1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Tôi muốn tìm nơi học Hán Nôm

Chủ đề trong 'Tiếng Việt' bởi Idecghin, 06/04/2004.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Idecghin

    Idecghin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    31/08/2003
    Bài viết:
    167
    Đã được thích:
    0
    Tôi muốn tìm nơi học Hán Nôm

    Tôi phải tìm ở đâu một nơi để học Hán Nôm? Tôi rất mong muốn được đọc hết những chữ được ghi trên biết bao là đền chùa miếu mạo ở đất nước chúng ta. Mà có thể tự học được không? nghe chừng có lẽ hơi khó?!
    Các bạn giúp tôi với nhé, cảm ơn nhiều
    Chú thích này: tôi ở Hà Nội thời gian rảnh rỗi có chút ít
  2. Thinkahead

    Thinkahead Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    15/11/2003
    Bài viết:
    798
    Đã được thích:
    0
    Bạn ạ,
    Hình như ở Hà nội không có Trung tâm ngoại ngừ nào chuyên dạy Hán Nôm đâu. Vì thế, bạn nên học tiếng Hán cơ sở 1 thời gian, sau đó tự học Hán Nôm là được. Nếu bạn tự học hoàn toàn Hán Nôm thì e rằng hơi khó.
    Còn nếu bạn thích học kiểu gia sư thì tôi sẽ giới thiệu cho bạn một thầy biết Hán Nôm, nhưng tôi không sure là thầy sẽ nhận lời dạy cho bạn.
    Cheers
    Love means never having to say you're sorry!
  3. cuonglhvt

    cuonglhvt Thành viên mới Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    26/10/2003
    Bài viết:
    5.262
    Đã được thích:
    0
    Có bài này cho các bạn
    Người mới học chữ cũ
    (VietNamNet) - Ông Thọ ngồi ngay bàn đầu, đeo cả hai cái kính một lúc. Ông bảo, đeo thế để nhìn cho rõ từng nét chữ, kẻo lại đánh chữ tác ra chữ tộ như ban nãy. Viết cái này là công phu lắm... Lớp học chữ Hán mà ông theo học ở làng Nành (xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm - Hà Nội) có cả trăm học trò, già có, trẻ có. Dù các học trò có áy náy thì ông thầy già của lớp vẫn quyết không thu tiền học phí.

    "Bắt đầu là cuốn gia phả chữ Hán. Cứ đến giỗ, Tết là mọi người trong họ nhà tôi lại mang ra để tranh luận với nhau xem giỗ ngày nào mới là đúng, tại sao không giỗ Tổ cụ này, lại giỗ cụ kia?!... Tôi nghĩ cũng tức, gia phả ghi lịch sử của các cụ tổ mình, vậy mà con cháu không ai đọc được. Mang ra thiên hạ nhờ dịch thì ngượng, ai đời nguồn gốc nhà mình mà còn chẳng biết nữa thì biết được cái gì!?... Thế là nhất định phải đi học chữ Hán, để làm cho ra nhẽ!"
    Đó là lý do tại sao ông Nguyễn Thọ Hòa, người xã Yên Thượng (Gia Lâm, HN) có mặt tại lớp học chữ Hán ở thôn 7, xã Ninh Hiệp chiều nay. Tuy nhiên, câu chuyện của ông chỉ là một trong rất nhiều động cơ đã thúc đẩy mấy chục con người đang ngồi đây, chăm chú ghi chép
    Để chữ "Tác" không thành chữ "Tộ"
    Trời mưa lớn. Con đường dẫn vào Điếm Kiều (thôn 7 hay còn gọi là thôn Nành, xã Ninh Hiệp, Lâm, HN) có lẽ là con đường đất duy nhất của làng, lầy lội đầy vết bánh xe. Trên khoảnh sân độ 20m2 trước cửa Điếm, xe xếp tràn cả ra cổng. Trong căn nhà kiểu cổ có bàn thờ tự ông tổ nghề thuốc của làng kê chừng bảy tám dãy bàn thấp. Có đến gần 50 người ngồi, người trẻ nhất sinh năm 1982, già nhất cũng đã qua cái tuổi "cổ lai hi". Họ ngẩng lên cúi xuống liên tục để chép lại những dòng chữ Hán vuông vức trên tấm bảng phoocmica. Bảng ghi bằng bút phớt: "Cố quốc tộ diên trường phong tục phú phụ". Và dòng chú Quốc ngữ ở dưới được nắn nót bằng một lối chữ cổ điển đủ nét tuyệt đẹp: "Cho nên vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh". Thầy giáo viết ra cạnh bảng một chữ, rồi chỉ vào chữ "Tộ" trong câu, hỏi: "Xem có anh nào viết chữ "tộ" thành ra chữ này không? Thế, người xưa nói chữ Tác đánh chữ Tộ là như thế!" Nhiều người nhìn xuống vở mình và tiếng cười bắt đầu nổi lên. Lớp học ồn ào một lúc rồi trở lại yên ắng, nghe được cả tiếng bút "gãi" sột soạt trên giấy.
    Mình còn may, chứ nhiều cụ cao tuổi mắt kém hơn, mà xương cốt ''dùng'' bao nhiêu năm cũng mỏi, giờ cầm lấy cây bút, uốn mấy nét, lại thấy cứng tay - Vị cựu phó giám đốc một công ty mía đường - một công việc chẳng có tí liên hệ nào với chữ Hán(!) lại hì hụi cúi mình trên trang giấy, uốn cho vuông vức từng nét chữ.
    "Tôi đã dịch được cuốn gia phả "bí hiểm"...

    Thời buổi này, các lớp dạy Trung văn nhan nhản ở các trung tâm ngoại ngữ và nhiều trường đại học. Người ta đua nhau học để dịch phim Tàu, để làm thông ngôn, để dạy công nhân đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan... Nhưng một lớp học chữ Hán thì hiếm. Cái thứ chữ được gọi là ''chữ chết'' (tử ngữ), vì nay chỉ còn dùng trong các văn tự cổ và văn bia, gia phả, hoành phi câu đối ấy, ngày nay nếu có anh nào học, cũng chỉ để đọc mấy cuốn sách đã ố màu thời gian và dịch những tấm bia lạnh... Khoa Hán Nôm của trường Đại học KHXH&NV có năm chỉ chiêu nạp được có... 10 sinh viên! Mà đấy là nơi gần như duy nhất của Nhà nước mở lớp dạy. Mà đấy là nơi học với giáo trình đầy đủ, sách tham khảo đầy rẫy! Mà đấy là nơi có cả một Viện Hán Nôm đón chờ ở đằng sau như là "cửa ra" cho sinh viên!
    Hơn nữa, nói thật như đùa, những anh học chữ Hán, nếu trẻ, lại thường bị bạn gái chê là "hâm hấp"(!). Trong tình hình đó, phải lấy làm ngạc nhiên khi tồn tại cả chục năm nay một lớp học chữ Hán ở Ninh Hiệp, mà lại rất đông. Vào thời điểm hiện nay, lớp có đến gần 60 học viên. Đông - đấy là điểm đáng chú ý thứ nhất của lớp học này. Điểm đáng nói thứ hai là lớp hoàn toàn không thu học phí.
    Và những người mà thiên hạ thường giễu là "hâm hấp" ấy tìm đến đây, nhiều khi, với những lý do rất cảm tính, chứ không phải ai cũng rõ ràng như ông Thọ vừa kể trên. Một số nhà sư tìm đến đây vì các sách kinh phải trau dồi hàng ngày thường bằng chữ Hán. Những người làm Đông y đến vì nghề nghiệp của họ cần thiết đến chữ Hán (thật ra họ thích thì đến thôi, chứ tôi biết khối ông Đông y chả biết gì về Hán văn mà vẫn xem mạch bốc thuốc như thường!). Nhưng đa số những người được hỏi, đều trả lời đại khái: Đi đến các đình chùa miếu mạo, nhìn thấy câu đối hoành phi, văn bia mình cứ mù tịt, nghĩ mà tức. Thế là đi học. Có anh, như anh Nguyễn Khắc Nghị, người trong xã Ninh Hiệp, lại đến lớpvì cảm cái nghĩa, cái nhân phẩm của hai thầy!
    Anh tâm sự: "Cái tôi học được nhiều ở hai thầy là cách ứng xử trong cuộc sống. Đầu tiên con cái còn không cho thầy Đá đi dạy, vì tưởng thầy dạy để lấy tiền. Nhưng đâu phải, nếu để lấy tiền thì hai thầy không dạy. Hai thầy bảo, nếu tôi biết mà không dạy thì sau tôi chết, kiến thức ấy nó phí đi. Thầy dạy võ còn giấu một miếng vì sợ trò giỏi hơn mình chứ thầy dạy văn thì muốn truyền hết. Cụ Quýnh nghèo lắm, con đông, vợ lại mất sớm, ở cái xã này, có thể thấy nhà cụ là thuộc vào hàng "hoàn cảnh" nhất nhì. Nhưng người ta phải kính nể cụ vì những họat động xã hội của cụ. Trong đời tôi, tôi chưa kính trọng ai như hai cụ". Gia đình, vợ con sống ở Ninh Hiệp, nhưng anh Nghị mở một cửa hàng bán dược liệu Đông y tận Vĩnh Phúc, cuối tuần mới về nhà. Vậy mà hai năm nay, anh chỉ nghỉ đúng 2 buổi, đều trong những trường hợp đặc biệt.
    Thầy Thích Đàm Nhân, ni cô chùa Cẩm Giang, Từ Sơn, Bắc Ninh: "Tôi đi đến đây hôm thì bằng xe buýt, hôm thì xe đạp, có hôm đi nhờ xe Phật tử, thỉnh thoảng phải nghỉ thấy tiếc lắm".

    Ông Thọ sau cùng đã mãn nguyện vì sau hai năm theo học (kể từ 2000), ông đã dịch được cuốn gia phả ''bí hiểm'' của gia đình. Thế là ông cảm thấy mình đã gần gũi hơn với tổ tiên, nối lại được mối liên hệ tinh thần tưởng đã bị một khoảng trống suốt mấy thế hệ, cả đời ông nội ông, rồi đời bố ông đều chỉ võ vẽ đọc được cuốn gia phả ấy. Nhưng không dừng lại ở đó, ông vẫn học để có thể dịch được cả các bản đồ, văn bia, có thể viết được hoành phi câu đối. Hiện ông đang đảm nhiệm việc viết câu đối hoành phi cho ngôi đình đang xây dựng của làng ông, làng Quy Mông, xã Yên Thượng.
    Một trong những lý do khiến lớp học thu hút được đông người có lẽ là ở phương pháp dạy. Nói như cụ Quýnh là "Học một chữ mà biết nhiều chữ, học một chữ mà biết nhiều nghĩa". Trước đó, khi chúng tôi đến nhà cụ Hoàng Hữu Đá, vở soạn của cụ cho bài "Chiếu dời đô" của vua Lý Công Uẩn đang viết đến trang 20. 20 trang để phân tích và giải thích những liên tưởng từ một bài đọc mà viết theo lối quốc ngữ thì chỉ tốn có hơn một mặt giấy! Mà đấy là mới đến giữa bài. Cụ Đá lý giải: "Ví dụ, đến câu nói về việc Bàn Canh dời đô 5 lần, tôi lại phải liệt kê ra các lần dời đô ấy... Bài Thiên đô chiếu này có lẽ phải học mất một tháng (8 buổi) mới tạm xong".
    Các học viên tự đóng lấy bàn ghế và tự đem chiếu đến trải. Điếm Kiều vốn chỉ là một nơi thờ cúng, ngày càng trở nên chật chội vì số người học đông lên. Đến lớp học giữa buổi, thấy có chị con gái trẻ trung, đang bò toài người trên chiếu nắn nót viết. Cụ Quýnh giới thiệu, cô ấy là người Hà Nội, sinh viên trường Ngoại ngữ mới ra trường mấy năm, đang làm kế toán cho một công ty liên doanh nước ngoài. Chúng tôi giơ máy ảnh lên định chụp, thì chị vội thu người ngồi lại ngay ngắn, để nhờ cuốn vở lên mặt bàn anh bên cạnh. Lát sau chị ngượng ngùng giải thích: "Ai lại để cho mọi người thấy lớp học thiếu thốn thế này, mà bò ra để viết chữ Hán, e nhìn không được nghiêm túc". Khổ nỗi, chúng tôi xin tấm hình đó chỉ muốn để biểu dương một tinh thần hăng hái thôi!
    Từ " Chuyện cũ làng Nành" đến lá thư gửi Bộ trưởng Tài chính

    Vốn chữ Hán của cụ Nguyễn Khắc Quýnh thật đáng nể. Học khoảng 10 năm thơ ấu, mục đích ban đầu là để kế nghiệp tổ tiên trong nghề thuốc Đông y, rồi cụ bị bỏ bẵng mất khoảng 30 năm thời gian đi bộ đội từ 1945 - 1975. Năm 1980 cụ về làng, làm công tác khai thác văn hóa làng (hiện là trưởng ban bảo vệ di tích (đồng thời là hội viên hội Đông y trung ương). Sau mấy chục năm, cụ về khơi lại cái vốn chữ đã ngấm vào máu từ thuở thiếu thời. Những năm 80 cụ miệt mài sưu tầm văn hóa làng. Người làng Nành còn nhớ hồi đó, những năm bao cấp, đến tờ giấy cũng hiếm. Dân làng thấy cụ dốc tâm huyết vì lịch sử của mảnh đất chung, đã bảo nhau ủng hộ cụ những mảnh giấy có khi chỉ còn trắng một mặt của học sinh bỏ đi. Kết quả của những tháng ngày nung nấu ấy, cụ đọc hết khoảng 100 văn bia, 70 sắc phong, 40 gia phả... Hiện cụ đã có trong tay khoảng một nghìn năm trăm trang dịch thư tịch cổ. Năm ngoái, NXB Văn hóa dân tộc đã trân trọng xuất bản cuốn sách đầu tiên của cụ: Chuyện cũ làng Nành. Tới đây cụ có thể in tiếp hai cuốn nữa, một về các ngôi chùa làng Nành và một về đình đền miếu mạo làng Nành.
    Nhu cầu câu đối đại tự bây giờ rất lớn và các đình chùa miếu mạo ngày càng nhiều câu đối do dân cung tiến. Nhưng theo cụ Quýnh, tình trạng câu đối không đối chỉnh, hoặc viết sai mặt chữ, hoặc "chữ nọ xọ chữ" kia rất phổ biến. Chẳng hạn, mới đây cụ được mời sang dịch hết số câu đối đại tự ở đền Đô (Đình Bảng, Bắc Ninh) một di tích được xếp hạng cấp quốc gia, thì thấy trong 28 cặp câu đối (hầu hết là câu đối mới, trong vòng chỉ vài chục năm trở lại đây) có đến 13 đôi đối không chỉnh. Hay viết sai cũng không hiếm. "Còn có chuyện này mới ly kỳ - Cụ kể tiếp - "Tôi đọc một cặp câu đối, sau tỉ mẩn xem tên tác giả, thì giật mình thấy đề Nguyễn Sinh Hùng, tức là đương kim Bộ trưởng Bộ Tài chính. Giật mình vì sao - vì vế đối không chỉnh, mà chữ nghĩa sai nhiều quá. Tôi lấy làm buồn bực, mới viết thư nói rõ chuyện với ông Nguyễn Sinh Hùng. Đầu tháng 12 năm ngoái, ông đã viết trả lời. Thì ra không phải ông cố tình đề câu đối tặng đền, mà chỉ đơn thuần là trong mấy dòng cảm tưởng đến thăm đền ông ngẫu hứng ghi mấy câu hơi có vần điệu giông giống... câu đối (nguyên là: Ngàn năm đất văn hiến dựng nền xây nghiệp lớn / Đại Việt nước vững bền muôn thuở vọng tiếng thơm). Mấy bác ở đền vội vàng đem đi sơn son thếp vàng, mất đâu đến ngót 8 triệu đồng. Thế là không đâu lại làm hỏng cái nhã ý của người ta! Ông Hùng trong thư gửi tôi cũng nhấn mạnh nhờ tôi nói mấy ông ở đền sửa đi, không thì mang tiếng quá!"
    Đấy cũng là một điều thúc bách cụ Quýnh gắn bó với lớp học chữ Hán hơn. Cụ dạy để cho học trò đọc bằng được văn bia, dạy họ đi sâu vào làm câu đối, để tự hào thấy nhiều học trò của mình (nói là học trò nhưngcó khi cũng xấp xỉ tuổi thầy) có thể nhận viết được câu đối cho nhiều đình chùa.
    Bài, ảnh: Đỗ Diễm Huyền

Chia sẻ trang này