1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Treblinka Ad-Phóng sự đầu tiên của nhân loại về trại hủy diệt Quốc Xã

Chủ đề trong 'Kỹ thuật quân sự nước ngoài' bởi danngoc, 16/03/2014.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. danngoc

    danngoc Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    24/08/2004
    Bài viết:
    3.760
    Đã được thích:
    1.327
    Vasily Semenovich Grossman. Địa ngục Treblinka.
    Người dịch: danngoc
    Nguồn: www.lib.ru
    Những chữ in nghiêng trong bản dịch là chú thích của người dịch. Các địa danh được chú thích theo tên gọi Ba Lan.[/I][/B]

    I
    Từ phía Đông tới Varsava (Warszawa), dọc bờ Tây sông Bug trải dài những bãi cát và đầm lầy, sừng sững các cánh rừng thông và tùng diệp rậm rạp. Nơi đây thật hoang vắng và buồn tẻ, làng xóm lèo tèo thưa thớt. Khách bộ hành và xe trạm lảng tránh ngả đường mòn chật hẹp cát sỏi ấy, nơi bước chân díu lại, còn bánh xe thì bật khỏi trục vì lún trong cát sâu.

    Tại đây, chỗ nhánh đường sắt tẽ đôi, có nhà ga Treblinka hẻo lánh cách Varsava sáu mươi cây số theo đường sắt và cách không xa nhà ga Malkinia (Małkinia), là nơi giao nhau của các tuyến đường sắt nối từ Varsava, Bielostok, Sedletsa và Lomza (Warszawa, Białystok, Siedlce, Łomża).
    Cần biết rằng, nhiều người trong số được chở đến Treblinka năm 1942, nếu đi qua đây vào thời bình hẳn sẽ lơ đãng nhìn phong cảnh chán ngắt – hết thông lại cát, hết cát rồi lại thông, mấy lùm thạch thảo, vài bụi cây khô, cái ga xép ảm đạm, bãi ke đường sắt mấp mô... Và, vị hành khách buồn chán kia có thể sẽ để mắt một chút đến vệt đường ray duy nhất chạy từ sân ga thẳng vào giữa khu rừng thông rậm rạp xung quanh. Nhánh đường sắt đó dẫn tới khu mỏ, nơi khai thác cát trắng cho các công trường xây dựng công nghiệp và đô thị.

    Khu mỏ nằm cách nhà ga khoảng bốn cây số, trên một bãi đất trống bao quanh bốn bề là rừng thông. Chất đất ở đây cằn cỗi và bạc màu nên nông dân không thể canh tác. Đất hoang mãi là đất hoang. Mặt đất lốm đốm những đám rêu, rải rác có mấy cây thông còi. Thỉnh thoảng một con ác là hay chim đầu rìu mào sặc sỡ bay ngang qua. Bãi trống khốn khổ này là nơi được bọn Gestapo chọn và được SS Reichsführer (SS Reichsführer: chức Thống lĩnh tổ chức SS. SS: Schutzstaffel, tức đội cận vệ của Đảng Quốc xã. Gestapo: Geheime Staatspolizei - Mật vụ Quốc gia, nằm dưới sự quản lý toàn diện của SS) Heinrich Himmler phê duyệt làm nơi xây dựng đài hành hình các dân tộc toàn thế giới; một thứ mà loài người chưa từng biết đến suốt từ thời nguyên thủy man rợ cho tới những ngày tháng tàn bạo hiện nay. Đây là nơi xây dựng bãi hành hình chính của bọn SS, tương tự như Osventsim (Ba Lan: Oświęcim, Đức: Auschwitz), hơn hẳn Sabibur, Maidanek, Belzits (Sobibor, Majdanek, Bełzec).
    Ở Treblinka có hai trại: trại lao động Số 1, nơi làm việc của tù thuộc các quốc tịch khác nhau, chủ yếu là người Ba Lan, và trại của người Do Thái, trại Số 2.

    Trại Số 1 – trại lao động hay đúng hơn là trại trừng giới – nằm ngay cạnh bãi khai thác cát, gần bìa rừng. Đó là một trại bình thường, như hàng trăm trại mà bọn Gestapo xây dựng ở vùng lãnh thổ bị chiếm đóng phía Đông. Khu trại ra đời năm 1941. Nó, như tách ra từ cùng một khối, hiển hiện rõ những nét tính cách Đức, bị méo mó qua chiếc gương khủng khiếp của chế độ Hitler. Như trong cơn mê sảng nóng hầm hập xấu xí, nó phản ánh méo mó những tư duy và tình cảm mà bệnh nhân trải qua trước khi bị ốm. Như một người điên, bị tác động bởi tình trạng loạn trí, có hành vi giống với hành vi và suy nghĩ của người bình thường bị bóp méo lô gích. Như tên tội phạm đang phạm tội, cú đập búa khéo léo thành thạo trúng tinh mũi nạn nhân của hắn rất giống kỹ năng ước lượng bằng mắt và sự chắc tay của người thợ chuyên quai búa, chỉ khác ở sự điềm tĩnh quá sức người thường.

    Tiết kiệm, ngăn nắp, rất tính toán, sạch sẽ đến cố chấp – tất cả những tính cách này đều khá tốt, sẵn có trong hầu hết người Đức. Khi được áp dụng vào nông nghiệp hay công nghiệp, chúng phát huy hiệu quả mạnh mẽ. Chế độ Hitler áp đặt các tính cách ấy lên tội ác chống lại loài người, và Đế chế SS hành xử trong các trại lao động ở Ba Lan như thể chúng đang nói về việc đi trồng súp-lơ hay khoai tây vậy.

    Khu trại trải trên một hình chữ nhật chia ca-rô đều đặn, các lán xây thẳng đều tăm tắp, lối đi rắc cát sạch sẽ viền hai hàng cây bạch dương. Hoa cúc và thược dược trồng trên đất tốt. Có bể nước bê tông cho lũ thú nuôi và bể nước riêng để giặt giũ với bậc tam cấp lên xuống thuận tiện, giành cho các nhân viên người Đức – một lò nướng bánh hạng tiêu chuẩn, một hiệu cắt tóc, một garage ôtô, một trụ bơm xăng có quả cầu thủy tinh phía trên, mấy dãy nhà kho. Trại Maidanek ngoại ô Lublin cũng xây với các nguyên tắc điển hình như vậy, cũng những khu vườn như vậy, vòi phun nước uống như vậy, những con đường trải bê tông như vậy, cũng như hàng chục trại lao động khác được xây dựng ở Đông Ba Lan, nơi bọn Gestapo và SS lên kế hoạch để thành lập vùng định cư lâu dài và nghiêm túc. Việc tổ chức những trại đó phản chiếu nét tính cách chỉnh tề, tính toán chi ly, ham muốn trật tự đến mức cố chấp, lòng say mê của người Đức đối với thống kê và biểu đồ, soạn thảo đến mức lặt vặt và tiểu tiết nhất.

    Mọi người bị đưa tới trại lao động theo nhiều đợt, đôi khi khá thường xuyên – 4, 5, 6 tháng một lần. Có người Ba Lan bị lùa đến vì vi phạm quy định của viên Toàn quyền Ba Lan, thường là những vi phạm công cộng, không quan trọng, lặt vặt, bởi lẽ những tội to thì không vào trại mà bị xử bắn tức khắc. Bị cáo giác, vu khống, buột miệng, lỡ nghe một lời trên phố, giao hàng không đúng định mức, từ chối cấp xe ngựa hoặc ngựa cưỡi cho người Đức, những cô gái dám hỗn xược cự tuyệt đề nghị tình yêu của bọn SS, cho dù không có hành động phá hoại công việc trong nhà máy, còn nếu dù chỉ một lần bị nghi ngờ có khả năng phá hoại – tội này đã đưa tất cả hàng trăm hàng ngàn người Ba Lan – công nhân, nông dân, trí thức, cả nam lẫn nữ, cả già lẫn trẻ, cả bà mẹ đang nuôi con – vào trại trừng giới. Tổng cộng, có khoảng năm mươi ngàn người đã đi qua trại. Người Do Thái chỉ rơi vào trại này trong trường hợp họ là thợ cả xuất sắc có tiếng – thợ làm bánh mì, thợ giày, thợ làm đồ gỗ quý, thợ xây, thợ may. Có đủ loại xưởng sản xuất trong trại, trong đó có một xưởng quan trọng cung cấp cho bộ tham mưu Quân đội Đức đồ gỗ, ghế bành, bàn làm việc, ghế dựa chế tác tinh xảo.

    Trại Số 1 tồn tại từ mùa thu năm 1941 tới ngày 23 tháng Sáu 1944. Vào lúc nó bị giải tán hoàn toàn, tù đã nghe thấy được tiếng gầm xa xa của pháo binh Xô viết.

    Mờ sáng ngày 23 tháng Sáu, bọn cai tù Wachmänner và SS, nốc rượu mạnh schnapps để lấy tinh thần, đã bắt tay vào việc xóa sạch khu trại. Đến buổi chiều tất cả tù trại đều đã bị giết chết và vùi xuống đất. Chỉ còn sót anh thợ mộc người Varsava Max Lewit, bị thương và nằm bẹp dưới xác các đồng đội cho tới khi trời tối rồi bò vào rừng. Trong khi nằm trong hố, anh nghe thấy tiếng hát của ba mươi cậu bé, trước khi bị lôi đi bắn đã hát vang bài “Ôi bao la tổ quốc mẹ hiền”, nghe thấy một cậu bé trong nhóm hét lên: “Stalin sẽ trả thù cho chúng tao!”, nghe thấy Leib cậu bé tóc đỏ trưởng nhóm, người được cả trại yêu mến, ngã lên anh trên hố sau loạt đạn đầu tiên, đã ngẩng đầu lên xin: “Pan Wachman, tôi chưa chết. Xin pan bắn lần nữa, lại lần nữa”.

    Bây giờ ta đã có thể kể chi tiết hơn về cái trật tự Đức trong trại lao động này, qua vô số lời khai của hàng chục nhân chứng mà tôi có, là nam nữ người Ba Lan bỏ chạy hay được thả khỏi Trại Số 1 vào những thời điểm khác nhau. Chúng ta biết về lao động ở bãi khai thác cát, tại đó những người không hoàn thành chỉ tiêu bị ném từ vách đá xuống dưới vực; biết về định mức khẩu phần hàng ngày: 170-200 gram bánh mì và một lít thứ nước lõng bõng được gọi là súp; biết về những cái chết đói, về những người phù thũng vì đói bị chất lên xe cút kít chở ra ngoài hàng rào thép gai trại rồi bắn chết; biết về những cuộc chè chén trác táng hoang dại do bọn Đức tổ chức, tại đó chúng cưỡng hiếp các cô gái trẻ rồi rút súng bắn chết tại chỗ ******** của mình, tại đó chúng ném người từ tháp canh cao sáu mét xuống đất, tại đó một nhóm say rượu thỉnh thoảng ban đêm tóm lấy mươi mười lăm tù nhân và khoan thai dùng họ để trình diễn những phương pháp giết người, bắn vào tim, bắn vào ót, mắt, miệng, thái dương, bắt họ cảm nhận cái chết không tránh khỏi. Chúng ta biết được tên tuổi những tên SS trong trại, biết tính tình và đặc điểm của chúng; biết về tên chỉ huy trưởng của trại Van Euppen, một gã sát nhân không hề biết chán và dâm loạn vô hạn độ, rất thích ngựa hay và cưỡi ngựa phi thật nhanh; biết về tên Stumpfe trẻ tuổi to béo phục phịch hay phá lên cười đến phát ho sặc mỗi lần hắn giết chết ai đó trong số tù nhân hay trong những cuộc hành quyết có hắn tham dự. Hắn được đặt tên là “Thần chết cười”. Người cuối cùng nghe tiếng hắn cười là Max Lewit vào ngày 23 tháng Bảy năm đó, khi nhóm Wachmänner theo lệnh của Stumpfe bắn chết những cậu bé. Lewit lúc ấy đang nằm bất động trong hố. Chúng ta biết về gã Svidersky một mắt người gốc Đức ở Odessa, được mệnh danh là “Bậc thầy quai búa”. Đấy là bởi hắn cực kỳ điêu luyện đến tuyệt đỉnh trong việc giết người bằng “vũ khí lạnh”, và bởi hắn đã chỉ mất vài phút để dùng búa giết chết mười lăm đứa trẻ từ tám đến mười ba tuổi, bị xem là không phù hợp cho lao động. Chúng ta biết về tên SS Preifi gầy quắt trông hao hao như người Digan, được đặt tên là “Lão già”, hay cau có và lầm lì ít mở miệng. Hắn giải sầu cho mình bằng cách ngồi bên hố rác của trại, rình những tù nhân mò tới đây để bươi mớ vỏ khoai tây, bắt họ mở to miệng rồi bắn vào giữa cái họng đang há của họ.

    Chúng ta biết tên tuổi những tên chuyên gia giết người Schwarz và Ledeke. Đấy là bởi chúng giải trí bằng cách bắn vào tù đang trở về trại sau giờ làm việc vào lúc trời chạng vạng, giết chết hai mươi, ba mươi, bốn mươi người mỗi buổi chiều.

    Tất cả những sinh vật trên không còn một chút nào con người. Đầu óc, trái tim và tâm hồn, lời nói, hành động, thói quen của chúng bị méo mó, giống như một bức biếm họa kinh hoàng, nhắc nhở ta về các đặc điểm, suy nghĩ, tri giác, thói quen, hành vi của con người. Thứ trật tự trong trại, tài liệu hồ sơ về những cuộc giết người, nỗi say mê đùa cợt một cách quái đản nhắc ta nhớ đến những trò đùa cợt của đám sinh viên đại học Đức (tiếng Đức: Burschenschaften – hội sinh viên Đức, thành lập vào thế kỷ 19, khuyến khích tư tưởng tự do và dân tộc chủ nghĩa) say rượu ưa gây gổ, những bài hát đa cảm đa sầu đám lính gác đồng thanh hát giữa vũng máu, các bài diễn thuyết mà chúng liên tục thực hiện trước những nạn nhân của chúng, các lời giảng đạo, những câu kinh được in ngay ngắn trên khổ giấy đặc biệt – tất cả những thứ cá sấu rắn rết kỳ quái ấy, tiến hóa từ phôi thai của truyền thống chủ nghĩa Sô-vanh Đức, ngạo mạn, ích kỷ, tự tin thái quá vào bản thân, quan tâm quá mức tới tổ ấm của riêng mình một cách cầu kỳ lẩn thẩn nhưng lạnh lùng thản nhiên đến sắt đá với mạng sống tất thảy kẻ khác, tiến hóa từ niềm tin dữ tợn mù quáng rằng khoa học, âm nhạc, thơ ca, ngôn ngữ, thảm cỏ, hố xí, bầu trời, bia, căn nhà của Đức – đều cao quý và tuyệt vời hơn tất cả thế giới này.

    Cuộc sống trong trại là vậy đó, na ná như một Maidanek thu nhỏ, và ta có thể nghĩ rằng không thứ gì trên thế giới này đáng kinh sợ hơn thế. Nhưng những người sống ở Trại Số 1 biết rất rõ rằng có nơi còn khủng khiếp hơn nhiều, đáng sợ gấp hàng trăm lần, so với khu trại của họ. Tháng Năm năm 1942, cách trại lao động này ba cây số bọn Đức bắt tay vào xây dựng Trại Do Thái, khu trại hành hình. Việc xây dựng được thực hiện nhanh chóng, với hơn một ngàn người tham gia lao động. Trong trại này không có thứ gì phù hợp cho cuộc sống, tất cả đều phù hợp cho cái chết. Sự tồn tại của trại này cần phải, theo dự tính của Himmler, giữ được trạng thái bí mật tột cùng, không một kẻ nào lọt vào lại được phép sống sót thoát ra. Không một ai được phép đến gần trại, dù có là thống chế chăng nữa. Lính gác bắn chết bất cứ khách qua đường nào vô tình lọt vào bán kính một cây số quanh trại không cần cảnh cáo. Máy bay Đức cả dân dụng lẫn quân sự đều bị cấm bay qua khu vực ấy. Những nạn nhân, bị chở tới đây bằng tàu hỏa đi theo tuyến đường sắt đặc biệt, tới giây phút cuối cùng cũng không hề biết số phận nào đang chờ đợi mình. Lính canh đi theo trên tàu thậm chí không được phép đến gần hàng rào trại. Khi đoàn tàu đến nơi, lính gác bàn giao cho đơn vị SS của trại. Đoàn tàu, thường gồm có sáu mươi toa, ngay từ khi còn ở trong rừng chưa vào trại được chia ra thành ba phần, và đầu tàu lần lượt đẩy từng hai mươi toa một đến sân ga của trại. Đầu tàu chỉ đẩy từ phía sau toa và dừng lại ở chỗ hàng rào thép gai, sao cho cả thợ lái lẫn thợ đốt lò đều không lọt vào phạm vi trại. Khi các toa đã dỡ hàng xong, gã SS Unteroffizier (hạ sĩ quan SS) trực nhật sẽ thổi còi gọi hai mươi toa kế tiếp đang đợi cách đó hai trăm mét. Khi tất cả sáu mươi toa đã dỡ sạch hàng, tên Kommandantur (trưởng trại) sẽ điện thoại cho nhà ga để đưa đến đoàn tàu khác, còn đoàn tàu vừa dỡ hàng sẽ rẽ nhánh về bãi khai thác cát, tại đó các toa sẽ được chất đầy cát và trở về ga Treblinka rồi Malkinia để lấy đợt hàng mới.

    Đến đây ta cần nhắc tới ưu thế vốn có của Treblinka: có thể chở nạn nhân bằng tàu hỏa tới từ bốn phương đông tây nam bắc khắp đất nước. Tàu đến từ các thành phố Ba Lan Varsava, Mendzyjetsa, Chenstokhova, Sedletsa, Radom (Warszawa, Międzyrzecze, Częstochowa, Siedlce, Radom), từ Lomza, Bielostok, Grodno và nhiều thành phố Belorussia khác, từ Đức, Tiệp Khắc, Áo, Bulgaria, từ Bessarabia. (Ngày nay Łomża và Białystok thuộc Ba Lan, còn Grodno thuộc về Belorussia. Bessarabia trước năm 1940 thuộc Rumania, sau Thế Chiến thứ II thuộc Cộng hòa Moldavia trong thành phần Liên bang Xô viết.)

    Tàu đi tới Treblinka đều đặn suốt mười ba tháng trời, mỗi đoàn tàu có sáu mươi toa, trên mỗi toa có viết bằng phấn ghi con số 150-180-200. Đó là những con số cho biết số lượng người đi trong toa. Nhân viên đường sắt và các nông dân bí mật đếm những đoàn tàu ấy. Bác nông dân sáu mươi hai tuổi làng Vulka (làng Vulka - Ba Lan là Wólka - là điểm dân cư ở gần trại nhất) Kazimierz Skarzunski đã kể cho tôi rằng không ngày nào là không có tàu đến, rằng một số ngày chỉ tính riêng từ hướng Sedletsa thôi đã có đến sáu chuyến tàu đi ngang qua làng Vulka, và gần như không có ngày nào trong suốt mười ba tháng trời không có ít nhất một chuyến tàu đi ngang. Vậy mà tuyến từ Sedletsa chỉ là một trong bốn tuyến đường sắt đưa tới Treblinka. Nữ công nhân bảo trì đường sắt Lucjan Żukowa, được bọn Đức huy động để làm việc trên tuyến chính từ Treblinka tới Trại Số 2, đã kể rằng trong thời gian cô làm việc từ 15 tháng Sáu 1942 cho tới tháng Tám 1943, trên tuyến từ ga Treblinka tới trại mỗi ngày có từ một tới ba chuyến tàu. Mỗi chuyến tàu có sáu mươi toa, mỗi toa có không dưới một trăm năm mươi người. Chúng tôi đã tập hợp được hàng chục lời khai như vậy. Thậm chí nếu chúng ta giảm phân nửa con số do những nhân chứng này cung cấp, chúng ta vẫn nhận thấy có khoảng hai triệu rưỡi cho đến ba triệu người bị đưa tới Treblinka trong vòng mười ba tháng đó. Tuy nhiên, chúng ta sẽ quay trở lại con số này. (Theo ước tính của Trung tâm Simon Wiesenthal có khoảng 876.000 người đã bị giết tại Treblinka. Con số này bao gồm 738.000 người Do Thái từ vùng lãnh thổ Ba Lan bị Đức chiếm đóng, trước hết là từ các khu người Do Thái ở Warszawa; 107.000 người từ Białystok; 29.000 người Do Thái từ các nơi khác của châu Âu; và 2.000 người Digan. Lý do con số ước lượng của Grossman quá lớn so với thực tế rất đơn giản: ông đã đúng về số lượng toa là 60 cho mỗi đoàn tàu nhưng có vẻ đã không tính đến chuyện chiều dài nhà ga trong trại quá ngắn cho chúng. Các đoàn tàu đã phải dừng ở vài chỗ để cắt lại một số toa và mỗi lần chỉ có một phần đoàn tàu đi vào ga, tức là không phải có 5 đoàn tàu với 60 toa đến trại mỗi ngày mà mỗi đoàn tàu được chia làm 5 phần.)

    Bản thân khu trại này, tính cả phần ngoại vi bao gồm các dãy kho chứa vật dụng của những người bị giết hại, sân ga và các công trình phụ khác, chỉ chiếm một diện tích không lớn – 780 m x 600 m. Nếu ta có chút nghi ngờ nào về số phận của những con người bị dẫn tới đây và nếu có lúc nào đó ta cho rằng bọn Đức đã không giết họ ngay khi vừa đến nơi, nếu vậy ta sẽ phải tự hỏi tất cả bọn họ có thể ở đâu, tất cả những con người ấy, đông ngang với dân số một quốc gia nhỏ hay thủ đô một nước lớn ở Châu Âu? Diện tích trại cũng quá nhỏ đến nỗi, dù họ chỉ sống thêm vài ngày sau khi tới đây, cũng chỉ được một tuần rưỡi trước khi trong vòng rào thép gai bao quanh trại đầy chặt người đổ về từ Ba Lan, từ Belorussia, từ toàn thể Châu Âu. Mười ba tháng, tức ba trăm chín mươi sáu ngày, các chuyến tàu quay về chỉ chở theo cát hoặc rỗng không, không một ai bước vào Trại Số 2 mà còn sống trở về. Đã đến lúc phải đặt ra câu hỏi kinh khủng: “Hỡi Cain, những người mi đem tới đây, bọn họ đâu rồi?” (Cain và Abel là con trai của Adam và Eva. Cain là con người đầu tiên phạm tội sát nhân khi giết chết Abel).

    Bọn phát xít đã không thành công trong việc che dấu tội ác ghê tởm nhất của chúng. Nhưng tuyệt nhiên không phải vì đã có hàng ngàn người vô tình chứng kiến tội ác ấy. Mùa hè năm 1942, Hitler, chắc mẩm rằng sẽ không bị trừng phạt, đã quyết định thủ tiêu hàng triệu người vô tội vào thời điểm quân đội phát xít đang đạt được những thắng lợi vang dội nhất. Tin rằng sẽ không bị trừng phạt, bọn phát xít đã cho thấy chúng có khả năng làm được những gì. Ôi, nếu như Adolf Hitler là người chiến thắng, hắn sẽ tìm cách xóa sạch mọi dấu vết của tội ác, hắn sẽ buộc mọi nhân chứng phải câm miệng, dẫu là họ đông đến hàng chục ngàn chứ không phải chỉ vài ngàn. Sẽ không một ai dám hé ra lời nào. Và bất giác ta cúi đầu một lần nữa để tỏ lòng biết ơn những người vào mùa thu năm 1942, khi mà cái thế giới ngày nay đang ồn ào ca ngợi chiến thắng lúc ấy im bặt, tại thành phố Stalingrad bên bờ sông Volga dốc đứng đã chiến đấu chống lại Quân đội Đức, sau lưng là dòng sông bốc khói và sôi sùng sục loang đỏ dòng máu của bao người vô tội. Chính Hồng quân đã chặn tay Himmler không cho hắn che giấu bí mật về Treblinka.

    Ngày nay các nhân chứng cất tiếng nói, đá và đất cũng thét lên hé lộ sự thật. Và ngày nay trước lương tri thế giới, trước sự chứng kiến của nhân loại, chúng ta đã có thể từng bước một tìm hiểu về những tầng của chốn địa ngục Treblinka, nơi mà so sánh với nó thì Địa ngục của Dante chỉ không gì hơn là một trò chơi ngây thơ vô vị của Quỷ Satan.

    Tất cả những điều viết dưới đây đều soạn ra từ lời kể của các nhân chứng còn sống; từ lời kể của những người từng làm việc ở Treblinka kể từ ngày tồn tại đầu tiên của trại cho đến ngày 2/8/1943, khi những người tuyệt vọng nổi dậy đốt cháy trại và chạy vào rừng; từ lời khai của những tên Wachmänner bị bắt, từng chữ từng câu đều xác nhận và bổ sung rất nhiều cho câu chuyện của các nhân chứng. Tôi đã gặp những con người ấy tận mắt, đã trao đổi với họ rất lâu và chi tiết, và bản ghi lời khai của họ hiện đang nằm trên bàn làm việc trước mặt tôi. Và tất cả những lời khai với số lượng vô cùng nhiều ấy, lấy từ những nguồn chứng cứ khác nhau, đều thống nhất nhau trong mọi chi tiết, từ các mô tả về thói quen của con chó cưng Bari của tên trưởng trại cho đến câu chuyện về kỹ thuật giết chết các nạn nhân và cơ cấu băng chuyền của khối nhà hành hình.

    Chúng ta hãy cùng đi qua từng tầng của Địa ngục Treblinka.

    Họ là ai, những con người bị chở bằng tàu hỏa tới Treblinka? Phần lớn là người Do Thái, kế đến là người Ba Lan và Digan. Đến mùa xuân năm 1942 toàn bộ cư dân Do Thái ở Ba Lan, Đức và miền Tây Belorussia đã bị gom vào sống trong các ghetto. Trong những ghetto ấy – ở Varsava, Radom, Chenstokhova, Lublin, Bielostok, Grodno và hàng chục thành phố khác nhỏ hơn – dồn chật hàng triệu người là công nhân, thợ thủ công, bác sĩ, giáo sư, kiến trúc sư, kỹ sư, giáo viên, nghệ sĩ, người làm những nghề không đăng ký, cùng toàn bộ gia đình họ gồm tất cả vợ chồng, con cái và cha mẹ. Chỉ riêng ghetto Varsava đã chứa khoảng năm trăm ngàn người. Hiển nhiên, việc giam họ vào ghetto là giai đoạn đầu tiên trong kế hoạch chuẩn bị thủ tiêu người Do Thái của Hitler.

    Mùa hè năm 1942 – thời điểm có những thắng lợi quân sự vang dội của bọn phát xít – được chọn là thời điểm thích hợp cho giai đoạn hai của kế hoạch – tiêu diệt thể xác. Chúng ta biết rằng Himmler đã tới Varsava vào thời kỳ này để ban ra những mệnh lệnh cần thiết. Việc xây dựng khu hành hình tập thể ở Treblinka được khẩn trương thực hiện cả ngày lẫn đêm. Đến tháng Bảy những đoàn tàu đầu tiên đã chuyển bánh từ Varsava và Chenstokhova tới Treblinka. Mọi người được cho hay rằng họ được đưa tới Ukraina để làm việc trong các nông trang. Mỗi người được phép mang theo 20 kg hành lý và lương thực. Trong nhiều trường hợp, bọn Đức bắt các nạn nhân của chúng phải mua vé tàu hỏa tới ga “Ober-Maidan”. Đó là mật danh bọn Đức dùng để gọi Treblinka. Sự thật là tin đồn về địa điểm khủng khiếp này đã mau chóng lan truyền khắp Ba Lan, và bọn SS không còn nhắc đến từ Treblinka khi lùa mọi người lên tàu nữa. Tuy nhiên, cái cách đối xử khi lùa người lên tàu khiến không còn chút nghi ngờ gì về số phận đang chờ đợi đám hành khách đó. Mỗi toa tàu loại chở hàng chen chúc tối thiểu một trăm năm mươi người, nhưng thường là một trăm tám đến hai trăm người. Trong suốt hành trình, đôi khi kéo dài suốt hai đến ba ngày trời, tù nhân không hề được phát nước uống. Mọi người khổ sở vì khát tới mức uống cả nước tiểu của mình. Lính gác đòi bán mỗi hớp nước uống với giá một trăm zloty, và tiền thì cầm nhưng thường là không đưa nước. Mọi người bị lèn chặt với nhau đến mức có khi phải đứng suốt quãng đường, và trong mỗi toa, đặc biệt vào những ngày hè nóng nực, luôn có vài người lớn tuổi hay bị bệnh tim chết trước khi hành trình kết thúc. Do cửa toa không bao giờ được mở cho tới khi hành trình kết thúc, các xác chết bắt đầu thối rữa làm không khí trong toa không thể thở nổi. Chỉ cần có ai đó quẹt diêm ban đêm là lính gác nổ súng bắn vào sườn toa tàu. Bác thợ cắt tóc Abram Kon kể rằng chỉ riêng toa của bác thôi đã có đến năm người bị thương và chết vì lính gác bắn vào thành toa.

    Các đoàn tàu tới Treblinka từ những quốc gia Tây Âu lại khác hoàn toàn. Trên đó mọi người không biết chút gì về Treblinka và đến phút cuối cùng vẫn tin chắc rằng mình được đưa đi để làm việc, ngoài ra bọn Đức vẫn thêu dệt các câu chuyện hấp dẫn về cuộc sống mới dễ chịu thoải mái đang chờ đợi những người di dân. Một số đoàn tàu chở những người tin rằng họ đang được đưa qua biên giới để đến các quốc gia trung lập: họ đã phải trả cho chính quyền Đức một khoản tiền lớn để có được giấy thông hành và cuốn hộ chiếu nước ngoài.

    Có lần tàu chở đến Treblinka toàn người Do Thái quốc tịch Anh, Canada, Mỹ, Úc, do chiến tranh đã bị kẹt lại ở Châu Âu và Ba Lan. Sau thời gian chạy chọt kéo dài, tốn nhiều khoản hối lộ lớn, họ đã có được thông hành để tới những nước trung lập. Tất cả những đoàn tàu đến từ Tây Âu đều không có lính gác, chỉ có các nhân viên phục vụ bình thường, trên tàu có cả các toa giường nằm và toa ăn. Hành khách mang theo những rương hòm lớn và vali, đựng dồi dào thức ăn. Con cái họ chạy ra các sân ga mà đoàn tàu dừng lại, hỏi xem còn bao xa nữa mới tới Ober-Maidan.
    Đôi khi có đoàn tàu chở đến người Digan từ Bessarabia và những vùng lân cận. Vài lần tàu chở đến những thanh niên người Ba Lan – họ là các nông dân và công nhân đã tham gia khởi nghĩa hoặc hoạt động trong những nhóm du kích.

    Khó nói được thế nào thì khủng khiếp hơn: bị đưa đến chỗ chết trong nỗi đau khổ kinh khủng vì biết rõ kết cục đang gần kề, hay đưa mắt nhìn qua cửa sổ toa tàu khách dễ chịu, lòng không chút nghi ngờ trong khi ga Treblinka đang gọi điện thoại tới trại để báo số liệu về chuyến tàu vừa tới và lượng người đi trên đó.

    Để đánh lừa được những người đến từ Tây Âu cho tới lúc chót, đoạn cuối tuyến đường sắt dẫn tới điểm đến trại tử thần chết chóc này được bố trí hệt như một ga tàu khách. Trên sân ga, đậu sẵn hai chục toa như chưa dỡ xong hàng, có cả nhà ga với phòng bán vé, quầy gửi hành lý và gian nhà hàng, có mũi tên chỉ hướng đi khắp nơi ghi: “Xuống tàu ở Bielostok”, “Đi Baranovichi” hay “Xuống tàu ở Volokovysk” v.v... (Baranovichi và Volokovysk – Ba Lan trước 1939 là Baranowicze và Wołkowice – ngày nay thuộc Belorussia) Khi tàu đến có cả ban nhạc chơi trong nhà ga, tất cả nhạc công đều ăn mặc đầy đủ lệ bộ. Một người gác ga mặc đồng phục đường sắt thu vé của hành khách và cho họ đi xuống sân ga. Ba-bốn ngàn con người, lỉnh kỉnh túi xách và vali, tay đỡ người già và người bệnh, túa ra chỗ sân. Các bà mẹ bế con nhỏ trên tay, những đứa lớn hơn ép sát vào bố mẹ, mắt tò mò quan sát cái sân. Có gì đó đầy điềm gở và rất khủng khiếp ở cái sân này, với mặt đất bị dẫm đạp in vết hàng triệu bàn chân người. Ánh mắt căng thẳng của mọi người mau chóng nhận ra những chi tiết đáng lo – được vội vã quét dọn, có lẽ chỉ vài phút trước khi đoàn người tới, trên mặt đất còn vương vãi vài thứ đồ vật bị vứt lại – một bọc quần áo, mấy chiếc vali bị mở tung, vài cái bàn chải cạo râu, đôi ba chiếc nồi tráng men. Sao chúng lại ở đây? Và tại sao tuyến đường sắt lại kết thúc tại chỗ nhà ga này, nơi chỉ thấy những lùm cỏ vàng úa và hàng rào thép gai cao ba mét trải dài. Những tuyến đường sắt dẫn đi Bielostok, đi Sedletsa, Varsava, Volokovysk đâu rồi? Và tại sao bỗng xuất hiện mấy tay lính gác mới miệng cười gằn, đưa mắt nhìn người đàn ông đang đưa tay chỉnh lại cà vạt, nhìn bà cụ già quần áo gọn gàng sạch sẽ, nhìn chú bé mặc bộ đồng phục lính thuỷ, nhìn những cô gái mảnh khảnh đã cố giữ cho quần áo phẳng phiu trong suốt cuộc hành trình dài, nhìn những bà mẹ trẻ đang âu yếm sửa lại lớp chăn bọc quanh đứa con nhỏ đang nhăn mặt. Tất cả những tên Wachmänner mặc quân phục màu đen và đám SS Unteroffizier đó đều giống như những tay lùa gia súc vào cửa lò sát sinh. Với chúng, đoàn người mới đến không phải là những con người đang sống, và chúng không thể không mở miệng cười khi nhìn thấy các biểu hiện của sự xấu hổ, tình yêu thương, nỗi sợ hãi, những lo lắng về người thân, về đồ đạc; chúng phì cười vì thấy người mẹ vẫn la mắng đứa con vừa chạy xa mình vài bước chân và vuốt phẳng áo khoác cho nó, vì đám đàn ông lấy khăn tay lau trán và châm điếu thuốc lá, vì mấy cô gái giơ tay sửa lại tóc và sợ hãi giữ lấy váy khi có cơn gió thổi qua. Chúng phì cười vì thấy đám người già cố ngồi lên mớ vali hòm xiểng, vì thấy ai đấy kẹp sách dưới nách, còn người ốm thì quấn khăn quanh cổ.
    Trung bình có hai mươi ngàn người bước vào Treblinka mỗi ngày. Ngày nào chỉ sáu-bảy ngàn người xuống nhà ga đã bị xem là vắng vẻ. Mỗi ngày có tới bốn, năm lần bãi sân đông chật người. Và tất cả hàng ngàn, hàng chục, hàng trăm ngàn người ấy với ánh mắt khiếp sợ dò hỏi, tất cả những khuôn mặt già trẻ ấy, những người đẹp tóc đen hay tóc vàng ấy, các cụ già đầu hói lưng gù còng ấy, những cháu thiếu nhi rụt rè nhút nhát ấy – tất cả đều hòa thành một dòng chảy duy nhất, bị hút hết lý trí, hút hết tri thức tuyệt vời của nhân loại, tình yêu tuổi thanh xuân, những thắc mắc con trẻ, bệnh tật tuổi già và tình cảm con người.

    Những người mới đến cũng rùng mình cảm thấy sự kỳ lạ này trong ánh mắt đắc thắng, phè phỡn, giễu cợt, ánh mắt của lũ súc sinh ưu việt nhìn xuống những con người sắp chết.

    Và trong khoảng khắc, khi những con người ấy bước qua sân, đã lại nảy thêm bao lặt vặt âu lo mơ hồ.

    Cái gì đằng sau bức tường đồ sộ cao sáu mét, bị phủ kín bởi các tấm chăn và những cành thông đã bắt đầu ngả úa vàng kia? Những cái chăn đó cũng thật đáng lo: có cái độn bông, có cái sặc sỡ, có cái làm từ lụa hay bọc vải trúc bâu, chúng giống với cái chăn trong bộ đồ trải giường mà những người mới tới cũng mang theo. Tại sao chúng lại ở đây? Ai đã mang chúng đến? Và chủ nhân những tấm chăn đó đang ở đâu? Tại sao họ lại không cần đến chúng nữa? Rồi những người đeo băng tay xanh da trời kia là ai? Họ điểm lại tất cả suy nghĩ thời gian gần đây, các mối lo lắng, những lời xì xào đồn đại. Không, không, không thể như thế! Và họ cố gắng xua đi những suy nghĩ ghê sợ. Nỗi lo sợ ở chỗ sân chỉ kéo dài trong chốc lát, có lẽ chỉ hai-ba phút, cho tới khi tất cả đã rời khỏi sân ga. Chỗ lối vào này lúc nào cũng có ùn tắc: đoàn nào cũng có người bị tàn tật, bị thọt, người già và người bệnh, những người chật vật mới lê nổi chân. Nhưng sau cùng tất cả đã vào hết chỗ sân. Một tên Scharführer (hạ sĩ quan SS cấp thấp nhất) lớn tiếng và tách bạch hướng dẫn những người mới đến bỏ lại đồ đạc ở sân và đi tới “Nhà tắm”, cầm theo mình giấy tờ tùy thân, những đồ quý giá và túi đựng nhỏ nhất chứa vật dụng vệ sinh cá nhân. Họ đứng đó với hàng chục câu hỏi nảy ra trong đầu: có nên cầm theo đồ lót không, có nên tháo nút buộc túi, liệu đồ đạc có bị lẫn lộn khi bỏ lại ở sân, liệu chúng có bị mất không? Nhưng một sức mạnh kỳ lạ nào đó đã khiến họ im lặng rảo bước, không mở miệng hỏi, không quay đầu lại nhìn cái lối đi hai bên chăng dây thép gai cao sáu mét, che ngụy trang bằng cành cây. Họ đi qua những bộ chông thép chống tăng, đi qua các dãy rào thép gai cao gấp ba lần chiều cao người bình thường, đi qua cái hào chống tăng sâu ba mét, lại đi qua những vòng dây thép gai chăng tùy tiện khiến chân kẻ chạy trốn sa vào như con ruồi vướng lưới nhện, rồi lại đi qua một hàng rào thép gai khác cao nhiều mét. Và một cảm giác khủng khiếp, cảm giác về sự tuyệt vọng và bất lực xâm chiếm lấy họ: không thể trốn thoát, không thể quay trở lại, không thể chống trả: những tháp canh gỗ thấp bè bè đang chĩa họng đại liên vào họ. Kêu gọi giúp đỡ? Nhưng khắp xung quanh họ là đám SS và Wachmänner với tiểu liên, lựu đạn và súng ngắn. Chúng nắm quyền lực. Và trong tay chúng là xe tăng và máy bay, mặt đất, thành phố, bầu trời, đường tàu hoả, luật pháp, báo chí, đài phát thanh. Cả thế giới im lặng, bị đàn áp, bị biến thành nô lệ bởi lũ cướp mặc áo nâu đang nắm quyền lực. Chỉ đâu đó cách đấy nhiều ngàn cây số, có tiếng gầm của trọng pháo Xôviết bên bờ sông Volga xa xôi, bướng bỉnh tuyên bố quyết tâm của nhân dân Nga vĩ đại sẵn sàng chiến đấu đến chết vì tự do, lớn tiếng kêu gọi nhân dân thế giới tham gia vào cuộc chiến.

    Lúc này trên sân phía trước nhà ga, hai trăm công nhân đeo băng tay màu xanh da trời (“đội da trời”) đang lặng lẽ, nhanh nhẹn, khéo léo mở các túi bị và vali, cởi dây buộc bao gói. Đồ đạc mà nhóm người vừa bỏ lại được phân loại và đánh giá. Vương vãi trên mặt đất những bộ kim len đan được quấn buộc gọn gàng, các cuộn chỉ, đồ lót trẻ em, áo sơ-mi, khăn trải giường, áo thun chui đầu, dao ăn, bộ dao cạo râu, những gói thư từ, ảnh chụp, đê khâu, mấy chai nước hoa, gương soi, mũ trùm đi ngủ, giày păng-túp, ủng valenki may từ cái chăn độn bông dùng khi trời lạnh, dép lê phụ nữ, bít tất dài, dây đăng ten, quần áo ngủ, những gói bơ, cà phê, những lọ ca cao, khăn đội đầu khi hành lễ, giá nến, sách, bánh mì khô, đàn viôlông, đồ chơi xếp hình của trẻ con. Cần có những kỹ năng để chỉ trong vòng vài phút có thể phân loại hàng nghìn đồ vật ấy và định giá chúng – chọn ra những thứ để gửi về Đức, những thứ còn lại, đồ hạng hai, cũ hoặc đã bị sửa chữa – sẽ phải đốt đi. Vô phúc cho công nhân nào làm sai, bỏ một chiếc vali đã cũ làm bằng các-tông giả da vào đống đồ da được chọn để gửi đi Đức, hay ném vào đống bít tất cũ đã đan vá một đôi tất Paris còn nguyên tem của hãng sản xuất. Mỗi công nhân chỉ có thể mắc sai lầm được một lần. Đến lần thứ hai thì anh ta không còn cơ hội mắc thêm sai lầm nào nữa. Có bốn mươi tên SS và sáu mươi Wachmänner làm “công tác vận chuyển”, từ mà ở Treblinka dùng để gọi cái giai đoạn đầu tiên chúng ta vừa mô tả: tiếp nhận đoàn tàu, đưa đoàn người vào “nhà ga” và ra sân, giám sát các công nhân phân loại và định giá đồ đạc. (Phần lớn các báo cáo cho rằng công việc tại Treblinka được điều hành bởi khoảng 25 tên SS và 100 lính gác Wachmänner người Ukraina, tuy vậy có một số báo cáo khác giống như phóng sự của Grossman có lẽ đã tính luôn số lính gác trên tàu hỏa không thuộc biên chế trại Treblinka). Khi làm công việc này, các công nhân thường bí mật bỏ mồm những miếng bánh mì, đường hay kẹo tìm thấy trong các gói thức ăn. Điều đó là không được phép. Tuy nhiên được phép sau khi kết thúc công việc rửa tay và mặt bằng Eau de cologne và nước hoa vì nước ở Treblinka không đủ, chỉ có bọn Đức và Wachmänner được dùng nước để rửa ráy. Và khi những con người, lúc này vẫn đang còn sống, chuẩn bị bước vào “nhà tắm” thì đồ đạc của họ đã được xử lý xong – những đồ có giá trị được đưa vào kho, còn thư từ, ảnh chụp trẻ con mới sinh, anh em trai, cô dâu trước đám cưới, lễ kỷ niệm đám cưới vàng, tất tật hàng ngàn thứ quý báu, vô cùng quý giá với người sở hữu chúng nhưng chỉ là rác rưởi với những kẻ sở hữu Treblinka, sẽ được chất đống và chở đi đổ trong những cái hố khổng lồ, nơi đã có sẵn hàng trăm ngàn thư từ, bưu thiếp, danh thiếp, ảnh chụp, những mảnh giấy đầy nét vẽ trẻ con nguệch ngoạc tương tự. Bãi sân sau đó vội vã được quét dọn để lại sẵn sàng tiếp nhận một đoàn người mới đi đến cõi chết.

    Nhưng mọi việc không phải bao giờ cũng diễn ra như vừa mô tả. Có những trường hợp khi tù nhân biết được mình sắp đi tới đâu, bạo loạn đã nổ ra. Bác nông dân Skrzeminski đã chứng kiến có hai chuyến tàu mọi người phá được cửa toa, thoát ra, quật ngã lính gác và chạy về phía rừng. Trong cả hai vụ tất cả bọn họ đều bị giết đến người cuối cùng bằng súng tiểu liên. Đám đàn ông cắp theo bốn đứa trẻ tuổi từ bốn đến sáu, và tất cả những đứa bé ấy đều bị bắn chết. Nữ nông dân Mariana Kobus cũng kể về nhiều vụ nổi loạn chống lính gác tương tự. Có lần, khi bà đang làm việc ngoài đồng, chính mắt bà đã thấy sáu mươi người bị giết chết sau khi đã chạy được từ tàu hỏa tới khu rừng.

    Nhưng giờ đoàn người đã bước đến một cái sân khác, nằm bên trong vòng rào thứ hai của trại. Trên sân có một cái lán khổng lồ, phía tay phải có ba cái lán nữa, hai cái trong số đó để chứa quần áo, cái thứ ba chứa giày dép. Cạnh đó, ở khu vực phía tây là dãy lán của bọn SS, lán của đám Wachmänner, kho lương thực, một khu trại chăn nuôi, có đậu những ôtô con, xe tải và một xe bọc thép. Ấn tượng giống như một khu trại thường, như Trại Số 1 chẳng hạn.

    Ở góc đông nam của sân trại có một khu được rào lại bằng cành cây, phía trước khu này có một căn lều với tấm biển “Lazarett” (Bệnh xá). Tất cả người già yếu và bệnh nặng sẽ bị tách khỏi đám đông đang chờ vào “nhà tắm” và đưa bằng cáng vào lều “Lazarett”. Trong lều, các bệnh nhân được đón tiếp bởi một “bác sĩ” mặc tạp dề trắng đeo băng Chữ Thập Đỏ trên tay trái. Những gì xảy ra trong “Lazarett” sẽ được chúng tôi thuật lại ở phần dưới.

    Giai đoạn hai của quá trình xử lý được đặc trưng bởi việc bẻ gãy ý chí của đoàn người mới đến bằng những mệnh lệnh ngắn gọn và cấp tốc tuôn không ngớt. Các mệnh lệnh này được ban ra với âm sắc nổi tiếng mà quân đội Đức rất tự hào, cái âm sắc được xem là một trong những bằng chứng chứng tỏ người Đức là chủng tộc thượng đẳng. Chữ “r”, phát âm vừa đơn đớt vừa cứng, nghe như tiếng roi quất.

    “Achtung!” (Chú ý) – quét qua đám đông, giữa sự im lặng nặng chịch vang lên câu nói được tên Scharführer thốt ra như cái máy, lặp đi lặp lại nhiều lần trong một ngày suốt tháng này qua tháng khác những từ liền một mạch:
    “Đàn ông ở tại chỗ, phụ nữ và trẻ con cởi quần áo ở lán bên trái”.

    Tại đây, theo lời những nhân chứng, thường bắt đầu một cảnh khủng khiếp. Trực giác thiêng liêng của tình mẫu tử, tình vợ chồng đã báo cho mọi người biết rằng đây là lần cuối họ nhìn thấy nhau. Những cái bắt tay, ôm hôn, cầu phúc, nước mắt, những lời vội vã vắn tắt mà trong đó người ta gói vào tất cả yêu thương, tất cả những đau đớn, tất cả sự trìu mến, tất cả nỗi tuyệt vọng của mình… Lũ bác sĩ tâm lý SS nghiên cứu về cái chết biết rõ rằng các cảm xúc ấy cần phải bị mau chóng dập tắt, cắt đứt. Lũ bác sĩ tâm lý nghiên cứu về cái chết biết rõ về những luật lệ đơn giản áp dụng trong mọi lò sát sinh trên thế giới, những luật lệ mà tại Treblinka lũ súc vật dùng để áp dụng đối với con người. Đó là một trong những thời điểm quan trọng nhất: thời điểm con gái bị tách khỏi cha, mẹ bị tách khỏi con trai, bà bị tách khỏi cháu, chồng bị tách khỏi vợ.
    Và một lần nữa vang lên trên sân: “Achtung! Achtung!” Chính vào thời điểm đó cần lập tức làm rối trí mọi người bằng hy vọng, luật lệ của cái chết phải bị giả mạo thành luật lệ của sự sống. Cũng cái giọng đó nói xắt ra từng lời như sau:
    - Phụ nữ và trẻ con cởi giày ở cửa vào lán. Bít tất nhét trong giày. Bít tất trẻ con bỏ trong xăng đan, ủng và giày trẻ con. Xếp gọn gàng.
    Rồi lại lập tức một lần nữa:
    - Đi về phía nhà tắm, mang theo người những đồ có giá trị, giấy tờ tùy thân, tiền, khăn tắm và xà phòng… Tôi nhắc lại…
    Bên trong lán nữ có sẵn mấy thợ cắt tóc; những phụ nữ trần truồng bị cắt trụi tóc bằng tông đơ, các cụ già phải gỡ bỏ tóc giả. Đấy là khoảng khắc tâm lý kỳ lạ: việc cắt tóc chết chóc này, theo lời các thợ cắt tóc, đối với phụ nữ là lý do thuyết phục nhất khiến họ tin rằng mình sắp vào nhà tắm. Các cô gái lấy tay xoa đầu và đôi khi còn hỏi: “Chỗ này không được đều, cắt lại hộ chút nhé!” Thường sau khi cắt tóc phụ nữ đều cảm thấy yên tâm hơn, hầu như ai bước khỏi lán cũng cầm theo xà phòng và cái khăn tắm gấp lại. Vài thiếu nữ bật khóc vì tiếc cho bím tóc đẹp của mình.

    Cắt tóc phụ nữ như thế để làm gì? Nhằm đánh lừa họ chăng? Không đâu, là bởi vì nước Đức có nhu cầu dùng số tóc đó. Đó là một nguyên liệu... Tôi đã hỏi nhiều người rằng người Đức dùng làm gì mớ tóc vụn cắt từ đầu đám người sống sắp đi vào cõi chết ấy. Tất cả nhân chứng đều kể rằng những đống tóc khổng lồ đen, vàng, bạch kim, quăn và tết bím đó được khử trùng, đóng bao và gửi về Đức. Tất cả nhân chứng đều xác nhận là tóc đóng vào bao có ghi địa chỉ gửi về Đức. Chúng được dùng làm gì? Không ai trả lời được câu hỏi đó. Chỉ có bản khai viết tay của một gã tên Kohn cho rằng tóc đó được dùng trong hải quân: tóc dùng để nhồi đệm hoặc bện dây cáp phù hợp về mặt kỹ thuật cho tàu ngầm.

    Tôi nghĩ rằng lời khai này cần được xác minh thêm, đây là trách nhiệm thuộc về lòng nhân đạo của Đại Đô đốc Raeder, đứng đầu Hải quân Đức năm 1942.

    Đàn ông cởi quần áo ở ngoài sân. Trong nhóm người đầu tiên đến vào buổi sáng, bọn Đức chọn lấy một trăm năm mươi tới ba trăm người có sức khỏe tốt, họ dùng để chôn xác chết và thường sẽ bị giết vào ngày hôm sau. Đàn ông phải cởi quần áo thật nhanh nhưng gọn gàng, xếp gọn theo thứ tự giầy, bít tất, đồ lót, áo khoác và quần dài. Việc phân loại quần áo được thực hiện bởi nhóm thứ hai, đội “đỏ”, phân biệt với đội “công tác vận chuyển” nhờ đeo băng tay màu đỏ. Những thứ được đánh giá là có giá trị cần gửi về Đức lập tức được chuyển vào nhà kho. Mọi nhãn mác bằng kim loại hay vải sẽ phải được gỡ bỏ cẩn thận. Những thứ còn lại bị đốt hoặc chôn trong hố.

    Cảm giác âu lo ngày càng tăng. Mũi họ ngửi thấy một mùi khủng khiếp rất đáng lo, mặc dù bị làm át đi bởi mùi vôi bột. Có vẻ như ở đây lũ ruồi béo múp gây phiền nhiễu đông đến mức không thể giải thích được. Chúng ở đâu ra đây, giữa đám rừng thông và mặt đất bị dày xéo này? Mọi người hít thở lo lắng và nặng nề, run rẩy, quan sát từng thứ dù là nhỏ nhất hầu có thể giải thích và vén bức màn bí mật che giấu số phận đang chờ đợi những người sắp đi vào cõi chết. Và tại sao ở phía nam kia lại có tiếng máy xúc hạng nặng gầm rú?

    Tiếp đó bắt đầu một thủ tục khác. Những con người trần truồng bị dẫn tới trước quầy và bị yêu cầu phải nộp hết giấy tờ tùy thân và đồ vật có giá trị. Và một lần nữa vang lên giọng nói khủng khiếp như thôi miên:
    “Achtung! Achtung! Che dấu tài sản sẽ phải nhận án tử! Achtung!”
    Trong chiếc lều đóng từ những tấm ván gỗ có một tên Scharführer đang ngồi. Đứng cạnh hắn là bọn SS và đám Wachmänner. Bên cạnh lều là những thùng gỗ ván, các đồ vật có giá trị được ném vào đó: một thùng chứa tiền giấy, thùng bên cạnh là tiền xu, thùng thứ ba chứa đồng hồ đeo tay, nhẫn, khuyên tai và đồ nữ trang có đính đá quý, vòng xuyến. Còn giấy tờ tùy thân thì vứt xuống đất, chẳng ai trên đời này cần đến chúng nữa, thứ giấy tờ của những cái xác còn sống mà trong vòng một tiếng nữa sẽ trần truồng nằm dưới hố. Nhưng vàng và các đồ có giá trị thì được phân loại cẩn thận, hàng chục thợ kim hoàn ngồi xác định tuổi của các món quý kim, giá trị của đá quý, nước trong suốt của kim cương.
    Và điều này thật kỳ dị: lũ súc vật kia vơ vét sử dụng mọi thứ – cả đồ da, cả giấy vụn, cả mụn vải, tất cả những gì có người cần tới, tất cả những gì cần thiết và hữu ích đối với lũ súc vật, ngoại trừ thứ quý giá nhất trên cõi đời – mạng sống con người – thì chúng chà đạp. Và những trí tuệ to lớn và mạnh mẽ ấy, những tâm hồn đáng kính ấy, những đôi mắt trẻ em đáng yêu ấy, những khuôn mặt bà lão đôn hậu ấy, những mái đầu thiếu nữ kiêu hãnh ấy, được tạo hóa hình thành nên qua biết bao thế kỷ, tất cả dồn thành một dòng chảy câm lặng khủng khiếp đổ xuống vực thẳm hư vô. Chỉ cần vài giây là đủ để hủy diệt những gì mà thế giới và thiên nhiên đã từ từ tạo ra qua quá trình sáng tạo vĩ đại và trải bao đau khổ của sự sống.

    Chính tại đây, ở cái “quầy” này, bắt đầu một bước ngoặt – tới đây chấm dứt sự dối trá tàn bạo giam hãm mọi người trong trạng thái mù mờ như bị thôi miên, như trong cơn mê sảng, chỉ trong vài phút đã quẳng họ từ hy vọng sang tuyệt vọng, từ ảo tưởng được sống chuyển sang nhìn thấy cái chết. Sự dối trá tàn bạo đó là một trong những đặc trưng của băng chuyền giết người này, nó hỗ trợ bọn SS thực hiện công việc của chúng. Và khi bắt đầu màn cuối của việc cướp bóc những người sống sắp chết, bọn Đức thay đổi đột ngột cách đối xử với các nạn nhân của chúng. Chúng giật lấy nhẫn làm gẫy ngón tay phụ nữ, bứt hoa tai đến rách cả dái tai.

    Ở giai đoạn cuối, dây chuyền giết người này đòi hỏi phải nhanh chóng vận hành theo một nguyên tắc mới. Đó là tại sao từ “Achtung!” được thay bằng một từ khác, nghe dồn dập và như rít lên: “Schneller! Schneller! Schneller!” Nhanh, nhanh, nhanh lên, chạy tới chốn hư vô!
    Từ thực tế tàn khốc trong những năm gần đây, chúng ta biết được rằng một người trần truồng sẽ lập tức đánh mất hoàn toàn sức chống cự, không còn đấu tranh chống lại số phận, ngay khi trở nên trần trụi anh ta liền đánh mất bản năng tự bảo tồn và im lặng chấp nhận số phận như là định mệnh của mình. Ngay cả những người vốn hết sức khao khát được sống cũng trở nên thụ động và dửng dưng. Nhưng để cho chắc chắn, bọn SS còn áp dụng thêm vào giai đoạn cuối của dây chuyền giết người này một phương pháp gây choáng váng quái gở để đẩy mọi người vào tình trạng hoàn toàn tê liệt về mặt tinh thần.

    Chúng đã làm việc đó như thế nào?

    Bằng cách sử dụng đột ngột và dữ dội những hành động tàn bạo vô nghĩa và phi lý. Những con người trần truồng đã bị tước mất hết mọi thứ nhưng tiếp tục bướng bỉnh tồn tại vẫn còn hàng ngàn lần đông hơn lũ súc vật mặc đồng phục quân đội Đức đang vây quanh họ, tất cả bọn họ vẫn còn hít thở, quan sát, suy nghĩ, tim họ vẫn còn đập. Những bánh xà phòng và khăn tắm bị quật rơi khỏi tay họ. Họ bị dồn lại thành đoàn mỗi hàng năm người.
    - Händer hoch! Marsch! Schneller! Schneller!
    (Tay giơ cao! Bước đều! Nhanh! Nhanh!)

    Họ bước tới một con đường thẳng tắp, hai bên trồng hoa và thông, dài một trăm hai mươi mét, rộng hai mét và dẫn tới nơi hành hình. Hai bên đường chăng kín dây thép gai, với đám lính gác Wachmänner quân phục đen và bọn SS mặc áo xám tro đứng sát vai kề vai. Nền đường rải cát trắng và những người đi hàng đầu với hai tay giơ cao có thể nhìn thấy các dấu chân trần còn mới hằn trên mặt cát xốp: dấu chân nhỏ nhắn của phụ nữ, những dấu nhỏ hơn nữa của trẻ em, các vết hằn nặng nề là của bàn chân những cụ già. Các dấu vết mờ nhạt trên cát – là tất cả những gì còn lại của hàng ngàn người mới vừa bước đi trên con đường này, cũng giống như của đoàn bốn ngàn con người hiện thời đang bước đi trên nó, giống như hai tiếng nữa sau bốn ngàn người này sẽ có hàng ngàn người khác đứng xếp hàng chờ ở chỗ ngã rẽ đường sắt trong rừng. Cũng giống như của những người đã tới hôm qua và mười ngày trước, giống như của những người sẽ đến ngày mai và năm mươi ngày sau, giống như của tất cả những người đã đi trong suốt mười ba tháng tồn tại của địa ngục Treblinka.

    Con đường này được bọn Đức gọi là “Bất hồi lộ”. Có đi không có về.

    Một sinh vật õng ẹo đội lốt người, có họ là Suchomel, thường nhăn nhở hét lên những từ tiếng tiếng Đức và Do Thái bị cố tình nói trại:
    - Này nhóc, nhóc, schneller, schneller, để lâu nước nhà tắm lạnh đấy! Schneller, nhóc, schneller! – và cười vang, rồi ngồi xổm xuống mà nhảy nhót. Mọi người, hai tay vẫn phải giơ lên, im lặng bước giữa hai hàng lính gác, dưới những cú quất báng súng và dùi cui cao su. Trẻ con phải chạy mới chật vật theo kịp được người lớn. Trong chặng hành trình đau đớn cuối cùng này mọi nhân chứng đều nhắc tới sự tàn bạo của một quái vật đội lốt người, tên SS Zepf. Hắn là chuyên gia giết trẻ con. Với sức mạnh kinh hồn, con quái vật này thường đột ngột túm lấy một đứa bé khỏi hàng người rồi hoặc đập đầu nó xuống đất như đập một cây gậy hoặc xé đứa bé ra làm đôi.

    Khi tôi nghe về con quái vật này, có lẽ cũng được sinh ra bởi một người phụ nữ, tôi cảm thấy những điều được kể về hắn là không thể hình dung nổi và khó tin là có thật. Nhưng khi đích thân tôi nghe các nhân chứng lặp đi lặp lại những câu chuyện trên, tôi nhận thấy rằng họ nói về chúng chỉ như các tiểu tiết, không chút gì khác thường trong cái hệ thống chung của địa ngục Treblinka. Cuối cùng tôi đi đến chỗ tin rằng những chuyện ấy là có thể xảy ra.
    simonov, maseo, longmuonhieu6 người khác thích bài này.
  2. danngoc

    danngoc Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    24/08/2004
    Bài viết:
    3.760
    Đã được thích:
    1.327
    Các hành động của Zepf là cần thiết, chúng góp phần giữ mọi người trong trạng thái choáng váng tinh thần không còn né tránh cái chết, chúng là biểu hiện của sự tàn bạo phi lý, đàn áp ý chí và tinh thần của họ. Hắn là cái đinh vít hữu ích, cần thiết trong cỗ máy đồ sộ của đất nước phát xít.

    Chúng ta thấy khiếp đảm không phải vì tạo hóa đã sản sinh những quái thai thế này: ít nhất cũng từng có một số quái thai như vậy trong thế giới hữu sinh – ví dụ như lũ khổng lồ Cyclop, hay như đám quái vật hai đầu, hay những giống quái gở và biến dị linh hồn khủng khiếp tương tự. Điều kinh khủng nằm ở chỗ khác: thay vì cách ly và nghiên cứu chúng như những hiện tượng tâm thần học, các con quái vật ấy lại được sống như những công dân tích cực và hữu ích ở một quốc gia cụ thể.

    Tư tưởng điên rồ của chúng, tâm thần bệnh hoạn của chúng, các tội ác dị thường của chúng là yếu tố cần thiết đối với nhà nước phát xít. Hàng ngàn, hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn con quái vật như vậy trở thành trụ cột của nước Đức phát xít, chống đỡ, làm nền tảng cho nước Đức Hitler. Mình vận quân phục, tay cầm vũ khí, ngực đeo các huân chương của Đế chế, lũ quái vật ấy suốt nhiều năm ròng làm chủ hoàn toàn mạng sống các dân tộc ở Châu Âu. Chúng ta không cần khiếp sợ đám quái vật ấy, mà khiếp sợ cái quốc gia đã lôi chúng ra khỏi các hang hốc, khỏi bóng tối bí ẩn ở Varsava, ở Maidanek ngoại ô Lublin, ở Belzits, ở Sabibur, ở Osventsim, ở Babi Yar, ở Domanevka và Bogdanovka ngoại ô Odessa, ở Trostyanets ngoại ô Minsk, ở Ponary tại Litva, và tại hàng chục hàng trăm nhà tù, trại lao động, trại trừng giới, trại diệt chủng và biến chúng thành thứ cần thiết, hữu ích và không thể thay thế được tại địa ngục Treblinka.

    Kiểu quốc gia như vậy không phải rơi từ trên trời xuống, những mối liên hệ vật chất và ý thức giữa các công dân của nó đã sản sinh ra cấu trúc quốc gia. Đó là điều chúng ta cần nghiêm túc suy ngẫm và nghiêm túc khiếp sợ...

    Từ chỗ “quầy” cho đến nơi hành hình chỉ mất một vài phút. Bị quất bằng gậy, bị quát mắng đến mất hồn, mọi người bước đến cái sân thứ ba và trong giây lát họ đứng sững người lại.

    Trước mặt họ là một căn nhà đẹp xây bằng đá viền trang trí khung gỗ, bài thiết như một thánh đường cổ. Năm bậc thềm rộng bằng bê tông dẫn tới những cái cửa thấp nhưng rất rộng, đồ sộ và được trang trí đẹp. Bên lối vào có trồng cả hoa trong chậu. Xung quanh mọi thứ còn lại đều hỗn độn: có thể thấy hàng núi đất mới đào, một cái máy xúc khổng lồ đang ken két thả bộ hàm thép ngoạm lấy hàng tấn đất cát vàng, làm bốc lên một đám mây bụi giữa mặt đất và quầng sáng mặt trời. Tiếng gầm của cỗ máy đồ sộ, miệt mài đào suốt từ sáng đến tối để tạo nên những hố chôn tập thể khổng lồ, hòa lẫn với tiếng sủa dữ tợn của hàng chục con bẹc-giê Đức.

    Chạy dọc hai bên hông tòa nhà chết chóc đó, có các tuyến đường ray khổ hẹp mà trên đó những người đàn ông mặc bộ áo lao động liền quần rộng thùng thình đang đẩy mấy cái xe goòng loại tự đổ.

    Những cái cửa rộng của tòa nhà chết chóc từ từ mở ra, và hai phụ tá của Schmidt, xếp quản lý dây chuyền, xuất hiện trên lối vào. Chúng đều là những kẻ ác dâm và cuồng loạn – một tên cao, ba mươi tuổi, vai rộng, có gương mặt ngăm đen, hay cười, dễ hưng phấn vui vẻ và tóc đen; tên kia trẻ hơn, thấp hơn, tóc nâu, đôi gò má vàng vọt như thể vừa bồi một liều acrichine (hay quinarcine, dùng để chữa viêm ruột ký sinh, bệnh lupus ban đỏ). Chúng ta đã biết về tên họ, quốc tịch và lời thề trung thành của những kẻ phản bội nhân loại đó.

    Tên cao cầm một đoạn ống dẫn gas to tướng dài độ một mét và cái roi da, tên kia vũ trang một thanh gươm.

    Ngay lúc đó, bọn SS thả lũ chó đã được huấn luyện ra, chúng xông thẳng vào đám đông và cắn xé họ bằng hàm răng sắc nhọn đáng sợ. Bọn SS thì nện báng súng tiểu liên, lùa những phụ nữ đang sợ điếng người và hét lớn: “Schneller! Schneller!”.

    Bên trong tòa nhà là những tên phụ tá khác của Schmidt; chúng xua mọi người bước qua các cánh cửa mở sẵn để vào phòng hơi ngạt.

    Vào lúc đó, một trong những sĩ quan chỉ huy Treblinka là Kurt Franz xuất hiện bên tòa nhà, tay cầm sợi xích dắt theo con chó Barry của hắn. Hắn đã đặc biệt huấn luyện con chó này thói quen lao vào các nạn nhân, cắn đứt bộ phận sinh dục của họ. Kurt Franz rất hợp với công việc ở trại này, khởi đầu từ cấp hạ sĩ quan Waffen SS, hắn đã ngoi dần lên đến cấp bậc khá cao là Untersturmführer (Untersturmführer là cấp sĩ quan SS tương đương trung úy trong quân đội. Kurt thực tế là trại phó). Gã SS ba mươi lăm tuổi cao và gầy này không chỉ có năng khiếu tổ chức, hắn không chỉ mê thích công việc của mình và không thể tưởng tượng nổi bản thân nếu thiếu Treblinka, nơi mọi chuyện đều diễn ra dưới sự theo dõi không biết mệt mỏi của hắn – ở mức độ nào đó hắn là một lý thuyết gia và rất thích biện giải về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác của mình. Cần phải thấy trong những thời điểm khủng khiếp ấy khi phòng “hơi ngạt” ra đời thì dĩ nhiên cũng xuất hiện những kẻ nhân từ bênh vực cho chủ nghĩa Hitler trong số đám khán giả tai to mặt lớn như Đức Giáo hoàng và Mr. Brailsford (nhà báo cánh tả người Anh). Họ nên làm phong phú các thuyết giảng, sách vở và bài viết nhân từ của mình bằng những luận chứng mới. Và mỗi lần đề cập về chuyện này, Giáo hoàng, người đã cung kính im lặng quá mức trong khi Himmler thanh toán nợ nần với loài người, đáng ra nên biết số nhân viên của ngài có thể dồn được thành bao nhiêu chuyến tàu, và mất bao lâu để đưa đến Treblinka giải quyết toàn bộ người của ngài ở Vatican.

    Vĩ đại thay sức mạnh của tính người! Tính người mãi tồn tại cho tới lúc nào loài người còn sống. Và mỗi khi xuất hiện một thời kỳ ngắn ngủi nhưng khủng khiếp, thời kỳ mà lũ thú vật leo lên cai trị con người, con người, bị bầy thú vật giết hại, vẫn giữ được đến hơi thở cuối cùng sức mạnh tinh thần, tư duy trong sáng và hơi nóng tình yêu. Còn lũ súc vật đã giết người, dù đang chiến thắng hân hoan cũng vẫn chỉ là con vật. Trong sức mạnh tinh thần bất diệt của con người ấy có sự tuẫn tiết u buồn, thể hiện chiến thắng khải hoàn của con người sắp chết trước lũ súc vật sống. Chính vào những ngày tháng nặng nề của năm 1942 đó, xuất hiện ánh bình minh chiến thắng tất yếu đập tan cơn điên loạn của bầy thú vật, chiến thắng của cái thiện trước cái ác, của ánh sáng xua tan bóng đêm, của những lực lượng tiến bộ trước các thế lực *********. Một bình minh kinh hoàng chiếu qua bao cánh đồng máu và nước mắt, qua vực thẳm khổ đau, một bình minh vươn lên từ tiếng thét khi chết của bao bà mẹ và trẻ em, từ tiếng khò khè hấp hối của các cụ già.

    Lũ súc vật và thứ lý lẽ của lũ súc vật dường như báo trước buổi hoàng hôn của thế giới và Châu Âu, nhưng ráng chiều đỏ bầm không phải là màu của hoàng hôn đỏ, mà là màu máu đỏ của những người đã chết và chiến thắng bằng cách vẫn giữ được tính người khi chết. Con người vẫn mãi là con người, họ không chấp nhận thứ đạo đức và luật lệ của chủ nghĩa phát xít, họ chiến đấu chống lại nó bằng mọi cách, họ chiến đấu bằng cách chết mà vẫn giữ được tính người.

    Thật rúng động tận đáy sâu tâm hồn, đến mất ngủ và không thể thanh thản được khi nghe các câu chuyện về những người sống sắp đi vào cõi chết ở Treblinka cho đến phút cuối cùng vẫn giữ được không chỉ hình ảnh và hình dáng con người mà cả tâm hồn người! Các câu chuyện về những phụ nữ, cố gắng cứu mạng con trai mình và vì thế đã làm được các kỳ công vĩ đại trong tuyệt vọng, chuyện về những bà mẹ trẻ đã dấu và vùi đứa con còn bú mớm của mình dưới đống chăn và che chở chúng bằng cơ thể mình. Không ai biết và sẽ không bao giờ biết được tên tuổi của những bà mẹ ấy. Người ta kể về một cô bé mười tuổi đã dùng những lời lẽ khôn ngoan thánh thiện để an ủi cha mẹ mình đang thổn thức, kể về một cậu bé đã hét lớn trước cửa vào phòng hơi ngạt: “Đừng khóc nữa mẹ ơi, người Nga sẽ trả thù cho chúng ta!” Không ai biết và sẽ không bao giờ biết được tên tuổi của những cô cậu bé ấy. Người ta kể về chuyện có hàng chục người khi sắp bị giết đã cùng nhau chiến đấu chống lại cả một đám đông lính SS trang bị tiểu liên và lựu đạn – và hy sinh khi đang đứng thẳng, ngực mang hàng chục vết đạn. Người ta kể về một chàng trai đã dùng dao đâm tên sĩ quan SS, về một thanh niên, bị đưa tới đây từ khu ghetto Do Thái khởi nghĩa ở Varsava, đã làm được điều kỳ diệu là giấu một quả lựu đạn Đức – anh đã ném nó, khi mình đang trần như nhộng, vào giữa đám sát nhân. Người ta kể về một trận chiến kéo dài suốt đêm giữa nhóm người nổi dậy với các toán Wachmänner và SS. Đến sáng vẫn còn nghe thấy tiếng súng và lựu đạn nổ – và khi mặt trời lên, khắp khoảng sân rải đầy xác những người nổi dậy, và cạnh đó, cầm chặt trong tay – là những thanh gỗ bẻ từ hàng rào, con dao, lưỡi dao cạo. Cho tới bao lâu trái đất còn tồn tại, chúng ta vẫn sẽ không thể biết được tên tuổi những người đã hy sinh này. Người ta kể về một cô gái cao lớn, ở chỗ con đường “Bất hồi lộ” đã giằng lấy khẩu carbine từ tay tên Wachmänner và chống trả lại hàng chục xạ thủ SS. Có hai tên súc sinh bị giết chết trong trận chiến đó, tên thứ ba dập nát bàn tay. Cô gái bị tra tấn và hành quyết rất dã man. Không một ai biết tên của cô để ta có thể nhắc đến một cách kính trọng.

    Nhưng có phải thực sự như vậy? Chủ nghĩa Hitler đã tước mất của những con người ấy tổ ấm và cả mạng sống, nó muốn xóa sạch tên tuổi họ khỏi ký ức nhân loại. Nhưng tất cả bọn họ, cả những bà mẹ đã lấy thân mình che phủ cho con, những trẻ em đã gạt nước mắt cho cha mẹ, cả những người đã chống trả bằng dao và ném lựu đạn, đã ngã xuống trong trận chiến ban đêm, cả cô gái trần truồng kia, tựa như một vị nữ thần trong thần thoại Hy Lạp, một mình chiến đấu chống lại hàng chục đối thủ – tất cả họ, dù đã đi vào chốn hư vô, vẫn được vĩnh viễn ghi nhớ với cái tên gọi đẹp nhất, tên gọi mà bè lũ Hitler-Himmler không thể vùi đạp xuống đất đen – con người. Trên mộ chí cho họ Lịch sử sẽ viết: “Đây là nơi Con người yên nghỉ!”

    Cư dân làng Vulka, ngôi làng ở gần Treblinka nhất, kể rằng thỉnh thoảng có tiếng thét của phụ nữ bị giết nghe khủng khiếp đến mức cả làng không chịu nổi phải chạy vào một khu rừng thật xa để thoát khỏi những tiếng rú chói tai xuyên qua những vòm cây, qua bầu trời và mặt đất. Sau đó đột nhiên tiếng rú im bặt rồi lại đột ngột vang lên, nghe không kém phần thê thảm, the thé, nhức buốt đến thấu xương chói óc, xoáy sâu tận đáy linh hồn... Chuyện như vậy lặp lại ba – bốn lần mỗi ngày.

    Tôi đã hỏi một tên đồ tể bị bắt tên là Sh. về những tiếng thét đó. Hắn giải thích phụ nữ hét lên vào giây phút lũ chó được thả ra và toàn bộ đoàn người sắp chết bị lùa vào tòa nhà hành quyết. “Họ nhìn thấy cái chết trước mắt. Hơn nữa, ở đấy rất chen chúc chật chội, trong khi đám Wachmänner quật họ dữ dội và bầy chó thì xông vào cắn xé”.

    Bắt đầu một sự im lặng đột ngột khi cánh cửa phòng hơi ngạt đóng lại. Tiếng la hét của phụ nữ lại trỗi lên khi một nhóm mới bị đưa vào phòng hơi ngạt. Chuyện này lặp lại hai, ba, bốn, có khi tới năm lần mỗi ngày. Dẫu sao, trại hành hình Treblinka cũng không phải là một khu hành quyết bình thường. Nó là một khu hành hình kiểu dây chuyền, được tổ chức theo phương thức vận hành dây chuyền liên tục, lấy ý tưởng từ sản xuất công nghiệp quy mô lớn tiên tiến hiện đại.

    Và cũng như một tổ hợp công nghiệp thật sự, Treblinka không hình thành ngay lập tức như chúng ta đã mô tả. Nó được sinh ra từ từ, có phát triển và mọc lên những phân xưởng mới. Thoạt đầu có ba phòng hơi ngạt được xây dựng với kích cỡ nhỏ. Trong lúc đang xây các phòng này đã có nhiều chuyến tàu tới đây, và do phòng chưa sử dụng được nên tất cả những người tới đều bị giết bằng vũ khí lạnh – rìu, búa, dùi cui. Bọn SS không muốn tiếng súng làm lộ những gì đang diễn ra ở Treblinka cho những cư dân sống xung quanh. Ba căn phòng bê tông đầu tiên có kích thước không lớn, 5m x 5m, tính ra mỗi phòng rộng hai mươi lăm mét vuông. Chiều cao phòng là 190 cm. Mỗi phòng có hai cửa – một để đưa người sống vào, cửa thứ hai dùng để lôi các xác chết sau khi bị hơi ngạt ra. Cái cửa thứ hai này rất rộng, tới khoảng hai mét rưỡi. Các phòng hơi ngạt nằm cạnh nhau trên cùng một mặt nền.

    Ba phòng hơi ngạt này không đáp ứng được công suất yêu cầu mà Berlin đặt ra cho trại hành hình công nghiệp.

    Ngay sau đó chúng khởi công xây dựng tòa nhà vừa mô tả ở trên. Bọn cầm đầu ở Treblinka rất tự hào vì đã vượt xa được công suất, khả năng đáp ứng và diện tích sàn sản xuất của nhiều nhà máy giết người khác của Gestapo: hơn cả Maidanek, cả Sabibur lẫn Belzits.

    Bảy trăm tù lao động suốt năm tuần liền để xây dựng cái tổ hợp giết người mới này. Giữa lúc việc thi công đương hồi sôi động nhất, một chuyên gia từ Đức cùng với nhóm cộng sự của mình đã tới đây bắt tay vào lắp đặt thiết bị. Các phòng hơi ngạt mới, tổng cộng mười phòng tất cả, được bố trí đối xứng hai bên của dãy hành lang bêtông rất rộng. Trong mỗi phòng, giống như với ba phòng trước đây, bố trí hai cửa – cửa đầu tiên mở ra hành lang để đưa người sống vào; cửa thứ hai, bố trí song song cửa thứ nhất, nằm trên bức tường đối diện, dùng để lôi các xác người bị hơi ngạt ra. Những cửa này mở ra hai cái sân đặc biệt nằm đối xứng hai bên tòa nhà. Dọc trên các sân này là những tuyến đường ray khổ hẹp. Theo cách này, các xác chết được xếp đống trên sân rồi từ đó mau chóng được chất lên các xe goòng, chở tới những cái hố chôn mênh mông, đang được các máy xúc khổng lồ đào thêm suốt ngày suốt đêm. Sàn phòng hơi ngạt được làm dốc từ phía hành lang đổ ra sân, điều này đẩy nhanh đáng kể việc lấy xác khỏi phòng. Trong các phòng hơi ngạt cũ việc dọn xác rất thủ công: chúng được khiêng đi trên cáng hay buộc dây kéo ra. Kích thước mỗi phòng hơi ngạt mới là 7m x 8m, nhân ra là năm mươi sáu mét vuông. Tổng diện tích mười phòng mới là năm trăm sáu mươi mét vuông, cộng thêm với ba phòng cũ vẫn còn được dùng cho những chuyến ít người, toàn bộ diện tích sản xuất tại Treblinka là sáu trăm ba lăm mét vuông. Mỗi phòng chất đồng thời bốn trăm – sáu trăm người. Do đó, khi hoạt động hết công suất, mười phòng cùng một lúc có thể tiêu diệt bốn – sáu ngàn người. Tính bình quân các phòng của địa ngục Treblinka được chất tải ít nhất hai – ba lần mỗi ngày (có những ngày chúng phải chất tải đến sáu lần). Một ước lượng dè dặt cho thấy chỉ cần mỗi ngày các phòng hơi ngạt mới vận hành hai lần thì có nghĩa là mỗi ngày có mười ngàn người chết, và mỗi tháng là ba trăm ngàn người. Treblinka hoạt động liên tục hàng ngày trong suốt mười ba tháng trời cho tới lúc chấm dứt. Nhưng thậm chí nếu chúng ta trừ đi chín mươi ngày do ngừng và sửa chữa, và do chậm trễ khi vận chuyển đường sắt, chúng ta vẫn còn mười tháng trời hoạt động liên tục. Nếu trung bình mỗi tháng ba trăm ngàn, vậy thì trong mười tháng số người bị giết có lẽ là ba triệu. Một lần nữa chúng ta đi đến cùng một con số: ba triệu – con số chúng ta đã tính được trước đây thông qua việc thận trọng ước lượng ở mức thấp số người bị đưa bằng tàu hỏa tới Treblinka. Chúng ta sẽ quay lại con số này một lần thứ ba.

    Thời gian để giết người trong phòng là từ mười tới hai mươi lăm phút. Ban đầu, khi các phòng mới lần đầu được sử dụng và bọn đao phủ chưa xác định được cách dùng hơi ngạt hiệu quả nhất và đang thử nghiệm liều lượng các loại chất độc, những nạn nhân đã phải chịu các cực hình khủng khiếp, đau đớn ngắc ngoải suốt hai–ba tiếng liền. Trong những ngày đầu tiên hệ thống vận hành khá kém ở bộ phận quạt gió và hút khí, và do đó các nạn nhân phải chịu đau đớn ghê gớm suốt tám đến mười tiếng. Để giết người buộc phải dùng đến các cách khác: thổi vào phòng khói thải của chiếc động cơ xe tăng hạng nặng, được dùng để chạy trạm điện của Treblinka. Thứ khói thải đó chứa hai đến ba phần trăm carbon monixide, khi kết hợp với hemoglobin trong máu sẽ tạo ra một phức hợp bền vững được gọi là carboxyhemoglobin. Carboxyhemoglobin này bền hơn nhiều tổ hợp oxy và hemoglobin được tạo ở nang phổi trong quá trình hô hấp. Chỉ trong mười lăm phút toàn bộ hemoglobin của người sẽ bị kết hợp chặt với carbon monixide, và toàn bộ hô hấp của người ấy sẽ thành “vô ích” – oxy sẽ không còn được tải vào cơ thể, xuất hiện các dấu hiệu của nghẹt thở: tim đập điên cuồng đưa máu vào phổi, nhưng carbon monixide đã đầu độc máu khiến chúng không thể lấy oxy từ không khí. Hít thở đến khản cả đi, xuất hiện hiện tượng ngạt thở thật đau đớn, mê man dần, và họ sẽ chết giống như bị thắt cổ.

    Phương pháp giết người thứ hai thường dùng ở Treblinka, được phổ biến áp dụng rộng rãi nhất, là dùng những máy bơm đặc biệt để rút không khí ra khỏi phòng. Với phương pháp này cái chết xảy ra cũng cùng nguyên do như bị đầu độc khí carbon monoxide: con người bị rút mất oxy. Và cuối cùng, phương pháp thứ ba, ít dùng hơn nhưng vẫn được áp dụng, là giết người bằng hơi nước; phương pháp này cũng dựa trên việc rút oxy khỏi cơ thể: hơi nước đẩy không khí tươi ra khỏi phòng. Chúng đã dùng đến nhiều loại khí độc, nhưng chỉ là trên thử nghiệm; các phương pháp được áp dụng ở quy mô công nghiệp là hai phương pháp thứ nhất và thứ hai kể trên.

    Đó là toàn bộ quy trình mà dây chuyền ở Treblinka vận hành, theo đó lũ súc vật lần lượt cướp đi của con người tất cả những gì họ có được kể từ thời hồng hoang.

    Thoạt tiên con người bị cướp mất tự do, mái ấm, tổ quốc và bị đưa tới bãi đất hoang vô danh nằm giữa rừng. Sau đó anh ta bị cướp đi vật dụng, thư từ, ảnh chụp những người thân yêu của mình ở chỗ sân ga, bị cướp đi mẹ, vợ, con cái ở ngay tường rào trại. Sau đó con người đã bị lột trần truồng lại bị tước hết giấy tờ tùy thân ném vào lửa: anh ta bị cướp đi tên tuổi của mình. Anh ta bị lùa đi giữa cái hành lang với vòm trần xây đá thấp lè tè – con người ấy bị cướp mất bầu trời, những vì sao, bị cướp mất làn gió, bị cướp mất mặt trời.

    Và rồi đã tới màn cuối tấn bi kịch của con người – con người bước vào tầng cuối cùng của địa ngục Treblinka.

    Cánh cửa của căn phòng bê tông đóng sầm lại. Cửa được bảo vệ bởi kết hợp nào là khóa, cái then khổng lồ, chốt kẹp và móc cài. Nó không thể bị phá vỡ được.

    Liệu chúng tôi có đủ can đảm để mô tả lại những gì mọi người đã cảm thấy, đã trải qua trong những giây phút cuối cùng trong phòng hơi ngạt? Chúng ta chỉ biết giờ đây họ không còn có thể kể được nữa... Chật chội khủng khiếp đến gãy cả xương và ngực bị ép chặt đến không thở nổi, họ đứng sát nhau, đổ những giọt mồ hôi cuối cùng, dính nhơm nhớp đầy chết chóc, họ đứng như là cùng một con người. Có ai đó, có lẽ là một người lớn tuổi đầy khôn ngoan, đã ráng sức thốt lên: “Cũng an ủi, thế là sắp chấm hết”. Có ai đó hét lên một lời nguyền rủa độc địa… Và chẳng lẽ nào lời nguyền rủa đó lại không thiêng… Người mẹ với nỗ lực phi thường đã lách được một khe hẹp cho đứa con nhỏ của mình – miễn là hơi thở trước khi chết của con ít nhất được nhẹ bớt một phần triệu lần nhờ sự chăm sóc lần cuối này của mẹ. Cô gái cất tiếng thều thào hỏi: “Tại sao lại phải chết ngạt, sao tôi không được yêu và có con cái?” Chóng mặt, cổ họng khô nghẹn lại. Hình ảnh gì đang lướt qua trước đôi mắt đã đờ ra như thủy tinh của con người sắp chết? Thời thơ ấu, những ngày tháng yên bình hạnh phúc, hay chuyến đi cuối cùng đầy nặng nhọc? Trước mắt họ thấp thoáng khuôn mặt nhạo báng của tên SS ở chỗ cái sân đầu tiên cạnh nhà ga. “Thế là rõ tại sao lúc đó hắn lại cười”. Mọi người ngất dần đi, và tiến tới gần cái giây phút khủng khiếp, tới nỗi thống khổ cuối cùng… Không, tôi không thể tưởng tượng tiếp những gì đã xảy ra trong căn phòng đó nữa… Những xác chết đang đứng hóa lạnh dần. Theo lời các nhân chứng thì trẻ con còn thở được lâu nhất. Sau khoảng hai mươi – hai lăm phút bọn thuộc hạ của tên Schmidt sẽ đến nhòm vào cái lỗ quan sát. Đã đến lúc mở cái cửa thứ hai, cái cửa dẫn ra sân. Đám tù mặc bộ quần áo bảo hộ liền quần, dưới sự thúc giục ồn ào của bọn SS, sẽ bắt tay vào việc dỡ xác. Do sàn phòng dốc thoải về phía sân, rất nhiều xác tự động lăn ra. Những người từng làm trong đội dỡ xác khỏi phòng kể cho tôi rằng, mặt người chết hóa vàng ệch và khoảng bảy mươi phần trăm số người bị giết có một chút máu rỉ ra ở mũi và mồm. Các nhà sinh lý học chắc chắn có thể giải thích về điều này.

    Bọn SS vừa trò chuyện vừa kiểm tra các xác chết. Nếu có ai đó còn sống, rên rỉ hay cử động, chúng sẽ rút súng lục bắn chết. Sau đó có một đội, trang bị kìm nhổ răng, đến nhổ những chiếc răng bịt vàng và bạch kim khỏi miệng các xác chết đang nằm chờ được dỡ đi. Những chiếc răng này sau đó được phân loại tùy theo giá trị, đóng vào hộp và gửi về Đức. Ví thử vì lý do gì đấy bọn SS thấy có lợi hay thuận tiện hơn nếu vặn răng khi người ta còn sống, chắc chắn chúng sẽ chẳng ngần ngại gì mà làm vậy, cũng giống như khi chúng cắt tóc trên đầu các phụ nữ còn sống. Nhưng rõ ràng là vặn răng người chết thì dễ dàng và thuận lợi hơn.

    Các xác chết được chất lên xe tải và chở tới những hố chôn tập thể khổng lồ. Tại đó họ bị xếp thành từng lớp, người này nằm sát người kia. Cái hố đó được để nguyên không lấp đất, nó vẫn còn chờ. Vào thời điểm vừa bắt đầu bốc dỡ phòng hơi ngạt, tay Scharführer phụ trách vận chuyển nhận một mệnh lệnh ngắn gọn qua điện thoại. Tay Scharführer thổi một hồi còi ra tín hiệu cho thợ lái tàu, và một đoàn hai mươi toa mới lại từ từ lăn vào cái sân ga, nằm cạnh nhà ga giả Ober-Maidan. Ba – bốn ngàn con người nữa, xách vali, tay nải, những gói thực phẩm, lại tiếp tục bước ra sân ga.

    Những bà mẹ bế con nhỏ trên tay, đám trẻ lớn nép sát vào cha mẹ, chăm chú quan sát. Có cái gì đó đáng lo và rất dễ sợ tại khoảng sân đã bị hàng triệu bàn chân dẫm đạp này. Và tại sao tuyến đường ray lại kết thúc ở ngay chỗ sân ga, tại sao chỉ thấy mỗi đám cỏ vàng úa và hàng rào thép gai cao ba mét trải dài…

    Quá trình tiếp nhận đoàn người mới tới được tính toán chặt chẽ, sao cho bọn họ bước vào “Bất hồi lộ” ngay kịp lúc những xác chết cuối cùng trong phòng hơi ngạt vừa được chuyển vào hố chôn. Cái hố để nguyên không lấp đất, nó vẫn còn chờ.

    Và sau một thời gian ngắn lại vang lên tiếng còi của tên Scharführer, và một đoàn hai mươi toa khác lại rời khỏi khu rừng, từ từ lăn bánh vào sân ga. Hàng ngàn người mới xách vali, tay nải và những gói thực phẩm lại bước ra sân ga, mắt nhìn quanh. Có cái gì đó đáng lo và rất khủng khiếp ở khoảng sân này, đã bị hàng triệu bàn chân dẫm đạp…

    Còn tên trưởng trại, ngồi trong phòng điều hành giữa đống giấy tờ và bảng biểu, sẽ điện thoại tới nhà ga Treblinka, và trên tuyến đường tránh, một đoàn tàu sáu mươi toa, được áp tải bởi đám lính gác SS trang bị trung liên và tiểu liên, lại ken két, rầm rầm lăn bánh, bò dọc dải đường sắt khổ hẹp quen thuộc nằm giữa hai hàng thông.

    Những chiếc máy xúc vẫn làm việc, gầm rú, đào suốt ngày đêm những hố chôn mới khổng lồ dài hàng trăm mét và sâu nhiều mét tối tăm. Những hố chôn được để nguyên không lấp. Chờ đợi. Và chúng không phải đợi lâu.

    II
    Cuối mùa đông 1942-1943 Himmler đến Treblinka, đi cùng một nhóm sĩ quan Gestapo cộm cán. Nhóm Himmler đến khu vực trại bằng máy bay, sau đó đi trên hai chiếc ôtô con vào trại theo cổng chính. Phần lớn đám khách đều mặc quân phục, nhưng một số tên, có lẽ là bọn chuyên gia bởi mặt mũi trông có vẻ dân sự – mặc áo khoác lông và đội mũ phớt. Himmler đích thân đi thị sát khu trại, và một người đã thấy hắn kể cho chúng tôi rằng tên bộ trưởng thần chết đã tới bên một hố chôn khổng lồ và im lặng nhìn xuống đó rất lâu. Đám tùy tùng đứng cách đó không xa quay mặt về phía hắn và chờ trong khi Heinrich Himmler trầm ngâm trước cái huyệt mộ khổng lồ, đã đầy xác đến quá nửa. Treblinka là cái xí nghiệp quan trọng nhất của tổ hợp công nghiệp Himmler. Máy bay chở ngài SS Reichsführer bay đi ngay trong ngày hôm ấy. Trước khi rời Treblinka, Himmler ra một mệnh lệnh cho ban chỉ huy trại khiến tất cả đều bối rối – cả Hauptsturmführer (đại úy SS) Baron von Pfein, cả Korol cấp phó của hắn lẫn đại úy Franz: phải lập tức đào các xác chết đã chôn lên, thiêu hủy tất cả không bỏ sót một người nào, mang hết tro và than cốt khỏi trại và rải ra các cánh đồng và mặt đường. Đến lúc đó đã có hàng trăm ngàn xác chết được vùi xuống đất nên nhiệm vụ này là phức tạp và khó khăn vô cùng. Đồng thời mệnh lệnh này cũng có nghĩa là không được chôn những người vừa bị giết bằng hơi ngạt nữa mà phải thiêu ngay tức khắc. Điều gì đã khiến Himmler tới đây kiểm tra và ra một mệnh lệnh cá nhân cụ thể, mang một tầm quan trọng đến như vậy? Chỉ có thể có duy nhất một lý do – chiến thắng của Hồng quân tại Stalingrad. Rõ ràng, chính sức mạnh khủng khiếp của cuộc phản công của quân Nga bên sông Volga đã khiến chỉ trong có vài ngày những kẻ ở Berlin phải lần đầu tiên suy nghĩ về trách nhiệm, về sự trừng phạt, về sự báo thù, đã khiến đích thân Himmler phải bay đến Treblinka và ban hành mệnh lệnh khẩn cấp phi tang vết tích của những tội ác được thực hiện cách Varsava sáu mươi cây số. Âm hưởng này bắt nguồn từ đòn tấn công mạnh mẽ của quân Nga trút lên đầu quân Đức bên bờ sông Volga.

    Ban đầu, việc đốt xác tiến hành hoàn toàn không suôn sẻ – những xác chết không tài nào bắt cháy được: thực tế người ta nhận thấy rằng xác phụ nữ bốc cháy dễ hơn... Đã có một cố gắng thử dùng xác phụ nữ để châm mồi cho xác đàn ông. Phải sử dụng một lượng lớn ét-xăng và dầu hỏa để đốt xác, nhưng như thế thì rất tốn kém mà hiệu quả lại thấp. Tưởng như mọi việc đã lâm vào ngõ cụt thì đột nhiên xuất hiện một giải pháp. Từ Đức gửi đến đây một gã SS, người ngợm chắc nịch và trên năm mươi tuổi, là một chuyên gia bậc thầy. Chế độ Hitler không chỉ sản sinh ra những chuyên gia như chuyên gia giết chết trẻ nhỏ, chuyên gia bóp cổ, chuyên gia về xây dựng phòng hơi ngạt, chuyên gia về tổ chức hủy diệt một cách khoa học các thành phố lớn chỉ trong vòng một ngày. Chế độ này còn tìm ra được một chuyên gia về khai quật và thiêu hủy xác chết.

    Dưới sự chỉ đạo của hắn các lò thiêu xác bắt đầu được xây dựng. Đó là một kiểu lò thiêu đặc biệt, bởi cả lò của trại Maidanek gần Lublin, hay bất cứ lò thiêu lớn nhất nào trên thế giới cũng sẽ không đủ khả năng thiêu hủy số lượng khổng lồ xác chết trong khoảng thời gian ngắn như vậy. Chiếc máy xúc đào một con hào – chiều dài hào khoảng hai trăm năm mươi tới ba trăm mét, chiều rộng hai mươi tới hai lăm mét, sâu sáu mét. Ở đáy hào dọc theo toàn bộ chiều dài của nó có lắp đặt ba hàng cột bêtông cốt thép khoảng cách đều nhau, chiều cao so với đáy hào là khoảng một mét tới một mét hai. Những cây cột này đỡ các thanh xà thép chạy dọc theo suốt chiều dài hố. Trên các thanh xà này có rải đều những thanh ray nằm ngang, cách nhau khoảng năm tới bảy xăng-ti-mét. Tất cả kết cấu này tạo thành một lò thiêu khổng lồ quái dị, trên đó đặt mới một tuyến đường ray khổ hẹp dẫn từ các hố chôn tập thể tới cái hào đốt xác. Chẳng bao lâu sau lò thiêu thứ hai và tiếp theo là lò thứ ba cũng được xây dựng với cùng kích cỡ. Trong mỗi vỉ nướng thế này cùng một lúc có thể xếp được ba ngàn rưởi đến bốn ngàn cái xác.

    Chiếc máy xúc khổng lồ thứ hai “Bager” được đưa tới đây, và ngay sau đó là chiếc thứ ba. Công việc được thực hiện suốt cả ngày lẫn đêm. Những người từng tham gia việc thiêu xác kể lại rằng những chiếc lò trông như các miệng núi lửa khổng lồ, hơi nóng khủng khiếp của nó thiêu sém mặt mũi những người làm việc xung quanh, ngọn lửa bốc lên cao tám đến mười mét, những cột muội khói đen dày đặc và dính nhơm nhớp bốc lên tận trời cao và cứ lơ lửng ở đấy, tạo thành một cái vòm nặng nề, bất động trên không trung. Những người sống ở các làng lân cận nhìn thấy vòm lửa này từ cách đó ba mươi – bốn mươi cây số, nó vươn cao hơn cả đỉnh những rừng thông quanh trại. Mùi thịt người cháy tỏa khắp khu vực xung quanh. Mỗi khi gió thổi về phía khu trại Ba Lan (tức Trại số 1), nằm cách đó ba cây số, mọi người đều phát nghẹt thở trước cái mùi khủng khiếp đó. Công việc thiêu xác sử dụng khoảng tám trăm tù nhân – vượt xa số người làm trong những lò cao hay xưởng luyện thép của bất cứ tổ hợp sản xuất kim loại khổng lồ nào. Phân xưởng quái đản đó làm việc suốt ngày đêm trong tám tháng trời mà vẫn không thể đốt hết hàng trăm ngàn xác người. Mặc dù vậy, suốt thời gian đó vẫn có những đoàn người mới bị chở đến để giết bằng hơi ngạt, làm tăng thêm khối lượng công việc.

    Có những chuyến tàu đến từ Bulgaria, bọn SS và Wachmänner rất khoái mỗi khi thấy họ: bị lừa gạt bởi bọn Đức và sau đó bởi chính phủ Bulgaria thân Quốc xã, những người này, không biết chút gì về số phận đang chờ mình phía trước, đã mang theo một lượng lớn tài sản có giá trị và rất nhiều thức ăn ngon lành, có cả bánh mì trắng. Sau đó có các chuyến tàu đến từ Grodno và Bielostok, tiếp theo là các chuyến tàu từ khu ghetto Do Thái khởi nghĩa ở Varsava, và một chuyến tàu chở những nghĩa quân Ba Lan – là nông dân, công nhân, binh lính. Có một đoàn người digan đến từ Bessarabia, gồm hai trăm đàn ông cùng tám trăm phụ nữ và trẻ em. Người digan đi bộ tới, kéo lê thê phía sau là một đoàn xe ngựa; họ cũng bị lừa gạt và tới đây cả ngàn người dưới sự áp tải của chỉ có hai lính canh, và bản thân các lính canh này cũng không hề biết rằng mình đang dẫn những người này tới chỗ chết. Người ta kể rằng những phụ nữ digan đã vỗ tay thán phục khi nhìn thấy tòa nhà đẹp có các phòng hơi ngạt, và cho tới phút cuối cùng cũng không hề biết gì về số phận đang chờ đợi họ. Điều này đã khiến bọn Đức đặc biệt khoái chí. Bọn SS hành hạ vô cùng tàn bạo những người bị đưa tới đây từ ghetto khởi nghĩa ở Varsava. Phụ nữ và trẻ em bị tách ra khỏi đoàn và bị đưa không phải vào phòng hơi ngạt mà thẳng ra nơi thiêu xác. Phát điên vì khiếp đảm, những bà mẹ bị thúc phải dẫn con mình vào giữa giàn thiêu nóng cháy, nơi có hàng ngàn xác chết cháy hừng hực và bốc khói đang biến dạng, nơi có những cái xác quằn quại và uốn éo như thể đang sống lại, có cả những xác phụ nữ mang thai nổ tung ổ bụng vì sức nóng và những hài nhi bị giết khi chưa sinh bốc cháy ngay trên ổ bụng vỡ toác của người mẹ. Cảnh tượng này đủ để biến những người cứng rắn nhất trở nên hoàn toàn mất trí, nhưng bọn Đức đã trù tính chính xác rằng tác động của nó sẽ mạnh hơn gấp trăm lần với những bà mẹ đang cố gắng lấy tay che mắt đứa con mình. Đám trẻ con túm lấy mẹ và cuống cuồng la hét: “Mama, bọn họ sẽ làm gì chúng ta, định thiêu chúng ta sao?” Dante không thể tưởng tượng ra bất cứ cảnh nào tương tự thế này để đưa vào mô tả của mình về địa ngục.
    Sau một hồi giải trí với trò này, cuối cùng bọn Đức cũng thiêu chết lũ trẻ.

    Thật vô cùng nặng nề khi phải đọc những trang viết này. Xin độc giả hãy tin tôi, tôi cũng nặng nề không kém khi ngồi viết nó ra. Có lẽ sẽ có người nào đó đặt câu hỏi: “Tại sao phải viết nó ra, nhớ làm gì tất cả những chuyện này?”

    Trách nhiệm của nhà văn là phải nói ra sự thật khủng khiếp này, còn trách nhiệm công dân của người đọc là phải nhận thức lấy nó. Tất cả những ai quay lưng bịt mắt và bỏ qua điều này đều là lăng mạ vong linh những người đã khuất. Bất cứ ai không biết trọn vẹn về sự thật sẽ không bao giờ hiểu được kẻ thù của chúng ta là ra sao, không hiểu được Hồng quân vĩ đại và thiêng liêng của chúng ta đã phải chiến đấu một mất một còn với bầy quái vật như thế nào.

    Bọn SS ở Treblinka cũng bắt đầu cảm thấy nhàm chán. Quá trình đưa các nạn nhân vào phòng hơi ngạt không còn làm chúng thấy hứng thú nữa. Khi việc thiêu hủy xác bắt đầu, bọn SS quanh quẩn hàng giờ liền bên các hố thiêu; cảnh mới mẻ này khiến chúng thấy thú vị. Tay chuyên gia vừa đến từ Đức đi lại giữa các hố thiêu suốt từ sáng đến tối, luôn có vẻ phấn khởi và nói rất nhiều. Người ta kể rằng chưa một ai trông thấy hắn nhăn nhó hay thậm chí là nghiêm nghị; lúc nào hắn cũng cười. Khi các xác chết rơi xuống các thanh dầm của vỉ thiêu, hắn thường nói: “Vô tội, vô tội.” Đó là câu ưa thích của hắn.

    Đôi khi bọn SS tổ chức một kiểu đi picnic bên các hố thiêu; chúng thường ngồi ở đầu hướng gió bên hố, uống rượu, ăn nhậu và ngắm lửa cháy. “Bệnh xá” cũng được cách tân lại. Trước đây người bệnh được đưa vào một khu rào lại bằng những khúc cành cây, tại đấy họ được tiếp bởi tên “bác sĩ” giả hiệu và bị hắn giết chết. Xác những người già và người bệnh bị giết đặt trên cáng được khiêng tới hố chôn tập thể. Về sau này cái hố được đào thành vòng tròn. Bao quanh hố, như vây quanh sân vận động, là những hàng ghế thấp được xếp sát mép hố đến mức người nào ngồi trên ghế sẽ ở ngay trên miệng hố. Dưới đáy hố đặt sẵn các vỉ thiêu xác. Những người bệnh và già yếu được đưa đến “Bệnh xá”, rồi các “y tá vệ sinh viên” sẽ xếp họ ngồi trên ghế, quay mặt vào đống lửa từ xác người. Sau khi thưởng thức cảnh này một lát, bọn man rợ Quốc xã bắn vào những chiếc gáy bạc phơ, vào những tấm lưng cong oằn của người đang ngồi chờ: người chết và bị thương rơi thẳng vào đống lửa.

    Chúng ta vẫn nghe về óc hài hước vụng về của người Đức và thường đánh giá nó không cao. Nhưng ai trong số những người sống trên quả đất này có thể tưởng tượng nổi óc hài hước của bọn SS ở Treblinka, tưởng tượng ra những kiểu giải trí hay trò đùa cợt của bọn SS?

    Chúng tổ chức các trận đá bóng giữa những đội của các nạn nhân, bắt họ phải chơi trò cút bắt, tổ chức dàn đồng ca của những nạn nhân. Gần dãy cư xá bọn Đức lập ra một vườn thú nhỏ, trong chuồng nuôi mấy con thú hoang trong rừng – sói và cáo hoang, trong khi bầy thú ăn thịt đê tiện và đáng sợ nhất có thể tìm thấy trên trái đất lại được đi lại tự do, ngồi trên các băng ghế bằng gỗ bạch dương và nghe nhạc. Thậm chí có kẻ còn viết một bài hát đặc biệt cho các nạn nhân, bài “Treblinka”, với lời lẽ như sau:
    “Für uns giebt heute nur Treblinka,
    Das unser Schiksal ist …”
    (Chúng tôi không còn đâu ngoài Treblinka, đó đã là số phận tôi rồi)
    Những người đẫm máu vài phút trước khi chết cũng bị buộc phải tập đồng ca mấy bài tình ca Đức ngu ngốc:
    “Ich brach das Blumelein
    Und schenkte es dem Schönste
    Geliebte Mädelein …”
    (Tôi hái một đóa hoa và tặng nó cho người yêu xinh đẹp của tôi...)
    ALPHA3, kuemhoito, T_80_U3 người khác thích bài này.
  3. danngoc

    danngoc Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    24/08/2004
    Bài viết:
    3.760
    Đã được thích:
    1.327
    Tên chỉ huy trưởng trại chọn trong một đoàn người lấy vài đứa bé, giết chết cha mẹ chúng, mặc cho lũ trẻ những bộ quần áo đẹp nhất, nhồi nhét kẹo bánh cho chúng, chơi với chúng, và rồi vài ngày sau khi đã chán trò này, hắn ra lệnh giết chết lũ trẻ.[/COLOR][/SIZE][/FONT]

    Bọn Đức cho một cụ ông đầu đội tấm khăn lễ và hộp đựng kinh thánh đến đứng cạnh cái nhà xí và ra lệnh cho ông không được cho phép mọi người ở trong đó lâu quá ba phút. Một cái đồng hồ báo thức được đeo trên ngực ông lão. Bọn Đức thường nhìn tấm khăn lễ trên đầu ông rồi phá ra cười. Đôi khi bọn Đức bắt những cụ già Do Thái ra cầu nguyện cho một lễ tang được dàn xếp dành cho những người đã bị sát hại, chúng đứng theo dõi tất cả các bước nghi lễ truyền thống. Thậm chí chúng còn cho dựng cả bia mộ – nhưng một thời gian sau chúng lại đào huyệt, bới xác chết lên và phá hủy bia mộ đi.

    Một trong các trò giải trí chính của chúng là cưỡng bức và trêu ghẹo những thiếu nữ và thiếu phụ trẻ đẹp chọn ra từ mỗi chuyến tàu chở nạn nhân. Sáng hôm sau, chính những tên cưỡng hiếp dẫn họ đến phòng hơi ngạt. Trò tiêu khiển của bọn SS ở Treblinka là thế đó, cái lũ rường cột của chế độ Hitler và là niềm tự hào của bọn phát xít Đức.

    Đến đây ta cần phải nhấn mạnh rằng lũ súc sinh đó tuyệt nhiên không phải là loại tự động tự giác đi thực hiện ý muốn của kẻ khác. Mọi nhân chứng đều để ý thấy tất cả bọn chúng có một đặc điểm: thích tranh luận về lý luận và triết học. Tất cả bọn chúng đều có điểm yếu là thích phát biểu và diễn thuyết trước đám nạn nhân, thích huênh hoang trước mặt họ và giải thích ý nghĩa cùng tầm quan trọng đối với tương lai của những gì đang diễn ra ở Treblinka. Tất cả bọn chúng đều tin tưởng chân thành và sâu sắc rằng mình đang làm những việc đúng đắn và cần thiết. Chúng giảng giải cặn kẽ về sự vượt trội của chủng tộc Đức trước các dân tộc khác, chúng kể lể tràng giang đại hải về dòng máu Đức, về tính cách Đức, về sứ mệnh của người Đức. Niềm tin của chúng đã được trình bày trong các cuốn sách của Hitler, Rosenberg, trong những sách bỏ túi và bài báo của Goebbels.

    Sau giờ làm việc và sau những trò giải trí như đã kể trên, chúng lăn ra ngủ ngay lập tức, không hề lo lắng mộng mị. Lương tâm chúng không bao giờ cắn rứt, chỉ có thể bởi vì chúng làm gì có lương tâm. Chúng tập thể dục, thường xuyên theo dõi sức khỏe của mình, chăm chỉ uống sữa mỗi sáng, hết sức quan tâm đến tiện nghi sinh hoạt cho mình, bố trí quanh nhà chúng đủ cả mảnh vườn nhỏ, luống hoa rực rỡ và nhà ngồi hóng mát. Vài lần mỗi năm, chúng quay về Đức để nghỉ phép bởi cấp trên của chúng nghĩ công tác “sản xuất” của chúng rất độc hại nên chu đáo giữ gìn sức khỏe cho chúng. Mỗi khi về thăm nhà, chúng đi loanh quanh đầu ngẩng cao và không hé lời nào về công việc của chúng, không phải vì chúng xấu hổ mà đơn giản là vì tính kỷ luật, chúng không dám vi phạm cam kết và lời tuyên thệ trang trọng. Và khi chúng khoác tay vợ đi dạo buổi chiều tới rạp chiếu phim và phá ra cười lớn, khua vang đôi ủng đế sắt, thật khó để phân biệt chúng với những công dân bình thường nhất. Nhưng chúng là lũ súc vật với ý nghĩa xấu xa nhất của từ này – lũ súc vật SS.

    Mùa hè năm 1943 ở vùng này thời tiết nóng một cách bất thường. Trời không mưa, không mây, không có gió trong nhiều tuần liền. Công việc thiêu xác được tăng tốc tối đa. Trong khoảng sáu tháng liên tục các lò thiêu cháy hừng hực suốt ngày đêm, nhưng cũng mới chỉ thiêu được hơn phân nửa số xác chết.

    Các tù nhân tham gia công việc đốt xác không chịu nổi những dằn vặt khủng khiếp cả về tinh thần lẫn thể xác, mỗi ngày có từ mười lăm tới hai mươi người bọn họ tự sát. Nhiều người tự tìm đến cái chết bằng cách cố tình vi phạm các quy định của nội quy.

    “Được ăn một viên đạn quả là quá sang trọng” – Kosowski, một thợ làm bánh đã trốn được khỏi trại nói với tôi. Mọi người nói rằng với những ai bị đưa đến Treblinka, sống còn vạn lần khủng khiếp hơn cái chết.

    Tro và than người chết bị chở ra ngoài hàng rào trại. Nông dân làng Vulka bị bọn Đức huy động đi hốt tro than lên xe ngựa rồi đem đổ dọc con đường dẫn từ trại tử thần này tới trại trừng giới Ba Lan. Sau đó đám tù trẻ con dùng xẻng trải đều thứ tro ấy lên trên mặt đường. Thỉnh thoảng chúng tìm thấy trong mớ tro những đồng tiền vàng hay răng vàng đã bị nấu chảy. Những đứa trẻ này được gọi là “Lũ trẻ của con đường đen”. Tro than khiến con đường đen kịt như một dải băng tang. Bánh ôtô nghiến lên đó phát ra tiếng lạo xạo đặc trưng, và khi chạy xe trên đó, tôi luôn nghe dưới vòng bánh xe có tiếng loạt xoạt buồn bã, khe khẽ, tựa như một lời than van rụt rè yếu ớt.

    Dải băng tang bằng tro than đen kịt đó, vắt qua các khu rừng và cánh đồng kéo từ trại tử thần đến trại Ba Lan, trông như một biểu tượng bi thảm cho những số phận khủng khiếp giáng chung xuống nhiều dân tộc đã gục ngã dưới lưỡi rìu đao phủ của nước Đức Hitler.

    Những người nông dân phải liên tục vận chuyển tro và than từ suốt mùa xuân 1943 cho tới tận mùa hè 1944. Mỗi ngày có hai mươi xe ngựa tham gia công việc, và mỗi xe như vậy chất từ sáu đến tám chuyến một ngày, mỗi chuyến bảy đến tám pút tro than (khoảng 120 – 130 kg).

    Trong bài hát “Treblinka” mà bọn Đức bắt tám trăm tù nhân trong khi làm công việc thiêu xác phải hát, có những lời lẽ kêu gọi tù nhân hãy phục tùng và vâng lời; bù lại nó hứa cho họ “một chút hạnh phúc nho nhỏ, lóe lên chỉ trong giây phút”. Và thật đáng ngạc nhiên, trong cuộc sống ở chốn địa ngục Treblinka cũng đã có một ngày thực sự hạnh phúc. Bọn Đức tuy vậy đã sai lầm: việc phục tùng và vâng lời đã không đem lại cái ngày đó cho những người phải chết ở Treblinka. Chính sự táo bạo điên cuồng đã đem lại cái ngày ấy. Họ không còn gì để mất. Tất cả bọn họ đều sẽ phải chết, mỗi ngày trong đời họ đều là một ngày đau đớn giày vò. Không một ai trong bọn họ, là nhân chứng của những tội ác khủng khiếp, có thể được bọn Đức tha thứ – phòng hơi ngạt đang chờ đợi tất cả bọn họ, hầu hết sẽ phải đến đấy sau vài ngày làm việc để bị thay thế bởi những người mới từ đoàn tàu kế tiếp.Chỉ có mấy chục người sống sót được sau vài tuần hay vài tháng chứ không phải sau vài giờ vài ngày – đó là những bậc thầy lành nghề như thợ mộc, thợ xây, hay những người phục vụ hàng ngày cho bọn Đức như thợ làm bánh, thợ may, thợ cắt tóc. Họ là những người đã lập ra ủy ban khởi nghĩa. Dĩ nhiên, chỉ những người sắp phải chết và những người đang ngập tràn mong muốn trả thù tàn bạo và lòng căm hờn sâu sắc mới có thể lên một kế hoạch nổi dậy điên rồ như vậy. Họ không muốn bỏ trốn cho đến khi nào chưa hủy diệt được Treblinka. Và họ đã hủy diệt được nó. Vũ khí bắt đầu được tích giấu trong các lán ở của công nhân: rìu, dao găm, đoản côn. Có giá nào trả nổi cho việc liều mạng đến điên rồ để có được một cái rìu hay một con dao như thế! Đòi hỏi biết bao kiên nhẫn, mưu mẹo và khéo léo đến đáng kinh ngạc để che đậy tất cả những thứ đó khỏi sự khám xét và giấu chúng trong lán ở. Phải tổ chức tích trữ ét-xăng để tưới và đốt cháy các tòa nhà trong trại. Làm thế nào để lấy được ngần ấy xăng và khiến chúng biến mất không một dấu vết, như thể đã bốc hơi đi vậy? Để làm được thế cần có những nỗ lực phi thường, thông qua trí thông minh, ý chí và sự táo bạo khủng khiếp. Cuối cùng là việc đào một đường ngầm rộng chui dưới kho vũ khí của bọn Đức. Và ở đây sự táo bạo đã giúp sức cho con người, thần dũng cảm đã đứng về phía họ. Họ lấy được từ kho vũ khí hai mươi quả lựu đạn, một trung liên cùng nhiều súng trường và súng lục. Tất cả chúng biến mất vào các chỗ giấu bí mật do nhóm khởi nghĩa đào. Những người tham gia được chia thành từng tổ năm người. Bản kế hoạch khởi nghĩa phức tạp được nghiên cứu kỹ lưỡng đến từng chi tiết nhỏ. Mỗi tổ năm người đều nhận một nhiệm vụ cụ thể. Và mỗi nhiệm vụ chuẩn xác từng ly đều vô cùng điên rồ. Một tổ được giao việc tấn công các tháp canh có bọn
    Wachmänner ngồi cầm trung liên. Tổ thứ hai phải bất ngờ tấn công bọn lính đi tuần trên các lối đi nối giữa những sân trại. Tổ thứ ba phải tấn công các xe bọc thép. Tổ thứ tư cắt đứt đường dây điện thoại. Tổ thứ năm tấn công khu lán ở của bọn lính. Tổ thứ sáu cắt hàng rào thép gai để làm những lối di chuyển. Tổ thứ bảy bắc những chiếc cầu băng qua các hào chống tăng. Tổ thứ tám tưới xăng lên các công trình trong trại và phóng hỏa. Tổ thứ chín phá hủy tất cả những gì dễ bị phá hoại.


    Thậm chí họ còn trù tính đến việc cung cấp tiền cho những người chạy thoát. Viên bác sĩ người Varsava nắm việc gom góp tiền bạc đã suýt phá hỏng toàn bộ kế hoạch. Có lần tên Scharführer nhìn thấy một cuộn dầy giấy bạc thò ra khỏi túi quần ông này – đó là một phần của số tiền lấy trộm từ “quầy gửi” mà viên bác sĩ chuẩn bị đem giấu vào chỗ bí mật. Tên Scharführer giả vờ không nhận ra nhưng lập tức báo cáo chuyện này cho Kurt Franz. Dĩ nhiên đó là một chuyện bất thường. Franz đích thân đi hỏi cung viên bác sĩ. Hắn lập tức nghi ngờ rằng có chuyện gì đó không ổn – thực ra, một kẻ sắp phải chết cần đến tiền làm gì? Franz bắt đầu cuộc hỏi cung với một sự tự tin điềm tĩnh, chưa chắc trên trái đất này có người nào giỏi tra tấn hơn hắn. Và hắn chắc mẩm rằng không một ai trên trái đất có thể chịu nổi đòn tra tấn nổi tiếng của Hauptmann (đại úy) Kurt Franz. Nhưng người bác sĩ Varsava đã khôn hơn tên SS Hauptmann. Ông uống thuốc độc. Một trong những người tham gia cuộc khởi nghĩa kể cho tôi rằng, chưa bao giờ ở Treblinka có những nỗ lực giống như vậy để cứu sống một con người. Dĩ nhiên, Franz cảm thấy viên bác sĩ đang hấp hối này có nắm một bí mật quan trọng. Nhưng loại thuốc độc Đức thật công hiệu, và bí mật đã mãi mãi là bí mật.

    Đến cuối tháng Bảy có một đợt nóng ngột ngạt. Khi mở các hố chôn tập thể, một làn hơi cuồn cuộn bốc lên như thể một nồi nước sôi khổng lồ. Mùi thối và sức nóng khủng khiếp thừa sức làm chết người. Những người tù kiệt sức khi lôi xác chết ra đôi khi cũng chết rơi luôn vào hố thiêu xác. Hàng tỉ con nhặng béo múp no ứ bò lê trên mặt đất, rung cánh vù vù. Những cái xác cuối cùng trong số hàng trăm ngàn xác chết chuẩn bị được thiêu.

    Cuộc khởi nghĩa dự tính nổ ra ngày 2 tháng Tám. Nó được báo hiệu bằng một phát súng ngắn. (Người tổ chức chính của cuộc khởi nghĩa là Zelo Bloch, một trung úy người Do Thái trong quân đội Czech. Cuộc nổi dậy đã phải bắt đầu sớm vì một lính gác thấy nghi ngờ. Hắn bị bắn chết nhưng việc này khiến cuộc khởi nghĩa phải bắt đầu khi chưa kịp chuyển phần lớn số vũ khí ra khỏi kho vũ khí mà những người khởi nghĩa chiếm được bằng cách làm một chìa khóa phụ.) Lá cờ chiến thắng tung bay vì sự nghiệp thần thánh. Những lưỡi lửa mới bốc lên bầu trời, không nặng nề và cuộn đầy thứ khói nhầy nhụa như ngọn lửa thiêu xác chết mà là ngọn lửa nhẹ nhõm, nóng rực và mãnh liệt. Những tòa nhà trong trại bốc cháy, và cuộc khởi nghĩa khiến dường như chính mặt trời tự xé mình ra làm hai và bùng cháy trên Treblinka, ăn mừng cho sự thắng lợi của tự do và danh dự.

    Những phát súng vang lên, tắc nghẹn, rồi súng trung liên khạc đạn liên hồi từ các tháp canh bị những người khởi nghĩa chiếm. Lựu đạn nổ liên hồi nghe thật long trọng, tựa như những hồi chuông của sự thật. Không gian rung động vì tiếng ầm ầm và đì đoàng, tiếng nhà cửa đổ sụp, tiếng đạn rít át đi tiếng vù vù của đám ruồi nhặng ăn xác chết. Trong bầu không khí đã sạch sẽ quang đãng lóe lên những ánh rìu đỏ rực vì máu.Vào ngày mùng 2 tháng Tám, máu bọn quỷ dữ SS đã đổ xuống mặt đất của địa ngục Treblinka, và bầu trời xanh ánh sáng rực rỡ hân hoan chào mừng giây phút phục thù. Sự việc tại đây đã lần nữa lặp lại một câu chuyện xưa như trái đất: chính cái lũ sinh vật từng cư xử như những đại diện của chủng tộc thượng đẳng, lũ sinh vật vốn quen hét lớn “Achtung! M
    ützen ab!” (Chú ý! Bỏ mũ xuống!), lũ sinh vật đã bắt các cư dân Varsava rời khỏi nhà của họ và đi tới chỗ chết bằng cái giọng ra lệnh khủng khiếp nghe như sấm động “Alle r-r-r-raus! unter-r-r-r!” (Tất c-a-a-ả! Đi r-r-r-a!) – cái lũ sinh vật đã tin tưởng vững chắc vào quyền lực của mình khi chúng đưa ra quyết định hành quyết hàng triệu phụ nữ và trẻ em, lại đã hèn nhát đến đáng khinh, quỳ mọp thống thiết cầu xin thương hại ngay khi bắt đầu trận đánh một mất một còn. Chúng luống cuống, chúng cuống cuồng chạy như bầy chuột, chúng quên mất rằng hệ thống phòng thủ của Treblinka đã được thiết kế tốt ghê gớm, quên rằng hỏa lực được chuẩn bị trước của chúng có thể quét sạch mọi thứ, quên cả vũ khí chúng cầm trong tay. Nhưng liệu ta có cần phải kể thêm, và thậm chí liệu có ai thấy ngạc nhiên về chuyện này?

    Hai tháng rưỡi sau, ngày 14/10/1943, đã diễn ra một cuộc khởi nghĩa ở xí nghiệp tử thần Sabibur, cầm đầu bởi một tù binh chiến tranh Liên Xô, chính trị viên người Rostov Aleksandr Pechersky. Tại đấy mọi chuyện xảy ra cũng giống như ở Treblinka – những con người kiệt sức sắp chết vì đói đã đương đầu được với hàng trăm thằng SS đê tiện quen ngập ngụa trong máu những người vô tội. Quân khởi nghĩa đã đánh bại bọn đao phủ chỉ bằng những chiếc rìu tự tạo rèn từ xưởng rèn trong trại, nhiều người chỉ vũ trang bằng nắm cát con mà Pechersky đã ra lệnh chuẩn bị sẵn trong túi và ném vào mắt lũ lính gác... Nhưng liệu ta có cần phải ngạc nhiên về điều này?...

    Vào lúc Treblinka rực cháy và quân khởi nghĩa chạy trốn qua hàng rào thép gai sau khi lặng lẽ vĩnh biệt tro cốt của các đồng bào, các đơn vị SS và polizei (cảnh binh người Ukraina) đã từ khắp mọi hướng đổ tới săn lùng họ. Hàng trăm con chó cảnh sát được dắt tới truy tìm dấu vết. Bọn Đức dùng đến cả máy bay. Các trận chiến nổ ra trong rừng và ở đầm lầy, và chỉ có ít, rất ít người đã tham gia cuộc khởi nghĩa sống sót cho đến ngày hôm nay. Nhưng điều ấy đâu có nghĩa lý gì? Họ đã chết khi chiến đấu, với vũ khí vẫn nắm chắc trong tay.(Có khoảng 750 tù nhân đã thoát khỏi những vòng rào thép gai nhưng chỉ 70 người sống được tới ngày được Hồng quân giải phóng một năm sau đó.)


    Sau ngày mùng 2 tháng Tám Treblinka đã thôi không còn tồn tại. Bọn Đức thiêu những xác còn lại, phá dỡ tòa nhà bằng đá, gỡ bỏ hàng rào thép gai, đốt các lán ở bằng gỗ mà quân khởi nghĩa chưa đốt hết. Các thiết bị của tòa nhà giết người này một phần bị cho nổ tung, phần còn lại bị tháo dỡ chất lên tàu hỏa đem đi, hố thiêu xác bị phá hủy, các máy xúc được chở đi, những hố chôn khổng lồ bị lấp đất, nhà ga bị phá hủy cho đến từng viên gạch nhỏ, và cuối cùng là đường ray bị phá dỡ, các thanh tà vẹt bị chở đi. Đậu lupine được gieo trồng trong khuôn viên trại và Streben, một người Đức định cư, xây ở đó một ngôi nhà nhỏ. Giờ đây cả ngôi nhà đó cũng không còn, nó đã bị đốt rụi (gia đình Streben đã xây nó sao cho trông giống như một nông trại của người Ukraina).Bọn Đức làm tất cả những chuyện đấy nhằm đạt mục đích gì? Nhằm che đậy tội ác giết người ở Treblinka chăng? Nhưng việc đó làm sao mà che đậy được? Chẳng lẽ lại có thể bịt miệng được hàng ngàn người đã chứng kiến những chuyến tàu chở nạn nhân từ khắp Châu Âu đến cái nơi hành quyết theo kiểu dây chuyền này? Chẳng lẽ lại che giấu được việc giết chóc, che giấu được những lưỡi lửa nặng nề và cột khói cứ lơ lửng trên bầu trời cả ngày lẫn đêm suốt tám tháng liền mà cư dân của hàng chục ngôi làng và thị trấn nhìn thấy rất rõ? Chẳng lẽ có thể che giấu những giằng xé của trái tim, có thể bắt mọi người quên được tiếng la hét khủng khiếp của phụ nữ và trẻ em suốt mười ba tháng trời, cho đến hôm nay vẫn còn vang lên trong tai các nông dân làng Vulka? Chẳng lẽ có thể bịt miệng những nông dân suốt cả năm trời chở tro than người từ trại đi rải lên các con đường xung quanh?

    Chẳng lẽ có thể bịt miệng những nhân chứng còn sống từng chứng kiến các sự việc diễn ra ở đài hành quyết Treblinka, từ ngày tồn tại đầu tiên của nó cho tới ngày 2 tháng Tám 1943 – ngày tồn tại cuối cùng của nó, những nhân chứng đã mô tả thật thống nhất và chính xác về từng tên SS và
    Wachmänner, những nhân chứng đã từng bước từng bước một phục hồi cho chúng ta nhật ký về Treblinka? Không còn có thể hét lên “Mützen ab!” với những nhân chứng ấy, không còn có thể tống họ vào phòng hơi ngạt nữa. Và Himmler đã không còn quyền lực đối với đám thủ hạ, những kẻ nay đang đứng cúi đầu, ngón tay run rẩy mân mê vạt áo, trầm giọng đều đều kể lại câu chuyện nghe thật điên cuồng và hoang tưởng đến khó tin về những tội ác của chúng. Viên sĩ quan Xôviết, trên ngực đeo dải băng nhỏ màu xanh lá của tấm huân chương Phòng thủ Stalingad, đang ghi chép hết trang này đến trang khác lời khai của lũ sát nhân. Đứng bên cửa vào là anh lính gác với đôi môi mím chặt, trên ngực cũng có tấm huân chương Stalingrad như thế, và khuôn mặt gày gò, sạm lại vì sương gió của anh thật nghiêm nghị. Và chẳng lẽ việc có mặt tại Treblinka, ngay gần Varsava, của một trong những chiến sĩ của đạo quân vinh quang ở Stalingrad không phải là một biểu tượng đáng ngạc nhiên hay sao? Chẳng phải vô cớ mà vào tháng Hai 1943 Heinrich Himmler đã cuống cả lên, đã bay tới Treblinka, đã ra lệnh phải xây lò thiêu, phải đốt cháy và xóa sạch mọi dấu vết. Không, không phải vô cớ mà hắn phải cuống lên như vậy! Những chiến sĩ Stalingrad đã tới được Treblinka, hóa ra từ sông Volga tới sông Visla chẳng phải là quá xa. Và giờ đây chính mặt đất của Treblinka cũng không còn muốn đồng lõa với những tội ác tày trời của bọn quỷ dữ, nó hé lộ các mảnh xương và vật dụng của những người bị sát hại, những thứ mà bè lũ Hitler đã tìm cách chôn giấu dưới đó.

    Chúng tôi tới Trại Treblinka vào đầu tháng Chín 1944, mười ba tháng sau ngày xảy ra cuộc khởi nghĩa. Đài hành quyết này cũng từng hoạt động trong mười ba tháng. Trong mười ba tháng trời bọn Đức mưu toan tìm cách che đậy giấu vết hoạt động của nó... Không gian yên tĩnh. Ngọn những rặng thông đứng dọc hai bên tuyến đường sắt khe khẽ rung rinh. Cũng những cây thông ấy, những đụn cát ấy, cũng cái gốc cổ thụ ấy từng lướt qua tầm mắt hàng triệu con người khi các toa tàu hàng chở họ chậm chạp chạy ngang. Tiếng tro và than vỡ vụn lạo xạo khe khẽ trên con đường đen, hai bên đường có viền những hòn đá sạch sẽ màu trắng với một sự gọn gàng ngăn nắp đúng kiểu Đức. Chúng tôi tiến vào khu trại, bước trên nền đất Treblinka. Những quả đậu lupine hé vỏ mở tung mỗi khi khẽ chạm vào hay mỗi khi có rung động nhẹ, và hàng triệu hạt đậu vung vãi ra khắp mặt đất. Tiếng rơi của những hạt đậu và tiếng vang lách tách của vỏ đậu vỡ hòa với nhau thành một giai điệu khe khẽ và buồn bã miên man. Dường như từ dưới đất sâu đang ngân lên tiếng vang tang tóc của những chiếc chuông nhỏ, rất khó nghe thấy, buồn thảm, mênh mang và yên bình. Còn mặt đất thì rung rinh dưới bước chân, béo núng nính như chứa đầy dầu luyn – mặt đất không chân của Treblinka đang rung lắc tựa như mặt biển sâu. Khoảng đất trống ấy, xung quanh rào hàng rào thép gai, đã nuốt vào bụng nhiều thân người hơn tất cả số lượng mà biển cả và đại dương đã nuốt kể từ thuở khai sinh của loài người.

    Đất đang phun ra những mảnh xương gãy, răng, vật dụng, giấy tờ – đất không còn muốn giữ bí mật nữa.

    Và những vật dụng trồi lên khỏi mặt đất nứt rạn, trồi lên từ các vết thương không tài nào lành được của đất. Chúng đây, những chiếc váy lót đã mục gần hết của người đã khuất, quần dài, giầy, hộp đựng thuốc lá đã gỉ xanh, bánh răng đồng hồ đeo tay, dao bỏ túi, chổi cạo râu, giá cắm nến, đôi giày trẻ con đính ngù lông đỏ, khăn mặt thêu lối Ukraina, đồ lót đăng ten, kéo, đê khâu, áo ngực phụ nữ, băng đai. Cách đó một chút trồi lên từ chỗ nứt trên mặt đất là hàng chồng dụng cụ nhà bếp: chảo rán, ca nhôm, tách sứ uống trà, nồi, xoong, chậu, bi-đông, hũ, cốc trẻ con bằng nhựa. Xa hơn một chút, ở chỗ nền đất không chân chương lên, tựa như có bàn tay ai đó đã lôi ra ánh sáng những thứ mà bọn Đức đã chôn vùi, trồi lên mặt đất là những cuốn hộ chiếu Xô-viết đã mủn, mấy cuốn vở có viết chữ Bulgaria, các tấm ảnh chụp những đứa trẻ ở Varsava và Vienna, những bức thư trẻ con nét chữ nguệch ngoạc, một quyển thơ, tờ giấy ngả vàng trên có chép một câu kinh thánh, những tấm phiếu phân phối thực phẩm ở Đức...Và khắp nơi ngổn ngang hàng trăm lọ chai thủy tinh hình bầu nhiều cạnh đựng nước hoa với đủ màu – xanh lục, hồng, xanh lơ... Bao trùm tất cả là cái mùi thối rữa khủng khiếp mà không gì có thể bạt phai được dù là lửa, mặt trời, mưa, tuyết hay gió. Hàng trăm con nhặng rừng nhỏ bò lổm ngổm trên những đồ đạc đã mục rữa phân nửa đó, trên mớ giấy tờ và các bức ảnh.

    Chúng tôi đi tiếp trên cái nền đất không chân, runh rinh của Treblinka rồi bỗng sững lại. Kia, bị dẫm đạp trên mặt đất, là một lọn tóc dày vàng hoe, gợn sóng, sáng rực như đồng, thứ tóc mỏng nhẹ đáng yêu của con gái, cạnh đó là một lọn tóc quăn khác cũng sáng màu như vậy, còn xa hơn là một bím tóc đen dày nằm trên nền cát sáng màu, và kia nữa, kia nữa. Đấy rõ ràng là của một túi tóc, nhưng là chỉ mới của một túi, bỏ quên chưa bị chở đi! Tất cả đó là sự thật! Chút hy vọng mãnh liệt cuối cùng, rằng tất cả chỉ là một giấc mơ, đã tan biến hoàn toàn. Còn những vỏ đậu lupine vẫn cứ lách tách, lách tách, rung rung các hạt đậu, thực sự khi rơi xuống mặt đất nghe giống tiếng chuông nguyện hồn của vô số chiếc chuông nhỏ ngân lên từ lòng đất. Và tim ta muốn ngừng đập, muốn thắt lại bởi ngần ấy nỗi buồn, ngần ấy cay đắng, ngần ấy sầu thảm đến nỗi con người không tài nào chịu đựng nổi...

    Các học giả, nhà xã hội học, tội phạm học, tâm thần học và triết học sẽ suy nghĩ: do đâu chuyện ấy lại xảy ra? Do di truyền, do giáo dục, do môi trường, do điều kiện ngoại cảnh, do định mệnh lịch sử, hay do sở thích tội ác của bọn lãnh đạo? Thực chất do đâu? Chuyện ấy xảy ra thế nào? Các yếu tố mầm mống của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, vốn có vẻ như chuyện hài hước trong tuyên bố của đám giáo sư bịp bợm hay của các vị lý thuyết gia rách tỉnh lẻ Đức thế kỷ mười chín, như sự khinh miệt của đám người Đức thiển cận đối với
    lũ Nga lợn”, bầy Ba Lan gia súc”,bọn Do Thái hôi tỏi”,đám Pháp trác táng”,lũ Ăng-lê con buôn”,thằng Hy Lạp làm bộ làm tịch”,bọn Séc đầu đất” – tất cả những thứ hoa hoét rẻ tiền khoa trương về sự ưu việt của người Đức đối với mọi dân tộc khác trên thế giới, dễ khiến đám nhà báo và văn sĩ hài hước bật cười một cách hiền lành – tất cả những thứ đó, chỉ trong vòng vài năm, đột ngột chuyển từ nét trẻ con” thành một mối đe dọa chết người đối với nhân loại, đối với sự sống còn và tự do của loài người, trở thành nguồn gốc của những đau khổ, giết chóc, tội ác không thể tin nổi và chưa hề có tiền lệ. Chúng ta cần suy nghĩ sâu xa về điều này!

    Hiểm họa những cuộc chiến tranh khủng khiếp như vậy luôn hiện hữu thời đại ngày nay. Người Đức đã làm đổ cả một biển khổng lồ máu những người vô tội. Nhưng ngày hôm nay nếu chỉ nói về trách nhiệm của người Đức về những gì đã xảy ra thì vẫn chưa đủ. Ngày hôm nay chúng ta cần nói về trách nhiệm của tất cả các dân tộc và của từng công dân trên thế giới đối với tương lai.

    Ngày nay mỗi con người cần có trách nhiệm trước lương tâm của mình, trước con cái và cha mẹ mình, trước tổ quốc và trước nhân loại để đem tất cả sức lực của tâm hồn và trí óc mình mà trả lời câu hỏi sau: cái gì đã sản sinh chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, cần phải làm gì để chủ nghĩa quốc xã, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa Hitler không khi nào ngóc đầu dậy nữa, bất kể là ở đầu này hay đầu kia trái đất, không khi nào và mãi mãi không bao giờ!

    Tư tưởng đế quốc của các chủ nghĩa cực đoan dân tộc, quốc gia và mọi hình thức khác về lô gích sẽ chỉ dẫn tới việc bè lũ theo Hitler đi xây dựng những Maidanek, Sabibur, Belzist, Osventsim, Treblinka.

    Chúng ta cần nhớ rằng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa phát xít sẽ không chỉ trồi lên sau cuộc chiến tranh này với nỗi cay đắng bại trận, mà cả với những hồi ức ngọt ngào về sự thoải mái khi có thể tiến hành thảm sát hàng loạt. Hóa ra thực sự không quá khó để tiêu diệt toàn hoàn một dân tộc. Chỉ cần mười cái phòng hơi ngạt nhỏ – nếu trang bị đủ thì khó mà chứa nổi một trăm con ngựa – mười cái phòng như vậy hóa ra đã đủ để giết chết ba triệu người.

    Giết người hóa ra là vô cùng dễ dàng – không cần đòi hỏi bất kỳ chi phí khác thường nào. Có thể xây năm trăm căn phòng như vậy chỉ trong vòng vài ngày. Không khó hơn xây một tòa nhà năm tầng.

    Có thể chỉ dùng không nhiều gì hơn một chiếc bút chì để chứng minh rằng bất cứ công ty xây dựng lớn nào có kinh nghiệm thi công bê tông cốt thép, trong vòng sáu tháng và với đủ lực lượng lao động được tổ chức hợp lý, sẽ xây dựng nhiều hơn số phòng hơi ngạt cần thiết để tiêu diệt toàn thể cư dân của trái đất này.

    Và vì điều đó mỗi ngày trôi qua ta đều cần nghiêm túc nhớ đến tất cả những ai đã ngã xuống vì phẩm giá, vì tự do, vì sự sống của tất cả các dân tộc, của tất cả nhân loại.


    Tháng Chín 1944 .

    [​IMG]
    Một nạn nhân của Trại số 2

    [​IMG]
    Nhà ga Treblinka

    [​IMG]
    Bọn SS ở Treblinka

    [​IMG]
    Kurt Franz

    [​IMG]
    Tòa nhà hành hình với 10 phòng hơi ngạt

    [​IMG]
    Sở thú nhỏ ở Treblinka

    [​IMG]
    Chiếc máy xúc Bager

    [​IMG]
    Toàn cảnh khu trại số 2

    [​IMG]
    Treblinka 1945
    anhcos, ALPHA3, Hoanga76 người khác thích bài này.
  4. danngoc

    danngoc Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    24/08/2004
    Bài viết:
    3.760
    Đã được thích:
    1.327
    Trong cái đám nhân viên lò sát sinh này rất nhiều là người U tuyển từ polizei
  5. danngoc

    danngoc Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    24/08/2004
    Bài viết:
    3.760
    Đã được thích:
    1.327
    ALPHA3, kuemhoitoT_80_U thích bài này.
  6. danngoc

    danngoc Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    24/08/2004
    Bài viết:
    3.760
    Đã được thích:
    1.327
  7. ruoitrau

    ruoitrau Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    29/09/2001
    Bài viết:
    1.892
    Đã được thích:
    1.079
    Cám ơn lão đần ngốc nhé :D
  8. danngoc

    danngoc Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    24/08/2004
    Bài viết:
    3.760
    Đã được thích:
    1.327
    Lần cập nhật cuối: 31/03/2014
    ALPHA3, thanhVNWkuemhoito thích bài này.
  9. thanhVNW

    thanhVNW Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    30/05/2008
    Bài viết:
    373
    Đã được thích:
    56
    Phụ đề tiếp đi cụ ơi :P
  10. danngoc

    danngoc Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    24/08/2004
    Bài viết:
    3.760
    Đã được thích:
    1.327

Chia sẻ trang này