1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Tìm hiểu nguồn gốc địa danh Bắc Kạn

Chủ đề trong 'Cao Bằng - Bắc Kạn' bởi tieuvuongbackan, 31/08/2008.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. tieuvuongbackan

    tieuvuongbackan Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    21/07/2006
    Bài viết:
    2.411
    Đã được thích:
    0
    Tìm hiểu nguồn gốc địa danh Bắc Kạn

    Bắc Kạn là một trong số không nhiều các địa danh trên cả nước có những cách giải thích chưa thống nhất về nguồn gốc tên gọi. Trước đây, trong các văn bản thường viết là "Bắc Cạn", từ khi tách tỉnh (1997) thì đổi thành "Bắc Kạn". Hiện nay một số ít văn bản và biển báo giao thông vẫn viết là "Bắc Cạn". Mặc dù đã có một số bài báo giải thích về tên gọi này nhưng chưa thực sự thuyết phục được bạn đọc.

    Xung quanh việc giải thích nguồn gốc cũng như ý nghĩa của địa danh Bắc Kạn, chúng tôi thấy có các ý kiến sau:

    1. Bắc Kạn là cùng đất khô cạn ở vùng núi phía Bắc.
    2. Bắc Kạn là từ biến âm của từ Tày Nùng "Pác Cạm", có nghĩa là cửa ngõ của kinh thành Thăng Long.
    3. Bắc Kạn là từ biến âm của từ Tày Nùng " Pác Káp", có nghĩa là "nơi hợp lưu" của Sông cầu (là sông chính) với sông Đôn Phong, dòng Nặm Cắt, suối Nông Thượng và các suối nhỏ khác.
    4. Bắc Kạn là biến âm của từ Tày Nùng " Pác Can". Pác Can là khu Sở Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày nay. Ở đây có cánh đồng Nà Can.
    5. Bắc Kạn là biến âm của từ Tày Nùng " Pá Kạn", có nghĩa là rừng (cây) Kạn.
    Vậy để xác định được nguồn gốc địa danh Bắc Kạn là một việc làm không đơn giản. Theo chúng tôi cần phải dựa trên cơ sở qui tắc ghép vần của chữ quốc ngữ, dựa vào từ nguyên và có tính đến tâm lý xã hội.
    Về chính tả, trong tiếng Việt phụ âm K chỉ có thể đứng trước i, e, ê. Ví dụ: kim, kem, kênh. Nhưng nếu trong từ vay mượn thì có thể dùng hình thức văn tự để giữ một ý nghĩa từ nguyên. Ví dụ vải Kaki, nguyên tố Kali?

    Như vậy, viết Bắc Kạn hay Bắc Cạn là tuỳ thuộc vào việc xác định nguồn gốc ý nghĩa của từ.
    Về từ nguyên, có người cho rằng " Bắc" là âm tiết gốc Hán, là phía Bắc. "Cạn" là từ thuần Việt nghĩa là " hết nước", là " khô kiệt". Đây là cách giải thích từ nguyên thông tục, dĩ nhiên là không đúng. Hơn nữa, về mặt cấu tạo, trong tổ hợp song tiết có các từ tố chỉ phương vị Đông, Tây, Nam, Bắc chúng ta chỉ thấy các từ tố này kết hợp ở trước các từ tố gốc Hán có ý nghiã danh từ, động từ, kkhông thấy kết hợp với tính từ, nhât là tính từ thuần Việt. Chúng ta có Nam tiến, Bắc phạt, Đông du không thấy có Nam quảng, Nam lụt?do đó Bắc Cạn không phải là tổ hợp cấu tạo Bắc (Hán) + Cạn (Việt). Cũng không nghĩ rằng "Cạn" là biến âm của "Can" (Hán) vì như thế trái với qui tắc cấu tạo từ Hán Việt: tính từ định ngữ phải đứng trước danh từ.

    Nếu cho Bắc Kạn là biến âm của từ Tày Nùng " Pác Cạm", có ý nghĩa là cửa ngõ của kinh thành Thăng Long thì về mặt ý nghiã là có lý. Bắc Kạn chính là vùng đất chiến lược bảo vệ Thăng Long từ hướng Bắc. Nhưng xét về mặt ngôn ngữ học, "Pác" có thể biến thành "Bắc" nhưng " Cạm" khó có thể biến thành " Cạn". Qui luật biến đổi ngữ âm của từ Tày Nùng và tiếng Việt không có hiện tượng phụ âm cuối M thành N. Trường hợp " Pác Cáp" cũng tương tự như vậy, khó có thể biến " Cáp" thành " Cạn".
    Bắc Kạn là biến âm của từ " Pá Kạn" (rừng, cây Kạn): Pá là bãi, rừng; Kạn là cây Kạn? về mặt hệ thống, đây là từ có chung kiểu cấu tạo với các địa danh Pá Danh, Pá Ội?do qui luật đồng hoá ngữ âm: " Pá" bị ảnh hưởng bị ảnh hưởng của "Kạn" đã biến âm thành "Pák", sau đó biến âm thành "Bắc". Tuy nhiên "Kạn" là loại cây như thế nào? hiện nay không thấy tồn tại loại cây này. Như vậy cũng chưa đủ sức thuyết phục.

    Vậy Bắc Kạn là biến âm của từ " Pác Can"? về mặt ngữ âm, điều này có thể xảy ra. Tuy nhiên tại sao lại lấy tên một mảnh đất nhỏ để đặt tên cho một tỉnh là điều chúng ta cần nghiên cứu.
    Theo ý kiến riêng của tôi, "Bắc Kạn" là biến âm của một từ gốc Hán Việt. Tỉnh Bắc Kạn thành lập năm 1900. Khi thành lập một tỉnh mới, việc đặt tên chắc chắn có sự tham gia của quan lại người Việt, mà những người này thông thạo chữ Nho, có thói quen dùng từ Hán Việt để đặt các địa danh tương ứng với các đơn vị hành chính. Bắc Kạn không nằm ngoài thông lệ ấy. Thực tế cho thấy, bản sao bài văn bia "Tam hải hồ sơn chí" bằng tiếng Hán khắc trên đá dựng ở Bó Lù, bờ hồ Ba Bể, do tác giả Phan Đình Hoè, làm án sát tỉnh Bắc Kạn viết, ông Vi Văn Thượng khắc và dựng bia năm 1925 (bài văn bia này đã được giới thiệu trên tạp chí Văn học số 6 năm 1986), chữ "Kạn" trong từ Bắc Kạn có bộ "tài gẩy" bên chữ "Can", âm Hán Việt đọc là "cản", chữ này có nghĩa là "ngăn giữ, bảo vệ, chống cự". Theo thầy Lương Bèn, giảng viên ngôn ngữ Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, thì một số văn bản Hán Nôm, nhất là các sách nôm Tày, cũng viết chữ "Kạn" như vậy. Những bản Hán Nôm về sau mới viết "Cạn" nghĩa là khô kiệt.

    Như vậy, ta có thể phỏng đoán ban đầu, các quan chức đã dùng hai chữ "Bắc Cản" để đặt tên cho một tỉnh mới. Trong tư duy của người nắm quyền cai trị thời đó, nơi đây là vùng chiến lược phòng thủ Thái Nguyên từ hướng Bắc.

    Về mặt cấu tạo "Bắc Cản" cùng kiểu cấu tạo với Nam tiến, Đông du?
    Lúc này chữ Quốc ngữ chưa trở thành chữ viết phổ thông, chữ Pháp và chữ Hán thì ít người biết đến và không biểu thị thanh điệu. Vì vậy, "Bắc Kản" đã tồn tại trong dân chúng theo cách phát âm của địa phương. Những từ Hán Việt và từ thuần Việt đi vào ngôn ngữ Tày, Nùng có một quy luật biến thanh: Thanh "hỏi" thành thanh "nặng". Ví dụ (quả) ổi (Việt) biến thành "ội" (Tày); (lửa) bỏng (Việt) biến thành "bọng" (Tày) , "thẳng" (Việt) biến thành "thặng" (Tày)?theo quy luật này từ "Bắc Kản" đã được phát âm thành "Bắc Kạn", chữ Quốc ngữ và Hán Nôm mới viết theo cách phát âm thực tế mà thành Bắc Kạn như ngày nay. Như vậy, Bắc Kạn là một từ Hán Việt đã được Tày Nùng hoá.
    Vậy, Bắc Kạn phải viết là "Bắc Kạn" hay "Bắc Cạn"? Theo chúng tôi, Bắc Kạn là từ Hán Việt đã được Tày Nùng hoá thì cũng là địa danh thuộc ngôn ngữ Tày Nùng. Viết "Bắc Kạn" là hợp lý hơn cả.
    Về phương diện tâm lý, nếu viết "Bắc Cạn", chữ "Cạn" dễ gợi tới một nét nghiã khô, kiệt, nghèo. Mà không ai muốn quê mình mang một nét nghĩa không đẹp.
    Như vậy, chúng ta cần lưu ý vấn đề văn hoá và lịch sử để nghiên cứu một địa danh. Chính tả địa danh cần được xác định trên cơ sở ngôn ngữ học và những hiểu biết về văn hoá và lịch sử của địa danh ấy./.

    theo báo điện tử bắc kạn.
    http://www.baobackan.org.vn/

Chia sẻ trang này