1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Trên biên giới Tây Nam và tiêu diệt bọn diệt chủng Pol Pot

Chủ đề trong 'Giáo dục quốc phòng' bởi ptlinh, 06/10/2004.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. ptlinh

    ptlinh Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    27/06/2003
    Bài viết:
    3.355
    Đã được thích:
    3
    26-3-1979
    Suốt 24 tiếng đồng hồ ròng rã, chiếc tàu lửa Thống Nhất rời ga Diêu Trì bò về hướng Nam, qua bao đồng ruộng, đồi núi, thành phố, sáng hôm nay tôi đã có mặt tại thành phố Biên Hoà (cách Sài Gòn 28 km).
    Một buổi sáng lẻn ra ngoài, tôi cùng mấy đứa bạn lội quanh. Từ đáy lòng rộn lên một niềm vui bay bay khó tả, khi tôi phóng tầm mắt nhìn và bắt gặp những mái nhà và những hành quán nhỏ xinh xinh. Suốt mấy tháng nay rồi tôi luôn làm bạn với rừng núi, mỗi bước đi nghe như nặng nề khó tả. Phải chăng vì phong sương luôn đè nặng tôi, hay bụi đỏ bốc mờ theo nhịp bước chân?
    Hôm nay, cũng những bước chân ấy, nhưng nó xao xuyến và khang khác làm sao. Đôi chân mãi thèm bước, cặp mắt thèm nhìn. Tôi vô tình bị cái thành phố này lôi cuốn mãnh liệt.
    Ly nước mía sao mà ngọt lịm, uống đôi môi không rời. Cô em Biên Hoà duyên dáng quá khiến tôi nhìn say mê.
    Ôi! Cái thành phố mà tôi ước ao đặt chân đến, hôm nay nó đã đứng sừng sững trước mặt tôi, với những con đường tráng nhựa phẳng và thẳng tắp, với những ngôi nhà 4-5 tầng san sát, với những cửa hàng bán đủ thức, đủ màu sặc sỡ.
    Nhớ lại mới ngày nào đây tôi còn ở buôn Luung, chỉ toàn là rừng núi với đất đỏ, mỗi bước đi là mỗi lần bụi vuớng. Rồi tôi lên xe về nước, suốt đoạn đường 19 qua Thanh An, Phú Phong, Phú Tài, cũng thật là vui. Tiếp tục lên xe lửa vào Nam, qua Tuy Hoà, Nha Trang, Phan Thiết, Phan Rang, Hố Nai rồi hôm nay tôi có mặt tại tỉnh Đồng Nai đẻ mai này tôi không còn có mặt đây nữa. Ôi! Đời lính là thế này đây. Mai đó là trên vạn nẻo đường đất nước, là nơi nào có bóng quân thù.
    Vui sao thành phố Biên Hoà trước mắt tôi. Vui sao những ngọn đèn ven đường toả sáng trong lòng, soi lối. Vui sao bóng dáng thon thon của người con gái Việt Nam với tà áo dài thướt tha hoà với gió bay trên phố. Vui sao những cặp tình nhân dìu nhau bước dưới chiều nắng. Biên Hoà ơi! Ta nhớ thật nhiều, ta sẽ khắc sâu vào kí ức của ta.
    27-3-1979
    Đêm!
    Tôi ngồi nhìn ánh điện giăng thẳng hàng, chiếu những tia sáng màu xanh nhạt xuống đường một cách vui vui. Sài Gòn về đêm đẹp tuyệt, xa trông như một rừng sao đang tụ họp nơi đây.
    Nhớ lại tuổi thơ, cách đây đâu chừng 14 năm tôi đã đặt chân đến nơi đây một lần. Hồi ấy, tôi còn non nớt và chẳng biết gì, đi xe thì say. Ba tôi đã dắt tôi lên chiếc nhà lầu 4 tầng. Đứng trên lan can nhìn xuống đường, tôi run và lo sợ nhiều lắm, sợ rủi cái lan can kia sụp, sợ tay vịn lan can bung ra? Tôi sợ nhiều lắm, đâu dám đứng thẳng. Chỉ biết nằm bò xuống, thò chiếc đầu qua lan can để mà nhìn ra ngoài những có được đâu. Ngày xa xưa kia nơi nào tôi đã đi qua: Sở Thú, viện bảo tàng hay trường đua Phú Thọ? Tất cả những hình ảnh đẹp đẽ kia nay còn vướng trong dư hương của tôi một tí.
    Bây giờ sừng sững trước mặt tôi vẫn là Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ. Tôi yêu lắm Sài Gòn ơi!
    28-3-1979
    Chiếc C130 cất cánh, Sài Gòn lùi dần ra xa mãi đến khi chỉ còn là những điểm trắng vuông bằng viên gạch?
    Qua rừng, qua núi, qua đồng bằng. 1 giờ 30 phút sau khi lên máy bay, giờ tôi đã có mặt nơi đây. Được nghỉ một chút lại lên xe ngang qua một thành phố chết. Nó đã chết thật sự rồi. Đâu bóng người dân hiền lành, đâu xe cộ rộn rịp và chợ búa? Chỉ toàn bộ đội Việt Nam đến để tìm cách hồi sinh cho nó. Thành phố đứng sừng sững, im lìm và lặng lẽ. Ta vẫy chào từ biệt thành phố chết và ra đi cùng đoàn quân?.
    (Tháng 3-1979, toàn bộ Sư đoàn 309, bao gồm các Trung đoàn bộ binh 31, 96, 812 và một Trung đoàn pháo binh đã có mặt tại tỉnh Battambang, miền Tây Campuchia, có hàng trăm kilômét đường biên giới với Thái Lan-chú thích của Đại tá Nguyễn Văn Hồng)
  2. ptlinh

    ptlinh Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    27/06/2003
    Bài viết:
    3.355
    Đã được thích:
    3
    Phần thứ bảy-Biên giới Thái Lan? ?oNếu một mai tôi chết??
    Nếu mai kia, một ngày nào đó không may mắn đến với tôi trong cuộc đời làm lính? Tôi sẽ ngã xuống trên miền đất xa xôi của quê hương Chùa Tháp này. Thân xác tôi sẽ hoà vào với đất, sẽ tan dần theo thời gian, chẳng còn lại gì, dù chỉ một chút. Lúc ấy người mẹ hiền của tôi sẽ không đến được bên chiếc hòm sơn đỏ để sụt sùi thương tiếc. Chỉ còn chúng bạn với màu áo lá rừng đứng nhìn hình hài của tôi, với những tiếng thở dài ngao ngán!?
    (Trần Duy Chiến, 4-5-1979)
    28-4-1979
    Hôm nay đem quyển nhật ký ra xem thấy lòng vui vui. Một cái vui khó tả của đời lính chiến, mặc dù bên tai vẫn còn nghe tiếng súng và nơi tôi ở vẫn còn có sự chết chóc xảy ra.
    Tôi nằm ngửa trên miếng ván, nhìn mái lều tranh lợp xiêu vẹo của bọn lính ?oK? vừa bỏ chạy khi đơn vị tôi đánh vào đây với nhiều suy nghĩ chồng chất.
    Nhớ lại trận chiến đấu giáp mặt với quân địch tôi bỗng rùng mình. Một tí nữa là tôi trở về với đất. Tôi cũng không ngờ bọn lính ?oK? đã phục sẵn, bắn tới tôi liên tiếp hai viên với cự li quá gần, chỉ 30 mét. Viên đạn bay xẹt trên đầu tôi, làm toác một miếng vỏ cây cổ thụ.
    Thế rồi trên đoạn đường vòng tròn của đời lính tôi vẫn đi. Từ ngày ấy đến nay đã bao lần giáp mặt với quân thù. Có lần cối 82 nổ cách tôi chỉ 3 mét, hay có lần bị địch vây tứ phía.
    Đã mấy lần tưởng rằng tôi sẽ chết, nhưng không ngờ đến bây giờ tôi vẫn còn sống. Tôi suy nghĩ một cách mù mờ, có lẽ ?ođạn tránh người?? Thế rồi tôi trở nên dạn dĩ hơn. Phải nói rằng tai tôi trở nên quen dần với tiếng súng nổ, không còn hồi hộp như ngày trước nữa.
    Hôm nay tôi trở về nghỉ chân nơi cánh đồng ruộng khô cằn nước bạn. Có được chút ít thời gian rỗi, tôi móc óc, sưu tầm lại chút ít địa danh, những làng mạc, thị trấn, phố xá, những cánh rừng dày san sát với chặng đường mà đôi chân nhỏ bé của tôi đã qua.
    Tôi không làm sao nhớ nổi, chỉ biết lờ mờ là nó nhiều và dài lắm. Ngày ra đi có lẽ là 24 tháng 4 thì phải. Bây giờ cũng gần hết tháng 4 rồi. Trong suốt quãng thời gian ấy, đôi vai đã oằn xuống vì chiếc ba lô cứ đè nặng mãi. Chiếc áo, chiếc quần ngày nào còn mới, nay đã có nhiều miếng vải lạ đắp lên, còn nhiều và nhiều lắm? Nào những cánh rừng tôi phải băng qua suốt mấy ngày trời chưa ra khỏi. Ôi thằng lính bộ binh! Sao mà gian khổ nhiều quá!
    Tôi bỗng nhớ lại ngày mà tôi chưa vào lính. Ngày mà tôi còn rong chơi và mộng mơ của lứa tuổi thơ. Ngày ấy, đoạn đường từ nhà tôi đến phố chỉ dài 1 km, thế mà tôi sợ bởi vì tôi chưa lần nào đi bộ. Nhưng hôm nay tôi đã đổi khác, đôi chân không còn sợ những chặng đường dài, chúng đã quen rồi mà!
    Đã gần hai tháng rồi không nhận được lá thư của gia đình. Tôi chẳng biết gì tin nhà, nên tôi thèm lắm: thèm được trở về nước, thèm nhìn lại dòng sông quê hương, thèm có dịp được về gặp lại người thân.
    Bạn bè có đứa cũng ra đi như tôi, có đứa còn ở lại, nhưng bây giờ thì không biết chúng có còn ung dung vui tươi, mơ mộng nơi quê hương? Hay chúng cũng khoác bộ chiến y như tôi và cũng đang làm nhiệm vụ ở đâu đó mà tôi không gặp, nên không biết? Cầu trời cho bọn chúng đừng như tôi. Để đêm nằm được ngủ yên, con chuột chạy không làm giật mình, ôm súng nhảy vọt ra công sự. Cho những chiều mưa không lạnh cóng, cho bụi đất này không làm hoen ố bóng hình đứa con trai với lứa tuổi hai mươi.
    Còn tôi, mưa nắng đã làm dạn dày. Phong sương đã cho tôi biết khổ. Súng đạn đã làm tôi không biết sợ. Và đời lính cũng đã làm tôi quên cả ước mơ.
    Thỉnh thoảng đem chiếc gương soi thấy mình già và dạn dày rất nhiều. Thế nên tôi không còn hồn nhiên, ít nói và ít cười, chỉ biết nhìn bằng cặp mắt và suy nghĩ bằng khối óc nhỏ bé của tôi!
    29-4-1979
    Rồi từ đó?
    Khoác áo chinh nhân tôi làm người lính nhỏ
    Giã biệt mẹ hiền giã biệt em thơ
    Tôi bước đi với những bước hững hờ
    Của tuổi mộng và của người chinh chiến
    Phố cảng ơi, buồn buồn lưu luyến
    Ta vẫy chào lần cuối kẻ ra đi?

  3. ptlinh

    ptlinh Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    27/06/2003
    Bài viết:
    3.355
    Đã được thích:
    3
    1-5-1979
    ?oMung?-thị trấn nghèo của quê hương Chùa Tháp.
    Chiều nay mưa.
    Trận mưa tầm tã và dai dẳng làm con đường đất trước nhà tôi ở trở nên lầy và trơn trợt khó đi. Tôi buột miệng thốt lên: ?oPhải rồi đất nước bạn đang đổi mùa!?.
    Ngồi trên chiếc võng mắc dưới chân nhà sàn, tôi đưa cặp mắt nhìn về hướng trước mặt. Xa xa là biên giới Thái Lan. Nơi ấy, một lần đôi chân nhỏ bé của tôi đã băng qua.
    Tôi nhớ rõ lắm, cũng một buổi chiều trên chặng đường hành quân băng qua một cánh rừng, đơn vị gặp trận mưa, cũng tầm tã như bây giờ. Mưa làm áo quần, ba lô ướt cả, nhưng không biết lạnh vì mồ hôi vẫn nhỏ dài theo bước đi. Chỉ có đất trở nên trơn quá, làm tôi cứ trượt hoài, áo quần lấm bết bùn. Không có chỗ tắm giặt, tối đến cứ thế chúng tôi chui vào một bụi cây nào đó mà ngủ. Vừa nằm xuống thì cái lạnh cũng đến áp chế, hai hàm răng va vào nhau thành những tiếng cộp cộp đều đặn khô khan. Nhớ lại những chặng đường gian khổ của đời lính chiến đã qua, tôi thấy sờ sợ ra làm sao.
    2-5-1979
    Chiều nay trời cũng mưa nhưng nó không làm tôi ướt lạnh như cái lúc hành quân nữa. Ngược lại nó làm tôi buồn. Cái nỗi buồn chỉ mình tôi hiểu với tôi.
    Ngày xa xưa ấy, khi tôi còn bé cứ mỗi lần mưa rơi là mỗi lần tôi ướt át vì tôi nghịch ngợm lắm. Cùng bạn bè đùa cợt tát nước vào nhau sau lần đi học về, khiến mẹ tôi phải quát mắng và thay đồ vội vã cho tôi, mẹ sợ tôi cảm lạnh.
    Ngày ấy còn non nớt, nên tôi nhìn mưa với sự vô tư, không một suy nghĩ. Mưa chẳng làm tôi buồn, nó chỉ làm tôi ướt và lạnh để được mẹ thay áo và mẹ lại mắng để tôi đừng nghịch nữa.
    Cái ngày xa xưa ấy đã trôi qua một cách nhanh lẹ trong tôi. Giờ đây tôi đã lớn, tôi không còn vô tư như ngày ấy nữa. Bây giờ mỗi lần nhìn mưa là nỗi buồn hiện lên xâm chiếm. Mưa ngoài trời mà cứ ngỡ mưa ở trong hồn tôi. Tôi thấy lạnh ngỡ ngàng. Hình như mưa rơi và lòng tôi có quan hệ với nhau, cứ mỗi lần nhìn mưa là tôi lại thấy buồn. Tôi nhớ mẹ, nhớ em, nhớ bạn bè, nhớ quê hương. Tôi nhớ tất cả những gì mà tôi không quên được.
    Mà làm sao cho tôi quên, khi nó đã ẩn sâu vào tiềm thức của tôi? Có lắm lúc tôi muốn quên, thế là tôi cố quên. Tôi suy nghĩ những điều do tôi viễn tưởng, rồi cười vu vơ như người đãng trí, nhưng không làm sao quên được. Nhất là khi tôi nhìn những giọt mưa về chiều rơi lộp bộp trên mái ngói, mái tôn và trước mắt tôi. Không biết chiều nay ở cuối trời, nơi mẹ tôi đang sống, có đổ mưa không nhỉ? Tôi suy nghĩ rồi tự trách mình sao tôi ngớ ngẩn. Bây giờ mới tháng năm, quê tôi đang chớm hạ. Có chăng là những tia nắng hồng tươi đẹp làm cháy da từ buổi sáng, chớ làm gì có mưa như ở đất ?oquê hương Chùa Tháp? này.
    Tôi nhớ lại rồi, hôm nay là mồng 2 tháng 5, chỉ còn trên mười ngày nữa đến nghỉ hè. Giờ này trên quê tôi chắc là phượng đã nở đỏ mấy sân trường. Ngày trước khi tôi còn khoác lên mình chiếc áo trắng học trò, cũng vào giờ này tôi đang rộn lắm. Hằng ngày vẫn đến trường, nhưng có học thêm được chút ít gì đâu, chỉ ngồi cùng nhau dăm ba đứa tâm sự vu vơ về ngày sắp đến, rồi lại nguệch ngoạc mấy dòng lưu niệm vào cuốn sổ nhật ký cho nhau. Trong quãng đời học trò ngắn ngủi, tôi còn nhớ rõ lắm, mỗi lần nghe tiếng ve sầu rên rỉ là quyển nhật ký nhỏ bé của tôi lại có thêm những dòng chữ vô tư và thân yêu.
    Hồi ấy, bạn bè cùng màu áo và lứa tuổi như tôi nhiều lắm. Nhiều đến nỗi tôi không làm sao nhớ hết được, đến nỗi chỉ xa nhau mấy mùa phượng, gặp lại nhau thấy quen, nhưng lại quên mất tên. Trong suốt quãng đời cắp sách, có đứa không gặp may mắn như tôi phải bước vào đời sớm hơn. Tôi có được chút ít diễm phúc hơn đôi ba đứa, nhưng rồi không làm sao được sống đềm êm trong cái lứa tuổi và màu áo trắng đó. Tôi lại tiếp tục bước vào con đường đời ngoằn ngoèo khúc khuỷu và lắm chông gai như mấy đứa bạn của tôi.
    Ngày đó, tôi giã từ màu áo thư sinh bằng sự hững hờ, không một chút vấn vương suy nghĩ. Bây giờ tôi thấy luyến tiếc, vì quá vô tư, để cái tuổi thiếu thời hồn nhiên kia trôi qua một cách nhanh chóng. Bây giờ thì đã hết, tôi không làm sao tìm lại được. Thời gian đã kéo nó đi biền biệt mất rồi. Chỉ còn sót lai trong tôi là một khoảng trời xanh chồng chất, đầy ắp những kỷ niệm. Để rồi những chiều mưa, nơi tôi ngồi đây, ôn lại cái quá khứ chất chứa đầy ắp những kỷ niệm mến thương đó. Nhất là khi áng mây chiều tím ngắt, treo lơ lửng che gần kín mặt trời nỗi nhớ của tôi.
    Tôi lang thang đi dần về phía chiếc cầu sắt, chẳng biết làm gì nữa. Để rồi tôi lại bắt gặp ánh mắt, những cái nhìn xa lạ của những người dân mà không cùng một thứ tiếng như tôi. Họ làm tôi nhớ đến quê hương tôi kinh khủng. Tôi bỗng ước ao dù cái mộng ước của tôi sẽ không bao giờ là sự thật: ?oGiá như ở đây là quê hương của tôi?? Tôi sẽ vui sướng biết mấy. Ở đấy tôi sẽ không chỉ biết nhìn, vì cái bất đồng ngôn ngữ quái ác kia.
    Có lắm lúc tôi muốn phá tan cái bầu không khí ngột ngạt trong mình. Tôi mạnh dạn bước vào một gia đình nào đó bên ven đường, nhưng nó cũng không giúp ích được gì cho tôi cả. Ngoài những cái ra dấu bằng tay và sự chán ngán, khi tôi nghe họ nói những gì mà tôi chẳng hiểu.
    Đôi bàn chân nhỏ bé của tôi cũng đã in dấu lên nhiều nơi trên quê hương Chùa Tháp này rồi. Đó là Lâm-phát, Buôn Lung, Tà Kèo, Lôvia, Tam-vi-leng? bây giờ là Môn. Thế nhưng đến đâu tôi cũng gặp toàn là những bộ quần đen kín và những chiếc xe 2 bánh do bò kéo, đứng gần toát ra mùi hôi hám khó chịu. Khi chạy thì phát ra tiếng gỗ nghiến ken két, oái ăm nức nở.
    Tôi cố gắng suy nghĩ nhiều về bản thân. Tôi cười thầm và tự trách tôi nhiều lắm. Mỗi lần được đọc một tờ báo, một cuốn sách, hay xem một cuốn phim hay? tôi soi xét lại bản thân, thấy mình chẳng xứng đáng một tí gì. Họ là những người đã không ngại gian nan, khó khăn, đóng góp một cách quên mình cho Tổ quốc, cho sự nghiệp cách mạng, tại sao tôi không làm được?
    Thế nhưng lúc rảnh rỗi, ngồi suy nghĩ một mình, tôi lại thấy nhớ và luyến tiếc thật nhiều về thời gian khi tôi chưa bước chân vào quân ngũ. Tôi đâm ra nản chí đến chán ngán hết sức. Tôi lại suy bì với những đứa bạn đang cùng lứa tuổi. Tôi tự an ủi rằng, mình đã không gặp may mắn như chúng nó, trong quãng đường đời này.
    Nên tôi lại buồn, càng buồn hơn khi đôi mắt bắt gặp một vài dải mây giăng ngang vào những buổi chiều ở cuối chân trời xa tít ấy. Hay đêm đêm lại có trận mưa rơi tầm tã trên mái ngói, như gợi ý cho tôi nhớ về một thời dĩ vãng thương yêu.
  4. ptlinh

    ptlinh Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    27/06/2003
    Bài viết:
    3.355
    Đã được thích:
    3
    4-5-1979
    Tâm trạng người lính nhỏ xa quê.
    Nếu một mai tôi chết?
    Suy nghĩ đến đó, tôi bỗng rùng mình và thấy chơ vơ như đang đứng giữa khoảng không mênh mông. Mặc dù nơi tôi đang sống vẫn có tiếng cười, có bạn bè và đồng đội cũng như tôi.
    Tôi sợ chết? Phải rồi, cái này thì không sao tránh khỏi. Nhưng tôi vẫn nghĩ rằng trên trần thế, mọi sự sống (từ con người đến loài vi khuẩn nhỏ bé tí xíu kia) đã sinh ra từ đất thì ắt có ngày phải trở về với đất. Đó là qui luật của tạo hoá mà. Cũng có một ngày nào ấy, tôi sẽ chết, không có cách nào tránh khỏi. Nhưng sao mỗi khi nghĩ đến cái chết, tôi thấy ngài ngại. Tôi có cái đầu óc bé xíu, còn non. Nhưng không phải vì thế mà tôi trở nên thuần phục, hay run sợ trước những điều huyền hoặc, nên không bao giờ mê tín.
    Hôm nay tôi lại suy nghĩ điều này, đâu phải là lần đầu tiên. Cái ngày tôi chập chững bước vào cuộc đời quân ngũ, tôi đã xác định điều này và càng rõ rệt hơn là lúc tôi bắt đầu bước chân vào làm thằng lính bộ binh, từng giờ giáp mặt với quân thù. Tôi chết-cái điều ấy tất nhiên là phải đến, bởi vì tôi là một thằng lính chiến.
    Tôi suy nghĩ một cách mông lung, nếu mai tôi chết ai sẽ là người khóc tiễn đưa tôi? Có chăng chỉ là những giọt nước mắt của mẹ già đổ xuống bên cạnh chiếc hòm sơn đỏ hẩm hiu, buồn rầu và thương tiếc cho đứa con trai của mẹ?
    Nếu mai kia, một ngày nào đó không may mắn đến với tôi trong cuộc đời làm lính? Tôi sẽ ngã xuống trên miền đất xa xôi của quê hương Chùa Tháp này. Thân xác tôi sẽ hoà vào với đất, sẽ tan dần theo thời gian, chẳng còn lại gì, dù chỉ một chút. Lúc ấy người mẹ hiền của tôi sẽ không đến được bên chiếc hòm sơn đỏ để sụt sùi thương tiếc. Chỉ còn chúng bạn với màu áo lá rừng đứng nhìn hình hài của tôi, với những tiếng thở dài ngao ngán!
    Nếu một mai tôi chết? Cả cuộc đời bé bỏng này tôi xin trả lại cho quê hương! Đôi chân tôi không còn in dấu trên đất mẹ. Đôi mắt sáng mẹ đã trao tôi từ khi tôi cất tiếng khóc chào đời cũng chẳng nhìn thấy gì nữa. Khối óc cỏn con sẽ trở thành cát bụi, đâu còn biết nghĩ suy, đâu còn mơ mộng nhớ nhung khi bắt gặp những ngoại cảnh êm đềm?
    Nếu một mai tôi chết? Tôi không hề luyến tiếc một chút gì trong cuộc sống hiện tại của tôi. Tôi gói kín và ôm theo tất cả dù một chút kỷ niệm không mấy đẹp đẽ đã trôi qua trong tôi.
    Nếu một mai tôi chết? Thì cuốn ?oNhật ký? này sẽ là những gì còn lại của cuộc đời tôi. Đó làmột người bạn vô tư, trong sáng và thuỷ chung mà tôi yêu quý. Tất cả tấm lòng với khối óc tôi đã trao gởi vào đây. Nếu một mai tôi không còn nữa, xin dành những ước mơ đẹp nhất cho quê hương yêu dấu?
    20-5-1979
    Qua mấy ngày đi truy quét bọn địch, hôm nay tôi về lại chỗ ở cũng vào một chiều mưa. Người tôi mệt nhừ, như rời từng khúc.
    Trên đoạn đường về, đôi chân tôi không muốn bước, phải lê từng quãng mệt mỏi dưới trời mua tầm tã. Con đường đất trở nên nhão nhoẹt vì mấy chiếc xe bò bánh sắt đi qua làm tôi cứ trợt té mãi.
    Tôi thay vội bộ đồ còn ướt đẫm, nằm dài trên chiếc võng, cố tự ru một giấc ngủ cho lại sức, nhưng không sao nhắm mắt được, vì mấy cậu bạn cứ mãi bàn tán ồn ào về cái chuyến đi này.
    Nằm một lúc cũng không yên, tôi cùng dậy, cũng chẳng biết để làm gì, chợt nhớ tới cuốn nhật ký đang nằm một mình nơi góc chiếc ba lô, tôi vội vàng tâm sự cùng ?ongười bạn? vài dòng, để bớt lạc lõng giữa chút thời gian trống rỗng mệt mỏi.
    Đơn vị tôi đi truy quét lần này là lần thứ hai và lần này thì tôi mới bắn được 2 quả B40. Địch chạy phía trước tôi nhiều lắm, toàn là áo đen. Tôi đứng lên đặt cây B40 lên vai lấy thước ngắm xông, bóp cò. Viên đạn lao vèo về phía trước, tai tôi trở nên ù ù ù, phút đầu chả nghe gì cả, chỉ có tiếng ?o?o?o? như phát ra từ óc. Tôi không sợ mà chỉ có hồi hộp trước khi bắn quả B40 này, bởi đây là lần đầu tiên.
    Cách mấy phút sau, tôi lại bắn tiếp quả nữa. Địch chạy xong, tôi lại chỗ tôi bắn xem sao? Chẳng có gì ngoài một ít đất rừng nát vụn. Tôi cười, vì mình bắn dở quá.
    Thời gian này, Trung đoàn bộ binh 812 được giao nhiệm vụ truy quét tàn quân địch ở khu vực huyện Mung (tỉnh Batttambang). Đơn vị của Trần Duy Chiến đã đánh nhiều trận, diệt nhiều địch. Có trện diệt gọn một tiểu đoàn quân Pol Pot gần 100 tên ở phía tây huyện Mung-trong cuốn ?oCuộc chiến tranh bắt buộc? tôi có đề cập đến-Chú thích của Đại tá Nguyễn Văn Hồng).
    22-5-1979
    Chiều, buồn ghê gớm. Tôi đứng trông mặt trời chỉ còn là một đốm sáng lờ mờ, như chiếc đèn pha bị sương mù che kín. Hình như cảnh vật ở đây cũng chẳng khác gì với tâm trạng của tôi lức bây giờ. Và cũng không hiểu sao khi vừa đặt chiếc ba lô đến nơi này, tôi nhìn cảnh vật với cặp mắt lạ lẫm, có lẽ ngoại cảnh hiu vắng làm tôi buồn thì phải, chỉ toàn là cây với lá, chẳng tìm đâu ra một bóng người.
    Đi truy quét vừa xong, tưởng đâu sẽ được nghỉ chân đôi chút cho lại sức, thế mà chiều hôm nay tôi lại phải có mặt nơi cái buôn hẻo lánh này. Mấy thằng bạn đang mải mê đi tìm xoài rụng ngoài kia, xoài chín rụng nhiều quá, thôi tôi cũng ra tìm vài trái ăn cho bớt thèm mới được.
  5. ptlinh

    ptlinh Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    27/06/2003
    Bài viết:
    3.355
    Đã được thích:
    3
    25-5-1979
    Buổi sáng không đi phục, thèm thuốc chi lạ. Tôi sục sạo quanh xó nhà, xó bếp cũng chẳng tìm được mẩu tàn nào. Chán quá, về nằm ngửa trên tấm ván suy nghĩ về cuộc đời, thấy mình trở nên thèm khát đủ mọi thứ, toàn những cái tầm thường nhất. Những thứ mà ngày trước lúc tôi chưa khoác lên người bộ chiến y màu lá rừng, thì tôi không thèm đụng đến. Thế mà hôm nay nếu tôi muốn có, thì cũng chỉ là mơ mộng điên rồ, vì nơi tôi đang sống không bao giờ có.
    Thử hỏi bây giờ tôi ước những gì? Nhiều lắm! Những thứ gì mà nơi đây không có, những thứ gì mà tôi thiếu thốn? Nhưng trước tiên vẫn là thuốc lá-một điếu thuốc quấn cũng tốt, không cần phải thuốc gói. Rồi sữa đá, bánh bao, xi nê? như cái lúc tôi còn sống ung dung nhàn hạ nơi phố cảng quê hương. Cái thằng lính bộ binh gian khổ và thiếu thốn! Ai nói ?oCuộc sống của lính là vui tươi? là không đúng và người đó hẳn nhiên là chưa bước qua đoạn đời của lính nên mới ca ngợi như vậy.
    Hãy trả chiếc áo màu loè loẹt lại cho đời, thay vào bộ chiến y, sẽ rõ tất cả những gì gian khổ của lính.
    Tình cảm chỉ là một con số 0 rỗng tuếch, to thù lù treo lơ lửng trước mắt. Vật chất có những gì? Cơm vắt, muối rang, lắm lúc còn phải uống nước hục bùn, lẫn lộn phân bò vàng đục như sữa, bốc mùi ghê sợ, phải nín thở mới nuốt vào được, đâu cần phải đun sôi nấu chín.
    Đâu cần giường chõng, chiếu, mùng màn hẳn hoi. Trên đường hành quân có lệnh dừng nghỉ, cứ thế lính sẽ nằm dài trên đất, kê đầu trên cái ba lô, thả hồn bay khắp, mặc kệ muỗi vo ve sương gió lạnh buốt, hay là mưa rơi, mặc kệ tất cả! Họ vẫn phải ngủ.
    Nhưng trong đêm dài, lính có ngủ yên được đâu. Mắt nhắm nhưng cứ thao thức mãi, nghe tiếng con chuột hay con sóc chạy sột soạt ngoài lùm cây kia, lính ta vội vàng ôm súng nhảy ra công sự.
    Có những lần ngồi gác muỗi vo ve dày đặc, muỗi chích tứ phía, nhưng lính ta đâu dám đập mạnh. Trên đoạn đường hành quân gặp địch, ai cũng phải nhoài người nằm xuống, đâu kể hục bùn, bãi *** hay là hang kiến, mặc kệ! Cả tháng trời không đánh răng, không tắm rửa, áo quần lên men bốc mùi khét khó chịu, lính vẫn mặc, đâu kể nhớp nhúa.
    Còn nhiều và nhiều lắm?
    2-6-1979
    Mùa này trời cứ về chiều lại đổ mưa. Chiều nay trời cũng mưa, nhưng lại mưa dai dẳng hơn những chiều khác. Nước đọng quanh nhà thành vũng, đất nhầy nhụa đến ghê sợ. Tôi chẳng buồn đi ngủ, ngồi co ro trên chiếc võng, suy nghĩ. Buồn thật!
    Nhớ lại những ngày đi truy quét đã qua, khổ thiệt. Cứ buổi chiều lại phảu ướt, phần vì mưa, phần lội suối, có lúc cái bờ suối quá cao phải đu dây xuống, lại đu dây lên, quần áo bê bết bùn, trông nhớp nhúa quá!
    Tối đến lại còn có anh muỗi nữa, mà muỗi thì khỏi phải nói ở cái quê hương Chùa Tháp này đâu đâu chả có. Mấy đứa bạn thường bôi bác ?oCái đất này chỉ được có hai thứ: ban ngày thì ruồi, ban đêm thì muỗi?. Nó nhiều vô kể, lại dạn dĩ nữa chớ.
    Mặt trời sụp xuống, thế là tiếng ?okèn? muỗi lại trỗi lên vo ve quanh chiếc võng. Có một lỗ trống nhỏ nơi chiếc chăn, muỗi tìm được chui vào dày đặc. Khi trước lúc đọc truyện bắt gặp một đoạn văn nào nói về muỗi, tôi cảm thấy bình thường. Tôi nhớ một câu văn của tác giả nào đã viết về đất Đồng Tháp Mười quê hương tôi rằng ?oquờ tay ngang mặt là đã bắt được muỗi?. Nhưng tôi đâu có hình dung được nó nhiều đến thế, bởi vì nơi chôn nhau cắt rốn của tôi thì đâu có nhiều như vậy. Tôi vẫn cho là các nhà văn họ thêm bớt vào đó, nhưng bây giờ, nói đúng hơn là lúc tôi đặt chân đến cái tỉnh ?oBắt-tam-băng? của quê hương Chùa Tháp này thì tôi đã rõ. Bởi vì muỗi ở đây nhiều lắm, mỗi đêm đến giờ gác là tôi bị muỗi đốt cho một trận. Sợ thật cái mảnh đất này, đâu đâu cũng là muỗi, nhất là ở những cac buôn có xoài. Như cái buôn tôi đang sống đây, đêm đến ngoài cái sợ địch tập kích ra, tôi còn phải sợ những con muỗi tí xíu này.
    (Dưới chế độ diệt chủng của bọn Pol Pot-Ieng Sary đâu đâu cũng có xác người và xác súc vật. Nhà cửa, vườn tược bị bỏ hoang? môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Các loại ruồi, muỗi tha hồ sinh sôi nảy nở. Nhiều nơi khi ăn cơm bộ đội ta phải căng màn ngồi bên trong. Chỉ cần một chỗ màn rách là ruồi sẽ tràn vào. Nhiều khi nhai cơm nhai luôn cả? ruồi.-Đại tá NVH)
  6. ptlinh

    ptlinh Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    27/06/2003
    Bài viết:
    3.355
    Đã được thích:
    3
    3-6-1979
    Mẹ ơi! Con đang suy nghĩ về mẹ đây. Con đang dồn hết tâm trí để hình dung cho thật đúng về gương mặt mẹ hiền của con. Mẹ yêu của con ơi! Con nhớ mẹ nhiều lắm!
    Bây giờ, nơi quê hương mình mẹ của con đang làm gì? Đáng sửa soạn bữa cơm chiều hay còn mải mê nơi đồng ruộng, cố nâng niu, chiều chuộng, cho cây lúa trổ nhiều bông? Đừng làm nhiều nghe mẹ! Mẹ già rồi, sức lực của mẹ cũng giảm lần theo năm tháng. Con thấy thương mẹ quá nhưng con biết làm sao bây giờ? Phải chi con đang sống cách mẹ chừng đôi trăm cây số. Con sẽ bằng mọi cách để được về nhà, để được nhìn kỹ gương mặt mẹ hiền của con xem mẹ có già đi tí nào không.
    Mẹ hiền của con ơi! Đó là sự ước mơ của con thôi mẹ ạ! Vì giờ đây con đang sống cách mẹ quá xa, lại bị chắn ngang bởi một chiều dài biên giới.
    Chắc mẹ của con chưa biết biên giới là gì? Để con kể cho mẹ nghe: biên giới nó ngoằn ngoèo và ghê rợn. Nó là một dãy rừng rậm mịt mùng đầy bụi và gai. Nó là một con sông, một đỉnh đồi, hay một bãi cát. Nó chứa trong mình đầy rẫy thứ giết người: nào mìn, nào thốc nổ, nào chông. Nó là cái gì ghê sợ mỗi khi người lính bước chân vào đó.
    Mẹ của con ơi! Mẹ đã rõ biên giới là cái gì rồi chứ! Mà mẹ cũng đừng lo cho con, bởi vì nơi con đang sống không phải là vùng biên giới đâu. Mẹ có biết hiện giờ đứa con trai của mẹ đang sống và làm gì ở đâu trên cái đất nước quê hương Chùa Tháp này? Con đang cầm súng đánh giặc mẹ ạ! Con sẽ bắn trả vào đầu bọn chúng, trước khi chúng bắn con. Mẹ ơi! Có lần chúng bắn con đạn xẹt ngang tai, làm con khiếp quá mẹ ạ!
    Nhưng thôi con không kể những điều đó nữa. Con sợ mẹ của con sẽ lo nhiều cho đứa con trai của mẹ. Con sợ mẹ già đi trước tuổi, mẹ ơi! Con thương mẹ quá!
    Nơi ?ovườn xoài? mà con đang sống, cứ mỗi chiều con đứng nhìn dải mây trắng xám giăng ngang tận cuối chân trời, là lòng rộn lên bao nỗi nhớ. Con định hướng, rồi nhìn về quê hương. Con cố moi lại tiềm thức, để hình dung ngôi nhà mà gia đình mình đang sống. Con thấy mẹ đang mải miết cho mấy con heo ăn, cu Ấn lại nghịch ngợm lấy đá chọi vào?
    Cây ổi, cây khế trước nhà mùa này ra trái nhiều lắm phải không mẹ?
    Mẹ hiền của con ơi! Có lần trong cơn mơ, con được về quê nhà con gặp lại mẹ. Mẹ ôm con vào lòng. Mẹ khóc. Mẹ sờ khắp chân tay, đứa con trai của mẹ vẫn còn sống và đang ở bên mẹ. Cu Ấn cứ luôn mồm gọi anh Hai. Con vui quá, giật mình tỉnh dậy vẫn thấy mình nằm trên chiếc võng mắc dưới gốc cây xoài. Thấy khẩu súng vẫn bên mình, con mới biết đó là giấc mơ. Con tiếc quá, giấc mơ ngắn ngủi quá, phải chi nó thật dài và trở thành sự thật!
    Mẹ thương yêu nhất đời của con! Con phải làm sao bây giờ hỡi mẹ? Con dang tay cho số mệnh đẩy đưa, cho dòng đời lôi cuốn con cách xa mẹ hàng mấy ngàn cây số. Chỉ còn cách gặp mẹ hiền của con trong những giấc mơ, để rồi sáng ra bên mình con vẫn là bộ chiến y màu lá, với khẩu súng nặng trĩu. Để rồi con trở về với hiện thực bằng những trận đánh, bằng những ngày đi phục dưới trời thiêu cháy da con.
    Mẹ ơi! Con bắt đầu sợ cái bộ chiến y màu lá thắm mà con đang mặc. Nó là cái gì làm ngăn cách giữa con và mẹ? Nó ôm kín và dìu con vào những nơi có tiếng súng nổ, có sự chết chóc. Con sợ nó lắm mẹ ơi! Con muốn cởi trả nó lại cho đất nước để được về gần bên mẹ. Lúc mẹ ốm đau có đứa con trai bên mình cơm cháo thuốc thang, để chiều mưa không làm con ướt, để chiếc ba lô và khẩu súng không đè nặng mãi hồn con và lẽo đẽo theo con suốt cả tháng trời hành quân. Để đêm đêm con được yên lành trong giấc ngủ, để cánh rừng rậm không phủ kín được ước mơ của con?
    Mẹ ơi! Biết bao giờ con được trở về bên mẹ hiền của con? Để con gặp lại mẹ, gặp lại em con, gặp lại gia đình. Con mong được gặp lại những người thân thuộc, gặp lại mảnh vườn, ngôi nhà đã che nắng che mưa cho con suốt quãng đời thơ dại. Để mẹ hiền khỏi phải trông mong đứa con trai của mẹ, đang từng giờ chiến đấu nơi miền xa xôi hẻo lánh nào mà mẹ không bao giờ hết. Để con được nhìn kỹ lại gương mặt mẹ hiền của con. Để những ngày mưa con không buồn không nhớ. Để chiều chiều nơi có bóng dáng mẹ hiền của con với nhiều nỗi suy tư thương nhớ?
    Mẹ thương yêu nhất đời của con! Con biết mẹ giận đứa con của mẹ nhiều lắm, vì mấy tháng nay con không gởi về cho mẹ một chữ nào, để mẹ cứ phập phồng lo nghĩ về con. Nhưng con biết làm sao bây giờ hỡi mẹ, khi ở nơi con đang chiến đấu không có một điều kiện nào để con gởi về quê hương cho mẹ mấy dòng chữ, để mẹ hiền của con khỏi phải mong lo. Con thương mẹ quá, nhưng biết làm sao bây giờ hỡi mẹ! Mẹ tha lỗi cho con nghe mẹ!
    Mẹ ơi! Rồi một ngày nào đó khi chiến tranh tàn lui, bom đạn sẽ không còn gào thét đe doạ. Lúc ấy con lại trở về quê hương, nơi có bóng dáng mẹ hiền của con để con được gặp lại mẹ bằng hiện thực, bằng giọt nước mắt bằng nụ cười mà con ao ước.
    Mẹ ơi! Bao giờ thì niềm ước ao của con mới trở thành sự thật hả mẹ? Nó sẽ là một quãng thời gian dài và lâu lắm mẹ ơi! Lúc ấy mẹ của con sẽ già đi mất. Mái tóc mẹ sẽ đổi màu và ánh mắt cũng mờ dần theo năm tháng mỏi mòn. Mẹ hiền của con ơi, con nhớ mẹ, con thương mẹ quá!
    Từ khi con bước chân vào Trung đoàn mang tên 812 này, trực tiếp cầm cây súng chiến đấu, thì con cũng chẳng nhận được một cánh thư nào của gia đình mình cả. Con không biết mẹ hiền của con đang sống nơi xa mù ấy ra sao? Mẹ có khoẻ mạnh như ngày nào con đi, hay cứ mãi ốm đau vì thương nhớ? Con lo cho mẹ quá mẹ ơi! Cầu trời cho mẹ con luôn mạnh khoẻ, để ngày con về con được gặp lại người mẹ hiền của con.
    Mẹ ơi Đừng buồn, đừng khóc khi nghĩ về đứa con trai này nghe mẹ. Con cầu trời cho mẹ của con khoẻ mãi trong cuộc sống!
  7. ptlinh

    ptlinh Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    27/06/2003
    Bài viết:
    3.355
    Đã được thích:
    3
    Phần thứ tám-?oHút thuốc là? ăn mày?
    10-6-1979
    Lại phải dời chỗ ở.
    Mới có năm ngày mà đã hai lần đổi chỗ ở, phải làm 2 cái nhà rồi, nhưng cũng không phải là đã tạm ổn. Trong đời bộ đội, ăn rồi chỉ có mấy việc: hành quân, làm nhà, đào hầm, đi tuần, đi phục. Có thế mà nó quanh quẩn mãi, không lúc nào người lính nơi đây có được những ngày thư thả thảnh thơi.
    Mới hôm kia tiểu đội tôi phải ra sức làm cho xong cái nhà và đào mấy chiếc hầm. Vừa xong là lại dời xuống đây. Hai ngày nay cũng đổ mồ hôi nhiều, nên cái chỗ ở của tiểu đội tôi chiều nay cũng gọi là tạm ổn.
    Bực ghê! Cây viết lại không ra mực, chả biết khi nào về nước để mua cái ruột thay vào? Còn cái đồng hồ nữa, nó hư từ lúc ở sân bay Tân Sơn Nhất, phải cất dưới đáy ba lô, không biết nó có sét rỉ chưa?
    Chán quá! Có lúc tôi không muốn ở cái C5 này một tí nào. Đâu phải tôi sợ đánh nhau, nhưng tôi sợ cái khác kia. Thôi chả buồn ghi nữa, tôi phải đi tắm mới được.
    14-6-1979
    Phô-xit-đây, quê hương Chùa Tháp?
    (Phô-xit-đây mà Trần Duy Chiến viết trong nhật ký có thể là một địa danh nhỏ của huyện Mung. Chỉ có người dân địa phương mới phát âm chuẩn-Chú thích của Đại tá NVH).
    Bực thật, mấy tháng nay, kể từ lúc tôi bước vào cái C5 của Trung đoàn 812 này làm nhiệm vụ chiến đấu đến hôm nay vẫn chưa nhận được một lá thư nào!
    Chẳng biết bây giờ gia đình tôi nơi phương trời xa lắc ấy ra sao? Tôi lo nhất là bà nội của tôi năm nay đã 80 tuổi rồi. Ba có sòn khoẻ và có sống đến ngày tôi về lại quê hương, hay đã ra đi rồi mà tôi không hề biết đến? Có lắm lúc rảnh rỗi, tôi muốn viết thư thật nhiều cho gia đình, nhưng lại thôi vì tôi quá chán viết rồi. Bởi viết xong cũng chẳng biết gửi cho ai để thư chạy về nước. Thế nên tôi chẳng buồn viết làm gì.
    Tôi còn mấy đứa bạn ở cùng làng, đi nhập ngũ cùng ngày và bây giờ cũng ở một sư đoàn với nhau. Thế nhưng tôi chẳng biết làm sao để được gặp chúng. Kể từ khi tôi chuyển qua học lớp Hạ sĩ quan ?ohắc ám? của trường ông Thịnh tại Đức Cơ và bây giờ thì tôi lại càng xa chúng hơn, vì tôi đang chiến đấu ở cái Trung đoàn 812 này.
    Mấy câu bạn, Hải, Thanh, Chính và còn là đồng hương của tôi, bây giờ thì chắc sướng hơn tôi nhiều, đang ung dung sống kề bên ?osư bộ? (tức cơ quan Bọ chỉ huy sư đoàn-ĐVH) ở ?oBat-tam-bang?. Còn tôi thì cũng đang ung dung với khẩu B40 nặng chịch, với những ngày truy quét phải lội bộ mấy chục cây só dưới dàn lửa của miền nhiệt đới đến cháy da. Chắc có lẽ là số mệnh đã an bài cho chúng tôi, phải cúi đầu chấp nhận.
    Không biết thằng Chính (thằng bạn thân nhất của tôi hiện đang sống tại đơn vị truyền tin của Sư đoàn) bây giờ có thay đổi gì không? Với một thằng lính chiến bộ binh như tôi, thì không có một dịp nào để gọi là may mắn về sư đoàn để gặp lại nó.
    Ngày trước khi tôi và nó chưa khoác lên mình chiếc áo màu lá rừng này thì tôi và nó thân nhau như hai vợ chồng. Đi làm, đi chơi cũng có mặt hai đứa. Bây giờ thì mỗi đứa một nơi, tôi nhớ nó quá!
    Tôi lại trách thật nhiều cho cuộc chiến. Cuộc chiến này đã phá vỡ ước mơ của tôi. Bắt tôi phải xa cái ngôi nhà ấm cúng và người mẹ hiền. Xa tất cả bạn bè thân thuộc và những cuộc vui của lứa tuổi. Có lúc ngồi một mình buồn bã, nhớ lại ngày cũ, tôi lại thấy mình như một người say. Thế rồi tôi phải cố đem chút can đảm của một thằng con trai, để ghìm lại những giọt nước mắt, những tiếng nấc mà nó muốn trào ra.
    Ai là kẻ xa người thân, xa gia đình, xa bạn bè, xa rời vĩnh viễn cái ước mơ đẹp nhất của cuộc đời mà không nhớ, không thương, không luyến tiếc? Đâu phải riêng chỉ có mình tôi!
    Ôi cuộc đời sao lắm cái oái ăm!
    17-6-1979
    Chiều.
    Thèm thuốc chi lạ! Tôi quanh quẩn mãi ở cái bờ đập mà cũng chẳng xin được một điếu thuốc rê. Hễ gặp người dân Miên nào, thì tôi cũng làm liều xin, thế nhưng thuốc thì chẳng có, mà tôi chỉ nghe họ trả lời
    bằng hai tiếng "ót miên". (Tiếng Cam-pu-chia nghĩa là "không có" - Chú thích của Đại tá NVH).
    Tôi cũng chả hiểu là họ đã hết thật rồi, hay là họ chẳng muốn cho. Và cứ mỗi lần tôi mở miệng nói câu tiếng Miên để xin thuốc: "Oi cơ nhum xum tít thờ năm chúa" (Cho tôi xin ít thuốc hút), là tôi thấy ngài ngại làm sao. Bởi tại tôi có chút ít suy nghĩ tự trọng: Tôi là một người lính của Việt Nam, một người đi làm nhiệm vụ quốc tế, mà lại đi ngửa tay xin thuốc của người dân xứ bạn nghèo và thiếu thốn. Nên tôi rất ngượng ngùng mỗi khi thốt lên câu tiếng Miên và ngửa tay xin họ điếu thuốc.
    Nhưng tôi biết làm sao hơn bây giờ, khi tôi quá thèm. "Hút thuốc là... ăn mày" kia mà. Tàn thuốc rê là cái dơ bẩn nhất, nhưng tôi vẫn lượm ráo. Có lúc hành quân đánh địch vào một cái phum nào đó của Miên, tôi lại lục sao tìm kiếm ở mấy xó nhà, thử xem có cái mẩu thuốc nào không? Tôi vẫn biết rằng điều đó là nhục nhưng không có cách nào hơn. Tôi đành chịu vậy. Thuốc của đơn vị phát có lúc mỗi tháng được 1
    đến 2 gói. Hút tiết kiệm cho lắm cũng chỉ được 4 đến 5 ngày. Cuối cùng rồi cũng phải đi nhặt. Trên cái đất nước Miên này hễ ai là người biết hút thuốc thì phải nhặt mẩu, thế thôi. Vẫn biết rằng đứng xin thuốc của dân Miên là nhục, nhưng chiều chiều tôi vẫn dạo quanh bờ hồ. Trước hết là để ngắm dòng nước chảy, nhìn dải mây bay, sau nữa là xem người dân nào hút phì phà khói thuốc cũng nhào vào để "Oi cơ nhum xum tit thờ năm chua" cho đỡ thèm.
    Cuộc đời bộ đội ở nước bạn lắm gian khổ và chán ngán đến tột độ, mà chính tôi đã bước chân qua, như thế!
    Được ptlinh sửa chữa / chuyển vào 22:19 ngày 16/06/2006
  8. ptlinh

    ptlinh Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    27/06/2003
    Bài viết:
    3.355
    Đã được thích:
    3
    18-6-1979
    Buổi chiều, trời mưa tầm tã không ngớt hột, nước lai láng khắp cả cánh đồng. Cái lều tranh nơi tôi ở trở nên dột dữ dội, khiến tôi phải lấy tấm tăng căng phía trên mới ngồi yên được.
    Bây giờ khoảng đâu 4 giờ 30, thế mà trung đội của tôi đã cơm nước xong xuôi từ lâu. Bữa cơm của lính quá đơn sơ: một xoong cơm không nhiều lắm, một khay rau to tướng mà anh em vừa hái ngoài ruộng về. Nhìn vào phát khiếp vì nó nhiều và nhiều quá sức tưởng tượng. Phải nói rằng tỉ số rau ở đây gấp 5/1 cơm. Mà phải thế mới no được, "cơn đỡ dạ, rau là chủ yếu? mà.
    Nói thiệt, thì có nó cũng còn là may? Ở cái đất này, rau muống thì thật là nhiều. Hễ nơi nào có ruộng hơi ướt ưót tí, là có rau muống. Mà dân ở đây lại chẳng buồn ăn rau muống, nên mới còn lại cho bộ đội ta. Bữa nào lười không đi hái rau cải thiện, bữa đó cái bao tử của tôi nó gào mãi không thôi...
    Đời lính chiến là phải thế, gặp lúc thịt không muốn ăn như lần trước khi đơn vị tôi đánh vào cái buôn sát biên giới Thái. Lần ấy, vịt nhiều vô kể, mỗi ngày thịt phải đến gần 20 con, mà trung đội chỉ còn có 10 người. Lần ấy, tôi nhìn thịt vịt là phát ớn. Còn bây giờ thì thèm khát. Bữa ăn chỉ có nước muối chấm rau luộc, may mắn lắm thì được mấy gói bột canh bỏ vào. Có lúc ăn cơm xong nhưng tôi chẳng muốn đứng dậy tí nào. Tôi không hiểu vì cái bao tử của tôi hôm nay nó lớn thêm hay là vì cơm ít.
    Khi đêm nằm mơ tôi thấy tôi trở về nhà gặp lại gia đình, gặp lại mẹ và em tôi. Tôi lại có vợ và có con nữa, vui và ấm cúng. Tôi đang đùa nghịch với đứa con nhỏ vui quá. Chợt cu Thành kêu tôi dậy gác. Giật mình dậy, giấc mơ tan biến, bay vèo vào hư không, chỉ còn trơ trẽn một mình tôi với khẩu súng kê trên đầu. Tôi bực cu Thành quá, vì đã phá tan giấc mơ tuyệt diệu của tôi, nhưng đành chịu, không thể gắt với cu cậu được vì nhiệm vụ của lính mà.
    Tôi bước chân xuống đất vớ khẩu súng đeo lên vai, ra vị trí với nỗi bàng hoàng tiếc mãi cái hương vị ấm cúng trong mơ đã đến với tôi. Thế là suốt một giờ rưỡi ngồi dựa lưng vào gốc cây thốt nốt gác, đôi mắt tôi cứ dim dim, đầu óc chập chờn theo cơn mộng. Tôi thấy bị lạc lõng giữa vòng đời bao la rộng lớn này.
    Lắm lúc ôm súng ngồi gác dưới khuya, ánh trăng chập chờn nghiêng vành mũ tôi thấy buồn buồn làm sao. Tôi nghiêng đầu nhìn xa xôi về phương trời ấy với nhiều nỗi suy tư chồng chất. Màu trăng buồn làm cho tôi càng buồn hơn. Tôi nhớ lắm những kỷ niệm êm ấm đã trôi qua trong tôivĩnh viễn. Quãng đời hiện tại đã xua đuổi tất cả ước mơ nhỏ bé của tôi tan vào hư không. Cho tôi nhớ và buồn buồn khi ánh trăng vàng soi rọi. Cái tuổi mơ vừa hé nở trong tôi chưa kịp khoe thắm sắc hương, đã tàn lụi một cách quá nhanh. Để mỗi lần bắt gặp một ngoại cảnh êm đềm trước mắt, tôi lại vật vờ như vừa đánh mất đâu đây...
    Có lúc tôi chẳng muốn nhớ đến làm gì. Đêm đêm, tôi không mơ dù một giấc mơ ngắn ngủi. Để đôi mắt tôi không phải vướng buồn, khi nhìn màu trăng vàng thắm. Để tôi yên lòng với nhiệm vụ của một người thanh niên thời chiến. Nhưng tôi đành chịu bất lực bởi tôi không có trái tim bằng đá. Tôi không có một phép màu huyền diệu để trấn an. Vì thế nên cấl kỷ niệm êm đềm quái ác kia cứ len lén ùa vào tôi. Cho tôi phải buồn, phải nhớ, phải luyến tiếc và ngẩn ngơ.
    Khi trong giấc ngủ thả hồn bay về xa xàm ấy, hay lúc ngồi buồn một mình nhìn dải mây chiều giăng ngang ở cuối chân trời xa tít. Nơi ấy tôi đã một lần bập bẹ câu nói đầu tiên. Nơi ấy có mảnh vườn, ngôi nhà đã che nắng che mưa cho tôi suất quãng đời thơ dại. Nơi ấy có mẹ và em tôi. Nơi ấy đã ấp ủ biết bao là kỷ niệm mến yêu của tôi trong thời niên thiếu. Thời mà tôi còn vô tư, chưa biết nhìn đời bằng đôi mắt oán hờn, hay lúc nhìn dải mây chiều lang thang không làm tôi buồn nhớ. Nơi ấy một lần tôi giã từ mẹ hiền, giã từ bạn bè thân thuộc, giã từ những cuộc vui chơi của lứa tuổi giã từ cái ước mơ mà tôi hằng mơ ước để âm thầm bước vàouộc đời quân ngũ.
    Có nhiều khì tôi nằm hát nghêu ngao một mình như người lãng trí, nhưng mặc kệ! Tôi hát cho quên đi ngày tháng trôi qua. Tôi hát không cần hay, không có đầu đề hay đoạn cuối. Tôi hát cho chính tôi nghe, hát cho tôi quên ngày tháng nhớ. Hát để nỗi buồn thực tại không làm tôi thấy trống trải hoang vu.
    Mấy đứa bạn cùng tiểu đội với tôi giờ đã đi chơi đâu hết. Có lẽ chúng lên chơi với mấy cậu cùng quê ở các "Bê" (trung đội - ĐVH). Bây giờ chỉ còn lại mình tôi. Sở dĩ tôi không buồn đi chơi, vì chẳng quen thân thiết với ai trong cái đại đội của tôi. Chỉ có 1 thằng bạn học cùng trường ra và về ở với tôi cùng đại đội nhưng hôm nay nó đã nằm ở viện vì cơn sốt rét ác nghiệt đến ám ảnh. Ở đây tôi chẳng có ai là đồng hương cả, nên buồn chẳng muốn bước chân ra khỏi nhà và lại còn phải ở nhà để cảnh giới địch nữa. Địch ở đây thì không gọi là nhiều, hơn nữa với trời quang như vầy thì nó chẳng bao giờ dám vào tập kích cả. Tôi bỏ liều vào nằm viết nhật ký cho qua đi chút thời gian.
    Với cuộc sống là một thằng lính bộ binh như tôi thì chẳng có gì gọi là đáng nhớ. Súng đạn cứ lạch cạch theo sau mỗi chuyến hành quân dài ngày. Còn bây giờ thì quanh đi quẩn lại có mấy việc: đi truy quét, đi phục, đi tuần, đi công tác lẻ. Có vậy thôi mà nó cứ quanh đi quẩn lại mãi. Lúc có lệnh là tôi đi, xong đợt lại về nghỉ, rồi lại đi. Lấn quấn cũng không ngoài mấy cái buôn có địch hay những khu rừng bị nghi là có lính Pol Pot hoạt động, thế thôi.
    Tôi thầm nghĩ, nếu như một kẻ nào đó có công ghi lại từng cây số mà đôi chân nhỏ bé của một người lính bộ binh đã bước qua thì trong suốt cuộc đời của lính nó sẽ là con số khổng lồ và khủng khiếp lắm.
    Tôi từ giã cái đơn vị 17 truyền tin hôm 28-3-79 bước vào C5 của E 812 này làm nhiệm vụ chiến đấu đến nay cũng gần 3 tháng.
    Trận lớn, trận nhỏ tuy không nhiều nhưng tôi cũng đã tham dự đầy đủ. Đạn AK tôi bắn đâu khoảng 100 viên, B40 đã 3 quả. Nhưng tôi không bắn trúng được tên giặc nào để gọi là lập nên chiến công. Có lẽ là tại tôi bắn súng quá dở và hồi hộp quá, nên mới trật thôi. Tôi phải xách ca đi ăn cơm cái đã kẻo mấy lằng bạn réo um rồi.
    Ăn bữa rau muống luộc no quá, gần vỡ cái bụng ra, giờ lại nằm viết nhật ký tiếp. Buổi sáng rau muống luộc, buổi trưa rau muống nấu canh, buổi chiều lại luộc rau muống... Cứ thế món rau muống xoay quanh mãi chẳng có gì khác hơn. Mà ở đây có loại rau gì ngoài rau muốn đâu!
    Thỉnh thoảng ngán rau muống quá, lính ta kéo thau đi tìm rau dền, đọt bí, dền gai, dền cỏ, đọt bí già? ăn hết, chả ngán thứ nào. Nhưng rau dền hay đọt bí ở đây cũng hiếm lắm, thế là lại trở về với rau muống thôi. Không biết tại ăn rau nhiều quá, hay cái bao tử của tôi đêm nằm nghe như máy nổ? Nhưng không ăn thì không ổn với cái ruột rồi, nó gào và réo dữ lắm. Thôi kệ, ăn nhào. Ông bà mình có âu "đói ăn rau, đau uống thuốc" mà? Khi chiều, vì thích thú quá, tôi xách súng ra ?oăn chim?. Không may cho tôi, bị đại đội phó Trường bắt được quả tang. ông "quạt" cho tôi một trận mát mẻ. Chẳng biết còn chống chế thế nào, tôi đành đứng im chịu trận. Tức lắm, nhưng vì tôi làm sai, nên phải im thin thít thôi.
    Đời quân ngũ mà, cấp trên "quạt" cấp dưới là sự thường. Nhưng sao tôi cứ áy náy mãi đến bây giờ, tính tôi hay tự ái lắm. Vì thế trong cuộc sống tôi không muốn ai nói ra nói vào với tôi một tiếng nào, như cái sự việc khi chiều xảy ra cho tôi. Nó sẽ làm tôi suy nghĩ không ít.
    Tôi phải tạm dừng ở đây, đi sửa soạn mấy thứ cần dùng để mai đi phục vụ cái đã.
  9. ptlinh

    ptlinh Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    27/06/2003
    Bài viết:
    3.355
    Đã được thích:
    3
    25-6-1979
    Lại phải rời xa B1 để sang A cối. Tôi không thích mấy, nhưng cũng vui vui. Tôi không thích sống ở B1 là vì trong B có mấy anh lính xứ Nghệ chỉ biết cục bộ địa phương, nên suốt từ lúc tôi về ở B1 họ không làm tôi thoải mái tí nào.
    Hôm nay tôi từ giã B1 bước sang A cối, cũng làm tôi hơi buồn một tí, vì sống ở môi trường nào quen với môi trường ấy. Nhưng bù lại, tôi được sống cùng anh em miền Nam không lộn vào mấy anh xứ Nghệ "cục bộ". Lúc ra đi tôi tức lắm, muốn chửi cậu Thịnh một trận. Nhưng tôi cố kiềm lại, vì nghĩ lúc ra đi đừng làm gì để anh em trong B nghĩ mình thế này thế khác Bây giờ tôi vẫn còn tức cậu Thịnh B phó.
    Cậu "cục bộ" và tồi quá, chỉ biết lo cho bản thân và đồng hương của cậu ta.
    2-7-1979
    Cho tôi xin tuổi thơ một lần trở lại để tôi được nô đùa thoả thích. Màu thời gian không nhuộm mờ ánh mắt vô tư, để nụ cười rộn rã luôn nở rộ trên môi. Tôi được sống vui tươi bên mẹ, bên em, bên bạn bè thân ái. Để tôi được ngồi trong vòng tay âu yếm của mẹ hiền vào những chiều đông lạnh buốt bên bếp lửa hồng ấm cúng. Để tôi được nũng nịu và dỗi hờn khi không vừa ý. Để mẹ phải dỗ dành gạ mua những thứ đồ chơi đẹp nhất cho tôi. Để đêm đêm mẹ ru tôi vào giấc ngủ say sưa trong vòng tay ấm. Tôi không còn sợ gì nữa vì đã có mẹ rồi ?
    Cho tôi xin tuổi học trò thân ái trở lại cùng tôi. Để tôi được khoát lên mình chiếc áo màu trắng thương yêu ngày hai buổi cắp sách đến trường, bên thầy, bên bạn, bên chiếc bảng đen ngoằn ngoèo nhiều chữ số. Để những lần mải rong chơi, không thuộc bài bị thầy quở mắng và được lãnh một cặp "hột gà" vào quyển sổ điểm xanh xanh to tướng. Để chiều chiều trên con đường từ trường về nhà, tôi mải mê đánh bi cùng chúng bạn, quên mất bữa cơn chiều mà mẹ đang chờ. Để tôi giận và rượt đuổi mấy đứa bạn, khi chúng lấy tên tôi ghép vào tên một đứa bạn gái nào đó, rồi gọi ầm ĩ lên.
    Cho tôi xin một mùa phượng nở trong tuổi học trò, để tôi phải bùi ngùi bắt tay tạm biệt cùng bạn bè. Để quyển nhật ký nhỏ bé của tôi có thêm những dòng chữ và những cái tên quen thuộc đầy quyến luyến. Để tôi nhớ mãi tiếng ve sầu hát khúc biệt li. Tuổi học trò ơi ! Màu áo thư sinh ơi? Ta đã một lần đánh mất? Cho tôi xin tuổi mộng mơ một lần lại đến, dưới ánh trăng vàng nhuộm sáng con đường cát, tôi lang thang cùng người yêu bé bỏng đi tìm hương vị của tình ái. Cuộc sống sẽ là giấc mơ đẹp nhất, khi đôi môi kề sát bên nhau. Vòng tay âu yếm tôi đan vào tay em không rời. Tóc em hòa theo gió bay bay, vướng vào
    mắt tôi, vướng vào môi tôi. Ôi! Hương tóc em thơm quá. Tôi say mất! Cho tôi một lần hẹn hò rồi em không đến, để tôi chờ trong khắc khoải, để tôi giận em và yêu em hơn.
    Cho tôi một ngày Chúa nhật đẹp trời rong chơi nơi phố cảng quê hương. Tôi sẽ lang thang mãi trên đường để ngắm thành phố đẹp và tôi thấy yêu cuộc sống hơn. Để chiều chiều khi tan sở, tôi đạp xe trên
    con đường tráng nhựa thẳng tắp về nhà, gặp người yêu nhỏ bé của tôi đi về ngược chiều. Em cười, ôi nụ cười xinh quá tôi ngắm đến say sưa. Để màu mắt tôi không vướng buồn khi nhìn dải mây chiều lang thang ở cuối chân trời xa tít. Để tôi chẳng bao giờ rơi một giọt lệ nào trên lứa tuổi đôi mươi khi đêm nằm tôi nhớ về người mẹ hiền của tôi nơi quê hương xa mù đó. Ôi? ước mơ của tôi đã bay vào hư không mất rồi.
    Cho tôi xin một ngày giã từ bộ chiến y màu lá rừng xanh thẳm. Để súng đạn, kỷ luật, giờ giấc không đè nặng trên đôi vai trong những chặng đường hành quân dài ngày. Để tiếng nổ của đạn bom không làm
    tôi kinh sợ, để cánh rừng xanh thẳm không che kín ước mơ. Để những chiều mưa nơi đất bạn không làm tôi ướt và lạnh cóng.
    Cho tôi xin một giấc ngủ yên lành trong đêm, không lo nghĩ và sợ sệt, không phải thức giấc để đứng gác, để bầy muỗi đói không ào đến hút máu tôi, để tôi say sưa trong mơ mộng.
    Tuổi hai mươi ơi? Một lần nào từ giã ra đi biền biệt. Bao giờ tôi trở lại với ngày tháng cũ năm xưa? Vào một chiều, khi đơn vị đóng quân nơi bờ hồ-Buồn quá!
  10. ptlinh

    ptlinh Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    27/06/2003
    Bài viết:
    3.355
    Đã được thích:
    3
    7-7-1979
    Cái mệt mỏi cứ đè nặng và lấn áp tôi mãi, khiến tôi chẳng muốn làm một cái cử động nào của thân thể. Đến việc đi tắm và giặt cặp đồ quá nhớp nhúa, mặc kệ, phải nghỉ cái đã.
    Suốt một ngày nay đôi chân tôi cứ đi mãi lúc qua ừng, lội suól, lúc băng đầm lầy bùn nhão nhoẹt. Mà ở cái đất này về mùa mưa thì thôi khỏi phải nói, bước chân ra khỏi nhà không gặp nước ắt đụng bùn, tránh đâu cho khỏi.
    Bây giờ về nằm nghỉ tôi mới thấy mệt mỏi, các khớp xương như rã rời. Chán quá, chả thèm ghi nữa, nghỉ cho khỏe tí đã.
    20-7-1979
    Ghi vắn tắt mấy dòng cho chú sáo nhỏ xinh xinh của tôi. Tôi mới nuôi chú sáo nhỏ này khoảng 10 ngày. Tuy vậy, chú sáo đã thân với tôi ghê lắm bởi vì khi người ta bắt buột chú phải rời chiếc tổ nhỏ về sống và làm bạn với người, chú chỉ mới là một cục thịt đỏ hau, chưa có sợi lông và cũng chưa biết suy nghĩ về những điều hơn thiệt. Chú chỉ biết há chiếc mỏ to tướng, chờ đón những con dế, con cào cào do người thay cha mẹ chú bón cho.
    Nếu nói về công dưỡng dục, thì chú sáo này phải mang ơn đến 3 người. Đầu tiên, một người bạn của tôi trèo lên tận ngọn một cây cổ thụ đem chú ra cùng lượt với 5 anh em của chú. Lúc ấy chú chỉ ngúc ngoắt được cái đầu rồi kêu inh ỏi suất ngày. Lúc ấy chú ăn nhiều lắm. "Dưỡng phụ? (cha nuôi) của chú phải vất vả lắm mới đủ số dế cho chú ăn hằng ngày. Thế rồi thời gian trôi, chú cũng lớn dần theo thời gian, đủ lông, đủ cánh nhưng chú vẫn phải nhờ con người bắt từng con dế bón cho chú.
    Làm "dưỡng phụ? mấy ngày, có lẽ chán quá, người bạn tên Lượt của tôi lại bàn giao cho một người người khác tên Sĩ cùng tiểu đội với tôi làm "dưỡng phụ kể''. Nhưng không may cho chú sáo nhỏ, người "dưỡng phụ kể? này lại mắc cái chứng bịnh đau bụng liên miên. Làm "dưỡng phụ kể? đâu được mấy ngày, một hôm, anh bạn Sĩ gọi tôi và bàn giao chú sáo cho tôi. Tôi bắt đầu làm người dưỡng phụ cuól cho chú sáo nhỏ.
    Xác định là người "dượng phụ? cuối cùng nên tôi yêu chú sáo nhỏ này lắm. Đã từ lâu, phải nói là từ lúc tôi còn nhỏ kia, tôi đã mơ có một chú sáo để nuôi. Và thật ra thì hôm nay tôi mới bắt đầu nuôi chú sáo này là lần đầu tiên. Tôi quý chú lắm?
    Mặc dù là "dưỡng phụ'' của chú, nhưng tôi vẫn coi chú là bạn, vì chú là nguồn vui của tôi. Kể từ lúc có chú tôi như vui thêm ra, bận bận thêm chút, lo lo thêm chút. Mỗi lần đi đâu xa chú, tôi thấy nhớ ghê, lại còn lo cho chú. Tôi sợ chú đói, sợ người ta bắt chú mất. Có lúc đang ngủ trưa rất ngon, chú bay lại đậu gần bên tôi kêu lên inh ỏi. Biết chú đói, thế là tôi phải dậy dẫn chú đi bắt cào cào cho chú ăn. Tuy chú phá giấc ngủ ngon của tôi, nhưng tôi không sao giận và gắt với chú ta được, vì tôi yêu chú lắm.
    Giờ đây chú sáo của tôi lớn thêm nhiều, đã biết bay xa. Tôi chưa đặt tên cho chú, vì tôi chưa tên ra cái tên nào hay hay. Chú có bộ lông đen mượt từ đầu đến đuôi chỉ nơi ven cánh có mấy sợi lông trắng làm nổi bật đôi cánh khi chú bay. Cũng vì cái sự bay bay kia mà có lắm lúc tôi bực chú ghê. Chú bay đậu trên ngọn dừa cao vút, tôi huýt gió hoài chú cũng chả thèm xuống. Tôi sẽ nhốt chú vào ***g suốt ngày cho chú biết tay. Thế nhưng khi đói chú lại làm lành, tôi kêu tức thì chú sà đôi cánh xuống và đậu trên vai tôi. Tôi lại thấy thương thương chú làm sao. Tôi lại hết giận và tiếp tục đi bắt cào cào cho chú ăn.
    Chú sáo của tôi là vậy đó. Tôi quý chú sáo của tôi lắm. Tôi hứa sẽ cố công nuôi nấng và dạy dỗ để chú nói được tiếng người. ôi? Lúc ấy thì tôi sẽ vui lắm?
    Có lúc nhìn chú sáo nhỏ của tôi mà lo, vì tôi là thằng lính chiến nay đây mai đó, nhiều khi hành quân cả tháng trời. Bởi vậy, tôi lo chú sáo của tôi suất đoạn đường hay lại bỏ dở nửa chừng. Tôi sợ mất chú sáo nhỏ xinh xinh này của tôi, nhưng tôi biết làm sao? Thôi mặc kệ, tới đâu hay đấy. Đường đời mà!
    Chú sáo nhỏ xinh của tôi ơi! Hãy theo tôi nhé! Tôi sẽ bắt cào cào, dế cho chú ăn suốt ngày. Chú cần gì tôi sẽ làm vừa lòng chú ngay, đừng bỏ tôi mà đi nghe chú sáo thương yêu. Tôi sẽ nhớ chú lắm đấy, vì chú là bạn của tôi, là nguồn vui mà tôi đã bỏ công ra để tạo nên. Xa chú, tôi sẽ buồn, sẽ nhớ chú nhiều lắm?
    Hỡi chú sáo nhỏ xinh xinh của tôi, đừng bao giờ xa lánh tôi nghe chú.
    (Viết để kỷ niệm tôi nuôi con sáo đầu tiên).

Chia sẻ trang này