1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Truyện ngắn hài hước của AZIZ NESIN

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi Julian, 02/12/2002.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Anh lính Mêmét làng Êmét​

    Năm 1937 tôi hãy còn là 1 thiến niên hiên ngang oai hùng lắm. 1 ngày kia, tôi phải mang theo 1 số tiền lớn lên đường nhập ngũ. Thôi, thế là vĩnh biệt chuỗi ngày vui vẻ hồn nhiên rong chơi ngoài phố với chiếc áo phanh ngực bay phất phơ theo gió! Tôi phải thay đôi giày ngắn cổ xinh xắn, đánh xi bóng lộn bằng đôi ủng to tướng sực mùi da thô và đeo chiếc dây lưng to bự.
    Nhập ngũ được 2 tháng, thì bữa kia, đơn vị tôi được tin sẽ có đoàn thanh tra xuống kiểm tra.
    -Ðích thân ngài Tổng chỉ huy sẽ xuống kiểm tra đấy! - viên chỉ huy đại đội căn dặn các sĩ quan trẻ chúng tôi - Việc đầu tiên của ngài bao giờ cũng là bắt các sĩ quan đọc tên chiến sĩ, còn chiến sĩ thì đọc tên sĩ quan.
    Các sĩ quan chúng tôi ai nấy hoảng hốt, triệu tập ngay binh sĩ, bắt họ phải học thuộc những điểm ghi trong giấy khai sinh và họ tên các sĩ quan của mình.
    Lần ấy, cũng như mọi năm, ngài Tổng chỉ huy đến rất đúng giờ. Ngài cho dừng xe cạnh 1 đại đội và hỏi ngay người lính đầu tiên ngài gặp tên tuổi, quê quán anh ta, sau đó ra lệnh cho anh ta kể tên các cấp chỉ huy của mình, từ tiểu đội đến trung đội, đại đội... Anh lính nọ đang kể rất trơn tru, bỗng dưng tắc tị, đứng ngây ra như phỗng. Ngài Tổng chỉ huy giận lắm, nói dằn từng chữ:
    -Người lính không thuộc hết tên các sĩ quan của mình thì không thể gọi là người lính!
    Nói đoạn, ngài lên xe đi thẳng, không thèm kiểm tra nữa.
    Viên sĩ quan quân nhu trung đoàn chúng tôi có kể 1 câu chuyện như sau:
    -Thật đến khổ vì những lần kiểm tra ấy! Hồi tôi còn là trung uý, tôi cũng phải cố tìm cách học thuộc tên các binh sĩ của đại đội tôi. Thậm chí tôi phải đóng 1 quyển sổ riêgn, ghi tên tuổi và đặc điểm của từng người vào đấy để học. Chẳng hạn, Acmét Bôilơ, da ngăm ngăm đen, mũi tẹt. Ali Mectôgly, mắt xanh... Các binh sĩ thì suốt ngày ngồi nhẩm tên các sĩ quan, như tụng kinh vậy. Riêng có anh chàng Mêmét làng Êmét là tôi dạy thế nào anh ta cũng không thuộc được. Anh chàng này là người thôn quê, cả đời chẳng bao giờ ra khỏi làng. Mà tiếng là sống ở làng, hắn cũng ít khi có mặt ở làng lắm. Hắn phải đi chăn súc vật, nên suốt ngày chỉ quanh quẩn trên núi. Mãi đến ngày bị gọi đi lính, hắn mới biết mặt mũi thế nào là tỉnh. Tính tình hắn rất hay. Lúc nào hắn cười, trông chất phác dễ thương lạ. Thế nhưng sức khoẻ hắn thì ít ai bì kịp! Hắn cao 1 thước 9. Khẩu liên thanh nằm trên vai hắn trông cứ nhẹ tênh! Cái gì ở thành phố đối với hắn cũng đều mới lạ, nên cái gì hắn cũng muốn biết. Trí nhớ hắn không nhanh, nhưng được cái đã nhớ, thì chắc như đóng đinh. Hắn có thể nhắm mắt lắp xong khẩu liên thanh trong đúng có 7''. Có lần tôi theo dõi đồng hồ mà! Suốt ngày hắn cứ ôm kè kè khẩu súng, như đứa con gái khư khư con búp bê ấy! Lúc hắn tháo súng ra lau, bàn tay hộ pháp của hắn cầm các bộ phận của súng trông cứ như ta cầm đồ chơi vậy. Các bạn cứ tưởng tượng là bàn tay của hắn to đùng gấp đôi tay tôi!
    Thú thực là tôi rất quý Mêmét, 1 anh chàng rất khá!
    1 hôm, có 1 đô vật nổi tiếng đến chỗ trung đoàn chúng tôi chơi. Anh này trổ tài đấu vật với Mêmét. Vì không có kinh nghiệm đấu, nên Mêmét chỉ tự vệ. Hắn cứ vừa lùi vừa cười như đứa trẻ. Còn anh chàng kia thì cứ nhảy hết bên này sang bên khác, lăm le xông vào chực chộp lấy hắn. Nhưng anh ta cứ nhảy như con choi choi thế suốt 1 tiếng đồng hồ mà không tài nào quật ngã được Mêmét. Cuối cùng trận đấu phải coi như hoà.
    Ðã trót kể về Mêmét, nên tôi phải tiếp tục câu chuyện. Vậy là tôi không tài nào làm cho Mêmét nhớ được tên các sĩ quan chỉ huy. Hắn cứ lẫn lộn hết cả! Chỉ huy quân đoàn hay chỉ huy trung đoàn, đại uý hay đại tướng, hắn không làm sao phân biệt được!
    -Này chú em, chú ý đây này!... Ta bắt đầu từ binh nhất nhé! Anh ta tên là gì? - tôi hỏi Mêmét. Hắn chớp chớp mắt trông rất tội, cố nghĩ, rồi kêu lên:
    -Mếchmét Ali!
    -Không phải! Mếchmét Ali là trung sĩ chứ!
    -Thưa ngài chỉ huy, tôi không thể nào nhớ được! - hắn nói nghe rất thương hại.
    -Thôi được, cố gắng lên 1 chút, chú em ạ! Bắt đầu lại từ đầu nhé!...
    Tôi với Mêmét đánh vật với nhau như thế suốt 2 tháng trời mà rốt cuộc vẫn không ăn thua gì cả. Sau tôi phải bắt hắn mỗi ngày học thuộc cho tôi 1 tên thôi. Chẳng hạn, hôm nay học thuộc tên của vị chỉ huy tiểu đoàn, mai thì tên vị chủ huy trung đoàn... Nhưng chỉ được 2 hôm, đến ngày thứ 3 thì hắn lại nhầm hết cả! Tôi bắt đầu cáu. Còn hắn, tuy to xác, nhưng những lúc ấy e thẹn như con gái, cứ cúi gầm xuống đất, mặt đỏ bừng.
    -Tôi chả biết làm thế nào cả, thưa ngài chỉ huy! - hắn bối rối nói khẽ.
    Mà hôm ấy lại đúng hôm trước ngày kiểm tra mới nguy chứ!
    -Liệu đấy, Mêmét ạ! Không khéo vì anh mà tôi và cấp trên của tôi bị ngài Tổng chỉ huy sạc cho 1 trận cũng nên! Tôi không hiểu anh ra giống người gì nữa! Cái đầu anh hình nưh không phải là đầu, mà là cái rây bột thì đúng hơn. Ðổ cái gì vào là lọt đi hết! Vô phúc anh bị ngài Tổng chỉ huy gọi lên thì lúc ấy anh mới biết!
    Lúc này tôi đã cáu thực sự.
    Sáng hôm sau, đại đội tập hợp rất sớm. Tôi lo đến nỗi không dám nhìn về phía Mêmét nữa. Ô tô của ngài Tổng chỉ huy đã đến rồi! Tôi thấy cửa ô tô mở ra. Vị chỉ huy trung đoàn đứng nghiêm chào, rồi bắt đầu báo cáo. Sau đó lại đứng nghiêm chào... Ngài Tổng chỉ huy bắt đầu đi dọc theo hàng lính. Bỗng ngài dừng lại đúng ngay trước mặt anh Mêmét làng Êmét. Tim tôi như ngừng đập! Tai hoạ sắp giáng xuống đầu tôi rồi đây! Tôi cảm thấy nưh cả đôi ủng, lẫn chiếc dây lưng và chiếc đai kiếm đều xiết chặt lấy người. Tôi liếc mắt về phía Mêmét. Hình như hắn không có vẻ sợ hãi chút nào. Ngài Tổng chỉ huy nhìn thẳng vào mắt hắn và bảo:
    -Anh hãy nhắc lại nội dung bản khai của anh!
    -Tôi, Hátxan Mêmét, sinh năm... làng Êmét, quân đoàn 5, Sư đoàn... Trung đoàn... Tiểu đoàn 3, đại đội 2, trung đội 1, tiểu đội 1.
    Tôi thầm khấn thánh Ala cho ngài Tổng chỉ huy chóng chuyển sang người khác.
    -Tên binh nhất của anh là gì?
    -Aili Iuxúp!
    -Trung sĩ của anh là ai?
    -Ôxman Hưdưa!
    -Còn hạ sĩ?
    -Haxan Guyntêkin!
    -Còn sĩ quan trung đội?
    -Huyxên!
    -Chỉ huy đại đội?
    -Ðại uý Mếchmét!...
    Anh chàng Mếchmét của tôi hình như quá xúc động. Hắn cứ tuôn ra một tràng hết tên này đến tên khác. Ngài Tổng chỉ huy chưa kịp hỏi, hắn đã trả lời rồi.
    -Chỉ huy tiểu đoàn là ai?
    -Ngài Ôxman!
    -Còn chỉ huy trung đoàn?
    Mêmét Êmét trả lời ngay lập tức, không chút ngấp ngứ. Ngài Tổng chỉ huy có vẻ bằng lòng anh lính nhanh nhảu lắm. Ngài nói với hắn:
    -Cám ơn!
    Ðoạn ngài quay sang viên chỉ huy trung đoàn bảo:
    -Ông hãy tiếp tục kiểm tra lấy!
    Rồi lên ô tô, phóng đi thẳng.
    Sau khi có hiệu lệnh giải tán, tôi chạy ngay đến chỗ Mêmét.
    -Này, Mêmét! Sao chú mày to gan thế hả?
    Mêmét cúi đầu, mặt đỏ dừ:
    -Thế nào, chú mày trả lời đi chứ!
    -Thưa trung uý, tôi có lỗi! Nhưng biết làm thế nào ạ? Tên ngài chỉ huy sư đoàn và ngài Tổng chỉ huy thì tôi nhớ kỹ lắm, nhưng các ngài chỉ huy khác thì chỉ nhớ được tên người nào là nói bừa tên ấy...
    -Chà, chú em Mêmét ạ! Thế mà chú mày không luống cuống thì giỏi thật!
    -Thưa trung uý, đâu có ạ! Lúc ấy tôi lú lẫn hết cả. Ngay trung uý là người quen mà đứng trước trung uý, nhiều lúc tôi còn không nói được câu gì, nữa là đứng trước Quan lớn Tổng chỉ huy! Hồn vía tôi bay đi đâu mất cả, thế là tôi cứ trả lời bừa tăng tít... Xin Thánh Ala thứ tội cho con! May mà quan lớn chẳng biết ai vào ai cả!

  2. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Lỗi là tại anh!​

    Khi anh bị mất việc, cuộc sống của anh bắt đầu gặp khó khăn ngay. Nhưng phải giải thích cho những ông bạn ưa tò mò biết nguyên nhân tại sao anh mất việc, mới thật khó khăn hơn nhiều!
    Không! Lần này nhất định tôi sẽ chẳng hở cho ai biết chuyện gì đã xảy ra với tôi cả. Mọi lần, có chuyện gì không may là tôi cứ hay đi kể lể với những người quen, vì hy vọng biết đâu có người có thế giúp đỡ tôi! Nhưng cũng có khi chỉ vì muốn cho khuây khoả nôĩ buồn. Nhưng khốn nỗi, cứ mỗi lần như thế, tôi lại bị họ lục vấn đủ điều, cố tìm cho bằng được nguyên nhân nỗi bất hạnh của tôi, để rồi cuối cùng, chẳng biết thế nào, chính tôi lại bị xem là kẻ có tội trong mọi chuyện không may ấy!
    Ðấy - họ bảo tôi - Giá anh không làm như thế, như thế... thì đời nào ông chủ lại đuổi. Mà 1 khi anh đã cả gan làm những chuyện như vậy, thì lỗi là tại anh rồi còn quái gì! Chính anh có lỗi thôi! Cuối cùng, bao giờ họ cũng kết án tôi như vậy, và vẻ hài lòng hiện rõ ra mặt.
    Hôm ấy, tôi đang vừa đi ngoài phố vừa miên man suy nghĩ về chuyện làm ăn, thì bất thình lình có người đập mạnh vào vai. Tôi ngoảnh lại thì hoá ra ông bạn Ôxman Kêman. Anh ta vui vẻ đi bên cạnh tôi. Chợt nhìn thấy bộ măt buồn rầu thiểu não của tôi anh cụp ngay mắt xuống thay đổi hẳn vẻ mặt và bảo:
    -Tôi hiểu!... - anh ta nói 1 cách ấp úng.
    Nghĩa là anh ta đã biết chuyện tôi bị đuổi khỏi chỗ làm. Nếu vậy thì không thoát được rồi! Thế nào anh ta cũng lại sắp tra khảo tôi, tìm cách chứng minh cho tôi biết rằng chính tôi là kẻ có lỗi đấy cho mà xem!
    Cái vẻ mặt buồn rầu giả tạo thật chẳng ăn khớp 1 tý nào với cái ánh mắt long lanh, vui sướng mà anh ta không che giấu nổi. Tôi cố làm ra vẻ không hiểu cái câu "Tôi hiểu" của anh ta và hỏi:
    -Anh làm sao thế? Hay có chuyện gì không vui?
    -Không, tôi chẳng làm sao cả! Nhưng tôi nghe nói là anh lại vừa bị mất việc thì phải! - anh ta đáp.
    -Cũng không sao! - tôi cố làm ra vẻ thản nhiên, vì không muốn tiếp tục cái đề tài này.
    -Sao lại không sao? - anh ta đứng ngay giữa phố, mồm cứ bô bô kêu "Trời ơi", rồi đề nghị tôi - Thôi, chúng mình vào tiệm làm 1 cách cà phê đi, rồi cậu kể cho nghe xem đầu đuôi thế nào nào?
    -Có gì đâu mà kể! - tôi đáp.
    -Sao lại có gì đâu! Chà, xem cậu bắt đầu giống ai rồi nào? Thôi ta đi đi! Cậu cứ kể cho mình nghe, rồi tự khắc cậu sẽ thấy khuây khoả ngay thôi mà!
    -Anh cứ làm như có thể thay đổi được cái gì không bằng!
    -Cậu làm mình giận đấy!... Chả lẽ mình không phải là bạn cậu hay sao?
    Thế là tôi đành vào quán với anh.
    -Nào, bây giờ thì cậu kể cho mình nghe xem có chuyện gì xảy ra đi! - anh ta nói, khi chúng tôi bắt đầu nhấm nháp ngụm cà phê.
    -Lão chủ vừa đuổi tôi...
    -Vì sao?
    -Thì tôi biết được là vì sao! Anh đi mà hỏi lão ta ấy!
    -Cậu có hay đi làm muộn không? - cuộc hỏi cung bắt đầu.
    -Không! Bao giờ tôi cũng đến rất đúng giờ.
    -Có bao giờ cậu không hoàn thành công việc không?
    -Không bao giờ! Ông ta còn nói là rất hài lòng về tôi cơ mà!
    -Hay là... công việc làm ăn của ông chủ cậu gặp khó khăn chăng? - anh ta cứ đoán lần đoán mò như người chơi ô chữ vậy.
    -Trái lại, công việc của ông ta rất chạy.
    Anh ta lại tỳ tay vào má, ra chiều ngẫm nghĩ.
    -Thế có lần nào cậu cãi lại ông ấy không?
    -Không! Ai mà dám cãi lại ông ấy!
    Sốt ruột, Kêman bắt đầu nhấm nhấm móng tay.
    -Thôi đúng rồi! Chắc cậu đòi tăng lương phải không?
    -Ðâu có!...
    -Hay là... cậu có nói câu gì về ông ta, chẳng hạn có ý chê trách ông ta?...
    -ồ, không đời nào!
    Tôi bị hỏi vặn một hồi nữa bằng những câu đại loại như thế.
    -Chà! Chà!... Thế thì vì cái quái gì mà cậu bị đuổi được nhỉ? Hay là... có khi nào cậu nhìn ông ta chằm chằm như cậu đang nhìn mình bây giờ không?
    -Tôi không hiểu. Nhưng... có thể là có...
    -Thôi thế thì đích rồi! Tớ đã bảo mà! Nhất định là phải có lý do mà lại, chứ không đời nào tự dưng người ta lại đuổi cậu cả! Chính lỗi tại cậu cưứ không phải tại ai hết! Cậu cứ nhìn người ta chằm chằm như muốn ăn sống nuốt tươi thế thì ai mà chịu được! Nói thật chứ... Lỗi là tại cậu thôi!
    Nói xong câu ấy, anh ta thấy trong người nhẹ nhõm hẳn.
    Tôi khẽ buông 1 tiếng "Thôi, chào anh!" rồi bước ra khỏi tiệm. Thậm chí ngay cả lúc bị đuổi khỏi chỗ làm tôi cũng không thấy buồn như lúc này.
    Tôi đi về phía bến ô tô.
    -Thế nào, chả lẽ điều bọn mình nghe nói là đúng hay sao?
    Ðó là câu đầu tiên tôi nghe được khi vừa bước chân lên ô tô. 1 anh bạn quen ngồi sau tôi hỏi.
    -Ðúng đấy! - tôi đáp.
    -Thật đáng tiếc! Nhưng vì sao thế?
    -Tôi không biết.
    Như người cảnh sát đang suy nghĩ trước 1 vụ án bí ẩn, anh ta lẩm bẩm:
    -Lạ thật! Lạ thật!... Không có cớ gì, lẽ nào người ta lại đuổi... Nhất định là phải có lý do...
    -Nhưng dù sao...
    -Hay là cậu bị kẻ nào tố giác?
    -Tôi không cho là như vậy.
    -Hay là ông ta tìm được người thạo việc hơn cậu?
    -Nhưng lúc nào ông ta cũng nói là rất hài lòng về công việc của tôi kia mà!
    -Hay có thể ông ta tìm được người bằng lòng làm với số lương ít hơn chăng?
    -Tìm đâu ra được người như thế!
    -Thế sao ông ta lại đuổi cậu nhỉ? à, hay là cậu không biết cách ăn nói với ông ta?
    -Biết cách thế nào? Thì tôi vẫn nói chuyện với ông ta 1 cách bình thường thôi...
    -Trời ơi! Thế thì rõ rồi!
    -Anh bảo rõ cái gì?
    -Rõ nguyên nhân chứ gì còn nữa. Với ông chủ mà anh lại ăn nói 1 cách bình thường là không được, anh hiểu chưa? Anh không thưa bẩm với ông ta, thế là ông ta giận chứ có gì đâu!
    -ồ, đâu có!... 1 tháng tôi mới gặp ông ta có 1 lần. Mà khi gặp tôi cũng có được nói chuyện với ông ta đâu!
    -Thế lại càng không được!... Cậu cứ lăm le định tìm cách nói chuyện với ông ấy thì ông ấy ghét là phải chứ còn gì nữa! Lỗi là tại cậu thôi!
    Nói xong câu ấy, anh ta cũng thấy hể hả lắm.
    Ô tô vừa đến bến đỗ đầu tiên là tôi bước xuống ngay. Tôi cảm thấy tức giận đến nỗi tôi thấy nhất định phải tìm 1 người nào đó để thổ lộ can tràng. Tôi bèn quyết định đến nhà 1 người bạn cũ.
    -Tôi bị đuổi khỏi chỗ làm rồi! - vừa bước chân đến cửa tôi vội nói ngay như vậy - Nhưng tớ van cậu đừng có hỏi thăm gì hết và đừng có ý định tìm hiểu nguyên nhân!
    Nhưng nghe nói thế, anh ta lại càng tò mò.
    -Thế nghĩa là có nguyên nhân rất quan trọng chứ gì?
    -Tớ đã xin cậu đừng có hỏi mà!...
    -Thế nhưng ngày lễ tết cậu có thường đến nhà ông chủ không?
    Tôi chẳng bao giờ bước chân đến nhà ông chủ, nhưng cố tình muốn làm cho anh bạn rối trí, nên tôi đáp:
    -Tất nhiên rồi, cứ mỗi dịp tết, dịp lễ hay bất cứ dịp gì là tôi...
    -Thôi rõ rồi... cậu đến nhiều như thế chả trách...
    -Ðâu! Tớ có đến nhiều đâu!...
    Rồi anh ta lại bắt đầu đặt cho tôi những câu hỏi như mọi người.
    -Tớ hỏi thật nhé, thế cậu có làm điều gì để ông ta cáu không?
    -Không! Trái lại ông ta rất thích tớ...
    -Thế thì vì cái quái gì được nhỉ? Tớ chịu không thể hiểu nổi!
    Tôi lại bắt đầu thấy mất bình tĩnh, và để kìm xúc động, tôi đi đi lại lại trong phòng.
    -Ðôi giày của cậu kêu quá! - đột nhiên anh bạn tôi thốt lên.
    -ừ! Nó kêu lắm! - tôi thừa nhận.
    -Từ bao giờ thế?
    -Từ lúc mới mua cơ! Ði đã 5 tháng nay rồi mà nó vẫn còn kêu.
    -Thế đi làm cậu cũng đi đôi giày này phải không?
    -ừ!
    -Biết ngay mà! Biết ngay mà! Tớ đã bảo là không bao giờ người ta lại đuổi người 1 cách vô cớ mà!
    -Cậu đã đoán được lí do người ta đuổi tớ rồi à? - tôi hỏi.
    Sửa lại tư thế ngồi cho thoải mái, anh ta bắt đầu giảng giải:
    -Ðôi giày của cậu kêu suốt từ sáng đến tối như thế thì ai mà chịu được cơ chứ? Ông chủ cậu cáu là phải! Chính lỗi là tại cậu thôi, người anh em ạ!
    -Ðúng! Lỗi tại tôi! - tôi điên tiết hét lên - Tại tôi! Tại tôi! Nhưng tôi đến nhà cậu vào cái ngày đáng buồn này đâu phải để nghe những lời như thế!
    Nói đoạn tôi đóng sầm cửa, bỏ ra về.
    Buổi chiều, ngồi trên phà đi Cađưkây, tôi vẫn bị ám ảnh bởi chuyện đó.
    -Anh nghĩ gì mà đăm chiêu vậy? - 1 người lạ mặt bỗng hỏi tôi - Anh cóc huyện gì buồn chăng?
    -Không! Không có chuyện gì cả - tôi đáp.
    -Nhưng trông anh có vẻ không vui. Có gì anh cứ kể cho tôi nghe, may ra tôi có thể giúp gì chăng?
    -Tôi bị ông chủ cho thôi việc!
    -Nhưng tại sao?
    -Tôi không biết!
    -Chắc anh phải có lỗi gì đó!
    -Phải! Vì đôi giày của tôi nó kêu cót két nên ông ta cáu!
    -ồ! Anh nói đùa thế chứ! Lẽ nào vì thế mà người ta đuổi anh! Phải là lý do khác chứ!
    -Tôi cứ hay nhìn chằm chằm vào ông ta, vì thế ông ta bực!
    -Lại còn thế nữa!
    -Vì tôi ít chịu nói chuyện với ông ta!
    -Cũng vô lý!
    Tôi nhìn thẳng vào mặt anh chàng khôgn quen biết mà phá lên cười.
    -Thôi đúng rồi! Chắc anh đã nhìn ông chủ và cười 1 cách nhạo báng như thế phải không?
    -Ðúng! Tôi đã cười như thế đấy! Và ông chủ đã đuổi tôi. Nghĩa là lỗi tại tôi. Anh hiểu rồi chứ? Và bây giờ chắc anh hài lòng rồi chứ?
    Nói đoạn tôi bỏ đi thẳng.
    Trải qua 1 ngày đầy bực dọc, tôi trở về nhà. Ăn cơm tối xong thì anh bạn Ibrahim của tôi đến chơi. Trông anh thật rầu rĩ! Cách đây mươi hôm anh cũng vừa bị đuổi khỏi chỗ làm.
    -Thế nào? Làm sao đằng ấy bị đuổi đấy? - tôi hỏi.
    -Tớ không biết, còn đằng ấy thì tại sao?
    -Tớ cũng cóc biết!
    -Tất nhiên là phải có lí do thôi!
    -Và không phải vô cớ người ta đuổi mình đâu! Chắc cậu hay nghỉ làm chứ gì? Thế cậu không trình giấy chứng nhận ốm à?
    Chúng tôi bắt đầu tra khảo nhau. Trong lúc nói chuyện, Ibrahim chốc chốc lại hắc hơi và ho, cứ phải lấy khăn ra lau mũi luôn.
    -Ibrahim này! Hình như cậu bị sổ mũi phải không? - Tôi hỏi
    -Mình bao giờ chả thế! Viêm mũi mãn tính mà!
    Lập tức tôi đứng phắt dậy, dang 2 tay ra kêu lên:
    -Thế thì rõ rồi! Cậu bị đuổi là đúng rồi! - tôi nói - Thôi đừng đổ lỗi cho người khác nữa! Lỗi là tại cậu thôi.
    Ibrahim nhìn tôi, vẻ bối rối.
    -Cậu lúc nào cũng sổ mũi thế thì làm sao mà ông chủ chịu được! Thế nên tất nhiên là cậu phải bị đuổi thôi! Ðúng không nào?
    Nói xong, tôi cảm thấy thật hài lòng. Thậm chí sung sướng nữa là đằng khác! Tưởng như tôi vừa nhận được việc làm mới vậy!
  3. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Nghĩa vụ đối với Tổ quốc​

    Cả trại giam xôn xao về cái tin ấy.
    -Này, các đằng ấy đã biết tin gì chưa? Ichxan Vadêlin đang ở đây đấy!
    -Làm gì có chuyện!
    -Tớ nói điêu tớ làm con chó!
    -Hắn đã "đoạn" từ lâu rồi kia mà!
    -Lại còn mở tiệm cà phê đàng hoàng nữa chứ?
    -Cóc tin được! Cậu nói láo!
    -Tớ nói láo tớ chết! Người ta mới giải hắn về hồi chiều, bằng tàu chở thư mà! Giải từ Aiđiliê về. Chính tớ nhìn thấy hắn ở dưới sân. Hắn tắm ở nhà tắm xong bị dẫn về biệt khám.
    -Thế đấy! Ðã tưởng dứt được rồi, thế nào mà bỗng dưng lại bị tóm gáy điệu về ở với cánh ta không biết?
    -Nhưng Ichxan Vadêlin là ai vậy?
    -Các chú mày còn nhóc con nên không biết hắn. Hồi hắn còn làm ăn, các chú mày hãy còn bú tí mẹ! Tao quen hắn từ hồi ở Mactreckhan kia! Hồi ấy trại giam này chưa có. Mới có trại Mactreckhan thôi! Bọn ta được ngồi ở đó.
    -Hồi ấy phải nói hắn nhanh thật!
    Ichxan phải nằm ở biệt khám 2 tuần, rồi được chuyển sang khu 2. Ðó là khu giam các phạm nhân đặc ân, những kẻ tái phạm cũ biết rõ hắn.
    -Chào người anh em!
    1 người vừa đun xong trà trên 1 cái hoả lò. Ichxan Vadêlin sỗ sàng quăng tờ giấy 100 xuống khay. Người ta lại bắt đầu đun 1 ấm trà ngon nữa.
    Người ngồi trước mặt Ichxan Vadêlin là Nuri - bị kết án 60 năm tù về tội tham ô. Nuri mặc 1 chiếc áo choàng màu mận chín trông hết sức sang trọng. Ichxan Vadêlin - chạc 50 tuổi - chỉ chuyện trò với mỗi mình, dường như không nhìn thấy ai xung quanh nữa.
    -Thế đầu đuôi làm sao hả Ichxan?
    -Tôi kể ra chỉ sợ anh không tin, cho tôi là nói phét. Vì chính tôi cũng thấy chuyện này thật khó tin. Ai chứ tôi thì, chắc anh biết đấy, đã như chim bị đạn rồi! Lạy chúa! Năm nay tôi đã 50 tuổi đầu, tóc đã bạc, vậy mà chưa bao giờ tôi bị 1 vố cay như thế này. Mà lần này tôi bị lại là do tôi tận tâm phục vụ cho tổ quốc, do tôi làm nghĩa vụ công dân của mình mới tức chứ!
    Chắc anh biết đấy, lâu nay tôi vẫn có 1 tiệm cà phê riêng. 1 hôm, có 2 tay của Sở Cẩm đến nhà tôi bảo:
    -Mời ông đi theo chúng tôi về Sở!
    Các tay mật thám cũ tay nào tôi cũng nhẵn mặt cả. Nhưng 2 tay này là lính mới, nên tôi không biết. "Ðược! Ði thì đi!" tôi nghĩ bụng thế, "mình chẳng làm gì nên tội thì sợ đếch gì!"; đến Sở, tôi thấy Haiđa đã ngồi chờ ở đó... Haiđa làm ở Sở Cẩm từ hồi tôi còn làm ăn. Bây giờ ông ta đã lên chức Chánh Cẩm. Haiđa có 1 mắt hơi lé, trông lúc nào cũng có vẻ lờ đờ, nên được mọi người tặng cho biệt hiệu là Lé. Haiđa Lé dữ hơn cọp.
    -Bẩm quan cho gọi em có việc gì đây ạ? - tôi hỏi Haiđa Lé.
    -Ngồi xuống đây đã Ichxan! - Haiđa Lé đáp và chỉ vào chiếc ghế. Tôi đoán ngay là ông ta cần đối tôi. Vì tính ai chứ tính Haiđa Lé tôi biết rõ lắm. Tôi mà có tội tình gì thì ông ta đã nhảy xổ vào tôi mà bóp cổ cho thấy ông bà vải rồi, chứ chả mời mọc tử tế như thế.
    -Thưa Haiđa - tôi nói - em đã đoạn tuyệt hẳn nghề cũ rồi! Sau cái lần cuối vớ được 1 mẻ bẫm, em đã thanh toán sòng phẳng các món, và còn dư 1 ít thì mở tiệm cà phê để làm ăn sinh sống. Bây giờ quan muốn gọi em có việc gì vậy ạ?
    Haiđa nghe tôi nói rồi bảo:
    -Ðúng. Các khoản cũ coi như đã thanh toán xong. Hôm nay ta cho gọi anh đến đây là muốn anh thực hiện nghĩa vụ công dân của anh đối với tổ quốc.
    Tôi nghĩ bụng: không biết nghĩa vụ đối với tổ quốc là nghĩa vụ gì? Chắc chỉ có chuyện đi lính thôi! A! Ra người ta muốn bắt tôi đi lính!
    -Bẩm quan! - tôi nói - em xin thưa với quen là em đã hoàn thành nghĩa vụ công dân rồi ạ! Em đã phục vụ trong hải quân đúng 6 năm chẵn, không kém 1 ngày. ấy là chưa kể em còn nằm mấy tháng trong hầm nhà thờ Ðivankhan ở Caxưmpasa. Bây giờ em đã ngoài 50 rồi, quan còn muốn gì ở em nữa ạ?
    Haiđa Lé sai mang cho tôi tách cà phê và rút thuốc lá mời. Tôi lại nghĩ ngay: chắc ông ta muốn mình làm chỉ điểm đây!
    -Thưa ông anh, nếu ông anh có ý định gì khác thì xin ông anh cứ nói thẳng. Nếu giúp được, em sẵn sàng ngày... Còn cái tiệm cà phê của em thì ông anh cứ coi là của ông anh!
    -Anh nghĩ nhầm rồi, Ichxan ạ! - Haiđa Lé đáp - Không ai định bắt anh đi lính! Nhưng tổ quốc muốn giao cho anh 1 nhiệm vụ khác. Anh phải cứu lấy danh dự cho quốc gia, cho chính phủ! Chính phủ rất cần đến sự giúp đỡ của anh.
    -ấy chết! Sao ông lại giễu em thế! Có đâu 1 quốc gia hùng mạnh như nước ta mà lại cần đến sự giúp đỡ của 1 tên trộm già như em!
    -Chuyện gì mà không thể có! - Haiđa Lé đáp - Việc quốc gia nó phức tạp lắm, nên đòi hỏi phải có sự giúp đỡ của mỗi người công dân. Và bây giờ đến lượt nó đòi hỏi sự giúp đỡ của anh.
    -Thôi được! Nếu ông anh đã nói là nghĩa vụ quốc gia thì em đâu dám từ chối. Ông anh có bảo chết em cũng xin chết ngay...
    Ðến đây Haiđa Lé mới nói thật cho tôi biết rõ sự thể.
    Hoá ra là có 1 đoàn khách quốc tế sang thăm nước ta. Ðoàn rất đông người. Có đủ cả người Mỹ, người Ðức, người Ðan Mạch, người Pháp. Có cả thương gia, bác sĩ, kỹ sư, giáo sư... Họ muốn đến tìm hiểu tình hình để viện trợ kinh tế cho ta. Nhưng đến chỗ nào họ cũng thấy tình trạng hết sức bí bét. Nghe nói tình hình lâm nghiệp họ phát ớn, tìm hiểu tình hình y tế họ thấy ngán ngẩm. Ðến xem các nhà máy họ lại càng kinh. Tóm lại là đi đến đâu ta cũng ngượng chính mặt với họ đến đấy. Vì thế chính phủ ta mới quyết định bằng bất cứ giá nào phải làm cho họ kinh ngạc 1 phen.
    -Bởi vậy, Ichxan ạ! Bây giờ là trách nhiệm của anh đối với tổ quốc. Anh phải cố mà làm tròn nó!
    Tôi đoán chắc chính phủ ta không có cách gì làm cho các quan khách quốc tế hài lòng, nên quyết định chứng tỏ cho họ thấy trình độ chống nạn trộm cắp của ta cao đến mức nào. Tôi bảo:
    -Thưa Haiđa, em hiểu, xin Haiđa tin rằng chắc chắn em sẽ cho họ biết trình độ ăn cắp của ta rất cao, chứ không như các nghề khác!
    -Anh đoán gần đúng - Haiđa xác nhận - Chúng ta phải cho họ biết cảnh sát của chúng ta mạnh như thế nào, và biết cách làm việc ra sao.
    -Thế thì em thấy hơi khó... - tôi thở dài.
    -Tất nhiên là khó rồi! Có thế mới gọi anh đến...
    Anh là 1 tên móc túi chuyên nghiệp, đã từng nhiều lần vào tù ra tội. Anh rất sành sõi cái việc này. Vậy anh hãy thi hành nghĩa vụ công dân của mình.
    -Xin ông anh cho em biết rõ hơn là em phải làm gì ạ? - tôi yêu cầu ông ta.
    Haiđa Lé giảng giải cho tôi biết nhiệm vụ. Người ta sẽ chỉ cho tôi cái khách sạn có đoàn quốc tế ở. Nhiệm vụ của tôi là phải vét nhẵn túi các vị trong đoàn, không để sót 1 thứ gì. Tất nhiên các quan khách sẽ thi nhau kêu trời và chạy đến báo cảnh sát. ở sở cảnh sát người ta sẽ bảo họ: "Xin các vị yên trí! Cảnh sát của chúng tôi làm việc rất cừ! Chỉ 5'' nữa chúng tôi sẽ tóm hết những tên ăn trộm!" Còn tôi thì ngay sau đó đem tất cả những thứ lấy được về nạp cho Sở. Thế là những người bị mất cắp sẽ nhận được nguyên vẹn tài sản của họ.
    "Ðây! Xin mời các vị nhận lại đồ vật của mình!" Cảnh sát của ta sẽ giơ tay chào và bảo họ như vậy. Các vị khách ngốc nghếch kia tất nhiên sẽ phải nghĩ: "Chà! Thế mới gọi là làm việc chứ!"
    -Em không làm được đâu, Haiđa ạ! - tôi từ chối - Bây giờ em thấy không đang tâm...
    -Sao vậy? - Haiđa Lé hỏi.
    -Thứ nhất là vì em bỏ nghề đã lâu, bây giờ chân tay ngượng nghịu sợ không làm nổi...
    -Không lo! Anh vẫn làm được thôi!
    -Thứ hai, bấy lâu nay em đã giữ được mình không nhúng tay vào chuyện ấy...
    -Giữ mãi rồi cũng có ngày không giữ được đâu! Cũng như đôi giày mới ấy rồi cũng có lúc nó phải nhúng bùn.
    -Tụi trẻ bây giờ có nhiều đứa bợm lắm! Ông anh giao cho chúng nó việc này có lẽ tốt hơn.
    -Nhưng lũ ôn con ấy chúng lưu manh lắm! Xoáy thì chúng xoáy được đấy. Nhưng xoáy xong chúng nó biến thì có mà thánh tìm!... Lúc ấy thật là bẽ mặt với các vị khách quốc tế. Vì thế chúng ta mới cần 1 tên trộm thật thà như anh.
    -Ðội ơn ông anh đã có lòng tin em. Nhưng quả thật em không làm được đâu ạ!
    -Tuỳ đấy, Ichxan ạ! Có điều nếu anh không chịu làm, ta buộc phải đóng cửa tiệm cà phê của anh lại. Ta còn lạ quái gì cái tiệm của anh! Nó vừa là sòng bạc, vừa là ổ thuốc phiện lậu...
    Thế là tôi đành phải nhận lời.
    -Thôi được em xin làm - tôi nói - nhưng làm nghĩa vụ cho tổ quốc thì em cũng được cái gì chứ ạ? Chả lẽ em lại làm không công?
    Haiđa Lé nổi cáu quát:
    -Người ta nghĩ đến nghĩa vụ công dân, mà anh thì lo chuyện lợi lộc. Thật không biết xấu hổ!
    -Xin ông anh bớt giận! - tôi nói - ông anh làm việc cho cảnh sát, tức là cũng làm nghĩa vụ công dân, thì ông anh được lương. Ngay cả các ngài nghị viên có lẽ cũng chả ngài nào muốn làm nghĩa vụ công không cho chính phủ. Tình bạn đi đằng tình bạn, còn công việc đi đằng công việc chứ ạ! Việc nào nó phải đi việc nấy. Nghĩa vụ là 1 chuyện, còn quyền lợi lại là chuyện khác chứ ạ! Tiền bạc có hại gì đến nghĩa vụ đâu!
    -Thôi được. Ta thoả thuận thế này vậy nhé! - Haiđa Lé dấu dịu - ta cho anh muốn làm gì ở cái tiệm cà phê của anh thì làm. Có điều anh pảhi nhớ là "moi" được cái gì của khách, anh phải đem nộp cho ta ngay, rõ chưa?
    -Dạ, rõ ạ!
    Cầu chúa Ala phù hộ cho anh! Ta đặt mọi hy vọng vào anh đấy! Nếu anh moi được ví của ngài trưởng đoàn thì càng đáng khen. Thôi, cho anh đi! Chúc anh may mắn!
    ừ, thì tôi đi! Gì chứ cái chuyện xoáy vặt đối với tôi ngon hơn óc chó!
    Tôi đến khách sạn và bắt đầu ngồi chờ.
    Chờ đến tối thì thấy các vị khách bắt đầu kéo nhau về. Tôi giở tập ảnh ra xem lại. Ðích thị ông trưởng đoàn đang đi cùng bà vợ kia rồi! Tôi đứng lên, đi sát hẳn vào người ông ta lần chỗ để ví, rồi bất ngở hích nhẹ vào ngực ông ta 1 cái. Thế là xong! Êm như ru! Té ra tôi vẫn chưa quên nghề...
    Sau đó tôi chạy ngay đến nhà vệ sinh công cộng ở quảng trường Tacxim, mở ví ra xem. trong ví toàn giấy bạc mới tinh! Thề có thánh Ala chứng giám, tôi đã kìm được lòng tham, không lấy 1 tờ nào. Có bao nhiêu tôi mang nguyên về Sở.
    -Anh biến đi đâu thế? - vừa thấy mặt tôi từ ngoài cửa, Haiđa Lé đã quát hỏi ngay. Nhưng khi tôi chìa chiếc ví ra thì ông ta sướng đến nỗi hôn luôn tôi 1 cái vào trán.
    -Cừ lắm! Anh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ - ông ta khen tôi - ông trưởng đoàn vừa đến báo cho ta biết là bị mất cắp. Trông ông ta rất buồn. "Xin ngài cứ yên trí!" ta bảo với ông ta như vậy, "chậm nhất là ngày mai chúng tôi sẽ tìm lại cho ngài chiếc ví. Cảnh sát của chúng tôi làm việc rất giỏi!"
    -Em đã hoàn thành nghĩa vụ đối với tổ quốc rồi, bây giờ xin chào ông anh! Chúc ông anh mọi sự tốt đẹp! - tôi nóiv ới Haiđa thế, nhưng ông ta bảo:
    -Khoan đã! Mới 1 lần thế thì ít quá! Chú em phải lần lượt moi túi tất cả các ông khách ấy cho ta!
    -Nhưng em chỉ sợ làm mãi quen tay, đến lúc muốn thôi không được.
    Nhưng Haiđa chẳng thèm nghe tôi.
    Tôi lại bắt đầu đi moi các đại biểu khác. Có 1 ông rất khù khờ, bị tôi moi nhẵn cả túi quần túi ấo, lấy hết cả ví, cả chìa khoá buồng, khăn mùi soa, bật lửa, hộp thuốc lá, thậm chí cả ghim cài ve áo, mà vẫn chẳng hay biết gì hết. Không khéo bị lột cả quần ngủ mà ông ta vẫn không biết gì cũng nên!... "Hay ta thử cắt hết cúc áo của hắn ta xem sao?" Tôi nghĩ bụng như vậy, rồi cắt thật, không để lại 1 cái nào. Sau đó tôi đem ngay tất cả về Sở, bày ra trước mặt Haiđa.
    -Giỏi lắm, Ichxan ạ! - ông ta bảo - Anh làm việc khá lắm!
    Tôi bảo ông ta:
    -Ông anh ạ! Em đã định lột truồng hắn ra, nhưng sau nghĩ thương hại...
    Tóm lại là suốt 15 ngày tôi cứ đi moi hết vị này đến vị khác trong đoàn... Tôi làm việc như 1 nhà phẫu thuật lành nghề. Nói thật chứ, giá tôi có lấy mất 1 lá phổi của những anh chàng đù đờ này thì có lẽ họ cũng hay biết gì.
    Haiđa nghe tôi kể thì cứ ôm bụng mà cười.
    1 hôm, tôi moi được nhẵn ví đầm của 1 bà và đem đến cho Haiđa Lé. Nhưng không thấy bà này đến báo cảnh sát gì cả. Thấy vậy 1 viên cảnh sát biết tiếng nước ngoài bèn gọi điện về khách sạn:
    -Các ngài có bị mất gì không?
    -Không - người ta trả lời.
    -Các ngài cứ soát kỹ lại tất cả các ví xách và túi quần túi áo xem!
    1 lát sau bỗng có tiếng chuông.
    -Có 1 bà của chúng tôi bị mất sạch các tưứ trong túi sắc.
    -Bà đó có 1 chiếc khăn tay màu hồng phải không ạ?
    -Phải rồi! Sao các ông biết?
    -Cảnh sát của chúng tôi cái gì cũng biết hết!
    Cảnh sát của chúng tôi cứ thế đấy: họ báo cho người mất trộm biết anh ta bị mất trộm, và tên trộm đã bị bắt!...
    Trước khi đoàn về nước, 1 phóng viên nhà báo hỏi vị trưởng đoàn:
    -ở nước chúng tôi ngài thích nhất cái gì ạ?
    Vị trưởng đoàn là 1 người có học thức, ông ta im lặng không đáp.
    1 nhà báo khác nói:
    -Cảnh sát của các ông rất mạnh!
    Bấy giờ vị trưởng đoàn mới trả lời như thế này:
    -Ðoàn chúng tôi có 9 người cả thảy. Chúng tôi ở Xtămbun có 15 hôm, mà mỗi người trong đoàn chúng tôi đã bị mất cắp 9, 10 lần!... Cảnh sát của các ông cũng có thể là mạnh, nhưng những tên trộm của các ông còn mạnh hơn nhiều!
    Lập tức sáng hôm sau những lời phát biểu này được đăng ngay trên các báo: ngài trưởng đoàn tuyên bố rằng nạn trộm cắp ở Thỗ Nhĩ Kỳ hết sức phát triển!
    Nhưng thế thì việc gì đến tôi kia chứ? Tại sao mấy ông cảnh sát lại nổi cáu và hạ lệnh tống giam tôi? Hay tôi đã thực hiện vượt mức yêu cầu của họ?
    Tôi bảo họ:
    -Nhưng chính các ông bảo tôi phải đi ăn cắp để tưực hiện nghĩa vụ đối với tổ quốc cơ mà! Tôi sẽ đưa chuyện này ra toà. Tôi sẽ kể hết với mọi người cho mà xem! - tôi doạ Haiđa Lé.
    -Nếu anh làm như thế, ta sẽ đổ cho anh là thủ phạm của tất cả các vụ trộm chưa tìm ra. Những vụ như thế ta có hàng trăm. Anh tin ta đi! Ta sẽ có cách làm cho anh phải nhận và ký vào biên bản hỏi cung. Anh sẽ phải chịu 1000 năm tù là ít!
    Cuối cùng trước toà tôi đành phải câm như hến và người ta kết án tôi 2 năm tù. Ichxan Vadêlin kết thúc câu chuyện của mình.
    -2 năm cũng chả mấy! Ngoảnh đi ngoảnh lại là hết ngay thôi! - 1 người ngồi nghe chuyện lên tiếng an ủi.
    Ichxan Vadêlin bảo:
    -Ðã đành thế rồi. Nhưng tuổi tôi đâu còn ít ỏi gì để mà ngồi tù. May phước là chỉ bị có 2 năm! Làm nghĩa vụ của tổ quốc sướng thế đấy! Hoan hô nước ta!

    Được julian sửa chữa / chuyển vào 19:28 ngày 19/10/2004
  4. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Vì sao chú mèo cúp đuôi chạy?​

    Bất kỳ việc gì cũng có cái "tại sao"của nó.
    Không, câu mở đầu như thế chưa được! Phải bắt đầu bằng 1 câu gì nghe triết lý hơn kia! Hay thế này vậy: "Dù thế nào thì thế, sau cơn bực dọc, người ta cần phải được trở về trạng thái bình tĩnh."
    Thực ra thì câu này nghe cũng chưa ổn. Có lẽ những lời nói vĩ đại chỉ có ở miệng các bậc vĩ nhân mà thôi! Chính vì thế mà lúc nào tôi cũng thấy thương cho cái thân phận mình. Truyện nào tôi cũng bắt đầu bằng 1 câu đáng được lưu truyền thiên cổ. Thế mà tuyệt đối không 1 ai thèm coi cả tôi lẫn những lời nói của tôi ra cái gì cả! Mà bạn tưởng các bậc vĩ nhân phát ra được những câu gì đặc biệt lắm sao? Có 1 bậc vĩ nhân bảo: "Mùa hè nóng." Thế là mọi người rối rít ca tụng: "Trời ơi! Chí lý biết chừng nào, sâu sắc biết chừng nào! Cái chân lý vĩ đại mà nhân loại phải tìm kiếm hàng trăm năm nay, đã được Ngài nói ra trong 3 chữ!"
    1 vĩ nhân khác trước lúc tắt thở thốt lên: "Mở cửa ra!". Người ta lại đưa nhau bình phẩm: "Chà! Cả 1 ý tưởng vĩ đại chứa đựng trong câu nói thiên tài! Chỉ bằng mấy chữ, nhà tiên tri đã vạch đường cho hậu thế!"
    "Mở cửa ra!" Câu đó nghĩa là gì?
    Muốn hiểu hết ý nghĩa thâm thuý của mấy chữ này cứ gọi là phải viết hàng núi sách! Vì thâm ý vĩ nhân muốn nói rằng...
    Mà đã là bậc vĩ nhân thì Người muốn nói gì? "Này hỡi nhân loại! Đừng có ru rú trong cái xó chuồng tăm tối như bầy lừa ấy nữa! Hãy mở cửa ra cho ánh sáng kiến thức rọi chiếu vào!"
    Hoặc giả Người ta muốn nói: "Hãy mở cửa ra mà nhìn thế giới! Cho ánh sáng kiến thức soi rọi vào cái đầu óc ngu dốt của các người!"
    Thế nhưng cũng như tất cả mọi người bình thường khác, trong lúc hấp hối thấy khó thở, nên bậc vĩ nhân yêu cầu "mở cửa ra" cho dễ thở hơn chút. Có thế thôi!
    Sau này chết đi, sang bên kia thế giới, việc trước tiên là tôi phải tìm ngay Gớt và hỏi ông:
    -Người ta bảo trước lúc vĩnh biệt cõi trần, ngài có noi: "Vén rèm lên cho sáng thêm 1 chút!" Vậy ngài nói câu ấy là có ý sâu xa gì không?
    Tôi chắc thế nào Gớt cũng mỉm cười mà bảo:
    -Thật tôi có nói "Cho sáng thêm 1 chút" à? Chắc vì lúc đó tôi thấy mắt tự nhiên tối sầm lại, nên bảo vén rèm lên để nhìn rõ mọi người xung quanh. Thế thôi!
    ...Tôi đang đi trên đường. Bỗng từ ngôi nhà nọ, 1 chú mèo phóng như bay, rồi thoáng sau thì mất hút. Chính vì chú mèo này mà tôi cứ phải suy nghĩ mãi. Vì sao nó lại gào lên 1 cách thảm thiết như vậy? Bất kỳ chuyện gì, như tôi đã nói, cũng có cái tại sao của nó. Vậy thì tại sao chú mèo cúp đuôi chạy?
    Đó chính là câu chuyện tôi sắp kể cho các bạn nghe bây giờ đây. Tôi sẽ thuật lại đầy đủ, theo đúng trình tự. Có điều tôi không biết nên chọn phương pháp nào cho thích hợp? Phương pháp dân chủ, từ dưới lên trên, hay phương pháp truyền thống phương Đông, từ trên xuống dưới? Nghĩa là bắt đầu từ chú mèo đến ngài Tổng trưởng, hay từ ngài Tổng trưởng xuống đến chú mèo? Không! Dẫu sao thì cũng không nên bỏ các truyền thống của ta!
    Vậy thì đầu đuôi câu chuyện của chúng ta nó như thế này:
    1 hôm, tất cả các báo, cứ y như là bảo nhau, nhất loạt lên tiếng công kích 1 vị Tổng trưởng nọ. Điều đó, làm vị Tổng trưởng hết sức đau buồn, đến nỗi Ngài không biết làm gì nữa. Mà hễ khi nào thấy buồn bực trong lòng và không biết làm gì nữa, là y như rằng ngài cho gọi ông phụ tá đến... Ngại đặt cho ông ta 1 câu hỏi. Ông phụ tá trả lời. Ngài lại đặt câu hỏi khác. Ông phụ tá lại trả lời rất rành rọt. Thành ra Ngài không có cớ gì để trút nỗi bực lên đầu ông ta được. Nhưng chết cái là, dù thế nào thì thế, sau lúc bực dọc, người ta cần chết cái là, dù thế nào thì thế, sau lúc bực dọc, người ta cần phải được trở về trạng thái bình tĩnh! Ngài Tổng trưởng lại đọc tiếp câu hỏi thứ 3. Ông phụ tá tường trình lại cận kẽ cách thức ông giải quyết công việc đó ra làm sao. Thế là cơn dông tố nổ ra! Không phải làm như thế! Làm như thế là không được! Hoàn toàn không thể được!... Có thể được chứ ạ! Không thể được!... Được chứ ạ! Khô... ô...ng đ.ư.ợ.c! Ngài Tổng trưởng hả lắm: thế là cuối cùng ngài đã nguôi được cơn giận. Ngài đã xạc cho ông phụ tá 1 trận nên thân. Bây giờ ngài mới cảm thấy bình tĩnh lại.
    "Dù thế nào thì thế, sau cơn bực dọc người ta cần phải được trở về trạng thái bình tĩnh." Nhưng ông phụ tá làm thế nào để bình tĩnh lại được? Xin từ chức à? Không được! Vì cớ gì? Ông bèn hỏi ông chánh văn phòng 1 câu. Ông chánh văn phòng trả lời. Ông hỏi tiếp câu nữa. Ông chánh văn phòng vẫn trả lời được. Nhưng được thì được, chứ trong lúc trả lời, ông chánh văn phòng vẫn không tránh khỏi sơ xuất. Xong rồi! Ông phụ tá cho gọi viên thư ký đến.
    -Viết đi! Ông ra lệnh cho người thư ký.
    Ông phụ tá đọc cho người thư ký chép 1 lúc lâu và thấy cơn giận nguôi dần. Lạy trời! Giá ông không trút bỏ được nỗi bực thì ruột gan ông đến vỡ tung ra mất! Rồi cả gia đinhf ông cũng vì thế mà mất hết bình tĩnh, sẽ quay ra cáu gắt nhau mất!
    May lắm! Nhưng còn ông chánh văn phòng thì biết làm sao đây? Làm sao đây? Làm sao ông có thể ngậm viên bồ hòn ông phụ tá vừa tặng ông mà lấy làm ngọt được! Ông bèn ấn nút chuông:
    -Gọi cho tôi ông thanh tra Ali vào đây!
    -Thưa ông, ông Ali đi thanh tra đã 10 hôm nay rồi ạ!
    -Thì gọi ông Vêli!
    -Thưa ông, vâng.
    Ông thanh tra Vêli vào:
    -Bẩm ông cho gọi tôi?
    -Ông đã làm xong cái việc tôi giao chưa?
    -Bẩm ông đã ạ!
    -Còn việc kia?
    -Bẩm việc kia cũng xong rồi ạ!
    -Ông nói rõ xem xong là xong thế nào?
    Ông Vêli trình bày lại cặn kẽ đầu đuôi.
    -Nhưng có phải làm như thế đâu? Hoàn toàn không phải! Ai bảo ông làm như thế? Làm thế là láo toét! Láo toét hết! Ông hiểu chứ? Ôi! Lạy Đức Ala!
    Ông chánh văn phòng gắt ngậu cả lên. Vì nếu không gắt thế, ông đến tắc thở mất!
    Đến lượt ông thanh tra thấy tức quá! Nhưng biết làm thế nào? Chả lẽ chịu cảm à? Không! Thế này thì tức lắm, không chịu được!
    -Ông trưởng phòng!
    -Dạ, ông bảo gì ạ?
    -Sáng nay tôi dặn ông cái gì?
    -Sáng nay ạ? Bẩm ông không có dặn gì cả!
    -Vô lý, không có lẽ!
    -Sáng nay nào tôi có gặp ông đâu ạ!
    -Nếu vậy thì sáng hôm qua?
    -Hôm qua ông bị mệt không đến sở ạ.
    -Thế thì sáng hôm kia!
    -Sáng hôm kia ông có dặn là...
    -Nghĩa là tôi có dặn chứ gì? Nhưng tôi dặn cái gì mới được chứ? Tại sao ông không làm tròn trách nhiệm? Thái độ của ông như vậy là không thể dung thử được, ông hiểu chưa? Không thể được! Tôi cấm đấy!... Cương quyết cấm!
    Mặt ông trưởng phòng dài thưỡn ra. Nhưng dù thế nào thì thế, sau lúc bực dọc, người ta cần phải được trở về trạng thái bình tĩnh.
    -Gọi ông phó phòng vào đây!
    Ông phó phòng vào. Ông trưởng phòng hỏi:
    -Biểu "Đ" ông làm xong chưa?
    -Thưa ông đã!
    -Xong toàn bộ chứ?
    -Xong toàn bộ ạ!
    -Thế các tờ phiếu đã ghim lại với nhau chưa?
    -Ghim rồi ạ!
    Làm gì mà cứ phải đúng răm rắp thế nhỉ?
    -Thế gửi đi chưa?
    -Thưa đã ạ!
    Cứ làm như không thể chậm lại được ấy!
    -Gửi bao giờ?
    -Hôm qua ạ!
    -Sao? Hôm qua à? Sao lại chểnh mảng đến thế được nhỉ? Cái kiểu đâu lại đổ đốn như vậy? Phải làm việc chứ! Làm việc! Làm việc hàng ngày! Tôi yêu cầu ông! Ông rõ chưa?
    Chao ôi! Khi trút được cơn bực, người ta cảm thấy nhẹ nhõm làm sao!
    Ông phó phòng bước vào phòng ông trưởng bộ phận. Ông thở 1 cách nặng nhọc.
    -Cái gì thế này?
    -Chứng từ để chuyển sang phòng kế toán đấy ạ!
    -Ra thế đấy!... Thế là rõ rồi. Đến giờ mà vẫn còn ngổn ngang bừa bãi thế này... Lại còn cả đống này nữa này...
    Ông phó phòng vừa bước ra, ông trưởng bộ phận tức giận đấm bốp 1 cái xuống bàn:
    -Haxan đâu?
    -Haxan nào ạ? Haxan bộ phận 2 hay Haxan kế toán ạ? Lại còn Haxan làm ở phòng đăng lục nữa ạ! Hay ông muốn gọi ông Haxan lục sự?
    -Lôi cổ đến đây bất cứ thằng Haxan nào cũng được! Nghĩa là cứ gọi cho tôi tay Haxan lục sự ấy!
    -Thưa ông đã có chuông nghỉ, ông ấy đi ăn cơm rồi ạ!
    -Nếu vậy... anh tên là gì?
    -Huyxên.
    -Huyxên hay Muyxên cũng vậy thôi! Tôi bảo cho các anh biết, tất cả lũ các anh...
    Ông trưởng ban nổi trận lôi đình khoảng 10''. Cuối cùng ông thấy nguôi giận, rời khỏi sở.
    Còn Huyxên thì quay sang hạch sách ông văn thư. Cửa kính sao lại bẩn thế này? Trần nhà gì mà đẩy mạng nhện thế kia? Bàn nào cũng đầy bụi. Sàn nhà thì chẳng chịu lau chùi gì cả... Không thể chịu được! Không chịu được! Hiểu chưa? Hả!...
    Ra khỏi sở, Huyxên cũng thấy nhẹ nhõm hẳn, cái nhẹ nhõm hẳn, cái nhẹ nhõm của người trút bỏ được cái ác bông nặng trĩu khi vụ rét vừa hết.
    Ông văn thư định trút giận lên đầu người gác cửa, nhưng ông này lại về nhà mất rồi. Làm sao bây giờ? Dù thế nào thì thế, sau cơn bực dọc, người ta cần phải được trở về trạng thái bình tĩnh. Ông văn thư bước lên xe điện.
    -Cái nhà anh này! Dẫm cả vào chân người ta! - ông bắt đầu sinh sự với ông khách đứng bên cạnh - Chân cẳng cứ xéo bừa đi, chẳng nhìn gì hết!
    Ông khách im không nói.
    Người soát vé tiến đến.
    -Ông lấy vé đi!
    -Anh không thấy tôi đang bị ép thế này à? Cả 2 tay đều không nhúc nhích nổi thì làm sao mà rút được ví? Lúc nào xuống tôi sẽ mua!
    -Không được!
    -Sao lại không được?
    -Đã bảo không được là không được! Ngộ nhỡ nhân viên kiểm tra đến thì làm sao?
    Thế là thành to tiếng. Rốt cuộc, ông văn thư cũng tìm được người để trút giận.
    Hết chuyến cuối cúng, người soát vé trở về nhà. Chị vợ toét miệng cười khi thấy anh về.
    -Làm cái gì mà nghe răng như cái con khỉ thế? - anh soát vé bỗng thấy điên tiết - Cái thằng ****** đây đứa nào cũng bắt nạt được, mà mày còn...
    Chửi mắng vợ 1 trận nên thân xong, anh ngồi vào bàn điềm nhiên xới cơm ăn.
    Chị vợ thì bắt đầu thút tha thút thít. Trong lúc đó, chú mèo cứ quẩn dưới chân. Cáu tiết, chị đá cho nó 2 cái vào lưng. Thế là chú mèo ngheo lên 1 tiếng thảm thiết rồi nhảy bổ ra đường.
    Chị vợ anh soát vé nép sát vào người chồng. Tình yêu đằm thắm nhất thường đến sau nước mắt. Cả đôi đều đã bình tâm lại.
    "Bấy kỳ việc gì cũng có tại sao của nó". Ví thử các báo đừng công kích ngài Tổng trưởng, thì việc gì chú mèo tội nghiệp nhảy bổ ra đường!
    Con người dù sao cũng khôn ngoan, biết cách trở về trạng thái bình tĩnh. Nhưng còn chú mèo? Chú nhảy bổ đi mất như hoá dại. Liệu rồi chú có lấy lại được bình tĩnh hay không?
    Điều ấy đến bây giờ tôi vẫn chưa dám chắc.

  5. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Hội nghị phụ huynh​

    Tôi cứ đắn đo mãi không biết có nên đi họp phụ huynh hay không. Đi thì chẳng biết nói gì. Mà giả dụ có gì muốn nói, thì chưa chắc tôi dám mở miệng. Vì tính tôi không quen nói trước chỗ đông người.
    Tuy vậy, cuối cùng tôi cũng dẹp được những nỗi băn khoăn và quyết định đi. Đến nơi, cuộc họp đang vào lúc sôi nổi nhất.
    Tôi khẽ mở cửa, rón rén ưbớc vào phòng.
    Thấy tôi vào, 1 bà tỏ vẻ khó chịu, đứng dậy bảo:
    -Quí ông đến muộn rồi đấy, thưa quí ông!
    Tôi ngượng đến chín cả mặt, ấp úng đáp:
    -Thưa vì nhà tôi đến đây không tiện đường. Tắc xi chuyến không chạy, mà ô tô buýt cũng không có.
    -Đó không phải là việc mà ban giám đốc cần biết!
    Tôi không hiểu bà ta định nói ban giám đốc nào? Ban giám đốc công ty xe điện hay ban giám đốc công ty xe khách?
    -Cái mà ban giám đốc mong các vị phụ huynh lưu ý cho nhất là việc con em họ thường xuyên đi học muộn. Giờ học bắt đầu từ 9h, nhưng...
    -Tôi đề nghị phải cấm các nữ sinh đi bít tất ni lông! - 1 bà trong số phụ huynh bỗng đâm ngang 1 câu - Và không phải chỉ các nữ sinh, mà cả các bà có tuổi nữa!
    -Tôi tán thành ý kiến của bà vừa phát biểu đấy! - tôi cũng đế theo 1 câu mà chính mình cũng không ngờ.
    Thú thực trong đời tôi chưa từng thấy cặp chân nào xấu như cặp chân của bà phụ huynh này. Nó vừa cong như cái đòn gánh, mà phần cổ chân lại to hơn phần bắp. Đi tất dày mà vẫn trông rõ cả những đường gân to tướng.
    -Tất cả nữ sinh phải bắt mang tất dày màu đen hết! - Tôi tiếp thêm, mắt vẫn không rời khỏi đôi chân bà phụ huynh.
    Không hiểu tại sao bỗng dưng tôi lại dính vào chuyện tất tai này thế không biết? Lúc ở nhà đi tôi đã định không nói gì cả.
    1 ông ăn vận sang trọng bỗng đứng phét dậy, nói như hét:
    -Chúng ta còn có nhiều vấn đề quan trọng khác cần phải bàn, chứ cái chuyện tất tiếc đấy chỉ là chuyện vặt thôi! Trước hết chúng ta phải bàn đến chuyện dạy sinh ngữ. Theo tôi, tất cả các môn phải dạy bằng tiếng Đức hết! Tôi đã từng ở bên Đức nên tôi biết. Bên ấy người ta dạy trẻ con môn gì cũng bằng tiếng Đức cả!
    Vẫn mặc cảm mình là người có lỗi, nên để chuộc lỗi, tôi hăng hái hùa theo:
    -Tuy chưa sang Đức nhưng tôi cũng tán thành ý kiến của ông vừa phát biểu là chúng ta phải dạy học bằng tiếng Đức. Chắc các vị muốn hỏi tại sao? Xin thưa rằng vì chính người Đức là người đã đem lại triết học và khoa học, văn minh cho toàn thế giới. Chúng ta phải biết ơn người Đức. Nếu như trẻ em Đức không học tất cả các môn bằng tiếng Đức...
    -Thưa ông - 1 ông đeo kính ngắt lời tôi - ý kiến của ông đã ra ngoài cuộc họp rồi! Dạy học bằng tiếng gì là việc của Bộ chứ! Còn ở trường chúng tôi, như ông biết đấy, cũng có dạy tiếng Đức. Nhưng hôm nay chúng ta họp ở đây là để thảo luận về vấn đề liên lạc giữa ban giám đốc và phụ huynh.
    -Thế 1 tuần có mấy giờ tiếng Đức? - ông ăn mặc sang trọng hỏi.
    -Cái đó tuỳ theo mỗi lớp - ông đeo kính đáp - lớp 1 là 6h, còn lớp 7 là 8h...
    -Thế thì ít quá!
    -ít quá! - tôi chêm vào.
    -Cái chính là phải cấm đá bóng trong trường - 1 ông có tuổi ngồi dưới phòng bỗng kêu lên - Nếu không tháng nào cũng mua giầy mới thì đào đâu ra tiền!
    -Ơ hay! Nhưng con gái chúng nó có đá bóng đâu! - 1 bà tóc hoa râm phản đối ngay lập tức.
    -Nhưng tụi con trai nó đá! - ông có tuổi vẫn bướng.
    -Tại sao lại dính đến chuyện con trai ở đây? Trường này là trường nữ sinh cơ mà!
    -Trường nữ sinh à? Thế ra đứa cháu gái tôi học ở đây ư? Thế mà tôi cứ ngỡ là... Muốn trường gì thì trường, cứ là phải cấm đá bóng! Trẻ con bây giờ quên hết cả truyền thống của cha ông...
    -Cái đáng lo nhất là con em chúng ta hay bỏ học - 1 bà giáo lên tiếng - Các vị phụ huynh phải đặc biệt quan tâm đến chuyện này mới được!
    Ông ngồi cạnh tôi hỏi:
    -Không biết bao giờ mới bắt đầu dạ hội nhỉ?
    -Không biết - tôi đáp - ông hỏi ông hiệu trưởng xem!
    -Hiệu trưởng là ông nào?
    -Tôi cũng không rõ... Nhưng trông 3 ông kia ông nào cũng giống hiệu trưởng cả...
    Ông ngồi cạnh tôi bèn quay sang 1 ông có dáng điệu rất bệ vệ ngồi sau dãy bàn của ông giám đốc:
    -Thưa ông hiệu trưởng, bao giờ thì bắt đầu dạ hội ạ?
    -Ông hiệu trưởng đâu nhỉ? - ông này đưa mắt nhìn quanh hỏi:
    -Ông hiệu trưởng ốm, không có ở đây - bà đeo kính trả lời.
    -Thế bao giờ mới bắt đầu dạ hội ạ? - ông ngồi cạnh tôi lại hỏi.
    -Làm gì có dạ hội nào mà dạ hội? - bà đeo kính ngạc nhiên.
    Ông bên cạnh tôi ngượng quá ngồi xuống, đoạn quay sang bảo tôi:
    -Hừm!... Về nhà tôi cho con ranh con 1 trận mới được! Nó láo quá đi mất!
    -Tôi không hiểu ông định nói gì? - tôi đáp.
    -Cái con mất dạy nó bảo hôm nay ở trường nó có dạ hội và cứ nằng nặc đòi tôi đi dự. Nó còn bảo là chúng nó sẽ múa điệu Khácmanđalư nữa! Vợ tôi đang có mang không đi được, nên tôi phải đi thay.
    Trong khi đó, cái bà đòi các nữ sinh phải mang bít tất dày màu đen cứ ra sức tuyên truyền để lôi kéo thêm đồgn minh cho mình. Cái ông đòi phải dạy các môn bằng tiếng Đức thì cứ bô bô kể chuyện đời sống bên Đức.
    1 ông còn trẻ ngồi bên trái tôi quay sang hỏi:
    -Xin lỗi, ông có biết người ta nói gì không ạ? Tôi chả hiểu gì hết!
    Tôi nói vắn tắt lại cho ông ta biết những ý kiến trái ngược nhau trong cuộc họp.
    -Ông cụ này thì đề nghị cám trẻ con chơi đá bóng và phải giáo dục chúng theo truyền thống cũ. Bà giáo kia thì than phiền về việc học sinh trốn học đi chơi. Còn bà này thì...
    -Làm thế nào ra khỏi đây bây giờ nhỉ? Tôi bị nhầm mất rồi! Mấy ông bạn chơi sỏ tôi. Họ không nói rõ cho tôi biết gì cả. Hôm nay là tôi phải đi họp công đoàn... Suýt nữa tôi đứng lên phát biểu về quyền tự do bãi công thì có thật là đơ không?
    Bà tóc hoa râm đứng lên yêu cầu trật tự:
    -Thưa các vị! Các trò học ở trường ta đây đều là con em các gia đình nghèo. Gần 1 nửa trong số 670 nữ sinh của chúng ta không có đủ tiền để sắm cả sách giáo khoa. Trách nhiệm của chúng tôi là phải trợ cấp bữa ăn trưa cho ít nhất là 100 học sinh. Và chuyện này, chúng tôi xin nói thẳng là trông mong vào sự trợ giúp của các vị.
    -Trợ giúp! - 1 bà phụ huynh kêu lên - Lúc nào cũng trợ giúp! Suốt đời chỉ thấy con gái đòi hết tiền này đến tiền khác không biết để làm gì? Không cho thì nó nói: "Mẹ không cho thì con không đi học đâu! Con xấu hổ với tụi bạn lắm!" Vậy tôi xin hỏi, những tiền ấy nó đi đâu? Không thể ngày nào cũng cho tiền mãi được! Phải qui định dứt khoát mỗi tháng là bao nhiêu tiền chứ! Và phải làm sao để chúng tôi ai cũng có thể kiểm tra xem tiền ấy chi dùng vào việc gì chứ!
    -Đúng đấy - tôi gào lên.
    Bị đỏ mặt, bà tóc hoa râm bèn hỏi cái bà vừa yêu cầu phải cho biết tiền trợ giúp các học sinh nghèo được chi dùng vào việc gì xem con gái bà ta tên là gì.
    -Guynten Iasôba ạ!
    Bà tóc hoa râm "hừm" 1 tiếng.
    -Lớp 3B, số 141. Guynten Iasôba phải không? Đúng rồi... Từ sau hè, con gái bà chỉ đi học có 1 tuần thôi, rồi không thấy đến trường nữa. Chúng tôi đã biên thư báo cho bà biết chuyện này...
    -Thế chả hoá tôi nói điêu hay sao? - bà phụ huynh nọ tức lắm - Ngày nào con gái tôi cũng xin tiền, bảo để giúp ai không biết - đoạn bà quay sang bà bên cạnh phân trần.
    -Mà tối cũng không thấy nó về nhà. Thế thì chả hiểu nó lang thang ở đâu? Tôi và bố nó thì đã ly dị nhau. Nó sống với ông ấy...
    Cứ thế, phòng họp có khoảng 30 người, nhưng người nào cũng ra sức nói to để át người khác và để bảo vệ ý kiến của mình, nên khắp phòng cứ ào ào như chợ vỡ.
    Cuối cùng bà tóc hoa râm phải kêu lên:
    -Đề nghị trật tự! ồn quá, không còn nghe thấy gì hết! Ai muốn phát biểu đề nghị nỗi lần lượt, chứ không nói cùng 1 lúc như vậy.
    1 rừng tay giơ lên. Ông có tuổi được phát biểu đầu tiên.
    Sau khi mở đầu bằng câu "Kính thưa các thầy cô giáo" ông bắt đầu trình bày về cái tác hại của bóng đá, về ảnh hưởng xấu của nó đến tư cách, đạo đức và tư tưởng của học sinh. Ông kể rằng những người đầu tiên chơi bóng đá là những người Ia***. Bấy giờ chưa có bóng, nên họ phải đá bằng cái sọ của 1 người tử vì đạo tên là Huyxên. Vì thế chơi bóng đá là 1 tội rất lớn.
    Nghe ông kể lể con cà con kê mãi, mọi người sốt ruột không chịu được nữa, phải đồng thanh kêu lên:
    -Thôi đi! Cho chúng tôi còn nói với chứ!
    Ông phát biểu thứ 2 đề nghị mọi người hãy xới thêm 1 xuất cơm vào cặp ***g của con em mình để tương trợ các em khác "Chúng ta làm như thế để ủng hộ các em con nhà nghèo" - ông ta nói, đoạn quay sang than phiền về chuyện giá sinh hoạt đắt đỏ, chuyện không có bơ tốt để bán, chuyện than củi khan hiếm...
    Bài diễn văn của ông tưởng chừng không bao giờ chấm dứt. Bị kéo ngồi xuống ghế rồi mà ông còn tiếp tục lẩm bẩm 1 mình.
    Biết rằng có theo thứ tự thì chẳng đời nào đến lượt, nên bất chấp cả trật tự, tôi đứng phắt dậy nói luôn:
    -Thưa các ông các bà!
    Tôi bắt đầu. Nhưng thực ra vẫn chưa biết nói gì. Tôi bèn kể luôn 1 câu chuyện tiếu lâm về Khốtgia Naxrêđin để lôi kéo sự chú ý của mọi người đã. Nhưng không may, đến đúng đoạn hay nhất, thì tôi quên béng đi mất. Thế là tôi đành phải nói chữa thẹn: "Câu chuyện kết thúc thế nào thì chắc các vị đã biết cả rồi".
    Lúc này mà ngừng nói, dù chỉ 1 tích tắc thôi, là người khác sẽ cướp lời ngay. Vì thế, chả cần logic quái gì cả, tôi nói luôn sang chuyện khác.
    -Nếu con cái chúng ta bị đúp, thì lỗi hoàn toàn là ở các bậc cha mẹ hết!
    Tôi nói thế cốt để lấy lòng ban giám hiệu, vì tôi cũng sợ con gái tôi bị đúp.
    -Các bậc phụ huynh bây giờ không chịu quan tâm gì đến con cái của mình cả - tôi tiếp tục ba hoa - Có những ông bố thậm chí không biết con mình học trường nào lớp nào nữa.
    Tôi bắt đầu hăng máu, không còn ai ngăn được nữa.
    Các giáo viên vỗ tay hoan hô tôi nhiệt liệt.
    Cuối cùng, bà tóc hoa râm phải bảo:
    -Bây giờ khí đã muộn, nên ý kiến của ông xin để đến cuộc họp sau vậy!
    -Nhưng tôi đã nói được gì đâu!
    Lúc ra về, tôi được các giáo viên tiễn ra tận cổng và cảm ơn rối rít. Nhưng vừa về đến nhà, thì lại bị vợ độp ngay cho 1 câu:
    -Anh đi đâu suốt từ tối đến giờ?
    Tôi nhìn đồng hồ: kim đã chỉ 10h.
    -Đi họp phụ huynh chứ đi đâu! - tôi đáp - Anh đã phát biểu rất hăng và ý kiến của anh được các giáo viên rất thích. Anh nói là các phụ huynh không chịu quan tâm gì đến con cái cả, cứ mặc cho chúng chơi bời lêu lổng, đến lúc bị đúp thì bao nhiêu tội lại đổ cả lên đầu giáo viên.
    Bỗng con gái tôi chạy như bay vào phòng:
    -Bố ạ! Các thầy giáo con lại hỏi tại sao bố không đi họp đấy?
    Vợ tôi lập tức tra khảo ngay:
    -A, thế ra những điều anh vừa nói là dối trá hết! Anh chui rúc ở đâu đến tận nửa đêm mới về mà bảo là đi họp hở?
    -Bố vừa họp ở chỗ con về mà...
    -Nhưng con cũng vừa ở đấy...
    -Thì bố cũng vừa họp ở trường nữ sinh của con mà...
    -Sao bố lại đến trường nữ sinh? Con có học ở trường nữ sinh đâu! Con học ở lớp cuối trường Baiadít cơ mà!
    -Thế nào? - vợ tôi sửng sốt - Tao gởi mày đến học ở trường nữ sinh Khôkhora kia mà!
    -Nhưng con bị đuổi khỏi đấy từ lâu rồi mẹ ạ!
    -Trời ơi, con mất dạy - tôi điên tiết sấn vào đứa con gái - Tại sao mày không nói cho bố mẹ biết mày học ở đâu, học hành ra sao hở? Con cái nhà mất dạy đến thế là cùng!...
  6. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Biết ơn vạn bội​

    -Bạn thân mến. Tôi mới quen 1 thiếu phụ. Duyên mau thật sự!
    -Nàng đẹp lắm hả?
    -Còn phải hỏi. Anh xem, ảnh của nàng đây.
    -Đẹp thật đấy!... Cố gắng, đừng bỏ lỡ đấy.
    -Hẳn đi chứ!... Anh có biết tôi say đắm đến thế nào không.
    -Nhưng nàng có chú ý đến anh không?
    -Hẳn là có...
    -Thế thì phải chinh phục ngay trái tim nàng.
    -Tình hình thế nào, có gì hay không đấy?
    -Tuyệt lắm. Hôm nọ tôi đã kể anh nghe rằng tôi có 1 nàng...
    -A, thế nào rồi?
    -Tôi yêu, yêu đến mất trí.
    -Nhưng nàng có yêu anh không?
    -Chưa biết.
    -Phải làm sao cho nàng yêu anh!
    -Làm thế nào?
    -Điều ấy thì tôi có thể bàn với anh được. Thứ nhất là quà tặng. Phụ nữ bao giờ cũng thích được quà. Đầu tiên có thể là hoa, đặc biệt là tử đinh hương... Sau đó đến 1 thứ quí hơn... Và nhớ thường xuyên nói với nàng rằng nàng rất thông minh.
    -Hay đấy, tôi sẽ cố theo lời anh nói.
    -Trời ơi, tôi không biết nói sao để cám ơn anh cho hết!
    -Mọi việc tốt đấy chứ?
    -Bạn thân mến, anh thật hiểu lòng dạ đàn bà. Tôi đã làm theo đúng ý anh. Nàng đối với tôi hoàn toàn có thiện cảm rồi. Nhân danh đấng Ala, anh bảo tôi làm gì bây giờ?
    -Anh phải mời nàng xem phim. Nhưng phải chọn phim đừng nghiêm túc quá, có thể là 1 chuyện gì bi thảm, 1 hài kịch nhẹ nhàng, hoặc 1 màn vũ nhạc gì đó. Xem xong nhất thiết phải va-ni. Nhớ rằng trong túi anh luôn luôn phải có sô-cô-la và phải mời nàng ăn luôn.
    -Thế nào tôi cũng làm đúng lời anh dặn. Tôi yêu đến hoá điên rồ.
    -Hôm qua bọn mình xem phim. Vào rạp tôi mời kẹo sô-cô-la. Nàng bằng lòng lắm. Xem xong vào hàng bánh kẹo ăn kem va-ni. Nàng bảo tôi là hạng đàn ông có thẩm mỹ tinh tế. Tuần này bọn mình định đi chơi xa. Nhân danh Đức Ala, anh khuyên tôi đi hướng nào nhỉ?
    -Theo tôi, các bạn nên ra đảo Hoa cương. Nên thuê 2 con la mà cưỡi. Sau đó ra bãi tắm. Rồi đi khiêu vũ. Nhưng nhớ chỉ mời nàng nhảy van thôi đấy.
    -Lạy Chúa!... Làm áo tôi chinh phục được người đàn bà ấy nhỉ!
    -Anh có theo đúng lời tôi, mọi việc đâu sẽ vào đấy!
    -Tôi thật không biết cám ơn anh thế nào cho hết.
    -Không cần... Tôi chỉ muốn truyền kinh nghiệm cho anh thế thôi.
    -Thế nào, các bạn có đi chơi không đấy?
    -Đi chứ!... Tuyệt vời lắm! Nhưng tôi không gặp may...
    -Sao vậy?
    -Hoá ra nàng có chồng rồi. Chúng mình chỉ dạo chơi thôi, chẳng có gì hơn nữa.
    -Thế nàng có yêu chồng không?
    -Không đâu, nàng bảo chồng thô lỗ, ngu độn như lừa, chẳng hiểu gì hết, đối với anh ta, tâm hồn phụ nữ là 1 buồng tối.
    -1 thiếu phụ đáng thương! Vì sao nàng không ly dị đi?
    -Nàng bảo nếu tôi đáng tin thì ngay hôm nay nàng sẽ nộp đơn ly dị! Tôi không biết mình phải làm gì...
    -Chớ để mất nàng!
    -Công việc của anh thế nào?
    -Anh đừng có hỏi. Bọn mình chưa 1 lần nào hôn nhau. Nàng nhút nhát quá. Nhưng tôi cảm thấy nàng yêu tôi.
    -Tiếp tục tặng quà đi. Mua nước hoa đắt tiền vào, chẳng hạn nước hoa "Xan đan" ấy. Sau đó... tôi cũng không biết... mua 1 loại vải đẹp đi... Hầu hết phụ nữ thích màu xanh lưo hoặc là xanh nhạt.
    -Ngộ chồng nàng biết thì sao?
    -Làm gì mà đoán ra được? Chính nàng nói hớ ra rằng hắn ta là 1 gã khờ kia mà. Nếu anh muốn tôi sẽ đi chọn vải giúp anh...
    -Hay quá... Ta đi luôn nhé!
    -Tình hình thế nào rồi?
    -Tốt quá anh ạ! Tôi đưa nước hoa, nàng bảo đúng là thứ nàng thích nhất. Tôi tặng vải, nàng sướng rơn lên. Bạn ơi, tôi đang hớn hở như 1 cậu học trò. Anh bảo tôi phải làm gì để có nàng trọn vẹn?
    -Anh hãy đọc cho nàng nghe những vần thơ của Iakhi Kêman. Phải thề thốt sẽ lấy nàng làm vợ. Phải hối thúc nàng mau mau ly dị gã khờ kia.
    -Lân nay anh trốn biệt đi đâu thế?
    -Bận quá, không gặp anh được. Nàng ly dị rồi đấy!
    -Thế anh vẫn quyết lấy nàng đấy chứ?
    -Tất nhiên.
    -Vậy thì phải nhanh nhanh lên, kẻo...
    -Tôi không biết lấy vì đền đáp ơn anh. Hôm qua chúng tôi làm lễ thành hôn rồi. Anh đã cho tôi 1 hạnh phúc lớn quá. Tôi đã có được gia đình, có vợ, có người yêu thương...
    -Người anh em của tôi ơi. Tôi phải cám ơn anh mới đúng, chính anh đã cho tôi hạnh phúc lớn lao. Chính anh đã giúp tôi thoát được khỏi cái con vợ yêu quái của tôi đấy!
  7. kieuphonghcm

    kieuphonghcm Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/01/2005
    Bài viết:
    45
    Đã được thích:
    0
    Co ban nao co ban tieng Anh cua truyen "Con ca''i chu''ng ta gio?i tha^.t" không? (hoặc dia chi web ) thi gioi thieu cho minh.
    Cam on truoc
  8. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Lên giá đến nơi rồi! ​
    Khách khứa đến chơi tối. Giữa chừng câu chuyện có người hỏi:
    -Nhà bác có đường không?
    -Tất nhiên. Hôm qua vừa mua 1 cân.
    Ông khách mỉm cười:
    -Bác điên à? Mua mấy bao đường mà cất đi. Đường sắp hết rồi!
    Không phải mấy cân mà là mấy bao mới sợ chứ!
    1 người quen tôi lại đến bảo:
    -Bác đã mua dầu chưa?
    -Cũng còn một ít.
    -Dầu hoả rồi sẽ không bán nữa đâu, mua lấy mươi 15 can mà cất đi...
    Không phải mươi 15 lít mà mươi 15 can mới sợ chứ!
    1 ông bạn đến hỏi:
    -Bác có trà không?
    -Có chứ, mới mua 1 gói.
    -Trời ơi, bác vẫn còn tỉnh táo đấy chứ? Bác phải mua ngay 40, 50 gói, chỉ tuần sau là đốt đuốc ban ngày cũng không tìm thấy đâu bán.
    1 ông bạn khác khuyên:
    -Đậu trắng, bác có biết không. Chạy đi mà mua lấy 5, 10 bao. Sắp đắt đến nơi rồi.
    Không phải 5, 10 cân, mà 50 bao mới sợ chứ!
    Ông hàng xóm sang hỏi:
    -Bác còn xà phòng không?
    -Cũng còn mấy bánh.
    -Thế bác không biết chuyện gì à? Ai cũng chạy đi mua xà phòng cả!
    Lại 1 hàng xóm khác đe:
    -Bác đừng nói với ai nhé! Dầu oliu lên giá đến nơi rồi. Bác đi mua lấy vài can kẻo muộn.
    Nếu nghe lời kẻ quen người thuộc thì nhà tôi phải thành kho thực phẩm, còn tôi thì phải thuê khách sạn mà trú.
    "Bác phải tìm nơi tích trữ..." "Không phải 1 vài cân, mà là mấy bao, mấy thùng, mấy bịch".
    Sáng danh Đức Ala, tôi làm gì có tiền! Tôi chỉ chạy được 1 cân dầu ôliu, 3 bánh xà phòng, 1 gói trà, 1 cân đường thôi. Nhưng khi có người đến hỏi:
    -Bác có đường không?
    -úi chà chà! Đầy cả gầm giường!...
    -Thế dầu hoả?
    -100 thùng chẵn - tôi bịt ngay miệng ông ta lại.
    -Còn trà?
    -Thừa thãi - tôi đáp đầy chán ngá - tôi đã mua 500 gói để dành.
    ... Suốt mấy ngày liền, tôi ngồi trên chiếc xe buýt chạy trên tuyến đường từ nhà tôi ở phố Erenquê đến phố Cađưcây. Ngày hôm qua tôi bèn đi liền tù tì đến tận chuyến cuối.
    -Xin lỗi bác - người bán vé hỏi - chúng tôi đã đi 8 chuyến, sao bác còn ngồi. Vậy bác định đi đâu thế?
    -Tôi phải ngồi đến tận chuyến cuối mới thôi.
    -Sao lại thế?
    -Anh đừng nói với ai nhé. Giá vé xe buýt cũng lên đến nơi rồi! Hôm nay còn rẻ, tôi phải cố đi cho nó đã!

Chia sẻ trang này