1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Tìm Hiểu: Ðời Sống Loài Ong

Chủ đề trong 'Công nghệ Sinh học' bởi Milou, 24/05/2002.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Milou

    Milou Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    07/06/2001
    Bài viết:
    7.928
    Đã được thích:
    0
    Tìm Hiểu: Ðời Sống Loài Ong

    Thư Sinh



    Ong được xem là một loại côn trùng có ích lợi cho đời sống của con người. Ong có 6 chân và 4 cánh. Ong có một bao tử rất đặc biệt dùng để chứa mật hoa (nectar). Ong cái nào cũng có một cái ngòi chích để tấn công kẻ thù. Ong có mặt tại hầu như khắp mọi nơi trên Trái Ðất, ngoại trừ hai vùng Bắc Cực và Nam Cực. Ong có khoảng 20.000 loại nhưng loại mang nhiều lợi ích nhất cho loài người phải nói là loại ong mật. Loại này được con người nuôi để lấy mật và tổ sáp để làm ra nến. Mặc dù có gần 20.000 loại nhưng ong được chia thành 2 nhóm chính gồm: ong sống tập đoàn và ong sống độc lập. Hầu như đa số các loại ong thuộc về nhóm độc lập.

    Nhóm Ong Tập Ðoàn (Social Bee)



    Loại này xây tổ sống chung, có tổ có khoảng 10 con nhưng có tổ với số lượng lên tới cả 80.000 con. Ong mật có lẽ là loại có đời sống tập đoàn xã hội cao nhất trong các loài ong. Các loài ong khác cũng có đời sống tập đoàn xã hội như ong bầu hay loại ong không ngòi chích.



    Loại ong không ngòi chích thật ra có ngòi nhưng rất nhỏ, chúng không dùng ngòi chích như là một vũ khí để tấn công hoặc tự bảo vệ mà dùng hàm để cắn. Loại này sống ở các vùng nhiệt đới và ôn đới. Chúng xây tổ trên cây, tường hoặc những chỗ trống trải. Mỗi tổ có khoảng từ 50 tới nhiều chục ngàn con. Có loại ong không ngòi lớn cỡ như ong mật cũng chất mật trong tổ và là một nguồn cung cấp thực phẩm cho con người.

    Loại ong bầu cũng sống theo đời sống tập đoàn với mỗi tổ khoảng từ 50 tới vài trăm con. Mật của chúng có vị rất ngon và thơm nhưng không nhiều.



    Nhóm Ong Ðộc Lập (Solitary Bee)

    Loại này thì sống một mình, tuy nhiên đôi khi chúng xây tổ gần nhau. Loại này không có ong thợ, tự sống và sinh sản lấy. Chúng xây tổ, cất mật, đẻ trứng, trám tổ lại rồi bay đi mất. Khi trứng nở, ăn số mật đã được dự trữ để tăng trưởng. Nhóm này có 5 loại chính là ong thợ mộc (carpenter), ong lá (leafcutting), ong đào hầm (mining), ong thợ hồ (mason), và ong Tu Hú (cuckoo). Tên của mỗi loại tự nói lên đặc tính của chúng như ong thợ mộc xây tổ trên những cành cây hay nhánh cây khô; ong lá cắn lá nhỏ ra để làm tổ trên đất hay cành cây; ong đào hầm đào những đường hầm nhỏ dưới đất để làm tổ; ong thợ hồ làm tổ trong những vỏ ốc hay cây mục, có loại dùng nước miếng của mình để kết những hòn đá nhỏ lại với nhau làm tổ hoặc dùng bùn và đất sét xây tổ trên những vách tường; loại ong Tu Hú là loại không xây tổ nhưng rình đẻ trứng của mình vào tổ của những loại ong khác như loài chim Tu Hú.



    Trong các loài ong, quan trọng nhất phải nói là ong mật vì chúng mang lại rất nhiều lợi ích cho con người. Thực phẩm của ong là gì? Dĩ nhiên là các loại hoa. Ong đi thu nhặt các phấn hoa (pollen) và mật hoa (nectar) từ những đóa hoa. Chúng làm mật từ những mật hoa và ăn những mật này cùng với các phấn hoa. Khi bay đi kiếm ăn, chúng vô tình mang theo những phấn hoa từ đóa hoa này sang đóa hoa kia và tạo ra tiến trình kết trái của các loại cây (pollinating), hình thức sinh sản của loài thảo mộc. Có rất nhiều loại thảo mộc kết trái dựa vào các loài khác như ong, dơi, chim v.v... mang các phấn hoa từ đóa này sang đóa kia để tiếp tục chu kỳ tuần hoàn của chúng. Cũng nhờ vào điều này mà đã có nhiều loại giống hoa mới được tạo ra.



    Một tổ ong mật bao gồm 1 nữ ong chúa, vài trăm con ong đực và hàng ngàn các ong thợ, những chị ong cái được sinh ra đời do bởi sự kết hợp các tinh trùng của những chàng ong đực với trứng của nàng ong chúa. Trái trứng nào hoàn toàn từ trứng của nàng ong chúa, không có tinh trùng của chàng ong đực, sẽ nở thành ong đực. Tổ của những con ong mật này được xây ở những nơi được bao che như bọng cây hoặc những hộp. Tổ ong là những hình lục giác làm bằng sáp kế giáp nhau. Những con ong thợ cũng đi lấy một số các nhựa cây mang về để sửa những chỗ nứt ở tổ của chúng.

    Tổ ong là nơi chứa mật và nuôi các ong nhỏ. Chị ong chúa đẻ trứng vào trong những chiếc phòng nhỏ hình lục giác này, thông thường nơi đẻ trứng và nuôi các con ong nhỏ là vị trí ngay giữa trung tâm của tổ. Các phòng nhỏ trên, dưới, xung quanh khác được dùng để chứa mật hay các phấn hoa. Tùy vào thời gian các phòng nhỏ này sẽ được sử dụng ra sao, tỷ như trong suốt mùa xuân và mùa hè, đa số các phòng sẽ được dùng để chứa trứng hay các ong nhỏ, nhưng khi tới mùa thu thì sự sinh sản sẽ bị ngưng trệ để có nhiều hộp chứa mật tiêu thụ cho suốt mùa đông lạnh giá.



    Ðể bảo vệ tổ luôn luôn có những chị ong thợ canh chừng cẩn mật đường vào tổ, vì loài nào hầu như cũng khoái "cuớp" số mật trong tổ đó hết, ngay cả với những loại ong khác. Ðể nhận biết con ong nào cùng tổ, ong của mỗi tổ có một mùi đặc biệt khác nhau. Những con ong này trở nên rất hung dữ khi cảm thấy tổ của chúng bị đe dọa. Chúng tấn công bất kể ai, người, gấu, các loại ong khác v.v... Khi kẻ thù quá mạnh bạo như những con gấu và cần sự tiếp sức, những con ong canh giữ tổ liền tiết ra một chất hóa học (pheromone) mùi chuối để báo động tới những con ong khác trong tổ bay ra ứng chiến và tiếp sức.



    Thân thể ong, giống như các loài côn trùng khác, có thể chia ra làm ba phần là đầu, ngực và bụng. Bụng chứa một bao tử đặc biệt dùng để chứa mật hoa. Toàn thân chúng có rất nhiều lông vì vậy những phấn hoa có thể bám vào người rất nhiều. Màu sắc của ong mật thì từ đen tới nâu nhạt. To nhất là ong chúa, tới là những chàng ong đực và nhỏ nhất là những nàng ong thợ.



    Ong có 5 con mắt. Ba con mắt nhỏ nằm theo hình tam giác ở ngay trên đầu, trước trán. Hai con mắt kia to hơn thuộc loại đa tròng, với hàng ngàn tròng, thì nằm ngay hai bên mặt. Ong mật là loại côn trùng đầu tiên mà con người được biết là chúng có thể phân biệt được màu sắc. Chúng có thể phân biệt được màu vàng, xanh da trời và những tia hồng quang tím (ultraviolet rays). Song le chúng không thể phân biệt được màu đỏ, đối với chúng, màu đỏ nhìn giống như màu xanh lá cây. Những con ong này cũng phân biệt được hình thể như hình thể khác nhau của các loại hoa chẳng hạn.



    Những cần antenna của ong rất mỏng mảnh, nằm ngay trước trán. Có những cơ quan nằm trên cần antenna này dùng để ngửi các mùi vị, còn những sợi lông nhỏ li ti trên cần có lẽ được dùng như các cơ quan cảm nhận.

    Lưỡi của ong được dùng để hút nước, mật hoa, và mật vào trong miệng. Chiếc lưỡi như một ống hút này rất uyển chuyển nằm ngoài đầu của con ong, nó có thể co dãn dài ngắn, di động khắp mọi phương. Hai bên cạnh của chiếc lưỡi này là cặp hàm dùng để nắm giữ các viên sáp và phấn hoa. Ong hút mật hoa bằng lưỡi và chuyền xuống dưới bụng qua đường miệng, nó cũng sử dụng ngược lại khi về tổ nhả mật ra nuôi các con ong khác.

    Ong có hai cặp cánh. Cặp cánh trước to hơn hai cặp cánh sau. Khi chúng bay hai cặp cánh này dính lại nhau, bởi một hàng móc nhỏ ngoài rìa trên cặp cánh trước, tạo thành một cặp cánh lớn. cặp cánh này có thể di chuyển để bay tới, bay lui; bay lên, bay xuống; bay ngang mọi hướng hoặc bay yên tại chỗ.



    Ong có 6 chân, 3 chân mỗi bên ngực. Mỗi chân có 5 khớp, cộng thêm những khúc nhỏ tạo thành bàn chân. Những chị ong thợ dùng những đôi chân này, ngoài vụ để đi, còn dùng để lau sạch những phấn hoa trên người và cầm giữ chất sáp. Những chân sau dùng để mang các phấn hoa hay một vài các nhựa cây đặc biệt dùng để sửa tổ như đã nói ở trên. Cặp chân trước có một bộ phận chũng xuống một cách đặc biệt dùng để lau cần antenna. Bề mặt ngoài của cặp chân sau của những ong thợ có một vùng phẳng chung quanh là những sợi lông dài và cong. Vùng phẳng này được gọi là "giỏ phấn", dùng để mang những phấn hoa về. Những sợi lông dài ở bề mặt trong của cặp chân sau được dùng để thu chất các phấn hoa vào giỏ phấn. Khi những con ong thợ này bay về tới tổ, chúng đặt cặp chân sau này vào trong một phòng lục giác và phủi phấn hoa vào đây, một con ong thợ khác sẽ dùng đầu để ủi những phấn hoa này xuống dưới đáy phòng.



    Ða số các con này dùng ngòi chích như một cách để tự vệ cho chính mình hoặc để bảo vệ tổ. Những hạch nhỏ trong ngòi chích này sản xuất ra một chất hóa học như nọc độc. Ngòi chích của những con ong thợ rất thẳng và có kèm theo những móc câu. Khi ngòi chích cắm vào thịt, những móc câu sẽ móc chặt vào thịt và ngòi chích bị kéo ra khỏi thân thể con ong. Tuy đã bị kéo ra khỏi tha6n thể con ong nhưng các bắp thịt trong ngòi chích vẫn tiếp tục co giãn để đẩy ngòi chích vào sâu thêm và tiếp tục bơm thêm nọc độc vào thịt. Con ong thợ chết không bao lâu sau khi mất ngòi chích. Ong chúa có một ngòi chích trơn láng nhưng cong cong chỉ dùng để giết những con ong chúa khác vì ong chúa không mất luông ngòi chích như những con ong thợ. Ong đực không có ngòi chích.



    Khi bị ong chích, chỗ bị chích sẽ sưng lên vì nọc độc và đau đớn vô cùng! Nếu một người bị ong chích, điều đầu tiên phải làm ngay lập tức là hẩy cho bằng được ngòi chích này ra, và đừng bao giờ bóp hay nặn nó ra. Vì khi làm như vậy sẽ giảm được số lượng nọc độc bơm vào thân thể của mình. Một số người dị ứng mạnh với nọc độc của ong và có thể đi đến thương vong.



    Ðể bay, các bắp thịt của ong cần ít nhất ở khoảng 37ổ C, năng lượng dưới dạng nhiệt giữa cho các cơ năng được ấm trong khi bay. Những lúc ong không bay, chúng vẫn đập cánh đều đều để giữa cho các cơ năng được ấm.

    Không giống như các loài côn trùng khác, ong không ngủ suốt mùa đông mà chúng bám vào nhau thành một khối dầy đặc trong tổ. Ðể giữ hơi ấm chúng đập cánh liên hồi tạo ra nhiệt từ thân thể, khi bám chặt đầy đặc vào nhau là một cách chúng giữ lại nhiệt. Vào mùa hè khi tổ nóng, chúng không bám chặt vào nhau nữa mà chừa ra một khoảng cách để hơi nóng có chỗ thoát. Chúng cũng biết lấy nước vẩy vào tổ để hơi nước làm mát tổ khi bốc hơi.



    Chu Kỳ Tuần Hoàn Của Ðời Sống Loài Ong

    Khi giao tình với những con ong đực, nàng ong chúa chứa những tinh trùng này ở một bọc trong bụng. Nàng ong chúa có khả năng kiểm soát bọc tinh trùng này như ý muốn. Nếu tinh trùng được nhả vào trứng, trái trứng này sẽ nở thành một nàng ong thợ. Những trái trứng không có tinh trùng sẽ nở thành những chàng ong đực.

    Trứng ong nhỏ như đầu kim, màu trắng và có hình dáng giống như trái lê. Khoảng ba ngày sau, trứng nở ra một con vật trắng bé xíu như sán kim, ong sán (larva). Những nàng ong thợ sẽ tiết ra một chất sền sệt, được gọi là thạch vương (royal jelly), từ các hạch trên đầu để nuôi những con ong sán nhỏ này trong vòng ba ngày đầu. Sau đó những con ong sán nhỏ này được nuôi bằng mật ong trộn với phấn hoa. Ong thợ đóng dùng sáp để đóng kín những phòng chứa trứng nở trong vòng 5 ngày đầu, sau 5 ngày này những con ong sán sẽ biến dạng đổi hình thành những con ong non (pupa) và trở thành ong. Mất khoảng 21 ngày cho các nàng ong thợ trưởng thành và cắn vỏ sáp để ra khỏi phòng, trong khi đó mất khoảng 24 ngày cho các chàng ong đực trưởng thành.



    Tổ ong cần một con ong chúa khác khi con ong chúa đương thời trở nên già yếu hoặc chết. Ðôi khi nàng ong chúa đương thời vì một lý do gì không thích cái tổ hiện tại nữa, bỏ đi và mang theo một số ong thợ. Các nàng ong thợ của tổ cũ bèn lựa vài con ong sán nuôi để trở thành ong chúa, bằng cách nào những con ong sán này được lựa và trở thành ong chúa hãy còn là một đề tài để tìm hiểu. Những con ong sán được lựa này sau đó được nuôi chỉ bằng thạch vương cho đến khi lớn trong khi đó những nàng ong thợ khác thì bận rộn xây phòng mới cho những nàng ong chúa tương lai. Phòng của con ong chúa nhìn giống như nửa cái vỏ lạc treo tòng teng trong tổ. Mất độ 5 ngày rưỡi cho con ong sán chúa trở thành ong chúa non và bò ra khỏi phòng trong vòng 16 ngày. Theo các nhà khoa học thì họ nghi ngờ là đã có những chất hóa học đặc biệt được pha trộn trong thạch vương dùng để nuôi những nàng ong chúa tương lai này, khiến các nàng trưởng thành nhanh hơn và có hình dáng khác biệt.



    Sau khi bò ra khỏi căn phòng đặc biệt của mình, các ong thợ bỏ mặc không chăm sóc để tự nàng ong chúa ăn mật để lấy sức. Trong trường hợp có hai con ong chúa ra cùng một lúc, chúng sẽ đánh nhau cho tới khi có một con chết. Tương tự cho trường hợp giữa một con ong chúa cũ và một con ong chúa mới, tuy nhiên đôi khi con ong chúa cũ bỏ đi mang theo một số ong thợ lập tổ mới và nhường tổ cũ lại cho con ong chúa mới. Sau khi giết xong kẻ tranh ngôi, nàng ong chúa mới bay ra khỏi tổ để giao tình với những chàng ong đực. Xong cuộc giao tình trên không trung nàng ong chúa bay trở về lại tổ và bắt đầu nhiệm vụ đẻ trứng của mình khoảng từ 2 tới 3 ngày sau đó. Một con ong chúa đẻ khoảng 1 triệu trái trứng trong đời sống khoảng 5 năm tuổi thọ.



    Nàng ong chúa dừng đẻ khi cái tổ trở nên chật chội so với số ong đang sinh sống. Những nàng ong thợ bèn bắt đầu xây phòng cho những nàng ong chúa tương lai. Nàng ong chúa cũ đẻ trứng vào những căn phòng đặc biệt này. Những con ong thợ chỉ đậy kín những căn phòng này lại khi trứng đã nở thành những con ong sán nhỏ. Sau đó con ong chúa cũ bỏ tổ này, bay đi nơi khác cùng với một số ong thợ để xây tổ mới. Khi rời tổ, chúng bay theo đàn đầy đặc và bám vào nhau thành một bọng ong khi tới một nơi nào đó. Một số các ong hướng đạo sẽ bay đi tìm nơi nào tốt nhất để xây tổ mới. Khi những con ong hướng đạo này trở về, chúng sẽ "vũ" cho những con ong hướng đạo khác cũng tìm tổ thấy, một hình thức chỉ đường. Con này sẽ đi khảo xét nơi xây tổ của con kia xem có tốt bằng nơi mình đã kiếm được không, sau khi hội thảo, qua một dấu hiệu nào đó, cả đàn, kể cả nàng ong chúa, sẽ bay theo con ong hướng đạo đã tìm ra nơi xây tổ mới được xem là tốt nhất.



    Hoa là nguồn thực phẩm của ong. Các phấn hoa mang lại cho ong các chất béo, chất đạm và các khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Trong khi đó chất đường trong mật hoa chỉ mang lại năng lượng cho loài ong. Khi tìm ra nơi có thực phẩm, con ong hướng đạo bay trở về tổ và chỉ đường cho những con ong thợ khác thấy qua một điệu "vũ". Ðiệu vũ này là một hình số 8 tương quan với mặt trời. Trục thẳng đi ngang qua eo giữa của số 8 luôn luôn thẳng góc với nơi có hoa và đường thẳng này tương quan với mặt trời. Thí dụ như nếu nơi có hoa nằm khoảng 50ổ về hướng phải của mặt trời, thì đường thẳng đi ngang qua eo số 8 sẽ cắt đường thẳng góc từ mặt trời đến tổ ở góc độ 50ổ về phía phải của mặt trời. Tốc độ vũ cho biết xa hay gần, càng chậm càng gần.

    Mặt Trời Hoa

    50 ổ

    "Ðiệu vũ" hình số 8

    Tổ Mật hoa sau khi khi được hút mang về tổ sẽ được chia cho các ong thợ khác hoặc được cất trong những phòng chứa mật. Mật hoa sẽ được trộn với một số loại enymes từ những con thợ và để đó để bốc hơi nước thành mật ong.



    Sáp ong được lấy từ những hạch ở bụng ong thợ với số tuổi độ khoảng 10 ngày trở lên. Những con ong thợ ăn thật nhiều mật và những hạch này chuyển hóa những chất đường trong mật này thành sáp. Những chất sáp này phòi ra ngoài qua những lỗ nhỏ li ti trên người và thành những miếng sáp trắng nhỏ dính ở bụng. Mỗi lần làm khoảng 8 miếng. Những con ong thợ dùng cặp chân sau để gắp, giữ những miếng sáp nhỏ này đưa lên miệng nhai và xây tổ. Thông thường những miếng sáp này được làm trong khoảng thời gian tuổi của ong được từ 10 ngày đến 16 ngày.



    Nhiệm vụ của ong chúa là đẻ trứng. Nhiệm vụ của ong đực là chỉ giao tình với ong chúa để truyền giống. Tuy nhiên những con ong đực này thông thường chỉ giao tình với những con ong chúa ở tổ khác chứ không phải ở tổ của mình. Ong đực chỉ có trong mùa hè và phải nhờ vào những nàng ong thợ nuôi nấng chúng vì lưỡi hút của chúng rất ngắn không thể tự nuôi thân. Khi mùa Thu đến, thực phẩm trở nên khan hiếm, những nàng ong thợ ngưng nuôi nấng các chàng ong đực và đuổi chúng ra khỏi tổ, đương nhiên đây là bản án tử hình đối với mấy chàng ong đực. Những nàng ong thợ không đẻ trứng và cũng không giao tình, trời sinh ra chỉ để làm việc quần quật suốt cuộc đời. Khi vừa trưởng thành, 3 ngày đầu tiên là lo quét dọn làm sạch tổ. Những ngày kế tiếp chúng phải lo nuôi nấng những con ong sán và ong non, rồi lo sản xuất lấy sáp xây tổ, đứng canh giữ tổ bảo vệ mật ong. Khi được khoảng 4 tuần thì phải bay ra ngoài kiếm mật hoa và phấn hoa và làm công việc này cho tới khi chết, tức khoảng 6 tuần. Tuy nhiên nếu sống trong mùa Thu và mùa Ðông, vì không phải bay đi kiếm mật hoa, chúng có thể sống tới vài tháng.


    <:3)~~ <:3)~~ <:3)~~
  2. Alphoras

    Alphoras Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/09/2003
    Bài viết:
    155
    Đã được thích:
    0
    hồi trước có nghe nói đến 1 loài go là "giả ong", có ai biết gì về cái này khong?
    Người ngồi đó...

Chia sẻ trang này