1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Truyện ngắn hay của Thảo Hảo - Phan Thị Vàng Anh

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi nhl81, 01/02/2007.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. nang_tien_tren_cong_co

    nang_tien_tren_cong_co Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    23/03/2003
    Bài viết:
    1.101
    Đã được thích:
    0
    Tản văn của Thảo Hảo càng đọc càng thích NHL81 với Andersen còn sức thì cứ post hết lên, riêng tớ thì càng nhiều càng ít. Truyện ngắn đọc cũng hay nhưng giờ tớ đâm ra còn thích tản văn hơn cả truyện ngắn nữa. Hình như càng về sau này Vàng Anh càng sâu sắc, đọc đã thật
  2. nhl81

    nhl81 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/09/2005
    Bài viết:
    445
    Đã được thích:
    0
    Thêm một người yêu thích Vàng Anh, mình đã định thôi ko post nữa, nhưng bây giờ mình sẽ cố gắng tìm và post tiếp bài của Vàng Anh cho mọi người cùng đọc.
  3. nhl81

    nhl81 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/09/2005
    Bài viết:
    445
    Đã được thích:
    0
    Ai sẽ làm việc này đây
    Thảo Hảo
    ********​


    Cả đám ăn trưa xong, ra đến bãi gửi xe thì thấy ở giỏ xe mỗi người đã có một tờ rơi in trên giấy cứng, vẽ một con gấu mặt buồn bã. Nội dung:
    Kính chào quý khách
    Hiện nay chúng tôi có
    TRẠI GẤU
    Trọng lượng từ 150 đến 300 kg/con
    Quý khách có nhu cầu lấy mật trực tiếp
    TỪ GẤU ÐANG SỐNG
    Chúng tôi đưa đón miễn phí. Xe xuất phát vào hồi 7h30 sáng thứ bảy hàng tuần tại cổng chính công viên X, TP. HCM.
    Xin liên hệ chúng tôi tại..., số điện thoại...
    Quý khách có xe riêng đi đến trại theo sơ đồ sau...
    (sơ đồ vẽ rất chi tiết, dễ tìm)
    Hai tuần trước, trong chương trình "Người Ðương Thời" của VTV3, đạo diễn Lê Hoàng - người làm phim "Gái Nhảy" - có nói về ý thức trách nhiệm công dân của văn nghệ sĩ bên cạnh việc làm nghệ thuật, giải trí đơn thuần. Bản thân ông là người rất quan tâm đến các vấn đề khác nhau trong xã hội (chứ không phải chỉ vũ trường). Ông là người vẫn viết các bài tiểu phẩm châm biếm, và trong chương trình Người Ðương Thời này, người ta giới thiệu một bài mới viết của ông, trước một vụ việc thời sự. Bài có tên: "Ðiếu văn đọc trước mộ bò"[1]
    Ðại ý, hai mẹ con bò tót thấy một quan chức kia là rất xấu xa, nhưng mãi các cơ quan chức năng chưa phanh phui ra. Hai con bò bàn nhau, thôi thì mình hy sinh, chạy ra trước họng súng khi kẻ kia đi săn trộm, nhân cái chết của mẹ con mình, người ta mới phanh phui ra những cái tội còn to gấp trăm lần của hắn - những cái tội làm hại đến con người chứ không phải chỉ con bò, nhưng phải nhờ đến con bò thì con người mới đi tố cáo.
    Tổng hợp cả lại: ý của đạo diễn Lê Hoàng về trách nhiệm công dân của nghệ sĩ, bài viết về mẹ con hai con bò tót của ông, thêm tờ rơi quảng cáo hút ******* sống, tôi xin thử đề xuất một chuyện sau với một số văn nghệ sĩ (và chỉ một số thôi ạ!).
    Ðó là lâu nay tôi thấy các vị sống một đời sống thật là phí phạm, với mình và với cả đất nước.
    Sống bằng sự nhớ dai của những người yêu thơ và mến văn, đã từ lâu không sáng tác nữa, nhưng các vị vẫn an tâm, chẳng thấy cần làm gì nữa.
    Nhận một thứ lương nhỏ nhoi của những cơ quan văn nghệ, các vị làm việc cầm chừng rồi la cà trong quán nước; ngây ngất hơi rượu, các vị nói những chuyện thông minh và chua cay về người này kẻ nọ trong giới văn chương. Còn cái cuộc sống cụ thể xung quanh đang ngùn ngụt thay đổi, với những tin vui đến chảy nước mắt cùng những điều bất cập, ngu dốt nghe mà tức đến nghẹt thở, đều bị các vị coi khinh, như chuyện của người khác. Coi việc khoanh tay đứng bên lề cuộc sống như một việc sang trọng, các vị chẳng bao giờ dùng ngòi bút của mình lên tiếng nói như một công dân trong cuộc.
    Nhưng tôi biết, là nghệ sĩ, các vị còn yêu thiên nhiên, còn sự đa cảm, chẳng nỡ bó tay nhìn bầy gấu bị hút mật sống ngay giữa lòng một thành phố văn minh. Vả lại, đến mẹ con con bò tót còn xả thân cho công lý như thế được, chẳng lẽ ta không thể hy sinh để cứu gấu sao?
    Thế thì "2 trong 1", nên chăng có người trong các vị hy sinh làm một chuyện sau:
    Hãy mượn cho được một khẩu súng săn, và đi săn trộm trong rừng quý. Rình bắn cho được một con gấu. Bắn được cả hai mẹ con nó càng tốt. Rồi làm cách nào cho kiểm lâm họ túm gọn cả ta lẫn gấu.
    Khi đó, tên của các vị có thể trở lại một cách tiếng tăm trên mặt giấy, dù là trong một vụ săn trộm. Nhưng đó là chuyện nhỏ. Chẳng ai cần chuyện ấy, đúng không ạ! Hy sinh này chỉ cốt để cho vế thứ hai: đó là nhân vụ việc đó, người ta sẽ nói rằng "gấu là động vật quý, phải bảo vệ". Và thế thì, khi ra tòa, xin các vị cãi hộ cái câu này:
    "Nếu các ông bảo là nó quý, sao vẫn để bao nhiêu đứa giết gấu dần mòn, công khai ngay giữa ban ngày?
    Thưa các vị,
    Lằng nhằng quá phải không? Nhưng một kế hoạch giải cứu phải có những bước zích zắc của nó. Tôi đã tính kỹ càng (tuy có hơi lẩn thẩn) từng bước để cứu loài gấu. Nhưng tới đây, tôi chợt nghĩ lại, có một yếu tố quan trọng, rất có thể làm hỏng bét kế hoạch của chúng ta.
    Ðó là: các vị chỉ là văn nghệ sĩ. Nếu lâu nay các vị vẫn sống vô trách nhiệm, bông đùa, không có gì là nghiêm túc, thì xã hội gọi là phục tài đó mà vẫn có phần xem thường các vị; nhìn các vị phù du như chim hoa cá kiểng, hoặc coi hành vi của các vị nhiều phần chỉ như của trẻ con hư.
    Nếu người ta đã xem thường mình như thế, thì đến ngay cả khi mình phạm tội, cái tội ấy cũng có cơ bị người ta xem thường nốt.
    Vậy nên, việc bắn chết gấu của các vị rất dễ bị người ta phẩy tay bỏ qua, chỉ coi là một chuyến thực tế lên mây của mấy ông làm thơ say rượu lỡ tay cò.
    Và thế thì, mọi chuyện chẳng đâu vào đâu cả. Kế hoạch của chúng ta tan nát. Các vị được thả, mà gấu thì mất.
    Ồ, nhưng vẫn chưa mất hết. Vẫn còn túi mật. Ngâm ra cũng được mấy bầu rượu (thơ).
  4. nhl81

    nhl81 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/09/2005
    Bài viết:
    445
    Đã được thích:
    0
    Biết tin ai bây giờ
    Thảo Hảo
    *********​
    Như thế này:
    Ông bà chủ giàu sang có mỗi cô con gái rượu. Hàng ngày cô có anh tài xế đưa đi học. Một hôm cao hứng, anh ôm cô, hôn. Cô tát cho anh một cái rồi đi mách bố mẹ. Anh tài xế thế là bị đuổi việc. 10 năm sau. Cô gái đã bỏ chồng. Ông bà chủ sa sút. Biệt thự bán đi. Ðã có lúc cùng quẫn cả nhà đe nhau treo cổ. Anh tài xế ngày xưa đột ngột xuất hiện, tay hoa hồng, tay chai rượu, đến cầu hôn. Cô gái không yêu nhưng đồng ý, với điều kiện: anh phải trả cô 200 triệu và chỉ 6 tháng vợ chồng.
    Họ về sống với nhau, ngay trong ngôi biệt thự cũ (anh đã mua lại).
    ***********
    Làm ơn lấy giấy, bút, và hãy làm bản trắc nghiệm sau, xong tôi nói bạn nghe chuyện này...
    Bạn là cô con gái nói trên. Khi lấy anh tài xế, bạn vẫn chỉ mong cho hết 6 tháng hợp đồng hôn nhân trên. Những ngày đầu mới về, bạn thấy gớm mỗi khi anh chồng này đến ôm lấy bạn. Anh đụng đến người là bạn né. Cho nên:
    1. Những lúc anh đùa âu yếm:
    (a) Bạn cười gượng gạo hoặc không cười, lảng tránh (b) Bạn liếc mắt, mắng yêu anh ấy.
    2. Bạn không muốn ngủ cùng anh ấy. Buổi tối:
    (a) Bạn lên ngủ với con riêng của bạn. (b) Bạn khiêu khích: "Mèo mà chê mỡ à!"
    3. Có một cô gái là bạn thân của anh ấy đến tìm. Cô rất đẹp, và lẳng lơ. Anh ấy không có nhà. Bạn xông ra:
    (a) Tiếp đãi bình thường, nghĩ bụng: "Có con này càng tốt." (b) Ghen tuông ***g lộn. Xưng mình là vợ. Làm cho cô kia mất mặt.
    4. Rồi đến lúc, bạn thấy yêu anh ấy vì anh ấy quá tốt với con bạn, bố mẹ bạn, và bạn. Bạn không muốn ngủ một mình nữa. Bố mẹ bạn lại thúc giục việc ngủ chung. Anh ấy cũng muốn ngủ chung. Bạn gọi anh ấy sang phòng bạn:
    (a) Mọi việc sẽ diễn ra bình thường. (b) Chỉ là đóng kịch. Ðợi đến khi bố mẹ bạn ngủ rồi, bạn bắt anh ấy phải quay về phòng của mình.
    Rồi, bạn thuộc loại (a) hay là loại (b)? Tôi có hỏi một số người, tất cả là (a). Tôi cũng vậy. Thế người là (b) thì sao? Tôi cắt và ghép lại đây cho bạn thấy (b) là người nào:
    Khi lấy anh tài xế, bạn vẫn chỉ mong cho hết 6 tháng hợp đồng hôn nhân trên. Những ngày đầu mới về, bạn thấy gớm mỗi khi anh chồng này đến ôm lấy bạn. Anh đụng đến người là bạn né. Cho nên những lúc anh đùa âu yếm, bạn liếc mắt, mắng yêu anh ấy. Bạn không muốn ngủ cùng anh ấy. Buổi tối bạn khiêu khích: "Mèo mà chê mỡ à!" Có một cô gái là bạn thân của anh ấy đến tìm. Cô rất đẹp, và lẳng lơ. Anh ấy không có nhà. Bạn xông ra, ghen tuông ***g lộn, xưng mình là vợ, làm cho cô kia mất mặt.
    Rồi đến lúc, bạn thấy yêu anh ấy vì anh ấy quá tốt với con bạn, bố mẹ bạn, và bạn. Bạn không muốn ngủ một mình nữa. Bố mẹ bạn lại thúc giục việc ngủ chung. Anh ấy cũng muốn ngủ chung. Bạn gọi anh ấy sang phòng bạn, nhưng chỉ là đóng kịch. Ðợi đến khi bố mẹ bạn ngủ rồi, bạn bắt anh ấy phải quay về phòng của mình.
    ***********
    Ðó là kịch "Hợp Ðồng Hôn Nhân", đang diễn ở Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần. Ðúng là một khối lùng nhùng của những phản ứng bất nhất. Bản trắc nghiệm trên mới chỉ ra cái sự bất nhất của cô con gái. Tôi còn có thể làm thêm bản trắc nghiệm cho hai vợ chồng ông chủ, của anh chồng cũ, và nhất là của anh tài xế. Bất nhất đến nỗi nhân vật không còn tính cách. Họ chỉ còn là những cái xác đựng những phản ứng bất chợt của biên kịch. Có lẽ trong lúc viết, biên kịch nghĩ cái phản ứng này thì gây hiệu quả sân khấu đây, và cứ thế nhồi vào nhân vật, bất kể lúc đầu mình định nặn nó thành người tốt hay người xấu.
    Có người bạn tôi làm một bộ phim tài liệu nhỏ về kịch nói Việt Nam. Nhận xét của chị về kịch VN là: tâm lý không lô-gích nên dẫn đến kịch tính giả tạo. Thôi, chị không phải mắng chúng tôi chị ạ. Chúng tôi đã phải trả giá rồi đây, không thấy sao: sân khấu kịch sống mà như chết. Chết theo một cách khác, sân khấu hơn. Nghĩa là khán phòng vẫn đông, màn hạ vẫn có vỗ tay, lúc diễn thì khán giả cười vang từng chặp. Nhưng kịch mới chỉ động được ví người mua vé mà chưa động đến trí não người xem. Người ta ngồi xem diễn viên vấp té, nói giỡn trong một tư thế hưởng thụ thụ động như xem "Trong nhà ngoài phố" ở truyền hình. Thụ động vì người ta không giật mình nhận ra bản thân ở những nhân vật kịch đó. Mà nhận ra sao được, mỗi nhân vật ở đây, như đã nói, tính cách bất định, giả tạo, có lẽ chỉ tồn tại dưới ánh đèn lung linh của sân khấu (Việt Nam), làm gì có giữa ánh sáng ban ngày của cuộc đời thực.
    *************
    Có câu chuyện nhỏ sau, chắc nhiều người đã biết: một ông bố mang thằng con bé tí ra bờ biển, bảo nó bơi đi. Nó nói, con không biết bơi, chết thì sao. Bố nó bảo, chết sao được, tao ở đây mà. Nó nhảy xuống bơi và bị sặc nước. Trong cơn vùng vẫy, nó thấy bố mình đứng khoanh tay trên bờ. Thoát chết, nó đến sừng sộ, sao bố nói thế kia... Bố nó bảo, tao muốn cho mày biết, không tin ai được, kể cả ******.
    Một cách nào đó, đi xem những vở kịch bất nhất kiểu này cũng là một cuộc luyện-bơi-không-tin-nổi-bố. Bạn sẽ thấy ở đời đúng là không tin ai nổi, bởi vì chẳng hề có quy luật của tình cảm, tâm lý ở đây nữa: lúc (biên kịch và đạo diễn) đã hứng lên rồi thì ai cũng có thể hành động ngược với bản chất của mình, bất chấp những nguyên tắc về lô-gích tâm lý đã được dạy ở... trường sân khấu.
    (Thể thao-Văn hoá 2002)
  5. leminhvietviet

    leminhvietviet Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/08/2006
    Bài viết:
    26
    Đã được thích:
    0
    Hay thật, mình đọc tản văn của PTVA trên báo TTVH từ lâu, vậy mà nay đọc lại vẫn thấy thích, tiếc rằng bây giờ không còn những bài viết kiểu như vây, mục phỏng vấn siêu tưởng của Lê Hoàng trên TTVH giờ cũng không còn thấy nữa
  6. nhl81

    nhl81 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/09/2005
    Bài viết:
    445
    Đã được thích:
    0
    Có giáo dục mà vẫn đáng ghét
    Thảo Hảo
    ******​
    Có những tài liệu in đã lâu, nhưng tính thời sự và đúng đắn của chúng vẫn còn thích hợp với ngày hôm nay. Nếu chúng ta đọc được, và đưa ra cho mọi người cùng đọc (thay vì giữ riêng làm tài liệu), thì đó là một cách tiết kiệm chất xám, của người đi trước, cho người đi sau. Ðó là chưa kể đến lợi ích tiết kiệm...giấy, bởi vì sách in ra đâu phải chỉ đọc trong một lần, một thế hệ.
    Ðây là đoạn trích diễn văn khai mạc của Thủ tướng Nehru đọc tại Ðại hội lần thứ X của Tổng liên đoàn Giáo giới Quốc tế, diễn ra tại New Delhi vào năm 1961. (Không thấy ghi tên người dịch của bài này. Xin thông cảm. Tít đoạn trích do người chọn đặt)
    Tôi cho rằng khắp nơi mọi người đều lưu tâm đến giáo dục, bởi vì càng ngày người ta càng ý thức được rằng chính bằng giáo dục mà người ta có thể ảnh hưởng đến tâm trí chúng ta một cách thiết thực, và nhờ đó ảnh hưởng đến thời cuộc. Tôi nghĩ về bài mở đầu Hiến chương UNESCO, đã nói rằng chiến tranh khởi sự từ tâm trí con người. Vậy nếu chiến tranh khởi sự từ tâm trí con người chắc chắn như là nó đã xảy ra, thì người ta cần phải gây ảnh hưởng trên tâm trí nam nữ quần chúng.
    ...
    Quý vị hội họp lại đây hôm nay để thảo luận những vấn đề này, trong khi khắp thế giới nhiều vấn đề nghiêm trọng đương diễn ra, và không một người nào có thể nói được việc gì sẽ xảy ra trong vòng mấy tháng sắp tới. Ðây thật là một tình trạng éo le và khó khăn, nhưng có lẽ chính sự khó khăn của tình trạng này có thể dẫn chúng ta đến chỗ suy nghĩ chắc chắn về những sai lầm trong sự suy tưởng của chúng ta - không phải chỉ chúng ta tại nơi này, mà nói chung cho mọi nơi khác. Có một cái gì chắc hẳn lệch lạc. Một bên, chúng ta đi đến kết luận rằng giáo dục cần phải là phương tiện để giải quyết những vấn đề của thế giới. Ðiều này thực rõ ràng. Nhưng chúng ta lại nhận thấy rằng những quốc gia và dân tộc có một nền giáo dục cao độ nhất trên thế giới, có tất cả những thuận lợi về mặt giáo dục kỹ thuật cũng như văn hóa, và đã thành công trong việc bài trừ được một số lớn những tai họa cố hữu mà từ trước nhân loại phải chịu đựng, như nghèo đói, v.v... lại không thể nào chung sống êm đẹp với nhau, mà còn nuôi căm thù đối với nhau.
    Như vậy, đây là hậu quả của các chính sách giáo dục hay của sự thiếu giáo dục? Có phải giáo dục dẫn đến thù hận, mặc dầu có một sự hiểu biết lớn lao? Ðây là một vấn đề mà tôi xin đem ra để quý vị nghiên cứu. Tôi tin chắc rằng giáo dục là điều thiết yếu, và tôi không hề phản đối giáo dục, nhưng sự thật là giáo dục, hay nói đúng hơn - một lề lối giáo dục mà chúng ta đã có trước đây không dẫn đến những phương thức giao tế hòa bình và hợp tác cho thế giới; chính phương thức giao tế ấy là điều cốt yếu cho việc tiến triển, hay nói thẳng ra, cho sự sống còn của thế giới. Ðiều này làm cho tôi bối rối.
    ...
    Và có điều làm cho tôi kinh ngạc, là trong khi nền giáo dục chắc chắn được quý mến, trở nên chính yếu và không thể tránh được, thì tôi lại không thấy những kẻ được giáo dục luôn luôn đáng mến. Thường thường họ có một tầm trí thức hẹp hòi và hay đổ gánh nặng lên những kẻ, mà họ xem như người dưới, họ hành động như vậy với tư cách một cá nhân, một đoàn thể, hay một quốc gia, bất chấp nền giáo dục của họ. Và mặc dầu đã được hấp thụ giáo dục, trên nhiều phương diện, họ cũng chỉ có được một trí óc hẹp hòi. Họ không nhìn vào trí óc người khác, đi sâu vào tìm hiểu, vì họ bắt đầu mọi việc bằng cách nghĩ rằng họ đã tìm được tất cả những gì họ muốn có trong đầu óc họ, và họ không chịu mở rộng trí óc đón nhận những cảm tưởng của kẻ khác. Chắc rằng đó không phải là một kết quả tốt đẹp của giáo dục. Giáo dục cần phải mở mang trí tuệ và làm cho một người có khả năng thấu hiểu những người khác, và để được người khác thấu hiểu họ.
    ...
    Và từ ngày rất xa xưa, các hiền triết và vĩ nhân đã nói với chúng ta rằng: căn bản của một nền giáo dục thực sự là tự biết mình, - dù điều này có thể mang ý nghĩa nào đi nữa - và đôi khi hình như trong khi tìm kiếm sự hiểu biết, chúng ta thâu lượm được một mớ kiến thức mà vẫn không khám phá được sự khôn ngoan thêm, và do đó chúng ra vẫn không hiểu nổi chính chúng ta hay kẻ khác, mặc dù chúng ta thu lượm được vô số những bản thống kê về cách thức người ta ăn như thế nào, người ta ăn bao nhiêu, và người ta làm những gì. Chúng ta có những pho sách lớn, những tài liệu thống kê về kinh tế và về những thứ khác, tuy vậy chúng ta vẫn thiếu đức khôn ngoan và đức khôn ngoan đó thiếu chính vào lúc khó khăn xảy ra. Làm cách nào để luyện được đức tính ấy - một chút khôn ngoan trong bộ máy giáo dục của chúng ta? Phải, đó là một vấn đề đáng cho quý vị nghiên cứu.
    Chớ có giật mình
    Ðoạn trích này (không rõ người dịch) nằm trong một bài phát biểu của Sir Ronald Gould - Chủ tịch Tổng liên đoàn Giáo dục quốc tế - phát biểu tại hội nghị Liên đoàn Giáo dục Quốc tế vào năm 1961. Tựa đề do người chọn đoạn trích đặt.
    Khi đọc "Candida" của Bernard Shaw, tôi cảm động trước tinh thần cao cả và lý tưởng của mục sư Morrell. Thế mà, vợ ông đã chỉ trích ông nặng lời: "Khi có tiền bạc để trao tặng thì chính ông đem cho; còn khi cần từ chối, thì lại chính tôi phải từ chối". Quả vậy, tất cả những gì dễ chịu thì phần ông, những gì khó chịu thì phần bà. Tuy ông có một tinh thần lý tưởng cao cả, chính ông là kẻ tính tình hèn kém hơn, đáng khinh đôi chút nữa là khác, bởi vì ông trốn tránh những trách nhiệm của ông.
    Một nhà kinh doanh có nói với tôi rằng, ông có thể tìm được hàng tá nhân viên có khả năng và vui lòng thi hành các mệnh lệnh, nhưng ít khi ông tìm thấy một người nào nhìn được những gì phải làm và làm công việc ấy với trách nhiệm riêng của mình. Vậy nên không có gì đáng kinh ngạc về việc Truman đã treo trước cửa văn phòng ông ở Bạch Ốc phương châm này: "The buck stops here", nói cách khác, "Ở đây người ta không thể đổ các quyết định cần phản chọn lên lưng kẻ khác." ... Tôi đã tham dự những buổi họp trong đó người ta phải đương đầu với nhiều công việc, và phải đưa ra những quyết định quan trọng. Tôi nghe một cách nhẫn nại những lời lẽ trống rỗng mà hoa mỹ, và những lời tuyên bố mơ hồ vu vơ không gây nên trách nhiệm nào cho kẻ nói ra.
    George Orwell đã nhận xét: "Kẻ thù lớn nhất của một ngôn ngữ minh bạch là sự thiếu thành thật" và tôi tự hỏi sự mù mờ ấy là do sự không làm chủ được ngôn ngữ một cách đầy đủ, hay là có nguyên nhân sâu kín hơn, và do một sự thiếu thanh liêm đạo đức.
    Tôi ghi lại những câu thường được dùng đến. Người thì nói: "Có lẽ tôi nhầm, nhưng mà...", kẻ khác nói: "Hãy sửa giùm tôi, nếu tôi lầm, vì đây chỉ là ý nghĩ thô sơ." Người thứ ba nói: "Ðây chỉ là một ý kiến ngộ nghĩnh vừa hiện ra trong trí tôi..." Nói như vậy, họ muốn gì? Phải chăng do đức khiêm tốn hay chỉ do sự đớn hèn tinh thần và đạo đức? Tôi để ý đến lối mở câu của họ. Thà rằng họ cứ nói, không cần ẩn ý nào: "Tôi nghĩ rằng...", "tôi tin rằng...", hay "tôi chắc rằng...". Nhưng họ không nói thế, và như thế tránh được việc gánh lấy một trách nhiệm. Trái lại, những người như Churchill, Lincoln đã không bao giờ trút trách nhiệm, họ đã biết chọn những quyết định, và chỉ định đúng vị trí của họ. Khi nói với hiệp hội các luật gia ở Oxford, Lord Atlee đã tuyên bố: "Ðiều cốt yếu trong thể chế Dân chủ là cai trị bằng những cuộc thảo luận, nhưng nền dân chủ sẽ không thể điều hành được trừ phi người ta ngừng nói." Lương tri chỉ rõ cho chúng ta rằng chính nền dân chủ sẽ lâm nguy vì những lưỡng lự tinh thần và đạo đức, và vì sự thiếu hăng hái đảm nhận lấy trách vụ trọn lựa những quyết định và hành động. ... Tự do và trách nhiệm, cũng như tình yêu và hôn nhân, bia và trò chơi ném đích, cá và khoai tây rán, Sodome và Gomorrhe, không thể nào tách rời nhau. Con người chỉ tự do một khi có trách nhiệm và ngược lại, con người chỉ có thể được xem như có trách nhiệm khi được tự do. Vì vậy Milton đã nói: "Không một người nào có thể hoàn toàn yêu mến tự do, nếu không phải là những người đức độ (nghĩa là những người có tinh thần trách nhiệm). Những người khác không phải yêu mến tự do mà chỉ là yêu mến sự phóng túng." Và đây là một vấn đề căn bản: Chúng ta có muốn các trường học của chúng ta sản xuất nên những người đức độ và những người công dân tốt hay không? Chúng ta có muốn cho các trường học của chúng ta làm việc như là những tổ chức văn minh không? Những người đức độ và những công dân phải là những kẻ chấp nhận một - cách - tự - do những trách nhiệm của họ.
    ... Vậy chức vụ của nhà giáo không phải chỉ việc nói đến tự do và trách nhiệm, mà còn phải dần dần truyền đạt những điều đó cho trẻ em, và nhờ đó dần dà làm cho mình trở nên ít cần thiết hơn đối với chúng.
    Thể thao- Văn hoá 2002
  7. nhl81

    nhl81 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/09/2005
    Bài viết:
    445
    Đã được thích:
    0
    Có đức mà không có tài
    Thảo Hảo
    *******​
    Ở một trường P.T.C.S miền núi phía Bắc, có một ông hiệu trưởng tên Tành quê Nghệ Tĩnh và hai cô giáo miền xuôi còn trẻ, Giao và Minh. Trường chỉ có hai phòng học, và những giáo viên là những người đã bị Bộ Giáo dục bỏ quên. Tuy nhiên, họ vẫn cố gắng, bằng cách của mình, duy trì các lớp học. Ông hiệu trưởng vô cùng tốt bụng nhưng dốt nát. Ông đem lòng yêu cô giáo Giao, nhưng cô yêu một anh chàng thăm dò địa chất, cũng người miền xuôi lên. Chuyện ân ái của cô và người yêu bên suối bị học trò bắt gặp. Và hậu quả là sau đó bọn học trò lớp cô Giao nghỉ gần hết vì cho rằng cô giáo như thế là xấu. Cô giáo còn lại (Minh) đem lòng yêu ông hiệu trưởng, nhưng không được đáp lại, cô tự ái bỏ về xuôi. Không còn cô giáo nào, ông hiệu trưởng phải một mình cáng đáng hai lớp học gồm khoảng mấy chục học trò với trình độ mới ở mức tập đọc, chính tả, và định nghĩa góc nhọn. Nhưng cố gắng đến mấy, ông cũng không thể nào dạy nổi, ông chỉ biết hát dân ca và cho đọc lại những gì các cô giáo đã dạy. Trường học miền núi thế là tan.
    Ðó là phim "Thung Lũng Hoang Vắng", mà trong brochure giới thiệu là "một bài thơ về nỗi cô đơn nhưng rất nhân bản". Xem rồi lại nhớ một bộ phim của đạo diễn Pháp, Bertrand Tavernier - phim "Bắt Ðầu Từ Ngày Hôm Nay......", nói về công việc của một thầy hiệu trưởng trường mẫu giáo vùng mỏ nghèo. Thầy phải đấu tranh với cái tăm tối của phụ huynh, cái thiếu hỗ trợ của chính quyền, và cả cái phá phách của đứa con riêng của vợ thầy. Cái sự cô đơn của thầy là sự cô đơn giữa đông đúc người, của một trí thức đang đấu tranh cho quyền lợi cộng đồng mà chưa đạt được kết quả. Nhân vật này làm người xem phải giật mình, tự hỏi rằng mình lâu nay đã thực sự sống cho ra sống chưa, khi chỉ dùng năng lực và kiến thức của mình vào những công việc có ích cho riêng bản thân. Nhưng để làm cho người xem giật mình và soi lại bản thân, thì đầu tiên, ông hiệu trưởng của Tavernier phải là một người giỏi trong chuyên môn cái đã. Chúng ta hay nói, có đức mà phải có tài. "Tài" đâu nhất thiết phải tài năng bẩm sinh, hơn người, mà đây chính là cái mà ông André Maurois đã viết, đó là sự đi đến tận cùng trong công việc mình làm, trong việc mình được giao, không thể lấy "miệng mồm đỡ chân tay", hay chân tay đỡ trí não được. Và đó lại là phẩm chất mà ông Tành của "Thung Lũng Hoang Vắng" thiếu hoàn toàn. Nếu như trong phim "Thung Lũng Hoang Vắng", các cô giáo chỉ gọi "anh Tành ơi" mà không gọi là "thầy hiệu trưởng ơi" thì người ta đã nghĩ ông Tành chỉ là một người làm tạp vụ tốt bụng trong trường: sáng ra đánh kẻng vào lớp, vận động học trò đến lớp; đi chợ mua rau, thắp đèn dầu, sửa mái lá... Chắc rằng thầy giáo miền núi thì phải làm kiêm nhiều thứ hơn thầy giáo miền xuôi, nhưng cái ông Tành này, ngoài những việc nêu trên, hoàn toàn không thấy có một phẩm chất gì thuộc về chuyên môn nhà giáo, chưa nói gì đến chuyên môn hiệu trưởng. Chưa bao giờ thấy ông đọc sách, kiểm tra giáo án. Buổi tối thì ông uống rượu (trong khi các cô giáo phải vào bản dạy lớp tối), hoặc ông sang phòng giáo viên nữ ngồi thừ ra làm người ta khó xử. Cái tốt của ông đi kèm cái dốt và tình cảm lộ liễu, nếu tôi mà là giáo viên như Giao, như Minh, ở một nơi hoang vắng như thế, chắc tôi đã phải gai người.
    Xem phim xong, cứ thắc mắc hoài, vì sao một người như ông Tành, chịu bao nhiêu năm xa quê để sống với ngôi trường miền núi, tâm huyết đến mức khó tin với việc làm sao cho học trò tới lớp như thế, mà lại bàng quan với những gì học trò học trong lớp đến vậy. Và một thầy hiệu trưởng mà sao dốt thế không biết! Ông này học trường nào ra? Ai cử ông làm hiệu trưởng? Hay là Bộ giáo dục (trong phim) thấy ông dốt mà tốt, Bộ cử ông làm cái chức này, để Bộ dễ bắt nạt và bỏ mặc ông? Ra khỏi phòng chiếu rồi còn thấy thương. Cái sự cô đơn của ông Tành, quả thực chẳng bao giờ giải quyết được đâu, trừ khi cho ông lấy cô Giao, hoặc cho ông về miền xuôi (nhưng phải tiếp tục làm hiệu trưởng, trong một ngôi trường có nhiều việc tay chân để làm).
    (Thề thao-Văn hoá 2002)
  8. nhl81

    nhl81 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/09/2005
    Bài viết:
    445
    Đã được thích:
    0
    Gửi ông X người ghét Karaoke
    Thảo Hảo
    *******​
    Thưa ông,
    Chắc ông cũng biết, trên cơ thể ta có một số bộ phận mang tính hai mặt. Nếu ta quản được (về mặt đạo đức) thì những bộ phận ấy làm đời ta vui. Nếu ta quản không được, thì mặt tiêu cực của các bộ phận ấy lấn át mặt tích cực. Vì thế, trong trường hợp cái bộ phận ấy còn lành lặn mà lại sinh tiêu cực, thì là do ta quản kém. Ta chỉ cần chỉnh cách ta làm chủ nó, chứ ta không phải cứ thế mà cắt nó đi.
    Nôm na ra, cái mồm ta chẳng hạn.
    Karaoke là một bộ phận của cơ thể xã hội, nhưng vì nó [1]
    1. có những yếu tố tích cực lẫn tiêu cực. Hiện yếu tố tiêu cực ngày càng nhiều, lấn át cả yếu tố tích cực,
    2. nhiều nơi vi phạm quy định về ánh sáng và âm thanh, không quản được,
    3. đa số lao động ở quán là nữ, và làm gái ôm, không quản được,
    người đến quán chủ yếu là những người tiêu tiền nhà nước chứ không phải tiền cá nhân, không quản được.
    Cho nên, dù đó là loại hình giải trí rất phổ thông, thì cũng:
    dẹp nó đi.
    Đó là lập luận của ông, người ký vào tờ trình của Bộ Văn hóa Thông tin, gửi Chính phủ ngày 2. 2. 2004, xin chính phủ hạ lệnh đến 01.01.2005 không cho các dịch vụ karaoke hoạt động nữa.
    Thưa ông,
    Bộ Văn hóa Thông tin, như mọi người vẫn nghĩ nôm na, là một bộ đảm bảo sao cho cuộc sống của người dân có?văn hóa. Và muốn làm được thế, với các hoạt động rõ ràng là vô văn hóa, Bộ cần cấm tiệt. Cũng như với các hoạt động rành rành là có văn hóa, Bộ cần khuyến khích.
    Nhưng ở đời không đơn giản thế!
    Có những vấn đề mập mờ, đi chênh vênh trên đường ranh giữa văn hóa với vô văn hóa. Và Bộ Văn hóa này hơn Bộ Văn hóa kia là ở chỗ nghĩ ra những biện pháp để xử lý. Làm sao sau khi xử lý thì cái khối mập mờ tốt xấu ấy "văn hóa" hẳn, cho người dân còn được sử dụng.
    Trong tờ trình gửi Chính phủ, ông có viết: "Qua thực tế khảo sát, karaoke không là nhu cầu thiết yếu của người dân. Nếu tiếp tục cho phép hoạt động, loại hình dịch vụ này sẽ diễn biến phức tạp, làm suy thoái đạo đức." [2]
    A! Tôi tin là mình đã hiểu được "bản chất" của ông rồi.
    Không phải ông giáo điều. Không phải ông cứng nhắc. Không phải ông thù hận, ông ghét con người. Chỉ vì ông là một công chức quan liêu, sợ trách nhiệm thôi. Ông ngồi đấy, bên ấm chè, nghe những báo cáo về cuộc sống ngoài kia đang bộn bề, "phức tạp" mà nẫu cả ruột. Ông chỉ muốn nhàn, chỉ muốn mọi thứ hạ xuống đến mức tối thiểu cho ít việc, cho khỏi suy nghĩ. Mà "phức tạp" là một tính từ nguy hiểm đối với ông, nó không xấu hẳn hay tốt hẳn. Nó phức tạp. Nó làm ông có nguy cơ phải chịu trách nhiệm nếu nó "diễn biến phức tạp". Mà quản lý để nó không "diễn biến phức tạp" lại là một việc hết sức phức tạp, theo ông. Ông làm ngơ trước việc bao nhiêu cơ quan đi chơi cuối tuần ở quán karaoke, tập các bài hát "đỏ" cho hội diễn. Ông cũng làm như không biết karaoke là nơi bọn thanh niên vẫn tổ chức những buổi vừa hát vừa ăn sinh nhật trong lành. Ông muốn rảnh tay thì ông chỉ lấy những mặt xấu của karaoke ra làm cớ để thủ tiêu cái quyền được giải trí của người dân. Mà thưa ông, nói cho đúng, du nhập vào Việt Nam thoạt tiên dưới dạng trong veo, giờ nó trở nên càng ngày càng phức tạp như ông nói, thì đó không phải cũng là từ cái tội quản lý kém của ông sao?
    Cuối cùng, tôi cũng phải thưa với ông: tôi là một phần tử "phức tạp".
    Tôi không tốt hẳn mà cũng không xấu hẳn. Tôi có thể phạm nhiều tội, nhưng tôi chưa phạm tội. Thỉnh thoảng tôi cũng có "diễn biến phức tạp" nhưng nghĩ đến luật pháp, tôi vội dừng lại ngay.
    Cho đến nay, tôi vẫn sống vui vẻ cùng gia đình. Thật là nhờ Trời, nhờ quản lý!
    --------------------------------------------------------------------------------
    [1] Bài phỏng vấn ông Lê Anh Tuyến, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Văn hóa - Thông tin, báo Thanh Niên, ngày 24. 02. 2004
    [2] Theo báo Tuổi Trẻ, ngày 24. 2. 2004
  9. nhl81

    nhl81 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/09/2005
    Bài viết:
    445
    Đã được thích:
    0
    Gửi Đoàn của tôi
    Thảo Hảo
    ******​
    Thưa Ðoàn, (Mà cụ thể là thưa anh - cái người vẫn hay soạn báo cáo cho Trung Ương Ðoàn)
    Ðầu tiên, tôi xin đố anh, lá thư này là của ai:
    "Từ tháng 11 năm 1924, tôi được Ban phương Ðông và Ðảng Cộng sản Pháp phái đến Quảng Châu để làm việc cho Ðông Dương. ... Mặc dù thiếu thời gian và tiền, nhờ sự giúp đỡ của các đồng chí người Nga và An Nam, chúng tôi đã có thể: Ðưa 75 thanh niên An Nam đến học ở trường Tuyên truyền do chúng tôi tổ chức ở Quảng Châu, Xuất bản 3 tờ tuần báo nhỏ, Phái những người tuyên truyền vừa mới được đào tạo về Xiêm, Trung Kỳ, Bắc Kỳ và Nam Kỳ, Thành lập một liên đoàn cách mạng do một ủy ban gồm 5 ủy viên ở Quảng Châu lãnh đạo, liên đoàn đã bắt rễ khắp nơi trong tất cả các xứ Ðông Dương đó. ..."(*)
    Thôi để nói luôn, cái thư này cũng là bản báo cáo của một thanh niên gửi cho tổ chức. Thanh niên đó là Nguyễn Ái Quốc. Và tổ chức đó là Ban Phương Ðông Quốc tế Cộng Sản. Bức thư viết vào tháng 6 năm 1927. Chừng đó công việc, viết ra và đọc lên nghe đơn giản, nhưng toàn là những việc lớn và cốt tử. Thí dụ, ở mục (1), cái trường Tuyên truyền được nêu rất vắn tắt với 75 học viên đó, lại chính là chậu ươm của Ðảng Cộng sản Việt Nam; Và Ðảng, qua năm tháng, ai cũng biết, có thêm cánh tay phải là Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
    77 năm sau, "cánh tay phải" đã phải dùng tới 8 trang báo Thanh niên (số ra ngày 18.9.02), đặc kín chữ, chỉ để đăng cái dự thảo báo cáo công tác của mình trong nhiệm kỳ vừa qua và phương hướng sắp tới. Và cái người soạn bài báo cáo này cho Ðoàn chính là anh đấy, người thư ký nhiều chữ ạ.
    Bản dự thảo Báo cáo này có một cái tên dài: "Phát huy truyền thống vẻ vang, tuổi trẻ Việt Nam thi đua học tập, rèn luyện, lao động sáng tạo, xung kích, tình nguyện xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa". Tôi nói thật, nếu một ngày kia, một đoàn viên bình thường trong 4 triệu đoàn viên trong cả nước, tự nhiên muốn biết, từ năm 1997 đến 2002, thanh niên cả nước đã làm được gì và sắp tới sẽ phải làm gì; thì anh ta sẽ phải đọc theo kiểu "dũng sĩ", nghĩa là kiên trì vượt qua bao nhiêu cửa ải của những câu choang choang trong báo cáo của anh, đã nghe mãi, nghe mãi, trong (gần như) mọi văn kiện, ở (gần như) mọi đại hội thanh niên, sực nức từ kép Hán Việt.
    Thí dụ, nói về nhiệm vụ thời đại của thanh niên Việt Nam, anh viết: "... ra sức thi đua học tập, rèn luyện, vươn lên nắm vững khoa học, kỹ thuật, công nghệ, thi đua lao động sáng tạo, xung kích, tình nguyện tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn quốc phòng, an ninh, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước."
    Còn báo cáo về công tác giáo dục của Ðoàn: "... được tập trung chỉ đạo và thu được những kết quả quan trọng, nhất là sự chuyển biến tích cực trong giáo dục chính trị, tư tưởng; lực lượng làm công tác tư tưởng được tăng cường; cơ chế, nguồn lực phục vụ công tác tư tưởng, văn hóa được tập trung đầu tư hơn, góp phần nâng cao nhận thức chính trị, củng cố niềm tin, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ."
    Thưa anh, chỉ cần đọc bản Dự thảo Báo cáo của Ðoàn mà anh viết là biết ngay anh đang sống trong thời bình. Vì chỉ có thời bình thì người ta mới dám dùng nhiều chữ chung chung một cách xa xỉ như thế. Những chữ ấy, anh vặn lại tôi, sai chỗ nào nào, thì tôi thua, vì thật ra chúng chẳng có gì sai cả; nhưng mà anh viết báo cáo thì chắc anh cũng biết, chữ càng to thì càng che mất những việc làm cụ thể mà Ðoàn đã làm được những năm qua. Người ta thấy anh "bình" nhiều hơn "báo". Cứ báo cáo được một dòng thì anh lại bình (có khi) đến cả một cột. Ngay cả phong trào "Thanh niên tình nguyện" để tự nhiên đã đẹp đến thế, anh vẫn còn không tự tin mà vẫn phải ca ngợi nó lên đến mức sáo rỗng: "Màu áo xanh tình nguyện không chỉ thể hiện sự thống nhất về tổ chức, mà còn in đậm trong lòng xã hội về hình ảnh đẹp của người thanh niên Việt Nam tình nguyện, xung kích, sáng tạo trong kinh tế thị trường."
    Quay lại bản báo cáo của thanh niên Nguyễn Ái Quốc ở đầu bài. Chừng đó công việc, nếu giao cho anh - người soạn báo cáo cho Ðoàn vào những năm 2000, thì chắc đã phải kín 16 trang báo, mà vẫn không biết ai làm được việc nào, việc đã đi cụ thể tới đâu; trong khi Nguyễn Ái Quốc chỉ có 4 cái gạch đầu dòng mà cách mạng vẫn phát triển.
    Tôi cũng như anh thôi, tôi làm việc trong một cơ quan Ðoàn. Ðoàn của anh và của tôi mang tên Bác - Người mà mở đầu một cuốn sách mà tôi rất thích - Ðường Kách Mệnh - gồm những bài học dành cho 75 học viên thanh niên cộng sản của mình, đã viết: "... nói việc gì thì nói rất giản tiện, mau mắn, chắc như 2 lần 2 là 4, không tô vẽ trang hoàng gì cả." (Quả có vậy, cái cuốn Ðường Kách Mệnh ấy, nếu Bác mà viết theo văn phong của bản dự thảo báo cáo của BCH TƯ Ðoàn mới đăng trên báo vừa rồi, thì chắc chắn 75 hạt giống cách mạng đầu tiên trong lớp học ở Quảng Châu đã chịu, không hiểu nổi, thậm chí mật thám Ðông Dương có bắt được tài liệu cũng khó lòng mà đọc cho hết được.)
    Chúng ta vẫn cứ nói là phải học tập Bác, nhưng chuyện đơn giản nhất, là viết cho gần quần chúng, nói cho quần chúng hiểu, thật vắn tắt, thật cụ thể, thì hình như chúng ta ít làm theo.
    Thế đấy, thưa đồng chí soạn văn bản cho Ðoàn. Cứ (viết báo cáo theo) cái đà này, thì càng ngày Ðoàn sẽ càng xa dần; để đến cái bản báo cáo công việc của đoàn viên cả nước không thôi, mà thanh niên bình thường, nếu không quen với từ ngữ hội nghị, cũng không len chân vào (hiểu) được. Từ 8 đoàn viên vào buổi sơ khai, cho đến nay số đoàn viên đã hơn 4 triệu. Vâng, nhưng đâu phải vì thế mà số chữ (cũng như sự cầu kỳ về chữ) trong báo cáo cũng phải tăng theo mức độ đó? Và cái công việc mà Ðoàn chúng ta làm vào thời bình chẳng lẽ vất vả hơn cái thời sơ khai trứng nước đến thế sao? Hay chỉ vì thời bình thì chúng ta rảnh rỗi hơn, có nhiều thì giờ hơn, cả cho người soạn báo cáo lẫn cho những người ngồi suốt những ngày hội nghị chỉ để nghe và thảo luận báo cáo?
    (*) Hồ Chí Minh Toàn Tập - tập 2, NXB Chính trị Quốc gia, trang 241
    (Thể Thao-Văn Hoá, 04.10.2002)
  10. nhl81

    nhl81 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/09/2005
    Bài viết:
    445
    Đã được thích:
    0
    Hàng không có biết thương dân
    Thảo Hảo
    ******​
    1. Có lần tôi đi đón người ở nước ngoài về. Sân bay Tân Sơn Nhất đã khác trước nhiều, giờ có thêm hẳn một hành lang dài để thân nhân có chỗ mà bám vào chờ đợi. Hành lang này che mái hẹp, hai bên thừa ra một tí chẳng đủ che nắng cho những người đứng đợi (đã nhiều giờ). Tôi dám lấy đầu mình ra mà cá độ, là bất kỳ ai đứng đợi ở đó từ một tiếng trở lên (ấy là tôi cẩn thận) đều nảy ra ý nghĩ: ?oSao người ta không làm cái mái che rộng ra một tí??
    Những nhân viên hàng không đi đi lại lại trong khu vực có mái che, cổ đeo thẻ, tay có khi cầm máy bộ đàm, nhìn ra đám người đứng chen chúc hai bên lan can một cách thờ ơ. Tôi đứng đó mà nghĩ, nếu mình là con của anh nhân viên kia nhỉ, thể nào anh cũng quát, ai cho mày đứng ngoài nắng thế kia, vào ngay. Nhưng tôi không phải là con anh, tôi là ?ocon đỏ?, nên đến khoảng 12h trưa thì người tôi đã gây gây sốt như cảm nắng.
    Ðọc đến đây, bạn sẽ mắng: ?oÐồ ngốc! Ai bảo đợi cho lâu, đến giờ máy bay xuống hẵng ra đón!?
    Nhưng máy bay, ai đã đi thì biết, nhiều khi còn sai hẹn hơn bồ. Vả lại, xuống máy bay là một giờ, làm thủ tục xong để ra được đến nơi, lại là những giờ khác. Cả chỗ đợi chỉ có một màn hình duy nhất treo trên cao, cỡ cái T.V 21 inches, mà người biết tiếng Anh để mà diễn giải thì cũng khó đọc ra, còn người không biết diễn giải thì là đa số. Cái màn hình này lại chỉ có một mặt, đặt trường hợp bạn đã bám được vào một chỗ ?ongon? ở cái hàng rào rồi, phía sau lưng màn hình, tôi đố bạn dám buông ra để chạy tới đọc các thông số trên màn hình phía trước. Ðâm ra màn hình gần như vô dụng.
    ... Không biết máy bay đến chưa, có trễ không, hành khách đang ở trong giai đoạn nào (làm thủ tục nhập cảnh? Lấy hành lý?...), đám người đứng ngoài không ai dám rời chỗ của mình để đi uống nước hay tìm một bóng mát mà ngồi. Một trong những cái ác nhất đối với dân, theo tôi, là cái việc không thông tin đầy đủ, dẫn đến lo lắng không cần thiết. Nhiều khi, chỉ cần thêm một màn hình và một cái loa, cứ 15 phút, nửa giờ lại thông báo những thông tin cho đám người mệt mỏi ngoài kia biết được để mà thêm sức đợi. Việc này, tôi nghĩ nào có khó. Khi làm trễ chuyến bay, hàng không ta vẫn ra rả đọc những lời xin lỗi (bằng tiếng Việt lẫn Anh) suốt được cơ mà! Hàng không Việt Nam ơi! Cứ cử người ra đứng bám cái hành lang này một ngày thì mới biết thương dân. Thương dân thì sẽ thấy được cái khối người bám ngoài hành lang kia mặt mày xám ngoét, gần như không có ai cười, vì nắng, vì nóng, vì lo. Có thương dân thì mới biết dân mình trình độ mới tới đâu và nhận ra những điểm thiếu tính (thương) người trong cách phục vụ của ta, mới không để họ ở một nơi hiện đại, bay bổng nhất lại như một bầy, một lũ nhốn nháo và thiếu thông tin như thế.
    2. Thỉnh thoảng, chúng ta được xem những clip quảng cáo cho ngành hàng không: một cánh diều thơ mộng, một cành đào, một tiếp viên hiền hòa cười nhẫn nại, một đường băng, và một cánh bay...
    Sự đẹp đẽ như thế chắc chỉ có ở ... trên trời, và có lẽ chúng ta chỉ là ?oThượng đế? khi đã ?othắt dây an toàn, dựng lưng ghế thẳng đứng và cài bàn ăn phía trước?? Còn khi ở trên mặt đất, dù ngay trong lãnh thổ của Hàng không, thì chúng ta vẫn chỉ là ?odân?? Tôi nhớ, cũng ở sân bay Tân Sơn Nhất, khách bay nước ngoài đã vô cùng bực bội trước băng chuyền lấy hành lý ở ga quốc ngoại: chỉ có một băng chuyền, thế là nhân viên hàng không bèn dỡ hành lý xuống, chất đầy trên nền, để sau mười mấy tiếng bay, hành khách giờ lại phải hì hục vào kiếm tìm, khuân khuân, vác vác. Hay như Nội Bài mới là đẹp thế, lớn thế, mà từ máy bay ra, hành khách lại phải đi một con đường dài đằng đẵng, với bao nhiêu là túi xách lỉnh kỉnh (theo thói của chúng ta)...
    Ôi! Những sự vất vả lúc còn dưới mặt đất... Thật là trái ngược với lúc ở trong thân tàu bay, cơm được bưng và nước được rót, chẳng cần động đến tí chân tay!
    (Thể thao-Văn hoá 2002)

Chia sẻ trang này