1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

* TIN TỨC ÂM NHẠC ! Mới ! *

Chủ đề trong 'Âm nhạc' bởi Viet_Hoa_new, 14/11/2002.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Viet_Hoa_new

    Viet_Hoa_new Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    27/09/2001
    Bài viết:
    742
    Đã được thích:
    0
    Nguyễn Hồng Ân: ?~Ca hát luôn là ước mơ của tôi?T

    Chàng trai trẻ này hiện vừa trình diễn thời trang, vừa làm công tác quản lý ở câu lạc bộ người mẫu Nhà hát Bến Thành. Ngoài ngoại hình rất "chuẩn", anh còn thu hút công chúng bằng giọng hát ấm và truyền cảm.
    - Lý do nào khiến anh quyết định "tấn công" sang lĩnh vực ca nhạc?
    - Đơn giản là vì tôi mê ca hát hơn. Trong suốt thời gian làm người mẫu, tôi vẫn chưa lúc nào quên niềm đam mê âm nhạc của mình.
    - Anh thấy chất giọng của mình phù hợp với thể loại nhạc nào?
    - Về khả năng chuyên môn, tôi không dám khẳng định, điều này có lẽ phải nhờ các thầy và các anh chị đi trước nhận xét. Tuy nhiên, theo cảm nhận riêng, tôi thấy thoải mái và tự tin khi thể hiện những ca khúc trữ tình có âm hưởng nhẹ nhàng.
    - Một kỷ niệm khó quên nhất của anh từ khi vào nghề hát đến nay?
    - Đó là một kỷ niệm vui khi tôi tham gia chương trình Thay lời muốn nói của Đài truyền hình HTV7. Hôm đó, tôi chọn ca khúc Thầy cô vẫn hát của nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung, nhưng trang phục diễn của tôi lại quá thời trang, không hợp chút nào với bài hát. Đó là bài học đáng nhớ về sự lựa chọn trang phục.
    - Anh có kế hoạch gì về album hay liveshow riêng trong thời gian tới?
    - Nói đến những việc đó vào lúc này dường như còn quá sớm, hơi xa với thực tế và có vẻ quá sức với tôi. Điều quan trọng nhất đối với tôi lúc này là phải tự hoàn thiện khả năng và tạo được ấn tượng tốt trong lòng khán giả.
    (Theo Văn Hóa)

    Viet Hoa

  2. Viet_Hoa_new

    Viet_Hoa_new Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    27/09/2001
    Bài viết:
    742
    Đã được thích:
    0
    Tam ca Áo Trắng muốn nói lời chia tay?

    Đã lâu 3 cô gái dễ thương này vắng bóng cả trên thị trường băng đĩa lẫn sân khấu biểu diễn. Nguyên nhân là cô chị Tuyết Ngân đang du học tại Mỹ, còn cô em Minh Tú sinh con đầu lòng. Dưới đây là cuộc trò chuyện với bà mẹ trẻ.
    - Lần xuất hiện gần nhất của Tam ca Áo Trắng trên sân khấu là khi nào?
    - Đó là chương trình Nhịp cầu âm nhạc của Đài Truyền hình TP HCM từ trước Tết năm ngoái.
    - Vậy là đã gần một năm rồi. Phải chăng các bạn muốn từ giã sàn diễn?
    - Chưa đâu. Thực sự thời gian vừa qua, Minh Tú lập gia đình rồi có em bé nên tạm phải nghỉ một thời gian. Tháng 1 tới đây, Minh Thư sẽ làm đám cưới. Còn chị Ngân đã sang Mỹ theo học một lớp trang điểm, thiết kế quần áo được hơn nửa năm rồi. Tháng 1 này, Ngân cũng sẽ trở về. Đến lúc ấy Tam ca Áo Trắng dự định sẽ trở lại với sân khấu ca nhạc.
    - Cả 3 chị em đã tốt nghiệp Đại học Kinh tế ngay khi đang đi hát, giờ đây Ngân lại đi học thêm một nghề nữa. Như vậy Áo Trắng đã chuẩn bị rất kỹ cho sự nghiệp phía sau ca hát?
    - Vâng, cả ba đều muốn có công việc ổn định bên ngoài chuyện ca hát. Đi hát mãi cũng phải dừng lại, giờ đây chị em đều đã lớn, phải tự lo cho cuộc sống riêng. Chị Ngân sẽ làm công việc gì đó liên quan đến nghề đang học. Thư lo cho công ty của ông xã còn Tú hiện cũng bận rất nhiều việc.
    - Có ý kiến cho rằng nếu Áo Trắng không thay đổi phong cách thì chắc chắn sẽ tan rã khi các thành viên... hết thời áo trắng?
    - Tam ca Áo Trắng chỉ thay đổi trong giới hạn khả năng của mình chứ không muốn thay đổi cho lạ. Ngay từ đầu nhóm đã chọn phong cách giản dị, không thiên về hình thể hay trang phục, không chạy theo thị trường. Vừa qua, nhóm tạm nghỉ một thời gian vì nhiều lý do khách quan, nhưng cũng là khoảng dừng cần thiết của nhóm để chọn lọc lại những gì phù hợp mà vẫn giữ được phong cách riêng của nhóm.
    - Hiện nay có không ít nhóm hát nữ được thành lập muốn xây dựng lại hình ảnh của Tam ca Áo Trắng ngày trước. Các bạn có quan tâm theo dõi họ không?
    - Nhiều nhóm ra đời có phong cách học sinh, áo trắng rất dễ thương. Nhưng dạo này, nhiều người chạy theo thị hiếu, thay đổi nhiều phong cách khác lạ từ ăn mặc đến trình diễn. Tất nhiên mỗi người một ý thích, cái mới lạ cũng hay nhưng quan trọng là phải có cái riêng. Cứ chạy hoài theo cái lạ thì biết bao giờ mới đủ, và như thế thì bao giờ mới tạo được cái riêng?
    - Nhóm có dự định gì cho lần gặp lại khán giả sắp tới?
    - Hiện giờ thì chưa thể nói được. Chúng tôi đang suy nghĩ về bài hát và phong cách thể hiện.
    (Theo Thể Thao - Văn Hóa)


    Viet Hoa

  3. Viet_Hoa_new

    Viet_Hoa_new Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    27/09/2001
    Bài viết:
    742
    Đã được thích:
    0
    Lan Anh: 'Tôi muốn thế giới thấy bản lĩnh của nghệ sĩ VN'
    Cô ca sĩ nhỏ bé này nằm trong 4 solist thể hiện chương IV của bản giao hưởng số 9 nổi tiếng của Beethoven, tại chương trình hòa nhạc kỷ niệm 175 năm ngày mất của nhà soạn nhạc, do đại học Gakusen (Nhật Bản) tổ chức. Dưới đây là tâm sự của cô sau khi trở về từ đất nước hoa anh đào.
    - Được thể hiện solist giọng soprano kiệt tác của Beethoven là mơ ước của bất kỳ nghệ sĩ nào. Làm sao Lan Anh có được vinh dự này?
    - 1997: Giải nhì cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội.
    - 1999: Giải Người thể hiện hay nhất bài hát về người lính và đấu tranh Cách mạng trong cuộc thi Tiếng hát Truyền hình toàn quốc lần 2.
    - 2001: Giải nhất cuộc thi Hát thích phòng, nhạc kịch toàn quốc lần thứ II.
    - Có nhiều ứng viên dự thi nhưng ban giám khảo chỉ chọn ra 4 giọng đáp ứng yêu cầu. Tất cả đều phải trải qua nhiều vòng tuyển chọn chuyên môn rất khắt khe. May mắn là tôi nằm trong số đó với giọng soprano, ba giọng còn lại là anto của Hàn Quốc, tenor của Nhật Bản và bariton của Trung Quốc. Đây là một chương trình hòa nhạc lớn nhất năm 2002, có hơn 100 nhạc công và 100 ca sĩ hát hợp xướng thuộc 6 quốc gia: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, Hungaria và Việt Nam.
    - Nhạc sĩ và nhà bác học người Nga Tenéev cho rằng: ?oNếu có người hành tinh khác đến trái đất và muốn có khái niệm về loài người trong thời gian ngắn nhất, hãy nghe bản giao hưởng số 9 của Beethoven?. Vậy thời gian tập luyện 1 tuần có đủ để các nghệ sĩ trẻ hoàn thành sứ mệnh không?
    - Thực ra, mỗi thành viên đã được chuẩn bị rất kỹ trong khoảng thời gian dài trước đó. Đây chỉ là lúc tất cả tập trung lại cùng chạy toàn bộ tác phẩm. Điều tôi ấn tượng nhất là các nghệ sĩ tham gia có tác phong làm việc công nghiệp và hầu như không mắc một lỗi nào dù nhỏ nhất. Cho nên, chỉ một lần chạy chương trình là có thể công diễn ngay. Phần solist của mình có yêu cầu rất cao, kỹ thuật khó, tốc độ quá nhanh lại toàn âm cao, hơn nữa lại phải thể hiện chính xác bằng tiếng Đức. Mình phải dành rất nhiều thời gian để luyện tập, phần vì muốn thể hiện mình, phần vì muốn cho bạn bè quốc tế thấy được trình độ của các nghệ sĩ Việt Nam.
    - Lan Anh có nhận xét gì về chương trình này?
    - Lúc đầu, ban tổ chức dự định chỉ có 2 buổi công diễn, nhưng sau sự thành công của buổi đầu tiên, ban tổ chức quyết định thêm một show nữa. Ba chương trình diễn ra tại 3 nhà hát lớn nhất thuộc 3 địa phương khác nhau và đều để lại ấn tượng với công chúng.
    - Lan Anh có kỷ niệm gì đáng nhớ sau chuyến lưu diễn?
    - Đó là sự ngạc nhiên trong mắt của mọi người khi thấy tôi trên sân khấu. Có không ít câu hỏi liệu cô ca sĩ solist người Việt Nam bé xíu có đủ sức hoàn thành giọng khó nhất hay không. Tôi rất xúc động và đã gửi gắm tất cả vào trong phần biếu diễn của mình.
    (Theo Thể Thao & Văn hóa)


    Viet Hoa

  4. Viet_Hoa_new

    Viet_Hoa_new Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    27/09/2001
    Bài viết:
    742
    Đã được thích:
    0
    Niels Lan Doky sẽ đưa Thanh Lam đi chinh phục châu Âu

    "Rất tuyệt vời và đầy cảm hứng. Tôi đã chơi nhạc ở nhiều sân khấu nổi tiếng, nhưng đêm nhạc hôm 27/11 có ý nghĩa đặc biệt bởi tôi được biểu diễn trước khán giả quê cha và cộng tác cùng Thanh Lam. Giọng hát có lửa của Lam khiến tôi thực sự ngỡ ngàng", Niels Lan Doky cảm động nói với VnExpress về show diễn của anh trong LH nhạc jazz châu Âu.
    Niels Lan Doky:
    - Sinh năm 1963 tại Đan Mạch. Cha là người Việt Nam, hành nghề bác sĩ, đồng thời cũng là một nghệ sĩ guitar. Ông sang Pháp từ năm 12 tuổi và gặp mẹ Lan Doky tại đây. Mẹ anh là ca sĩ nhạc pop khá nổi tiếng tại Đan Mạch.
    - Có vợ và 2 con sinh đôi, một trai một gái.
    Giải thưởng:
    - 1983: Giải thành tựu sự nghiệp Boston cho những cống hiến về jazz; Bậc thầy về jazz trong khuôn khổ giải Oscar Peterson
    - 1999: Giải Buổi hòa nhạc hay nhất năm ở Fermaten.
    - 1997: Giải nghệ sĩ dương cầm của năm trong khuôn khổ giải Arets Bob.
    - Tại sao đến bây giờ, anh mới quyết định trở về VN biểu diễn?
    - Năm 1998, tôi ký hợp đồng ghi âm với hãng Universal và họ gợi ý tôi nên về quê hương tìm hiểu âm nhạc truyền thống, tạo nguồn cảm hứng mới. Nhưng lúc đó, tôi chẳng quen biết một nghệ sĩ nào ở VN nên đó chỉ là dự định. Cơ duyên đã đưa Thắng - em trai Thanh Lam - đến gặp tôi và tôi chớp ngay cơ hội. Tôi nhờ anh Thắng giới thiệu một ca sĩ có giọng hát đặc biệt. Thắng không ngần ngại gửi tôi nghe thử đĩa nhạc của Lam. Tôi bị giọng hát ấy mê hoặc ngay từ những ca từ đầu tiên. Kể từ đó, chúng tôi thường xuyên liên lạc và hợp tác.
    - Kết quả của những lần hợp tác đó là gì?
    - Đó là CD Biển cười. Trong đĩa nhạc này, Quốc Trung, Thanh Lam và tôi cover lại một số ca khúc Việt Nam, trong đó có Một thoáng Tây Hồ của nhạc sĩ Phó Đức Phương, ngoài ra còn hợp tác với các nghệ sĩ và dàn nhạc giao hưởng Trung Quốc. Đặc biệt, chúng tôi phối âm lại tác phẩm nổi tiếng Against all Odds của Phil Collins với tiếng đàn bầu, đàn tranh và đàn nguyệt. Tôi có gửi CD này đến Phil Collins và ông ấy tỏ ra hài lòng với sự sáng tạo đó.
    - Vậy, anh có định tiếp tục hợp tác với Thanh Lam và Quốc Trung?
    - Tất nhiên là có. Lam từng hợp tác cùng tôi trong tour diễn vòng quanh Đan Mạch. Vấp phải rào cản ngôn ngữ, nhưng khán giả châu Âu rất hâm mộ chất giọng lạ và sang của Lam. Sau tour diễn này, tôi đã vinh dự được nhận giải thưởng của Hoàng tử Đan Mạch Henrik. Trong tương lai gần, tôi sẽ thực hiện thêm một album nữa cùng Thanh Lam với cái đích hướng tới là thị trường châu Âu. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải tìm được một hãng ghi âm đỡ đầu. Tên tuổi Thanh Lam không được biết tới ở châu Âu nên cũng khó tìm nhà tài trợ.

    - Trong sự nghiệp của mình, anh hài lòng về điều gì?
    - Tôi tự hào vì đã phát hành 21 album ở nhiều nước như Nhật Bản, Pháp, Italy, Đan Mạch, Mỹ... và được công chúng đón nhận. Thêm nữa, tôi đã thoả mãn ước nguyện của cha là trở về quê hương biểu diễn. Ông đã dạy những bài học vỡ lòng về guitar khi tôi 7 tuổi, nhưng đến năm 11 tuổi, tôi bị một bản jazz với tiếng đàn piano ám ảnh, nên chuyển sang học dương cầm. 15 tuổi, tôi bước vào con đường âm nhạc chuyên nghiệp khi chơi cùng những nhạc sĩ jazz nổi tiếng của Mỹ. Năm 17 tuổi, tôi gói ghém hành trang đến New York - cái rốn âm nhạc của thế giới. Có rất nhiều bạn bè ở Đại học Berklee đã bỏ dở giữa chừng vì không chịu nổi cuộc sống đắt đỏ ở Mỹ. Nhưng tôi thừa hưởng ở cha tính kiên nhẫn và khả năng chịu đựng nên đã trụ lại.
    - Chris Minh Doky ?" em trai anh cũng là một nhạc sĩ tên tuổi. Vậy hai người có thường xuyên phối hợp biểu diễn?
    - Năm 1996-1997, chúng tôi cùng ghi âm hai album, nhưng thật khó tìm được sự tương đồng vì phong cách khác biệt. Có lẽ hai người nên đánh giá nhau như một khán giả trung thành thì hơn là hợp tác.
    - Ở VN, đĩa nhạc jazz tiêu thụ khó khăn hơn nhạc pop. Vậy chỗ đứng của jazz ở Đan Mạch như thế nào?
    - Đó là tình trạng chung. Có những nước, chính phủ phải đứng ra tài trợ cho dòng nhạc bác học, nhưng có lẽ đó không phải là một kế sách hay, vì nó làm giảm sự sáng tạo ở nhạc sĩ. Thử nhìn Picasso, Matisse, Mozart... nếu không phải đối mặt với sự nghèo khổ, phải lo chuyện cơm áo gạo tiền, thì có lẽ họ đã không có nhiều kiệt tác để đời như vậy. Bản thân tôi luôn cố gắng tìm kiếm hướng đi mới, nhằm giữ một số lượng khán giả nhất định. Tôi luôn liên hệ với khán giả qua các kênh thông tin khác nhau để khám phá xem họ cần gì. Với sự phát triểm của nhiều loại hình nghệ thuật hiện nay, công chúng rất cần những đêm nhạc có chất lượng, ngẫu hứng, đầy cảm xúc, và có chiều sâu.
    - Lần đầu trở về quê hương, anh nhận xét gì về con người VN?
    - Rất thân thiện, biết cách hưởng thụ cuộc sống, văn hoá ẩm thực của VN thật tuyệt vời. Bên cạnh đó, con người VN có khả năng chịu đựng cao và rất kiên nhẫn, không hối hả như phương Tây. Điều này giải thích tại sao giai điệu VN mê hoặc lòng người. Các bạn sáng tác ngẫu hứng và truyền cảm, trong khi nhạc sĩ phương Tây đưa tác phong công nghiệp vào âm nhạc. Tôi thích ca từ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Dương Thụ, nó mang nỗi buồn man mác, có đôi chút hoài niệm và đầy trừu tượng, lung linh. Sự trừu tượng ấy gợi cho người nghe nhiều cảm xúc khác nhau, rất phiêu diêu và nên thơ.
    (VnExpress)


    Viet Hoa

  5. Viet_Hoa_new

    Viet_Hoa_new Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    27/09/2001
    Bài viết:
    742
    Đã được thích:
    0
    Nguyễn Phi Hùng và "bà bầu" nói về liveshow mới
    Ngày 30/11 và 1/12 tại sân vận động Lan Anh, "hạt nhân" của trung tâm Tài Năng Mới sẽ có một đêm diễn công phu. Dưới đây là cuộc trò chuyện với anh và bà Thuỷ Nguyễn, Giám đốc Trung tâm, về chương trình này.
    Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng:
    - Anh sẽ hát bao nhiêu bài trong đêm diễn này?
    - Hùng sẽ hát khoảng 20 ca khúc, có cả bài mới và bài gắn với tên tuổi của Hùng.
    - Hùng có dám khẳng định hát thật 100%?
    - Chuyện này Hùng đã bàn với Trung tâm, mọi người đang tìm cách để Hùng hát nhiều mà không mất sức quá, ví dụ như gài một bài hát sôi động cạnh bài trầm lắng. Hùng không dám hát lipsync nhiều vì sợ chính trục trặc từ khâu đĩa sẽ làm hỏng chương trình. Không dám hứa nhưng Hùng sẽ cố gắng hát hết mình. Và chắc chắn khán giả sẽ thoả mãn cả phần xem và nghe.
    - Hùng có chiêu gì mới trong phục trang?
    - Tất cả những cái đó ban cố vấn đã lo hết rồi, Hùng chỉ tập trung hát cho thật tốt thôi. Khách mời cũng có, đó là ca sĩ mới Văn Thanh Tùng, người vừa được trung tâm ký hợp đồng, còn Hùng kiêm luôn vai MC để giao lưu với khán giả cho thân mật.
    - Cùng thời điểm này, Mỹ Tâm cũng có liveshow dành cho sinh viên, Hùng có sợ Mỹ Tâm sẽ "vơ" hết khán giả, ít nhất ở phần vé phát miễn phí?
    - Chương trình của Hùng không có tài trợ nên không thể tặng thật nhiều vé như chương trình của Mỹ Tâm. Nói là không lo lắng thì cũng không đúng, nhưng Hùng tin là mình có khán giả riêng!
    Thuỷ Nguyễn, Giám đốc Trung tâm Tài Năng Mới:
    - Chị từng nói liveshow của Phi Hùng năm ngoái là liveshow cuối cùng của chị dành cho ca sĩ này?
    - Thực ra với tôi, liveshow của Hùng năm ngoái không được vừa ý lắm, khán giả của Hùng cũng ít hơn bây giờ. Tôi chỉ dám bỏ 149 triệu đồng tổ chức một liveshow đơn giản để Hùng được hát và chia sẻ tình cảm với khán giả, không ngờ lại ăn quá, thành ra tôi mới mạnh dạn tổ chức cho Hùng show tiếp theo này. Sân khấu Lan Anh lại là sân vận động nên chi phí khá tốn kém, đã lên đến 600 triệu đồng rồi.
    - Chị có tự tin sẽ "thắng" cuộc này?
    - Tôi đã nhìn trước chuyện lỗ rồi, khoảng 130 triệu đồng là thấp nhất. Vé bán đến thời điểm này cũng được 4.500 vé, tạm yên tâm. Chủ yếu chương trình làm để quay video là chính. Tôi muốn khán giả có một món quà thật ý nghĩa không chỉ ở sân khấu mà cả khi xem VCD.
    - Mọi người bảo chị "bạo tay" như vậy không hẳn chỉ vì công việc?
    - Tôi cũng nghe quá nhiều lời đồn thổi như vậy, lúc đầu tôi và Hùng cũng buồn lắm nhưng phải vượt qua biết sao được. Tôi khuyên Hùng: "Em cứ nghĩ kỹ đi, đường hoàng thì không ai chê trách được". Lần đầu Hùng xuất hiện trong làng ca nhạc, vì là diễn viên múa, nên bị báo chí đánh te tua, Hùng đọc hết những nhận xét đó và nói rất nghiêm túc: "Em yếu thật chị ạ!" Chính câu đó làm tôi quý Hùng và động viên cậu phải cố gắng hơn nữa. Tôi luôn coi Hùng như một người em rất ngoan. Với lại, tôi làm kinh doanh, nếu Hùng không kiếm lời cho Trung tâm thì trước sau tôi cũng phải cắt hợp đồng với Hùng. Những lời đồn có làm cuộc sống riêng tư bị xáo trộn, tôi còn có gia đình nữa mà, nhưng cũng may là mọi người đều hiểu...
    (Theo Tiền Phong)

    Viet Hoa

  6. Viet_Hoa_new

    Viet_Hoa_new Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    27/09/2001
    Bài viết:
    742
    Đã được thích:
    0
    Nhạc sĩ Phú Quang trở lại với khán giả Hà Nội


    Vào hai ngày 14-15/12, tại Nhà hát Lớn (Hà Nội), nhạc sĩ Phú Quang sẽ ''về lại phố xưa'' bằng chương trình ca nhạc đặc biệt với tên gọi ''Khát vọng''.
    Tham gia chương trình sẽ có sự góp mặt của các ca sĩ NSƯT Quang Lý, Hồng Nhung, Trần Thu Hà, Ngọc Anh, Trọng Tấn, Thuỳ Dung, Sao Mai; Solo Violoncello: NSƯT Ngô Hoàng Quân; Solo Flute: NSƯT Nguyễn Thị Nhung... Đặc biệt có sự tham gia của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam và Dàn nhạc nhẹ MS. Chỉ đạo nghệ thuật: Nhạc sĩ Phú Quang; Chỉ huy dàn nhạc: Nhạc sĩ Phú Quang, S.Graham; Âm thanh, ánh sáng: Phùng Quốc Trung. Chủ nhiệm chương trình: Trung Kiên
    Ngoài những ca khúc quen thuộc như Em ơi Hà Nội phố, Đâu phải bởi mùa thu, Nỗi nhớ mùa đông, Hà Nội ngày trở về, Mơ về nơi xa lắm... ''Khát vọng'' sẽ mang đến cho khán giả một số ca khúc mới sáng tác như: Dương Cầm lạnh, Có một ngày, Dòng sông không trở lại, Ngày mai, Ngọn nến, Tình yêu của biển...
    Theo nhạc sĩ Phú Quang, ''Khát vọng'' là một chương trình đặc biệt đánh dấu 37 nZm gắn bó với nghề, khoảng thời gian đủ để anh nhìn nhận về chặng đường thZng trầm đã qua với bao nỗi niềm buồn vui. Giá vé: 300, 200 và 100 nghìn đồng.
    (VASC)


    Viet Hoa

  7. trantrunghai80

    trantrunghai80 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    08/01/2002
    Bài viết:
    2.037
    Đã được thích:
    0
    Bạn bè tưởng niệm George Harrison

    Một fan hâm mộ The Beatles.
    Hôm qua, hai thành viên còn lại của Tứ quái là Paul McCartney và Ringo Starr đã cùng tổ chức đêm nhạc tưởng nhớ thành viên trầm lặng nhất nhóm tại Hội trường Royal Abert, một năm sau khi người bạn của họ qua đời vì căn bệnh ung thư. Cùng thời điểm này, nhiều fan hâm mộ trên toàn thế giới cũng dành một phút mặc niệm.
    Có tới 5.000 khán giả đã tới dự buổi hoà nhạc với sự tham gia của một loạt tên tuổi nổi tiếng, từng là bạn bè thân thiết với George. Tiết mục đầu tiên do Ravi Shankar, người thầy về đàn sitar đáng kính của Harrison thể hiện. Ông làm mọi người xúc động đến rơi nước mắt khi tâm sự: ?oTôi có cảm giác rằng George cũng đang ở đây. Sao lại không chứ khi tất cả chúng ta, những người yêu mến anh đang tụ họp lại và hát tặng anh?.

    Fan ở Hollywood tưởng nhớ George Harrison.
    Eric Clapton, đạo diễn âm nhạc của chương trình hâm nóng bầu không khí khi giới thiệu những bản hit của Beatles với sự trình diễn của Joe ****er, Dhani Harrison, Tom Petty và Heartbreakers. Sự cuồng nhiệt của khán giả lên đến đỉnh điểm khi Paul McCartney song ca với Ringo Starr ca khúc I Love You và tâm sự: ?oTất cả chúng ta sẽ ngày càng già đi còn George thì trẻ trung mãi mãi?.
    Đây là một đêm nhạc đặc biệt nên chẳng ai muốn bỏ lỡ cơ hội tham dự. Vé bán được tiêu thụ hết sạch chỉ trong một giờ đồng hồ. Hàng trăm người không có vé vẫn nuối tiếc đứng ở phía ngoài, mong ngóng được biết đến những sự kiện phía trong đêm nhạc. Có những người đã phải mua lại vé với giá 700 USD trong khi giá ban đầu là 150 USD.
    Nhiều diễn viên, ngôi sao tên tuổi hàng ngày được vinh dự đứng dưới ánh đèn sân khấu cũng chấp nhận ngồi ở khán đài tham dự buổi lễ này. Đó là đạo diễn Tim Burton, diễn viên Helena Bonham Carter, Annie Lennox và Bob Geldof...
    Tuy nhiên, hầu hết giới báo chí không được mời tham dự bởi sinh thời, George vốn không thích sự "chăm sóc" của các phương tiện thông tin đại chúng.

    iloveyou, when the children cry.
    MU _ my girlfriend_my friends
  8. trantrunghai80

    trantrunghai80 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    08/01/2002
    Bài viết:
    2.037
    Đã được thích:
    0
    Nét độc đáo của dân ca Nghệ Tĩnh

    Người dân Việt Nam dù ở bất kỳ nơi đâu cũng luôn tự hào về nền văn hoá dân gian đặc sắc, đặc biệt là những câu dân ca thắm đượm nghĩa tình. Dân ca được truyền miệng từ đời này qua đời khác, từ miền này qua miền khác, giao lưu trong dân gian. Được đúc kết từ những lời ăn tiếng nói mộc mạc, từ cái hay, cái đẹp, cái tinh tuý trong nhân dân lao động nơi ruộng đồng, sông nước. Các làn điệu dân ca được coi như những nét văn hoá đặc trưng của từng vùng, miền và mỗi khi nhắc tới một vùng nào đó thì tất cả mọi người dân Việt Nam đều biết về làn điệu dân ca độc đáo của miền quê ấy.
    Những câu dân ca ví, dặm đã gắn bó thân thiết với mỗi người dân Nghệ Tĩnh. Ngay từ khi còn thơ ấu, các em được nghe câu dân ca ru hời của bà, của mẹ, rồi trước mảnh sân nhà, các em truyền cho nhau những trò chơi dân gian qua các bài đồng dao, bài vè quen thuộc. Thời niên thiếu qua đi, những bài đồng giao trả lại cho đàn em, các anh chị đã đến tuổi trưởng thành, họ lại hát những bài ví, bài dặm để đối đáp, bày tỏ tình cảm với người mình yêu.
    Không biết từ bao giờ, những câu hò, ví, dặm đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân xứ Nghệ. Khi câu hát lời ca được cất lên, dường như bao gian khó, nhọc nhằn vụt tan biến và làm tăng thêm sự lạc quan yêu đời, yêu cuộc sống lao động vốn tiềm ẩn trong tâm hồn của mỗi người dân. Dân ca Nghệ Tĩnh đa dạng về thể loại, phong phú về làn điệu, như hát ví, hát dặm... Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, các làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh vẫn tồn tại và phát triển cho đến ngày nay, và mỗi loại hình lại mang những đặc trưng riêng. Môi trường diễn xướng của hát ví Nghệ Tĩnh rất đặc biệt, không cần phải chờ đến mùa vụ, hay hội hè mà vừa lao động vừa ca hát. Hát ví chỉ giới hạn trong đối đáp, giao duyên. Trai thanh, gái lịch hát đối đáp với nhau, hát vọng từ ngoài đường vào nhà, từ trong nhà với ra, hay cũng có thể là từ trên sông vọng lên bờ... Do hát ví gắn liền với lao động, nên mỗi một loại hát ví lại gắn với một loại hình lao động riêng biệt như: hát ví của những người đi cấy thì gọi là ví phường cấy, hát ví của những người đi củi thì gọi là ví phường củi, hát ví của những người dệt vải thì gọi là ví phường vải...
    Theo các nhà nghiên cứu, nếu phân theo loại hình lao động thì xứ Nghệ có đến hơn 20 loại hát ví, nhưng nếu chia làn điệu theo tình cảm, hát ví cũng tương đối đa dạng như: ví thương, ví giận, ví ai oán, ví tình cảm... tức là con người có bao nhiêu cung bậc tình cảm thì có bấy nhiêu loại hát ví. Trong các cuộc hát ví thường hình thành hai nhóm nam và nữ, mỗi nhóm có thể là một nam, một nữ, nhưng cũng có thể nhiều hơn. Có đến hàng trăm câu ví lần lượt được đưa ra để thi thố, đối đáp và rồi những câu hát ấy được lớp thế hệ sau ghi nhớ bởi lời thơ vô cùng bình dị, dễ thuộc, nhưng cũng rất đỗi tài hoa.
    Về lời ca, hát ví lấy thể thơ lục bát làm gốc, về sau do nhu cầu tình cảm của nội dung mà hình thức dần dần được biến hoá, tiết tấu phát triển, người ta hát ví trên thể thơ song thất lục bát. Câu ví truyền thống được xây dựng trên hệ thống điệu thức năm âm, giai điệu được lập thành trên một câu thơ lục bát hoàn chỉnh mà những âm chính của điệu thức được vận động biến hoá ở âm thứ sáu của cả hai vế trong câu thơ. Vậy là vần của thơ đã gắn liền với điệu của nhạc, nhịp điệu của câu hát được gắn liền với tiết tấu câu thơ.
    Trong hát ví, thanh niên nam nữ đã vượt ra khỏi tầm tư tưởng phong kiến, họ từ làng này sang làng khác, từ vùng nọ qua vùng kia để tìm kiếm bạn hiền, chọn vợ, chọn chồng bằng quyền tự do của chính mình. Rõ ràng, họ đã lấy hát ví làm ngọn giáo để chống lại tư tưởng kìm kẹp, o ép của chế độ phong kiến bấy lâu. Xưa cũng thế mà nay cũng vậy, theo cách gọi tên trong dân gian thì hát ví Nghệ Tĩnh rất đa dạng và phong phú, nhưng dựa trên tính chất âm nhạc thì hát ví chỉ có một làn điệu. Khi câu hát cất lên ta nghe vừa dí dỏm lại vừa buồn man mác, hát cho người khác thì ít mà hát cho chính mình thì nhiều. Người nghệ sỹ nông dân đã gửi gắm vào trong những lời ca, câu hát biết bao tâm tư, tình cảm ấp ủ bấy lâu. Ta có thể coi hát ví là những bản tình ca của người lao động, nó gắn bó máu thịt và trở nên quá đỗi thân quen trong sinh hoạt thường ngày của người dân Nghệ Tĩnh.
    Trong hát ví có chặng hát đố. Hát đố là theo cách gọi dân gian, còn hát đối là của các nhà nho. Chặng này là chặng quan trọng nhất, chữ đối chữ, nghĩa đối nghĩa sao cho thật chuẩn xác, thật nhanh. Khi đến độ hăng say, họ còn mang cả tri thức trong sách vở, kinh thư vào trong câu hát, lúc này không phải hát đối nữa mà là thi thố về tài năng, về trí tuệ.
    Sự tham gia của các nhà nho trong đêm hát đã làm cho điệu hát ví dân gian trở nên phức tạp hơn, nhưng lại làm cho câu hát ví màu mè hơn, bác học hơn, hàm xúc hơn. Hát ví thường có những từ đệm như: ơi, ơ, chứ, thì, rằng, mà... xen kẽ giữa các nhịp, các tiết của lời thơ, lúc mở rộng kéo dài, lúc ngân nga lơ lửng. Cách vận dụng những tiếng đệm này vào trong cơ cấu giai điệu còn được gọi là bắt giọng, giữ giọng, lấy hơi, giữ hơi... Đó là yếu tố xây dựng cao độ, trường độ, cường độ, là những nhân tố tạo màu sắc không thể thiếu trong cơ cấu giai điệu của hát ví. Vào cuộc hát bao giờ bên nam hỏi, bên nữ đáp "thưa chi" thì bên nam mới tiếp tục hát. Hay ngược lại, bên nữ hỏi nếu được bên nam đáp lại thì mới hát tiếp. Họ vừa làm vừa hát để tăng thêm sự lạc quan yêu đời, yêu lao động. Và đặc biệt trong câu hát ví, những nghệ sỹ nông dân hai sương một nắng trên đồng ruộng vụt trở thành những tiểu thư khuê các, những trang công tử hào kiệt, hát để bày tỏ tấm lòng của mình. Điều này đã làm cho hát ví trở nên tế nhị hơn, độc đáo hơn.
    Hát ví Nghệ Tĩnh đa dạng về thể loại, mỗi nghề nghiệp, mỗi công việc lao động đều được ghép tên theo hát ví và những người lao động chính là những người sáng tạo ra hát ví. Nhưng dựa theo tính chất kết cấu trong âm nhạc cũng như cách gọi tên các lối ví trong nhân dân, ta có thể chia hát ví thành hai hình thức: Ví phường vải (hay còn gọi là giọng phường vải) và ví đò đưa (hay còn gọi là giọng đò đưa). Ví phường vải thuộc dạng 5 âm trong hệ thống điệu thức nam xuân, vừa tình tứ lại lửng lơ, bay bổng, không nghiêng về màu sắc của điệu trưởng (Bắc) mà cũng không nghiêng về điệu thứ (Nam). Ví đò đưa thuộc dạng 5 âm trong hệ thống điệu thức Nam ai, tạo được tính chất nhẹ nhàng, bâng khuâng, lại thêm chút vương buồn sâu lắng, có thế ổn định, nghiêng về màu sắc của điệu thứ (Nam). Cùng là một câu thơ lục bát nhưng ví đò đưa hát khác mà ví phường vải hát khác.
    Ví phường vải là lối hát bắt nguồn từ nghề trồng bông, nuôi tằm, dệt lụa. Còn ví đò đưa là lối hát bắt nguồn từ sông nước. Người hát thường là những trai bạn chèo chống trên thuyền xuôi ngược dọc sông, hoặc các phường buôn, phường nón... Họ cho hai thuyền đi song song, có khi ghép hai thuyền lại cùng xuôi, cùng ngược và hát với nhau thâu đêm suốt sáng. Tuy nhiên, giọng ví phường vải không chỉ hát trên cạn, trên làng và giọng đò đưa không chỉ hát dưới sông, dưới thuyền mà trong hát phường vải có giọng đò đưa, trong ví đò đưa có giọng phường vải.
    Trong hát ví thì ví phường vải có phần phong phú và thông dụng hơn cả. Hát phường vải thường diễn ra vào ban đêm, sau thời gian lao động nơi sông nước, ruộng đồng. Hễ nơi nào có quay sa, kéo sợi thì nơi ấy có hát phường vải. Họ hát vào lúc tuổi trưởng thành, trai thanh, gái lịch. Nhiều đôi trai gái bắt đầu từ hát ví phường vải mà nên vợ nên chồng, bằng không thì cũng là sự giao lưu, trao đổi tình cảm, thi thố tài năng, tô thêm nét đẹp cho cuộc đời. Đây là một nét sinh hoạt văn hoá lành mạnh, mang đầy tính nhân văn trong đời sống nông nghiệp ở nông thôn nước ta, góp phần không nhỏ tạo nên sắc thái văn hoá độc đáo của dân tộc Việt Nam.

    iloveyou, when the children cry.
    MU _ my girlfriend_my friends
  9. Viet_Hoa_new

    Viet_Hoa_new Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    27/09/2001
    Bài viết:
    742
    Đã được thích:
    0
    ''Giai điệu xanh'' - đêm nhạc Jazz đầy hứng khởi
    Những đợt gió mùa đông bắc đầu tiên tràn về không làm ''lạnh'' nổi những cảm hứng sáng tạo của các nghệ sĩ. Một đêm nhạc Jazz đầy hứng khởi với tiếng kèn Saxophone điêu luyện của nghệ sĩ Phan Anh Dũng vào đêm duy nhất 5/12 tới, tại Nhà hát Lớn, Hà Nội, sẽ làm ''ấm'' thêm không khí âm nhạc đất Hà thành thanh lịch.
    Đêm nhạc Jazz mang đến cho những người yêu nhạc Jazz những tác phẩm âm nhạc nổi tiếng, sống vượt qua mọi thời gian của Việt Nam như: Đêm đông (Nguyễn Văn Thương), Tình nghệ sĩ (Đoàn Chuẩn), Đón xuân (Tuấn Nghĩa, Anh Dũng)... Các tác phẩm âm nhạc Việt Nam được phối khí theo nhiều phong cách Jazz, được nghệ sĩ Phan Anh Dũng thể hiện bằng 4 loại kèn Saxophone: Sopranosax, Altosax, Tenorsax, Baritonsax.
    Ngoài ra, đêm nhạc Jazz cũng sẽ rất hứng khởi với các bản nhạc Jazz kinh điển thế giới: Spain, So what, TicoTico, Smoke gets in your eyes, Caravan, Take five.... Góp mặt trong đêm nhạc Jazz có ban nhạc ''Giai điệu xanh'' với những gương mặt sáng giá và speaker Đỗ Quyên.
    Nghệ sĩ saxophone Phan Anh Dũng tốt nghiệp cử nhân loại xuất sắc Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, hiện là giảng viên của trường. Niềm say mê âm nhạc của anh là các nhạc phẩm Jazz, Pop, nhạc cổ điển và âm nhạc dân gian Việt Nam.
    (Theo Tiền Phong)


    Viet Hoa

  10. Viet_Hoa_new

    Viet_Hoa_new Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    27/09/2001
    Bài viết:
    742
    Đã được thích:
    0

    Đàm Vĩnh Hưng sẽ tổ chức liveshow ra sao?
    Thời gian qua, ca sĩ này rất bận rộn vì phải chuẩn bị cho việc phát hành album thứ tư vào tháng 12. Anh đã phải tuyển lựa 120 ca khúc mới tìm được những bài hát ưng ý nhất để ghi âm. Cũng như các album trước, lần này sẽ có một bài đinh do Vĩnh Hưng viết lời Việt từ ca khúc nước ngoài. Đó chính là lý do liveshow của anh bị hoãn đến tháng 2/2003.
    - Các ca sĩ đang đua nhau làm liveshow, phải chăng anh cũng chạy theo phong trào này?
    - Ngày xưa đi học, tôi từng ước mơ thuê Nhà hát Hoà Bình để làm nơi mời tất cả thầy cô, bạn bè ở trường đến nghe mình hát, mà không hề biết rằng đó là một hình thức liveshow. Bây giờ, đi diễn ở phòng trà, nhiều đêm tôi hát 17-18 bài, nhưng ở đó chỉ có vài trăm khán giả nên tôi muốn mở rộng đối tượng thưởng thức. Tôi không định dùng liveshow như một cách đánh bóng tên tuổi, bởi tôi là người có khả năng thực sự và hát vì niềm đam mê của mình.
    - Liveshow của anh sẽ do hãng nào tài trợ?
    - Ca sĩ có nhà tài trợ thì được lợi nhiều vì không phải lo chuyện tài chính trong việc thực hiện các ý đồ dàn dựng và thiết kế sân khấu. Tuy nhiên, nhà tài trợ phải đi cùng quan điểm nghệ thuật của ca sĩ. Thực tế là tôi có thể thực hiện chương trình riêng mà không cần sự hỗ trợ. Đến nay, đã có một số đơn vị ngỏ ý hợp tác, nhưng có lẽ tôi chỉ nhận lời khi nhận được sự đồng cảm.
    - Các liveshow gần đây bị đánh giá là chỉ nặng về "phần nhìn" chứ không tốt về "phần nghe", vậy chương trình của anh sẽ như thế nào?
    - Tôi không dám nói trước về sự thành công, nhưng tôi dám khẳng định, mình sẽ hát sống với ban nhạc đệm, hoàn toàn không sử dụng nhạc máy. Chương trình của tôi còn có một dàn bè từ 30 đến 50 người. Tôi nuôi rất nhiều ý tưởng lớn cho chương trình và đang tìm người thực hiện.
    (Theo Điện Ảnh Kịch Trường)


    Viet Hoa

Chia sẻ trang này