1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Trekking in Himalayas

Chủ đề trong 'Du lịch' bởi dumdum, 25/03/2012.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. dumdum

    dumdum Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    14/08/2004
    Bài viết:
    1.595
    Đã được thích:
    2
    Thế rồi cũng đến lúc chiếc máy bay rì rì cất cánh, bỏ lại thung lũng Kathmandu nhỏ dần phía sau. Sáng nay thời tiết khá đẹp, lặng gió, nắng chan hoà, nên ngoài tiếng động cơ đinh tai nhức óc thì máy bay không bị xóc lắm. Tôi ngồi hàng cuối cùng phía bên phải, nhìn xuống thấy núi đồi trùng điệp, thấy những con đường đất bé tí như sợi chỉ luồn lách qua những thửa ruộng bậc thang vàng ruộm đan xen nhau. Máy bay bay không cao lắm, thỉnh thoảng còn thấy rõ cả người và xe chạy qua chạy lại. Nếu ngồi ở phía bên trái, sẽ được ngắm trọn vẹn dãy Himalaya hùng vĩ trải dài hút tầm mắt. Những đỉnh núi ngạo nghễ bọc trong tuyết toát lên vẻ đẹp kiêu sa và mời gọi. Tôi cố căng mắt ngó qua tấm kính mờ đục phía bên kia với hy vọng nhìn thấy bóng dáng của Kanchenjunga. Thế nhưng ai cũng dí sát mặt vào tấm kính, như muốn thu trọn vẹn hình ảnh tuyệt đẹp của Himalaya vào trong tâm trí. Tôi chỉ thấy lờ mờ những mảng trắng xoá vươn cao gai góc, tuy chỉ thế thôi nhưng tôi đã thấy lòng trào lên một niềm xúc động kỳ lạ. Himalaya - đó là nơi chúng tôi sắp đến.

    [UR[​IMG]

    [​IMG]

    Mùa cao điểm, hàng ngày có khoảng 20-25 chuyến bay nội địa đến Lukla, đa phần chở dân trek và leo núi. Mùa thu và mùa xuân (tháng 3-5) là những tháng cao điểm nhất, ước tính có khoảng xấp xỉ 400 người mới mỗi ngày. Những chuyến bay từ Kathmandu đi Lukla đa phần chỉ được thực hiện vào buổi sáng, thi thoảng vào đêm - những khoảng thời gian ít gió và mây mù nhất. Việc không có rađa khiến cho độ chính xác của đường bay phụ thuộc hoàn toàn vào mắt phi công, do vậy mây mù sẽ khiến chuyến bay rất nguy hiểm. Vào mùa mưa hoặc thời tiết xấu, có những tuần, thậm chí cả tháng không có chuyến bay nào đến được Lukla, đồng nghĩa với việc cũng không có chuyến nào từ Lukla bay về được Kathmandu. Không có đường bộ cho xe chạy nối giữa Kathmandu và Lukla, việc duy nhất có thể làm ở đây là trek khoảng 1 tuần về tới Jiri, từ đó bắt xe đò về Kathmandu.

    Khoảnh khắc hồi hộp nhất đối với chúng tôi là khi máy bay hạ dần độ cao và chuẩn bị đáp xuống sân bay tại Lukla – sân bay được xếp vào hàng nguy hiểm nhất thế giới. Đường băng ngắn ngủn, đầu hạ cánh là vực, đầu kia là vách núi, đã có một số vụ tai nạn xảy ra ở đây với những kết cục thương tâm. Mới chỉ cách đây 3 năm đã có 1 vụ phi công bay quá thấp khi hạ cánh, bánh xe đáng lẽ phải chạm với mặt đường băng thì lại va vào vách vực ở ngay dưới đó. Kết quả là cả chiếc máy bay mất thăng bằng rồi rơi xuống, toàn bộ hành khách trong khoang thiệt mạng.

    Tôi nghĩ rằng phi công trên những chuyến bay này, đều phải có một sự dũng cảm hiếm thấy.

    Chúng tôi không mất quá nhiều thời gian cho việc hạ cánh. Chiếc máy bay bé con chạy chừng trăm mét ở đường băng dốc lên như 1 lực cản tự nhiên rồi rẽ phải vào bãi đỗ, tiếng động cơ vẫn không ngừng rít lên. Rất nhanh, chúng tôi bị lùa xuống, hành lý được bốc ra gọn gàng. Ngay lập tức, một xe hành lý khác được bốc lên, một hàng khách đang xếp hàng được gọi lên, máy bay đóng cửa và chạy ngược lại, bay về Kathmandu. Tất cả diễn ra chưa đầy 10 phút cho việc hạ cánh - cất cánh.

    Và đây, chào mừng đến với sân bay Tenzing – Hillary tại Lukla, sân bay được đặt theo tên của hai người đầu tiên chinh phục thành công Everest vào tháng 5 năm 1953: Sir Edmund Hillary và Tenzing Sherpa, những cái tên đã trở thành huyền thoại.

    [​IMG]

    [​IMG]
  2. dumdum

    dumdum Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    14/08/2004
    Bài viết:
    1.595
    Đã được thích:
    2
    Sân bay tại Lukla

    [​IMG]

    Ra khỏi cửa máy bay, tôi đã cảm thấy ngay được vẻ tinh khiết và lành lạnh của khí hậu vùng núi cao, khác xa với một Kathmandu bụi bặm và nóng bức. Lukla nằm ở độ cao 2400m so với mực nước biển. Thị trấn là cửa ngõ để vào vùng Solu Khumbu, cũng là nơi xuất phát để đi trek các vùng trong khu vực Himalaya - khu vực Vườn quốc gia Sagamathar. Từ sân bay Lukla, đỉnh núi Khumbila trên 7000m hiện rõ trên nền trời xanh, thân cuốn một dải mây mịn màng. Chúng tôi thu xếp đồ đạc và vào một tea house ở gần đó để ăn sáng, thu xếp người cho chuyến đi. Ngồi bên cửa sổ, nhâm nhi ly trà gừng nóng hổi, xem những chiếc máy bay lên xuống liên hồi, xa xa là trập trùng rừng núi… tất cả khiến tôi có cái cảm giác lâng lâng sung sướng khó tả của 1 kẻ du hành.

    Thị trấn Lukla và đỉnh Khumbila

    [​IMG]

    Chúng tôi khởi hành khá muộn sau khi thu xếp được 2 bạn porter cho chuyến đi. Ban đầu tôi cứ nghĩ đi theo mình sẽ là bò yak, nhưng bò chỉ được dùng cho những chuyến đi đông và nhiều hành lý. Hai bạn porter người Sherpa, một già, một trẻ, mỗi người khuân trên vai chừng 30kg hành lý của 3 người chúng tôi. Sau này trong suốt hành trình, bắt gặp những khối lượng hàng hoá kinh khủng trên lưng những người porter khác, tôi chỉ có thể nói rằng đó thật sự mới là những đứa con của núi rừng, là những anh hùng thật sự của vùng đất hiểm trở này.

    Con đường nhỏ ngoằn ngoèo dẫn từ sân bay vào trung tâm Lukla được xây bằng đá, giờ đây nhộn nhịp dân trek, porter, bò yak đi lại như trảy hội. Đây thật đúng là mùa “lễ hội” của nhứng tín đồ trek và leo núi. Nắng chan hoà trên không trung, vương trên những khuôn mặt bừng sáng của du khách khắp bốn phương tụ về đây để cảm nhận vẻ đẹp của Himalaya hùng vĩ. Những câu chào thân ái “Namaste”, những nụ cười dành cho nhau không ngớt trên khắp hành trình, đủ để trái tim cảm thấy ấm áp, đủ để cảm thấy được chia sẻ cùng với những tâm hồn đồng điệu.

    Trước kia Lukla không sầm uất và đông đúc như thế này. Sự phát triển của du lịch đã kéo theo sự thay đổi và đi lên của bộ mặt nơi đây. Đi sâu vào thị trấn, con đường dần được mở to hơn, hai bên dựng san sát những ngôi nhà bằng đá. Tiệm internet, tiệm bán đồ trek, tiệm café tràn ngập, có cảm tưởng như đang dạo trên đường phố khu Thamel ngày nào. Tuy nhiên, tôi hiểu rằng tất cả những thứ đang bày ra trước mặt mình không dễ dàng mà có. Hãy nhìn những bờ rào được len chặt chẽ bằng những khối đá vuông vức, hãy nhìn những khối đá xây nên con đường và bậc thang chúng tôi qua được chăm chút viền tỉa cẩn thận. Không biết bao nhiêu sức người đã bỏ ra đẽo gọt nên cái gọi là đường đi này. Sau này khi đã trek sâu hơn, tôi càng thấm thía và cảm phục những con người cần mẫn nơi đây, đã biến những vùng hoang vu sinh sôi sự sống dưới bàn tay lao động cần cù của mình.
  3. dumdum

    dumdum Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    14/08/2004
    Bài viết:
    1.595
    Đã được thích:
    2
    Nama nói hôm nay chúng tôi sẽ chỉ trek nhẹ nhàng làm quen. Quãng đường từ Lukla đến thị trấn nhỏ Phakding chỉ tốn 3-4 tiếng trek đối với người thể lực trung bình như tôi. Con đường trek đi qua những vạt đồi bậc thang xanh mướt, qua 1 vài khu làng, chạy men theo triền núi rồi đi dọc sông Dudh Kosi trước khi đến Phakding. Trời mùa thu trong xanh, rọi những tia nắng ấm áp trên những khóm hoa cúc, hoa ****, thược dược mơn man bên bờ rào đá. Thi thoảng tôi lại khiến những người bạn đồng hành phải chờ đợi vì mải mê nhìn ngắm và chụp chẹp những khung cảnh rất đỗi thơ mộng ấy.

    Trên đường đi, chúng tôi bắt gặp những phiến đá lớn, trên đó khắc kín dòng chữ cầu nguyện của Phật giáo (Sanskrit symbols): "Om mani padme hum". Đây là câu mantra (thần chú) đại diện cho 6 giới: OM (giới Phật), MA (thánh thần), NI (con người), PE (loài vật), ME (ma quỷ), HUM (địa ngục). Người ta thường đi vòng quanh những phiến đá này theo chiều kim đồng hồ rất nhiều lần để cầu nguyện. Đối với dân trek, nếu ko đi vòng quanh thì chúng tôi sẽ đi qua ở phía bên trái và đi về ở phía bên phải. Nói chuyện với bạn guide, tôi được biết những phiến đá khắc câu thần chú này được các vị già làng trưởng bản tỉ mỉ đục đẽo từng chút một. Những dấu ấn của Phật giáo được in đậm tại mỗi ngôi nhà, phiến đá, dọc theo những cây cầu treo kín cờ phướn. Đôi khi chúng tôi bắt gặp những ngôi miếu cầu tự nhỏ, bên trong là những chuyển luân kinh to lớn. Dân trek đi qua thường quay chuyển luân kinh theo chiều kim đồng hồ để cầu mong may mắn cho chuyến đi.

    [​IMG]

    [​IMG]

    Cuộc sống bình dị diễn ra sau những ô cửa gỗ hay những bờ rào đá. Đa số người dân nơi đây kiếm sống bằng các dịch vụ cho du khách, nhưng vẫn còn khá nhiều người quyết tâm “cải tạo thiên nhiên”, biến những triền núi gồ ghề thành những thửa ruộng bậc thang màu mỡ. Sắp vào mùa đông, tôi có thể thấy những khu vườn xanh um cải bắp, cải xanh hay súp lơ. Địa hình khu vực này cũng không thực sự thích hợp cho việc chăn nuôi. Bò Yak chỉ được nuôi để vận chuyển hàng hoá. Gà chỉ được nuôi để lấy trứng.

    [​IMG]

    Thi thoảng, chúng tôi bắt gặp những toán trẻ con má rám nắng mỉm cười bẽn lẽn khi khách đi qua, rồi chạy vèo biến mất sau lưng mẹ khi máy ảnh giơ lên, chỉ còn lại đôi mắt đen lay láy ngấp nghé ngó nhìn. Lúc nghỉ trưa ở một ngôi nhà xinh đẹp xung quanh trồng đầy hoa, tôi cứ tưởng tượng ra mỗi buổi chiều tà khi sự nhộn nhịp và những tiếng lao xao của khách du lịch biến mất, khi chỉ còn lại sự yên ả và bình lặng của núi rừng, cả gia đình sẽ quây quần tại phòng khách, nơi sực lên mùi mỡ và cái mùi đặc trưng của phân bò khô cháy, nhâm nhi những cái ly bốc khói.

    Đôi lúc tôi cũng ước gì cuộc sống của mình chỉ đơn giản vậy.

    Đúng như lời Nama nói, quãng đường trek hôm nay khá nhẹ nhàng với khá nhiều đoạn đi xuống. Rời Lukla từ hơn 11h sáng, kể cả thời gian nghỉ ăn trưa, chúng tôi đến ngôi làng Phakding vào khoảng 3h chiều. Porters của chúng tôi đã đến trước đây từ lâu, đồ đạc đã được đưa cả vào phòng. Ba đứa được cho vào 1 căn phòng nhỏ, chỉ có mỗi 3 cái giường đơn và một ngọn đèn leo lét sáng. Thấm mệt, mỗi đứa chui ngay vào cứ địa của mình và cuộn tròn trong những chiếc chăn lạnh cóng, nằm chờ đến bữa tối.

    Nama gõ cửa phòng chúng tôi vào lúc 6h tối, lùa cả bọn ra phòng khách. Bước vào trong đã thấy râm ran tiếng trò chuyện của rất đông khách du lịch, cả một Liên hợp quốc các ngôn ngữ và lứa tuổi. Ở giữa phòng là một chiếc lò sưởi với ống khói chọc lên khỏi mái nhà. Xung quanh phòng kê những chiếc bàn dài chạy dọc theo tường. Nama đã giữ sẵn cho chúng tôi một chiếc bàn trống. Tôi chỉ nhớ bàn tay mình đã ấm lên như thế nào khi áp vào cốc trà gừng và bát súp nóng hổi, để rồi khi quay về phòng lại run lên khi sờ vào cái chăn lạnh cóng. Từ ngày hôm ấy, chúng tôi đều lên giường đi ngủ vào lúc 8h tối để giữ sức cho những ngày sau.
  4. LastWalkman

    LastWalkman Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    05/02/2008
    Bài viết:
    4.483
    Đã được thích:
    7
    Chuyện của Hồng kể bao giờ cũng hấp dẫn và lôi cuốn, không biết là vì chuyến đi quá thú vị hay cách kể cuốn hút? Mình thì đoán là cả hai :D
  5. dumdum

    dumdum Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    14/08/2004
    Bài viết:
    1.595
    Đã được thích:
    2
    Một số hình ảnh trên đoạn đường trek Lukla - Phakding

    1.
    [​IMG]

    2.
    [​IMG]

    3. Porters với những giỏ đồ cao ngất ngưởng
    [​IMG]

    4.
    [​IMG]

    5. Sông Dukh Kosi
    [​IMG]


    ***
    @Last Walkman: bởi vì cuộc sống quá đỗi đáng yêu và ta đang yêu cuộc sống :x
  6. LastWalkman

    LastWalkman Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    05/02/2008
    Bài viết:
    4.483
    Đã được thích:
    7
    Anh cũng yêu cuộc sống và thấy cuộc sống đang yêu, nhưng chả bao giờ có thể diễn tả cho mọi người biết nó đáng yêu ntn như cách em vẫn làm được, em ạh.
  7. songngu77

    songngu77 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    27/07/2008
    Bài viết:
    2.191
    Đã được thích:
    0
    Chuyến đi tuyệt quá!
  8. dumdum

    dumdum Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    14/08/2004
    Bài viết:
    1.595
    Đã được thích:
    2
    Ngày 2: Phakding - Namche Bazaar (P1)

    Đêm qua, nhiệt độ ngoài trời phải dưới 0 độ C.

    6h30 sáng, tôi ra ngoài đánh răng rửa mặt và thấy những mảng băng mỏng manh vương trên cỏ, trên lối đi và cả trên những bụi cây lùn. Nước rửa mặt lạnh cóng, khiến đôi tay tôi thò ra rồi rụt lại ngay lập tức. Táp nước lên mặt mà có cảm tưởng 1 bọc kim thi nhau châm chích. Rùng mình.

    Hôm nay là một ngày trek dài. Quãng đường trek dự kiến đến Namche Bazaar mất khoảng 6-7 tiếng, trong đó 3 tiếng cuối được cảnh báo sẽ chỉ toàn lên dốc. Chúng tôi sẽ phải đi từ độ cao 2600m ở Phakding đến 3400m ở Namche Bazaar.

    8h sáng, chúng tôi bước ra ngoài khởi hành và lần lượt đi qua những cánh rừng thông, những ngôi làng nhỏ dọc sông Dudk Kosi, qua những vườn táo lúc lỉu quả, qua những con dốc mệt nhoài đôi chân. Trên những ngọn đồi, người ta canh tác và trồng kín lúa mạch, khoai tây. Hàng trăm dải cờ phiến cầu nguyện được giăng dọc triền đồi, những tu viện cổ hay bên cạnh những phiến đá cầu nguyện trên những đèo cao.

    Dọc đường đi, chúng tôi phải qua 4-5 cây cầu sắt vắt qua hai bờ của con sông uốn lượn như một con rắn khồng lồ lấp lánh vẩy bạc. Những cây cầu được chính phủ một vài nước phương Tây hỗ trợ xây dựng đã giúp giảm thiểu rất nhiều khó khăn và nguy hiểm khi đi qua dòng nước chảy xiết. Cảm giác dập dềnh khi chiếc cầu rung lên bởi sự cộng hưởng của nhiều nhịp chân, cảm giác hun hút khi nhìn xuống dòng chảy hung dữ của con sông Kosi phía dưới, hay cảm giác sờ sợ xen lẫn thích thú lúc nép mình nhường đường cho từng đàn bò Yak đi qua là những kỷ niệm không thể quên đối với tôi. Những cây cầu vắt vẻo trên cao treo đầy cờ phiến ấy đã trở thành một nét đặc trưng khó lẫn của các cung đường trekking tại Nepal.

    [​IMG]

    Quãng đường từ Phakding đến Namche Bazaar có lẽ là đoạn đường nhộn nhịp nhất của vùng Solu Khumbu. Ngoài dân trek chiếm số lượng lớn, còn là porter với những bọc đồ to gấp đôi người họ trên lưng, là những vị tu hành áo choàng đỏ, và không thể thiếu từng đàn bò Yak đông đúc chở những túi hành lý hoặc thực phẩm đủng đỉnh đi lại, vãi phân đầy đường. Với những kẻ mải mê săn bắt con nghệ thuật cứ dán mắt vào những khung cảnh khi thì hùng vĩ khi thì nên thơ dọc đường, rất có thể sẽ gặp tai nạn khi trek bởi nguy cơ vấp ngã và dẫm phải phân bò yak. Phân bò yak phơi khô là một nguyên liệu để đốt rất phổ biến ở những vùng cao lạnh giá thế này, giống y như bên Tây Tạng.

    Hoa thược dược trên đường đi

    [​IMG]

    En route

    [​IMG]

    Trước khi chạm cửa ngõ Namche Bazaar, chúng tôi có dịp chiêm ngưỡng Everest lấp ló từ phía xa, ẩn hiện mờ ảo qua những mảng mây nhạt. Người Tây tạng gọi nó là Chomolungma, phương Tây gọi Everest, còn đối với người Sherpa, họ gọi đỉnh núi cao nhất thế giới này bằng cái tên đầy kính nể và trìu mến: Sagamathar, tức Goddest of the sky - Vị nữ thần của bầu trời. Nàng đẹp, lạnh lùng, kiêu sa, và chỉ có những kẻ gan góc nhất với một trái tim phóng khoáng và tâm hồn rộng mở nhất mới có thể chinh phục.

    Đôi khi tôi cũng thắc mắc tại sao núi (Mountain) - một thứ gồ ghề, gai góc, xù xì, cao lớn lại được gần như mọi dân tộc, mọi nền văn hóa cùng đặt trong 1 quy chuẩn là giống cái. Phải chăng vì vẻ đẹp khó cưỡng, vì sự thay đổi tính nết khó lường, vì mang đến những cảm giác chinh phục và chiến thắng?
    (đoạn này hơi nhảm tí :D)
  9. dumdum

    dumdum Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    14/08/2004
    Bài viết:
    1.595
    Đã được thích:
    2
    Một số hình ảnh trên đường trek đến Namche Bazaar

    1. Thamserku Mt. sừng sững phía trên con sông Dukh Kosi

    [​IMG]

    2. Dọc sông Dukh Kosi

    [​IMG]

    3. Bình yên 1 thoáng cho tim mềm

    [​IMG]
  10. dumdum

    dumdum Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    14/08/2004
    Bài viết:
    1.595
    Đã được thích:
    2
    Namche Bazaar

    Hơn 3h chiều chúng tôi mới chạm cửa ngõ Namche Bazaar sau rất nhiều dốc nối tiếp dốc.

    Namche Bazaar là thủ phủ hành chính của khu vực Solu Khumbu, đồng thời cũng là “vương quốc” của tộc người Sherpa. Trước đây, nó đóng vai trò quan trọng trong việc giao thương hàng hóa với Tây Tạng và phiên chợ ngày thứ 7 vẫn luôn thu hút rất nhiều người dân từ những vùng xa xôi đến trao đổi buôn bán, cũng như khách du lịch đến chiêm ngưỡng và tìm hiểu.

    Nhiều người nước ngoài vẫn thường nhầm tưởng người Nepal đều là Sherpa, nhưng thực ra chỉ có khoảng hơn 20,000 người Sherpa trên toàn Nepal (so với dân số khoảng 30tr người). 4-5 thế kỷ trước đây, người Sherpa từ Tây Tạng đã di cư xuống phía Nam, và giờ đây làng của người Sherpa nằm rải rác quanh dãy Himalaya ở phía đông Nepal, trong đó tập trung đông nhất là ở Khumbu với thủ phủ là Namche Bazaar. Những nơi này hoàn toàn không có dấu vết của những vệt bánh xe hay bất cứ phương tiện đi lại trên đường nào. Ngoại trừ máy bay trực thăng, tất cả sự di chuyển – vận chuyển đều dựa vào đôi chân lầm lụi của con người và gia súc.


    "Sau này con sẽ leo Everest"
    [​IMG]

    Thời tiết khắc nghiệt, lạnh giá, địa hình hiểm trở, dốc cao đã khiến cho nông nghiệp kém phát triển tại khu vực này. Người dân ở đây từ xưa sống chủ yếu bằng việc giao thương với Ấn Độ, Tây Tạng và nuôi bò yak. Tuy thế, mọi sự thay đổi kể từ sau khi Everest được công bố là ngọn núi cao nhất thế giới vào cuối thế kỷ 19. Năm 1921, Anh quốc dẫn đoàn thám hiểm Everest đầu tiên đặt chân đến đây và phát hiện ra họ có thể thuê người Sherpa trợ giúp đắc lực cho chuyến đi do sự thích nghi cơ thể đặc biệt, sự chăm chỉ, thông minh, can đảm và lành tính của họ. Mọi chuyện bắt đầu thay đổi với người dân và cuộc sống vùng Solu Khumbu.

    Hai thập kỷ gần đây, sau khi Nepal mở cửa lại vào năm 1949, kinh tế và văn hóa ở khu vực Khumbu đã dần dần gắn liền với sự xuất hiện của những người leo núi và thám hiểm. Người ta ước tính hàng năm có khoảng gần 20,000 khách đến khu vực này. Những người Sherpa có nhiều kinh nghiệm leo núi, đặc biệt là những ai đã lên được Everest và các đỉnh cao khác, được kính trọng và có thu nhập tốt.

    Với một chuyến leo Everest trong 2 tháng, một người Sherpa có kinh nghiệm và kỹ năng tốt có thể kiếm được khoảng 3-4000$ (Chú thích: chi phí leo Everest cho 1 khách khoảng 75,000-100,000$; 1 đoàn leo sẽ cần từ 6-10 Sherpas) - 1 khoản vô cùng hấp dẫn so với thu nhập bình quân đầu người chỉ 458$/năm tại Nepal.

    Tuy nhiên, cái gì cũng có giá của nó. Thu nhập cao đồng nghĩa với nguy hiểm lớn. Năm 1922 trong lần thám hiểm thứ 2 của đoàn Anh quốc tại Everest, 7 người Sherpas đã bị chết trong 1 trận lở tuyết. Tính trung bình, số người Sherpa thiệt mạng chiếm khoảng 1/3 các vụ thương vong từ trước đến nay ở Everest. Thế nhưng bất chấp hiểm nguy, người ta vẫn cạnh tranh nhau để có suất đi trong bất kỳ 1 đoàn thám hiểm Everest nào.

    “Nghề” leo núi cũng trở thành nghề “hot” nhất tại đây. Những người đàn ông trưởng thành và kinh nghiệm sẽ truyền lại các kỹ năng cho con cháu họ. Lớn lên chút nữa, chúng sẽ mong muốn có 1 suất trong trường đào tạo về các kỹ năng leo núi (Khumbu Climbing School). Tại đây, người ta sẽ dạy mọi điều cần thiết để trở thành 1 người hướng dẫn/ phụ việc chuyên nghiệp. Người Sherpa đã có những tố chất thiên bẩm trong việc chinh phục những đỉnh cao khắc nghiệt nhất, cái họ thiếu chỉ là kỹ năng và những chỉ dẫn để bảo đảm an toàn hơn cho bản thân, đồng đội và khách hàng của mình. Yếu tố tiền bạc quan trọng với họ, song tôi cảm thấy cái căn nguyên lớn hơn là tình yêu thuần khiết với mảnh đất họ sinh ra, nơi những đỉnh núi được tôn kính như những vị thần. Đối với họ, đó còn là cách thể hiện niềm tự hào dân tộc, giữ gìn và tiếp nối những truyền thống đáng được kính trọng từ cha ông để lại.

    Giao thương và sự góp mặt của dân leo núi từ khắp nơi trên thế giới đã mang tới ngoại tệ và cho Namche Bazaar 1 bộ mặt khác. Nhiều nhà trọ, quán ăn, cửa hàng mọc lên khắp nơi ở đây. Tivi rồi internet cũng xuất hiện. Người ta cũng dần dần thay thế các bộ quần áo truyền thống bằng những bộ quần áo tiện dụng của phương Tây.

    Sự thay đổi về văn hóa, môi trường không khiến cho người dân ở đây phiền lòng. Tiền mặt từ các nhà leo núi; tiền trợ giúp từ các tổ chức cứu trợ do các nhà leo núi đứng sau đã giúp xây dựng và mở rộng trường học, bệnh viện, xây cầu, mang điện và văn minh đến cho khu vực này.

    Namche Bazaar cũng là nơi cuối cùng có thể “tận hưởng” sự tiện nghi như máy rút tiền, quầy đổi tiền, các tiệm ăn tây .. vv trước khi bước vào những vùng xa xôi hẻo lánh với những điều kiện ăn ở hết sức cơ bản.

Chia sẻ trang này