1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Trở lại Ngư Thuỷ

Chủ đề trong 'Quảng Bình' bởi KienGiangriver, 07/02/2005.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. KienGiangriver

    KienGiangriver Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/02/2005
    Bài viết:
    42
    Đã được thích:
    0
    Trở lại Ngư Thuỷ

    Lang thang, lang thang mãi mà không tìm thấy Box Quảng Bình miềng mô hết, hôm ni mới tìm ra đây. Mừng quá . Lời đầu tiên, chúc các bạn đồng hương sức khoẻ, may mắn, chung sức, chung lòng làm cho Box Quảng Bình ngày càng phong phú và hấp dẫn. Lời thứ 2, ở phương trời xa, những ngày cuối năm, cuối tháng, tui kính chúc quí anh chị em một năm mới an lành, hạnh phúc, thịnh vượng và thành công.
    Lời thứ 3, tui xin được Post lên mấy bài phóng sự của anh Nguyễn Quang Vinh về quê tui, gọi là ra mắt anh chị em đồng hương nhé (đã đưa lên ở một diễn đàn khác).

    Japan, chiều cuối năm 2005
    Sông Kiến Giang

    Bài thứ nhất:
    Lời người Post: Lịch sử đã trôi qua hơn 30 năm nhưng cuộc sống của các O vẫn bình lặng với biết bao biến động của thời cuộc. Đời sống người dân miền ven biển Lệ Thủy với gió Lào và cát trắng, suốt ngày bấu víu với hàng dương rì rào trên cát, bám biển trên những con thuyền nhỏ nhoi, vật lộn với từng con sóng để kiếm tìm thêm con cá, con mực cho cuộc mưu sinh vẫn chưa làm thay đổi bao nhiêu bộ mặt của làng quê. Chiều nay, ở phương trời xa, chợt đọc được bài viết về các O, những người anh hùng trong thời chiến và cũng là những con người vô cùng bình dị trong thời bình với biết bao lo toan bộn bề về cuộc sống, những suy nghĩ chân thành, mộc mạc của người dân quê, lòng lại càng cảm thấy bùi ngùi và trân trọng hơn những gì các O đã làm cho quê hương. Mời các bạn ghé thăm xã Ngư Thủy, huyện Lệ thủy - nơi có các O - những người lính trong Đại đội pháo binh năm xưa qua phóng sự của Nguyễn Quang Vinh.

    Các o Ngư Thuỷ cười như cát nổ
    Nguyễn Quang Vinh

    Tháng 7.2004, tôi về Ngư Thuỷ, thăm một lượt các o trong Đại đội pháo binh gái Ngư Thuỷ Anh hùng và viết phóng sự "Nhiều o vẫn bần hàn", trong đó có lời kêu gọi những tấm lòng hảo tâm hãy cưu mang, giúp đỡ các o, đặc biệt là vẫn còn 9 o chưa có nhà ở. Tháng 9.2004, tôi về Ngư Thuỷ lần thứ hai, bạn đọc đã giúp đỡ làm nhà cho 5 o. Gần Tết năm nay, tôi về Ngư Thuỷ lần thứ ba, theo các nhà hảo tâm khánh thành tiếp 4 ngôi nhà nữa. Các o cứ níu tay tôi dẫn đi xem từng ngôi nhà mới, o nào cũng cười tươi rói, tiếng cười giòn như cát nổ...

    [​IMG]
    Lễ trao nhà cho các o pháo binh Ngư Thuỷ.

    Chuyện của o Tần

    Ngôi nhà mới của o Tần được xây dựng từ tiền đóng góp của cán bộ, công nhân Công ty điện lực 3 chỉ cách trụ sở UBND xã Ngư Thuỷ Trung có vài trăm mét. Ngôi nhà đặt trên nền cát, phía sau là cái lều tranh cũ nát mà hàng chục năm nay o Tần thui thủi chui vào chui ra sống một mình. Có lẽ quá tương phản với cái lều tranh đó nên ngôi nhà mới dù chỉ làm với giá 15 triệu đồng nhưng cảm tưởng như nó rất to lớn và bề thế. O Tần khô đét, người quắt queo như cành phi lao khô cháy, luống cuống đón khách, luống cuống chào hỏi, rồi không biết làm gì, o nép người về một góc nhà, rơm rớm nước mắt. Hình như o vẫn chưa quen với việc mình đang là chủ của ngôi nhà mới này- ngôi nhà trong mơ của o suốt ba chục năm qua. Anh Cao Đình Hiệu - Giám đốc Sở Điện lực Quảng Bình có lẽ biết được tâm trạng ấy của o Tần, anh bước vào nhà, ôm vai o, cố nói cười thật vui, nhưng trong đôi mắt đang cười của anh có những giọt nước mắt đang rơi xuống. O Thới - Trưởng ban Liên lạc Đại đội pháo binh gái - nói: "O Tần sướng nhất. Bây chừ được liền hai nhà. Một nhà cho sống, một nhà cho khi chết, sướng hè?". O Tần gượng cười, giải thích: "Cách đây 3 năm, tỉnh có hỗ trợ cho tui 3 triệu đồng để sửa sang cái lều tranh dột nát mà ở. Tui cầm tiền, tính lui tính tới như ri: Mình không chồng, không con chi cả, sau ni mình già chết, bà con thương thì bà con đào huyệt trên cát chôn mình. Nhưng vì không có ai thờ tự thì không biết năm mô tháng mô, cát bay cát phủ cũng mất mộ. Chi bằng, đã ở cái lều tranh ni mấy chục năm rồi thì gắng ở thêm. Tui quyết định dùng 3 triệu đồng tỉnh cho xây cái lăng cho mình trước. Sau ni tui chết, tui có lăng rồi, không sợ mất phần mộ. Rứa là tui xây lăng không sửa nhà. Mấy đứa trong đại đội nói với tui, con điên, nhà không có ở lại xây lăng. Tui kệ. Đời tui cô đơn thì tui phải lo rứa chớ biết răng...". Anh Hiệu tâm sự với các o: "Sau khi đọc phóng sự về các o trên báo Lao Động, lãnh đạo Công ty, lãnh đạo Điện lực Quảng Bình photocopy bài báo gửi đến tận các đội, các trạm, các phòng ban và kêu gọi anh chị em đóng góp giúp đỡ. Nhà o Tần có được là nhờ vào khoản tiền giúp đỡ này". O Tần khoe: "Cái tủ đẹp như ri là nhờ các chú ở Liên đoàn Lao động tỉnh mua cho. Đây nì, trên tủ còn khắc cả dòng chữ: "Quỹ Tấm lòng vàng Báo Lao Động tặng" nữa...

    [​IMG]
    O Thới tại trận địa pháo năm xưa.

    Chuyện của o Thới

    Suốt mấy tháng qua, từ khi Báo Lao Động viết về sự bần hàn của các o, o Thới-cán bộ chỉ huy đại đội năm xưa, nay là Trưởng ban liên lạc của chị em, vô cùng bận rộn. Xã Ngư Thuỷ dài đến hơn chục cây số, nay chia thành ba xã, hết ngày này sang ngày khác, o Thới cùng các o trong Ban liên lạc đến tận nhà tất cả các o, xem xét, ghi chép, tận mắt chứng kiến hoàn cảnh các o để có thể đề đạt đến các đơn vị nhận giúp đỡ những thông tin chính xác nhất: Cụ thể là o nào cần làm nhà trước, o nào cần thêm chút tiền làm vốn, o nào hỗ trợ sửa chữa nhà cửa. O Thới kể: "Không chi ly như rứa không được anh nờ. Người ta có tấm lòng hảo tâm muốn giúp đỡ mình thì mình phải có trách nhiệm với những đồng tiền giúp đỡ đó. Tui nói với chị em, đại đội mình, hầu hết chị em mô cũng cực. Nhưng phải dành hết ưu tiên cho những chị em cô đơn, những người thực sự chưa có nhà ở, những người ốm đau bệnh tật. Không phải lúc mô cũng có người giúp đỡ, cho nên bây chừ, ai giúp cái gì là phải trúng địa chỉ, trúng tên người. Cũng có o thắc mắc này nọ, nhưng tôi kiên trì giải thích. Tui nói, rứa thì tui lo cho các o tui được chi, không được chi hết, chỉ mất công nhọc sức thôi. Nhưng gia đình tui đỡ khổ hơn mấy o thì tui đi lo hộ mấy o. Ngày xưa, chị em mình gian khổ, no đói, vui buồn có nhau, bây chừ cũng phải rứa. Ai không như rứa, đừng gọi mình là nữ pháo thủ Ngư Thuỷ nữa". Khi đi bộ, khi đi xe đạp, o Thới thực sự trở thành người chị cả của các o. Mọi sự trợ giúp của các tập thể cá nhân đều được o Thới đưa đến đúng địa chỉ cần giúp đỡ. O Thới tâm sự: "Chị em tui khổ lắm, còn nhiều gian nan lắm, nhưng cái quan trọng số 1 là Tết này, không còn o mô đón Tết trong cái lều tranh rách nát như trước nữa. Không có sự cưu mang giúp đỡ của mọi người, đến khi mô chị em tui được như rứa? Đến khi mô? E không đến được khi mô có. Ba mươi năm ni rồi anh nờ...". Ngoài những khoản tiền trực tiếp giúp đỡ xây dựng nhà ở, các cá nhân và tập thể còn giúp các o thêm chút tiền làm vốn nuôi con heo, con gà, sửa cái mái nhà, sắm được bộ bàn ghế, cái tủ áo quần, những thứ đồ đạc ấy nếu không ai giúp, mãi mãi các o không thể có. O Thới bỗng thở dài: Nhưng còn một việc ni nữa, vẫn chưa xong anh ạ...

    Còn một chuyện nữa...

    Tôi về Ngư Thuỷ mấy lần, lần nào cũng nghe chuyện Sở Văn hoá tỉnh Quảng Bình chuẩn bị đầu tư xây dựng tượng đài chiến thắng cho Đại đội nữ pháo binh Ngư Thuỷ. Nghe ra thì có vẻ hoành tráng. Nhưng không. Huyện Lệ Thuỷ, xã Ngư Thuỷ, và chính tất cả các o trong đại đội pháo ấy đều có vẻ không đồng tình. O Thới nói: "Nguyện vọng của chị em là cần một ít tiền để phục hồi lại trận địa pháo của mình. Sau đó, tại đây, làm được ngôi nhà truyền thống của đại đội. Chỉ rứa thôi. Làm được rứa, khi người ta về thăm, người ta biết trận địa pháo như thế nào? Ngày xưa, bọn tui đánh Mỹ ra sao? Còn ngôi nhà truyền thống để bọn tui trưng bày những kỷ niệm một thời của đại đội. Huyện cũng ưng rứa. Xã cũng ưng rứa. Chị em chúng tôi càng ưng. Nhưng không biết răng, ngành văn hoá cứ ưng xây tượng đài. Xây tượng đài cần hơn hay phục hồi trận địa pháo của bầy tui hay hơn. Răng họ không hỏi ý kiến địa phương, không hỏi nguyện vọng chị em. Họ làm về chị em, răng chị em không được góp ý kiến. Phục hồi trận địa và làm cái nhà truyền thống chỉ vài trăm triệu họ lại không ưng, răng họ lại ưng tiền tỉ, xây cái tượng đài đó, răng không dành tiền xây tượng đài ấy để giúp chị em bớt khổ, có đủ ăn đủ mặc? Răng rứa?".

    Những câu hỏi tha thiết và đầy trách nhiệm này của các o pháo binh Ngư Thuỷ, tôi muốn dành cho ngành văn hóa thông tin Quảng Bình.

    Nếu cần sửa sai, thời gian vẫn kịp.

    Với tôi, việc du khách được nhìn thấy trận địa pháo binh của các o bao giờ cũng hấp dẫn và ấn tượng hơn là ngắm nghía một tượng đài vô hồn.

    Và khi ấy, trên mâm pháo cũ, các o, dù đã già, nhưng sẽ không bao giờ quên được những thao tác sử dụng pháo bắn tàu chiến Mỹ ngày nào. Không bao giờ quên. Và cảm động biết bao, nếu du khách lại được nhìn thấy các o pháo thủ Ngư Thuỷ, tóc đã bạc, vẫn thao tác thuần thục trên mâm pháo.
  2. KienGiangriver

    KienGiangriver Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/02/2005
    Bài viết:
    42
    Đã được thích:
    0
    Bài thứ 2:
    Lời người Post: Đêm cuối tuần lang thang, một chút nhớ về quê hương đã thôi thúc mình tìm bằng được những gì trến mạng với cái tền Ngư Thủy rất đỗi gần gũi và thân thương. Và đây, hãy đọc, hãy lắng nghe, bạn sẽ hiểu thêm về những giá trị của cuộc sống....
    Thêm một lần về lại Ngư Thuỷ
    (bài sưu tầm)
    Khi chứng kiến tận mắt cuộc sống hôm nay của các chị em Ngư Thuỷ (Lệ Thuỷ, Quảng Bình) để đối chiếu với những thước phim "Trở lại Ngư Thuỷ" bốn năm về trước, chúng ta mới thấy hết sức mạnh kỳ diệu của nghệ thuật và hiệu quả xã hội của một tác phẩm đích thực! Với riêng những người làm phim, họ đã giữ lời hứa khi không chỉ trở lại Ngư Thuỷ một lần...
    Ðó là một cuộc trở lại đầy xúc động. Khi đoàn làm phim Trở lại Ngư Thuỷ gặp lại đại đội nữ pháo binh năm xưa, trong nắng cát, gió cát. Họ ôm lấy nhau, cười đấy mà khóc đấy, tưởng như sự xa cách đã dài lâu hơn thế kỷ.
    Nếu ai đó làm một phép so sánh tỉ mỉ thì cuộc sống của chị em Ngư Thuỷ hôm nay, dù vẫn còn cơ cực nhưng so với mấy năm trước đã đỡ hơn nhiều. Chị Ngô Thị Sam trước chạy ăn từng bữa, nay đã có của ăn của để. Không những thế còn làm thêm được cái chái nhà. Tuy không có lao động chính làm nghề biển (vì con lớn đi làm ăn ở xa), nhưng lương của ông chồng làm cán bộ xã và hai con bò trong chuồng cũng tạm đủ nuôi cả năm miệng ăn trong nhà. Chị Ngô Thị Thản tự hào với cái nền nhà đã được tráng ximăng. Túp lều "chị Dậu" của chị Ngô Thị Tần năm xưa trống hoang trống hoác, nay đã có tấm phibrô ximăng để lợp... Nhưng điều đáng kể là tinh thần các chị đã thoải mái hơn nhiều. Ðã có da có thịt hơn, đã tự tin hơn và nhìn cuộc sống bớt màu xám hơn. Ai cũng bảo "nhờ bộ phim mà được quan tâm hơn, đỡ khổ hơn". Vâng, chính nhờ bộ phim Trở lại Ngư Thuỷ dạo nào trình chiếu đã gây xúc động trong cả nước và làm dấy lên một làn sóng ủng hộ, hướng về Ngư Thuỷ. Trong số các đơn vị hảo tâm, đáng kể nhất là Cty điện lực 1 đã mời các chị ra thăm thủ đô Hà Nội, vào Lăng viếng Bác - ước mơ lớn nhất của chị em.
    Ðạo diễn Lê Mạnh Thích vừa khỏi ốm, (ông đã qua đời vào ngày 16/5/2004 - người post) nay về đây như khoẻ lại. Hình ảnh ông chạy trên bãi biển, đùa cùng chị em Ngư Thuỷ trong ánh nắng chiều, làm ai nấy đều lặng đi. Trong buổi lễ trao quà cho các cô, người đạo diễn nhiều từng trải, cũng không nén được nỗi rưng rưng "...Cuộc sống còn bao nỗi truân chuyên. Chị em vẫn còn phải đối mặt với những ngọn sóng lớn, nhưng các chị sẽ không ngã tay chèo vì tất cả cùng thương yêu nhau, đoàn kết với nhau như ruột thịt trong nhà". Nhiều chị em bật khóc. Ơ vùng đất này mà nhà không có người đàn ông coi như chết vì cuộc sống nơi đây gắn liền với biển, dù biển không phải luôn hào phóng. Nhưng với chị em Ngư Thuỷ "tắt lửa tối đèn" vẫn có nhau. Nhìn chị Ngô Thị Thản, chính trị viên đại đội năm nào, như người chị cả vẫn giữ được cái uy với các em, vẫn phân bổ rạch ròi đâu ra đấy dù chỉ là bữa cơm trưa mời đoàn, thấy ấm lòng.
    Nhưng khá là so với trước, còn người dân làng cát vẫn khổ nhiều. "Người ta khôn ở cửa sông cửa lạch, tôi nghèo tôi ở bãi Ngang". Bãi Ngang thì không có cá to, chỉ toàn cá bằng nắm tay và thuyền đánh cá không có bến neo, nên phải khiêng lên cát. Bữa cơm của nhiều gia đình vẫn là khoai độn nhiều hơn, và rau luôn là món chủ lực. Mà để có được ngọn rau trên cát cháy, biết bao mồ hôi, nước mắt đã đổ xuống...
    Ngư Thuỷ trước đây là một xã, sau tách thành ba xã: Ngư Hoà, Ngư Thuỷ và Hải Thuỷ. Chị em pháo binh năm xưa tập trung nhiều ở Hải Thuỷ, nhưng vì cái tên Ngư Thuỷ Anh hùng đã ăn sâu vào trái tim mọi người nên mọi thứ đều dồn về cho Ngư Thuỷ. Con đường 3,8 tỉ dành cho Ngư Thuỷ, còn Hải Thuỷ vẫn chưa có đường, trong khi Ngư Hoà đã có điện thì phải đến tháng 10 này (nhờ Cty điện lực 3) mà Ngư Thuỷ và Hải Thuỷ mới được "sáng". Vì thế món quà 45 chiếc TV mà Cty điện lực 1 trao tặng chị em cuối tháng 8 phần lớn vẫn tạm im tiếng cho đến ngày có điện.
    Lần đầu đến Ngư Thuỷ, tôi vẫn mang những ấn tượng từ bộ phim để đối chiếu với hiện thực trước mắt. Hôm nay tôi về và thầm phục các nhà làm phim đã biết lựa chọn tìm ra những tình huống, con người đặc trưng nhất ở nơi gió cát này để nói lên điều cần nói, để ngay cả người vô tình nhất cũng phải tự hỏi: Mình đã làm gì, khi còn đó những vất vả của những con người đã hy sinh một thời con gái trong chiến tranh chống Mỹ, để cuộc sống hôm nay tốt đẹp hơn?
  3. KienGiangriver

    KienGiangriver Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/02/2005
    Bài viết:
    42
    Đã được thích:
    0
    Bài thứ 3:
    Lời người Post: Một cậu bé đi dọc bờ biển, nhặt từng con sao biển bé xíu và ném thật xa vào những con sóng. Mọi người cười chế nhạo rằng: "Hằng ngày có hàng trăm, hàng ngàn con sao biển như vậy, cháu làm như vậy phỏng có ích gì không?". Chú bé lại nhặt một con sao biển lên, cái nhìn xoáy sâu, và trả lời: " Ít nhất, con làm được một việc có ích cho chú sao biển này".
    ....Còn nhiều, nhiều lắm những cảnh đời nghèo khổ trên khắp các miền quê đất Việt, và dường như những mảnh đời đấy càng nhọc nhằn hơn ở khúc ruột miền Trung khắc nghiệt, quanh năm gió Lào và lụt lội này...Chùm phóng sự về mảnh đất Ngư Thủy tôi đưa lên đây không phải để tạo sự chú ý hay sự thương hại mà chỉ muốn chia sẻ lòng trắc ẩn trong mỗi con người, đôi lúc vì mưu sinh cho cuộc sống mà chúng ta cũng ít để ý đến xung quanh với nhiều việc tưởng nhỏ mà lại không nhỏ. Cuộc sống có thể chưa nói là sung sướng lắm (về mặt vật chất) nhưng vẫn còn đó bên cạnh ta, có quá nhiều người bất hạnh (so với chúng ta) mà đáng lẽ họ phải xứng đáng được hưởng. Mình có thể đến thăm họ, giúp đỡ họ một chút gì đấy rồi mình lại đi nhưng cái đích cuối cùng là cuộc sống của họ, có thay đổi, có thoát ra được cái nghèo đói, cái cực khổ dai dẳng bám theo cả cuộc đời họ không hay vẫn là một cuộc sống khó khăn. Câu trả lời vẫn đang để ngõ cho tôi, cho các bạn mặc dù vẫn biết ở nhà cũng rất đang cố gắng để đem đến cho họ một cuộc sống tốt hơn nhưng cái lâu dài là tính bền vững về cuộc sống cho những con người ở đây. Hãy đọc, thông cảm và chia sẻ bạn nhé !

    NƯỚC MẮT KHÔ
    Nguyễn Quang Vinh
    Tôi buồn day dứt khi đã lỡ hẹn với chị Cật ở xã Ngư Thủy. Khi tôi về làng thì chị đã đi rồi, đi vô tận Mũi Né để hoặc là ăn mày, hoặc là ở đợ cho người ta - chị đã từng nói với tôi hồi tháng trước như vậy. Thế là chị trở thành người cuối cùng trong nhà rứt áo rời làng để làm người hành khất và ở đợ. Có ai biết đâu rằng, 5 mẹ con chị Cật - cựu thanh niên xung phong đang bị dồn vào cảnh sống khốn cùng để trở thành kẻ làm con ở, người đi ăn mày suốt những năm qua...
    Đêm hoang tàn
    Cả nước biết đến xã Ngư Thủy với chiến công của đại đội pháo binh gái. Ngư Thủy còn được nhiều người biết đến bởi sự nghèo. Là một làng biển bãi ngang, với những con thuyền bé tẹo, cuộc sống là sự vật vã kiếm miếng cơm, manh áo rát cháy trong gió Lào cát nóng. Mấy năm nay, Ngư Thủy đã có thay đổi lớn. Có đường giao thông, có điện, có các dự án xóa đói giảm nghèo hỗ trợ. Tuy nhiên, những gia đình nghèo khổ, cùng đường như nhà chị Cật - cựu thanh niên xung phong - thì hoàn toàn không thay đổi gì.
    Chị Cật là con dâu làng Ngư Thủy. Những năm tham gia thanh niên xung phong, chị bị sức ép bom đạn triền miên, mắt bắt đầu mờ. Khi về lấy ông Lướng làm chồng, mắt chị đã bị thương tật, mù mờ nhìn không mấy rõ. Dù cuộc sống vẫn khó khăn nhưng đó là những năm tháng ổn định của chị khi vợ chồng chung lưng đấu cật kiếm sống và sinh hạ được 4 đứa con. Cho đến ngày thằng con út lên 4 tuổi thì gia đình gặp đại họa.
    Ông Lướng đi cùng 2 người đàn ông của làng trên một chiếc thuyền câu. Một cơn lốc lớn xuất hiện bất thần trên biển. Hai người kia sống. Ông Lướng mất tích. Năm mẹ con chị Cật cùng bà con họ hàng trong làng suốt 7 ngày đêm liền chạy dọc bãi biển tìm xác. Chị Cật gào tên chồng trước sóng, gào từ sáng đến tối, tiếng khản đặc, người héo rũ, cho đến ngày thứ 7 vào khoảng 10 giờ đêm thì xác ông Lướng tấp vào bờ. Đêm đó là đêm kinh hoàng nhất của mấy mẹ con chị. Người đàn ông trụ cột của gia đình đã ra đi. Chỉ còn mấy mẹ con ôm nhau bên mộ ông, hoang tàn cát, hoang tàn gió, hoang tàn phương hướng...
    Hoạ vô đơn chí
    Chồng chết, một tay 4 đứa con, đi biển không được, nhìn trước nhìn sau ở làng chỉ có cát là cát. Chị Cật và các con ghì nhau không biết làm chi để sống. Mấy đứa con gái chị 12, 13 tuổi về gặp mẹ: "Mạ cho mấy đứa tui vô Nam" - "Vô Nam mần chi?" - "Mấy đứa tui đi ở, đi ăn xin... ở nhà chết đói mạ ạ". Chết đói là cái chắc. Chị là thanh niên xung phong nhưng không có chế độ gì hết. Miếng cơm manh áo nhờ chồng đi biển nay cũng không còn. Thương con nhưng đường cùng thì phải giấu nước mắt đưa con ra đường quốc lộ đón xe. Bán căn nhà cũ, mấy mẹ con chia nhau mỗi người năm bảy chục, kẻ đi thì làm tiền lộ phí, người ở nhà thì mua gạo, mắm sống qua những ngày trước mắt. Con đi.
    Mới đầu 2 đứa. Sau thêm đứa nữa. Cuối cùng thằng con út cũng đi nốt. Nghe người ta nhắn tin ra, các con của chị ăn mày ở Mũi Né, cũng có đứa xin được đi ở cho nhà giàu có. Lâu lâu, vài 3 tháng, lại có đứa gửi ra cho chị khi thì mười nghìn đồng, khi nhiều cũng được hơn 30 ngàn. Chị ở nhà 1 mình. Hàng ngày chị ra bãi biển, nhặt nhạnh những con cá rơi, gánh vác, đỡ đần cho bạn chài để kiếm thêm vài ngàn tiền công, hay mớ cá. Rồi lại gập người vô rừng phi lao, cào lá khô, tỉa cành khô, gói ghém mang đến những nhà khá giả, đổi cho họ để lấy về vài ba lon gạo, mỗi lon chị ăn cầm chừng cả ngày, cốt giữ ấm bụng chứ không nghĩ đến chuyện no. Chị bòn mót từng ngàn, gói ghém số tiền ít ỏi của các con ở đợ, ăn mày mang về, cuối cùng chị mới mua lại được căn nhà riêng cho mình, khỏi phải ở nhờ, căn nhà tranh bé tẹo trong khu vườn cát trắng chói mắt, cả nhà cả vườn với giá 140.000 đồng (một trăm bốn chục ngàn đồng), nợ 30 ngàn đến hơn 1 năm sau mới trả hết nợ, mà phải trả khi thì vài ba ngàn, khi ít thì một ngàn, trả mãi, lần hồi hết nợ nhà.
    Tưởng thế là nhẹ nhõm. Như chị tính, no đói chi cũng đã có một nếp nhà. No đói chi thì chị cũng không còn lo cái ăn cho 4 đứa con nữa, nó đi ăn mày, đi ở cũng đã sống được qua ngày. Chị còn lo ăn cho mỗi chị thôi. Trong nhà không có tài sản chi hết, một cái thùng phuy nhỏ, đã gỉ, một cái thùng carton đựng tivi xin về đựng áo quần, hai cái chõng tre, hai cái nồi đất. Hết. Thôi đành thế. Cam chịu. Nhưng tai hoạ lại tiếp tục đến nữa. Có thể do cuộc sống quá khổ, ăn uống chỉ có vài bát cơm với mắm, với muối, đôi mắt thương tật trong chiến tranh đã mờ dần, mờ dần, như mù. Chị hoảng hồn lên vì đôi mắt của mình. Bây giờ thì không thấy cái gì rõ ràng nữa. Bóng người như bóng cây, bóng cây như nấm đất. Chị bàng hoàng bất lực khi cái nhìn của chị đã kém dần và cứ đà này thì không biết đến lúc nào chị sẽ bị mù hẳn.
    Tấm ảnh thờ
    Mấy tháng gần đây chị được mời dự gặp mặt cựu thanh niên xung phong, được nhận kỷ niệm chương, và được tỉnh đoàn thông báo là cho chị đi kiểm tra giám định sức khỏe để làm hồ sơ nhận trợ cấp. Tin đó chị mừng. Cầm cái bằng chứng nhận kỷ niệm chương thanh niên xung phong, chị tự hào lắm. Cả đêm cứ mở hộp kỷ niệm chương ra xem, nhìn ngắm mãi ngôi sao vàng và dòng chữ thanh niên xung phong mà rưng rưng nước mắt, nhớ bạn bè đồng đội, nhớ cái lũ bạn gái cùng tiểu đội 1, đại đội 1, tiểu đoàn 1, đoàn thanh niên xung phong 104 thuộc binh đoàn Trường Sơn, nhớ những tháng năm đi phá đá mở đường giữa vùng trọng điểm... Ai đó đã rỉ tai chị, muốn giám định sức khoẻ, thương tật phải có khoảng một triệu đồng thì người ta mới làm cho. Chị bó tay. Thôi thì cứ phải lên đường vô Nam cùng các con đã, không xin ai ở đợ được thì đi ăn mày sống qua ngày đã... Thế là chị đi.
    Chị vay mượn trong xóm được 50 ngàn và lên đường. Căn nhà của chị không còn ai ở. Hộp kỷ niệm chương chị gửi lại cho mệ Sâm bạn con dì giữ hộ. Thấy tôi đến nhà, mệ Sâm và nhiều người là bà con với chị Cật, cả mấy đứa cháu trong xóm cùng chạy đến. Họ mời tôi ngồi bệt trên cát nói chuyện. Cát thay bàn ghế. Mọi người đều ái ngại vô cùng cho hoàn cảnh khổ cực của chị Cật nhưng không ai giúp được. Giúp làm sao nổi khi các cô, các dì của chị Cật cũng đang tình cảnh nghèo khổ cùng cực, mấp mé cảnh ăn mày, lại có người chồng đã chết, một tay mấy nách con, nhà như ổ chuột.
    Tôi bàng hoàng khi mệ Sâm kể: "O Cật đi mà không dứt vì còn một khoản nợ nữa chú ạ. Mấy năm trước, o Cật đến hiệu ảnh làng để chụp một bức ảnh, nhằm cho đến khi chết, con cái có cái ảnh thờ. Đi chụp ảnh mà phải mượn áo dài, mượn tràng hạt đeo cổ, ảnh phóng to đóng khung và cứ để mãi ở nhà thợ ảnh mấy năm ni không lấy về được. Vì răng à? Vì tiền chụp ảnh là 37.000 đồng nhưng o Cật không có tiền trả. O Cật nói với thợ ảnh, cho o gửi lại ảnh đến khi mô có tiền trả thì mang về. Mấy năm rồi vẫn không có khi mô dư ra được 37.000 đồng lấy ảnh. Thỉnh thoảng, o Cật và tui lại đến nhà ông thợ ảnh khất nợ và ngắm cái ảnh rồi về". Không tin, tôi đến nhà ông thợ ảnh và đúng là chuyện có thật. Bức ảnh o Cật vẫn còn đó chờ o mang tiền đến trả. Nhưng o Cật đã vô Nam rồi, đi ăn mày, đi ở đợ rồi, cũng đã chắc chi dư được tiền về lấy bức ảnh của mình?
    Tôi một mình ngồi trong căn nhà o Cật, ngồi lặng im, cái giường tre thỉnh thoảng lại lún sâu chân xuống cát làm tôi phải cúi xuống nhấc giường lên mới ngồi tiếp được. Ngoài cửa cát trắng chói mắt. Cát này, nếu khi nào quá cực, quá cô đơn, quá tủi thân mà o Cật khóc, thì nước mắt của o thấm vô cát đến khi nào cát mới đẫm ướt được đây? E không bao giờ. Cát khô và nước mắt o Cật cũng đã khô từ lâu lắm rồi...
  4. ftof

    ftof Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    21/11/2004
    Bài viết:
    29
    Đã được thích:
    0
  5. con_cat_trang

    con_cat_trang Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2004
    Bài viết:
    34
    Đã được thích:
    0
    Lâu lắm rồi mới vào lại được trang TTVNOL này ... Năm mới đọc những bài viết về các O ở Ngư Thủy lại thấy rưng rưng. Đâu đó trong hình ảnh của các O rất gần gũi với những Mạ, Mệ ... rồi những O, những Dì của mình. Chao ôi, đâu chỉ phải những O Ngư Thủy năm xưa ... mà trên dải đất Quảng Bình này ... những cái đói, cài nghèo vẫn đeo đẵng nhiều gia đình, dù không thể nói họ đã không cố gắng, không cần cù lao động ...
    Tết này trở về quê, trong tôi vừa xen lẫn niềm vui cùng đôi chút chạnh lòng. Thành phố Đồng Hới mình như một đứa trẻ lên ba bổng chốc vươn vai trở thành "tráng sĩ". Đồng Hới đẹp hơn với nhiều ngôi nhà mới, những con đường mới khang trang, bề thế ... Nhưng đi xa hơn, ra khỏi thành phố thì Quảng Bình vẫn còn đó với bao nỗi nhọc nhằn, vất vả ...
    Với tôi, cũng như những người bạn ở trên box QB này đều mang những ấp ủ, tham vọng phấn đấu xây dựng một QB "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" ... để QB không còn là một trong số 12 tỉnh nghèo nhất nước nữa. Tham vọng thì lớn nhưng hiện tại chưa thể thực hiện ... Nói như những lời trong các bài báo thì mình có thể đến thăm những Mệ, những O, những Dì ... gửi cho họ dăm ba đồng gọi là động viên các Mệ, các O, các Dì cố gắng vượt qua cơn khốn khó ... nhưng về lâu dài thì chúng ta có giải quyết được những nỗi vất vả hiện tại của họ không ?!
    Năm mới ai cũng mong nói những điều tốt đẹp, cầu chúc nhiều thành công và tài lộc ... Nhưng năm mới chúng ta không quên những số phận không được may mắn như những O Ngư Thủy ...
  6. Shipvn

    Shipvn Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/05/2005
    Bài viết:
    21
    Đã được thích:
    0
    Xin chào bạn KienGiangriver và các bạn! Đến giờ mình mới đọc được loạt bài về quê hương. Rất hay và cảm động. Mình cũng xa quê lâu rồi. Hy vọng sẽ được cùng bạn và các bạn trong BOX trao đổi thông tin về quê hương.

Chia sẻ trang này