1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Tổng kết một số vấn đề tiếng Việt.

Chủ đề trong 'Tiếng Việt' bởi Tran_Thang, 23/10/2011.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Tran_Thang

    Tran_Thang Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    07/01/2005
    Bài viết:
    4.581
    Đã được thích:
    193
    GIẢI CẤU TRÚC CHỮ VIỆT
    Tự vị (grapheme) là những kí hiệu thuần túy (pure signifier) mà từ đó người ta có thể qui chiếu đến những âm vị (phoneme) khác nhau, tùy mỗi quốc gia. Tự vị đi đôi với âm vị gọi là mẫu tự (alphabet). Ví dụ ABC, đọc là:

    - “a”, “bê”, “xê” (người Pháp)

    - “a”, “bờ”, “cờ” (người VN)

    - “ây”, bi”, “xi” (người Anh).

    Đi sâu phân tích âm vị là một lĩnh vực sâu rộng của các nhà ngôn ngữ học, điển hình có cố GS ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo.

    Lưu ý là các âm vị a-bê-xê hay ây-bi-xi đọc gãy gọn hơn a-bờ-cờ. Nếu đã gọi là “âm vị-đơn vị âm” thì tại sao trong tiếng Việt ta lại phải ghép vần tạo cấu trúc cho chúng !?:

    ------a------------------------------------------------aa
    ------b -----------------------------------------------bờ
    ------c------------------------------------------------cờ
    ------↕------------------------------------------------↕
    Âm vị châu Âu-----------------------Âm vị hay âm tiết tiếng Việt?

    Cũng theo GS Hạo thì đơn vị của ngôn ngữ tiếng Việt chính là hình-tiết (morphosyllabème), tương đương với cái mà Saussure gọi là âm-ảnh (sound - image) hay khuôn-âm (sound pattern). Hình tiết được cấu trúc từ những tự vị và âm vị.

    Ta hãy tham khảo tiếp ý của GS Hoàng Phê:

    “Chữ viết là một hệ thống kí hiệu đồ hoạ được sử dụng để cố định hoá ngôn ngữ âm thanh. Chức năng của chữ viết, vì vậy, là đại diện cho lời nói. So với lời nói thì chữ viết xuất hiện sau. Vì vậy chữ viết tất phải phụ thuộc vào lời nói. Khi giữa lời nói và chữ viết không có sự phù hợp nữa thì phải cải tiến chữ viết chứ không phải cố tìm cách phát âm theo chữ viết hiện hành, bởi vì làm như vậy là "ngược”, chẳng khác nào sửa đầu cho vừa mũ, sửa chân cho vừa dép, sửa người cho vừa quần áo”.

    Các GS trên đều có xu hướng đề cao tính cách ngữ âm, cụ thể là lời nói của ngôn ngữ tiếng Việt, nghĩa là chữ viết phải phụ thuộc lời nói. Thế nhưng theo quan điểm hiện đại thì:

    “Nói phụ thuộc viết vì sự biểu đạt và thậm chí nổi bật của viết” (J. Derrida).

    Derrida đã dùng chữ differAnce minh họa cho sự khác biệt hiển nhiên im lìm, trầm mặc so với chữ difference, cả hai chữ đều không máy khác biệt về mặt ngữ âm (nói và nghe). Tiền đề này đòi hỏi chúng ta phải giải phóng ngôn ngữ, tách biệt chữ viết với yếu tố ngữ âm.

    Ngôn ngữ các dân tộc đều có 2 thành phần chính là lời nói (speed) và chữ viết (writing). Rõ ràng là có những quan điểm trái chiều, xem trọng lời nói hay trọng chữ viết hơn. Chữ viết là một trong những biểu hiện quan trọng nhất của một nền văn minh, nó giúp con người lưu truyền lại tri thức và văn hóa. Vậy tại sao chúng ta không xem trọng chữ viết ? Trong những nền văn minh xưa đang tồn tại và phát triển thì chữ viết đã được nâng lên một tầm cao, đó là Thư Pháp chữ Hán.

    Trở lại với vấn đề đơn vị ngôn ngữ tiếng Việt, đó là hình tiết, tức chữ. Đơn vị này gồm 3 thành phần: hình vị (morphology), âm tiết (syllable)nghĩa. Âm tiết là đơn vị của lời nói, nó gồm 2 mặt biểu đạt (signifier & signified), là lời nói được qui chiếu đến nghĩa. Hình vị là đơn vị của chữ viết, biểu đạt cho âm tiết đó (sign of a sign). Tại sao GS Hạo lại gộp chung hình vị và âm tiết thành hình tiết (morphosyllabème) ? Có lẽ trong ngôn ngữ viết, khi đọc ta gộp luôn cả yếu tố âm tiết vốn trùng khớp với hình vị, kế đến mới đến nghĩa, vì các GS vốn xem trọng lời nói hơn chữ viết (chủ nghĩa dĩ ngôn vi trung – Logocentrism). Mô hình trên là (chữ in đậm nhấn mạnh tính chất dĩ ngôn vi trung).

    Hình vị → Âm tiết → nghĩa.
    (signifier) (signifier) (signified)

    Vấn đề đã được đặt ra là chúng ta nên xem trọng chữ viết, ở đây là hình vị, và có nên bỏ qua yếu tố âm tiết hay không ? Tức theo mô hình:

    Hình vị → (Âm tiết) → nghĩa.

    J. Derrida đã phát triển ý tưởng của Aristotle về chữ viết, đại diện của lời nói (chữ viết là dấu hiệu của dấu hiệu- sign of a sign) lên một qui luật:

    “Một cái biểu đạt (signifier) không nhất thiết phải dẫn đến một cái được biểu đạt (signified) tương ứng, mà thường, nếu không muốn nói luôn luôn, dẫn đến những cái biểu đạt khác”. Với chữ Việt thì:

    Hình vị ---------→ Hình vị 1 → …..---→ Hình vị n
    (signifier)-------(signifier 1)-------------(signifier n)

    Và nếu chữ viết là dấu hiệu của dấu hiệu thì dấu hiệu tiếp theo đại diện cho chữ viết sẽ là gì ? Tôi nghĩ dấu hiệu kế tiếp sẽ là một biểu tượng hay một hình thức thức nghệ thuật (symbolism) nào đó.

    Lời nói → chữ → nghệ thuật
    (sign)----(sign)----(sign)

    Nghệ thuật cũng tuân theo qui luật về cái biểu đạt của Derrida. Trước hết tôi gút lại còn cái biểu đạt (signifier), cụ thể đó chính là hình vị của chữ Việt.

    Dấu hiệu → Cái biểu đạt → Hình vị
    (sign)-------(signifier)-----(morphor)

    Tuy vậy, tôi vẫn chưa chịu dừng lại ở mức đơn vị này. Tôi muốn đi sâu hơn vào cấu trúc hình vị trên. Như việc người ta xem âm vị như một “tiền tín hiệu” về mặt ngữ âm với một mặt biểu đạt của nó, tôi sẽ đề cập đến tự vị (grapheme) với vai tròtương đương như âm vị nhưng về mặt chữ viết. Tự vị, theo tôi, nên được xem như một đơn vị của thao tác viết chữ.

    Âm vị → Phát âm → Tiền tín hiệu (vô nghĩa)
    Tự vị → Vận động viết → Đơn vị của thao tác viết (vô nghĩa).

    Như thế thì:

    Hình vị → Tự vị → Đơn vị của thao tác viết.

    Đến đây thì ta dừng lại được rồi. Cũng như nói phải bắt đầu bằng việc phát âm, viết cũng phải bắt đầu bằng thao tác viết. Ta lại trở về với những gì ta đã trải qua, đó chính là CÁCH VIẾT, hay phương pháp viết, một cách tiếp cận với khái niệm Thư pháp chữ Việt vậy. Viết nhanh hay tốc kí cũng cần phải có phương pháp riêng của mỗi người. Một trong các phương pháp đó là viết tắt. Chữ Hán cũng trải qua một quá trình tối giản. Nếu ta chứng minh được giữa chữ Hán và chữ Việt viết tắt có những điểm chung thì đó chính là nền tảng của Thư pháp tiếng Việt mà ta đang tìm kiếm. Chữ kí cũng vậy, đó là loại dấu hiệu riêng biệt của mỗi người. Đa số người biết chữ dùng loại dấu hiệu tiến triển từ chính chữ viết về tên của họ làm chữ kí.

    Viết tắt là biểu đạt một phần hình vị của chữ viết mà vẫn chuyển tải được nội dung cần thiết, do ngữ cảnh, sự liên kết về nghĩa của các từ, do cấu trúc ngữ pháp, đặc biệt là do tính chất võ đoán của ngôn ngữ. Một tính chất nữa của viết tắt, đó là chữ viết tắt phụ thuộc vào sự thuận tay của người viết. Thư pháp chữ Hán là một trong những nghệ thuật bậc nhất của văn minh Trung Hoa. Người tàu đã trải qua hàng nghìn năm luyện chữ. Từ chữ tượng hình ban sơ cho đến phồn thể và giản thể. Đó là 1 quá trình tối giản hóa chữ viết, tối giản đến mức không thể tối giản hơn. Nói cách khác, chữ Hán ngày nay đã tiến đến một giới hạn, giới hạn này là ranh giới giữa chữ tượng hình và tượng thanh. Ở ranh giới này nó phát triển lên một hình thức nghệ thuật, đó là Thư pháp. Thư pháp chữ Hán như một nỗ lực nhằm biểu tượng hóa các con chữ (symbolism). Chữ viết của chúng ta có xuất xứ từ phương Tây, nó khá hoàn hảo trong việc ghi âm lại lời nói của người Việt. Tuy chữ Quốc ngữ được cấu trúc bởi những thành phần tối giản nhưng nó vẫn chưa tiến đến những giới hạn như chữ Hán. Cũng do sự hoàn hảo và đơn giản này mà chúng ta đã không mấy chú trọng đến vấn đề chữ viết. Việc hình thành những phong trào viết Thư pháp chữ Quốc ngữ là sự kết hợp một cách vô thức 2 xu hướng trái chiều và mâu thuẫn: xu hướng tối giản hóa chữ viết nói chung (các xã hội hiện đại như Mỹ cũng có xu hướng này, họ viết tắt cho ngắn gọn hơn) và xu hướng biểu tượng hóa. Sự kết hợp này làm hỏng chữ Quốc ngữ. Thay vì đưa chữ Quốc ngữ tiến lên một bước nữa, đến những giới hạn thì ta lại khoác lên nó những hình thức nghệ thuật mà ta đã quá vội vàng gọi đó là “thư pháp” !? Tuy nhiên chúng ta vẫn còn đó những lối thoát, những khoảng trống bỏ ngỏ nếu chúng ta kiên định một xu hướng mà theo tôi, là đưa chữ Việt tiến đến những giới hạn trước đã. Vì suy cho cùng nghệ thuật cũng chỉ là sự thăng hoa của 1 quá trình tìm tòi và rèn luyện, và tiến đến những giới hạn. Các nhà thư pháp chữ Việt đa phần đều đặt nghệ thuật lên trước. Như thế họ đi ngược lại xu hướng chung của chữ viết.

    Tóm tắt sơ đồ như sau:

    [​IMG]

    Như vậy ta đã tìm được những điểm chung giữa chữ Hán và chữ Quốc ngữ: đó là tính thao tác và xu hướng tối giản. Đây chính là tiền đề cho Thư pháp chữ Việt.

    Một vấn đề nữa là, theo như nhận định của Hoàng Phê – chữ viết dùng để cố định hóa ngôn ngữ âm thanh. Sao lại là “cố định” chứ ? Sự cố định này có giam hãm ngôn ngữ tiếng Việt ? Nhận định của các vị GS trên đầy những mâu thuẫn. Một mặt họ xem trọng lời nói hơn, mặt khác lại muốn cố định nó !? “Cải tiến chữ viết” mà lại để “cố định âm thanh” !?. Xem trọng lời nói thì phải giải phóng lời nói khỏi chữ viết mới đúng chứ. Việc giải phóng này sẽ tách biệt hình vị và âm tiết và tạo nên 2 xu thế hầu như không liên quan đến nhau nhưng đều có chung điểm xuất phát. Như việc bạn tách biệt một chiếc khung nghệ thuật và nội dung chứa đựng trong đó. Bạn có thể xử lý chiếc khung này mà không vướng bận đến nội dung chứa đựng nữa. Sự giải phóng này (âm tiết khỏi hình vị và âm vị khỏi tự vị) cũng khẳng định tính chất võ đoán của kí hiệu ngôn ngữ nói chung. Hơn nữa, ta hãy nghe lời nhận xét của Martinet:

    "Sẽ phải cố gắng hơn nữa chứng minh rằng Saussure đúng khi ông tuyên bố “cái kiến tạo nên ngôn ngữ không liên hệ đến tính chất ngữ âm của dấu hiệu ngôn ngữ học” và, xa hơn lời dạy ấy, ta có thể nói dấu hiệu ngôn ngữ học không nhất thiết phải có tính chất ngữ âm" (Văn Tự học – J. Derrida)

    Và vô hình trung, khi ta giải phóng lời nói khỏi chữ viết thì đồng thời cũng tách biệt luôn 2 khía cạnh vật chất và tinh thần của ngôn ngữ. Lời nói hay ngữ âm nói chung thuộc về vật chất. Có mâu thuẫn chăng khi GS Hạo cho rằng “chính ca dao tục ngữ - những câu tiếng Việt mẫu mực nhất, kết tinh những phẩm chất đáng tự hào nhất của linh hồn dân tộc”. Linh hồn ở đây thuộc về vật chất hay tinh thần ? Nhận xét của nhà triết học và tâm lý học Lacan - vô thức được cấu trúc bởi ngôn ngữ - như một sự thừa nhận vật chất có trước tinh thần. Tôi không chắc quan điểm của GS Hạo như thế nào, song cái gọi là “linh hồn” thì hẳn đó không phải lời nói, là ngữ âm, là dĩ ngôn vi trung rồi, vì linh hồn thuộc về tinh thần hơn là vật chất.

    "...Nhược điểm của chữ Quốc ngữ không phải ở chỗ nó chưa thật là một hệ thống phiên âm âm vị học, mà chính là ở chỗ nó có tính chất thuần tuý ghi âm, và hoàn toàn bất lực trước nhiệm vụ biểu hiện nghĩa mà lẽ ra nó phải đảm đương, và nhược điểm ấy lộ rõ nhất và tai hại nhất là trong các từ đồng âm vốn có rất nhiều trong tiếng Việt...Bỏ chữ Hán và chữ Nôm là một tai hoạ không còn hoán cải được nữa, nhưng ta có thể bổ cứu cho sự mất mát này bằng cách dạy chữ Hán như một môn học bắt buộc ở trường phổ thông” (Cao Xuân Hạo).

    Trên đây thì phải chăng Cao Xuân Hạo muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của chữ viết ?
    Hơi đi xa vấn đề chút. Trở lại với Thư pháp chữ Việt thì đây đúng là một nhu cầu về tinh thần. Mọi nỗ lực của nhà thư pháp đều nhằm tách bỏ nội dung ngữ âm chứa đựng trong chữ viết, dù họ không ý thức được việc này. Có thể ví một số người viết thư pháp chữ Quốc ngữ như những nhà giả kim thuật luyện vàng khi xưa, họ đều chưa biết bản chất, cấu trúc nguyên tử của vật chất. Viết thư pháp Quốc ngữ cũng có thể ví như việc luyện sắt thành…vàng vậy. Tuy nhiên, đấy không phải là việc làm vô vọng, khi chúng ta đi sâu vào bản chất của chúng. Thư pháp chữ Quốc ngữ, bên cạnh việc chú trọng về thao tác, là tạo những khoảng lặng, những yếu tố câm cho chữ viết. Đây là việc làm khá khó. Ta chỉ có thể giảm thiểu yếu tố ngữ âm bao trùm lên chữ hay câu văn mà thôi. Chữ Hán thì lớp ngữ âm nằm ở bề ngoài và khá khác biệt tùy từng vùng. Chữ Việt thì ngược lại, lớp ngữ âm (cụ thể là âm tố, âm vị và âm tiết) bám rất chặt ở bề sâu của chữ. Hiện tượng ở chữ Hán là “đồng âm dị chữ” còn chữ Việt là “đồng âm đồng chữ”. Khác với thư pháp chữ Hán, thư pháp Quốc ngữ phải xử lý vấn đề ngữ âm, đó cũng là một nghệ thuật.

    [​IMG]

    Cấu trúc chữ “nhất” Hán và chữ “nhất” Việt.
    Theo các sơ đồ trên thì chữ Hán có cấu trúc nghĩa, chính điều này tạo nên sự thâm thúy. Còn chữ Quốc ngữ có cấu trúc âm tiết. Một chữ Hán có nhiều ý nghĩa hơn 1 chữ Việt. Cấu trúc nghĩa của chữ Việt không nằm ở chiều sâu của từng chữ, nó nằm ở bề nổi của toàn bộ câu văn, tức ngữ pháp và các đặc tính của tiếng Việt nói riêng hay ngôn ngữ học hiện đại nói chung. Hiện chúng ta chưa khai thác hết khả năng này của tiếng Việt như Cao Xuân Hạo nhận xét “75% kiểu câu tiếng Việt chuẩn mực nhất bị loại ra khỏi chương trình giảng dạy”. Thực sự thì khi viết Thư pháp chữ Hán người ta chú trọng đến cấu trúc nghĩa của chữ Hán hay một điều gì khác nữa ? Rouseau cũng đã mở ra cho ta một sự dung hòa – Viết chẳng có gì khác hơn là sự biểu đạt cho lời nói; nó lạ lùng là vì ta chú trọng nhiều đến việc xác định hình tượng hơn là đối tượng (Writing is nothing but the representation of speed; it is bizarre that one gives more care to the determining of the image than to the object – Grammatology). Một biểu đạt hay một hình tượng đẹp đẽ của ngôn lời ? Có lẽ Rouseau đã tiếp cận đến cái gọi là Thư pháp ?

    Vấn đề quan trọng thứ 2, sau các nguyên tắc, kỹ thuật và nghệ thuật viết, là việc “đọc” thư pháp chữ Quốc ngữ hay việc đọc chữ Việt nói chung. Như tôi đã trình bày, việc loại bỏ âm tiết buộc ta phải hiểu trực tiếp chữ Việt . Khả năng này có thể luyện thành 1 thói quen, như khi bạn xem phim nước ngoài với phụ đề Việt ngữ vậy. Bạn có thể “nhìn hiểu” hơn “đọc hiểu”. Chữ Quốc ngữ vốn dài, lại đơn âm tiết nên nó khiến câu văn dài hơn. Cùng một câu thì chữ Hán hay Nôm có lẽ ngắn hơn so với chữ Quốc ngữ. Độ dài của câu văn chữ Quốc ngữ cũng khiến việc đọc mỏi mắt hơn. Chỉ có viết tắt mới khiến chữ Việt ngắn hơn, giúp việc đọc dễ dàng hơn. Càng lớn tuổi chúng ta như càng có xu hướng lười đọc và đọc nhanh hơn. Viết tắt chữ Việt cũng cổ vũ cho xu hướng này. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến việc luyện viết chữ Việt sao cho câu văn ngắn gọn hơn. Ở cấp độ cao hơn thì có thể xem việc luyện viết này như Thư pháp chữ Quốc ngữ. Trong các văn bản chính thức hoặc phổ thông, để văn phong mạch lạc sáng tỏ thì nên cấm viết tắt. Và do chữ Quốc ngữ được hoàn thiện như 1 công cụ ghi âm, do tính chất mền mại uyển chuyển của tiếng Việt nên có vẻ nó truyền tải mọi tâm trạng, cảm xúc tốt hơn so với các ngôn ngữ khác. Các tác phẩm văn học nước ngoài dường như hay hơn qua các bản dịch Việt ngữ. Tuy nhiên VN chúng ta vẫn chưa có các tác phẩm hay từ chính ngôn ngữ của mình. Điều này rất đáng suy nghĩ, đặc biệt là cần cân nhắc đến tầm quan trọng của chữ viết. Và chúng ta có nên xem việc viết tắt như là một biểu hiện của trình độ học vấn cao không ? Đọc được những chữ viết tắt trong những bức Thư pháp chữ Việt theo lối này cũng thể hiện được trình độ hiểu biết của người đọc về văn hóa VN.

    Bố cục Thư pháp Việt cũng không kém phần quan trọng. Nên bố cục như thế nào để chữ Quốc ngữ mang tính biểu tượng nhiều hơn, đứng độc lập về không gian hơn. Cách tốt nhất là rút ngắn độ dài của chữ bằng cách viết tắt và kéo dãn khoảng cách giữa chúng.Và do cấu trúc nghĩa của chữ Việt nằm trong toàn bộ câu văn hay bài văn nên ta có thể bố cục tùy nghi với toàn bộ câu văn đó. Tuy nhiên, không nên tìm cách chiếm lĩnh toàn bộ khổ giấy. Đa số các bức thư pháp chữ Việt đều như cố gắng lấp đầy những khoảng trống, bên cạnh việc quá cường điệu các nét chữ. Hãy tham khảo một áng văn nói về thư đạo:

    "Giá trị mỹ thuật thượng thặng của Thư Đạo bao giờ cũng ở sức khêu gợi của nó. Sự bất chấp luật viễn thị trong thư họa, dùng nguyên tắc không nguyên tắc, chú trọng đến thần khí của câu thơ, nét bút; cái màu mà không màu của màu trắng, đen, đậm nhạt của thủy mạc, đó là những đặc điểm của thư đạo, có công dụng siêu thoát không gian để được cận với hư không mới gợi được cái cảm giác vô cùng của Đạo”.

    Giải cấu trúc (deconstruction) chữ Việt chính là tìm về 1 điểm xuất phát trong cấu trúc hình tiết và ngữ pháp. Bằng cách đó ta giải phóng âm tiết khỏi hình vị. Có thể nói chữ Việt hậu chữ Việt chính là Thư pháp mà chúng ta đang tìm kiếm những nền tảng cho nó. Ta phải đánh đổi sự hoàn chính về hình tiết để cân bằng lại cho chữ viết và đưa nghĩa của chữ hòa nhập vào cấu trúc ngữ pháp của câu văn. Tôi tạm gọi cách viết này là “thư pháp hóa một câu văn”. Bên cạnh việc giải phóng lời nói khỏi chữ viết thì thư pháp hóa một câu văn cũng nhằm giải phóng nghĩa của toàn bộ câu văn đó. Nghĩa của câu văn hay bài thơ sẽ mang hình thức biểu đạt mới bao quát hơn. Thư pháp Hán có xu hướng ẩn nghĩa, từ hình đến ý và hư không. Thư pháp Việt có xu hướng ngược lại, biểu nghĩa hơn. Tuy chúng ta làm cho các chữ Việt tách biệt và độc lập, nhưng cũng bằng cách này ta dễ dàng sắp đặt đội hình cho chúng hơn. Ưu điểm của thư pháp Việt là ta có thể bố trí cấu trúc nghĩa của toàn bộ câu văn, thay vì cấu trúc nghĩa cố định của từng chữ Hán. Nét sinh động hơn là sự cứng nhắc, uyển chuyển hơn là sắc sảo. Cấu trúc nghĩa của chữ Hán hết sức hấp dẫn đối với ngữ nghĩa bậc cao mà qua đó nó được nâng lên mức Thần ngôn (logos). Thần ngôn như được đúc kết, giam giữ cùng với ý chí hóa thạch của chữ viết. Khái niệm thư pháp gần như không đi cùng ngôn ngữ bình dân. Thư pháp chữ Hán như một thứ mồ chôn những bậc vương gia. Cái chết của nghĩa chữ Hán luôn được hồi sinh của người đọc, người viết. Với VN thì chúng ta chưa khai thác hết kho tàng ngôn ngữ, nhất là trong ca dao tục ngữ. Lối viết chữ Quốc ngữ đặc biệt thích hợp với ngôn ngữ bình dân đầy thi vị này. Thư pháp chữ Việt có thể trở thành công cụ khám phá cấu trúc ngữ pháp kho tàng ngôn ngữ trên. Tái cấu trúc lại đơn vị chữ và bố cục câu văn sẽ làm sống động hơn cấu trúc ngữ pháp tiếng Việt. Chúng ta nên phát huy những ưu điểm của mình.

    Trở lại với thao tác viết, như phân tích chiều hướng ở trên thì Thư pháp tiến đến một hình thức hội họa. Từ việc xóa bỏ tính cách ngữ âm, thư đạo tiến đến hư không. Tuy vậy, hư không đấy không phải là điểm giới hạn của việc viết. Hư không của thư đạo là điểm khởi đầu của việc viết, khi ta đặt bút và bắt đầu bằng sự vận động của bàn tay. Ngữ nghĩa luôn tiến hóa, luôn tìm kiếm cho nó những hình thức biểu đạt. Biên giới ngôn ngữ học luôn trải rộng.

    Ngữ nghĩa → Nói → Viết → Vận động, thao tác.

    Thao tác, vận động cũng vốn là một lĩnh vực thuộc ngôn ngữ học, như ngôn ngữ ngón tay của người câm-điếc. Tuy không có âm thanh, hình ảnh nhưng ngôn ngữ này lại khá sinh động, uyển chuyển và mềm mại.

    Theo Wiki thì 3 nước Á đông có trường phái Thư pháp riêng là:

    Trung Quốc: gọi là Thư pháp, được xem như “môn nghệ thuật cao quí có tính chất phô diễn khí phách tiết tháo” của người viết.

    Nhật: gọi là Thư Đạo, trọng ý hơn trọng hình.

    Hàn quốc: gọi là Thư Nghệ. Chữ Hàn thuộc chữ tượng thanh, có cấu trúc âm tiết như chữ Việt, song những mẫu tự (hay tự vị) của chữ Hàn ít nhiều vay mượn từ chữ Hán. Chữ Hàn chính là ranh giới của 2 loại chữ: tượng hình và tượng thanh.

    Thư pháp chữ Việt cũng biểu hình và biểu ý nhưng với phạm vi rộng hơn. Bên cạnh đó thì tôi nghĩ chúng ta nên trọng về vận động, thao tác. Đây còn là vấn đề khai thác khả năng và chiều sâu ngôn ngữ, bên cạnh biểu đạt mang tính nghệ thuật của chữ viết. Thao tác viết chữ Hán gãy gọn, sắc sảo, khoan nhặt, mạnh yếu, thanh đậm, thăng trầm đều ít nhiều phụ thuộc vào cây viết lông thấm đẫm mực tàu. Dùng cây viết như thế mà viết chữ Việt hết sức rườm rà bất tiện, nếu không muốn nói là làm hỏng chữ Việt. Thiết nghĩ chúng ta nên sáng tạo một loại viết và một loại bảng để tập viết thư pháp Việt thích hợp và tiện dụng hơn. Nét tinh tế chữ Việt chỉ có thể ở vài dấu sắc, dấu nặng và bố cục của toàn bộ câu văn. Còn thì chữ Quốc ngữ vốn chuẩn mực, trật tự và thao tác viết của ta cũng chỉ cốt giữ sao cho chúng ngay hàng thẳng lối là hợp lý nhất.
    Lần cập nhật cuối: 26/11/2013
  2. investip12

    investip12 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    14/08/2007
    Bài viết:
    167
    Đã được thích:
    0
    bài viết này ở đâu ra thế hả bác?

Chia sẻ trang này