1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Truyện ngắn hài hước của AZIZ NESIN

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi Julian, 02/12/2002.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    PHẢI HÉT THẬT TO​
    Ngoài phố hai người đang đánh nhau - một người thì im lặng, một người thi ra sức hét thật to. Một đám đông những kẻ vô công rồi nghề bâu xung quanh. Có một người nói:
    -Trong lúc đánh nhau cái chính là phải hét thật to ! Tôi ngoảnh lại để nhìn con người am hiểu ấy. Trước mắt tôi là một gã còm nhỏm còm nhom.
    -Qua kinh nghiệm bản thân, tôi biết - anh ta kết thúc nhận xét của mình.
    Chúng tôi lách ra khỏi đám đám đông đang vây quanh cuộc đánh nhau và cùng sóng đôi đi. Anh bạn đồng hành của tôi kể :
    -Có một hồi tôi làm việc ở một thị trấn nhỏ trong một tỉnh nọ, nhưng đến kì nghỉ phép thì tôi về Xtămbun. Mỗi năm tôi để dành được hơn hai nghìn. Vào ngày nghỉ phép cuối cùng tôi quen được một cô gái rất xinh. Nhưng thời gian để đi chơi, tán tỉnh không còn nữa, nên tôi đi vào đề ngay. Tôi hỏi cô ta:"Cô có muốn lấy tôi không ?" Lập tức chẳng đắn đo, cô ta ôm choàng lấy cổ tôi đáp :" Trời ơi, anh thân yêu ! Cả đời em chỉ ước mơ có anh !".
    Để chứng tỏ cho cô ta thấy trong người tôi không có dị tật gì, tôi rủ cô ta ra bãi biển. Chúng tôi vào thay quần áo, phòng tôi và phòng cô ta bên cạnh nhau. Sau khi thay xong, tôi bước ra thì không thấy cô ta đâu. Tôi ngò hết phòng này đến phòng khác đều không thấy. Cùng với cô vợ chưa cưới, tiền bạc của tôi cũng...bốc hơi luôn. Bây giờ đi tìm cô ta, tôi nghĩ, thì về nhà sẽ muộn. Cơ quan không ai người ta chờ tôi cả, tôi sẽ bị mất việc.
    Số tiền lẻ còn lại trong túi chỉ đủ đi được nửa đường. Tôi xuống một ga xép, bụng đói lả, trong túi không còn đủ tiền để mua chiếc bánh mì vòng. Mà trước mắt còn đi bộ hai ngày nữa. Làm thế nào để sống được hai ngày nữa bây giờ. Chẳng biết làm gì, tôi đành thất thểu lên đường, hướng về phía thị trấn của mình. Tôi cứ cắm đầu đi , đường dài vô tận, trìơ nắng như đổ lửa. Vừa đói vừa mệt, hai chân tôi lảo đảo như muốn khuỵa, mắt bắt đầu nổi đom đóm. Bốn bề xung quanh không còn một ngọn cây nào, cả đói cả mệt đã làm tôi hoàn toàn kiệt sức.
    Tôi cố lê bước. Bỗng nhìn thấy ở đằng xa một cái cây không biết là lê hay táo. "Cây gì thì cây, tôi nghĩ, cùng lắm thì cũng nhai lá". Khoảng cách chỉ độ trăm bước mà sao tôi thấy xa đến hàng trăm kilômét. Cuối cùng tôi cũng lê được đến nơi, hóa ra là cây mận. Quả của nó dường như bị hép quắt đi vì nắng. Chỉ có một lớp vỏ mỏng dính bao quanh hột ! Hơn nữa cũng chẳng có nhiều, nên chỉ một loáng tôi đã thanh toán xong hết cả. Gần đấy có một dòng nước nhỏ, tôi nắm xuống làm ngay một tợp. Nhưng nước có vị gì đăng đắng. Uống no nê xong, lạy thánh Ala, cơn khát đã hết, tôi lại tiếp tục lên đường.
    Cạnh quán cà phê có vòi phun nước, mấy ông già đang ngồi. Một người trong số họ niềm nở bảo tôi: "Xin chào người khách bộ hành ! Chẳng hay ông muốn uống nước sạch và mát không ?" "Cám ơn các bác, tôi vừa uống ở dòng sông bên kia rồi". Ông già nhìn tôi lộ rõ vẻ kinh ngạc:"Con sông nào? Chả lẽ bụng ông không tốt sao ? Nước sông ấy là nước chữa bệnh đấy, nó có tác dụng đẩy bụng ra rất tốt, dù cho ông có lấy nút chai bịt nó lại nó vẫn bị bật ra, sức nó mạnh lắm !".
    Tôi chưa kịp nghe nói hết câu thì đã thấy bụng sôi ùng ục, chỉ còn biết thều thào hai chữ "Ala", rồi rẽ vào bụi cây gần đó. Vừa đi vừa tuột quần.
    Sau đó, trong lúc đi đường và khi đã vào đến làng, cứ mười phút, mười lăm phút tôi lại phải nghỉ để làm cái "việc ấy".
    Tôi cố lê chân đi tiếp. Cuối cùng đến một quả đồi, dưới chân đồi lại bắt đầu một làng khác. Tôi thấy trên một bãi đất rộng người ngồi chật ních. Có tiếng kèn đồng vang kêu lên.
    Sau đó cả đám đông quay về phía tôi. Tôi vừa đứng vừa dậm chân, chỉ muốn chạy vào một bụi cây, nhưng mọi người đã vây quanh lấy tôi và hô to:"Nhiệt liệt chào mừng nhà vô địch đáng kính!" Họ kính cẩn đỡ tôi dẫn đi và mọi người đồng thanh hô lớn:"Nhà vô địch...Đại lực sĩ!..."
    Đúng lúc tôi lại bắt đầu...mót! Không cần giữ ý gì nữa " Xin lỗi!" Tôi bảo họ rồi ôm bụng chạy vào sân nhà thờ.
    Cả làng đã tập trung trên một bãi đất rộng. Lúc tôi trở lại có hai người tiến lại gần tôi và trịnh trọng tuyên bố:"Người thắng cuộc sẽ được một con bê!"
    Tôi nhìn họ mà không hiểu gì hết. Trong lúc đó ở rìa bãi người ta đã đốt lửa và đang nướng cừu. Mùi thịt nướng làm tôi ứa nước miếng.
    "Thưa lực sĩ khi nào ngài cho bắt đầu?" - "Sao ? Tục lệ của các bác là như vậy à ?" Tôi hỏi - Nghĩa là người nào đến làng các bác thì phải đầu vật à ? - "Ôi, sao ngài lại giễu cợt chúng tôi thế, thưa nhà vô địch ? Chả lẽ chúng tôi không mời ngài đến đây hôm nay sao ?"
    Trời đất ơi ! Thật là trớ trêu ! Nếu tôi thú thật tôi chẳng phải là nhà vô địch gì hết, thì họ sẽ không cho tôi ăn ! Còn vật nhau thì có thể thắng, mà cũng có thể thua...Cứ cầm cự một lúc, cùng lắm thì nằm bò ra vậy - cốt sao được người ta cho phép!...
    Đầu tiên tôi từ chối:"Nhưng tôi không có quần áo..."Vừa nói đến đây bụng tôi lại sôi lên ùng ục, tôi lại ôm bụng chạy...
    Khi trở lại tôi thấy người ta mang ra cả đống quần áo võ sĩ vật cho tôi chọn. Mấy con cừu lúc đó đã vàng ươm trông thật hấp dẫn...
    "Tại sao nhà vô địch cứ chốc chốc lại chạy ra sau thế nhỉ ?" Tôi nghe thấy tiếng xì xào trong đám đông. "Có lẽ để bôi mỡ...", "Nhưng đô vật quái gì mà còm nhom như con muỗi thế?...","Người ngợm thế thì vật quái gì được!...","Này, đừng nói thế võ sĩ đâu chỉ căn cứ vào bề ngoài..."
    Tôi mặc thử một bộ, rộng thùng thình không còn trông thấy người đâu. Bộ thứ hai tuy cũng rộng, nhưng dù sao vẫn còn giữ được, không bị tụt. Tôi chẳng đắn đo gì thêm.
    Trống bắt đầu thúc, kèn rúc to hơn. Và liền đó tôi nhìn thấy đối thủ của mình: chao ôi, sao hắn to con làm vậy ! Tôi chỉ đứng cao hơn đầu gối của hắn một tí...
    Trước đây tôi đã vài lần được xem đấu vật, và tôi biết các võ sĩ có quyền hét thật to để tự trấn an và uy hiếp tinh thần đối phương. Tôi còn biết làm gì được ? Tôi cố làm bộ mặt thật dữ tợn, vỗ tay vào đùi đen đét và ra sức gào thật to đến đau quặn cả bụng. Tôi thấy đối thủ của tôi hơi lùi lại. Tôi cứ tiến thì anh ta lại lùi. Thành thử chúng tôi cứ đi vòng quanh bãi, nhưng không tiến sát hẳn vào nhau.
    "Coi chừng đây!!!", tôi hét vỡ cả giọng vừa hét vừa vỗ vào hông kêu đen đét.
    "Kìa, xem kìa, đô vật của chúng ta sợ rồi, đang chạy cuống cả lên kìa!","Chứ sao ! Hắn ta mà tóm được tay thì cứ gọi là bẻ gẫy ngay ! Úi giời, trông tay hắn ta kia ! Vỗ đùi mới khiếp làm sao ! Đúng là đại lực sĩ !"
    Thực ra tôi chỉ muốn quan sát đối thủ để nói thầm với anh ta rằng:"Anh đừng để ý đến tiếng la hét của tôi. Anh cứ ôm lấy tôi đi, tôi sẽ tự ngã ra đất. Vì tôi biết tôi không thể nào địch với anh được..." Nhưng anh chàng càng thấy tôi tiến lại gần thì càng giật lùi để tránh. "C-o-o-i c-h-ư-ư-ừ-n-g !", tôi lại gào lên và nhận thấy vẻ kinh hoàng trên mặt anh ta. Vừa lúc đó luýnh quýnh thế nào tôi va phải mạng sườn anh ta suýt ngã bổ chửng." Này, anh bạn...", tôi chỉ kịp nói khẽ với anh ta mấy câu.
    Nhưng anh ta đã run cầm cập, rồi chính anh ta lắp bắp nói nhỏ với tôi:"Thưa nhà vô địch đáng mến. Xin ngài đừng làm nhục tôi trước dân làng. Oai doang của ngài thật lừng lẫy...Xin ngài đừng làm tôi bị què quặt. Tôi không thể địch được với ngài, nhưng ở đây tôi là người khỏe nhất, nên mọi người bắt tôi phải đấu..."
    Bị vao mạnh, bụng tôi lại bắt đầu sôi ùng ục." Thôi được, anh nằm xuống đi, tôi khẽ rít lên rồi lại ra sức hét thật to: Ta sẽ bẻ g-â-â-ẫ-y x-ư-ư-ơ-ơ-n-g !..". Anh chàng sợ quá nằm ngay xuống, tôi lập tức ngã bịch lên người anh ta, rồi chồm dậy ngay, khó khăn lắm tôi mới "nhịn" được cho đến khi vào tới sân nhà thờ...
    Tôi quay lại, người lảo đảo vì kiệt sức. Anh chàng đối thủ hôn tay tôi, không biết từ đâu người ta dắt đến một con bê kêu "nghé ọ". Mọi người mang rượu đến chúc mừng tôi. Tôi uống xong một cốc cảm thấy người khỏe hẳn hơn một chút. Tôi đưa mắt liếc xem chỗ người ta nướng thịt cừu ra sao...
    Chúng tôi chưa kịp ngồi vào chiếu thì trên đồi bỗng xuất hiện bóng một người cưỡi ngựa. Một phút sau anh ta đã phóng đến chỗ tôi: không phải người thường nữa, mà là một người khổng lồ !
    "Sao chưa thi đầu gì mà các vị đã đánh chén thế này ?" - "Cuộc kết thúc rồi". " Sao lại kết thúc rồi ? Chả lẽ không phải các vị mời tôi đến hay sao. Tôi là nhà vô địch vật Iuxup Akiôpu đây !"
    Tôi cảm thấy đau nhói bụng. "Xin lỗi các vị, tôi ra đây một phút..." Nhưng anh chàng đối thủ ban nãy vừa hôn tay tôi đã kịp túm lấy cổ áo tôi lôi xềnh xệch, lấy chân đá túi bụi vào người tôi.
    Tôi cứ ôm bụng lạy van người ta thả tôi ra, dù chỉ một phút thôi. Mãi sau tôi vùng thoát được, nhưng không kịp chạy vào sân nhà thờ nữa...
    Vì thế tôi mới bảo - khi đánh nhau, cái chính là phải làm đối phương sợ, phải hét thật to...Còn nếu hét cũng không ăn thua, thì tốt nhất là ngồi im lặng trong bụi cây, chớ thò mặt ra ngoài!...
  2. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    RẤT TIẾC LÀ KHÔNG XONG RỒI... ​
    - Muốn gì thì muốn, chúng tôi cũng cứ cưới vợ cho anh ! - Mọi người xúm vào bảo tôi vậy.
    Tôi giãy nãy lên, làm ra bộ không thích. Nhưng kì thực trong thâm tâm không có gì phản đối cả.
    -Cô này nết na chăm chỉ lắm ! - họ tìm cách thuyết phục tôi.
    Con gái mà điều trước tiên được khen là nết na chăm chỉ, thì ắt là nhan sắc không ra gì rồi ! Chắc thế nào cũng có khuyết tật gì đó.
    -Nết na hay không tôi cũng không cần lắm. Cốt nhất là làm sao mặt mũi phải dễ coi một tí, để nếu không phải suốt ngày, thì ít ra đôi lúc có thể ngắm được - tôi rụt rè bảo họ.
    Cô ấy đi với anh thì xứng đôi lắm rồi - họ nói để cốt yên lòng tôi.
    Nhưng chính đó lại là điều tôi sợ nhất...
    -Cô ấy là người có học thức. Tiếp xúc với cô ấy thế nào anh cũng thấy hợp ngay !
    Điểm này thì tôi thích. Một cô có học thức ! Phải nói rằng học thức dù sao cũng là một nét hấp dẫn đấy chứ ! Các bạn cứ đọc các mẩu rao vặt kết hôn trên báo thì biết đấy. Từ anh thợ mới học nghề quét vôi cho đến các nhà hoạt động xã hội có tên tuổi, có ai là người không muốn kiếm một cô vợ có học thức đâu nào !
    -Mẹ cô ta là người Đức, còn bố là người Thổ.
    -A ! Điểm này cũng hay đấy !
    Giống vật lai cũng giống như người lai, bao giờ cũng có những phẩm chất tốt lắm nhé ! Tôi chợt nhớ đến phu nhân Phôn Xađrextainơ trong truyện ngắn trứ danh của Hôme Xaiphentin. Đó là một người phụ nữ có thân hình rắn rỏi. Sáng nào cũng vậy, ở chợ về, mình mặc bộ quần áo thể thao, tay xách làn, bà vừa đi vừa nện mạnh gót giày cộp...cộp...cộp...trông rất oai vệ.
    -Cô ta nói được cả tiếng Đức. tiếng Pháp lẫn tiếng Ý !
    Tôi thầm nghĩ: nếu săn được con chim này thì cũng bỏ công chờ đợi hơn bốn chục năm giời ! Người ta nói thế mà đúng: chỉ có kẻ nào biết nhẫn nhục chờ đợi thì mới đạt được ý nguyện.
    Bà mối chính trong chuyện này là mađam Êléplơra, năm mươi chín tuổi, người gày đét như con cá mắm.
    -Cô này rất xinh, thuộc loại ve-ri biu-ti-phun(1) đấy ! - mađam Êleplơra nói - người cao, thon thả... trông tờré cuyntivê(2), mà lại dòng dõi con nhà quý phái nhé !
    -Bà Êleplơra này, -tôi bảo, - thề bà đã nói cho cô ấy biết rằng tôi đã ngoại tứ tuần chưa ?
    -Nói rồi ! Cô ấy bảo đàn ông cứ phải ngoại cái tầm bốn mươi mới có thể gọi là đàn ông được !
    -Thế bà có bảo với cô ấy là vóc người tôi thấp bé không ?
    -Có . Nhưng cô ấy bảo được cái chắc anh thông minh !
    -Nhưng bà đã kể cho cô ấy biết tôi chỉ là một anh nhà báo quèn, lương tháng không hơn gì mấy cô thợ đan bít tất, tức là chỉ có năm mươi lia một tuần, mà với điều kiện là phải làm vừa lòng ông chủ đấy ! Bà đã kể cho cô ấy biết điều ấy chưa ?
    -Rồi ! Kể hết rồi ! Cô ấy có những ba cái nhà cơ ! Đồ đạc đủ hết, chẳng thiếu thứ gì !
    Nếu vậy thì được. Không có sau lại bảo không nói trước ! Đã biết thế rồi mà cứ lao vào, sau này khổ thì đừng có trách ! Đúng là cô ả muốn chuốc nợ vào thân, mà tôi thì hoàn toàn có khả năng làm cô ta được toại nguyện.
    Nói thật ra thì tôi cũng chẳng quan tâm mấy đến tất cả những chuyện này, nhưng chết nỗi một ông bạn cứ tha thiết muốn tôi lấy vợ.
    -Thôi, cưới quách đi cho rồi cậu ạ ! Cho đời nó dễ chịu - anh ta thuyết phục tôi - và cũng để bọn tớ khỏi lo lắng về cậu nữa ! Lo mãi cho cậu, tụi tớ cũng phát ngán lên rồi !
    -Sao cậu lại nói thế ? -tôi bảo anh ta - Cậu tưởng thời buổi bây giờ, một người con gái như thế...Chắc cô ấy đã chịu lấy một thằng như tôi !
    -Thôi, đừng nói vớ vẩn ! Đã bao năm cậu không được biết hạnh phúc là gì, thì bây giờ hạnh phúc tự đến với cậu. Chuyện ấy là thường chứ !
    Tôi đắn đo suy nghĩ mãi, rồi cuối cùng đành liều gật đầu, mặc cho mọi sự đi đến đâu thì đến.
    Theo sắp đặt, người con gái mà số phận đã định cho tôi sẽ lấy làm vợ, sẽ đi cùng mađam Êleplơra đến sở chúng tôi. Người bạn tôi sẽ phải có mặt ở đó để đón họ.
    Ngày hẹn đã tới. Phải người nào đã từng nếm mùi cuộc sống độc thân mới hiểu rõ cuộc sống có ý nghĩa như thế nào. Từ ngày hôm trước tôi đã phải lấy chiếc áo sơ mi trắng ra giặt, rồi phơi lên ban công cho khô. Nhưng ác một cái là hôm sau trời mưa tầm tã suốt đến tận chiều. Áo rút từ trên dây xuống mà nước từ trên hai ống tay vẫn còn chảy tong tỏng. Tôi còn hai cái áo nữa, nhưng một cái thì bẩn quá, cái kia thì nhàu nát. À, thôi được, không sao ! Tôi quyết định vắt thật khô...Lấy hết hồ phết vào cổ và hai ống tay, rồi cắm bàn là cho thật nóng...áo may sẵn cái nào cũng thế, mặt trong cổ bao giờ cũng rộng hơn mặt ngoài, là thế nào cũng không thẳng được ! Hóa ra tôi để quên bàn là trên quần. Tôi chạy vội đến nhấc ra, nhưng nó đã kịp làm cháy một miếng to tướng ở đầu gối...Chà ! Cái cảnh sống độc thân đáng nguyền rủa này ! Thôi, muốn gì thì muốn, tôi cũng phải lấy cô gái này thôi !
    Rút cuộc tôi đành phải mặc cái áo hãy còn ẩm, vác cái bộ mặt xây xước như bộ que tính có khía nấc, hãy còn rớm máu vì cạo vội, mà ra đi.
    Muộn mất rồi ! Tôi nhảy đại lên một chiếc tắc xi, phóng như bay đến sở. Vừa tới nơi, anh bạn tôi nhảy bổ ra, nghé sát vào tai tôi bảo:
    -Cậu chết rấp ở đâu đấy ? Để người ta chờ hơn một tiếng đồng hồ rồi !
    -Thế nào ?...Trông xài được chứ hả ?
    Anh bạn tôi mặt không còn thần sắc.
    -Cứ vào xem thì khắc biết !
    Tôi hồi hộp quá ! Ngay cả lúc sắp bước vào phòng thi hay thậm chí lúc sắp bị đưa ra tòa án tối cao, tôi cũng không thấy hồi hộp như thế...Mađam Êleplơra đây rồi ! Và trên chiếc ghế bên cạnh bà ta là...chao ôi!...một sinh vật kì dị. Nó đưa mắt nhìn tôi có vẻ sợ sệt. Tôi ngoảnh vội sang phía người này, nhưng anh ta đã quay mặt vào tường. Thế là hết người cầu cứu.
    -Rất hân hạnh được gặp ông !
    -Xin lỗi vì đã làm cô phải chờ !
    Hai ánh mắt chúng tôi chợt gặp nhau...Trời ời ! Tôi muốn bê lấy cái bàn mà đập vào đầu mađam Êleplơra một cái ! Tôi tuy khù khờ thật, nhưng đâu đến nỗi để...Cái người đàn bà mà bà ta định giới thiệu làm vợ tôi này chỉ có thể dùng vào mỗt việc thích hợp nhất là đem nhốt vào một cái lều, rồi đứng ngoài cửa mà kêu:
    -Vào xem đi ! Vào xem đi ! Kì quan thứ tám của thế giới đây!
    -Một quái vật kinh dị chưa từng thấy đây ! Nói đúng hay sai vào xem sẽ rõ !
    Thoạt tiên có thể mang y đi trưng bày ở các chợ phiên hay các đám hội, sau đó mang đi trưng bày ở các tỉnh, rồi dẫn đi khắp các vùng Anatôli. Rồi can đảm nữa thì làm một vòng quanh Châu Âu, Châu Mỹ, cho các nước ngoài người ta biết hệ động vật của nước ta còn có thêm loại gì .
    Chúng tôi bắt tay nhau.
    -Có có khỏe không ạ ?
    -Mécxì ! Còn ông ?
    Đột nhiên mađam Êleplơra to giọng hỏi tôi:
    -Ông thấy cô ta thế nào ?
    -Bà Êleplơra ạ, bà có nghe nói ở Xtămbun người ta mới mở một vườn bách thú không ? Tôi hỏi.
    -Không ! - Bà mối buông một tiếng cộc lốc.
    Người con gái mà bà ta muốn sẽ làm tôi sung sướng, trông chả khác gì một con ngựa thồ nòi Hung-ga-ri mà trước kia người ta dùng trong pháo binh để kéo những cỗ pháo nặng. Khi duyệt binh thì nó sùi cả bọt mép ra. Nói của đáng tội, giống ngựa thồ dù sao còn có ưu điểm là nó biết im lặng. Chứ đằng này bị hôn thê của tôi không lúc nào ngơi mồm. Y nói liến thoắng át hết cả chúng tôi. Những câu y nói không ai hiểu gì cả, vì cái miệng y, giống như cái kim trên địa bàn, lúc nào cũng muốn bật lên phía trên. Tuy vậy, để câu chuyện khỏi bị đứt quãng, thỉnh thoảng tôi lại phải đáp lại những câu y hỏi, mặc dù thực tình tôi không sao hiểu nổi y muốn hỏi gì. Nhưng bất cứ hoàn cảnh nào đều có lối thoát của nó. Nên tôi cứ nhìn vào mắt y mà trả lời "vâng" hoặc "không". Vì nhìn vào mắt bao giờ người ta cũng đoán được phần nào ý nghĩ. Nhưng đôi mí to mọng úp sụp trông y thật dễ sợ. Y nhìn chúng tôi một cách lấm lét, như anh chủ hiệu tạp hóa giấu hàng lậu trong quầy bán trộm vào những hôm chủ nhật.
    Nói tóm lạim đấng tạo hóa chí tôn khi nặn ra kẻ tội đồ đáng thương này đã tỏ vô cùng sành sỏi về các hình thù quái dạng! Thánh Ala muốn gì, là điều ấy được thực hiện.
    Người ta bảo y biết bốn thứ tiếng, chao ôi ! Lời đồn sao quá điêu ngoa ! Có một hồi, đứng bán ở quầy, y cũng bập bẹ được dăm ba câu tiếng Pháp. Nhưng sau ít khách người ta không mướn y nữa. Người ta bảo mẹ y là người Đức. Cả chuyện này cũng đã sai lệch ít nhiều. Không phải mẹ y, mà bà hàng xóm ở cạnh nhà y cách đây mươi năm, là người Đức. Rồi, hẳn các bạn còn nhớ, người ta bảo y có ba căn nhà. Té ra không phải ba căn nhà, mà là một căn nhà có ba buồng. Mà bây giờ cũng bị cầm rồi. Ấy là chưa kể tám anh chị em y cùng chui rúc vào đó...
    Mađam Êlephơra hỏi lại tôi lần nữa:
    -Thế nào ? Anh có ưng cô ta không ? Bằng lòng nhé ?
    Nếu vì lịch sự tôi bảo bằng lòng, thì sẽ hết đường rút lui. Người ta sẽ thít lấy cổ tôi mà bắt làm lễ cưới ngay. Vì thế tôi cứ ậm à ậm ừ...
    -Bà biết đấy...về những vấn đề như thế này thì...Có phải thế không ạ ?...Trước hết người đàn ông phải...đúng không ạ ? Người phụ nữ trong chuyện này thì...Vâ..â..ng ! Còn về phần tôi..nhất định là tôi sẽ...thưa chuyện với bà sau...
    Tôi liếc người con gái đáng thương : đôi mắt cô ta dán chặt vào tôi. Không khí bỗng trở nên nặng nề.
    -Trời hôm nay đẹp quá !
    Tôi vội chộp ngay lấy lời cô ta như vớ phải cọc.
    -Vâng, thưa cô. Trời hôm nay thật là tuyệt! Năm nay...
    Gì chứ đề cập đến chuyện thời tiết thì tôi có thể nói cả tuần liền không nghỉ !
    Nhưng bỗng tôi cảm thấy có một cái gì đau nhói ở trong lòng. Các bạn cứ nghĩ xem: người con gái xấu xí ấy muốn lấy chồng mà tôi lại là niềm hy vọng cuối cùng của cô ta...Nói ra sợ các bạn không tin, chứ quả thật mắt tôi lúc ấy bỗng rớm lệ. Nhưng tôi phải vội vàng quệt ngay nước mắt, vì sợ cô ta lại tưởng đó là dấu hiệu của bệnh già.
    "Mi hãy cưới người đàn bà ấy làm vợ đi ! - tôi tự nhủ thầm như vậy - dù sao đây cũng không phải là hành động điên rồ đầu tiên của mi cơ mà ! Hãy lấy cô ta đi, rồi hãy cứ làm một thằng ngốc như từ trước đến nay mi vẫn là như thế. Hãy tự hi sinh thêm một lần nữa để cứu lấy người đàn bà khốn nạn này!..."
    -Năm nay thời tiết không giống như năm ngoái...
    -Vâng, đúng ạ !
    Tôi nhìn người đàn bà: chẳng giấu gì các bạn, trong lúc nhìn như thế, tôi tự hỏi: không biết sau khi cưới nhau, người ta còn phải làm gì nữa ? Gì chứ việc tôi phải hôn y là chắc rồi ! Với những ý nghĩ hết sức thiện chí ấy, tôi bắt đầu quan sát kỹ khuôn mặt y, cố tìm xem có chỗ nào khả dĩ có thể đặt môi vào được. Nhưng..hỡi ôi!...Không một mi-li-mét vuông nào là không có nốt sần hay mụn trứng cá. Vẫn với một động cơ đầy thiện chí như thế, tôi lại quan sát các chỗ trên đôi cánh tay và mái tóc y. Nhưng than ôi, cũng chẳng thấy một khu vực nào nhẵn nhụi.
    "Đó chẳng qua là do tâm hồn mi quá thơ mộng và óc tưởng tượng của mi quá phong phú đấy thôi ! - Tôi tự bảo mình như vậy. Mi hãy cứ nhìn khuôn mặt này rồi lại tưởng ra khuôn mặt khác !"
    Rút cuộc là buổi gặp măt hôm ấy chúng tôi cứ loanh quanh suốt hai tiếng đồng hồ về chuyện thời tiết. Khi mađam Êleplơra và y đứng dậy ra về, tôi còn để ý thấy chân trái của y ngắn hơn chân phải đến năm sáu đốt. Nhưng bây giờ thì cái tật thọt của y chỉ khiến tôi càng thêm thương y mà thôi !
    Khi cánh cửa vừa đóng lại sau lưng các vị khách, bạn tôi hỏi :
    -Cậu thấy cô ta thế nào ?
    -Tôi sẽ cưới người con gái này - tôi đáp.
    -Cậu điên à !... Anh bạn tôi quát lên.
    -Tôi không thể tìm đâu được người đàn bà nào khá hơn thế đâu ! Nhất định tôi sẽ cưới cô ta !
    Buổi tối, mađam Êleplơra đến nhà tôi.
    -Tôi bằng lòng cưới đấy ! - Tôi bảo bà ta.
    -Cưới ai ? - bà ta hỏi.
    -Còn ai nữa ! Người con gái mà bà dẫn đến đấy !
    -Ồ, rất tiếc là không xong rồi !...Cô ấy lại chê anh!
    Người dịch: Thái Hà
    Chú thích:
    1.Very Beautiful (Tiếng Anh có nghĩa "Rất đẹp")
    2.Tres cultiver (Tiếng Pháp có nghĩa "Rất có văn hóa")
  3. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    CÁCH TÌM THỦ PHẠM
    Các viên chức cảnh sát của nước Panacôrigia đang thực tập tại khóa huấn luyện của Cục điều tra liên bang Mỹ. Tháng cuối cùng của đợt huấn luyện 6 tháng này dành để thực tập sử dụng một thành tựu mới nhất của khoa hình phạm học, gọi là "Máy phát hiện nói dối". Ngài Hari Oenxơ, giảng viên của lớp học, nói với sáu viên cảnh sát Panacôrigia đang lắng nghe ông một cách hết sức chăm chú:
    -Thưa các ông ! Đề tài buổi học hôm nay của chúng ta là "Máy phát hiện nói dối", một công cụ hỗ trợ đắc lực cho cảnh sát trong việc điều tra, phát hiện. Chiếc máy do các nhà khoa học Mỹ sáng chế này sẽ làm cho công việc của chúng ta nhẹ đi rất nhiều. Chẳng hạn, có 10 người chúng ta tình nghi là thủ phạm gây ra tội ác. Khi gắn máy này lần lượt vào từng người và tiến hành hỏi cung, máy sẽ phát hiện được những lời khai dối trá, và do đó giúp chúng ta tìm đúng thủ phạm.
    Ngài Hari Oenxơ ra lệnh mang "Máy phát hiện nói dối" đến và nói tiếp:
    -Như các ông thấy đây, chiếc máy nhỏ này gồm có bốn đồng hồ kiểm tra. Bây giờ chúng ta sẽ tiến hành thí nghiệm chiếc máy này với một phạm nhân.
    Người ta dẫn một người đàn ông cao khoảng 1m92, ăn mặc hết sức sang trọng vào phòng, cho ngồi vào một chiếc ghế. Giảng viên Hari Oenxơ giải thích:
    -Một cái đồng hồ ta sẽ cắm vào rốn phạm nhân, cái thứ hai nối vào tim, cái thứ ba vào đầu, và cái thứ tư vào xương cụt. Ta đã biết rằng những phản ứng của con người được biểu hiện rõ nhất là ở bốn điểm đó. Nếu phạm nhân khai không đúng, thì vùng rốn của y sẽ có mồ hôi thoát ra và máy sẽ phát hiện ngay lập tức, vì nó có khả năng phản ứng rất nhạy đối với bất kì hiện tượng chảy mồ hôi nào, dù rất ít và kín đáo, kể cả trường hợp chảy mồ hôi mà mắt thường không nhìn thấy được. Đồng thời kim của đồng hồ đo tim sẽ nhảy lên, kim máy đo não sẽ vạch ra một đường vòng cung, còn chuông của máy nối với xương cụt sẽ reo khi phạm nhân bị kích thích mạnh. Bằng cách đó ta có thể kết luận chính xác kẻ bị tình nghi có tội hay vô tội.
    Thưa các ông ! Bây giờ ta bắt đầu tiến hành thí nghiệm. Tội nhân mà chúng ta sẽ dùng để thử chiếc "máy phát hiện nói dối" này là Fera Puasinô, một công dân Mỹ gốc Ý. Bố đẻ ra cụ cố ông ta, bị kết án vì tội ăn cướp tàu biển, tội đồng lõa với các âm mưu của bọn cướp và tội cưỡng bức ba đồng bọn của mình ngồi lên một cọc nhọn , sau đó đã bỏ chạy sang Mỹ và được công lý và pháp luật ở đây che chở . Con người hăng hái ấy, sau khi đã giết tám người bạn cùng đi tìm vàng với mình và sau đó đã bị hạ sát bởi tay người bạn thứ mười, có để lại một người con trai, tức ông nội ngài Fera Puasinô của chúng ta đây, khiến cảnh sát Mỹ vẫn còn có việc làm . Fera Puasinô phạm tội ác đầu tiên năm 13 tuổi trong một vụ ăn cướp nhà dây thép. Sau khi bị giam hai năm ở trại cải huấn, bị cáo tham gia hoạt động trong đảng cướp Ancapôn và Dilinhghe, mở một sòng bạc, rồi sau chuyển sang hoạt động một mình, trở thành thủ lĩnh của một băng cướp có mạng lưới tay chân rải khắp Chicagô. Tính đến nay Fera Puasinô đã bắt cóc 4 trẻ em và 20 phụ nữ, ăn cướp gần 100 nhà băng, buôn hàng lậu, gây ra hai vụ án mạng, chuyên buôn bán các phụ nữ da trắng. Trở về già, lúc đã mệt mỏi vì các hoạt động làm ăn bất chính và sau khi đã nghỉ ngơi 4 năm ở trại giam Xing Xing, Fera Puasinô bước vào con đường làm ăn lương thiện và trở thành một trong những nhà kinh doang nổi tiếng của Mỹ. Ông có hẳn văn phòng riêng ở phố Wall, làm chủ một tờ báo và ba tạp chí, làm giám đốc hãng chế tạo thép từ sắt tây và là hội viên của bốn công ty khác. Ngoài ra ông còn có cổ phần trong nhà băng mà trước đây ông đã từng ăn cướp.
    Một cảnh sát Panacôrigia hỏi ngài Hari Oenxơn:
    -Thế bây giờ ông Fera Puasinô bị kết tội gì ?
    Ngài Hari Oenxơ đáp:
    -Ông ta phạm tội đã phóng ô tô với tốc độ 121 cây số giờ ở đoạn đường cấm phóng nhanh quá 120 cây số giờ.
    Các cảnh sát Panacôrigia háo hức đợi nghe thuật lại một tội ác rùng rợn, nghe nói đến cái tội quá nhỏ nhặt thì đưa mắt nhìn nhau chưng hửng. Ngài Hari Oenxơ lại nói tiếp:
    -Cảnh sát không tìm được thủ phạm, nên chúng tôi cho bắt tất cả những người bị tình nghi đến đây. Nhờ chiếc máy này người ta đã xác minh được là họ không có tội. Bây giờ chúng tôi sẽ làm thí nghiệm cuối cùng với ngài Fera Puasinô này. Nói đoạn, giảng viên đưa phích cắm vào ổ điện, bật công tắc rồi quay sang hỏi bị cáo:
    -Ông Fera Puasinô ! Hôm thứ năm, 19 tháng 3, hồi 14 giờ 31 phút 13 giây, ngồi sau tay lái chiếc Rolls Royce màu xám, bên cạnh có cô nhân tình thứ mười bốn của mình là Ala, trong bộ quần áo thể thao màu xanh da trời, với chiếc cà vạt đỏ chấm trắng mà hiện ông đang thắt đây, trên đoạn đường số 159, ông đã phóng với tốc độ bị cấm là 121 Km/giờ, có đúng không?
    -Không !
    Khi Fera Puasinô trả lời "không", thì lập tức kim của máy đo rốn nhảy lên, kim máy đo tim vạch ra một đườc cong, kim máy đo não vạch ra một đường kí hiệu và chuông của máy nối với xương cụt reo vang. Ngài Hari Oenxơ quay lại nói với các cảnh sát Panacôrigia:
    -Đấy, các ông thấy không ? Fera Puanisô nói dối và máy đã phát hiện ra sự dối trá của ông ta.
    Tất cả cảnh sát Panacôrigia đồng thanh bảo:
    -Máy này mang sang nưới chúng tôi sẽ mất hiệu nghiệm ngay ! Hơn nữa các phương pháp điều tra cổ truyền của dân tộc chúng tôi còn tốt hơn cái máy này nhiều !
    -Không thể thế được ! - Ngài Hari Oenxơ nói. - Máy này dùng ở bất cứ nước nào cũng đều hữu hiệu như nhau hết !
    -Nhưng ở nước chúng tôi nhất định nó sẽ mất công hiệu ! Các cảnh sát Panacôrigia vẫn khăng khăng cãi.
    Thái độ quả quyết của họ khiến ngài Hari Oenxơ nổi máu tò mò. Ngài bèn xin Cục điều tra liên bang cho nghỉ phép và lên đường sang Panacôrigia. Tại Cục an ninh quốc gia Panacôrigia, người ta dẫn một người đến trước mặt ngàu Hari Oenxơ. Đúng như cách ngài Hari Oenxơ đưa Fera Puasinô ra giới thiệu với họ, cảnh sát Panacôrigia cũng đưa một tội phạm của mình ra giới thiệu với nhà chuyên gia Mỹ:
    -Tên này biệt hiệu là "Sói" Hakiđiki, hắn đã giết vợ, mẹ vợ, em vợ và hai người hàng xóm. Đây là lời tự thú của hắn...
    Ngài Hari Oenxơ chăm chú đọc lời khai của kẻ sát nhân. Quả thực y thú nhận đã giết năm mạng người. Chính tay y đã ký vào bản tự thú.
    Các cảnh sát Panacôrigia nói với ông bạn người Mỹ:
    -Bây giờ ông hãy thử dùng cái máy hỏi cung của ông xem thử hắn trả lời thế nào ?
    Ngài Hari Oenxơ bật máy, rồi hỏi phạm nhân:
    -Có đúng anh là "Sói" Hakiđiki đã đâm chết vợ, mẹ vợ, em vợ và hai người hàng xóm không ?
    -Không !
    Ồ lạ quá ! Mấy cái kim đồng hồ không cái nào nhúc nhích. Chuông cũng chẳng thấy kêu.
    -Đ...u...ú...ng ! - Ngài Hari Oenxơ kéo dài giọng - Quả thật sang nước các ông chiếc máy này không còn công hiệu nữa. Nhưng tại sao vậy nhỉ ?
    Một cảnh sát Panacôrigia đáp:
    -Vì giá sinh hoạt đắt đỏ, dân chúng tôi phải thắt bụng chặt quá, nên rốn của họ không thể toát mồ hôi được nữa. Còn tại sao tim không thể đập mạnh hơn được, thì cũng dễ hiểu thôi: dân chúng đã quá quen với ý nghĩ là bất cứ lúc nào cũng có thể được ăn bánh ô tô, tàu điện , hay thậm chí đang ngồi trên tàu, trên xe cũng có thể được về chầu giời, vì đường xá vừa hẹp lại vừa xấu, nên chả còn cái gì có thể khiến họ sợ. Các câu hỏi của ông đối với họ thì có mùi gì ! Họ đâu có thèm hồi hộp ! Bây giờ tôi sẽ giải thích tại sao cái máy đo não lại không hoạt động được ! Vì người ta nói dối nhau nhiều quá, vợ dối chồng, chồng dối vợ, người bán nói dối người mua, người mua cũng đánh lừa người bán, người thuê nhà nói dối chủ nhà, rồi chủ nhà lại nói dối người thuê nhà, nghĩa là nói dối nhau tuốt tuồn tuột, người nọ lừa người kia, thành thử có nói dối thêm một lần nữa trước cái máy của ông thì họ cũng trơ ra...Còn cái xường cụt của họ thì khỏi cần nói ! Cứ xô đẩy chen lấn nhau để vào sân vận động, cứ ngồi ê đít xem bóng đá, cứa đấm đá nhau túi bụi để chen vào rạp hát, cứ nhấp nha nhấp nhổm trên ghế băng các công sở để chờ xon việc hết ngày này qua ngày khác, nên xương cụt của họ đã mất hết cảm giác, không còn phản ứng gì nữa. Nhất là lại đối với những kích thích nhẹ như thế !
    Nghe xong những lời giải thích, ngài Hari Oenxơ quay sang hỏi "Sói" Hakiđiki:
    -Vừa nãy anh quả quyết rằng anh không có tội. Thế sao trong tờ khai anh lại thú nhận là anh đã giết chết năm người, mà lại còn kí tên hẳn hoi ?
    "Sói" Hakiđiki đáp:
    -Cứ để người ta hỏi cung ông xem ông có khai không nào!
    Ngài Hari Oenxơ hỏi viên ông cảnh sát:
    -Làm sao các ông tóm được hắn ?
    -Có gì đâu ! -Các cảnh sát trả lời - Người ta báo cho chúng tôi biết rằng có một ngôi nhà nọ, trước đó một tuần có năm người bị giết. Nửa tháng sau khi nhận được tin, chúng tôi lập tức cho người đến điều tra ngay. Lục soát qua loa một hồi, chúng tôi tìm được ngay những cái xác thối rữa trên nền nhà. Nhưng hung thủ đã không còn ở đây. Bởi vì có năm người bị giết, nên chắc chắn phải có người giết họ. Chúng tôi ra thông cáo:"Yêu cầu kẻ nào giết người phải đến ngay sở cảnh sát". Nhưng vẫn không thấy hắn đến. Cho đăng báo "truy nã hung thủ" nhưng vẫn không tìm ra. Chúng tôi lại dán yết thị khắp nơi:"Ai tìm được hung thủ sẽ được trọng thưởng", nhưng cũng chẳng ăn thua gì. "Chúng tôi đã thi hành mọi biện pháp có thể thi hành rồi ! Bây giờ thì đừng có ai trách chúng tôi nữa nhé !"- Chúng tôi bảo như vậy, rồi ra lệnh tóm cổ tất cả những tên nào hơi có vẻ giống tội phạm. Trong số đó cố nhiên là phải có kẻ giết người. Vì hắn có bay đi đằng trời ! Sau đó chúng tôi tiến hành hỏi cung theo phương pháp riêng của chúng tôi. Cuộc hỏi cung chua kết thúc, nhưng đến hôm nay đã có mười tên thú nhận là đã can tội giết người. Tên này là một trong số đó.
    Ngài Hari Oenxơ tròn xoe mắt.
    -Các ông có thể thử phương pháp của các ông với tôi có được không ? - Ngài hỏi.
    -Tất nhiên là được chứ ! - Các cảnh sát trả lời. - Xin ngài chờ một phút. Xin mời ngài ! Đây là tám phòng tra khảo của chúng tôi.
    Ngài Hari Oenxơ bước vào căn phòng đầu tiên người ta chỉ. Mười phút sau, từ căn phòng đó vọng ra nhưng tiếng la hét, van xin, khóc lóc, rên rỉ ầm ĩ, xen lẫn những tiếng rắc ! Bốp ! Chát ! Rồi người ta thấy ngài Hari Oenxơ lao ra khỏi phòng như một mũi tên, miệng kêu vang:
    -Thôi, khỏi cần vào các phòng khác !
    Nhân viên của Cục điều tra liên bang Mỹ vừa thú nhận rằng chính ông ta là tên "Sói" Hakiđiki đã đâm chết năm người, và đã kí tên vào bản tự thú.
    Các cảnh sát nói với nhà chuyên gia Mỹ:
    -Thế là chúng tôi đã tìm được 11 tên giết người. Ông chính là tên thứ mười một !
    ...Khi chia tay với ngài Hari Oenxơ, các cảnh sát Panacôrigia nói với ông:
    -Tìm thủ phạm đối với chúng tôi không khó. Cái khó là làm sao tìm được tội để gắn cho họ. Giá các ông phát minh được loại máy có thể giúp chúng tôi tìm ra cho mỗi thủ phạm, dù chỉ một tội gì đó, thì hay quá !
    Người dịch: Thái Hà
  4. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    NHỮNG NGƯỜI HÂM MỘ​
    Chỗ trống trên xe điện chỉ có ở ngay từ đầu lộ trình. Tôi lên xe ở trạm Mêgiđi. Chưa tới Sixli mà xe đã chật cứng, hành khách đứng ở cả bậc lên xuống và bám vào ô cửa sổ. Bên trong thì khỏi phải nói rồi ! Có đi mới biết thế nào là xe điện !
    Còn hành khách thì làm gì ? Có một người đọc báo, người ngồi kế bên ráng nheo nheo mắt đọc ké. Anh chàng thanh niên ngồi phía sau vươn dài cổ, hệt như chú hươu cao cổ, để ngó phần tin thể thao. Đột nhiên chàng ta phẫn nộ kêu lên :
    -Chó má thiệt ! Thế là "Phênec" bại rồi !
    Chủ nhân tờ báo, một người gù lưng, quay phắt lại nhìn anh chàng gầy gò, mặt đang tái đi, với vẻ khinh bỉ rồi nói, giọng khich bác:
    -Thế nhà anh tưởng là nó thắng à ?
    Ngồi bên người lưng gù, gã thanh niên to béo như con hải cẩu vừa thở hổn hển vừa xen vào:
    -Ngay cả Saban mà là trung phong thì "Phênec" vẫn cứ thua thôi !
    Một thanh niên khác, má hóp, hăng hái ủng hộ gã mập:
    -Phải đấy, Agabay ạ, đúng lắm ! Cách "Bêsictax" của chúng ta chơi cứ như là bầy sư tử ấy !
    Một thiếu phụ ăn mặc lịch sự, buộc miệng :
    -Bọn "Bêsictax" của các anh là thứ cặn bã !
    Một giọng con nít lanh lảnh lập tức vang lên:
    - Chính bà là thứ cặn bã đấy !
    Loáng một cái bầu không khí đã trở nên căng thẳng khiến toa xe điện giống như nghị viện lúc có cuộc tranh cãi của nhóm đối lập với đảng cầm quyền . Dường như sắp phải sử dụng quả đấm thì trước mắt đám người đang cãi lộn thấy lấp lóa ánh đèn.
    Người bán vé tàu tham gia vào cuộc tranh cãi:
    -Tất cả là do đâu ? Do Habip chơi ở hàng phòng ngự. Chứ Habip mà lên tấn công thì "Phênec" đã thắng mấy bàn rồi.
    Vị hành khách béo tốt nói lí nhí :
    -Đừng có nói vớ vẩn ! Đến mười Habip cũng chả làm ăn gì được đâu. Dù thế nào thì "Phênec" thua vẫn hoàn thua thôi !
    -Thế ông đã trông thấy Habip sút bóng như thế nào chưa ? - Người gù lưng, chủ tờ báo, trợ lực cho người bán vé - Tôi không bao giờ quên được cái trận tranh giải vô địch toàn quốc hai năm về trước. Habip từ giữa sân sút bóng bay thẳng vào lưới đối phương. S-ú-t-t ! Thế là vào !
    Một hành khách đáp lại bằng cách cho tay lên miệng và phát ra một âm thanh đặc biệt rồi nói:
    -Ê này, ông bạn nói bậy rồi đó . Phải có chừng mực chứ.
    Vị hành khách cụt tay ngồi phía trước đứng phắt dậy, lách tới chỗ đám người cãi nhau và làm bộ như một diễn giả phe đối lập bị người ta bịt miệng không cho nói:
    -Hãy cảm tạ đức Ala vì Người đã nổi gió ! Chứ nếu không có gió thì...
    -Gió nào nào ? Có Giaphe tạo ra gió ấy. Anh ta như cơn lốc lao về phía cánh phải.
    -Thế còn Habip thì sao ? Habip có ba con rồi mà vẫn chỵ như bay trên sân như ngựa vía ấy.
    -Habip có hai con chứ không phải ba .
    Người bán vé không nén được, cướp lời:
    -Nhà anh nói gì ? Anh ta có ba con, hai trai một gái.
    -Láo toét cả ! Chiều nào mà tôi và Habip chả đi nhậu ở tiệm "Trintric".
    -Hắn dám nói với tôi về chuyện Habip hả ? Tôi với anh ta cùng chơi trong đội trẻ ở Tactacal suốt ba năm trời.
    Thêm một hành khách nữa nhập cuộc:
    -Cả hai anh đều nhầm rồi. Đấy không phải là con anh ta.
    -Này, cậu bé kia nói gì thế ? - Một ông già móm mém hỏi.
    -Tôi mà là cậu bé của ông à ? Ông thử nghĩ coi ông vừa nói gì nào ?
    -Có gì mà anh phải nổi giận lên thế ? Lão nói thân tình với anh mà anh lại đi gây với lão - Ông già phều phào - Anh định nói gì về lũ con của Habip thế ?
    -Đó chẳng phải con của Habip mà là con riêng của vợ anh ta, con người chồng trước.
    Trong khi người bán vé và một phần hành khách mãi tranh cãi nhau về số lượng con của Habip và luận giải xem chúng là con của ai thì ở cuối toa nổ ra một cuộc cãi cọ nảy lửa khác.
    -Nếu ở hiệp hai Dunphi mà không bị đốn ngã thì anh ta đã tỏ rõ tài nghệ rồi.
    -Thế anh không biết Muctax à ? Phải, phải, Muctax ấy ! Anh ta trị gái gấp năm chục lần Dunphi của anh đấy.
    -Anh xéo đi với cái gã Muctax của anh ! Trông kìa, đứng có chết vì uất nhé !
    -Sao mày, muốn vỡ hàm hả ?
    -Này, hãy cẩn thận đấy !
    -Cứ thử coi !
    Tàu chạy đến Tacxim - trạm đỗ thường có đông người lên tàu. Người bán vé tiếp tục cãi cho bằng được chuyện Habip có ba con, chẳng những quên không bán vé mà còn quên phứt mình chính là nhân viên bán vé . Miệng ông ta không còn tới nửa hàm răng nên cứ phun nước miếng vào hành khách:
    -Nếu tôi không biết Habip có ba con thì ai là người biết nào ?
    -Chuyện tức cười thiệt !
    Trong đám cãi nhau có một người định lách ra phía cửa nhưng anh ta không tài nào nhúc nhích được.
    -Kìa, đứng yên nào ! Đừng có chen lấn thế ! Ta bảo bỏ tay ra mà !
    -Cứ lách đại đi !Để cho anh thanh niên này ra đi nào !
    Hành khách chia thành từng nhóm, tiếp tục cãi lộn, chửi mắng nhau.
    Một người đã luống tuổi, cổ rụt chư cổ rùa, tay run run, la những người đang cãi nhau:
    -Các người không còn lương tâm, không còn biết mắc cỡ là gì nữa hả?
    Tôi bụng bảo dạ:"Ông già này chắc dẹp được họ đây". Nào ngờ ông ta lại tiếp:
    -Mọi chuyện là do trọng tài hết !
    Một chú bé chừng 13-14 tuổi, lên tàu từ trạm Megiđiecôê quay sang phía ông già:
    -Bố ơi, trọng tài Bakhơ đẳng cấp quốc tế đấy.
    -Ai chả biết hắn thành trọng tài như thế nào rồi. Ta biết hết điều bí ẩn của hắn. Cha ta vào đảng Dân chủ thì cũng thành trọng tài quốc tế rồi.
    -Ôi chà, chuyện coi mói tới chỗ nghiêm trọng rồi đó.
    Một giọng trầm trầm cất lên:
    -Thôi, đứng lại ! Trường đại học và tàu điện không phải là chỗ để bàn tới chuyện chính trị. Lái xe ! Ông lái xe ! Người anh em coi kìa, người ta bàn chuyện chính trị trong tàu điện của ông đây nè ! Dừng lại cho tôi xuống ! Kẻo lại mang tội bây giờ.
    -Ai bàn chuyện chính trị đó ?
    -Ông vừa nhắc đến đảng Dan chủ phải không ?
    -Cứ tạm cho là tôi, thế thì sao nào ?
    -Còn sao nữa, nhắc tới đảng Dân chủ là chuyện chính trị rồi.
    -Các ngài ơi, không nên lẫn lộn chuyện thể thao với chính trị.
    Ông già đã kịp rầy chú bé:
    -Lúc mày còn chưa nằm trong bụng mẹ thì tao đã là cầu thủ dự bị đá cho đội một của câu lạc bộ trẻ "Aivanxarai" rồi. Hiểu không, đồ ngốc ?
    -Hiểu rồi ạ !
    Tàu điện dừng ở quảng trường Galataxarai. Người bán vé còn chưa thôi nói về bầy con của Habip. Sau cùng đến lượt người lái xe cũng không nhịn được, bước xuống phía cuối toa tàu. Tôi tưởng ông ta sẽ la người bán vé:"Ê, bắt tay vào phận sự đi chứ !" Ai dè ông ta lại hỏi:
    -Ở đây ai ủng hộ đội "Phênecbactrê" ?
    Một hành khách đáp ngay:
    -Thì sao nào ? Ông không thích à ? Chính tôi ủng hộ đội "Phênecbactrê" đây!
    Người lái xe giận sôi lên:
    -Ta không chở cổ động viên của đội "Phênecbactrê". Xuống đi !
    -Chính ta cũng không muốn đi trên tàu mà người lái lại cổ động cho đội "Bêsictax". - Vị khách vừa nói vừa lẻn ra phía cửa.
    Tới trạm Têpebax, kiểm soát viên bước lên tàu. Tôi tự nhủ: "Bác bán vé chắc chết quá ! Suốt từ đầu trạm Megiđiecôê tới đây bác ta có bán được vé nào đâu !"
    Một hành khách xuống nước:
    -Được rồi ! Chúng ta công nhận là "Bêsictax" thắng "Phênecbactrê", song trận đấu thô bạo quá.
    -Tầm bậy ! - Người lái xe quát lên.
    Người khách cổ động cho đội "Phênecbactrê" sợ bị đuổi xuống, vội núp sau lưng người đàn ông béo phị.
    Người bán vé vẫn khăng khăng:
    -Habip có ba con. Tất cả đều là con đẻ của anh ta. Không thì sét đánh chết ta ngay tại chỗ này !
    -Lạy đức Ala, ông hãy cho biết đích mắt ông đã trông thấy Habip bao giờ chưa ?
    -Theo anh thì ta là kẻ dối trá hử ? Các ngài hãy làm chứng nhé. Tôi bị xúc phạm ở chỗ công cộng ! Ta sẽ đưa ngươi ra tòa !
    -Chuyện gì thế ? -Kiểm soát viên hỏi.
    -"Phênecbactrê" thắng "Bêsictax" tới năm chục lần, chỉ thua có mười lần tất cả. Ấy thế mà cái đồ cặn bã này lại muốn chứng minh là...
    Hóa ra kiểm soát viên cũng là người hâm mộ đội "Phênecbactrê". Cả người lái xe và kiểm soát viên đều bị cuốn vào cơn đam mê thể thao của mình.
    Người lái xe la lên:
    -Sao, anh định dọa phạt bọn ta à ? Cứ mà biên phạt đi ! Bọn ta sẽ nộp phạt nhưng không chịu thua đâu ! "Bêsictax" muôn năm!...
    Người bán vé đập cái túi của ông ta lên đầu một hành khách. Ông già vừa nắm cặp sách vừa nắm gáy chú bé. Kiểm soát viên túm chặt khăn quàng cổ một cổ động viên của đội "Bêsictax". Vừa tầm cảnh sát ập đến.
    -Chuyện gì xảy ra ở đây ? -Một viên cảnh sát hỏi kiểm soát viên.
    -À người ta bảo là bàn thắng thứ hai của "Phênecbactrê" sút ở tư thế việt vị.
    -Thằng ngốc nào nói thế hử ? - Viên cảnh sát nổi đóa lên.
    -Nếu không việt vị thì cũng là chạm tay ! - Một người đứng tít phía trong la lên.
    Trong số cảnh sát lại có người hâm mộ đội "Galataxarai".
    -Thế thì về đồn hết !
    Tất cả bị đưa vào đồn.
    Viên thanh tra cảnh sát hỏi tôi:
    -Anh ở phía nào?
    -Tôi ở Ecdêrum.
    -Ồ không, anh ủng hộ đội nào ?
    -Không ủng hộ đội nào cả.
    -Đức Ala cao cả ! Anh có chân trong câu lạc bộ nào ?
    Tôi hiểu là cần phải xướng lên tên một câu lạc bộ nào đó. Nhưng mà không biết quý ngài thanh tra này ủng hộ đội nào, tôi bèn nói hú họa:
    -"Phênecbactrê"
    -Hay lắm ! Đứng sang đây !
    Viên thanh tra cảnh sát chia tất cả hành khách ra thành từng tốp, tùy theo đơn vị câu lạc bộ họ ủng hộ . Sau đó ông ta mới quay về phía đám người cãi cọ:
    -Nào, bay giờ các người hãy cho biết đã xảy ra chuyện gì vậy ?
    Người hành khách có vết bầm dưới mắt bắt đầu:
    -Thưa ngài thanh tra, tôi lên tàu điện ở trạm Mêgiđiecôê. Tôi đi làm. Tôi phải xuống trạm Tacxim.
    -Thế sao anh không xuống ?
    -Làm sao tôi xuống cho được ? Người ta nói về chuyện thể thao, thế là tôi bị cuốn hút vô đó. Cái ông này nói rằng Madium của đội "Phênecbactrê" đã tự ý rời sân cỏ. Đội "Besictax" tính chuyện kháng nghị liên đoàn bóng đá...
    Viên thanh tra cảnh sát dẫy lên như bị phỏng:
    -Anh dám nói về Madium như thế hả...?
    Thừa lúc không ai để ý, tôi lén rút khỏi đồn cảnh sát.
    Dân tộc ta rất yêu chuộng thể thao. Như vậy đấy!...

    "Phênec" : gọi tắt tên đội bóng "Phênecbactrê" danh tiếng của thành phố Xtămbun
    Agabay : tiếng dùng để tỏ ý kính trọng với người trên.
    "Bêsictax": một đội bóng danh tiếng khác ở Xtămbun
    "Galatasarai": một đội bóng nổi tiếng ở Xtămbun

  5. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    BUỔI HỌC ĐẠO ĐỨC​
    Trong lớp đang là giờ học về đạo đức.
    -Đạo đức, các em ạ, đó là một thứ rất tuyệt diệu. Nếu có ai đó trở thành thiếu đạo đức thì người ấy sẽ rất khổ sở.
    -Thưa thầy ạ !
    -Cái gì thế ?
    -Thầy coi bạn Chêlin...bạn ấy làm gì thế này ! Bạn ấy không biết xấu hổ sao !
    -Im nào!...Người ta cần phải có đạo đức. Đạo đức mang lại cho con người biết bao lợi ích, không sao kể xiết được ! Còn nếu con người trở nên thiếu đạo đức thì sẽ rất khổ sở.
    -Thưa thầy, khổ sở thế nào ạ ?
    -Đủ mọi chuyện có thể xảy ra. Mọi người sẽ gọi kẻ ấy là đồ thiếu đạo đức. Mà đã thiếu đạo đức là một thứ rất tệ hại. Bởi vậy, các em ạ, cần phải có đạo đức. Chao ôi, đạo đức thật tuyệt diệu biết bao ! Chính vì vậy mà người ta giảng dạy nó ở các trường học. Phải vậy không nào ? Lẽ nào chúng tôi lại đi dạy cho các em điều gì đó xấu xa sao ? Ta học tiếp nào . Vậy là, đạo đức...Tôi nói tới đâu rồi nhỉ ?
    -Thầy bảo:"Chao ôi, thật tuyệt diệu biết bao !"
    -Chính thế : chao ôi, thật tuyệt diệu biết bao ! Các em sẽ hỏi : tại sao ? Tất cả các vĩ nhân đều nói về điều này.
    -Thưa thầy ạ !
    -Lại cái gì ở đó thế ? Chuyện gì vậy ?
    -Thầy bảo anh Altan đừng có xô vào lưng em nữa.
    -Im nào, các em ! Hãy nghe tôi đọc cho các em về thực chất của đạo đức:"Đạo đức quy định con người sống sao cho không vi phạm các quy tắc xã hội, các truyền thống, lề lối và luật pháp". Các em có hiểu không ? Các em phải cư xử giống đa số những người xung quanh các em, những người lớn tuổi. Nào, am Xuhai, hãy đứng dậy ! Ta phải coi chợ đen như thế nào ?
    -Thưa thầy, chợ đen là rất tốt ạ.
    -Rất tốt ư ?
    -Tất nhiên rồi ạ ! Bởi vì nó..theo các quy tắc đạo đức, thưa thầy. Đấy ! Cứ thử chống lại đa số xem - như thế là thiếu đạo đức. Phải thế không ạ ? Mà tất cả những người rất có đạo đức đều có dính dáng đến chợ đen !
    -Em nói cái gì vậy ?
    -Thưa thầy, thật quả đúng như vậy ạ. Thầy coi mà xem : người bán thịt, bán gạo, bán than, bán hoa quả - tất cả đều buôn bán ở chợ đen. Nhà em có một người quen, một người rất giàu có, ông ấy cũng làm ăn ở chợ đen. Cha em bảo thế. Mới đây nhà em lại chơi chỗ ông ấy, chính cái ông ấy đã bảo em: "Hãy tuân theo đạo đức - cháu sẽ được tất cả ". Khi lớn lên, em sẽ là người rất có đạo đức. Em sẽ có nhiều nhà cửa và tiền bạc. Còn một người thiếu đạo đức như là cha em thì thật hiếm thấy !
    -Im ngay ! Sao em lại dám nói về cha mình như thế ?...
    -Đúng thế ạ! Cha em thiếu đạo đức đến nỗi không trả nổi tiền thuê nhà.
    -Ngồi xuống !...Các em đừng bao giờ vượt ra ngoài khuôn khổ của đạo đức cả !
    -Thưa thầy ạ !
    -Hãy nói xem , em Ergun !
    -Em có một ông cậu. Cậu ấy lúc nào cũng phàn nàn :"Chỉ vì đạo đức mà tôi cứ phải giật gấu vá vai mãi ".Em cũng sẽ là người thiếu đạo đức.
    -Câm ngay ! Khi một người không có đạo đức thì người ta gọi kẻ ấy là gì nhỉ ? Hả ? Nào, các em hãy đồng thanh trả lời, gọi là gì hả ?
    -Kẻ thiếu đạo đức !
    -Đúng rồi ! Dù cho một người có bạc triệu nhưng nếu người ấy thiếu đạo đức thì còn ra gì nữa ? Người ấy sẽ khổ sở !
    -Thưa thầy, không phải thế đâu ạ. Người ấy sẽ sống yên ổn.
    -Các em ạ, các em phải hiểu rằng lương tâm con người cần phải được yên ổn. Tất cả những người lớn lao đều có đạo đức.
    -Thưa thầy, đó là thời trước ạ. Đấy, ở khu phố nhà em có một ông lớn quê ở Ađana. Ông ấy có ba xe "Cađilăc", ông ấy là vua bông. Ông ấy có đủ thứ quý giá nhưng đạo đức thì...ông ấy không có !
    -Tôi nói với các em về các vĩ nhân kia :các nhà bác học vĩ đại, các nhà tư tưởng vĩ đại, các họa sĩ vĩ đại. Như Xôcrat chẳng hạn...
    -Thưa thầy, em biết ông Xôcrat ạ.
    -Tất nhiên rồi, các em phải biết ông ấy.
    -Ông ấy có xưởng thợ ở gần nhà em, ông ấy tẩy hấp quần áo. Chỉ có điều ông ấy không giàu mấy. Còn một người đạo đức như ông ta thì thật khó kiếm được.
    -Tôi nói về nhà triết học cổ Hi Lạp Xôcrat kia. Hãy trở thành những người có đạo đức như Xôcrat, Arixtôt, Galilê !
    -Thưa thầy, nhà em có một người quen buôn bán sắt tên là ngài Ahmed. Vậy thì cái ông Xôcrat ấy có đạo đức nhiều hơn ông này sao ?
    -Các em ạ, đạo đức hoàn toàn không giống như tiền bạc. Trong lịch sử có những người đạo đức rất cao, thà bị chết đói chứ không làm hoen ố lương tâm của mình.
    -Thưa thầy, vậy cái đạo đức ấy cũng là một thứ tốt phải không ạ ?
    -Một thứ tuyệt hảo. Con người có đạo đức thì sẽ nói thẳng ra sự thật, không sợ hãi.
    -Vậy mà em có một người cậu bị khai trừ ra khỏi đảng vì cậu ấy đã nói thẳng ra sự thật.
    -Đó là chuyện khác. Tôi không nói với các em về chính trị, tôi nói về đạo đức. Nào, Ôguz, em sẽ nói được gì về sự dối trá ? Chúng ta phải đánh giá sự dối trá như thế nào ?
    -Thưa thầy, dối trá là một thứ rất tuyệt. Nếu khéo nói dối thì rất tốt. Em mà không nói dối ở nhà thì ngày nào em cũng đã bị đòn rồi.
    -Đừng nghe bạn ấy, các em ạ. Các em hãy nhớ rằng các em phải noi gương những người lớn.
    -Thưa thầy ạ ! Nhưng chị em cũng nói dối mẹ em, còn mẹ em lại nói dối cha em. Còn cha em, khi người ta đến đòi nợ, lại sai người bảo rằng cha không có nhà.
    -Xéo ngay khỏi lớp ! Bước ra ngay ! Một đứa trẻ hư hỏng !
    -Thưa thầy, chẳng phải là thầy đã nói:"Người có đạo đức phải nói sự thật" đó sao? Vậy là em..
    -Ngồi xuống !...Các em ạ, đạo đức - đó là một thứ rất tuyệt diệu. Tất cả các em phải là những người có đạo đức. Chẳng hạn nếu các em đã hứa với ai điều gì thì các em phải giữ lời, dù có chuyện gì xảy ra đi nữa.
    -Thưa thầy, nhưng cha em kể rằng có một người, em quên mất tên ông ta, đã nói :"Tôi sẽ làm sao cho cuộc sống không bị tốn kém..."
    -Im ngay ! Đừng có dây vào chuyện người khác!...Các em ạ ! Không có gì tuyệt diệu hơn đạo đức cả. Khi nào các em đọc các sách về đạo đức, các em sẽ phải kinh ngạc. Ngay cả những nhà tiên tri cũng đề cao đạo đức. Đạo đức là một thứ rất tốt, thậm chí tốt nhất nữa. Tốt đến nỗi là...Đạo đức thật tuyệt. Tuyệt lắm kia ! Xin thề với các em là nó rất tuyệt.
    -Reng...reng! - Chuông báo giờ ra chơi. Thầy giáo lau mồ hôi trán và thổ hắt ra. Ơn trời, buổi học đạo đức đã xong.
  6. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    NGƯƠI CÓ NHẬN HAY KHÔNG NÀO ?​
    Nếu có ai đó có phép nhiệm màu nào cứu được loài người khỏi tai họa khủng khiếp - tên của nó là giấc ngủ - thì công lao của người đó đối với nền văn minh thế giới thật vô biên. Bởi thật ra thì đời người ta là cái gì ? Cả một phầnba của nó trôi qua trong giấc ngủ. Mà chỉ vừa chợp mắt một cái là đã thấy mình bị ghi danh vào một đảng nào đó rồi.
    Một bữa nọ, trong khi đắm mình vào những suy tư triết lý sâu sắc nhất về cái hại của giấc ngủ, tôi bỗng phát hiện thấy mình đang ở trong một gian phòng nào đó rất lạ. Ngay trước mắt tôi là Diêm Vương đang ngồi trên ngai vàng rực lửa cháy và hỏi:" Người làm nghề gì ?". Một câu hỏi thật khó quá !
    -Tôi ngồi tù. Vào những lúc rảnh không ở trong tù thì viết đôi chút.
    -Viết gì thế ?
    -Thì những chuyện linh tinh vặt vãnh. Chuyện trên tàu ngoài quán. Về người này người nọ.
    -Tòa ghi nhận : theo chính ngay sự thú nhận của bị cáo, y đã viết về chuyện trên tàu ngoài quán.
    -Không phải đã viết mà mới chỉ đang định viết...
    -Thì cũng vậy thôi. Đã viết hay định viết - đối với chúng ta cũng chỉ là một. Đã có ý định phải không ?
    -Thì đã có ý định đấy, nhưng mà đấy toàn là những chuyện vớ vẩn trên tàu ngoài quán.
    -Tòa đã hiểu ra rồi. Trên tàu chuyên chở hàng hóa cho thương nghiệp nhà nước, mà thương nghiệp nhà nước thì liên quan đến bộ thương nghiệp, còn bộ trưởng thương nghiệp là đại diện của chính phủ, đúng không nào ?
    -Đúng ạ.
    -Vậy tức là ngươi đã thóa mạ chính phủ.
    -Vâng, té ra là tôi đã thóa mạ.
    -Vì tội lỗi như thế - năm năm tù. Còn bây giờ ta bàn về chuyện ngoài quán.
    -Vâng thì ta bàn...
    -Quán là cái gì ? Đó là nơi rượu tuôn như suối. Thế còn chỗ nào ở đó ta có cái gì tuôn như suối nữa ? Chỉ có ở nghị viện . Và chỉ có các diễn văn mà thôi. Thế ai phát biểu những diễn văn ấy ? Các đại biểu. Thế các đại biểu là ai ? Đó là những người được trao phó toàn quyền lập pháp. Như vậy bị cáo xúc phạm tới uy tín của chính quyền chúng ta. Ngươi có nhận không nào ?
    -Té ra là tôi có xúc phạm.
    -Tòa ghi nhận: Thành thật thú nhận. Năm năm nữa. Tất cả là mười năm. Chúng ta tiếp tục. Bị cáo nói rằng y viết về người này người nọ. Cái "người này" đó là ai vậy ? Tất nhiên là người công dân Thổ bình thường. Vậy tức là bị cá thóa mạ toàn bộ dân tộc chúng ta. Ngươi có nhận không nào ?
    -Vậy là tôi có thóa mạ.
    -Vì tội này cũng năm năm, tất cả là mười lăm năm . Nhớ đếm đấy. Người còn viết về cái gì nữa không ?
    -Tôi không viết !
    -Ngươi có viết, có viết, thú nhận đi thôi.
    -Có viết thư từ...
    -Khỏi cần nói tiếp. Tòa ghi nhận : bị cáo viết thông báo tin tức cho những cá nhân nhất định. Ngươi có nhận không ?
    -Vâng, cho những cá nhân nhất định...
    -Thêm năm năm nữa, tổng cộng là hai mươi.
    -Thế phải dồn lại bao nhiêu mới đủ ?
    -Tòa ghi nhận : câu hỏi như vậy là thóa mạ nhà chức trách đang thực hiện công vụ. Ngươi có nhận không ?
    - !!!
    -Ngươi hãy nói, có nhận không nào ?
    -Tôi không nhận.
    -Nhận đi !
    -Tôi xin nhận.
    Các quan tòa nói rì rầm với nhau : "Tuy là như vậy, nhưng...rì rầm, rì rầm." - "Hơn thế nữa...rì rầm..rì rầm...rì rầm...kết quả là...rì rần" - "Rì rầm...đó là quyết định cuối cùng!"
    -Tòa nhất trí quyết định như sau :"Tội lỗi của bị cáo đã được chứng minh, tuy nhiên, vì tội lỗi mới ở giai đoạn ý đồ phạm tội, tức là con chưa đầy đủ toàn bộ thành phần tội lỗi, sự trừng phạt giảm bớt đi hai ngày rưỡi . Bị cáo bị kết án không phải hai mươi năm tù, mà là mười chín năm và ba trăm sáu mươi hai ngày rưỡi tù giam cùng với mười năm phát vãng ra ngoại ô của địa ngục. Trong trường hợp nếu bị can chết trước khi mãn hạn tì thì sự trừng phạt chuyển sang những người thừa kế của y."
    Khi các tên ác quỷ túm lấy tôi, tôi chợt tỉnh dậy, mình mẩy ướt đẫm mồ hôi.
    Thật là tuyệt diệu vì chuyện nằm mơ cần phải suy diễn ngược lại !
  7. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    GIẢI SẦU CHỦ NHẬT​
    Việc nước, việc nhà, và biết bao việc lộn xộn khác đã cản trở tôi không đến dự lễ cười của anh ấy được. Thành thực mà nói tôi thấy xấu hổ. Tôi vốn rất quý Iantrin, mà vợ anh ta cũng là một cô gái hiền thảo. Hai người cưới nhau đã gần trọn năm và đã bao lần mới tôi đến nhà. Còn tôi thì cứ thoái thác mãi, lấy cớ là những việc nhà, việc nước. Tóm lại là rât bận rộn !...Thực ra là vì tôi không có tiền. Người ta chẳng thể nào tay không đến chơi nhà một anh bạn mới lập gia đình. Ôi chao, những món tiền như thế cứ là đội nón ra đi không trở lại ! Tất nhiên tôi cũng có những thứ đèm đẹp như đèn bàn, lọ hoa và những cái lặt vặt khác. Cái gì cũng có ! Nhưng tiền thì chẳng hiểu lúc sao lại không ! Lần cuối cùng tôi gặp Iantrin, tôi hiểu rằng anh đã giận tôi "Chủ nhật này thế nào tôi cũng sẽ đến" - tôi thề sống thề chết. Nhưng dù cố công đến mấy tôi cũng không đào đâu ra một đồng lia. Tôi lục lọi khắp nhà, chẳng có gì cả ! Toàn là những báo chí, giấy tờ và những thứ lăng nhăng khác...
    Chẳng còn biết làm thế nào, tôi đành tay trắng đi chơi.
    Những loại người như tôi mà lấy vợ thì trong nhà lúc nào cũng đủ chuyện để mà to tiếng. Tôi đến đúng lúc hai vợ chồng anh ấy đang cãi nhau to. Tôi dừng lại trước cửa và nghe vợ anh ta nói lớn :
    -Chúng ta cứ ngồi như cấm cung ấy ! Thế mà anh chịu được à ? Đã bảy tháng nay em không bước ra khỏi cửa.
    Giọng Iantrin khàn khàn, khó khăn lắm tôi mới nghe rõ.
    -Vợ yêu của anh, em to tiếng mà làm gì ? Chẳng hiểu em lại không hiểu hoàn cảnh...
    -Hoàn cảnh thì nói bao nhiêu cho hết ? Mà hoàn cảnh thì có gì đặc biệt ? Chẳng lẽ chúng ta lại không cho phép mình xem phim mỗi tuần một buổi hay sao ?
    -Bạn vàng của anh, em nghĩ người ta cho vào rạp dễ dàng hay sao ? Chỉ có nước bọt thì không mua được vé. Đi bộ thì làm sao tới rạp được. Tàu điện người ta bóc đường đi rồi, xe buýt thì chật như nêm cối, tuyến đường đến Beoglu không có, phải đổi những ba lần xe...
    -Anh biết thế nào không, thôi anh im đi ! Anh hút thuốc là hết bao nhiêu tiền rồi, anh tính thử xem. Mỗi ngày anh hút hai bao "Hêlingich", mỗi tháng hết ba bốn chục lia ! Thôi đi, anh Iantrin, em không muốn ngồi tù nữa đâu ! Sức chịu đựng của em đã cạn ! Em thề có chúa trời...
    Tôi không đợi cho cô bạn thề hết, liền ấn nút chuông.
    Tôi thấy hai vợ chồng gắng gượng tạo một nụ cười trên mặt. Tôi cũng tìm cách vui đùa. Nửa giờ sau tôi đề nghị:
    - Ta đi chơi đi ! Ngày chủ nhật các bạn ngồi nhà làm gì ? Thôi, chuẩn bị mau lên !
    Vợ Iantrin đồng ý ngay, còn anh thì rỉ tai tôi:
    -Bạn ơi, đừng có bắt tôi phải tiêu xài nữa. Ta ngồi nhà nói chuyện cũng được.
    -Đi đi, đi đi ! Ta đi giải sầu đôi chút. Dù không có tiền cũng không được để chết buồn thế này.
    Khi đã ra ngoài phố Iantrin hỏi:
    -Anh đưa chúng tôi đi đâu bây giờ ?
    -Việc của anh là đi , rồi anh sẽ thấy !
    Chị vợ cũng thắc mắc:
    -Ta đi xem phim à , anh ?
    -Xem phim, xem hát thì chẳng có tôi các bạn cũng đi được. Bây giờ ta đi đến một chỗ khác.
    Chúng tôi đến Sisli lúc nào không hay. Tôi ngắm nhìn nhà cửa, vợ chồng bạn tôi thì cháy ruột tò mò:
    -Chúng ta đi đâu thế này, bạn thân mến ?
    Ngoài cửa một ngôi nhà khang trang có đề "Nhà cho thuê".
    -Các bạn hiểu không , tôi không khoái cái nhà các bạn đang ở. Tổ tiên ta có câu "Mặt trời vắng nơi đâu, thầy thuốc có liền nơi đó".Làm sao sống được ở cái nơi liền mặt đất như vậy được ? Ở chỗ các bạn chẳng những thiếu nắng mà còn thiếu cả khí trời nữa.
    Hai vợ chồng nhìn tôi kinh ngạc:
    -Ta vào đây xem có tìm được chỗ ở thích hợp hơn không .
    Iantrin nắm tay áo tôi:
    -Anh nói kỳ quá, anh bạn ! Anh điên tồi sao ? Cái nhà ấy mà bọn tôi đã chật vật mới trả tiền nổi !
    -Chúng em bằng lòng cái nhà hiện nay lắm rồi, anh ạ - Chị vợ sợ hãi thỏ thẻ.
    -Được rồi, anh cứ bỏ áo tôi ra, cứ thử vào xem, - tôi ép họ.
    Rồi tôi kiên quyết bước lên bấm chuông.
    -Lúc tôi nói chuyện yêu cầu các bạn đừng có chen vào, cứ để một mình tôi nói.
    -Ông chủ đâu ? - tôi hỏi.
    -Dạ, ở đây ạ, ông bà chủ tôi trên tầng ba.
    -Ông nói với ông bà là có khách đến.
    Lúc ấy là sáng chủ nhật còn sớm, thế nên tôi tin chắc là chủ nhà chưa kịp đi đâu. Anh bếp kêu cô hầu gái:
    -Lên nói với ông là có khách nhé. Lát sau cô chạy xuống:
    -Ông chủ cho nói là để anh bếp đưa ngài đi xem. Nếu ngài ưng thì ông xin xuống hầu chuyện.
    -Không, thế không được đâu. Có thể chúng tôi cần hỏi ông nhà đôi điều.
    Mấy phút sau ông chủ xuất hiện. Nếu các bạn có đầu óc tưởng tượng thì các bạn thử hình dung xem cái ông chủ ngôi nhà bảy tầng, mỗi tầng hai phòng ấy ra sao ? Đầu tiên ở cửa xuất hiện một cái bao tải to đùng, thắt một cái đai bản rộng, rồi sau thấy một cái bụng phệ trườn ra, rồi sau hóa ra thấy ông chủ thực sự trong chiếc rốp-đờ-xa (1).
    Thấy ông vất vả lắm mới lách mình ra được khỏi phòng, tôi không nén được một nhận xét ranh ma:
    -Nhà ta hiện đại thế này mà sao cửa lại hẹp thế ?
    Ngài bụng phệ chỉ trả lời tôi bằng một tràng ho rũ rượi. Tôi nhìn vợ chồng Iantrin. Những căn phòng rộng lớn, cái bụng phệ và tràng ho kia làm họ bối rối thật sự. Để đáp lại, tôi cũng nổi một cơn ho không kém phần dữ dội.
    Iantrin kéo áo tôi thì thầm:
    - Xin hãy vì thánh Ala, bạn ơi...
    Ngay lập tức tôi ho một tiếng đến nỗi ông chủ béo ị co rúm người người lại mà ấp a ấp úng :
    -Dạ, xin ngài thứ lỗi cho bộ quần áo trong nhà.
    Tôi lại ho một tiếng nữa rời lơ đãng nói:
    -Đáng kể gì những chuyện ấy thưa ngài. Chúng tôi chỉ muốn được xem khu phòng mà ngài định cho thuê và muốn hỏi thêm ngài một vài điều, chúng tôi muốn hỏi chính ngài chứ không phải anh bếp.
    -Xin vâng, xin vâng, thưa ngài, tôi rất sẵn sàng đi xem cùng với các ngài - Ông ta lại ho và sau đó làm ra vẻ ngẫu nhiên, ông ho - Ngài cần bao nhiêu phòng ạ ?
    Để trả lời, tôi lớn tiếng ho, tôi ho to đến nỗi cô hầu gái chạy bắn ra cửa.
    -Tối thiểu cũng là sáu phòng nếu như đó là những phòng tương đối lớn, - tôi trả lời và nhìn sang Iantrin đang đi giật lùi ra cửa - Sáu phòng có đủ không nhỉ ?
    -Đủ đấy, đủ đấy - anh bạn tôi rên rỉ trả lời, giọng thều thào như sắp đưa linh hồn về hầu hạ chúa.
    Anh bếp vừa mở cửa vào một căn hộ thì việc đầu tiên là tôi nhận xét ngay:
    -Lối vào hẹp quá, anh thấy thế nào, anh Iantrin ?
    -Có lẽ thế...- anh ta dài giọng.
    Tôi thấy bạn tôi bắt đầu hình dung được một cái gì đó...
    Cái lối vào mà chúng tôi phê phán còn rộng gấp hai lần phòng ngủ của Iantrin. Sàn gỗ xếp hình ô vuông làm chúng tôi tròn mắt thán phục.
    -Trần thì hơi thấp, thưa ngài...
    Iantrin bổ sung:
    -Không cẩn thận thì chạm đầu...
    Chúng tôi đi khắp các phòng. Phòng nào cũng rộng như sân bóng đá.
    -Các phòng không được rộng lắm, không gian còn thiếu.
    -Không gian thế này chen nhau thì vỡ mạng sườn.
    Vợ Iantrin cũng chêm một câu:
    -Em thấy chúng ta mang đồ đạc đến đây thì không có chỡ kê đấy nhỉ ?
    Tôi nghĩ bụng:"Cô em này nói một câu tuyệt hay !"
    -Lại còn cái này ...Chà...Chà...Nhà bếp tối quá...
    Ông chủ ho lên đanh thép:
    -Kh-ô-ô-ng ! Các nhà bếp của chúng tôi đều sáng. Các ngài xem bao nhiêu là cửa sổ.
    Tôi cũng ho và đảo mắt lạnh lùng nhin cả nhà bếp, rồi sau lại ho lần nữa và tỉa tót:
    -Vẫn tối ! Con lừa nào nghĩ ra cái lối quay bếp sang hướng đông thế này ? Bếp là phải quay về phía Tây.
    -Việc bố trí các phòng là của tôi - chủ nhà chống chế, không ho nữa.
    -Cái đó tùy ngài, nhưng quả thật không thể hình dung được là chúng ta sẽ sống thế nào trong căn phòng mà bếp ngoảnh sang đông ! - Vợ Iantrin nói.
    -Còn phòng này ngài gọi là phòng khách phải không ạ ?
    -Dạ phải.
    -Ngài nên lấy làm hổ thẹn vì đã đem nhà kho ra làm phòng khách !
    -Này anh bạn - Iantrin xen vào - anh xem hộ lò sửa này. Việc gì phải nghĩ ra thứ quái đản như thế.
    Chủ nhà ho một tiếng chống chế:
    -Bây giờ vật liệu khó khăn , thưa ngài. Chúng tôi đã đặt loại tốt nhất hồi đó.
    -Hãng nào vậy ?
    -Hãng Joongke.
    -À, vậy đây là loại thường nhất.
    -Có mấy nhà vệ sinh ? Một thôi à ? - Tôi ho to như thể đe dọa.
    -Không, có hai đấy ạ. Một cái kiểu Tây, một cái kiểu Thổ. Lại còn một phòng tắm lớn nữa.
    -Chỉ có hai nhà vệ sinh - Vợ Iantrin kêu lên - thế thì ít quá.
    Chủ nhân đứng ngây ra:
    -Gia đình ta chắc là đông lắm ?
    -Kh-ô-ô-n-g...
    Anh bếp xen vào câu chuyện:
    -Còn một nhà vệ sinh công cộng nữa đấy ạ...
    Cửa sổ thì một phía quay ra biển Hoa Cương và quần đảo Hoàng Tử, một phía quay sang Bôxpho, một phía nữa sang Tramlưgia.
    Iantrin nhìn ra cửa sổ nhận xét:
    -Phải nói là quang cảnh chẳng ngoạn mục tí nào cả.
    Chủ nhà ho giật lên một cơn giận dữ rồi kêu:
    -Ngài nói thế là thế nào nhỉ ! Bên kia là biển Hoa Cương, bên này là Bôxpho, thế mà...
    -Phải làm sao nhìn thấy quảng trường Ôcmâyđan.
    -Dạ, nhưng phía này ngươi ta xây kín hết rồi.
    Chúng tôi đi hết phòng này sang phòng khác, đến đâu cũng tuôn ra vô số những lời nhận xét:
    -Ẩm thấp quá...
    -Hơi nhỏ...
    -Chật quá...
    -Lại tối nữa...
    -Thưa ngài, ngài cho biết, làm sao cột nhà vệ sinh lại đặt hướng tây bắc, đằng ấy lúc nào cũng có gió lạnh ?
    -Không hiểu sao tôi không thích cái màu trắng...
    -Phải đấy, quét trắng thế này chả ra làm sao cả...
    -Trông thật ảm đảm và bẩn thỉu...
    Vợ Iantrin tuôn ra một tràng những cách sắp xếp đồ gỗ...
    -Ở đây chúng ta sẽ đặt phòng ngủ.
    -Nhưng cái thảm của mình không vừa - Iantrin nhận xét - lại phải gấp lên một góc.
    -Chỗ này có thể là phòng khách - chỗ này để ăn, bên này đầy tớ, bên kia đồ uống...
    Tôi ho một tiếng rõ to rồi hỏi chủ nhà:
    -Nhà ta thế này ông tính bao nhiêu ?
    -Tám trăm lia, thưa ngài.
    -Cũng chả đắt.
    Sau lưng tôi có tiếng Iantrin:
    -Này, rẻ thật đấy...
    -Cầm bằng cũng như cho không ! - Vợ anh thêm vào.
    -Rẻ thế ta thuê luôn đi. Anh thấy sao ?
    -Thuê thôi.
    Chủ nhà mừng rỡ vì cuộc gặp gỡ xuôn xẻ liền ngỏ lời mời:
    -Xin mời các ngài vào phòng tôi trao đổi, bàn bạc...
    -Sẵn sàng, xin cám ơn ngài.
    Chúng tôi lên phòng ông chủ.
    -Cũng đã có những người đến đây trả chúng tôi hàng ngàn lia, nhưng các ngài có hiểu không, những người ấy không làm tôi tin cậy. Điều quan trọng là khách thuê phải tử tế, còn hai trăm lia là chuyện vặt...
    -Về chuyện tử tế thì ngài khỏi lo.
    Lúc ấy có người vào phòng. Đó là một thiếu phụ mặt hoa da phấn tuổi ước hăm lăm. Tôi vội vàng ra bắt tay nàng. Tôi còn định ôm hôn nàng nữa, nhưng tự kìm mình lại.
    -Trời đất ơi, xin các thần linh phù hộ cho em ! Cô em mới kiều diễm làm sao chứ . Thưa, đây có phải con gái ngài không ?
    Mặt ông đỏ dừ lên:
    -Nhà tôi đấy ạ !
    Tôi lại vuốt má cô nàng lần nữa.
    -Xin thánh Ala phù trì. Nàng xinh đẹp quá, thật là...
    Lão béo tỏ ra lúng túng trước lối chơi phóng túng của tôi với vợ lão. Lão cất tiếng gọi người hầu sai mang rượu bạc hà cùng bánh kẹo đãi khách. Tôi cầm hai cái kẹo. Nhìn sang Iantrin, tôi thấy anh bạn bốc đầy một tay.
    -Chắc ngài muốn chúng tôi ứng trước cả năm chứ ? - tôi hỏi.
    -Ba năm thưa ngài.
    -Tổng số bao nhiêu nhỉ ? Mỗi tháng tám trăm, một năm chín nghìn sáu, ba năm gần hai chín, thôi, để cho tròn ta tính ba mươi ngàn lia...Cũng thường thôi.
    -Thường quá đi chứ - Iantrin đồng tình.
    -Chuyện vặt - vợ anh ta thêm thắt.
    Bây giờ đến lượt ông chủ hỏi lại:
    -Các ngài có bao nhiêu người ?
    -Có hai thôi - Một vợ một chồng. Còn tôi không tính.
    -Thế...thế...Còn các cháu nhỏ nữa chứ ?
    -Không có đâu.
    -Vậy đó. Đầu tiên, thưa ngài, ai cũng bảo chưa có, rồi sau đó nhà chúng tôi cứ như lò ấp trứng ấy.
    -Chuyện ấy hoàn toàn loại bỏ : bà đây không sinh hạ được nữa.
    -Dạ, thế đấy !
    -Còn ông đây, có một thời ông ốm lên ốm xuống và thế là...
    -Dạ, thế đấy ! Biết nói thế nào được, càng hay chứ sao. Có nghĩa là cả hai ông bà...
    -Phải vậy thưa ngài. Hồi ông đây lên một tuổi, chính tôi đã đưa ông ra khỏi nhà tế bần.
    -Dạ, thế đấy ! Tuyệt vời quá !
    -Còn bà đây, hồi còn bé xíu đã bị vứt vào nhà nguyện. Bây giờ bà ấy cũng chẳng có thân nhân.
    -Dạ, thế đấy. Mang cà phê ra đây ! - Ông chủ gọi đầy tớ.
    -Xin đa tạ, thưa ngài - tôi nhanh miệng nói - nhưng chúng tôi không thích uống cà phê.
    -Sao vậy, thưa ngài ? Ta làm một ly thôi.
    -Méc-xi ! Nhưng chúng tôi chưa kịp điểm tâm.
    -À...à...ra thế...Pác đông. Vậy tôi lấy làm vinh hạnh được mời các ngài dùng bữa với vợ chồng tôi.
    -Ồ, thưa ngài, chúng tôi tiếp nhận ngay lời mời ấy nếu được ngài gia ân.
    -Ngài khách khí quá !...Tất nhiên..Xin mời các ngài cứ tự nhiên...
    Sau bữa điểm tâm thịnh soạn chúng tôi dùng cà phê, sau cà phê chủ nhà lại bắt đầu căn dặn.
    -Tôi hỏi khí không phải , vậy hiện giờ ngài làm nghề gì ?
    -Tôi ấy à ? Nghề ấy...- anh bạn tôi đáp.
    Lập tôi phải chen vào:
    -Nghề của ông đây là nghề tuyệt vời. Tất nhiên đôi khi ông đây cũng phải ngồi hỏa lò ít bữa...
    Lão béo nhíu mày.
    -Ông hiểu không, ông đây là nhà báo.
    -Ồ, hân hạnh quá...
    -Thế đấy, chuyện gì cũng rắc rối lắm, chính trị mà ngài...
    -À..à..Tôi hiểu: chuyện thương mại, chuyện chợ đen chứng khoán...
    -Đại loại như vậy...
    -Thật là...hân hạnh quá...Thế nghĩa là...Chúng ta thỏa thuận...Bây giờ viết hợp đồng, ngay bây giờ...
    Nghe mấy tiếng đó vợ chồng Iantrin sợ quá đã toan đứng dậy, nhưng tôi ho một tiếng lớn, kìm họ ngồi xuống.
    Lão béo lấy ra một tờ hợp đồng và bắt đầu điền vào. Đến đoạn "dùng nhà vào việc gì?" lão đã định viết "để ở", thì tôi chặn tay lão lại.
    -Vậy tôi viết thế nào ạ : văn phòng hay phòng thương mại ?
    -Không, thưa ngài, nhà chứa.
    -Xin lỗi, tôi không hiểu ngài nói gì ? - Chủ nhà bối rối hỏi lại.
    -Nhà thổ ấy mà - Tôi nói.
    -Lại có thể thế được ?
    -Để trả ngài ba mươi ngàn lia thì chẳng có cách nào khác đâu. Ngài xem làm sao kiếm ra ngần ấy tiền được ? Còn về công việc thì...
    -Tôi chịu thôi, thưa ngài ! Không thể được ! - Giọng lão chủ run lên.
    Tôi nghĩ: lão già đáng thương, lão rối ruột rồi, ăn sáng này, cà phê này. Lại còn bị người ta sờ má vợ nữa chứ...
    -Vậy xin ngài cho phép chúng tôi được tính toán lại !
    -Xin vâng - chủ nhân rũ ra một tràng ho cực nhọc.
    Để đáp lễ tôi củng ho lên một tiếng.
    Lúc ra cửa, anh bếp hỏi:
    -Bẩm các ngài, xong rồi chứ ạ ?
    -Không xong, anh ạ. Ông chủ nhà anh không chịu. Chúng tôi định mở nhà chứa mà ông không nghe.
    -Ông ấy không nghe là phải.
    -Sao vậy ? Ông nhà muốn giữ trọn gia phong chứ gì ?
    -Không..Không phải thế. Trên tầng ba ông ấy cũng cho thuê phòng kín. Chắc ông ấy không muốn cạnh tranh tại chỗ.
    Suốt đường về chúng tôi cười đau cả bụng.
    -Ông bạn ơi, suốt đời tôi chưa bao giờ được vui thế này - Iantrin nói.
    -Một vở hài kịch thật sự - vợ anh ta nhắc lại.
    -Ai cũng có thể vui trong phạm vi khả năng của mình, em ạ.
    Bây giờ hễ vợ chồng Iantrin thấy buồn là lại rủ nhau "thuê nhà" cùng một anh bạn nào đó. Người càng đông thì bao giờ cũng càng vui vẻ hơn.
    Đức Mẫn dịch.

    1. Méc-xi : cảm ơn (Tiếng Pháp)
    2. Pác đông : xin lỗi (Tiếng Pháp)
  8. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    VẬN RỦI THÌ ĐÂU CÓ GẶP MAY​
    Y đã len tới các văn phòng cung và cầu. Thấy báo đăng chỗ nào "Cần nhân viên". "Cần thợ" thì lao như tên bắn đến chỗ đó ngay. Nếu người ta bảo:"Cứ để địa chì lại, chúng tôi sẽ báo sau" và ghi địa chỉ vào cuốn lịch bàn thì y hiểu ngay là không có hy vọng gì.
    Mỗi tối về nhà, câu đầu tiên của vợ là:
    -Có tìm được việc làm không ?
    Lúc này tìm được việc làm khó hơn là bắt được tiền ai đánh rớt trên đường.
    -Tôi chưa bao giờ gặp kẻ nào đần độn, thảm hại, hèn hạ như cái thứ anh !
    Vợ y thường mở đầu cuộc oanh kích của mình bằng những lời lẽ tệ hại như vậy đấy.
    Để vợ im miệng, y phải viện đến trò nói dối:
    -Một người bạn hứa là: "Mai cứ đến, chúng tôi nhất định sẽ giải quyết !".
    -Giải quyết cái gì ?
    -Thì công việc chứ còn gì nữa ! (vô tình vợ y đã biến y thành kẻ nói dối ).
    -Công việc thế nào ?
    -Một công việc rất tốt, rất dễ chịu. Một công việc tuyệt vời !
    -Hiểu rồi ! Cơ mà có công việc gì ?
    -Đây là thứ công việc...làm bằng chân, nhưng lại ngồi yên tại chỗ.
    -Chả lẽ lại có thứ công việc làm bằng chân mà lại ngồi yên tại chỗ sao ?
    -Dĩ nhiên là có ! Tôi sẽ đạp máy khâu mà !
    -Họ trả lương bao nhiêu ?
    -Ba trăm đồng.
    Những câu hỏi và câu trả lời dối trá như thế kéo dài tới hàng tiếng đồng hồ.
    Tối hôm sau, như thường lệ vợ lại hỏi:
    -Thế nào, anh đã nhận việc chưa ?
    -Anh tới rồi !...Cơ mà chưa xong! Vợ anh ấy mới mất nên anh ấy không tới cơ quan được. Người ta hẹn thứ tư đến.
    Mấy thứ tư thứ nam qua rồi mà vẫn chưa chấm dứt được trò bịa đặt, dối trá.
    Thế là vợ phải ra tối hậu thư cho y:
    -Đồ đốn mạt ! Anh chỉ quen thói ăn không ngồi rồi ! Mai mà không tìm ra việc làm thì đừng có mà vác mặt về nhà nữa đấy !
    Hôm đó, y phải để địa chỉ lại ở bốn năm chỗ. Lúc y về nhà, cánh cửa không chịu mở ra.
    -Mình ơi, có tin vui này ! Anh tìm được việc làm rồi. Anh đã nhận việc và bắt đầu làm rồi.
    Sau câu nói đó cánh cửa mới chịu hé ra.
    Y làm ra bộ hết sức hân hoan, tả lại cho vợ nghe công việc làm của y nó ra làm sao. Y bịa khéo đến mức chính y cũng tin vào lời y.
    -Thôi được rồi, mình đi ngủ sớm đi kẻo mai lại trễ giờ đi làm.
    Sáng sớm tinh mơ vợ đã đánh thức chồng dậy đi làm. Suốt ngày y lang thang trên các đường phố, công viên, lê gót tới các văn phòng, bàn giấy, le lói chút hy vọng tìm được việc làm. Tối về nhà, hệt như bất cứ người đàn ông có công ăn việc làm nào, y gây chuyện với vợ, la hét ầm ĩ.
    Hai mươi ngày kéo dài trong niềm hy vọng tràn trề. Sắp tới ngày phát lương rồi, y lo quá, tự nhủ: "Mình phải kiếm cho ra ba trăm lia". Đêm nào vợ cũng mơ thấy món tiền chồng sắp đưa cho. Y bảo vợ:
    -Em đem con về ngoại chơi đi. Ngày mồng một anh lãnh lương em hẵng về.
    Vợ ngoan ngoãn dắt con đi. Anh chàng quyết định phải đi ăn trộm. Y đã nhắm được căn nhà để hành sự vào lúc đêm xuống.
    Đêm cuối tháng. Từ chập tối y đã lảng vảng quanh ngôi nhà y sẽ vào vơ vét. Ở đúng lầu hai đèn lại tắt ngóm. Không mấy người ở nhà. Cả chủ nhà cũng đi vắng - đúng là gặp may. Bây giờ y có thể đàng hoàng đi vào ngôi nhà đó. Y còn loanh quoanh bên ngoài một lát. Không thấy ai, y bèn nhảy qua hàng rào thấp bao quanh vườn. Y lần theo khung cửa sổ, leo ống máng lên ban công, hoàn toàn không khó nhọc gì. Đúng là vận may đã tới. Cánh cửa thông ra ban công lại mở. Vào đến trong nhà rồi, y dạn dĩ hẳn lên, bật điện rồi nhìn quanh. Y không ngờ rằng ăn trộm hóa ra lại là một công việc dễ làm đến như vậy.
    Ở tủ, những chiếc chén quý đặt trên những chiếc đĩa bằng vàng. Y vươn tay về phía mắc áo. Khi y mở chiếc bóp dày cộp móc trong túi áo vét ra thì mắt y chợt hoa lên: nguyên một xấp giấy bạc một trăm năm chục lia. Y mở ngăn kéo bàn kê trong phòng ngủ: những tập giấy bạc mới toanh như vừa mới in xong. Đâu đâu cũng thấy tiền là tiền.
    Y rút trong ví ra ba trăm lia, rồi viết vào một mảnh giấy:
    "Thưa ngài kính mến, tôi vào nhà để ăn trộm. Tôi chỉ lấy số tiền ba trăm lia cần thiết cho tôi. Hãy tin rằng bao giờ có tiền tôi sẽ hoàn lại. Xin gửi lời chào trân trọng !"
    Y đặt mảnh giấy lên bàn, rồi thản nhiên ra khỏi nhà bằng con đường đã vào. Như thế là y sẽ thoát được sự mắng nhiếc những một tháng nữa. Lần đầu tiên sau nhiều tháng trời, y cảm thấy thư thái trong lòng.
    Y đi về nhà mình, thấy ở cửa sổ sáng ánh đèn. Có nghĩa là vợ y đã về. Giờ thì y sẽ ném ba trăm lia vào mặt vợ y, sẽ la hét om sòm để tỏ rõ "cái tôi" của mình.
    Y lấy chìa khóa, mở cửa. Bất ngờ có hai nòng súng lục gí sát vào ngực y:
    -Giơ tay lên !
    Một gã cười nói:
    -Nghe đây, anh là một thằng vô lương tâm ! Bọn ta lục lọi suốt hai tiếng đồng hồ rồi mà không tìm được thứ gì đáng lấy. Người nào cũng phải có món đồ gì kha khá phòng trường hợp có kẻ trộm tới thăm chứ !
    Chúng lục người y, lấy được ba tờ trăm lia mới toanh rồi bỏ đi mất.
    Còn anh chàng kia cứ thế ngồi cho tới lúc mặt trời mọc để nghĩ ra lý do nói với vợ. Tờ mờ sáng, nghe có tiếng gõ cửa. Vợ đó ! Y run run mở cửa và trông thấy trước mặt y lù lù hai cảnh sát viên và hai gã trộm bị còng tay - đúng những gã đã lấy của y ba trăm lia đêm qua. Mắt y ánh lên, vui vẻ. Nghĩa là bọn trộm đã bị thộp cổ !
    Một viên cảnh sát chìa ba tờ trăm lia mới cứng cho y:
    -Tiền này của ông ?
    Tim y đập thình thịch. Chính y cũng đi ăn trộm số tiền này mà !
    Y toan nói:"Không, không phải của tôi !" để cứu hai gã khốn khổ kia. Song viên cảnh sát đã nói trước:
    -Hai tên tội phạm này thú nhận là đêm qua chúng lẻn vào nhà ông và dùng vũ lực cướp của ông ba trăm đồng lia này!
    Không thể khước từ niềm hạnh phúc của mình :
    -Vâng, của tôi - Y nói.
    Viên cảnh sát hỏi:
    -Ông lấy chúng ở đâu ?
    Anh chàng tái mặt. Chẳng lẽ họ biết là y cũng đi...ăn trộm ?
    -Sao ông lại hỏi thế ? - Y lắp bắp.
    -Tiền này là tiền giả nên chúng tôi mới hỏi. - viên cảnh sát đáp.
    Anh choáng váng. Viên cảnh sát nói thêm:
    -Yêu cầu ông theo chúng tôi về đồn !
  9. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    BÀ CHỦ​
    Mọi người trong tòa báo làm việc hối hả. Hồi đó tôi đang làm phóng viên trong mục cảnh sát và hình sự. Bỗng có người bước vào phòng tôi, đó là Haxan, anh ta phụ trách những vấn đề báo chí tại phòng số một cục an ninh, khuôn mặt phì nộn của anh ta đang tươi rói một nụ cười. Nụ cười ấy chẳng báo cho chúng tôi điều gì tốt lành, bởi vì thậm chí cái tin báo tử của một anh bạn đồng liêu anh cũng mang đến đây với một nụ cười như tin báo hỷ.
    Một biên tập viên nhìn thấy bộ mặt tươi cười ấy liền bảo:
    -Nguy rồi ! Chắc lại có chuyện gì tồi tệ rồi đây !
    Haxan lập tức tuyên bố "tin vui":
    - Tôi xin báo một tin : Tòa báo các anh bị đóng cửa !
    "Xin báo một tin" - anh ta nói cứ như là "Báo một tin vui" vậy.
    - Vì sao thế ? - biên tập viên hỏi.
    - Lệnh chính quyền, vì có tình hình khẩn cấp. - Khi anh ta thốt lên " Tình hình khẩn cấp", giọng anh ta thậm chí còn rung rung sung sướng là khác.
    -Thế nào, đã có lệnh chính thức rồi à ? - Biên tập viên hỏi.
    - Rồi sẽ có - Haxan đáp.
    Haxan, cái tên trung thành đến tận xương tủy ấy bao giờ cũng phải vội vã trong bất cứ tình huống nào, không thể chờ kịp đánh máy xong nội dung một bức điện thoại, tất cả những tin xấu anh ta cứ phải tự mình đi báo lấy. Lạy thánh Ala, thời đại bây giờ cũng đã dễ dàng hơn. Bây giờ có thể hỏi:"Có lệnh rồi à ?". Chứ mười sáu tháng trước đây thì một câu như thế không được phép hỏi.
    Vừa lúc ấy từ xa vọng lại tiếng xe máy. Cái thứ tiếng xe máy lọc xọc kia bao giờ cũng báo trước những tin kiểm duyệt, cấm xuất bản, hoặc một cái gì đó tương tự. Quả nhiên đó là tên cảnh sát chở mô tô đến đây cái lệnh đóng cửa tòa báo.
    Chúng toi nghiến răng im lặng rồi lập tức giải tán. Hai mươi sáu nhân viên chúng tôi rời tòa báo.
    Trong chúng tôi có bảy người vừa mới chuyển sang đây từ một tòa báo bị đóng cửa cách đây 10 ngày.
    Lúc này các ông chủ báo không chi tiền tạm nghỉ cho các nhà báo bị thôi việc mà công đoàn cũng chẳng có. Thế là chúng tôi vừa mất việc lại vừa mất tiền. Trong hai tháng tôi thay ba tòa báo vì lần lượt bị đóng cửa.
    Ở những nơi đột nhiên có chỗ trống thì lập tức lại có hàng chục người xin vào.
    Sau hai tháng thất nghiệp, tôi đã kiệt sức.
    -Tòa báo chỗ tôi khuyết một chân phóng viên đấy. Tôi đã giới thiệu anh, có lẽ là người ta sẽ nhận. Anh đến mau lên và đừng nói với ai nhé - một anh bạn tỏ lòng thương cảm.
    Tờ báo này được cấp trên tin cậy đặc biệt. Ông chủ báo là nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền.
    Khi tôi đi làm, ông nghị còn đang chu du châu Âu.
    Với tính tiết kiệm chi li, ông chủ tôi không cho mắc điện thoại từng phòng. Một tòa báo lớn như thế mà vẻn vẹn chỉ có hai máy điện thoại: một ở chỗ ông, một trong phòng biên tập. Đêm đêm tôi thường làm việc trong phòng này vì là chỗ trống vắng. Anh thư ký tòa soạn trực đêm thì ngồi phòng bên. Khi nào gọi anh sang nghe điện thì tôi đấm tường.
    Anh thư ký này có tật mê gái. Anh quen gần như khắp lượt các cô ở các tiệm nhảy, các cô ca sĩ cà phê, các vũ nữ, các đào xi nê. Đêm nào cũng có mười, mười lăm cô gọi dây nói cho anh. Tôi cứ liên tục đấm tường. Nhưng anh ta thì cứ trốn miết trong phòng mình với một cô bạn gái nào đó, hoặc là anh ta không sang nghe hoặc giả có sang thì cũng còn chán.
    Tôi rất vui vì có việc làm và tôi chỉ rùng mình lo lắng sợ bị đuổi việc. Vì tôi đã phải ngồi nhà quá lâu không có việc làm, nên tôi sẵn sàng làm bất cứ việc gì nặng nhất, bất cứ việc gì người ta sai bảo.
    Anh bạn lo việc cho tôi thì bảo:
    -Đừng có sợ ai cả, anh chỉ nên sợ bà chủ mà thôi. Nếu anh tránh xa được bà ấy thì không ai động đến anh nữa.
    -Tôi thì liên quan gì đến bà chủ ?
    -Anh đừng nói thế...Bà ấy không phải đàn bà mà là cây gậy trừng phạt của Chúa. Chỗ nào bà ấy cũng nhúng mũi vào được.
    Các cộng sự trong tòa báo thảy đều run sợ mỗi khi nghĩ đến bà ta. Bà được gọi là bà chủ với cái nghĩa là kẻ quyền hạn vô lường. Bà buộc mọi người luôn luôn khiếp hãi. Còn tôi thì cố không va chạm.
    Tôi làm việc đã đầy ba tháng. Một đêm như thường lệ tôi ngồi sửa bài. Đó là một đoạn tiểu thuyết về một vận động viên. Tôi đọc say mê. Bỗng có tiếng chuông điện thoại reo vang. Tôi nhấc ống nói và thấy một giọng nữ giới. Giọng ấy hỏi anh thư ký.
    Tôi đấm tường mấy cái liền. "Chờ một phút, sang bây giờ đây" - tôi đáp và đặt máy xuống bàn, rồi lại vùi đầu vào sách. Cuốn tiểu thuyết đã hết. Mãi tới đó tôi mới nhận ra rằng ống nghe vẫn ở trên bàn. Anh thư ký vẫn không sang, chắc là anh ấy đang làm việc đại sự . Tôi treo ống lên, lập tức chuông lại reo vang.
    -Tôi nghe đây .
    -Nghe đây, anh là ai vậy ? - vẫn cái giọng lúc nãy.
    -Thế cô là ai ?
    Tôi cứ ngỡ cái người gọi lúc này là một trong các cô gái bán ba mà đêm nào cũng gọi anh thư ký.
    - Tôi đã bà anh gọi thư ký kia mà ?
    -Tôi đã bảo...Tôi đã đấm tường và gọi rồi !
    -Vậy sao anh ta không sang ?
    -Làm sao tôi lại phải biết điều đó ?
    -Anh liệu hồn, tôi sẽ đến ngay bây giờ !
    Cái giọng thật là vô giáo dục, đầu đường xó chợ.
    -Cô nói khẽ chứ có được không - tôi bảo.
    Rồi sau cô ta quát mắng tôi, tôi nói:
    -Người có học vấn như tôi không thể nói chuyện với cô được.
    Ngay sau đó mụ ta xổ ra một tràng:
    -A, cái thằng ranh con, mày lấy đâu ra cái học vấn ấy, hở ?
    -Khẽ mồm chứ !
    -Đồ con lừa !
    -Nhà cô là con lừa !
    -Thằng súc sinh !
    -Chính nhà cô là súc sinh !
    Mụ ta mắng tôi là gì , tôi lại bảo"chính là nhà cô".
    Cuối cùng mụ nói:
    -Tao sẽ cho mày biết tay.
    -Thế thì nhà cô đến đây xem ai biết tay ai ! - tôi đáp.
    -Tao nhổ toẹt vào mặt mày, thằng khốn !
    -Nhà cô khốn thì có ! Cô điên hay sao thế ? Sao cứ bám lấy tôi thế ?
    -Trời ơi, tôi điên đến ngất xỉu mất thôi ! Có phải chính tôi nhờ anh gọi thư kí không ? Có phải chính anh ta trả lời rằng anh ta sắp sang không ?
    Mụ ta cứ nổ như súng máy , chửi bới liên hồi. Còn tôi cứ một mực đáp "Chính nhà cô, chính nhà cô, chính cô, chính cô!"
    -Gọi tên thư kí cho tôi mau lên !
    -Nhà cô bớt ăn đi, để tiền mà thuê đầy tớ. Ở đây không có ai hầu đâu.
    Tôi nổi giận đấm tường và quát anh thư kí.
    -Sang mà nghe điện. Chỉ vì mấy con ranh khốn kiếp của anh mà tôi bực mình đây. Anh đào đâu ra những của nợ này thế ?
    Tôi quát những câu ấy vào máy cho mụ nghe tiếng.
    Anh thư ký sang và bắt đầu nói chuyện qua máy:
    -Tôi nghe đây, bẩm bà cứ ra lệnh, thưa bà chủ...Thế nào ạ ? Vâng...vâng..Bà nói gì nặng thế ? Xin bà tha...Kẻ đầy tớ trung thành của bà...Xin bà tha...Chúng con..dạ...biên tập viên ạ....dạ, mới đến thưa bà...Con xin có lời, thưa bà...Mặt anh thư ký đổi sang màu tro. Anh treo ống nghe lên.
    -Nghe đây, anh vừa làm gì thế ? - anh ta hỏi.
    - Làm gì ?
    -Anh quát mắng bà chủ...
    Tôi suýt chết ngất.
    -Lại đuổi đi hở ? - tôi rền rỉ.
    -Ông chủ đang ở châu Âu - anh thư ký nói - Ông ấy mà về là ông ấy đuổi anh liền.
    -Nếu tôi lạy van, xin tha, tôi nói rằng tôi nói nhầm thì sao...
    -Tôi không nghĩ thế. Ông ta rất sợ vợ. Ông ta không dám lờ đi đâu.
    Thế là tôi lại sắp thất nghiệp, lại ngồi chơi. Tôi đang nghĩ thế nao thì chuông lại reo vang. Lại mụ ta. Dù thế nào thì tôi cũng sắp bị đuổi, không đường cứu chữa..Tôi quyết định vẫn đối xử như cũ.
    -Nhà cô cần gì nào ? - tôi tấn công mụ ta trước.
    Tôi biết thế nào mụ ta cũng hét toáng lên.
    -Lúc nãy anh nói chuyện với tôi, nhưng chắc anh không biết tôi là ai phải không ?
    -Tôi biết. Bà là phù thủy mệnh danh bà chủ. Bây giờ tôi phải nói chuyện gì với bà đây ?
    Mụ tru tréo lên:
    -Ra thế-ế-ế ! Thì ra anh cũng biết...
    Tôi treo máy liền.
    Bây giờ mọi đường liên lạc bị cắt đứt.
    Chừng một tuần sau ông chủ du ngoạn trở về. Tôi vẫn rùng mình khiếp sợ. Về được một hôm ông gọi tôi lên. Tôi vào phòng ông. Tôi hy vọng: "Nếu cần xin, chắc ông ấy thương"
    Tôi đứng trước mặt ông, những ngón tay khoanh trước bụng cứ giật giật một cách hoảng hốt.
    -Ngồi xuống đây con...
    -Cầu chúa che chở cho ông ! Con không dám !
    -Ngồi xuống đây, con ngồi xuống đây...
    Ông mỉm cười, tôi ngồi xuống ghế đối diện.
    - Ta chúc mừng con. Xin cảm ơn...Ta sẽ suốt đời biết ơn con...Con đã chấn chỉnh được đầu óc của bà chủ ta...Khá lắm ! ...Con đã báo thù cho mười tám năm đau đớn của ta. Hay lắm ! Bởi vì đối với bà ấy ta không được nói một lời nào trái ý. Con hành động thật đúng. Con xuống nhà đi : ta đã bảo thưởng cho con năm mươi lia rồi đấy.
    Tôi xuống phòng kế toán lấy năm mươi lia. Từ đó tôi săn đón chờ mỗi tiếng chuông điện thoại. Có thể là bà chủ gọi đến chăng, nếu có tôi lại mắng bà ấy một trận té tát. Thế mà bà ấy không gọi đến nữa. Nhưng có một lần, buổi tối, bà đến một mình. Trong phòng chỉ có riêng tôi. Bà bước vào.
    -Anh là biên tập viên ? - bà hỏi.
    -Dạ phải.
    -Bữa trước anh mắng tôi qua máy nói ?
    Lúc đó tôi mới hiểu bà chủ là thế nào. Nói qua máy đó là một việc, còn đối mặt lại là chuyện khác. Tôi im lặng cúi đầu.
    -Tôi chúc mừng anh - bà nói - Tôi rất thích những người không thèm nịnh bợ. Anh đừng nhìn tôi: tôi bị loét dạ dày vì thế hay cáu bẩn. Tôi đã nói với ông ấy chi cho anh hai trăm lia tiền thưởng, anh đã nhận chưa ?
    Hóa ra người chi cho tôi không phải ông chủ, mà là bà chủ. Hơn thế nữa ông ấy còn khấu của tôi một trăm năm mươi lia.
    -Sao anh im lặng thế ...Hay là ông ấy không chi ? Tôi biết ông ấy không chịu chi ! - bà ta gầm lên rồi chạy lên phòng ông chồng. Có những tiếng ầm ầm vang lên. Có người gọi tôi. Ông chủ rụt rè:
    -Này con, chẳng lẽ ta không cho con hai trăm lia hay sao ?
    Bà chủ hết nhìn ông lại nhìn tôi. Mắt bà như tóe lửa. Nếu tôi nói "không đưa" thì chắc bà giã cho ông một trận nhừ xương, mà tôi nói "đưa rồi" thì chắc bà lại giã tôi. Tôi bảo ông chủ:
    -Thưa ông, con đã nhận khoản năm mươi lia đầu tiên trong tổng số hai trăm ông thưởng. Con sẽ nhận đều hàng tháng.
    -Thấy chưa, bà yêu quý của tôi, thế mà bà cứ không tin tôi...-rồi ông quay sang tôi:
    -Đi xuống nhà lĩnh nốt đi con.
  10. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    CHỈ TẠI TRỜI MƯA !​
    Tôi mở vòi ra - nước không chảy.
    - Sao không có nước nhỉ ? - Tôi kêu to hỏi vợ.
    - Hễ trời mưa thì nước máy nghỉ ? - Vợ tôi kêu to trả lời.
    Phải đấy, dân Xtămbun ai cũng biết rõ: hễ trời lộp độp mưa là đường ống nước thành phố hỏng mấy tiếng đồng hồ liền, người ta bảo rằng ống nước bị bẩn, và chúng tôi đành ngồi khô với nhau.
    Nhưng sáng hôm đó trời nắng.
    -Mưa bao giờ nhỉ ? tôi lại hỏi.
    -Cách đây một lúc lâu cũng có mấy hạt mưa đấy.
    -Một lúc lâu là bao giờ ?
    -Làm gì có mưa . Thằng con tôi nói.
    -Không, cũng có ít chút - đứa con gái tôi cãi.
    Thế là tranh luận ầm ĩ : mưa hay không mưa.
    -Nếu không mưa thì hẳn đã có nước máy - mẹ hai đứa ngắt đôi câu chuyện.
    Nhưng cái lý do chết người ấy cũng không làm chúng nó im tiếng.
    Tôi bước ra ban công.
    -Có mưa không ấy nhỉ ? - Tôi hỏi ông hàng xóm trước mặt.
    Từ ban công đối diện, một người mặc Pigiama lớn tiếng:
    -Tôi không để ý, nhưng chắc là có...
    Bốc phét ! Trên đời này vẫn có khối kẻ như vậy !
    -Không để ý mà bác lại nghĩ rằng có ? Tôi giận dữ hỏi.
    -Cái đài nhiễu quá, vì thế tôi mới kết luận...-ông ta đáp - Ông cứ mở đài ra nghe mà xem.
    -Không, không có mưa đâu - một ông hàng xóm khác tuyên bố khi thấy chúng tôi lời qua tiếng lại.
    Tôi vào phòng mở đài. Quả là có nhiều tiếng rè, tiếng xoẹt. Đó là điều vẫn từng thấy mỗi khi mưa xuống.
    Ông hàng xóm tầng dưới lúc nãy bảo không mưa, bỗng kêu:
    -Có mưa, có mưa !
    -Sao tự nhiên ông lại nghĩ thế ? - tôi hỏi..
    -Hơi đốt bị cắt, hiển nhiên là...vì mưa - ông ấy đáp.
    Bây giờ thì không còn nghi ngờ gì nữa là có mưa thật dù không hề ngó thấy.
    -Lạy thánh Ala, xin ngài cho mưa nhỏ thôi, kẻo điện cũng mất - vợ tôi vừa nói xong thì đèn tắt phụt.
    Tôi chạy đến máy điện thoại, nhấc ống, quay số tòa báo và nghe thấy một giọng khản đặc "A-lô!".
    Tôi biết mình quay nhầm số, bèn xin lỗi.
    -Việc gì phải xin lỗi, thưa ngài - vẫn cái giọng khản đặc từ đầu kia đáp - Chỉ cần mấy hạy mưa là đường dây điện thoại cứ loạn cả lên. Lúc nãy suốt mười phút tôi phải nói chuyện với mụ chủ nhà chứa mà cứ yên chí là nói chuyện với mẹ mình. Ngài thế là còn may lắm đấy - Rồi ông ta cười khì khì.
    Gần một nửa tiếng tôi quay máy nói chuyện với bao nhiêu người lạ, cuối cùng mới gọi được đến tòa báo.
    -Các anh đang làm gì đấy ? - tôi hỏi.
    -Tai họa ! Một người đáp.
    - Tai họa gì ?
    - Nhà dột, nước sối ào ào...Văn phòng biến thành hồ nước.
    -Nghe đây, anh ba hoa gì thế ? Trên đầu văn phòng chúng ta còn 4 tầng nhà nữa cơ mà...
    -Chính thế...Cả 4 tầng nhà đổ nước xuống...
    -Đằng ấy mưa to đến thế kia à ?
    -Hẳn là thế, người ta bảo mưa, nhưng tôi thì không nhìn thấy thực mục.
    Tôi nổi cáu ném ống nghe xuống.
    -Bưu điện đưa báo mới chưa ?
    -Nếu mưa to thì họ đã nghỉ hẳn...
    Chán nản cực kì, tôi đi ra phố, chờ mãi, chờ mãi - Ô tô buýt không có. Ngoài bến mọi người bắt đầu càu nhàu:
    -Mưa bao giờ mà xe buýt lại đến chậm thế nhỉ ?
    -Lắc rắc mấy hạt. Tôi có nom thấy...
    -Mưa chưa dính áo ấy mà...
    Mặt trời đổ lửa trên đầu. Cuối cùng xe buýt cũng đến. Người xô lên như nêm cối.
    Tàu thủy cập bến sông chậm hai mươi phút. Một ông khách đứng bên tôi đọc báo.
    -Tướng Mỹ Becđingơ Uôn sang nước Thổ ta...-Ông ta nói với người bạn.
    -Thế hử ?
    -Tướng Mỹ tuyên bố với các nhà báo "Nước Thổ sẽ chống được mọi cuộc ngoại xâm".
    Ông bạn đối diện xì ra một tiếng gì rất lạ rồi cười phá lên. Ông bạn hỏi ông ta:
    -Ông cười gì ?
    -Người ta hơi đâu mà ném bom chúng ta ? Cứ rót hai cốc nước xuống Xtămbun là cuộc sống ngừng lại.
    Tôi vốn là người rất mẫn cảm khi có ai đó đụng đến danh dự tổ quốc, vì thế tôi phải đứng ngay dậy để bước lên boong để tránh khỏi phải cho tên vô lại bẩn mồm kia một cái tát tai.
    Tôi đến tòa soạn. Hôm nay sao mọi việc cứ lộn ẩu lên. Đáng lẽ mười một giờ thì đến mười bảy giờ công văn mới đến. Cô thư ký mất mặt không thấy đâu. Thang máy không làm việc. Người đưa cà phê thì trượt chân ngã ở cầu thang. Còn vợ tôi thì gọi điện đến bảo tôi phải về sớm có khách.
    Tôi cố gắng về sớm mà không được. Cơn đau khớp của tôi nổi lên khiến tôi không bước được bước nào. Đó là điềm báo mây đen bắt đầu xuất hiện.
    Tuy thế tôi vẫn ra được đến bến tàu thủy. Cả bến tàu trang trí bao nhiêu là cờ các màu các cỡ...Cờ thế này là nghĩa gì ? Hay thật...Hôm nay không phải ngày giải phóng Xtămbun, không phải ngày độc lập, cũng không phải ngày hội Chiến thắng. Chả là ngày gì cả, chỉ là một ngày rất bình thường thôi.
    Tôi hỏi người bán vé, anh ta nhún vai.
    -Ông hỏi vì sao treo cờ ấy à ? Tôi không biết...Nhưng tôi xin hỏi ông hôm nay là ngày lễ gì ?
    Tôi hỏi anh thợ kéo tàu. Anh ta cũng ngạc nhiên vì sao lại có cờ quạt...
    -Chắc hẳn có một ông khách ngoại quốc tầm cỡ bự ?
    -Có thấy báo nào đưa tin đâu .. - Tôi trả lời.
    Giám đốc cảng cũng không biết gì. Trí tò mò của tôi sôi lên khiến tôi không sao ép mình rời xa bến cảng được. Tôi chạy ngược chạy xuôi, hỏi hết người này người kia sự thể ra sao. Một anh thủy thủ bước đến bên tôi:
    -Ngài muốn biết vì sao treo cờ phải không ? Các vị quanh đây không ai biết đâu, ngài hỏi vô ích. Ngài để tôi nói.
    -Anh nói ngay đi !
    -Hôm nay chẳng có hội hè gì hết. Sáng nay trời mưa. Mà lại mưa to.
    -Ái chà chà ! Tưởng chuyện gì ! - Tôi nghĩ.
    -Trời mưa thì kho ngập, kho ngập thì cờ ướt, cờ ướt thì phải phơi.
    Hóa ra là thế ! Bây giờ tôi mới có thể ung dung về nhà: Có mưa thật chứ !
    Đức Mẫn dịch

Chia sẻ trang này