"Tớ là Dâu" Từ xưa đến nay, đã có không ít cuốn sách của các nhà văn, nhà thơ, các học giả nước ngoài viết về Việt Nam, rồi trở thành những tác phẩm nổi tiếng thế giới. Nhưng cuốn sách của Joe lại ở dạng đặc biệt. Trước khi nằm trên tay bạn, nó đã tung hoành trong thế giới ảo. Một triệu sáu người Việt trên toàn cầu đã bị nó bỏ bùa. Anh Nguyễn Thắng Vu và chị Trần Tuyết Minh quyết định dụ nó về cho bạn đọc của Kim Đồng. Anh Vu điện cho mình: "Khoa đọc rồi viết mấy lời giới thiệu nhé". Mình hào hứng nhận lời ngay. Mình biết cậu chàng Joe này rồi. Tết năm con lợn vừa qua, cậu chàng có tham gia một chương trình ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Rồi gần đây, mình lại còn nhìn thấy cậu chàng trên TV. Tóc nâu. Mũi cao. Mắt sâu và sáng. Dáng thư sinh. Nói tóm lại là đẹp giai và Tây một cục. Tây toàn tính. Mình tò mò quá. Muốn xem anh chàng khua khoắng tiếng Việt ra sao. Nghe Tây nói tiếng Việt vui lắm. Cứ như bước vào cái nhà cười. Mọi đường nét của âm thanh đều biến dạng. Tiếng Việt là ngôn ngữ hẻo lánh. Đã thế lại rất oái ăm, bởi nó có đến sáu thanh. Chỉ nhầm một tí là đi một dặm. Nghe nói có ông Tây lấy vợ Việt Nam. Hôm ra mắt bố mẹ vợ, anh chàng rể đã tuyên bố rất trịnh trọng: "Xin dói thẹo với các cụ, toi là con... dê cụ!". Cả nhà được một phen tá hỏa. Ông bố vợ kinh hoàng. Mình gả con gái cho người, chứ đâu có gả cho dê đâu. Mà lại là dê dị dạng, dê đi bằng hai chân. Khiếp! Sau bình tĩnh lại, mới thấy trái đất vẫn quay xung quanh mặt giời. Chỉ tại con ma ngôn ngữ nó quẫy lung tung, nên con rể mới thành con dê. Hãi quá! Chuyện ấy chẳng biết thật hay bịa. Nhưng chuyện này thì hoàn toàn có thật. Mình nghe trực tiếp nhá. Đó là dịp kỷ niệm ngày chiến thắng phát xít, một nhà sử học được mời đến nói chuyện với sinh viên về một trận đánh lịch sử, nổi tiếng thế giới. Trong giảng đường có rất nhiều người Việt giỏi ngoại ngữ, nhưng diễn giả chỉ tin người phiên dịch của mình. Anh bạn Tây này nói tiếng Việt khá hoạt. Chỉ tiếc là dấu cứ nhầm lung tung. Đại tướng thành đai tướng. Kéo quân thành kéo quần. Thế là suốt một tiếng đồng hồ, ông đai tướng cứ hết kéo quần lên lại kéo quần xuống. Cả giảng đường muốn cười lăn mà không dám cười. Muốn cười mà cứ phải nhịn để làm người lịch sự. Bởi thế, trông mặt ai cũng rất căng thẳng. Tiếng Việt đúng là một mê hồn trận đối với dân ngoại quốc. Chính vì thế, mình lại đâm ra tò mò. Chỉ thóc mách muốn xem cái cậu đai tướng có biệt danh Dâu Tây này kéo quần lên, kéo quần xuống ra sao? Nhưng mà giời ạ! Cứ tưởng sẽ được ngắm một anh ngố, hóa ra lại gặp ngay một gã ma xó. Mà còn quái hơn cả ma xó! Chả thế mà cộng đồng mạng cứ nhao nhác lên. "Tôi không tin ông là một người Tây. Bịa. Giọng văn hơi bị thảo mai". "Bố khỉ! Mấy giờ rồi mà mọi người lại ngồi tin chuyện vớ vẩn này nhỉ? Chẳng có thằng Tây nào mà viết tiếng Việt được như vậy. Mọi người cả tin quá. Thằng này Tây rau muống 100%. Sao mọi người không hẹn một ngày nào đó gần nhất xem mặt mũi thằng này như thế nào? Tôi mà gặp thằng giả danh này, tôi sẽ...". Khiếp quá! Mình không dám dẫn hết. Sự nổi giận đáng yêu sặc mùi lục lâm thảo khấu! Nhưng không có chuyện giả danh đâu. Joe đấy. Anh chàng Tây một cục. Tây toàn tính. Sở dĩ có sự kinh ngạc đến bàng hoàng ấy cũng vì khả năng sử dụng tiếng Việt của Joe. Ngay cả người Việt, không phải ai cũng giỏi tiếng Việt như Joe đâu. Những tiếng lóng, những ngôn ngữ vỉa hè, tưởng chỉ có thể để ở vỉa hè thôi, nhưng Joe đã biến chúng thành đặc sản. Ngon như nhai kẹo lạc. Joe tung hứng, nhào nặn tiếng Việt điêu luyện như một nhà ảo thuật, và còn hơn thế nữa, Joe như gã phù thủy quái quỷ. Tiếng Việt qua thao tác phù phép của Joe, luôn sống đông, nhuần nhuyễn và biến hóa, đưa đến những hiệu quả bất ngờ. Đó chính là bí kíp làm nên sức hấp dẫn đặc biệt của cuốn sách này. Mặc dù, những chuyện Joe kể, những điều Joe bàn chẳng có gì to tát. Nhưng viết về những cái lặt vặt, những chuyện nhỏ nhặt li ti trong đời sống hàng ngày mà lại thật hấp dẫn, duyên dáng thì đó là một biệt tài của Joe. Bằng con mắt của người ngoại quốc, lại đi nhiều, biết nhiều, Joe phát hiện ra bao nhiêu vẻ đẹp của ta mà do quá quen, ta lại không nhìn thấy. Rồi Joe chiêm ngưỡng chúng bằng con mắt trong veo và đỏng đảnh của lứa tuổi thần tiên 8x, 9x. Cái tuổi nhìn đâu cũng thấy mới mẻ, tươi đẹp và đáng yêu... Mà thôi, chẳng nên dông dài làm gì. Tốt nhất ta hãy đến ngay với Joe. Vở diễn này thú vị lắm. Mà màn đã mở rồi kia. Joe đã bước ra sân khấu. Và như mọi tài tử bước ra trước ánh đèn, câu đầu tiên bao giờ cũng là câu tự giới thiệu: "Tôi ra đây có phải xưng danh không nhỉ?". - Tớ là Joe. Phát âm tiếng Việt là Dâu. Dâu Tây... Đấy, Joe đã xưng danh rồi đấy. Và câu chuyện cũng bắt đầu rồi. Mình sẽ chẳng nói gì nữa đâu. Joe đang thả bùa mê đấy. Nào, ta hãy bước ngay vào thế giới của Joe... Trần Đăng Khoa
Tháng 4-2006, sau hai năm sống và làm việc tại Việt Nam, chàng trai người Canada Joseph Ruelle bắt đầu tập tành viết blog với biệt danh Mr. Dâu Tây (nhái cách phát âm tên gọi thân quen Joe bằng tiếng Việt). Đến tháng 6-2007 thì xuất bản cuốn sách tập hợp các bài viết trên blog của mình với nhan đề Tớ là Dâu (NXB Kim Đồng). Ngay sau đó, sách liên tục đứng đầu danh sách các tác phẩm bán chạy nhất trên thị trường sách Việt Nam. Nếu có thể nhận xét cuốn sách có gì hấp dẫn thì có thể nói ngay hai từ ?orất vui?. Hãy coi cái cách anh chàng Mr. Dâu Tây nhận xét về các con đường ở Hà Nội như các cô gái sẽ thấy ngay cái nhìn đầy hài hước của anh. Có con đường còn thức khuya-sôi động về đêm mà như Dâu Tây nhận xét ?oCon gái thì phải biết tối về chăm sóc chồng?. Thậm chí có con đường như Hàng Bạc vốn đầy cửa hàng bán vàng bạc đá quý thì được ví như một cô gái mà muốn chinh phục phải có nhiều tiền. Thú vị nhất là có con đường như cô gái hay hờn dỗi, cứ có ?obão tố? một cái là nước mắt ùn ùn tràn ra ?ongập? đường. Hiểu đúng nghĩa đen, mưa bão một chút là đường ngập lụt! Hầu hết các bài viết của Dâu Tây đều theo một phong cách như thế, hài hước và thể hiện một cái nhìn rất lạ đối với những điều tưởng chừng như bình thường nhất. Đấy chính là một trong hai điểm đem lại thành công cho cuốn sách. Điểm thứ hai đơn giản hơn rất nhiều: Ai cũng tò mò muốn biết một anh chàng Tây viết bằng tiếng Việt chuyện của người Việt như thế nào? Tò mò, cũng là một yếu tố quyết định thành công của nhiều tác phẩm. Không chỉ là hài hước ?oKhông chỉ?, nghĩa là yếu tố hài tuy là cái quan trọng nhất trong những bài viết trên blog của chàng trai Mr.Dâu Tây nhưng không phải là cái duy nhất. Thành thật mà nói, đọc chừng chục bài trong tổng số 48 bài viết (không kể lời mở đầu) ta có thể phần nào thấy được hết ?ovốn? tiếng Việt của anh. Và nếu chỉ dừng ở đó thì Tớ là Dâu cũng sẽ chỉ như một món ăn lạ, háo hức ăn thử, xong đi khoe, rồi quên. Thế nhưng, không chỉ hài hoặc lạ, Tớ là Dâu còn để lại một dư vị vốn không lạ nhưng lại bất ngờ. Trong bài viết sự phát triển, tác giả đưa ra con số thống kê hiện nay có khoảng hơn 180 tổ chức phi chính phủ (NGO) nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam và ngược lại, không có tổ chức phi chính phủ nào của Việt Nam hoạt động tại nước ngoài. Học tập Tây là điều tốt nhưng không phải cái gì cũng học. Ví dụ có nhiều NGO của Tây sang Việt Nam bảo: ?oCác trung tâm nuôi dạy trẻ câm điếc không tốt! Tốt nhất là cho các em câm điếc học cùng các em bình thường trong không khí ấm áp của xã hội, bạn bè?. Nhưng chẳng có NGO nào của Việt Nam qua Tây để bảo: ?oCác viện dưỡng lão ở đây không tốt. Tốt nhất là để các ông, bà sống cùng gia đình trong không khí tình cảm của các con, các cháu?. Đọc tới đây bỗng giật mình, liệu trong số hơn 2 triệu lượt người vào blog của Mr.Dâu Tây vốn có nhiều bạn trẻ có ai giật mình trước sự so sánh đó. Sự cuồng nhiệt vốn xem cái gì của Tây cũng hay, cũng giỏi không phải là ít trong số các bạn trẻ hôm nay. Đọc Tớ là Dâu bỗng cảm thấy trỗi lên một sự hãnh diện khi thấy rằng đất nước, con người Việt Nam dưới mắt bạn bè quốc tế luôn có một vị thế đáng nể. TƯỜNG VY, SGGP