1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Tìm hiểu về hội chứng tự kỷ

Chủ đề trong 'Tâm Lý Học' bởi TrungtamNT, 24/06/2006.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. TrungtamNT

    TrungtamNT Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/03/2006
    Bài viết:
    6
    Đã được thích:
    0
    Tìm hiểu về hội chứng tự kỷ

    TÌM HIỂU VỀ HỘI CHỨNG TỰ KỶ

    Trong thời gian gần đây, khái niệm "trẻ tự kỷ" đã được nhắc đến khá nhiều trên một số phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, do không hiểu biết đầy đủ về chứng bệnh này nên không ít người đã nhầm lẫn giữa một số biểu hiện riêng lẻ có vẻ giống tự kỷ (có nét tự kỷ) với hội chứng tự kỷ. Để cung cấp thêm thông tin cho bạn đọc về vấn đề này, phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam đã có cuộc gặp gỡ và phỏng vấn Nhà tâm lý Lâm sàng Nguyễn Minh Đức (NTLLS N.M.Đ).

    PV: Xin ông cho biết tự kỷ là gì?
    NTLLS N.M.Đ: Theo những nguồn tài liệu mới nhất của Hiệp hội Tâm bệnh học Pháp (tháng 6/2005), tự kỷ là một hội chứng rối loạn về tương tác xã hội, giao tiếp và sự nghèo nàn, rập khuôn trong các hành vi ứng xử, trong các mối quan tâm và các hoạt động của thân chủ được biểu hiện một cách ổn định và rõ nét trong đời sống hàng ngày.
    Ở trẻ em, các biểu hiện của hội chứng này rất đa dạng nhưng thường tập trung vào bốn nhóm dấu hiệu chính sau đây:
    - Trẻ thờ ơ, không quan tâm đến người khác, hoặc có những ứng xử rất khác lạ với những người xung quanh.
    - Trẻ không nói hoặc nói rất ít, thường lặp lại các từ hoặc câu. Giọng nói nghe như có âm dội lại.
    - Trẻ không quan tâm đến các đồ vật hoặc chơi với đồ vật một cách rất kỳ lạ (ví dụ: trẻ lặp đi lặp lại các động tác lắc, quay đồ vật,...)
    - Trẻ có những hoạt động lặp đi lặp lại trên các bộ phận cơ thể (ví dụ: trẻ giật tay, quay người, hay làm những động tác rập khuôn...)
    Trong tự kỷ, bốn nhóm dấu hiệu này thường liên kết với nhau thành hội chứng. Nếu chỉ mới quan sát được một số dấu hiệu riêng lẻ thì không thể kết luận là trẻ bị tự kỷ.

    PV: Làm thế nào để chẩn đoán sớm tự kỷ?
    NTLLS N.M.Đ: Đối với các chuyên gia trên thế giới, vấn đề chẩn đoán sớm trẻ tự kỷ vẫn đang là một thách thức cho dù tầm quan trọng của nó ai cũng ý thức rất rõ vì tự kỷ thường biểu hiện rất sớm (trước ba tuổi). Trước hết, cần phải khẳng định rằng những chẩn đoán tự kỷ ở trẻ nhỏ dưới hai tuổi rất khó đảm bảo độ tin cậy. Để đạt được độ chính xác thường là phải đợi đến sau ba tuổi. Do việc chẩn đoán sớm trẻ tự kỷ (trước ba tuổi) gặp nhiều khó khăn, khiến cho những người không chuyên có thể nhầm lẫn, vì :
    - Đó là lứa tuổi đang có những biến động đa dạng trong sự phát triển bình thường của trẻ;
    - Có nhiều quan niệm khác nhau về tiêu chí đánh giá, chẩn đoán trẻ tự kỷ;
    - Nhiều dấu hiệu có vẻ giống tự kỷ ở trẻ trước ba tuổi có thể thay đổi theo hướng tích cực trong những năm tiếp theo, nhất là khi có những can thiệp kịp thời và đúng phương pháp của các nhà trị liệu.
    Vì vậy, để chẩn đoán chính xác về hội chứng tự kỷ cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các chuyên gia được đào tạo rất bài bản trong các lĩnh vực có liên quan đến sự phát triển tâm sinh lý và tâm bệnh lý trẻ em. Thường là các chuyên gia phải dành một thời gian khá dài để thu thập thông tin qua các lần tiếp xúc trực tiếp với trẻ kết hợp với những quan sát tỉ mỉ chi tiết của các bậc cha mẹ. Ở nhiều nước phát triển, các bậc cha mẹ có sáng kiến quay băng vidéo về những biểu hiện bất thường hàng ngày của trẻ để giúp các nhà chuyên môn có đủ cơ sở khoa học phân tích đánh giá và chẩn đoán. Đối chiếu với những yêu cầu chẩn đoán mang tính chuyên nghiệp cao như vậy, rất nhiều trường hợp trẻ bị kết luận tự kỷ một cách cảm tính, theo kiểu dán nhãn chứ không theo một quy trình khoa học nghiêm túc.

    PV : Ông có thể nói gì về nguyên nhân của hội chứng tự kỷ?
    NTLLS N.M.Đ : Nguyên nhân dẫn đến hội chứng tự kỷ hiện vẫn còn là vấn đề đang tranh luận giữa các nhà chuyên môn. Hiện nay, đang có nhiều hướng tiếp cận về nguyên nhân của tự kỷ như di truyền, tổn thương thần kinh, sự lệch lạc trong quan hệ mẹ-con từ những năm đầu của trẻ... Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, tự kỷ có thể do nhiều nguyên nhân đan xen vào nhau. Và có cả những trường hợp tự kỷ gắn với một số bệnh thực thể khiến cho rất khó phân định được đâu là nguyên nhân dẫn đến tự kỷ, đâu là nguyên nhân dẫn đến bệnh thực thể. Do vậy, cũng giống như trong quy trình chẩn đoán trẻ tự kỷ, để tìm kiếm nguyên nhân của hội chứng này cần có sự hợp tác của các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực và cần dựa trên các quan sát lâm sàng cùng với những xét nghiệm y học hiện đại trên từng trường hợp cụ thể.

    PV: Có thể chữa khỏi chứng bệnh tự kỷ hay không?
    NTLLS N.M.Đ : Trước hết, với những thân chủ chỉ có một số dấu hiệu riêng lẻ có vẻ giống tự kỷ (có nét tự kỷ), nếu được phát hiện sớm, thì sự can thiệp kịp thời và tích cực thường đạt hiệu quả cao sau một thời gian nhất định. Còn đối với những trẻ mắc hội chứng tự kỷ thực sự, quy trình can thiệp giúp đỡ thường khó khăn hơn rất nhiều và đòi hỏi sự hợp tác rất kiên trì giữa gia đình và nhà trị liệu. Tuy nhiên, ngay cả trong các trường hợp tự kỷ nặng, sự cố gắng của gia đình và các nhà trị liệu cuối cùng cũng có thể được đền đáp bằng việc giúp cho các thân chủ chung sống tốt hơn với triệu chứng, và có một số khả năng thích nghi trong cuộc sống hàng ngày như khả năng tự phục vụ hoặc làm các công việc giản đơn. Cũng có những thân chủ tự kỷ đem lại sự bất ngờ cho các nhà trị liệu bằng sự phát lộ những tiềm năng thiên bẩm trong một số lĩnh vực như hội họa, âm nhạc, văn học, tin học,? Lịch sử y học cũng đã ghi nhận những nhân chứng sau một thời gian dài bị giam hãm trong hội chứng tự kỷ đã gây kinh ngạc cho mọi người bằng những cuốn hồi ký của mình như Donna Williams, Temple Grandin, Sean Barron? Theo kinh nghiệm của nhiều gia đình có trẻ tự kỷ, câu thành ngữ còn sống còn hy vọng đã trở thành một phương châm ứng xử trước thử thách cam go này.

    PV: Cuối cùng, ông muốn gửi đến các bậc cha mẹ những thông điệp gì?
    NTLLS N.M.Đ: Từ những thân chủ đến Trung tâm chăm sóc trẻ em N-T Nguyễn Khắc Viện ở Trương Định, chúng tôi ghi nhận được những quan sát lâm sàng về những khó khăn không chỉ của chính thân chủ mà cả những khó khăn của nhiều phụ huynh do những lo lắng, hoang mang thái quá về vấn đề của con em. Do vậy, thông điệp đầu tiên chúng tôi muốn gửi đến các bậc cha mẹ là đừng để cho sự lo lắng đó làm suy sụp tinh thần, vì điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của mối quan hệ với con và từ đó có thể làm trầm trọng thêm vấn đề của thân chủ.
    Thông điệp thứ hai là cho dù các dấu hiệu sớm về những bất thường của trẻ có đi về phía hội chứng tự kỷ hay không thì sự quan sát, theo dõi thường xuyên, ghi nhật ký hay ghi lại hình ảnh bằng cách quay vidéo sẽ rất có giá trị giúp các chuyên gia trong việc đánh giá, chẩn đoán mức độ khó khăn của trẻ.
    Thông điệp thứ ba là khi phát hiện ra những dấu hiệu bất thường, cần kịp thời đưa trẻ đến những trung tâm chăm sóc trẻ em hoạt động chuyên nghiệp để có những chẩn đoán và định hướng trị liệu một cách hiệu quả nhất. Đặc biệt là cần chú ý quan sát, phát hiện những dấu hiệu bất thường sau đây:
    - Trẻ chưa có những từ bập bẹ (ba, bà, ạ...) hoặc không biết chỉ tay vào đồ vật cần lấy, hoặc thiếu sự biểu cảm trong giao tiếp với mẹ và những người xung quanh khi trẻ khoảng một tuổi.
    - Trẻ chưa diễn đạt được yêu cầu của mình bằng những từ đơn giản vào khoảng một tuổi rưỡi.
    - Trẻ chưa nói được những câu đơn gồm vài từ ghép lại hoặc không có khả năng bắt chước những câu ngắn của người lớn vào khoảng hai tuổi.
    - Trẻ chưa biết trả lời người khác một cách đơn giản và đúng tình huống giao tiếp ở những độ tuổi sau đó.
    - Trẻ không chịu nói hoặc trước đây đã từng biết nói nhưng tự nhiên không nói nữa.
    - Trẻ nói quá nhiều nhưng không biết trả lời mà chỉ nhắc lại lời của người khác.
    - Trẻ hay nhắc lại lời trong các băng đĩa hoặc các chương trình quảng cáo.
    - Trẻ chưa có khả năng tương tác xã hội ở bất kỳ độ tuổi nào.
    - Trẻ thu mình, ngại tiếp xúc với những người xung quanh.
    - Trẻ thường chơi một mình, không đòi hỏi, không la hét khóc lóc, khiến nhiều người tưởng là con ngoan.

    Kim Dung
    Theo báo Phụ nữ Việt Nam
    Số 67 (2707) ra ngày 05/06/2006

    TextText
    Text​
  2. tviet

    tviet Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    15/05/2004
    Bài viết:
    153
    Đã được thích:
    0
    Ai dà.
    Theo 1 cái thống kê mình đọc được năm 1995 (trong 1 tạp chí cũ, tạp chí UnescoVN thì phải ) thì có khoảng 500 triệu người trên TG mắc các chứng bệnh về tâm thần khác nhau. Suy ra 18 người thì có 1 thằng điên hehe
    Bác có ý kiến gì không

Chia sẻ trang này