1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Trang tư liệu về Đà Nẵng ( lịch sử, du lịch, ẩm thực...)-Đề nghị không viết lung tung

Chủ đề trong 'Đà Nẵng' bởi Hai_Quynh_cafe_new, 27/07/2002.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. Hai_Quynh_cafe_new

    Hai_Quynh_cafe_new Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    14/01/2002
    Bài viết:
    961
    Đã được thích:
    0
    Trang tư liệu về Đà Nẵng ( lịch sử, du lịch, ẩm thực...)-Đề nghị không viết lung tung

    Mong các bạn đóng góp những thông tin của thành phố chúng ta vào đây. Hy vọng những thông tin này bổ ích cho tất cả mọi người
    Trước tiên xin nói về lịch sử ( Bài viết khá dài nhưng không thể rút gọn hơn, nếu các bạn không đủ khả năng đọc online thì có thể save về nhà đọc)
    Phần 1-Đà Nẵng trước 1858
    Đà Nẵng-Cửa ngõ của Tổ quốc Việt Nam
    1. Đà Nẵng qua các tên gọi
    Nằm ở tọa độ 108o 10'30" đến 108o 20'30" kinh tuyến Đông và 16o đến 16o17'30" vĩ tuyến Bắc là Đà Nẵng, thành phố cảng biển lớn nhất miền Trung của nước Việt Nam.
    Thành phố Đà Nẵng hiện nay (kể từ 6.11.1996) trải rộng trên một diện tích 1248,4 km2 bao gồm vùng nội thành có diện tích 205,87 km2 gồm 5 quận chia làm 33 phường nằm dọc theo con sông Hàn và huyện Hòa Vang với 14 xã và huyện đảo Hoàng Sa. Con sông Hàn là hợp lưu của một nhánh sông Thu Bồn và sông Cẩm Lệ tại Hòa Cường, có chỗ rộng tới 1200m có độ sâu từ 4 đến 5m đủ cho các tàu trọng tải vừa theo sông đi vào khu trung tâm thành phố. Cửa sông Hàn đổ ra một vùng biển sâu trung bình từ 10 đến 15m nước lại được che chắn bởi rặng núi Phước Tường ở phía Tây thành phố kéo dài thành nhiều núi đất cao gần 300m vươn tới đỉnh núi Hải Vân cao gần 500m. Bán đảo Tiên Sa với ngọn núi Sơn Trà cao gần 700m sừng sững trước biển Đông kéo dài vào đất liền bởi những dải cát trắng. Thành phố Đà Nẵng cách thành phố Huế 107km nằm bên kia đèo Hải Vân về hướng Bắc và ngược tiếp tới Thủ đô Hà Nội cách 759km. Hướng về phía Nam, Đà Nẵng cách thành phố Hồ Chí Minh 917km. Hướng ra biển, từ Đà Nẵng đi Hồng Kông hết 550 hải lý, đi Đài Loan hết 850 hải lý, đi Manila và Philipin hết 740 hải lý, đi Singapo chưa tới 1000 hải lý, còn tới cảng Yokohama (Nhật) thì khoảng 2340 hải lý.
    Từ thế kỷ XV, mảnh đất này đã nằm trong lãnh thổ của quốc gia Đại Việt, thuộc đạo Hóa Châu được lập ra từ thời Trần Anh Tông và đến đời Lê Thánh Tông (từ năm 1466) thì thuộc địa phận của huyện Điện Bàn, phủ Triệu Phong, thừa tuyên Thuận Hoá. Theo sách "Ô châu cận lục" (của Dương Văn An soạn năm 1533) thì địa danh "Đà Nẵng" lần đầu tiên xuất hiện khi sách nhắc đến "một ngôi đền ở cửa biển Đà Nẵng" thờ một nhân vật từ thời Lê Thánh Tông.
    Địa danh "Đà Nẵng" có thể được giải thích theo ngôn ngữ Chăm có nghĩa là "sông lớn" hay "cửa sông cái". Quả thật, nằm trên tả ngạn sông Hàn kề bên cửa biển hiểm yếu này, địa danh Đà Nẵng đã được ghi trên các bản đồ vẽ từ thế kỷ XVI trở đi (như "An Nam hình thắng đồ ", "An Nam thông quốc toàn đồ ", có bản đồ ghi thiếu nét hoặc viết thành "Đà Nông").
    Còn có một tên gọi khác khá phổ biến về vùng đất này, đặc biệt là trong dân gian, mặc dầu xuất hiện sau tên gọi Đà Nẵng, đó là tên gắn liền với con sông Hàn. Trên bản đồ vẽ vào thế kỷ XVII đã thấy ghi địa danh này để chỉ con đường dẫn đến chợ Hàn (1).
    Vào giữa thế kỷ XVI, cửa Đà Nẵng trở thành một địa bàn quan trọng, được phòng giữ cẩn mật. Tên gọi Cửa Hàn chắc được dùng quen từ đấy (2). Một câu vè đi biển khác còn được ghi lại:
    "...Hòn Hành nằm đó là nơi Cửa Hàn
    Cửa Hàn còn ở trong xa
    Trước mũi Sơn Trà, sau có con Nghê... "
    Địa danh Cửa Hàn không những được lưu truyền rộng rãi trong dân gian, đồng thời cũng được người châu Âu nhắc đến từ rất sớm. Cố đạo Buzomi đến Đàng Trong vào năm 1615 và vào dịp lễ Pâques năm ấy ông lập một nhà thờ tại một nơi được ghi là Kean, địa danh này cũng được ghi lại trên tấm bản đồ nổi tiếng của cố Alexandre de Rhodes vẽ năm 1666, nằm ở vị trí chân đèo Hải Vân. Địa danh Kean bắt nguồn từ cách gọi khá phổ biến đương thời (theo lối ở Đàng Ngoài), những nơi tập trung dân cư gọi là Kẻ (kẻ chợ...); Kean có nghĩa là Kẻ Hàn.
    Ngoài ra còn có một tên gọi dành cho thành phố Đà Nẵng nữa, nó tồn tại suốt trong thời gian là nhượng địa của Pháp và trở thành địa danh hành chính chính thức trước đó cũng như cho đến nay nhiều người Âu châu vẫn còn quen gọi, đó là Tourane. Trong các bản đồ, sách vở, ghi chép của người Âu từ thế kỷ XVI, XVII, XVIII...chúng ta đã thấy nhắc đến những địa danh như Turon, Toron, Taraon, Touan, Touane, Touron và Tourane. Có nhiều cách giải thích khác nhau về nguồn gốc của các địa danh này, nhưng đáng chú ý hơn cả là cách lý giải của A.Chapuis (3); "Đà Nẵng, tên Việt gọi là Lưu Lâm (theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn), người Hoa thì gọi là Hiên Cảng. Nhưng tên thật của Đà Nẵng là Cửa Hàn (Hàn Hải Khẩu). Vì chức quan giữ cửa biển là Thủ hàn (còn có thể gọi là Thủ ngự) nên người Bồ Đào Nha mới gọi là Touron, và gọi trệch ra là Tourane" (?). Còn có thể kể đến một số giả thiết khác như : của G.Cordier trong sách "bài giảng ngôn ngữ tiếng Annam", (Cours de langue annamite) cho rằng Tuorane là phiên âm theo cách đọc của người Trung Hoa vùng Hải Nam khi đọc là Tou-nan; hoặc của thương nhân Pháp A.Hausseman trong "Du ký xứ Trung Hoa, Việt Nam, Ấn Độ và Mã Lai" (Voyage en Chine, Cochinchine, Inde et Malaise" viết năm 1848) giải thích rằng Tourane là địa danh của một nơi vốn có một cái tháp (tour) trên cửa Hàn...
    Còn người Trung Hoa (qua lại và định cư khá sớm và đông đảo ở Hội An, Đà Nẵng) vẫn gọi nơi đây là Hiện Cảng. Chữ "Hiện" theo hai cách viết chữ Hán hoặc có nghĩa là "Cảng con hến" hoặc "Cảng núi nhỏ mà hiểm"; đều có thể giải thích là do nhận xét: hình thù của núi Sơn Trà được nhận thấy ngay từ ngoài khơi cửa biển Đà Nẵng .
    Ngoài ra, nhân dân địa phương vẫn có thói quen gọi vịnh Đà Nẵng là Vũng Thùng ("Tai nghe súng nổ cái đùng, tàu Tây đã lại Vũng Thùng bữa qua!" - ca dao); còn các nhà nho nói chữ thì gọi là Trà U, Trà A, Trà Sơn hay Đồng Long Loan.
    Cho đến thế kỷ XIX, địa danh Đà Nẵng là tên gọi một vùng lãnh thổ gắn liền với một cửa biển, một vịnh nước, bao quát một vùng dân cư nằm bên tả ngạn sông Hàn giới hạn từ Thạch Thang tới cầu Thương Chính (4).
    Trước khi trở thành một đô thị mang tính chất hiện đại kể từ thập kỷ cuối cùng của thế kỷ trước, Đà Nẵng vẫn chưa từng là địa danh của một đơn vị hành chính, nhưng không vì thế mà Đà Nẵng mất đi cái vị thế quan trọng trong khu vực. Nằm kề trên một vịnh biển hiểm yếu, phía bắc là đèo Hải Vân hùng vĩ mà bên kia là kinh đô Huế, phía đông bắc là ngọn Sơn Trà, phía trong nam có hòn Nghê dáng như hổ phục, phía tây có hòn Mỏ Điều trên dựng pháo đài, đối nhau qua cửa biển là ngọn núi trên dựng Ngự hải đài và rải rác ở phía đông nam còn có Ngũ Hành Sơn với những thắng cảnh nổi tiếng, Đà Nẵng lại nằm trên tuyến đường trạm nối kinh đô Huế với vùng lãnh thổ phía Nam. Cửa tấn Cu Đê và con sông Thủy Tú ở phía bắc, con sông Cổ Cò ở phía nam một thời lưu thông huyết mạch với thương cảng nổi tiếng Hội An, con sông Vĩnh Điện được vua Minh Mạng (1820-1840) ra lệnh đào nối Đà Nẵng với khu thành La Qua, tỉnh lỵ của Quảng Nam và với sông Thu Bồn qua ngã Câu Nhí. Cùng với sông Hàn, các con sông ấy đã đan kết cho Đà Nẵng một địa thế chứa đựng rất nhiều tiềm năng, đóng một vai trò trọng yếu đối với cả khu vực. Trong quá khứ, cùng với sự hưng thịnh của đô thị thương cảng, Hội An, Đà Nẵng đã trở thành một tiền cảng không kém phần trù phú... Nhưng cùng với sự tàn lụi của Hội An, Đà Nẵng cũng mất đi những nguồn lực kinh tế, chỉ còn đóng vai trò một địa bàn có ý nghĩa chiến lược về quân sự. Phải đến năm 1888, Đà Nẵng mới trở thành đất "nhượng địa" (consession) của thực dân Pháp để từng bước phát triển thành một đô thị thuộc địa nhưng mất đi tên gọi Đà Nẵng để chính thức mang tên Pháp là Tourane và mở rộng sang hữu ngạn sông Hàn và các làng xã lân cận. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Tourane được mang tên Thái Phiên, nhà yêu nước nổi tiếng của đất Quảng Nam lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Duy Tân nổ ra cách đó 30 năm(1916).





    Được hai quynh cafe sửa chữa / chuyển vào 27/07/2002 ngày 15:13
  2. Hai_Quynh_cafe_new

    Hai_Quynh_cafe_new Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    14/01/2002
    Bài viết:
    961
    Đã được thích:
    0
    2. Đà Nẵng - một thương cảng giàu tiềm năng
    Trong nhiều thế kỷ trước đây, vào thời gian Hội An còn đang phát triển rực rỡ như là một đô thị buôn bán với nước ngoài quan trọng nhất ở nước ta thì Đà Nẵng đã được coi là một "tiền cảng" (avant port), hay "cảng tạm dừng" (port de relache). Ngay từ thế kỷ XVII, cố Alexandre de Rhodes đã gọi Hội An là "thành phố có hai ngả để vào, hoặc đi thẳng vào cảng Đại Chiêm, hoặc đến Tourane, rồi theo sông Cổ Cò để vào". Trong quan niệm của nhiều nhà hàng hải và nhiều thương nhân châu Âu lúc ấy đã cho rằng Hội An có một "liên hiệp hải cảng" bao gồm phía bắc là hòn Ngự hải đài (hòn Thảo), vịnh Đà Nẵng với bán đảo Sơn Trà án ngữ bên ngoài, cửa Đại Chiêm và Cù Lao Chàm án ngữ ngoài khơi (5). Chúng ta đã từng biết đến bức tranh nổi tiếng của dòng họ Chaya ở Nhật Bản vẽ quang cảnh buôn bán ở Hội An, và có người cho rằng cửa biển vẽ trong bức tranh ấy là cửa Đại Chiêm, cũng có người lại cho rằng đó là cửa Đà Nẵng với Ngũ Hành Sơn và con sông Cổ Cò. Nếu theo giả thuyết thứ hai thì ở Đà Nẵng lúc đó (thế kỷ XVIII) đã có một khu cư trú của người Nhật Bản (phố). Dù theo giả thuyết nào, chúng ta cũng có thể đi đến một kết luận là Hội An có một điểm yếu hạn chế rất cơ bản là thuyền lớn không thể cập bến Hội An; còn thuyền tương đối nhỏ hơn thì muốn vào Hội An phải qua cửa Đại Chiêm, hoặc phải qua Đà Nẵng theo sông Cổ Cò, và đều phải có thuyền dắt. Trong bức tranh nói trên đã thể hiện một con tàu của Nhật Bản phải có 3 thuyền nhỏ dắt vào bến. Có điều là những tàu thuyền chủ yếu vào buôn bán ở Hội An trong các thế kỷ XVI, XVII, phần lớn là tàu thuyền của thương nhân Nhật Bản hoặc của Trung Hoa, chạy duyên hải và có sức chở không lớn lắm (dưới 100 tấn), chạy nhờ sức gió và theo mùa. Những con tàu này chiếm số lượng và tỷ trọng chủ yếu về hàng hoá xuất nhập cảng ở Hội An (người ta gọi cửa Đại Chiêm là cửa "Nhật Bản"). Ngoài ra trên thực tế hầu như các tàu của thương nhân phương Tây đến buôn bán với Hội An đều là loại tàu vượt đại dương, có trọng tải lớn, thiết bị kỹ thuật đi biển cao, không phụ thuộc vào thiên nhiên (chế độ gió mùa) v.v...đều phải vào cửa vịnh Đà Nẵng, rồi từ đó chuyển tải vào mua bán ở Hội An qua con sông Cổ Cò. Cửa Đại Chiêm tuy rộng, có Cù Lao Chàm án ngữ ở ngoài khơi, nhưng không lợi thế bằng cửa vịnh Đà Nẵng về độ sâu, sự an toàn. Việc buôn bán ở Hội An đòi hỏi các tàu lớn phải chờ đợi lâu mới tiêu thụ được hết số hàng nhập và cất hàng xuất, nên họ neo tàu ở cảng Đà Nẵng là đảm bảo nhất. Ưu thế này của Đà Nẵng có thể được chứng minh qua nhận xét của một phái đoàn người Anh vào cuối thế kỷ XVIII. Năm 1793, một sứ đoàn của Anh do Macartney dẫn đầu trên đường qua Trung Hoa thỏa thuận về giao thương đã cập bến Đà Nẵng. Một nhân viên trong sứ đoàn này đã ghi lại những nhận xét của ông về Đà Nẵng và đặt tên cho bán đảo Sơn Trà là "Tân Gibralta". Ông cho biết : "Người ta có thể cho thuyền chạy khắp bờ biển mà không gặp tai nạn. Đáy biển sâu đều đặn từ 17 đến 20 sải. Vịnh Đà Nẵng xứng đáng mang danh là cảng lớn và vững chắc nhất được thấy (trong khu vực mà sứ đoàn đi qua). Nó rất sâu nên khi cần thiết phải di chuyển các tàu bè vẫn yên ổn dù gió to bão lớn. Đáy biển đầy bùn nên bỏ neo rất bám" (6). Tác giả còn mô tả một hòn đảo trong vịnh (hòn Cò) có mức nước rất sâu có thể trở thành nơi đón tiếp tàu vào sửa chữa...
    Một nhà kinh doanh nổi tiếng của nư­ớc Pháp là Pierre Poivre từng đến thăm dò khả năng buôn bán với xứ Đàng Trong, đã có dự kiến lập một kho tàng ở Đà Nẵng và vào buôn bán ở Hội An, cũng viết ký sự về việc này và hết lời ca ngợi cái đô thị sầm uất đó. Nhưng một đại uý Bồ Đào Nha khi đọc ký sự ấy đã phê phán: "Thật là lạ lùng là khi bàn về các cửa biển ở xứ Đàng Trong, tác giả lại quá quan tâm đến Hội An, một hải cảng không to tát gì, và nơi đó chỉ có tàu nhỏ vào được, trong khi đó tác giả chẳng đề cập một chút nào về Touron, một trong những hải cảng đẹp và lớn nhất của toàn Đông Dương, chỉ cách Hội An một chặng đường" (7). Đó là những cách nhìn nhận khác nhau giữa một nhà buôn và một nhà hàng hải.
    Do mối quan hệ rất mật thiết giữa Đà Nẵng với Hội An như vậy cho nên hầu như tất cả những tài liệu có liên quan đến hoạt động của Hội An ở người nước ngoài (thương nhân, nhà hàng hải, chính khách, nhà thuyền, nhà truyền giáo...) đều nói tới Đà Nẵng. Và từ thế kỷ XVIII trở về sau, khi Hội An bắt đầu sa sút thì sự quan tâm của họ ngày càng dồn cho Đà Nẵng với những tiềm năng của một hải cảng ngày càng tỏ rõ tính ưu việt của nó. Những ghi chép ấy cũng cho thấy Đà Nẵng từ sớm đã trở thành một vùng dân cư mang những dấu hiệu hình thành của một đô thị. Ngoài những vạn chài thường thấy ở ven biển hoặc ở cửa sông sống về nghề đánh cá và cư dân sống bằng nghề nông - ở Đà Nẵng số lượng nông dân không nhiều và ít ruộng - còn có cư dân sinh sống bằng một số nghề thủ công nổi tiếng như nghề nấu muối (8) và nghề làm đường. Nhưng nét đặc biệt của cư dân Đà Nẵng là buôn bán và phục vụ việc buôn bán ở Hội An. Là "tiền cảng", "cảng tạm thời", của Hội An nên Đà Nẵng là nơi tàu bỏ neo để chuyển hàng sang các tàu thuyền nhỏ, rồi chuyển tải vào Hội An qua sông Cổ Cò, và đồng thời để xếp hàng lên tàu rồi xuất đi nơi khác. Vì thế Đà Nẵng cũng là nơi được nhiều nhà buôn thành lập kho cất chứa hàng, nơi dừng chân của thủy thủ, nơi tu sửa tàu thuyền, và tất nhiên ngoài số hàng hóa chủ yếu đưa vào Hội An trao đổi, các hoạt động buôn bán cũng diễn ra ngay ở Đà Nẵng (tập trung ở khu vực dọc làng Nại Hiên, tức khu trung tâm của thành phố hiện nay). Hoạt động đó lập tức thu hút các thương nhân Trung Hoa và Nhật Bản đến Đà Nẵng buôn bán hoặc lập cư. Người bản địa cũng tham gia vào việc buôn bán, như­ng có lẽ không lớn, và chủ yếu là họ làm những dịch vụ như bốc vác, chuyển tải hàng bằng thuyền nhỏ, thu gom hàng hoá cho thương nhân nước ngoài...
    Đặc trưng hoạt động buôn bán ở Hội An là một thứ "hội chợ quốc tế ", là nơi thương nhân nước ngoài đến trao đổi hàng hóa, mà chủ yếu là thương nhân Nhật Bản muốn mượn Hội An để tiếp xúc với thương nhân phương Tây và thương nhân Trung Hoa, vì ở Nhật Bản nhà cầm quyền đóng cửa giao thương với Trung Hoa, và cấm đạo (9). Việc thương nhân nước ngoài mua bán với người Việt Nam chỉ là một phần rất nhỏ, trong đó chủ yếu là họ mua một số đặc sản địa phương như đường, cau, tơ lụa..., còn hàng nhập vào Việt Nam chủ yếu nhằm đáp ứng một số nhu cầu của nhà nước và tầng lớp quan lại (chúa Nguyễn và sau là nhà Nguyễn), còn sức tiêu thụ của người bản địa rất thấp. Nguồn lợi quan trọng của nhà nước thu được ở Hội An, ngoài một số hàng xuất (thường qua trung gian là thương nhân Hoa Kiều) (10), chủ yếu là tiền thuế.



    Kill me, kill me , kill me again with your love.!!!!!!!
    Bring me, bring me, bring me the end with your love!!!!!!
  3. Hai_Quynh_cafe_new

    Hai_Quynh_cafe_new Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    14/01/2002
    Bài viết:
    961
    Đã được thích:
    0

    Còn ở Đà Nẵng lại là nơi giao dịch chủ yếu của các tàu thuyền phương Tây với đại diện của nhà nước Việt Nam về những công việc liên quan đến ngoại giao, thủ tục giao thương, và cả những công việc mua bán cụ thể với nhà nước như mua vũ khí, một số vật phẩm cao cấp cho triều đình, quan lại, bán một số mặt hàng do nhà nước độc quyền quản lý (chủ yếu là đường) với các thương nhân phương Tây. Mặc dù hoạt động ngoại thương của triều đình Việt Nam nói chung, đặc biệt là của triều Nguyễn nói riêng, không mạnh lắm, và còn có phần thu hẹp, nhưng những hoạt động ấy cũng đòi hỏi Đà Nẵng phải hình thành những cơ sở phục vụ như là một thương cảng. Các chúa Nguyễn đã dự kiến cho người Bồ Đào Nha lập phố ở Đà Nẵng như đối với người Hoa, người Nhật Bản ở Hội An, nhiều kho hàng hoặc những đại diện của thương nhân phươngTây đã đặt cơ sở ở Đà Nẵng (11). Vào thời Nguyễn, ở Đà Nẵng đã thành lập Nha Hải phòng, lập kho tàng của nhà nước...và đã tổ chức các đội thương thuyền của triều đình từ hải cảng Đà Nẵng vượt biển để giao thương với một số nước khác trong khu vực cho đến đầu thế kỷ XIX, do những điều kiện khách quan khiến cho Hội An mất dần những thuận lợi để tiếp tục phát triển buôn bán. Con sông Cổ Cò bị sa bồi trở nên khó đi lại hơn, và đặc biệt là những tàu thuyền lớn đã chạy bằng máy hơi nước không thể vào đậu ở Hội An được như trước, nên Đà Nẵng càng trở thành một hải cảng quan trọng bậc nhất ở miền Trung đất nước.
    ---------------------
    Phần giải thích
    (1) Từ "Hàn" có nghĩa: Bài "Vè đi biển" rất phổ biến ở địa phương này có đoạn:
    "...Đến miền cửa Việt sắt hàn hiếm sao
    Một ngày lại đến cửa Eo
    Cửa Hàn ngăn sắt sóng reo đầy đầy
    Đến Tư Khánh cùng một ngày
    Một canh vượt thủy này này Cảnh Dương
    Một ngày lại đến Cửa Sang
    Vượt ba canh chàng lại đến Cu Đê (nay là Thủy Tú)
    Đà Nẵng cửa đặt tuần ty
    Đại Chiêm cửa ấy phỗng đi một ngày..."
    Những địa danh Cửa Việt (Quảng Trị), Cửa Eo (cửa Thuận An, Thừa Thiên), sau này vẫn được dùng, nhưng địa danh Tư Dung (cửa Tư Hiền, Thừa Thiên) đổi làm Tư Khánh thì chỉ xuất hiện vào đời Mạc vì ky húy Mạc Đặng Dung. Thời Mạc để chống lại hải quân của nhà Lê hay của Trung Hoa, các cửa biển phương Nam đều được "hàn" lại, thay vì cắm cọc, làm cừ gỗ đóng xuống lòng sông, nay dùng xích sắt giăng ngang sông. Đến tận thời Nguyễn, phương cách này vẫn được sử dụng. Theo bút ký của Pierre Loti, nhà văn nước Pháp đi theo đội quân viễn chinh, xâm lược nước ta cho biết: vào năm 1884 khi tiến quân vào kinh đô Huế, ông vẫn trông thấy hàng đống xích sắt được thu lại chất đống quanh pháo đài, và ông nhận xét rằng những đống xích sắt đó "cho thấy (người Việt Nam) đã dự liệu cản sông không cho chúng ta tiến vào" (P.Loti - "Corvée matinale").
    (2) Có thể có nhiều cửa được phòng thủ theo phương thức tương tự và cũng được gọi là cửa hàn, song qua thời gian nơi mất, nơi còn giữ lại cũng giống như ở thế kỷ XIX, nhà Nguyễn lập nhiều nha hải phòng ở các cửa biển quan trọng, đến nay chỉ còn lại một nơi đã trở thành địa danh chính thức : Thành phố Hải Phòng.
    (3) Học báo Nam Á Tế Á, số 2, Singapore, tr. 263
    (4) Nay thuộc khu vực trường Lê Quý Đôn, thành phố Đà Nẵng.
    (5) Quan niệm này dẫn đến việc trong các văn bản liên quan đến mối quan hệ giữa Nguyễn Ánh và thực dân Pháp như dự án ngày 18.08.1782 cũng như hiệp ước Versailles 28.11.1787 đều không xác định rõ, phân biệt giữa Hội An và Touron (Đà Nẵng).
    (6) "Le séjour en Indochine de L'Ambassadé de Lord Macartney (1793)". Revue Indochinoise, 1924, các số 5, 6, 7, 8.
    (7) Taboulet - "La geste...". Sđd.
    (8) Vì muối được nấu từ nước biển trong những nồi rất lớn đan bằng tre cật trát đất ở ngoài, muối rất trắng, ngon, tinh khiết. Nghề này tập trung ở làng Nại Hiên (nay nằm ở Trung tâm thành phố) nên có câu ca :"Nại Hiên là làng Ý, E. Nấu muối bằng nước, lấy tre làm nồi". Ý, E là nhại tiếng nói của dân gốc Thanh Hóa, Nghệ An.
    (9) Việc nhà cầm quyền ở Nhật Bản cấm người nước họ buôn bán với Trung Quốc, và cấm đạo, là những lý do khiến cho người Nhật Bản tìm đến Hội An vừa để giao dịch, buôn bán với bạn hàng Trung Hoa, các nước phương Tây và một số quốc gia khác trong khu vực, vừa sang Đàng Trong để hành lễ. Đà Nẵng cũng như Hội An là cửa ngõ giao thương, đồng thời cũng là nơi giao lưu văn hóa, là nơi xâm nhập của nhiều tôn giáo như Phật giáo, Thiên chúa giáo và ở đầu thế kỷ XX có cả đạo Tin lành nữa. Đây cũng là địa bàn đầu tiên các giáo sĩ Bồ Đào Nha manh nha sáng chế ra chữ quốc ngữ.
    (10) Trong số các mặt hàng xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài, đặc biệt là thị trường phương Tây, đường cát ngày càng "ăn khách". Nhà nước, đặc biệt là triều Nguyễn, hết sức quan tâm đến việc phát triển sản xuất, thu mua để xuất khẩu mặt hàng này và hầu như việc xuất khẩu đường cát đã trở thành quốc sách, và do nhà nước độc quyền thâu tóm. Miền Nam Trung Bộ là địa bàn chủ yếu sản xuất đường cát và Đà Nẵng cũng trở thành nơi tập trung để xuất khẩu đường. Nhà Nguyễn có hàng loạt chính sách để kích thích sản xuất và nắm chặt nguồn hàng này. Thí dụ: năm Thiệu Trị thứ 2 (1842) Quảng Nam thu mua để xuất khẩu được 600.000 cân đường cát (và 500 cân quế). Năm 1839, triều đình đã tổ chức đội thương thuyền do Đào Trí Phú chỉ huy vượt biển sang giao thương với nhiều nước ở Đông Nam Á (Nam Dương, Singapor, Philippin, Mã Lai...). Cho đến trước khi Pháp xâm lược, việc tổ chức các thương thuyền ra nước ngoài của triều đình Việt Nam tuy không được phát triển mạnh, nhưng thường xuyên vẫn có (xem : Thành Thế Vỹ - "Ngoại thương Việt Nam thế kỷ XVII, XVIII và đầu thế kỷ XIX).
    (11) Ghi chú của một nhà hàng hải Pháp Le Floch de la Carière dưới bản đồ do ông vẽ năm 1787 viết rằng:" Con sông Hội An có những bất tiện y như con sông ở kinh đô (sông Hương) một dải cát ngầm trải ngang trên sông làm cho sông cạn, chỉ cho phép tàu nhỏ vào được mà thôi. Nhưng vịnh Đà Nẵng lại có thể tiếp nhận những tàu buôn lớn nhất và có hải cảng rất thuận lợi".
    Kill me, kill me , kill me again with your love.!!!!!!!
    Bring me, bring me, bring me the end with your love!!!!!!
  4. Hai_Quynh_cafe_new

    Hai_Quynh_cafe_new Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    14/01/2002
    Bài viết:
    961
    Đã được thích:
    0
    Chiến trận Đà Nẵng 1858-1860 và cuộc chiến đấu của quân dân Đà Nẵng

    1. Trận đánh mở màn của quân xâm lược.
    Ngày 30.8.1858, lực lượng tham chiến của liên quân Pháp - Tây Ban Nha đã tập kết tại cửa vịnh Đà Nẵng, chuẩn bị nổ súng đánh chiếm mục tiêu. Đây là bước tiến quân nhằm thực hiện một trong những nội dung chủ yếu của bản mật lệnh mà Rigault de Genouilly nhận được: Sau khi bắn phá và chiếm cứ xong Quảng Châu (Trung Quốc), kéo lực lượng xuống đánh chiếm Việt Nam, "chiếm lấy Tourane (Đà Nẵng) và giữ vững ở đó".
    Tuy nhiên cần phải nói ngay rằng, cuộc hành binh này của liên quân Pháp - Tây Ban Nha đã không có một kế hoạch chi tiết, cụ thể được hoạch định từ trước. Rigault de Genouilly chỉ biết nhận lệnh là chuyển quân xuống Việt Nam, là tấn công Đà Nẵng, gặp trắc trở là tuỳ ý xoay xở theo "sáng kiến" của mình.
    Lực lượng liên quân Pháp - Tây Ban Nha tập kết ở cửa vịnh Đà Nẵng ngày 30.8.1858 gồm có 13 chiến hạm: "Mémesis", "Phlégéton", "Primauquet", "La Place", "Dragonne", "Fusée", "Alarme", "Mitraille", "Avalanche", "Régent", "Suôné", "Gironde", "Meurthe", và 2 tàu thuê của tư nhân, với 1500 quân gồm 2 tiểu đoàn lính thuỷ đánh bộ, mỗi tiểu đoàn chia làm 5 đại đội, mỗi đại đội 112 người, hai đại đội "lính bản xứ" gồm các giáo dân *********, bọn thổ phỉ và dân phu Tàu; một pháo đội lính thủy đánh bộ và một số tàu nhỏ khác...Liên minh với hạm đội Pháp trong trận đánh này còn có lực lượng Tây Ban Nha gồm 3 tàu chiến : "EI Cano", "Durance", "Dordogone" và 850 lính Âu và da đen do đại tá Lanzarotte chỉ huy.
    Như vậy, tổng cộng Liên quân gồm 2.350 quân với 16 chiến hạm. Các tàu chiến của Pháp - Tây Ban Nha đều được trang bị vũ khí tốt. Có những chiến hạm như tàu Mémesis được trang bị tới 50 khẩu đại bác. Phần lớn những trang thiết bị và vũ khí của Pháp lúc đó đều thuộc loại hiện đại nhất. Các đại bác của tàu địch đều là những loại có sức công phá lớn và khả năng sát thương cao (1).
    Nắm một lực lượng tương đối mạnh trong tay, mờ sáng ngày 1.9.1858, Rigault de Genouilly cho người chuyển tối hậu thư tới quan trấn phủ Đà Nẵng đòi quân ta phải đầu hàng và nộp toàn bộ khí giới, đồn lũy trong vòng 48 giờ.
    Lịch sử ghi nhận rằng đây là lần đầu tiên, ở Đà Nẵng các lực lượng phòng thủ Việt Nam phải đương đầu với một địch quân lớn lao và mạnh đến như vậy. Trong các trận khiêu khích, gây hấn tại Đà Nẵng trước đó vào 1847, 1856, lực lượng quân Pháp chỉ giới hạn trong một hai chiếc tàu đơn lẻ. Vậy mà Pháp cũng đã từng gây sóng gió. Ngày 26.9.1856, với một chiếc Catinat có không đến 100 quân, quân Pháp dám đổ bộ chiếm đánh. Lần này, với một lực lượng mạnh hơn nhiều, cán cân lực lượng nghiêng hẳn về phía có lợi cho Pháp.
    Ỷ vào ưu thế đó, ngay sau khi người đem thư trở về tàu, không đợi dến 2 ngày như đã hẹn, Rigault de Genouilly ra lệnh cho pháo kích vào các vị trí đặt đại bác và các hải đài của ta ở phía tây - nam Sơn Trà đồng thời địch điều hai pháo hạm và chiếc thông báo hạm Tây Ban Nha thả neo ở cửa sông Đà Nẵng, pháo kích trực tiếp vào hai đồn Nại Hiên Đông, Điện Hải rồi An Hải.
    Sau nửa giờ pháo kích liên tục, hầu hết các vị trí của ta đều bị trúng đạn, bị phá huỷ, lực lượng đồn trú buộc phải vừa đánh trả, vừa rút lui. Tại pháo đài quan sát, quân đồn trú ta không rút kịp.
    Khoảng 10 giờ sáng ngày 1.9.1858, Pháp cho tàu "Durance" chở quân đổ bộ lần lượt chiếm đồn Nại Hiên Đông, Điện Hải và An Hải. Đối lại với hỏa lực và lực lượng quân đổ bộ địch, các pháo đài ta đồng loạt bắn trả quyết liệt. Tuy nhiên lực lượng pháo của ta ngay từ đầu tỏ ra kém hiệu lực. Phần lớn đạn pháo từ các đồn bắn ra không trúng mục tiêu. Những viên trúng mục tiêu lại không có sức công phá vì ta không có loại đạn gây nổ phá sát thương như của địch. Lực lượng đồn trú buộc phải tháo lui khỏi các đồn tiền tiêu sau khi bị tiêu hao nặng nề.
    Đến chiều 1.9.1858, phần lớn các đồn phía đông của ta bị hạ. Sáng hôm sau (2.9.1858) địch tiếp tục pháo kích, tấn công thành Điện Hải. Đồng thời dùng tàu Dragonne và El Cano vượt bán đảo Tiên Sa đậu ở ngoài khơi bắn phá để quân đổ bộ tiến lên. Lực lượng quân triều đình vừa đánh vừa lui dần, lập phòng tuyến tại Hòa Vang để ngăn địch tràn vào nội địa, ta tổ chức dời dân vào phía trong phòng tuyến.
    Có thể nói, diễn biến trận đánh đầu tiên này đã làm bộc lộ rõ ngay ý đồ của Rigault de Genouilly trong việc thực hiện âm mưu "đánh nhanh, thắng nhanh", dùng đòn phủ đầu nhưng mang tính quyết định. Lực lượng phòng thủ của ta ngay từ ban đầu đã hết sức ngỡ ngàng trước lối đánh của liên minh Pháp - Tây Ban Nha. Với ưu thế hơn hẳn về binh khí, kỹ thuật, ngay từ đầu Pháp đã tập trung hỏa lực trọng pháo, có sức công phá và sát thương lớn để đánh ác liệt vào pháo đài phòng thủ được xây dựng thủ công của ta. Tiếp theo trọng pháo là lực lượng quân đổ bộ được hỗ trợ thành các mũi đột phá, hình thành các cánh quân cơ động chiếm thành.
    Tuy vậy, diễn biến trận Đà Nẵng lần này cho thấy quân Pháp -Tây Ban Nha đã không thể phát huy được những lợi thế về quân sự, chúng đã bị chặn lại ở ngay cửa biển Đà Nẵng, không sao có thể phát huy được thế tiến công của chúng. Đây là kết quả của sức kháng cự quyết liệt của lực lượng quân đồn trú của ta dưới sự chỉ huy của một triều đình lúc đó còn toàn vẹn sinh lực, sáng suốt và khối toàn dân đoàn kết. Công lớn nhất của triều đình là trước sau kiên quyết phát động toàn thể quân dân đánh địch, quyết giành lại chủ quyền toàn vẹn.
    Kill me, kill me , kill me again with your love.!!!!!!!
    Bring me, bring me, bring me the end with your love!!!!!!
  5. Hai_Quynh_cafe_new

    Hai_Quynh_cafe_new Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    14/01/2002
    Bài viết:
    961
    Đã được thích:
    0
    2. Cuộc chiến đấu anh dũng của nhân dân Đà Nẵng
    Là nơi có vị trí đặc biệt quan trọng, lại là nơi từng xảy ra những hành động gây hấn của giặc, việc phòng thủ Đà Nẵng sớm được chuẩn bị cẩn thận và từng bước hoàn thiện. Sau nhiều lần xây dựng tu bổ, tại đây đã hình thành một thế trận phòng ngự với nhiều tuyến, gồm cả một hệ thống đồn lũy, pháo đài, một tuyến phòng thủ như vậy không thể dễ dàng phá hủy và vượt qua được. Cũng vì vậy, mặc dù có hỏa lực áp đảo, có lực lượng quân tinh nhuệ, địch không sao có thể hành binh, tiến sâu hơn vào nội địa.
    Trước hỏa lực ác liệt của giặc, quân ta bấy giờ lùi sâu vào lập phòng tuyến ở trước huyện Hòa Vinh (Hòa Vang) để ngăn giặc. Được tin cấp báo về việc địch đánh chiếm Đà Nẵng, ngay lập tức, Tự Đức ra lệnh cho Tổng đốc Nam Ngãi là Trần Hoằng phải gọi ngay biền binh mãn hạn của tỉnh gồm 2070 người đến Đà Nẵng tiếp ứng. Lại sai quyền trưởng doanh Hồ Oai là Đào Trí Thân Văn Nhiếp điều nhanh lực lượng đến cùng Án sát Lê Văn Phố tổ chức giữ thành, Bố chính là Thân Văn Nhiếp hội đồng với Trần Hoằng đánh dẹp và chống giữ (2). Khi nghe biết hai thành An Hải, Điện Hải bị đánh phá, Tự Đức sai thượng quan Đô đốc phủ chưởng sự là Lê Đình Lý làm Tổng đốc, Hữu tham tri bộ Hộ là Phan Khắc Thận làm Tham tán, đám vệ úy là Lê Xuân, Nguyễn Nhàn, Trung Linh, Tôn Thất Ân, Tôn Thất Chung, Hiệp quản là Bùi Ân, Nguyễn Huy, Hồ Ba Ba đem 2000 quân cấm binh đi chống giữ (3). Lực lượng này được lệnh từ Huế đi gấp vào để trấn giữ từ Hải Vân đến Câu Đê (Hoà Vang). Trước khi ra trận, Tự Đức đã căn dặn: "Cửa biển ấy, từ Hải Vân, Câu Đê một dải đều là đường quan báo, phải phòng thủ nghiêm thêm, để tiện thông hành. Người quản đốc lĩnh đạo trước, đạo sau đến ngay đây, tùy nghi đóng đồn, liệu đất đặt cạnh chỗ canh phòng cùng bọn Đào Trí chống đỡ nhau, chớ để cho quân của Tây dương lên bờ". Để đảm bảo cung cấp hậu cần, phục vụ cho quân đội đánh địch, Tự Đức "sai ngự sử là Nguyễn Sỹ Long đi mau đến Quảng Nam, đốc thúc dân phu xay gạo, tải lương đến quân thứ " (4). Đồng thời một lực lượng quân từ Bình Định cũng được đưa ra hỗ chiến.
    Hỗ trợ cùng với lực lượng quân đội triều đình, hầu như nhân dân các làng xã quanh khu vực chiến sự đều rào làng, tổ chức đắp cản, đắp ụ chắn đường tiến của giặc, cung cấp lương thực và tham gia xây dựng phòng tuyến cùng quân đội.
    Có thể nói, ngay khi địch nổ súng tiến công hòng chiếm lấy Đà Nẵng, có một khối lượng đồ sộ công việc phòng thủ đánh địch được nhà Nguyễn tổ chức, chỉ đạo trên cơ sở huy động sức người, sức của của cả lực lượng quân đội cũng như của đông đảo nhân dân; hình thành nên một mặt trận đối với quân xâm lược. Trong lực lượng rộng rãi ấy, quân đội triều đình làm nòng cốt, đồng thời các lực lượng địa phương, kể cả lực lượng quân tình nguyện tham gia đã biến Đà Nẵng thành một phòng tuyến phòng thủ rất chặt chẽ, liên hoàn.
    "Tháng Tám, Tổng đốc Lê Đình Lý, chia phái lính và voi đóng đồn ở các cơ sở : Chân Sáng, Nam Ô, Cẩm Lệ, Hoà Khê, Kiều Xưởng và cho lính phòng chặn các chỗ yếu hại ở Cẩm Sa vùng cửa biển Đại Chiêm. Đem việc tâu lên, vua sắc bảo rằng: "Những chỗ không quan yếu lắm thì do tỉnh phái lính phòng bị còn quân thứ cốt phải tập hợp nhiều binh lính để phòng bị khi dùng đến" (5).
    Điều này hoàn toàn khớp với tài liệu ở trên, khi quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng đánh chiếm Đà Nẵng. Tổng đốc Nam Ngãi nhận được lệnh gọi 2070 lính mãn hạn tại ngũ "đề phòng sai phái". Như vậy, ngoài lực lượng quân chủ lực gồm cấm binh, quân chiến tâm là lực lượng cơ động, tinh nhuệ thuộc triều đình còn có biền binh, dân binh sở tại. Ngoài ra còn có trai tráng và dân phu khoẻ vừa là dân công phục vụ chiến trường. Việc đánh du kích triệt đường tiếp lương của giặc, đan sọt đắp đất, đào hào, đắp lũy, lấp sông Vĩnh Điện thực sự là công việc của nhiều người nếu không muốn nói là của toàn dân.
    Tuy nhiên, sau khi làm chủ được những đồn lũy tiền tiêu, quân Pháp - Tây Ban Nha liền tổ chức phòng thủ những vị trí đã chiếm, đồng thời tổ chức lực lượng mở những cuộc hành quân đánh vào những vị trí trọng yếu hòng dấn sâu vào nội địa. Khoảng cuối tháng 9 đầu tháng 10, địch mở cuộc hành quân vào làng Mỹ Thị, chúng phá ụ đất, công sự và hàng rào bao bọc, rồi tiến sang làng Cẩm Lệ. Tại đây ta và địch đánh nhau quyết liệt. Tổng đốc Lê Đình Lý cầm quân chống trả đòn tiến công của giặc rất ngoan cường. Nhưng trước hỏa lực mạnh hơn hẳn của địch, đa số quân sĩ phần bị thương vong, phần bỏ chạy, bản thân Lê Đình Lý trúng đạn trọng thương, quân ta bị thua hoàn toàn. Phía địch, mặc dù giành thắng lợi, nhưng chúng không dám cho quân chốt lại chiếm giữ, buộc phải kéo đi.
    Trận đánh tại Mỹ Thị - Cẩm Lệ là trận đánh lớn đầu tiên giữa quân chủ lực của ta và địch kể từ sau sự kiện 1.9.1858. Mặc dù có ưu thế quân sự hơn hẳn, đánh bại được một lực lượng quân tương đối tập trung của ta, nhưng rõ ràng quân Pháp không dám mở rộng phạm vi chiếm đóng của chúng ở sâu nội địa. Phía ta, sau trận lớn này cũng buộc phải củng cố lực lượng. Tự Đức một mặt ra nghiêm lệnh xử chém suất đội Bùi Nữ vì tội bỏ chạy khi nghe tiếng súng giặc trong trận Cẩm Lệ. Bắt giam Hồ Đắc Tú chỉ huy đồn Hoá Khuê, đáng lẽ phải đem quân ứng cứu đồn Cẩm Lệ lại án binh bất động; cách chức Trần Hoằng, Tổng đốc Nam Ngãi, một mặt sử dụng Chu Phúc Minh, Thống chế quyền chưởng Hậu quân lên làm Tổng đốc quân vụ thay cho Lê Đình Lý. Đồng thời Tự Đức cũng cho dùng dây xích sắt chặn ngang các cửa biển Thuận An, Tư Hiền; trang bị thêm cho các đồn Trấn Hải và Cáp Châu (tức Hạp Châu) 3 khẩu súng đồng lớn để đề phòng địch đột nhập vào. Toàn bộ hệ thống phòng ngự ở cửa Thuận An được củng cố thêm vững chắc. Lúc đó, tại Huế có khoảng hơn 10.000 quân lính sẵn sàng ứng chiến, nhưng Tự Đức thấy cần phải huy động thêm, nên ra lệnh cho các quan ở Thừa Thiên tuyển mộ thêm một đợt quân mới, đặt tên là quân Chiến Tâm (một lòng quyết đánh), sau đó đổi thành Vệ Nghĩa Dũng và được gởi vào Quảng Nam để đánh giặc. Mặt khác Tự Đức triệu Nguyễn Tri Phương, võ tướng số một của ta lúc đó, đang làm kinh lược sứ Nam Kỳ ra điều khiển chiến trường Đà Nẵng, sung chức Tổng đốc quân vụ thay Chu Phúc Minh, cử Tổng đốc Định biên Phạm Thế Hiển sang làm Tham tán, cử Đào Trí làm Tổng đốc Nam Ngãi, Tống Phúc Minh làm Đề đốc...
    Là một võ quan có tài thao lược, ngay từ đầu Nguyễn Tri Phương đã biết đánh giá tình hình một cách đúng đắn. Chỉ ít lâu sau khi được cử làm Tổng thống quân thứ Quảng Nam (10.1858), Nguyễn Tri Phương đã có một phương lược phòng thủ và đánh địch chu đáo, thích hợp, sau khi chỉ rõ chỗ mạnh, chỗ yếu của cả quân ta và quân địch, ông cho rằng: "nên liệu số binh hiện có, nhân các đồn lũy hiện tại, đặt phục binh để đánh, giữ cho kỳ được để đợi, làm kế giằng dai..." (6). Nguyễn Tri Phương không chủ trương tiến công địch chính diện để tránh sức mạnh hơn hẳn về vũ khí của chúng, mà bao vây, chặn địch ngoài mé biển, địch tới đâu đánh tới đó, tích cực phục kích chặn chúng lại, thực hiện chuyển dân vào bên trong, không cho địch tiếp xúc với dân, làm vườn không, nhà trống". Có thể nói đây là một chủ trương đúng đắn, sáng suốt, phù hợp với điều kiện lúc đó. Chủ trương ấy cho phép quân ta có thể phát huy được ưu thế về địa hình, ngược lại có thể hạn chế được ưu thế quân sự của giặc, đảm bảo cho ta giữ vững được trận địa.
    Kill me, kill me , kill me again with your love.!!!!!!!
    Bring me, bring me, bring me the end with your love!!!!!!
  6. Hai_Quynh_cafe_new

    Hai_Quynh_cafe_new Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    14/01/2002
    Bài viết:
    961
    Đã được thích:
    0

    Vậy mà đương thời, không phải ai cũng đồng ý và hiểu đúng về Nguyễn Tri Phương. Tự Đức đã có lần trách mắng ông: "sợ giặc để lo toàn không thi thố gì còn mong chi mưu đồ sự nghiệp, đáng giao xuống đình nghị tội".
    Dám đánh địch, biết đánh giá đúng đắn tình hình địch, ta để đề ra một cách thích hợp. Suy nghĩ và hành động đó đã làm cho Nguyễn Tri Phương nổi bật lên như một nhà quân sự có tài.
    Thực tế những diễn biến quân sự ở Đà Nẵng đã chứng minh tài thao lược của Nguyễn Tri Phương. Nhờ thực hiện chủ trương bao vây chặn địch ngoài mé biển, ta đã làm cho quân Pháp - Tây Ban Nha gặp rất nhiều khó khăn, chúng không bắt được lính, bắt nộp lương thực. Một sĩ quan Pháp gởi thư viết: "Đất mà chúng tôi chiếm được thì dân đều bỏ đi cả, trừ một vài nhà tranh của người đánh cá. Tôi chưa hề thấy một con gà" (7). Đối với quân viễn chinh, việc bị ngăn lại ngoài mé biển cũng có nghĩa là kế hoạch đánh nhanh, giải quyết nhanh bị phá sản.
    Vì vậy, để giành thế chủ động, Rigault de Genouilly cho quân xuống những chiến thuyền nhỏ tiến vào các cửa sông đánh phá các vị trí trọng yếu của ta để mở đường vào sâu trong nội địa. Tháng 11.1859, theo sách sử của nhà Nguyễn "thuyền binh của Tây dương (8 chiếc) tiến vào sông Nại Hiên, Nguyễn Tri Phương phái Chu Phúc Minh, Phan Khắc Thận, Nguyễn Duy đem quân chia phái đi đồn mới, bắn phá được thuyền giặc" (8). Sau trận bị thất bại, buộc phải tháo lui ở sông Nại Hiên này, quân địch tập trung lực lượng, dồn dập đánh phá hai đồn Hóa Khuê và Nại Hiên. Hai bên giao chiến quyết liệt và đều bị tổn thất nặng nề. Sau khi phải chịu những tổn thất nặng nề, địch vẫn cố sức dồn quân đánh chiếm đồn. Hai Hiệp quản Nguyễn Triềm và Nguyễn An Cự đánh ác liệt và hy sinh tại chỗ, địch chiếm được đồn nhưng buộc phải rút lui ngay. Trước tình hình ấy, "Nguyễn Tri Phương phái lính đến sửa lại đồn, chia đặt lầu canh, đồn gác để tiếp ứng cho được nhanh chóng. Đào Trí đem quân sang sông đóng ở xã Mỹ Thị: Chu Minh Phúc, Phan Khắc Thận, Nguyễn Duy mỗi người chia nhau đi gác các đồn, gặp (quân Tây dương 3 - 4 trăm tên) ở quãng giữa hai đồn Nại Hiên, Hóa Khuê, liền bắn vào quân giặc phải lui" (9). Ít lâu sau đó, vẫn theo sách Đại Nam thực lục "quân Tây dương chia toán (ước 700 tên) đột nhiên lại đến. Phan Khắc Thận, Nguyễn Duy đem quân đánh nhau với quân Tây dương một trận to ở quãng giữa Hóa Khuê và Thạc Gián" (10), địch quay sang chiếm được thành An Hải. Tuy nhiên mục đích lấn sâu vào nội địa của chúng đã bị chặn đứng lại.
    Cho đến hết năm 1858, quân địch vẫn không sao thực hiện được mục đích mở rộng địa bàn chiếm đóng, tiến sâu vào nội địa để phá vỡ thế phòng thủ của ta, nhằm tạo bước ngoặt cho cuộc chiến tranh. Trước tình hình ấy, Nguyễn Tri Phương vẫn kiên trì cho quân thực hiện chiến lược đánh lâu dài bằng phòng ngự vững chắc để khoét sâu chỗ yếu của địch, mặt khác ta dùng lối đánh du kích bằng phục binh (kỵ binh) để tiêu hao giặc, đồng thời cho đào hào, đắp lũy tiến sát vào những vị trí địch để tạo thế vây áp.
    Trong lời bàn về phương lược đánh giặc, Nguyễn Tri Phương đã trình lên Tự Đức: "Giặc lấy chiến, đắp thêm đồn lũy để dồn dần gần giặc" (11). Đây chính là chiến thuật đánh địch bằng lối "phòng ngự tích cực", có chiều sâu, thể hiện quyết tâm cao.
    Với cách đánh trên đây, Nguyễn Tri Phương cho quân ta khẩn trương ra sức củng cố hệ thống đồn lũy, đồng thời cho quân liên tiếp đi phục kích, đánh tỉa, tiêu hao địch. Thực tế chiến trường càng khẳng định cách đánh của Nguyễn Tri Phương có hiệu quả, vừa cản được giặc, không cho chúng tiến sâu vào nội địa, vừa tiêu hao lực lượng vốn hạn chế của chúng.
    Đầu năm 1859, "Nguyễn Tri Phương, Phạm Thế Hiển đắp đồn Liên Trì, quân Tây dương (200 tên) chia hai đạo tiến đánh...phục binh nổi lên, bọn Tây phải lui" (12) rồi "quân Tây dương (ước 400 tên) từ An Hải chia 3 đường đến, quân phục binh các đồn bắn ra, chúng phải rút lui" (13). Có thể nói trận địa của ta không những địch không thể phá vỡ nổi mà còn được củng cố vững chắc thêm. Tình thế chiến trường ngày càng cho thấy địch bị kìm lại, mất dần thế chủ động. Chúng liên tục cho quân đánh phá vào những vị trí bên trong của ta, nhưng đều bị xô dạt trở lại. Địch không sao thực hiện được mục tiêu lấn thêm đất và tiêu diệt lực lượng chủ lực của Nguyễn Tri Phương. Ngay sau những thất bại kể trên, địch cho thuyền nhỏ men vào Hải Châu liền bị quân của Hồ Uy bắn chìm 3 chiếc thuyền nhỏ; ngày hôm sau địch dồn quân cùng một lúc đánh dồn dập cả 3 đồn Hải Châu, cả 3 đồn bị vây hãm; quân của Nguyễn Duy liền sang tiếp cứu, hai bên đánh nhau quyết liệt, địch buộc phải tháo lui.
    Để chủ động tích cực đánh địch hơn nữa, quân ta "đắp lũy từ biển đến các xã Phú Minh, Thạc Gián, ngoài luỹ đào hố chữ phẩm, cắm chông, che cỏ, cát lên trên, chia quân đặt phục binh đến sát thành Điện Hải, quân Tây dương chia theo 3 toán tiến đánh, phục binh trồi lên đánh, quân Tây dương sa xuống hố, quân binh giữa lũy bắn ra, quân của Tây dương phải lui" (14). Như vậy, hệ thống phòng thủ của ta được tăng cường hơn, đặc biệt là phòng tuyến Liên Trì, với cả một hệ thống đồn ãuy dài 3 km ở hữu ngạn sông Đà Nẵng.
    Hệ thống ấy cùng vói đồn lũy kéo liên hoàn tới các xã Phúc Minh, Thạc Gián tạo thành một thế trận phòng ngự áp sát các vị trí của địch. Quân ta được rải ra phục kích; đánh chặn và quấy rối địch ở khắp nơi. Từ tháng 9.1858, ta thực hiện kế sách của Trần Nhật Hiến làm dây xích sắt chắn ngầm ngang các dòng sông, cửa biển, dùng thuyền nhỏ phục sẵn ở nơi hiểm yếu. Mặt trận Đà Nẵng còn được triều đình tăng cường thêm các loại vũ khí, phương tiện phòng thủ như các loại: "hòm gỗ", "ngựa gỗ" (những đoạn gỗ dài 6 thước, đóng 3 chân dài 3 thước làm chướng ngại cản địch) của Nguyễn Tán. Lãnh binh đạo Quảng Trị (tháng 3.1859) chế tạo đạn "địa chấn lôi" (sáng chế từ năm 1856), đúc súng đồng nòng dài dến 7 thước, đường kính 2 tấc 3 phân (5.1859), sử dụng "ống phun lửa" (tức hỏa chiến, sáng chế từ 1.1856) v.v..
    Kill me, kill me , kill me again with your love.!!!!!!!
    Bring me, bring me, bring me the end with your love!!!!!!
  7. Hai_Quynh_cafe_new

    Hai_Quynh_cafe_new Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    14/01/2002
    Bài viết:
    961
    Đã được thích:
    0

    Những hoạt động quân sự của quân dân ta ở Đà Nẵng, cách đánh thích hợp của ta đã thực sự kìm chân đạo quân của Rigault de Genouilly, địch không sao thực hiện được chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh. Bị chặn lại và bị vây hãm, lại bị tiêu hao, mệt mỏi, quân Pháp - Tây Ban Nha lại gặp phải những khó khăn nan giải vì không hợp với phong thổ, khí hậu. Một trong những tên dự trận Đà Nẵng đã viết: "Trời không một ngọn gió để làm dịu những bộ ngực nóng cháy. Binh sĩ mệt mỏi hay say nắng ngã gục giữa đường. Thật là một cảnh tượng buồn thảm khi thấy trên mảnh đất nóng cháy này, các binh sĩ của ta gục ngã, cầm không nổi cả khí giới" (15).
    Quân địch còn bị nạn dịch bệnh hoành hành khiến lực lượng bị tiêu hao.
    Tất cả các trại quân Pháp đều được đóng tại bán đảo Sơn Trà, thường là lều trại hay nhà gỗ. Việc tiếp tế không được đầy đủ nên mọi thứ thiếu thốn, đời sống thực cùng cực. Theo một số tài liệu của Pháp, từ 1.6 đến 20.6.1859, riêng bệnh dịch tả đã giết 200 quân Pháp; một tiểu đoàn của trung đoàn 3 tới Đà Nẵng ngày 29.4 thì đến 8.7 đã mất hết 1/3 quân số.
    Tiến thoái đều không được, Rigault de Genouilly lúc này đã được phong làm đô đốc bèn quyết định chuyển hướng tiến công vào Gia Định. Đầu tháng 2.1859, quân Pháp chỉ để lại ở Đà Nẵng một đại đội và vài chiến hạm do đại tá Toyon chỉ huy, số quân còn lại được chuyển vào đánh Gia Định. Số quân địch ít ỏi có thể trấn thủ ở hai đồn Nại Hiên Đông và Điện Hải. Tương quan lực lượng tại Đà Nẵng đã thay đổi tạo thế thuận lợi cho lực lượng của ta.
    Công sự của ta áp sát vị trí của địch, hình thành thế bao vây, xiết chặt dần dần. Ta tổ chức tiến công và đã giành được một số trận thắng quan trọng, trong đó có trận đánh ở khu vực Hải Châu và Thạc Gián với chiến công của các chiến binh "nghĩa dũng" do Phạm Gia Vĩnh chỉ huy phối hợp với quân chính quy của triều đình dưới sự chỉ huy của Nguyễn Tri Phương, từ 20 đến 23 tháng 3 (âm lịch) lực lượng ta liên tục thắng trận tại Thạch Thang và Hải Châu...Tình thế quân Pháp dưới sự chỉ huy của Toyon trở nên nguy khốn. Lực lượng Pháp ở Gia Định buộc phải kéo trở lại Đà Nẵng để cứu nguy.
    Vừa quay đến Đà Nẵng (18.4.1859) Rigault de Genouilly liền ráo riết chuẩn bị một cuộc phản công quy mô, hòng đảo ngược tình thế và tính chuyện đánh cả ra Huế. Ngày 8.5.1859, địch huy động toàn bộ lực lượng, mở đợt tiến công ào ạt vào khắp tuyến trận của ta. Đây là trận lớn nhất ở Đà Nẵng trong giai đoạn 1858-1860. Hạm đội địch tiến đến trước Cửa Hàn, chia làm 8 cánh pháo kích ác liệt vào Phúc Minh, Thạc Gián và Hải Châu rồi cho quân đổ bộ. Nhờ lực lượng áp đảo, địch giành được thắng lợi, đẩy lùi quân triều đình bật về tuyến từ Liên Trì đến Cẩm Khê. Nhưng liền ngay sau đó chúng bị đánh bật lại, rồi sau đó buộc phải rút lui khỏi những vị trí vừa chiếm được. Có thêm hàng trăm tên bị giết, bị chết vì bệnh dịch, loại khỏi vòng chiến đấu. Bị thất bại trong âm mưu thực hiện đòn quyết định hòng giành thắng lợi nhanh chóng. Ngày 18.6.1859 Rigault de Genouilly buộc phải cầu hòa hòng làm kế hoãn binh chờ viện binh đến, chuẩn bị cho những trận đánh tiếp sau.
    Ngày 15.9.1859, sau khi lực lượng viện binh của địch tới Đà Nẵng, Pháp liền bội ước mở đợt tiến quân lớn vào các tuyến phòng thủ của ta. Lần này, nhờ có thêm lực lượng viện binh mới bổ sung, Rigault de Genouilly tổ chức nhiều trận pháo kích ác liệt và cho quân đột kích vào khắp các vị trí ở tuyến phòng thủ II của quân ta; toàn bộ phòng tuyến II bị địch chọc thủng và hầu như bị phá huỷ. Tuy nhiên địch cũng không sao có thể tiến sâu hơn vào nội địa, thực hiện chiếm đất làm bàn đạp và tiếp tục phát triển các mũi tiến công. Như vậy, lại một lần nữa, âm mưu giáng đòn quyết định của Rigault de Genouilly lại thất bại hoàn toàn. Đến lúc này Rigault de Genouilly đã bất lực và buộc phải từ chức. Pháp cử Đô đốc Page sang thay thế.
    Vừa nhận nhiệm vụ, Page liền tập trung lực lượng, cho đánh quyết liệt lên phía bắc Đà Nẵng. Địch dùng đường biển vòng lên pháo kích và đánh chiếm đồn Chân Sảng. Ngày 18.11.1859 quân Pháp thực hiện được việc chặt đứt đường giao thông ra Huế, ngăn tách Đà Nẵng với bộ chỉ huy tối cao ở Huế. Page tưởng có thể đè bẹp được ý chí quyết chiến của ta, và tiến binh ra thẳng Huế để buộc bên ta khuất phục.
    Tuy chiếm được Chân Sảng và Điện Hải nhưng quân Pháp không thể nào tiến quân qua đèo Hải Vân được. Đồng thời Pháp rơi vào thế bị kẹp chặt hai đầu. Ở phía nam đèo Hải Vân, quân ta tổ chức kháng cự quyết liệt. Nguyễn Tri Phương cho quân rải ra, án ngữ chặn các vị trí trọng yếu. Sách Đại Nam thực lục chép: "Nguyễn Tri Phương vừa đắp đồn lũy, chia quân đóng: Đào Trí đóng ở Mỹ Thị, Giang Chân; Lê Xuân đóng ở bờ sông bên tả; Phan Khắc Thận đóng ở bờ sông bên hữu; đốc binh quân thứ là Phan Giác cai quản các khu đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, Liên Trì tiếp đến đồn mới Hải Khê, đến cuối lũy Phước Tường, đều do đề đốc Tôn Thất Hân cai quản. Trần Bá Nghiễm cai quản các khu đệ tứ, đệ ngũ, đệ lục, Nại Hiên..." (16). Còn ở phía bắc, Nguyễn Trọng Thao từ Huế được lệnh đem 300 quân vào chống đánh; xung quanh khu vực vịnh, quân ta vẫn đứng vững ở Cu Đê.
    Như vậy, tại mặt trận Đà Nẵng đã hình thành một thế trận mới, trải rộng trên khắp một khu vực rộng, bao gồm toàn bộ dải đất ven biển từ chân đèo Hải Vân đến hết địa phận thành Đà Nẵng ở Hòa Vang, hình thành ra nhiều hướng, nhiều mục tiêu, chiến tuyến khác nhau. Trong đó nổi bật lên hình thái đan xen giữa vị trí của ta và của địch. Đây vừa là kết quả của phương sách "tiến gần địch mà đánh", đồng thời cũng là phản ánh cuộc chiến đấu giằng co, gay go, quyết liệt giữa hai bên. Địch đánh đi, ta xây lại, có những pháo đài đồn luỹ bị địch đánh đi, đánh lại tới 4-5 lần (đồn Nại Hiên).
    Do thế trận này, Pháp buộc phải bị động rải quân ra nhiều địa điểm; lực lượng cơ động của Pháp do đó không thể tập trung lại được, mà bị phân tán, xé nhỏ ra, khả năng tập trung quân để tổ chức những trận đánh lớn có tính chất quyết chiến, chiến lược rõ ràng là rất hạn chế.
    Tiến thoái lưỡng nan, đến tháng 2.1860, Page buộc phải cho người xin cầu hòa với ta để dùng kế hoãn binh. Bị bên ta cự tuyệt ở tất cả những điểm then chốt nhất, Page buộc phải cho quân ở khắp Đà Nẵng án binh bất động, cố bảo toàn lực lượng...
    Trong khi đó, quân ta vừa củng cố vị trí, vừa tích cực chuẩn bị lực lượng; đồng thời ta thay đổi chiến thuật, chuyển sang "lấy đánh làm giữ". Trong tình hình đó, quân Pháp được lệnh rút quân đi chi viện cho chiến trường ở Trung Hoa.
    Như vậy sau gần 19 tháng chiến tranh, quân viễn chinh Pháp bị cầm chân, vây chặt tại mặt trận Đà Nẵng và hoàn toàn thất bại trong mưu đồ đen tối của chúng.
    Kill me, kill me , kill me again with your love.!!!!!!!
    Bring me, bring me, bring me the end with your love!!!!!!
  8. Hai_Quynh_cafe_new

    Hai_Quynh_cafe_new Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    14/01/2002
    Bài viết:
    961
    Đã được thích:
    0
    3. Đà Nẵng mở đầu truyền thống đi đầu chống giặc ngoại xâm
    Đà Nẵng đã sạch bóng quân thù, khi tên lính viễn chinh cuối cùng của Đô đốc Page ở doanh trại rút lui, chúng đã để lại "một tháp hài cốt chứa ngàn thánh giá" (17). Không có con số thống kê đầy đủ tổn thất của giặc, nhưng những nấm mồ quân viễn chinh còn rải rác trên bán đảo Sơn Trà cho tới ngày nay là những chứng tích.
    Chiến trận đã khiến Đà Nẵng tan hoang, từ chợ Hàn đến Nại Hiên nhà cửa đều bị cháy sạch. Riêng trận Nại Hiên, Liên Trì sử ta ghi có gần 100 ngôi nhà dân bị đốt và "dân cư vắng vẻ ít nghe tiếng gà gáy, chó cắn". Chiến tranh còn để di hại khiến cả tỉnh Quảng Nam lẫn Đà Nẵng lâm vào nạn đói kéo dài buộc triều đình phải đưa ra chính sách "thóc đưa đến, dân đưa đi".
    Nhưng chiến trận 19 tháng ở Sơn Trà, Đà Nẵng đã trở thành một chiến công lớn của quân dân cả nước mà Đà Nẵng là nơi đi đầu trên trận tuyến chống giặc ngoại xâm.
    Trái hẳn với ý đồ của bọn xâm lược tin rằng chỉ một trận đánh áp đảo là chiếm được Đà Nẵng, chỉ một tiếng súng lệnh là giáo dân hay người Hoa khá đông đúc trên mảnh đất này sẽ hưởng ứng chống lại triều đình. Khi chiến tranh bùng nổ, mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam đều sẵn sàng cùng triều đình tổ chức cuộc kháng chiến kiên cường bảo vệ Tổ quốc.
    Thực tế chiến trường cho thấy chiến công ở Đà Nẵng không chỉ là những người lính "có tinh thần quyết chiến, anh dũng hy sinh và nêu cao trách nhiệm. Nhiều chỉ huy đã chết dưới cờ" như bọn thực dân thừa nhận mà còn là tài chỉ huy thao lược và dũng cảm của các tướng lĩnh của triều đình mà nổi bật là Nguyễn Tri Phương, cùng các thuộc tướng như Ông Ích Khiêm, Nguyễn Duy...Tổng đốc Lê Đình Lý đã nêu cao tấm gương chết vì nước ngay tại trận tiền.
    Trong sử sách cũng như dã sử còn nhắc đến chiến công của nhiều tầng lớp nhân dân tập hợp dưới hình thức các đội "chiến tâm" "dân dõng"...ngay cả các đội "hiên thuận" tức là những người tù cũng tham gia đánh giặc và được triều đình thưởng công. Tháng 5.1859 triều đình đã bình nghị tuyên dương kịp thời 20 xã có tinh thần đóng góp cho chiến trường.
    Tiếng súng ở Đà Nẵng còn vang xa kêu gọi cả nước hướng về tuyến đầu chống xâm lược.
    Trước đó, năm 1856 nhà thơ xứ Thuận Hóa, Đặng Huy Trứ đã làm bài thơ, khi tức cảnh thấy thuyền Tây đậu bến Sơn Trà để gây hấn:
    Một vùng Đà Nẵng rợ Tây dương
    Giữ nước quân dân mệt lạ thường
    Cuối tiết tàn thu còn lũ lụt
    Muôn nhà thiếu bữa cảnh thê lương
    Diệt thù, sương gió thương quân sĩ
    Lo nước, đêm ngày bận đế vương
    Ăn lộc ta càng lo việc nước
    Tính sao? Hòa, chiến? giữ hay nhường?
    ("Vãng quân thứ Đà Nẵng tức sự"
    Lời dịch của Trần Lê Văn)
    Còn khi tiếng súng chống xâm lược đã vang lên. Đốc học Phạm Văn Nghị, danh sĩ thành Nam, đã lập đội quân ứng nghĩa Nam tiến kéo vào chia lửa với Đà Nẵng. Ngày 21.3.1869 đoàn nghĩa sĩ mới tới kinh đô thì lúc đó quân giặc đã rút khỏi Đà Nẵng chuyển quân vào phía Nam. Phạm Văn Nghị đã làm "Bài ca lui giặc" (thoái lỗi ca)
    "...Quỷ trắng ngu xuẩn bỗng càn rở,
    Dám trái đạo trời, gây binh đao.
    Hai năm chiếm đóng một vùng biển,
    Giở giói tài hèn khoe súng, tàu.
    Dân chúng căm hờn giặc xâm lược,
    Tướng sĩ tình nguyện xông lên đầu.
    ...Gươm chưa dây máu, giặc đã rút,
    Bến Trà yên lặng, sạch tanh tao.
    Ải mây, trên vách đá sừng sững,
    Công tích ghi truyền muôn đời sau"...
    (Nguyễn Văn Huyền dịch)
    Được vua ban thưởng rồi sai bãi binh trở về đất Bắc, Phạm Văn Nghị để lại bài thơ đầy sĩ khí:
    "Mắt căm quân giặc phạm Sơn Trà,
    Nay tới Sơn Trà, giặc đã tan.
    Muốn tiến, quân đang đầy phẫn khích,
    Cho về, vua những ngại gian nan.
    Tiến lui, đều bởi điều thiên định.
    Hay giở chi nề tiếng thế gian,
    "'Tùng bách tuế hàn" lời vẫn đó,
    Bấc son đâu nỡ để tro tàn"
    (Nguyễn Văn Huyền dịch)
    Cùng với Phạm Văn Nghị, chúng ta còn gặp những gương mặt, những tấm lòng sôi sục ý chí giết giặc cứu nước, chia xẻ gánh nặng cùng với nhân dân Đà Nẵng như Đặng Ngọc Cầu, Tư vụ bang biện đạo Hà Tĩnh và Phạm Văn Xưởng, người đã từng làm án sát Quảng Nam, tham gia đoàn nghĩa dũng của Đốc học Nam Định, chỉ huy đội tiền quân kéo vào Đà Nẵng, đã từng được Phạm Văn Nghị khen đó là người "tráng hoài bất vị phong sương biến" (chí khí cường tráng, chẳng vì gió sương mà biến đổi).
    Trần Bích San (18) một sĩ phu nổi tiếng khác của Bắc Hà, một lần qua đèo Hải Vân, nghỉ chân bên miếu sơn thần, nghĩ về vận nước cũng viết mấy vần thơ:
    "Yên ngựa thanh gươm gập ghềnh.
    Xin cùng thần núi giải tâm tình.
    Bọn Tây quỷ quái là như thế,
    Sông núi trời Nam liệu có linh?"
    ("Qua núi Hải Vân", Phùng Uông dịch)
    Đêm nằm nghe sóng vỗ trên vịnh Đà Nẵng, Trần Bích San suy ngẫm về cuộc chiến đấu của dân tộc, ông viết:
    "Phủ đường đêm thu lặng.
    Nằm nghe sóng biển gầm
    Bọn quỷ còn ngang ngạnh
    Lòng sóng cũng hờn căm".
    ("Sóng biển" Phùng Uông dịch)
    Nguyễn Tường Tộ (19) khi dừng thuyền ở cửa biển Đà Nẵng cũng cảm khái nhớ lại những sự kiện đã diễn ra ở đây khi bọn thực dân ngang ngược nổ súng xâm lăng, và viết câu thơ:
    "Trời đất muôn đời vẫn một phong cảnh ấy
    Nước Pháp cớ gì lại gây chuyện binh đao?
    Một mai bỗng nhiên sát khí cuồn cuộn theo dòng nước.
    Nghìn xưa tiếng oan còn vang dội trong ngọn sóng căm hờn"
    Sau chiến trận Đà Nẵng, cuộc chiến tranh chinh phục thuộc địa của thực dân Pháp chuyển vào đồng bằng Nam Bộ, rồi lại lan rộng ra cả nước. Cuộc kháng chiến của toàn dân dẫu ở trên mảnh đất nào của Tổ quốc cũng đều diễn ra như ở Đà Nẵng buổi ban đầu chống giặc, đó là tinh thần quyết sống mái với quân thù. Cùng với cuộc chiến đấu ấy, dòng văn thơ yêu nước cũng ngày càng phong phú, ghi lại ý chí quyết không chịu làm nô lệ của cả dân tộc. Và trong dòng văn thơ yêu nước này, Đà Nẵng vẫn là biểu tượng của người lính đầu tiên xung trận mở đầu cho cuộc kháng chiến kiên cường của cả nước, mà muôn đời con cháu chúng ta không bao giờ quên.
    Nghe tiếng súng Non Trà nổ dữ...như những câu thơ bất hủ của Bằng nhã Phạm Thanh trong bài "Văn tế các tướng sĩ đánh Pháp tử trận".
    Sự nghiệp chống ngoại xâm thiêng liêng mà Đà Nẵng đã mở đầu vào mùa thu năm 1858 mặc dù gặp muôn vàn gian khổ, nhưng đã mang sẵn một niềm tin tất thắng như bài thơ của Đốc học Nam Định, Phạm Văn Nghị đã nói ngay từ năm 1861:
    "Như thử giang sơn, thử sĩ dân,
    Thái bàn quốc thế vạn niên xuân
    Tây nhung hà sự xâm Chu cảnh,
    Chỉ nhất, thiên qua tảo tích trần"
    Dịch thơ:
    Sĩ dân đó, núi sông đây,
    Muôn năm bền vững nước non này,
    Giặc Tây sao dám phạm bờ cõi?
    Chẳng mấy gươm trời quét sạch bay!"
    (Nguyễn Văn Huyền dịch)
    Kill me, kill me , kill me again with your love.!!!!!!!
    Bring me, bring me, bring me the end with your love!!!!!!
  9. Hai_Quynh_cafe_new

    Hai_Quynh_cafe_new Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    14/01/2002
    Bài viết:
    961
    Đã được thích:
    0
    (1) Về lực lượng tham chiến của Pháp - Tây Ban Nha. Nhiều tài liệu khác nhau đưa ra những con số cụ thể khác nhau. Trong cuốn sách này, chúng tôi sử dụng những số liệu của cuốn "Lịch sử quân sự Đông Dương" (G.Taboulet: Histoire militaire de l'Indochine francaise), có đối chiếu với "Đại Nam thực lục chính biên".
    (2) (3) Đại Nam thực lục. Tập XXVIII, NXB KHXH, Hà Nội, 1973, tr.440.
    (4) (5) Đại Nam thực lục. Tập XXVIII, NXB KHXH, Hà Nội, 1973, tr.440-442.
    (6) Đại Nam thực lục. Tập 29, Sđd, tr.79-80.
    (7) Theo Bezancourt - Les correspodances de Savin de Larclause BSEI, TXIV, 3-4, Sài Gòn, 1939, tr.52.
    (8) (9) Đại Nam thực lục. Tập 28, Sđd, tr.28, 460-465.
    (10) Đại Nam thực lục. Tập 28, Sđd, tr.28, 460-463.
    (11) Đại Nam thực lục. Tập 28, Sđd, tr.466.
    (12) (13) Đại Nam thực lục. Tập 28, Sđd, tr.470.
    (14) Đại Nam thực lục. Tập 28, Sđd, tr.473-474.
    (15) Theo Bezancourt - đồn lại theo Nguyễn Khắc Ngữ, trong " Kỷ niệm 100 năm ngày Pháp chiếm Nam Kỳ", Sài Gòn, trình bày 1967, tr.107.
    (16) Đại Nam thực lục. Tập 29, Sđd, tr.84.
    (17) P.Héduy. Histoire de l'Indochine, sđd.
    (18) Trần Bích San (1840-1877), người Vị Xuyên, Nam Định, đậu Tam nguyên, cũng là một sĩ phu có tư tưởng cải cách.
    (19) Nguyễn Tường Tộ (1828-1871). Trí thức công giáo yêu nước và có tư tưởng cải cách lớn nhất nước ta nửa sau thế kỷ XIX.
    ------------------------------------
    Kill me, kill me , kill me again with your love.!!!!!!!
    Bring me, bring me, bring me the end with your love!!!!!!
  10. Hai_Quynh_cafe_new

    Hai_Quynh_cafe_new Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    14/01/2002
    Bài viết:
    961
    Đã được thích:
    0
    Có lẽ mọi người cũng không đủ thời gian và kiên nhẫn để đọc hết những bài này. Thôi thì đưa link cho mọi người vậy. Nếu ai muốn tìm hiểu chi tiết thì vào đó mà xem. Để chuyển sang đề tài khác cho xôm tụ
    Kill me, kill me , kill me again with your love.!!!!!!!
    Bring me, bring me, bring me the end with your love!!!!!!

Chia sẻ trang này