1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

To Hoa`i

Chủ đề trong 'Văn học' bởi Angelique, 07/05/2001.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Angelique

    Angelique Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    17/04/2001
    Bài viết:
    940
    Đã được thích:
    0

    Hồi Ký Tô Hoài, Nhân Cách... Tiếng Vọng Đổ Vỡ Niềm Tin
    Xin giới thiệu với các bạn cuốn Tô Hoài Hồi Ký của nhà văn Tô Hoài do Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn Việt Nam phát hành 1000 cuốn vào tháng 3.1997, sách dày 736 trang, khổ 13 x 19, in tại Xưởng in Bộ Nông Nghiệp, và được giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996.
    Hồi ký này được chia làm ba phần: Cỏ Dại, Tự truyện, Cát Bụi Chân Ai.

    *
    Vào bài mở đầu, phần Cỏ Dại viết từ năm 1943, ông (tác giả) kể mình dạy học kèm cho bé Tư, một em nhỏ gọi ông là cậu. Theo mạch tự chuyện, ông ôn lại thời thơ ấu không có tiếng cười của ông; và so sánh tuổi thơ lặng lẽ, dễ tủi thân chứ không được hồn nhiên vui tươi, chuyện líu ríu, cười như con nắc nẻ khi đến lớp học như bé Tư khi ấy. Ông ví mình đã sớm phải "phong trần" như đám cỏ hoang dại: "... Những ngày thơ ấu của nó (tác giả) leo hoang trong đám cỏ bên đường đi. Cỏ dại, cỏ không tên, rườm rà ken khít nhau bò ngẩn ngơ trong khoảng đất rác rưởi (tr-7)."

    Tiếp, ông kể về làng quê ông và gia cảnh nhà ông. Đọc những trang ông tả về làng xóm và căn nhà cổ xưa thừa kế của họ ngoại ông, hẳn nhiều bạn ở tuổi "ngũ thập nhi tri thiên mệnh" thường dễ chạnh lòng khi nhớ lại căn nhà xưa, làng xóm cổ kính xưa của mình mà nay đã biến hóa theo cuộc dâu bể. Sâu vào hoàn cảnh, ông giản lược kể về người cha: có cha mà người cha luôn biệt nhà đi xa kiếm sống; và cuối cùng người cha dứt bỏ hẳn vợ con. Bằng miệng của một bác người cùng làng bên họ nội từ Sài Gòn ra, ông thuật lại: "...Thày tôi lấy người ở Hanh Thông Tây làm nghề bánh tráng đã được hai con, một trai một gái. Thày tôi bây giờ lòa cả hai mắt, đi phải chống gậy (tr 113)." Nỗi mất mát thiếu thốn tình cảm của người cha từ bé được ông kể song hành với cái tình săn sóc của mẹ, của ông bà ngoại với mình. Đồng thời, ông có thêm tình cảm của những bà dì ruột (Năm, Bảy), những cô em ruột (Hồ, Ngó), em họ (Châu, Nhâm), tuy chỉ loáng thoáng xen trong cảnh sống lận đận của toàn thể gia đình, họ hàng ông, nhưng nó vẫn toát ra sâu đậm cái nhớ thương của ông với họ. Đọc Cỏ Dại, ta dễ cảm thông. Đọc xong, ta thấy man mác khi thẩm nhận tuổi thơ cơ cực của ông qua lời văn giản dị mà giàu hình ảnh làng quê Việt Nam xưa sống động trong những trang hồi ký. Văn ông không triết lý mà tự nó có hồn, toát ra khéo đến nỗi gây xúc động bạn đọc có những mảnh quá khứ na ná như trên.

    *
    Trong Tự Truyện, ở chương Mùa Hạ Đến Mùa Xuân Đi viết từ 1970, tác giả ý thức thuật lại hành trình tư tưởng của ông.

    Kể lại tuổi thơ, ông cho biết rất sợ đi học, vì học thì dốt mà lại còn bị những kỷ niệm buồn chán bi đát ám ảnh. Nỗi sợ ấy có nguyên nhân từ một năm sống nhờ ở nhà chú Tưởng (một người bạn của cha) ở phố hàng Mã để chờ xin học. Tại đó, ông phải làm nhiều việc không mấy hứng thú cho gia đình chú Tưởng. Bởi thế, vốn sẵn bản tính không thích đến trường, chỉ thích dong chơi và tự học bằng quan sát thiên nhiên, khung cảnh xã hội quanh mình, nên trong những năm học ở trường làng ông đã chẳng gặt hái được bao kiến thức. Đã vậy, ngay buổi học khai trường và suốt năm đầu học ở trường Yên Phụ, ông và nhiều học trò cùng lớp còn bị thày Tỏi phạt đánh thậm tệ. Ông thừa nhận ông học dốt, dốt từ tiếng Pháp đến các môn học khác. Bằng giọng văn kể chuyện giản dị, ông ngầm tố cáo chế độ thực dân và phương pháp giảng dạy mang tính phong kiến lạc hậu của hệ thống giáo dục đương thời. Đây là cái tài dùng hành văn nhẹ nhàng mà đầy tính phê phán của ông. Cuối Tự Truyện, qua mô tả gia cảnh và sinh hoạt nghèo túng nhà thầy giáo Tỏi, ông biểu cảm lòng thương mến của ông với người thầy mà ông đã có lúc rất ghét và rất sợ đó. Sự đổi thay tư tưởng ấy, khởi từ bản thân ông và dân tộc đang bị thực dân áp bức, tiếp đến việc người con trai của thầy là anh Kính, một bạn học lớn tuổi cùng trường đã hoạt động "hội kín" (cộng sản) rồi bị mật thám bắt vì liên quan đến vụ ném truyền đơn vào sân trường Yên Phụ, cho ta thấy cảm nghĩ, lập trường, khuynh hướng chính trị thân cộng sản của ông có nguồn gốc từ đấy. Để rồi, sau này ông đã hào hứng cùng những thợ dệt nghèo khổ vùng Vạn Phúc, Hà Đông lập hội ái hữu: tranh đấu chống bất công, thất nghiệp và nghèo đói. Cũng từ đây, dần dần tư tưởng ông chịu ảnh hưởng của những người mong sao cho "ngày mai tươi sáng, thế giới hạnh phúc, đại đồng".

    Trong những trang viết kể về thời trai, ở độ mới 16- 17 tuổi ông đã phải gian nan kiếm sống bằng những nghề: dệt cửi, học đánh máy chữ, đi bán giày thuê cho hãng Bata, và lưu lạc xuống Hải Phòng tìm việc làm để tự nuôi thân và giúp đỡ gia đình. Ở phần hồi ức này của ông, ta thấy ông giỏi văn miêu tả, nhất là tả cảnh vật, nên dù ngôn ngữ giản lược, nhẹ nhàng mà bức tranh xã hội Việt Nam xưa hiện rõ mồn một: làng quê xám ngoét, xóm quê xơ xác tiêu điều, cả miền Bắc đều nghèo đói, lạc hậu; nhất là cảnh dân đói và chết đói khủng khiếp năm 1945 đã được ông lột tả đầy đủ trong hồi ký. Bàn về xã hội, ông đã điển hình hóa sự lạc hậu, hủ lậu của thời đó qua những chuyện: bà mẹ của lý trưởng làng Bùng đã nhiều ngày âm thầm dùng cực hình quấn chặt bụng cô con gái có thai hoang với anh thợ cửi tên là Đành, để rồi, cuối cùng cô gái vì khổ cực kéo dài quá, vì bấn loạn sợ hãi quá mà phải trầm mình tự vẫn (tr. 149-153); hay chuyện ông Phán Quý ở Hải Phòng đã có "sáng kiến" giam bố mẹ mình vào cũi khi họ cãi nhau, người con bất hiếu và tàn nhẫn này thản nhiên giải thích việc trừng phạt ấy: "Người già lẩm cẩm chúa hay cãi nhau đánh nhau, loạn quá! Bây giờ các "lúy" đương cơn tức nhau, "moa" mà thả các "luý" ra thì lung tung, đố các "vu" ở nổi cái buồng ấy. Cứ phải tống vào nhà pha vài hôm thế mới xong (tr 211)."

    Ngoài miêu tả và phê phán xã hội thời thực dân- phong kiến, ông nhấn mạnh đến tình ái hữu giai cấp của ông và những thanh niên nghề cửi (Điều, Đành, Đồ Địch...); về tình bạn của các bạn ông (Cư, Hồ, Hiền...); về sự cao thượng mà hai vợ chồng Cần-Thúy dành cho ông trong thời gian sống tá túc tại nhà họ ở Hải Phòng để tìm việc kiếm sống. Tại đấy, khi không sao tìm được việc làm, ông đã phải chấp nhận gợi ý của Thuý: tán tỉnh bạn gái của Thúy- một cô gái nhảy nghèo để hòng kiếm nơi ăn chốn ở độ nhật. Vậy mà hy vọng ấy cũng không thành, vì ông vụng tán gái. Thêm vào cảnh "dậu đổ bìm leo" là việc do thấy ông tá túc tại nhà hàng xóm (Cần-Thúy) mà lại ngủ chung một giường với hai vợ chồng họ (nhà chỉ có một giường), ông bà Phán Quý đã chửi móc, rồi chửi thẳng ông: "Này, này! Tối nay mà "vu" còn về đây tụ bạ vô luân lý sẽ có đội con gái đến điệu các "vu" về bóp (tr. 223)." Nghe nhận lời đe dọa ấy của ông Phán, ông không dám cố đấm ăn xôi ở lỳ nhà bạn cũng đang nghèo kiết xác, đành buộc phải cuốc bộ chuồn về Hà Nội mà cũng chẳng chào vợ chồng bạn một tiếng.

    Từ chương Một Quãng Đường, ông kể nhà văn Như Phong đã giới thiệu ông với đoàn thể cách mạng (*********), ông "được giác ngộ và trở thành nhà văn có lý tưởng cộng sản." Ông thừa nhận bản thân đã ràng buộc với lý tưởng này từ khi hoạt động phong trào ái hữu thợ dệt Hà Đông. Thế rồi, kể từ khi bước vào nghề viết văn và chăm chỉ sáng tác để kiếm sống, ông đã quen biết hầu hết các văn nghệ sỹ cùng trang lứa, lớn hơn và nổi tiếng hơn khi đó. Ông giao du với những nhà thơ nhà văn: Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Huyền Kiêu, Nguyễn Bính, Kim Hà; biết Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Công Hoan, Trương Tửu, Lan Khai, nhóm Tự Lực Văn Đoàn; thân với Nam Cao, Thâm Tâm, và Trần Huyền Trân (cùng nghèo và cùng chí hướng).

    Xen kẽ chuyện kể về những quan hệ bình thường trong làng văn nói trên, ông đưa ra những nhận xét về những nhà văn, nhà xuất bản, các nhóm văn hóa, xã hội thời đó. Ví dụ, về mối quan hệ cuả làng văn Hà Nội với các nhà xuất bản khi đó, như với chủ nhà XB Tân Việt là Lê văn Văng, thì ông "tố" :".Nhiều bậc nhà văn đàn anh, các ông Lan Khai, Trương Tửu đã xúm đến trổ tài đào tiền lão, lão sắp khánh kiệt (tr 259)." Về nhóm Tự Lực Văn Đoàn, ông viết: "... không dễ quen đâu. Cánh Tự Lực Văn Đoàn thì ăn mảnh. Vài người chơi với họ "thấy người quen bắt quàng làm họ", ra vẻ hí hửng (tr 255)."... "Có bạn tưởng văn chương hồi ấy chỉ có Tự Lực Văn đoàn. Không Phải. Bạn đọc Tự Lực nhiều, nhưng không phải là tất cả. Bạn đọc Tự Lực phần lớn là thầy giáo, công chức, thanh niên sinh viên học sinh. Nhóm Tự Lực là một số nhà văn muốn truyền bá một quan niệm, một lối sống, từ xã hội đến gia đình, đến cá nhân và tình yêu."... "Họ muốn làm cho văn chương kiểu đó được độc tôn. Không công nhận các dòng văn khác hoặc chỉ đề cao ai do mình tung lên. Thậm chí, dìm chết người viết khác lối văn của mình, như đối với Kim Hà và Phan Huấn Chương (theo chú thích của Tô Hoài: Tiểu thuyết Rạng Đông của Phan Huấn Chương được Tự Lực trao giải ba, Cái Nhà Gạch của Kim Hà được giải nhất mà Tự Lực không in, tr- 278). "Nhưng từ bắt đầu chiến tranh thế giới lần thứ hai, trong giông bão chống tai họa phát xít, bản thân văn đoàn này và người đọc cũng phân hóa. Những người chủ chốt trong nhóm Tự Lực: Hoàng Đạo, Nhất Linh, Khái Hưng... đi vào con đường chính trị thân Nhật. Còn ai ở lại với văn chương thì văn chương đã tàn (tr-179)."... Bàn luận khuynh hướng văn nghệ và lập trường chính trị của nhóm Tự Lực xong, ông không quên kể chuyện và phê phán nhóm Tờrốtkít: "Khuynh hướng tờrốtkít không có sức hút về văn học. Nhưng họ hoạt động nhiều vì Pháp để yên và họ đã quẫy mạnh trong đám trẻ cầm bút. Tờ Tranh Đấu của nhóm tờrốtkít ở Hà Nội cũng ra bí mật. Những khẩu hiệu khoa trương khá hấp dẫn đã được nêu trong các cuộc đấu tranh đòi đời sống, lập ái hữu tiến tới nghiệp đoàn. Nhưng chỉ có khẩu hiệu, không có việc. Rồi cũng tan rã (tr-279)."

    Trong bối cảnh xã hội phức tạp, đầy những người khác với quan niệm của ông như vậy, ông sớm hoà mình và thích nghi với sinh hoạt làng văn, qua lời thuật: "Có khi đi đánh nhau lối đòn hội chợ nữa. Hồi ấy làng văn hay đánh nhau lắm. Thiết Can viết một bài trên báo Hà Nội Tân Văn chê Nguyễn Doãn Vượng. Vượng đón Thiết Can, đánh Thiết Can ngay trước cửa nhà in Trung Bắc giữa phố Hàng Buồm; Nguyễn Bính in truyện ký Ngậm Miệng trên báo Tiểu Thuyết Thứ Năm. Thượng Sỹ viết phê bình, đọc sách cho báo Tin Mới, nhắn Nguyễn Bính: không nộp tiền "mãi lộ" sẽ phết cho một bài chửi. Nguyễn Bính nhắn lại: chửi thì đánh. Rồi đánh thật. Tôi cũng hung hăng trong đám đánh hôi (tr 255)."

    Dám chịu chơi như thế, ông đã kết thân được với Nguyễn Bính, và được Nguyễn Bính rủ đi "giang hồ" cùng Vũ Hoàng Chương. Ba người vào ả đào ở Bắc Ninh, lên thăm Bàng Bá Lân ở Bắc Giang. Lối đi chơi "giang hồ" này, ông khoe là tiêu tiền của người khác, và đã có Vũ Hoàng Chương gánh chịu. Theo mạch kể, ông cho biết ông và Nam Cao còn ăn cơm cả tháng ở nhà Vũ thi sỹ ở Nam Định mà không giáp mặt những người thân nhà này. Rồi ông nghị bàn lối chơi đó: "Chơi thế phải mặt dầy đi chạy vạy chằng bửa. Nhưng lại thổi màu phiêu đãng bất cần đời lên mà làm thơ. Những "say đi em", "nghiêng nghiêng trần thế", "nàng tiên nâu" chỉ là "làm thơ" vậy thôi... (tr 269)". Hay: "Thời thế những năm ấy đã khác. Cái lãng quên và quay lưng (với thực tại) chỉ còn là sự gục đầu xuống...(tr 269)"; "Đó là lớp người trôi như bèo trên mặt sóng (tr 271)."

    Đoạn tuyệt với những cuộc hưởng thụ đầy màu phiêu đãng bất cần đời ấy, ông hồ hởi tham gia *********, hoạt động dưới quyền những người: Như Phong, Vũ Quốc Uy, Trần Độ, và cùng nhóm với Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, Nam Cao... Ở môi trường mới, ông giác ngộ, và phê phán khung cảnh cũ: "Từ khi biết nghĩ điều hay cho những ao ước của mình, tôi chỉ một mạch nghĩ cho cách mạng. Nhưng ở cái chợ văn thời ấy eo sèo kẻ mua người bán, kẻ ra người vào. Ngót nửa thế kỷ văn học quốc ngữ, được dăm tác phẩm có giá trị. Còn thì người ta cầm bút không vì cái gì cả hoặc chỉ gãi cái thích của một số người đọc ít ỏi lúc ấy. Những nhân vật chàng nàng phù phiếm... Và nhảm nhí tệ hại, lướt qua bìa sách cũng đã thấy nặng mùi. Ngoại tình (Vũ trọng Can)... Thả Cỏ (Nguyễn Tố) ... Một đêm với Dương Quý Phi (Trúc Định)... (tr 275). Phê phán khuynh hướng sáng tác "nhảm nhí, nặng mùi" ấy xong, ông quảng bá những sáng tác mang hoài bão, lý tưởng tranh đấu của phe mình: "Tô Hoài (Xóm Giếng, Dế Mèn Phiêu Lưu Ký, Đám Cưới Chuột. ), Nam Cao (Một Đời Người, Cơn Giông, Sống Mòn), Nguyên Hồng (Lửa, Nhân Loại, Ngày Mai, Cuộc Sống), Nguyễn Đình Thi, và Đặng Thai Mai.(tr 285-288)." Chen lẫn chuyện kể về những nhân vật tích cực cùng hội cùng thuyền ấy rồi, ông lướt qua số phận những thanh niên không theo cách mạng, bị quy là ********* và đã bị ********* (đảng) trừng trị (thủ tiêu): Nguyễn Tế Mỹ và Nguyễn Đức Chính (tr 296).
    Kể về hoạt động đảng phái thời ấy, ông và các đồng chí (Như Phong, Vũ Quốc Uy, Nam Cao, Nguyên Hồng.) bị mật thám Pháp bắt, tra tấn dã man mà vẫn giữ vững khí tiết người cách mạng. Nhưng tờrốtkít thì thân Pháp, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt thì thân Nhật. ********* thì có tổ chức chặt chẽ, biết sáng suốt chớp đoạt thời cơ, như vụ ********* điều động quần chúng ra vườn Bách Thảo (Hà Nội) phá cuộc mít tinh kỷ niệm Nguyễn Thái Học (tr 324-325) do Việt Nam Quốc Dân Đảng tổ chức. Tất nhiên, ngụ ý ông cho người đọc thấy, những phe khác (Quốc gia) rất là yếu kém tổ chức, và lầm lạc chủ thuyết...

    Viết về những năm 1943-1945 (chương 1944-1945), ông kể lại hoạt động của ông trong phong trào *********, và nhấn mạnh vai trò chính trị của ********* (CSVN) thời kỳ đó. Ông cũng không quên kể lại chiến lược tranh đấu của đảng qua việc khởi thảo Đề Cương Văn Hóa (1943), do Trường Chinh soạn, Hoàng văn Thụ góp ý, rồi Trường Chinh sửa lại. Qua những hồi tưởng của ông, người quan tâm tới lịch sử nước nhà (1943-1945) đều không lạ quỷ thuật cài người thao túng Hội Truyền Bá Quốc Ngữ, lập đảng Dân Chủ VN, đảng Xã Hội VN, v.v. của ********************** để chuẩn bị và cướp chính quyền. Và, khi cướp được chính quyền, thì áp dụng ngay cơ cấu kiểm duyệt, khống chế văn nghệ nước nhà để ngu dân và nắm độc quyền cai trị. Bởi vậy, ta nhận ngay ra vai trò "người chiến sĩ trong mặt trận văn hóa của đảng" của Tô Hoài, qua lời ông thuật: "Tôi còn nhớ: Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Huy Tưởng (Hội Văn Hóa cứu quốc), Nguyên Hồng, Tô Hoài (Báo Cứu quốc), Trần Lâm, Nguyễn văn Thân, Trần Kim Xuyến (Đài phát thanh), Nguyễn Công Mỹ (Bình dân học vụ), Trần Huyền Trân (kiểm duyệt sân khấu), Như Phong (kiễm duyệt sách báo)". Thủ đoạn ấy của đảng ông, được ông coi như sự đề cao tài trí đảng mình, chứ không phải để phê phán phường gian trá xảo quyệt đã lợi dụng công lao xương máu dân tộc để cướp quyền và hưởng lợi! Rồi ông viết: "Nhớ lại chuyện hồi ấy bây giờ cũng có người không biết hoặc lẫn lộn." Nhưng không biết vì sao ông lại không kể rõ sự kiện "không biết hoặc lẫn lộn" là những gì, như thế nào? Có thể ông sao nhãng khi thảo hồi ký nên mạch chuyện có dẫn đề mà quên không dẫn chứng, hay e ngại gì đó? Riêng, với một người có ảnh hưởng lớn với phong trào ấy khi đó là Nguyễn Hữu Đang thì ông có dành cho mươi dòng hồi tưởng, và chỉ tóm lược thôi: "Nguyễn Hữu Đang thẳng tính và tính việc nhanh, ở cơ sở nào cũng thân như người nhà. Còn nhớ nhà ông Mai ở Hàng Điếu, ông thợ điện nhà máy điện Bờ Hồ nhà ở hàng Quạt mà chúng tôi đã đi ăn cưới con trai ông ấy, như ruột thịt.

    Năm mươi năm sau, mới rồi, tôi được Phùng Quán và Phùng Cung mời đến dự cuộc mừng Nguyễn Hữu Đang 80 tuổi. Ông già vẫn độc thân. Hôm ấy, Nguyễn Hữu Đang trịnh trọng cầm giấy phát biểu hùng biện, rành rẽ, mạch lạc một, hai, ba, bốn hô hào thanh niên cầu tiến tha thiết, vẫn thế, vẫn phong độ như ngày xưa. Thôi cũng là đời. Nghe nói mấy lâu nay cụ nghiền ngẫm Lão-Trang (tr-365-366)." Âu, đây có lẽ là chút cảm thán của ông cho một người cùng chí hướng đã đối đãi thâm tình với ông khi ông gặp khốn khó (Hữu Đang ứng xử tốt với ông, và đã cho ông 5 đồng bạc vào năm đói) và người đó thuộc lớp những người mang công hãn mã dựng lên một chế độ, rồi bị chính nó hất xuống hố.

    Cách mạng Tháng Tám thành công, ông được Trường Chinh chỉ định sang làm báo Cứu Quốc; đi Nam Tiến; ra Hà Nội; tháng 10.1946 được Xuân Thủy, là bí thư chi bộ giới thiệu và kết nạp vào đảng cộng sản VN.

    Thời kháng chiến chống Pháp, ông viết chương năm 1947. Chương này ông kể việc ông theo lệnh đảng cùng báo Cứu Quốc di chuyển lên Bắc Cạn, và là bí thư chi bộ đảng, kiêm phụ trách báo Cứu Quốc Việt Bắc. Tại đấy, trong cương vị là bí thư chi bộ, ông kết nạp Nam Cao vào đảng. Đây là thời gian nan của đảng ông, mà hành động quân sự nhảy dù xuống Bắc Cạn cuả Pháp đã gây ra những khó khăn trực tiếp cho bộ phận làm báo Cứu Quốc Việt Bắc do ông phụ trách.

    *
    Đọc tới Cát Bụi Chân Ai trong tổng thể tập hồi ký của ông, ta được ông kể cho nghe những sự kiện chính trị từ năm 1951 đến 1990 (kết thúc hồi ký): Chỉnh Huấn Chính Trị, Giảm Tô, Cải Cách Ruộng Đất, Nhân Văn Giai Phẩm, và khung cảnh miền Bắc. Nội dung chuyện của khoảng thời gian 40 mươi năm ấy nói về ông và hầu hết những văn nghệ sĩ đã bị nhào nặn trong môi trường xã hội do ********************** lãnh đạo. Tất nhiên, vì có mối liên hệ xã hội, tranh đấu đảng phái nên chuyện ông kể bao gồm cả những thành phần đối lập với **********************, và khác biệt với quan điểm cuả riêng ông.

    Về ông, qua lời kể tản mác trong hồi ký, ta thấy ông sớm có vai trò lãnh đạo trong ngành thông tin tuyên truyền và văn nghệ của đảng. Ông là Bí thư chi bộ đảng kiêm phụ trách báo Cứu Quốc Việt Bắc (1947), Đội phó Cải Cách Ruộng Đất kiêm Phụ trách tòa án (1953-1955), Phụ trách nhà xuất bản Văn Nghệ, nhà xuất bản Hội Nhà Văn, Tổng Thư Ký Hội Văn Nghệ Hà Nội, kiêm Tổng biên tập tuần báo Người Hà Nội nhiều năm (1955.?). Và, ở cương vị này, dù có tì vết như bị ảnh hưởng tư tưởng chính trị của báo Nhân Văn, và quản lý chưa tốt nhiệm vụ của nhà xuất bản Hội Nhà Văn, nhưng do đã sớm biết viết bài tự kiểm đăng báo Nhân Dân (ngày 12.3.1958) mà ông vẫn được đảng tin dùng và vẫn được đóng vai lãnh đạo văn nghệ để đi công cán toàn miền Bắc trước 1975, khắp cả nước sau 1975; kiêm chức vụ người thay mặt ngành văn nghệ đón những đại diện văn hoá của các nước cộng sản và thân cộng sản tới thăm Việt Nam, giữ vai đại biểu văn nghệ chế độ đi sang thăm rất nhiều nước "bạn" Á, Âu, Mỹ, Phi. Hiển nhiên, thời đó ông có địa vị lãnh đạo, được hưởng quyền lợi tinh thần, vật chất nhiều và cao hơn so với những vị bị đảng cho nằm yên.

    Mặt thành đạt của ông là vậy. Còn mặt sai trái lầm lỗi của mình, ông hé ngỏ đôi dòng: "Báo Nhân Văn ra đến số 6 bị tịch thu tại nhà in. Các báo hoan nghênh việc đó. Một số văn nghệ sĩ chúng tôi không biết ai chủ trương (việc đó) cũng ra tuyên bố tán thành tịch thu báo Nhân Văn. Nhà xuất bản Minh Đức đóng cửa. Hồi ấy, báo in còn ít. Chỉ tính số nghìn. Nhưng một tờ báo bị cấm thì ầm ĩ ngay. Bấy giờ, cuối năm 1956 (tr- 491)." Tiếp, ông dùng lời người khác để gián tiếp thừa nhận sai trái của mình. Ví dụ, Nguyễn Tuân: "Chó biết thằng này thế nào là thật! Tao ghét cái cười mủm mỉm hiền lành không biết hiền lành của mày (tr. 588)"; Như Phong: ".thằng ngoại ô láu cá, văn chương thì đẽo gọt (tr. 529)"; Nguyên Hồng: "Tiên sư mày, thằng Câu Tiễn! Ông thì không, Nguyên Hồng thì không (tr. 543- vụ Tô hoài viết bài xám hối trên báo Nhân Dân ngày 12 tháng 3 năm 1958, về việc bị ảnh hưởng tư tưởng chính trị của báo Nhân Văn, và quản lý chưa tốt nhiệm vụ của nhà xuất bản Hội Nhà Văn)".

    Sau ông, gương mặt mà ông dành vị trí trang trọng từ mở đầu cho đến kết thúc hồi ký Cát Bụi Chân Ai là Nguyễn Tuân. Ta thấy ông thuật về một Nguyễn Tuân: xuất thân gia giáo, sớm có tư tưởng tự do, tài hoa văn chương, trọng nguyên tắc và kỷ luật, nhưng không luồn cúi giới chức đảng, biết và kiểu cách hưởng thụ các thú chơi sang trọng (đi hát cô đầu loại sang, ẩm thực cầu kỳ), biết trọng tình nghĩa với vợ, biết giữ ân nghĩa với người tình và bạn bè, nhưng khó tính đến vô lối, luôn ca cẩm kẻ không hợp mình, thù lâu những kẻ mình không ưa (với Nguyễn Hữu Đang, Minh Đức, tr. 472), và những kẻ đã phê bình ông trong những chiến dịch chỉnh huấn chính trị, tư tưởng văn nghệ sỹ. Ví dụ, ông viết: "Chỉ Nguyễn Tuân mới nhớ lâu và để bụng những câu góp ý ấy" (tr 522). Nhân vật trang trọng có con trai làm tới cấp tướng và đã từng được đảng giao làm Tổng thư ký Hội văn nghệ ấy, sau nhiều năm được chế độ đãi ngộ đầy đủ: đi công tác trong và ngoài nước liên tục, cao hổ cốt, rượu Tây thường có sẵn, nhưng đến cuối đời bị rơi vào cảnh sống túng thiếu vật chất, bệnh tật, vỡ mộng rồi bất mãn chế độ. Ví dụ: "Mỗi khi ở sân bay Gia Lâm về qua cầu Long Biên, ra ngã sáu dốc hàng Kèn làm cuộc tẩy trần bát cháo gà lão Chữ cũng phải nhẩm xem trong túi có bao nhiêu. Mới nhớ ra cái vé máy bay, cái tiền ăn và tiền tiêu vặt hàng ngày là của người ta cho, chẳng phải đồng nào của nước mình, của mình. Có ra gì mà vênh! Dần dần đến bây giờ, thế này đây, cái thằng nhà văn (tr720)!". "Đấy, lại mất điện. Tiến lên công nghiệp nặng của ông Lê Văn Lương ở thành phố này là phải trữ cái đèn Hoa Kỳ (đèn dầu hỏa)." Đọc đoạn văn ấy, ta có thể đổi lại thành: Đấy, lại mất điện. Tiến lên công nghiệp nặng của ông Hồ Chí Minh ở thành phố này, ở đất nước này là phải trữ cái đèn Hoa Kỳ. và dăm ký sắn khô.

    Xen theo chuyện, có hầu hết những khuôn mặt văn nghệ sỹ tiêu biểu của miền Bắc sau 1954, như: Nguyễn Bính, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, Tú Mỡ, Trần Dần, Lê Đạt, Văn Cao, Hoàng Cầm, Tử Phác, Phùng Quán, Hữu Loan, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Đặng Đình Hưng, Phan Khôi, Trần Đức Thảo, Phùng Cung., xin nêu một số trong nhiều khuôn mặt mà ông đã viết:

    - Nguyễn Bính tư tưởng tự do, yêu đương, sinh hoạt bừa bãi, cảm xúc lãng mạn, rộng rãi với bạn bè, ở trong đoàn thể mà dám bất chấp nguyên tắc, kết cục đời bi thảm: vợ bỏ, con trai bị thất lạc, rồi chết vì trúng gió sau cuộc rượu ngày tết ở nhà bạn.

    - Nguyên Hồng sáng tác giỏi, có lòng cả tin và nhiệt tình cách mạng, tính tình dễ dãi, giản dị và nhân ái, trung tín với bạn, không xu phụ sợ hãi dù hay khóc khi bị đoàn thể kiểm điểm, nhưng khùng lên là bất cần, ăn uống phàm cẩu thả bừa bãi (khi nghèo xơi cả thịt ôi và rau bà đẻ), tr. 506- 508- 534.

    - Nguyễn Huy Tưởng tính nồng nhiệt, trung thực và quý bạn cũng như luôn phát hiện mặt tốt của bạn. Tâm trạng thì luôn băn khuăn thời sự và chính trị. Dám chú tâm tới những vấn đề chết người, những vấn đề mà tư tưởng bị lộ ra là đảng quản chế hoặc cho đi suốt: bênh vực những người Hunggari nổi dậy năm 1956, ủng hộ Titô ở Nam Tư, không xu phụ vào hùa đánh những người làm báo Nhân Văn, thân với Nguyễn Hữu Đang, giao du với phần tử Tờrốtkít (482-485).

    - Đặng Đình Hưng liên quan nhóm Nhân Văn, bị đảng khai trừ và ngăn chặn sáng tác, sống khổ cực và phải buôn rượu lậu để độ nhật. Mãi cho tới khi con trai là Đặng Thái Sơn thành đạt, cho bố tiền mua nhà ở, ông mới thoát cảnh nghèo (tr. 494), nhưng đã hết năng lực sáng tác.

    - Về Xuân Diệu, ông không nói về tài năng sáng tác trước cách mạng của thi gia này, mà chỉ kể rõ về một Xuân Diệu chi li đầy nữ tính: viết lách sáng tác, nói năng bài bản máy móc, quá săn sóc cho thực đơn khi làm khách dự, hám ăn đến nỗi cấp cứu vào bệnh viện là chuyện thường. Khốn nhất, thi gia này còn là kẻ bất hạnh giới tính. Qua chuyện kể thời kháng chiến, vào một đêm mưa ông ngủ lại nhà Xuân Diệu và được con người đồng tính ấy ********: "Chúng nó sợ (đồng đội của Xuân Diệu), đi bỏ trống cả cơ quan. Cả dạo mưa gió Xuân Diệu ở lại u tì quốc không ra ngoài... Bàn tay ma ở đâu sờ vào. Không phải. Tay người... hai cơ thể con người quằn quại, quấn quýt, cánh tay, cặp đùi thừng chão trói nhau lại, thít lại, dằng ra. Niềm hoan lạc trong tôi vỡ ra, dữ dội lên, dằn ngửa cái xác thịt kia (tr. 599)". Rồi tới dịp nhà thơ bị đơn vị kiểm điểm hai tối.: "Xuân Diệu chỉ ngồi khóc. Chẳng biết Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Trọng Hứa, Nguyễn văn Mãi, cả lão Hiến, thằng Nghiêm Bình, những thằng Đại, thằng Đắc, Tô Sang và mấy thằng nữa, có ai ngủ với Xuân Diệu không, tất nhiên không ai nói ra (tr. 601)." Cuối chuyện về con người đa tình đồng giới ấy, ông giới thiệu bài thơ Em Đi của Xuân Diệu tặng Hoàng Cát- người tình trai, khi anh này rời thành phố vào Nam chiến đấu (tr-606). Đọc xong những tiết lộ trên, ta thấy tội nghiệp cho thiên tài thơ yêu Xuân Diệu, đầy hào quang mà đời lại là tấn bi kịch. Cuối phần bài viết về đồng nghiệp bất hạnh ấy, ông bênh vực bạn bằng một dẫn chứng: ". ở Đan Mạch mới có luật cho người cùng giới lấy nhau".

    Ngoài những mẩu chuyện gạn lọc đời con người, tình cảnh giới văn nghệ sĩ như trên, ông nói về hành xử của đảng với họ trong Chỉnh Huấn Chính Trị (1951, theo phương pháp Hoa Nam), Giảm Tô: "Khổ một nỗi, có người nghe phê bình, cứ tiếp thu thun thút, còn minh họa thêm nỗi mình cho to ra thêm nữa. (Vậy mà) Cũng không được tin, lại bị tố cáo là hời hợt, trốn đấu tranh. Có người bỗng nhận thấy mình sai, nhận ngay cũng lại bị cho là nông cạn, con vẹt, thiếu đào sâu suy nghĩ."... "Tôi dự cuộc chỉnh huấn đã nhiều, có người lo quá, cả tháng không chợp mắt, như ở báo Cứu Quốc, một cậu còn trẻ, đã vào rừng thắt cổ (tr. 523)" ... "Họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm tham gia cuộc Giảm Tô ở Thái Nguyên (1951)... Đội viên Nguyễn Tư Nghiêm loay hoay cả tuần không bắt được rễ, không xâu chuỗi được một cố nông nào. Nguyễn Tư Nghiêm hoảng quá phát dại, đi không nhớ đường về xóm. Suốt ngày vơ vẩn ngoài đồng, bắt cào cào, châu chấu ăn (tr. 524)". Riêng về thời kỳ Cải Cách Ruộng Đất thì ông né tránh kể lại toàn cục, chỉ tóm tắt: "Đất nước như cánh đồng cày vỡ, chưa biết cấy hái ra thế nào. Vết thương cải cách ruộng đất, chỉnh huấn tổ chức còn đỏ hỏn khắp chợ cùng quê. Các thành phố đã bắt đầu cải tạo tư sản (tr. 470)"., hay: "Ôi thôi, bao nhiêu não nùng trần ai. Ngót hai năm trước, 1955 và 1956, tôi đã đi làm "anh đội" ba đợt cải cách ruộng đất., đợt 4 được thăng đội phó phụ trách tòa án.". "Nhưng dù sao, đội tôi cũng là một đội đánh địch khá, đã hai lần được tuyên dương toàn đoàn. Cho nên, đợt 5 được điều ra Cảm Bình Hải Dương vùng "hai trăm ngày" sau tiếp quản mới giải phóng, làm thẳng cải cách không qua giảm tô. Những vùng trắng cơ sở, chắc chắn lúc lúc mật thám và "quốc dân đảng". Tôi làm phó, đội trưởng Huỳnh Cự. Huỳnh Cự sát phạt dữ dội mọi mặt. Mới vài ngày xuống xã, Huỳnh Cự đã tổ chức mít tinh đề nghị đoàn ủy duyệt cho bắn một địa chủ để nâng khí thế nông dân lên (tr- 527)."

    Viết về chế độ XHCN miền Bắc khi nó đang hưng thịnh, ông kể về những vụ án hình sự: xử một cán bộ phòng tài vụ nhà máy điện Yên Phụ dính trò trác táng; một đám thị dân Hà Nội phạm tội kiếm tiền bằng kinh doanh đồi trụy; một băng trấn lột Hà Nội ngang nhiên gây án giữa Thủ đô; và đặc biệt là vụ tham nhũng tập thể, hưởng thụ phè phỡn của tập thể ban lãnh đạo huyện, gồm từ bí thư huyện ủy tới 24 bí thư xã trong một huyện của tỉnh Bắc Giang vào những năm chống Mỹ (tr. 685-689), cho ta thấy không phải là do tàn dư Mỹ-Ngụy gây ra như đảng thường rêu rao sau này, mà nó chính là những ung nhọt của chính chế độ "ưu việt" đó.
    Sau những chuyện "chẳng lành" của phía ta như trên, tác giả kể những chuyện "không hay" của những đối thủ tư tưởng, chính trị đối lập là Tự Lực Văn Đoàn, Tờrốtkít, Đại Việt, và những văn nghệ sỹ kháng chiến quay. Ở những đoạn văn viết về những thành phần đối lập đó, thoạt đọc thì ta thấy thoáng thôi nhưng thực ra ông phân cách rõ ràng lập trường tư tưởng của mình với họ, qua cách nhận xét (phê bình) họ. Do vậy, trong bức tranh xã hội Việt Nam thời đó mà ông khái quát ấy, ta thấy ông khi thì đóng vai trò chứng nhân khi kể chuyện về người bị hại, nếu họ là văn nghệ sỹ cùng phía; khi thì là công tố viên lúc kể về những văn nghệ sỹ di cư và quay lưng lại với đảng; khi là thẩm phán lúc kể về những lực lượng đối lập chính trị, hay không cùng khuynh hướng văn hóa- văn nghệ với ông. Chẳng hạn, về những người ông từng giao du thân mật là Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Nguyễn Bính: "Những câu chuyện tình dài ngắn thuở ấy. Triền miên những đêm nhà hát Vạn Thái hay Vĩnh Hồ, những tuyệt vọng và những bài thơ, những chuyện có thật và những tô vẽ cho hoa mỹ. Nguyễn Bính thì cố nhân Hương, Hương cố nhân, Đinh Hùng thì em Liên hàng Bạc... Vũ Hoàng Chương thì Tố Uyển, Tố Uyên. Tàu Chantily, một thấp thoáng chiêm bao, "Tố của Hoàng ơi" thì vẫn neo lại trong tâm tình. Nhưng chỉ là những bài thơ, còn nàng thì đã lấy chồng. Các chàng lạy nhau, tôn nhau lên thành đấng rồi vừa khóc vừa đọc thơ, nghe tiếng trúc Cao Tiệm Ly thổi khi Kinh Kha qua sông Địch. Những bài thơ tuyệt vọng cứ tưởng tượng ra như thế (tr- 562)." Về thành phần kháng chiến quay- nhạc sỹ Phạm Duy: "Phạm Duy và Thái Hằng ở Thanh Hóa ra (Phù Ninh- Phú Thọ). Có một hội nghị quốc tế về âm nhạc ở Rumani, Phạm Duy chuẩn bị đi. Tôi không biết hội nghị hoãn hay vì đường xá cách trở, bấy giờ xe lửa Bằng Tường- Nam Ninh chưa có, cuộc đi lại thôi. Vợ chồng Phạm Duy trở về khu bốn. Chỉ có như vậy, không lắm chuyện như Phạm Duy đã viết trong Hồi Ký thời cách mạng, kháng chiến (tr. 593)." Về nhà giáo kiêm nhà văn Doãn Quốc Sỹ: "Tôi thường đọc trên đài một "Thư Hà Nội" gửi nhà văn Quan Sơn (Doãn Quốc Sỹ) ở Sài Gòn. Chẳng biết cách mạng có nợ tiền, nợ máu gì với gia đình công chức còm ở một làng làm nghề dệt nghề giấy ngoại ô này không, tin là không, thế mà sao Doãn Quốc Sỹ viết chửi cộng sản hăng thế (tr-662)."

    *
    Kết luận: Đọc Tô Hoài Hồi Ký, ta thấy trong Tự Truyện và Cát Bụi Chân Ai có quá nhiều "tình tiết" động tới nhiều người, họ là hầu hết những văn nghệ sỹ Việt Nam nổi danh từ tiền chiến đến 1975 (đã dẫn ở trên). Viết về những sự kiện chính trị, xã hội, văn học điển hình trong khoảng 40 năm, ông như là một chứng nhân trung thực (cho đảng) để phê phán giai đoạn văn học trước cách mạng tháng Tám và phê phán quan điểm tư tưởng, sáng tác, lối sống của giới văn nghệ sỹ thời kỳ này. Liên thuộc, ông phê phán những thành phần quốc gia Việt Nam, kết tội hoạt động chính trị thân Nhật- Pháp- Mỹ của họ. Mà, cụ thể là ông đã không ngần ngại phê thẳng những người đại diện nhóm Tự Lực Văn Đoàn, đảng Đại Việt, Việt Nam Quốc Dân Đảng, những người Tờrốtkít, những người quen xưa đã sang hàng ngũ quốc gia (Vũ Hoàng Chương, Phạm Duy, Doãn Quốc Sỹ). Với quan điểm đảng phái và cách nhìn vấn đề lệch lạc như vậy, cách viết của ông làm người đọc thiếu thông tin sẽ hiểu sai vì chỉ thấy được một mặt sự việc (sự kiện) của những thành phần xã hội, đảng phái, và một nửa hành động trong cuộc đời đa dạng phong phú của những con người nói trên.

    Viết về chế độ (đảng) mà ông mang niềm tin, lý tưởng dấn thân để cống hiến, ta thấy dù ông gượng tránh nói đến bản chất chế độ và chủ trương lãnh đạo (cai trị) của nó, nhưng ông đã "đi qua lằn ranh" từ kể chuyện sang hình thức gián tiếp phê bình nó, khi nêu ra những cái ác, cái xấu của nó.

    Nhận biết tư cách ông, trong hồi ký ta thấy ông chỉ thuật sơ một số nhược điểm, lỗi lầm của mình, và như cho khách quan hơn, ông dùng hình thức nhắc lại lời phê bình của những người khác với mình (đã dẫn ở trên).

    Đánh giá bản chất ông, ta nhìn hoàn cảnh xuất thân, đời sống, tư tưởng, vị thế xã hội, quan niệm và quan điểm của ông khi luận bàn về thế sự, về văn nghệ, về con người hai phía Quốc- Cộng, bạn- thù... và thấy ra ông có những nét chính: khôn khéo và láu cá, duy lợi và thủ thế, phụng sự lý tưởng nhưng bất mãn, thức tỉnh mà tự giam trong nỗi sợ hãi "trời phạt".

    Gấp lại trang cuối hồi ký, ta lấy làm tiếc cho một người đã đứng trong làng văn chương Việt Nam suốt một giai đoạn lịch sử đầy biến cố từ khoảng 1943 cho đến khi viết xong chương cuối hồi ký Cát Bụi Chân Ai vào năm 1990, vì tự và bị nhuộm đỏ tư tưởng, vì sợ hãi "trời đày" mà thành bị tiêu tùng cái đức (quân tử) của người cầm bút. Viết "di ký" cho đời sau mà ông không vượt lên khỏi những hạn chế trên nên cuốn hồi ký tuy tải rất nhiều sự kiện lịch sử thời đại, tiểu sử con người trong suốt khoảng thời gian dài nửa thế kỷ (1943-1990) mà ông liên quan, nhưng nó chỉ nặng phần tự thuật và chứa đựng nhiều nhận xét sai lệch!

    Nếu nhìn tổng quan cuốn hồi ký, ta thấy tác giả của nó thể hiện một nhân cách mờ nhạt, đến cuối đời mà chỉ dám thì thầm nỗi buồn tan vỡ niềm tin, chứ không dám công khai phản bác thủ phạm.

    Trường Xuân TriệuChú Thích: Tô Hoài, nhà văn, là Tổng Thư Ký Hội Văn Nghệ Hà Nội, kiêm Tổng biên tập tuần báo Người Hà Nội nhiều năm.








Chia sẻ trang này