1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Tới đảo động đất - chuyến xuất ngoại không mong đợi

Chủ đề trong 'Báo chí - Truyền thông' bởi migkhoaicun, 07/04/2006.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. migkhoaicun

    migkhoaicun Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    31/01/2004
    Bài viết:
    448
    Đã được thích:
    0
    Tới đảo động đất - chuyến xuất ngoại không mong đợi

    Bainop/qhtuan 1.679

    Tới hiện trường thảm hoạ động đất ở Nias (Indonesia):
    Chuyến xuất ngoại không mong đợi

    Người ta vẫn nói cuộc sống của nhà báo là một cuộc sống đầy màu sắc, được đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, tiếp xúc với nhiều nền văn hoá... Quả thực, với cánh phóng viên chúng tôi, những chuyến đi nước ngoài là những cơ hội để mở rộng tầm mắt với những chân trời mới lạ. Dù ít, dù nhiều - những người làm nghề báo cũng có tâm trạng háo hức và chờ đợi trước mỗi chuyến đi xa. Thế nhưng, có những chuyến đi chẳng hề được báo trước, những chuyến đi tới những vùng đất vừa gặp thảm hoạ thiên tai như động đất, sóng thần... Và ấn tượng còn lại sau những lần vượt hàng nghìn cây số đó còn đọng lại, chỉ là cầu mong sao con người trên khắp thế giới không bao giờ gặp phải những điều thương đau như thế, để chúng tôi không "phải" (chứ không "được") xuất ngoại, ra đi trong lo lắng và mang về những nỗi buồn...

    Đường xa hun hút
    29.3.2004 - trời Hà Nội ấm áp, xanh và trong. Chúng tôi đến cơ quan trong một tâm trạng khá thoải mái mà không hay rằng cách đó vài tiếng đồng hồ, tại đất nước Indonesia, một trận động đất với cường độ mạnh tới 8,7 độ richter đã xảy ra, phá huỷ hàng trăm căn nhà và chôn vùi hàng nghìn mạng người. Đất nước Indonesia anh em đang bị thương, người dân Indonesia đang rất cần những sự chia sẻ. Ban Biên tập báo Lao Động hội ý và quyết định chóng vánh, cử ngay phóng viên tới đảo Nias, một trong những nơi bị động đất tàn phá nặng nề nhất để ghi nhận tình hình. Chỉ có không đầy nửa tiếng đồng hồ để chuẩn bị, chúng tôi vơ vội máy ảnh, máy tính và vài bộ quần áo rồi lao ra sân bay.
    Tới được sân bay Kualalumpur (Indonesia) thì trời đã tối. Khung cảnh trong nhà ga sân bay vắng lặng như vẫn thường thế ở các chuyến bay đêm. "Máu nóng" lao ngay đến hiện trường thảm hoạ của chúng tôi nguội ngắt khi biết để đến được Nias xa xôi còn phải mất thêm ít nhất một ngày đường. Đành phải tìm chỗ trọ. Người hướng dẫn thông tin ở sân bay, anh lái xe taxi, bà chủ nhà trọ... đều dễ dàng nhận ra chúng tôi là những nhà báo. Cả đất nước Indonesia rộng lớn chỉ có khoảng 50 người Việt Nam, và những người nước ngoài tìm đường đến Nias trong thời gian này hầu hết đều là phóng viên. "ở đó chẳng có điện, chẳng có nước. Người chết. Nhà sập. Thiếu thốn đủ thứ" - Fence Fentara, nhân viên bộ phận Dịch vụ Khách hàng sân bay Kualalumpur, thốt lên khi chúng tôi hỏi đến tình hình những nơi xảy ra động đất. "Chắc hẳn các bạn là nhà báo. Nếu không phải nhà báo hoặc nhân viên cứu trợ, chẳng ai muốn đến những nơi khủng khiếp như thế làm gì"...
    Dù đã xác định rõ ràng là tìm đến những vùng hẻo lánh của một đất nước là không dễ dàng, nhưng quả thực chúng tôi không ngờ đến được Nias khó khăn đến thế. Để bạn đọc dễ hình dung, xin có đôi dòng phác hoạ: Nias là một hòn đảo thuộc quần đảo Sumatra, nằm ở tây bắc Indonesia - để đến được đấy, từ thủ đô Kualalumpur, phải tới thành phố Medan, rồi từ Medan bay tới thủ phủ Sitoli của Nias. Hành trình này nếu bình thường sẽ chỉ mất chưa đầy một ngày, nhưng bây giờ - mọi chuyến bay từ Medan tới Sitoli đều đã bị huỷ bỏ vì đường băng ở Sitoli đã bị vỡ nát do động đất. Vì thế, chúng tôi buộc phải di chuyển bằng đường bộ. Nghĩa là từ Medan phải đi hơn 400km để tới bờ biển Sibolga, rồi từ bờ biển Sibolga lên thuyền vượt 150km nữa mới cập bến Nias. Gần 11 tiếng đồng hồ trên chiếc xe cà tàng vượt đường núi từ Medan tới Sibolga, không ít lần chúng tôi thót tim vì bác tài (có vẻ) quen đường không ngại tăng tốc, "bó vỉa" thoải mái ở những khúc cua tay áo... Tới được Sibolga thì trời cũng đã tối, nhờ "ngoại giao" tốt với bác tài, chúng tôi đã đặt mua được qua điện thoại 2 vé đứng cho chuyến tàu cuối cùng tới Nias đêm đó.
    Nói là 7 giờ tối khởi hành, nhưng tới tận 12 giờ đêm - con tàu chở lặc lè gạo, mì, muối cứu trợ mới ì ạch rời bến. Tạm yên tâm vì đã tìm được một chỗ an toàn trên sàn tàu cho chiếc balô đựng máy ảnh, máy tính để tránh nước biển bắn vào, chúng tôi vẫn không khỏi nơm nớp khi liếc quanh con tàu hơn 300 mạng với phần lớn phụ nữ và trẻ em không có lấy một chiếc phao cứu hộ... Hơn 10 tiếng đồng hồ dập dờn trên sóng biển, chúng tôi chỉ ngủ được chập chờn trong trạng thái ngồi bó gối trên sàn tàu chật ních...

    Tan hoang Nias
    Chẳng phải đi vào sâu trong đảo, bóng dáng của tử thần đã hiện hữu khắp mọi nơi. Từng vệt sụt sâu, nứt dài chằng chịt khắp mặt đường nhựa chạy dọc theo bờ biển, tuyến giao thông huyết mạch của đảo. Những ngôi nhà bê tông 2, 3 tầng đổ sụp, những cây cột to bằng nửa vòng tay người ôm cũng đứt lìa. Cả thị trấn Sitoli đổ nát chỉ có vài chiếc máy xúc của chính phủ hoạt động, thế nên mấy ngày đã trôi qua mà phần lớn những ngôi nhà sập vẫn chưa được "sờ" tới. Những người tới tìm gia đình ở đây đều phải tự thuê lao động trên đảo bốc dỡ đống bê tông đổ nát để tìm xác người thân, phương tiện họ có chỉ là vài chiếc xà beng và xẻng cũ... Khắp nơi bốc lên một thứ mùi khăn khẳn, mùi của xác người đâu đó dưới những lớp tường bê tông. Ngang qua một ngôi nhà nồng nặc mùi tử khí, hai người lái xe ôm chở chúng tôi khoát tay ra hiệu, cố gắng giải thích bằng vốn tiếng Anh ít ỏi họ có - ngôi nhà đó có năm thành viên, cả năm con người đó đều đã chết, không có người thân khác đến để tìm họ, còn người của chính phủ thì vẫn chưa thu nhặt xác ở khu vực này, và thế là những người xấu số còn tiếp tục nằm đó, chờ đợi...
    Không khí tang thương ấy bao trùm khắp cả một vệt dài hơn 30km trên đảo, những nơi chúng tôi đã đi qua. Không điện. Không nước. Không có bất cứ kênh liên lạc nào với đất liền ngoài chiếc điện thoại di động chúng tôi đã mua sim trước khi xuống tàu. Không có một nhà trọ nào hoạt động, người dân ngủ ngay trong những chiếc lều bạt của các tổ chức cứu trợ cấp cho, đặt ngay trên đường nhựa, hoặc trong vườn - bên cạnh những đống tan hoang mà mấy ngày trước đó còn là tổ ấm của họ. Từng đoàn người (hầu hết là phụ nữ và trẻ em), đội trên đầu những bị quần áo ít ỏi lũ lượt kéo nhau về phía bến tàu, họ đang vội vã chạy trốn trước tin dự báo một trận động đất nữa sẽ xảy ra trong nay mai, thậm chí khả năng núi lửa sẽ phun cũng không được loại trừ.
    Trời sập tối dần. Hành trang của chúng tôi đã nặng lên thêm bởi những câu chuyện góp nhặt được từ những người dân còn bám trụ lại đảo, những thông tin phỏng vấn các tổ chức cứu hộ, những hình ảnh ghi lại cảnh tượng đổ nát khắp nơi. Vấn đề còn lại chỉ là làm sao gửi những hình ảnh và thông tin đó nhanh nhất về đất liền. Các hãng thông tấn lớn có máy bay trực thăng mang công cụ hiện đại trực sẵn để truyền tin, và "bốc" ngay phóng viên rời đi nếu xảy ra thảm hoạ. Còn chúng tôi chỉ có thể nhanh chóng lên chuyến tàu cuối cùng trong ngày về Sibolga.
    Chào Nias, hòn đảo đau thương. Chúng tôi vẫn còn cảm nhận được sự hẫng hụt, sợ hãi và đau thương của người dân đảo qua 10 tiếng đồng hồ lênh đênh trên sóng nước trong tiếng khóc của những đứa trẻ, tiếng than rền rĩ của những phụ nữ và nét mặt hằn âu lo của những người đàn ông. Những chiếc bánh quy khô cong, những chai nước lọc và cả những bộ quần áo chúng tôi mang theo đều lần lượt được lấy ra, đặt vào những bàn tay bé xíu của những em bé đang chìa ra. Chúng đói. Và cả rét nữa.
    Dư âm buồn
    Lại một hành trình dài để quay về Hà Nội. Chúng tôi đặt chân về tới quê hương cũng là lúc nghe tin hòn đảo nhỏ bé Nias lại vừa phải hứng chịu hai dư chấn nặng nề nữa. Vậy là tang thương lại xảy ra. Và đâu đó trên khắp thế giới, lại có thêm những phóng viên không quản hiểm nguy, lên đường tìm đến những vùng đất ấy để đưa tin và chia sẻ. Mỗi chuyến đi là một kinh nghiệm, đều để lại một ấn tượng khó phai, và ấn tượng đọng lại trong chúng tôi trong lần này, chỉ là cầu mong sao không một nơi nào trên thế giới, con người còn gặp những đau thương như vậy...
  2. dudu08

    dudu08 Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    14/07/2001
    Bài viết:
    584
    Đã được thích:
    0
    Trời, nhà báo!!!
    Tới được sân bay Kualalumpur (Indonesia)
    Để bạn đọc dễ hình dung, xin có đôi dòng phác hoạ: Nias là một hòn đảo thuộc quần đảo Sumatra, nằm ở tây bắc Indonesia - để đến được đấy, từ thủ đô Kualalumpur, phải tới thành phố Medan, rồi từ Medan bay tới thủ phủ Sitoli của Nias.
    Được dudu08 sửa chữa / chuyển vào 08:48 ngày 15/04/2006
  3. migkhoaicun

    migkhoaicun Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    31/01/2004
    Bài viết:
    448
    Đã được thích:
    0
    ặc, khỉ thật , quá sơ suất, Chân thành cảm ơn và nghiêng mình hối lỗi cùng quý vị - nó ở Malaysia, đếk phải Indo, he he. . Vui lòng đọc lại là Jakarta (Indonesia).

Chia sẻ trang này