1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Tin tức về Quảng Ngãi

Chủ đề trong 'Quảng Ngãi' bởi thienansongtra, 05/01/2005.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. HoaPhan

    HoaPhan Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    09/04/2002
    Bài viết:
    1.047
    Đã được thích:
    0
    CHUẨN BỊ ĐƯA 03 NHÀ MÁY TẠI KCN QUẢNG PHÚ ĐI VÀO HOẠT ĐỘNG CHÍNH THỨC ​
    Sau khi được Ban Quản lý các KCN Quảng Ngãi cấp phép đầu tư vào KCN Quảng Phú, các dự án Nhà máy sản xuất bao bì nhựa An Phú của Công ty TNHH Sản xuất và Thương Mại An Phú (tổng vốn đầu tư 8 tỷ, lao động 50 người, công suất 800 tấn sản phẩm/năm); dự án Nhà máy chế biến dược liệu Gia Hòa của Công ty TNHH dược phẩm Hoàng Nguyên (tổng vốn đầu tư 10 tỷ, lao động 50 người, công suất: nấm linh chi và đông dược: 5-6 tấn/năm, nước uống tân dược: 250.000 lít/năm); dự án nhà máy chế biến lâm sản xuất khẩu Tam Nguyên của Xí nghiệp khai thác chế biến lâm sản Tam Nguyên (tổng vốn đầu tư 9,4 tỷ, lao động 400 người, công suất 81 container/năm) đã triển khai thực hiện đầu tư xây, đến nay cơ bản đã xây dựng xong nhà xưởng theo đúng thiết kế, quy hoạch và lắp đặt máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất và đang sản xuất thử. Dự kiến đầu tháng 8/2006 các nhà máy trên sẽ chính thức đi vào hoạt động. Sản phẩm chủ yếu của các nhà máy này là đồ gỗ ngoài trời các loại, đồ gỗ trang trí nội thất cao cấp, bao bì nhựa, các loại đông dược và nước uống tân dược.
    Các dự án trên đi vào hoạt động sẽ góp phần tăng nguồn thu ngân sách, tăng tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh và giải quyết cho nhiều lao động địa phương có công ăn việc làm, thu nhập ổn định.
  2. cuorknia

    cuorknia Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    09/07/2006
    Bài viết:
    419
    Đã được thích:
    0
    CÓ MỘT BÍ THƯ HUYỆN UỶ XIN TỪ CHỨC

    Theo tin từ tỉnh ủy Quảng Ngãi, ông Trần Đình Trọng - bí thư huyện ủy Sơn Hà vừa gửi đơn xin từ chức lên thường trực tỉnh ủy. Lý do từ chức: Sơn Hà là huyện miền núi ở Quảng Ngãi có "tốc độ phá rừng" vào loại kỷ lục.
    Đã có những vụ án phá rừng lớn ở Sơn Hà phải đưa ra pháp luật trong năm 2005. Và mới đây nhất, hàng trăm héc-ta rừng đầu nguồn Thạch Nham đã bị "cạo trụi" để lấy đất trồng... mì. Đoàn công tác đặc biệt của Thường vụ Quốc hội đã vừa vào kiểm tra "tiến độ phá rừng" ở miền tây Quảng Ngãi, trong đó huyện Sơn Hà là một "điểm nóng".
    Chuyện phá rừng ở Sơn Hà thì người Quảng Ngãi ai cũng biết, nhưng lâu nay có quan chức nào ở huyện này và cả ở tỉnh "đột nhiên ân hận" và xin từ chức đâu! Nay thì đã có. Và người xin từ chức là người có chức vụ cao nhất ở huyện Sơn Hà. Ông Trọng dù ở cương vị Bí thư huyện ủy, chỉ đạo đường lối ở tầm "vĩ mô" cho huyện, nhưng có lẽ ông đã quá bức xúc về những cú phá rừng nổi tiếng toàn quốc ở huyện mình, nên đã mạnh dạn xin từ chức. Hoan nghênh quyết định can đảm của ông Trọng. Chuyện "văn hóa từ chức" lâu nay mình hay nói với nhau cũng mới là nói... chơi thôi, chứ ở xứ mình vụ này còn hiếm hơn cả vụ đào được kỳ nam trong rừng!
    Trước nay mới thấy có ông Lê Huy Ngọ - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dám xin từ chức bộ trưởng một cách thẳng thắn, rõ ràng. Còn thì... Nhiều quan chức tuy đã được gợi ý đi gợi ý lại nhiều lần là nên... từ chức, nhưng rốt cuộc cũng chỉ dám nhẹ nhàng xin cái "miễn nhiệm", lại xin lẫn vào những người miễn nhiệm vì lý do tuổi tác, tức là những người không hề dính đến chuyện từ chức. Thế đấy, không phải ai cũng được như ông bí thư huyện Sơn Hà Trần Đình Trọng quê tôi, dù những người kia chuyện "gây hậu quả nghiêm trọng" là chuyện nhãn tiền. Nhưng họ đâu có chịu từ chức, và một khi họ "nói không" với "văn hóa từ chức" thì dù tổ chức cả "lễ hội từ chức" có vinh danh, họ cũng xin đứng ngoài, không tham dự. Bởi một điều đơn giản, người lãnh đạo một khi ngồi vào "ghế" không phải để nhận lãnh một trách nhiệm, không phải để thực thi một lý tưởng, không cả ý thức mình chỉ là người được trao ngọn đuốc trong một cuộc rước đuốc tiếp sức và trường chinh, mà chỉ vì những mục đích cá nhân thực dụng, thì chữ "từ chức" không hề có trong "từ điển" của họ.
    Vụ án Rusalka đang được gấp rút điều tra và đưa ra ánh sáng những quan chức "kinh doanh quyền lực" đứng đầu một tỉnh có nội lực kinh tế lớn như Khánh Hòa là một ví dụ rõ ràng. Một khi kiểu "kinh doanh" này phổ biến rộng rãi và phát đạt, thì cơ hội của những nhà đầu tư chân chính, của những doanh nghiệp làm ăn lương thiện bằng lao động và chất xám của mình sẽ ngày càng teo tóp. Thực ra, rừng của chúng ta lẽ ra không bị phá triệt để đến như hiện nay, nếu không có những quan chức "quyết tâm bán rừng" bằng mọi giá, bằng nhiều kiểu từ thô thiển tới tinh vi. Người ta nói, trong thời gian tại chức bí thư huyện ủy Sơn Hà, ông Trọng chưa có biểu hiện tiêu cực gì. Nếu quả vậy thì lá đơn xin từ chức của ông là biểu hiện của một người lãnh đạo biết tự trọng. Dẫu người khác làm sai, người khác tiêu cực, người khác phá rừng chứ không phải mình, nhưng mình là lãnh đạo của họ trên địa bàn huyện, mình phải chịu trách nhiệm, không thể thoái thác. Chấp nhận đơn từ chức của ông Trọng, tôi nghĩ, tỉnh ủy Quảng Ngãi có một quyết định đúng. Để qua vụ từ chức này, nêu một gương sáng về tinh thần tự chịu trách nhiệm, dám chịu trách nhiệm và dám... từ chức khi không hoàn thành trách nhiệm, cho những quan chức ở bất kỳ cương vị nào.
    Thanh Thảo (Theo Thanh Niên Chủ Nhật)

    Được cuorknia sửa chữa / chuyển vào 08:06 ngày 21/08/2006
  3. cuorknia

    cuorknia Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    09/07/2006
    Bài viết:
    419
    Đã được thích:
    0
    DỰ ÁN THÉP HƠN 1 TỈ USD​
    Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý cho cấp phép đầu tư đối với dự án sản xuất thép tại Khu kinh tế Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi) có qui mô vốn đầu tư hơn 1,03 tỉ USD.
    Dự án do Công ty Tycoons Steel International - có trụ sở tại Thái Lan (là một công ty con của Tycoons Group International Co., Đài Loan - Taiwan Steel) làm chủ đầu tư, dự kiến sẽ đầu tư xây dựng một nhà máy luyện cán thép lò cao.
    Dự án của Tycoons có công suất khoảng 5 triệu tấn phôi thép/năm, chia thành hai giai đoạn. Trong đó giai đoạn 1 (từ 2006- 2009) đầu tư 539 triệu USD, công suất khoảng 2 triệu tấn/năm và giai đoạn 2 (đến 2013) sẽ đầu tư khoảng 500 triệu USD để nâng công suất lên thêm 3 triệu tấn/năm, trong đó 30% sản phẩm sẽ dành cho xuất khẩu.
    X.TOÀN (Tuổi Trẻ)
    Được cuorknia sửa chữa / chuyển vào 07:46 ngày 23/08/2006
  4. levantam20_11

    levantam20_11 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/11/2004
    Bài viết:
    539
    Đã được thích:
    0
    Một thanh niên mới ra tù thi đỗ đại học
    Phạm Anh
    Thế là ủa mình Đỗ Quốc Vương thi đỗ vào đại học năm nay. Cái tin vui lan ra khắp xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Cả xã này chẳng ai dám ngờ, bởi một người như Vương vừa mới ra tù được một năm, hòa nhập cộng đồng đã khó, đi học lại còn khó hơn. Bằng quyết tâm khắc phục lỗi lầm, vượt qua mặc cảm, Vương đã tìm lại con đường sáng cho bản thân mình...
    "Ngày nào tui cũng khóc thầm..."
    Trong gia đình Đỗ Quốc Vương bây giờ, bà Nguyễn Thị Quảng là vui nhất. Mà làm sao không vui cho được, vì đứa con của bà cuối cùng cũng làm mát lòng mát ruột cha mẹ mình. Việc Vương thi đỗ đại học đã bù lại bao nhiêu thời gian bà rơi nước mắt vì con...
    Cách đây 3 năm, vào tối 8/6/2003, bà Nguyễn Thị Quảng nghe tin như sét đánh từ cơ quan chức năng: Thằng con trai của bà tên Đỗ Quốc Vương, sinh ngày 20/3/1984 tham gia vào một vụ đánh người, gây ra án mạng... Nhiều ngày sau, nước mắt cứ chảy dài trên gương mặt nghèo khó của bà Quảng. Lòng bà tan nát: "Làm sao mà không buồn, khi con người ta chuẩn bị đi thi đại học thì con mình chuẩn bị vào tù". Buồn nữa là trước đây, Vương chuyên tâm học hành, luôn đứng đầu lớp, lại ngoan hiền. Thấy vậy, vợ chồng bà Quảng bảo nhau gom góp tiền đi vào Bảo Lộc (Lâm Đồng) mua hai hec-ta đất trồng cà phê làm vốn liếng lo cho Vương ăn học về lâu dài. Không ngờ, thời gian ở xa, không có người thân quan tâm, chỉ bảo nên thằng Vương theo bạn bè xấu và hư dần. Khi học lớp 10 và 11 (ở Trường THPT số 1 Tư Nghĩa), Vương còn đạt học sinh tiên tiến hai năm liền. Nhưng vào năm học 11, cô giáo chủ nhiệm là Nguyễn Thanh Bình phê: Học khá, nhưng chưa cố gắng, thực hiện nội quy cần nghiêm túc hơn. "Cuối năm học lớp 11, thằng Vương về nhà lấy ghế mời tui ngồi và quỳ xuống trước mặt, khoanh tay trước ngực xin lỗi mẹ, hứa là lên 12 sẽ học giỏi hơn. Vậy mà khi lên 12, ai ngờ nó hư, bị trường đuổi học và bất ngờ gây ra tai họa", bà Quảng nhớ lại.
    Giấy báo nhập học của tân sinh viên Đỗ Quốc Vương
    Thời gian Vương bị đuổi học, bà Quảng phải chạy vạy lên xuống trường nhiều lần để xin con mình được học lại nhưng vẫn không được chấp nhận. Xin chuyển trường, cũng không được. Bà đành đưa con mình vào Bảo Lộc để đi học thêm ở các thầy cô giáo trong vùng cho không quên kiến thức. Sau một năm ở Bảo Lộc, Vương về quê và xin vào học lớp 12 tại Trường THPT dân lập Hoàng Văn Thụ, ở thành phố Quảng Ngãi. Khi Vương thi đậu tốt nghiệp 12, bà Quảng nhẹ người, nghĩ với lực học của nó, chắc đậu đại học được. Thế mà, Vương không những không đậu đại học, còn thẳng đường đi vào... trại giam. Bà Quảng xót xa: "Suốt 15 tháng thằng Vương ở tù, hầu như ngày nào tui cũng khóc thầm". Có lẽ buồn phiền nhiều vì con, nên mới 52 tuổi, bà Quảng đã bạc phơ mái đầu như người ở tuổi 70.
    Tìm lại con đường sáng
    Vương bảo, ngoài ba, mẹ thì chính cán bộ quản giáo ở Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Ngãi (ở xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa) là người dạy mình nên người, trỗi dậy ước mơ làm lại cuộc đời. "Hồi mới vào trại giam, em nghĩ: Thế là hết! Nên không chấp hành nội quy của trại, bị xếp vào loại "khó giáo dục", bị kỷ luật như cơm bữa. Trong 15 tháng ở trại giam, có lần em nghe trung tá Nguyễn Thành Tâm bảo: Con người gắn liền với nhân cách, chứ không gắn với sự phạm tội, lỗi lầm. Tiếp theo, lần làm em xúc động nhất và thay đổi hẳn suy nghĩ, cũng là ở trại giam. Năm đó, khi lao động khiêng cây, em bị cây đè dập một ngón. Thế là cán bộ Lực (đại úy Hồ Văn Lực - PV) vội chạy đến và đi tìm lá thuốc, nhai đắp lên vết thương cho em. Từ xưa đến nay, chỉ có ba, mẹ em mới làm như vậy...". Cứ sau mỗi lần như vậy, Vương cải tạo tiến bộ hẳn lên và nhắn về gia đình là xin phép lãnh đạo trại giam cho mang sách, vở vào ôn thi để sau khi ra tù sẽ đi học lại. Nhờ cải tạo tốt và khát vọng hoàn lương luôn cháy bỏng, Vương được tha tù. Tháng 9.2005, Vương ra trại. Việc đầu tiên Vương làm là chạy đi tìm cán bộ Lực, nhưng không tìm thấy; còn việc thứ hai là... khóc!
    ?oVề đến nhà, cũng giống như bao người mới ra tù khác, "em "dị" lắm, vì bao đứa bạn, có đứa đã học đại học, đứa đi làm, có đứa bạn thấy em thì tránh né", Vương bồi hồi nhắc lại. Bà Quảng tiếp lời con: "Tháng 9 năm ngoái, khi mới ra tù, nó về ăn giỗ bên ngoại. Thấy mấy anh em bên ấy ăn giỗ xong là lên chào cô bác để đi học, nó bỏ đũa ra phía sau lau nước mắt và về hẳn ở nhà. Từ đó, nó xin vợ chồng tui cho nó đi luyện thi đại học ở Trường THPT chuyên Lê Khiết, thành phố Quảng Ngãi". Ngày đầu mới đến lớp, do mặc cảm lớn tuổi, lại có một số học sinh biết Vương mới ở tù ra, nên Vương không học mà bỏ về. Thế nhưng, khi về ở nhà thì nghĩ lại, nên hôm sau vào lớp học đàng hoàng. Tiết học đầu tiên trôi qua, Vương nghe cứ như... vịt nghe sấm! Có điều, nhờ giáo viên ôn luyện thi bài bản, nên giúp cho Vương lấy lại dần kiến thức. Vương nói: "Do em học trễ nên phải học gấp 2 - 3 lần để bù lại thời gian trước. Khi không biết là em hỏi, ngay cả lúc làm bài đúng vẫn hỏi lại cho chắc ăn, thậm chí hỏi cả những đứa em bà con đang còn học ở cấp 3 những kiến thức mình quên khuấy đi mất...". Vương tự nhắc mình: "Bây giờ học không phải cho mình, mà còn học cho bố mẹ vui, học bù cho cả những đứa bạn lầm lỗi bây giờ còn đang ở trại giam".
    Bà Quảng kể: "Ngày thằng Vương đi thi về (thi khối A, ở Hội đồng thi Trường Đại học Quy Nhơn), tui hỏi: làm bài được không? Nó nói làm không được, nhưng cái miệng thì cười. Sau nó nói chắc: Con được 21 điểm, mẹ khỏi lo tiền cho con đi thi cao đẳng, chắc đậu đại học rồi. Tui nói: Mày nói dóc! Nó trả lời: Xưa nay con đoán điểm thi của con có sai bao giờ! Tui nghĩ cũng đúng, vì hồi thi tốt nghiệp cấp 3, nó nói được 36 điểm và cuối cùng y như vậy". Tôi hỏi: "Còn lần này thì sao?". Bà Quảng nói nhỏ: "Nó đoán sai, chỉ được 20 điểm (Toán: 6,25; Lý: 6 và Hóa: 7,50), đậu Trường đại học kinh tế Quốc gia Hà Nội" (Trường này liên kết với Đại học Quy Nhơn mở ngành Quản trị doanh nghiệp - ngành mà Đỗ Quốc Vương đã trúng tuyển - PV). Ngày nhận được giấy báo nhập học cũng là buổi tối, tuy nhiên buổi tối cách đây 3 năm, bà Quảng đã khóc ngất, còn tối vừa qua, bà cũng khóc nhưng vì sự mừng vui, hạnh phúc. Khi chia tay tôi, Vương tâm sự: "Trước khi vào học trường đại học, em sẽ tìm cán bộ Lực, có khi cán bộ quên em, nhưng em thì không bao giờ quên được". Nói xong, Vương quay sang ôm mẹ: "Tối nay, mẹ có về bên ngoại không?". Bà Quảng cốc nhẹ đầu con: "*******, lớn rồi còn thích ngủ với mẹ..."
    P.A
    http://www2.thanhnien.com.vn/Thegioitre/2006/8/30/160669.tno
    Xin chia vui cùng gia đình cô Quảng
    Được Levantam20_11 sửa chữa / chuyển vào 22:48 ngày 30/08/2006
  5. detingroup

    detingroup Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    10/07/2006
    Bài viết:
    15
    Đã được thích:
    0
    Quảng Ngãi và Chămpasak hợp tác phát triển kinh tế ​
    Tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Chămpasak của Lào vừa ký biên bản ghi nhớ tăng cường hợp tác phát triển, nhất là trên lĩnh vực kinh tế-xã hội.
    Theo biên bản ghi nhớ, Quảng Ngãi sẽ hỗ trợ tỉnh Chămpasak về kỹ thuật, chuyên gia, cây giống, chuyển giao công nghệ và tập huấn cán bộ kỹ thuật để tỉnh này xây dựng các công trình thủy lợi, kiên cố hóa kênh mương, giao thông nông thôn và phát triển vùng chuyên canh cây đậu đỗ, trồng sắn cao sản, phát triển nghề nuôi cá nước ngọt và xây dựng mô hình vườn cây ăn quả.
    Tỉnh Quảng Ngãi cũng sẽ hỗ trợ Chămpasak xây dựng nhà máy chế biến tinh bột sắn, trồng mía và nhà máy chế biến đường, trồng cỏ và phát triển chăn nuôi bò.
    Bên cạnh đó, Quảng Ngãi sẽ thành lập cơ quan thương mại tại tỉnh Chămpasak, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của hai tỉnh đi khảo sát thị trường và hợp tác trao đổi hàng hóa, đồng thời mở các tour du lịch tuyến Chămpasak đến Quảng Ngãi và các tỉnh miền Trung của Việt Nam.
    Về hợp tác giáo dục, tỉnh Quảng Ngãi đã cử giáo viên tình nguyện sang giảng dạy cho con em cộng đồng người Việt tại Chămpasak và giúp đào tạo nghề cho các lưu học sinh Lào học tại địa phương./.

    Nguồn : TTXVN
  6. detingroup

    detingroup Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    10/07/2006
    Bài viết:
    15
    Đã được thích:
    0
    Quảng Ngãi: dân chưa dời khỏi vùng có nguy cơ sạt lở
    TT - UBND huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) cho biết mùa mưa bão đã cận kề nhưng đến nay nhiều hộ dân ở xã An Vĩnh vẫn chưa chịu di dời khỏi vùng có nguy cơ sạt lở. Trên 60 hộ dân ở xóm Cồn, thôn Tây và xóm Kiều Kiều, thôn Đông, xã An Vĩnh nằm trong vùng nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở cao.
    Mặc dù huyện đã bố trí đất tái định cư dưới chân núi Giếng Tiền (cách vùng sạt lở 1 km), nhưng do một số hộ dân nơi đây đã xây nhà kiên cố, phong tục tập quán ngư nghiệp gắn liền với biển nên họ không chịu di dời đến nơi ở mới.
    Huyện cũng đã nhiều lần kiến nghị với tỉnh, trung ương có phương án đầu tư kè chắn sóng bảo đảm an toàn cho khu vực này, thế nhưng đến nay vẫn chưa được duyệt.
    MINH THU
  7. detingroup

    detingroup Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    10/07/2006
    Bài viết:
    15
    Đã được thích:
    0
    Khói lò gạch bủa vây​
    TT - Hàng ngàn người dân và học sinh ở xã Nghĩa Mỹ, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) đang sống chung với khói bụi ô nhiễm của gần 70 lò sản xuất gạch ngói thải ra suốt ngày đêm.
    Chị Lê Thị Bích Lâm nói xung quanh nhà tới bốn lò gạch nên ngày nào cũng phải đóng cửa nhà và xối rửa, thế nhưng chỉ vài giờ sau là bụi bám lại một lớp dày. Đứa con nhỏ phải gửi nhà ngoại chứ không dám để ở đây. "Đã nhiều lần tui định bỏ đi nơi khác sinh sống, nhưng có ai dám mua nhà mình để đến ở đây đâu", chị Lâm nói. Còn ông Võ Duy Hàng, cán bộ hưu trí ở đội 4, nói: "Cây cối còn khô héo vì bụi khói từ các lò gạch thải ra thì làm sao con người chịu nổi".
    Thầy Lê Tấn Thành - hiệu trưởng Trường tiểu học Nghĩa Mỹ - cho biết trường bị bao vây bởi 10 lò gạch, khói mù trời; những lúc có gió, các lớp học phải đóng cửa để ngăn khói; nhiều lúc phải cho nghỉ học. "Ở trường này không có học sinh và thầy cô nào là không có vấn đề về hô hấp, người thì sổ mũi, người thì tức ngực, khó thở", thầy Thành nói.
    Theo UBND xã Nghĩa Mỹ, đã nhiều lần người dân cũng như lãnh đạo các trường học gửi đơn kiến nghị lên các cấp chính quyền có biện pháp di dời các lò gạch này nhưng vô vọng. Ông Nguyễn Xuân Tâm, trưởng Phòng Tài nguyên và môi trường huyện Tư Nghĩa, nói đến nay vẫn chưa có cách nào giải quyết hiệu quả, bởi lẽ quĩ đất của xã hầu như không còn, nên không thể qui hoạch để chuyển làng nghề gạch ra khỏi khu dân cư; trong khi cũng không thể buộc người dân bỏ nghề.
    Các ông chủ lò gạch và những người làm thuê tại đây đều nói họ biết tác hại rất lớn của các lò gạch, nhưng do nguồn thu nhập từ các lò gạch này khá lớn, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương nên chúng vẫn tồn tại.
    TRÀ MINH (nguồn: Tuoitre.com.vn)
    Được detingroup sửa chữa / chuyển vào 19:04 ngày 12/09/2006
  8. detingroup

    detingroup Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    10/07/2006
    Bài viết:
    15
    Đã được thích:
    0
    QNg8731-TS, chiếc tàu đi mãi không về
    TT - Trong tháng chín này, Tòa án nhân dân huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) sẽ công bố toàn bộ ngư dân trên tàu QNg8731-TS đã chết do rủi ro trên biển, sau hơn một năm sáu tháng...[/br]
    Một năm sáu tháng, nhưng nơi làng quê nghèo ấy (Phổ Quang, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) nhiều người vẫn nuôi hi vọng dù mong manh và vẫn ngóng chờ...
    Những ngôi mộ gió
    Hơn một năm sau khi QNg8731-TS mất tích, ở nghĩa địa của thôn Bàn An, xã Phổ Quang lại có thêm những ngôi mộ gió. Nhìn bề ngoài chẳng ai có thể phân biệt mộ gió và những ngôi mộ khác, nhưng vùi sâu dưới ba tấc đất của ngôi mộ gió chỉ là một hình hài nặn bằng đất sét.
    Bên ngôi mộ gió vừa mới đắp xong, ông Hồ Quang Phụng, có con bị mất tích trên tàu QNg8731-TS, nói: ?oMất người là mất hết, nhưng tui cũng như nhiều bà con vẫn đắp cái mộ cho người thân mát lòng nơi xa khuất...?. Nói rồi ông lấy nén nhang châm lửa. Khói hương quyện tròn bay lên. Tôi nhìn quanh: những ngôi mộ gió hút trong bời bời cát trắng. Đời đi bạn nghèo khó, không có mấy nhà xây được ngôi mộ cứng cáp cho người thân.
    - Trong thời gian qua, UBND huyện Đức Phổ đã trợ cấp mỗi gia đình ngư dân trên tàu Qng8731-TS 100.000đ, Quĩ nhân đạo nghề cá VN trợ cấp 1.000.000đ.
    - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trương Ngọc Nhi cho biết tỉnh sẽ thành lập quĩ hỗ trợ nhân đạo địa phương để hỗ trợ kịp thời cho thân nhân người bị nạn. Khi tòa án công bố số ngư dân đã chết, tỉnh sẽ giải quyết cho gia đình theo chế độ người bị chết do thiên tai, bão lũ...

    Những tia hi vọng mong manh
    Tôi theo ông Phụng về nhà. Trên đường đi ông hỏi: ?oNghe nói năm ngoái ở ngoài Đà Nẵng có người đi biển bị mất tích, dạt đâu qua Trung Quốc, Đài Loan gì đó mấy năm mới về, phải không chú??. Tôi chưa kịp trả lời thì ông lại buồn buồn lắc đầu: ?oMà làm gì có, phương tiện thông tin hiện đại quá trời, ai may mắn thoát chết là người ta báo ngay, chứ làm sao mà không ai biết...?.
    Trong ngôi nhà nhỏ cạnh nhà ông Phụng, gia đình ông Phùng Văn Cảnh cũng từng bao lần bùng lên hi vọng, rồi rơi xuống tuyệt vọng, ủ ê. Ông Cảnh quê ở Tân Nghĩa, huyện Ba Vì (Hà Tây), đi bộ đội rồi phục viên về quê vợ, sinh được ba con gái và một con trai là Phùng Văn Vũ. Vũ cưới vợ tròn hai năm thì mất tích.
    Một năm sau, ông Cảnh lập bàn thờ và đắp mộ gió cho con. Hôm đắp mộ, lập bàn thờ, bà Phát, vợ ông, nhất quyết không chịu cho chôn quần áo của con vì hình như trong sâu thẳm bà vẫn còn chút hi vọng. Bà nói: ?oCái thằng hiền như đất. Có vợ rồi mà chưa thành người lớn. Chuyến nào về nó cũng nhào vô ôm mẹ. Người như nó làm sao mà chết được...?.
    Chúng tôi lội qua trảng cát dài tìm đến nhà bà Huỳnh Thị Liên. Từ trong ngôi nhà nhỏ vọng ra tiếng hát ru: ?o...Quay tơ thì giữ mối tơ, dù năm bảy mối cũng chờ mối anh?. Bà con trong xóm nói: ?oCon Loan đó, chồng đi biển mất tích. Giờ mới 22 tuổi mà đã thành thiếu phụ một nách hai con?.
    Hỏi chuyện, bà Huỳnh Thị Liên, mẹ chồng Loan, bỗng không cầm được nước mắt: ?oTừ khi chồng nó không về nó cứ hát hoài câu đó. Nhiều lần tui bảo đừng hát nữa, nó ?odạ? nhưng rồi lại hát, rầu thúi ruột?. Bà đưa tay chỉ lên bàn thờ: hai di ảnh, một già một trẻ, rồi chỉ xuống tấm hình của con trai trong ngày cưới, bà cười mà nước mắt cứ rơi...
    Kể từ khi QNg8731-TS bị nạn, không biết bao nhiêu lần bà con tìm đến bộ đội biên phòng, đến Đài thông tin duyên hải miền Trung... Nhiều bà con lặn lội vào Qui Nhơn tìm đến Trạm kiểm soát biên phòng Mũi Tấn, đến Ban chỉ huy đồn biên phòng cửa khẩu cảng Qui Nhơn, nơi con tàu xuất phát... Mỗi khi nghe tin ở đâu đó có ngư dân bị nạn may mắn thoát chết trở về là cả làng lại nhen nhúm hi vọng, bàn chuyện liên hệ, đợi chờ.
    Ngư dân Trương Năm, người đầu tiên phát hiện con tàu mất tích, nói: ?oCả năm qua, cứ mỗi lần đi ngang vùng Chồ Ba Ke, nơi con tàu bị nạn, thuộc vùng biển quần đảo Trường Sa, chúng tôi đều cho tàu chạy chậm lại, mấy anh châm những điếu thuốc ném xuống biển vái lạy thầm thì. Có anh lại lặng im nhìn quanh nói biết đâu hồi bị nạn có chiếc tàu nào đó của nước ngoài cứu đưa về thì sao...?.
    Hồi tháng năm, Cà Mau có thông tin tìm thấy thi thể của bốn ngư dân trôi dạt, thế là làng chài lại nhôn nhao. Nhiều bà lại nói: ?oBiết đâu...?, rồi chạy mượn tiền mượn bạc để vào Cà Mau, dù ai cũng biết nơi con tàu bị nạn cách rất xa vùng biển Cà Mau. Nhiều người xót xa nói: ?oPhải chi mình tìm được xác người thân, là hết. Còn mất tích thì khó lòng quên được. Cứ nghe có ngư dân nào đi biển gặp nạn sống sót trở về là cả làng bừng dậy niềm tin...?.
    Ngày 20-2-2005, chiếc tàu QNg8731-TS công suất 80CV hành nghề câu mực do Trương Thanh Hưng ở xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) làm thuyền trưởng rời cảng Qui Nhơn nhằm hướng quần đảo Trường Sa. Mười ba ngày sau đó, trong cơn lốc biển chiếc tàu cùng 20 ngư dân đã hoàn toàn bị mất liên lạc...

    Chút tình làng xóm cưu mang
    Ai cũng khó, như vợ chồng bà Nguyễn Thị Mai vừa mất tàu vừa mất hai đứa con nên bây giờ một người bị tai biến, một người rơi vào cảnh nhớ nhớ quên quên. Cô con dâu Huỳnh Thị Kim Loan vừa mở quán bán hàng vừa nhận vá lưới thuê để nuôi ba đứa con.
    Như chị Huỳnh Thị Vương từ ngày chồng là Nguyễn Văn Nam bị mất tích đã gửi ba đứa con nhỏ cho mẹ chồng rồi ra bến mua cá gánh đi bán... Song khó nhất có lẽ là gia đình bà Huỳnh Thị Liên. Từ ngày cả chồng, con trai và con rể không về, nhà không còn đàn ông nữa.
    Cô con gái Trương Thị Thu Thúy đã gửi hai đứa con cho mẹ rồi vào Sài Gòn làm thuê. Làm chưa được đồng nào thì chị ngã bệnh. Bà Liên đưa cho chúng tôi xem nhiều bức thư đầy nước mắt của chị gửi về: ?o...mẹ gắng nuôi mấy đứa giúp con rồi cũng có ngày con kiếm được tiền...?.
    Ở quê nhà, bà cùng đứa con dâu quần quật vá lưới thuê nhưng vẫn không đủ tiền đong gạo nuôi năm đứa cháu. Nhiều ngư dân sau lèo biển trở về là tạt ngang nhà bà cho năm, ba chục ngàn để bà mua mắm, mua gạo. Bà nói: ?oMẹ con, bà cháu tui bây giờ có bát cơm no cũng nhờ chút tình của chòm xóm cưu mang...?.
    VÕ QUÍ CẦU (tuoitre.com.vn)
  9. detingroup

    detingroup Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    10/07/2006
    Bài viết:
    15
    Đã được thích:
    0
    Hành Phước: Nguy cơ trẻ em lang thang đã đến mức báo động
    (12/09/2006)

    Hành Phước là một trong những địa phương nghèo của huyện Nghĩa Hành có số trẻ em bỏ học vào Nam kiếm sống khá cao (148 em) và đại đa số các em đều rơi vào những gia đình nghèo ở các thôn: Vinh Thọ, Hòa Sơn, Đề An... Để ngăn chặn tình trạng này, chính quyền địa phương và các ngành chức năng của huyện đã có nhiều giải pháp nhằm vận động các em về quê đi học trở lại. Thế nhưng, tình trạng trẻ em nghỉ học, vào Nam kiếm sống vẫn tiếp diễn.
    Nỗi lo trẻ em bỏ học
    Theo thống kê thì Hành Phước là một trong những địa phương đứng đầu huyện về số trẻ em vào Nam kiếm sống, trẻ em có nguy cơ lang thang, trong đó tập trung ở thôn Đề An (36 em), Hòa Sơn (20 em), thôn Hòa Mỹ (22 em)... Nhiều gia đình có từ 2 - 3 con bỏ học để vào Nam. Trước thực trạng trên, chính quyền và các đoàn thể đã vận động các gia đình đưa con em về đi học. Nhưng tình trạng trẻ em bỏ học, vẫn không giảm. Trong số này nhiều em bị kẻ xấu rủ rê, lôi kéo, nhưng cũng có một số em vì gia đình quá nghèo, phải nghỉ học để kiếm sống...
    Ông Phạm Công Chín (thôn Hòa Sơn), ông nội của em Phạm Công Danh - học sinh lớp 6, kể: Bố mẹ Danh ly dị, Danh về ở với chúng tôi được một thời gian thì bị kẻ xấu rủ vào Nam, tôi vào đón Danh về cho đi học tiếp, nhưng nó luôn có ý định bỏ học để vào Nam kiếm sống. Còn chị Võ Thị Toại, (thôn Vinh Thọ) tâm sự: Gia đình có bốn đứa, thì hai đứa bỏ học vào Nam, một đứa đi bán vé số trong hè, còn một đứa... cũng phải cho nó nghỉ thôi. Trong bốn đứa, Đạo và Trang đã bỏ nhà đi được gần một năm rồi, nay chúng tôi cũng không biết hai đứa đang ở đâu và làm gì. Chính quyền bảo kêu chúng nó về đi học, nhưng tôi biết kiếm nó ở đâu, chúng có về thì lấy gì cho nó ăn học, khi sáu miệng ăn chỉ trông vào 2 sào lúa bấp bênh?
    Chị Lê Thị Biên (thôn Hoà Vinh) cùng con gái đi bán vé số trong Nam cũng bộc bạch: Cực chẳng đã tôi mới đem con vào đây cùng bán vé số, với mong ước kiếm chút tiền về trả nợ. Nhưng nhìn thấy tụi trẻ vào Nam kiếm sống rất nguy hiểm, nên tôi không dám để con tôi đi bán một mình. Mẹ con tôi muốn ở nhà lắm nhưng cuộc sống khó khăn, đất ít, việc làm không có, nên mẹ con đành bồng bế nhau mà đi. Tuy biết đi như thế này là rất cực.
    Làm gì để giữ chân các em?
    Trao đổi vấn đề này với ông Trần Nghiệp-Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng Ban quản lý dự án hỗ trợ trẻ em lang thang, hồi gia và trẻ em có nguy cơ lang thang của Hành Phước, chúng tôi được biết: Tình trạng trẻ em vào Nam kiếm sống ở xã diễn ra từ lâu và đã có vài chục em nghỉ học vào Nam kiếm sống. Trong đó có nhiều trường hợp chỉ tranh thủ đi trong hè, còn lại là nghỉ học hẳn. Chính vì vậy mà việc vận động các em ở lại địa phương đi học rất khó khăn. Tuy vậy, xã cũng đã vận động các gia đình đưa trẻ về nhà đi học; đồng thời liên hệ với các tỉnh bạn như TP.HCM, Bình Dương, Vũng Tàu... giúp đỡ đưa 13 em hồi gia. Khi các cháu về, địa phương đã có một số chính sách hỗ trợ 150.000đ trong 3 tháng, miễn, giảm tiền xây dựng trường, các khoản đóng góp; đồng thời tạo điều kiện cho gia đình các em vay vốn đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế... Tuy nhiên, số em được vận động ở nhà lại chưa thấm vào đâu so với số trẻ tiếp tục bỏ đi, số em có nguy cơ lang thang. Trong đó có nhiều em được vận động hồi gia đã bỏ vào Nam kiếm sống. Để giữ chân được các em, chúng tôi rất mong các cấp hỗ trợ hơn nữa, còn chỉ một mình xã và khoản hỗ trợ của dự án kia thì cũng chưa thể khẳng định hiệu quả giữ chân các em được.
    Bá Sơn (báo Qngãi)

  10. cuorknia

    cuorknia Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    09/07/2006
    Bài viết:
    419
    Đã được thích:
    0
    BIẾN DỰ ÁN THÀNH NƠI HÒ HẸN TÌNH YÊU​
    Hơn 20ha đất của quy hoạch khu dân cư làng cá mới Sa Huỳnh được người dân gọi là "Khu đất 3 trong 1". Ngoài ý nghĩa là một "dự án" thì khu đất đó đang "phát huy tác dụng": Là bãi rác vào ban ngày và điểm hẹn hò vào ban đêm.

    Nằm trên địa bàn 2 xã Nghĩa Chánh và Nghĩa Dõng, TP Quảng Ngãi, cụm công nghiệp Thiên Bút được UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt qui hoạch chi tiết vào tháng 9/2004 và BQL các dự án Đầu tư và Xây dựng TP Quảng Ngãi là đơn vị được giao trách nhiệm làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô diện tích giai đoạn I là 25ha, giai đoạn 2 sẽ mở rộng lên 50ha, với dự kiến sẽ phát triển các ngành công nghiệp sạch, ít ô nhiễm như: Điện, điện tử, thủ công mỹ nghệ, sản xuất hàng dệt và may mặc...
    Từ vướng đền bù
    Đến tháng 12/2005 thì phương án và dự toán bồi thường, hỗ trợ tái định cư và giải phóng mặt bằng của dự án này được tỉnh phê duyệt, với tổng kinh phí trên 6 tỉ đồng. Mặc dù nguồn vốn đã bố trí xong, thế nhưng dự án thì vẫn không thể triển khai được vì vướng đền bù giải tỏa.
    Nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án, tháng 2/2006, UBND TP Quảng Ngãi đã có văn bản chỉ đạo chuyển giao dự án này lại cho BQL các cụm công nghiệp TP Quảng Ngãi làm chủ đầu tư. Ngỡ rằng khi có "chủ mới", dự án sẽ được triển khai nhanh hơn, nhưng đến nay thì vẫn chỉ là "rượu mới bình cũ".
    Theo lý giải của ông Võ Quang, Giám đốc BQL các cụm công nghiệp TP thì: Lẽ ra trước khi bàn giao theo yêu cầu của UBND TP, chủ đầu tư cũ là BQL các dự án ĐT&XD TP phải hoàn thành việc chi trả tiền đền bù cho 200 hộ dân và một tổ chức nằm trong vùng quy hoạch dự án bằng nguồn vốn đã được bố trí, nhưng đơn vị này không thực hiện xong. Vì vậy không thể trách chúng tôi làm chậm.
    Còn về phía người dân thì yêu cầu: Phải được chi trả tiền hỗ trợ đất nông nghiệp bị thu hồi là 30% như một số dự án khác, không chấp nhận mức hỗ trợ 20.000 đồng/m2 theo văn bản kết luận của UBND tỉnh tại cuộc họp vào tháng 5/2006. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến dự án kéo dài gần 2 năm qua mà không biết đến bao giờ vướng mắc này mới giải quyết xong.
    Đến "ôm con đem bỏ giữa chợ"
    Dự án Quy hoạch phân lô khu dân cư làng cá mới Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ được phê duyệt lần đầu tiên vào năm 1997, nhằm phục vụ công tác dãn dân ở địa phương, có quy mô diện tích là 26,5ha. Chị Trần Thị Tùng (39 tuổi), bộc bạch: Ở một nơi mà đất chật, người đông như Sa Huỳnh thì dù có tiền muốn tìm một nơi ở thuận tiện cũng không phải là chuyện dễ, nhất là vị trí khá thuận lợi như khu quy hoạch.
    Ngày lại ngày nối tiếp trôi qua, mặc cho người dân ngóng chờ, trông đợi, nhưng dự án vẫn triển khai với tốc độ "rùa" do vướng đền bù giải tỏa. Đến năm 2003, một lần nữa dự án này lại được chính quyền và ngành chức năng Đức Phổ trình lên cấp trên xin điều chỉnh, với quy mô giảm xuống còn 20,6ha.
    Ông Trần Thanh Phong (68 tuổi), ở thôn Thạch By nói: Còn nhớ hồi mới cưới vợ cho đứa con trai đầu, nghe sắp xây khu dân cư, tôi định góp tiền mua cho nó một lô để làm nhà. Bây giờ con nó đã vào lớp 1 mà đã thấy động tĩnh gì đâu.
    Ông Nguyễn Văn Thức, Giám đốc Ban quản lý các dự án đầu tư và xây dựng Đức Phổ cho biết: Việc xác định diện tích cụ thể của từng người trong khu vực dự án chưa được chặt chẽ, quá trình bàn giao giữa các đơn vị quản lý với nhau kéo dài. Hầu hết số người dân không có đầy đủ giấy tờ theo quy định của pháp luật để chứng minh quyền sở hữu của mình đối với số diện tích đất mà họ đã kê khai, vì vậy việc đền bù rất khó. Mặt khác chưa có sự thống nhất giữa người dân có đất trong khu quy hoạch và đơn vị chủ dự án về số diện tích mà họ sẽ được qui đổi đất sau khi quy hoạch.
    Đã gần 10 năm bị bỏ hoang, hơn 20ha đất của quy hoạch khu dân cư làng cá mới Sa Huỳnh giờ đã mọc đầy cỏ dại. Hệ thống thoát nước đang làm dang dở hôm nào nhiều nơi đã xuống cấp, bị đất lấp đầy. Thấy đất bỏ trống lâu ngày, người dân địa phương đã tận dụng làm bãi đổ rác, khu vệ sinh công cộng. Còn ban đêm nơi đây trở thành chốn hẹn hò lí tưởng cho những cặp tình nhân, vì thế người ta còn gọi đây là "Khu đất 3 trong 1".
    Công Nguyễn (Theo CAND)

Chia sẻ trang này