1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Tin tức về Quảng Ngãi

Chủ đề trong 'Quảng Ngãi' bởi thienansongtra, 05/01/2005.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. HoaPhan

    HoaPhan Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    09/04/2002
    Bài viết:
    1.047
    Đã được thích:
    0
    Tháng 7, sôi động Dung Quất ​
    Chưa bao giờ Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) sôi động như những ngày tháng 7 này. Hàng chục dự án lớn đang được triển khai. Nhiều tập đoàn kinh tế nước ngoài vào cuộc, với vốn đăng ký đầu tư hàng trăm triệu USD.

    Khu kinh tế Dung Quất với những lợi thế đặc biệt, ngày càng thu hút được nhiều dự án lớn. Ngoài Nhà máy lọc dầu Dung Quất, hiện có hai dự án 100% vốn FDI là Tập đoàn kinh tế Tycoons (Đài Loan) đăng ký xây dựng Nhà máy luyện cán thép lò cao, với tổng vốn hơn 1,5 tỷ USD; Tập đoàn công nghiệp nặng và xây dựng Doosan (Hàn Quốc) đầu tư Nhà máy Tổ hợp sản xuất thiết bị công nghiệp nặng, với khoảng 240 triệu USD; Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam đầu tư bốn dự án phụ trợ công nghiệp đóng tàu, vốn đầu tư cũng lên đến gần 100 triệu USD. Một số doanh nghiệp tại khu vực TP Hồ Chí Minh, Hà Nội cũng bắt đầu vào cuộc, với những dự án vừa và nhỏ thuộc lĩnh vực vận tải, công nghiệp nhẹ, hàng tiêu dùng và các dịch vụ, du lịch, nhà ở... Doanh nghiệp địa phương tập trung đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông, lâm sản xuất khẩu. Đến nay, Khu kinh tế Dung Quất đã có hơn 100 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký hơn 5 tỷ USD, tăng gấp 2 lần số dự án so với năm 2004. Hiện đã có 25 nhà máy đi vào hoạt động, với giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 250 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu 15 triệu USD và tạo việc làm cho hơn ba nghìn lao động, có mức thu nhập ổn định...

    Đến Khu kinh tế Dung Quất những ngày tháng 7 này, chúng tôi bắt gặp không khí lao động rất sôi nổi. Tại Nhà máy đóng tàu Dung Quất, mặt bằng hơn 120 ha, hằng ngày có hàng nghìn công nhân của các đơn vị LICOGI, COTEX cùng các thiết bị, xe máy chuyên dụng, hiện đại, hoạt động liên tục từ sáng đến tối. Các kỹ sư Việt Nam và chuyên gia Hàn Quốc làm việc say sưa, bảo đảm tiến độ thi công công trình. Kỹ sư Đinh Tiến Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty công nghiệp tàu thủy Dung Quất, cho biết: Ngay từ đầu năm 2006, nhà máy đã tổ chức ra quân xây dựng đồng loạt các hạng mục công trình như: phân xưởng sản xuất tổng đoạn theo tiêu chuẩn quốc tế, cầu tàu, kho chứa vật tư, làm đường nội bộ, san lấp mặt bằng và xây dựng ụ khô số 1, bảo đảm khả năng đóng loại tàu hơn 400 nghìn tấn (ụ tàu dài 380 m, rộng 86 m và sâu 14 m). Hiện nhà máy đang tập trung nhiều lực lượng thi công các công trình giai đoạn II, bảo đảm đổ bê-tông và đóng hoàn thành tám nghìn cọc bê-tông ly tâm tại ụ khô số 1 trước mùa mưa năm nay. Nhà máy đã khởi công đóng tàu lai dắt và sà-lan chở dầu thô 100 nghìn tấn sẽ hạ thủy vào đầu năm 2007. Các hạng mục công trình nhà xưởng đang được tập đoàn công nghiệp nặng Trung Quốc thi công và cung cấp các thiết bị, máy công cụ cho các phân xưởng đóng tàu. Nhà máy đang tăng cường phương tiện, thiết bị và công nhân bậc cao (gấp 2 lần so với năm 2005), để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, phấn đấu thực hiện đạt tổng giá trị khối lượng đến cuối năm 2006 hơn 600 tỷ đồng.

    Cảng Dung Quất những ngày này cũng rộn ràng, với những con tàu đang cập cảng để bốc xếp hàng. Kỹ sư Phan Đông Hải, Đội trưởng Đội cảng dịch vụ, tâm sự: Do nhiều tàu vào cập cảng cùng lúc, chủ hàng yêu cầu bốc xếp hàng nhanh nên chúng tôi không đủ lực lượng, phải hợp đồng thêm lao động bên ngoài để bốc dỡ hàng hóa ba ca liên tục, vừa bảo đảm thời gian cho tàu rời cảng, vừa giữ chất lượng hàng nhập kho. Sáu tháng đầu năm nay, sản lượng hàng hóa qua cảng hơn 300 nghìn tấn (trong đó có chín nghìn tấn thiết bị phục vụ Nhà máy lọc dầu Dung Quất). Dự kiến cuối năm 2006 sẽ đạt hơn 800 nghìn tấn hàng hóa qua cảng. Bến cảng số 1 hiện nay được Công ty dịch vụ kỹ thuật dầu khí (Tổng công ty Dầu khí Việt Nam) đầu tư khoảng 35 tỷ đồng để mở rộng cầu cảng (mỗi bên 50 m) nối chiều dài của cảng gần 230 m. Nhiều công nhân của Công ty xây dựng công trình thủy đang gấp rút thi công đúc và đóng các cọc chính, phấn đấu hoàn thành công trình vào cuối năm 2006, bảo đảm cho hai tàu sức chở 10 nghìn tấn cập cảng cùng lúc. Cảng quốc tế Cemadept Dung Quất, do Liên doanh Công ty cổ phần cảng quốc tế Gemadept, Công ty quản lý giao thông Quảng Ngãi, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam làm chủ đầu tư vừa được khởi công xây dựng. Đây là một trong những cảng quan trọng nằm trong cụm cảng nước sâu Dung Quất, có nhiều lợi thế khai thác hàng hóa trong khu vực và thế giới, với công suất khai thác trong năm từ 1,5 đến 2 triệu tấn hàng hóa các loại.

    Trên công trường Nhà máy lọc dầu Dung Quất, một công trình trọng điểm quốc gia, đang triển khai thực hiện các gói thầu theo tiến độ. Các chuyên gia nước ngoài thuộc Tổ hợp Technip đang sử dụng các thiết bị hiện đại tiến hành khảo sát địa hình, địa chất và xử lý mặt bằng nhà máy; đồng thời khảo sát ngoài biển thuộc phạm vi gói thầu số 4 (hệ thống nhập dầu thô). Nhà thầu phụ huy động hàng trăm công nhân, xe máy thi công các công trình tạm, hệ thống thoát nước, nhà kho, nhà điều hành, với khối lượng đạt khá cao. Đồng chí Trương Văn Tuyến, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam, cho biết: Sau hơn 11 tháng thực hiện hợp đồng, về cơ bản Nhà thầu Technip đã đáp ứng được tiến độ. Đến nay, nhà thầu đã phát hành hồ sơ và danh sách nhà cung cấp 108 hạng mục nhóm thiết bị (trong tổng số 1.650 thiết bị). Nhà thầu đã hoàn thành việc lựa chọn nhà cung cấp và đặt hàng 23 hạng mục thiết bị quan trọng có thời gian chế tạo dài. BQL dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã thành lập đội giám sát thiết kế. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số vướng mắc trong quá trình thực hiện hợp đồng. Một số gói thầu thi công chậm hơn mười tuần so với tiến độ đề ra. Nhất là gói thầu 5A (Đê chắn sóng) do nhà thầu Lũng Lô (Bộ Quốc phòng) thi công. Gói thầu 5B (Cảng xuất sản phẩm) do Liên doanh các nhà thầu Cienco 1 và Cienco 6 thực hiện. Do giá bỏ thầu thấp, năng lực thiết bị hạn chế và giá vật tư (cọc thép) tăng cao nên nhiều hạng mục công trình thi công không bảo đảm kế hoạch đề ra. Hiện nay, Liên doanh nhà thầu Cienco1 và 6 tăng thêm thiết bị, xe máy và đã thuê nhà thầu phụ nước ngoài (Artarakos) để đẩy nhanh tiến độ thi công cầu dẫn ra bến xuất (giai đoạn II), phấn đấu bàn giao công trình vào tháng 6-2007...

    Các công trình hạ tầng kỹ thuật - xã hội giai đoạn 1 Khu kinh tế Dung Quất cũng được phát triển nhanh và đồng bộ. Nhiều dự án đã xây dựng xong và đưa vào phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn như: giao thông, bưu chính-viễn thông, điện, nước, khu xử lý chất thải. Bệnh viện đa khoa Dung Quất, Khu thể thao liên hợp, Đài thu phát truyền hình Dung Quất. Đặc biệt, Trường đào tạo nghề Dung Quất, qua bốn khóa đào tạo, với hơn ba nghìn học sinh, sinh viên (trong đó có 160 sinh viên đại học quản trị điều hành doanh nghiệp và đại học tài chính-kế toán doanh nghiệp) đã cung cấp gần 1.600 công nhân bậc 3/7 cho các nhà máy trong Khu kinh tế Dung Quất và 550 công nhân đào tạo hợp đồng ngắn hạn cho các nhà máy may, chế biến gỗ ở địa phương. Trường đang xây dựng đề án nâng cấp thành Trường cao đẳng dạy nghề vào năm 2008, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực phục vụ cho các doanh nghiệp trên địa bàn.

    Hiện nay, Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất đang gấp rút hoàn thành quy hoạch chi tiết các khu chức năng và triển khai các dự án có tính lâu dài phục vụ trực tiếp cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất và các dự án có quy mô lớn đang triển khai trong năm nay. Hàng loạt các dự án hạ tầng khai triển và khởi công xây dựng ngay từ những tháng đầu năm 2006, tạo ra một đại công trường sôi động. Đó là thi công tuyến giao thông Dốc Sỏi-cảng Dung Quất, đường Bình Long-ngã ba Nhà máy lọc dầu-cảng Dung Quất, cảng tổng hợp công-ten-nơ, cảng thương mại gắn với khu bảo thuế và các dịch vụ hậu cần cảng; nâng cấp hệ thống điện, cấp nước, bưu chính-viễn thông và đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở cho công nhân, chuyên gia nước ngoài. Nhiều khu du lịch được đầu tư xây dựng phục vụ trực tiếp cho công nhân, chuyên gia làm việc trong Khu kinh tế Dung Quất như: Khu du lịch Thiên Đàng do Công ty đầu tư Phi Long (TP Hồ Chí Minh) xây dựng trên diện tích 152 ha, với tổng kinh phí hơn 200 tỷ đồng. Khu du lịch sinh thái biển Vạn Tường trên diện tích khoảng 250 ha. Khu khách sạn và cho thuê văn phòng của Công ty Đức Long, Khu biệt thự chuyên gia Thiên Tân và các dự án vui chơi, giải trí khác, bảo đảm phục vụ khoảng hơn 30 nghìn người lao động trong các nhà máy, công trình, trong đó Nhà máy lọc dầu Dung Quất có khoảng 16 nghìn người...

    Tuy nhiên, Khu kinh tế Dung Quất cũng đang đứng trước những thách thức. Đó là sự "cạnh tranh" quyết liệt về thu hút đầu tư giữa các khu kinh tế trong khu vực. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật tuy có bước phát triển nhanh, nhưng chưa đồng bộ; nhất là hạ tầng cảng biển, hạ tầng đô thị, hệ thống dịch vụ, tiện ích (ăn, ở, học tập, khám chữa bệnh, vui chơi, giải trí) còn yếu kém. Khả năng đáp ứng nguồn nhân lực tại chỗ còn thấp, nhất là cán bộ quản lý, điều hành giỏi, công nhân kỹ thuật bậc cao đang thiếu trầm trọng. Môi trường đầu tư chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút các dự án lớn, dự án nước ngoài. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư vẫn còn những bất cập. Một số khu tái định cư hiện nay đầu tư hạ tầng không đồng bộ, làm ảnh hưởng cuộc sống, sinh hoạt của nhiều hộ dân trong vùng... Tất cả những hạn chế đó đang được tìm cách khắc phục để Khu kinh tế Dung Quất sớm đi vào hoạt động với hiệu quả cao nhất.
  2. HoaPhan

    HoaPhan Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    09/04/2002
    Bài viết:
    1.047
    Đã được thích:
    0
    Phát hiện di tích Tháp chàm tại xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành​
    Ngày 21/7, trong khi đi kiểm tra thực trạng một số di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện Nghĩa Hành, đồng chí Phạm Đình Khối, Quyền Bí thư Tỉnh ủy cùng lãnh đạo Sở Văn hóa Thông tin và đoàn cán bộ khoa học của ngành văn hóa thông tin đã phát hiện ra một phế tích tháp Chàm tại đồi Đá Hai, xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành.

    Đây là địa điểm được chính quyền địa phương san ủi mặt bằng để làm Khu công nghiệp Đá Hai, các đơn vị thi công đã ủi lộ ra cụm tháp Chàm trên đỉnh đồi. Tại hiện trường ngổn ngang gạch đổ nát và lộ ra nhiều vết đế tháp ở nhiều góc khác nhau. Bước đầu có thể thấy cụm tháp này gồm nhiều tháp được xây trên đỉnh núi Đá Hai, cổng chính của cụm tháp quay về hướng đông nam theo hướng nhìn xuống dòng Sông Vệ.

    Theo Tiến sĩ khảo cổ học Đoàn Ngọc Khôi, chuyên viên Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi, hiện nay cụm tháp này chỉ còn phần chìm dưới lòng đất và vết tháp đổ. Những hiện vật trang trí được thu lượm tại hiện trường có thể cho thấy có khả năng cụm tháp này được xây dựng theo phong cách Bình Định. Ngành văn hóa thông tin của tỉnh và chính quyền địa phương đã đình chỉ thi công, khoanh vùng bảo vệ và triển khai công tác khai quật nhằm xác định tuổi và thời gian cụm tháp này bị sụp đổ.
  3. HoaPhan

    HoaPhan Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    09/04/2002
    Bài viết:
    1.047
    Đã được thích:
    0


    Lãnh đạo tỉnh thăm và tặng quà các đối tượng chính sách nhân kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7 
     

     


    [​IMG]

    PCT UBND tỉnh - Nguyễn Hoàng Sơn và Cựu chiến binh - thương binh Phạm Thanh Nga (xã Sơn Hạ, Sơn Hà)


    Nhân kỷ niệm 59 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947- 27/7/2006), sáng ngày 25/7/2006, lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi cùng các Sở, ngành chia làm 05 đoàn do các Phó Chủ tịch UBND tỉnh là Trưởng đoàn đã đến thăm hỏi, động viên và tặng quà cho trên 70 gia đình chính sách tiêu biểu ở 14 huyện, thành phố trong tỉnh với trị giá mỗi suất quà là 250.000 đồng (trao tặng trực tiếp).
     
    Cũng trong dịp này, thông qua UBND các huyện, thành phố lãnh đạo tỉnh đã gửi quà và thư thăm hỏi đến các gia đình liệt sỹ; anh, chị em thương binh, bệnh binh; các Bà mẹ Việt Nam anh hùng; các gia đình có công với nước trên địa bàn tỉnh với lòng biết ơn sâu sắc.
     
    Theo dự kiến, sáng ngày 27/7/2006, sẽ tổ chức lễ đặt vòng hoa, viếng mộ liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ núi Thiên Bút và Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh (xã Nghĩa Thuận, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi).
     [​IMG]
     Bà mẹ VNAH Nguyễn Thị Luyến (Phú Tài, Trà Phú, Trà Bồng) và PCT UBND tỉnh Đinh Thị Loan
     
    [​IMG]
    PCT Nguyễn Hoàng Sơn thăm và tặng quà cho bệnh nhân Đinh Thị Diêu (xã Sơn Mùa, huyện Sơn Tây)
     
                                                                                               Lam Uyên- Anh Thư
  4. HoaPhan

    HoaPhan Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    09/04/2002
    Bài viết:
    1.047
    Đã được thích:
    0
    Đào tạo nguồn nhân lực cho Trường Đại học Phạm Văn Đồng
    UBND tỉnh vừa phê duyệt Đề án đào tạo nguồn nhân lực cho Trường Đại học Phạm Văn Đồng giai đoạn 2006-2010. Theo đó, mục tiêu đến năm 2010, đủ về đội ngũ cán bộ và giảng viên, đồng bộ và đảm bảo chất lượng về cơ cấu ở các bộ môn, phòng, khoa, trong đó số lượng giảng viên đạt 40- 50% trình độ trên đại học.
    Theo kế hoạch tuyển mới và đào tạo bồi dưỡng thì nhu cầu tuyển dụng mới trong năm 2006 là 24 viên chức, phấn đấu đến cuối năm 2010 có khoảng 99 cán bộ quản lý, giảng viên của trường được đào tạo Tiến sĩ, Thạc sĩ và đại học và hơn 350 lượt viên chức của trường tham gia các khoá đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ.
    Về đào tạo, bồi dưỡng chủ yếu tập trung vào 2 loại hình cơ bản là đào tạo tập trung và không tập trung dưới các hình thức như: chọn, cử cán bộ quản lý, giảng viên của trường đi dự thi để đào tạo trình độ cao hơn tại các trường trong và ngoài nước; nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ các đối tượng là sinh viên có kết quả học ở phổ thông đạt loại giỏi, đạt giải học sinh giỏi quốc gia đang học các chuyên ngành mà trường sẽ mở, để sau này nhận về trường.
    Tường cũng sẽ cử cán bộ và giảng viên đi đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu, học tập, tham quan ở các cơ sở đào tạo đại học chất lượng cao trong và ngoài nước; mời chuyên gia giỏi kể cả ở nước ngoài về giảng dạy cho cán bộ và giảng viên tại trường.

  5. HoaPhan

    HoaPhan Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    09/04/2002
    Bài viết:
    1.047
    Đã được thích:
    0
    Cảng quốc tế Gemadept sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư đến với miền Trung​
    Vừa qua đã diễn ra lễ khởi công công trình cảng quốc tế Gemadept tại Quảng Ngãi. Đây sẽ là một trong những cảng lớn nhất miền Trung hiện nay, có thể đón tàu có tải trọng 30 ngàn tấn, góp phần phát triển kinh tế các tỉnh miền Trung và khu vực Tây Nguyên.
    Để giúp bạn đọc có thêm thông tin về cảng quốc tế quan trọng này, PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Văn Nhân - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gemadept và được ông cho biết:
    - Cảng quốc tế Gemadept Dung Quất có tổng mức đầu tư gần 600 tỉ đồng. Ngay trong giai đoạn đầu, chúng tôi sẽ ưu tiên dành trên 350 tỉ đồng cho công tác nạo vét, san lấp, xây dựng cầu cảng, khu hậu cần và trang thiết bị xếp dỡ. Gần 300m cầu tàu trên mặt biển với mức nước 12m có đê chắn sóng sẽ được nối liền với 11 ha kho bãi. Một hệ thống thiết bị xếp dỡ hiện đại, hệ thống điều phối được tin học hóa cũng sẽ được xây dựng. Tuyến hậu phương của cảng là kho hàng trên 200 ngàn m2 với bãi container lạånh, khu phục vụ kỹ thuật với công nghệ giao nhận tiên tiến. Tất cả sẽ tạo thành một khu cảng hiện đại, thuận tiện cho các nhà nhập khẩu giảm chi phí vận chuyển đến và đi cũng như thời gian vận tải bốc xếp và giao nhận hàng hóa. Khả năng lượng hàng hóa thông qua cảng sẽ đạt con số 1,5 triệu tấn/năm.
    * Còn đối với kinh tế của cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên thì cảng quốc tế Gemadept Dung Quất có những đóng góp quan trọng như thế nào?
    - Ông Đỗ Văn Nhân: Trong lịch sử phát triển, thương cảng bao giờ cũng là một nhân tố quan trọng góp phần phát triển nền kinh tế. Từ kinh kỳ phố Hiến, tới Bến Nhà Rồng (TP.HCM), Bến Kho (Cảng Hải Phòng) và hôm nay là Bến số 1 Dung Quất (Quảng Ngãi), chúng ta có quyền tin tưởng vào sự trỗi dậy cho một khu vực kinh tế năng động của miền Trung. Khu kinh tế tổng hợp, phát triển đa ngành, đa lĩnh vực Dung Quất với công nghiệp lọc hóa dầu, luyện cán thép, đóng tàu, chế tạo cơ khí, điện tử, dệt may, giày da, chế biến hàng tiêu dùng xuất khẩu... sẽ là vùng phục vụ trực tiếp của cảng quốc tế Gemadept Dung Quất, mở ra cơ hội phát triển cho cảng và cảng cũng là động lực để phát triển đầu tư.
    - Cùng với khu kinh tế mở Chu Lai, Dung Quất sẽ là hạt nhân tăng trưởng một khu trung tâm đô thị công nghiệp và vận tải dịch vụ, là đầu mối giao lưu quốc tế quan trọng với nam Lào và đông bắc Thái Lan. Hệ thống giao thông đường bộ, tuyến đường nối cảng Dung Quất với đông Trường Sơn đang được bắt đầu xây dựng sẽ là bức tranh hoàn chỉnh về mạng lưới giao thông đường bộ - cảng - đường biển, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đây lập nghiệp.
  6. HoaPhan

    HoaPhan Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    09/04/2002
    Bài viết:
    1.047
    Đã được thích:
    0
    Cấp phát miễn phí 770 xe lăn mới cho người tàn tật ở Quảng Ngãi
    Hội Người tàn tật quốc tế và Tổ chức trẻ em Việt Nam (Children of VN Giving it back to Kids) vừa cấp phát miễn phí 770 chiếc xe lăn và linh kiện kèm theo cho trẻ em và người tàn tật tỉnh Quảng Ngãi.
    Theo đó, Tổ chức trẻ em Việt Nam kêu gọi cộng đồng quốc tế đóng góp quỹ tặng xe lăn cho 550 trẻ em khuyết tật là nạn nhân chất độc da cam, trẻ em nghèo. Hội người tàn tật quốc tế tặng 220 xe lăn và linh kiện kèm theo cho người tàn tật là thương bệnh binh và người tàn tật ở Quảng Ngãi. Dự kiến từ nay đến ngày 10 tháng 08 tới, toàn bộ số xe lăn này sẽ lần lượt cấp phát cho người khuyết tật trong tỉnh.
  7. HoaPhan

    HoaPhan Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    09/04/2002
    Bài viết:
    1.047
    Đã được thích:
    0
    13,475 tỷ đồng đầu tư xây dựng công trình đường du lịch lên khu di tích anh hùng Liệt sỹ, Bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm
    Uỷ ban nhân dân tỉnh vừa phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình đường du lịch lên khu di tích anh hùng Liệt sỹ, Bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm, tại huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.
    Đây là tuyến đường cấp IV miền núi, bề rộng nền đường 7,5m, có chiều dài 4.621m, điểm đầu tại km1098 Quốc lộ 1A, điểm cuối tại hồ chứa nước Liệt Sơn. Tuyến đường có bãi đỗ xe tại cuối tuyến; toàn tuyến có hai nút giao thông cùng mức tại đầu tuyến và cuối tuyến. Tổng mức đầu tư của dự án là 13,475 tỷ đồng, từ nguồn vốn của Tổng Cục du lịch.
    Việc đầu tư nâng cấp tuyến đường này nhằm mục tiêu thu hút khách du lịch tham quan tìm hiểu tấm gương anh hùng của Liệt sỹ, Bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm, đồng thời hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông khu vực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội cho nhân dân trong vùng.
  8. trinhtragiang

    trinhtragiang Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    24/08/2005
    Bài viết:
    890
    Đã được thích:
    0
    Welcom back !!!
    Anh đã trở lại rồi à HoaPhan? sắp tới bình chọn spamer rùi đó. Cố mà tranh giải nhé !
  9. HoaPhan

    HoaPhan Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    09/04/2002
    Bài viết:
    1.047
    Đã được thích:
    0
    Làng Việt cổ Thiên Xuân: Một phát hiện thú vị ​
    Người dân thôn Thiên Xuân, xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành đã tồn tại cùng ngôi làng này mấy trăm năm qua với cái tên dân dã "Làng Khoái". Nhưng mãi đến mới đây, khi các nhà khảo cổ học đặt chân đến, lập tức ngôi làng cổ bị chìm khuất trong lãng quên này bỗng bừng thức với nhiều bí ẩn lần lượt được giải mã.

    Từ làng Xoáy sang làng Khoái
    Cụ Nguyễn Viễn, 75 tuổi, người Thiên Xuân, chỉ tay về hướng đám ruộng trước mặt, nói: "Ngày xưa sông Vệ chảy qua đám ruộng này. Dòng sông tới đây gặp núi, bỗng cuộn xoáy. Dân đặt luôn tên Xoáy cho làng. Rồi sông đã thành bãi dâu ruộng lúa, hết vực sâu nước xoáy nên ông bà gọi trại từ Xoáy thành Khoái như bây giờ". Độ tin cậy của cách lý giải trên đây tới đâu thì còn phải chờ những thông số từ những nhà nghiên cứu, làm công việc điều tra, điền dã, song có một thực tế là con sông Vệ chừng vài trăm năm trước đã chảy sát dưới chân núi Dâu này. Mới đây, nhóm khảo cổ do tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi tiến hành đo đạc và khảo cứu một số hiện vật trong ngôi làng, bước đầu đã có những thông số tin cậy về độ "già" của ngôi làng cổ hiếm hoi còn sót lại ở Quảng Ngãi này. Chu vi của làng gần 1km2, bên ngoài có cổng làng, được đánh dấu qua những bậc tam cấp bằng đá còn sót lại, đường vào làng được trồng chè tàu, vẫn còn khá nhiều. Bên trong ngôi làng hiện vẫn còn các ô được chia nhỏ vuông vắn, có thể đây là khuôn viên của từng gia đình với diện tích 200m2/hộ, được phân định bằng những kè đá, sắp xếp khá ngay ngắn. Rất nhiều loại cây vườn vẫn còn nguyên như khế, mít, dây trầu, đặc biệt là lá lốt rất nhiều. Trong làng hiện vẫn còn một giếng nước, thành giếng được xây bằng đá. Toàn bộ ngôi làng này được vây bọc bởi một hệ thống thành (không có hào) bằng đá rất vững chãi. Mặt thành rộng 1m, cao từ 2,5-3m, dọc theo phía bên trong dưới chân của thành được kè bằng một lớp đá rất phẳng, cao chừng 30cm, như thể dành cho lính gác đi tuần tra được dễ dàng. Quan sát kỹ, nhóm khảo cổ không phát hiện ra bất cứ một loại vôi vữa nào gắn kết giữa các tảng đá mà người ta chỉ chồng đá lên nhau, móc xích mấu các tảng đá lại tạo thành một khối rất vững chắc.
    Bên ngoài thành, dưới chân núi Dâu, còn sót lại dấu vết của một đền thờ, dân ở đây gọi là "dinh Bà". Đây là nơi thờ thần Núi - một tập quán của người Việt cổ ở khu vực miền Trung, nhất là những làng ở gần núi cao như làng Thiên Xuân. Ngôi miếu chỉ còn sót lại phần nền và một tảng đá, rộng gần 1m2, được mài nhẵn phần mặt, dùng làm nơi đặt lễ vật mỗi khi làng cúng tế. Làng dựa vào núi Dâu, nơi bắt nguồn vô số những khe suối. Núi Dâu giờ đã "xuống tóc" nên các dòng suối này đều cạn nước, song dấu vết về sự can thiệp của bàn tay con người thì rất rõ. Đường từ làng dẫn lên suối trên 1 km được kè bằng đá rất công phu.

    "Tuổi thọ" của làng: Bao nhiêu?
    Hiện vẫn chưa xác định một cách chắc chắn về tuổi thọ của làng vì các nhà khảo cổ còn phải tiến hành đào thám sát để tìm hiện vật như các loại gốm thì mới biết. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Khôi thì ngôi làng có chừng 400-600 năm tuổi, có thể là sự kế thừa từ những chủ nhân người Chăm. Quan sát dọc theo các suối cạn dẫn từ chân núi Dâu về làng thì thấy cả một sự chăm chút rất công phu của bàn tay con người. Lòng các con suối dài hơn 1km này đều được xếp bằng đá cuội rất ngay ngắn và đẹp mắt-một sự kỳ công hiếm thấy ở các làng cổ người Việt. Theo nhận xét của các nhà nghiên cứu thì chỉ có người Chăm mới có hệ thống dẫn thuỷ độc đáo như thế, vừa chống xói lở, vừa "lọc" được tạp chất của nước qua lớp đá này.
    Tồn tại hàng trăm năm giữa lưng chừng núi, đột nhiên sau năm 1945, lần lượt những hộ dân xuống núi sau một trận dịch lớn. Ông Nguyễn Viễn, lý giải: "Đời ông cố tôi kể rằng luỹ làng được xây lâu lắm rồi nhưng mãi đến sau Cách mạng tháng Tám, nghe vận động của cách mạng, dân làng mới xuống định cư như ngày nay". Ông nói thêm: "Đúng ra là trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, làng Khoái xảy ra một trận dịch lớn, người dân trong làng sốt rét và phù thũng hàng loạt nên họ lần lượt xuống núi và định cư đến giờ". Do sự khắc nghiệt của thiên nhiên nên nơi đây vẫn còn tồn tại câu ca: "Bất ẩm Thiên Xuân khê", tức là không nên uống nước ở khe suối Thiên Xuân.
    Ngành văn hóa - thông tin Quảng Ngãi đang gấp rút khảo cứu và lập hồ sơ để công nhận di tích cho ngôi làng này. Những bí ẩn của ngôi làng cổ còn phải được tiếp tục giải mã nhưng những gì mà các nhà khảo cổ thu thập bước đầu về ngôi làng cổ này là một phát hiện thú vị.
    Trần Đăng

  10. HoaPhan

    HoaPhan Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    09/04/2002
    Bài viết:
    1.047
    Đã được thích:
    0
    Đoàn viên, thanh niên Quảng Ngãi ra quân chiến dịch tình nguyện hè 2006 tại xã Trà Hiệp, huyện Trà Bồng ​
    Sáng ngày 28/7/2006, hơn 120 đoàn viên, thanh niên thuộc lực lượng Công an tỉnh Quảng Ngãi, Huyện đoàn Bình Sơn và xã Trà Hiệp, huyện Trà Bồng đã ra quân chiến dịch tình nguyện hè 2006 tại xã Trà Hiệp, huyện Trà Bồng.
    Chiến dịch tình nguyện năm nay dự kiến sẽ tuyên truyền pháp luật cho nhân dân xã Trà Hiệp, tham gia cải thiện khoảng 300m đường giao thông, 200m công trình thủy lợi, trồng cây ăn quả và giúp người dân trong xã làm 02 căn nhà thuộc dự án 134 của Chính phủ.
    Được biết, chiến dịch này do Tỉnh đoàn Quảng Ngãi phát động và ra quân tình nguyện vào ngày 31/6 tại các huyện miền núi như: Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Trà Bồng, Tây Trà, Sơn Tây. Các hoạt động chính của chiến dịch là khám chữa bệnh, cấp thuốc cho nhân dân, tặng quà, công tác xã hội, làm vệ sinh môi trường, cải thiện đường giao thông, hệ thống các công trình thủy lợi, sửa nhà và giúp dân làm nhà cho đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trong tỉnh? Chiến dịch sẽ kết thúc vào ngày 31/8/2006.

Chia sẻ trang này