1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Tiểu thuyết về Nữ sĩ Hồ Xuân Hương

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi merryheart, 08/05/2006.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. merryheart

    merryheart Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    02/05/2006
    Bài viết:
    301
    Đã được thích:
    0
    XIX - Một trái trăng thu:
    Lại nói về trước - Sau buổi Xuân Hương cự tuyệt Chiêu Hổ, một tình cảm xáo động trong nàng. Nàng phải tạm rời cái trại này vài ngày, và dong buồm về xuôi.Thuyền lênh đênh sông nước, đêm trăng, gió lộng thổi vào mình, nàng mới thấy mình dễ chịu được phần nào.
    Thuyền nàng đi là chiếc thuyền chở đầy mành. Ông già buôn mành say, ngủ trong khoang. Đêm sáng lạ, đúng vào ngày rằm tháng 8. Trăng tròn và mập, ngự giữa trời, không sợi mây bén mảng. Trăng như cô gái có quyền giữa trời đất, vừa mát vừa xuân, vừa khiết. Nàng ngửa mặt nhìn, như nói chuyện, và thấy mình cũng trôi trên thinh không, bay cùng trăng. Cả khúc sông, cả thuyền cũng như trôi trong vũ trụ. Đầu mũi, chú chân sào đang bơi mái, cũng lênh đênh trong vũ trụ. Sinh khoái, nàng trút xiêm y, không mảnh vải trên người, loã thể, trắng ngần, hệt như trăng tròn mập , tinh khiết cạnh bên nàng. Nàng quay mình dưới trăng, giơ tay ôm vũ trụ, rồi khoát tay vẫy chú chân sào. Chú chân sào buông mái, rồi thốt nhiên cũng giơ tay vươn thẳng lên trời. Người chú đẹp như bức tượng đồng hun. Chú giơ tay giằng chiếc khố, vứt xuống sông, rồi cũng loã thể, chú nhảy tùm xuống sông bơi tắm. Bức tượng đang hụp lặn, nước láng vào đồng sáng tinh. Trên thuyền ánh trăng cũng đang vã sáng vào khắp mình Xuân Hương. Rồi tượng đã tắm khắp ngọn sông, đội nước lên thuyền. Xuân Hương đi tới, tượng giơ tay ôm lấy thân nàng, bế lên nửa chừng người. Cái trắng tinh khiết và chất đồng hun ôm riết lấy nhau, phả nóng vào nhau. Xuân Hương nhắm mắt đê mê. Nàng như ôm vũ trụ , trao thân vào vũ trụ - Một sinh khoái động lên giữa phần cơ thể, rồi lan toả khắp cơ thể. Hoà... hoà tan... mây khói... mất bến bờ... chết lặng. Rồi ... tinh thể hoàn dần, tượng đặt nàng nằm xuống, nàng vẫn thả mình trôi theo dư âm - Ánh trăng vẫn toả khắp người nàng , tắm táp.
    Một lúc tượng lại nhảy xuống sông tắm, nàng ngồi dậy cũng nhảy theo, bơi đuổi. Một tượng đồng và một nàng tiên trắng muốt vờn nhau, đội nhau. Cả một khúc sông tắm rửa, cả một vũ trụ tắm táp. Đêm ấy cả thuỷ cung động lên...
    Ngửa mặt lên trời, Xuân Hương thốt:
    Một trái trăng thu chín mõm mòm
    Nảy vầng quế đỏ đỏ lòm lom
    Giữa in chiếc bích khuôn còn méo
    Ngời khép đôi cung cánh vẫn khòm
    Ghét mặt kẻ trần đua mói móc
    Ngửa gan thằng Cuội cúi lom khom
    Hỏi người bẻ quế rằng ai đó
    Đố có Hằng nga ghé mắt dòm​
  2. merryheart

    merryheart Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    02/05/2006
    Bài viết:
    301
    Đã được thích:
    0
    Chương Ba​
    XX - Trở về:
    Đoạn tang ông Phủ, Xuân Hương quyết định trở về phường KHán Xuân, quê hương cũ nơi Kinh kì. Hai bà từ lâu đã sinh quý mến, thương cảm Xuân Hương nên cũng tán thành ý định ấy. Hai bà giúp đỡ lo toan mọi mặt tiền nong, ruộng vườn chu tất cho Xuân Hương như đối với người em gái. Khi chia tay hai bà nói:
    - Cô còn trẻ, không sống vắng vẻ như hai chị được. Nơi Kinh kì như đám bụi hồng, phồn vinh, thanh lịch, mong em tìm được bước đường vui đẹp mới. Còn hai chị sống nơi đây, trông đèn nhang ông Phủ, hàng ngày gõ mõ đọc kinh mong siêu thoát cuộc đời khổ ải.
    Xuân Hương cảm tạ nói rằng:
    - Kiếp phụ nữ đa đoan. Nơi bụi hồng là nơi trói buộc phụ nữ. Người đời chănng lưới, em muốn vào chính nơi bụi hồng ấy rạch tung mắt lưới. Phải chăng bụi hồng mới chính là nơi êm đẹp của muôn đời phụ nữ, mới chính là nơi giải thoát của thân phận phụ nữ.
    Bà Cả nói:
    - Trời, sử sách chưa thấy ai nói nhu em
    Xuân Hương nói:
    - Sử sách khuyết quá chị ạ. Sử sách bất lực.
    Bà Hai nói:
    - Nhưng hai chị rất mừng em đã nói như vậy.
    Rồi hai bà chia tay Xuân Hương, trở lại am điện, dóng mõ tụng kinh. Xuân Hương bước đi, những tiếng mõ văng vẳng bên tai. Nàng nghĩ: " những tiếng mõ êm đềm ru ngủ ấy có làm siêu thoát được gì, chẳng qua là góp phần chôn vùi bao cuộc đời khát vọng của phụ nữ" .
    Xuân Hương về Kinh kì gặp mẹ, mẹ con ôm chầm lấy nhau rất lâu. Xuân Hương nắn chân , nắn tay mẹ, bới tóc mẹ nói:
    - Mẹ già rồi!
    Bà trả lời:
    - Phải già chứ, nhưng mẹ khoẻ.
    Xuân Hương lại hỏi:
    - Con về, mẹ có sợ mà ốm về con không, như thủa nào bố con ốm ấy.
    Bà nghĩ xa xăm:
    - ****** chính là quá thương mày, vì thời thế khắc nghiệt quá. Bây giờ thì... mẹ không sợ nữa.
    Xuân Hương lại hỏi:
    - Sao không sợ hở mẹ?
    Bà trả lời:
    - Người ta nói, người ta đồn về mày nhiều quá. CHuyện toang hoác ra rồi, sợ gì nữa.
    Xuân Hương cười, bà mắng yêu:
    - Hai đời rồi, mày vẫn trẻ thế a. Rồi lại đi lấy chồng. Lấy ai. Có ông thiên lôi lấy mày.
    Xuân Hương lại cười, rồi huơ tay như trẻ con diễn trò:
    - KHi nào cần thì con lấy chồng. KHông cần thì con thôi.
    Bà lại tròn xoe mắt:
    - Mẹ khổ một đời về mày đấy. ****** cũng vì mày mà sớm mất. Nhưng thôi, mẹ thấy người ta khen mày nhiều, mẹ cũng yên tâm. Thì ra cuộc đời mỗi người phải ngoảnh một hướng. Không ai giống ai được - Rồi một lúc bà hỏi - Về ở với mẹ chứ?
    - Không, con phải ở riêng, một mình một khoảnh. Con làm gì mặc con, mẹ nhé.
    Bà thở dài:
    - Đấy, tôi biết ngay mà, từ lúc cô còn bằng hòn bột, bế cô trên tay, bố cô nhìn thấy cái trán dô và đôi mắt sắc, bố cô bảo : " Tướng này rồi bất trị đây".
    Xuân Hương ôm lấy vai mẹ lại cười bất trị như ngày bé.
  3. merryheart

    merryheart Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    02/05/2006
    Bài viết:
    301
    Đã được thích:
    0

    XXI - Cổ nguyệt đường:
    Xế đến Quan Thánh, nhìn ra Hồ Tây bát ngát, Xuân hương cho xây dựng một trang thất xinh nhỏ trên một miếng đất vuông vắn, trước kia đã có sẵn những hàng dương liễu, thanh lan và bờ dậu ô rô. KHu nhà chính gồm 1 phòng khách, và một phòng ngủ, một nhà phụ kế cận. Xế phòng khách nhìn ra là một lâu các, hình bát giác, là nơi thưởng trăng. Đường nhỏ quanh queo, trải sỏi, thanh lan trồng hai bên.
    Trang thất xây xong, XUân Hương đặt bút hiệu là " Cổ nguyệt đường", tự tay nàng thủ bút.
    Cổ nguyệt là do chữ Hồ tách đôi. Đã nguyệt sao lại cổ, mà cổ thì nguyệt chi. Vậy cổ nguyệt là hằng nguyệt, là nguyệt thanh tân, nguyệt như lai. Nàng như nắm được mệnh mình. Vậy Cổ nguyệt là mệnh của Xuân Hương. Nàng thủ bút bằng lối viết chân đá thảo, cách viết vừa quy tắc, vừa bay ****, vừa minh thoáng, vừa nồng hậu.
    Chữ Cổ nguyệt đường vừa sáng lên trước cổng trang viên, thì Kinh kì xôn xao lên như một sự kiện thú vị. Người qua đường đã thấy đổ mắt vào trang thất. Thấp thoáng một nàng xuân trẻ, tuổi chừng 30 đi lại trong trang thất.
    Không biết tin từ đâu, ai nói , nhưng giới hạ du là thính nhất. Họ đã kháo nhau là nàng Cóc, cô Ba Cóc đã về. Mụ Nộng hăng hái nhất, cứ cái chân gỗ văng ngang, mụ chạy khắp nơi: " CHị em ơi, Nàng Cóc đã về, ở phường Khán Xuân ấy. Có trang thất hẳn hoi". Thế rồi ở chợ Cầu ĐÔng dãy nọ ngoảnh sang dãy kia nói chuyện:
    - Chẳng biết cóc cách ra sao, người ta gọi là tiên đấy.
    - Tiên thật, thơ hay nghe cứ thun thút vào tai.
    - Nhưng gọi là Tiên Cóc nghe sợ bỏ mẹ.
    Sáng hôm sau, ngõ ngách các nơi người ta đổ về nơi Xuân Hương ở , rất đông, có tới trăm, vài trăm, mà có khi tới hàng nghìn. Xuân Hương rất ngạc nhiên, nhưng mụ Nộng chẳng quen thuộc gì, đã xông vào:
    - Chúng tôi chờ mãi cô Ba. Mời cô Ba ra cho Kẻ Chợ biết mặt.
    Xuân Hương lưỡng lự, mụ Nộng lại giục:
    - Cô phải ra chứ. Người ta đồn về cô lâu lắm rồi. Cô là Cóc, rồi lại nói là Tiên Cóc. Thơ cô ròn như pháo nổ, cô cũng quê Kẻ Chợ, dân Kẻ Chợ điên lên muốn biết mặt cô. Họ gào lên ngoài kia kìa.
    Xuân Hương phải nghe theo mụ Nộng. Nàng trèo lên lầu mà nàng đặt tên là Cổ nguyệt đài. Đứng trước lan can nhìn xuống, nàng vái chào. Lạ chưa! Dân chúng nhìn thấy nàng mà bàng hoàng ngơ ngác, những cái miệng há hốc. Họ nghe nói cô Cóc cứ tưởng là người xấu xí, xậu xị. Ai ngờ trông thon thả, đẹp tuyệt. Mụ Nộng nhanh nhảu:
    - Đấy, cô Ba Cóc đấy. Cô là nàng tiên , nàng tiên.
    Lúc bấy giờ mọi tiếng kêu gào nổi lên tung hô, la thét:
    - Hô, hô cô Ba , cô Ba Tiên Cóc.
    Nhìn ra thì phần nhiều là dân hạ du, những buôn thúng bán mẹt, những đầu đường xó chợ, những " điếm cô", nhưng cũng khá đông những chị em lịch sự Cầu ĐÔng, loáng thoáng vài quan thị và mĩ nữ còn bự phấn. Những người phường tranh hàng Trống đã nhanh trí mang những tranh hoạ thơ Xuân Hương bày la liệt. Họ đã kiếm đẫy, nên hôm nay họ cũng không quên mang trầu thuốc mời khắp mọi người. Các cô hàng sách cũng gánh những bồ nặng, thơ Xuân Hương treo lủng lẳng đầu đòn gánh.
    Một lúc dân chúng mới kêu lên:
    - Xin thơ, xin thơ. Cô đi đâu mà vắng mặt lâu ngày thế. Thả thơ, thả thơ đi.
    Được merryheart sửa chữa / chuyển vào 22:09 ngày 19/06/2006
    Được merryheart sửa chữa / chuyển vào 22:11 ngày 19/06/2006
  4. merryheart

    merryheart Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    02/05/2006
    Bài viết:
    301
    Đã được thích:
    0
    Một lúc dân chúng mới kêu lên:
    - Xin thơ, xin thơ. Cô đi đâu mà vắng mặt lâu ngày thế. Thả thơ, thả thơ đi.
    Tiếng xin thơ, thả thơ rào lên mãnh liệt, như khát nước đòi uống. Xuân Hương lúng túng, không biết thả thơ gì. Mụ Nộng nói: " Cô cứ nói lên một tiếng là quý".
    Xuân Hương nghĩ ra... bỗng nhiên nàng thấy xúc động về một nỗi đau quê hương. Nàng vội vào thảo một bài thơ trên tờ giấy điệp to rồi treo lủng lẳng như cây phước thả xuống cho dân chúng. Một thày khoá được công kênh lên cao, với lấy bài thơ, rồi đọc to:

    Tây Hồ hoài cổ

    Trân bắc hành cung cỏ dãi dầu
    CHạnh niềm cố quốc nghĩ mà đau
    Một toà sen toả hơi hương ngự
    Năm thức mây phong nếp áo chầu
    Sóng lớp phế hưng nghe vẫn rộn
    Chuông hồi kim cổ lắng càng mau
    Nguời xưa cảnh cũ còn đâu tá
    Khéo ngẩn ngơ thay lũ trọc đầu
    Thày khoá đọc xong, dân chúng oà lên khóc. Trên lầu, Xuân Hương cũng đang nức nở, ôm vai mụ Nộng khóc.
    Thấy vậy người ta khóc càng to. Rồi không ai bảo ai, người ta trẩy về phía Trân Bắc, nhìn lại cái nền hành cung vua chúa xưa. Nhiều người vẫn khóc, người ta ngồi thụp xuống nền đá, hoặc ôm cái cột còn sót lại. Rồi họ lại ào về phía Hoàng cung cũ, nghếch nhìn cái mái điện Kính thiên bị tróc, những mảng tường mốc meo. Họ còn ngẩn ngơ lang ********* đến xẩm tối.
    Việc Xuân Hương về Kinh kì làm náo động cả mọi nơi. Các sĩ phu cao niên là khắc nghe chuyện Cổ nguyệt đường có ý bất bình. Dân chúng như hưng phấn lên, nhưng sinh hoạt thì như đảo ngược, họ nói năng có vẻ lấc cấc, hỗn hào. Thấy vậy các cụ sinh lo: " Đang bình yên, thì cô Ba Cóc nào về làm náo loạn cả lên. Động quá là hại long mạch nơi đế đô đấy. Không để Long thành đứt long mạch được" . Các cụ đã lục tục tới hỏi Chiêu Hổ, - cứ phải cật vấn cái ông Chiêu Hổ:
    - Ông tính sao ông Chiêu Hổ. Có gì mà cô Xuân Hương ấy làm loạn cả Kinh thành. Kinh thành đã như một đống gạch vụn, bây giờ lại được cái thơ mách qué ấy phá đổ thêm. Ông tính sao?
    Chiêu Hổ vái các cụ:
    - Dạ, đến việc này thì Hổ tôi không đủ tài ạ.
    Các cụ vẫn bực:
    - Sao? Ông phải biết, phải hiểu, phải đứng ra bảo đàn em chứ. Ông phải gánh chịu chứ...
    Hổ vội trả lời:
    - ấy , sao lại cứ Hổ này. Hổ này và XUân Hương...
    Lúc bấy giờ các cụ mới đớ ra là mình quá nghiệt.
    - Tội gì đến Chiêu Hổ mà cứ đến cật vấn ông ấy. Các cụ tự cười mình. Ra về các cụ còn bực tức: " Bây giờ cóc nhảy lung tung" .
  5. merryheart

    merryheart Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    02/05/2006
    Bài viết:
    301
    Đã được thích:
    0
    Nhưng Chiêu Hổ ôm tâm sự riêng, không hé ngỏ cùng ai; Ông đã suy ngẫm nhiều về tài thơ Xuân Hương, về thanh khí Xuân Hương. Xuân Hương là mẫu người không có trong sử sách. Xuân Hương sống bạo liệt, nổ vỡ mà đắm say, chân chất mà đa tình. Lầu các vua chúa không có được người như Xuân Hương. Xuân Hương khát, cái khát trời đất. Thơ Xuân Hương róc chữ, sát nghĩa, không xê dịch khác được, là sức ấm, sức thật, sức sinh, và chính là cái ôn hậu, cái đa tình muôn thủa.
    CHiêu Hổ say mê Xuân Hương, yêu thương ngầm, kính phục ngầm, kể cả từ khi Xuân Hương bị những ông chồng cũ bế bồng trên tay. Đám sĩ phu không hề biết tâm sự ông. ÔNg gặm nhấm riêng, kiêu kì mà gặm nhấm , dù đau khổ. Cái hồi ông lên tỉnh Bắc, trong cái đà tình cảm, bị nàng tát, ông yên tĩnh giữ nguyên cảm giác tê tái ấy, âm ba cho đến hôm nay ông giữ nguyên xúc động, ông đội ơn.
    Bây giờ XUân Hương xây Cổ nguyệt đường giữa nơi Kinh kì, ông thú vị, thấy là sự thử thách tuyệt diệu, ông mở cửa đứng ra lan can - ít khi ông ra đứng lan can - tay không cầm chén rượu - nhìn thấy trời rộng mà sáng lắm - nhìn mãi phố phường, ánh sáng, người đi, nghe thấu cái ồn ào thú vị.
    Dân chúng đã biết mặt Nàng Tiên Cóc của mình. Thơ nàng dội xuống như cơn mưa ngày nắng. Phường Hàng Bồ in thêm rất nhiều tập thơ Xuân Hương, vẽ vời minh hoạ, bán rẻ. Có tập vẽ ngoài bìa nàng tiên lột vỏ cóc, đúng là chuyện xưa của Kinh kì. Người Kinh kì như được trở về với giấc mơ.
    Cơn khát của dân chúng chưa nguôi. Cứ hàng ngày họ lại tụ tập trước trang thất xin thơ. Mụ Nộng vào giục:
    - Một bài nữa đi, hay một câu thôi cũng được. Chỉ một câu là họ vui vẻ cả ngày.
    Xuân Hương biết dân chúng đang đau khổ vì Kinh thành tan vỡ, kiếp sống lạc loài. Nàng lại thả bài thơ:
    Quán Sứ sao mà cảnh vắng teo
    Hỏi thăm sư cụ đáo nơi neo
    Chày kinh tiểu để suông không đấm
    Tràng hạt vãi lần đếm lại đeo
    Sáng banh không kẻ khua tang mít
    Trưa trật nào ai móc kẽ rêu
    Cha kiếp đường tu sao lắt léo
    Cảnh buồn thêm ngán nợ tình đeo​
    Một thày khoá kêu lên: " Chúng ta mất kinh thành mà còn mất cả Phật thánh, mất kinh kệ nữa à? ". Dân chúng ngơ ngác nhưng rồi nghe ra, họ ùn ùn trẩy tới chùa Quán Sứ. Họ quét lá, nhổ cỏ, lau chùi cửa pháp, nhà tăng,vun quét lại gốc đại, gốc bồ đề. Sư cụ ra đáp lễ: " Mô phật, mô phật. Sao hôm nay các vị lại đến làm việc phúc đức thế này?" . Mụ Nộng trả lời:
    - Vì có bà Xuân Hương, vì có thơ Xuân Hương.
    - Thơ Xuân Hương à - sư cụ lảo đảo muốn ngã - cái thứ thơ thô tục ấy à, nó vấy bẩn phật pháp... - nhưng rồi cụ lại tỉnh táo lại - À mà phật độ mọi chúng sinh... chúng sinh là hằng hà Phật. Phật ở mọi chúng sinh.
    Rồi cứ thế sư cụ nhắm mắt chắp tay cho đến khi dân chúng giải tán... trong óc nhà sư chắc đang lằng nhằng những vần thơ chí tục, chí thánh... Hằng hà Phật mà.
    Ôi chao! Rồi ngày nào dân chúng cũng cứ đến trước trang thất đòi thơ:
    - Nhật trình, nhật trình cô Xuân Hương ơi.
    Mụ Nộng phải đứng ra can thiệp:
    - Hôm nào cũng đòi thơ thì cạn sức cô ấy mất. Phải để cho cô ấy nghĩ chứ. Sông còn cạn, núi còn mòn nữa là. bây giờ thế này nhé, bao giờ có thơ thì cô yết ra ngoài, bà con cứ đến mà xem, không cần tụ tập nữa.
    Dân chúng đồng tình, ra về, Xuân Hương nhờ mụ Nộng làm cho cái bảng xinh xắn có mái che mưa, đặt ngay trước cổng để thỉnh thoảng yết thơ, yết câu đối, yết câu đố, yết lời chúc mừng ngày Tết. ẤY dân chúng cứ cần nói chuyện với cô Xuân Hương như thế.
    XXII - Trang thất hồng nhan:
  6. merryheart

    merryheart Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    02/05/2006
    Bài viết:
    301
    Đã được thích:
    0

    XXII - Trang thất hồng nhan:
    Xuân Hương chọn ngày làm lễ khánh hạ trang thất Cổ nguyệt đường, trước là để cho đất cát được mát mẻ, sau là trình diện các bậc tôn trưởng, các sĩ phu, sĩ tử , và các chị em phường phố.
    Thiếp chuyển mời ít nhưng dân Kinh thành đến mừng đông lắm. Giới sĩ phu, sĩ tử lưỡng lự không biết có nên đến mừng cái bà thơ Cóc ấy không, nhất là các sĩ phu.. Các cụ gõ gậy đắn đo mãi, nhưng rồi các cụ nghĩ: " Thơ cóc nhưng sắc cạnh, toàn bích, thành khẩu khiếu chúng nhân. Hiếm có trên đời. Ta cũng phải kính cái thứ chữ nghĩa ấy chứ!". Thế rồi các cụ yên tâm ra đi.
    Người ít nhiều đều có lễ mừng phong bao, cả những dân hạ du, buôn thúng bán bưng. Xuân Hương rất cảm động. Nhưng đông nhất là giới nữ chợ Cầu Đông, rất nhiều son phấn. Gặp nhau như hợp tình hợp cảnh. Thân phận chung mà. Mụ Nộng hăng hái nhất, mụ đến từ sớm, quét dọn rồi đun nước. Xuân Hương ngăn, nhưng ngăn sao được mụ. Mụ cũng là một thứ chủ nhân trong nhà này đấy. Mụ chỉ đứng bếp, không tiếp khách, nhưng mụ điểm từng hạng, từng mặt khách. Gần vãn, mụ nhìn ngang nhìn ngửa, sồn sồn: " KHông thấy cái nhà ông Chiêu Hổ ấy đến là sao. Đấy Chiêu Hổ đình, thì đây cũng Cổ nguyệt đường, thua gì! ".
    Nhưng rồi mụ thấy trên án có một gói lễ vật nằm chơ vơ. " Này của ai đây, lễ vật gì mà không thấy có người đưa , không thấy thiếp đề. Cứ như của vứt ". Xuân Hương ra mở gói thấy quà mừng rất đặm, một thỏi mực Thái đức, một nghiên thiếu nữ, một thếp giấy điệp hồng, một cây bút tiểu mao. Tất cả đều loại quý hiếm, đắt tiền. Nhất là thỏi mực Thái đức và cây bút tiểu mao. Loại bút tiểu mao này làm bằng lông thỏ nhung nuôi vùng Cao Bằng, thân bằng trúc chỉ rất nhỏ, màu ngà nhưng còn quý hơn ngà.
    Xuân Hương linh tính biết quà tặng này là của ai. Nàng thở dài:
    Đêm ấy nàng lên lầu khai bút cho ngày khánh hạ. Nàng dùng ngay nghiên, bút, mực của người vô danh vừa tặng. Nàng viết:
    Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn
    Trơ cái hồng nhan với nước non
    Chén rượu hương đưa say lại tỉnh
    Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn
    Xiên ngang mặt đất rêu từng đám
    Đâm toạc chân mây đá mấy hòn
    Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại​
    Mảnh tình san sẻ tí con con​
    Bài thơ chưa ráo mực được truyền đi rất nhahnh. Sáng hôm sau, Chiêu Hổ ngồi trên lầu đã được một đệ tử đưa đến sớm nhất. Ông đọc như uống từng chữ. Đọc xong , ông nói to một mình - lần đầu tiên ông nói to: " Đây là lời than thở, một thách thức, một tuyên ngôn... trơ cái hồng nhan với nước non" .
    Và ông nghĩ : " Thế là cái hồng nhan phải đương đầu với cả nước non. Lời thách thức rớm máu! ".
    Rồi ông lần đọc lại bài thơ: " Lời thách thức quyết liệt thật. Nàng nói nàng còn trẻ chưa già... bóng xế khuyết chưa tròn, nhưng toàn gặp tụi tiểu nhân ... rêu từng đám. Mà sĩ tử đáng kính chỉ được vài người thôi, nhưng cũng không đáng mặt lắm, có đâm toạc được chân mây là đứng xa mà nhìn, chứ tới gần thì thấy họ cũng thấp lè tè, đáng mặt sao được với mình. Lời thách thức của người Cổ nguyệt là thế đấy, chửi rủa và vặc vào mặt nữa" . Chiêu Hổ vỡ ra cười. Đây là lần đầu tiên ông bình một bài thơ - mà bình to tiếng. Nhưng rồi ông đặt giấy xuống lim dim suy nghĩ, và ông bỗng giật mình ; " Nhưng sao lại mảnh tình san sẻ tí con con... - ông toát mồ hôi - Cả ta nữa hay sao, cũng chỉ được nàng ban phát một chút hay sao? ". Thế là mặt ông bỗng tái nhợt đi, ông đau đớn, lần đầu tiên ông thấy cái đau đớn thắng ông. Ông bại rồi, bại trước cái đòn nhẹ của người đàn bà ấy rồi, mà người đàn bà ấy nào có đánh vào ông. Nhưng rồi vẫn thói quen ông vùng dậy, mở to mắt, đôi mắt sáng quắc nhìn vào khoảng không. Đời Chiêu Hổ là dồn vào cái nhìn này, ông không chịu.
    Được merryheart sửa chữa / chuyển vào 19:35 ngày 22/06/2006
  7. merryheart

    merryheart Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    02/05/2006
    Bài viết:
    301
    Đã được thích:
    0
    XXIII - Khách đa tình yên tĩnh:
    Tinh mơ hôm sau, ngoài hàng dậu có khách vào xin yết kiến. Xuân Hương sai Nhài ra mở cửa. KHách là CHiêu Hổ. Chiêu Hổ cứ như người quen thân lâu ngày, đi tự nhiên vào nhà. Xuân Hương cũng tự nhiên đón vào. Ấm trà mới đổ nước sôi đã đậm hương. Rót ra chén, trà toả hơi thơm phức. Xuân Hương nâng chén, khách cũng nâng chén - không nói - cùng nhấp miếng nước đầu tiên. Tiếng chén đặt xuống đĩa nghe lách cách , mãi khách mới lúng búng:
    - Thưa nữ chủ nhân, hôm trước tôi có cho người mang quà đến mừng , tạm náu danh, hôm nay xin thưa lại.
    Xuân Hương trả lời:
    - Một thỏi mực
    Xuân Hương trả lời:
    - Một thỏi mực quý, một nghiên đẹp, một bút tiểu mao rất mềm rất trơn, một thếp giấy điệp hoa đào. Tôi đã dùng giấy mực ấy đề thơ khánh hạ.
    Chiêu Hổ thoáng sung sướng như bay người lên, Xuân Hương chỉ bài thơ ấy đã dán trên tường. Hổ khen:
    - Không quá lời, nét bút rất thanh tân.
    - Mực đen và sánh lắm, thích thú cho người viết. Xuân Hương đáp lại.
    Hổ lại thấy trào lên những xáo động mới, Xuân Hương cũng như xao động nói:
    - Ngài bình cho.
    - Miễn cho tôi, Hổ nóia, đọc thích hơn bình, tôi đã nghiền thấm hơn một ngày - Và ông cúi gục, đăm chiêu.
    Xuân Hương nhìn lại, thấy mình còn đang tiện y, áo cánh tóc trần. Nàng vội vào nhà trong mặc áo. Khách đã đứng dậy, nỗi xúc động vẫn như trào ra, lúng búng:
    - Xin phép nữ chủ, tôi lui bước.
    Xuân Hương thoáng hiểu, nỗi xúc động nào cũng là đẹp nhất. Nàng không giữ, khách lui bước ngay. Bước ra vườn hoa, khách ngẩng đầu hứng khí mát, luồng gió thanh tân từ hồ lướt tới. Cỏ vẫn ngậm sương, buổi sáng tuyệt vời của khách.
    Chiêu Hổ đi nhanh về nhà. Ông lẹ lên lầu, không ai hay chút gì. Buổi sáng của ông lại như mặt nước lặng lờ. Và ông lại thú vị, yên tĩnh.
    Xuân Hương lên lầu ghé mắt trông theo khách, cũng không khỏi xáo động. Nàng biết chắc Hổ là người thờ phụng mình, một người biết cúi đầu trước hoa mai tinh khiết, một văn nhân, một đệ nhất tài tử, nhưng... rồi nàng vẫn nhẹ thở dài.
    Được merryheart sửa chữa / chuyển vào 19:56 ngày 26/06/2006
  8. merryheart

    merryheart Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    02/05/2006
    Bài viết:
    301
    Đã được thích:
    0
    XXIV - Giải toả:​
    Tổng trấn Nguyễn Văn Thành truyền lệnh cho các đô quần giải toả đô thành, không cần đóng hãm, lùng sục , tiễu áp nữa. Hắn nói với các liêu thuộc : " Đô thành bây giờ đã có CHiêu Hổ đình và Cổ nguyệt đường. Dân chúng hướng về hai nơi ấy. Thật đỡ được bao nhiêu việc cho dinh tổng trấn. CHính họ an bình giúp ta. Nhưng phải trách họ rằng họ quên có triều đình Huế và dinh Tổng trấn là đại diện. Hứ! Con dân mà quên vua chúa...". Và hắn riễu: " Cái ông CHiêu Hổ tự mệnh danh là đại sư đại thánh ấy, sống như con ong chúa, không ra khỏi tổ, người béo múp míp như loài ấu trùng to đùng. Uống rượu ngồi cả ngày trong nhà. Mỗi khi ông ta xuống đường đi đứng nghễu nghện, thì lũ lĩ dân chúng theo sau cứ như ông Phật Lạt ma ấy".
    Rồi hắn chỉ về phía Cổ nguyệt đường: " CÒn cô Hồ thì quá tài hoa. Cô vốn người ở phường Khán Xuân đây, con ông đồ Khê Hồ Phi Diễn đấy. Có máu mủ với Quang Trung Nguyễn Huệ đấy. Kể ra phải tróc nã chém đầu cả họ. Nhưng bây giờ thì bà chúa ấy ngự trị Kinh kì. Triều đình Huế cũng phải khôn ngoan cúi đầu trước bà chúa thơ ấy. Kể cả cái ông Tùng Thiện Vương Miên Thẩm mà người Tầu kêu là " .. thất thịnh Đường" cũng phải chép thơ bà ấy mà đọc lên kia mà. Ta mừng việc trấn an Kinh thành không phải tính đến nữa".
  9. merryheart

    merryheart Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    02/05/2006
    Bài viết:
    301
    Đã được thích:
    0
    XXV - Thơ mách qué:​
    Từ khi Xuân Hương trở về Kinh kì thì cục diện thơ mở ra rất lạ, Khắp nơi người ta thuộc thơ Xuân Hương , vận Xuân Hương, hoạ Xuân Hương, lẩy Xuân Hương, nghĩ lối Xuân Hương, đùa cợt lối Xuân Hương. Một số sĩ phu cao đạo im tiếng, một số khác bực mình : " Sao lại ttụng mộ thứ thơ mách qué ấy. Thánh hiền để đâu? ". Động long mạch rồi. Các cụ không chịu được nữa bèn tụ tập nhau rủ tới nhà Chiêu Hổ bàn bạc và... chất vấn CHiêu Hổ (!)
    Một cụ nói:
    - Thế này thì ở ẩn sạch cũng vô ích à ông CHiêu Hổ.
    - Thơ tứ ẩn mặc không ai đọc, không ai thuộc nữa à - cụ khác nói.
    - Từ ngày có thơ Xuân Hương - cụ khác tiếp lời - thì không còn ai có hứng mà làm thơ trung hiếu nữa. Trụi sạch rồi. Mà có làm được một câu, đọc lên tụi trẻ nó cười.
    - Rồi nghề dạy trẻ cũng đến mãn cuộc - một thầy đồ than thở - Đang giảng sách thánh hiền, có một học trò hỏi: Nhưng bà Xuân Hương nói rằng ... THế là tan cả buổi giảng.
    Rồi các vị ấy sinh phẫn nộ, bèn phái người đi mời Xuân Hương đến ngay CHiêu Hổ đình. Chiêu Hổ ngồi chiếu bên lắng nghe các cụ ấm ức. Bỗng thấy các cụ phái người đi mời Xuân Hương, Chiêu Hổ hơi ngạc nhiên nhưng rồi ông cũng lại yên tĩnh ngay: "Ừ thì xem cái trò kéo quân mới ấy ra sao! ". Rồi ông nghiêng đầu ngoảnh hướng phía khác.
    Xuân Hương đang thư thái ở nhà, bỗng có người đột ngột mời tới Chiêu Hổ đình, nói rõ có một đám sĩ phu đang đợi. Xuân Hương nghĩ chưa muốn tới Chiêu Hổ đình lúc này, nhưng người mới khẩn khoả. Xuân Hương thản nhiên: " Ừ thì đi"
    Gần như tiện y, nàng không trang điểm. Thấy nàng, Chiêu Hổ ra đón nói:
    - Xin lỗi nàng Xuân Hương, các cụ muốn gặp.
    Xuân Hương gật đầu mỉm cười:
    - Em xin lĩnh ý.
    Nàng lên lầu, chào mọi người. Một thầy khoá hỏi:
    - Cô đấy à - và thấy Xuân Hương ăn mặc giản dị - Tưởng cô nào đấy đi chợ.
    Phận em, phận cháu, Xuân Hương đi tiếp trầu. Nàng tự quệt thêm vôi, độn thêm vỏ. Một thày khoá bạo dạn:
    - Này tôi hỏi nữ sĩ Xuân Hương, sao cứ nói đến cái vật ấy là thế nào? Chữ nghĩa đâu mà cứ cho cái ấy vào?
    Xuân Hương hơi ngạc nhiên, nhưng có ý trễ tràng. Một cụ nạt nhẹ:
    - Thân gái thì phải đẹp chữ chứ. Chữ có đẹp thì phẩm tiết mới cao chư.
    Một thầy khoá khác mắng thêm:
    - Cô khoẻ nghĩ đến cái lăng nhăng
    Xuân Hương ra điều chân thực
    - Cái lăng nhăng gì ạ
    Thày khoá chẻ hoe:
    - Cái ấy
    Thế là Xuân Hương cười to:
    - Chính đàn ông các bác lúc nào cũng nghĩ đến đấy. Này nhé, em hỏi thật, ngồi đây có vị nào có một vợ không? Đã là thày khoá thì vị nào cũng cứ là 2 vợ trở lên, rồi ba, rồi bốn, có khi đến vợ thứ 10. Quan cách thì hàng chục, mà vua chúa thì hàng trăm. Mà cứ mười tám xuân xanh các vị tìm. Thế là các vị no lòng. Đã no lòng thì ... kín miệng.
    Các vị đơ người. Một thày lại cố lắp bắp:
    - Nhưng lại cứ coi cái của ấy như trời đất kia.
    Xuân Hương thản nhiên:
    - Sinh đẻ thì trời đất chứ sao. Không trọng sinh đẻ thì trời đất cũng chẳng còn - Xuân Hương lại cười - Và chính các vị mới coi cái ấy là trời đấy. Là trời !
    Cứng họng hết. Nhưng rồi Xuân Hương ôn tồn:
    - Thơ em chẳng qua là than thân trách phận cho người phụ nữ. Vợ cả, vợ hai, vợ ba là do cái cuồng dục của đàn ông các bác. Người phụ nữ khổ sở là như thế.
    Xuân Hương lấy thêm miếng trầu thanh thản nhai:
    - Một vợ thì chẳng bác nào chịu. Em xin phép về thôi bác Chiêu ạ.
    Rồi nàng vái chào các vị sĩ phu, sĩ tử, các vị vẫn ngồi ngay đơ như bụt.
    Hôm sau trong phố đã vang lên câu nói như rao hàng của mụ Nộng : " Cô Ba Cóc vừa đánh lui mấy ông đại khoa, trung khoa, tiểu khoa tại Chiêu Hổ đình".
    Cái chân gỗ của mụ cứ đi văng ngang, đi từ Hàng Buồm tới chợ Cầu Đông.
  10. merryheart

    merryheart Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    02/05/2006
    Bài viết:
    301
    Đã được thích:
    0
    XXVI - Hảo ngưỡng:
    Mấy hôm sau, một thư sinh thiếu niên, mặt mày tuấn tú, khăn áo chỉnh tề, cưỡi ngựa đến Cổ nguyệt đường rất sớm. Thư sinh bước vào trang thất xin chuyển thiếp và lễ vật. Thiếp ghi : " Thỉnh nữ sĩ Xuân Hương kim nhật cập Chiêu Hổ đình - Hảo ngưỡng - Đồng sĩ phu ".
    Thư sinh lui, Xuân Hương nói với Nhài:
    - Các sĩ phu mời chị đến chơi Chiêu Hổ đình ngay hôm nay. Rồi các vị lại hạ chữ hảo ngưỡng ... Sao lại hảo?
    Rồi Xuân Hương mỉm cười như nghĩ ra : " Đây là những bậc văn nhân cự phách, sĩ phu tôn kính, mến mộ ta, nhưng cũng coi ta như người bạn nhỏ tuổi, nên đã dùng chữ " Hảo ngưỡng".
    Ngay lúc đó, một cỗ xe 2 ngựa đã từ Chiêu Hổ đình đến đón, trần thiết như xe quận chúa, sơn xanh nhẹ, riềm phủ màu hồng tơ. Một tiểu nữ duyên dáng dong xe, áo tím thắt lưng hồng. Trời, sao các sĩ phu ân cần thế này. Nàng vội vào điểm trang nhẹ, rồi ra xe.
    Xe tới, các sĩ phu đã đứng trước cửa chờ đón. Chiêu Hổ đỡ tay nàng rời khỏi xe rồi giới thiệu . Đây Nguyễn Công Trứ, doanh điền xứ. Nàng bị choáng người trước đôi mắt sáng ngời và cái miệng cười sảng khoái của người sĩ phu anh hùng. Đây, Phạm Thái sĩ phu tài hoa giang hồ, nổi tiếng về Sơ kính tân trang, và mối tình Trương Quỳnh Như. Sĩ phu nhưng quắc thước, bộ râu còn xanh đẹp như Quan Công. Khí thế người sĩ phu và mối tình với Trương Quỳnh Như nhẹ đập vào tâm khảm Xuân Hương, nàng bỗng rùng mình, đôi mắt ứa lệ. Đây Nham giác phu, người ở ẩn từ các núi non xứ Nghệ, râu tóc như tuyết, sảng khoái non sông. Đây Nguyễn Du, người khóc Kiều, mang một mệnh lớn về tài hoa. Trong người Xuân Hương đã xốn xang muốn trào nước mắt. Xuân Hương vội vái lạy rất tôn kính các sĩ phu mà cả nước mến mộ. Công Trứ dắt tay Xuân Hương đi trước như người anh cả dìu em gái, qua chào bà Chiêu Hổ đang bán hàng, rồi mọi người lên lầu. Xuân Hương đi giữa các sĩ phu thấy sung sướng tự do như con cá được bơi dưới nước.
    Trên lầu một bàn tiệc đã bày sẵn. Uống nước qua loa rồi Chiêu Hổ mời khách vào bàn, một bàn thấp vừa tầm ngồi. Gọi là tiệc nhưng chỉ là bữa ăn thân mật, đơn giản. Rượu trong bình nồng lên thơm phức, và một vài món ăn thanh khiết đựng trong những đĩa bát nhỏ, men trong như ngọc. Xuân Hương được mời chỗ danh dự, rồi tuần tự các sĩ phu ngồi vào. Nàng như phạm lễ, nhưng Phạm Thái đã giơ tay ép : " Ấy mời nữ sĩ chính toạ ".
    Tuần rượu đầu, ccác vị cao chén khai vị, ẩm mặc . Tuần thứ hai, Nguyễn Du đứng dậy:
    - Hôm nay chúng ta gặp mặt ở đây để cùng nâng chén chúc đất nước ta đã sinh ra người con gái thật thương đời khóc đời.
    Xuân Hương ngỡ ngàng:
    - Thưa ạ, thưa Nguyễn tiên sinh...
    Du nói tiếp:
    - Những kẻ sĩ này đọc kĩ lắm, vần vã cả thân mình mà đọc thơ nàng. Kiều tôi thương đời nhưng khóc lóc uỷ mị. Còn thơ Xuân Hương sắc như gươm đao, ôm hậu như trời đất.
    Hương bỗng bật lên nói:
    - Tiểu nữ này chỉ nói những lời thô tục.
    Công Trứ đứng dậy ân cần:
    - Tục mà chân. Chân tục là chân chính. Đời mới phủ lên mình cái chân chính mà không có được cái chân tục, chỉ là những mảnh phù hoa chữ nghĩa...
    Các vị thở phào sảng khoái, Phạm Thái reo to:
    - Chà, sung sướng. DĨ chân ...
    Các vị cũng nhỏ to phụ hoạ:
    - Phải dĩ chân ... vi dĩ chân.
    Thế là Hồ Xuân Hương khóc nấc lên. Các vị cũng đột nhiên đứng lặng, trước tiếng khóc vàng ngọc. Một lúc Công Trứ lại tiếp:
    - Đất nước ta đang cần chữ nghĩa có sức lực, dĩ chân ... - Rồi ông đặt chén - Phù hoa khắp rồi .
    Một lúc thì ông lại nói::
    - Đến đây thì Trứ tôi thấy thẹn mình đã phạm vào phẩm chất chữ nghĩa là Trứ tôi đã tụng du ... đến cả tụng dâm nữa. Thật lỡ làng danh tiết.
    Phạm Thái buồn rầu nói:
    - Chà, tụng du ... Thái tôi giang hồ mệt mỏi, nay mất hướng, buồn rầu cũng sinh ra tụng tửu. Buồn mà " Tương tiến tửu " cả ngày. Bỏ đi, bỏ đi chăng?
    Nham giác phu nói:
    - Xét ra tôi ở ẩn cũng là ẩn du, ngao du. Từ lâu giới sĩ phu Bắc Hà mất hướng, rồi tự dong mình, tự nuông mình là giới ưu việt, không làm gương cho con dân được nữa. Ai nấy tụng du, ngợt du. Hôm nay càng nhìn rõ. Phải biết quý người thơ con gái này.
    Xuân Hương càng khóc nức nở, dựa đầu vào vai Công Trứ, Nguyễn Du, Phạm Thái, Nham giác phu đứng kề bên săn sóc. Chiêu Hổ ngồi im, khối suy nghĩ căng lên. Những món ăn chưa ai đụng đũa. CÔng Trứ lại đứng lên nói:
    - Trong cuộc thịnh du đến đổ điếu này mà Trứ tôi phải bật dậy nhìn ra chính tâm, chính văn là do sắc thái của lời thơ Xuân Hương. Thơ róc chữ, sát nghĩa, không thể chân thực hơn được. Tôi bỗng thốt: " nôm là Nam". Trời ơi, thơ nôm thế này mới thật là nước Nam, Đại Nam. Tôi đã khóc ... như đọc được Thánh Thi

Chia sẻ trang này