1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Tinh Hoa HÀ NỘI

Chủ đề trong '7X - Chi hội Hà Nội' bởi Angelique_BH, 17/03/2003.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. suonglonglanh

    suonglonglanh Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    25/03/2003
    Bài viết:
    75
    Đã được thích:
    0
    Ở Hà Nội em thấy có hoa sấu, là thứ mà moi người nói là không đâu có. Hoa sấu không thơm nhưng mà em thấy ngửi nó thích.
    Em thấy sấu nhiều nhất ở phố Trần Hưng Đạo. Bà nội em nhà ở trên đấy, mùa sấu chín là người ta đến trèo lên hái. Hôm nào lên thăm bà mà gặp lúc họ hái sấu thì phải chạy rõ nhanh vào nhà để tránh cành khô rơi vào đầu. Nhưng ngồi trong nhà mà nhìn họ hái cũng hay, bỏ vào hàng chục cái bị to treo đầy trên cành. Sấu dầm canh rau muống là ngon nhất, em thấy thế, dù bà em không thích dầm sấu bằng vắt chanh, bà bảo dầm sấu nước đục lắm.
    Sấu dầm uống nước mùa hè ngon hơn thứ khác. Cho thêm nhiều thạch đen vào rồi húp. Nhưng sấu non thì ăn mới ngon, sấu chín quá rồi nấu cứng. Gừng nữa.

    ~~~~~~~~~~~~~~~~
    Đừng giận gì tôi nhé
  2. Angelique_BH

    Angelique_BH Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    17/02/2003
    Bài viết:
    125
    Đã được thích:
    0
    Lại tới mùa sấu,
    Mình nhớ lần đầu tiên mình viết bài cho 1 người bạn trên mạng là lần đầu tiên mình viết về hoa Sấu, cái thứ hoa nhỏ xíu mà có hương thơm thanh thoát tới lạ kì.
    Mùa lại lại mùa lá sấu rụng đầy đường, cái kỳ lạ thay của ít loài cây là chỉ sau 1,2 tuần lá rụng thì lớp lá non đã mọc lên xanh um và hoa bắt đầu trổ. Cái thời gian cho những việc tưởng chừng phải hết thu, sang đông và qua hè mà hàng sấu lại chỉ mất có vài tuần.
    Con đường Trần Hưng đạo, Trần phú và Phan đình Phùng phủ đầy lá sấu, mà sao thế nhỉ, mình lại chẳng thấy chúng giống nhau, cái mùi lá vàng cũng chẳng giống nhau, mùi hoa cũng vậy và nét thân quen thì càng khác. Hơn 20 năm gắn bó với góc phố thân quen, với hàng cây sấu, với mùi hương sấu và với những bữa canh sấu, mình thấy loài hoa sấu là loài hoa đẹp nhất. Nụ sấu bé xíu, những bông sấu nằm lọt thỏm trên đôi bàn tay của một đứa bé 4 tuổi, 1 thiếu nữ 16 tuổi, 1 thanh niên 20 tuổi và bây giờ trên tay mình...
    Hoa sấu bé xíu, nhưng lại có hương thơm lạ, không hắc như hoa sữa mà lại nhẹ nhàng, thanh thoát, cái đặc biệt hơn nữa của nó là không phải ai cũng ngửi được mùi hoa sấu, phải tinh lắm mới nhận biết được và đôi lúc mình còn tự cho rằng chỉ có những người thực sự có một tâm hồn mới nhận biết được sự tồn tại của nó.
    Năm nay, mình biết rằng cảm xúc mình chẳng được nhiều như mọi năm, chỉ là lần lại những ký ức cũ của những lần đi nhặt sấu rơi, những lần lấy cái ca múc hoa sấu, bóc từng cánh sấu để ăn cái nhụi chua chua?.
  3. Gungcay

    Gungcay Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    06/05/2001
    Bài viết:
    1.998
    Đã được thích:
    0
    Rắn làng Lệ Mật
    Cách Hà Nội chừng 10 km về phía Bắc, Lệ Mật nổi tiếng với những quán ăn đặc sản rắn và các loại thịt thú quý hiếm khác như nhím, gấu, kỳ đà. Tuy nhiên các món ăn độc đáo chế biến từ thịt rắn mới thực sự là điều lôi cuốn các du khách tới đây.
    Lệ Mật thuộc huyện Gia Lâm, rắn là một món ăn đặc biệt tương truyền là có khả năng tăng cường sinh lực và đem lại sự giàu có. Trừ đầu rắn ra, những phần còn lại đều có thể ăn được và chế biến thành nhiều món như xúp rắn, nem rắn, thịt rắn rán, rắn cuốn rau, da rắn chiên giòn, ruốc rắn ăn với bánh đa nướng? Xương rắn còn nấu thành cao, da được chế biến thành đồ trang sức, mật và nọc được sử dụng làm thuốc chữa bệnh.

    Quyền hoạ phúc trời tranh tất cả
    Chút tiện nghi chẳng trả phần ai
    Cái quay búng sẵn trên trời
    Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm
  4. Gungcay

    Gungcay Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    06/05/2001
    Bài viết:
    1.998
    Đã được thích:
    0
    Loài cây bị đặt "nhầm" tên


    Người Hà Nội ăn xong cái Tết Nguyên đán thì tiết trời cũng ấm dần lại. Mưa xuân phơi phới bay. Các loài cây nảy lộc, đâm chồi. Rồi, thoắt cái, bằng lăng, bàng, phượng vĩ, sầu đông? nhất loạt hồi lại màu xanh. Hà Nội hớn hở một màu xanh. Và đúng lúc này - giống như một chiến binh được đổi gác - chàng hiệp sĩ sấu mới vội vàng thay áo lá.
    Xem ra cái cách rụng lá, thay lá của sấu cũng khác hẳn các loài cây khác.
    Đây là cách rụng lá của bàng, qua thơ Nguyễn Bính:
    Thu đi trên những cánh bàng
    Chỉ còn hai chiếc lá vàng mà thôi
    Hôm qua đã rụng một rồi?
    Trong khi ấy sấu cứ thong thả, nhẩn nha, vừa ra lộc xanh, vừa rụng lá vàng một cách rất bản lĩnh, rất tự tin. Nên chi, sấu được mệnh danh là chàng chiến binh đứng gác cho màu xanh Hà Nội, là vậy.
    Bước sang tháng Tư, tính theo lịch âm, trời đã hoe lên làn nắng mới. Gió nồm Nam hây hẩy. Lá sấu rụng hối hả. Gặp cơn gió mạnh, lá sấu bay bay như những trận mưa vàng.
    Vậy là đến lúc này, người Hà Nội coi như đã đặt cả hai chân vào mùa hè rồi. Bao nhiêu âm thanh, màu sắc, niềm vui, nỗi lo của buổi hè sang, choán lấy tâm trí mọi người. Nào chuyện điện đóm, nước nôi. Nào chuyện dán tem máy điều hoà nhiệt độ và quạt Nhật, quạt Tàu. Nào các buổi trình diễn thời trang áo tắm, mát mẻ đến bốc lửa. Rồi tiếng sấm đầu mùa bốc lên. Trận mưa rào đầu mùa sập xuống?
    Sau một đêm mưa, sáng ra, vừa mở cửa bỗng giật mình. Trên nền thảm lá sấu rụng đêm qua còn vàng tươi mặt hè, đã thấy la liệt những chấm trắng tựa như những cánh hoa cau rụng. Thì ra sấu đã đơm hoa.
    Cái cách thay lá của sấu đã khác, cách đơm hoa của sấu càng rất khác. Phàm là cây, như bưởi, như chanh, như lựu? khi nở hoa lá khoe hoa, đua hoa. Sấu đơm hoa lúc nào, đố ai biết. Cho đến khi những chùm hoa sấu đực rụng trắng vỉa hè, người ta mới hay.
    Bạn tôi, một người làm thơ không chuyên, đã có những câu thơ viết về cây sấu như thế này:
    Đơm hoa kết trái
    Lặng thinh vòm cao
    Nghĩ mình là sấu
    Cần chi ồn ào...
    Kể cũng là một nét đẹp thầm, nét duyên thầm của một loài cây từng gắn bó với nhiều thế hệ người Hà Nội.
    Thế rồi, chả biết bằng con đường nào, chỉ ít lâu sau đó một buổi sáng các bà các chị nội trợ xách làn ra chợ, đã thấy sấu non xuất hiện ở các quầy rau quả tươi. Một mớ rau muống, vài chục quả sấu non, thêm quả cà bát muối, ấy là khẩu phần quen thuộc của mọi nhà. Nếu có thêm đĩa tôm rảo rang, vỏ tôm ửng tươi màu da cam, đặt bên đĩa rau muống luộc xanh mơ; bên bát nước rau đánh sấu non thoáng một màu hồng dịu... thì có thể nói đó là bữa ăn mùa hè ?okinh điển'' của người xứ Bắc. Và, thú vị thay, trong các bữa ăn thanh đạm ấy, bát nước rau muống luộc đánh sấu chả đáng giá là bao, lại trở thành mớn át chủ bài. Còn như những gia đình có cha già, mẹ yếu thì đây chính là dịp để người ta thể hiện tình yêu thương, lòng hiếu thảo. Chỉ cần ít quả sấu, chút thịt nạc là đã có bát canh chua ngọt, mát ruột người già.
    Chao ôi! Cái thứ quả của cái loài cây có tên là? sấu ấy!
    *
    Tháng tư bước sang tháng Năm - cũng theo lịch âm - là tiết của hạ chí, đêm ngắn ngày dài. Sự nóng nực gia tăng. Ve trốn nắng trên những vòm sấu, kêu như điên. Lúc này quả sấu đã vào kỳ chắc xanh. Các nhà thầu tung ra một lực lượng chuyên nghiệp đi gồi sấu. Họ trèo thoăn thoắt, lần ra các cành, bẻ từng nhành sấu ném xuống, hoặc bứt quả cho vào bị, ròng dây thả xuống. Quả sấu xanh bắt đầu tràn ngập các chợ, các bến tàu, bến xe, tỏa về các vùng. Sấu còn biến dạng, ngoài bát canh chua, trở thành các món quà vặt mà hấp dẫn của người Hà Nội. Lúc này, trên các đường phố, ở các cổng trường học, đã thấy xuất hiện những chiếc xe đẩy với món sâu dầm độc đáo. Gặp cơn oi nồng, khô rát, thấy món sấu dầm là mọi người thưởng thức ngay một cốc. Hương vị dịu chua, ngọt mát của sấu dầm giải đi cái khát một cách rất hiệu nghiệm, lại cho ta cảm giác khoan khoái nơi thanh quản.
    Và chưa hết, cũng vào lúc mùa quả sấu đang rộ này, người ta bắt đầu muối sấu, làm ô mai sấu. Mùa sấu qua đi nhưng quả sấu còn lại suốt bốn mùa với con người. Đó là món ô mai sấu rất hợp ''gu'' các bà, các chị lại rất hay chui vào cặp sách của các cô nữ sinh Hà Nội ''hơi bị'' thích quà vặt!
    *
    Tôi có may mắn là nhà ở ngay tại một đường phố ?orất sầm uất? về cây sấu. Ở đây sấu đã thành cổ thụ. Gốc vững, thân cao, tán lá giao nhau phía trên lòng đường, tạo thành một vòm xanh cao vút như vòm mái một cung điện. Bởi thế, chúng tôi không thể không sót ruột, vào những ngày nhà thầu cho gồi sấu. Người ta leo trèo hái lượm. Mà không phải chỉ là hái lượm, họ bẻ cả những cành sấu tướng, chi chít quả, ném xuống cho người ở dưới gốc bứt hái, lấy quả bỏ lại cành lá ngổn ngang. Sau những buổi gồi sấu như thế mái vòm ?ocung điện? của chúng tôi lỗ chỗ thủng, nhìn lên thấy có những mảnh trời.
    Vậy là xong một vòng quay của một tuổi đời cây sấu, kể từ lúc sấu ra lộc, thay lá, đơm hoa, kết trái cho đến lúc người ta bứt hái, gồi tỉa. Và người ta quên đi. Bởi cuộc sống còn có nhiều điều cần nhớ, nhiều việc cần làm.
    Thế rồi cữ mưa ngâu đến tự lúc nào. Trời dịu lại. Đêm nằm, nghe tiếng gió mưa, tiếng rơi lộp bộp trên mái ngói, mới giật mình mà nhớ ra: Sấu đã chín!
    Nhưng, đã qua trận bứt hái như thế, hỏi còn đâu là sấu xanh để mà chín?
    Vậy mà còn. Thế mới lạ cho cái loài cây có tên gọi là sấu ấy!
    Cư dân trong khu ?ophố cây sấu? chúng tôi có câu thành ngữ: Cây sấu giấu quả. Chả là trong khi trèo cây, hái lượm, người ta như bị choáng ngợp trước màu xanh vòm sấu. Quả sấu lúc chắc xanh, da biếc đúng như màu lá sấu. Trên cao, gió đưa cành, những chùm quá sấu lúc ẩn lúc hiện trong ngách lá. Qua cơn ''càn quét'', quả sấu còn lại không phải là ít. Và nó lặng lẽ chín như nó từng lặng lẽ đơm hoa kết trái ngày nào. Đến lúc này, những người trèo sấu cho các nhà thầu, tự cho mình có quyền đi vét nốt đợt sấu chín. Họ dùng những con sào dài, đầu sào có cái cù nèo mà ngoặc xuống những chùm sấu vàng ươm.
    Cuối cùng, để chấm hết một mùa sấu, quả sấu một lần nữa lại trở thành món quà khá thú vi của người Hà Nội. Sấu chín được gọt vỏ, cắt khoanh theo hình ốc, bày lên đĩa, đặt trên các xe đẩy, bán rong. Ăn miếng sấu chín, ngọt lự, giòn tan còn nghe như có mùi thơm của nắng.
    Món quà ngon chả đáng giá gì. Nhưng người Hà Nội vốn cầu kỳ, tinh tế, nên cái sự thưởng thức trái sấu chín cuối mùa còn có ý nghĩa tiếp nhận lời chào tạm biệt của một thứ quả của loàí cây lá xanh bốn mùa, quả sai lúc lỉu, chua thì chua gắt, ngọt thì ngọt đến tận cùng của vị đằm thắm, hiếu thảo và thủy chung.
    Và xin hãy nhớ cho, nó tên là? sấu!
    Lưu Loan - Hà Nội tạp văn

    Quyền hoạ phúc trời tranh tất cả
    Chút tiện nghi chẳng trả phần ai
    Cái quay búng sẵn trên trời
    Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm

    Được gungcay sửa chữa / chuyển vào 10:23 ngày 19/04/2003
  5. Chitto

    Chitto Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    23/01/2002
    Bài viết:
    5.198
    Đã được thích:
    13
    Đúng rồi, sấu, sấu dường như là một đặc sản của Hà Nội, một đặc sản đơn giản trong những bát nước rau, bát canh chua hay cốc nước sấu chua mát một trưa hè oi ả.
    Sẽ không đâu có được cái hương vị sấu ngai ngái, mốc meo, khô tróc, cứng còng, xào xạc, chua chát của hoa sấu, thân sấu, cành sấu, quả sấu, lá sấu đến như thế.
    Lao xao trên phố, khi buồn khi vui. Lăn lóc góc mẹt bà hàng rau, điệu đà trong nồi chè bên cạnh miếng thạch ướp hoa bưởi.... đó là sấu Hà Nội.
    --------------------------------------------------------------
    Sống trên đời sống cần có một tấm lòng
  6. commerce

    commerce Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    29/03/2003
    Bài viết:
    49
    Đã được thích:
    0
    Có người nói với tôi rằng nghe rất nhiều bài hát về hoa sữa nhưng chưa bao giờ nhìn thấy tận mắt và ngửi mùi hương của nó. Thì đây, tôi kể cho em nghe.
    Hoa sữa không biết được du nhập vào Hà Nội từ bao giờ, cây cao, dáng đẹp, thân mốc thếch, cao tới gần 20m, cành đan xen khúc khuỷu. Khác với nhiều loại cây, lá cây hoa sữa phát triển từng đốt, mỗi đốt thường xoè ra từ 6-7 lá, giống như lá cây ngũ gia bì nhưng to hơn. Từ những đốt cành nảy ra những nhánh nhỏ vươn về mọi phía, làm cho tán cây luôn xanh mướt, bấm vào cành non thấy chảy ra chất nhựa có màu trắng như sữa, phải chăng vì thế mà dân gian gọi là cây sữa. Cùng với hoa dạ lan, nhài, trà mi, nguyệt quế... hương hoa sữa chỉ thơm về đêm.
    Cây hoa sữa không có mùa trút lá, chỉ lác đác rụng lá vàng, nên suốt năm cây luôn xanh tốt. Hoa sữa nở vào độ cuối thu đầu đông, những cụm hoa nhỏ xíu chen chúc từng đám mầu trắng phớt. Độ hoa nở, những ngày lặng gió, không gian xung quanh như được ướp bằng mùi hương hắc thơm ngào ngạt, một mùi hương như mơ như thực, bởi hoa nở trên cao không nhìn thấy, còn cái mùi hương nồng nàn quyến rũ ấy cứ lan xa, dưới gốc cây rơi rắc những chấm hoa nho nhỏ, như tấm voan mỏng mịn màng còn phảng phất mùi hương.
    Nhưng không hiểu sao, hễ nói về hoa sữa, người ta vẫn nhớ về con đường Nguyễn Du, nơi ấy có không gian tĩnh lặng, có hồ nước lung linh khiêm nhường mà thơ mộng. Những đêm đầu đông, trong sương giăng lành lạnh, ngồi bên bồ Thiền Quang dù ở bờ bên kia, vẫn ngửi thấy mùi hoa sữa. Nhiều lứa đôi thường đến đây dạo bước dưới hàng cây sữa, phải chăng bởi hoa sữa thơ mộng dễ khắc vào nỗi nhớ kỷ niệm tình yêu?
    Ngược đường Thuỵ Khê theo tàu điện về chợ Bưởi ngày xưa cũng có nhiều cây hoa sữa. Mới cách đây gần 30 năm, ngồi trên toa xe điện vào những đêm đông, suốt đoạn đường vẫn ngửi thấy hương sữa, giờ đây đoạn đường này chỉ còn lại 5 cây, dọc đường hầu hết được trồng dâu da xoan. Kể ra, cây dâu da xoan cũng đẹp, rất dễ trồng, lá xanh mướt, mùa xuân, mùa hè hoa nở trắng có mùi thơm dịu nhẹ, dưới nắng vàng những chùm quả cũng lung linh đỏ rực. Nhưng cây rất thấp, không thể nào sánh được với hoa sữa. Vì sao cây hoa sữa ở đoạn này lại ít đi? Tìm hiểu thì được biết một số người thiếu ý thức thấy cây sữa mọc trước nhà, hoa toả hương họ chê là hắc, nên tìm cách hạ đi.
    Mấy năm gần đây, chừng như người ta cũng bắt đầu thấy được giá trị của hình tượng hương hoa sữa với phố phường Hà Nội, nên một số phố được trồng thêm rất nhiều cây sữa.
    Hoa sữa trên đường phố Hà Nội từ lâu đã đi vào kỷ niệm của người Thủ đô và những khách xa về thăm Hà Nội. Hoa sữa cũng đi vào nhạc, vào thơ, đã làm xốn xang bao tâm hồn trẻ, ai không khỏi bâng khuâng khi nghe câu hát "Em ơi Hà Nội phố, ta còn em mùi hoàng lan, ta còn em mùi hoa sữa"... Hương hoa sữa ở đây như gắn với tình yêu và phố phường Hà Nội. Rồi "hoa sữa thôi rơi, em bên tôi những chiều tan lớp" như nỗi niềm luyến tiếc mùa hoa sữa đã qua gợi bao kỷ niệm. Và nhiều lắm, có biết bao bài văn, bài thơ viết về hoa sữa, cây hoa sữa đã tôn thêm biết bao thơ mộng cho Hà Nội những mùa đông.
    Tôi yêu Hà Nội, tôi yêu những đêm đầu đông không gian lành lạnh sực nức mùi hoa sữa, tôi ước mong có nhiều đường phố Hà Nội được trồng thêm nhiều cây sữa, một loại hoa không đẹp nhưng ngát hương, và chẳng thể nào quên với những người đi xa. Hoa sữa quả là một món quà quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho Hà Nội, Thủ đô yêu dấu của chúng ta...

    Em ra chú nhóc trói đời anh luôn
    Anh ra xe wave vù ngay tức khắc

  7. PhuChan

    PhuChan Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    07/11/2002
    Bài viết:
    1.519
    Đã được thích:
    0
    BẰNG LĂNG
    Có lần, thoảng nghe ai đó thì thầm: bằng lăng - cây bốn mùa đẹp. Tôi vẫn thoáng chút mơ hồ.
    Rồi mất cả một năm, tôi mới cảm được điều ấy. Bằng lăng quả là đẹp. Một vẻ đẹp giản dị và cá tính như... em.
    Tháng một, tháng hai. Mưa xuân lất phất gọi mơn mởn những lộc biếc. Cây cối đó đây xanh nõn những mầm xuân. Bằng lăng thì khác. Thân cây điểm xuyết những lá cành non nhuộm một màu burgundy. Càng gần, càng thấy thu hút. Chỉ cần bấm một cành nhỏ. Rồi cũng chẳng cần phải biết đến một Ikebana khuôn phép nào đó, buông khẽ cành bằng lăng vào cái bình gốm xinh xinh nơi giá sách, hướng nó về nơi có cái nắng nhạt nhoà gần ô cửa sổ. Chỉ cần một chữ để miêu tả: Đẹp!
    "Tháng tư về, gió hát mùa hè..." Khi phượng vĩ còn chưa kịp nở hoa thì bằng lăng đã khoác lên mình bộ cánh dịu mát. Tha thướt một màu lilac. Hoa không lộng lẫy, không rực rỡ. Cái màu tím hiền hoà cứ tự nhiên nổi lên trên tấm phông xanh của sắc lá. Đứng bên này Hồ Gươm nhìn sang bên ấy. Có những tán bằng lăng nghiêng bóng bên hồ khiến chạnh lòng mơ lại dáng ai. Chợt nhớ đến bài thơ về cây:
    Tôi biết rằng phượng vĩ
    Nở cùng hoa bằng lăng
    Nhưng, bằng lăng rụng trước
    Màu tím thường khó khăn​
    Mùa hạ vẫn luôn nhắc nhở những chia ly. Âu cũng là cái lẽ của tự nhiên.
    Tháng tám mùa thu. Trên nền đất khô cũng đã hết rồi những cánh hoa tím mong manh ấy. Tàng cây vẫn xanh. Lẫn vào trong tán lá là những quả bằng lăng căng mọng, sẫm màu diệp lục. Cây không còn điệu đà nhưng thật khoẻ mạnh và dạn dĩ. Có đôi trẻ vẫn hay núp dưới cây để trốn cái nắng hanh vàng khô. Gom góp những quả bằng lăng tròn, xếp lên cái lá vừa kịp úa, cùng chơi trò rước dâu. Đám rước chỉ tan khi cơn mưa dông ào tới.
    Gió heo may gọi những mùa đông. Bằng lăng khẳng khiu những "cành thênh thang". Vậy mà vẫn không "mồ côi" và trơ trọi như những cây bàng. Trên cành, vẫn thật nhiều những chùm quả khô. Lạ kỳ. Quả già nở bung bốn góc. Quả nhỏ vẫn chúm chím. Nhưng thảy đều cằn cỗi và phong sương. Người hoạ sĩ già nhà bên dựng cái thang gỗ bên gốc cây. Ông nhẹ nhàng cắt lấy từng nhánh quả khô ấy. Ông mang về, gột sạch bụi rồi phết nhũ vàng lên đó. Chùm quả chợt sáng bừng, lộng lẫy. Người hoạ sĩ trân trọng đặt chỉ một nhành quả glitter, nhành lớn và đẹp nhất, lên chiếc giỏ mây đặt bên cạnh bức tranh cũ. Trong tranh là một thiếu phụ có đôi mắt thật buồn. Ông ngồi một mình, tĩnh lặng và trầm ngâm trong khói thuốc. Rồi như chợt nhớ ra điều gì. Ông bước nhanh ra ngoài ban công, vẫy gọi lũ trẻ hàng xóm và chia đều những chùm quả óng vàng cho mỗi đứa. Cái lạnh dường như dễ chịu hơn...
    Tôi yêu bằng lăng! Giản dị! Bốn mùa đẹp!

    CẢ CÁI LÀNG NÀY CHỈ CÓ MÌNH EM VỚI CHỊ LÀ THẬT THÀ NHẤT. NHỜ! CHỊ VÂN DUNG NHỜ!
  8. T_T_T_new

    T_T_T_new Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    23/04/2002
    Bài viết:
    398
    Đã được thích:
    0
    A di đà phật
    Văn hoá vật thể ngàn năm của Hà Nội còn lại rõ nhất trong những ngôi chùa cổ.
    Có công trình nào có niên đại lịch sử lâu đời như ngôi chùa Trấn Quốc, ngôi chùa đã từng mang tên Khai Quốc, An Quốc - Sự Gìn giữ, Sự mở mang, Sự bình yên cho đất nước.
    Có công trình nào mang hình một giấc mơ đẹp đẽ như đài Liên Hoa của chùa Diên Hựu - chùa Một Cột, theo giấc mơ của một vị vua.
    Có nơi nào mang một huyền thoại về mối tình giữa vị hoàng đế với một vị tiên thượng giới như chùa Ngọc Hồ, để rồi Chùa Vọng Tiên, Chân Tiên được xây nên.
    Có ở đâu vừa thanh cao vừa dân dã như chùa Kim Liên, nơi công chúa con vua Lý dậy dân chăn tằm dệt vải.
    Có bàn thờ nào dám thờ phụng anh hùng dân tộc Quang Trung khi kẻ thù của ngài - vua Gia Long cai trị như chùa Bộc.
    Có nơi nào gìn giữ pho tượng gỗ độc đáo hình một hoàng đế đang quỳ dập đầu như chùa Hoè Nhai.
    Có nơi nào giữ được pho tượng đồng cổ lớn nhất - lớn hơn cả tượng Trấn Vũ như ở chùa Ngũ Xã..
    Ôi những ngôi chùa Hà Nội. Vẻ đẹp thiêng liêng tâm linh thâm u mà thanh thoát.
    (Và có nơi đâu có TTT như chùa Thất Lục?)
    Không thị Sắc, Sắc danh Không
    Ngày nào cũng phải nhuốm hồng trần
  9. Chitto

    Chitto Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    23/01/2002
    Bài viết:
    5.198
    Đã được thích:
    13

    Hà Nội có con phố Quan Thánh với những hàng bàng cổ thụ, gốc to sần sùi năm tháng.
    Cây bàng nghiêng nghiêng, lặng lẽ thả những lá đỏ mỗi độ đông sang, để giơ những cánh tay gầy guộc sẫm màu như ngạo nghễ, lúc tủi thân với bọn xà cừ chẳng hề thay đổi.
    Màu đỏ lá bàng sưởi ấm chiều đông.
    Màu xanh non lá bàng ngọt ngào mùa xuân.
    Xưa kia bên kia hồ Tây, phía Phú Thượng, Xuân Đỉnh, các chúa Trịnh bắt trồng chỉ một loài cây, đó là bàng. Để khi thu chuyển sang đông hiu hắt, nhà chúa cùng những thi nhân, văn sĩ, mỹ nữ đi thuyền vòng rộng trên hồ Tây, ngắm màu đỏ lá bàng rực lên trong ánh hoàng hôn của vầng thái dương đỏ sậm chìm dần xuống.
    Nhà chúa thấy đó là cảnh "rực trời, rực nước, rực mây" bởi màu đỏ, bi tráng, kiêu hùng.
    Cái thời của những rừng bàng đầu đông cho tao nhân mặc khách đã qua rất lâu. Nơi đó đâu còn bóng dáng gốc bàng nào nữa. Hồ Tây chật lại trong con mắt của kẻ lớn lên.
    Lớn lên mà vẫn không quên được thời Tây hồ mênh mông ngút mắt.
    --------------------------------------------------------------
    Sống trên đời sống cần có một tấm lòng
  10. Gungcay

    Gungcay Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    06/05/2001
    Bài viết:
    1.998
    Đã được thích:
    0
    Xôi
    Xôi là món ăn sáng phổ biến ở Việt Nam cũng như bánh mì ở các nước phương Tây. Hầu như phố nào cũng có người bán xôi. Người ta đơm xôi vào bát hoặc gói trong tấm lá. Xôi có nhiều loại, phổ biến nhất là xôi ngô, xôi đậu xanh, xôi xéo, xôi lạc và xôi gấc. Xôi gấc cũng là món không thể thiếu trong mỗi dịp cưới hỏi vì màu đỏ của gấc tượng trưng cho hạnh phúc và may mắn. Xôi cũng còn được dùng kèm với thịt lợn kho Tàu hoặc thịt gà hay chấm với muối vừng.
    Mặc dù xôi thường được làm món ăn sáng nhưng cũng có thể là món tráng miệng như kem xôi hay xôi chè.

    Quyền hoạ phúc trời tranh tất cả
    Chút tiện nghi chẳng trả phần ai
    Cái quay búng sẵn trên trời
    Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm

Chia sẻ trang này