1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Tìm Hiểu Về Ngựa

Chủ đề trong 'Công nghệ Sinh học' bởi Milou, 24/05/2002.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Milou

    Milou Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    07/06/2001
    Bài viết:
    7.928
    Đã được thích:
    0
    Tìm Hiểu Về Ngựa

    Năm Ngựa Tìm Hiểu Về Ngựa



    Trần Dzũng Minh Dân



    Ngựa là một trong những gia súc rất thân cận với người gồm các loại như bò, trâu, heo, gà, ngựa v.v... Ngựa, một loại gia súc quý của ngày xưa, được dùng cho những công việc đòi hỏi sức chạy nhanh (thời gian tính), khỏe và một sự chịu đựng bền bĩ. Có lẽ người Việt Nam chúng ta khó có thể quên hình ảnh chiếc xe thổ mộ của thời xa xưa mà nay hầu như chỉ còn thấy qua những bức hình, bức tranh cô đọng hình ảnh của một con ngựa lặng lẽ, nhịp nhàng kéo chiếc xe hai bánh trên con đường với hàng cây dài bóng đổ, một hình ảnh hiền hòa của dân tộc.

    Theo khoa học thì ngựa thuộc họ Equidae (bao gồm cả ngựa vằn và lừa). Họ ngựa có đặc tính là sức khỏe rất bền bỉ, có thể chạy đường trường một cách dễ dàng. Ðã thế nuôi ngựa lại không hao tốn lắm, vì món ăn chính của ngựa lại là cỏ. Ngựa thuộc loại có tinh thần kết đoàn, thích sống chung với nhau và có một trình độ khá thông minh, vì vậy có thể được huấn luyện để làm một số điều theo ý người muốn, chúng cũng có tính quyến luyến với chủ của mình.

    Ngựa hầu như đã gắn liền với nền lịch sử văn minh của con người, và đã là một thành phần quan trọng trong đời sống xã hội của loài người. Ngựa được người ta nuôi cách đây vào khoảng 6000 ngàn năm và đã đóng góp rất nhiều cho con người trong các vấn đề như di chuyển, chuyên chở, đồng áng, chiến tranh và cả trong lãnh vực thể thao. Hiện nay trên thế giới có khoảng 60 triệu con ngựa, kể cả ngựa nuôi lẫn ngựa hoang.

    Giống ngựa xuất phát từ Bắc Mỹ Châu các đây nhiều triệu năm và di chuyển tới Nam Mỹ Châu, Âu Châu, Á Châu qua các giải đất, như các cây cầu, nối liền các châu lại với nhau ở thời băng hàn (ice age). Tuy thế giống ngựa lại bị tuyệt chủng tại Mỹ Châu cách đây 15 ngàn năm cho mãi đến năm 1494 mới được ông Kha Luân Bố dùng tầu chở sang từ Tây Ban Nha trong chuyến đến Tân Thế Giới lần thứ hai của ông.

    Những Ðặc Ðiểm Của Ngựa

    Ngựa có nhiều loại, chúng khác nhau về kích thước, sức nặng, mầu sắc và hình dáng. Thông thường ngựa được đo từ móng chân lên đến chỗ u vai (chỗ cao nhất ở giữa 2 vai của ngựa, gần cổ và vai của ngựa). Trung bình một con ngựa cưỡi cao khoảng 1.4 m tới 1.6 m và nặng khoảng 400 kg tới 500 kg. Loại ngựa tí hon Falabella cao khoảng 48 cm và nặng khoảng 14 kg, trong khi đó loại ngựa khổng lồ Belgian cao 1.8 m và nặng khoảng 1,450 kg.



    Ngựa có bộ lông dài trên mình, có cả bờm cổ và đuôi. Vào mùa thu, bộ lông này được mọc dài ra để giữ cho ngựa được ấm ở mùa đông và rụng vào mùa xuân để được mát mẻ cho tới mùa hè. Lông ngựa có nhiều mầu sắc, có con mầu đen, trắng, xám, nâu, vàng và mầu ngà. Có nhiều con có khoang như thân mầu trắng khoang đen.

    Thân thể ngựa gồm có đầu ngựa, cổ, thân và 4 chân. Ðầu ngựa gồm phần xương sọ che bọc bộ óc, một cái mõm dài với mũi và môi. Vì cái mõm dài này mà người Việt mình có câu "Dài như mặt ngựa" để hình dung những người có khuôn mặt dài. Nhưng chính nhờ cái mõm dài này mà ngựa có thể vừa ăn vừa ngó xung quanh, canh chừng những sự nguy hiểm. Mắt của ngựa thuộc loại mắt to nhất trong các giống vật sống trên bờ, ở ngay hai bên đầu và nhờ vậy nó hầu như có thể ngó được cả phía sau cho dù mặt đang hướng về đàng trước! Ngựa có thể nhận biết được mầu đỏ và mầu xanh dương, nhưng không phân biệt được sự khác biệt giữa mầu xanh lá cây và mầu xám. Mắt ngựa có thể nhìn rất rõ vào ban đêm. Răng ngựa tiếp tục phát triển không ngừng, mặc dù mặt răng ngày càng bị mòn đi. Thường thì ngựa đực có 40 cái răng và ngựa cái có 36 cái. Ngựa có thể đóng kín lỗ mũi để tránh gió bụi, và có thể di động lỗ tai để nghe ngóng từ mọi phía. Nối liền đầu ngựa và thân ngựa là một cái cổ dài có thể di động dễ dàng trong việc cúi xuống đất để ăn cỏ, hoặc ngẩng lên cao để quan sát mọi vật xung quanh. Cũng nhờ cái cổ dài này khiến ngựa có thể cắn những nơi ở thân trước cho đỡ ngứa.

    Thân ngựa có một bộ ngực to rộng để chứa buồng phổi lớn và tim, một cái lưng vạm vỡ đi với một cái bụng ngay bên dưới dùng để chứa những cơ quan tiêu hóa và bộ phận sinh dục. Ðuôi ngựa dài và dùng để đuổi ruồi muỗi.

    Chân ngựa được cấu tạo một cách đặc biệt khiến nó có thể chạy rất nhanh. Ðầu gối của ngựa mà người ta thường gọi hay thấy, thật ra chính là mắt cá chân của con ngựa, có nghĩa từ đầu gối (mà người ta lầm lẫn) xuống tới móng chân ngựa chính là nguyên bàn chân của con ngựa! Phần dưới cùng của bàn chân con ngựa chính là ngón chân giữa được bọc bởi cái móng cong rất cứng. Ðiều này có nghĩa loài ngựa luôn luôn đứng hay chạy bằng đầu ngón chân! Chân của ngựa rất dài khi so với phần người của ngựa, nhưng bốn cái chân này lại rất gọn và nhẹ vì những ngón chân ngựa được cấu tạo rất nhẹ, chỉ có ít xương và gân, không có một cơ thịt nào cả. Giống như bàn chân người, bàn chân ngựa cũng có lòng bàn chân. Lòng bàn chân ngựa có một cái quai hình mẫu tự "V" có tính như cao su dùng để tiếp thụ những chấn động khi bàn chân đụng đất. Những khớp chân ngựa thì giống như những cái bản lề chỉ có thể di chuyển lên trước hay sau mà thôi. Loại khớp này vì vậy cần ít các cơ thịt hơn, không giống như các khớp, thí dụ như khớp xương hông của con người, thuộc loại khớp chỏm (loại khớp có một cục xương tròn như viên bi nằm bên trong) nên có thể di động mọi phương hướng. Vì có những cặp chân nhẹ nên ngựa có thể di động các chi một cách nhanh nhẹ và không cần phải tốn nhiều sức. Ngựa có thể chạy nhanh tới 70 km/giờ.

    Ngựa có một cơ quan hô hấp rất hữu hiệu và nhờ vậy mà khi chạy nhanh nó vẫn thở đều hòa được. Khi đi chậm rãi, ngựa tiêu thụ khoảng 1 lít/phút lượng dưỡng khí (oxygen). Nhưng lúc chạy ở tốc độ nhanh nó tiêu thụ tới 60 lít/phút lượng dưỡng khí. Khi chạy ở tốc độ nhanh, đầu và cổ ngựa lên xuống nhịp nhàng với mỗi sải, cử động này đi nhịp nhàng theo sự dãn nở và bóp vào của buồng phổi và vì vậy mỗi sải là đúng một nhịp thở của ngựa.

    Ngựa chỉ có một bao tử và một cơ quan tiêu hóa rất lớn được gọi là " cecum". Những vi trùng sống trong cecum làm tiêu hóa phần cellulose, là phần cứng ở lớp bọc ngoài của cỏ, và nhờ vậy mà ngựa có thể tiêu hóa được cỏ. Bộ phận cecum này có thể được coi như cái dạ của loài ăn cỏ, một loại bao tử đặc biệt của loài nhai lại như bò. Tuy ngựa không thể hấp thụ nhiều năng lượng từ cỏ như các loài động vật nhai lại, nhưng nó đền bù lại bằng cách tiêu thụ thực phẩm thật nhanh, và vì vậy nó có thể ăn khoẻ hơn con bò cùng cân lượng với nó. Cũng nhờ vậy mà ngựa có thể ăn những cành cây có nhiều chất xơ mà loài bò không thể ăn được.

    Tuổi trưởng thành của ngựa là 1 tuổi rưỡi và ở tuổi đó, chúng có thể sinh sản. Mỗi chu kỳ giao tình của ngựa cái là khoảng 21 ngày. Chu kỳ giao tình bắt đầu vào mùa xuân và ngưng ở mùa đông. Ngựa có thai khoảng 11 tháng. Mỗi lần chỉ sinh được một con, nhưng cũng có vài trường hợp sinh đôi mặc dù rất hiếm. Ngựa đực thường tranh nhau để làm chủ đàn nho nhỏ, trong mỗi đàn thường có khoảng 1 tới 3 con ngựa cái và những con ngựa con. Chúng tranh nhau qua cách kêu ré lên, con nào hơi dài thì con đó thắng, thay vì đỡ phải đánh nhau bằng "tay chân"! Khi một con ngựa đực thắng, làm chủ đàn, và trong đàn con ngựa cái nào đang mang thai của con ngựa đực trước, thường sẽ bị con ngựa đực mới đuổi đánh cho đến khi xẩy thai mới thôi. Có thế, nó mới có thể đi tơ để truyền giống của nó liền. Ngựa đực thường hung hăng do quá nhiều chất testerone tiết ra từ ngọc hành. Ðể kìm chế chúng và nếu không cần gây giống, người ta thường dùng đến phương pháp thiến.

    Ngựa sống theo bầy và chúng có đời sống tôn ti trật tự rõ ràng. Chúng có một tinh thần đồng đội, ràng buộc tự nhiên với những con ngựa khác cùng bầy. Những con ngựa cái dù là ngựa hoang hay người nuôi thường hay cáp cặp với một con ngựa khác nào đó trong bầy, đứng song song với nhau và con này làm dáng, chải chuốt cho con kia qua cách dùng răng cạp, gãi cổ hay lưng cho nhau.

    Vì sống theo đoàn, theo bầy nên chúng có cấp bậc, thứ tự mà thường thấy trong các giống vật sống theo lối hợp bầy. Ðiều này tránh cho chúng không cần thiết phải đánh nhau để giành ăn, giành uống hay lựa bạn giao tình. Ngựa có những dấu hiệu tỏ rõ cho nhau hiểu như khi tai dựng ra phía sau có nghĩa con ngựa đó đang trong tình trạng hung hăng, giận dữ. Một khi tôn ti đã được thiết lập, con dưới hầu như luôn luôn nhường cho con trên. Ngựa hiểu nhau qua dáng điệu của nhau thay vì qua cách kêu hay dùng tiếng động. Và cũng vì vậy mà mắt ngựa cần phải nhìn rõ, hay sống ở những vùng đồng bằng, tránh rừng rậm để có khả năng sinh tồn. Khả năng diễn đạt bằng tiếng của ngựa rất giới hạn khi so sánh với một số các loại động vật khác.

    Lợi dụng khả năng nhận biết, tính tôn ti trật tự và lòng ràng buộc của ngựa mà người ta huấn luyện ngựa một cách khéo léo. Người ta hay chà, chải chuốt cho ngựa vào mùa xuân khi lông ngựa rụng, đây là lúc nó thích nhất. Chính đây là lúc khiến ngựa trở nên thân thiết và quyến luyến với người chải chuốt cho nó và để cho người này đến gần nó một cách tự nhiên. Và khi tự tạo cho mình một vị trí cao trong bầy, người ta điều khiển hay sai khiến những con ngựa một cách dễ dàng mà không cần phải đánh đập để ép buộc chúng nó.

    Lấy Giống Ngựa

    Cho tới nay, con người ta đã gây được khoảng hơn 100 giống ngựa, chúng được phân biệt qua hình dáng, kích thước và tính khí. Có những loại được pha giống để cố tình tạo ra những đặc điểm mà người ta muốn như để đua, để làm việc đồng áng, để chăn cừu hay bò, để kéo xe, để cầy bừa v.v... Có những giống bị pha bởi ngẫu nhiên ở cùng trong vùng, chung đụng nên pha trộn giống với nhau.

    Loài ngựa có thể phân ra làm ba loại: ngựa chạy nhanh, ngựa làm việc và loại ngựa nhỏ. Ngựa chạy nhanh được cấy giống ở miền nam nước Mỹ, trong khi đó loại ngựa làm việc được cấy giống ở miền bắc nước Mỹ. Loại ngựa nhỏ có lẽ được cấy giống từ miền nam nước Mỹ.

    Ngựa chạy nhanh

    Tất cả loại ngựa chạy nhanh đều là giòng giống con cháu của của loài ngựa Arabian. Ngựa chạy nhanh gồm có các loại như:

    Arabian: Ðược cấy giống ở Mesopotamia và Bắc Phi Châu. Có lẽ đây là loại ngựa được nuôi để lấy giống đầu tiên. Loại ngựa này nổi tiếng về nhanh, gọn đẹp, khả ái và thông minh. Mầu thường là mầu hồng với những điểm trắng, mầu xám tro, và mầu nâu. Loại ngựa này cao khoảng 1.4 mét tới 1.5 mét và nặng khoảng 450 kg.





    Thoroughbreds: đây là loại ngựa xuất sắc trong các loại ngựa đua. Loại ngựa này cũng được dùng trong các cuộc đua nhẩy qua các chướng ngại vật và dùng trong các cuộc đi săn. Loại ngựa này được pha giống từ loại Arabian với loại ngựa Thổ Nhĩ Kỳ. Chạy nhanh nhất trong các loại ngựa, nó có thể chạy 70 cây số 1 giờ trong đoạn đường dài 1.6 cây số. Loại này cao khoảng 1.6 mét và nặng khoảng 500 kg. Ðủ loại mầu nhưng thường có những điểm trắng.



    Quarter Horse: Loại này được pha giống ở Mỹ giữa loại Thoroughbreds và loại ngựa Tây Ban Nha. Chúng được dùng để đua những cuộc đua một phần tư (quater) dặm, và cũng vì vậy mà được gọi là Quater Horse. Loại này chạy nhanh hơn cả Thoroughbred trong những khoảng đua ngắn. Cao khoảng 1.5 mét tới 1.6 mét và nặng khoảng 450 kg, ngực rộng nhưng cổ ngắn. Thường là một mầu. Loại ngựa này hay được dùng để chăn nuôi gia súc như bò ở các nông trại, người ta cưỡi chúng để chặn ngang mặt các con vật gia súc đang đi lạc ra khỏi đàn, khiến những con vật này phải đi trở lại vào đàn.



    Morgan Horse: loại ngựa này thuộc giòng dõi con cháu của một con ngựa đực đen tên Justin Morgan ở cuối thế kỷ 18 tại tiểu bang Vermont. Trước đây loại này được dùng để kéo xe nhẹ chở người, sau này được dùng như loại ngựa cưỡi yên và dùng trong các nông trại. Cao khoảng 1.5 mét và nặng khoảng 500 kg. Thường là mầu hồng, hạt dẻ hay mầu đen.



    Stardardbreds: Loại ngựa này được pha giống giữa loại Thoroughbreds với loại Morgan và với những loại ngựa nhanh khác đầu thế kỷ 19. Ðược dùng trong các cuộc đua xe ngựa hai bánh. Vì là con cháu của Thoroughbred nên trông rất giống Thoroughbred trừ cặp chân ngắn hơn. Ðủ loại mầu sắc. Cao khoảng 1.6 mét và nặng khoảng 450 kg.



    American Saddle Horse: pha giống giữa loại Thoroughbred và Morgan. Ðây là loại người mà người ta thường dùng cho các buổi trình diễn vì có cái cổ cao thẳng đứng trông rất quý phái. Mầu thường là mầu hạt dẻ, mầu nâu hay đen; mặt hay chân thường có những khoang trắng. Cao khoảng 1.5 m tới 1.6 m và nặng khoảng 450 kg.



    Appaloosa: Gây giống bởi Nez Percé ở Idaho, Hoa Kỳ, từ một con ngựa Á Châu nổi tiếng ở Âu Châu trong thời kỳ Trung Cổ. Loại ngựa này được khám phá năm 1805 với Nez Percé là chủ. Phần trước của loại ngựa này thường là một mầu nhưng hay có những điểm tròn mầu sậm ở đùi và mông. Nổi tiếng thông minh, nhanh và bền bỉ. Thường được dùng trong các buổi trình diễn. Có khoảng 1.4 m và nặng khoảng 500 kg.



    Ngựa làm việc

    Ngựa làm việc được các chàng hiệp sĩ với áo giáp nặng nề thời Trung Cổ ưu ái dùng để cưỡi khi lâm chiến. Sau này chúng được dùng làm những cộng việc nặng nề của đồng áng như cầy bừa, kéo xe và những công việc nặng nhọc khác. Vào khoảng thế kỷ 19, ngựa làm việc thay thế loài bò ở Bắc Âu và Bắc Mỹ Châu.

    Ngựa làm việc gồm có các loại như:

    Clydesdale: Gây giống ở vùng Scotland. Có dáng đi rất đẹp và nhún nhẩy. Các nhà thương buôn rất thích loại ngựa này dùng để chở hàng. Cao khoảng 1.6 m vànặng khoảng 800 kg. Mầu nâu xậm hay mầu bay. Có những khoang trắng ở mặt hay chân.



    Belgian: thuộc loại một trong những loại ngựa làm việc lớn con nhất. Giòng giống con cháu của loài ngựa Âu Châu, và rất phổ biến thời Trung Cổ. Vào thế kỷ 15 và 16, chúng được xuất cảng từ Belgium qua các nước lân cận ở Âu Châu. Loại này nhìn vạn vỡ và rất khoẻ. Cao khoảng 1.7 m tới 1.8 m và nặng khoảng 900 kg tới 1200 kg.



    Percheron: Gây giống từ miền Tây Bắc Pháp, có chút huyết thống của loài Arabian. Tuy thuộc loại to lớn nhưng chúng cũng rất tốt cho việc dùng để cưỡi. Ðược các chàng kỵ sĩ cưỡi thời Trung Cổ và sau này dùng để kéo hàng. Hiện nay thường được dùng trong các đoàn xiệc. Cao khoảng 1.6 m và nặng khoảng 900 kg. Mầu thường là mầy đen hay mầu xám.



    Shire: Gây giống từ miền trung phần nước Anh. Thường dùng như các chiến mã thời Trung Cổ. Cao khoảng 1.7 m và nặng hơn 900 kg.



    Ngựa nhỏ

    Những loại ngựa thấp hơn 1.45 mét được xếp vào loại ngựa nhỏ, có con cao khoảng 0.65 mét. Hầu hết ngựa nhỏ thuộc giống Celtic. Bù cho thể xác nhỏ nhoi của mình, loại ngựa này có tiếng là thông minh và khôn lanh.

    Shetland Pony: Loại ngựa nhỏ gây giống từ đảo Shetland khoảng 200 dặm về mạn bắc của Scotland. Loại ngựa này giống y hệt như loại ngựa làm việc nhưng nhỏ hơn, và cũng được dùng để làm việc như những giống ngựa to lớn. Loại ngựa này rất hiền nên hay để cho các em nhỏ cưỡi chơi. Cao khoảng 1.17 m, nhiều con chỉ cao khoảng 0.6 m. Ðủ loại mầu, mặc dù thường là mầu tối đậm có những khoảng vá mầu trắng.



    Welsh Pony: Giống ngựa này phát xuất từ Âu Châu ở vùng Saxony thuộc tỉnh Wales, nước Anh. Có những đặc điểm của ngựa Arabian và Thoroughbred. Thường dùng để cưỡi con nít và làm những công việc nhẹ. Khi mắc yên cương để cưỡi, nó có dáng giống như loại Satandardbred lúc chạy nước kiệu. Cao hơn loại Shetland, khoảng 1.2 m. Thường là một mầu xám, trắng hay mầu hạt dẻ.



    Ngựa hoang

    Loại ngựa Przewalski: Ðây là loại ngựa hoang nguyên giống, không bị pha trộn bởi bất cứ loại ngựa nuôi nào cả. Loại ngựa này nhỏ hơn loại ngựa được nuôi. Loại này có một cái đầu to và trán lồi. Mầu cát nhưng lông đen ở đầu và cổ, có lằn đen chạy dài ở lưng và đuôi mầu đen. Trước đây, chúng sống ở phía tây Mông Cổ và phía bắc của tỉnh Xinjiang của Trung Hoa. Hiện nay chúng chỉ còn ở vùng cao nguyên, nửa sa mạc, của rặng núi Altai, phía tây nam Mông Cổ, tuy nhiên cứ đến mùa chúng nó lại di chuyển về vùng sa mạc Gobi. Loại này càng ngày càng bị ít đi vì phải tranh sống với những con vật nhà được nuôi khác. Những con ngựa hoang sống sót đã đi tơ với những giống ngựa nhà được nuôi nhưng trở thành hoang, vì vậy không ai dám chắc là còn nguyên giống ngựa hoang hay không. Loại ngựa này được tìm thấy bởi ông Nikolai Mikhailovich Przhevalsky, một nhà thám hiểm người Nga năm 1870.



    Sự Tiến Hóa Của Loài Ngựa

    Các loài ngựa trong chủng tộc Equid hiện nay gồm có ngựa, ngựa vằn và lừa. Chúng cùng một cha ông sinh sống cách đây 4 triệu năm. Loài ngựa có thể đi tơ với loài lừa và sinh ra con la, nhưng loài la thì không thể sinh sản hay sanh đẻ gì được nữa.

    Sự tiến hóa của họ Equid không phải là không có những chông gai, trắc trở. Những loại ngựa hiện nay chỉ là một phần nhỏ của một họ ngựa rộng lớn và có nhiều loại ngựa của thời xa xưa. Họ ngựa hiện hữu cách đây khoảng 50 triệu năm với loại ngựa tên Hyracotherium, còn được gọi là thủy tổ loài ngựa, hay eohippus. Hyracotherium nặng khoảng 35 kg, cao khoảng 25 cm tới 50 cm và sống ở vùng Bắc Mỹ Châu. Chúng có 4 ngón chân ở hai chân trước và 3 ngón ở hai chân sau. Răng của chúng thuộc loại nhỏ, chỉ để ăn lá cây và hoa quả.

    Cách đây khoảng 20 triệu năm, họ nhà Equid có một sự thay đổi lớn lao bởi sự thay đổi của môi sinh nơi chúng ở, những cánh rừng rập rạp ở Bắc Mỹ Châu đã biến mất để nhường chỗ cho những cánh đồng cỏ bao la bát ngát. Trong thời kỳ này, loài Equid đã phải thay đổi, biến hóa để thích hợp với môi trường mới và đã nẩy sinh ra nhiều chủng loại khác nhau, với những hình dáng khác nhau. Một số cái loài này, như loại Merychippus, nặng khoảng 200 kg, điển hình cho loại ngựa chân một ngón hiện nay với hàm răng to lớn thích hợp cho việc nhai cỏ. Những loại khác như Nannippus, là loại ngựa nhỏ ăn lá và hoa quả cho thấy chúng đủ loài, đủ kích thước. Hầu hết tất cả loài ngựa trong thời kỳ này chân đều có 3 ngón, nhưng có 1 loại, giống ngựa Hipparion, có hai ngón chân cạnh bên không chấm đất. Ðây là loại dẫn đến loại ngựa hiện nay, vì theo thời gian, 2 ngón chân không được dùng đến, càng ngày càng nhỏ đi và cuối cùng thì biến mất. Khi họ Equid tăng trưởng số lượng khác biệt, chúng cũng sống trải dài ra khắp Bắc Mỹ Châu, và qua các dải đất nối liền như cầu, chúng đã sinh sôi đến Âu Châu và Á Châu, trừ Úc Châu.

    Ngựa đã sinh sôi khắp nơi từ Bắc Mỹ Châu, Âu Châu, Á Châu cho tới Phi Châu trong thời kỳ băng hàn. Tuy nhiên khi khí hậu ngày càng trở nên ấp áp, những vùng đồng bằng băng giá trở thành những khu rừng dầy đặt cách đây khoảng 15 ngàn năm, và môi trường sinh sống của loài ngựa bị hủy diệt, biến mất. Hơn thế nữa, ở Bắc Mỹ Châu, loài ngựa còn bị những người da đỏ thời xưa săn diệt nên bị tuyệt chủng. Loài ngựa cũng suýt chút nữa thì bị tuyệt chủng trên thế giới. Thật ra cách đây khoảng 7000 năm, loài ngựa chỉ được thấy trên thế giới ở một vùng thảo nguyên nhỏ bé giữa Ukraine và Trung Á!

    Ngựa có lẽ bắt đầu được nuôi như gia súc trong khoảng kỷ nguyên thứ 3 trước công nguyên bởi dân du mục vùng Trung Á. Ngựa đã được ghi nhận tại Trung Hoa khoảng 2000 năm trước công nguyên, tại Hy Lạp khoảng năm 1700 trước công nguyên, tại Ai Cập khoảng năm 1600 trước công nguyên, tại Ấn Ðộ khoảng năm 1500 trước công nguyên, và được nuôi như gia súc tại Tây Âu khoảng 1000 năm trước công nguyên. Cách đây vào khoảng 6 ngàn năm khi số lượng heo rừng và nai giảm thiểu, những người sống ở Âu Châu, miền bắc Hắc Hải và Bắc Mỹ Châu đã quay ra săn ngựa để ăn. Các nhà khảo cổ không biết được là những con ngựa bị giết để ăn thịt này thuộc loại ngựa hoang hay ngựa được nuôi để lấy thịt. Tuy nhiên một điều rõ ràng là trong thời kỳ ngựa bị ăn thịt thì chúng cũng đã lập tức được dùng để cưỡi. Những con ngựa chết ở thời kỳ này đã được chôn với những vật dụng dùng để cưỡi như cương ngựa. Phân tích răng ngựa cho thấy răng của chúng bị mòn giống như con ngựa bị ngậm một mảnh giây cương trong miệng.

    Nhiều ngàn năm sau đó, loại ngựa đã được tăng trưởng trở lại ở Âu Châu và Á Châu, nhưng được nuôi bởi người. Những bộ lạc nào có nhiều ngựa thì trở nên đông đúc hơn và giầu có hơn, vì ngựa có thể đưa họ đến những vùng thảo nguyên trù phú khác, buôn bán với những nơi xa xôi khác, hay có thể bất thình lình đánh úp những bộ lạc lân cận thiếu khả năng di chuyển.

    Loại ngựa được sử dụng trong chiến tranh có thể thấy từ thời xa xưa cho tới thế kỷ 20. Cách đây 2000 năm trước công nguyên, những cỗ xe chiến mã được kéo bởi cặp ngựa huấn luyện kỹ càng, đã là một vũ khí lợi hại trong những cuộc chiến ở Ai Cập và vùng Tây Á Châu. Những người lái các cỗ chiến mã này phải là những người quý tộc, có những địa vị cao trong xã hội. Vì nuôi ngựa trong thời gian này rất tốn kém, để nuôi một cặp ngựa phải mất đến 4 mẫu tây lúa mạch cho mỗi năm. Ngựa là một thành phần rất quan trọng trong các cuộc chiến tranh hay những cuộc chinh phục ở Âu Châu, Trung Á và Trung Ðông trong một thời gian lâu dài tới hơn 3000 năm. Thời gian đầu, ngựa được cưỡi không yên hay đệm vải. Yên ngựa và chỗ để chân có lẽ được phát minh và dùng đầu tiên ở Trung Hoa trong thế kỷ 1 rồi từ đó mới lan dần qua các nước Ả Rập và tới Âu Châu trong thời Trung Cổ. Các đoàn kỵ binh Ai Cập đã từng chinh phục Trung Ðông và Bắc Phi Châu ở thế kỷ thứ 7, và cũng trong thời kỳ này các chàng hiệp sĩ mặc áo giáp sắt cưỡi ngựa giao chiến ở Âu Châu. Chúng ta cũng không thể quên với tài cưỡi ngựa thuần thục là một trong những yếu tố chính, khiến Mông Cổ đã chinh phục toàn cõi Trung Hoa và tới tận Ðông Âu ở thế kỷ 13. Thời Trung Cổ, khoảng từ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ 15 sau công nguyên, và ngay cả ngày nay, ngựa đã đóng một vai trò quan trọng trong việc trao đổi thương mại, thám hiểm những vùng đất mới và dùng trong các công việc cầy cấy, đồng áng.

    Huấn luyện ngựa là cả một nghệ thuật. Việc huấn luyện bắt đầu khi ngựa còn nhỏ, cho nó tiếp xúc với con người khiến nó trở nên dạn dĩ hơn, sau đó là dậy nó bằng sợi dây. Thí dụ như ngựa bị cột dây vào đầu và cho chạy vòng vòng theo hình tròn cùng lúc dậy nó nghe những hiệu lệnh như ngừng, đi, chạy v.v... Yên ngựa và người ngồi lên cưỡi được dậy một cách từ từ cho ngựa quen dần đi. Một thời gian sau đó, người ta dậy ngựa qua cách dùng chân hay tay của mình để điều khiển ngựa theo ý của mình như dùng chân thúc vào bụng để khiến ngựa đi ngang, kéo dây cương ngược lại đằng sau để ra hiệu cho ngựa dừng lại, giật phía phải để quẹo phải; phía trái để quẹo trái v.v... Nói chung người ta dậy ngựa qua cách gây khó chịu cho ngựa cho tới khi nó nghe lời, thí dụ như việc thúc vào bụng sẽ gây sự đau đớn khó chịu cho ngựa và chỉ khi nào nó nghe lời đi ngang thì người ta mới thôi thúc chân vào bụng nó; hoặc ép chặt hai chân vào bụng ngựa và chỉ ngưng không ép nữa khi mà nó đi thẳng tới v.v... Ngựa có một trí nhớ rất tốt và tính quyến luyến, tuy nhiên gần gũi với ai đó cũng còn tùy thuộc vào tính khí của ngựa. Một con ngựa có tính sợ hãi hay hung dữ thường rất khó dậy.

    Số lượng thực phẩm ngựa ăn hàng ngày còn tuỳ thuộc vào sự làm việc của nó. Con ngựa nào làm việc nhẹ hoặc không phải làm việc thì những cánh đồng cỏ cũng đủ nuôi chúng hàng ngày, và không cần phải thêm loại thực phẩm đặc biệt nào khác. Tuy nhiên ngựa nào cũng cần phải có nước uống và một số lượng muối khoáng mỗi ngày. Ở những vùng ôn đới, người ta dưỡng cỏ để mọc ở mùa thu, ngựa có thể ăn cỏ này ở ngoài đồng trong mùa đông mà không cần người ta phải cất chứa những bó cỏ khô lớn cho chúng. Một con ngựa nặng khoảng 500 kg sẽ cần số lượng cỏ ăn hàng ngày khoảng 7 kg. Tuy nhiên loại ngựa làm việc nặng nhọc hàng ngày cần ăn nhiều thêm ngũ cốc để giữ sức khỏe và cân lượng. Thời tiết cũng ảnh hưởng đến vấn đề dinh dưỡng ngựa. Con ngựa nào được ở trong chuồng ấm hay được phủ chăn khi ở ngoài trời thì ăn ít hơn là những con ngựa ở ngoài trời lạnh.

    Ngoài ra ngựa cũng cần phải được chích ngừa bệnh hàng năm như bệnh dại, bệnh cúm, bệnh sốt Potomac ... và phải cho uống thuốc trừ giun sán mỗi hai tháng một lần. Con ngựa nào làm việc nặng nhọc hoặc hay phải chạy trên những mặt đường cứng phải được đóng móng sắt ở ngón chân, và thường thì phải thay trong khoảng từ 6 tới 8 tuần.

    Chà lông ngựa hàng tuần không những giúp cho ngựa và người gần gũi, thân thiết nhau hơn mà còn giữ cho ngựa được mạnh khoẻ qua việc chải sạch những đất cát bám dưới những dây cột trên mình ngựa khiến có thể làm da ngựa bị lở loét. Chân ngựa cũng phải được xem xét thường xuyên để móc bỏ những cục đá nhỏ lọt dính ở chân và có thể khiến ngựa bị đau. ö



    Trần Dzũng Minh Dân


    <:3)~~ <:3)~~ <:3)~~

Chia sẻ trang này