1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Trên biên giới Tây Nam và tiêu diệt bọn diệt chủng Pol Pot

Chủ đề trong 'Giáo dục quốc phòng' bởi ptlinh, 06/10/2004.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. ptlinh

    ptlinh Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    27/06/2003
    Bài viết:
    3.355
    Đã được thích:
    3
    Phần thứ chín-Từ khi phong hàm hạ sĩ
    27-7-1979
    Ghi vài dòng để kỷ niệm ngày mà tôi nhận thêm một hạt 2-6-1979).
    Sở dĩ mãi hôm nay tôi mới ghi, là vì hôm nay tôi mới biết. Đời lính mà! Mỗi một sự thay đổi đến với tôi dù nhỏ bé hay to tát, nó cũng làm tôi nhớ nhớ, quên quên.
    Được thêm một cấp, nói rõ hơn nghĩa là tôi bắt đầu từ giã "chú Binh" để bước qua và làm quen với họ hàng "nhà sỉĩ?. Hôm nay tôi là Hạ sĩ. Kể ra cũng thấy vui vui mặc dù cái vui chỉ nhỏ nhoi và bé tí của một thằng lính chiến.
    Tám giờ tối, những cậu lính vừa được thêm 1 hạt với vẻ mặt xuề xoà, có vẻ vui vui, tụ họp quanh chiếc nhà tranh nho nhỏ của đại đội. Trong đó dĩ nhiên là có tôi. Chẳng cần lễ mễ lộc cộc làm gì, ngó quanh nhà thấy hơi đủ mặt, Chính trị viên Thủy có bộ râu quai nón trông cũng đẹp, bắt đầu hắng giọng. Ông đọc ro ro một hồi họ và tên những cậu lính có trong giấy quyết định. Đọc xong ông quán triệt một hồi với mục đích cũng chẳng có gì lạ. Thế thôi, xong, ai về nhà nấy!
    Gọn gàng và ngắn ngủi như thằng lính. Mà phải thế mới được, xúm xúm cùng nhau lâu lâu thì ớn lắm, địch nó tập kích cho bỏ xừ. Cái làng quê "a Long-cóp" của đất nước Ăng-ko này chứ đâu có phải là ở Đà Nẵng, Sài Gòn mà xúm lại để vui được?
    Thế thôi? Tôi là thằng lính chiến mang quân hàm hạ sĩ mới phong. Từ nay phải nở mặt một chút mới được. "Ta đây là Hạ sĩ, ha ha!".
    Vui quá là vui chúng mình vui quá
    Vui quá là vui chúng mình quá vui
    Vui quá là vui chúng mình vui quá
    Vui quá là vui chúng mình hệt vui!
    Tại vui quá nên gãy răng rồi mà
    Hệt vui đáng đời - Thế thôi!
    29-7-1979
    Thế là hết ức quá, tôi ức cho tôi, ức cho cuộc đời và tức giận ghê gớm mấy "chú Tí" hôi. Tôi ức cho tôi vì quá chủ quan, thiếu trách nhiệm với chú sáo nhỏ xinh để chú phải chết. Tôi ức cho đời vì đời đã tạo ra nhiều khúc khuỷu quá để cho tôi phải xa chú sáo của tôi. Tôi ức cho mấy "chú Tí", vì mấy chú đã xơi mất chú sáo nhỏ xinh của tôi làm cho tôi phải nhớ thương vẩn vơ.
    Mà có ai lại không thương không nhớ cho được. Chú sáo xinh xinh của tôi là người bạn, là nguồn vui to tát của tôi. Nay đã tự nhiên vụt biến khỏi tầm tay tôi làm sao tôi không khỏi thấy nhớ nhớ vu vơ. Tôi biết làm sao đây? Tôi cất tiếng huýt sáo với vẻ mặt thờ ơ, nhưng giờ đây không còn một con sáo nào bay tà tà đến đậu trên bờ vai tôi nữa. Con sáo của tôi đã chết, thế là hết. Công trình nuôi dưỡng và ước mong của tôi với chú sáo giờ đây đã tan biến. Những buổi sáng, buổi chiều, buổi trưa, tôi đâu còn bắt dế, bắt cào cào cho chú nó ăn. Thế là hết, con sáo nhỏ của tôi đã chết. Tôi thương và nhớ chú nhiều lắm?
    Tôi nhớ con sáo nhỏ của tôi quá!
  2. ptlinh

    ptlinh Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    27/06/2003
    Bài viết:
    3.355
    Đã được thích:
    3
    2-8-1979
    Đem quyển nhật ký ra, tôi chẳng muốn ghi lại một sự việc gì vào đây, bởi nhẽ cây viết bíc bấm của tôi nó đã hết mực. Hơn nữa, chẳng có gì gọi là đáng nhớ. Buồn thì có lẽ nhiều, nhưng vui thì không timf đâu ra.
    Tôi ngồi chép nhật ký bên chiếc bàn làm bằng cái thùng xăng của một chiếc máy hư nào đó, mà chính tay tôi đã lăn vào đây từ cái lúc tôi mới bước chân về A cối này.
    Gió chiều thổi mạnh, những tàu lá to tướng giống như chiếc quạt khổng lồ của hàng cây thốt nốt trước nhà tôi bị gió làm rung chuyển, va vào nhau phát ra những tiếng rào rào đến inh tai. Con đường cái bên bờ hồ nằm lặng yên buồn thảm.
    Cảnh vật hôm nay khác hẳn với mấy ngày đầu khi đơn vị tôi vừa về đóng ở nơi cái thum Long-cóp này, những chiếc xe bò, xe trâu bánh gỗ đi qua lại liên tục trông nó cũng vui vui.
    Bây giờ đây, con đường trước mặt nhà tôi ở cũng đổi khác rồi, vì đơn vị tôi sợ lộ bí mật quân sự nên chẳng cho một ai đi ngang qua đây. Con đường và bờ hồ trước mặt nhà tôi ở từ đó cũng lặng yên, không còn rầm rộ. Nhưng đối với riêng tôi, cấm dân chúng đi trên con đường này làm tôi giảm đi cái phấn chấn. Bởi vì tôi là một thằng nghiện thuốc, mà ở đây thì tôi chỉ biết xin dân chứ tôi không tìm đâu ra được. Thế nhưng
    dân không đi qua lại thì tôi xin đâu ra? Có những lúc buồn quá, tôi tà tà ra những vị trí mà trước đây dân hay nghỉ trưa, ngóng cặp mắt lao láo tìm nhặt cái mẩu thuốc rơi. Dần dà rồi những cái mẩu của dân lia quanh đó cũng hết, không tìm đâu ra, đành nhịn. Tôi vẫn biết rằng đi nhặt từng cái mẩu của dân là một điều hết sức sỉ nhục và chẳng có vệ sinh tí nào, nhưng tôi vẫn lượm bởi vì tôi thèm. Tôi thèm nên đâu còn nghĩ đến những cái sỉ nhục kia.
    Chiều nay tôi ngồi đây ghi vài dòng nhật ký cho trôi qua cái giờ phút nhàn rỗi này. Tôi suy nghĩ mông lung về cuộc đời của thằng lính, hay nói cho rõ hơn là về cuộc đời cầm súng của chính tôi. Tôi đâm ra bi quan rất nhiều, không phải vì tôi chán ghét chế độ, cũng không phải vì tôi không am hiểu về chính trị của nước nhà và nhiệm vụ của người thanh niên. Song tôi đâm ra nản nhiều, thằng lính chiến nay sống mai chết, có gì đâu mà phải suy nghĩ nhiều.
    Cứ mỗi chiều, khi chút nắng vàng còn đậu lại trên chóp đầu cây thốt nốt trước nhà, là tôi lại một lần lo lắng: không biết đêm nay địch có tập kích vào nơi tôi ở không? Đó là câu hỏi thường hiện lên trong tôi vào những lúc trời chập choạng tói. Để đến lúc ông mặt trời ló chiếc đầu đỏ hói từ phương đông nhìn sang, thì câu hỏi của tôi mới được trả lời-đêm qua địch không tập kích, tôi vẫn còn sống và tiếp tục một ngày mới. Cứ thế, ngày này nối ngày kia trôi nhanh qua trong sự lo lắng, khiến tôi chẳng nhớ rõ ngày nào là ngày nào cả.
    Và mỗi lần đem quyển nhật ký ra ghi, tôi phải hỏi mấy đứa bạn hay đoán mờ mờ, rồi ghi vào liền, chẳng rõ đúng sai. Với cuộc sống mà tôi đang có bây giờ chỉ vậy thôi.
    7-8-1979
    Hôm nay, lần đầu tiên tôi đến chợ Mung. Tuy cái chợ này chỉ cách Long-cóp khoảng 5 cây số. Nếu như không có mục đích là đến để xem thử và đổi tấm áo mưa lấy ít gói thuốc Thái Lan về hút thì tôi cũng chả đến làm gì.
    Tôi đi theo con đường cái nằm ven sông mất đâu tiếng rưỡi. Chợ Mung từ từ hiện dần ra trước mắt tôi theo nhịp bước chân, càng lúc càng rõ cái quang cảnh nhộn nhịp của nó.
    Lách qua mấy rổ cá bày bán ven đường, tôi cùng cậu Huế đi dọc theo chợ để xem. Qua mấy dãy hàng xén, tôi đâm ra ngỡ ngàng hết sức. Tôi không ngờ là nó đầy đủ và đẹp như vầy. Đủ thứ mặt hàng, những chiếc xà rông hoa màu sặc sỡ bày bán la liệt, những ve dầu thơm, những cục xà phòng thơm, những gói thuốc thơm, những viên kẹo thơm... Nhiều quá? Toàn là những mặt hàng của Thái Lan được bày bán ở đây chiếm đâu khoảng 90%.
    Từ đáy lòng lại rộn lên nhiều cái vui vui. Tôi đi qua, đi lại, đi để được nhìn thấy cái cảnh nhộn nhịp của một buổi chợ mà đã gần 4 tháng nay tôi mới thấy lại ôi? Sao mà đẹp thế, sao mà vui và dễ yêu đến thế? Khi đi ngang qua cái hàng bày bán thuốc lá, tôi dừng lại, đứng tần ngần nhìn những gói thuốc thơm mang hiệu Gold City của Thái Lan sản xuất được bày bán ở đây một cách rộng rãi. Những gói thuốc đẹp quá nằm trước mắt tôi dễ thương ngần nào. Nhân dân ở đây chưa có tiền để dùng vào việc mua bán. Họ trao đổi hàng hóa cho nhau qua trung gian là gạo. Tôi lấy tấm áo mưa đem theo ra đổi, được 3 gói Gold City.
    Bóc gói thuốc lá đầu lọc ra hút. Nó ngon ngon làm sao. Mùi thơm của khói thuốc như quyện vào mũi, vào môi tôi. Vui miệng, tôi nói với cậu Huế một câu:
    -Có đi đánh giặc "K" mình mới được hút mấy hơi thuốc thơm này.
    Hai đứa cùng ngẫm nghĩ, rồi cùng cười như thông cảm cho câu nói đùa vô tình của tôi.
    Chúng tôi cứ quanh quẩn chơi mãi, đến lúc cái bụng nó nhắc, hai đứa mới quay về. Đi ngang nhà ông bạn Thon (người Cam-pu-chia), biết tiếng Việt bập bẹ. Trông thấy tôi, Thon gọi vào chơi. ông Thon đang làm cơm, thế là ông bảo hai đứa ở lại ăn cơm cho vui. Thôi cũng chiều, chỉ từ chối vài câu qua loa cho vui. Tôi cũng ăn với ông bạn một bữa để biết mùi vị Việt Nam-Cam-pu chia.
    Buổi chiều lại đi bộ 5 cây số về, mệt đừ! Tôi vừa đi vừa suy nghĩ về cái chợ Mung mà tôi đã được tận mắt nhìn. Tôi bật cười vu vơ như bắt được tin vui, phải chăng tâm hồn tôi đang có nhiều cái vui mới?!
  3. Kinh_Diec

    Kinh_Diec Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    03/05/2006
    Bài viết:
    211
    Đã được thích:
    0
    Đọc xong bài của các bác, em chỉ phục nhất là thằng Tàu. Việt Nam mình đổ bao xương máu vừa bảo vệ mình vừa giúp thằng Kam thoát khỏi nạn diệt chủng man rợ nhất thế giới, làm hồi sinh dân tộc Kam. Thế mà hiện nay bọn Kam quên ơn đó và vẫn thù Việt Nam vì nghĩ đến việc bị mất đất. Phải nói là nó tuyên truyền, xúi giục dân Cam rất giỏi. Ở đây thằng Tàu dựng nên Ponpot diệt chính dân Cam nhưng dân Cam lại quên việc ấy và cay Việt Nam. Kết quả cuối cùng là nó đã làm được cái điều nó muốn: Tạo thù hằn dân tộc giữa Kam và Việt nam, làm đổ máu Việt nam. Vừa mượn người Kam đánh Việt Nam, vừa không tốn máu nào lại tạo được một tâm lí thù Việt Nam của không ít thằng vô ơn bạc nghĩa Kam. Thực là bỏ một đồng mà có lợi lâu dài về sau.
    Đọc Vietnamnet thấy vừa rồi Ôn Gia Bảo sang thăm Kam tuyên bố viện trợ 600 triệu đô cho Kam, đồng thời giới đầu tư Tàu tuyên bố trong những năm tới sẽ đầu tư 800 triệu đô vào tất cả các vùng miền trên đất Kam. Trước đó thì đọc báo cũng thấy nói Tàu vừa tặng không Kam 3 tàu khu trục hải quân.
  4. ptlinh

    ptlinh Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    27/06/2003
    Bài viết:
    3.355
    Đã được thích:
    3
    14-8-1979
    Tin đồn Trung đoàn 812 sắp về nước được lan truyền đi một cách nhanh chóng. Dù đây chỉ là cái tin vu vơ, cái tin "hành lang" không có gì làm bằng chứng cụ thể, nhưng tôi vẫn mải miết chờ trông. Mong sao cho cái tin "hành lang" kia trở thành sự thật thì vui biết là bao!
    Tôi và bạn bè cùng màu áo, cùng nhiệm vụ đều ao ước được trở về quê hương, về lại đất nước. Để làm gì? Mỗi người đều có cái suy nghĩ riêng của họ nên tôi không biết. Còn riêng tôi, mơ ước được về lại bên đất nước hẳn là cái mơ ước lớn lao. Còn về nước để làm gì thì đó là cái điều tôi đang suy nghĩ. Về nước để chính con mắt tôi được nhìn lại quê hương sau gần nửa năm xa vắng, mà bây giờ tôi thấy mến yêu sao. Để tôi được nhìn lại dòng sông xanh biếc, nhìn lại cánh đồng bát ngát và được nhìn lại túp lều tranh lụp xụp nấp mình sau rặng tre xanh. Về nước để tôi được ngồi trong cái quán nhỏ bên phố, uống cốc cà phê đượm tình dân tộc và nhìn cái cảnh nhộn nhịp của phố phường quê tôi.
    Về nước... ôi biết bao nhiêu là việc như xếp thành hàng và chờ sẵn trong đầu óc tôi. Mỗi lần vụt nghĩ đến hai tiếng "về nước" là nó ùa ra, khiến tôi nhớ không sao hết được.
    Ai đi xa quê hương mình mới thấy yêu quê hương một cách thắm thiết Tôi đây cũng vậy. Lúc còn sống trên cái mảnh đất chôn nhau cắt rốn, tôi nhìn quê hương một cách bình thường và vô tư như trẻ con. Tôi thấy quê hương tôi không đẹp và cũng chẳng dễ yêu như khi tôi nhìn trên màn ảnh. Thế rồi vì sự ham muốn khám phá mới lạ của cái lứa tuổi thanh niên, tôi đâm ra ước ao một ngày nào đó tôi sẽ rời xa quê hương đi nơi khác. Để cặp mắt tôi được nhìn những cảnh mới lạ, cuộc sống mới lạ mà tôi chưa thấy. Và cái ước ao của tôi đã trở thành sự thật. Tôi được sang đất nước Cam-pu-chia. Hôm ấy là ngày 29-11-1978.
    Tôi đã từ giã quê hương bằng cặp mắt hững hờ, không vướng bận. Tôi đã không một chút gì luyến tiếc bởi trong tâm trí lúc ấy có nhiều sự thay đổi.
    Thế rồi thời gian cứ nối tiếp trôi qua, đôi chân nhỏ bé của tôi cũng ghi được nhiều, nhiều lắm những điều mới lạ khiến tôi không nhớ hết nổi. Nơi nào đôi chân tôi đã đi qua: Tà-keo, Lâm Phát, buôn Lung, Bat-tam-băng, Lô-via, Mung, Phô-xít, Trà-mốc, Phờ-ray-chít, Tà-lá, Phum-phênh, Xay-cờ-rơn và bây giờ là Long-cóp.
    Đôi mắt và khối óc cỏn con của tôi đã ghi được những gì? Cánh rừng dài và dày san sát, lội qua mấy ngày đường chưa ra khỏi, không có một giọt nước. Những quả đồi trọc nằm chồng lên nhau, cánh ừng cao su xanh um, trải rộng. Nắng bụi bám vàng cả áo, trời mưa đất nhão nhoẹt, phải lê từng bước chân mệt mỏi, nhớp nhúa. Mấy xóm nhà sàn lợp bằng tranh cỏ hay bằng lá cây ghép lại nằm rải rác ven đường cái.
    Đó là lúc tôi còn ở buôn Lung, còn từ khi tôi bước chân sang cái tỉnh Bat-tam-băng này, tôi lại ghi thêm vài cái mới nữa: Những chiếc xe đóng theo kiểu cổ xưa hai bánh bằng gỗ có niềng sắt bao quanh chống mòn. Tôi không biết là nó mạnh bao nhiêu mã lực? Chỉ thấy rằng khi chạy thì phải nhờ một cặp trâu, hay bò nai lưng trườn tới để kéo.
    Còn nhiều và nhiều lắm, nào là thành phố Bat-tam-băng chết lịm, không một bóng người dân hiền lành (đó là lúc tôi mới đặt chân đến, chứ bây giờ thì nó đã sống lại rồi). Đó là những cánh đồng rộng mênh mông bát ngát, cộng với những con đê to, chạy dài, thẳng tắp. Có lần tôi phải rùng mình khiếp sợ và cảm phục cho cái sức lực nhỏ bé của con người, chỉ dùng hai bàn tay đắp từng thỏi đất nhỏ mà tạo nên.
    Nào là màu da đen, sạm nắng, mái tóc cắt ngang tai ở các cô gái từ nhỏ đến lớn, cộng thêm bộ đồ đen, hay chiếc váy đen, cùng chiếc khăn rằn quàng cổ. Nhưng bây giờ cái mặc của nhân dân cũng có đổi khác đôi chút, nhìn vào dễ coi hơn đó là chiếc xà-rông hoa màu sặc sỡ, chiếc áo chiếc quần có vẻ hiện đại hơn. Đó chẳng qua cũng chỉ là hàng của Thái Lan do người buôn lậu mua về, chứ nhân dân thì chàng có cái gì khác ngoài đôi trâu, cái cày.
    Nào là quang cảnh cái chợ Mung rộn rịp bày bán đủ thứ mặt hàng của Thái Lan, nào là những mảnh vàng con con bị chặt xiên xẹo để đổi chác cho nhau...
    Tôi còn ghi những gì nữa?
    Có lần, tôi bị thằng địch phục bắn trượt 2 viên đạn suýt chết. Trận đánh dai dẳng trên đường hành quân, trái cối 82 nổ cách tôi chưa đầy 5 mét, địch vây tứ phía, xả đạn dày đặc về phía chúng tôi, cả đơn vị rượt địch chạy dứt hơi nhưng cũng thú vị. Những lần lội qua bàu, qua suối, nước lút đến ngang cổ; những chiều mưa ướt đẫm và dai dẳng... Nhiều lắm, cái đầu óc bé con của tôi không sao nhớ hết nổi.
    Suốt dặm đường gian khổ ở cái đất nước mà lúc đầu tôi đã ao ước được đặt chân đến để biết thêm cái mới cái lạ, bây giờ nó không thu hút tôi như cái lúc đầu nữa. Đâu phải tôi đã đi khắp, nhìn thấy hết cái đất nước Ăng-ko này rồi nên tôi không thích ở đây nữa. Thử đặt câu hỏi: Vì sao tôi không thích?
    Vì bây giờ đây tôi thấy mến, nhớ và yêu quê hương tôi một cách kinh khủng? Ở cái quê hương Chùa Tháp này không làm cho tôi khuây khỏa với ngày tháng buồn tẻ của đời lính. Không có tà áo dài trắng thướt tha, mái tóc thề ôm kín đôi vai nhỏ của người con gái, chiếc nón lá bài thơ dịu dàng, thuỳ mị, cặp má hây hây, nụ cười dễ mến, dễ yêu. Một cái làm tôi chán nản đó là sự bất đồng tiếng nói của hai dân tộc Cam-pu-chia và Việt Nam.
    Tôi nói tôi nghe, họ nói họ nghe, thế thôi. Lẽ ấy cho nên tôi không muốn và không thích ở cái đất nước này dù chỉ một giờ một phút.
    Không biết nên cho số phận của tôi là may hay rủi khi có mặt ở E 812 anh hùng? Nó càng rõ nét hơn là tôi lại có mặt ở cái C5 của E 812 cũng anh hùng với các C khác trong E. Có lúc tôi cũng tự hào với cái truyền thống của C tôi. Nhưng đôi khi tôi cũng nản không ít. Bởi vì cái C5 của E 812 không phải là toàn hảo. Và chính tôi luôn có nhiều sự thay đổi về tư tưởng, lúc này, lúc khác, thế thôi?
    Mơ sao một ngày nào sắp đến với tôi. Đơn vị tôi lên xe về lại quê hương dù một thời gian không dài lắm cũng được. Mơ sao cái tin dễ mến kia trở thành sự thật, đừng để tôi phải cụt hứng, phải điên đầu.
    Ở cái đất thị trấn Mung này càng lâu, tôi càng nhận thấy những điều lộn xộn của nó. Từ bề ngoài nhìn vào trông nó có vẻ hiền lành và yên ổn đối với người lính, thế nhưng có cầm súng đứng trong cuộc mới thấy được cái phức tạp chất chồng. Những tin tức đầy sự lo âu: Địch sắp dùng lực lượng lớn về đánh Mung, địch về cách Mung 3 km, địch đã áp sát Mung với số quân 2.000 tên, ngày... địch sẽ tấn công Mung vân vân và vân vân
    Lo âu chất chồng lo lâu, suy nghĩ cộng thêm suy nghĩ. Mỗi lần có cái tin như vậy là đơn vị tôi lại phải lên đường truy quét. Và dĩ nhiên là có tôi với khẩu cối 60 lục cục trên vai, lại băng rừng, lội suối, cơm vắt, nước lã, muỗi đốt.
    Mấy cái thum nằm quanh Long-cóp này như Phôm-phênh, Tà-ná, Phô-xit, Trà-mốc, Phờ-ray-chít, Xay-cờ-rơn cộng thêm những cái tôi không nhớ tên. Xa vài ngày đường có gần đôi ba cây số có, hình như tôi đã thuộc gần hết.
    Đời lính là một chuỗi ngày chất chứa đấy rẫy sự khổ cực và lo âu. Ai là người cầm súng mà không có cái suy nghĩ như tôi, có chăng là những con người không bao giờ thật thà với lương tâm của mình và một số người mệnh danh là cầm súng nhưng chưa bao giờ cầm súng mới không cùng cái suy nghĩ ấy. Bởi nhẽ họ cũng đổ mồ hôi, nhưng vào những lúc lao động, họ cùng đi hành quân từ nơi này đến nơi khác nhưng bằng xe. Quá lắm, nếu có vận dụng đến đôi chân thì bù lại chiếc ba lô sau lưng họ chứa những thứ đồ dùng cá nhân hằng ngày. Chúng nặng đến độ thả xuống nước có thể làm chiếc phao cho những ai chưa biết bơi dìu đó mà qua sông.
  5. ptlinh

    ptlinh Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    27/06/2003
    Bài viết:
    3.355
    Đã được thích:
    3
    Họ cũng nghỉ trên đất giặc, nhưng không bao giờ giặc đến được nơi họ ngủ, bởi vì quanh họ có một lớp rào nhạy bén và nguy hiểm gấp trăm lần hàng rào điện tử tiên tiến trên cái thế giới văn minh hiện nay.
    Còn lại, ai chắc cũng cùng một suy nghĩ như thế vì hành động của họ và của tôi chắc là không khác nhau mấy. Cũng hành quân dài ngày, cũng chiếc ba lô nặng, cũng mồ hôi nhễ nhại, cũng ngủ rừng lội suối, cơm vắt, muối rang...
    Đêm đêm cũng thức vài tiếng ngồi lặng thinh nơi gốc dừa, gốc xoài, gốc thốt nết hay lại là một gốc me ven đường nào đó để nghe tiếng "sáo muỗi" trỗi khúc nhạc "hút máu người" vo ve bên tai. Họ giấu kín mình vào bóng đêm, họ yên lặng chờ đợi.
    Họ đang làm gì nhỉ? Ngồi ngắm cái cảnh tĩnh mịch của một đêm chăng? Không đúng bời họ đâu phải là nhà thơ, là thi sĩ. Họ đang ngồi tịnh tâm cho hình hài yên tĩnh chăng? Càng không phải bởi họ đâu là một nhà tu hành hay một nhà võ thuật.
    Họ đang làm gì? Bên mình họ lại còn có khẩu súng nữa kia. Họ đang canh chừng sự sống cho đồng đội. Họ chờ đợi ai? Họ chờ đợi cái bóng đen như ma quái đi lom khom trong đêm tối, rình cướp đi sự sống của đồng đội. Cho nên họ phải yên lặng, kiên nhẫn đến lầm lì và chờ đợi.
    Trên cái mảnh đất mà hiện giờ tôi đang sống, thì màn đêm không là cái êm dịu và sự yên tĩnh. Tôi nhìn cái màu đen kia bằng nhiều cảm giác và cũng nhiều suy nghĩ. Nó không hiền từ hay êm ái như cái cách nhìn của các nhà thơ. Nó chứa trong mình nhiều cái chết chóc. Nó che giấu sự rình mò và lén lút đáng sợ. Nó làm cho người lính thấy gờn gợn và lo âu.
    Tôi sợ chết? Phải? Bởi hình hài hiện tại của tôi là bằng xương bằng thịt, bằng sự sống, nên tôi sợ chết. Nhưng cái chết nó không làm tôi suy nghĩ nhiều, chỉ có sự lo âu làm tôi thao thức.
    Trong giấc ngủ chập chờn, biết bao nhiêu câu hỏi hiện trong đầu: Đêm nay địch có tập kích không? Lực lượng địch đông không? Có đánh vào hướng tôi không? Tôi phải xử trí thế nào? Ngoài thùng đạn của mình có được bao nhiêu quả, đủ bắn không? Nếu địch nổ súng vào hướng nhà tôi, tôi phải làm thế nào? Bò hay chạy khom cho nhanh để ra công sự Cứ thế, tôi tự đặt cho tôi những câu hỏi và tôi cũng tự trả lời. Có lúc tôi nghĩ liều cho qua đi những cái lo âu. "Thôi kệ, khéo lo xa, được đến đâu hay đến đấy. Đời lính mà, có lúc nào yên đâu. Chỉ trừ khi bên mình không còn cây súng?".
    Có lắm lúc tôi buồn cười cho tôi quá. Bởi khi có một mãnh lực nào đó tác động vào tâm trí là tôi lại xác định tư tưởng rõ ràng: muốn phấn đấu hơn nữa với nhiệm vụ của mình? Như khi chiều qua họp nghe Đại đội phó Trường thông báo về tin chiến thắng và tin C tôi được tặng thêm một Huân chương Chiến công hạng Nhất. Lúc đó, cái suy nghĩ và cái gương mặt tôi không như bây giờ đâu. Nó rạng rỡ, vui tươi như một chú bé được quà. Phải nói rằng tôi rất tự hào và hãnh diện về đơn vị C5 mà tôi đang ở. Tuy rằng tôi chỉ là 1 phần nhỏ bé đối với 50 phần to tướng kia.
    Lúc ấy tôi phấn khởi nhiều lắm. Giá như cái bụng dễ chịu đôi chút, thì tôi cũng đã lên đường đi truy quét với anh em rồi. Thế nhưng bây giờ thì tôi không nghĩ như khi chiều qua nữa. Gương mặt rầu rầu với cái suy nghĩ cũng chẳng khác gương mặt là bao. Người ta nói "tư tưởng con người diễn biến liên tục qua từng giây từng phút" đối với tôi nó chả sai tí nào.
    Đừng bao giờ nghĩ lầm cho tôi rằng tôi không thông suốt đường lối và tôi không xác định được nhiệm vụ của lứa tuổi thanh niên đối với đất nước hiện nay... Không đúng, nếu thế tôi đã né tránh không đi nghĩa vụ quân sự rồi và tôi có thể nói chính trị không vấp váp cơ mà.
    Nhưng sao tôi không thích làm một người lính từng giờ chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc? Tôi thích làm người dân để được gần thành phố, gần quê hương, bạn bè thân thiết, gần những cái mà người lính không sao có được. Phải chăng tôi hèn nhát, không đủ nghị lực để gạt bỏ những cái quá khứ, những kỷ niệm êm đềm của tuổi mơ để bước vào một cuộc sống mới đầy gian khổ?
    Với tôi cũng chẳng tin được câu trả lời nào để giải đáp cho tôi cả. Thế nên tôi vẫn buồn, vẫn nhớ, vẫn thương cho mình. Tôi thương cả cho mẹ, cho em, cho bạn bè và quê hương. Mỗi khi hình ảnh khách quan nào bên ngoài tác động vào là đôi mắt tôi lại vướng buồn trong khoảng nhớ.
    Mấy đứa bạn đã đi chơi từ lúc nào tôi không biết. Có lẽ chúng ra ngoài kia để chọc mấy cô bận váy với vài câu tiếng Miên vừa học thuộc. Ngôi nhà giờ chỉ còn lại mình tôi, nó trở nên lặng lẽ, trống trải thêm. Bây giờ mới khoảng hơn 4 giờ 30, nhưng tôi cứ ngỡ đã chiều lắm rồi.
    Tôi ngước mắt nhìn ra phía đường cái, chán rồi nhìn ngược lại cánh đồng ruộng đằng sau xanh thẳm. Một vài đám mây trôi lang lang không định hướng, bầy vịt nước bay ngang kêu lên chim chíp như muốn phá tan sự yên tĩnh của không gian. Bên kia hồ, mấy chiếc xe bò đi về, tiếng gỗ nghiến ken két khó chịu. Mấy luồng bụi đất bốc lên bởi cái móng chân cứng ngắt của đôi bò, càng làm khó chịu cho những người dân đi bộ theo sau. Họ vội vã, hấp tấp vì sợ tối. Trông người nào cũng nặng nề vì cái bao trái cây trên đầu.
    Một luồng gió nhè nhẹ từ phía tây thổi tới, làm tôi khoan khoái dễ chịu. Gió làm mấy tàu dừa, tàu thốt nốt đong đưa, tạo ra cái âm thanh rồn rột. Bây giờ nghe tôi chả thấy gì, nhưng ngược lại trong phiên gác nó làm tôi sởn da gà không ít.
    Những gì còn lại sau cuộc chiến? Đó là câu hỏi và sự trả lời lại là hiện thực: Nhà cửa bị tàn phá, nhân dân đói khổ. Có thể người dân ở đây thông cảm cho hoàn cảnh đất nước mình. Họ cặm cụi làm việc suốt ngày. Họ đi vào những phum vắng người để tìm thức ăn, có gì ngoài mấy đám ruộng lúa chắt, mấy cây đu đủ, cây sắn, mãi tối mới về. Có đêm về tối quá, không dám đi, họ đốt lửa để xua muỗi. Thế là đơn vị tôi tưởng địch, lại xả súng bắn vào. Tôi không trách đơn vị tôi được bởi đơn vị tôi sợ bọn Pôn-pốt lợi dụng để tập kích. Tôi chỉ thương cho cuộc sống của dân thôi.
    Nhưng tôi đành chịu, chỉ biết nhắc họ là không nên đi về tối nữa.
    Nhưng cũng có lúc tôi cảm thấy chả thích tí nào về họ. Nói đúng hơn là tôi ghét họ, điều này thì chính tôi cũng chả hiểu tại sao.
    Buồn quá. Cuộc sống nơi đây với tháng ngày buồn tẻ của đời lính chiến không ăn sâu vào tiềm thức tôi một kỷ niệm nào. Rời xa tôi sẽ không luyến nhớ, có khi còn mong thích nữa. Hôm trước đọc cuốn sách "Đoạn tuyệt" của Nhất Linh có một câu phương ngôn mà mãi đến bây giờ tôi còn nhớ: "Khi nào không có một cái gì làm cho mình vui, thì mình nên vui với cái mình có". Thế nhưng tôi chả có cái gì gọi là "có" để mà "vui". Không nhẽ vui với giấc ngủ, vui với cuộc sống, với khẩu súng-những cái mà tôi đang có được ư? Nếu thế, tôi cũng thử vui với chúng xem sao.
  6. ptlinh

    ptlinh Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    27/06/2003
    Bài viết:
    3.355
    Đã được thích:
    3
    1-9-1979
    Lại sắp phải rời xa cái phum Long-cóp này.
    Kể ra cũng nuối tiếc. Ai mà không động lòng một chút, khi mình chia tay với con người, cây cỏ và những cảnh vật quen thuộc hằng ngày, dù con người hay cảnh vật nơi đó có đáng ghét nhiều đi nữa.
    Cái ngày chính thức đơn vị di chuyển khỏi nơi này tôi chưa được biết, vì chưa thông báo. Chỉ đoán mò qua những cái tin hành lang đầy sự cấp bách.
    "Ngày mai đi, ngày mốt đi", vân vân và vân vân...
    Bây giờ, lúc sắp rời xa cái phum Long-cóp này, tôi mới thấy yêu và quyến luyến nó ghê. Đầu óc tôi như bị cái ngoại cảnh chung quanh níu kéo, nửa muốn đi cho khuất mắt cái phum cô quạnh này, nhưng nửa còn lại chẳng muốn xa nơi đây tí nào.
    Tôi muốn xa cái phum Long-cóp này vì ơ lâu tôi đâm chán với cảnh vật và con người quá quen thuộc tôi muốn được thấy cái mới và cái lạ. Còn tôi không muốn xa, cũng là vì tôi sợ đến nơi khác biết đâu lại là không có được những cái như ở nơi đây. Biết đâu nơi mà tôi chưa đến nó sẽ hiu quạnh, buồn tẻ và hoang vắng đến ghê sợ. Nó sẽ không có cái hồ nước trong vắt cho tôi tắm nghịch cùng bạn bè suốt buổi. Thế nên tôi cũng luyến tiếc không ít.
    Với những giờ phút quí giá còn lại, tôi như thấy nó trôi qua một cách quá mau lẹ. Mới trưa đó, bây giờ đã chiều rồi.
    Tôi luyến tiếc ra đứng tựa bờ hồ nhìn lại cảnh vật lần cuối. Tôi đăm chiêu suy nghĩ. Tôi cố ghi lại những kỷ niệm của ngày tháng ở đây trong cuộc đời binh nghiệp, dù nó không êm đềm như những ngày tháng cũ năm xưa.
    Không biết cảnh vật trước mắt tôi đang buồn, hay là tôi đang buồn? Mưa lại bay bay, mấy luồng gió lạnh ùa vào người, chui vào ngực áo, khiến tôi cảm thấy lành lạnh. Xa xa, cánh đồng mù trong mưa chiều, một vài cây thết nốt đứng lẻ loi, rũ xuống mấy tàu lá khô buồn tẻ.
    Xa xa hơn nữa, là phum Tà-ná, phum Phệnh, phum Cà-rân-xay và những cái phum mà tôi đã đi qua rồi, nhưng không nhớ tên. Nơi đó đã ghi dấu những bước chân nhỏ bé của tôi trên chặng đường truy quét, để bây giờ đi xa tôi thấy nao nao...
    Bảy giờ sáng mai, đơn vị tôi chính thức rời xa nơi đây. Bây giờ thì không còn hồi hộp nữa, vì đơn vị đã thông báo khi nãy. Tôi ngồi sắp xếp đồ đạc cho gọn gàng vào chiếc ba lô mà suy nghĩ mông lung "Đời quân ngũ nay đây mai đó, nơi nào có bóng quân thù nơi ấy có ta".
    Ngày mai ta lại có mặt ở một nơi nào đó, ngày kia ta lại có mặt ở một nơi nào khác nữa? Cứ thế, ta vẫn đi không dừng và thời gian vẫn trôi qua không ngừng. Cứ thế và cứ thế... Ta chỉ sẽ dừng chân lại ở một nơi nào, lúc mà trên mình ta không còn khoác bộ chiến y màu lá rừng xanh thẳm nữa.
    Cuộc đời binh nghiệp là thế và thế thôi?
  7. ptlinh

    ptlinh Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    27/06/2003
    Bài viết:
    3.355
    Đã được thích:
    3
    Phần thứ mười-Tà-sanh, xứ sờ của muỗi và những trận sốt rừng
    4-9-1979
    Hôm nay tôi có mặt ở một vùng đất xa xôi, lần đầu tiên đặt chân đến. Khi đi ngang qua thành phố Bát-tam-bang, làm rộn lên trong tôi nhiều cái vui và cũng xen vào đó nhiều nỗi nhớ xa xăm. Thành phố Bát-tam-bang mà tôi tưởng mình đang đi trên đường xa quê hương ngày nào.
    Theo con đường 10, xe cứ chạy thẳng, xa dần thành phố, xa dân cư, xa cuộc sống nhộn nhịp và bây giờ tôi đang sống giữa rừng.
    Buồn ơi là buồn, sao mà buồn lắm thế? Cảnh vật hoang vắng, im lờn như không hề biết là đơn vị tôi đã có mặt nơi đây.
    Tôi đưa cặp mắt nhìn quanh chỉ thấy ừng và rừng nối tiếp trùng trùng. Hình như ở đây chỉ có thế, biên giới chỉ có thế.
    Ai mà vui cho được với cảnh núi ừng hoang vắng này, dù người đó có vô tư gấp trăm lần trẻ thơ đi nữa.
    Rời Long-cóp, xa thị trấn Mung, tưởng đâu sẽ đến một nơi nào dễ yêu dễ mến hơn, nào ngờ lại là như vầy?
    Có còn nơi nào khác hơn như nơi này nữa nhỉ? Buồn lắm cho cuộc đời thằng lính bộ binh ?
    (Đầu tháng 9-1979, theo yêu cầu của nhiệm vụ, đơn vi của Trần Duy Chiến-Tiểu đoàn 2 của Trung đoàn 812-đã cơ động về hướng Tà-sanh, đia danh nổi tiếng khắc nghiệt về địa hình và thời tiết. Tà-sanh-Pai-lin sát với biên giới Thái Lan. Đây là trọng điểm dịch sốt xuất huyết của khu vực Đông Nam Á. Toàn bộ tàn binh địch dồn về khu vực Tà-sanh. Trong một trận quyết chiến, quân ta đã tiêu diệt phần lớn quân địch tại đây, thu hàng chục xe tăng, đại bác, rất nhiều quân trang quân dụng, cùng con dấu của Chinh phủ ********* Cam-pu-chia. Số địch còn lại, trong đó có bọn chỉ huy đầu sỏ đã vượt biên, bỏ chạy sang Thái Lan-Chú thích của Đại tá Nguyễn Văn Hồng).
    6-9-1979
    Buổi chiều trời mưa tầm tã, buồn mà nó cũng thú ghê. Thú là tôi được tắm một trận, còn buồn thì khỏi phải nói.
    Chiếc nhà âm nho nhỏ chỉ đủ sức chứa được sáu người, khiến tôi cứ ngồi im một chỗ. Nhìn ngoài trời mưa như trút nước, khu rừng trước nhà bị chìm đắm trong mưa.
    Khi trưa nghe đài, biết được hôm nay là ngày khai trường, lòng tôi rộn lên nhiều nỗi nhớ xa xưa. Ngày tháng cũ của đời học trò hiện về trong tôi. Có hàng phượng vĩ trước cổng trường khoe sắc đỏ, có những gương mặt rộn rã vui tươi, có màu áo trắng trong xinh như một bầy chim non đang tụ họp dưới mái trường êm ái. Những mẩu chuyện nho nhỏ của tháng ngày xa cách lại nở ran khắp sân trường...
    Ngày ấy tôi còn vô tư lắm, chưa biết yêu hoa lài nên hương thơm không làm tôi nhớ hay mơ mộng xa xôi. Chỉ có một nỗi mong sao cho ngày tháng qua mau, cho qua hết ba tháng hè oi bức, để tôi được cắp sách trở lại mái trường, bên thầy, bên bạn, bên những cuộc vui êm đềm của lứa tuổi mộng mơ.
    Thời gian trôi nhanh như trong chiêm bao, khiến tôi bàng hoàng và có cảm tưởng như vừa thức dậy. Mới đó đã là một khoảng thời gian dài của cuộc sống. Cái ngày mà tôi còn vô tư, luôn vui đùa với chúng bạn, với màu áo trắng thư sinh đã biến mất tự bao giờ, khiến tôi khống còn nhớ.
    Chúng bạn cùng lớp cùng trường với tôi bây giờ có đứa còn đang theo học và sắp sửa thành ông bác sĩ, bà kỹ sư. Có đứa đã là mẹ, là ba của những em bé. Còn tôi bây giờ vẫn là con số không rỗng tuếch. Tôi không hận cho đời và cũng chẳng oán trách gì cho người. Tôi chỉ thương cho số phận của tôi. Thượng đế đã không ban phép lành cho riêng tôi, nên bây giờ tôi mới khổ.
    Khi đêm ngồi gác dưới trăng khuya mờ ảo, tôi nhìn trăng tưởng mình đang sống giữa tuổi mơ. Phải chăng màu trăng buồn hay tôi đang buồn? Chắc có lẽ là tôi buồn thì đúng hơn. Phiên gác đêm sao mà dai dẳng không muốn dứt, tôi chờ đợi thời gian đến như chờ người tình trong chiều hẹn.
    Có ai qua rồi trong cuộc chiến
    Mới nghe lòng thương kiếp sống chinh nhân.
    Đêm trên điển chốt.
    Bốn tiếng không dài, nghe qua rất bình thường, nhưng có bước chân qua rồi mới biết, mới hiểu trong đó có biết bao nhiêu là điểm khác với cuộc sống bình thường của con người.
    Núi chập chùng núi, rừng nối tiếp rừng. Chiều mưa giông buồn nhớ, đêm hoang vắng lạnh lùng, có thế thôi và còn nhiều nữa...
    Mỗi lúc khi đêm về, cái màn đen trùm kín thì suy nghĩ của tôi cũng đổi khác. Có ai biết trong cái màn đen im lờn kia đang giấu kín những gì? Sự hồi hồi hộp của tôi cũng tăng dần theo tiếng sột soạt của những con chồn hay con chuột nào đó chạy phót đi.
    Nhất là vào những đêm mưa bay, ngồi trong ca bin của chiếc xe hư do bọn "K" bỏ lại, nhìn ra phía bìa rừng... Tôi như thấy nơi đó có nhiều sự nguy hiểm đang rình mò và sẵn sàng xả vào tôi những viên đạn quái ác không ngờ trước được .
    Mới nhận được tin ngày mai đi truy quét ở Tà-sanh. Tôi nghe phong phanh là ở Tà-sanh nhiều địch lắm, vì ở đó gần sát biên giới Thái Lan. Đơn vị K3 đóng ở gần đó đi bứt đu đủ, chuối vẫn thường hay gặp địch luôn. Nghe qua cũng ớn, nhưng phải làm một chuyến thử xem. Có đi đến mới biết mà. Khi còn đóng quân ở Long-cóp, mỗi lần nói đến hai chữ Tà-sanh, tôi hình dung và tưởng tượng ra biết bao là điều dữ dằn lắm. Thế nhưng khi đặt chân đến vị trí này, tôi thấy là không như tôi tưởng. Suốt thời gian qua địch chưa gây phiền nhiễu gì đến đơn vị tôi cả. Thế nên tôi cũng chẳng sợ gì, cứ đến nơi xem thì sẽ rõ. Đi cho biết đó biết đây, tôi phải đi khắp mới được. Có khổ mới thấu được nỗi khổ, mới thấy cuộc sống yên bình là giá trị và mới yêu quê hương đất nước hơn.
    Tôi có cái suy nghĩ đó bởi tôi đã bước vào cuộc chiến, đã thấm sâu nỗi khổ và thiếu thốn của người lính chiến, thế thôi?
  8. nvl

    nvl ĐTVT Moderator

    Tham gia ngày:
    31/01/2002
    Bài viết:
    4.304
    Đã được thích:
    6
    Hôm nay đọc bài về cái chết của Tà Mốc mới thấy có nhiều chi tiết gây thắc mắc http://vietnamnet.vn/thegioi/2006/07/593967/
    Tại sao hồi trước quân đội ta đã đánh tan quân Polpot rồi mà không nhổ cỏ nhổ tận gốc luôn nhỉ? Ban lãnh đạo của Khơme đỏ vẫn còn nguyên một căn cứ ở miền Bắc Campuchia, tồn tại mãi tới tận cuối thế kỉ 20. Bây giờ tụi đó bị bắt 7-8 năm rồi mà vẫn chưa xử được
  9. ptlinh

    ptlinh Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    27/06/2003
    Bài viết:
    3.355
    Đã được thích:
    3
    Tại sao hồi trước quân đội ta đã đánh tan quân Polpot rồi mà không nhổ cỏ nhổ tận gốc luôn nhỉ? Ban lãnh đạo của Khơme đỏ vẫn còn nguyên một căn cứ ở miền Bắc Campuchia
    => Vấn đề là ở chỗ, không túm được hết cỏ mà nhổ ạ. Chuẩn bị oánh là bọn Pol Pot lại chạy, chuồn sang Thái. Toàn chỉ oánh được bọn lai nhau còn các trùm thì chịu chết, không làm sao mần thịt nổi. Thế mới đau cháu. Mà không oánh dập được đầu rắn thì coi như là công cốc. Đầu rắn cứ chui lủi trên các vùng heo hút rừng rậm, lại được sự giúp đỡ rất tích cực của lão béo ở trên nên bọn này vưỡn còn sống được và còn gây phiền hà cho ta nhiều.
    Chỉ đến giữa những năm 90, một loạt các thủ lĩnh Pol Pot bị bắt thì tình hình yên ổn trở lại.
  10. ptlinh

    ptlinh Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    27/06/2003
    Bài viết:
    3.355
    Đã được thích:
    3
    15-9-1979
    Mấy ngày đi truy quét về mệt đừ. Phải nói rằng từ trước đến nay tôi đã đi truy quét nhiều lần rồi nhưng chưa có lần nào mệt như đợt này.
    Toàn đi trong rừng, lên đồi, xuống dốc, chui qua gai. Chiếc áo, chiếc quần của tôi có nơi tôi mạng đến 3 lần thế mà vẫn rách bươm, gai tre đan chằng chịt thế mà phải chui qua. Có lúc mệt quá, chẳng thèm cúi để luồn qua, tôi bươn càng, nhưng đâu thoát. Mấy sợi dây rừng dai nhách níu khẩu cối 60 nhùng nhằng, lúc ấy tôi bực lắm muốn vức khẩu súng cho xong nhưng không được vì khẩu súng này không phải là của riêng tôi. Nếu là của ông già tôi thì cũng dễ tính biết mấy. Đằng này nó là của Nhà nước, của nhân dân. Tôi đành phải vác theo suốt đoạn đường. Khổ nhất là lúc lội qua sông, nghe đồng chí Đại đội trưởng quán triệt "Không để rơi mất vũ khí, có chết cũng không được rời?".
    Nước chảy quá mạnh, thoắt cái có thể đẩy người tôi đi xa trên chục mét nếu tôi sơ hở (Bây giờ nhớ lại lúc ấy tôi ớn sợ ghê). Mấy đồng chí bộ binh họ được gọn thế, là từng bước từ từ họ qua, còn tôi vác khẩu cối 60 nặng 13 cân nằm chàng ràng trên vai, mất một tay vịn nó, chỉ còn một tay để vịn qua, thật khó khăn. Nhất là tối đến trời lại mưa, áo quần ướt đẫm, tăng, võng, cái gì cũng ướt vã, vừa ngủ vừa run.
    Hôm trước vào đánh ở Tà-sanh làm tôi chưng hửng. Tôi tưởng đâu Tà-sanh sẽ là một thị trấn, hay một cái gì đó sẽ đẹp đẽ hơn những cái phum ở Long-cóp. Nào ngờ đi đến nơi, mới thấy nó chẳng như những gì tôi nghĩ tốt lành về nó. Nhà cửa tiêu điều, mấy cái xác bị cháy, nằm trong ngôi nhà sàn cũng cháy, chỉ có cây cau là nhiều, chắc chúng nó cũng buồn tình nên chẳng thèm ra trái.
    Và tôi lại đi tiếp một cái phum ven sông mà tôi chẳng biết tên. Đơn vị tôi đã bắn chết bốn tên địch ở đây. Chả có tên nào còn súng cả. Tôi lượm một trái dưa gang to nằm cạnh xác của một cô gái vừa bị địch bị bắn chết. Mấy giọt máu đỏ chót dính vào vỏ dưa, tôi chùi đi đem ra mấy đứa bạn cùng tôi ngồi xơi ngon lành.
    Phải nói rằng từ lúc khoác lên người chiếc áo trận tôi thay đổi nhiều về tình cảm. Ngày trước, tôi thấy người người chết chả dám nhìn, có lúc nằm mơ thấy họ hiện hồn về dọa tôi. Cái đầu lâu là thứ mà tôi ghê sợ, mỗi khi nghĩ đến tôi cứ nổi da gà. Thế nhưng bây giờ thì tôi không còn một chút gì gọi là sợ sệt với những thứ ấy nữa. Cái đầu lâu bây giờ trở thành một vật tầm thường hết sức trước mắt tôi. Tôi có thể đá để nó lăn như một quả bóng cho vui. Tôi đã từng thấy những người sắp chết, hay một bãi xương người lẫn đầu lâu chồng xéo lên nhau trong một khu rừng vắng.
    Phải công nhận là thằng Pôn-pốt nó quá ác, giết người hàng loạt. Hôm ở Long-cóp, khi đi truy quét qua một khu rừng, tôi có dịp chứng kiến những cảnh tượng ghê rợn: Người bị chết dưới hục nước chưa tan có kẻ thịt đã bấy ra như mắm. Con nít có, người lớn có chín mười xác người bị chất chồng lên nhau để đốt. Có người chỉ cháy cái đầu, cái mình còn lại khô queo và vàng cháy như một khối thịt quay. Nhiều lắm, cả một khu rừng chớ đâu phải ít. Đi ngang khu rừng, cả đơn vị như chạy. Cái khăn ướt luôn che kín mũi, tuy thế mùi thối nồng nặc vẫn xông lên tận óc.
    Không hiểu vì đôi mắt của tôi đã bắt gặp các hình ảnh đó nên nó quen dần đi chăng, hay là các con ma kia sợ khẩu súng của tôi, nên chúng chẳng dám mò đến ám ảnh và doạ nạt tôi? Nói chung, bây giờ thì tôi không còn thấy sợ nữa. Tuy tôi chưa giết người, nhưng tôi có thể giết được, bởi tôi không còn có cái suy nghĩ bâng quơ như ngày trước. Bộ đồ trận bốc lên mùi mốc nồng nặc khó chịu tôi còn treo bên xó nhà đó, chưa đi giặt được. Mệt quá! Cứ mỗi lần nghĩ đến là cơn mệt lại lên, đè áp tôi xuống và mỗi lần như vậy bao giờ cái mệt cũng thắng. Thế nên cặp đồ trận vẫn còn nằm buồn thiu bên xó nhà trông đến thương hại. Thôi cứ để nguyên đó, sẽ có lúc tôi phải giặt, thế thôi?

Chia sẻ trang này