1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Trào phúng lầu ...

Chủ đề trong 'Phú Thọ' bởi JohnSteve, 20/07/2005.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. tereda_2010

    tereda_2010 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    11/07/2004
    Bài viết:
    895
    Đã được thích:
    0
    Hơi đau thương nhưng hình như chúng ta không thể hoàn toàn phủ nhận .....
    10 đặc điểm của người Việt Nam
    (theo Amercian Research )
    1. Cần cù lao động song dễ thỏa mãn nên tâm lý hưởng thụ còn nặng.
    2. Thông minh, sáng tạo, song chỉ có tính chất đối phó, thiếu tầm tư duy dài hạn, chủ động.
    3. Khéo léo, song không duy trì đến cùng (ít quan tâm đến sự hoàn thiện cuối cùng của sản phẩm).
    4. Vừa thực tế, vừa mơ mộng, song lại không có ý thức nâng lên thành lý luận.
    5. Ham học hỏi, có khả năng tiếp thu nhanh, song ít khi học "đến đầu đến đuôi" nên kiến thức không hệ thống, mất cơ bản. Ngoài ra, học tập không phải là mục tiêu tự thân của mỗi người Việt Nam (nhỏ học vì gia đình, lớn lên học vì sĩ diện, vì kiếm công ăn việc làm, ít vì chí khí, đam mê).
    6. Xởi lởi, chiều khách, song không bền.
    7. Tiết kiệm, song nhiều khi hoang phí vì những mục tiêu vô bổ (sĩ diện, khoe khoang, thích hơn đời).
    8. Có tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, song hầu như chỉ trong những hoàn cảnh, trường hợp khó khăn, bần hàn. Còn trong điều kiện sống tốt hơn, giàu có hơn thì tinh thần này rất ít xuất hiện.
    9. Yêu hòa bình, nhẫn nhịn, song nhiều khi lại hiếu chiến, hiếu thắng vì những lý do tự ái, lặt vặt, đánh mất đại cục.
    10.Thích tụ tập, nhưng lại thiếu tính liên kết để tạo ra sức mạnh (Cùng một việc, một người làm thì tốt, ba người làm thì kém, bảy người làm thì hỏng)

    Pác nào thông minh , cao kiến hãy viết hộ em 10 đặc điểm của người Mỹ ( xin chân thành cảm ơn và có quá ít xiền để mua quà hậu tạ )
  2. tereda_2010

    tereda_2010 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    11/07/2004
    Bài viết:
    895
    Đã được thích:
    0
    Người Trung Quốc nói rằng : " Nói tránh chỉ trích để người đau " Em thấy câu này đúng . Thực ra em hiền lành , dịu dàng khét tiếng một vùng pác cứ nhờ em viết trào phúng , đá đểu cái này cái khác ...Thật là không tốt ! Không tốt !
    Em cũng chẳng ham hố gì cái kiểu nói như đấm vào tai người khác nhưng nói chung dịu dàng cũng phải có năng khiếu mới dịu dàng được . Từ bé , khi mẹ em sinh em ra , em đã phải đi cấp cứu vì suy dinh dưỡng dịu dàng cấp tính ... Lớn lên thì dịu dàng nó chẳng nứt đất mà chui ra để em có thể chộp lấy ...
    Xuân Quỳnh đã từng nói với nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn " Nhàn hiền quá , phải ghê gớm một chút , để những đứa ghét mình nó phải nể mình , còn những người quí mình thì quí mình hơn " Thực ra cũng chẳng phải em muốn làm theo lời pác Xuân Quỳnh dạy ... Thực ra em cũng muốn dịu dàng , đi nhẹ nói khẽ cười duyên .... Nhưng vốn năng khiếu dịu dàng đã không có , đời lại hay có những chuyện vui ....Ví dụ như cái pác gì gì có cái nick đẹp giai traitim....gì gì ý , tự nhiên lại cứ " khơi nguồn sáng tạo " của em , động vào nỗi đau thầm kín là sự không dịu dàng của em ... Thế là lại có chuyện . Chứ nếu như ở đời , nạc thì nạc hẳn mỡ thì mỡ hẳn , đâm ra lại dễ buôn bán .Nhưng lại có những người nạc chẳng ra nạc , mỡ chẳng ra mỡ , cái từ mà theo chuyên ngành lái lợn người ta gọi là bèo nhèo ý mà ! Chẹp chẹp !
    Thôi thì bây giờ các pác cho em xin vài giây tưởng niệm sự ra đi của gã trào phúng trong em ... Từ nay em sẽ dịu dàng , sẽ nhẹ nhàng , sẽ hiền lành ... để xem có lừa được ai không chứ đầu ba đít chơi vơi mất rồi ... !
  3. JohnSteve

    JohnSteve Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    09/03/2002
    Bài viết:
    1.261
    Đã được thích:
    0
    Pác Teta khiêm thị tốn quá! Nếu pác không ngọt ngào, không dịu dàng, không đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên thì loài người phát minh nhầm những khái niệm đó à. Chả gì thì cũng có đến mấy ngàn năm văn hiến của loài người, đấy là cắt cái đoạn người ta gọi là chưa văn hiến đi roài đó. Vì thế nên chắc là có người như thía, mà người ấy phải là pác teta rùi.
    Nghe pác nói mà mát lòng mát dạ đến lịm cả người, cứ như là đang đói khát đến cháy họng, lép dạ dày, như là bị bỏ đói và đày giữa trời nắng đến 3 ngày 3 đếm mà được cho ngay một cốc nước muối đậm đặc độ một vậy. Thế chẳng fải là năng khiếu sao? Thế không phải là bẩm sinh hay sao? Bác cứ khiêm tốn thế là lại thành tự kiêu đấy nhá. Quan sát lâu thế, mới quyết định mời pác làm hội phó hội Trào Phúng. Bác có khả năng bẩm sinh này, lại được luyện thành thạo, xứng đáng giữ trọng trách quan trọng này của box. Mong bác nhận cho ạ <--- đấy tỏ lòng thành kính với pác đấy. Nhận nhá??? Thêm nữa này
  4. JohnSteve

    JohnSteve Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    09/03/2002
    Bài viết:
    1.261
    Đã được thích:
    0
    Luận bàn về các ngành ĐIỆN của VN
    Nói đến chữ Điện thì có ai mà không biết. Xưa thì những vùng sâu, xa chả biết đến cái thứ xa xỉ này chứ ngày nay làm gì có vùng nào, dân tộc nào mà không biết. Điện là năng lượng dùng trong rất nhiều phương tiện, như thắp sáng, dùng trong các đồ dùng gia dụng, công nghiệp, siêu công nghiệp, giải trí, văn hoá, và đồ dùng chỉ dành riêng cho ... người nhớn cũng sử dụng Điện. Ấy nhưng mà nói đến Điện không chỉ có thắp sáng thôi đâu đấy, có điện năng và điện thoại nữa cơ đấy.
    Tuy rằng người Việt chúng ta không phát minh ra điện, nhưng, đổi lại, chúng ta có những phương thức quản lý, xây dựng và kinh doanh những dịch vụ liên quan đến Điện giỏi đến ngoạn mục.
    Trước tiên xin nói đến Viễn Thông (mà chủ yếu là Điện Thoại, có dây và không dây (hay còn gọi là di động) ). Trong nhiều năm liền, chúng ta có một cơ chế quản lý quá tài tình. Người hiểu thì cho là thế, nhưng một số kẻ chả hiểu biết gì thì lại cho đó là "độc quyền". Trong những năm đó, chúng ta có cơ chế cung cấp dịch vụ theo kiểu "một cửa". Quá tiên tiến, đây là một sự rút gọn đến tối đa, và làm gì có cái gì nhỏ hơn một cửa? Chẵng lẽ lại là không cửa nào? Cũng nhờ cơ chế một cửa này mà người dân đỡ đi bao nhiêu là tâm huyết, thời gian mỗi khi quyết định sử dụng dịch vụ viễn thông. Này, nhìn thì thấy ngay thôi. Ở các nước khác, họ cứ tự cho mình là phát triển, là tiến bộ, là tự do kinh doanh. Nhưng thực chất, đấy là một sự hỗn loạn mà thôi. Ở những nước này, mỗi khi người dân muốn dùng dịch vụ viễn thông, họ phải bỏ ra thời gian để tìm hiểu xem nhà cung cấp dịch vụ nào tốt, rẻ rồi mới đăng ký, không hài lòng lại bỏ sang nhà cung cấp dịch vụ khác. Mệt chưa? Tốn thời gian và năng lượng chưa? Chúng ta ở một đẳng cấp mà những nước khác phải chạy theo cả thế kỷ mới kịp. Ở VN, mỗi khi người dân cần dịch vụ viễn thông, họ CHỈ PHẢI nghĩ đến duy nhất một ông, đấy là cụ VNPT. Khỏi phải động não tìm kiếm, khỏi phải so sánh và nghiễm nhiên sự lựa chọn của khách hành ở VN bao giờ cũng là tối ưu. Tối ưu vì chỉ duy nhất có một giải pháp. Cái này có lẽ toán học gọi là Siêu Tối Ưu, vì nó chắc chắn quá. Trong khi dân ở các nước chọn một trong nhiều nhà cung cấp dịch vụ, điều này, như đã nói đến, không chỉ tốn thời gian, năng lượng, mà nhiều khi người dân còn canh cánh là liệu thằng cung cấp dịch vụ này đã tốt chưa, đã rẻ chưa? Khổ thế đấy, cứ như chúng ta có phải sướng không? Chọn rồi là OK, là nhất, vì còn ai cung cấp nữa đâu để mà tốt hơn cụ VNPT. Thế là thảnh thơi, thế là nhẹ cả người.
    Khi dịch vụ có vấn đề, như hỏng hóc, tính nhầm hoá đơn thanh toán, ghi nhầm cuộc gọi, người dân gọi đến văn phòng tuy có hơi bị nhân viên Nhà nước cáu bẳn một TÍ, nhưng họ khỏi phải suy nghĩ đến việc tìm kiếm các công ty khác. Và, vì cụ VNPT bận rộn quá cỡ, vì các nhân viên toàn những người Uống Trà sành điệu trong giờ làm việc, cho nên sự sửa chữa thường là chậm chạp. Không sao, vì trong thời gian chờ được sửa chữa thì người dân không phải sử dụng dịch vụ. Điều này là gì? Là tiết kiệm đấy bạn ạ. Nếu giả sử họ làm ăn kém như các nước khác, khi bạn gọi đến, họ sửa ngay có phải là do thói quen bạn lại sử dụng dịch vụ ngay và sẽ phải chi trả nhiều hơn không? Đấy, lợi rất nhiều bề. Dịch vụ bưu chính và viễn thông của ta ở đẳng cấp cao, nó đòi hỏi mỗi người sử dụng ý thức điều ấy một cách rõ ràng. Bạn có thể thấy ngay, mỗi khi bạn đi sử dụng dịch vụ ở bưu điện, bạn sẽ thấy thái độ rất hách dịch của nhân viên Nhà Nước. Cái này nghĩa là gì? Đừng hiểu là họ khó chịu với bạn. Đó chẳng qua là họ PHẢI làm thế đề bạn ý thức được tầm quan trọng của dịch vụ bạn đang dùng. Không thể đùa được, nếu họ không làm thế, bạn sẽ thấy rằng dịch vụ bạn sử dụng quá tầm thường. Người ta cứ đi tìm hạnh phúc, cho nên đây cũng là chiến lượng làm cho dân Hạnh Phúc của cụ VNPT. Ví dụ nhá. Nếu họ cũng vui vẻ, hồ hởi khi bạn sử dụng dịch vụ như ở các nước khác, thì khi bạn hoàn thành việc sử dụng bạn chả cảm thấy gì, vì nó quá bình thường. Nhưng đằng này, bạn cảm thấy việc sử dụng dịch vụ là khó khăn hơn lên giời, thì khi sử dụng xong, bản sẽ cảm thấy hoàn thành được một việc Nhớn và cảm giác hạnh phúc trào dâng. Đấy, phải hiểu mới biết được thế, chứ không hiểu lại cứ tưởng nhân viên bưu điện họ khó chịu.
    Về thiết kế, chúng ta thấy là dây điện, điẹn thoại chằng chịt khắp nơi, ngõ nào, đường nào cũng vậy. Ấy nếu chả có hiểu biết gì thì lại nói là họ thiết kế tồi, không đẹp mắt. Thực ra thì họ làm thế để cho các thị trấn, thành phố của chúng ta trông rất Công Nghệ Cao (High-Tech). Thế mới mốt, thế mới là thời thượng. Người ta tính cả đấy.
    Hai bác Điện nhà mình, Điện Lực và Điện Thoại, đã rất thành công trong các cuộc thi "Đào Đường Đẹp". Mấy người đi đường thì hay bực mình, cứ nói càn là họ làm việc kém, thiếu quy hoặch tổng thể. Lúc xây đường thì cả 2 bác Điện nhà mình nằm mắc võng để ngủ. Đến lúc đường xây xong, bóng loáng thì bác Điện Lực mới đem thợ ra móc đường đên để đi dây điện. Đến lúc bác Điện Lực hoàn thành xong, lấp lại đường, tuy hơi gồ gề tí, thì đến lượt bác Điện Thoại lại đem thợ ra móc đường lên để đi đường dây viễn thông. Nói ra thì chả hết. Có rất nhiều cái lợi. Họ làm thế mới tạo được công ăn việc làm THƯỜNG XUYÊN cho cánh đào được chứ, đúng không? Nếu quy hoặch, nếu làm một phát thì mấy chú đào đường cứ gọi là đói mốc cả mép, rồi sinh ra đủ thứ tệ nạn trên đời. Họ làm thế để gây nên sự nhộn nhịp của phố phường. Đường cứ làm xong rồi để đo phương tiện đi lại vậy thì buồn chết. Phải thỉnh thoảng móc lên, để xe cộ lao vào nhau, để máy móc làm việc mới tạo nên một cảm giác Công Nghiệp. Đây là đúng chủ trương Công Nghiệp Hoá Hiện Đại Hoá đấy, đừng có đùa. Còn nữa, mấy bác thiết kế đường nhà mình hơi kém về trình độ tâm lý. Họ chả hiểu về tâm lý con người mấy. Họ cứ làm đường nhẵn lừ, thẳng tắp. Thế là chết. Khi lái xe người lái sẽ có cảm giác buồn ngủ vì đường quá bằng và thẳng. Vì thế 2 bác Điện nhà mình phải liên tục móc đường lên để khi lấp lại tạo nên hiệu ứng Lồi Lõm. Khi đó bạn lái xe, xe sẽ nhảy cẫng liên tục và bạn có muốn buồn ngủ cũng chả được và điều này sẽ hạn chế tai nạn giao thông. Còn nữa, hiệu ứng Lồi Lõm sẽ gây nên lực ma sát lớn hơn và tạo nên độ an toàn cao hơn khi phanh xe. Đấy! Phải tìm hiểu mới hiểu hết nỗi khổ tâm của 2 bác Điện nhà mình. Không hiểu rồi cứ trách móc các bác ấy là không được.
    Mây năm trước, lúc nào báo chí cũng nói đến chuyện cước viễn thông của ta cao quá so với mức sống. Mọi người chả hiểu lại cứ nói là họ vơ vét xiền của dân. Thực ra, họ làm thế để người dân thấy rằng sử dụng dịch vụ viễn thông ở Việt Nam là sành điệu, vì người ít xiền là không dùng được. Chứ còn thì dân ngu cu đen với dân không ngu cu không đen cùng xài được như nhau thì hoá ra là tám, sáu như nhau, bằng đầu như một hết à? Thế là không được. Bạn không thấy là một thời, mà có khi đến bây giờ vẫn còn, người ta coi việc có điện thoại là sang trọng, đặc biệt là điện thoại DI ĐỘNG. Các bác có di động là ra đường chỉ ngẩng cao đầu lên nhìn mỗi bác Mặt Giời, chứ có thèm nhìn xuống người dân đâu nào. Những pác này khi ra ngoài chỗ đông người là chứ phẩy gọi điện thoại HẾT CÔNG XUẤT, mặc dù rất là ồn, hơi ảnh hưởng đến những người bên cạnh, để cho những người xung quanh biết là mình có DI ĐỘNG, là mình sành điệu. Đấy nhé, giả sử như nó rẻ mạt qúa như các nước khác, thì có phẩy là ai cũng có (hoặc ít nhất là đa số) thì dịch vụ nó trở nên tầm thường đi không nào? Như thế thì làm gì chúng ta có một bộ phận sành điệu nào? Tất cả những cái này là để nhờ ơn Cụ VNPT nhà mình đấy.
    (mỏi tay quá. già rồi có khác ...)
  5. hilittlesunshine

    hilittlesunshine Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    24/04/2004
    Bài viết:
    502
    Đã được thích:
    0
    Quả thực bác John làm Hili ngạc nhiên quá, 2 bài viết vừa rồi khác hẳn các phong cách "con buôn" của bác trong Trung Tâm Môi Giới (Hili chả thích cái phong cách ấy tí nào).
    Hai bài viết trên của bác phải nói là có tâm huyết, phong cách viết cũng rất dửng dưng như các nhà văn trào phúng, và rất lạ so với bác John thường ngày (lúc đầu Hili đọc tưởng bài của người khác). Thế này mới đáng mặt bác John của Hili chứ!!! Già nhưng bút lực rất tốt, và chiến đấu dày dặn kinh nghiệm, hì hì.
    Thực ra Hili nể bác là nhờ những discussions ở YM chứ không phải vì những bài viết của bác trên box Phú Thọ. Đến bây giờ mới được thấy bút lực của bác và cái TÂM trong đó.
    Cám ơn bác nhiều, Hili cảm thấy rất vui khi được đọc những bài viết như thế này!
  6. hatxxihoi

    hatxxihoi Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/06/2004
    Bài viết:
    1.269
    Đã được thích:
    0
    Đây là một trong những topic tớ oánh giá là hay nhất trong box. Sao không ai tiếp tục hưởng ứng nhỉ?
    Tiêu điểm mới:
    - Xây dựng
    - Y tế
    - Giao thông
    - Công nghệ thông tin
    ..v.v và v.v...
    Hay là bác John cho em đặt hàng vài bài trước khi hạ thổ nhỉ?
  7. amateur25

    amateur25 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    23/02/2005
    Bài viết:
    1.461
    Đã được thích:
    0
    Hì tớ cũng oánh giá là 1 topic hay , dưng mà ...(lại dưng ..) . Ai cũng giỏi ngồi bàn tán , bới lông tìm vết , nhưng thử hỏi có ai giỏi đứng ra mà thay đổi , mà cải cách đâu ? Hay chỉ ...
    Mà thôi , mấy cái này mấy tờ báo lá cải nói đầy ra đấy thôi ! Nhưng có biến chuyển gì đâu ?
  8. JohnSteve

    JohnSteve Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    09/03/2002
    Bài viết:
    1.261
    Đã được thích:
    0
    Giáo dục Việt Nam phần 2: thi tuyển sinh Đại Học
    Hôm nọ, tớ đã vẽ một bức tranh toàn cảnh về nền Giáo Dục VN với một lời kết rằng chúng ta, vâng chính chúng ta, đang được thừa hưởng một nền giáo dục number one trên hành tinh này. Hôm nay, lại nhàn cư vơi bớt thiện nên tớ ngồi tô màu cho cái mảng tuyển sinh của bức tranh giáo dục kia, để làm cho nó rực rỡ hơn, nổi bật hơn, tráng lệ hơn.
    Không ai ở Việt Nam mà lại không biết đến các kỳ thi tuyển sinh nói chung, và đặc biệt là kỳ thi tuyển sinh đại học vì nó là một bước ngoặt quan trọng cho mỗi học sinh sau 12 năm đèn sách. Từ những nơi hẻo lánh như Mù Kang Chải đến nhưng nơi phồn hoa như Hà Nội mọi người đều rất rõ về kỳ thi tuyển sinh đại học, một kỳ thi hoành tráng, nhộn nhịp và chất lượng thuộc đẳng cấp của vũ trụ. Xin nói thêm một chút, nói đẳng cấp thế giới thì quá tầm thường, vì chúng ta đã là nhất thế giới rồi. Vì vậy, chúng ta phải mở rộng ra khỏi cái hành tinh trái đất này chứ, và fải khẳng định rằng, nếu như 500 năm sau hoặc lâu hơn nữa, các nhà khoa học vật lý dốt nát của bọn Tây mới tìm ra được một hành tinh khác, cách xa chúng ta cả triệu năm ánh sáng mà ở đó có sự sống, có giáo dục, thì nền giáo dục ấy, dù có hơn bất kể nơi nào đi nữa, cũng vẫn phải đứng sau Việt Nam chúng ta. Đấy là sơ lược về cái gọi là "đẳng cấp vũ trụ".
    Nhìn lại lịch sử của cái sự thi đại học ở Việt Nam thì thấy có những thăng trầm, biến cố rõ nét, nhưng nổi lên hơn cả là chất lượng ngày càng tăng. Thời của những năm 80 và trước đó, chúng ta có một mô hình thi ĐH hơi giống bây giờ, tức là thi đề chung và cùng ngày và đăng ký nguyện vọng. Khác là ở chỗ, hồi đó mỗi thí sinh chỉ được một nguyện vọng. Đến cuối những năm 80, đầu những năm 90, chúng ta đã phát minh ra một kiểu thi mới, các trường ra đề riêng, thi riêng, đưa ra điểm chuẩn riêng. Hồi này, các thí sinh được thi hết công suất, 3, 4 thậm trí 5, 6 trường (cả Cao Đẳng). Mỗi năm, thi ĐH kéo dài cả mấy tuần, làm cho phụ huynh và các sỹ tử mệt lử người, tốm kém bạc triệu, ăn đường ở vỉa hè là chuyện thưởng ngày ở Bản Đôn. Thế rồi, nhân tài đã xuất hiện, chúng ta lại phát minh, vâng đúng là phát minh vĩ đại. Vĩ nhân này đã kết hợp được 2 giai đoạn trước đó, tức là thi chung đề và mỗi thí sinh được thi nhiều trường, vào thành một phát minh đơn giản: thi chung đề nhưng được nhiều nguyện vọng. Làm như thế, chúng ta đã giải quyết được các cuộc thi ĐH kéo dài cả mấy tuần xuống còn mấy ngày, làm lợi cho nền kinh tế quốc dân không biết bao nhiêu là tiền, tiết kiệm rất nhiều công sức của phụ huynh các thí sinh, và tất nhiên các em có nhiều thời gian để chát, để đi bar, để đi lắc hơn xưa nhiều. Tuyệt nhiên không có một nhược điểm nào. Đây là một sức mạnh của trí tuệ Việt!
    Mặc dù fát minh này là hết sức vĩ đại, nhưng do các cấp thực hiện chưa hiểu được cái vĩ đại ấy nên khâu ra đề đã có vấn đề. Các năm 2000, 2001, 2002, 2003 ... chúng ta đã thấy những thống kê không khỏi làm đau lòng xã hội. Rất, rất nhiều thí sinh của chúng ta có tổng điểm của 3 môn dưới 15, và rất nhiều thí sinh bị điểm 0 cho cả 3 môn. Xã hội nóng lên, nhà nhà, ngành ngành, người người đều hướng con mắt về ngành giáo dục, trách cứ, đổ tội. Bản thân tôi, lúc đó cũng không khỏi đau sót, nhưng đó là một thực tế. Tôi tự nhủ, chắc là phải mất nhiều thập kỷ, mất nhiều tỷ USD thì chúng ta mới có thể nâng cấp được chất lượng của một hệ thống Giáo Dục khổng lồ như của chúng ta. Tôi thầm trách xã hội sao không hiểu hết những nhọc nhằn của các nhà hoạch định GD, tôi thầm trách xã hội, các ngành các cấp sao suy nghĩ thiển cận, tưởng là muốn chất lượng giáo dục lên cao là nó lên được hay sao!
    Tôi đã lầm, lầm rất to lớn, rất nghiêm trọng! Tôi đã đánh giá thấp trí tuệ Việt, tôi đã tự ti. Bây giờ nghĩ lại vẫn thấy đỏ mặt vì xấu hổ thẹn với lòng mình, với cái trí tuệ Việt của chúng ta, với công sức trời bể của các nhà hoạch định Giáo Dục của chúng ta. Thay vì fải đầu tư hàng nhiều tỷ USD, cần thời gian để đào tạo lại giáo viên, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trường trại, huyấn luyện một phong cách giảng dạy mới, học tập mới, thi cử mới, cần rất nhiều thơi gian, thì các thiên tài của chúng ta đã đi con đường khác, ngắn hơn, không tốn kém thêm đồng xu nào, mà chất lượng giáo dục thì lên nhanh hơn cả Diều mà gặp phải bão cấp 12, giật trên cấp 15! Đó là gì? Thực sự tôi kinh ngạc trước những fát minh này, vì nó quá mới, nó quá tốt, nên nó làm người ta bàng hoàng! Các vĩ nhân của chúng ta đã nghĩ ra cách vô cùng đơn giản để giải quyết cái vấn đề tổng 3 môn dưới 15 điểm, vấn đề nhiều thì sinh bị điểm 0 cho cả 3 môn kia, mà không phải quay lại cải tổ từ cấp 1, lên cấp 2, rồi mới lên cấp 3, theo như cách những người bình thường vẫn làm. Các vị ấy vẫn đề cấp 1 thế, cấp 2 thế, và cấp 3 cũng vẫn cứ thế. Chỉ cần nhày vào, thay đổi khâu ra đề thi đại học, làm cho nó thật dễ, ai cũng làm được thế là nghiễm nhiên điểm cao lên, và kéo theo đó, là chất lượng giáo dục lên nhanh hơn cả Diều gặp bão như đã nói. Trời ơi ! Đơn giản thế mà sao phải vò đầu mãi, đâu có tốn thêm đồng nào đâu, đâu có mất thời gian gì đâu, đâu cần phải bới tung cả hệ thống giáo dục cấp 1, 2, 3 lên để thay đổi đâu! Đấy, nói ra thì thấy dễ bởi bây giờ ai cũng đã biết thì thế, chứ những cái năm mà nhiều điểm 0 kia, nhiều em bị tổng điểm dưới 15 kia thì sao mọi người không đi mà nghĩ, mà phát minh nào? Làm thế, rõ ràng chả tốn thêm một xu nào. Hiệu quả kinh tế quá cao còn gì nữa! Nếu bỏ hàng nhiều tỷ USD ra để nâng cấp, cần 10 năm 20 năm như Tây vẫn làm thì quá tầm thường, nếu ta cũng làm thế, thì hoá ra trí tuệ của ta cũng dốt như Tây hay sao? Như thế sao lại gọi là trí tuệ Việt được?
    Và, kết quả thì ai cũng đã biết. Các bậc phụ huynh nức lòng khi thấy còn mình đạt 22, 24, 28 điểm, chứ không phải là 8, 10, 12, 13, 16 điểm như các bậc đàn anh đàn chị đi trước. Cả xã hội nức lòng vì chúng ta có nhiều thủ khoa quá, nhiều em điểm sát thủ khoa quá, ít em bị tổng 3 môn dưới 15 điểm quá, lại càng ít hơn những em bị 0 điểm cho cả 3 môn. Nào! Tiền nào mua được những cái này? Thời gian, công sức nào mua được những thứ này? Không thể! Chỉ có trí tuệ siêu việt mới làm được những điều này. Cứ theo đà này, sẽ không lâu nữa, chúng ta có thể đứng trên diễn đàn giáo dục thế giới mà nói rằng, nếu các bạn muốn vào học ở một trường ĐH bất kỳ của Việt Nam, các bạn phải đạt điểm tuyệt đối (chưa kể điểm thưởng) cho cả 3 môn thi vào ĐH. Và chắc hẳn đến khi đó, chúng ta sẽ nghiễm nhiên được ghi vào sách kỷ lục của loài người về thành tích giáo dục.
    Khi tôi gõ đến đây, tôi thay tay tôi run quá! Xúc động quá! Trời ạ ! sao mình lại được viết về những điều cao siêu này nhỉ? May mắn thay !!!
  9. JohnSteve

    JohnSteve Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    09/03/2002
    Bài viết:
    1.261
    Đã được thích:
    0
    Giáo dục Việt Nam phần 3: Gửi nhân tài đi du học
    Tại sao cần du học? Trước hết, phải nói để bạn đọc rõ rằng không phải chúng ta yếu kém nên mới gửi người đi nước ngoài du học. Như các bài viết trước tôi đã đề cập, nền GD nước nhà là nhất của các loại nhất thì sẽ không bao giờ có chuyện chúng ta gửi người đi đào tạo vì những nền GD bạn tốt hơn ta. Ở đây, chỉ là chúng ta fải cử người đi học, để xem họ dốt cỡ nào, để xem họ mắc khuyết điểm gì, để chúng ta tránh. Tốt, nhưng cũng phải nhìn nhận, rằng chúng ta có thể mắc sai lầm, có thể lầm đường lạc bước như các nước kém phát triển khác. Và vì vậy, việc cử người đi du học ở các nền GD thấp kém hơn ta vẫn hết sức cần thiết và phải được tiến hành đều đặn cho mãi về sau. Nếu chúng ta tự phụ, biết đâu một ngày đẹp trời nào đó, nước X nào đó vượt lên ta thì sao? Đây quả là một chính sách có tầm nhìn chiến lược, để đảm bảo chúng ta lúc nào cũng ở thế "thượng fong".
    Cách thức tiến hành: Các thí sinh của ta đều giỏi. Ngay kỳ thi ĐH ở VN hoành tráng thế, khó thế mà họ còn vượt qua thì nói gì đến các kỳ thi khác! Tuy nhiên, chúng ta phải tìm người có tâm huyết, thực sự muốn xây dựng quê hương, thực sự có thể chịu khổ mấy năm liền để đắm mình trong một nền GD kém hơn ta nhiều, thể thu về những kinh nghiệm xương máu cho đất nước, để giúp chúng ta không mắc sai lầm. Do vậy, vẫn cần có những cuộc thi tuyển, mà trong đó kiểm tra kiến thức chỉ là chuyện phụ, kiểm tra hạnh kiểm, nhiệt huyết, mới là chính. Tuy nhiên, mang trên vai trọng trách đi tìm hiểu những sai lầm của bạn, những anh hùng này hoàn toàn xứng đáng được mang danh "nhân tài", chữ tài có lẽ không quan trọng, nhưng dù sao cũng cần công nhận những hy sinh của họ. Những nhân tài của chúng ta được cấp học bổng Nhà nước (NN) để khăn gói quả mướp lên đường đi khai hoá các nền GD khác. Đem văn minh Việt Nam đến với các nước còn chưa được may mắn như ta.
    Sau vài tháng, họ mới thấy học bổng cấp cho họ sao mà chậm thế, không những vậy còn "nhiều khi" bị bớt xén nữa chứ! Những nhân tài của chúng ta chưa hiểu hết được những kỳ vọng của bộ GD. Ví thế nhiều "nhân tài" đã có không ít lần nặng lời với Bộ, với chính sách. Nếu cứ cấp đủ tiền đề họ tiêu, thì họ sẽ lớn lên mà không biết quý trọng đồng tiền, họ sẽ không phải đi làm thêm để kiếm tiền và do vậy họ sẽ không phải là người đi sâu đi sát thực tế. Nếu cứ gửi đủ tiền cho họ tiêu, thì họ sẽ không thể trở thành một con người toàn diện, mà chỉ đơn thuần là một con mọt sách đi khai hoá văn minh cho nhân loại. Vì vậy, tiền gửi cho họ fải ít đi một chút, chậm lâu lâu vào, để họ bắt buộc phải đi kiếm thêm, họ nắm bắt thực tế tốt, nhanh nhậy, quả cảm và, hơn hết, khi trở về là những công dân "toàn diện" thực sự. Đó, là mục đích cao cả của quá trình gửi chậm học bổng, hay, "đôi khi", bớt xén học bổng. Tôi đã đọc được không ít những than phiền của các nhân tài. Tôi thầm trách họ, sao không hiểu chính sách, sao không hiểu những nỗi khổ tâm của những người hoạch định chính sách?
    Kết quả rực rỡ: Nói đến kết quả thì vui mững không kể hết. Chúng ta đã đào tạo được những "nhân tài" thực sự toàn diện, bởi lẽ họ không chỉ hoàn thành nhiệm vụ đi tìm hiểu những yếu kém của các nền GD bạn, mà họ còn trở thành các nhà bồi bàn, rửa bát thuê, buôn bán, bốc sếp hàng hoá chuyên nghiệp. Tất cả những chuyên ngành phụ này không hề mất một đồng lệ phí đào tạo nào, mà lại còn thu thêm được tiền. Không những thế, những nhân tài của chúng ta, khi trở về đều la những người quả cảm, biết chịu khó, chịu khổ, sẵn sàng vượt lên sự khắc nghiệt của hoàn cảnh để đứng vững vàng trong cuộc sống. Quá đúng đi chứ! Khổ như các nước bạn, mà họ con chịu đựng được, thì khi trở về sẽ không có gì có thể ngăn cản được những nhân tài này fát huy hết sức lực, nhiệt huyết của mình để xây dựng VN thành một nước lúc nào cũng giữ được vị trí number one hiện tại của nó.
    Lời nhắn: Có đôi dòng để nếu có nhân tài nào nhận học bổng NN đi du học hiểu được những khổ tâm của những người hoạch định chính sách, để bớt kêu ca đi. Bộ còn bận rất nhiếu thứ, như suy nghĩ xem sang năm sẽ ra đề thi ĐH thế nào để chất lượng (điểm) cao hơn nữa, như suy nghĩ về chính sách dạy thêm và học thêm như thế đã đủ chưa, rồi còn chuyện GD bậc ĐH, trên ĐH nữa chứ. Không phải bộ cứ suốt ngày ngồi chơi xơi nước chà Thái Nguyên đến cuối tháng lĩnh lương như chúng ta nghĩ đâu!
    Được johnsteve sửa chữa / chuyển vào 08:42 ngày 23/08/2005
  10. JohnSteve

    JohnSteve Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    09/03/2002
    Bài viết:
    1.261
    Đã được thích:
    0
    GDĐT Việt Nam phần 4: Đào tạo Đại học
    Đào tạo Đại học (ĐT ĐH) là một bậc đào tạo cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của bất kỳ một quốc gia nào, từ những nước phát triển cực mạnh như Việt Nam, đến các nước yếu kém như Châu Âu, Mỹ, Nhật, Canada ... Sở dĩ như vậy là vì ở bậc này, sinh viên được trang bị những kiến thức vừa chuyên sâu, vừa rộng để khi ra trường có thể làm những việc ở trình độ cao, tạo ra những sản phẩm (cả vật thể và phi vật thể) có chất lượng cần cho sự phát triển của xã hội. Ở kỷ nguyên công nghiệp như hiện nay, thì chỉ có ĐT ĐH mới có đủ khả năng đáp ứng những đòi hỏi của xã hội về mặt nhân sự.
    Sự phát triển vượt bậc của VN chúng ta cũng nhờ một phần đóng góp to lớn của ĐT ĐH của chúng ta. Bài viết này chỉ có tham vọng nêu một vài khía cạnh nhỏ của những ưu việt của ngành ĐT ĐH VN và tác động của chúng đối với sự phát triển của xã hội chúng ta.
    Có lẽ không nơi nào trên hành tinh mà ở đó những nghịch lí có thể tồn tại một cách ngoạn mục như ở Việt Nam. Phải chăng đây chính là yếu tố làm chúng ta khác hẳn với những nước kém phát triển khác, như Châu Âu, Mỹ? Nhìn lại lịch sử phát triển của khoa học kỹ thuật (KHKT) của trong vòng 20 thể kỷ qua (kể từ sau Công Nguyên) thì thấy rằng, chỉ ở những nơi khắc nghiệt về điều kiện sống thì con người mới động não suy nghĩ và từ đó mới hình thành nên những phát kiến, phát minh, sáng chế để phát triển xã hội. Từ rất xa xưa, cư dân sống dọc theo những con sông có phù xa bồi đắp thường rất khó khăn trong tính toán, hoạch định, vì họ có một cuộc sống khá tốt từ canh tác dọc theo sông. Ngược lại, cư dân sống ở những vùng có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, khó canh tác thường lại phát triển hơn về mặt khoa học vì họ phải động não suy nghĩ. Duy nhất chỉ có ở Việt Nam chúng ta, những quy luật của lịch sử trên đây sai toét hết cả. Chúng ta có Rừng Vàng, Biển Bạc, Đất đai màu mỡ phì nhiêu với những cánh đồng thẳng cánh cò bay, một điều kiện sống có lẽ chẳng khác gì thiên đường là mấy. Ấy vậy mà dân ta thì lại cần cù yêu lao động, thông minh và rất sáng tạo!!
    Đấy là nói rộng về sự sáng tạo của dân ta, đặt trong một lịch sử của KHKT của 20 thế kỷ qua, để thấy rằng chúng ta khác người, chúng ta không tuân theo quy luật của loài người nói chung. Bây giờ xin quay lại chủ đề chính, để xem các sinh viên (SV) của chúng ta sáng tạo như thế nào trong giảng đường.
    Vì rằng, như đã đề cập, chúng ta thông minh xuất chúng, cho nên chương trình đào tạo ĐH của ta khá nặng, không học hẹp và chuyên sâu như những nước có trí tuệ kém ta, nói cụ thể là nước Mỹ nơi mà ĐT ĐH chỉ tập chung chủ yếu vào các môn chuyên ngành. Ở VN, các SV được trang bị những kiến thức từ cơ bản, đến cao siêu, như Triết Học, Lý luận, kinh tế ... ở tất cả các chuyên ngành! Điều này cho thấy các cử nhân, kỹ sư của chúng ta khi ra trường sẽ hoàn thiện cỡ nào, vì cái gì cũng được đào tạo qua, và do đó cái gì cũng làm được và làm rất tốt. Đấy là cơ cấu của chương trình đào tạo.
    Về giáo trình, chúng ta bám theo những kiến thực căn bản, đã được kiểm chứng nhiều năm, chúng ta không học kiểu bong bóng như các nước kém phát triển, nơi mà họ đào tạo toàn những thứ mới, chưa có nhiều thời gian để kiểm chứng. Có lẽ ít nơi nào trên thế giới mà giáo trình của những năm 60, 70 vẫn được giảng dạy như ở VN ta. Điều này cho thấy rằng chúng ta làm việc rất khoa học và nghiêm túc. Nếu chúng ta cũng chạy theo kiểu bề nổi, học những lý thuyết mới chưa qua kiểm nghiệm hàng nhiều thập kỷ, thì hậu quả của chúng ta có lẽ cũng sẽ tụt hậu như Châu Âu và Mỹ mà thôi.
    Về giảng viên, chúng ta cũng tiên tiến hơn các nước khác. Ở các nước kém fát triển, giảng viên phải lo nghĩ về việc soạn, sửa giáo trình sao cho phù hợp với từng học kỳ, cập nhật những thông tin mới nhất từ ngành mà mình giảng dạy. Điều này cho thấy khả năng của họ quá yếu kém. Giảng viên của chúng ta có khả năng soạn giáo trình một lần và ... dạy mãi không cần sửa đổi. Thời gian mà giảng viên của các nước kém dành ra để cập nhật giáo trình và làm nghiên cứu để có những tìm tòi mới thì giảng viên của ta dành vào việc kiếm tiền thêm, như dạy thêm, mở cửa hàng buôn bán, hay đi làm thêm, để làm giàu cho gia đình và điều này, hiển nhiên, là cũng làm giàu cho cả xã hội nữa. Đấy, sự hơn người có nhiều cái lợi của nó, một công, chúng ta có thể làm những đôi ba việc, thậm trí nhiều hơn. Vì vậy mà các sinh viên của ta cũng nhàn hạ trong học tập vì mọi thứ giông giống những năm trước.
    Quá trình giảng dạy ở ta cực kỳ khoa học và có một tác phong công nghiệp cực kỳ cao trong dạy và học. Năm nào cũng như năm nào, không khác gì đưa một thầy giáo bằng máy lên đứng đọc ra những điều trong giáo trình, sinh viên từ đó vẽ vào vở, đến khi thi thì học thuộc, cũng như máy luôn, và vào trong phòng thi lại vẽ từ trí nhớ ra bài thi. Ở đây chúng ta thấy có một sự thống nhất đến độ ngay cả một dây truyền sản xuất công nghiệp toàn bằng máy cũng khó có thể dập khuôn một cách ngoạt mục đến vậy. Ở các nước kém phát triển, vì họ thay đổi giáo trình và cập nhật thông tin từng học kỳ nên cách giảng dạy cũng khác. Họ tiếp cận sinh viên, hoặc sinh viên tiếp cận giảng viên để trao đổi kiến thức riêng, điều này phá vỡ đi tính thống nhất của một dây truyền dạy-học như ở VN chúng ta. Cũng vì sinh viên của chúng ta thông minh, sáng tạo trong học tập nên trong quá trình học SV của chúng ta không cần học bài, chỉ cần lên lớp vẽ đủ những thứ giảng viên đọc ra từ giáo trình, là coi như hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Thời gian rảnh, họ dùng vào việc nhậu nhẹt (phía Nam) hay dặt dẹo (phía bắc) hoặc tham gia các trò chơi giải trí khác. Chúng ta không có (hoặc cực kỳ hãn hữu mới có) những term papers, assignments, reports, presentations như của bọn Tây kém phát triển. Vì bọn nó kém về trí tuệ và không có được mức độ tự giác như SV ta, nên họ cần phải có những bài tập kiểu đó để bắt SV chúng nó động não suy nghĩ, tìm hiểu. SV ta vì đã quá giỏi nên chúng ta không cần những thứ vớ vỉn đó!
    Thi cử của chúng ta còn ở một đẳng cấp cao hơn nữa. Đến kỳ ôn thi, SV của chúng ta ngồi mở vở mà trước kia mình đã vẽ ra, đưa hết vào bộ nhớ. Có những SV ở đẳng cấp cao hơn thậm trí không cần đưa vào bộ nhớ và chỉ cần đưa từ vở vào "phao thi" là coi như hoàn thành nhiệm vụ ôn thi. Vào đến phòng thi, người đã copy bài vào bộ nhớ thì bê nguyên si ra bài thi, kẻ copy vào phao thi thì bê nguyên từ phao thi vào bài thi. Vì vậy mà kết quả rất tốt mà lại không tốn công sức. Đến khi biết kết quả thi, ở những nước kém phát triển, khi SV bị điểm kém, họ phải học lại vào năm sau và lại thi lại. Còn ở chúng ta, SV đầy sáng tạo của chúng ta đã sáng chế ra một phát minh mới, gọi nôm na là "chạy điểm".
    Chạy điểm có lẽ là một sáng tạo ngoạn mục nhất của ĐT ĐH ở VN. Thay vì tốn công sức, mất thời gian, và tốn tiền của để học lại vào năm sau, sinh viên của chúng ta chỉ cần đút vài trăm ngàn vào một cái phong bì xinh xinh rồi đến nhà giảng viên để "chạy điểm". Cách này có rất nhiều cái lợi: (1) nó làm cho điểm được nâng lên một cách nhanh chóng, (2) không tốn công sức và tiền của công với thời gian học lại, và (3) nó làm giàu cho các giảng viên. Đây là một mối giao dịch tạm gọi là "đôi bên cùng có lợi". Chính vì vậy, mà mặc dù chả học gì nhưng những SV của ta cũng chả mấy khi phải học lại môn đó vào năm sau để thi lại. Thế này mà vẫn chưa gọi là tiên tiến, thì tác giả của bài viết này đảm bảo rằng loài người chưa hề nghĩ ra cái gọi là tiên tiến.
    Ảnh hưởng của sự tiến bộ trong đào tạo đến sự phát triển của XH: Có lẽ chính phương thức đào tạo tiên tiến nêu trên đã làm cho các cử nhân, kỹ sư, bác sỹ, luật sư ... của ta khi ra trường như được thay một dòng máu mới, dòng máu của hiệu quả, tiện lợi và nhanh chóng. Điều này đã được áp dụng ở mọi nơi, mọi lúc, mọi ngàng nghề. Sự chạy điểm kia đã được phát triển lên thành "chạy chức", "chạy tội", "chạy mức lương" .... và điều này đã thúc đẩy xã hội Việt Nam phát triển đến vượt bậc như nó vẫn đang phát triển.
    Thay cho lời kết, tác giả có lời đề nghị rằng chúng ta nên chia sẽ những thành tựu này, những kỹ xảo này cho nhân loại. Hãy coi như đây là cứu lấy nhân loại, khai hoá cho những bộ óc còn kém phát triển của các nước khác. Bằng cách nào ư? Bằng cách tổ chức các khoá học ngắn hạn, chung hạn, và, nếu cần thì dài hạn, để giảng dạy về cách học, cách thi, cách xử lý khi biết điểm thi của ta cho các sinh viên của các nước kém phát triển khác. Hãy coi như đây là nhiệm vụ cao cả trên vai của những người hùng, những người khổng lồ như chúng ta!

Chia sẻ trang này