳn lên.
    Mỗi sáng thức dậy Oei đều chải tóc cho hắn. Chẳng mấy chốc mà tướng mạo Kokuma thay đổi, da dẻ hắn hồng hào hơn trước và hình dong của hắn cũng bắt đầu toát ra một vẻ oai nghiêm đường bệ. Cách ăn nói, cách đi đứng, cử chỉ cũng đã thay đổi cho phù hợp với vị trí tôn chủ một môn phái.
    Mùa hè đến.
    Rồi một hôm người ta nghe có biến sự xảy ra.
    Năm
    Biến sự này đến tai Negishi Tokaku khi sự kiện đã xảy ra được nửa năm.
    Chuyện là Iwama Kokuma đã chết thảm.
    Buổi sáng hôm đó, mãi không thấy hắn dậy nên đám môn nhân xông vào phòng ngủ xem xao, thì thấy thân thể Kokuma và Oei nửa trần truồng nằm trong vũng máu. Kokuma trên người bị mấy vết giáo đâm, toàn thân như vừa được vớt từ bể máu ra. Oei cũng không khác chút nào.
    Để lại hiện trường là một thanh đoản đao Nobukuni tuốt vỏ nằm lông lốc và người ta nói đó là thanh đao đã giết chết Kokuma. Theo như lời bọn môn nhân thì đó là thanh đoản đao của Negishi Tokaku.
    - Quả nhiên là Tokaku thua trong trận tỉ võ nên sinh hận, đương đêm lẻn vào đây ám sát Kokuma.
    Thiên hạ đồn ầm lên như vậy.
    - Tầm bậy !!
    Tokaku rất đỗi tức giận khi tin đồn lọt đến tai hắn. Quả đúng là thanh đoản đao Nobukuni là của hắn thực, nhưng lúc bỏ Edo ra đi thì trên người hắn chỉ có bộ y phục. Thanh đoản đao hắn vẫn để lại võ đường.
    Lúc bấy giờ Tokaku đang trú tại chùa Thập Phương, một ngôi tiểu tự dưới chân núi Inugami xứ Oumi. Hắn nghe được chuyện này từ những vị sư lang thang từ Edo đến.
    Từ khi hắn bỏ Edo mà đi như kẻ trốn nợ thì lòng tự tôn tự đại như đá của hắn trước đây đã vỡ vụn gạch ngói. Vì vậy mà sau này hắn tự khai sinh ra phái kiếm Mijin Ryu, không phải là không có nguyên cớ. Mijin có nghĩa là những thứ vỡ vụn như cám.
    - Kiếm thuật của ta vẫn còn quá là thô lậu.
    Chính vì bị một Iwama Kokuma tự tin ngạo mạn ném xuống sông nên danh dự võ sĩ của hắn bị thương tổn đáng kể. Nhưng có một chuyện khiến hắn càng khổ não hơn bội phần và không lúc nào không bị dày vò bởi điều này. Đó chính là quyển bí truyền thư toàn giấy trắng mà hắn trộm của sư phụ hắn, Morooka Ichiusai.
    - Tại sao sư phụ lại để lại một quyển truyền thư toàn giấy trắng thế kia ? Chẳng có lấy một chữ, lẽ nào như thế thật. Không, sư phụ luôn cất giữ nó cẩn thận nơi đầu tủ, lẽ nào lại thế. Tại sao, tại sao hở trời...
    Hắn luôn nghĩ rằng sau khi ông Ichiusai mất thế nào giữa hắn và hai người kia thể nào cũng xảy ra một cuộc tranh dành truyền thư. Nhưng đến lúc cận kề cái chết, ông Ichiusai cũng không hề hé nửa lời rằng để lại truyền thư cho đứa nào. Dĩ nhiên là hắn muốn chiếm đoạt làm của riêng mình. Đây là thành quả, công sức cả đời của Morooka Ichiusai, là tinh túy cô đọng của phái kiếm Ippa Ryu.
    Điều làm Tokaku lo sợ nhất là không biết thiền sư Kozen chùa Bất Động, bạn thân của ông Ichiusai có nghe được di ngôn cuả sư phụ hắn không.
    - Nếu quả như thế thì....
    Hắn luôn nghĩ rằng ông Ichiusai để lại di ngôn cho sư Kozen, trao truyền thư lại cho Doronosuke, người luôn hầu hạ bên cạnh ông từ trước đến giờ. Cuối cùng, không chịu được ý nghĩ đó hành hạ mình, hắn đã trộm truyền thư và bỏ trốn mất.
    Khi mở ra xem, hắn hoảng hồn.
    Nhưng sau khi đến Edo mở võ đường lập nghiệp, rồi thanh danh vụt đến, hắn cũng không hề vứt xó quyển truyền thư như Kokuma. Có lẽ đây là cái lương tâm kiếm sĩ của hắn.
    - Hẳn là thầy ta muốn nói điều gì qua quyển truyền thư trống rỗng này...Nhưng là điều gì hả trời....
    Hắn nghĩ. Rồi đến khi thua Kokuma, hắn giao lại truyền thư không chút do dự.
    - Kokuma, ngươi chẳng thể nào hiểu được đâu. Không, ngươi chả bao giờ thèm để tâm tìm hiểu nó đâu. Nhưng từ nay ta sẽ tu luyện thêm để hiểu rõ chân ý nghĩa của truyền thư. Lúc đó sẽ quyết sống mái với ngươi lần nữa.
    Trong sự cùng cực của thất ý, một dục vọng mới lại được sinh ra. Hắn đã quyết ý tu hành thêm võ nghệ để khai phá ra một phái kiếm độc trị không hề thua kém phái Ippa Ryu.
    Rồi....
    Quả nhiên là Iwama Kokuma sau khi xem truyền thư đã thất vọng rồi gửi trả về cho Hijiko Doronosuke không chút đắn đo.
    - Giữ một quyển sách không có chữ thì chả ích gì.
    Trong một năm qua, Negishi Tokaku đã lang bạt khắp nơi tu hành võ nghệ. Giờ đến mùa đông hắn rời chùa Thập Phương rút vào sâu trong núi. Giữa cái buốc giá của thiên nhiên khắc nghiệt, chỉ có một mình hắn nơi thâm sơn cùng cốc ăn rễ cây, uống sương quyết chí tu hành rèn luyện thân, tâm.
    - Nhưng chuyện đã vậy thì ta không thể làm ngơ.
    Không biết kẻ khốn nạn nào đã giở thủ đoạn đê hèn ám sát Kokuma khi đang ngủ mà giờ hắn phải chịu mang tiếng.
    Lúc bấy giờ Tokaku đổi tên thành Miyatsu Yamato đến trú tại chùa Thập Phương. Vì vậy mà các vị sư lang bạc không hề hay biết gì, kể cho hắn nghe tuốt những tin tức mình lượm lặt được.
    Tokaku lập tức rời khỏi chùa Thập Phương. Lúc này cũng là gần cuối năm Bunroku thứ ba.
  6. NhatLang

    NhatLang Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    08/01/2005
    Bài viết:
    323
    Đã được thích:
    0
    Sáu
    Năm ngoái, Thái Cáp Toyotomi Hideyoshi xuất binh sang Triều Tiên nên toàn bộ tướng lãnh kể cả Tokugawa Ieyasu phải đến đóng yểm trợ ở đại bản doanh ở Hizen, Nagoya. Nhưng rồi hai bên Nhật Bản, Triều Tiên ký hòa ước đình chiến nên lúc này Ieyasu được phép trở về thành Edo.
    Đầu năm Bunroku thứ tư, không khí ở Edo cũng không khác gì ngày trước, lúc nào cũng nhộn nhịp tiếng búa xây dựng thành phố.
    Sau khi Iwama Kokuma bị ám sát thì tòa dinh thự ở Kanda nay thuộc về Sakayama Denzo. Cũng có nghĩa là Sakayama Denzo được phép nối dòng Kokuma trở thành tông chủ phái kiếm Ippa Ryu. Lúc này hắn đã ba mươi lăm.
    Denzo vốn xuất thân từ một gia đình hào sĩ ở Sekine xứ Joshu. Từ nhỏ hắn theo học phái Shinto Ryu rồi sau theo nhà Hojo ra chiến trường mấy lần. Gia đình hắn cũng thuộc loại có của. Nên hắn dốc nhiều tiền bạc vào việc tu sửa võ đường thành một nơi tráng lệ.
    Và lúc này bọn năm người bộ hạ trước đây của hắn là Izu Shige Uemon, Kamaya, Tamagawa, Kuro Tsubo và Nagase nay trở thành tâm phúc được lưu lại võ đường.
    Vào một sáng sớm đầu năm, Izu Shige Uemon ra khỏi võ đường mò đến khu phố du nữ dưới thành. Lúc bấy giờ dưới thành có con sông Hirakawa chảy ngang và bờ phía Nam là nơi tập trung nhiều làng mạc thịnh vượng, đây là điểm thông thương giữa các khu vực và là nơi tụ tán hàng hóa nên dân cư đổ về đây tấp nập. Dĩ nhiên là có hẳn một con phố du nữ.
    Izu mò vào một thanh lâu, uống rượu, ôm ấp kỹ nữ. Đến khi trở ra thì trời đã xế chiều.
    Hắn qua sông Hirakawa nhằm hướng cầu Kanda mà đi.
    A, đằng kia là ngọn núi Kanda. Phía Đông ngọn núi là dinh thự của Sakayama Denzo.
    Gió đã dứt nhưng cái lạnh mỗi lúc một tăng.
    Izu không mang theo đèn nên hắn bước vội, một chặp sau đã vào đến vùng đất cao ráo của Kanda.
    Đường không một bóng người.
    Đột nhiên, từ trong một bụi tre ven đường một võ sĩ phục trang theo lối du hành nhảy ra thụi vào bụng Izu. Á... chưa kịp kêu lên hắn đã bất tỉnh vì cú Atemi bất ngờ.
    Người võ sĩ đội nón lá đó chính là Negishi Tokaku.
    Tokaku lôi con ngựa giấu trong bụi rậm ra rồi chất Izu lên, đương đêm phi thẳng đến thành Edo.
    Phía Bắc thành Edo có dinh thự của Tao Mondo, trọng thần của quan coi sóc vùng Kanto là Itakura Katsushige. Lúc còn ở Edo, Tokaku vốn chơi bời thân mật với Mondo.
    Tokaku và Izu cưỡi trên lưng vào dinh thự của Mondo rồi mất hút.
    Khi Izu Shige Uemon tỉnh lại thì thấy chân tay bị trói chặt, Negishi Tokaku và Tao Mondo đang trừng mắt nhìn hắn. Izu hoảng hồn, tay chân rung lập cập.
    - Này !!
    Tokaku thét lớn
    - Mày hãy khai ra mau. Kẻ sát hại Iwama Kokuma có phải là Sakayama Denzo không ?
    Nếu là một mình Tokaku thì có lẽ Izu đã làm thinh, nhưng hắn biết mình đang ở trong tay Tao Mondo, trọng thần của quan giám sát khét tiếng vùng Edo nên chẳng còn đường cự chối.
    - Mày hãy thành thật khai ra, không được dấu giếm nửa lời. Thành thật thì ta còn nương tình mà giảm tội.
    Bị Tao Mondo nói, Izu không còn cách nào khác.
    - Dạ....
    Theo như lời hắn...
    Sakayama Denzo vốn ban đầu có ý định ám sát Kokuma nên đã khẩn khoản giữ lại võ đường. Ý đồ của hắn đã rõ ràng. Là cao đồ của Kokuma, sau khi Kokuma chết thì mọi thứ thuộc về hắn là lẽ đương nhiên.
    Oei vốn là một nữ đồng trinh coi sóc ở đền thờ Izumo, sau lưu lạc đến Kyoto rồi cùng với bọn con hát cho đền thờ độ nhật qua ngày bằng cách múa hát đàn địch nơi chợ xá. Lúc bấy giờ tình cờ quen biết Sakayama Denzo cũng vừa mới đến Kyoto rồi theo lời hắn đến Edo và trở thành quân cờ cho hắn sai khiến.
    Denzo định dùng Oei để làm Kokuma nhụt chí khí mà lơ là phòng bị. Vì vậy mà Oei giả bệnh rồi ngã trước võ đường.
    Quả nhiên là Kokuma tinh thần trễ nải không còn đề phòng. Đến lúc thích hợp thì chính tay Oei sẽ cho độc vào rượu hắn uống. Kế hoạch là vậy....
    Nhưng không ngờ là tình yêu chân chất của Kokuma đã khiến Oei thay đổi. Kế hoạch ban đầu dần biến thành tình yêu của một người phụ nữ.
    Khi Denzo tiết lộ kế hoạch độc sát thì Oei cương quyết cự tuyệt.
    Bí mật đã lộ, vậy là không còn cách nào khác nên hắn chém chết Oei tại chỗ.
    Kokuma bị hại cũng là vào đêm đó.
    Izu Shige Uemon báo với Kokuma là đêm nay Oei bỗng nổi sốt nên không thể đến phòng ngủ được. Kokuma toan đi thăm thì Izu ngăn lại, bảo là Oei đang ngủ, hãy để sau rồi mời uống rượu. Lúc này rượu chưa có độc. Đến khi Kokuma loáng choáng thì hắn mới cho độc vào rượu. Kokuma vừa thổ huyết giãy giụa thì Sakayama Denzo và năm tên môn đệ mang giáo mác xông vào loạn sát.
    Khai xong, Izu gục đầu, mặt hắn trắng bệch như người sắp chết. Tokaku nhìn hắn rồi nói
    - Vậy là ngài đã rõ rồi chứ.
    - Ừm, vậy là rõ. Mondo sẽ bẩm lên ngài Itakura.
    - Như vậy là mối oan của ta đã tỏ.
    - Ừm, không còn nghi ngờ gì.
    - Thế thì...
    Tokaku đứng dậy
    - Làm bây giờ sao, Tokaku ?
    - Vâng.
    - Có cần trợ giúp không ?
    - Không cần đâu.
    - Ừm. Thế còn tên Izu này ?
    - Tùy ngài định đoạt.
    Nói rồi Negishi Tokaku rời khỏi dinh thự Tao Mondo.
    Bảy
    Đêm đó Negishi Tokaku đơn thương độc mã xông vào dinh thự Sakayama.
    Một đêm tuyết rơi nhiều.
    Mọi cửa ngõ đều đã khóa chặt.
    Tokaku vượt hàng rào chẳng mấy khó khăn, lần ra phía sau đánh thức hai tên đầy tới dậy, lệnh cho chúng thắp đèn ở hành lang rồi khóa chốt cửa từ bên trong lại.
    - Gọi mọi người dậy, trừ thằng Denzo.
    Hắn ra lệnh. Đêm đó có bảy tên môn đệ ngủ lại dinh thự này.
    Khi Sakayama Denzo tỉnh giấc thì đã thấy hai tên đầy tớ run cầm cập bên cạnh Negishi Tokaku.
    - Aa....
    Sakayama hoảng hốt với lấy kiếm bật dậy.
    - Denzo, thằng Izu đã bị ngài Tao Mondo bắt rồi.
    - Cái, cái gì...
    - Mày cũng chịu trói đi !
    - Waa...
    Sau một sát na tuyệt vọng, Denzo thét lên như con thú rồi rút gươm chém vào Tokaku. Thân thể Tokaku búng lên, trên trần nhà có tiếng loạt soạt.
    Đường gươm của Denzo chỉ chém đứt đôi khoảng không trước mặt hắn. Tokaku búng xéo qua đầu hắn rồi đáp xuống, rùn chân.
    - Eitt !!
    Tokaku rút đoản kiếm xẻ đôi hông Denzo.
    Đầu Denzo vừa ngoảnh lại nhìn đã bị chém bay lông lốc.
    Bọn môn nhân chạy vội đến hành lanh .
    - Đồ trộm cướp !
    Chúng rút gươm, hô to. Lúc này chúng vẫn chưa nhận ra tên "trộm cướp" này chính là sư phụ cũ của mình.
    Tokaku xông ra hành lang múa đoản kiếm chém chết Kamaya và Kuro Tsubo thì bọn chúng mới hay. Bọn Tamagawa, Nagase và ba tên khác bỏ chạy tán loạn. Tokaku cũng không đuổi theo.
    - Các ngươi cũng nên trốn đi.
    Tokaku nói với bọn đầy tớ. Rồi hắn phóng hỏa đốt trụi khu biệt thự. Đến khi mọi thứ cháy thành tro thì Tokaku đã không còn ở Edo nữa, lúc này hắn nhắm về hướng Tây mà chạy thục mạng.
    Đến năm năm sau cũng không ai hay tin tức gì về Negishi Tokaku cả.
    Lúc bấy giờ tại võ đường Morooka ở Edozaki xứ Hitachi....
    Hijiko Doronosuke ngày đêm rèn luyện cùng hai mươi môn đệ. Hắn cày ruộng kiếm kế sinh nhai và cũng đã thành gia lập thất.
    Thê tử của hắn là con gái thứ ba một nhà thôn trưởng ở Edozaki và nghe nói hòa thượng chùa Bất Động cũng đã trợ ngôn nhiều cho hắn trong việc này.
    Số môn nhân giảm đi đáng kể, nhưng Doronosuke chẳng hề lấy đó làm điều, hắn cùng một vợ hai con, đồ đệ thân tín Bogaido Hachiro và ba môn đệ khác vui sống giản dị mỗi ngày.
    Quyển bí truyền thư của ông Morooka Ichiusai sau khi trải qua tay Tokaku rồi Kokuma nay lại trở về Edozaki. Doronosuke lại cất giữ cẩn thận vào đầu tủ sư phụ hắn.
    Dĩ nhiên là sau khi Kokuma gửi về thì hắn cũng có mở ra xem.
    Vừa nhìn thấy trang giấy trắng tinh là Doronosuke bật cười, vẻ gật gù.
    Khác với hai sư huynh của của hắn, Doronosuke vừa mở truyền thư ra, nhìn thấy trang giấy trắng lại nhớ về lời dạy của sư phụ Ichiusai. Chắc chắn cả Tokaku và Negishi đều đã nghe ông dạy như vầy.
    - .... Tokaku là Tokaku. Kokuma là Kokuma và Doronosuke chính là Doronosuke...
    Lúc đó hắn chăm chú lắng nghe, bây giờ lại nhìn thấy truyền thư
    - .Quả là như vậy...
    Hắn cảm nhận rõ ràng và trong sáng như dòng nước thấm vào cát. Người kiếm sĩ phải biết sống sao cho thích hợp với mình nhất.
    - Mỗi người phải tự công phu ra thế kiếm độc đáo của mình.
    Hắn lại nhớ về những lời sư phụ dạy khi xưa. Ông luôn nhắc nhở học trò rằng mỗi đứa có tính cách, tố chất và duyên phận khác nhau. Và cứ nương theo sự khác nhau đó mà dạy dỗ.
    - Đừng nghĩ rằng bí truyền thư của ta là đúng cho riêng đứa nào. Mà cũng đừng nghĩ là nó có ích lợi gì cả. Mỗi đứa có tố chất. khí tính riêng và ta chỉ căn cứ vào tố chất này mà phát triển nó lên làm cho thành tựu mà thôi. Ngoài ra ta chẳng muốn làm điều gì khác, mà cũng không thể làm được.
    Chính Ichiusai đã nói như vậy.
    - Phái kiếm Ippa Ryu chính là con đường kiếm đạo đã tồn tại sẵn trong người mỗi đứa. Tokaku có, Kokuma có mà Doronosuke cũng có. Hãy đi con đường thích hợp với tố chất và tính cách của mình.
    - Tokaku là Tokaku ....
    Quả nhiên là như vậy. Doronosuke cuộn truyền thư lại rồi cất kỹ vào đầu tủ. Lòng hắn đã quyết.
    - Đối với ta, ta chỉ thích vùng quê Edozaki yên tĩnh mà ấm áp tình người này mà thôi. Ta chỉ muốn làm một bách tính bình thường, ngày ngày giao lưu học hỏi với những người cùng chí hướng, cùng con đường kiếm đạo mà thôi.
    Danh dự, vinh đạt, thảy đều chẳng có nghĩa lý gì đối với Doronosuke.
    Không phải như thế là hắn trở thành kiếm sĩ bạt quần, nhưng đúng là hắn chẳng có ham muốn gì.
    Sau này hắn nói lại chuyện này với hòa thượng chùa Bất Động.
    - Ừm.
    Hòa thượng Kozen gật đầu.
    - Một tờ giấy trắng toát thuần nhất vô cấu lại nói được không biết bao nhiêu điều. Đó mới chính là vô hạn. Ly nước đầy thì không thể chứa thêm được nữa nhưng cái ly rỗng luôn chứa được nước.
    Hijiko Doronosuke đã sống bảy năm ở Edozaki kể từ khi Iwama Kokuma bỏ đi Edo.
    Mãi về sau này cách sống của hắn cũng không có gì thay đổi. Thực tế là Doronosuke đã sống một đời bình thường và chôn mình ở Edozaki như nhiều người vẫn nói.
    Bọn môn đệ của hắn sau này mỗi người lại phát huy công phu của mình mà rạng danh với đời. Trong số đó đáng kể nhất là Bogaido Hachiro, sau này là Mizutani Hachiya, gia thần của chúa Osuga Yasutaka, thành chủ Yoko Suka xứ Enshu.
    ******************************************************************************************************
    Thế còn Negishi Tokaku thì sao ... ?
    Năm năm sau kể từ khi giết chết Sakayama Denzo, không biết từ đâu hắn xuất hiện dưới thành Odawara xứ Soshu. Lúc bấy giờ Thái Cáp Hideyoshi đã mất được một năm vì bệnh. Rồi danh vọng cuả Tokugawa Ieyasu dần dần nổi lên.
    Đó là năm thứ tư niên hiệu Keicho, một năm trước khi trận chiến dành thiên hạ ở Seki ga Hara nổ ra rồi quyền lực lọt vào tay Tokugawa.
    Tokaku đổi tên thành Shinoda Shuzen lập ra phái kiếm Mijin Ryu, mở võ đường dưới thành Odawara.
    Không hiểu đã tu hành khổ luyện ở những nơi đâu, nhưng giờ đây Tokaku, không, Shinoda Shuzen ít nói hơn hẳn và trầm tư hơn trước.
    Sự uy nghiêm toát ra từ thân, tâm hắn khiến bọn môn nhân phải nể sợ.
    Tokaku giờ đây đã là tông chủ một phái kiếm đường hoàng.
    Trận Seki ga Hara nổ ra, thiên hạ lọt vào tay Tokugawa Ieyasu.
    - Hãy đến phục vụ ta nhé...
    Chúa Kuroda Nagamasa thành chủ Fukuoka xứ Chikuzen năm lần bảy lượt mời nài. Mãi từ chối không xong nên cuối cùng Tokaku cũng đầu quân cho nhà Kuroda, hưởng bỗng lộc mà người đời vẫn thèm thuồng.
    Lúc bấy giờ đổi tên là Shinoda Yamato Nokami Tomokatsu.
    Tomokatsu đến năm Kan Ei thứ hai được sáu mươi tám tuổi rồi chết vì bệnh. Trước khi chết có gọi môn đệ tâm phúc là Soga Mata Hachiro lại dặn dò
    - Ta tuy sắp gần đất xa trời nhưng trong lòng vẫn còn canh cánh một việc.
    - Dạ....
    - Ta không hiểu, không hiểu.
    - Dạ, điều gì ạ ?
    - Thôi... chẳng là gì.
    Nói rồi nhắm mắt. Negishi Tokaku .... không, Shinoda Yamato Nokami Tomokatsu nhắm mắt rồi chìm vào trong giấc ngủ.
    Tòa dinh thự an nhàn thanh tĩnh dưới thành Fukuoka là một nơi tràn ngập sánh sáng.
    Yamato Nokami Tomokatsu sống một đời không vợ không con.
    Tomokatsu đã ngủ được ba ngày hai đêm, nay bỗng mở mắt. Đêm đó, bên đầu giường chỉ có mỗi Soga Mata Hachiro.
    Tomokatsu sai Hachiro ra ngoài phòng khách lấy hai cuộn sách cất trên kệ đem vào. Bên ngoài thấy có đề " Bí truyền thư phái Mijin Ryu".
    Mata Hachiro gần như nín thở.
    - Ta giao lại cho ngươi.
    - Dạ....
    Trong số môn nhân, chỉ có mình hắn được chọn. Vinh dự này khiến Hachiro sững sốt, mắt lắp láy.

    - Trông cậy cả vào ngươi.
    - Dạ. Sư phụ cứ an tâm....
    - Tốt, tốt rồi.
    Tomokatsu mấp máy môi rồi chìm vào giấc ngủ. Trong cơn mê sảng đôi môi lại bặp bẹ dưới bộ râu trắng toát.
    - Dạ... ?
    Hachiro lắng tai nghe, nhưng chỉ được tiếng còn tiếng mất.
    - Truyền thư... truyền thư giấy trắng... trắng..., chưa hiểu. Ta chưa hiểu....
    Đêm đó Shinoda Tomokatsu tắt thở.
    Soga Mata Hachiro mở truyền thư sư phụ trao lại ra xem thì thấy bên trong có ghi ba mươi điều cực ý của phái kiếm Mijin Ryu.
    Hết.
    ( Bản dịch kết thúc 18-1-2007 )
    ------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
    Suy nghĩ của người dịch : Ikenami Shotaro là một trong những cây bút cự phách trong làng tiểu thuyết thời đại Nhật Bản. Một trong những tác gia mà tôi yêu thích. Văn của Ikenami rất dễ đọc, lôi cuốn bởi nó đi theo một trình tự khoa học. Những nhân vật trong tác phẩm của Ikenami dù là nhân vật thực tại, hay nhân vật tưởng tượng đều có một sức sống riêng. Từng địa danh, con sông, ngôi chùa trong tác phẩm của ông luôn khiến người đọc cảm nhận được nó một cách xác thực.
    " Bí Truyền" là một trong những truyện ngắn đặc sắc. Đọc xong tôi lại nghĩ ngay đến một văn hào khác cũng đã khai thách thành công khía cạnh này. Đó là Kim Dung.
    Doronosuke so với hai sư huynh thì có thể gọi là thấp kém. Kiếm thuật không bằng mà đầu óc cũng giản đơn kém cạnh.
    Nhưng lại có điều mà kẻ ngốc lại dễ dàng thấu hiểu, còn kẻ thông minh như Tokaku đến cuối đời cũng không hiểu, bị ám ảnh cho đến lúc chết.
    Sự ngây thơ, đơn giản của Doronosuke không phải là cái ngây thơ của kẻ vô trí. Nó là một ly nước rỗng. Mà ly rỗng thì luôn chứa được nước.
    Còn Tokaku thông minh, đầu óc hắn luôn tràn ngập những lý luận duy lý logic của thế gian. Những điều đó vô tình làm "đầy" đầu óc hắn khiến không thể nào chấp nhận cái điều mà Doronosuke đã hiểu rất đơn giản.
    Trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung cũng thường thấy điều này. Quách Tĩnh kém trí nhưng lại hội đắc được tuyệt chiêu của Chu Bá Thông trong khi quần hùng chẳng làm được. Lại như có nhân vật không biết chữ, nhìn thấy bí kiếp võ công lại hiểu ngay còn anh hùng thiên hạ, những kẻ thông minh đĩnh ngộ lại chẳng thể hiểu nổi.
    Như vậy thì sự nhận thức của con người ta có mấy loại?
  7. NhatLang

    NhatLang Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    08/01/2005
    Bài viết:
    323
    Đã được thích:
    0
    Cung Cuồng
    Truyện ngắn ?oCung Cuồng? (Yumi no Gempachi) được in trong tập tiểu thuyết thời đại (Jidai Shosetsu) ?oKiếm khách quần tượng? (Kenkyaku Gunzou) do Bungei Shunshu xuất bản tháng 9 năm 1979. Truyện được xây dựng trên một bối cảnh lịch sử có thật của nước Nhật để nói lên một cách sống, một thái độ đối với cuộc đời của một kiểu người và có lẽ nhận được sự đồng cảm của tác giả.
    Nguyên tác: Ikenami Shotaro
    Người dịch: Hiba Nhất Như
    Một
    Từ thuở niên thiếu, Komatsu Gempachi được người trong thành gọi là ?oCung Cuồng?. Con đường đến với Cung Đạo bắt đầu từ mùa xuân năm bảy tuổi, lúc bấy giờ phụ thân Komatsu Yanagi Saemon hãy còn sống. Saemon tự tay làm lấy một cánh cung cỡ nhỏ cho trẻ nít đưa cho con thứ là Gempachi.
    - Anh mày đã không ra sao? Không biết mày thế nào.
    Mọi chuyện bắt đầu từ đó.
    Động tác lắp tên vào cung rồi bắn vào đích, thoạt mới nhìn qua thì chỉ là một kỹ thuật cực kỳ đơn giản nhưng nếu hỏi thế thì tại sao Gempachi lại say mên đến độ bị gọi là ?oCung Cuồng? thì hẳn là không còn câu trả lời nào thích đáng hơn rằng: không những chỉ cung đạo mà trong tất cả mọi môn võ nghệ khác cũng như thiên kỹ vạn nghệ khác, thuật giả là người nghệ sĩ sử dụng cái thuật của mình không thể không dồn hết tinh hồn, tâm lực của mình vào đấy.
    Trong các ngành nghệ thuật khác thì những động tác cơ bản biểu hiện ra bên ngoài cũng vô cùng đơn giản.
    Nhưng để đạt được cái thành tựu chín mùi lên đến điểm cực ý trong mọi kỹ, nghệ khác thì người luyện tập không thể không sớm rèn tối luyện, lặp đi lặp lại những động tác cơ bản ấy đến mức cùng cực.
    Trong động tác buông tên bắn vào đích thì kẻ bắn cung phải nâng cao, phát huy cả tinh thần lẫn nhục thể của mình lên đến vô hạn. Để đạt được cái cực ý trong bắn cung thì không thể không tận tâm cầu đạo, theo đuổi mục đích đến tận cùng. Điều này cũng có thể nói là tương đồng với chư nghệ chư năng, nhất thiết vạn pháp đều như thế cả.
    - Chính phụ thân là người đã khai nhãn cho ta đến với Cung Đạo.
    Sau này mấy lần Gempachi đều nói như vậy. Quả nhiên là sự chỉ đạo của Yanagi Saemon quá xuất sắc nhưng cũng không thể phủ nhận thiên tính của Gempachi.
    Cung thuật của Yanagi Saemon thuộc hàng bạt quần và tiếng tăm vang dội khắp thành Matsue xứ Izumo.
    - Nhưng thế cuộc sắp bước vào thời kỳ chẳng còn cần đến võ nghệ nữa rồi?
    Vào cuối năm, phụ thân Yanagi Saemon vừa cười gượng gạo tiết lộ cho Gempachi hay. Quả nhiên là vậy. Cái thời chiến loạn đã kết thúc được bảy năm, giờ đây dưới sự thống trị của Mạc Phủ Tokugawa thì toàn Nhật Bản đã bước vào thời kỳ hòa bình và bắt đầu phát huy sức mạnh kinh tế với thương phẩm bắt đầu được sản xuất liên tục.
    Đó là vào niên hiệu Genroku, thời đại của sức mạnh kinh tế chứ không phải võ lực.
    Thời đại văn được chuộng hơn võ.
    Và bọn võ sĩ cũng thay đổi, dần dần trở nên quan liêu hóa và ưa thích cái phức tạp hơn những sự đơn giản thuần nhất như trước kia.
    Vào mùa hạ năm Genroku thứ hai thì Yanagi Saemon mất vì bệnh, con cả là Juemon lên nối dõi nắm nghiệp nhà.
    Trước lúc tắt thở, phụ thân có gọi Gempachi đến dặn dò
    - Này Gen, người đàn ông có thể giương cung sống suốt đời mà không biết chán.
    Gempachi là con thứ, chừng nào còn không được họ nhà khác nhận làm dưỡng tử thì suốt đời sống dựa vào huynh trưởng Juemon. Komatsu Juemon giờ đây là chủ một họ lương bỗng hơn trăm thạch nhưng không hề quan tâm đến cung thuật kiếm đạo võ nghệ gì mà chỉ chuyên tâm vào đường học vấn. Juemon cũng được lòng cấp trên nên con đường sĩ quan khá suông sẻ.
    - Này Gen, đệ hãy thong thả mà sống trọn đời với cánh cung mình yêu thích. Ta không chịu được khi phải chia ly với đệ.
    Juemon đối xử với em trai Gempachi rất mực chu đáo. Có lẽ cũng là do song thân mất sớm. Tình huynh đệ quá thân mật của họ đôi khi trở thành đề tài đàm tiếu cho bọn người hầu trong nhà.
    Nhưng?..
    Vào đầu mùa hạ năm Gempachi được mười tám tuổi thì xảy ra một biến cố lớn?.
    Chẳng là Juemon dính líu đến vụ án lạm quyền lạm chức trong phiên Matsue nên bị đầy vào ngục. Từ thời Chiến Quốc, nước Nhật Bản bị chia cắt thành hàng trăm vùng nhỏ do chư hầu cát cứ ở các địa phương gọi là phiên. Những kẻ cầm đầu một phiên ngoài mặt mang tiếng là chư hầu thần phục Thiên Hoàng nhưng sau lưng lúc nào cũng chiêu binh mãi mã chờ cơ hội mà thôn tính lẫn nhau. Sau khi Tokugawa Ieyasu thống nhất thiên hạ ở trận Seki ga Hara chấm dứt thời đại Chiến Quốc hơn trăm năm thì thể chế phiên vẫn còn được duy trì, mãi đến sau thời Minh Trị Duy Tân mới bị bãi bỏ.
    Vì vậy mà nhà Komatsu bị tịch thu quan tước. Gempachi bị đuổi khỏi phiên Matsue.
    Sự kiện này liên quan đến việc tổng quản phiên Matsue là Tanahashi Chikamasa và phe phái bị thanh trừ vì việc lạm quyền làm xằng.
    Khai tổ của phiên Matsue là Matsudaira Naomasa, một người cháu của Tướng Quân Tokugawa Ieyasu và người dì của ông ta được gả cho phụ thân của Chikamasa là Tanahashi Katsusuke. Điều này nói lên rằng Tanahashi Katsusuke không phải là một nhân vật tầm thường.
    Thế là họ Tanahashi trở thành thân tộc của phiên chủ Matsudaira rồi leo lên đến địa vị bốn trăm thạch, đến thời Chikamasa thì lương bỗng lên đến hơn hai ngàn thạch và giữ chức tổng quản coi sóc bọn võ sĩ trong phiên.
    Quyền lực và vinh hoa nằm trong tay Tanahashi Chikamatsu nên hắn ngày càng chuyên quyền lộng hành, dần sinh ra vô số điều xấu xa tồi tệ. Vì vậy nên bọn trọng thần mấy đời trong phiên kết tập thành một ?ophe chính nghĩa? quyết tâm loại bỏ Tanahashi.
    Komatsu Juemon khéo lấy lòng tổng quản Chikamasa nên được nhiều ưu đãi, thân phận lên đến hơn ba trăm thạch.
    - Tội của ta là không thể trốn được.
    Juemon nói với Gempachi khi bị đầy vào lao, rồi hai năm sau bệnh mà chết.
    Thê tử của Juemon là Nae trở về nhà cha mẹ ở làng Imamura. Giữa hai người không có đứa con nào.
    Vì vậy số phận Gempachi trở nên thế nào ai cũng rõ?
    - Này, hãy để phần Gempachi cho ta.
    Một người trong hàng tổng quản là Midani Handayu đứng ra bảo trợ, đưa Gempachi đến một căn chòi nhỏ của bọn tiều phu ở làng Đại Đông cách thành Matsue năm dặm.
    - Ngươi hãy ở đây.
    Và tổng quản Midani cũng bí mật mang cơm nước đến cho. Có sự biệt đãi này âu cũng là vì lúc trước Midani Handayu là môn nhân học cung nghệ của nhà Komatsu.
    Từ khi đến làng Đại Đông, Komatsu Gempachi luôn bị dằn vặt bởi tội lỗi của huynh trưởng Juemon và nó không lúc nào thôi hành hạ hắn. Chẳng mấy chốc mà cái thể xác cao sáu thước vạm vỡ trước kia đã trở nên tiều tụy, khuôn mặt hốc hác.
    - Tóc tai ngày càng thưa dần, gương mặt cứ như ông cụ ấy?.
    Người trong làng không ai nghĩ rằng Gempachi đang ở cái tuổi mười tám trai trẻ cả.
    Hai
    Suốt ngày Komatsu Gempachi cứ rút mình trong căn chòi nhỏ ở làng Đại Đông và chẳng ai nhìn thấy tăm hơi đâu.
    - Hay là trốn rồi nhỉ?.
    Vị thôn trưởng A****ani Chogoro sinh nghi, đến bên dòm vào căn chòi thì hoảng hồn.
    Gempachi hầu như chẳng ăn uống gì, đang ngã vật ra sàn và dường như đã bất tỉnh.
    Từ một người trẻ tuổi say mê cung thuật đến mức bị gọi là cuồng mà nay chỉ vì huynh trưởng liên quan đến vụ lạm mà Gempachi đau khổ đến mức không dám nhìn mặt người làng nữa.
    -?.. Là như thế đó. Cũng thật là??.
    Nghe lời thôn trưởng kể lại, người trong làng bắt đầu nhìn nhận lại và nảy sinh hảo ý đối với Gempachi.
    - Thật là tội nghiệp.
    - Hay là chúng ta mang ít thức ăn đến?.
    Thế là người làng mang gạo và rau củ đến căn chòi của Gempachi, lặng lẽ đặt trước cửa. Đến khi Gempachi biết được thì
    - Không hiểu vị nào đã ban cho thế này? Là vị nào xin hãy dạy rõ.
    Gempachi đi gõ cửa từng nhà một trong thôn mà hỏi cho rõ, vẻ mặt khổ não vô cùng. Người làng cứ nghĩ rằng Gempachi đang nổi giận nhưng thực ra không phải vậy mà đến để trả tiền thức ăn.
    - Số tiền này tôi phải trả.
    - À, ngài đừng bận tâm. Số thức ăn ấy xin cứ tự nhiên?
    Người làng kiếm cớ thoái thác nhưng Gempachi nhất định không chịu.
    - Như thế không được. Tôi không thể nhận bất cứ thứ gì mà không trả tiền. Như thế khác nào bảo Gempachi này chết đi. Xin hãy nhận lấy cho?.
    Gempachi tỏ vẻ khẩn khoản, hai tay chắp lại như vái lạy. Quả nhiên là sự việc của Juemon đã thấm vào tận xương tủy Gempachi và ngày đêm hành hạ hắn.
    - Nhưng việc đó và việc này là hai chuyện khác nhau?.
    Cuối cùng người làng cũng bị thái độ cứng rắn của Gempachi áp đảo.
    - Tuổi hãy còn trẻ mà lạ thật.
    Bọn họ bắt đầu bàn tán. Thật là một người trẻ tuổi lạ lùng.
    - Đúng là người tốt.
    Trong đám bách tính có lão nhân Ushichi ở cách căn chòi nhỏ của Gempachi không xa.
    - Một mình ngài dùng thì bấy nhiêu cũng chẳng đáng kể gì. Xin ngài cứ tự nhiên, khi nào cần thì cứ đến nhổ rau củ trong vườn nhà lão mà dùng.
    Sự quan tâm của bách tính khiến Gempachi cảm động rơi nước mắt.
    - Xin đa tạ. Khi nào cần xin được lượng thứ?
    - Ngài cứ tự nhiên, đừng khách sáo.
    Từ đó thỉnh thoảng Gempachi lại đến vườn nhà Ushichi nhổ rau củ và cứ mỗi lần như thế lại đặt dưới gốc cây số tiền tương ứng với phần mới nhổ đi. Ushichi thấy thế lấy làm ái ngại vô cùng.
    - Ngài không cần phải nhất nhất sòng phẳng như vậy đâu?.
    Ushichi mang tiền đến trả lại thì
    - Xin cứ nhận cho. Nếu không nhận thì tôi không thể ăn được.
    Gempachi cứ chắp tay khẩn khoản cầu xin ?o xin cứ nhận cho ?o lặp đi lặp lại khiến Ushichi bối rối vô cùng.
    - Thật tội nghiệp?
    - Nhưng đâu cần phải khổ sở thế?.
    - Nghe đâu chỉ mới mười tám tuổi.
    - Chỉ có chừng ấy tuổi thôi mà đã sống cách biệt với chúng ta, lại còn ăn những thứ hư hỏng chuột bọ nó phá. Như thế thì sức khỏe nào chịu được?.
    - Ờ đúng vậy.
    Người làng thông cảm với Gempachi và tập trung trước căn chòi nhưng có nói gì đi nữa thì Gempachi cứ nhất quyết không nghe theo. Thật hết cách.
    Rồi một năm trôi qua. Mọi sinh hoạt của Komatsu Gempachi cũng không có gì thay đổi. Ngày ngày cứ rút mình trong căn chòi nhỏ, chỉ ăn uống qua loa để cầm cự với cái đói và cũng chẳng bận tâm đến việc tắm gội. Dĩ nhiên cũng chẳng có ý định động đến cung tên như trước.
    Thân thể Gempachi ngày càng gầy mòn, dung nhan tiều tụy có lẽ đã đến cực điểm.
    - Chắc là phát cuồng rồi?
    Trong làng có kẻ nhíu mày.
    Rồi một đêm mùa hè?.
    Căn chòi của Gempachi bấy lâu nay bốc ra một mùi hôi thối khó tả chẳng thể nào hình dung được. Komatsu Gempachi mười chín tuổi đang say ngủ trên sàn và cũng chẳng buồn khép cửa. Một bóng người bí mật lặng lẽ lần ra phía sau rồi lẻn vào căn chòi.
    - Thối quá?..
    Bóng người bật tiếng thì thầm. Đó là một giọng đàn bà.
    Dù Gempachi chẳng chịu ăn uống gì nhưng cũng là kẻ sở hữu thân thể của con trai mười tám. Nhưng sự u uất đã khắc sâu vào tận thân, tâm Gempachi đến cực điểm và sinh hoạt dị thường của hắn đã tác động như thế nào đến cơ thể, khỏi nói hẳn ai cũng hình dung được. Trong chòi chỉ toàn một mùi mồ hôi trộn lẫn với chất dầu cơ thể tiết ra và bụi bặm, cáu ghét bốc lên nồng nặc.
    Từ một người say mê nhiệt tình với cung thuật như thế mà giờ đây trở thành như thế này. Quả nhiên Gempachi ngày càng đi đến chỗ như một người trong làng nói ?ochắc là khùng rồi?.
    Trong đêm tối, bóng đàn bà mò đến bên chỗ Gempachi ngủ rồi bắt đầu cởi bỏ tấm áo khoát mùa hè, để lộ thân thể trắng muốt.
    - Này, này?.
    Bị lay, Gempachi bỗng bừng tỉnh, toan bật dậy nhưng đã bị đôi tay người đàn bà chặn ngay cổ. Chỉ trong chốc lát hai cặp môi đã hòa quyện vào nhau.
    - Là, làm gì thế này? Ai đó !!
    - Là người trong làng đây.
    - Cái gì?.
    - Suỵt? Xin chàng chớ to tiếng.
    Không phải là con gái. Nghe giọng thì biết đây là một người đàn bà thành thục, mà so với người làng thì cách dùng từ và phát âm cũng chuẩn hơn nhiều. Bàn tay người phụ nữ nhẹ nhàng di chuyển, xoa nhẹ nơi ngực Gempachi.
    - Khô?Không được. Không được!!
    - Xin chàng hãy ban cho thiếp.
    - Cái,cái gì?
    - Sức mạnh của người đàn ông.
    - Không? Ta không biết ! Ta không biết !
    Gempachi vùng vẫy. Toan gỡ cánh tay đàn bà ra nhưng toàn thân đã mềm nhũn ra không còn chút sức nào. Nhưng từ trong cảm giác yếu đuổi lại nảy sinh một dục vọng hành hạ Gempachi. Thân thể người đàn bà như vừa mới tắm, toát ra mùi hương dễ chịu khiến Gempachi ngây ngất.
    - Không được, không được?
    Gempachi mấp máy môi nói như người mớ ngủ.
    - Không được. Chuyện này không được?
    - Xin chàng hãy cho thiếp sức mạnh. Xin chàng. Đây là chuyện riêng giữa chúng ta mà thôi.
    - Không được, không được.
    - Đây, làm như thế này?
    - A ? không được, không?
    - Hãy khẽ thôi?.
    Được NhatLang sửa chữa / chuyển vào 22:42 ngày 08/02/2007
  8. NhatLang

    NhatLang Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    08/01/2005
    Bài viết:
    323
    Đã được thích:
    0
    Ba
    Kể từ đêm đó, sinh hoạt của Gempachi thay đổi hẳn.
    Người đàn bà đó sống một mình trong căn nhà nhỏ phía bên kia rừng đối diện nhà lão bách tính Ushichi. Nghe đâu người chồng chết để lại mấy mẫu ruộng và đứa con mười tuổi tên là Toku Taro nhưng hồi năm ngoái thị đã cho nó đến làm công ở cửa hàng gạo Inoya Hirabei ở khu phố gỗ dưới thành Matsue.
    Người đàn bà đó tên là Oritsu, tuổi vừa được hăm tám.
    Người chồng trước chết đã vừa năm năm.
    Nếu nói về dung nhan thì Oritsu thuộc hạng dưới của bậc trung, hay hạng trên của bậc chót. Khuôn mặt rám nắng và nói chung chẳng thể khen ở điểm nào được.
    Nhưng khi Oritsu khỏa thân thì vẻ đẹp mới được phát huy đầy đủ. Toàn thân mượt mà, không ai nghĩ đây là thân thể của một người đàn bà gần ba mươi. Dưới lớp y phục che kín kia là làng da trắng muốt, nượt nà.
    - Không thua cả đám con gái mười tám.
    Có lần Oritsu nói với Gempachi như vậy, tràn đầy tự tin. Dĩ nhiên là trước đây Gempachi chưa hề biết qua mùi con gái để mà so sánh nhưng từ khi tiếp xúc với sự thần bí của nhục thể thì đã thay đổi nhiều.
    - Đối với ta thì Oritsu vẫn là nhất. Ước gì như thế này mãi nhỉ.
    - Nhưng không được để người khác biết. Chuyện này không thể để lọt vào tai thiên hạ được.
    - Ừm?
    - Vậy xin chàng cứ đợi đến đêm, thiếp sẽ lẻn đến đây.
    - Ừ ta đợi, ta đợi.
    - Nhưng sẽ phải chờ lâu lắm đấy.
    - Ta không quan tâm, không quan tâm.
    - Vậy thì từ giờ trở đi một tháng thiếp đến hai? ba lần?
    - Chỉ thế thôi sao. Không đến thường xuyên được à.
    - Thiếp còn có công việc của thiếp. Vừa là bách tính, đêm phải đến đây. Trong khi đợi thằng con lớn khôn thì cũng phải làm việc để có cái sinh nhai, chàng hiểu không.
    - Bây giờ ta không thể làm gì được cho nàng. Thật vô dụng. Chẳng bù với nàng, suốt ngày cứ rút vào đây chẳng làm gì?
    - Thế chàng thích bắn cung lắm phải không ?
    - Hả? làm sao nàng biết?
    - Năm mười tám tuổi thiếp có đến làm tỳ nữ trong dinh thự ngài Kohata dưới thành trong ba năm?
    Dinh thự của Kohata Tadahira, một danh sĩ trong phiên Matsue cách nhà Komatsu chẳng bao xa nên từ thời bé Oritsu đã nghe tiếng đồn ?oCung Cuồng? của Gempachi.
    - Hay là chàng ra sau núi tập bắn cung lại đi.
    Oritsu khuyên.
    - Ta cũng muốn lắm, nhưng ngại người làng gặp phải.
    - Thế thì Oritsu cũng không đến đây làm gì nữa.
    - Không, không được.
    - Thế thì chàng tập cung lại đi.
    - Ừm?.
    Thế là trong một năm, ngày ngày Gempachi vác cung ra sau núi. Mỗi khi trở về nhà thì mặt mũi, cơ thể đều tràn đầy sinh khí. Ngày nào cũng thế, Gempachi chuẩn bị cung tên mang ra sau núi, làm cái đích tập bắn rồi mãi đến tối mịt mới về. Rồi thì cũng dọn dẹp căn chòi cho gọn gàng sạch sẽ, rồi người ta cũng thấy có khói nấu cơm nướng cá bốc lên.
    Dĩ nhiên là nếu không ăn uống đầy đủ thì chẳng thể nào tập cung được. Kết cục thế này ai cũng hiểu.
    - Oritsu vui quá?.
    Mỗi đêm Oritsu vuốt ve Gempachi tràn đầy sinh lực lấy làm vui lắm.
    - Xem này, cơ ngực chàng cũng dần đầy lên này.
    - Ừ nhỉ?
    - Chàng ơi.
    - Hả ?
    - Gần đây tình hình bỗng trở nên lộn xộn. Có mấy tên giặc cướp từ đâu đến lởn vởn quanh làng, thôn trưởng ngài cũng lo lắm.
    - Ừm?thế hả.
    - Thế chàng cũng chịu nhiều ơn của người làng phải không.
    - Ừ, dĩ nhiên.
    - Thế thì nên giúp họ để trả ơn. Đêm đêm chàng đi tuần quanh làng thì thế nào?
    - Ừ được.
    Đôi mắt Gempachi sáng lên. Thế là từ đêm hôm sau Gempachi đi tuần quanh làng.
    Mọi sự chuẩn bị cũng chu đáo vô cùng. Gempachi mang cánh cung nhỏ, mặc áo chẽn, hông đeo song đao trông đường bệ như võ sĩ ra trận.
    Hết thu sang đông, thế rồi sang năm mới rồi đến hạ?.
    Cứ đêm đêm Gempachi đi tuần quanh làng không bao giờ trễ nải. Trong thời gian này đã hai lần bắt được trộm nên người làng không ai không biết chuyện.
    Trong làng có kẻ giàu có, mỗi khi đi đâu hay kẻ chỉ có đàn bà con nít trong nhà đều nói ?o đến nhờ ngài Gempachi trông nhà hộ?. Mỗi khi như vậy Gempachi vui mừng nhận lời.
    - Thật là vô cùng thuận tiện.
    Người làng thấy thế lấy làm vui lắm.
    Được nhờ trông nhà, Gempachi ăn mặc vũ trang như thế rồi đi vòng quanh khu vực canh gác, ngồi loanh quanh gần đấy, đặt cung bên cạnh, mở toang cửa sổ, cặp mắt dò xét bốn phương tám hướng không chút lơ đểnh. Tuy là ban đêm nhưng Gempachi không hề ngủ mà cẩn thận canh gác cho đến khi gia chủ trở về mới thôi.
    - Ngài không cần phải tỉ mỉ thế đâu?
    Kẻ nhờ vả cũng lấy làm ái ngại.
    - Thật là khác người?
    Người trong làng nhìn Gempachi bằng đôi mắt lạ lùng, không giống như người bình thường.
    Rồi một đêm mà hạ năm Gempachi được hăm mốt.
    Một người giàu có trong làng đi có việc nên đến nhờ Gempachi trông hộ, một chặp sau có bốn tên cường đạo đột nhập vào. Nước Nhật Bản thời Edo chẳng thiếu gì trộm. Sự tàn bạo và ma mãnh của chúng nhiều khi khiến quan quân phải lo sợ. Có những tên trộm thời Edo đã ghi tên mình vào danh sách bất tử bởi thành tích bất hảo của chúng.
    Nhưng Gempachi vốn chẳng bao giờ lơ đễnh khi canh gác nên khi bọn trộm vừa lẻn từ ngoài vườn vào thì
    - Bọn đạo tặc !!
    Thét rồi lắp cung tên bắn vào bọn cường đạo.
    Lúc bấy giờ có đứa hầu gái chứng kiến toàn bộ sự việc.
    - Chỉ trong chút xíu mà ngài Gempachi đã bắn bốn mũi tên. Con chẳng tin vô mắt mình nữa, cứ như là phép màu vậy.
    Nó kể lại. Khi một mũi tên vừa bắn ra, Gempachi liền lắp mũi tên tiếp theo đang kẹp giữa ngón tay út vào dây cung. Rồi khi vừa lắp xong mũi tên đã kẹp tiếp mũi tiếp theo trong ống vào giữa ngón út và ngón áp út. Cứ như thế mà ?ochỉ trong chút xíu? đã bắn ra bốn phát. Động tác lắp tên bắn ra nhanh không sao kể xiết.
    Tuy là đang đêm tối mịt nhưng không phát nào trật. Bọn kẻ cướp có đứa bị bắn vào đùi, có đứa trúng mông và tuyệt nhiên chẳng đứa nào mất mạng cả. Cả bọn ngã quay ra đất rồi ?ochỉ trong chút xíu? mà Gempachi đã mang dây thừng đến trói gô lại.
    Sự kiện này được đồn ầm lên, lang cả vào thành Matsue.
    Thôn trưởng A****ani Chogoro đến chòi Gempachi tạ lễ thì
    - Người đời thường hay quên những chuyện dị thường và mỗi ngày cứ nghĩ là chuyện bình thường. Tôi cũng là một người trong số đó?. Vì vậy mà khi được nhờ trông nhà thì phải cố gắng không được để thất bại cho đến khi gia chủ trở về. Tôi đã sợ những chuyện dị thường đến xương tủy rồi.
    Gempachi đáp. Sợ những chuyện dị thường đến xương tủy?. Khỏi nói ai cũng biết, Gempachi muốn nói đến chuyện Komatsu Juemon lạm quyền và chết trong ngục.
    - Khi vừa hay tin huynh trưởng mất trong ngục, nếu là ta trước khi gặp nàng thì có lẽ ta đã tự sát rồi.
    Có lần Gempachi nói với Oritsu.
    Người làng vẫn không hay biết gì về quan hệ giữa hai người.
    - Huynh trưởng đối với ta thật tử tế mà lại chết trong lao ngục. Chỉ vì chăm lo cho thằng em mà phải nhúng tay vào những chuyện bất chính. Thế gian quả lắm điều nghiệp chướng.
    - Khi mới đến làng này chàng cũng là người làm toàn những điều nghiệp chướng đấy chứ.
    - Ừ nhỉ. Mà từ khi gặp nàng thì thân, tâm ta đã trở lại bình thường.
    - Thế chẳng phải là điều gàn dở sao.
    - Nếu nói thế thì đúng thật?.Hahahaha.
    - Con người và cuộc đời, toàn là những chuyện gàn dở.
    - Ừ, ừm?
    - Người làng vừa xem chàng là người lạ lùng để họ cười cợt mà lại vừa nhờ vả, tin cậy chàng. Quả là gàn dở.
  9. NhatLang

    NhatLang Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    08/01/2005
    Bài viết:
    323
    Đã được thích:
    0
    Bốn
    Cứ như thế, người làng vừa nhìn Komatsu Gempachi với ánh mắt lạ lùng vừa tin cậy. Chẳng mấy chốc mà gần chín năm đã trôi qua ở làng Đại Đông.
    Ngày ngày Gempachi đều hết lòng giúp đỡ người làng, đêm đến lại trở về chòi với Oritsu. Nhưng tuyệt nhiên chẳng ai biết gì về mối quan hệ này.
    Đến tháng năm niên hiệu Hoei thứ bảy?
    Chúa phiên Matsue là Matsudaira Tsunachika về ở ẩn, nhường cho người em trai Yo****o lên thay.
    Nhân dịp này những kẻ mắc tội chín năm trước đều được ân xá đặc biệt. Nếu Komatsu Juemon còn sống thì chắc cũng được phóng thích. Rồi tổng quản Midani Handayu nói với chúa Yo****o.
    - Hay là nhân dịp này cho gọi Komatsu Gempachi trở lại, ban cho quan tước. Ngài nghĩ thế nào? Gempachi giờ đây đang trú tại làng Đại Đông và giúp dân làng làm nhiều việc thế này? thế này?
    Tân phiên chủ nghe theo lời tổng quản cho vời Gempachi lại ban cho quan tước năm mươi thạch và hai người hầu.
    Lúc bấy giờ Gempachi được hăm tám. Nông phụ Oritsu vừa ba mươi bảy.
    Đêm chia ly?.
    Oritsu nén tình cảm, không nhỏ một giọt nước mắt.
    - Có lẽ từ đây chúng ta phải quên nhau thôi. Chàng ơi, chỉ còn lại đêm nay?
    Gempachi không nói một lời. Oritsu lòng buồn rười rượi.
    Trước khi trời sáng Oritsu trở về nhà bên kia rừng, Gempachi cũng lặng lẽ chỉnh trang mọi thứ. Trên con đường làng, khi về đến bên kia rừng thì Oritsu bật khóc nức nở.
    Thế rồi dân làng đến chúc phúc rồi Gempachi rời làng Đại Đông vào thành Matsue.
    Hết hạ lại sang thu.
    Oritsu lúc này cũng đã già.
    Một ngày thu nọ?.
    Đột nhiên Komatsu Gempachi xuất hiện ở làng Đại Đông. Dân làng trố mắt.
    Gempachi ăn vận lễ phục chỉnh tề, hông đeo song đao đi bên cạnh chiếc kiệu trống mấy người khiêng, vừa đi vừa mỉm cười.
    - A trông kìa, ngài Gempachi thật là đường bệ.
    - Không biết là chuyện gì nữa nhỉ?
    - Vẫn cứ như xưa, luôn khác người.
    Trong khi dân làng đang xì xào bàn tán thì Gempachi và chiếc kiệu trống đã nhắm thẳng hướng khu rừng trước nhà lão bách tính Ushichi mà đến.
    Lúc này Oritsu đang làm đồng bên sườn núi bỗng mừng rỡ chạy về.
    - Oritsu, lâu quá nhỉ.
    - Ngài trông cũng đường đường hơn.
    - Nhưng bên trong cũng vậy thôi.
    - Thế ngài đến thôn có việc gì?.
    - Ta đến đón nàng.
    - Đón?.?
    - Ta đến đón nàng về làm vợ. Ta đã bàn chuyện này với con trai nàng và nó cũng rất vui mừng. Nào, hãy lên kiệu đi.
    - Nhưng mà?.
    - Kệ, như vầy được rồi. Ta không quan tâm.
    Quả là ?ochỉ trong chút xíu?.
    Oritsu lên kiệu mà vẫn chưa hết bỡ ngỡ. Gempachi đi bên cạnh vẫy tay chào dân làng rồi vào thành.
    Bách tính đứng hai bên vệ đường tiễn đưa hai người không nói một lời.
    Căn nhà mới của Gempachi nằm trong khu phố Okudani trong thành. Chỉ là một căn nhà nhỏ của võ sĩ hạng thấp năm mươi thạch trong phiên.
    Để đón được Oritsu về làm vợ thì tổng quản Midani Handayu cũng đã trợ ngôn cho Gempachi rất nhiều. Vốn ngày xưa Oritsu có phục vụ trong dinh thự Kohata Tadahira nên Kohata cũng nói Oritsu vốn là chỗ họ hàng xa với mình nên mới được lệnh trên cho phép. Ngày xưa, khi sự phân biệt giai cấp còn gay gắt thì những thủ tục này là điều đương nhiên.
    Nhưng không một ai không biết đến mặt sau của việc này.
    - Lấy một người hơn mình những mười tuổi, lại xấu xí thế kia?
    - Mà chồng trước của thị cũng chỉ là một bách tính xoàng?
    - Quả nhiên là khác người thật.
    Tin đồn một thời lan rộng trong thành. Phải hai năm trôi qua thì người ta mới xem đôi vợ chồng này là ?ochuyện bình thường?.
    Khi Gempachi nhậm chức ?ocung thuật Chỉ Nam? bỗng lộc trăm thạch thì hầu như trong thành chẳng đồn đãi rầm rộ gì mà chỉ là một lễ nhậm chức giản dị chẳng ai hay biết.
    Lúc đó?.
    - Thời gian gần đây một năm mấy lần quan khách đến chơi, mà chén rượu trong nhà cũng không còn được tốt nữa rồi.
    Nghe Oritsu nói, Gempachi liền bảo
    - Được rồi, để ta đi mua.
    Gempachi tìm đến cửa hiệu dưới thành, sau khi xem một hồi rồi chọn được tửu khí ưa thích.
    - Ta mua cái này. Không sứt mẻ gì chứ ?
    - Thưa không ạ.
    Chủ quán đáp. Sau khi về nhà, Oritsu kiểm tra thì phát hiện ra trong số năm chén rượu có hai chiếc bên dưới đáy có vết nứt mỏng như sợi tơ liền báo cho trượng phu hay.
    - Được rồi.
    Nói rồi tức tốc mang chén quay lại cửa hiệu ban nãy.
    - Ngươi gạt ta à.
    Rồi mắng cho một trận. Quả nhiên là chủ quán biết rõ là có tỳ vết nhưng nghĩ rằng nó quá nhỏ nhặt chắc chẳng ai để ý. Bị Gempachi mắng, chủ quán vội vàng phục ra tạ lỗi.
    - Xin ngài tha tội cho. Vậy tiểu nhân xin hoàn lại số tiền ban nãy.
    - Không cần.
    - Dạ?.. ?
    - Ta vì ghét bị lừa nên trả chén lại chứ không phải vì tiếc tiền. Còn ngươi vì tham tiền mà gạt ta. Nhưng giờ đây mọi chuyện coi như chấm dứt và ta cũng không bị gạt. Ngươi cũng có được số tiền ngươi muốn rồi. Cả hai bên đều xem như toại nguyện, đúng không.
    - Không, không?. Tiểu nhân không dám.
    - Số tiền đó ta không cần?
    Nói rồi trở về nhà thuật lại chuyện này cho Oritsu nghe.
    - Như vậy là ổn rồi.
    Oritsu đáp.
    Lại còn có chuyện như thế này.
    Một hôm Gempachi trông thấy một cái đốc kiếm ở cửa hàng đồ cổ thì lấy làm thích thú lắm.
    - Cái này được đấy. Bao nhiêu tiền thế ?
    Vợ chủ hiệu đáp
    - Có lẽ là khoảng chừng hai hay ba quan gì đấy?.. Vì chủ nhân đã đi vắng nên tiện nữ cũng không rõ ạ.
    Gempachi gật đầu rồi lấy ra số tiền hai quan
    - Đây là hai quan. Nếu như chủ nhân trở về có nói là ba quan thì đây, ta đưa thêm.
    Nói rồi đưa thêm một quan nữa rồi mua đốc kiếm đi mất. Khi chủ hiệu trở về nghe vợ thuật lại thì
    - Ờ, quả nhiên đúng như lời đồn đại, đúng là khác người.
    - Cứ cái trò này thì rồi bọn con buôn trong thành đều nói ba quan hết cho xem.
    Vợ chủ quán hùa theo, nói rồi ôm bụng cười rũ rượi.
    Những chuyện như thế này về Gempachi không phải là ít. Nếu cứ viết ra cả đây thì đến mấy ngày cũng chẳng hết.
    Nhất là cứ thấy cái gì thích thì cho dù dốc hết tiền túi ra cũng mua, còn vật dù rẻ đến đâu mà không thích cũng chẳng bao giờ ngó tới.
    Năm năm, rồi mười năm trôi qua?.
    Đầu tiên có vị cung sư Kuroi Tadatoshi Uemon nói với bọn con buôn ban đầu đưa ra hai giá lừa gạt Gempachi
    - Các ngươi cứ lừa gạt ngài Gempachi mãi mà không thấy tội lỗi sao.
    Rồi những kẻ khác cũng noi theo, đến ngay cả bọn mang rau cải, gạo cá đến nhà Gempachi bán cũng hạ giá hơn trước.
    Từ khi Komatsu Gempachi quay trở lại thành Matsue đến nay đã được mười năm.
    Lúc bấy giờ bỗng lộc của Gempachi đã hơn hai trăm thạch ( đáng lý ra còn cao hơn thế nhiều nhưng Gempachi chẳng bao giờ màng đến chuyện thăng cấp, cứ hễ có trát trên đưa xuống là từ chối liền ) và là một nhân vật được chú ý nhiều trong nhà Matsudaira. Cứ hễ là bọn nữ tỳ phục vụ trong nhà Gempachi thì bọn con trai tranh nhau rước về làm vợ. Chuyện này lan đến tai bọn con gái các nhà buôn trong thành. Thế là lúc ấy trong nhà Gempachi có đến hơn hai chục nữ tỳ chấp nhận làm việc không công.
    - Cứ là con gái phục vụ trong nhà ngài Gempachi thì khỏi cần phải xem mặt mũi tướng mạo gì.
    Sự thực đúng là như thế. Bọn nữ tỳ trong nhà Gempachi không đứa nào là kẻ vô duyên cả. Thảy cũng đến hơn trăm người đã về nhà chồng.
    Lúc bấy giờ Gempachi đang giữ chức Cung Thuật Chỉ Nam dạy dỗ cho bọn lính tráng trong phiên.
    Ngày ngày lão nhân Gempachi đã sáu mươi tuổi ngồi ở đài quan sát cách đích hơn ba mươi mét trong trường bắn chỉ bảo bọn môn đệ.
    - Iori hãy giương cao cánh cung lên độ một thốn nữa. Sada Shiro hãy hạ xuống một thốn, qua phải hai gang?
    Cứ làm như lời Gempachi nói, thảy mọi mũi tên đều bắn trúng đích.
    - Đã già rồi mà nhãn lực vẫn còn ghê gớm thật. Thật chẳng biết ngài Gempachi có phải là con người hay không nữa.
    Bọn lính tráng bắt đầu bàn tán. Trong số đó có kẻ trực tiếp đến hỏi Gempachi.
    - Chẳng phải là ta nhìn thấy rõ ràng gì. Chẳng qua đây là giác quan của ta sau nhiều năm theo đuổi Cung Đạo mà thôi.
    Gempachi đáp như không.
    - Đối với ta thì giác quan về cung tên là tất cả. Mọi thứ khác đều vô nghĩa, chẳng là gì.
    Trong thời gian Gempachi còn sống thì số xạ thủ trong thành Matsue cũng tăng lên đáng kể.
    Giữa Gempachi và Oritsu có hai người con trai và ba con gái. Toku Taro là con của Oritsu với người chồng trước nay cũng thành đạt và là quản gia tiệm gạo Inoya trong thành và vẫn giữ quan hệ mật thiết với nhà Komatsu.
    Ngày mùng mười tháng sáu năm Horeki thứ bảy.
    Cũng như mọi ngày, Komatsu Gempachi vào thành chỉ đạo bọn lính tráng bắn cung.
    - Hạ mũi tên xuống hai thốn.
    Từ trên đài quan sát Gempachi nói với tên Izawa gì gì đó, và hắn làm theo như vậy, nhắm vào cái ?~đích ?~ và buông dây. Mũi tên cắm phật vào ụ đất cắm cái đích bên dưới.
    Cả bọn trông thấy liền ồ ào. Chuyện chưa từng có từ trước đến nay. Izawa tiu ngu?yu như mèo cắt tai. Gempachi gọi lại
    - Này Izawa, không phải lỗi do ngươi mà cảm quan của ta đã lú lẩn mất rồi.
    - Dạ?..
    Trở về nhà, Gempachi gọi vợ vào phòng
    - Hôm nay ta đã biết mắt mình đã hóa cuồng rồi.
    - Dạ?
    Lúc bấy giờ Gempachi bảy mươi tư tuổi. Oritsu được tám mươi ba.
    - Ta già rồi?.
    - Vâng?.
    - Ta chán cuộc đời này rồi?
    - Chán rồi ư?
    - Khi không còn cung tên thì cuộc đời này chẳng đáng sống làm gì nữa. Chẳng còn cách nào khác.
    - Thế thì?.
    - Có sống cũng chẳng có ích chi.
    - Thế thì làm gì bây giờ ?
    - Tuyệt thực?
    - Vậy để tôi theo ông.
    - Sao ?
    - Không còn ông thì cuộc đời cũng chẳng đáng sống nữa.
    - Ừm.
    Rồi đêm đó phu phụ Gempachi bắt đầu tuyệt thực. Bọn con trai và đám con gái đã về nhà chồng hốt hoảng lật đật chạy về tụ tập, khuyên bảo nhưng cả hai đều bỏ ngoài tai, cứ ngồi trong phòng mà chẳng hề động đến đũa.
    Bọn môn nhân vội đổ về dinh thự của tổng quản Midani Handayu.
    - Xin ngài hãy tìm cách gì để tiên sinh chịu ăn uống lại !
    Tổng quản Midani lúc bấy giờ vốn là con trai của Handayu mà ngày xưa Gempachi chịu ơn, và cũng là đồ đệ dưới trướng của Gempachi.
    Midani vội đến thăm Gempachi.
    - Xin tiên sinh hãy niệm tình phụ thân đã mất mà hãy dùng chút gì đó.
    Midani cầu xin, Gempachi đã tuyệt thực gần nửa tháng.
    - Ừ? đúng rồi.
    Gempachi gật đầu rồi lay Oritsu đang ngủ trên sàn.
    - Đúng là nếu nghĩ về ơn nghĩa của thân phụ ngài ngày xưa thì ta không thể không làm theo lời ngài nói.
    Rồi cứu lão bà đã gần như ngất tỉnh dậy, cả hai cùng hớp ngụm nước nóng.
    - Ta vốn ngày xưa si cuồng cung tên, lại còn làm lắm chuyện trái bình thường so với người đời, đã làm liên lụy đến các vị nhiều lắm.
    - Ngài nói gì?.
    - Xin ngài hãy nghe cho rõ.
    - Vâng?.?
    - Ta vì ghét thế lực tiền bạc mà trốn tránh việc xuất thế lập thân, chỉ sống một đời của kẻ cung thuật cho đến lúc chết. Vì thế mà bị gọi là kẻ không bình thường trong cuộc đời trôi nổi này. Nhưng trong tận thâm tâm, ta còn muốn tiền bạc hơn kẻ khác bội lần, là kẻ luôn mong cầu chuyện xuất thế lập thân.
    - Dạ? ??
    - Chính vì thích nó nên mới lẩn tránh nó. Những kẻ không bình thường khác trong thiên hạ cũng chỉ là giống như ta mà thôi. Nhưng phàm cái gì kỳ mà lấy làm kỳ thì không còn kỳ nữa. Chính vì vậy nên ta lại sợ cái điều bình thường của cuộc đời phù phiếm. Giống như kẻ mắc bệnh thấy gì cũng sợ sệt. Ngài hiểu không?.Từ khi chứng kiến cái chết trong ngục của huynh trưởng thời trai trẻ mà ta đã ra thế này?.
    Nói rồi cười tủm tỉm rồi lại phục xuống sàn.
    Đêm thứ bảy kể từ đêm này. Komatsu Gempachi nằm bên cạnh xác lão bà đã trút hơi thở cuối cùng từ đêm trước, chấm dứt một cuộc đại trụ sinh.
    Hết.
    Sài Gòn ngày 7-2-2007
    Được NhatLang sửa chữa / chuyển vào 21:30 ngày 09/02/2007
  10. NhatLang

    NhatLang Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    08/01/2005
    Bài viết:
    323
    Đã được thích:
    0
    Truyện danh nhân ( Meijinden )
    Truyện này đọc được từ khi còn nhỏ và là một trong những truyện đầu tiên gây ấn tượng mạnh mẽ. Nội dung truyện đã phá cái nhị nguyên luận và củng cố cái "Nhất Như","Bản Lai Diện Mục".
    Nguyên tác: Nakajima Atsushi
    Dương Tường dịch
    Một
    Ở thành phố Hàm Đan, thủ phủ nước Triệu thuộc Trung Hoa cổ đại, có một người tên là Ngật Trường mang hoài bão trở thành tay cung cừ nhất thế giới. Sau bao lần thăm hỏi, anh ta biết chắc rằng người thầy giỏi nhất nước là Ủy Phi. Nghe đồn tài bắn cung của bậc thầy này siêu đẳng đến mức cách trăm bước, ông có thể phóng cả bó tên trúng một cái lá liễu. Ngật Trường lặn lội đến tận cái tỉnh xa xôi nơi Ủy Phi sống và trở thành học trò ông.
    Đầu tiên, Ủy Phi bảo anh ta phải học làm sao không chớp mắt. Ngật Trường trở về và bước vào nhà là chui liền xuống dưới khung cửi của vợ, nằm ngửa ra đó. Kế hoạch của anh ta là nhìn chằm chằm không chớp mắt vào cái bàn đạp lên lên xuống xuống thoăn thoắt ngay trước mặt anh. Người vợ kinh ngạc thấy anh trong tư thế ấy, nói nàng không thể dệt được khi có một người đàn ông, dù là chồng mình, nhìn ngó từ một góc độ kỳ lạ như thế. Tuy nhiên, nàng vẫn buộc phải dận bàn đạp mặc dầu rất bối rối.
    Ngày lại ngày, Ngật Trường chiếm lĩnh cái vị trí kỳ khu của anh ta với khung dệt và tập nhìn. Sau hai năm, anh đạt tới trình độ không chớp mắt ngay cả khi bàn đạp vướng vào lông mi. Cuối cùng khi Ngật Trương từ khung cửi bò ra lần cuối cùng, anh ta nhận ra rằng công phu kỷ luật trường kỳ của mình đã có hiệu quả. Không có gì có thể làm anh ta nháy mắt được ?" một đòn đánh vào mi mắt, hoặc một tia lửa, hoặc một đám bụi thình lình bốc lên ngay trước mặt đều vô hiệu. Anh ta đã luyện cho cơ mắt bất động triệt để đến nỗi ngay cả khi ngủ, mắt anh vẫn mở trừng trừng. Một hôm, anh đang ngồi nhìn về phía trước, một con nhện nhỏ đã giăng tơ giữa hàng lông mi anh. Rút cục, bây giờ anh cảm thấy đủ tự tin để đến trình diện thầy.
    ?oBiết làm sao cho khỏi chớp mắt chỉ là bước đầu?, Ủy Phi nói khi Ngật Trường sôi nổi kể lại sự tiến bộ của mình. ?oTiếp đây, con phải học nhìn. Con hãy tập nhìn vào các vật và đến khi nào cái gì li ti trở nên rõ mồn một và cái gì bé nhỏ dường như trở thành đồ sộ thì hãy đến thăm ta một lần nữa?.
    Ngật Trường lại trở về nhà. Lần này, anh ra vườn, tìm một con sâu bé tí tẹo. Khi tìm thấy một con hầu như không nhìn thấy bằng mắt trần, anh đặt nó lên một lá cỏ, treo lên cạnh cửa sổ thư phòng. Rồi, cắm vị trí ở cuối phòng, anh ngồi đó hết ngày này sang ngày khác, nhìn trân trân vào con bọ. Mới đầu, anh hầu như không thấy nó, nhưng sau mười hôm anh bắt đầu mường tượng là nó to ra chút xíu. Đến cuối tháng thứ ba, nó như đã phình ra bằng con tằm và anh có thể nhận ra những chi tiết trên mình nó.
    Trong khi ngồi nhìn chăm chú vào con sâu, Ngật Trường hầu như chẳng để ý gì đến những lúc chuyển mùa ?" nắng xuân long lanh chuyển thành ánh hè chói chang; chẳng bao lâu ngỗng trời bay ngang bầu trời thu trong vắt, rồi đến lượt mùa thu lại nhường chỗ cho mùa đông xám xịt đầy mưa tuyết. Dường như không có gì tồn tại ngoài con vật nhỏ trên lá cỏ. Cứ mỗi con sâu chết hoặc biến mất, anh ta lại sai tiểu đồng thay bằng con sâu khác cũng nhỏ li ti như thế. Nhưng dưới mắt anh, chúng đều không ngừng to ra.
    Trong ba năm, anh hầu như không rời khỏi thư phòng. Rồi một ngày kia, anh thấy con sâu bên cửa sổ to bằng con ngựa. ?oTa đã thành công!?, anh vỗ đầu gối kêu lên, và vừa nói vậy anh vừa hối hả ra khỏi nhà. Anh gần như không thể tin ở mắt mình nữa. Ngựa lớn tày núi, lợn to như đồi và gà thì bằng chòi canh lâu đài. Nhảy cẫng lên mừng rỡ, anh chạy về nhà lập tức lắp một mũi tên Shuo Piêng rất mảnh vào một cây Nhạn cung. Anh ngắm và bắn xuyên tim con bọ mà không đụng vào nhánh cỏ. Anh vội đến trình diện Ủy Phi không chậm trễ. Lần này, ông thầy khen: ?oTốt!?.
    Từ khi Ngật Trường lao vào tìm hiểu những bí ẩn của nghề cung đến nay đã được 5 năm và anh cảm thấy sự rèn luyện nghiêm ngặt của mình đã đơm hoa kết quả. Giờ đây, không một thành tích xạ điêu nào là quá sức anh. Để khẳng định điều đó, anh tự đề ra một loạt khảo nghiệm gay go trước khi trở về nhà.
    Thoạt tiên, anh ta quyết định thi đua với thành tích của chính Ủy Phi và cách một trăm thước, anh bắn đạt hoàn toàn, mũi tên nào cũng xuyên qua chiếc lá liễu. Mấy ngày sau, cũng vần một mục ấy, anh dùng cây cung nặng nhất và đặt một cốc nước đầy tới miệng trên khuỷu tay phải cho cân; không một giọt nước nào trào ra và một lần nữa, mọi phát tên đều trúng đích.
    Tuần sau, anh lấy một trăm mũi tên nhẹ và bắn liên tiếp thật nhanh vào một mục tiêu ở xa. Phát đầu trúng giữa hồng tâm, phát thứ hai xuyên trúng vào cuống mũi tên đầu; phát thứ ba vào cuống mũi tên thứ hai; và cứ thế tiếp tục cho đến khi, nháy mắt, cả trăm mũi tên nối thành một đường thẳng tắp duy nhất từ mục tiêu đến chính cây cung. Anh ngắm trúng đến nỗi, bắn xong rồi, chuổi tên dài dặc chưa kịp rơi xuống đất, mà vẫn còn rung rung trong không trung. Bấy giờ, ngay cả sư phụ Ủy Phi đứng bên theo dõi cũng không dưng được vỗ tay reo lên: ?oHoan hô!?.
    Cuối cùng, sau hai tháng, khi Ngật Trường về nhà, người vợ bực về nỗi bao lâu bị bỏ mặc, bắt đầu rầy la chồng. Với ý đồ sửa cái thói lăng loàn của nàng, Ngật Trường nhanh nhẹn lắp một mũi tên Chi Wei vào một cây ô cung, kéo dây căng đến hết mức và bắn sát sạt vào phía trên mắt nàng. Mũi tên rứt đi ba sợi lông mi, nhưng tốc độ nó bay quá nhanh và độ ngắm đảm bảo đến nỗi nàng không hề biết có chuyện gì xảy ra và, thậm chí không chớp mắt, vẫn tiếp tục cự nự chồng.
    Ngật Trường không còn gì phải học ở ông thầy Ủy Phi nữa. Xem ra anh đã gần đạt đến chỗ thực hiện tham vọng của mình. Tuy nhiên, vẫn còn một trở ngại ?" anh nhận ra với một cái giật thót khó chịu: trở ngại ấy chính là bản thân Ủy Phi. Chừng nào sư phụ còn sống thì Ngật Trường chưa thể tự xưng là tay cung lỗi lạc nhất thế giới. Tuy hiện nay anh đã bằng Ủy Phi trong nghề cung, song anh cảm thấy chắc chắn là không bao giờ anh có thể trội hơn ông. Cuộc sống của con người ấy thường xuyên ngăn anh đạt tới cái đích lớn của anh.
    Một hôm, đi dạo qua cánh đồng, Ngật Trường chợt thấy Ủy Phi đằng xa. Không lưỡng lự một giây, anh giơ cung lên, lắp tên và ngắm bắn. Tuy nhiên, ông thầy già đã cảm thấy điều đang xảy ra và nhanh như chớp, cũng lắp một mũi tên vào cung của mình. Hai người bắn cùng một lúc. Hai mũi tên đụng vào nhau giữa đường và cùng rơi xuống đất. Ngật Trường lập tức bắn một mũi tên khác, nhưng nó lại bị chặn ở lưng chừng bởi một mũi tên cực kỳ chính xác từ cánh cung của Ủy Phi. Cứ thế, cuộc song đấu kỳ lạ ấy tiếp diễn cho đến lúc bao đựng tên của vị sư phụ hết nhẵn, trong khi tên đồ đệ hãy còn một mũi. ?oDịp may của ta đây rồi!? Ngật Trường lẩm bẩm và không chậm trễ, ngắm phát cuối cùng. Thấy vậy, Ủy Phi liền bẻ một nhánh ở bụi gai cạnh ông. Trong khi mũi tên veo véo nhằm thẳng tim ông lao tới, ông búng một mũi gai trúng pắp khiến nó rơi xuống chân mình.
    Nhận thấy âm mưu xấu xa của mình đã thất bại, Ngật Trường thấy lòng tràn đầy hối hận, điều mà, nói thật ra hẳn anh sẽ không hề cảm thấy nếu như một trong những mũi tên của anh bắn trúng vào chỗ đã định. Về phía mình, Ủy Phi cũng nhẹ hẳn người vì thoát chết và hết sức hài lòng với bằng chứng mới nhất về tài nghệ tuyệt kỹ của chính mình đến nỗi ông không còn bụng nào mà giận dữ kẻ suýt nữa đã sát hại ông. Hai thấy trò chạy lại ôm lấy nhau với những giọt nước mắt thành tâm. (Cung cách thời xưa quả là kỳ dị làm sao! Ngày nay, liệu ai có thể quan niệm lối xử sự như thế được? Trái tim người xưa chắc hẳn phải khác trái tim chúng ta hoàn toàn. Nếu không thì làm sao có thể cắt nghĩa được rằng, một buổi tối, khi Tề Hoàn Công đòi ăn một thứ mỹ vị mới, viên Thái tể trông nom bếp của hoàng gia đã nướng luôn con trai mình, mời Tề Hoàng Công nếm thử, hoặc rằng gã thiếu niên 15 tuổi, sau này là Hoàng đế thứ nhất của nhà Tần, đã chẳng chút áy náy, ngay đêm vua cha chết đã ******** ba lần với cung phi sủng ái nhất của ông già?). Trong khi ôm hôn tha thứ cho tên học trò cứng đầu cứng cổ, Ủy Phi biết rằng cuộc sống của mình có thể lại bị đe dọa bất cứ ngày nào. Cách duy nhất để trừ bỏ mối đe dọa thường xuyên ấy là hướng tâm trí Ngật Trường về một mục tiêu nào đó.
    ?oCon ạ?, ông đứng sang bên nói, ?onhư con thấy đó, nay thầy đã truyền cho con tất cả những gì thầy biết về nghề cung. Nếu con muốn đi sâu hơn nữa vào những bí ẩn đó, thì hãy qua cái đèo cao Đại Hành ở Tây ban và leo lên đỉnh núi Hồ. Tại đó, con có thể tìm thấy lão sư phụ Khán Ảnh; trong nghệ thuật bắn cung, thầy cũng như bất cứ thầy nào khác, không ai bằng được người. So với người, tài của chúng ta chỉ là trò trẻ vụng dại. Ngoài sư phụ Khán Ảnh ra, trên đời này chẳng còn có ai đáng để con học. Hãy tìm bằng được người nếu quả người còn sống, và xin làm học trò người.?
    Ngật Trường lập tức lên đường đi về phía Tây thấy thành tích của mình bị gọi là trò trẻ, anh ta vừa chạm tự ái, vừa sợ là mình còn xa mới thực hiện được tham vọng. Anh phải cấp tốc leo núi Hồ, không để mất chút thời gian nào và đọ tài với vị sư phụ già nọ.
    Anh qua đèo Đại Hành và rẽ lên ngọn núi lởm chởm. Giày anh chẳng mấy chốc đã mòn xơ, chân cẳng bị xước, rớm máu. Không mảy may sờn lòng, anh hì hục leo ngược những vực nguy hiểm và đi qua những mảnh ván hẹp chênh vênh bắc qua những khe nứt rộng. Sau một tháng, anh tới đỉnh núi Hồ và hăm hở lao vào hang đá nơi Khán Ảnh ở. Đó là một ông già có cặp mắt hiền như mắt cừu. Quả thật, Khán Ảnh già đến phát sợ - già gấp bội hơn bất kỳ ai Ngật Trường đã từng thấy. Lưng cụ còng và khi bước đi, mái tóc bạc kéo lê sát đất.
    Tưởng ai vào cái tuổi ấy tất cũng điếc. Ngật Trường lớn tiếng báo: ?oCháu tới đây để xem thử cháu có phải là cao thủ xạ điêu như cháu tưởng không?. Không chờ Khán Ảnh trả lời, anh lấy cây cung lớn bằng gỗ dương anh mang theo trên lưng , lắp một mũi tên Tru chích và nhắm vào một đàn chim di trú lúc đó vừa bay qua trên đầu. Lập tức năm con rớt xuống qua bầu trời trong xanh. Cụ già mỉm cười độ lượng và nói: ?oNhưng thưa các hạ, đó chỉ là bắn bằng cung tên. Các hạ đã học bắn mà không phải bắn chưa? Xin cùng đi với tôi?.
    Hoang mang vì không khiến được lão ẩn sĩ phục tài, Ngật Trường lặng lẽ theo ông cụ đến một bờ vực lớn cách hang đá chừng hai trăm bước. Khi ngó xuống, anh ngỡ mình đang thực sự đứng trước ?obức đại bình phong cao ba nghìn thước? mà Changsai đời xưa đã mô tả. Tít bên dưới, anh thấy một dòng suối ngoằn ngoèo như một sợi chỉ lấp lánh trên những phiến đá. Mắt anh trở nên nhòe đi và đầu anh bắt đầu đảo. Trong khi đó sư phụ Khán Ảnh chạy nhẹ nhàng tới một gò đá hẹp chồi thẳng ra trên miệng vực và quay lại nói: ?oBây giờ các hạ hãy phô diễn tài thật của mình đi. Hãy đến chỗ lão đang đứng và cho lão thấy tài cung của các hạ nào?.
    Ngật Trường vốn rất tự ái nên không thể từ chối lời thách thức và không ngần ngừ, đổi chỗ với ông lão. Tuy nhiên, anh vừa bước lên gờ đá, nó liền khẽ đu đưa qua lại. Làm ra vẻ mạnh bạo ?" điều mà anh không hề cảm thấy thực sự - Ngật Trường lấy cung và bằng những ngón tay run rẩy, cố lắp một mũi tên vào, nhưng vừa lúc ấy, một hòn sỏi lăn khỏi gờ đá và bắt đầu rơi hàng nghìn thước qua không gian. Đưa mắt nhìn theo, Ngật Trường cảm thấy khéo mình sắp mất thăng bằng. Anh nằm xoài lên gờ đá, các ngón tay bíu chặt lấy hai mép. Chân anh run bần bật và mồ hôi vã ra toàn thân.
    Cụ già cả cười, giơ tay ra đỡ Ngật Trường lên khỏi gờ đá. Tự mình nhảy phắt ra đó, cụ nói: ?oXin các hạ cho phép lão bày tỏ để các hạ thấy nghề cung thật sự là thế nào?. Mặc dầu tim Ngật Trường đập như trống làng và mặt anh nhợt ra như người chết rồi, anh vẫn còn đủ tỉnh táo để nhận thấy trong tay vị sự phụ không có gì. ?oThế còn cung của lão trượng?? ?" Anh hỏi bằng giọng như cất lên từ dưới mồ. ?oCung của lão ư?? Cụ vừa cười vừa nhắc lại, ?oChừng nào còn cần đến cung tên thì mới chỉ mon men bên rìa nghệ thuật thôi. Xạ thuật thực sự miễn cần cả cung lẫn tên?.
    Ngay trên đầu họ, một con diều hâu lẻ loi đang bay trong bầu trời. Bậc ẩn sỹ ngước nhìn nó và Ngật Trường cũng nhìn theo. Con chim bay cao đến nỗi ngay cả với cặp mắt sắc sảo của anh, nó chỉ tựa như một hạt vừng bé tẹo. Khán Ảnh lắp một mũi tên vô hình và một cây cung tưởng tượng, kéo dây cung hết cỡ rồi buông ra. Ngật Trường như nghe đánh xoẹt một cái, lúc sau, con diều hâu ngừng đập cánh và rơi như một hòn đá xuống đất. Ngật Trường thất kinh. Anh cảm thấy giờ đây lần đầu tiên anh thấy được giới hạn của các nghệ thuật mà anh đã bắt tay vào luyện rèn để làm chủ một cách trôi chảy biết bao.
    Chín năm liền, anh ở lại trên núi với vị lão ẩn sỹ. Trong thời gian ấy, anh đã trải qua những phép tắc kỷ luật gì, chẳng ai biết được. Đến năm thứ mười, khi anh xuống núi trở về nhà, tất cả đều ngạc nhiên thấy anh thay đổi hẳn. Cái vẻ quả quyết và ngạo mạn trước kia của anh đã biến mất, thay vào đó là cái bộ dạng vô cảm, đờ đẫn của một gã ngây độn. Ông thầy cũ của anh đến thăm anh, thoáng nhìn một cái đã nói: ?oBây giờ ta có thể thấy con đã thật sự trở thành cao thủ! Đến mức thậm chí ta không đáng chạm vào chân con nữa?.

Chia sẻ trang này