1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Tình hình Palestine và dải Gaza hiện nay.

Chủ đề trong 'Kỹ thuật quân sự nước ngoài' bởi grandfatherofvtnvna, 09/07/2014.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. beta22

    beta22 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    25/05/2014
    Bài viết:
    720
    Đã được thích:
    1.120
    Nữ chính trị gia Israel kêu gọi: Hãy giết hết đàn bà Palestina!


    [​IMG]
    Aylet Shaked
    Bà Aylet Shaked, thành viên cơ quan lập pháp, cựu nghị viên Israel đã ra lời tuyên bố, gọi tất cả người Palestina là khủng bố và yêu cầu hãy giết hết những bà mẹ Palestina. Trên tờ Al-Sabah trích lại lời kêu gọi của bà gửi tới thành viên cao cấp của đảng dân tộc, ông Habeyit Hayehudi rằng cần phải tiêu diệt hết phụ nữ người Palestina.
    "Họ sinh ra và nuôi những con rắn độc ác. Những bà mẹ Palestina xứng đáng chết hết đi và phải hủy hết nhà của họ để họ từ nay không thể sinh ra kẻ khủng bố nào khác."
    Trong cuộc họp báo tường trình sau đó bà vẫn tiếp tục tuyên bố "Tất cả người Palestina là kẻ thù và cần phải giết hết, trong đó có cả những người mẹ của những kẻ khủng bố mà Israel đã tiêu diệt."

    Nguồn: Đài Iran
    Nguồn: http://karelphung.blogspot.com/2014/07/nu-chinh-tri-gia-israel-keu-goi-hay.html
    grandfatherofvtnvna thích bài này.
  2. hunterxmn

    hunterxmn Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    29/12/2006
    Bài viết:
    476
    Đã được thích:
    1.100
    Đã lấy xe tăng đánh hạng chiến thì phải có thiệt hại thôi, ở đây là bài toán cân đo giữa thiệt hại bỏ ra vs hiệu quả đạt được.
    Không phải nước nào cũng có đủ thời gian và hoả lực như nước Nga để bao trọn cả thành phố sau đó san bằng nó rồi mới đưa tăng vào. Việc bọn Nga thổi tung cả Grozny cũng ko hoàn toàn là chiến thuật đâu, nó bao gồm cả sự phẫn nộ báo thù cũng như dằn mặt làm gương nữa. :D
    engkhoihk111333 thích bài này.
  3. CaoAnhTuan

    CaoAnhTuan Thành viên gắn bó với ttvnol.com Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    16/04/2014
    Bài viết:
    401
    Đã được thích:
    337
    Hiện này các loại vũ khí chống tăng cực kỳ phát triển. Các nhà phát triển tăng luôn chạy theo vũ khí chống tăng để hoàn thiện lớp giáp bảo vệ cho tăng. Nhưng như thế vẫn chưa đủ để bảo vệ an toàn 100% xe tăng. Vì vậy thiệt hại tăng là chuyện bt.
    Khi con người còn phải trực tiếp cầm súng, thì tăng thiết giáp là lực lượng không thể thiếu trong chiến tranh. Đánh nội thành mà không có tăng và tùng thiết xung kích pháo yểm (không yểm) chiếm trận địa, thì chẳng có chiến thuật gì khác ngoài bom ngu, phi pháo giã nát tương.
  4. grandfatherofvtnvna

    grandfatherofvtnvna Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    27/05/2014
    Bài viết:
    128
    Đã được thích:
    703
    Số người chết ở gaza.
    633 Martyrs:
    162 Children
    66 Women
    35 Elder

    4,030 Injured:
    1225 Children
    729 Women
    161 Elder

    Danh sách những người chết treo lên ở lebanon

    [​IMG]
    bunny121, hk111333, nikkori2 người khác thích bài này.
  5. nikkori

    nikkori Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2012
    Bài viết:
    465
    Đã được thích:
    213
    Mình đề xuất Mẽo cắt (bán/cho) cho Ít xà 1 mảnh đất cho cả nước dọn sang, thế là đỡ nhức đầu
  6. nikkori

    nikkori Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2012
    Bài viết:
    465
    Đã được thích:
    213
    Nếu thật vậy thì cực đoan quá.
    Tìm đất mà dọn cả nước đi thôi Ít xà
    mua một hòn đảo nảo đó cũng được mà
  7. ChimEnMuaDong

    ChimEnMuaDong Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    08/11/2012
    Bài viết:
    278
    Đã được thích:
    53
    Vì lý do Tôn Giáo, cho nên điều đó là Không thể
  8. ChimEnMuaDong

    ChimEnMuaDong Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    08/11/2012
    Bài viết:
    278
    Đã được thích:
    53
    Jerusalem - Khí thiêng tôn giáo

    Nếu được hỏi nơi nào đó trên Trái Đất này tụ hội đậm đặc nhất chất linh thiêng và thánh khí tôn giáo thì tôi sẽ bảo đó chính là Jerusalem.


    Kỳ 9

    Tác giả Phương Mai đang trên một chuyến hành trình để viết sách mang tên “Con đường Hồi giáo”. Chuyến đi bắt đầu ở Saudi, nơi Hồi giáo khởi phát, sau đó theo chân các chiến binh Hồi giáo tỏa sang châu Phi đến Ma Rốc, và châu Á đến Ấn Độ. Các chiến binh Hồi giáo chiếm được thành phố nào thì tác giả sẽ đến đúng thành phố ấy. Đây là dải đất hùng vĩ của nền văn minh Hồi giáo thời kỳ cực thịnh. Mời các bạn theo dõi nhật ký chuyến đi trên Đẹp hàng tháng, phần một “Khởi đầu gian nan” bắt đầu khởi đăng từ số tháng 2/2012.
    [​IMG]

    Các đơn vị có kế hoạch cộng tác hoặc có nhu cầu tài trợ kinh phí, công cụ tác nghiệp cho chuyến đi xin liên hệ với tác giả qua địa chỉ:
    EMAIL dr.nguyenphuongmai@gmail.com

    Bạn có thể cập nhật các bài viết và theo dõi chuyến du hành hiện nay của Phương Mai ở Trung Đông tại:

    BLOG www.culturemove.com
    FACEBOOK www.facebook.com/dr.nguyenphuongmai
    TWITTER www.twitter.com/thequest2quest


    Hầu như từ bất kỳ ô cửa sổ nào ở Jerusalem, phóng tầm mắt ra xa bạn cũng có thể bắt gặp những tháp chuông nhà thờ Thiên Chúa với hình thánh giá, xen lẫn những vòng cung hình trăng lưỡi liềm trên đỉnh tháp gọi cầu kinh của các thánh đường Hồi giáo, và dưới thấp một chút là lúp xúp các mái vòm hình trứng của thánh đường Do Thái giáo.


    Chỉ trong vòng 0,9km2, Jerusalem nắm gọn trong tay những địa chỉ hành hương quan trọng bậc nhất của ba tôn giáo độc thần lớn nhất thế giới, ba anh em cùng cha mẹ và cũng là ba kẻ thù lớn nhất của nhau. Cả ba tôn giáo bản chất là cùng một nguồn gốc, đều xác nhận Abraham là ông tổ, vì thế tên chung của họ là tôn giáo Abrahamic. Và quan trọng nhất, ba tôn giáo này bác bỏ việc thờ cúng đa thần, tức là hầu như toàn bộ các tôn giáo còn lại của thế giới như thần đạo Hy Lạp, Roma, Hindu, Sikh, Phật giáo, Lão giáo, Khổng giáo và Shinto giáo. Họ xác nhận chỉ có một và duy nhất một đấng tạo hóa trên đời đó là Đức Chúa Trời toàn năng: "God", hoặc phiên âm theo tiếng Ả Rập là Allah. Vì thế còn gọi là ba tôn giáo độc thần.
    Bức tường Than Khóc

    Theo kinh Cựu Ước của người Do Thái, cách đây 3000 năm tại Jerusalem, vua David lập nên Vương quốc Israel. Con trai của người là vua Solomon xây một Đền Thờ Thiêng hùng vĩ nơi cất giữ bản “10 điều răn của Chúa” nổi tiếng. Cũng ở vị trí Đền Thờ Thiêng này là Tảng Đá Nền (Foundation Stone) nơi Chúa bắt đầu công việc tạo dựng nên Trái Đất, nơi Chúa vun đất nặn nên Adam ông tổ của loài người, và cũng là nơi Chúa thử lòng sùng đạo của Abraham bằng cách yêu cầu ông hiến dâng mạng sống của chính con trai mình.

    [​IMG]

    Thánh đường Đá lộng lẫy của người Hồi trên nền Đền Thờ Thiêng.

    Người Do Thái dựng nước chưa được bao lâu thì liên tục bị xâm chiếm bởi hết đế quốc này đến đế quốc khác. Người dân bắt đầu cuộc lưu lạc kéo dài hàng nghìn năm. Đền Thờ Thiêng hết bị người Babylon tàn phá rồi lại bị đế chế Roma đốt trụi. Tất cả những gì còn lại của chốn linh thiêng nhất trong tôn giáo Do Thái là một mẩu bé xíu của bức tường khổng lồ vốn được xây bao quanh để bảo vệ cho Đền Thờ Thiêng và một phần của Tảng Đá Nền. Người Do Thái ở Jerusalem cứ mỗi chiều tối thứ bảy là tập trung dưới chân bức tường vừa đọc kinh Cựu Ước, vừa dập đầu than khóc.

    [​IMG]

    Phía bên trái ảnh là Thánh đường Đá dát vàng của người Hồi xây trên nền móng Đền Thờ Thiêng. Bức tường Than Khóc từng bao quanh Đền Thờ Thiêng giờ trở thành nơi hàng ngàn người Do Thái tới dập đầu tuôn lệ.

    Tôi tìm đến Wailing Wall (Bức tường Than Khóc) đúng vào một buổi chạng vạng cuối tuần như thế. Từ trên một góc phố cổ nhìn xuống, bức tường được chiếu sáng rực rỡ. Phía dưới chân tường, mặt đất đen thẫm lại bởi màu áo của hàng ngàn người dân Jerusalem. Tôi theo chân những người phụ nữ tiến lại gần chân tường, chọn một góc thật sâu thật khuất và lặng lẽ để mình chìm đuối trong tiếng khóc, tiếng cầu kinh, tiếng than thân thống thiết. Thật khó có thể tưởng tượng người Do Thái đã than khóc vật vã như thế suốt hơn 2000 năm qua. Đó là một nỗi đau được truyền từ đời này sang đời khác, không có cơ hội hàn gắn, sẻ chia và lãng quên.

    Có những thời kỳ người Do Thái thậm chí còn không được bén mảng đến gần Jerusalem nếu không muốn khép vào tội chết. Mỗi năm một lần, vài vị vua của đế chế cầm quyền Roma hào phóng ban tặng cho họ một ngày được đặt chân vào thành Jerusalem, đến gần bức tường, và cũng chỉ đủ thời gian để mà than khóc cho một đất nước tan tác, một tôn giáo bị vùi dập, một chốn thiêng liêng của linh hồn dân tộc đã bị đốt thành tro tàn chẳng còn mấy dấu vết.

    [​IMG]

    Thánh đường Thiên Chúa và tảng đá nơi thi thể Jesus được đặt xuống khâm liệm.

    Con đường Sầu Thương

    Sau khi Do Thái giáo ra đời được khoảng 1000 năm, Jerusalem lúc đó bị đô hộ bởi người Roma. Vào một buổi sáng mùa xuân năm 30, một người Do Thái trẻ tuổi tên là Jesus tiến vào thành Jerusalem trên lưng một con lừa. Quần chúng tiếp đón ông nồng nhiệt. Vì kinh Cựu Ước của người Do Thái nói rằng một messiah, người được chọn lựa, đức vua tương lai của Israel sẽ xuất hiện một cách khiêm nhường trên lưng lừa. Ai cũng hào hứng và hy vọng.


    Mỗi ngày mới, hàng trăm người lại tụ hợp nghe Jesus nói chuyện, ngay chính tại Đền Thờ Thiêng Do Thái khi đó vẫn còn chưa bị chính quyền thống trị Roma thiêu hủy. Nhưng vì những điều Jesus nói trực tiếp đối đầu với quyền lực của tầng lớp đô hộ Roma, chỉ chừng một tuần sau, Jesus bị chính quyền Roma đóng đinh thập giá. Sau khi Jesus chết, đại bộ phận người Do Thái không còn tin ông là messiah nữa. Đơn giản bởi vì Jesus không hoàn thành sứ mạng của một messiah, tức là đưa toàn bộ dân Do Thái biệt xứ trở về Jerusalem, đánh đuổi chính quyền đô hộ Roma, và đem đến hòa bình cho toàn nhân loại.
    Suốt những thế kỷ thăng trầm sau đó, những người Do Thái tin vào Jesus và sự bất diệt của ông dần dần tách ra khỏi tôn giáo gốc và hình thành Thiên Chúa giáo, nối thêm kinh Tân Ước vào Kinh Cựu Ước của người Do Thái. Suốt trong 2000 năm sau đó, Jerusalem trở thành điểm hành hương quan trọng nhất của các tín đồ Thiên Chúa.
    Con đường Sầu Thương (Via Dolorosa) đánh dấu 600m của máu và đau đớn bắt đầu từ cổng Sư Tử. 14 điểm dừng kể lại tấn bi kịch được tương truyền là cao quý nhất trong lịch sử tôn giáo độc thần. Vào thời điểm "The Passion of Christ" của Mel Gibson mới công chiếu, tôi còn nhớ mình đã kéo bạn bè tò mò đi xem và… nhắm tịt mắt gần như suốt cả bộ phim: khi Jesus bị xích sắt quật nát thân thể, khi người bị mão gai ghim vào đầu tóe máu, khi người vác thập giá lết qua Via Dolorosa và ngã gục vì đòn roi tra tấn, khi chiếc đinh đóng phập qua xương bàn tay găm vào thập giá. Máu! Máu! Và máu!
    Điểm dừng cuối cùng của Via Dolorosa là thánh đường Sepulchre, cũng có nghĩa là thánh đường Lăng Mộ. Nơi đây 2000 năm trước là ngọn đồi nơi thánh giá được dựng lên, Jesus bị đóng đinh, hạ xuống chôn cất, và ba ngày sau sống lại (phục sinh). 2000 năm sau, Holy Sepulchre đông nghịt tín đồ từ khắp nơi trên thế giới. Họ quỳ hôn tấm đá nơi thi thể Jesus được hạ xuống từ thập giá. Họ xếp hàng vài tiếng đồng hồ, nhích từng centimet để được đến gần hầm mộ Chúa. Ban thờ được trang hoàng lộng lẫy nhất là nơi thập giá cắm xuống, tương truyền cũng là nơi chiếc đầu của Adam - ông tổ loài người được chôn cất.

    [​IMG]

    Những con đường 3000 năm tuổi của thành Jerusalem.

    [​IMG]

    Chuyến bay đêm lên Thiên Đường

    [​IMG]

    Ở Jerusalem, mỗi hòn đá là một câu chuyện Kinh Thánh, mỗi người dân là một tín đồ sẵn lòng tử vì đạo, mỗi ngọn gió tràn qua cũng có mùi thánh thần, một lời nói bâng quơ cũng có thể trở thành điều tiên tri chờ ngày ứng nghiệm.

    Do Thái giáo tồn tại được khoảng 1600 năm, Thiên Chúa giáo tồn tại được khoảng 600 năm, thì tôn giáo độc thần thứ ba ra đời từ trong lòng sa mạc sâu thẳm của bán đảo Ả Rập, cách Jerusalem khoảng 7 ngày đường bằng lạc đà. Chàng Mohammed trẻ trung nhận lời cầu hôn của một góa phụ giàu có hơn chàng đến 15 tuổi. Họ sống với nhau khoảng 20 năm hạnh phúc cho tới khi người vợ qua đời và Mohammed mới chỉ bắt đầu những bước đầu tiên truyền bá về một tôn giáo có tên là Người tuân lệnh (Islam).
    Islam Hồi giáo ghi nhận hầu như tất cả những nhân vật trong kinh Cựu Ước và Tân Ước, kể cả Jesus, coi họ như những nhà tiên tri mà Chúa gửi xuống mang thông điệp cho loài người. Tuy nhiên, Mohammed tự xưng là nhà tiên tri cuối cùng của Chúa, và giới thiệu cho nhân loại Koran – cuốn kinh Thánh bằng tiếng Ả Rập được ông nhấn mạnh là thông điệp gốc của Chúa, không hề bị thay đổi hay biến hóa trong quá trình được con người truyền bá như kinh Cựu Ước và Tân Ước.
    Trong vòng hơn một năm đầu tiên của Hồi giáo, các tín đồ được Mohammed hướng dẫn quay về Jerusalem mỗi lần cầu nguyện. Nhiều học giả cho rằng Mohammed muốn thúc đẩy quá trình cải đạo của cộng đồng Do Thái tại Mecca nên lấy Jerusalem - hướng cầu nguyện của người Do Thái luôn thể làm hướng cầu nguyện cho Hồi giáo. Tuy nhiên, chỉ hơn một năm sau, Mohammed tuyên bố Chúa Trời gửi thông điệp cho tín đồ Hồi giáo chuyển hướng cầu nguyện sang Mecca, nơi Mohammed được giác ngộ.
    Theo kinh Koran, một ngày kia, Mohammed được Chúa đưa lên thăm Thiên Đàng. Chuyến bay từ Mecca lên chín tầng trời có điểm dừng tại một thánh đường có tên là Al- Aqsa (Thánh đường Viễn Xứ). Nhiều năm sau khi Mohammed đã qua đời, các học giả Hồi giáo tranh luận khốc liệt để xem liệu Thánh đường Viễn Xứ có phải là ở Jerusalem và thành phố này có phải là nơi nhà tiên tri dừng chân trong chuyến viếng thăm thiên đường ngắn ngủi? Tên thành phố Jerusalem thậm chí còn không được nhắc đến dù chỉ một lần trong kinh Koran.
    Tuy nhiên, sự thể được quyết định khi một cựu tín đồ Do Thái đã cải đạo sang thành người Hồi quả quyết rằng Mohammed đã cất cánh lên Thiên Đàng từ chính Tảng Đá Nền trong khu Đền Thờ Thiêng của người Do Thái. Ngay lập tức, một thánh đường Hồi giáo lộng lẫy được xây vòng lấy Tảng Đá Nền, và được đặt tên là Dom of the Rock (Thánh đường Đá). Người Hồi giáo coi Thánh đường Đá là một trong những chốn linh thiêng nhất của tôn giáo. Oái ăm thay, mảnh đất nơi Thánh đường Đá được xây nên cũng là nơi Đền Thờ Thiêng từng đứng oai nghiêm, là nơi tột cùng linh thiêng của người Do Thái.
    Trong suốt 3000 năm lịch sử, Jerusalem đã bị thiêu trụi 2 lần, bao vây 23 lần, tấn công 52 lần và bị trao qua tay các chính quyền đô hộ khác nhau 44 lần. Hầu như tất cả những câu chuyện tôn giáo nổi tiếng nhất đều diễn ra ở đây, trong cái khoảng chưa đầy 1km2 này. Đằng sau những đường phố lát đá lộng lẫy của thành Jerusalem là cuộc sống tín ngưỡng cực điểm, là sự căng thẳng đến tột cùng của xung khắc tôn giáo như một quả bóng đầy hơi có thể bục tung bất cứ lúc nào. Ở Jerusalem, mỗi hòn đá là một câu chuyện kinh Thánh, mỗi người dân là một tín đồ sẵn lòng tử vì đạo, mỗi ngọn gió tràn qua cũng có mùi thánh thần, một lời nói bâng quơ cũng có thể trở thành điều tiên tri chờ ngày ứng nghiệm.
    Sau hơn một tuần trụ lại Jerusalem, tôi bỏ chạy. Là một kẻ vô thần, tôi thấy mình bỗng trở nên kỳ quái giữa Jerusalem. Đến bọn mèo ở đây cũng “ngoao” lên mắt long sòng sọc nhìn tôi như muốn xua đuổi một kẻ lạc đàn.
    Và cuối cùng, tôi viết về thành phố này như một đất nước riêng biệt vì đây chính là số mệnh mà Liên Hợp Quốc đã sắp đặt cho Jerusalem khi tranh chấp giữa Israel và Palestine bùng nổ. Thành Jerusalem với những di sản tôn giáo nhạy cảm bậc nhất thế giới thật khó có thể chia cắt hoặc đặt trọn vào tay một quốc gia. Tất nhiên là vào thời điểm này Jerusalem được coi là thủ đô của Israel, nhưng đó là câu chuyện của kỳ sau.
    Kỳ sau: Israel - Miền đất hứa không im tiếng súng
  9. ChimEnMuaDong

    ChimEnMuaDong Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    08/11/2012
    Bài viết:
    278
    Đã được thích:
    53
    Miền đất hứa không im tiếng súng

    Cái quốc gia Do Thái nằm lọt thỏm giữa thế giới Hồi giáo rộng lớn này chẳng khác gì cái gai đâm vào mắt, thế nên cả 60 năm qua ở đây chưa lúc nào ngớt tiếng súng tổng tấn công...


    Kỳ 10

    Tác giả Phương Mai đang trên một chuyến hành trình để viết sách mang tên “Con đường Hồi giáo”. Chuyến đi bắt đầu ở Saudi, nơi Hồi giáo khởi phát, sau đó theo chân các chiến binh Hồi giáo tỏa sang châu Phi đến Ma Rốc, và châu Á đến Ấn Độ. Các chiến binh Hồi giáo chiếm được thành phố nào thì tác giả sẽ đến đúng thành phố ấy. Đây là dải đất hùng vĩ của nền văn minh Hồi giáo thời kỳ cực thịnh. Mời các bạn theo dõi nhật ký chuyến đi trên Đẹp hàng tháng, phần một “Khởi đầu gian nan” bắt đầu khởi đăng từ số tháng 2/2012.

    [​IMG]


    Tất cả những gì tôi tâm niệm trong đầu khi xếp hàng chờ qua cửa khẩu Israel là: “Không cho chúng nó đóng dấu! Nhất định là Không-Cho-Chúng-Nó-Đóng-Dấu!”.

    Ai cũng biết Israel là kẻ thù không đội trời chung với gần như toàn bộ Trung Đông. Cái quốc gia Do Thái nằm lọt thỏm giữa thế giới Hồi giáo rộng lớn này chẳng khác gì cái gai đâm vào mắt, thế nên cả 60 năm qua ở đây chưa lúc nào ngớt tiếng súng tổng tấn công hoặc bét ra là cũng phải vài trận bom cảm tử. Cái sự ghét Israel lớn đến nỗi bất kỳ ai trên hộ chiếu có đóng dấu của hải quan Israel cũng có nghĩa là sẽ lập tức bị tống cổ khỏi biên giới của gần 20 quốc gia Hồi giáo khác, kể cả Malaysia, Brunei và Bangladesh ở tít bên châu Á.
    Thế cho nên tôi suýt gào lên khi mất bao nhiêu công giải thích đứt hơi mà vẫn nghe thấy gã nhân viên hải quan giang tay dập con dấu đánh chát cái xuống bàn. Chưa để tôi kịp la làng, gã giơ lên cho tôi xem cái dấu xanh trên một mảnh giấy nhỏ kẹp vào đằng sau bìa hộ chiếu. Hú hồn!
    Trở về miền đất hứa

    [​IMG]

    Đền thờ đạo Bahai ở Israel. Tôn giáo này xuất xứ từ Hồi giáo nhưng nhanh chóng trở thành một tôn giáo độc lập, dung hòa và có số đệ tử phát triển nhanh nhất so với các tôn giáo còn lại trên thế giới.

    Tamara là người Nga, sinh ra trong một gia đình theo Do Thái giáo. Một ngày kia, cô được mai mối cho một anh chàng cũng sống ở Nga nhưng nhìn như người ngoài hành tinh. Anh ta cạo trọc tóc chỉ để hai lọn dài vàng óng uốn xoăn tít ở hai bên mai rồi chụp lên trên một cái mũ quả dưa. Avia cầu hôn cô, nói rằng không những yêu cô mà việc cưới một người con gái Do Thái cũng tự nhiên và cần thiết như cá thì phải về với nước vậy. Luật Do Thái ghi rõ rằng tôn giáo đi theo dòng mẹ. Chỉ có những đứa trẻ sinh ra từ một người mẹ Do Thái thì mới đương nhiên được công nhận là người Do Thái. Việc ông bố có ngoan đạo sùng tín đến cỡ như Avia, sống ở Nga mà vẫn cạo đầu để lọn chụp mũ, nhưng nếu không cưới một cô vợ Do Thái, hoặc ít nhất… mẹ của cô ấy phải là người Do Thái, thì con cái sinh ra cũng sẽ là người ngoại đạo.

    Tamara trở thành vợ, và được ông chồng giàu đức tin giúp cô hiểu được nguồn gốc của dân tộc mình. Avia dạy cô nói tiếng Hebrew (Do Thái), cùng cô tra gia phả của dòng họ để biết rằng tổ tiên của cả hai người chỉ là một trong hàng triệu triệu nhánh nhỏ của người Israel từ suốt ba thiên niên kỷ nay lưu lạc khắp năm châu bốn bể.

    3000 năm trước, người Do Thái lập nước ở vùng Trung Đông nơi Jerusalem là trái tim thiêng liêng của tôn giáo. Với dân tộc Do Thái, vùng đất này là những gì Chúa trời đã hứa với tổ phụ của họ Abraham, như kinh Cựu Ước đã ghi: “Ta ban cho con cháu của ngươi mảnh đất này, trải rộng từ sông Ai Cập đến sông Euphrates…”.

    Vì thế đây còn gọi là miền đất hứa (the Promised Land). Đổi lại, Abraham và các con cháu của ông phải thực hiện nghi lễ rạch bao quy đầu – một cuộc phẫu thuật nhỏ mở phần da ở đầu ********* – để được công nhận là người thừa kế miền đất hứa. Việc tại sao Chúa lại đòi hỏi một cái điều kiện có vẻ “trời ơi” như vậy thì còn nhiều tranh cãi. Nhưng đại đa số cho rằng rạch bao quy đầu sẽ vệ sinh hơn do cặn bã không còn nơi tích tụ, và nghi lễ này cũng mang tính tượng trưng cho việc mở trái tim mình để hoàn toàn cởi lòng không vẩn đục với Chúa (circumcision of the heart).

    [​IMG]

    Trên những con phố Israel

    [​IMG]

    Từ trên một ban công nhỏ nhìn xuống bức tường Than Khóc, nơi tột đỉnh linh thiêng của đạo Do Thái.

    Hai năm sau ngày cưới, Tamara cùng chồng khăn gói rời Nga di cư đến Israel. Đối với họ, "di cư" có thể bị hiểu là một từ khá phỉ báng, vì thực ra họ chỉ trở về nơi cội nguồn của dòng giống Israel, nơi vua David lập nên vương quốc Israel từ 3000 năm trước, nơi người Israel bị hết chế độ thống trị này đến chế độ đô hộ khác chèn ép, xua đuổi khỏi đất đai của tổ tông, và suốt hàng nghìn năm qua vẫn liên tục tìm đường trở về. Hai vợ chồng Tamara hòa vào hàng triệu người Do Thái chủ yếu từ châu Âu và Nga hối hả đặt chân vào Israel và ngay lập tức trở thành công dân Israel. Luật pháp của Israel đã quy định rõ: Bất kỳ ai, chỉ cần chứng minh được mình là người Do Thái, thì sẽ được trao hộ chiếu.

    [​IMG]

    Trên một chuyến xe điện tại Israel, một cậu bé Do Thái ngồi cạnh một ông già Do Thái, đứng phía xa là một phụ nữ Hồi giáo. Cùng với Thiên Chúa giáo, các tôn giáo lớn này (cùng thờ một đức Chúa Trời/Allah/God) chung sống bên nhau ở Israel.

    Trong tổng số khoảng 800 giải Nobel từng được trao có tới ít nhất 20% thuộc về những người Do Thái sinh sống chủ yếu ở Mỹ và châu Âu. Cùng với dòng người trở về là một lượng kiến thức khổng lồ từ khắp năm châu bốn biển, sự đa dạng về văn hóa, sự rộng dài về tầm hiểu biết, sự nhạy bén và linh hoạt của những kẻ đã được thử lửa, đã kinh qua đau thương và mất mát, dám chấp nhận thử thách, dám thay đổi, dám xóa bỏ và làm lại từ đầu. Với một lịch sử non trẻ chỉ chừng 60 năm, từ năm 2002 đến nay trung bình cứ một năm rưỡi Israel lại có một người được tặng giải Nobel.

    [​IMG]

    Bảo vệ miền đất hứa
    Tuy nhiên, gì thì gì, lịch sử Do Thái như kể trên vẫn chỉ là từ cái nhìn của tôn giáo. Miền đất hứa sau bao thăng trầm của lịch sử đã có thêm rất nhiều sắc dân Ả Rập tới sinh sống, trong đó có người Palestine. Việc dân Do Thái quay trở về đất tổ suốt cả ngàn năm qua càng ngày càng có nhiều ì xèo từ phía dân Ả Rập. Sau thảm họa diệt chủng Đức Quốc xã giết 5 triệu rưỡi dân Do Thái và làn sóng “trở về” lên đến đỉnh điểm, Liên Hợp Quốc đề xuất việc chia mảnh đất này làm hai phần, một cho dân Do Thái lập nhà nước Israel, một cho dân Palestine, riêng Jerusalem thì trở thành trung tâm quốc tế do Liên Hợp Quốc kiểm soát.

    [​IMG]

    Những cậu bé Do Thái trong một phiên chợ trước ngày thứ bảy (ngày nghỉ lễ của người Do Thái)

    [​IMG]

    Nghệ thuật đường phố ở Tel Aviv



    Dân Do Thái đồng ý và lập tức thành lập nhà nước Israel. Dân Ả Rập ở cả miền đất hứa và gần như toàn bộ Trung Đông kịch liệt phản đối cái gai đâm vào mắt này. Chỉ một ngày sau khi nhà nước Israel non trẻ tuyên bố thành lập, liên minh 5 nước khổng lồ quanh đó gồm Ai Cập, Jordan, Syria, Iraq và Li Băng đồng loạt nổ súng tấn công. Đất đai giành giật, chiếm đi cướp lại xóa nhòa đường biên vốn do Liên Hợp Quốc đề xuất. Israel mới đầu chỉ là tự vệ, sau càng đánh càng hăng, trên đà thắng thế chiếm luôn cả Jerusalem làm thủ đô, rồi đem quân đến kiểm soát cả một phần lớn vùng đất Palestine, vì thế nên đây còn là vùng bị chiếm đóng.

    [​IMG]

    Người Do Thái mộ đạo trong một buổi lễ tôn giáo

    Suốt trong vài thập kỷ, cuộc chiến ở vùng nóng Trung Đông này bản chất là cuộc chiến giữa Israel Do Thái giáo và Liên minh Ả Rập Hồi giáo đòi quyền làm chủ “hộ” cho dân Palestine thấp cổ bé họng trên vùng đất hứa. Chỉ cho đến gần đây tiếng nói Palestine mới thực sự chiếm diễn đàn do hầu hết các nước trong Liên minh Ả Rập đã bình thường hóa quan hệ với Israel hoặc ngừng cuộc chơi đổ máu. Vua Jordan thậm chí còn mạnh mồm tuyên bố với con dân: “Ai mà dám đụng vào người Israel thì ta sẽ tự tay bóp chết!”

    [​IMG]

    Mỗi người dân là một người lính

    Tôi ở nhờ nhà của Tamara và Avia khá lâu, nhưng cho đến gần khi rời đi mới phát hiện ra cái phòng mình ngủ được trang bị một bộ cánh cửa sổ bằng thép rất kỳ quái. Tường nhà cũng rất dày, chừng 30cm. Tiếng Do Thái gọi căn phòng này là mamad. Từ năm 1991 khi Israel bị Iraq tấn công bằng tên lửa Scud, mỗi gia đình ở Israel phải trang bị một căn phòng kiên cố như vậy để tránh vũ khí hóa học và sinh học. Đóng cửa vào là gần như vô trùng. Đóng lâu quá đà chắc chết ngạt luôn.

    Cả Tamara lẫn Avia đều đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, được quy định từ 2-3 năm cho hầu như tất cả mọi người bất kể nam nữ. Đi trên đường phố Israel nhiều lúc có cảm giác như bước trong doanh trại quân đội sau giờ tập trận. Các cô lính bé nhỏ đeo những khẩu súng máy nặng trĩu hồn nhiên bá vai nhau cười nói. Các chàng trai mặc nguyên quân phục ôm hôn bạn gái trên xe điện đông người. Cả nước sẵn sàng. Mỗi người là một quân nhân. Ngân sách chi cho chiến tranh của Israel so với thu nhập quốc gia đứng vào hàng cao nhất thế giới. Hiểm họa chiến tranh lúc nào cũng chực bùng nổ.
    [​IMG]

    Một đôi tình nhân lưu luyến trên chuyến xe điện chở họ quay lại doanh trại quân đội.

    Sống chung với bão, đối với người Israel, đây là đất nơi tổ tông họ 3000 năm trước từng hưng danh lập quốc, nhưng Israel đã và sẽ mãi mãi là chiếc gai đâm vào mắt cộng đồng Hồi giáo Ả Rập ở Trung Đông, như một kẻ ngang nhiên chiếm đất.

    Kỳ sau: Palestine – Bèo dạt mây trôi

    Các đơn vị có kế hoạch cộng tác hoặc có nhu cầu tài trợ kinh phí, công cụ tác nghiệp cho chuyến đi xin liên hệ với tác giả qua địa chỉ:
    EMAIL dr.nguyenphuongmai@gmail.com

    Bạn có thể cập nhật các bài viết và theo dõi chuyến du hành hiện nay của Phương Mai ở Trung Đông tại:
    BLOG www.culturemove.com
    FACEBOOK www.facebook.com/dr.nguyenphuongmai
    TWITTER www.twitter.com/thequest2quest

    Bài & ảnh: Phương Mai
  10. ChimEnMuaDong

    ChimEnMuaDong Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    08/11/2012
    Bài viết:
    278
    Đã được thích:
    53
    engkhoiMalogs thích bài này.

Chia sẻ trang này